ĐIỂM TIN THÁNG 12.2024
Thực hiện: Vp. Truyền thông
TIN GIÁO PHẬN MỸ THO
1. Thánh lễ Tạ ơn Đặt Viên Đá đầu tiên xây dựng Nhà thờ Cả Ràng
Bài viết và hình: Dom Xuân
Ban Truyền thông hạt Tân An
(WGPMT) Vào lúc 09g30 thứ Năm, ngày 05.12.2024, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho đã chủ tế Thánh lễ Tạ ơn Đặt Viên Đá đầu tiên xây dựng Nhà thờ Cả Ràng.
Nhà thờ Giáo xứ Cả Ràng nằm ở ấp 1, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, cách quốc lộ 62 chừng 3 cây số và nằm cặp bờ sông Vàm Cỏ Tây. Giáo xứ Cả Ràng hiện có khoảng 300 giáo dân, đời sống còn khó khăn. Bước ngoặt lịch sử của Giáo xứ Cả Ràng được đánh dấu từ ngày 09.02.2021, khi Đức Cha Phêrô ra Văn thư thành lập giáo xứ, đến ngày 21.05.2023 phê duyệt bản quy hoạch giáo xứ và đồng ý cho xây dựng Nhà thờ Cả Ràng. Và hôm nay, ngày 05.12.2024 Đức Cha Phêrô đã chủ tế Thánh lễ Tạ ơn Đặt Viên Đá đầu tiên xây dựng Nhà thờ Cả Ràng.
Đồng tế trong Thánh lễ có cha Phêrô Đặng Văn Đâu – Cha sở Giáo xứ Cả Ràng, quý cha trong giáo phận. Tham dự thánh lễ có quý tu sĩ nam nữ, quý khách mời nhiều nơi, đặc biệt đông đảo quý bà con giáo dân Giáo xứ Tân Đông và Cả Ràng.
Mở đầu Thánh lễ, Đức cha Phêrô đã gửi tới cộng đoàn hiện diện lời chào và chúc mừng giáo xứ nhân ngày vui trọng đại. Đồng thời, ngài mời gọi cộng đoàn cùng hiệp thông với nhau trong công việc nhà Chúa, để ngôi nhà thờ mới sớm được hoàn thành, trở thành nơi Thiên Chúa ngự, và là nơi cộng đoàn tín hữu quy tụ để ngợi ca tôn vinh Chúa.
Trong bài giảng lễ, Đức Cha mong muốn mọi người trở nên giàu tình thương, giàu lòng nhân ái, giàu đức tin. Bởi vì, Ngôi nhà Thiên Chúa không chỉ xây dựng bằng gỗ đá vật chất nhìn thấy được, nhưng còn xây dựng bằng những tâm hồn thánh thiện, những viên đá sống động là mỗi người, như lời thánh Phaolô đã nói: “Anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong đền thờ ấy” (1Cr 6,9). Do đó, cùng với sự kiện cử hành Thánh lễ Đặt Viên Đá đầu tiên xây dựng nhà thờ mới, chúng ta được mời gọi tiếp tục đắp xây những viên đá khác: viên đá của yêu thương, của tình hiệp thông liên đới giữa mọi vùng miền, giữa những người đồng đạo, giữa những người không cùng chia sẻ niềm tin, giữa những người khác quan điểm sống với chúng ta. Viên đá mà hôm nay chúng ta xây dựng đền thờ Thiên Chúa là viên đá của thứ tha, của yêu thương, của chia sẻ, của tình tương thân tương ái.
Sau bài giảng, Đức Cha cử hành nghi thức làm phép phần đất xây dựng và làm phép viên đá đầu tiên của ngôi nhà thờ mới.
Trước khi kết thúc thánh lễ, Cha sở Phêrô có lời tri ân đến Đức Cha, quý cha đồng tế, và cám ơn quý ân nhân xa gần có mặt ở đây cũng như qua các phương tiện truyền thông đã đóng góp cho Nhà thờ Cả Ràng có được như ngày hôm nay. Đồng thời, cha sở cũng dâng lên Đức Cha lẵng hoa tươi thắm để tỏ lòng tri ân và kính mến.
Thánh lễ kết thúc lúc 10g45, sau đó Đức Cha cùng chụp hình lưu niệm với quý cha.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/thanh-le-ta-on-dat-vien-da-dau-tien-xay-dung-nha-tho-ca-rang-42154.html
2. Giáo hạt Mỹ Tho: Đêm thánh ca Giáng Sinh
Bài viết và hình ảnh: Anna Thuỳ Dương
Ban Truyền thông hạt Mỹ Tho
(WGPMT) Vào lúc 07h00 ngày 05.12.2024 diễn ra đêm thánh ca Giáng Sinh tại Giáo xứ Thủ Ngữ (GXTN) với sự góp mặt của các ca viên đến từ các ca đoàn giáo xứ trong hạt Mỹ tho.
Hằng năm, như một truyền thống tốt đẹp để đón mừng Chúa Giáng Sinh. Hạt Mỹ Tho tổ chức đêm thánh ca với chủ đề: “NGÔI LỜI ĐÃ LÀM NGƯỜI” để cùng nhau dâng lời ca tiếng hát, ca ngợi, tôn vinh, chúc tụng Thiên Chúa và Mẹ Maria. Năm nay được sự thống nhất của quý cha trong ban tổ chức, GXTN được chọn làm địa điểm tổ chức. Hiện diện trong đêm thánh ca có Cha Phaolô Trần Kỳ Minh – Tổng Đại Diện Giáo phận Mỹ Tho, Cha Giacôbê Hà Văn Xung - Hạt trưởng hạt Mỹ Tho, Cha Phanxicô Xaviê Trương Quý Vinh - Cha sở Giáo xứ Thủ Ngữ, Cha Phêrô Nguyễn Hoàng Anh – Trưởng ban thánh nhạc hạt Mỹ Tho, cùng quý cha , quý soeurs, quý thầy, các ca sĩ khách mời, các ban nhạc, và đặc biệt là thành viên các ca đoàn đến từ các Giáo Xứ: Chánh Toà, Nữ Vương Hoà Bình, Tân Phước Gò Công, Phaolo Bà Từ, An Đức, Rạch Cầu, Giuse Gò Công, Bình Tạo, Cồn Bà, Thủ Ngữ, Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho, cùng đông đảo giáo dân tham dự.
Trước khi bắt đầu chương trình, Cha hạt trưởng Giacôbê Hà Văn Xung có đôi lời với cộng đoàn “Dù cuộc sống chúng ta có muôn ngàn khó khăn đau khổ và những vấp ngã, nhưng chúng ta vẫn sống một mùa vọng thật ý nghĩa, đồng thời cùng bước đi trong tin yêu và đón nhận đấng Emmanuel đến với nhận loại mang lại niềm vui cho tất cả mọi người” và bài Mashup: Hãy chiếu soi lửa hồng - Thánh Thần Hãy Đến do Ca đoàn thiếu nhi – Giáo xứ Nữ Vương Hoà Bình được hát vang chính thức mở màn đêm thánh ca. Được biết, chương trình đêm thánh ca gồm 2 phần: Phần 1: Mùa Vọng và Phần 2: Giáng Sinh.
Mặc dù trời cũng về khuya nhưng nét vui tươi, rạng rỡ vẫn hiện rõ trên khuôn mặt của mọi người có mặt trong buổi tối đêm nay. Khi được hỏi cảm nhận về đêm thánh ca Giáng Sinh năm nay, bạn Maria Phương Quỳnh- Ca đoàn Giáo xứ Rạch Cầu cho biết "Đêm thánh ca Giáng Sinh năm nay thật đặc biệt. Em rất vui và hồi hộp, cảm thấy rất hạnh phúc và may mắn khi được góp mặt trong đêm thánh ca này". Chị Rosa Yến Thanh - Ca đoàn Giáo xứ An Đức khi nói về vai trò của ca đoàn trong việc truyền tải không khí Giáng Sinh đến mọi người “Ca đoàn có vai trò rất quan trọng trong việc mang đến không khí Giáng Sinh, hát là cầu nguyện hai lần. Qua mỗi bài hát, tiếng hát góp phần giới thiệu được Chúa, ngày lễ Giáng Sinh đến mọi người, mà còn truyền tải cảm xúc, giúp cộng đoàn cảm nhận sâu sắc hơn về ý nghĩa của mùa lễ này”.
Cũng trong đêm thánh ca, khi được trò chuyện với Cha Phêrô Nguyễn Hoàng Anh – Trưởng ban Thánh nhạc hạt Mỹ Tho, cha chia sẻ mục đích đêm Thánh Ca “Như một đêm canh thức trong mùa Vọng để dọn lòng đón Chúa, là một truyền thống để khích lệ tinh thần các giáo xứ cùng cộng tác, tham gia sứ vụ loan báo Tin Mừng và yếu tố quyết định sự thành công của chương trình là sự cố gắng chuẩn bị âm thanh, ánh sáng, sự thể hiện của các ca đoàn đều nổ lực hết mình, khách tham dự khá đông và hưởng ứng rất nhiệt tình.”
Đêm thánh ca diễn ra vỏn vẹn hơn hai giờ đồng hồ, nhưng cũng để lại trong lòng mọi người sự bình an và hy vọng, là khoảnh khắc để mọi người tạm gác lại những bộn bề cuộc sống, lắng nghe âm nhạc của niềm vui và lan tỏa tinh thần Giáng Sinh yêu thương đến mọi người.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/giao-hat-my-tho-dem-thanh-ca-giang-sinh-42155.html
3. Hành hương kính Các Thánh Tử Đạo và kính Lòng Thương Xót Chúa
Bài viết, hình: Hoài Bão
BTT Gp. Mỹ Tho
(WGPMT) Chiều ngày 06.12.2024, có khoảng 500 giáo dân hạt Cù Lao Tây và 170 thành viên ban Bác ái Xã hội - Caritas Mỹ Tho (BAXH) hành hương kính các thánh tử đạo tại Trung tâm Hành hương (TTHH) Ba Giồng và kính Lòng Thương Xót Chúa tại Trung tâm Mục vụ (TTMV) Giáo phận Mỹ Tho.
Để góp phần xây dựng một nền "Văn minh tình thương", trong đó mỗi người có quyền sống xứng đáng, BAXH - Caritas Mỹ Tho có nhiệm vụ làm cầu nối thực hiện việc toả sáng đức ái Kitô giáo qua các hoạt động cụ thể: y tế, sức khoẻ cộng đồng, giáo dục, hướng nghiệp cho những người khó khăn và khuyết tật. Để công việc phục vụ bác ái ngày lan rộng và phát triển đúng theo tinh thần và đường hướng Giáo hội, cha Gioan Baotixita Nguyễn Tấn Sang – Trưởng ban BAXH Giáo phận Mỹ Tho đã tổ chức khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho thành viên Caritas thuộc các giáo xứ. Được biết, khoá tập huấn này diễn ra từ ngày 04.12.2024 đến ngày 06.12.2024 tại TTMV Giáo phận Mỹ Tho có sự tham gia của thầy Bùi Minh Trí và cô Lê Trúc Linh hướng dẫn các động tác Diện chẩn và 170 thành viên ban Bác ái Xã hội đến từ các giáo xứ trong giáo phận.
Cũng trong dịp này, vào lúc 14g00 ngày 06.09.2024, giáo dân hạt Cù Lao Tây và các thành viên BAXH trong Giáo phận Mỹ Tho đã đến TTHH Ba Giồng để kính viếng Cha thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu và các thánh tử đạo Việt Nam. Mọi người tham dự theo sự hướng dẫn của cha Phaolô Hồ Tấn Nghiệp – Phó ban BAXH, cùng cung nghinh và thắp hương Cha thánh Phêrô và các thánh tử đạo. Sau khi kính viếng các thánh tử đạo xong, cha Phaolô hướng dẫn cho mọi người hiểu rõ về Năm Thánh 2025 và ý nghĩa của việc đi hành hương “hành hương là để nhận lời hứa của Thiên Chúa, để hoán cải, khát vọng gặp được Chúa Kitô và tâm tình khao khát sự sống đời đời”. Sau đó, cộng đoàn di chuyển đến TTMV để kính Lòng Thương Xót Chúa.
Tại lễ đài kính Lòng Thương Xót Chúa, lúc 16g15 chị Anna Nguyễn Thị Tâm hướng dẫn mọi người lần chuỗi và hát kính Đức Mẹ. Tiếp đến, thánh lễ được diễn ra lúc 17g00 do Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho chủ sự. Đồng tế với ngài có cha Tổng Đại diện Phaolô Trần Kỳ Minh, cha Inhaxiô Võ Viết Chuyên – Hạt trưởng Hạt Cù Lao Tây, cha Gioan Baotixita Nguyễn Tấn Sang và 22 cha trong giáo phận. Tham dự trong thánh lễ còn có quý tu sĩ nam nữ, quý thành viên BAXH và giáo dân trong giáo phận.
Trước khi kết thúc thánh lễ, Đức Cha bày tỏ niềm vui khi thấy sự hiện diện đông đảo của giáo dân Hạt Cù Lao Tây cùng các anh chị em BAXH. Ngài cũng chúc mừng các thành viên BAXH hoàn thành khóa học.
Thánh lễ kết thúc lúc 18g00, giáo dân Hạt Cù Lao Tây và các thành viên BAXH ra về trong bình an.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/hanh-huong-kinh-cac-thanh-tu-dao-va-kinh-long-thuong-xot-chua-42163.html
4. Thánh lễ Tạ ơn: 70 năm thành lập giáo xứ và 20 năm cung hiến nhà thờ
Bài viết: Kim Anh
Hình: Hoài Bão
BTT hạt Cái Bè
(WGPMT) Ngày 12.12.2024 Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho dâng Thánh lễ Tạ ơn tại Nhà thờ Tín Đức nhân dịp mừng 70 năm thành lập giáo xứ và 20 năm cung hiến nhà thờ.
Đồng tế với Đức Cha có cha Phaolô Phạm Minh Thanh – Cha sở Giáo xứ Tín Đức và hơn 50 cha trong hai hạt Cái Bè và Mỹ Tho. Hiệp dâng thánh lễ có đông đảo quý tu sĩ nam nữ, quý ân nhân, quý khách và bà con giáo dân trong giáo xứ.
Giáo xứ Tín Đức được hình thành vào năm 1954, bởi một số giáo dân xứ Tín Thuận (Miền Bắc) cùng với cha cố Gioan Phạm Quang Kính đến định cư lập nghiệp trên vùng đất này. Được sự điều động của cha cố Gioan, mọi người giáo dân tích cực khai hoang, san bằng mương rãnh, và làm lên ngôi nhà thờ tạm bằng vật liệu thô sơ: cây, tre, lá… Đến năm 1968 cha cố Gioan đã cho khởi công xây dựng nhà thờ khá khang trang. Nhưng do hoàn cảnh, nền móng nhà thờ được đóng cừ bằng tre gai và độn vỏ dừa nên cũng đã nhiều lần sửa chữa nhưng theo thời gian vẫn không bảo đảm an toàn cho bà con giáo dân khi tham dự thánh lễ.
Ngày 01.01.2002 Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc (khi đó là Giám mục Giáo phận Mỹ Tho) cho phép cha Giuse Phạm Thanh Minh xây dựng lại ngôi nhà thờ mới và lễ đặt viên đá đầu tiên ngày 07.11.2002 đến ngày 09.12.2004 Nhà thờ Tín Đức được cung hiến do Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc chủ sự.
Theo thời gian gần 20 năm, nhà thờ cũng xuống cấp, cha Phaolô Phạm Minh Thanh đã cho trùng tu lại một số hạng mục: sơn vách tường, la phông, mái tôn, sơn PU lại tất cả các cửa, bàn ghế, … Sau 4 tháng trùng tu, ngôi nhà thờ trở nên khang trang, sạch đẹp hơn, bà con giáo dân tham dự thánh lễ tích cực hơn.
Vào lúc 09g30 tiếng chuông của Nhà thờ Tín Đức vang lên, đông đảo bà con giáo dân xếp thành hai hàng từ cổng nhà thờ chào đón Đức Cha, quý Cha cùng toàn thể quý khách đến tham dự Thánh lễ Tạ ơn kỷ niệm 70 năm thành lập giáo xứ và 20 năm cung hiến nhà thờ.
Trước thánh lễ, Đức Cha có lời chào và chúc mừng giáo xứ nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập giáo xứ và 20 năm cung hiến nhà thờ.
Cuối Thánh lễ, Bà Têrêsa Phạm Thị Ngọc Thảo – Chủ tịch Hội đồng Mục vụ Giáo xứ có lời tri ân Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ, quý ân nhân, quý khách cùng toàn thể bà con giáo dân đã hoà chung niềm vui dâng lời tạ ơn Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện cũng như góp công sức tiền của để hôm nay có được ngôi nhà thờ khang trang, rộng rãi. Bà cũng nói lời cảm ơn cha sở Phaolô đã hy sinh trùng tu nhà thờ, sửa chữa, xây dựng nhiều cơ sở vật chất trong giáo xứ, giúp cho từng người giáo dân được đến với Chúa và đến với nhau trong niềm tin và lòng mến.
Thánh lễ kết thúc lúc 10g50, Đức Cha và quý cha cùng chụp hình lưu niệm tại cung thánh.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/thanh-le-ta-on-70-nam-thanh-lap-giao-xu-va-20-nam-cung-hien-nha-tho-42201.html
5. Giáo xứ Tân An chia sẻ niềm vui Giáng Sinh đến cho người nghèo
Bài viết: Marcel Phương
Hình: Phaolô Vũ
BTT hạt Tân An
(WGPMT) Sáng Chúa Nhật, 15.12.2024, vào lúc 08g30 tại Nhà xứ Giáo xứ Tân An - Giáo hạt Tân An, Cha phó Giuse Nguyễn Đặng Khánh Nhựt thay mặt Cha sở Giuse Nguyễn Văn Nhạn trao tặng 150 phần quà mừng Chúa Giáng Sinh cho những người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn trong giáo xứ.
Mỗi phần quà là một túi gạo ngon 10kg và một phong bì hai trăm ngàn đồng. Đây là hoạt động rất ý nghĩa và diễn ra liên tục trong nhiều năm qua tại Giáo xứ Tân An. Những phần quà bé nhỏ nhằm giúp cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xứ đạo được tận hưởng niềm vui mừng Đại lễ Giáng Sinh và đó cũng là những phần quà chất chứa biết bao ân tình qua sự chia sẻ, đóng góp của mọi người trong giáo xứ.
Thật vậy, Giáo xứ Tân An – Hạt Tân An không chỉ là nơi nương tựa của các gia đình nghèo trong xứ đạo, bất kể là lương hay giáo khi mỗi dịp lễ Giáng Sinh và đón tết cổ truyền dân tộc. Nhưng đây còn là một địa chỉ của tình thương mà được các bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Long An biết đến trong hơn 02 năm qua, mỗi thứ sáu hàng tuần đều có những phần cơm thơm, ngon và dinh dưỡng do các anh chị trong xứ đạo mang đến cho các bệnh nhân.
Ước mong niềm vui Giáng Sinh sẽ luôn ở mãi trong tâm hồn mỗi người, khi chúng ta sống yêu thương, sẻ chia và nhân rộng niềm vui ấy đến cho tất cả mọi người.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/giao-xu-tan-an-chia-se-niem-vui-giang-sinh-den-cho-nguoi-ngheo-42213.html
6. Chia sẻ niềm vui Giáng sinh đến người nghèo và các em thiếu nhi
Bài viết: Phêrô Thanh Dũng
BTT hạt Đức Hoà
(WGPMT) Sáng Chúa Nhật, 15.12.2024, lúc 06g30, Giáo xứ Lương Hòa Hạ - Giáo hạt Đức Hòa, quý dì dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Hội đồng Mục vụ Giáo xứ đã trao 60 phần quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn và 200 phần quà cho các em thiếu nhi.
Trước khi trao quà, cha Phêrô Nguyễn Ngọc Long – Cha sở Giáo xứ Lương Hoà Hạ có đôi lời chia sẻ đến ông bà anh chị em “Chúa Hài Đồng chính là món quà vô giá mà Thiên Chúa trao ban cho nhân loại. Ngày nay, Thiên Chúa tiếp tục thể hiện tình yêu thương con người qua sự phục vụ của quý dì và tất cả ân nhân; cha gởi lời cám ơn quý dì, các ân nhân đã gởi những món quà nhân dịp mừng Chúa Giáng Sinh”.
Được biết, 60 phần quà cho các gia đình gồm có: dầu ăn, nước mắm, đường, hạt nêm, mì gói, nước rửa chén, nước tương, muối, xà phòng, quần áo và 200 phần quà cho các em thiếu nhi là 1 bộ quần áo và nhu yếu phẩm.
Những phần quà tuy nhỏ bé, nhưng thắm đượm tình thương được gửi đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và các em thiếu nhi bất kể lương hay giáo đã mang lại niềm vui và sự an lành của ngày Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/chia-se-niem-vui-giang-sinh-den-nguoi-ngheo-va-cac-em-thieu-nhi-42229.html
7. Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang chúc mừng Giáng Sinh 2024
Bài viết, hình: Hoài Bão
Ban Truyền thông Giáo phận
(WGPMT) Sáng ngày 18.12.2024 Cha Phaolô Trần Kỳ Minh - Tổng Đại diện (TĐD) Giáo phận Mỹ Tho đã tiếp đoàn Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đến thăm và chúc mừng Giáng Sinh tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận
Vào lúc 09g00 sáng 18.12.2024, cha TĐD Phaolô Trần Kỳ Minh và cha Phêrô Nguyễn Thanh Hùng đã tiếp phái đoàn Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang do ông Phan Văn Trảng - Phó Giám đốc Công an tỉnh làm trưởng đoàn, đã đến thăm và chúc mừng Giáng Sinh 2024 tại Văn phòng Trung tâm Mục vụ Giáo phận Mỹ Tho. Cùng đi với đoàn còn có ông Lê Văn Mạnh - Phó trưởng phòng An ninh Nội địa Công an tỉnh và các thành viên trong đoàn.
Trong dịp này, ông Phan Văn Trảng đã có lời thăm hỏi sức khỏe và gửi lời chúc mừng Giáng Sinh tốt đẹp, an vui đến với quý cha và bà con giáo dân trong Giáo phận.
Tại buổi tiếp chuyện, Cha TĐD Phaolô chân thành cảm ơn những tình cảm, lời chúc tốt đẹp của Ban Giám đốc Công an tỉnh đã dành cho Giáo phận. Nhân dịp này, cha cũng gửi lời chúc mừng Giáng Sinh đến Ban Giám đốc Công an tỉnh, các thành viên cùng gia đình có mùa Giáng Sinh an lành và thành công trong cuộc sống.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/ban-giam-doc-cong-an-tinh-tien-giang-chuc-mung-giang-sinh-2024-42234.html
8. Lãnh đạo tỉnh Long An đến thăm và Chúc Mừng Giáng Sinh
Bài viết: Mary FX. Thúy Nga
Hình: Hoài Bão
BTT Giáo phận
(WGPMT) Ngày 18.12.2024, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho đã có buổi tiếp lãnh đạo tỉnh Long An nhân dịp đến thăm và chúc mừng Giáng sinh tại Tòa Giám Mục Mỹ Tho.
Trong không khí hân hoan chuẩn bị mừng Chúa Giáng sinh, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh Long An. Vào lúc 14g00, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm và quý cha đã đón tiếp đoàn lãnh đạo tỉnh Long An đến thăm và chúc mừng Giáng sinh do ông Phạm Tấn Hòa – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An làm trưởng đoàn.
Trong buổi trò chuyện, ông Phạm Tấn Hòa đã thông tin nhanh về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội và bày tỏ sự biết ơn về những đóng góp của Tòa Giám Mục, các linh mục và cộng đoàn giáo dân trong các công tác an sinh xã hội. Ông hy vọng sẽ tiếp tục đón nhận những đóng góp để cùng chung tay phát triển xã hội. Đồng thời, nhân dịp mừng Đại lễ Giáng Sinh, ông gửi lời chúc mừng Giáng sinh đến Đức Cha Phêrô, quý cha và cộng đoàn giáo dân trong Giáo phận.
Đáp từ, Đức cha đã bày tỏ niềm vui khi được các cấp lãnh đạo tỉnh Long An đã quan tâm luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các công tác mục vụ trên địa bàn tỉnh. Ngài gửi lời cám ơn và chúc mừng Giáng Sinh an lành, nhiều niềm vui đến quý lãnh đạo và gia đình.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/lanh-dao-tinh-long-an-den-tham-va-chuc-mung-giang-sinh-42235.html
9. Tòa Giám Mục Mỹ Tho: Tiếp đón các đoàn đến thăm và chúc mừng Giáng Sinh
Bài viết: Mary FX. Thúy Nga
Hình: Hoài Bão
BTT Giáo phận
(WGPMT) Ngày 19.12.2024, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang và Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đã đến thăm và chúc mừng Giáng sinh tại Tòa Giám mục Mỹ Tho.
Lúc 08g00, đại diện lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, do ông Đỗ Tấn Hùng – Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Tiền Giang làm trưởng đoàn và một số vị đã đến thăm và chúc mừng Giáng Sinh đến Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho, quý cha và cộng đoàn dân Chúa trong giáo phận
Trong buổi nói chuyện, ông Đỗ Tấn Hùng đã thông tin về tình hình kinh tế xã hội trong năm 2024 của tỉnh cũng như những định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2025. Ông cũng khẳng định những thành tựu kinh tế - xã hội đạt được trên địa bàn tỉnh cũng nhờ sự đóng góp tích cực của các linh mục, tu sĩ và bà con giáo dân. Đồng thời, nhân dịp Giáng Sinh về, ông chúc mừng Giáng Sinh an lành đến Đức Cha Phêrô, quý cha, quý tu sĩ và bà con giáo dân trong Giáo phận Mỹ Tho.
Cùng ngày, lúc 09g15 ông Nguyễn Văn Nhựt – Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang làm trưởng đoàn và một số vị đại diện cũng đã đến thăm và chúc mừng Giáng sinh Đức Cha Phêrô, quý cha, quý tu sĩ và giáo dân trong giáo phận. Nhân dịp này, Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đã thông tin nhanh về tình hình an ninh xã hội trong tỉnh Tiền Giang, cũng như cám ơn sự đóng góp của Toà Giám Mục và bà con giáo dân trong tỉnh. Đồng thời, ông tặng hoa, quà chúc mừng Giáng Sinh đến Đức Cha, quý cha và bà con giáo dân có một mùa Giáng Sinh an lành, hạnh phúc.
Đức Cha Phêrô bày tỏ niềm vui mừng đón tiếp các vị lãnh đạo tỉnh, Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đã quan tâm đến thăm và chúc mừng nhân dịp lễ Giáng Sinh. Đồng thời, ngài cũng gửi lời chúc mừng đến quý vị lãnh đạo tỉnh, Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang và gia đình nhiều sức khỏe, niềm vui và sự an lành của Chúa Giáng Sinh.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/toa-giam-muc-my-tho-tiep-don-cac-doan-den-tham-va-chuc-mung-giang-sinh-42239.html
10. Cha Tổng Đại diện tiếp lãnh đạo Thành phố Mỹ Tho đến thăm và chúc mừng Giáng Sinh
Bài viết: Mary FX. Thúy Nga
Hình: Hoài Bão
BTT Giáo phận
(WGPMT) Vào lúc 13g30, ngày 20.12.2024, cha Tổng Đại diện (TĐD) Phaolô Trần Kỳ Minh và quý cha tiếp đón lãnh đạo chính quyền Thành phố Mỹ Tho đến thăm và chúc mừng Giáng sinh tại Tòa Giám Mục Mỹ Tho.
“Xin ghi nhận những tình cảm, sự quan tâm của quý vị đối với chúng tôi nhân dịp Giáng sinh về…” Đó là tâm tình chia sẻ của cha TĐD khi tiếp đón các cấp lãnh đạo Thành phố Mỹ Tho do ông Trịnh Văn Lợi – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tp. Mỹ Tho làm trưởng đoàn và một số vị đại diện đã đến thăm, chúc mừng Giáng sinh tại Tòa Giám Mục. Đón tiếp đoàn có cha TĐD và quý cha.
Trong dịp này, ông Trịnh Văn Lợi đã có những lời chúc mừng Giáng sinh đến Đức cha, quý cha và cộng đoàn dân Chúa trong giáo phận. Đồng thời, ông cũng thông tin đến cha TĐD và quý cha về tình hình xã hội trong thành phố Mỹ Tho năm qua, cám ơn, ghi nhận về những đóng góp của Tòa Giám Mục, quý cha và cộng đoàn dân Chúa cho xã hội, nhất là sự quan tâm giúp đỡ những người nghèo khó, bệnh tật.
Đáp từ, cha TĐD bày tỏ niềm vui vì sự hiện diện, quan tâm của lãnh đạo Thành phố Mỹ Tho đã đến thăm và chúc mừng mừng Giáng sinh. Cha thay mặt Đức cha Phêrô, chân thành cám ơn những lời chúc tốt đẹp của các cấp lãnh đạo dành cho Đức cha, quý cha và Giáo phận Mỹ Tho. Cha cũng gửi lời chúc sức khỏe, bình an đến quý vị lãnh đạo và gia đình.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/cha-tong-dai-dien-tiep-lanh-dao-thanh-pho-my-tho-den-tham-va-chuc-mung-giang-sinh-42247.html
11. Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thăm và chúc mừng Giáng Sinh
Bài viết: Mary FX. Thúy Nga
Hình: Hoài Bão
BTT Giáo phận
(WGPMT) Ngày 21.12.2024, các cấp lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đến thăm và chúc mừng Giáng sinh Đức cha Phêrô và quý cha tại Tòa Giám Mục.
Vào lúc 09g30, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho và quý cha đã tiếp đón các cấp lãnh đạo chính quyền tỉnh Đồng Tháp do ông Đinh Văn Dũng – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp và một số vị đi cùng đến thăm và chúc Giáng sinh tại Tòa Giám mục.
Trong buổi găp gỡ, ông Đinh Văn Dũng đã gửi lời chúc mừng Giáng sinh đến Đức cha, quý cha và bà con giáo dân trong giáo phận. Song đó, nêu tình hình xã hội của tỉnh Đồng Tháp năm vừa qua. Ông nói: “Mặc dù tình hình có khó khăn nhưng tất cả công việc đều hoàn thành tốt, trong đó có sự đóng góp của người Công giáo cho địa phương, hy vọng sang năm mới 2025 tỉnh sẽ đạt được những mục tiêu mới,…”
Đức cha bày tỏ niềm vui khi được lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã đến thăm và mừng Giáng Sinh mặc dù khoảng cách địa lý xa. Ngài cám ơn những nhận xét tích cực về bà con Công giáo. Ngài sẽ khuyến khích giáo dân sống đạo tốt góp phần cho xã hội phát triển. Cuối cùng, Đức cha gửi lời chúc mừng Giáng sinh an lành đến quý vị lãnh đạo và gia đình.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/lanh-dao-tinh-dong-thap-tham-va-chuc-mung-giang-sinh-42251.html
12. Gx. Chánh Tòa làm phép ảnh tượng
Bài viết và hình: Hoài Bão
BTT Giáo phận
(WGPMT) Chiều thứ Bảy ngày 21.12.2024 Tại nhà thờ Chánh Toà Mỹ Tho, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho đã làm phép tượng Lòng Chúa Thương Xót, thánh Phêrô và thánh Phaolô tông đồ.
Sau thánh lễ chiều thứ Bảy ngày 21.12.2024, lúc 18 giờ 45 Đức Cha Phêrô đã chủ sự nghi thức làm phép tượng Lòng Chúa Thương Xót, thánh Phêrô và thánh Phaolô tông đồ. Tham dự nghi thức có sự hiện diện cha Giacôbê Hà Văn Xung – Cha sở Nhà thờ Chánh Tòa và cha phó Gioan Lâm Trọng Bổn, quý Sơ dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho, cùng đông đảo bà con giáo dân trong giáo xứ.
Trước Năm Thánh 2025, Giáo xứ Chánh Tòa đã đặt các tượng này ở tiền đường Nhà thờ để mời gọi các tín hữu chiêm ngắm hình ảnh của Lòng Chúa Thương Xót, với lời bảo đảm của Chúa Giêsu: “Thà rằng trời đất này có biến ra không, nhưng lòng thương xót của Ta luôn ấp ủ mọi linh hồn tín thác”. Hình ảnh của thánh Phêrô với lời tuyên xưng rằng “Lạy thầy, bỏ thầy chúng con biết theo ai vì Thầy có lời ban sự sống đời đời.” (Ga 6,68). Và thánh Phaolô, vị tông đồ dân ngoại: “không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta (Rm 8,39).
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/gx-chanh-toa-lam-phep-anh-tuong-42252.html
13. Ban Trị sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang đến thăm và Chúc mừng Giáng sinh
Bài viết và hình: Mary FX. Thúy Nga
BTT Giáo phận
(WGPMT) Chiều ngày 23.12.2024, Ban Trị sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang đã đến thăm và chúc mừng Giáng sinh tại Tòa Giám Mục Mỹ Tho.
Nhằm thắt chặt tình hữu nghị giữa hai tôn giáo, hòa cùng niềm vui mừng Chúa Giáng sinh, vào lúc 14g00, ngày 23.12.2024, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho và quý cha đón tiếp đại diện Ban Trị sự Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Tiền Giang do Thượng tọa Thích Quảng Lộc – Trưởng ban Trị sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang làm trưởng đoàn cùng một số vị khác.
Thượng tọa Thích Quảng Lộc đã đại diện chúc mừng Giáng sinh đến Đức cha, quý cha và cộng đoàn dân Chúa. Song đó, trong buổi trò chuyện Thượng tọa và Đức cha cùng nhau chia sẻ các công tác của hai tôn giáo trong năm qua cũng như công việc của những ngày cuối năm.
Đức cha gửi đến lời cám ơn, sự quan tâm thăm hỏi và những lời chúc mừng thật sâu sắc của đại diện Ban Trị sự Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Tiền Giang dành cho Tòa Giám Mục. Ngài bày tỏ niềm vui mừng nhận thấy sự đoàn kết, thắt chặt tình hữu nghị giữa hai tôn giáo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong nhiều năm qua, hy vọng sự liên kết giữa hai tôn giáo sẽ ngày càng thắt chặt hơn.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/ban-tri-su-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-tinh-tien-giang-den-tham-va-chuc-mung-giang-sinh-42264.html
14. Đêm Thánh ca mừng Chúa Giáng Sinh
Bài viết và hình: Anna Linh Phương
BTT hạt Cái Bè
(WGPMT) Hòa với niềm vui mừng Chúa Giáng Sinh và tạo điều kiện cho các ca đoàn trong Giáo hạt Cái Bè được giao lưu, tối ngày 26.12.2024 tại Giáo xứ An Thái Trung đã diễn ra “Đêm thánh ca mừng Chúa Giáng Sinh.
Đêm thánh ca mừng Chúa Giáng Sinh
Được biết, trưởng ban tổ chức cho đêm thánh ca này là cha Phêrô Nguyễn Thành Danh – Cha sở Giáo xứ An Thái Trung, cha Andre Nguyễn Khắc Chung - Phó trưởng ban Thánh nhạc Giáo phận Mỹ Tho. Tham dự sự kiện này có cha Phêrô Hồ Hoàng Vũ - Giám đốc Tiểu Chủng viện Philipphê Phan Văn Minh Giáo phận Vĩnh Long, quý cha thuộc Giáo phận Vĩnh Long, và cha sở các giáo xứ lân cận, cùng ca đoàn các giáo xứ: Tràm Mù, Cái Bè, Cái Mây, Ngũ Hiệp, Hòa Hưng, Mỹ Trung, Cái Thia và quý thầy Chủng viện Dự bị Thánh Philipphê Phan Văn Minh - Giáo phận Vĩnh Long. Tham gia hát thánh ca đêm nay còn có sự hiện diện của quý soeur dòng thánh Phaolô, quý dì dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, Cái Mơn, Cái Nhum đang phục vụ các giáo xứ cùng cộng đoàn dân Chúa.
Chương trình có các tiết mục hát Vinh Danh Chúa Giáng Sinh được các ca đoàn trình bày:
1. Noel đã về đây (Vũ Đình Ân) - Tốp ca: Giáo xứ Tràm Mù
2. Giáng sinh Hồng Ân (Dấu Chân) - Tốp ca: Giáo xứ An Thái Trung
3. Cao cung lên (Lm Hoài Đức) - Tốp ca: Giáo xứ Cái Bè
4. Khúc ca Giáng sinh (Minh Tâm) - Tốp ca: Giáo xứ Ngũ Hiệp
5. Hội nhạc Thiên quốc (Lm Hoàng Diệp) - Tốp ca: Giáo xứ Cái Mây
6. Người đã cất bước (lm Tri Văn Vinh) - Tốp ca: Giáo xứ An Thái Trung
7. Lời con xin Chúa (Lê Kim Khánh) - Song ca: Giáo xứ Cái Bè
8. Mùa đông năm ấy (Hoài Đức) - Quý thầy Chủng viện dự bị Philipphê Phan Văn Minh, Giáo phận Vĩnh Long.
9. Khúc ca tạ ơn (Thiên ân) - Đơn ca: Giáo xứ Cái Mây
10. Đêm Noel (Lm Xuân Thảo, Lm Xuân Ly Băng) - Tốp ca: Giáo xứ Tràm Mù
11. Feliz Navidad (Nhạc ngoại quốc) - Tốp ca: Thiếu nhi và Giới trẻ Giáo xứ An Thái Trung
Đêm thánh ca, gặp gỡ các ca đoàn kết thúc lúc 20g00 trong niềm vui với cái bắt tay thân thiện, những nụ cười rạng rỡ và những lời chúc Giáng sinh an lành.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/dem-thanh-ca-mung-chua-giang-sinh-42297.html
15. Thánh lễ khai mạc Năm Thánh 2025
Bài viết và hình: Hoài Bão, Phaolô Vũ
BTT Gp. Mỹ Tho
(WGPMT) Lúc 9g30 ngày 29.12.2024, tại Nhà thờ Chính Toà Giáo phận Mỹ Tho, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho đã chủ sự các nghi thức và Thánh lễ khai mạc Năm Thánh 2025.
Trước đó, ngày 24.12.2025, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã công bố việc mở Năm Thánh 2025: Những người hành hương của Hy Vọng (Peregrinantes in Spem). Năm Thánh 2025 đã bắt đầu vào Ðêm Vọng Giáng Sinh với việc mở Cửa Thánh tại Vương Cung Thánh Đường Phêrô ở Vatican và sẽ kết thúc vào ngày Lễ Chúa Hiển Linh ngày 06.01.2026.
Việc cử hành Năm Thánh đã có từ năm 1.300, vào thời Đức Giáo hoàng Bonifacio VIII. Đến năm 1.470, Đức Giáo hoàng Phaolô II đã quyết định Năm Thánh sẽ được cử hành cứ 25 năm một lần. Năm Thánh ngoại lệ gần đây nhất là Năm Thánh Lòng Thương Xót 2015, được cử hành tại ở Roma và tất cả các Giáo phận trên khắp thế giới. Năm Thánh 2025 tới đây, sẽ là Năm Thánh thường lệ thứ 27 trong lịch sử Giáo hội. Các chủ đề của Năm Thánh này bao gồm: tình liên đới, niềm hy vọng, tính công bằng, và tinh thần dấn thân phụng sự Chúa với niềm vui và bình an.
Theo truyền thống Giáo hội Công giáo, Năm Thánh bắt nguồn từ thời Cựu Ước, theo đó là một thời kỳ hồng ân; qua đó, Thiên Chúa ban ơn đặc biệt khi con người mở lòng để canh tân và thống hối. Năm Thánh là một năm mà các tín hữu sẽ nhận lãnh Bí tích Hòa giải và được tha các hình phạt do tội gây ra. Ngoài ra, Năm Thánh còn là một cơ hội để các tín hữu hăng say rao giảng Chúa Kitô, bằng đức tin sống động và bằng chứng tá gương mẫu.
Trong Giáo phận Mỹ Tho, các nhà thờ sau đây đã được ấn định sẽ là điểm hành hương trong Năm Thánh 2025:
1) Nhà thờ Chính Tòa Mỹ Tho;
2) Trung tâm Hành hương Ba Giồng, tỉnh Tiền Giang;
3) Nhà thờ Tân An, tỉnh Long An;
4) Nhà thờ Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Vào lúc 9g30, nghi thức khai mạc trọng thể Năm Thánh 2025, đã được cử hành trước thánh lễ tại nghinh đài Đức Mẹ do Đức Cha Phêrô chủ sự. Đồng tế với ngài có cha Phaolô Trần Kỳ Minh – Tổng Đại diện Giáo phận Mỹ Tho, cha Giacôbê Hà Văn Xung – Cha sở Nhà thờ Chánh Tòa, và 38 cha trong giáo phận. Tham dự trong thánh lễ còn có quý tu sĩ nam nữ và đông đảo bà con giáo dân trong giáo phận.
Khởi đầu với bài hát Về nơi đây của Lm. Nguyễn Duy, Đức Cha và quý cha tiến ra nghinh đài Đức Mẹ. Sau đó, ngài mời gọi mọi người chúc tụng và ca ngợi Thiên Chúa cùng ban lời huấn dụ và đọc lời cầu nguyện. Sau bài Tin Mừng, cha Giacôbê đọc Tông sắc mở Năm Thánh Thường Lệ 2025. Tông sắc gồm 4 phần:
1. Spes non Confundit. “Đức trông cậy không làm thất vọng”.
2. Niềm hy vọng phát sinh từ tình yêu.
3. Ngoài việc kín múc niềm hy vọng nơi ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta còn mời gọi khám phá lại niềm hy vọng.
4. Từ hôm nay, chúng ta hãy để cho niềm hy vọng này thu hút chúng ta.
Sau bài đọc, Đức Cha bỏ hương và mời gọi cộng đoàn hành hương đến thánh đường trong khi cộng đoàn hát vang bài Lên Đền Thánh của Lm. Thành Tâm. Khi đến cửa nhà thờ, Đức Cha giơ cao Thánh Giá và mời gọi cộng đoàn cùng tôn vinh Thánh Giá. Sau đó, Đức Cha mở cửa nhà thờ và cùng cộng đoàn tiến vào nhà thờ. Ngài dừng lại ở Giếng Rửa tội, cử hành nghi thức nhắc nhở bí tích Thánh Tẩy và mời gọi cộng đoàn cầu nguyện. Đức Cha khẩn khoản nài xin Thiên Chúa thương thánh hóa nước, để tha thứ tội lỗi và bảo vệ cộng đoàn khỏi các bệnh tật và các mưu chước ma quỷ.
Sau đó, Đức Cha rảy nước thánh trên mình, quý cha, giáo dân, Sách Tin Mừng và Thánh Giá. Ngài cũng cầu nguyện xin Chúa tha thứ các tội lỗi và thanh tẩy cộng đoàn. Tiến về cung thánh, Đức Cha cởi áo choàng và mặc áo lễ, hôn và xông hương bàn thờ; bắt đầu thánh lễ với kinh Vinh Danh.
Trước khi kết thúc thánh lễ lúc 11g00, Đức Cha bày tỏ niềm vui khi thấy sự hiện diện đông đảo của mọi thành phần dân Chúa và ban ơn Toàn xá cho cộng đoàn.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/thanh-le-khai-mac-nam-thanh-2025-42307.html
TIN GIÁO HỘI VIỆT NAM
1. Kinh Mân Côi và nghệ thuật: mầu nhiệm thứ nhất năm sự mừng.
John Grondelski
WHĐ (01/12/2024) – Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ nhất Năm Sự Mừng là sự Phục sinh của Chúa - Phép lạ chữa lành lớn lao nhất của Ngài. (Mátthêu 28:1-15; Máccô 16:1-8; Luca 24:1-49; Gioan 20:1-12)
Sự phục sinh của Chúa Giêsu là sự cứu độ của chúng ta.
Thánh Phaolô nói thẳng thật về sự kiện này: “Nếu Chúa Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr 15:14). Nếu Chúa Giêsu không sống lại từ cõi chết, Ngài chỉ là một con người bình thường đã chết, không thay đổi được gì và chúng ta vẫn chìm đắm trong tội lỗi của mình: “Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1 Cr 15:17-19).
Thông điệp của Kitô giáo rất rõ ràng: Vấn đề cơ bản của con người là tội lỗi. Tội lỗi đã làm tổn hại đến bản tính con người và phá vỡ các mối tương quan của con người với Thiên Chúa, với đồng loại, với các thụ tạo khác và thậm chí với chính bản thân mình. Khi Thiên Chúa đe dọa con người bằng “cái chết” nếu họ phạm tội, thì không phải là Thiên Chúa đang đặc biệt nghiêm khắc hay tàn bạo. Thiên Chúa là “Đấng Thiện Hảo Tối Thượng” của chúng ta. Ngài là Tình yêu. Điểm gặp gỡ duy nhất mà chúng ta có thể có với một Thiên Chúa – Đấng là Sự Tốt Lành và là Tình yêu - là chính sự tốt lành và tình yêu. Và nếu tội lỗi là sự quay lưng lại với sự tốt lành và là việc từ chối tình yêu, thì điều duy nhất có thể xảy ra là cái chết. Chúng ta không thể tự cắt đứt mình khỏi nguồn sống mà hy vọng tiếp tục sống. Chúng ta không tự đủ cho chính mình. Ma quỷ cám dỗ chúng ta, tuy nhiên chúng ta không phải là thần thánh.
Vì vậy, nếu Chúa Giêsu không sống lại từ cõi chết, nghĩa là, nếu cái chết đã chinh phục được Ngài, thì Ngài không phải là Đấng Cứu Độ. Điều đó có nghĩa là hậu quả bởi tội lỗi của chúng ta vẫn còn nắm chặt chúng ta vì nó vẫn còn nắm giữ Ngài. Điều đó có nghĩa là Ngài không phải là Thiên Chúa, không phải là Đấng Cứu Độ chúng ta. Ngài chỉ là một con người đã chết.
Nhưng vì Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết, một trang sử hoàn toàn mới của nhân loại đã bắt đầu. Sự Phục sinh của Chúa Giêsu không phải là một sự kiện riêng tư, một phần thưởng cá nhân, một lần cho Ngài. “Này ông Giêsu, ông đã làm tốt lắm, giờ hãy ra khỏi ngôi mộ đó!” Không phải thế, Sự Phục sinh của Chúa Giêsu là bằng chứng về uy quyền Thiên Chúa của Ngài. Đó cũng là sự khởi đầu của một quá trình, bắt đầu từ Lễ Phục sinh đầu tiên và kết thúc vào Ngày phán xét cuối cùng. Khi chúng ta tuyên bố “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”, chúng ta không nói về điều gì đó không liên quan đến Sự Phục sinh. Việc Chúa Giêsu cam đoan rằng ngôi mộ không phải là con phố cụt đảm bảo rằng nhân loại được chia sẻ sự sống đời sau.
Đối với những ai là chi thể trong của Thân Thể Mầu Nhiệm của Ngài, thì Sự Phục sinh là hành động cứu rỗi cuối cùng. Đó là sự phục hồi toàn bộ con người - thể xác và linh hồn - đến một vinh quang mà ngay cả Ađam Đầu Tiên cũng không thể biết đến. Đó là phép lạ chữa lành tột cùng của Chúa Giêsu, so với phép lạ chữa lành này thì tất cả các phương dược chữa lành khác mà Ngài đã thực hiện trong suốt cuộc đời của Ngài chỉ là sự nếm thử trước. Đối với những ai từ chối Ngài, thì sự phục hồi tính hợp nhất thể xác-linh hồn của con người sẽ đưa đến sự tan vỡ tính hợp nhất đó do lỗi về phía họ vì họ là những tội nhân mãi mãi bám víu vào tội lỗi của mình. Sự đau khổ của hỏa ngục là sự đau khồ của những kẻ muốn hủy diệt chính mình vốn là hình ảnh của Thiên Chúa để tái tạo lại chính mình theo hình ảnh méo mó của chính họ. Họ “tốt lành” trong mức độ con người của họ - đó là điệp khúc được lặp đi lặp lại trong Sáng thế ký - nhưng sự tốt lành đó lại là điều họ ghét bỏ và muốn hủy hoại trong bản thân mình.
“Niềm vui Phục sinh” chính là nói rằng tội lỗi và sự dữ không có lời phán quyết cuối cùng trong lịch sử loài người. Ma quỷ đã bị đánh bại. Ma quỷ vẫn có thể cố gắng bắt giữ tù nhân, nhưng nghịch lý là những người mà ma quỷ bắt giữ là những người tự do quyết định làm nô lệ cho hắn. Sự Phục sinh cho thấy rõ rằng Thiên Chúa và sự tốt lành quyết định lịch sử và sự sống vĩnh cửu.
Các sách Tin Mừng thuật lại nhiều sự kiện khác nhau liên quan đến Sự Phục sinh. Các sách Tin Mừng nói về những người phụ nữ đã đến ngôi mộ, mong đợi được xức thuốc thơm cho xác Chúa Giêsu nhưng thay vào đó họ lại thấy một ngôi mộ trống không (Luca 24:1-10, Máccô 16:1-3, Mátthêu 28:1, 5-10). Các sách Tin Mừng nói về những lần họ thấy các thiên thần (Mátthêu 28:5-10, Máccô 16:4-7). Các sách Tin Mừng nói về Phêrô và Gioan chạy đến ngôi mộ trống đó, nhìn thấy và tin (Luca 24:12, Gioan 20:3-10). Các sách Tin Mừng nói về những người lính canh hoảng sợ và những câu chuyện bịa đặt (Mátthêu 28:2-4, 11-15). Các sách Tin Mừng nói về Maria Mađalêna gặp Chúa Giêsu trong Khu Vườn, Đấng mà lúc đầu bà không nhận ra (Gioan 20:11-18).
Các sách Tin Mừng nói như nhau về các tông đồ trên đường Emmau, nhưng cuối cùng họ đã nhận ra Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể (Luca 24:13-35). Các sách Tin Mừng nói về những cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Phục sinh tại Galilê (Ga 21:1-14) và sự giao hòa của Phêrô (Ga 21:15-24). Các sách Tin Mừng nói về các Tông đồ đang ở trong Phòng Tiệc Ly và Chúa Giêsu hiện đến chào “bình an” và sứ điệp “bình an” qua Bí tích Hòa giải (Ga 20:19-23).
Các sách Tin Mừng nói về “nhiều điều khác” mà Chúa Giêsu đã làm (Gioan 21:25) không được ghi lại trong các sách Tin Mừng, ám chỉ đến “nhiều bằng chứng” mà “Ngài lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Ngài vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Ngài đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa” (Cv 1:3).
Mỗi đoạn văn này cung cấp cho chúng ta tài liệu phong phú để suy ngẫm về sự kiện Chúa Giêsu không phải là “Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống” (Lc 20:38), rằng “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong” (Kn 1:13), và đây chính là lời đề nghị của Ngài dành cho chúng ta, chỉ yêu cầu chúng ta nói lời xin vâng - fiat, để Ngài biến đổi chúng ta bằng ân sủng của Ngài.
Mầu nhiệm này ngày nay được mô tả trong bức tranh của Raphael, họa sĩ “người Ý” thời Phục hưng, đầu thế kỷ 16. Bức họa “Sự phục sinh của Chúa Kitô” của ông, có niên đại từ khoảng năm 1500 và được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật São Paulo của Brazil, nhằm mục đích nắm bắt chính khoảnh khắc Phục sinh. Đây là một trong những tác phẩm đầu tiên của ông. Một nhà bình luận chỉ ra rằng người xem nên quan sát “hình học đối xứng” của bức tranh vì nó mang lại cho hành động một “điệu múa sôi nổi”.
Raphael, “Sự phục sinh của Chúa Kitô,” khoảng năm 1500, Bảo tàng Nghệ thuật São Paulo, Brazil (ảnh: Public Domain)
Chúa Giêsu là nhân vật trung tâm, đang cất cao lên trên ngôi mộ của mình (giống một chiếc quách đá thời Phục hưng hơn là một ngôi mộ khoét trong hang của người Do Thái). Ngài mang theo lá cờ chiến thắng vinh quang của mình, ghi dấu hiệu của chiến thắng đó, là Thánh giá của Ngài. Bàn tay phải của Ngài giơ ra để ban phúc lành. Thân thể của Ngài đã được biến đổi - từ thân mình bị đánh đập và bầm tím, Ngài chỉ giữ lại những dấu vết của Cuộc khổ nạn mà Ngài chọn, tức là, những vết đinh trên tứ chi và vết thương mở ra ở cạnh sườn.
Hai thiên thần đã phục vụ Ngài - liệu họ có phải là những sứ giả đầu tiên đến thăm Ngôi mộ trống không? Chúa Giêsu đã nói với các Tông đồ của Ngài rằng Ngài có thể có một đạo quân thiên thần bảo vệ Ngài nếu Ngài muốn. Một vài Tông đồ đã sẵn sàng hỗn chiến ở Khu vườn Giệtsimani với một vài thanh kiếm. Thay vào đó, Ngài có một thiên thần ở đó để giúp cho Ngài thêm mạnh mẽ trên đường lên núi Canvê.
Bốn người canh mộ, mặc quần chẽn thời Phục Hưng, bị phân tán ra bốn phương. Các tác nhân con người, vốn phục vụ việc canh chừng người chết, không thể sánh được với Chúa của sự sống. Nhưng những con người đó không hoạt động một mình: ngay bên dưới người canh gác áo vàng bên trái là một con rắn xanh, con rắn xa xưa ở vườn Địa Đàng mà Thiên Chúa hứa sẽ nghiền nát đầu nó. Ma quỷ cũng không thể giữ cho ngôi mộ bị niêm phong mãi.
Ở phía sau, ba người phụ nữ đang tiến đến, gần như không để ý đến những gì đang xảy ra trước mặt, mang theo hương liệu, dự định xức dầu thơm cho xác Chúa Giêsu, họ quá đắm chìm vào cuộc tranh luận xem ai sẽ đẩy tảng đá lấp cửa mồ ra để rồi nhận ra rằng sự bàn bạc của họ chẳng có ý nghĩa gì.
Các Mầu nhiệm Mùa Vui tập trung vào 12 năm đầu đời của Chúa Giêsu và Cuộc sống mai ẩn của Ngài. Các Mầu nhiệm Sự Sáng chủ yếu xem xét các sự kiện trong Sứ vụ Công khai của Ngài, mặc dù các mầu nhiệm đó mở ra cánh cửa vào hiện tại. Các Mầu nhiệm Mùa Thương tập trung vào “một ngày trong cuộc đời của Chúa Kitô”.
Các Mầu nhiệm Mùa Mừng mở ra cánh cửa vào sự sống vĩnh cửu một cách rõ ràng. Từ những gì chúng ta thấy và suy ngẫm ngày hôm nay, chúng ta tin vào “sự sống đời sau”, một sự sống đời đời chẳng cùng.
Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: ncregister.com (18/11/2024)
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/kinh-man-coi-va-nghe-thuat-mau-nhiem-thu-nhat-nam-su-mung-42128.html
2. Một nhân viên hải quan Congo sẽ được phong Chân phước
Đài Chân Lý Á Châu (30.11.2024) – Hôm 28 tháng Mười Một vừa qua, hãng tin Fides của Bộ Loan báo Tin mừng đưa tin: một tín hữu Công giáo trẻ ở Cộng hòa Dân chủ Congo, sẽ được phong chân phước tử đạo.
Đó là anh Floribert Bwana Chui Bin Kositi, người Congo, sinh năm 1981, tại thành phố Goma, thuộc tỉnh Kivu, miền Đông nước này, nơi vẫn còn nhiều xung đột, và Đức Thánh cha từng dự định đến thăm tại miền này, nhưng vì lý do an ninh, nên ngài không thực hiện được.
Floribert là một thanh niên cởi mở và thông minh, lớn lên trong môi trường Công giáo, vẫn mơ có thể góp phần thay đổi thế giới. Anh hăng say học luật và nhắm đến tương lai sáng lạn, xét vì khả năng và những phương thế kinh tế của gia đình, Sau khi tốt nghiệp, Floribert có dịp quen biết Cộng đồng thánh Egidio và bị thu hút vì những hoạt động giúp đỡ người nghèo ở Rwanda và các hoạt động khác của tổ chức bác ái Công giáo này. Năm 2000, anh xin gia nhập Hội, học được lòng hăng say cầu nguyện cũng như dấn thân giúp đỡ những người ở ngoài lề xã hội, theo đoàn sủng của Hội.
Trên bình diện cá nhân, Floribert săn sóc những trẻ em bụi đời, gọi là “maibolo”, mà nhiều người sợ hãi không dám đến gần. Anh trở thành “bạn” của vài người trong số này. Vừa khi có ít tiền trong túi, anh dùng để giúp đỡ họ.
Với văn bằng luật, Floribert tìm được ngay việc làm như Giám đốc sở Hải quan Goma, cơ quan này có nhiệm vụ kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu vào Congo. Đây là một chức vụ quan trọng trong một thành phố ở biên giới như Goma, giúp anh nghĩ đến nhiều dự phóng tương lai, và cả việc lập gia đình. Anh thi hành kỹ lưỡng công việc của mình, kiểm soát chất lượng thực phẩm nhập khẩu vào Congo.
Theo dư luận chung bấy giờ, không có giám đốc hải quan nào ở Goma mà không ăn hối lộ, vì những hàng hóa hư hỏng vẫn qua lọt biên giới, vào Congo, dĩ nhiên là với con dấu chứng thực của sở hải quan này. Nạn tham nhũng hối lộ trở thành “qui luật” tại nước này. Congo đứng thứ 160 trong danh sách chỉ số tham nhũng, tại 176 nước trên thế giới. Trong bối cảnh nghèo lan tràn, người ta dễ bị cám dỗ làm giàu mau lẹ bằng tham ô hối lộ.
Việc anh Floribert đến làm Giám đốc hải quan ở Goma thay đổi đột ngột tình trạng đó và không doanh nhân nào ngờ tới. Một tháng trước khi Floribert bị giết, sở hải quan soạn một tường trình chi tiết về số lượng lớn gạo hư, vì thế chính quyền điện thoại và tạo các sức ép khác, khuyên anh bỏ qua và sẽ được thưởng. Có đến bốn, năm tấn gạo bị hư! Người ta hứa tặng anh nếu “nhắm mắt bỏ qua” và họ hứa tặng anh 3.000 Mỹ kim, một số tiền rất lớn nếu nghĩ đến lương tháng thời đó của một quân nhân Congo, không quá 5-6 Mỹ kim.
Floribert điện thoại tham khảo ý kiến của một bác sĩ bạn. Bà xác nhận chất lượng gạo như thế sẽ làm hại nặng nề đến sức khỏe người tiêu thụ. Vì thế, Floribert trả lời cho người hối lộ: “Trong tư cách là một người Công giáo, tôi không thể cho phép số gạo này vào nước. Chẳng thà chết còn hơn gây hại cho sinh mạng dân chúng”. Câu trả lời của anh đi kèm lệnh hủy bỏ số gạo hư.
Phản ứng của những doanh nhân liên hệ cũng mau lẹ xảy ra. Ngày 07 tháng Bảy năm 2007, Floribert được mời đến một cuộc hẹn, nhưng bị những người lạ bắt cóc và đưa lên xe chở đi mất tích. Hai ngày sau đó, người ta tìm được thi hài của anh và trên thân thể có nhiều vết tích đã bị tra tấn, trước khi bị bóp cổ chết. Các răng bị gãy, một cánh tay gãy, nhiều vết bầm trên mình. Lúc đó, anh mới được 26 tuổi đời.
Án phong chân phước cho anh Floribert đã tiến hành tại Tổng giáo phận Goma trong hai năm, từ 2016 đến 2018, trước khi gửi kết quả về Roma, và ngày 25 tháng Mười Một vừa qua, với sự chấp thuận của Đức Thánh cha, Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã công bố sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của vị tôi tớ Chúa Floribert Chui Bin Kositi. Cùng được nhìn nhận tử đạo trong dịp này, cũng có cha Trương Bửu Diệp của Việt Nam.
Sự hy sinh của anh Floribert giống như chân phước Isidoro Bankanja tử đạo, được Đức Thánh cha Gioan Phaolô II phong chân phước cách đây 40 năm. (Fides 28-11-2024)
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/mot-nhan-vien-hai-quan-congo-se-duoc-phong-chan-phuoc-42141.html
3. Ủy Ban Phụng Tự: giải đáp về cây Thánh Giá Năm Thánh
Ủy ban Phụng tự
WHĐ (03/12/2024) - Bản văn “Nghi thức khai mạc Năm Thánh tại các Hội Thánh địa phương” lưu ý đến “chọn một cây Thánh Giá mang ý nghĩa đặc biệt [và] đặt nơi cung thánh, gần bên bàn thờ, trong suốt Năm Thánh” (số 9) nhưng cũng “lưu ý rằng, tại cung thánh, chỉ để một cây Thánh Giá duy nhất” (số 30). Uỷ ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam, sau khi tham khảo và đối chiếu các tài liệu phụng vụ, giải đáp như sau:
Quy định về một cây Thánh Giá duy nhất tại cung thánh thuộc về luật phụng vụ hiện nay và cũng là tập tục lâu đời của Hội Thánh. Theo đó Hội Thánh xác định rằng chỉ nên có một cây Thánh Giá bàn thờ. Nghĩa là một khi đã có cây Thánh Giá đặt trên bàn thờ, hoặc gần bàn thờ, hoặc treo phía trên bàn thờ hay trên bức tường đầu cung thánh ở phía sau bàn thờ thì sự xuất hiện của Thánh Giá thứ hai là không cần thiết, trừ phi Thánh Giá lớn ở quá xa bàn thờ không đáp ứng được mục đích là giúp cộng đoàn tập họp có thể dễ dàng nhìn thấy và chủ tế dễ dàng xông hương.[1]
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/phung-vu/uy-ban-phung-tu-giai-dap-ve-cay-thanh-gia-nam-thanh-42143.html
4. Nghi thức “xác nhận” Cửa Thánh của bốn đền thờ ở Roma
Vatican News (04/12/2024) - Lúc 7 giờ tối ngày 02/12, Đức Hồng Y Mauro Gambetti, Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô đã chủ sự nghi thức “xác nhận” Cửa Thánh của Đền thờ Thánh Phêrô vẫn còn nguyên dấu niêm phong của lần đóng trước đây, năm 2016, để chuẩn bị mở cho Năm Thánh mới.
Nghi thức “xác nhận” Cửa Thánh được bắt đầu bằng lời nguyện do Đức Hồng Y Mauro Gambetti chủ sự. Tiếp đến, nhân viên Vatican tiến tới đập vỡ một phần bên trong của Cửa Thánh, lấy ra một hộp kim loại đã được đặt vào ngày bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót, ngày 20/11/2016. Trong hộp này gồm chìa khoá để mở Cửa Thánh vào chiều tối ngày 24/12 tới, tay cầm, giấy da chứng nhận việc đóng cửa, bốn viên gạch mạ vàng và một số mề đay của triều Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Biển Đức XVI và Gioan Phaolô II.
Sau đó Đức Hồng Y Gambetti dẫn đầu đoàn rước, hát kinh cầu các thánh, từ Cửa Thánh đến Bàn thờ Tuyên xưng đức tin, và dừng lại một lúc để cầu nguyện và đọc Kinh Lạy Cha. Sau đó, những người tham gia nghi thức đã đến Sảnh của Kinh sĩ đoàn Đền thờ để mở hộp được lấy từ Cửa Thánh.
Hiện diện trong buổi cử hành còn có Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, Trưởng Phân Bộ thứ nhất của Bộ Loan báo Tin Mừng, phụ trách tổ chức Năm Thánh, và Đức Tổng Giám mục Diego Ravelli, Trưởng ban Nghi lễ của Tòa Thánh, người đã nhận các tài liệu và đồ vật của việc “xác nhận”, và sẽ mang đến cho Đức Thánh Cha Phanxicô.
Chiều thứ Ba ngày 03/12, nghi thức tương tự đã diễn ra tại Cửa Thánh của Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 05/12 sẽ diễn ra tại Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành và vào ngày 6/12 tại Đền thờ Đức Bà Cả.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/nghi-thuc-xac-nhan-cua-thanh-cua-bon-den-tho-o-roma-42152.html
5. Lời giới thiệu sách: Lịch sử các Năm Thánh trong dòng lịch sử Giáo hội Công Giáo Rôma
Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng
WHĐ (05/11/2024) - Linh mục Phêrô Nguyễn Thanh Tùng đã biên soạn quyển sách “Lịch sử các năm thánh trong dòng lịch sử Giáo hội Công giáo Rôma” với mong muốn giúp các tín hữu cử hành và sống Năm Thánh một cách thiết thực và hiệu quả, để Năm Thánh trở thành thời gian mang lại niềm hy vọng và tình yêu sâu sắc. Được phép của tác giả, Ban biên tập sẽ lần lượt đăng loạt bài trong tập sách này. Sau đây là lời giới thiệu của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Viện trưởng Học viện Công giáo Việt Nam, và lời giới thiệu của chính tác giả.
LỜI GIỚI THIỆU CỦA ĐỨC CHA PHÊRÔ NGUYỄN VĂN KHẢM
Qua Tông sắc Spes non confundit (Niềm hi vọng không làm thất vọng), Đức Thánh Cha Phanxicô chính thức công bố mở Năm Thánh thường lệ 2025, bắt đầu từ ngày 24 tháng 12 năm 2024 và sẽ kết thúc vào ngày 06 tháng 01 năm 2026, Lễ Chúa Hiển Linh Đức Thánh Cha mong muốn Năm Thánh 2025 sẽ là “một trải nghiệm sâu sắc về ân sủng và hi vọng cho toàn thể Giáo Hội và mỗi người tín hữu” (số 6).
Để chuẩn bị cho các tín hữu cử hành và sống Năm Thánh như mong ước của Vị Cha chung, cha Phêrô Nguyễn Thanh Tùng đã biên soạn quyển Lịch sử các Năm Thánh trong dòng lịch sử Giáo hội Công giáo Rôma. Khi đọc quyển sách này, tôi có cảm tưởng đây là cuộc hành hương xuyên lịch sử. Tại sao? Trong Tông sắc công bố mở Năm T hánh, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Hành hương là yếu tố cơ bản của mọi sự kiện Năm Thánh. Lên đường là đặc điểm của người đi tìm ý nghĩa của cuộc sống” (số 5). Đang khi đó, cha Phêrô Nguyễn Thanh Tùng không chỉ dẫn người đọc đi hành hương từ địa điểm này đến địa điểm khác, nhưng vốn là giáo sư phụ trách môn Giáo sử tại Học viện Công giáo Việt Nam và nhiều đại chủng viện, tác giả đã thu thập rất nhiều tư liệu về việc cử hành Năm Thánh từ đầu cho đến nay, cùng với những diễn giải cần thiết và những hình ảnh cụ thể, sống động. Vì thế đây đúng là hành hương xuyên lịch sử.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/loi-gioi-thieu-sach-lich-su-cac-nam-thanh-trong-dong-lich-su-giao-hoi-cong-giao-roma-42161.html
6. Động tác lạ đánh dấu lễ mở cửa lại Nhà thờ Đức Bà Paris
TGPSG (07/12/2024): Nghi thức mở cửa lại Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ bắt đầu vào ngày 7-12-2024 với một động tác lạ. Dùng gậy giám mục của mình, Đức cha Ulrich, Tổng giám mục Paris, sẽ gõ ba lần vào cửa nhà thờ chính tòa. Đây là một truyền thống, dựa vào Thánh Vịnh 23, biểu hiện việc Đức Kitô mở cửa Nước Trời.
Vì là mở cửa lại, nên nghi thức này tại Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ diễn ra ngay trước cửa nhà thờ vào ngày 7-12.
Như vậy, trước khi tiếng đàn đại phong cầm vang lên cùng với Phụng vụ Kinh Chiều và kinh Magnificat được xướng lên, Đức Tổng Giám mục Paris sẽ làm một "động tác lạ và hiếm" bên ngoài Nhà thờ Chính Tòa.
Sau khi đưa ra lời công bố và đón nhận tượng trưng công trình thánh đường vừa được tái thiết từ tay những người xây dựng công trình, Đức cha Laurent Ulrich sẽ dùng gậy giám mục gõ lên cửa nhà thờ. Ngài sẽ gõ ba lần.
Phải hiểu sao về nghi thức này, một nghi thức theo định nghĩa, diễn tả một điều gì đó về mầu nhiệm Phục Sinh?
Lời giải thích nằm một phần trong sách Cựu Ước, nơi sách Thánh Vịnh:
“Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên, cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính, để Đức Vua vinh hiển ngự vào. Đức Vua vinh hiển đó là ai? Là Đức Chúa mạnh mẽ oai hùng, Đức Chúa oai hùng khi xuất trận. Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên, cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính, để Đức Vua vinh hiển ngự vào. Đức Vua vinh hiển đó là ai? Là Chúa Tể càn khôn: chính Người là Đức Vua vinh hiển.” (Thánh Vịnh 23, 7-10).
Mẩu đối thoại trên thoạt kỳ thủy được viết khi Hòm Bia Giao Ước được đưa vào trong Đền Thờ Giêrusalem, dười thời vua Đavít (xem 2S 6, 12-16). Khi ấy, tác giả sách thánh đã cảm nhận được sự Hiện diện của Thiên Chúa - trong một ngôi nhà do con người dựng nên - là môt biểu hiện trước về niềm hạnh phúc đạt được nhờ những “cánh cửa vĩnh cửu”, nơi ngôi nhà thực sự của Đấng Sáng Tạo không nằm dưới trần thế này.
Chỉ có Thánh Giá Chúa Kitô mới cho phép vượt qua trần thế đến thiên đàng
Truyền thống phụng vụ đã giữ lại ý nghĩa của Thánh Vịnh này khi sử dụng vào một ngày chính xác trong năm phụng vụ, đó là Chúa nhật Lễ Lá.
Một tập tục của nghi lễ cổ, vẫn còn thấy đây đó, cho thấy đoàn rước kiệu hôm đó chỉ tiến vào nhà thờ sau khi cha chủ tế gõ ba lần vào cửa nhà thờ bằng gậy thánh giá dẫn đầu đoàn rước.
Việc lặp lại mẩu đối thoại nơi những câu cuối của Thánh Vịnh 23, cho thấy rõ: chỉ có Thánh Giá Chúa Kitô mới giúp vượt qua được trần gian mà đến được Thiên đàng.
Sau khi đã đón rước Con Người bằng những tiếng hoan hô ở bên ngoài, các tín hữu được nghe đọc về Cuộc Khổ Nạn của Chúa khi vào trong nhà thờ. Phải chờ đến lễ Phục Sinh để có thể hiểu rằng Chúa Giêsu không phải là một lãnh tụ chính trị nhưng là Đấng Cứu Độ, Đấng mở ra sự sống và tiêu diệt sự chết.
Ngày 7-12 sắp tới không phải là Chúa nhật Lễ Lá, nhưng là Chúa nhật thứ hai mùa Vọng. Với tư cách giám mục, Đức cha Ulrich sẽ không gõ cửa với cây Thánh giá, nhưng với gậy giám mục của mình. Đây là gậy mục tử nhắc nhớ rằng, ở giữa Giáo hội địa phương của mình, ngài là hình ảnh mục tử, hình ảnh bất toàn của Đấng Chăn Chiên Lành.
Đúng vậy, theo Phúc âm thánh Gioan, Chúa Giêsu cho thấy Ngài chính là vị mục tử hy sinh mạng sống để mở ra cánh cửa của cõi sống vĩnh hằng:
“Người đi qua cửa chuồng chiên mà vào, đó chính là vị mục tử, người chủ chiên. […] Quả thật, Ta nói với các ngươi, Ta chính là cửa chuồng chiên. Ai qua Ta mà vào, người đó sẽ được cứu thoát; người đó có thể đi vào; người đó có thể đi ra và tìm thấy đồng cỏ xanh tươi. […] Chính Ta là mục tử tốt lành, là người chăn chiên đích thật, sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho đàn chiên” (xem Gioan 10).
Ý nghĩa của một động tác
Động tác có vẻ rất bình thường đó của vị Tổng Giám mục nói lên tòan bộ ý nghĩa của nó: khi đi qua cửa, theo Đấng Kitô và nghe lời của Ngài, được truyền tải nhờ Hội Thánh và trong các thánh đường, mọi người được mời gọi đến với “sự sống phong phú”.
Không có gì là hoàn toàn ngẫu nhiên, những lời này của Chúa Giêsu đã được phán ra ngay trước Đền Thánh, vào ngày trước lễ Cung hiến Đền thờ, nghĩa là khi dân tiến về Giêrusalem để ăn mừng ngày xây dựng tòa nhà - nơi ngự trị Vinh Quang Thiên Chúa. Đây cũng giống như Nhà thờ chính tòa Đức Bà, nơi bàn thờ sẽ được cung hiến vào ngày hôm sau, ngày 8 tháng 12, trong thánh lễ tạ ơn.
Nguồn gốc gậy giám mục
Nguồn gốc cây gậy dài, dấu chỉ của các giám mục, một dấu hiệu đặc biệt dành riêng cho các ngài, đến từ đâu?
Gậy giám mục không phải là không gợi nhớ đến cây gậy của mục đồng, dùng để hướng dẫn đàn cừu của mình đi về hướng đồng cỏ: gậy pedum hay gậy chăn cừu, gậy có một đầu uốn cong mà các mục đồng dùng để tóm cổ đàn vật nuôi.
Sự so sánh ở đây không hề tầm thường, vì cây gậy đó chính là nguồn gốc của gậy giám mục, kể từ lúc Chúa trao cây gậy cho ông Môisen để hướng dẫn dân của ông đi về Đất Hứa.
Mặt khác, trong nhiều nền văn hóa cổ, gậy chăn chiên được liên kết hoàn toàn với quyền năng siêu nhiên: đối với người Étrusques (thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ nhất trước Chúa Giáng Sinh), nó là biểu hiện cho điềm báo trong tín ngưỡng ngoại giáo. Khi ấy, cây gậy trở thành dấu chỉ của người dẫn đường hay người lãnh đạo, rồi trở thành cây gậy hợp xướng của ca trưởng trong các dòng tu, “tổ tiên” của cây đũa của vị chỉ huy dàn nhạc.
Hướng dẫn dân Chúa và đưa người lạc lối trở về với Chúa
Chỉ đến thế kỷ thứ 5 (sau Chúa Giáng Sinh), các vị giám mục mới sở hữu nó, trước khi trở thành một vật phẩm không thể thiếu của sứ vụ giám mục, cùng với nhẫn giám mục, mũ mitra và thánh giá trên ngực.
Gậy giám mục cũng biểu hiện quyền tài phán của các tu viện trưởng trên các tu viện của các ngài và lãnh thổ bao quanh.
Nếu nó có thể gợi nhớ đến vương trượng, thì nguồn gốc của nó có ý nghĩa khiêm tốn hơn: đây chỉ là gậy mục tử dùng để hướng dẫn đoàn chiên. Do đó, trong lễ phong chức giám mục, vị giám mục nhận gậy mục tử cùng với lời này: “Hãy nhận gậy mục tử, dấu chỉ sứ vụ của cha: hãy chăm sóc toàn thể đoàn chiên của Chúa, nơi đó Chúa Thánh Thần đã tấn phong cha như giám mục để cai quản Hội Thánh của Chúa”.
Như vậy, vị giám mục chỉ sử dụng gậy giám mục ở những buổi lễ trong khuôn khổ giáo phận của ngài, nhằm nhắc lại mối dây gắn kết ngài, vị chủ chăn với đoàn chiên đã được trao phó cho ngài cai quản: nếu nhiều vị giám mục cùng dâng một thánh lễ, thì chỉ có giám mục chủ sự mới được cầm gậy.
Trong nghi thức byzantin, hình dáng của cây gậy giám mục không hoàn toàn giống như vậy, vì gậy ấy có đầu trên là hai con rắn đối diện nhau, ngăn cách bởi một thập giá để tượng trưng cho đức tính mạnh mẽ và khôn ngoan, cũng như những con rắn bị Môisen làm cho bẽ mặt.
Gậy của Đức Giáo hoàng thì lại có hình thánh giá. Hai phần của nó cũng nhắc đến nhiệm vụ biểu tượng của gậy:
- phần gậy biểu hiện sứ vụ cai quản giáo hội của một vị có bổn phận dẫn đưa các tín hữu đến ơn cứu độ,
- phần uốn cong tượng trưng cho nghĩa vụ đem những những tội nhân và những ai lầm đường lạc lối trở về cùng Chúa, như người mục tử tìm lại con chiên mà không làm nó bị thương.
Cây gậy ở đây, nhắc nhớ Thánh Vịnh 22 cách chính xác:
“Chúa là mục tử tôi: tôi không còn thiếu chi. […] Dù đi qua vực sâu tử thần, tôi cũng không sợ hãi gì, vì Chúa ở cùng tôi: cây gậy của Ngài dẫn tôi đi, khiến tôi an lòng”.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/dong-tac-la-danh-dau-le-mo-cua-lai-nha-tho-duc-ba-paris-42179.html
7. Ý niệm, tên gọi, các thể loại và chu kỳ Năm Thánh
Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng
WHĐ (07/11/2024) - Năm Thánh là gì? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu về ý niệm, tên gọi, hình thức, chu kỳ thời gian và nền tảng Kinh Thánh của Năm Thánh, cũng như những yếu tố liên quan đến Năm Thánh được cử hành và ân sủng mà các tín hữu được hưởng nhờ.
LỊCH SỬ CÁC NĂM THÁNH TRONG DÒNG LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO RÔMA
Bài 1: Ý niệm, tên gọi, các thể loại và chu kỳ Năm Thánh
Trong đời sống nhân loại, kể từ khi vũ trụ, vạn vật được tạo thành, niềm tin, tôn giáo, ơn trợ lực của các thần minh luôn là một thực tại và là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của con người. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo số 44 xác quyết: “Tự bản tính và do ơn gọi, con người là một hữu thể có tôn giáo”.[1] Kitô giáo với niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất và tin vào Đức Giêsu Kitô – Đấng là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người, Đấng là nguồn mạch ơn cứu độ và là niềm hy vọng cho cùng đích cuộc sống của con người – Kitô hữu càng xác quyết hơn về sự cần thiết của tôn giáo, của ân sủng ban trợ cho những kẻ tin, vì như Chúa Giêsu đã dạy: “Không có Thầy, các con không thể làm gì được” (Ga 15, 5).
Với ba phương tiện mà Chúa Giêsu thiết lập và ký thác cho Giáo hội (Lời Chúa, các Bí tích và các Thừa tác vụ thánh), để Giáo hội trở nên khí cụ loan báo và ban phát ơn cứu độ cách hữu hiệu cho toàn thể nhân loại. Trải qua dòng lịch sử cứu độ, trong niềm tin, do bởi thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, Giáo hội còn một phương tiện khác để ban ân sủng cứu độ là Năm Thánh, mà ngay từ thời Cựu ước, dân Israel đã sống và cử hành; nhờ đó, ân sủng, bình an, cùng với nhiều hoa trái tốt đẹp từ Thiên Chúa được ban tặng cho loài người, cho toàn thể vũ trụ thiên nhiên và muôn vật, muôn loài.
Vậy, Năm Thánh là gì? Trước hết, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về ý niệm, tên gọi, hình thức, chu kỳ thời gian và nền tảng Kinh Thánh của Năm Thánh, cũng như những yếu tố liên quan đến Năm Thánh được cử hành và ân sủng mà các tín hữu được hưởng nhờ.
1. Ý niệm, tên gọi
Danh từ Năm Thánh “jubilé” bắt nguồn từ tiếng Do Thái (Hipri): “יוֹבֵל” (yôvēl hay Jôbel), hạn từ này có nhiều nghĩa khác nhau và cũng được hiểu theo nghĩa là “cừu đực”. Trong Kinh thánh, sừng cừu đực (Shophar) được dùng làm “tù và”, để thổi vang lên khi thông báo Năm Ân xá của người Do Thái. Thuật ngữ này được dịch sang tiếng Latinh là jubilæus (từ jubilare, “hân hoan” theo bản Vulgata).
Như vậy, bắt nguồn từ tiếng Do Thái, Jôbel (thổi kèn tù và báo hiệu Năm Đại xá), Năm Thánh trong Giáo hội Công giáo có nền tảng khởi đi từ Kinh thánh Cựu ước. Năm hồng ân hay Năm Thánh là một biến cố, hay nói đúng hơn là một thời kỳ hồng ân, mà qua đó Thiên Chúa ban ơn đặc biệt khi con người mở lòng để canh tân, thống hối và đón nhận ân sủng Chúa ban. Theo nguyên ngữ Latinh: Annum Jubilaei được hiểu là Năm Hồng Ân hay Năm Toàn Xá. Tuy nhiên, từ Năm Thánh 1475, tên gọi Năm Thánh (Annus Sanctus – Latinh, Anno Santo – Ý, Année Sainte – Pháp, Holy Year – Anh) được sử dụng phổ biến và mang ý nghĩa hơn trong Giáo hội Công giáo, so với danh từ Năm Ân xá (Annum Jubilæi hay Jubilaeum) có nguồn gốc và ý nghĩa của Cựu ước và Do Thái giáo hơn.
Bởi vì, mạc dù theo truyền thống Cựu ước, nhưng Giáo hội Công giáo đón mừng Năm Thánh với một chiều kích trọn vẹn, bởi vì Thiên Chúa đã thực hiện công trình cứu độ nhân loại trong Ðức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng cứu độ duy nhất của trần gian. Chính qua mầu nhiệm nhập thể, Đấng là Ngôi Hai Thiên Chúa đã mặc lấy bản tính nhân loại của chúng ta, chính Ngài là Đấng khai mở Năm Hồng Ân cứu độ, đem lại sự giải thoát cho muôn vật, muôn loài.[2]
Do đó, Năm Thánh là thời gian mà kẻ có tội khi hối cải sẽ được ban ơn tha thứ mọi hình phạt do tội gây ra. Trong thời gian này, con người được mời gọi khẩn thiết sống và thực thi việc thống hối và canh tân, dứt khoát từ bỏ tội lỗi, sống mối tương quan tình yêu với Thiên Chúa, hòa giải và hiệp nhất với tha nhân, với vũ trụ vạn vật. Cách đặc biệt, Năm Thánh 2025 sắp tới cũng là dịp để Hội thánh nhìn lại và sống căn tính của mình, một Hội thánh đang lữ hành trên đường dương thế, với niềm hy vọng tiến về Nước Cánh Chung của Thiên Chúa. Vì thế, qua Tông sắc vừa ban hành của ĐTC Phanxicô, “Spes Non Confundit”– “Niềm Hy vọng không làm thất vọng” và huy hiệu Năm Thánh 2025, chúng ta nhận thấy cách rõ nét định hướng của Hội thánh trong Năm Thánh này: “Những người hành hương của hy vọng”.
2. Các thể loại Năm Thánh
Trong Giáo hội Công giáo Rôma, có hai thể loại Năm Thánh được cử hành gồm: Năm Thánh thông thường và Năm Thánh ngoại thường.
2.1 Năm Thánh thông thường
Tính từ năm 1300 đến Năm Thánh 2025, Hội thánh Công giáo đã có 26 Năm Thánh thông thường, theo chu kỳ thời gian thay đổi: 100 năm, 50 năm, 33 năm và 25 năm.
2.2 Năm Thánh ngoại thường
Ngoài Năm Thánh thường lệ theo chu kỳ được quy định, với quyền thủ lãnh tối cao của Đấng kế vị Thánh Phêrô, các ĐTC còn khai mở Năm Thánh theo thể thức ngoại thường, nghĩa là không theo chu kỳ. Các Năm Thánh này đánh dấu những mốc sự kiện liên quan đến cuộc đời Chúa Cứu Thế, hoặc những sự kiện quan trọng của Hội thánh. Trong dòng lịch sử Hội Thánh Công Giáo, đã có 3 Năm Thánh với hình thức ngoại thường gồm: Năm Thánh ngoại thường năm 1933 ở thời ĐTC Piô XI, nhằm kỷ niệm 1900 năm Ơn Cứu Ðộ được ban cho nhân loại qua mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô; Năm Thánh ngoại thường năm 1983, do Ðức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II công bố, dịp kỷ niệm 1950 năm Ðức Kitô chịu chết và sống lại để đem ơn Cứu rỗi cho nhân loại; Và Năm Thánh ngoại thường năm 2015, được Đức Thánh cha Phanxicô công bố nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày bế mạc Công đồng Vaticanô II, Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Như vậy, trải qua dòng lịch sử, từ Năm Thánh đầu tiên vào năm 1300 đến Năm Thánh 2025, Giáo hội Công giáo Rôma đã có 29 Năm Thánh gồm: 26 Năm Thánh thông thường và 3 Năm Thánh ngoại thường.
3. Các chu kỳ Năm Thánh
3.1 Chu kỳ 100 năm
Trải qua dòng lịch sử Giáo hội, Năm Thánh đầu tiên được khai mở vào năm 1300 với Tông sắc Antiquorum habet f ida relatio, do ĐTC Bônifactiô VIII ban hành,[4] theo đó, Năm Thánh được quy định với chu kỳ 100 năm/Năm Thánh.
Tông sắc Antiquorum Habet Fida Relatio của ĐTC Bônifactiô VIII, ngày 22/02/1300
Nội dung Tông sắc Antiquorum Habet Fida Relatio viết như sau: “Ta, Giáo hoàng Bônifaciô, dựa theo những lời chứng đáng tin cậy của người xưa rằng, có rất nhiều sự ân xá, sự tha tội đã được ban cho họ khi viếng thăm Vương cung Thánh đường đáng kính của các Thánh Tông đồ ở Rôma. Vì vậy, theo nhiệm vụ và trách nhiệm, ta tìm kiếm và vui mừng mang lại sự cứu rỗi cho mọi người. Ta xem xét và chấp nhận từng sự việc xá tội và ân xá này một cách chắc chắn, với thẩm quyền tông tòa. Ta xác nhận và phê duyệt chúng, ngay cả việc ta sẽ gia hạn và củng cố chúng bằng sự bổ túc cho Văn kiện này. Và để các Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô càng được vinh hiển hơn, khi các Vương cung Thánh đường của các ngài trong thành phố, được các tín hữu đến viếng thăm một cách nhiệt thành hơn, để mọi tín hữu nhận lãnh cách trọn vẹn hơn, nhờ việc mở rộng các ân sủng thiêng liêng, đến từ những cuộc hành hương này.
Hoặc với những ai trong năm này và trong một trăm năm sau đó, khi thực sự ăn năn sám hối và xưng tội, thì ta sẽ ban cho họ không chỉ một sự tha thứ tội lỗi trọn vẹn và rộng rãi, mà còn nhiều hơn nữa, là toàn bộ sự tha tội cho họ. Vì điều này, ta tuyên bố rằng những ai muốn tham gia vào ân xá mà ta ban, nếu họ là người Rôma, sẽ viếng thăm những Vương cung Thánh đường này trong ba mươi ngày liên tiếp hoặc bị gián đoạn và ít nhất một lần một ngày; nếu họ là khách hành hương hoặc người nước ngoài, họ sẽ đến viếng thăm theo cách tương tự trong mười lăm ngày. Nhưng họ càng đến thường xuyên với lòng sùng kính, thì công đức của họ càng lớn và ân xá càng có hiệu quả”.
Ta tràn đầy tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa toàn năng, cũng như vào công trạng và thẩm quyền của các Tông đồ, theo ý kiến của các Hồng y và sự tin tưởng vào quyền Tông đồ của ta, đến tất cả mọi người, những ai thật lòng sám hối và xưng tội, đến kính viếng các Vương cung Thánh đường với lòng tôn kính trong năm 1300 này, bắt đầu vào ngày giáng sinh của Chúa Giêsu Kitô và mỗi trăm năm sau đó.”
3.2 Chu kỳ 50 năm
Tuy nhiên, chu kỳ 100 năm, là quá dài cho một đời người mong manh, ngắn ngủi, chóng qua. Nếu một người được sinh ra sau khi Năm Thánh vừa kết thúc, thì khó có thể được hưởng một lần Năm Thánh trong đời! Dưới triều đại của Đức Thánh cha Clêmentê VI,[5] trong bối cảnh thời kỳ “Lưu đày Avignon” của 7 triều đại Giáo hoàng, nằm giữa vùng đất của nước Pháp hiện nay.[6] Khi ấy, nhiều phái đoàn đến Avignon để triều yết Giáo hoàng, với sự tham gia của nhiều nhân vật nổi tiếng lúc bấy giờ như Cola di Rienzo (một chính trị gia và nhà lãnh đạo người Ý), Petrarque (một nhà thơ trứ danh của thời đại này). Tham gia phái đoàn đã đến Avignon vào cuối tháng 11 năm 1342, Petrarque đã gởi kiến nghị lên Đức Clêmentê VI với một “bức thư lục ngôn dài gần ba trăm câu” để xin rút ngắn thời gian Năm Thánh theo thời gian 50 năm. Petrarque đưa ra lập luận dựa trên sự giới hạn về năm, tháng sống của một đời người, như Vịnh gia đã viết: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi”.[7] Theo đó, Petrarque cũng lý luận: “Vậy thì ai, giữa loài người, liệu chúng ta có thể hy vọng đạt đến giới hạn tột cùng của tuổi già không? Ai có thể tự hào đã hoàn thành chu kỳ trăm năm? Cùng lúc chúng ta sinh ra và chết đi...”.[8]
Nhận thấy nhu cầu chung của Giáo hội và kiến nghị của Petrarque là hợp lý do sự mỏng giòn và mau qua của cuộc sống con người, và là điều cần thiết cho ơn cứu độ của nhân loại, Đức Thánh cha Clêmentê VI đã ban hành Tông sắc Unigentus Dei Filius, theo đó, chu kỳ Năm Thánh từ 100 năm được rút xuống theo thời gian 50 năm. Chu kỳ này trở thành hiện thực với Năm Thánh năm 1350, cũng thuộc triều đại Đức Clêmentê VI.
Tông sắc Urigenitus Dei Filius, ngày 27/01/1343 của Đức Thánh Cha Clêmentê VI
3.3 Chu kỳ 33 năm
Đến thời ĐTC Grêgoriô XI,[9] qua Tông Sắc Salvator Noster Dominus, ngày 29/4/1373, ban hành tại Avignon, qua đó Đức Grêgôriô XI lấy chu kỳ Năm Thánh theo tuổi đời của Chúa Giêsu, với 33 năm cho một chu kỳ Năm Thánh. Tuy nhiên, chu kỳ 33 năm với những con số lẻ, có phần khó tính và khó nhớ. Và nếu tính theo chu kỳ 33 năm, Năm Thánh tiếp theo lẽ được cử hành vào năm 1383, nhưng Năm Thánh này đã không được cử hành, bởi vì, sau khi kết thúc thời “Lưu đày Avignon” của bảy vị Giáo hoàng, Giáo hội lại rơi vào tình trạng “Đại ly giáo Tây phương”,[10] đây là thời kỳ hỗn độn với hai Giáo hoàng và có lúc đến ba người cùng lúc tranh chấp ngôi vị Giáo hoàng. Do đó, Năm Thánh theo chu kỳ 33 năm này đã không được diễn ra. Thay vào đó, ở thời ĐTC Bônifactiô IX, qua Tông sắc Dudum Felicis Recordationis, ngày 11/6/1390, ngài đã khai mở Năm Thánh vào năm 1390. Cũng dưới thời Đức Bônifactiô IX, trong bối cảnh Đại ly giáo Tây phương, ở phía Avignon, với ngụy giáo hoàng Bênêdictô XIII, ông đã tuyên bố mở một “năm thánh”: khác vào năm 1400 tính theo chu kỳ 50 năm. Nhưng là ngụy giáo hoàng, Bênêdictô XIII không có thẩm quyền chính thức, nên “năm thánh” năm 1400 bị Đức Bônifactiô IX ở Rôma lúc bấy giờ bác bỏ và do đó, theo dòng Lịch sử Các Năm Thánh, sự kiện được gọi là “năm thánh 1400” không được công nhận. Vì thế, tính đến Năm Thánh 2025 này, Giáo Hội Công Giáo Rôma chỉ với 29 Năm Thánh chứ không là con số 30 Năm Thánh, vì “năm thánh 1400” là bất hợp pháp, dù dân chúng từ Avignon, từ Pháp cũng đến Rôma, nhưng Đức Bônifaciô IX tuyên bố, không mở kho tàng ân xá trong sự kiện 1400 này và năm 1400 không được kể là Năm Thánh chính thức trong “Tableau” hệ thống Năm Thánh của trang Web chính thức của Vatican.
Sau khi chấm dứt thời kỳ Đại ly giáo Tây phương, qua Công đồng Constancia (1414-1418), khi Đức Martinô V được bầu chọn làm Giáo hoàng chính thức và hợp pháp,[11] ngài vẫn duy trì chu kỳ 33 năm của Năm Thánh theo quy định của Đức Grêgoriô XI, với Tông Sắc Salvator Noster Dominus, ngày 29/4/1373. Do đó, một lần nữa, Đức Martinô V tiếp tục phủ nhận Năm Thánh năm 1400, ngài căn cứ theo mốc Năm Thánh 1390 để công bố Năm Thánh 1423, với chu kỳ thời gian 33 năm cho Năm Thánh lúc bấy giờ (1390 – 1423).
3.4. Chu kỳ 25 năm
Chu kỳ 25 năm được nhiều Giáo hoàng xác quyết như: Đức Thánh Cha Phaolô II,[12] qua Tông sắc Ineffabilis Providentia, ngày 19/4/1470; Đức Thánh Cha Giuliô III,[13] với Tông sắc Si pastores ovium, ngày 24/2/1550; Đức Thánh Cha Sixtô IV,[14] qua Tông sắc Salvator Noster Dei Patris, ngày 26/3/1472, đã tái xác nhận chu kỳ Năm Thánh với 25 năm.
Như vậy, chu kỳ 25 năm cho một Năm Thánh theo thể thức thông thường đã được Giáo hội “đóng ấn” từ Năm Thánh 1475 cho đến thời đại chúng ta với Năm Thánh 2000, và Năm Thánh 2025.
4. Ân xá
Trong Năm Thánh, một trong những “hoa trái” đặc biệt quan trọng mà các tín hữu được hưởng nhận, đó là Ân xá. Vậy khi hưởng nhận ân xá, chúng ta hiểu thế nào về ân sủng này? Hay nói cách khác, ân xá là gì?
Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo định nghĩa: “Ân xá là việc tha thứ trước mặt Thiên Chúa, khỏi những hình phạt tạm đáng chịu vì những tội lỗi đã phạm, dù những tội đó đã được tha thứ. Để hưởng Ân xá, người Kitô hữu phải hội đủ những điều kiện được thẩm quyền của Hội thánh quy định, vì với tư cách là thừa tác viên của ơn cứu chuộc, Hội thánh có thẩm quyền phân phát và chia sẻ kho tàng công phúc của Đức Kitô và Các Thánh. Ân xá có thể là từng phần hay toàn phần, tùy theo mức độ giải thoát từng phần hay trọn vẹn các hình phạt tạm đáng phải chịu vì tội”.[15] Điều đó nghĩa là gì? Chúng ta tạm giải thích cách ngắn gọn như sau: Khi con người phạm tội, tội lỗi ấy gây ra những hậu quả làm đổ vỡ mối tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân, với chính mình và với cả vũ trụ vạn vật.[16] Trong đời sống, chúng ta thường nghe nói vấn đề: “Tội và Vạ”. Khi phạm tội, nếu người Kitô hữu thành tâm thống hối ăn năn, tìm đến với Bí tích Hòa Giải nơi Tòa Giải tội, những tội lỗi này được tha thứ nhờ hiệu quả bí tích. Nhưng hậu quả do tội gây ra, tức cái “vạ”, hối nhân phải đền bù cách cân xứng theo luật luân lý Công Giáo về công bằng. Có những hậu quả chúng ta đền trả được ở đời này, nhưng có những hậu quả phải đền bù cân xứng ở đời sau nơi Luyện tội. Do vậy, điều kiện để hưởng nhận ân xá là phải xưng thú mọi tội lỗi qua việc lãnh nhận bí tích Hòa giải, để khi lãnh nhận Ân xá, chúng ta được tha cả những hình phạt là hậu quả của tội gây ra. Vì thế, sách Giáo lý của Hội thánh dạy: “Để hưởng Ân xá, người Kitô hữu phải hội đủ những điều kiện được thẩm quyền của Hội thánh quy định”, trong đó có việc lãnh nhận Bí tích Hòa Giải và làm các việc lành phúc đức, giúp đỡ cho kẻ nghèo hèn, dốc lòng chừa bỏ tội lỗi, sống hòa giải, bác ái, yêu thương, tha thứ... như chính Chúa đã yêu thương, tha thứ và cứu độ chúng ta.
Đến đây, chúng tôi xin tạm dừng bài 1 về chủ đề Năm Thánh và kính mời Quý độc giả tiếp tục tìm hiểu Năm Thánh với bài 2 sẽ trình bày về: Nền tảng Kinh Thánh của Năm Thánh; Sắc chỉ Năm Thánh; Cửa Thánh và Việc mở cửa Thánh trong phần tiếp theo.
Trích trong tập sách "Lịch sử các năm thánh trong dòng lịch sử Giáo hội Công giáo Rôma”, Nxb Tôn Giáo, 11/2024
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/y-niem-ten-goi-cac-the-loai-va-chu-ky-nam-thanh-42180.html
8. Hành hương thời Cựu Ước - Phần 1: Tiếng gọi lên đường
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
WHĐ (03/12/2024) - Để về nguồn của truyền thống đi hành hương, chúng ta quay trở lại lịch sử Cựu Ước. Trong năm bài tới đây, chúng ta thấy nhiều ý nghĩa phong phú của việc hành hương trong thời hình thành và phát triển đạo Do Thái.
Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG
CHƯƠNG I: HÀNH HƯƠNG THỜI CỰU ƯỚC
Chúng ta bắt đầu hành trình hành hương với chính nền tảng của công việc hành hương thiêng liêng này. Thực tế là thuật ngữ hành hương (Pilgrimage) không xuất hiện trong thời đại chúng ta, nhưng đã có nguồn gốc từ rất lâu trong Kinh Thánh. Để về nguồn của truyền thống đi hành hương, chúng ta quay trở lại lịch sử Cựu Ước. Trong năm bài tới đây, chúng ta thấy nhiều ý nghĩa phong phú của việc hành hương trong thời hình thành và phát triển đạo Do Thái. Chúa Giêsu đã lớn lên trong chính môi trường văn hóa tôn giáo này; và nhờ vậy Giáo hội Công giáo cũng thừa hưởng những nét đẹp của việc hành hương.
Trong phần này, chúng ta tìm hiểu tiếng gọi lên đường hành hương của tổ phụ Abraham đến vùng đất Thiên Chúa sẽ chỉ cho. Tiếc là sau khi vào được Đất hứa, dân Chúa lại phải đi lưu đày bên Ai Cập. Sau đó, họ lại hành hương về miền đất tràn trề sữa và mật. Thời kỳ tiếp theo, dưới sự hướng dẫn của vua David, đất nước trở nên hưng thịnh. Tuy vậy, ước ao lớn nhất của toàn dân là xây dựng một Đền thờ cho Thiên Chúa. Chỉ tới thời Salomon, ước mơ ấy mới thành toàn với Đền thờ thứ nhất được dựng lên tráng lệ trên núi Sion (năm 957 TCN). Ngày nay, khu vực núi Sion là ngôi đền Hồi giáo “Vòm Đá Tảng” (mái màu vàng kim) và Giáo đường Al-Aqsa (mái vòm màu đen), được xây năm 691 SCN.
Chúng ta đề cập đến Đền thờ và thánh đường, vì từ đây hành hương mang màu sắc tôn giáo đậm nét hơn. Theo truyền thống đạo Do Thái, hằng năm họ hành hương về Đền thờ để gặp Thiên Chúa và cử hành lễ hội. Đây là lý do mà những chương sau, chúng ta thường nhắc đến những nơi hành hương gắn liền với nhiều ngôi thánh đường nguy nga chứa đựng những nét đẹp tôn giáo. Hơn thế nữa, những nơi Thiên Chúa hoặc Đức Mẹ hiện ra, Giáo hội đều xây dựng Đền thờ để muôn dân hành hương về đây nguyện cầu và tham quan.
Hơn nữa, Đền thờ cũng là luật buộc liên quan đến những nơi hành hương hiện nay. Giáo hội viết: “Hành hương là một trải nghiệm tôn giáo phổ 14 quát và là biểu hiện điển hình của lòng đạo đức bình dân. Nó luôn được kết nối với một ngôi đền, mà nó là một thành phần không thể thiếu. Người hành hương cần Đền thờ, và Đền thờ cần người hành hương”[1].
Đạo đức bình dân mà tôi vừa trích dẫn trên đây là những thực hành tôn giáo ngoài phụng vụ, để biểu lộ lòng sùng kính, tin cậy mến đối với Thiên Chúa, Đức Mẹ và các thánh. Lối thực hành này thông thường là các việc tôn kính thánh tích, viếng Đền Thánh, hành hương, rước kiệu, đi đàng thánh giá, lẫn chuỗi, sùng kính Thánh Thể và Đức Mẹ, dâng hoa, v.v...[2].
Giờ đây, chúng ta cùng bắt đầu khởi hành trong chuyến xe trở về quá khứ với câu chuyện của Abraham…
* * * * *
Phần 1: TIẾNG GỌI LÊN ĐƯỜNG
Trước những bộn bề của công việc chuẩn bị đi hành hương, chúng ta tạm để lòng lắng lại. Mục đích của khoảng thời gian này là để Thiên Chúa giúp chúng ta lên đường mang lại nhiều ý nghĩa hơn. Hẳn nhiên, mỗi người đi hành hương đều phải đóng phí, chuẩn bị những hành trang cần thiết, kể cả tâm thế cho những ngày sắp tới. Chúng ta không đi du lịch, nhưng đi hành hương đến những vùng đất tâm linh.
Trong Sứ điệp nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 36 (2021), Đức Thánh cha Phanxicô nêu một ý nghĩa rất hay về hành hương dành cho người trẻ và cho mỗi người hành hương chúng ta:
Cha hy vọng rằng tất cả chúng ta có thể sống như những người hành hương thực sự chứ không phải là “những khách du lịch của đức tin”! Chúng ta hãy mở lòng mình trước những điều ngạc nhiên của Thiên Chúa, Đấng muốn chiếu tỏa ánh sáng của Người trên hành trình của chúng ta. Chúng ta hãy mở lòng để lắng nghe tiếng nói của Người, cũng qua tiếng nói của các anh chị em của chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ giúp nhau cùng nhau trỗi dậy, và trong thời khắc lịch sử khó khăn này, chúng ta sẽ trở thành những ngôn sứ của thời đại mới và tràn đầy hy vọng! Xin Đức Trinh Nữ Maria đầy ơn phúc chuyển cầu cho chúng ta.”[3]
Nói như thế để cho thấy Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta bước vào hành trình với tâm tình của người hành hương. “Bước chân lên đường, con đi tìm Chúa Chúa ơi! Từ bao năm qua hồn con thao thức”[4]. Người hành hương lâu đời nhất tôi muốn kể ra đây, mà ai cũng biết, đó là tổ phụ Abraham.
Đi với niềm tin yêu và phó thác
Để lịch sử cứu độ được bắt đầu nơi trần thế, Thiên Chúa đã chọn gọi một người luống tuổi (75 tuổi, sinh năm 2166 TCN): ông Abraham (אַבְרָהָם tiếng Do Thái có nghĩa là "cha của nhiều dân tộc"). Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo đều nhận Abraham là tổ phụ. Abraham được Thiên Chúa kêu gọi rời bỏ quê hương ở thành Ur (miền nam Iraq ngày nay), để đến vùng đất mới Canaan (St 10,19; 12,16). Ur thời đó là một thành phố cổ của người Sumer ở khu vực Lưỡng Hà, vốn được mệnh danh là cái nôi văn minh thời cổ đại. Lên đường vì một tiếng gọi, Abraham đã bước đi với niềm tin yêu và phó thác. Hẳn nhiên ông đã không biết Thiên Chúa dẫn mình và gia đình đến chính xác nơi nào. Nếu đi hành hương lần đầu, dường như mỗi người cũng có tâm trạng háo hức như Abraham ngày xưa. Ông đã đi và đã tới nơi gọi là miền Đất Hứa.
Chúng ta đều biết câu chuyện trên đây được kể chi tiết trong sách Sáng Thế (chương 12-23). Tuy nhiên, trong lịch sử hành hương của những tôn giáo có chung một tổ phụ Abraham, thì ai cũng thừa nhận rằng đây có lẽ là gốc tích của hành hương (abrahamic pilgrimage). Hành hương là lên đường trở về quê hương theo nghĩa thiêng liêng mà chúng ta sẽ bàn sau. Ở đây theo triết tự: hành là đi, hương là nhang: đi tới một nơi được coi là linh thiêng để thắp nhang kính bái và cầu nguyện. Nếu ai đó lên đường đi thăm quan, đi chơi hay nghỉ ngơi, chúng ta gọi là đi du lịch. Phải nói ngay ở đây rằng Abraham không đi du lịch, và ông càng không đi nghỉ dưỡng hay mua sắm. Trái lại ông lên đường vì một tiếng gọi thôi thúc con tim.
Cho phép tôi phân tích một vài điểm thần học trên đây.
Thiên Chúa luôn mời gọi mỗi người bằng nhiều cách thế khác nhau. Về bậc sống hay nghề nghiệp, có thể Thiên Chúa chọn anh A làm linh mục, chị B là ma sơ, bác C làm nông dân, cô D làm nghề giáo. Khi nhận ra và xin vâng tiếng gọi hay sứ mạng này, người ấy đang làm theo ý Chúa. Cũng như Abraham, trong thâm tâm mỗi người đều mơ ước đến thăm những vùng đất thánh. “Phúc thay kẻ lấy Ngài làm sức mạnh, ấp ủ trong lòng giấc mộng hành hương.” (Tv 84,6). Nhất là trong thời đại hôm nay, cơ hội đi hành hương ngày càng mở ra. Thiên Chúa phải chăng thách đố mỗi người dám rời bỏ gia đình mấy ngày để lên đường với nhau và với Chúa?
Với tâm tình thiêng liêng này, chúng ta có quyền hy vọng những ngày hành hương là cuộc thao luyện thể xác và tinh thần. Tuy mệt mỏi sau chặng đường dài di chuyển, nhưng với con tim nguyện cầu, với tinh thần quảng đại, Thiên Chúa sẽ trợ sức cho mỗi người. Hơn nữa chính Chúa Giêsu dạy chúng ta biết những chặng đường hành hương để có thể đạt tới đích điểm ấy, đó là: “Đừng xét đoán để các con khỏi bị xét đoán; đừng lên án để các con khỏi bị lên án; hãy tha thứ thì các con sẽ được tha thứ; hãy cho thì các con sẽ được lãnh nhận: chiếc đấu đong đầy, đã dằn, đã lắc sẽ được đổ vào vạt áo các con; vì các con đong bằng đấu nào, cũng sẽ được đong lại bằng đấu ấy” (Lc 6,37-38). Thánh vịnh cũng nhắc nhớ mỗi người hành hương: “Bước đường con lận đận, chính Ngài đã đếm rồi. Xin lấy vò mà đựng nước mắt con. Nào Ngài đã chẳng ghi tất cả vào sổ sách?” (Tv 56,9).
Hơn nữa, chúng ta thấy lòng tin của Abraham quá tuyệt vời, cũng vì tiếng Chúa đang thôi thúc trong ông. Ước gì mỗi người cũng khao khát lòng tin này, để trong chuyến hành hương cụ thể phía trước, đức tin của mình được trui rèn, được chất vấn và mở ra. Từ đó, ai cũng có quyền mơ về một chặng đường có nhiều điều thú vị đang ở phía trước.
Khi viết tới đây, tôi nhớ tài liệu rất bổ ích mà Giáo hội viết về năm Thánh 2000: hành hương Rôma. Khi đó, Giáo hội tin rằng: “Cuộc ra đi của Abraham là một cuộc xuất hành đến với ơn cứu độ, là hình ảnh tiên trưng về cuộc xuất hành sau này của toàn thể dân tộc.” [5] Nếu hiểu trong bối cảnh này, chúng ta có lý do để vui mừng lên đường bởi cơ sở thần học quan trọng này. Như Abraham, chúng ta cũng lên đường với niềm tin và hy vọng về một chân trời mới mà Thiên Chúa chỉ dẫn. Đây cũng là kinh nghiệm của thánh Phaolô như là mẫu gương của người hành hương (truyền giáo), khi nhắn nhủ với các tín hữu Do Thái:
“Nhờ đức tin, ông Ábraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đã tới cư ngụ tại Đất Hứa như tại một nơi đất khách, ông sống trong lều cũng như ông I-xa-ác và ông Gia-cóp là những người đồng thừa kế cũng một lời hứa, vì ông trông đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng.” (Dt 11,8-13).
Tôi cũng được mời gọi như Abraham. Lên đường để tay Thiên Chúa dẫn đưa. Hành hương với nhiều niềm vui, nguyện cầu và khát khao. Đây cũng là hướng dẫn của Giáo hội: “Những người hành hương nên tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân cuộc hành hương và xin Chúa trợ giúp để sống ơn gọi Kitô hữu một cách quảng đại hơn khi họ trở về nhà”[6].
Mách nhỏ khi hành hương:
- Chúng ta không đi du lịch, nhưng đi hành hương.
- Đi hành hương để trở về với Thiên Chúa và anh em.
- Nên tìm cho mình một lý do xác đáng để thực hiện chuyến hành hương: tôi tìm gì trong chuyến hành hương này: xin một ơn nào đó, tỏ bày lòng sám hối, khao khát kết hiệp với Chúa.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/hanh-huong-thoi-cuu-uoc---phan-1-tieng-goi-len-duong-42190.html
9. Vatican ra mắt bảng điều khiển trực tuyến về Hồng y đoàn
TGPSG / CNS (9.12.2024): Vatican đã ra mắt một "bảng điều khiển" cho Hồng y đoàn vào ngày 5 tháng 12 vừa qua, cho phép người dùng trang web xem danh sách toàn diện các hồng y của Giáo hội và sắp xếp họ theo tuổi tác, cấp bậc, quốc gia gốc, tình trạng cử tri và dòng tu. Ban đầu, bảng điều khiển này chỉ có sẵn bằng tiếng Ý.
Bảng điều khiển, được tạo bằng chương trình Microsoft Power BI — một công cụ AI được thiết kế để sắp xếp dữ liệu một cách trực quan — đã được công bố trên trang web của Văn phòng Báo chí Tòa Thánh chỉ hai ngày trước khi Đức Giáo hoàng Phanxicô tấn phong 21 hồng y mới vào ngày 7 tháng 12.
Trang này cho phép người dùng xem bản đồ về nơi các hồng y hiện tại đến từ đâu, cũng như tỷ lệ phần trăm các hồng y từ mỗi khu vực dưới 80 tuổi và đủ điều kiện bỏ phiếu trong mật nghị. Ví dụ, tính đến ngày 5 tháng 12, 47,8% các hồng y từ Châu Âu đủ điều kiện bỏ phiếu trong mật nghị, trong khi 100% các hồng y từ Châu Đại Dương là cử tri đủ điều kiện.
Các hồng y mất quyền bỏ phiếu trong một mật nghị vào sinh nhật thứ 80 của họ hoặc khi họ mất các quyền và đặc quyền của một hồng y, như trường hợp của Hồng y Angelo Becciu, cựu Bộ trưởng Bộ Phong Thánh, người đã bị tòa án Vatican kết án vì sai phạm tài chính liên quan đến thời gian ngài làm Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh.
Ngoài tuổi tác, cấp bậc và phân bố địa lý, người dùng cũng có thể sắp xếp các hồng y theo thứ tự ưu tiên, dựa trên thời điểm họ được bổ nhiệm làm hồng y và thâm niên trong cấp bậc của họ, quyết định các vấn đề như sắp xếp chỗ ngồi và thứ tự các cuộc rước phụng vụ. Hồng y đoàn được chia thành ba cấp bậc — hồng y giám mục, hồng y linh mục và hồng y phó tế — phản ánh trách nhiệm hoặc thâm niên của một hồng y trong hệ thống phẩm trật của Giáo hội.
Trước đây, trang web của Vatican chỉ cung cấp các danh sách riêng biệt của các hồng y, được sắp xếp theo thứ tự chữ cái theo tên, theo quốc gia, theo tuổi hoặc được nhóm lại theo giáo hoàng đã bổ nhiệm họ.
Theo thống kê của Vatican, bao gồm 21 hồng y sắp được bổ nhiệm, hiện có 253 thành viên của Hồng y đoàn, trong đó 140 người đủ điều kiện bỏ phiếu trong mật nghị.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/vatican-ra-mat-bang-dieu-khien-truc-tuyen-ve-hong-y-doan-42193.html
10. Hành hương thời Cựu ước - phần 2: Về miền đất hứa
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
WHĐ (09/11/2024) - Môsê đã chấp nhận sứ mạng hướng dẫn dân hành hương về quê hương của cha ông họ. Cuộc hành hương này phải mất đến 40 năm rong ruổi trong sa mạc. Họ vượt Biển Đỏ, ngang qua sa mạc tới núi Sinai.
Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG
CHƯƠNG I: HÀNH HƯƠNG THỜI CỰU ƯỚC
Phần 2: VỀ MIỀN ĐẤT HỨA
Sau những năm tháng Abraham cùng gia đình ra đi theo tiếng gọi của Chúa, thì họ đã đến miền đất hứa (promised land). Gọi là đất hứa vì chính nơi đây Thiên Chúa hứa dành cho Abraham khoảng năm 1900 TCN. Đây chính là Đất thánh mà Cựu ước gọi là “miền đất tràn trề sữa và mật”. Thực ra khi Abraham vào được Đất hứa, Thiên Chúa đã giao ước với ông: “Ta sẽ là Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi sau này. Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi sau này miền đất ngươi đang trú ngụ, tức là tất cả đất Canaan, làm sở hữu vĩnh viễn; và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng.” (St 17,8). Lời hứa ấy đã được thực hiện với sự thành công rực rỡ cả về dân số lẫn tôn giáo, văn hóa và chính trị.
Nơi mảnh đất Cận Đông này, Abraham đã sinh I-xa-ác như là dấu chứng con cháu hoặc dân Chúa sau này đông như sao trời cát biển. Thế hệ tiếp theo: I-xa-ác sinh Gia-cóp như là dấu chứng để dân Chúa được quy tụ nên một dân tộc nơi 12 người con của Gia-cóp. Lý do là mỗi tên của những người con này, theo ý nghĩa thần học, là một chi tộc nhà Israel. Người nổi bật nhất trong thời này là Giuse, người con áp út của Gia-cóp. Chính Giuse đã đưa gia đình sang Ai-cập để tránh nạn đói. Từ lúc đó, có thể nói dân Chúa phải sống lưu vong, chịu nhiều áp bức lầm than. Họ mơ về một ngày lên đường hồi hương.
Tôi xin lỗi quý độc giả nếu đọc phải những thông tin cũ mèm trên đây. Lý do là tôi muốn nhắc đến một nhân vật quan trọng để đưa dân hành hương từ Ai-cập về lại Đất Hứa: Môsê (Moses - מֹשֶׁה, Mōše, nghĩa là được kéo lên khỏi nước).
“Vùng đất tràn trề sữa và mật” không ra đời trong hoàn cảnh trên đây, nhưng Thiên Chúa sau này mới nói cụm từ này cho Môsê: “Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật, xứ sở của người Canaan.” (Xh 3,7-8). Môsê đã chấp nhận sứ mạng hướng dẫn dân hành hương về quê hương của cha ông họ. Cuộc hành hương này phải mất đến 40 năm rong ruổi trong sa mạc. Họ vượt Biển Đỏ, ngang qua sa mạc tới núi Sinai. Nơi đây Đức Chúa đã ban Mười Điều Răn và lập giao ước với dân Israel.
Chuyến hành hương này Thiên Chúa luôn ở với họ: chúc lành của Thiên Chúa, Hòm Bia (Ds 9,15-23) và Nhà Tạm (x. 2 Sm 7,6), Chúa dẫn dắt và bảo vệ họ bằng Đám Mây (x. Ds 9,15-23). Về ý nghĩa thần học, Thiên Chúa dùng thời gian này để thanh tẩy và huấn luyện dân Chúa. Trên mỗi bước đường, Thiên Chúa đều ở với dân, nhất là hướng dẫn họ biết cách trung thành với lề luật.
Có lẽ biến cố quan trọng nhất trong cuộc hồi hương này là: Thiên Chúa ban Mười Điều Răn cho dân. Chính Môsê là người đại diện đón nhận giao ước này. Bởi thế khi đi hành hương, nhất là đến Israel, quý vị thường nhìn thấy tượng ảnh ông Môsê với hai tấm bia Điều Răn ở trên tay. Từ Giao Ước này, dân Chúa khi vào lại Đất Hứa, họ đã đồng lòng xây dựng một vương triều vững mạnh. Vương triều nổi tiếng nhất có lẽ là vào thời vua Đa-vít. Vị vua này có liên hệ mật thiết với Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. “Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Ábraham.” (x Mt 1,1-17).
Đối với các Kitô hữu Công giáo hành hương, Đất Hứa gắn liền với mọi biến cố thuộc cuộc đời của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Bethlehem, Nazareth, biển hồ Galilee, núi Tabor, núi Olives, Giêrusalem, núi Sinai, vv. Ngoài ra còn có núi Carmel. Những địa điểm này tôi nhường lại cho vị hướng dẫn hành hương giới thiệu.
Trong sách này, chúng ta chỉ bàn đến việc tại sao mình lại đi hành hương đến những nơi đó. Chẳng hạn, thời “Cựu ước dân Israel hành hương lên Đền Thờ Giêrusalem. Các Kitô hữu thời Trung cổ cũng hành hương đến các nơi thánh, đến Giêrusalem, đến Rôma, đến mộ các thánh tông đồ… Kitô hữu đi bộ khi hành hương thường để đền tội, và người hành hương thường bị thúc đẩy bởi ý nghĩ sai lầm rằng những việc tự hãm mình có thể làm cho mình nên công chính trước mặt Chúa. Ngày nay đã đổi mới, Kitô hữu đi hành hương để tìm sự bình an và sức mạnh xuất phát từ các nơi thánh. Nhiều người sống cô đơn lẻ loi, họ muốn ra khỏi cảnh tẻ nhạt đều đều hằng ngày, muốn được thoát thân khỏi những cái thừa thãi để nhẹ nhõm đi đến với Chúa.” (Youcat 276).
Đừng quên ý hướng trở về nguồn cũng là một cách thể hiện, biểu lộ khác nhau của việc đạo đức phổ thông, đặc biệt là những cuộc hành hương. Trong ý hướng này Giáo hội khuyến khích người trẻ, người hành hương “diễn tả cụ thể về lòng tin cậy vào Thiên Chúa” (Tông huấn "Christus vivit - Chúa Kitô đang sống", số 238).
Dù lý do hành hương có là gì, nhưng đến được với Thiên Chúa, được hiện diện nơi miền Đất hứa là điều ước ao của cả một đời người.
Lời nguyện hành hương
(Bản kinh ngắn ở bìa sách)
Lạy Chúa Giêsu là con đường, chúng con đang bước vào chuyến hành hương.
Nơi đây, chúng con sẽ gặp thấy nhiều điều thú vị mà chính Chúa đang đợi chờ chúng con.
Xin gửi Thánh Thần Chúa đến trên mỗi bước chân, nơi tâm trí chúng con.
Mục đích là để chúng con thực hiện chuyến hành hương này trong tinh thần của Chúa.
Nghĩa là chúng con cầu nguyện với đôi chân, với tinh thần sám hối ăn năn.
Hơn nữa, chúng con muốn thấy Thiên Chúa đang hoạt động không chỉ trong quá khứ, nhưng còn đang mời gọi chúng con nhận ra Ngài mỗi ngày.
Những nơi chúng con đến, những gì chúng con thấy, những câu chuyện chúng con nghe, những tâm tình chúng con cảm nhận, tất cả là dấu chỉ để chúng con thấy Chúa thật gần.
Kể cả những khi chúng con mệt mỏi, xin Chúa cũng đến để giúp sức đỡ nâng. Chúng con cũng xin điều này cho từng thành viên trong nhóm. Bởi nơi đây, Chúa mời gọi chúng con cùng nhau làm nên một cộng đoàn hành hương. Chúa mời gọi chúng con cùng giúp nhau nhận ra Chúa và thấy những điều thú vị ở những vùng đất mới.
Trên hành trình này, chúng con cũng đến những nơi liên quan đến Mẹ Maria. Xin Mẹ dẫn chúng con hướng về Thiên Chúa. Bởi: “Trên con đường về quê mà vắng bóng Mẹ, chúng con biết cậy vào ai biết nương nhờ ai?”
Sau cùng, xin Thiên Chúa là Cha toàn năng hiện diện ở khắp mọi nơi kéo chúng con đến với Ngài. Được như thế, chúng ta mới nhận được nhiều hoa trái trước, trong và sau chuyến hành hương thú vị này. Amen.
Mách nhỏ khi hành hương:
- Đừng lẫn lộn Nơi Thánh với bùa ngải. Đất hứa là nơi giúp ta gặp gỡ với Chúa trong cầu nguyện và trong sự hiệp thông với cả Hội Thánh.
- Cố nhớ vài thông tin quan trọng liên quan đến địa điểm mình đang thăm.
- Nhắc mình ý thức đang đi hành hương, xin Chúa những ơn cần thiết.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/hanh-huong-thoi-cuu-uoc---phan-2-ve-mien-dat-hua-42196.html
11. Cầu nguyện như Thánh Augustinô
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Đình Dương
Khi bạn bắt đầu cầu nguyện như thánh Augustinô, đời sống của bạn sẽ nảy sinh những hoa thơm trái ngọt cho đời sống thiêng liêng cũng như cuộc sống thường ngày.
Chia sẻ
Khi bạn bắt đầu cầu nguyện như thánh Augustinô, đời sống của bạn sẽ nảy sinh những hoa thơm trái ngọt cho đời sống thiêng liêng cũng như cuộc sống thường ngày.
Hội nghị gần đây của Trung tâm Đạo đức và Văn hóa de Nicola với chủ đề “Vẻ Đẹp Ngàn Xưa Nhưng Luôn Tươi Mới: Về Trí Tưởng Tượng Công Giáo” tại Đại học Notre Dame là hội nghị lớn nhất trong lịch sử của Trung tâm. Tại đây tôi đã có cơ hội trình bày một bài báo về cuốn sách mới của mình Praying Like Saint Augustine: A Guided Prayer Journal (Cầu Nguyện Như Thánh Augustinô: Một Cuốn Nhật Ký Hướng Dẫn Cầu Nguyện).
Tôi đã nói gì?
Tôi bắt đầu bằng một lời thú nhận. Khi tôi ngồi xuống để hướng lòng trí mình lên Chúa, ngay lập tức tôi bị lo ra chia trí bởi đủ những suy nghĩ chẳng liêng quan gì đến Thiên Chúa. Lẽ ra tôi phải thưa chuyện với Chúa và lắng nghe Ngài nói với tôi, thế nhưng tâm trí tôi lại quay sang các vấn đề về thuế má, chính trị, hoặc kế hoạch ăn trưa. Về vấn đề lo ra chia trí như thế này, tôi không phải là người duy nhất. Thánh Têrêsa Avila đã hình dung sự lo ra chia trí như một “người đàn bà điên” trong nhà, làm người ta phân tâm không còn hướng lòng trí mình lên Chúa được nữa. Tuy nhiên, tôi đã tìm ra một cách có thể giúp giảm bớt sự lo ra chia trí như vậy khi cầu nguyện, đó là cầu nguyện như thánh Augustinô.
Trong tác phẩm Tự Thuật, thánh Augustinô nói rằng ngài viết ra không phải để cho những người có thể chế giễu những sai lầm và hành động ngu ngốc của ngài đọc; mà ngài viết cho Thiên Chúa của Lòng Xót Thương. Giống như Augustinô, Flannery O’Connor cũng cầu nguyện với Thiên Chúa qua việc viết ra giấy. Trong Nhật Ký Cầu Nguyện, O'Connor đã viết: “Lạy Chúa... con không có ý phủ nhận những kinh nguyện truyền thống mà con vẫn dùng để cầu nguyện trong suốt những năm tháng qua; nhưng con phải thú thật là khi cầu nguyện như thế con chẳng có chút tâm tình gì. Con thường chẳng tập trung chú ý được. Cách này giúp con tập trung chú ý được trong từng khoảnh khắc. Viết ra như thế này để gửi đến Ngài con có thể cảm nhận được hơi ấm tình yêu của Chúa sưởi ấm tâm hồn con khi con suy nghĩ và viết ra lời cầu nguyện dâng lên Ngài.” Cũng giống như O’Connor, tôi đã nhận thấy khi tôi viết lời cầu nguyện lên trang giấy nó giúp tôi tránh được sự lo ra chia trí và tôi thấy cách này hơn hẳn mọi cách thức cầu nguyện khác mà tôi đã thử.
Vậy phải làm như thế nào?
Rất đơn giản, giống như bạn viết một lá thư gửi cho Thiên Chúa Cha (hoặc Chúa Giêsu, hoặc Chúa Thánh Thần) về bất kỳ điều gì bạn muốn. Sau đó, bạn tưởng tượng Thiên Chúa sẽ trả lời bạn như thế nào. Cầu nguyện là sự hiệp thông với Thiên Chúa. Khi cầu nguyện, chúng ta không chỉ nói với Chúa, nhưng còn là sẵn sàng đón nhận những gì Thiên Chúa muốn nói với chúng ta. Thiên Chúa có thể không nói với chúng ta qua một bụi cây bốc cháy, hay qua một thiên thần, nhưng chúng ta có thể tưởng tượng được những gì Thiên Chúa tình yêu sẽ nói với chúng ta.
Trong những thời điểm khó khăn, việc quay trở về với Thiên Chúa bằng cách viết ra lời cầu nguyện của mình vô cùng hữu ích. Trong một bức thư, thánh Frances Xavier Cabrini đã viết: “Lạy Chúa Giêsu, xin Ngài xem, con tàu của đời con đang phải chiến đấu chống lại những ngọn cuồng phong của biết bao nhiêu khó khăn nguy hiểm. Xin Ngài hãy bảo vệ, đừng để nó bị chìm. Con luôn tin tưởng trọn vẹn nơi Ngài. Con xin phó thác bản thân cho Ngài; và chỉ khi con tín thác trọn vẹn nơi Ngài con mới cảm nhận được sự bình an sâu thẳm ngự trị trong tâm hồn con.”
Càng chân thành, lời cầu nguyện của ta càng hiệu quả
Lá thư dưới đây đã được nghiên cứu về mặt tâm lý và được chứng minh là rất hữu ích trong việc đối phó với những cảm xúc tiêu cực.
Trong đoạn đầu tiên, bắt đầu bằng cách viết một lá thư gửi cho chính mình: “Kính thưa [Tên của bạn].” Sau đó, bạn hãy miêu tả những khó khăn, thử thách, và những điều không chắc chắn mà bạn đang phải đối mặt. Bạn cảm thấy thế nào? Chán nản, ghê tởm hay tuyệt vọng? Mục đích là mô tả đầy đủ và chính xác cảm giác lo âu, tức giận, xấu hổ hoặc cô đơn mà bạn đang trải qua ngay lúc này.
Sau khi đã viết ra những cảm xúc tiêu cực của bản thân, trong đoạn tiếp theo, bạn hãy nhớ rằng bạn không cô đơn đâu, có hàng triệu người trên thế giới có những cảm giác giống như bạn lúc này. Có biết bao nhiêu người khắp nơi trên thế giới cũng đang trải nghiệm tất cả các cung bậc cảm xúc của bạn lúc này. Những cảm xúc tiêu cực có thể khiến bạn cảm thấy lạc lõng cô đơn, điều này chỉ mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Đoạn văn này nhắc nhở bạn rằng bạn cũng là một thành viên trong một cộng đồng rộng lớn đang khóc và than van trong thung lũng nước đầy mắt này.
Trong đoạn cuối cùng, bạn hãy tưởng tượng xem một người khôn ngoan, thánh thiện, có kinh nghiệm và sáng suốt sẽ nói gì với bạn để giúp bạn vượt qua khó khan mà bạn đang phải đối mặt. Chúa Giêsu sẽ nói gì với bạn? Còn vị thánh mà bạn yêu thích sẽ khuyên bạn điều gì? Làm sao bạn có thể nhận thấy trong hoàn cảnh này một cơ hội để bạn phát triển các kỹ năng của mình? Làm sao bạn có thể nhận thấy một cơ hội tiềm ẩn trong chính những khó khăn mà bạn đang phải đối mặt lúc này giúp bạn trau dồi đời sống nhân đức? Rào cản này có thể trở thành cơ hội để giúp bạn củng cố những mối dây yêu thương không? Với sự trợ giúp của ơn Chúa, liệu có sự phục sinh nào phát sinh từ những thập giá mà bạn đang phải gánh chịu không?
Khi bạn viết ra lời cầu nguyện như thế này nó có thể rất đơn sơ mộc mạc chân thành. Mục đích là nuôi dưỡng sự chân thành và thẳng thắn tuyệt đối. Sau cùng, mặc dù Thiên Chúa đã biết rõ cảm giác của bạn như thế nào, nhưng chúng ta vẫn muốn có thể thuần hóa được những cảm xúc hoang dại của mình bằng cách viết chúng ra giấy. Càng chân thành với mình bao nhiêu thì lời cầu nguyện càng hiệu quả bấy nhiêu.
Tuy nhiên, sự thành thật tuyệt đối như thế có thể khiến bản thân gặp rắc rối. Đành rằng chúng ta muốn bày tỏ tâm tình chân thành với Thiên Chúa, thế nhưng chẳng may có ai vô tình đọc được những gì bạn chỉ viết cho Thiên Chúa thì sao?
Nếu bạn muốn bảo vệ sự riêng tư khi viết thư cho Thiên Chúa, bạn có thể tiêu hủy những gì mình đã viết ngay sau khi viết xong. Đốt nó, xé nó, hoặc cho nó vào thùng rác. Gửi email cho Thiên Chúa là Cha Toàn Năng có thể là một ý tưởng tốt, nhưng email có thể bị hack. Vì vậy, nếu bạn thực sự quan tâm tới việc bảo mật, thì tốt hơn bạn nên viết thư tay thay vì viết và gửi Email. Cho dù có như thế nào đi nữa, tôi vẫn nghĩ khi bạn bắt đầu cầu nguyện như thánh Augustinô, đời sống của bạn sẽ nảy sinh những hoa thơm trái ngọt cho đời sống thiêng liêng cũng như cuộc sống thường ngày.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/cau-nguyen-nhu-thanh-augustino-42205.html
12. Tại sao Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu cho một bản dịch Kinh Thánh mới?
WHĐ (12/11/2024) - Tuần này, trong Phiên họp Khoáng đại tại Baltimore, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu phê chuẩn một bản dịch Kinh Thánh phụng vụ mới, mở đường cho một cuốn Sách Bài đọc mới được sử dụng trong Thánh lễ và cho việc xuất bản một bản dịch mới của Phụng vụ Các Giờ Kinh của Giáo hội.
Một viên chức của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ phụ trách tiến trình này đã chia sẻ với The Pillar rằng việc phê chuẩn này sẽ là bước tiến lớn trong một số dự án phụng vụ của Giáo hội tại Hoa Kỳ. Bà Mary Sperry, Phó Giám đốc Văn phòng Tông đồ Kinh Thánh của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, cho biết: “Bản Kinh Thánh phụng vụ mà các giám mục sẽ bỏ phiếu bao gồm ba phần: Cựu Ước năm 2010; các Thánh vịnh và Thánh ca của Đan viện Saint Meinrad, tất cả đã được Tòa Thánh chấp thuận cho sử dụng trong phụng vụ; và Tân Ước, đã được ban điều hành phê duyệt vào tháng 9.”
Bà Sperry giải thích rằng khi bản Kinh Thánh phụng vụ mới được phê chuẩn, sau này các giáo xứ tại Hoa Kỳ sẽ thay thế Sách Bài đọc hiện tại (phê chuẩn năm 2002) bằng các bản dịch Kinh Thánh mới, thay cho bản dịch Cựu Ước năm 1970 và Tân Ước năm 1986 đang được sử dụng.
Tuy nhiên, trước tiên, bản văn phụng vụ – cụ thể là bản dịch mới của Tân Ước – cần được gửi đến Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích của Vatican để phê chuẩn.
Bà Sperry cho biết vẫn chưa rõ quá trình phê chuẩn sẽ mất bao lâu. Nếu Bộ không có yêu cầu thay đổi nào, thì các bản dịch mới của New American Bible có thể được in ngay sau đó.
Sau khi Vatican phê chuẩn bản văn Kinh Thánh, Ủy ban Phụng tự của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ sẽ sử dụng bản văn mới này làm cơ sở để thiết kế Sách Bài đọc mới, sẽ đệ trình cho các giám mục Hoa Kỳ bỏ phiếu, rồi gửi đến Vatican phê chuẩn. Sau đó, các giám mục sẽ cấp phép cho các nhà xuất bản in Sách Bài đọc để sử dụng chung.
Đại hội Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ tại Louisville, năm 2024
Bà Sperry nói rằng: “Đó là một quy trình hai bước... Bước một: Có một bản Kinh Thánh. Bước hai: Biến nó thành một Sách Bài đọc.” Bà nhấn mạnh rằng tiến trình phê chuẩn một Sách Bài đọc mới mất nhiều thời gian nhưng sẽ “là ưu tiên hàng đầu” của văn phòng và “dành tất cả thời gian” để chuẩn bị cho Sách Bài đọc này.
Việc phê chuẩn một bản dịch Kinh Thánh phụng vụ mới cũng sẽ ảnh hưởng đến một dự án khác đã được Hội đồng Giám mục khởi động từ năm 2012: đó là dịch lại Phụng vụ Các Giờ Kinh – cuốn sách kinh nguyện dựa trên Kinh Thánh được linh mục, tu sĩ và nhiều giáo dân Công Giáo dùng cầu nguyện nhiều giờ trong ngày.
Nếu các giám mục phê chuẩn bản dịch mới của Sách Tân Ước vào tuần này, thì bản văn đó sẽ được đưa vào bản dịch mới của Phụng vụ Các Giờ Kinh, dự kiến, sau hơn một thập niên miệt mài chuyển ngữ, có thể được gửi đến Vatican để phê chuẩn vào tháng sau.
Nhưng bà Sperry cũng cho biết không rõ quá trình phê chuẩn đó sẽ mất bao lâu. Ngay cả khi văn bản được Vatican chính thức phê chuẩn, thì các nhà xuất bản vẫn cần khá nhiều thời gian để chuẩn bị các sách Phụng vụ Các Giờ Kinh mới để phát hành.
“Xuất bản Phụng vụ Các Giờ Kinh sẽ là một công việc thực sự, thực sự khó khăn”, bà Sperry nhấn mạnh. Vì loại giấy đặc biệt phải được đặt hàng trước, và chỉ có một số nhà in nhất định mới có thể in loại giấy đó. “Cùng với việc sử dụng Sách Phụng vụ Các Giờ Kinh hàng ngày và số lượng trang khá nhiều, cần phải có một khâu gáy sách với loại bìa cứng. Và cuốn sách cũng phải có giá trị xứng hợp, bởi Phụng vụ Các Giờ Kinh là một cuốn sách phụng vụ,” bà giải thích. “Sách này xứng đáng được in ấn với vẻ đẹp về hình thức, trang trọng, và có độ bền theo thời gian”.
Bà Sperry thừa nhận rằng: “Các ứng dụng điện thoại của Phụng vụ Các Giờ Kinh và các nhà xuất bản có thể có cách tiếp cận bản văn khác nhau, nhưng chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ sẽ không cho phép sử dụng bản dịch mới cho đến khi các nhà xuất bản có cơ hội chuẩn bị và phát hành các bản in.
Trước đây, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã nói với The Pillar rằng bản dịch Phụng vụ Các Giờ Kinh mới có thể được sử dụng vào Mùa Vọng năm 2026.
Trong khi việc đưa vào sử dụng những văn bản trong phụng vụ mới, nếu được chấp thuận trong tuần này, sẽ cần nhiều thời gian, bà Sperry hy vọng người Công Giáo thấy được tầm quan trọng của bản dịch Kinh Thánh phụng vụ mới.
“Bạn sẽ có thể mua một cuốn Kinh Thánh khớp với Sách Bài đọc trong Thánh lễ," bà nói. Với trình tự dịch lại hiện nay, bà giải thích rằng: “Trong suốt 40 năm, chúng ta chưa có một cuốn Kinh Thánh nào khớp với Sách Bài đọc cả."
Bà cũng nhấn mạnh lại quá trình dịch lại Tân Ước.
Vào năm 2013, “các giám mục [trong Tiểu ban Dịch Văn bản Kinh Thánh] đã phê duyệt danh sách những người có thể làm biên tập viên, và sau đó chúng tôi tuyển dụng họ để làm việc cho dự án này. Có 5 biên tập viên và 18 người hiệu đính.” Các biên tập viên đã làm việc với các giám mục để thảo luận về các nguyên tắc cho bản dịch Kinh Thánh mới.
“Các giám mục muốn đây là một bản văn phù hợp để công bố trong phụng vụ, để học tập, cầu nguyện cá nhân, và để dạy giáo lý và giảng dạy. Nó phải xuất sắc về mặt học thuật nhưng truyền được cảm hứng. Bạn phải có khả năng nghe và hiểu được bản văn”.
Trong bản Tân Ước của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ năm 1986, bà Sperry giải thích, một số phần có những câu quá dài khiến người nghe, đặc biệt là những người tham dự Thánh lễ, rất khó theo dõi. “Cách thức chính mà hầu hết người Công Giáo sẽ trải nghiệm Kinh Thánh là trong Lời Chúa được công bố cho cộng đoàn Thánh Thể”. Bà cho biết: “Nếu họ không hiểu những gì họ nghe, họ sẽ bỏ lỡ một trong những cách thế hiện diện của Chúa Kitô trong phụng vụ. Bản dịch cần được thực hiện theo cách thúc đẩy cuộc gặp gỡ của mọi người với Chúa Kitô trong Lời Chúa”.
Bà tin rằng công việc biên soạn một bản dịch mới đã đạt được mục tiêu đó. Nhấn mạnh đến công sức của các biên dịch viên, biên tập viên và giám mục, bao gồm cả những người đã dành thời gian đọc lớn tiếng gần như toàn bộ bản dịch, để đảm bảo rằng người nghe có thể hiểu được.
“Nếu không, bạn sẽ gặp phải những sự cố như phát âm sai từ như ‘burning brazier’ trong Sáng thế chương 15,” bà cười.
Ngoài ra, bà cho biết, bản dịch đã được gửi đến các giám mục vào năm 2019 để các ngài góp ý. Đã có đến hàng trăm trang đề xuất và nhiều giờ làm việc của các thành viên ủy ban và các biên tập viên chuyên nghiệp tham gia vào dự án. “Tôi không nghĩ mọi người nhận ra các giám mục đã làm việc chăm chỉ đến mức nào cho một dự án như thế này,” bà nói với The Pillar.
Bà Sperry cho biết: "Đây là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong sự nghiệp chuyên môn của tôi". Mặc dù thừa nhận rằng các bản dịch có thời hạn sử dụng nhất định, và các văn bản phụng vụ đã được sửa đổi nhiều lần kể từ năm 1970, bà hy vọng bản dịch này sẽ hữu ích cho Giáo hội trong nhiều thập kỷ tới, nếu không muốn nói là lâu hơn. Các biên tập viên và giám mục đã làm việc chăm chỉ để làm cho Kinh Thánh dễ hiểu đối với tất cả người Công Giáo và tạo ra một bản dịch mà bà hy vọng sẽ tồn tại lâu dài.
"Đây là một món quà tình yêu to lớn dành cho các thế hệ tương lai", bà nói.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/tai-sao-hoi-dong-giam-muc-hoa-ky-se-bo-phieu-cho-mot-ban-dich-kinh-thanh-moi-42211.html
13. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dựng bia ghi ơn hội Thừa Sai Paris
WGPHN (15/12/2024) - Sau Thánh lễ Chúa nhật ngày 15/12/2024, tại nhà nguyện Hiển Linh rue du Bac, vào lúc 11h00 (giờ Pháp), Đức Tổng Giám mục Giu-se Vũ Văn Thiên, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã làm phép bia ghi ơn Hội Thừa sai Hải ngoại Paris tại trụ sở của Hội.
Hiện diện trong biến cố quan trọng này có Đức cha Giu-se Đỗ Mạnh Hùng – Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Cha Vincent Sénéchal – Bề trên Tổng quyền Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, quý cha thành viên nhà MEP, quý cha du học sinh và một số anh chị em giáo dân hải ngoại.
Bia ghi ơn này được đặt tại hoa viên Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, ngay cạnh tượng đài Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, nơi các nhà thừa sai được sai đi. Việc đặt tấm bia này mang nhiều ý nghĩa. Đây là tâm tình tri ân của Hội Đồng Giám mục và của Giáo hội Công giáo Việt Nam đối với Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, đồng thời nhắc nhớ cho các thế hệ tương lai lịch sử truyền giáo tại Việt Nam. Qua tấm bia này, Giáo hội Việt Nam luôn hiện diện giữa trụ sở của Hội.
Hội Thừa sai Hải ngoại Paris là tổ chức được thiết lập để truyền giáo cho Việt Nam và vùng Viễn Đông năm 1663. Hội đã đóng góp khoảng 1000 nhà thừa sai làm việc trên cánh đồng truyền giáo tại Việt Nam. Trong số này có 10 vị tử đạo đã được phong thánh ngày 19/6/1988. Cha Jean-Baptiste Etcharren là vị thừa sai cuối cùng hiện diện tại Việt Nam, mất ngày 21/9/2021 tại Tổng Giáo phận Huế.
Hiện nay, Hội Thừa sai Hải ngoại Paris vẫn tiếp tục giúp đỡ Giáo Hội Việt Nam qua việc đào tạo rất nhiều nhân sự cho hầu hết các giáo phận tại Việt Nam. Đây là nghĩa cử biểu lộ lòng biết ơn của Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng như của con dân Công giáo đất Việt đối với công ơn của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/hoi-dong-giam-muc-viet-nam-dung-bia-ghi-on-hoi-thua-sai-paris-42215.html
14. Ủy Ban Phụng Tự: giải đáp về cây Thánh Giá Năm Thánh
WHĐ (03/12/2024) - Bản văn “Nghi thức khai mạc Năm Thánh tại các Hội Thánh địa phương” lưu ý đến “chọn một cây Thánh Giá mang ý nghĩa đặc biệt… [và] đặt nơi cung thánh, gần bên bàn thờ, trong suốt Năm Thánh” (số 9) nhưng cũng “lưu ý rằng, tại cung thánh, chỉ để một cây Thánh Giá duy nhất” (số 30). Uỷ ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam, sau khi tham khảo và đối chiếu các tài liệu phụng vụ, giải đáp như sau:
Quy định về một cây Thánh Giá duy nhất tại cung thánh thuộc về luật phụng vụ hiện nay và cũng là tập tục lâu đời của Hội Thánh. Theo đó Hội Thánh xác định rằng chỉ nên có một cây Thánh Giá bàn thờ. Nghĩa là một khi đã có cây Thánh Giá đặt trên bàn thờ, hoặc gần bàn thờ, hoặc treo phía trên bàn thờ hay trên bức tường đầu cung thánh ở phía sau bàn thờ thì sự xuất hiện của Thánh Giá thứ hai là không cần thiết, trừ phi Thánh Giá lớn ở quá xa bàn thờ không đáp ứng được mục đích là giúp cộng đoàn tập họp có thể dễ dàng nhìn thấy và chủ tế dễ dàng xông hương.[1]
Như vậy, trong dịp Năm Thánh này, khi tuân giữ chỉ thị về một cây Thánh Giá duy nhất trong cung thánh, cần xét đến 2 trường hợp:
1/ Thứ nhất, đối với nhà thờ vốn đang sử dụng một cây Thánh Giá đặt ở gần bàn thờ mà có thể dễ dàng mang đi/ di chuyển hoặc có thể dùng chính Thánh Giá này làm Thánh Giá dẫn đầu đoàn hành hương Năm Thánh thì hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của “Nghi thức khai mạc Năm Thánh tại các Hội Thánh địa phương” (số 30) cũng như đòi hỏi của Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma: “Thánh Giá có tượng Chúa Kitô chịu đóng đinh đã cầm đi rước, có thể dựng bên cạnh bàn thờ để làm Thánh Giá tại bàn thờ hoặc cất đi và đặt vào nơi xứng đáng vì bàn thờ chỉ được có một Thánh Giá” (QCSL 122, 308; x. 117).
2/ Thứ hai, đối với nhà thờ mà Thánh Giá tại cung thánh đã được treo cao phía trên bàn thờ hay treo trên bức tường đầu cung thánh phía sau bàn thờ khiến cho việc tháo gỡ quá khó khăn hoặc không thể di chuyển thì chúng ta cần phải xem xét như sau:
a/ Nếu Thánh Giá này ở quá xa bàn thờ và không đáp ứng được mục đích là giúp cộng đoàn tập họp có thể dễ dàng nhìn thấy, chúng ta hoàn toàn được phép sử dụng thêm Thánh Giá thứ hai trong cung thánh và đó chính là Thánh Giá dẫn đầu đoàn hành hương được đặt gần bàn thờ trong suốt Năm Thánh.[2]
b/ Nếu Thánh Giá (Năm Thánh) này được đặt gần bàn thờ thì quy tắc chỉ có một cây Thánh Giá bàn thờ trong cung thánh vẫn giữ nguyên giá trị và hiệu lực theo quy định, nhưng chúng ta vẫn có thể xét đến các trường hợp ngoại lệ và sự miễn chuẩn cho cây Thánh Giá thứ hai: chẳng hạn đôi khi có hai cây Thánh Giá hiện diện tại một số Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng, đặc biệt là bên ngoài Roma hay trường hợp của Năm Thánh 2025. Do vậy, giải pháp đơn giản ở đây là Đức Giám mục giáo phận chỉ cần sử dụng thẩm quyền miễn chuẩn của ngài đối với trường hợp này (Bộ Giáo Luật, 87§1; x. John M. Huels, Liturgy and Law [Montréal: Wilson & Lafleur Ltée, 2006], 177-78). Như vậy, tất nhiên, chúng ta vẫn giữ nguyên Thánh Giá treo cao phía trên bàn thờ hay gắn trên bức tường đầu cung thánh phía sau bàn thờ mà không nhất thiết phải che phủ, hoặc gỡ bỏ tạm thời, hoặc di chuyển đến vị trí khác ngoài cung thánh. Tuy nhiên, trong Năm Thánh thì Thánh Giá Năm Thánh mới chính là Thánh Giá mà mọi người phải chú ý và tôn kính cách đặc biệt hơn. Thánh Giá này phải đủ lớn và được đặt ở vị trí trung tâm để mọi người dễ thấy, được trang trí cách đặc biệt, xứng hợp và thích hợp, được rảy nước thánh và xông hương theo chỉ dẫn của nghi thức.[3]
Vì thế, trường hợp có hai cây Thánh Giá trong cung thánh, như đã dẫn chứng trên đây, không đi ngược với luật phụng vụ vì đã có sự miễn chuẩn luật phụng vụ liên quan đến một đối tượng đặc biệt và một thời kỳ đặc biệt. Đối tượng đặc biệt ở đây chính là Thánh Giá Năm Thánh như được Đức Thánh Cha Phanxicô diễn tả rằng: “Trong một thế giới đang diễn ra tình trạng đan xen giữa tiến bộ và thụt lùi, Thánh Giá của Chúa Kitô luôn là chiếc neo của ơn cứu độ: dấu chỉ của đức cậy trông không làm thất vọng, vì được xây dựng trên tình yêu Thiên Chúa, Đấng nhân hậu và trung tín” (Buổi tiếp kiến chung, 21/09/2022), cũng như “Nghi thức khai mạc Năm Thánh tại các Hội Thánh địa phương” (số 9) khuyên nên chọn Thánh Giá “mang ý nghĩa đặc biệt nào đó đối với giáo phận, hoặc mang tính cách lịch sử và nghệ thuật, hoặc gắn liền với lòng đạo đức bình dân”. Thời kỳ đặc biệt ở đây chính là Năm Thánh 2025.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/uy-ban-phung-tu-giai-dap-ve-cay-thanh-gia-nam-thanh-42217.html
15. Toà Tổng Giám mục Huế kính báo: Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể đã an nghỉ trong Chúa
Ban Truyền thông Tổng Giáo phận Huế
WGPQN (11/12/2024) – Toà Tổng Giám mục Huế kính báo: Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể, nguyên Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế, đã an nghỉ trong Chúa, lúc 18g15, thứ Hai, ngày 16/12/2024.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/toa-tong-giam-muc-hue-kinh-bao-duc-cha-tephano-nguyen-nhu-the-da-an-nghi-trong-chua-42224.html
16. Hành hương thời cựu ước - Phần 3: Hành hương lên đền thánh
WHĐ (17/11/2024) - Người Do Thái thường hành hương về Đền Thờ đầu tiên của họ tại Giêrusalem (được xây 957 TCN) để mừng ba lễ lớn: Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần và Lễ Lều. Trên đường đi, họ hát những bài thánh ca hành hương, hoặc thánh vịnh.
Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG
CHƯƠNG I: HÀNH HƯƠNG THỜI CỰU ƯỚC
Phần 3: HÀNH HƯƠNG LÊN ĐỀN THÁNH
“Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi:
‘Ta cùng trẩy lên Đền Thánh Chúa!’
Và giờ đây, Giêrusalem hỡi,
cửa nội thành ta đã dừng chân…”
(Tv 122,1-2).
Từ Abraham tới vua Salomon, phải mất khoảng 1000 năm người Do Thái mới được hát lời Thánh Vịnh trên đây. Số là sau khi vào Đất hứa năm 1200 TCN, Giôsuê là đồ đệ trung thành của Môsê tiếp tục mở mang bờ cõi. Họ chọn Gilgal làm bản doanh và Sikem (Gs 24,25) làm nơi thờ phượng, nơi có Hòm Bia Giao Ước[1]. Hòm Giao Ước từng được đặt trong nơi chí thánh của đền tạm. Sau 200 năm về lại Đất Hứa, dưới tài lãnh đạo của vua David (Đa-vít, 1040-970 TCN), nước Do Thái ở đỉnh cao của thịnh vượng cả về tôn giáo lẫn chính trị.
Về chính trị, vua đã thống nhất đất nước, và chọn Giêrusalem làm thủ đô. Về mặt tôn giáo, vua Đavít rước hòm bia về Giêrusalem (2 Sm 6) với hy vọng xây dựng đền thờ. Lúc đó, người ta chỉ đưa Hòm Bia Đức Chúa đặt vào chỗ đã dọn giữa lều vua Đa-vít đã dựng sẵn. (2 Sm 6,1-16). Chỉ là một cái lều! Khi “Vua Đavít được chôn cất trong thành vua Đa-vít” (1 V 2,10), Đền thờ vẫn chỉ là dự án. Tuy nhiên phải chờ đến Salomon, con của Đavít, Đền Thờ Thứ Nhất mới được hoàn thành (1V 5-8). Từ đó ý nghĩa hành hương lên Đền Thánh Chúa phát triển một cách nhanh chóng (1V 12,27).
Khi đến Giêrusalem, gần mộ vua Đavít là khu Đền thờ Giêrusalem hay còn gọi là Đền Thánh tọa lạc trên một ngọn núi bên trong thành phố cổ Giêrusalem. Theo đức tin của người Do Thái thì đây là nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta cũng tin như thế.
Người Do Thái thường hành hương về Đền Thờ đầu tiên của họ tại Giêrusalem (được xây 957 TCN) để mừng ba lễ lớn: Lễ Vượt Qua (the Feast of Unleavened Bread, hay Passover), Lễ Ngũ Tuần (the Feast of Weeks, hay Pentecost), và Lễ Lều (Feast of Tabernacles, hoặc Festival of Ingathering). Trên đường đi, họ hát những bài thánh ca hành hương, hoặc thánh vịnh.
Vui mừng là thế, hạnh phúc là vậy, nhưng đền thờ thứ nhất này chẳng tồn tại được bao lâu. Số là vua Salomon mỗi lúc một trụy lạc, chạy theo những thú ăn chơi và không trung thành với Giao Ước. Sau khi vua Salomon băng hà, các chi tộc nhà Israel tan rã, Nam Bắc chia cắt[2] (vào năm -931). Khoảng 200 năm sau vua Sargon II nước Assyri đã chiếm được thủ đô Samari của Israel. Miền Bắc thất thủ. Vua bắt những thành phần ưu tú của Israel đi lưu đày, rồi lại đưa những dân khác đến cư ngụ. Họ sống chung với những người Israel còn được ở lại, từ sinh hoạt chung đó phát sinh một thứ tôn giáo pha trộn, không còn tinh tuyền nữa. Vì vậy mà sau này người Do thái rất ghét và khinh bỉ người Samari, coi họ là dân lai căng lạc đạo.
Miền Nam có phần tự hào hơn, nhưng cũng bị đế quốc Babylon của vua Nabucôđônoso xâm chiếm năm 598 TCN. Đến năm 587 TCN, Nabucôđônoso phá hủy bình địa Giêrusalem và Đền Thờ, bắt nhiều người đi lưu đày sang Babylon. Sử sách ghi lại tình cảnh người Do Thái bên Babylon có thể tóm gọn trong một câu: “Bên bờ sông Babylon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Sion... Bài ca kính Chúa Trời, làm sao ta hát nổi nơi đất khách quê người? Giêrusalem hỡi, lòng này nếu quên ngươi, thì tay gảy đàn thành tê bại.” (Tv 137,1.4-5). Tưởng nhớ Sion nghĩa là hoài niệm về Đền Thờ, về quê cha đất tổ. Họ lại mơ đến cuộc hành hương về nhà của mình!
Về mặt chính trị, sau thời Nabucôđônoso (604-552), đế quốc Babylon bắt đầu suy thoái và tan rã, nhường chỗ cho đế quốc Ba Tư của vua Kyrô. Ông vua này có thiện cảm với người Do Thái, nhất là tôn trọng văn hóa và tôn giáo của họ. Năm 538 TCN, vua ra chiếu chỉ cho phép người Do Thái ở Babylon được hồi hương. Thật may khi vua còn trao trả lại những vật dụng quí giá mà Nabucôđônoso đã lấy của Đền Thờ Giêrusalem. Hơn nữa, chính vua này đã tài trợ tiền để xây lại đền thờ. Vì nghĩa cử cao đẹp này mà vị ngôn sứ lừng danh thời này là Isaia đã gọi Kyrô là “Đấng Được Xức Dầu Của Thiên Chúa”, hay là “Mục Tử Của Thiên Chúa”, là người được Chúa chọn để cứu Dân Chúa. Dầu sao cuối cùng dân Chúa lại có nơi thờ phượng trên chính vùng đất hứa, nơi đền thờ thứ hai được khánh thành năm 515 TCN[3].
Quý độc giả thân mến,
Kể ra một chút dài dòng về lịch sử như thế để cho thấy Đền thờ có vai trò vô cùng quan trọng đối với dân tộc Do Thái. Thánh Đường không chỉ là nơi Thiên Chúa ngự, nhưng còn hội tụ vô số nét đẹp về kiến trúc, hội họa, văn hóa và phụng tự lễ nghi. Khi hành hương đến một Ngôi Thánh đường, chúng ta được hòa nhập trong dòng lịch sử thánh. Có lẽ chúng ta không có nhiều giờ để tiếp cận mọi ngóc ngách của ngôi thánh đường. Trên hết, khi hòa mình vào dòng lịch sử với những kiến trúc nguy nga của thánh đường, chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa.
Về mặt kiến trúc hay nghệ thuật thánh của Đền Thờ, chúng ta sẽ bàn sau ở chương thứ ba. Ở đây, chúng ta thấy tâm thức của người hành hương khao khát về Đền Thờ. Họ có một mục đích là gặp gỡ Thiên Chúa. Gần đây Giáo hội cũng hướng dẫn cụ thể hơn: “Theo giáo luật, Giáo hội chỉ công nhận chính thức một nơi thánh thiêng nhằm mục đích cụ thể là đón nhận những cuộc hành hương của dân Chúa, là đến đó để thờ phượng Chúa Cha, tuyên xưng đức tin và để hòa giải với Thiên Chúa, và để cầu xin sự chuyển cầu của Mẹ Thiên Chúa hoặc một trong các Thánh.”[4] Dĩ nhiên điều này cần một ngôi đền thờ xứng hợp. Tất cả những nơi hành hương đều có Đền thờ hoặc vương cung Thánh đường.
Có lẽ vì mục đích nền tảng trên mà Giáo hội đã viết cả một cuốn sách “Hướng dẫn về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ” của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Trong đó tài liệu dành cả một chương 8 đề bàn về Các Đền thánh và các cuộc Hành hương. Tôi xin trích số 287 dưới đây với 5 chiều kích vốn xác định Linh đạo đặc thù của việc hành hương (Spirituality of Pilgrimage)[5]:
1. Chiều kích Cánh Chung
“Chiều kích chính yếu này là nguồn gốc của việc hành hương: đó là một cuộc “đi lên Đền Thánh”, nghĩa là một thời điểm và một ẩn dụ về con đường dẫn đưa tới Nước Trời. Thực thế, cuộc hành hương giúp người tín hữu nhận thức chiều kích cánh chung của đời mình với tư cách là một người đã chịu phép rửa. Người tín hữu là một khách lữ hành, mà sự hiện hữu lại ở giữa bóng tối của niềm tin và sự khao khát thấy thực tại muôn đời, ở giữa giới hạn chật hẹp của thời gian và khát vọng một cuộc sống vĩnh hằng, ở giữa sự mệt nhọc phải bước đi trên đường và sự đợi chờ được an nghỉ luôn mãi, ở giữa nước mắt chốn lưu đày với ước mong hạnh phúc nơi quê hương trên trời, ở giữa sự xôn xao của cuộc đời hoạt động và niềm say mê sự thanh thản của chiêm niệm.
“…Khách hành hương nhận ra rằng: ‘trên đời này chúng ta không có thành trì nào bền vững’ (Dt 13,14), vì thế, ngoài mục đích trước mắt là Đền Thánh, người ấy tiến bước qua sa mạc của cuộc đời, hướng về Nước Trời là Đất Hứa đích thực.” Với nhiều tín hữu, đây cũng là “một cơ hội đặc biệt thuận lợi để tiếp cận Bí tích.”
“Khi cuộc hành hương được thực hiện đúng cách, người tín hữu sẽ rời ngôi đền thánh với quyết tâm ‘thay đổi cuộc đời’, nghĩa là hướng cuộc đời mình về Thiên Chúa một cách cương quyết hơn; như thế, người hành hương ước mong đem lại cho cuộc sống của mình một chiều kích siêu việt hơn.”
2. Chiều kích Lễ hội
“Trong cuộc hành hương, chiều kích Sám Hối đi đôi với chiều kích lễ hội. Người ta thậm chí có thể xác quyết, chiều kích lễ hội nằm ngay trung tâm của cuộc hành hương.”
3. Chiều kích Phụng tự
“Hành hương chủ yếu là một việc phụng tự: khi tiến bước về ngôi Đền Thánh, người hành hương đến gặp gỡ Thiên Chúa để hiện diện trước tôn nhan Người, thờ lạy Người và cởi mở tấm lòng ra với Người… Lời cầu nguyện của họ mang chiều kích rất đa dạng: ca ngợi và tôn thờ Chúa vì lòng nhân từ và sự thánh thiện của Ngài; cảm tạ vì những ân huệ đã lãnh nhận; cầu nguyện nhằm thực hiện một lời khấn đã cam kết trước nhan Chúa; cầu nguyện để được các ơn lành cần thiết cho cuộc sống; cầu nguyện để xin Chúa tha thứ những tội lỗi đã phạm”.
4. Chiều kích Tông Đồ
“… Cuộc hành hương là một việc loan báo đức tin, và khách hành hương là những ‘sứ giả lưu động của Chúa Kitô’.”
5. Chiều kích Hiệp Thông
“Người hành hương đi đến đền thánh, hiệp thông trong lòng tin và đức ái, không chỉ với những kẻ cùng đi với mình trong ‘cuộc hành trình thánh’ (Tv 84,6) mà còn với chính Chúa nữa…” Họ cũng hiệp thông với cộng đoàn địa phương của mình và qua cộng đoàn ấy với toàn thể Hội Thánh, tức là với các thánh trên trời. Họ cùng hiệp thông với toàn thể nhân loại mà những nỗi đau khổ và niềm hy vọng được đưa vào lời cầu nguyện.
Mách nhỏ khi hành hương:
- Để ý đến gian cung thánh có gì đặc biệt.
- Dành giờ ngồi thinh lặng trong Thánh đường.
- Khi chụp hình cũng có thể cầu nguyện!
Trích trong tập sách Ý nghĩa và lịch sử của hành hương, Nxb Tôn Giáo, 03/2024
______
[1] Hòm Bia Giao Ước (Hebrew: אָרוֹן הַבְּרִית, tiêu chuẩn: Arōn Ha'brēt, Tiberian: ʾĀrôn Habbərîṯ) hoặc Hòm Chứng Ngôn là một chiếc rương bằng gỗ nạm vàng chứa hai tấm thạch bia khắc Mười Điều Răn, xuất hiện lần đầu trong Xuất hành kí và được coi như một trong những bảo vật cực thánh của các tín ngưỡng Abram.
[2] Lập tức cuộc ly khai của 10 chi tộc miền Bắc bùng nổ dưới sự lãnh đạo của Giơrôbôam (thuộc chi tộc Ê-phra-im), thành lập một quốc gia mới lấy tên là Israel. Vương quốc Giuđa của Rôbôam chỉ còn duy nhất chi tộc Giuđa và một phần nhỏ của hai chi tộc Bengiamin và Simêon. Đây cũng là nguồn gốc của sự xung đột giữa Palelestin và Israel ngày nay?.
[3] https://vi.wikipedia.org (Jerusalem)
[4] Hướng dẫn về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ, số 264
[5] Trích lại từ: https://giaophankontum.com/muc-vu/phung-vu/hanh-huong
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/hanh-huong-thoi-cuu-uoc---phan-3-hanh-huong-len-den-thanh-42232.html
17. Tìm thấy chính mình trong máng cỏ
WHĐ (18/12/2024) - Giáng sinh đã làm thế giới thay đổi như thế nào? Chúng ta sẽ ra sao nếu không có Lễ Giáng sinh đầu tiên?
2025 năm trước, Thiên Chúa đã trở thành con người, và điều đó đã thay đổi mọi thứ. Chúng ta coi cảnh máng cỏ thân thương là điều hiển nhiên, nhưng nếu không có hang đá với những người chăn chiên và những vị đạo sĩ thì sao? Chúng ta có thể sống sót khi không có những món ăn và thức uống dành riêng cho đêm Giáng Sinh và không có vòng hoa Giáng Sinh, nhưng nếu không có Emmanuel, Đấng làm cho Thiên Chúa ở “cùng chúng ta”, thì chúng ta sẽ ra sao?
Thánh Phaolô cho chúng ta thấy thực tế phũ phàng của cuộc sống không có Đấng Cứu Thế khi ngài nhắc nhở người Êphêsô về tình trạng của họ trước khi chịu phép rửa tội:
“Anh em đã chết vì những sa ngã và tội lỗi của anh em. Xưa kia anh em đã sống trong đó, theo trào lưu của thế gian này, theo tên thủ lãnh nắm giữ quyền lực trên không trung buông theo các đam mê của tính xác thịt, thi hành những ước muốn của tính xác thịt và của trí khôn. Bẩm sinh chúng tôi là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, như những người khác đã chết vì sa ngã không có niềm hy vọng, không có Thiên Chúa ở trần gian này” (Êphêsô 2:1-5, 12).
Đơn giản là chúng ta sẽ bị lạc lối trong một thế giới đen tối, bị bỏ rơi với nguồn tài nguyên ít ỏi của mình.
Tội lỗi của Adam và Eva đã đảo lộn thế giới. Adam và Eva được cho ở một nơi được bảo vệ và được đáp ứng mọi nhu cầu, đặc biệt là mong muốn sâu sắc nhất của họ là được hiệp thông với Thiên Chúa. Nhưng họ muốn nhiều hơn thế, muốn nắm được sự hiểu biết toàn năng vốn không được phép, họ muốn trở nên giống Thiên Chúa theo cách của riêng họ. Và vì vậy, những bản năng thấp kém hơn của cuộc sống, vốn phải phụ thuộc vào những điều cao cả hơn, đã nổi loạn, kéo sự ngay thẳng của chúng ta xuống bóng tối. Nhân loại sa ngã giờ đây chủ yếu hướng đến “cái tôi”, đến sự thỏa mãn những ham muốn của riêng mình hơn bất cứ điều gì khác, về cơ bản là biến chính bản thân mình thành thần tượng của mình.
Lễ Giáng sinh sửa chữa mọi thứ bằng cách dạy chúng ta logic ngược lại của món quà hy sinh. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa vốn là sự sống viên mãn, đã hạ mình xuống, trở thành người hầu cho các thụ tạo phản loạn của Ngài. Thánh Phaolô cũng mang đến cho chúng ta tin mừng, dạy chúng ta rằng Lễ Giáng sinh, sự ra đời của Con Thiên Chúa trong thế giới đen tối này, kéo chúng ta ra khỏi chế độ nô lệ của chính bản thân mình như thế nào: “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Chúa Kitô Giêsu. Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2:3-7). Nếu không có Lễ Giáng sinh, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong một ý chí quyền lực vô ích, mò mẫm một cách mù quáng để tự tạo ra căn tính và ý nghĩa cho chính mình.
“Tôi là ai?” và “Tại sao tôi tồn tại?” Đây là những câu hỏi then chốt của con người. Động vật không đặt ra những câu hỏi này; chỉ có những sinh vật biết suy nghĩ và định hình số phận của mình thông qua sự lựa chọn tự do mới có thể đặt ra những câu hỏi này. Mặc dù là những câu hỏi muôn thuở, nhưng chúng đã trở nên cấp thiết hơn nhiều trong thế giới hiện đại, nơi mà những dấu hiệu xác nhận căn tính trong quá khứ, vốn được lấy từ Giáo hội, gia đình và văn hóa, đã trở nên mỏng manh. Đây là lý do tại sao một lần nữa chúng ta phải cảm nghiệm mặc khải về sự nhập thể của Con Thiên Chúa vào thế giới.
Khi chúng ta cố trả lời những câu hỏi cơ bản nhất của cuộc sống, chúng ta trở nên bất an và thậm chí có thể tuyệt vọng trước sự có vẻ vô nghĩa như vậy. Chỉ bằng cách ngắm nhìn máng cỏ, chúng ta mới có thể trả lời những câu hỏi đó. Chúng ta có thể đã từ bỏ Thiên Chúa, nhưng Chúa Hài Đồng chứng minh rằng Ngài không từ bỏ chúng ta. Chúng ta có thể đưa ra những định nghĩa hợp lý về ý nghĩa của việc trở thành một con người, chẳng hạn như con người là “một loài động vật có lý trí”, nhưng lời nói không đủ để diễn tả sự kiện Giáng sinh này, vốn có khả năng thay đổi thực tại. Là một con người có nghĩa là được Thiên Chúa yêu thương đến nỗi Đấng vô hạn đã hạ mình xuống để kéo chúng ta trở lại hiệp thông với Ngài. Chỉ khi quỳ gối, ngắm nhìn Ngôi Lời đã trở nên xác phàm, chúng ta mới có thể khám phá ra Thiên Chúa yêu quý chúng ta đến mức nào và mời gọi chúng ta bước vào cuộc sống vĩnh cửu của Ngài.
Máng cỏ mang đến một dấu chỉ cho toàn thế giới về ý nghĩa của cuộc sống con người - tình yêu tự trút bỏ mình ra không cách triệt để - một chướng ngại vật đối với nhiều người, giống như Thập giá. Hêrôđê đại diện cho những kẻ nắm quyền lực của thế gian vẫn sống bằng cách sử dụng bạo lực hết mức có thể, cố gắng xây dựng một vương quốc trường tồn cho chính mình một cách vô ích. Lễ Giáng sinh dạy chúng ta rằng những người bé nhỏ cuối cùng sẽ chiến thắng. Các nạn nhân vô tội của Hêrôđê, bị sát hại trong cuộc tìm kiếm Đấng Mêsia, giờ đây đang trị vì trong vinh quang. Những người chăn chiên nghèo khổ, ít học, đã nhận được lời công bố đầu tiên về Tin Mừng chứa đựng bước ngoặt quyết định lịch sử. Đến lượt mình, họ trở thành những người đầu tiên công bố Tin Mừng cho những người khác: “Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ” (Lc 2:20).
Chúng ta gọi Chúa Giêsu là Hoàng tử Bình an. Ngài đã có thể thay đổi lịch sử và thay đổi sự hiểu biết của chúng ta về ý nghĩa của việc làm người, nhưng chúng ta cũng cần tự mình cảm nghiệm điều đó. Chúng ta có thể tìm thấy sự mãn nguyện cho cõi lòng bất an của mình trong dịp Giáng sinh này không? Một đàng là tận hưởng lễ kỷ niệm, gợi lại thời thơ ấu ngây ngô của chúng ta, và đàng khác là từ bỏ cuộc truy tìm không ngừng cái tôi riêng tư của mình và từ bỏ việc cố sức lưu danh mình cho hậu thế. Máng cỏ lại không đủ giá trị để Thiên Chúa trao đổi với con người chúng ta hay sao? “Thiên Chúa đã trở thành con người để con người có thể trở thành Thiên Chúa” Thánh Athanasiô giải thích như thế.
Nhưng để chấp nhận sự trao đổi này, chúng ta phải trở nên giống như những trẻ nhỏ, nhận được từ Chúa Cha ân huệ căn bản của Ngài: tháp nhập vào Người Con thần thánh của Ngài như là các chi thể của Thân Thể Ngài. Đây mới là con người mà chúng ta được dựng nên để trở thành trong cốt lõi của căn tính chúng ta. Đó là chân lý vĩ đại nhất mà con người chúng ta có thể hình dung ra được và là chân lý duy nhất có thể lật ngược thế giới này trở lại đúng chiều.
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: catholicworldreport.com (12/12/2024)
Hình: Ben White @benwhitephotography/Unsplash.com
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/tim-thay-chinh-minh-trong-mang-co-42238.html
18. Ai tín của Toà Tổng Giám Mục Huế: Đức Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể
WGPQN (11/12/2024) – Toà Tổng Giám mục Huế kính báo: Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể, nguyên Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế, đã an nghỉ trong Chúa, lúc 18g15, thứ Hai, ngày 16/12/2024.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/ai-tin-cua-toa-tong-giam-muc-hue-duc-tong-giam-muc-tephano-nguyen-nhu-the-42243.html
19. Nghi thức tẫn liệm Đức Cố Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể
WTGPH (17/12/2024) – Đức Cố Tổng Giám mục (TGM) Têphanô Nguyễn Như Thể – Nguyên TGM Tổng Giáo phận (TGP) Huế đã an nghỉ trong Chúa hồi 18g15 thứ Hai ngày 16.12.2024 tại Nhà Chung TGP Huế, sau 89 năm làm người cùng làm con Chúa, 62 năm trong thiên chức Linh mục và 49 thi hành sứ vụ Giám mục.
Lúc 14g00 chiều thứ Ba ngày 17.12.2024, tại Nhà nguyện Toà TGM Huế, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân – TGM Phó TGP Huế đã chủ sự nghi thức Tẫn liệm cho Đức Cố TGM Têphanô Nguyễn Như Thể. Hiệp thông tham dự có Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh – TGM TGP Huế, Đức Cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng – Nguyên TGM TGP Huế, Cha Đaminh Phan Hưng – Tổng Đại diện, quý Đức Ông, quý Linh mục triều và dòng, quý Tu sĩ nam nữ, linh tông huyết tộc cùng đông đảo anh chị em giáo dân.
Mở đầu nghi thức, Đức TGM Phó Giuse diễn tả niềm tiếc thương của toàn thể con cái đại gia đình TGP Huế về sự ra đi của Đức Cố TGM Têphanô. Ngài mời gọi cộng đoàn tham dự với tâm tình của con cái, của huynh đệ, của những giá trị đạo đức hãy cầu nguyện cho ngài và cầu nguyện với ngài.
Sau lời hiệu triệu mở đầu, Đức TGM Phó Giuse dâng lời nguyện, sau đó, cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa.
Trong phần chia sẻ Lời Chúa, trước hết, Đức TGM Phó Giuse lược lại cuộc đời đầy những biến cố thăng trầm của Đức Cố TGM Têphanô. Đức TGM Phó Giuse nhấn mạnh, Đức Cố TGM Têphanô đã chọn khẩu hiệu cho đời Giám mục của ngài là “Để cho trần gian được sống”, và quả thật, cuộc đời của ngài là con đường khổ giá, là những chọn lựa của niềm tin và của sự dâng hiến cho đoàn chiên. Giờ phút này đây trong nghi thức Tẫn liệm này, Đức TGM Phó Giuse mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho ngài và cũng học nơi ngài tấm gương hy sinh tận tuỵ.
Tiếp nối là lời nguyện tín hữu, lời nguyện làm phép thi hài, làm phép quan tài và đưa thi hài Đức Cố TGM Têphanô nhập quan.
Kế đến là việc thánh hoá và mang khăn tang. Nghi thức Tẫn liệm kết thúc với phép lành của Đức TGM Phó Giuse chủ sự.
Liền sau nghi thức Tẫn liệm, thi hài Đức Cố TGM Têphanô được đưa lên quàng tại Nhà thờ Chính toà Phủ Cam – nhà thờ mẹ của TGP Huế để tất cả mọi thành phần Giáo hội và xã hội kính viếng, cầu nguyện và dânng Thánh lễ.
Thánh lễ đầu tiên cầu nguyện cho Đức Cố TGM Têphanô được đại gia đình TGP Huế cử hành tiếp theo ngay sau đó.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/nghi-thuc-tan-liem-duc-co-tong-giam-muc-tephano-nguyen-nhu-the-42244.html
20. Thánh lễ an táng đức Cố Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể
Thánh lễ An táng Đức Cố Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể được Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng cử hành lúc 08g00 sáng thứ Sáu ngày 20/12/2024 tại Nhà thờ Chính toà Phủ Cam – TGP Huế.
WTGPH (22/12/2024) - “Tâm tình của chúng ta trước hết là tạ ơn cùng với Đức Cố Tổng Giám mục (TGM) Têphanô. Tạ ơn Chúa về muôn ơn lành Chúa đã ban cho ngài trong suốt hành trình 89 năm trong trần thế này được làm người Mục tử của Chúa, làm người tôi tớ phục vụ. Chúa đã ban cho ngài đi trọn hành trình trên trần gian này với tất cả niềm trung tín, yêu thương, nhiệt thành.” Đó là tâm tình đầu tiên mà Đức Cha Giuse Nguyễn Năng – TGM Tổng Giáo phận (TGP) Sài Gòn – Chủ tịch Hội đồng Giám mục (HĐGM) Việt Nam mời gọi cộng đoàn khi khởi sự Thánh lễ An táng Đức Cố TGM Têphanô Nguyễn Như Thể.
Thánh lễ An táng Đức Cố TGM Têphanô Nguyễn Như Thể được Đức TGM Giuse Nguyễn Năng cử hành lúc 08g00 sáng thứ Sáu ngày 20.12.2024 tại Nhà thờ Chính toà Phủ Cam – TGP Huế.
Cùng đồng tế, có Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh – TGM TGP Huế, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân – TGM Phó TGP Huế, Đức Cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng – Nguyên TGM TGP Huế, cùng 20 Đức Giám mục trong Hội Thánh Việt Nam, Cha Đaminh Phan Hưng – Tổng Đại diện TGP Huế, quý Đức Ông, quý Cha trong và ngoài Giáo phận, trong nước và hải ngoại.
Hiệp thông tham dự Thánh lễ, có đông đảo mọi thành phần Dân Chúa trong và ngoài TGP từ quý Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh và anh chị em giáo dân. Hiện diện trong Thánh lễ này còn có Ông Vũ Chiến Thắng – Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ cùng phái đoàn, đại biểu các cấp chính quyền khác và đại diện các tôn giáo bạn.
Lúc 07g30, trong những phút sâu lắng trước khi cử hành Thánh lễ, cộng đoàn tham dự được nghe lại “Hành trình cuộc đời và con đường sứ mạng của Đức Cố TGM Têphanô”.
Đúng 08g00, đoàn rước gồm các Linh mục, các Đức Giám mục đồng tế và Đức TGM chủ tế tiến vào Nhà thờ Chính toà. Trước khi khởi sự Thánh lễ, Đức TGM Giuse Nguyễn Năng thay lời cho HĐGM Việt Nam chính thức nói lời phân ưu với TGP Huế. Ông Vũ Chiến Thắng cũng có những tâm tình chia sẻ với TGP Huế. Kế đến, Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh giới thiệu quý Đức Giám mục, quý khách và mọi thành phần đang hiệp dâng Thánh lễ An táng Đức Cố TGM Têphanô.
Khởi sự Thánh lễ, ngoài những tâm tình trên, Đức TGM Giuse Nguyễn Năng còn mời gọi cộng đoàn tham dự Thánh lễ này cũng không ngừng cầu nguyện cho Đức Cố TGM Têphanô để sau một cuộc đời trung thành phụng sự Chúa, phục vụ đoàn chiên, ngài sẽ sớm được hưởng hạnh phúc bên Chúa và chuyển cầu cho chúng ta.
Trong bài giảng lễ, Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh khắc hoạ rõ nét hơn châm ngôn đời Giám mục của Đức Cố TGM Têphanô “Pro mundi vita – Để cho trần gian được sống”. Đức TGM Giuse nhấn mạnh đến khía cạnh “Mục tử là người sống vì, sống cho và sống với đoàn chiên”, ngài nói: “Thế hệ của Đức Têphanô là thế hệ thời thế đảo điên vô lường, 2 cuộc thế chiến nối tiếp nhau với hàng trăm triệu sinh linh ngã xuống. Tại Việt Nam, chiến tranh Việt – Pháp, chiến tranh Việt – Mỹ, chiến tranh ý thức hệ thay phiên nhau giày xéo tan nát mảnh quê hương bé nhỏ vô tội này. Riêng tại Huế đã xảy ra câu chuyện cầu Trường Tiền gãy nhịp, đã có một mùa xuân sông Hương loang máu. Quảng Trị có một con đường được đặt tên là đại lộ kinh hoàng, có một mùa hè gọi là mùa hè đỏ lửa. Thưa cộng đoàn, tôi không có ý nói chuyện chính trị, càng không phải bới lại ký ức đau thương. Tôi chỉ muốn chứng minh rằng: giữa cái thế giới rừng rực hận thù hỗn loạn ấy có một chiến sĩ mang tên Têphanô đã lội ngược dòng thời đại, âm thầm nhưng kiên trì, nối lại nhịp cầu lòng người đã gãy. Tiểu sử của ngài cho thấy, ngài đam mê tương quan với mọi người trong cũng như ngoài Giáo hội; ngài để lại rất nhiều hình ảnh chụp chung với anh em tôn giáo bạn, chính quyền, với văn nghệ sĩ không cùng niềm tin; ngài hâm mộ và hát cả nhạc Trịnh Công Sơn; ngài có mặt khắp nơi xa gần, sang tận bên Lào và Thái Lan, Campuchia để thăm Giáo hội anh em.”. Đúc kết những điều đó, Đức TGM Giuse cảm thán rằng: “Thời của ngài chưa có Thường Hội đồng Giám mục Thế giới về Hiệp hành, nhưng quả thật ngài là bậc thầy đã sống tinh thần hiệp hành ấy một cách tuyệt vời. Tất cả chỉ là để cho thế giới được sống và sống một cách dồi dào hơn.”
Thánh lễ tiếp nối với lời nguyện tín hữu và phần phụng vụ Thánh Thể sốt sắng.
Sau lời nguyện hiệp lễ, Cha Barnaba Trần Đình Phục – Chưởng ấn, Chánh Văn phòng Toà TGM Huế công bố Thư phân ưu của Thánh bộ Loan báo Tin mừng cùng thư phân ưu của Đức TGM Marek Zalewski – Đại diện Toà Thánh thường trú tại Việt Nam, Liên HĐGM Á Châu, các Giáo phận, các Dòng tu tại Việt Nam.
Tiếp đến, Cha Tổng Đại diện Đaminh thay lời cho Ban Tang lễ TGP Huế có lời tri ân quý Đức Giám mục, các Giáo phận, các Linh mục, các cấp chính quyền trung ương và địa phương, các Giáo xứ, Dòng tu, các tôn giáo bạn, anh chị em giáo dân và tất cả mọi thành phần Giáo hội và xã hội khác đã gửi thư phân ưu, đến kính viếng, dâng hương, cầu nguyện cho Đức Cố TGM Têphanô. Tiếp lời, Cha Đaminh thay lời cho mọi thành phần Dân Chúa bày tỏ tâm tình tạ từ với Đức Cố TGM Têphanô là người Cha kính yêu của TGP Huế. Mở đầu, Cha Đaminh đã xúc động kính thưa rằng: “Trọng kính Đức TGM Têphanô rất quý mến của chúng con! Vậy là Đức Tổng đã có chuyến đi xa, rất xa, không về lại Nhà Chung của TGP Huế nữa sau ngần ấy năm, để về Nhà Cha trên trời – nơi Đức Tổng đã hằng mơ ước như đàn hạc hoài hương tìm về đỉnh núi cao, như nai khát mong tìm về nguồn suối mát”.
Kết thúc những tâm tình tạ từ của Cha Tổng Đại diện, nghi thức Phó dâng và Từ biệt được cử hành bởi Đức Nguyên TGM Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng – người được Đức Cố TGM Têphanô đặt tay truyền chức Giám mục, sau cũng là người kế vị vai trò TGM TGP Huế của ngài.
Sau khi quý Đức Giám mục rảy nước thánh, linh cữu Đức Cố TGM Têphanô được đưa lên nghĩa trang Giáo sĩ TGP Huế tại đồi Thiên Thai. Tại đây, Đức TGM Phó Giuse Đặng Đức Ngân cử hành các nghi lễ cuối cùng tại phần mộ. Đức TGM Phó Giuse cũng một lần nữa thay lời cho tất mọi thành phần trong TGP thân thưa những tâm tình sau cuối, tất cả những tâm tình đó được gói ghém trong tiếng gọi kính mến: “Cha ơi!”.
Sau cùng, những cánh hoa được quý Đức TGM, quý Cha, quý Tu sĩ, thân nhân và anh chị em giáo dân gửi xuống huyệt mộ. Đức Cố TGM Têphanô an nghỉ trong lòng đất mẹ bên cạnh những bậc đàn anh đi trước và anh em linh mục của TGP Huế.
Đức Cố TGM Têphanô đã không chọn an táng trong lòng Nhà thờ Chính toà hay bên cạnh Nhà thờ Chính toà, nhưng nơi đồi Thiên Thai này, để ngày ngày hướng mắt nhìn về TGP thân thương. Một khi được hạnh phúc bên Thiên Chúa nhờ công phúc lời cầu nguyện của mọi người, chính ngài sẽ là đấng bảo trợ đầy thế giá cho những người mà ngài yêu mến và yêu mến ngài. Quả thật, sinh thời, Đức Cố TGM Têphanô đã là “người hành hương của hy vọng”, đã thắp lên một ngọn nến giữa đêm tối thế gian, đã tích cực khi mà cả thế giới đầy tiêu cực, để dẫn dắt đoàn chiên đi qua sóng gió, đã hy sinh thân mình để cho chiên được sống. Giờ đây, khi ngài đã hoàn tất cuộc lữ hành trần thế, ước mong trong trái tim mỗi con dân TGP Huế luôn có một khoảng trời để ghi khắc ơn ngài, để tưởng nhớ và cầu nguyện cho ngài, để chính ngài khi đã dành trọn cuộc đời mình làm lễ tế, đã “đấu trong một cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” thì sẽ được “vòng hoa dành cho người công chính” (x. 2Tm 4, 7-8), sẽ được lãnh phần thưởng là triều thiên sự sống.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/thanh-le-an-tang-duc-co-tong-giam-muc-tephano-nguyen-nhu-the-42259.html
21. Cửa Thánh: Nguồn gốc, lịch sử, ý nghĩa và việc mở Cửa Thánh
Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng
WHĐ (24/12/2024) - Bài số 3 này trả lời cho các câu hỏi: Cửa Thánh thế nào? Đâu là ý nghĩa của Cửa Thánh đích thực trong đời sống Kitô giáo? Lịch sử hình thành và phát triển của Cửa Thánh như thế nào trong dòng lịch sử các Năm Thánh? Và đâu là ý nghĩa, giá trị thần học của Cửa Thánh, đặc biệt với Cửa Thánh quan trọng bậc nhất cho sự kiện khai mở Năm Thánh là Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô?
LỊCH SỬ CÁC NĂM THÁNH TRONG
DÒNG LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO RÔMA
Bài 3: Cửa Thánh: Nguồn gốc lịch sử, ý nghĩa và việc mở Cửa Thánh
Dẫn nhập
Tối ngày 24/12/2024, vào lúc 19h00 giờ Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành nghi thức mở Cửa Thánh tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, qua đó, ngài chính thức khai mở Năm Thánh thường lệ năm 2025, theo chu kỳ 25 năm/Năm Thánh. Ngoài Vương cung thánh đường thánh Phêrô, ba Vương thánh đường: Thánh Gioan Lateranô, Thánh Phaolô ngoại thành và Đức Bà Cả, cũng sẽ diễn ra nghi thức mở Cửa Thánh trong những ngày tiếp theo. Đàng khác, theo Tông sắc “Spes non confundit” – “Niềm hy vọng không làm thất vọng”, được Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành vào ngày ngày 09/5/2024 quy định: “Dựa trên truyền thống lâu đời này và xác tín rằng Năm Thánh này sẽ là một trải nghiệm sâu sắc về ân sủng và hy vọng cho toàn thể Giáo hội, tôi quyết định khai mạc Năm Thánh thường lệ bằng việc mở Cửa Thánh của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican vào ngày 24 tháng 12 năm 2024. Chúa nhật tiếp theo, ngày 29 tháng 12 năm 2024, tôi sẽ mở Cửa Thánh Nhà thờ chính toà Thánh Gioan Latêranô của tôi; Nhà thờ này sẽ kỷ niệm 1700 năm cung hiến vào ngày 9 tháng 11 cùng năm. Sau đó, vào ngày 1 tháng 1 năm 2025, Lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, tôi sẽ mở Cửa Thánh Vương cung thánh đường Đức Bà Cả. Cuối cùng, vào Chúa nhật 5 tháng 1, tôi sẽ mở Cửa Thánh tại Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành. Ba Cửa Thánh cuối cùng này sẽ được đóng lại muộn nhất là vào Chúa nhật 28 tháng 12 cùng năm.
Ngoài ra, tôi quyết định rằng vào Chúa nhật 29 tháng 12 năm 2024, tại tất cả các Nhà thờ chính tòa và Nhà thờ đồng chính toà, các giám mục giáo phận sẽ cử hành Thánh lễ long trọng khai mạc Năm Thánh, theo Nghi thức sẽ được soạn cho dịp này.”[1]
Vậy Cửa Thánh thế nào? Đâu là ý nghĩa của Cửa Thánh đích thực trong đời sống Kitô giáo? Lịch sử hình thành và phát triển của Cửa Thánh như thế nào trong dòng lịch sử các Năm Thánh? Và đâu là ý nghĩa, giá trị thần học của Cửa Thánh, đặc biệt với Cửa Thánh quan trọng bậc nhất cho sự kiện khai mở Năm Thánh là Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô.
1. Lịch sử và nguồn gốc của Cửa Thánh
Theo truyền thống các Năm Thánh trong dòng lịch sử Hội Thánh Công Giáo, Cửa Thánh từng bước được hình thành và tiến triển cho đến hiện nay, cách đặc biệt, quan trọng bậc nhất trong tất cả các Cửa Thánh tại các đền thờ hay nhà thờ trong toàn Giáo Hội Công Giáo - Bộ Cửa Thánh này còn mang ý nghĩa thần học rất sâu xa, đó là Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô. Cửa Thánh của Đền thờ này chứa đựng ý nghĩa rất phong phú, sâu xa và huyền nhiệm về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Từ thời Đức Thánh Cha Martinô V, sau khi kết thúc Đại ly giáo Tây Phương, vào Năm Thánh 1423, ngài đã mở Cửa Thánh lần đầu tiên tại Đền thờ Thánh Gioan Lateranô, với Năm Thánh theo chu kỳ 33 năm (1390-1423). Nhưng sau đó, ở thời Đức Alexandre VI, Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô trổi vượt lên cho đến ngày nay.
Mặc dù, từ thời Đức Thánh Cha Grêgôriô XI, vị Giáo hoàng cuối cùng và là Giáo hoàng thứ 7 (1370-1378) của thời “Lưu đày Avignon”, Đức Grêgôriô XI đã quyết định chọn Đền thờ Đức Bà Cả để cho việc Hành hương Năm Thánh, vì vai trò đặc biệt của Đức Maria trong công trình cứu độ nhân loại qua việc Mẹ cộng tác với Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người trong công trình cứu độ nhân loại. Nhưng đến sau thời “Lưu đày Avignon”[2] và sau thời Đại ly giáo Tây phương,[3] đến thời Đức Alexandre VI, lần đầu tiên, Đức Thánh Cha mở Cửa Thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô, vào tối 24/12/1499, cho dịp năm Thánh 1500, lúc này, Đức Alexandre VI chính thức chọn Đền thờ Đức Bà Cả cho việc hành hương Năm Thánh.
2. Việc mở và đóng Cửa Thánh
Ở những lần mở Cửa Thánh đầu tiên trong dòng Lịch sử các Năm Thánh, với Đức Martinô V tại Đền thờ Lateranô (1423) và với Đức Alexandre VI (1500), cũng như các triều Giáo hoàng tiếp theo - vào lúc ban đầu - Cửa Thánh chỉ là một bức tường. Khi mở Cửa Thánh, “Bức tường Cửa Thánh” ấy được đục ra, rồi khi kết thúc Năm Thánh, bức tường được xây bít lại.
Dần dần, chiếc búa và cái bay thợ hồ là hai dụng cụ được sử dụng cho việc đóng và mở Cửa Thánh, với việc Đức Thánh Cha gõ búa 3 lần vào “bức tường Cửa Thánh”. Và khi đóng Cửa Thánh, Đức Thánh Cha dùng cái bay để múc hồ cho việc xây lại Cửa Thánh.
Việc mở Cửa Thánh trước thời Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, và theo nghi thức phụng vụ được soạn thảo, Đức Thánh Cha dùng chiếc búa gõ nhẹ vào dấu Thánh Giá được thiết kết trên bức tường Cửa Thánh với ý nghĩa biểu trưng cho câu Kinh Thánh: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta”.[4] Ở đây, việc gõ búa 3 lần này chỉ mang ý nghĩa biểu trưng theo Thánh Kinh, chứ không đồng nghĩa Đức Thánh Cha dùng chiếc búa quý giá để phá đổ bức tường, vì trong nghi thức “Nhận diện” trước đó, Cửa Thánh đã được đục sẵn ra. Khi cử hành nghi thức mở Cửa Thánh, Đức Thánh cha gõ búa 3 lần vào dấu Thánh Giá với các lời đọc theo nghi thức phụng vụ mở Cửa Thánh đã được soạn thảo từ thời Đức Martinô V, thời Đức Alexandre VI và nghi thức này được cập nhật, điều chỉnh theo dòng lịch sử mở cửa các Năm Thánh cho đến hiện nay.
Sau nghi thức gõ búa với ý nghĩa biểu trưng này, các nhân viên và thợ nề lập tức hạ bức tường trên một chiếc xe đẩy và di chuyển ra khỏi nơi cử hành, người ta dùng Nước Thánh để lau rữa bụi bặm, dọn dẹp vôi vữa còn rơi rớt lại nơi ngưỡng Cửa Thánh vừa được khai thông.
Hoặc như hiên nay, khi Cửa Thánh được xây bít mặt trong và 2 cánh của Cửa Thánh được mở vào phía trong, thì bức tường này đã được khai thông trước nghi thức mở Cửa Thánh, để rồi như hiện nay, Đức Thánh Cha không còn dùng búa gõ nhẹ vào dấu Thánh Giá với các lời đọc theo nghi thức, thay vào đó, ngài dùng hai tay, đẩy vào bộ Cửa Thánh, và nhân viên đứng bên trong giúp kéo mở hai cánh cửa bằng đồng rất nặng. Lúc này Đức Thánh Cha vẫn đứng ở ngưỡng Cửa Thánh, ngài quỳ gối cầu nguyện tại ngưỡng Cửa Thánh, hôn kính khung Cửa Thánh và nghi thức tiếp diễn.
Đức Thánh Gioan-Phaolô II mở Cửa Thánh vào Năm Thánh ngoại thường 1983
Cuối cùng, Đức Thánh Cha là người đầu tiên bước qua Cửa Thánh. Đèn bên trong Vương cung thánh đường được mở sáng rực rỡ, diễn tả việc khi ngang qua Cửa Thánh là chính Đức Giêsu Kitô, con người được trong ánh sáng huy hoàng của Thiên Chúa, được sống trong sự sống, trong niềm hân hoan và theo truyền thống lâu đời, Kinh Te Deum và bài thánh ca nổi tiếng do Đức Alexandre VI sáng tác vào Năm Thánh 1500 được cất vang lên. Với những hình ảnh về sự kiện mở Cửa Thánh trong Năm Thánh ngoại thường 1983, Cửa Thánh vẫn còn được xây bít mặt trước với bức tường khi Đức Thánh Phaolô VI đóng Cửa Thánh vào cuối Năm Thánh 1975.
Đoàn rước dừng lại trước bức tượng Pietà nổi tiếng của danh họa MichelAngelo, được đặt ở phía cuối Đền thờ, Đức Thánh Cha và đoàn rước cầu nguyện, suy niệm về mầu nhiệm Cứu Chuộc qua sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Sau đó, đoàn rước tiến lên cung thánh của Đền thờ Thánh Phêrô và Thánh lễ đêm Giáng Sinh được cử hành trọng thể.
Tiếp tục dòng lịch sử các Năm Thánh, dần dần Cửa Thánh với hai cánh đóng mở thay thế cho Cửa Thánh bằng tường bê tông. Với Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô trước thời Đức Phaolô VI, Cửa Thánh còn là bộ cửa củ. Nhưng sau Năm Thánh 1950, Đức Thánh Cha Piô XII đã làm phép bộ Cửa Thánh cho Đền thờ Thánh Phêrô như hiện nay.
Với các Năm Thánh trước thời Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, khi kết thúc Năm Thánh, Cửa Thánh được xây bít lại bởi một bức tường ở mặt trước. Với Đức Thánh Gioan-Phaolô II, thay vì với bức tường xây ở mặt trước che bít Cửa Thánh, ngài quyết định cho xây bức tường ở mặt sau và luôn luôn trong bức tường che Cửa Thánh ấy, cho dù ở mặt trước hay mặt sau, dù trước hay sau thời Đức Gioan-Phaolô II, các Đức Thánh Cha luôn cho đặt vào bức tường này một chiếc thùng bằng thép không rỉ sét, trong đó chứa 4 viên gạch có khi bằng vàng ròng như thời Đức Alexandre VI, nhưng hiện nay với những viên gạch mạ vàng và bạc, một tấm da trên đó, ghi lại những chi tiết về ngày giờ mở và đóng Cửa Thánh, tên của vị Giáo hoàng mở và đóng Cửa Thánh. Trong chiếc thùng này cũng có những huy hiệu như những đồng tiền in hình và huy hiệu của triều đại Giáo hoàng liên quan đến sự kiện mở và đóng Cửa Thánh. Cả bộ chìa khóa của Cửa Thánh bằng đồng như hiện nay cũng được cất trong chiếc thùng, được đóng niêm phong cho đến khi Năm Thánh mới lần sau, trước hết với nghi thức “Nhận diện Cửa Thánh”, khi ấy chiếc thùng này mới được lấy ra và những vật dụng trong đó được trình lên cho Đức Thánh Cha như những nghi thức chuẩn bị cho việc mở Cửa khai mạc Năm Thánh. Cũng từ Năm Thánh 2000, Đức thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II và Đức Phanxicô đến hiện nay, đã không còn dùng búa để gõ vào Cửa thánh 3 lần khi mở Cửa Thánh để khai mạc Năm Thánh, nhưng ngài dùng hai tay đẩy, mở Cửa Thánh và bên trong có nhân viên giúp kéo để mở hoặc đóng hai Cửa Thánh bằng đồng rất nặng.
3. Chiêm ngắm và khám phá ý nghĩa sâu xa của Cửa Thánh Đền thờ Thánh Phêrô
Chúng ta cùng chiêm ngắm và khám phá ý nghĩa thần học sâu xa của bộ Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô hiện nay. Đây là tác phẩm của một nghệ nhân người Thụy sỹ chế tác để dâng tặng cho Tòa Thánh.
Nhìn qua tổng thể Cửa Thánh của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, chúng ta nhận thấy, Cửa được làm với hai cánh, trên bề mặt mỗi cánh Cửa này, có 8 bức phù điêu. Toàn bộ Cửa Thánh có 16 phù điêu bằng đồng. Các phù điêu này diễn tả xuyên suốt dòng Lịch sử Cứu độ và làm nổi bật sự lớn lao, vô ngần về “Lòng thương xót của Thiên Chúa” đối với nhân loại. Trước hết, với hai bức phù điêu trên cùng của cánh Cửa bên trái, chúng ta thấy: bức phù điêu thứ nhất với hình thiên thần vung thanh gươm quyền lực, và phù điêu thứ hai là cảnh ông bà nguyên tổ Adam – Evà bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng sau khi phạm tội vì nghe lời ma quỷ cám dỗ, bất tuân phục, trái lệnh Thiên Chúa, họ đã “ăn trái cây biết lành biết dữ” mà Thiên Chúa cấm không được phép ăn. Đó là ý nghĩa của dòng chữ La tinh trên bức phù điêu thứ hai.
Tiếp đến, với 2 phù điêu đầu tiên bên cánh Cửa phải, là minh họa hình ảnh Đức Maria đang chìm đắm trong cầu nguyện và Sứ thần Gabriel đến truyền tin cho Đức Trinh Nữ. Hình ảnh này gợi cho chúng ta nhớ lại lời hứa cứu độ của Thiên Chúa trong sách Sáng thế, ngay sau khi con người sa ngã, phạm tội.[5] Thiên Chúa – qua Sứ thần Grabriel – luôn tôn trọng sự tự do của con người, Ngài hỏi ý kiến của Đức Maria - và khác biệt hoàn toàn với việc Adam – Evà đã bất tuân phục huấn lệnh của Thiên Chúa - Đức Trinh Nữ Maria đã thốt lên: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền”.[6] Trên phù điêu này, còn có dòng chữ: “Quod Heva tristis abstulit, Tu reddis almo germine”, tạm dịch: “Sự đau khổ mà Evà đã gây ra, nay được phục hồi nhờ Đức Maria, qua Người Con mà Mẹ cưu mang”.
Tiếp xuống hàng thứ hai từ trái qua phải, bức phù điêu thứ nhất ghi lại khung cảnh Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan với Thánh Gioan Tẩy Giả Trên phù điêu này có hàng chữ: “Tu venis ad me?” – “Ngài đến để nhận phép rửa của tôi ư?”.[7] Bức phù điêu thứ hai diễn tả khung cảnh người mục tử nhân lành đi tìm con chiên lạc, với hàng chữ: “Salvare quod perierat” – “Để cứu những gì hư mất”.[8]
Tiếp đến, với bức phù điêu số 7 trình bày khung cảnh của dụ ngôn Người con đi hoang trở về, với hàng chữ Latinh: “Pater, peccavi in coelum et coram te” – “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha”,[9] và bức phù điêu số 8, diễn tả khung cảnh Chúa Giêsu chữa lành cho người bại liệt với câu La ngữ: “Tolle grabatum tum et ambula” – “Tội lỗi con đã được tha Hãy đứng dậy vác chõng mà về”.[10]
Khi chiêm ngăm 4 bức phù điêu ở hàng thứ hai trên Cửa Thánh, chúng ta nhận ra một khung cảnh thật đẹp được Phúc Âm phác họa về Chân dung của Thiên Chúa qua Đức Giêsu, một Thiên Chúa giàu lòng thương xót và thứ tha.
Và tiếp theo với 8 phù điêu còn lại ở hàng thứ ba và thứ tư, tiếp tục quảng diễn cho chúng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa. Nơi phù điêu số 9, đó là hình ảnh người đàn bà tội lỗi quỳ gối rửa chân Chúa Giêsu, tại nhà ông Simon, khi người Pharisêu này mời Chúa Giêsu đến dùng bữa tại nhà ông, trên phù điêu này có hàng chữ Latinh: “Remittuntur ei peccata multa” – “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, vì chị đã yêu mến nhiều”.[11] Và bức phù điêu số 10 là cảnh Phêrô chất vấn Chúa Giêsu, phải tha thứ bao nhiêu lần, và Chúa Giêsu trả lời: “Septuagies septies” – “Bảy mươi lần bảy”.[12]
Với hai phù điêu tiếp theo, phù điêu số 11, trình bày khung cảnh Phêrô khóc lóc ăn năn sau khi ông đã chối Chúa 3 lần và “Chúa quay lại nhìn ông”, với câu Latinh: “Conversus Dominus respexit Petram”.[13] Và phù điêu số 12 là cảnh Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thánh giá cùng với hai tên trộm, Người nói với một trong hai kẻ ấy: “Hôm nay ngươi cũng sẽ ở trên Thiên Đàng với Ta” – “Hodie mecum eris in paradise”.[14]
Sau hết, bốn bức phù điêu cuối cùng trình bày khung cảnh Mầu Nhiệm Chúa Phục sinh và sự kiện khai sinh Giáo hội Bức phù điêu số 13 là cảnh Tôma nhìn xem những vết đinh trên thân thể Chúa, với hàng chữ Latinh: “Beati qui crediderunt” – “Phúc thay những kẻ tin”.[15] Và phù điêu số 14 với cảnh Chúa Giêsu phục sinh hiện ra và ban Thánh Thần cho các Tông đồ: “Accipite Spirituum Sanctum” – “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần”.[16]
Hai bức phù điêu cuối cùng, là khung cảnh Chúa Giêsu hiện ra với Saolô trên đường Damas, với câu Latinh: “Sum Jesus quem tu persequeris” – “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ”.[17] Và phù điêu số 16 phác họa khung cảnh Đức Thánh Cha gõ búa 3 lần vào bức tường, trong nghi thức mở cửa Năm Thánh theo truyền thống Câu Kinh thánh được ghi: “Sto ad ostium et pulso” – “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ”.[18]
4. Cửa Thánh là gì, thế nào? Ý nghĩa thần học của Cửa Thánh
Như vậy, chúng ta vừa khảo sát bộ Cửa Thánh tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, ở Rôma. Với các phù điêu bằng đồng trên Cửa Thánh này, chúng ta được đưa dẫn xuyên suốt hành trình của dòng Lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện, tất cả quy hướng về Đức Giêsu Kitô, Đấng là Thiên Chúa thật và là người thật, Ngài là Đấng Trung Gian Cứu Độ duy nhất, phổ quát giữa Thiên Chúa và nhân loại. Qua bộ Cửa Thánh này, Hội thánh muốn quy hướng chúng ta về Đức Giêsu Kitô, Đấng tự xưng Mình là Cửa dẫn tới Ơn Cứu Độ, Cửa dẫn đưa đến Nguồn sự sống nơi Thiên Chúa: “Tôi là cửa chuồng chiên [...] Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu”.[19] Như vậy, bước vào Năm Thánh hay ngang qua Cửa Thánh, là bước theo Chúa Giêsu, Đấng là Mục Tử Nhân Lành và là Cửa chuồng chiên. Bước vào Năm Thánh và Cửa Thánh, chính là ngang qua Chúa Giêsu là “Cửa Thánh” đích thực, chúng ta “bước vào” và bỏ lại sau lưng thế giới của trần gian, của tội lỗi, một thế giới tạm thời, chóng qua, để “tiến vào” thế giới thần linh, để sống trong sự sống vĩnh cửu, với sự hiện hữu của Thiên Chúa, trong và nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã xác quyết: “Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy”.[20]
Đàng khác, bước qua Cửa Năm Thánh và sống Năm Thánh, là dịp thuận tiện, là cơ hội để chúng ta xác tín hơn niềm tin vững chắc và niềm hy vọng của chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Con Một của Chúa Cha, là Chúa, và là Đấng Cứu Độ, chính Ngài bước qua con đường khổ giá, chịu đóng đinh, chịu chết trên Thánh giá nhưng Ngài đã sống lại, để đem ơn cứu độ và sự sống đích thực cho chúng ta. Hiểu như thế, chúng ta hân hoan bước vào Năm Thánh với niềm tin, yêu và “Hy vọng không làm thất vọng”. Một khi ngang qua Cửa Thánh là chính Chúa Giêsu, với tất cả niềm và hy vọng của “Những người hành hương trên đường hy vọng”, chắc chắn, chúng ta sẽ không thất vọng, cách đặc biệt, với Năm Thánh 2025 này. Qua Tông sắc “Spes Non Confundit”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Trên hành trình hướng tới Năm Thánh, chúng ta hãy trở lại với Kinh Thánh và lắng nghe những lời đã được nói với chúng ta: “Chúng ta là những kẻ ẩn náu bên Thiên Chúa, chúng ta được mạnh mẽ khuyến khích nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta. Chúng ta có niềm hy vọng đó cũng tựa như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, chìm sâu vào bên trong bức màn cung thánh. Đó là nơi Đức Giêsu đã vào như người tiền phong mở đường cho chúng ta” (Dt 6,18-20). Đó là một lời mời gọi mạnh mẽ đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng đã được ban cho chúng ta, và giữ lấy nó bằng cách tìm ẩn náu nơi Thiên Chúa.
Hình ảnh chiếc mỏ neo gợi lên sự ổn định và an toàn mà chúng ta có được giữa dòng nước xao động của cuộc đời nếu chúng ta nương tựa vào Chúa Giêsu. Giông tố không bao giờ thắng được vì chúng ta neo chặt vào niềm hy vọng ân sủng có thể giúp chúng ta sống trong Chúa Kitô bằng cách chiến thắng tội lỗi, sợ hãi và cái chết. Niềm hy vọng này, lớn hơn nhiều so với việc thỏa mãn các nhu cầu hằng ngày và việc cải thiện những điều kiện sống, đưa chúng ta vượt qua thử thách và thúc đẩy chúng ta tiến bước, mắt luôn dõi nhìn mục tiêu cao cả mà chúng ta được kêu gọi hướng đến là Nước Trời.
Vì thế, Năm Thánh sắp tới sẽ là một Năm Thánh mang nét đặc trưng của niềm hy vọng không bao giờ mất đi, niềm hy vọng nơi Thiên Chúa”.[21]
Tìm hiểu về lịch sử Cửa Thánh, của việc mở - đóng Cửa Thánh giá trị, ý nghĩa thần học phong phú của Cửa Thánh, chúng ta thêm tin tưởng, cậy trông và yêu mến những giá trị và hiệu quả của Năm Thánh, một phương tiện mà trong sự quan phòng, yêu thương, cứu độ của Thiên Chúa qua Hội Thánh do Chúa Giêsu thiết lập. Qua đó, chúng ta hân hoan tiến bước trong hành trình Năm Thánh, hành trình đời sống của một Giáo hội còn đang lữ hành tiến về Nước Thiên Chúa như: “Những người hành hương của Hy vọng”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục trình bày các đề tài về Năm Thánh trong những bài tiếp theo.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/cua-thanh-nguon-goc-lich-su-y-nghia-va-viec-mo-cua-thanh-42279.html
22. Hành hương thời Cựu Ước - Phần 4: Hành hương Năm Thánh
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
WHĐ (24/12/2024) - Trong bài này, chúng ta thử tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của Năm thánh liên hệ với những cuộc hành hương. Qua đó, hy vọng chúng ta thấy được ý nghĩa thần học và thiêng liêng của những điều chúng ta đang làm.
Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG
CHƯƠNG I: HÀNH HƯƠNG THỜI CỰU ƯỚC
Phần 4: HÀNH HƯƠNG NĂM THÁNH
Năm 2025, Giáo hội cử hành năm thánh. Trong dịp này, chắc hẳn có nhiều người Việt Nam sẽ hành hương về Rôma. Khẩu hiệu của Năm Thánh 2025 là: “Những người hành hương của hy vọng”. Đây cũng là lý do tôi viết cuốn sách này như là chút chia sẻ với những người hành hương. Trong bài này, chúng ta thử tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của Năm thánh liên hệ với những cuộc hành hương. Qua đó, hy vọng chúng ta thấy được ý nghĩa thần học và thiêng liêng của những điều chúng ta đang làm.
Người Việt đã quen với những ngày lễ quan trọng như: mừng 25 năm (Ngân khánh), 50 năm (Kim khánh) và 60 năm (Ngọc khánh). Có lẽ truyền thống này không chỉ bắt nguồn từ Giáo hội Công giáo, nhưng lâu đời hơn, từ thời Cựu ước đã có năm thánh này.
Thực vậy, ngay từ sách Lêvi, truyền thống đạo Do Thái đã kêu gọi toàn dân cử hành năm thánh. Trong sách này, Thiên Chúa gợi nhớ lại câu chuyện của Sáng Thế Ký. Nếu sáu ngày Thiên Chúa tạo dựng muôn loài, ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ ngơi; cũng như sau sáu năm canh tác mùa màng, năm thứ bảy là thời gian cho đất nghỉ ngơi. Chúng ta gọi năm đó là năm Sa-bát[1] (Đnl 15,1-11).
Bản văn ghi: “Hãy nói với con cái Ít-ra-en và bảo chúng: Khi các ngươi vào đất Ta sắp ban cho các ngươi, đất phải nghỉ một Sa-bát kính ĐỨC CHÚA. Trong sáu năm, các ngươi sẽ gieo vãi trong cánh đồng của các ngươi, trong sáu năm, các ngươi sẽ tỉa vườn nho của các ngươi, và các ngươi sẽ thu hoa lợi. Nhưng năm thứ bảy sẽ là một Sa-bát, một thời kỳ đất nghỉ, một Sa-bát kính ĐỨC CHÚA. (Lv 25,2-4).
Có người cho rằng năm thứ bảy (the Sabbatical year) là Năm thánh. Ý nghĩa của hai sự kiện này chỉ liên hệ với nhau ở việc nghỉ ngơi và được chúc lành (St 2,2-3). Còn trên thực tế hai sự kiện này hoàn toàn khác nhau. Lý do là các thầy Lêvi ghi nhận một kỳ đại lễ đó là năm thánh hay năm toàn xá (יוֹבֵ֣ל - Jubilee), cứ 50 năm một lần ( הַחֲמִשִּׁים֙ שְׁנַ֤ת).
Vậy trong năm này, người Do Thái làm những gì? Bản lề luật hướng dẫn khá kỹ càng:
Đức Chúa phán: Các ngươi phải tính bảy tuần năm, nghĩa là bảy lần bảy năm; thời gian của bảy tuần năm đó là bốn mươi chín năm. Tháng thứ bảy, ngày mồng mười trong tháng, các ngươi sẽ thổi tù và giữa tiếng reo hò; vào ngày Xá tội, các ngươi sẽ thổi tù và trong toàn xứ các ngươi. Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với các ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình. Đối với các ngươi, năm thứ năm mươi sẽ là thời kỳ toàn xá: các ngươi không được gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được hái trong vườn nho không cắt tỉa. Vì đó là thời kỳ toàn xá, một năm thánh đối với các ngươi, các ngươi sẽ ăn hoa lợi của đồng ruộng.
Năm toàn xá đó, mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình. Nếu các ngươi bán cái gì cho người đồng bào hoặc mua cái gì từ tay người đồng bào, thì đừng ai làm thiệt hại người anh em mình. Ngươi sẽ mua của người đồng bào theo số năm sau năm toàn xá, và nó sẽ bán cho ngươi theo số năm thu hoạch. Còn nhiều năm thì ngươi mua giá cao, còn ít năm thì ngươi mua giá thấp, vì nó bán cho ngươi một số năm thu hoạch. Không ai trong các ngươi được làm thiệt hại người đồng bào, nhưng các ngươi phải kính sợ Thiên Chúa của các ngươi, vì Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi.
Năm thánh chúng ta cũng quen gọi theo tiếng Latinh là: Annum Jubilaei (Jubilee). Tiếng Hy Lạp là Ἰώβηλος đều có nguồn gốc từ bản văn Kinh Thánh Do Thái: יובל (yōḇēl, có nghĩa là kêu vang từ tiếng kèn tù và làm từ sừng của con cừu). Đây là âm thanh báo hiệu một tin vui, một thời kỳ hoan hỷ. Chẳng hạn sách Lêvi ghi nhận sự kiện này: “Các ngươi sẽ thổi tù và giữa tiếng reo hò; vào ngày Xá tội, các ngươi sẽ thổi tù và trong toàn xứ các ngươi.” (Lv 25,9). Khi dịch sang tiếng Latinh, thuật ngữ thêm chút ý nghĩa như là: jūbilum, khóc lóc, kêu la (thể hiện tinh thần sám hối); hoặc iūbilō, jūbilō có nghĩa là vui mừng, ca hát trong hân hoan.
Hẳn nhiên sang thời Tân ước, Đức Giêsu cũng ít nhiều nhắc đến ngày lễ này. Chẳng hạn khi về quê, Đức Giêsu vào Hội đường và đọc sách ngôn sứ Isaia. Trong đó có đoạn chép rằng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 1,1-4; 4,14-21. x. Is 61,1-2).
Chúng ta hơi ngạc nhiên khi Năm thánh chỉ được cử hành chính thức trong Hội thánh Công giáo từ đầu thế kỷ 14 (1300). Giáo hội gọi Năm thánh là năm tha thứ tội lỗi và hòa giải. Khi đó Giáo hoàng Boniface VIII chính thức công bố một năm thánh. Các năm thánh sau đó được cử hành mỗi 25 hoặc 50 năm một lần. Theo ý nghĩa ban đầu của Năm thánh này, Giáo hội Công giáo thường mời gọi tín hữu trên toàn thế giới hành hương đến một địa điểm linh thiêng, thường là thành phố Rôma. “Tại sao lại là Rôma?” chúng ta sẽ bàn chi tiết ở chương thứ ba của cuốn sách này.
Vào năm 1350, Đức Giáo hoàng Clement VI đã ấn định Năm Thánh được cử hành 50 năm một lần. Sau đó, năm 1470, Đức Giáo hoàng Phaolô II đã quyết định Năm Thánh sẽ được cử hành 25 năm một lần. Từ đó cho đến này, khoảng thời gian này vẫn được duy trì, trừ một vài năm thánh ngoại thường (1933, 1983, Năm Thánh Lòng Thương Xót 2015).
Như vậy năm Thánh 2025 tới đây sẽ là Năm Thánh thường lệ thứ 27 trong lịch sử Giáo hội[2]. Các chủ đề của năm này bao gồm: liên đới, hy vọng, công bằng, dấn thân phụng sự Chúa với niềm vui và bình an với anh chị em của chúng ta. Như lời chia sẻ của Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, Tổng trưởng của Bộ Loan báo Tin Mừng nói về tính cấp bách để sống Năm Thánh 2025 trong ánh sáng hy vọng[3]:
- Mỗi Năm Thánh trong lịch sử của Giáo Hội đều mang đầy đủ ý nghĩa riêng khi nó được đặt trong bối cảnh lịch sử mà nhân loại trải qua vào từng thời điểm, và đặc biệt là khi nó có thể đọc được các dấu hiệu của sự lo lắng và bất ổn kết hợp với những kỳ vọng của mọi người.
- Tính dễ bị tổn thương được trải nghiệm trong những năm gần đây, cùng với nỗi sợ hãi về bạo lực của chiến tranh, chỉ làm cho tình trạng con người trở nên nghịch lý hơn: một đàng, thì cảm thấy sức mạnh vượt trội của công nghệ quyết định thời hiện đại; đàng khác, lại nhận thức sự bấp bênh và lo lắng về tương lai của mình.
- Trong bối cảnh này, “Những người hành hương của Hy vọng” đã được chọn làm chủ đề của Năm Thánh 2025. “Điều này thể hiện nhu cầu hiểu rõ về hiện tại để có thể chuẩn bị cho một động lực thực sự vào tương lai để đón nhận và ứng phó với những thách thức khác nhau nảy sinh theo thời gian.”
Nếu đang đọc cuốn sách này, có thể bạn muốn hành hương Năm Thánh hoặc đang tham dự cuộc hành hương về Rôma. Thực ra Rôma chỉ là đích đến của cuộc hành hương. Số là trên đường đến Rôma, người hành hương có thể đi thăm vài địa điểm trước hoặc sau đó. Trên cuộc hành hương này, một mặt chúng ta hòa vào dòng thời gian thánh thiêng mà Giáo hội đang cử hành. Mặt khác, mỗi người được chiêm ngắm những địa điểm hành hương vốn giúp người hành hương dễ cầu nguyện hơn. Dù đi hành hương trong năm thánh, trước hoặc sau đó, dường như ý nghĩa của hành hương vẫn không thay đổi nhiều. Nghĩa là, hành hương mời chúng ta đến một nơi nào đó với tâm tình sám hối, trở về với Thiên Chúa và anh em trong niềm vui của mùa hồng ân cứu độ.
Hoặc nói như Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Việc hành hương trong Năm Thánh là một dấu chỉ đặc biệt, vì mang hình ảnh của cuộc hành trình mỗi người chúng ta đang thực hiện trong cuộc sống. Cuộc đời là một chuyến hành hương, và con người là khách lữ hành, là người hành hương đang tiến bước trên đường đi về đích điểm ước mong. Cũng thế, để đến Cửa Thánh ở Rôma hay ở những nơi khác, mỗi người phải hoàn tất chuyến hành hương tùy theo khả năng. Chuyến đi ấy cho thấy lòng thương xót chính là đích điểm phải đạt tới, đòi hỏi phải dấn thân và hy sinh. Ước gì cuộc hành hương sẽ thúc đẩy sự hoán cải: khi bước qua Cửa Thánh, chúng ta để cho lòng thương xót của Thiên Chúa phủ kín chúng ta, và nỗ lực thực thi lòng thương xót đối với tha nhân như Chúa Cha đã thương xót chúng ta.”[4]
Mách nhỏ khi hành hương:
- Trong khi đi hành hương Năm Thánh, tôi muốn sửa đổi tật xấu nào?
- Hãy sáng kiến khi đi hành hương: dâng lời nguyện tự phát, ngắm kỹ một kiệt tác, chia sẻ những gì mình thấy với bạn hành hương, làm một bài thơ, chụp một tấm hình và gửi về cho người thân, v.v.
- Hành Hương giúp người lữ khách sống chậm lại, hít thở và chiêm nghiệm cuộc sống.
Trích trong tập sách Ý nghĩa và lịch sử của hành hương, Nxb Tôn Giáo, 03/2024)
______
[1] Shabbat שַׁבָּת hay ʃa'bat, có nghĩa là "nghỉ ngơi" hoặc "dừng lại".
[2] Trang website chính thức của năm Thánh 2025: https://www.iubilaeum2025.va/en.html
[3] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cong-bo-logo-nam-thanh-2025-46200
[4] Misericordiae Vultus - Dung mạo Lòng thương xót, số 14.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/hanh-huong-thoi-cuu-uoc---phan-4-hanh-huong-nam-thanh-42280.html
23. Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski gặp gỡ chủng sinh Tổng Giáo Phận Hà Nội
WTGPHN (20/12/2024) - Vào thứ Năm, ngày 19/12/2024, Đại Chủng viện thánh Giu-se Hà Nội hân hoan chào mừng Đức Tổng Giám mục (TGM) Marek Zalewski – Đại diện thường trú của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam đến gặp gỡ và chia sẻ với các chủng sinh.
Sau giờ kinh chiều chung, hơn 130 chủng sinh Phân khoa Thần học vui mừng đón chào sự hiện diện của Đức TGM tại Hội trường lớn của Đại Chủng viện.
Để bày tỏ niềm vui của gia đình Đại Chủng viện, Cha Giám đốc An-tôn Nguyễn Văn Thắng có bài chào mừng trọng thể gửi tới Đức TGM, cùng với đó là lời chúc mừng Giáng sinh và Năm mới 2025 đang cận kề.
Trong gần một giờ sau đó, Đức TGM đã chia sẻ cách mà tiến trình đào tạo linh mục giao thoa cách tuyệt vời với ý nghĩa của mầu nhiệm Giáng sinh. Nói cách khác, mầu nhiệm Giáng sinh soi chiếu cho cách thức và tâm tình của việc đào luyện.
Xuyên suốt bài nói chuyện, Đức TGM giúp quý thầy nhìn lại việc đào tạo các chủng sinh, đặc biệt nhấn mạnh bốn chiều kích đào tạo là: Nhân bản – Thiêng liêng – Tri thức và Mục vụ. Mặc dù được đào tạo theo bốn chiều kích nhưng các chiều kích này không tách rời, trái lại, chúng đan quyện với nhau trong một sự thống nhất nội tại, giúp người chủng sinh ngày càng lớn lên trong sự hướng dẫn của chính Chúa Thánh Thần.
Đức TGM cũng chia sẻ những ưu tư khi đâu đó vẫn còn những linh mục không sống đúng với căn tính của thánh chức linh mục. Những linh mục ấy sử dụng vị trí và “quyền lực thiêng liêng” của mình để buộc các tín hữu phải tôn trọng họ. Một số linh mục sử dụng thánh chức của mình để áp đặt lên mọi người các quy tắc của riêng họ. Họ áp dụng các chuẩn mực và luật lệ không tồn tại trong giáo lý của Giáo hội Công giáo.
Từ đó, ngài nhắn nhủ các chủng sinh phải nỗ lực đào luyện để ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô Mục tử, Đấng dám sống và dám hiến mạng vì đoàn chiên trong sự khiêm nhường và tình yêu.
Bầu khí cởi mở của buổi chia sẻ được tiếp tục với các câu hỏi đến từ các thầy và những phần giải đáp thú vị, chân thành của Đức TGM.
Cuối buổi chia sẻ, Đức TGM nhắn nhủ các chủng sinh: “Khi anh em tiếp tục hành trình hướng tới chức linh mục, hãy nhớ rằng anh em không đơn độc trên con đường này. Giáo hội, các cha giáo, gia đình và người thân và quan trọng nhất là chính Chúa Kitô, vẫn đang đồng hành cùng anh em. Hãy nhớ rằng tiến trình đào tạo của anh em không chỉ chuẩn bị cho một sứ vụ trong tương lai mà còn là phát triển sự thánh thiện và cố gắng nên giống Chúa Ki-tô mỗi ngày.”
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/duc-tong-giam-muc-marek-zalewski-gap-go-chung-sinh-tong-giao-phan-ha-noi-42295.html
24. Hành hương thời cựu ước - Phần 5: Thân phận hành hương
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
Chúng ta sống nghĩa là muốn lên đường, muốn đạt được mục đích nào đó. Nói như các triết gia: chúng ta là “con người lữ hành, homo viator”. Tôi là ai và tại sao tôi lại hiện diện trên cõi đời này? Đây là câu hỏi quan trọng buộc mỗi người phải lên đường để khám phá.
Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG
CHƯƠNG I: HÀNH HƯƠNG THỜI CỰU ƯỚC
Phần 5: THÂN PHẬN HÀNH HƯƠNG
Có một khía cạnh vô cùng quan trọng liên quan đến thân phận con người, đó là thân phận hành hương. Ví dụ: lúc mở mắt chào đời, em bé chính thức bước vào thế giới. Rồi lúc tập đi, bé muốn bước đến những nơi em thích. Lớn lên một chút, ngoài giờ đến trường, cô ấy còn thích đi chơi, đi mua sắm, hoặc đi du lịch. Nhất là khi bước vào đường đời, cả một thế giới mở ra. Có khi cô ấy phải đến những nơi này nơi kia.
Chúng ta sống nghĩa là muốn lên đường, muốn đạt được mục đích nào đó. Nói như các triết gia: chúng ta là “con người lữ hành, homo viator”. Tôi là ai và tại sao tôi lại hiện diện trên cõi đời này? Đây là câu hỏi quan trọng buộc mỗi người phải lên đường để khám phá. Đây cũng là tiến trình với hy vọng càng ngày với tuổi đời, chúng ta càng hiểu về thân phận của mình hơn. Như một lữ khách, tôi không ngừng lên đường tra vấn mình là ai, với chính mình, với nhân loại, với thế giới sống chung quanh và với những gì siêu vượt trên đời sống quá phàm tục.
Trong tiếng La-tinh cổ, “người hành hương”, pelegrīnus, thường được dịch là “người khách lạ”, “người lữ hành”. Thật ra, pelegrīnus là từ được tạo nên bởi hai thành tố: “per” nghĩa là “ngang qua”, và “ager” nghĩa là “cánh đồng”. Điều này mang đến cho người hành hương nhiều thách đố và hy vọng. Thách đố vì trong hành hương đòi người ta phải dấn thân, phải dám băng qua những khó khăn, chẳng hạn về địa lý hay tâm lý. Hy vọng vì đích đến là nơi người hành hương có thể gặp gỡ tha nhân và Thiên Chúa.
Kinh nghiệm hành hương trên đây được Thánh Augustinô diễn tả một cách khác ở chiều kích dân Chúa: “Hội thánh bước đi vững vàng, tiến về đường hành hương của mình, giữa những thử thách trên đời và những an ủi của Thiên Chúa.”
Về phương diện cá nhân, mỗi người thao thức nhận ra chính mình. Hành trình này diễn ra mạnh mẽ nhất có lẽ ở thời tuổi trẻ. Đến thời trung niên hoặc bên kia sườn dốc cuộc đời, nhiều người phần nào đã có câu trả lời cho riêng mình: tôi là ai. Khi đó, cuộc sống có thể gọi là thành toàn. Ở giai đoạn này, chúng ta được mời gọi hướng về quê hương đích thực: Quê Trời.
Có lần tôi hỏi bà ngoại tôi rằng: “Ngoại ơi, ngoại có sợ chết không?” “Bà không sợ chết, vì chết thì được giải thoát, được về Thiên Đàng.” – Ngoại bình thản trả lời. Có lẽ tới một lứa tuổi nào đó, người ta thấy mình cần hành hương về Giêrusalem ở trên trời. Đây là lời mời gọi của Chúa Giêsu và Giáo hội. Mang thân phận hành hương, ước gì chúng ta đừng bám vào những gì là phù du nơi trần thế. Hành trình hành hương có thể giúp ta trải nghiệm được điều này. Chỉ có Thiên Chúa là quan trọng nhất cho cuộc đời tôi. Vào đời hành hương với đôi bàn tay trắng; lên đường hành hương vào Thiên Quốc cũng trắng đôi tay! Đây là chân lý.
Hoặc nói như tác giả Prashant Kakode trong cuốn sách mang tựa đề Tỉnh Thức: “Chúng ta bước vào cuộc đời, khoác vào mình bộ y phục cơ thể, trang điểm bằng trang sức là những địa vị, sự sung túc hay thành công và hoá thân vào một “vai diễn” trong một thời gian ngắn là cuộc đời. Và khi cái chết đến, nó buộc phải để mọi thứ lại đằng sau. Nói cách khác, mỗi người diễn phần vai tạm thời hay trải qua một chuyến viếng thăm ngắn ngủi đến Trái đất như một người lữ khách. Chúng ta thật sự là những người lữ hành trên hành tinh này. Thế nhưng, con người lại tưởng mình đóng vai trò vĩnh viễn trong cuộc đời này; và cuối cùng, con người bắt đầu đồng hóa với những vai trò ấy. Rốt cuộc, con người cảm thấy đau khổ nếu phải từ bỏ chúng [1].
Khi học triết học, tôi rất mê nhà triết học Gabriel Marcel. Là triết gia Công giáo của thế kỷ XX, ông đã nối kết thân phận con người như là Homo Viator (Kẻ lữ hành) với lời dạy của Chúa Giêsu. Chẳng hạn trong “Lời mở đầu” của tác phẩm Homo Viator, G. Marcel viết: “Có lẽ, một trật tự ổn định chỉ có thể được thiết lập trên trái đất này nếu con người luôn ý thức sâu sắc rằng họ đang trong tình trạng của người lữ hành”. Trên hành trình này, ông đề cao tình yêu giữa người với người, tình yêu với Thiên Chúa. Ước gì đây cũng là điều thú vị trên đường hành hương của chúng ta.
Mách nhỏ khi hành hương:
- Suy nghĩ về thân phận mỏng dòn của mình.
- Thế nào là: “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa.” (Thánh Augustino)
- Hành Hương giúp người lữ khách tái khám phá & điều chỉnh lại cuộc sống bản thân.
Trích trong tập sách Ý nghĩa và lịch sử của hành hương, Nxb Tôn Giáo, 03/2024)
[1] X. Dr. Prashant Kakode, Tỉnh thức, Dg: First News, Nxb Tổng hợp Tp.HCM, tr. 36.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/hanh-huong-thoi-cuu-uoc---phan-5-than-phan-hanh-huong-42312.html
25. Chúa nhật, thứ bảy và lễ vọng: sự khác biệt giữa thánh lễ chiều hôm trước và lễ vọng
“Người nào tham dự Thánh Lễ được cử hành theo nghi thức Công Giáo trong chính ngày lễ hoặc chiều ngày áp lễ ở bất cứ nơi nào, thì đã giữ trọn luật buộc phải tham dự Thánh Lễ” (Giáo luật, điều 1248 §1)
WGPQN (28/12/2024) - Đối với tôi, phân biệt giữa Thánh lễ Chúa Nhật, Thánh lễ chiều Thứ Bảy và Thánh lễ Vọng thật là thách đố. Trước hết, dù cho hàng ngàn người Công giáo có thể nghĩ, và các bản tin giáo xứ thông báo, Thánh lễ Vọng không phải là Thánh lễ được cử hành vào chiều Thứ Bảy – hoặc có thể gọi là Thánh lễ chiều hôm trước (anticipated Mass).
Ở nhiều giáo xứ, thuật ngữ Thánh lễ chiều hôm trước và Thánh lễ vọng được sử dụng thay thế cho nhau, như nhau, nhưng trên thực tế chúng khác nhau. Thánh lễ vọng (vigil Mass) là Thánh lễ được cử hành trước một số lễ trọng nhất định: Lễ Phục sinh, Giáng sinh, Hiện xuống, Thăng thiên, Đức Mẹ Lên Trời, Thánh Phêrô và Phaolô, Hiển linh và Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy giả. Các Thánh lễ vọng này, bắt đầu sau 4 giờ chiều, có các bài đọc và lời nguyện dành riêng, khác với các bài đọc và lời nguyện được sử dụng trong lễ trọng chính ngày. Các lễ trọng khác, chẳng hạn như lễ Các Thánh, có thể có Thánh lễ chiều hôm trước, nhưng các bài đọc giống như các bài đọc được sử dụng trong chính lễ trọng đó; vì thế, Thánh lễ như vậy là Thánh lễ chiều hôm trước. Một số lễ trọng là lễ buộc và điều thú vị là mọi lễ buộc đều là lễ trọng nhưng không phải mọi lễ trọng đều là lễ buộc. Các giáo xứ khắp nơi đều cử hành thêm nhiều Thánh lễ để cử hành ngày lễ buộc, gồm cả lễ chiều hôm trước.
Thông thường, Thánh lễ chiều thứ Bảy là Thánh lễ chiều hôm trước và là một phần của ngày Chúa Nhật sử dụng các nghi lễ của phụng vụ Chúa Nhật, trong khi Thánh lễ vọng vào chiều hôm trước lễ trọng có lời nguyện và bài đọc riêng.
Lễ Vọng
“Trong lịch phụng vụ, chúng ta bắt gặp một số ngày được gọi là lễ Vọng. Những ngày này diễn ra vào chiều hôm trước ngày lễ lớn của Giáo Hội. Vọng có nghĩa là canh thức. Vào thời kỳ đầu của Giáo Hội, các Kitô hữu thường tập trung tại các nhà thờ vào những ngày (vọng) đó và dành trọn ngày để ăn chay, cầu nguyện và hát thánh vịnh để chuẩn bị phù hợp cho các ngày lễ trọng. Vào khoảng ba giờ chiều, họ về nhà để chia sẻ bữa ăn duy nhất trong ngày, trong đó không có thịt và các món ngon. Họ sẽ trở lại nhà thờ vào lúc hoàng hôn để canh thức suốt đêm, cầu nguyện, hát thánh ca và các thực hành thích hợp khác, để chuẩn bị cử hành lễ trọng” (trích từ “A Pulpit Commentary on Catholic Teaching,” Tập IV, Pulpit Preachers of Our Own Day, Joseph F Wagner, New York, khoảng năm 1910).
Tất nhiên, có nhiều loại lễ vọng (canh thức) khác nhau - tôn giáo và không tôn giáo - được cử hành không chỉ vào chiều tối mà còn vào những thời điểm khác trong ngày. Trong số những canh thức nổi danh nhất xảy ra sau khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Chúng ta nhớ lại những người Pharisiêu, lo sợ Đức Kitô sẽ sống lại sau ba ngày, đã xin Philatô cử lính gác và canh thức trong ba ngày nơi mộ của Ngài (x. Mt 27, 62-64). Một lễ canh thức quen thuộc khác được mô tả trong Lc 2, 8-9, trong đó những người chăn chiên canh thức suốt đêm (một lễ vọng) khi các thiên thần xuất hiện để báo tin Đức Kitô ra đời.
Các Kitô hữu sơ thời thường canh thức cả ngày và đêm trước một số lễ trọng nào đó. Họ cầu nguyện, ăn chay, đọc hoặc hát thánh vịnh. Điều này đã trở thành một phần của truyền thống Giáo Hội dẫn đến các lễ vọng trước những ngày lễ trọng mà chúng ta vẫn cử hành ngày nay. Cho đến năm 1966, ăn chay là một phần của ngày lễ vọng trước những ngày lễ như Lễ Hiện xuống, Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Giáng sinh và Lễ Các Thánh. Trong triều đại Giáo hoàng Phaolô VI (1963-1978), những ngày ăn chay đã thay đổi ra như hiện nay.
Như đã lưu ý, các buổi canh thức không chỉ giới hạn vào ban đêm. Ví dụ, trong một thời gian dài, Lễ canh thức Phục Sinh được tổ chức vào ban ngày; trước hết là vào chiều thứ Bảy và sau đó là sáng thứ Bảy. Mãi đến thế kỷ XX, lễ này mới được chuyển vào lúc trời tối như chúng ta biết ngày nay.
Chúa Nhật
“Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người” (Stk 2, 3). Để hiểu về lễ vọng và các Thánh lễ chiều hôm trước, cần phải xét đến bổn phận phải tham dự Thánh lễ Chúa Nhật và các ngày lễ buộc của người Công giáo - và một cuộc tranh luận lớn hơn xoay quanh lý do tại sao ngày Chúa Nhật lại quan trọng.
Ngay từ thế kỷ II, các Kitô hữu đã kỷ niệm ngày Chúa Nhật như Ngày của Chúa thay vì ngày Sabát vào thứ Bảy. Họ coi ngày Chúa Nhật là ngày đầu tiên của tuần, thay vì là ngày cuối tuần. Do đó, các Kitô hữu đã kỷ niệm ngày phục sinh của Đức Kitô - tức ngày Chúa Nhật.
Thánh Ignatiô, sống vào thế kỷ II, đã viết rằng các Kitô hữu “từ bỏ việc giữ ngày Sabát và bắt đầu sống cử hành Chúa Nhật”. Cùng thế kỷ đó, Thánh Justinô Tử đạo đã nói về các Kitô hữu tụ họp: “Vào ngày được gọi là Chúa Nhật, tất cả những người sống tại thành phố hoặc nông thôn tụ họp tại một nơi, và người ta đọc ghi chép của các tông đồ hoặc các tác phẩm ngôn sứ” (“First Apology”, số 67). Thậm chí trước đó, các tông đồ đã giữ ngày Chúa Nhật là ngày thánh của họ. Thánh Luca mô tả trong Công vụ Tông đồ 20, 7 về cách họ bẻ bánh vào ngày đầu tuần. Sách Giáo lý Baltimore nói: “Chúa chúng ta đã ban cho các tông đồ quyền năng thay đổi Ngày của Chúa từ Thứ Bảy sang Chúa Nhật. Các tông đồ đã làm như vậy vì vào Chúa Nhật, Chúa chúng ta đã sống lại từ cõi chết. Và chính vào Chúa Nhật, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ”.
Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI (trị vì 2005-2013) đã viết về Chúa Nhật như là “ngày thánh nguyên thủy, khi tất cả các tín hữu, bất kể ở đâu, đều có thể trở thành người loan báo và bảo vệ ý nghĩa thực sự của thời gian. … Vào Ngày của Chúa, thật thích hợp khi các nhóm trong Giáo hội tổ chức các hoạt động của cộng đồng Kitô giáo quanh Thánh lễ Chúa Nhật; các cuộc tụ họp xã hội, các chương trình đào tạo đức tin cho trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn, các cuộc hành hương, các công việc từ thiện và những khoảnh khắc cầu nguyện khác nhau. Vì lợi ích của những giá trị quan trọng này - trong khi thừa nhận rằng tối thứ Bảy bắt đầu bằng giờ kinh chiều I đã là một phần của Chúa Nhật và là thời điểm mà bổn phận chu toàn ngày Chúa Nhật có thể được thực hiện - chúng ta cần nhớ rằng chính ngày Chúa Nhật đáng được thánh hoá, để ngày này không kết thúc như một ngày “vắng bóng Thiên Chúa” (“Heart of Christian Life”, Ignatius Press).
Thánh lễ chiều
Trong nhiều thế kỷ, không có Thánh lễ Chúa Nhật nào được cử hành sớm hơn một giờ trước khi mặt trời mọc hoặc sau buổi trưa, được quy định trong bộ Giáo Luật năm 1917. Thánh lễ chiều thứ Bảy không nằm trong dự định của bất kỳ bộ luật nào. Nhưng những nhu cầu của Thế chiến II, đặc biệt là đối với những người ở vùng chiến sự và những công nhân làm việc trong ngành nghề hỗ trợ chiến tranh đã khiến Vatican cho phép cử hành Thánh lễ vào chiều Chúa Nhật. Do đó, Thánh lễ chiều đầu tiên được cử hành vào Chúa Nhật chứ không phải chiều thứ Bảy. Sau chiến tranh, Thánh lễ chiều thứ Bảy dần phát triển và ngày càng trở nên phổ biến khi các giám mục địa phương kiến nghị Tòa thánh chấp thuận những buổi lễ (chiều) như vậy; những thay đổi về văn hóa, luật xanh (Blue Laws - luật cấm buôn bán ngày Chúa Nhật) từ lâu đã cấm thương mại vào Chúa Nhật đã được bãi bỏ và các doanh nghiệp mở cửa vào Chúa Nhật dẫn đến nhiều người làm việc vào ngày này hơn. Tất cả những yếu tố này đã góp phần khiến Vatican cho phép tổ chức Thánh lễ chiều thứ Bảy để chu toàn bổn phận Thánh lễ Chúa Nhật; ban đầu, sự cho phép này được coi là có lợi cho những người làm những công việc thiết yếu như nghề y, lính cứu hỏa, thi hành luật pháp, thậm chí là ngành dịch vụ khách sạn. Việc Thánh lễ chiều thứ Bảy trở nên phổ biến và có sự tham dự của những người có thể dự Thánh lễ Chúa Nhật nhưng đơn giản là họ chọn không tham dự (vào ngày Chúa Nhật). Năm 1983, bộ Giáo Luật đã được sửa đổi như sau: “Người nào tham dự Thánh Lễ được cử hành theo nghi thức Công Giáo trong chính ngày lễ hoặc chiều ngày áp lễ ở bất cứ nơi nào, thì đã giữ trọn luật buộc phải tham dự Thánh Lễ” (Điều 1248 §1).
Vì thế, ngày Chúa Nhật, hay ngày lễ buộc, bắt đầu khi nào? Những Quy Luật Tổng Quát về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch giải thích, “Ngày phụng vụ kéo dài từ nửa đêm cho đến nửa đêm. Nhưng việc cử hành ngày Chúa nhật và các ngày lễ trọng bắt đầu từ chiều ngày hôm trước” (Số 3). Những quy luật tiếp tục, “Lễ trọng là những ngày đặc biệt, được cử hành từ Kinh Chiều I ngày hôm trước. Có vài lễ trọng có lễ vọng riêng cử hành chiều ngày hôm trước, nếu cử hành thánh lễ ban chiều” (Số 11). Do đó, Thánh lễ được cử hành vào chiều thứ Bảy được coi là một phần của cử hành Chúa Nhật - nghĩa là Thánh lễ Chúa Nhật.
Mặc dù Giáo hội chưa bao giờ định nghĩa “buổi chiều” là như thế nào, nhưng trong tông hiến Christus Dominus năm 1953 của Đức Giáo hoàng Piô XII (trị vì 1939-58) ban hành, đã nói về cơ sở lý luận cho các Thánh lễ được cử hành sau buổi trưa và thời điểm Thánh lễ buổi chiều có thể bắt đầu: “Nếu hoàn cảnh đòi hỏi cần thiết, chúng tôi trao cho các đấng bản quyền địa phương quyền cho phép cử hành Thánh lễ vào buổi chiều… nhưng với sự khôn ngoan thì Thánh lễ không bắt đầu trước bốn giờ chiều” (Quy tắc VI). Văn kiện này được viết 34 năm trước bộ giáo luật hiện hành và trước khi Thánh lễ chiều thứ Bảy trở nên phổ biến, tuy nhiên ngày nay tài liệu này thường được coi là nguồn xác định thời điểm sớm nhất để có thể bắt đầu Thánh lễ.
Việc tham dự Thánh lễ chiều thứ Bảy phù hợp với giáo luật và nguyên tắc của Giáo hội là buộc tham dự Thánh lễ Chúa Nhật. Tuy nhiên, vẫn còn trách nhiệm của mọi Kitô hữu là giữ cho ngày Chúa Nhật được thánh thiêng, một trách nhiệm không bao giờ bị bãi bỏ. Hàng giáo sĩ tận dụng cơ hội thường xuyên nhắc nhở các tín hữu về tầm quan trọng của ngày Chúa Nhật. Đó là ngày dành riêng cho Chúa - không như bao ngày khác. “Vì thế, Chúa Nhật là ngày lễ rất đặc biệt phải được đề cao và in sâu vào lòng đạo đức của các tín hữu đến độ cũng trở thành ngày dành cho niềm vui và sự nghỉ ngơi” (Sacrosanctum Concilium, số 106).
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/chua-nhat-thu-bay-va-le-vong-su-khac-biet-giua-thanh-le-chieu-hom-truoc-va-le-vong-42319.html
TIN GIÁO HỘI HOÀN VŨ
1. Bộ Giáo sĩ công bố Huấn thị về cải cách giáo xứ và tái cơ cấu giáo phận
Ngày 20/07/2020, Bộ Giáo sĩ đã công bố Huấn thị về cải cách giáo xứ và tái cơ cấu giáo phận để phục vụ tốt hơn “sứ vụ duy nhất là rao giảng Tin Mừng.”
Hồng Thủy - Vatican News
Huấn thị được Đức Hồng y Beniamino Stella, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ cùng với các vị Tổng Thư ký và Phó Tổng Thư ký ký ngày 29/06 vừa qua, có tựa đề: “Sự hoán cải mục vụ của cộng đoàn giáo xứ để phục vụ cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo hội”.
Tài liệu có 124 số; ngoài phần mở đầu và kết luận, Tài liệu có 11 chương, với 6 chương đề cập đến vấn đề hoán cải mục vụ, các cộng đoàn giáo xứ, từ hoàn cải cá nhân đến hoán cải cơ cấu; 5 chương cuối bàn đến các vấn đề thực hành như tiến trình gộp các giáo xứ, vai trò mục vụ của cha sở, ban điều hành giáo xứ, vai trò các phó tế, tu sĩ, giáo dân, vv.
Thông cáo Báo chí cho biết: “Tài liệu đề cập đến chủ để chăm sóc mục vụ của các cộng đoàn giáo xứ và sự tham gia vào việc thực thi nó, cũng như các thừa tác vụ khác nhau của giáo sĩ và giáo dân, để thúc đẩy tinh thần đồng trách nhiệm hơn của tất cả những người đã được rửa tội.” Tài liệu nhắc rằng “trong Giáo hội có chỗ cho tất cả mọi người và mọi người đều có thể tìm thấy vị trí của họ” trong một gia đình duy nhất của Thiên Chúa, trong sự tôn trọng ơn gọi của mỗi người.
Lý do ban hành Huấn thị
Giải thích về lý do ban hành Huấn thị, Thông cáo Báo chí viết: Được thúc đẩy bởi một số Giám mục, Bộ Giáo sĩ thông báo về sự cần thiết phải xây dựng một công cụ mục vụ - giáo luật liên quan đến các dự án cải cách khác nhau của các cộng đồng giáo xứ và việc tái cơ cấu giáo phận, đang được tiến hành hoặc đang được lên kế hoạch, với chủ đề liên quan đến các đơn vị và các khu vực mục vụ. Do đó, tài liệu dự định đưa ra một số lựa chọn mục vụ, đã được các vị mục tự khởi xướng và được "thử nghiệm" bởi Dân Chúa, để góp phần đánh giá và đo lường luật riêng với luật của Giáo hội hoàn vũ.
Vai trò của cha xứ và của cộng đồng giáo xứ
Tài liệu nhấn mạnh đến vai trò của cha xứ, là "mục tử thật sự" của cộng đồng và cũng nhấn mạnh hoạt động mục vụ kết nối với sự hiện diện trong cộng đồng phó tế, người thánh hiến và giáo dân, được kêu gọi tham gia tích cực, theo ơn gọi riêng và thừa tác vụ của họ, vào sứ mệnh truyền giáo duy nhất của Giáo hội.
Tránh những thái quá có thể
Huấn thị mới này không ban hành luật mới nhưng đề xuất cách áp dụng luật đã có hiệu lực theo cách tốt hơn, dựa trên kinh nghiệm của Bộ Giáo sĩ trong việc phục vụ các Giáo hội cụ thể, “để giúp các tín hữu tránh một số thái quá có thể như việc giáo sĩ hóa giáo dân và tục hóa giáo sĩ, hay xem các phó tế vĩnh viễn như “50% linh mục” hay “một siêu giáo dân”.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/bo-giao-si-cong-bo-huan-thi-ve-cai-cach-giao-xu-va-tai-co-cau-giao-phan-42124.html
2. Chiếc túi Năm Thánh 2025 được làm bởi các nữ tù nhân của Ý
Chiếc túi Năm Thánh 2025 được làm từ vải và các vật liệu tái chế từ các vật phẩm của Năm Thánh Lòng Thương xót 2016, có ghi dòng chữ “Made in Prison” (Làm tại nhà tù) và có in tên của Bộ Loan báo Tin Mừng, đã được thực hiện bởi các nữ tù nhân với sự cộng tác của một hợp tác xã xã hội.
Vatican News
Những chiếc túi là một trong những sản phẩm từ khóa đào tạo nghề nhằm khôi phục phẩm giá và giúp phụ nữ chuẩn bị tái hòa nhập vào công việc và xã hội.
Các tù nhân tham gia được trao cơ hội để có được các kỹ năng chuyên môn và kỹ thuật, giúp họ có thể làm việc, kiếm được mức lương thường xuyên, và quan trọng nhất là xây dựng lại nhận thức và lòng tự trọng, trong khi những chiếc túi sẽ được bán tại điểm thông tin chính thức của Năm Thánh ở Roma.
Sáng kiến này là một trong những sáng kiến “Dấu hiệu hy vọng” dành riêng cho những người dễ bị tổn thương và bị thiệt thòi, như Đức Thánh Cha đã kêu gọi trong Sắc lệnh Năm Thánh “Spes non Confundit” (Niềm Hy vọng không làm thất vọng).
Và để thể hiện sự gần gũi đối với những người bị giam giữ, Đức Thánh sẽ đặc biệt mở một Cửa Thánh tại nhà tù Rebibbia ở Roma vào ngày 26/12, đánh dấu một khoảnh khắc lịch sử trong lịch sử của những Năm Thánh; vì vậy - như ngài đã nói trong Sắc lệnh đó – “Đối với họ, đó có thể là một biểu tượng mời gọi họ hướng tới tương lai với hy vọng và dấn thân đổi mới cuộc sống”.
Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, Phụ trách Phân Bộ thứ nhất của Bộ Loan báo Tin Mừng, cho biết cử chỉ này là “biểu tượng của tất cả các nhà tù trên thế giới” vào thời điểm tha thứ và phục hồi, trọng tâm của Năm Thánh.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/chiec-tui-nam-thanh-2025-duoc-lam-boi-cac-nu-tu-nhan-cua-y-42125.html
3. Chương trình Năm Thánh - Năm Hồng Ân sẽ được phát từ ngày 14/12
Năm Thánh – một cơ hội quý giá để làm mới lại đức tin và hành trình cuộc sống. Vatican News Tiếng Việt sẽ phát hằng tuần chương trình video có tên "Năm Thánh - Năm Hồng Ân" trong suốt Năm Thánh 2025, bắt đầu từ ngày 14/12.
Vatican News
Năm Thánh 2025 - “Những người hành hương của hy vọng”: Vatican News Tiếng Việt mở nhịp cầu kết nối người Việt khắp bốn phương, với những câu chuyện cuộc đời được kể với lòng biết ơn và một con tim bình an và hoà giải. Qua mỗi câu chuyện cuộc đời rất riêng, dù êm đềm hay sóng gió, bàn tay quan phòng của Thiên Chúa dần tỏ lộ: “Thiên Chúa có khả năng viết thẳng trên những đường cong”.
Vatican News Tiếng Việt giới thiệu chương trình "Năm Thánh – Năm Hồng Ân" với mục đích chung tay xây dựng tình liên đới cảm thông, trở nên nhịp cầu gặp gỡ và chia sẻ, cùng nhau hướng đến một tương lai bình an và hy vọng.
Chương trình được phát liên tục vào thứ Bảy hàng tuần, bắt đầu từ ngày 14/12, trong suốt Năm Thánh 2025, trên Kênh Youtube và Facebook của Vatican News Tiếng Việt.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/chuong-trinh-nam-thanh---nam-hong-an-se-duoc-phat-tu-ngay-1412-42126.html
4. Đời sống đạo của các Kitô hữu ở Triều Tiên giống thời đế quốc Roma
Trong cuộc phỏng vấn với Vatican News, được công bố ngày 28/11, cha Philippe Blot, thành viên Hội Thừa sai Paris, hoạt động mục vụ ở Hàn Quốc từ 34 năm qua cho biết, các Kitô hữu ở Triều Tiên sống đạo âm thầm, không dám công khai, bị bách hại giống các tín hữu thời đế quốc Roma.
Vatican News
Theo cha Philippe Blot, khi đất nước bị phân chia vào năm 1953, Triều Tiên sát hại tất cả linh mục và tu sĩ, trong đó có khoảng 10 tu sĩ dòng Biển Đức, người Đức và Hàn Quốc. Vào thời điểm đó, Bắc Hàn có nhiều Kitô hữu hơn Nam Hàn, nhưng tất cả đều bị cấm thực hành đạo, các tôn giáo khác cũng bị như vậy. Trong những năm qua, do áp lực kinh tế từ quốc tế, họ đã mở cửa một chút, bề ngoài dường như có vẻ tự do nhưng thực ra không phải vậy.
Như nguồn tin về việc xây một ngôi thánh đường ở Bình Nhưỡng và thành lập một hiệp hội người Công giáo ở Triều Tiên, tất cả chỉ là giả dối. Trong thời gian ở Triều Tiên, cha Philippe Blot yêu cầu được dâng Thánh lễ ở nhà thờ Bình Nhưỡng nhưng luôn bị từ chối. Buổi cử hành phụng vụ ở đó không có linh mục, mọi người tham dự đều mặc trang phục truyền thống, hát rất hay nhưng như một cuộc biểu diễn. Họ được trả tiền hoặc bị ép tham dự cuộc họp mặt. Có phần trao Mình Chúa, nhưng không ai biết bánh đã được truyền phép hay chưa. Tất cả đều giả.
Do những bất công, nghèo đói và bách hại đang diễn ra, họ sợ các linh mục, vì các linh mục lên tiếng bảo vệ người nghèo và công nhân. Ở quốc gia này, không có tự do. Họ biết Kitô giáo, và trên hết là Chúa Giêsu, ủng hộ tự do. Trong suy nghĩ của họ, Kitô giáo đại diện cho một hình thức chống quyền lực. Họ biết Kitô hữu có thể chịu đựng rất mạnh mẽ khi bị bách hại. Kitô hữu đích thực không bao giờ chối bỏ đức tin, và điều này là không thể chấp nhận được với Kim Jong-Un, người luôn cho mình ở trên Chúa. Các Kitô hữu, nếu chọn Chúa, sẽ bị đưa đến các trại, hoặc bị giết ngay tại chỗ. Cuộc bách hại rất khắc nghiệt.
Cha cho biết thêm, trước đại dịch Covid-19, một thoả thuận giữa Trung Quốc và Triều Tiên cho phép một số người sống gần biên giới được qua lại thăm người thân hai hoặc ba lần một tháng. Trong lúc ở Trung Quốc một số biết Chúa và được rửa tội. Nhưng khi về Triều Tiên họ không được phép thực hành đạo, đặc biệt họ không được phép mang Kinh Thánh về vì sẽ nguy hiểm đến tính mạng nếu bị phát hiện.
Mọi người không được công khai bày tỏ niềm tin của mình. Từ khi lên hai, ba tuổi, các trẻ em đã được dạy không nói lớn tiếng khi ra ngoài đường, ở lớp học không nói những chuyện ở nhà. Ở đất nước này, mọi người dễ dàng tố cáo nhau. Nếu bị phát hiện cầu nguyện sẽ bị bắt ngay. Luật im lặng ngự trị trong gia đình.
Trước thực trạng này, cha cho biết các tín hữu ở đây sống đạo âm thầm như các Kitô hữu thời đế quốc Roma, trong các hang toại đạo. Tất nhiên, không có giáo sĩ, không có Kinh Thánh, không có người hướng dẫn cầu nguyện. Tìm cách để không bị phát hiện khi cầu nguyện chung, nhưng nếu bị phát hiện họ rất can đảm, không chối bỏ Chúa và kiên trung cầu nguyện.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/doi-song-dao-cua-cac-kito-huu-o-trieu-tien-giong-thoi-de-quoc-roma-42127.html
5. Đức Thánh Cha: Thiếu tôn trọng các giá trị tôn giáo sẽ đưa đến bất bao dung
Trong diễn văn trước các tham dự viên “Hội nghị Tất cả Tôn giáo”, Đức Thánh Cha nói rằng chân lý cơ bản chung giữa tất cả các tôn giáo đó là: “là con cái của một Thiên Chúa, chúng ta phải yêu thương và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng sự đa dạng và khác biệt trong tinh thần huynh đệ và hòa nhập, và chăm sóc lẫn nhau cũng như chăm sóc Trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta”. Ngài nói rằng việc phớt lờ những giáo huấn như vậy là nguyên nhân gây ra sự bất bao dung.
Vatican News
Hội nghị được tổ chức bởi Tổ chức Sree Narayana Dharma Sangham, một tổ chức truyền bá khái niệm “Một đẳng cấp, một tôn giáo và một Thiên Chúa cho con người”, với sự hỗ trợ của Bộ Đối thoại Liên tôn, nhân kỷ niệm 100 năm “Hội nghị Tất cả Tôn giáo” lần đầu tiên được Sree Narayana Guru tổ chức, một sự kiện lịch sử trong cuộc đối thoại liên tôn ở Ấn Độ và Châu Á.
Hội nghị diễn ra tại Vatican trong hai ngày 29-30/11/2024, bao gồm các tham dự viên thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau đến từ Kerala, một bang ở miền nam Ấn Độ, và đến từ các nơi khác trên thế giới, có chủ đề: “Các tôn giáo cùng nhau vì một nhân loại tốt đẹp hơn”.
Tình trạng bất bao dung và thù hận ngày càng gia tăng
Đức Thánh Cha nhận định rằng chủ đề của Hội nghị có liên quan và quan trọng đối với thời đại của chúng ta. Ngài lưu ý rằng “thế giới ngày nay” thực sự nổi bật với “các trường hợp bất bao dung và thù hận ngày càng gia tăng giữa các dân tộc và quốc gia”. Ngài nhận xét rằng những trường hợp “phân biệt đối xử và loại trừ, căng thẳng và bạo lực” dựa trên “sự khác biệt về nguồn gốc sắc tộc hoặc xã hội, chủng tộc, màu da, ngôn ngữ và tôn giáo”, đã trở thành “một trải nghiệm hàng ngày đối với nhiều cá nhân và cộng đồng”, đặc biệt là đối với người nghèo, người không có khả năng tự vệ và người không có tiếng nói.
Thông điệp của Sree Narayana Guru
Nhắc đến di sản của Sree Narayana Guru, Đức Thánh Cha nhận xét rằng “người hướng dẫn tâm linh” và “nhà cải cách xã hội” này đã dành cuộc đời để thúc đẩy sự thăng tiến xã hội và tôn giáo. Ngài nói rằng bằng cách phản đối hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ, Sree Narayana Guru đã truyền bá thông điệp rằng “tất cả con người, bất kể dân tộc hay truyền thống tôn giáo và văn hóa của họ, đều là thành viên của một gia đình nhân loại duy nhất”.
Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại
Đức Thánh Cha cũng nhắc lại Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại vì Hòa bình thế giới và sự Chung sống, trong đó nói rõ rằng Thiên Chúa đã “tạo dựng tất cả con người bình đẳng về quyền, nghĩa vụ và phẩm giá, và kêu gọi họ sống với nhau như anh chị em”.
Chia sẻ những đặc điểm chung trong khi tôn trọng sự khác biệt
Đức Thánh Cha hy vọng tất cả “những người thiện chí” hợp tác để thúc đẩy một nền văn hóa “tôn trọng, phẩm giá, lòng trắc ẩn, hòa giải và liên đới huynh đệ”. Bằng cách rút ra từ những đặc điểm chung của họ, những người đại diện cho các tôn giáo khác nhau có thể “cùng nhau bước đi và làm việc để xây dựng một nhân loại tốt đẹp hơn”, trong khi vẫn “bám rễ vững chắc” vào “niềm tin” và “xác tín tôn giáo” của riêng họ.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-thieu-ton-trong-cac-gia-tri-ton-giao-se-dua-den-bat-bao-dung-42136.html
6. Ngày 8/12/2024 sẽ là ngày cầu nguyện cho Nicaragua
Trong Đại hội thứ 82 của Ủy ban Thư ký của Hội đồng Giám mục vùng Trung Mỹ, các Giám mục đã kêu gọi dành ngày cầu nguyện liên đới huynh đệ với Giáo hội Nicaragua trong bối cảnh cuộc bách hại tôn giáo tại nước này vẫn tiếp tục gia tăng.
Vatican News
Lời kêu gọi của các Giám mục Trung Mỹ
Trong tuyên bố có tựa đề “Ngày cầu nguyện của Trung Mỹ cho Giáo hội tại Nicaragua. ‘Chúng ta cùng kêu lên với Nicaragua’”, các Giám mục nói: “Chúng ta hãy bày tỏ tình liên đới và sự hiệp thông sâu sắc của chúng ta với dân Chúa tại Nicaragua, những người thường phải đối mặt với thực tế đầy thách thức”. Các ngài kêu gọi mọi giáo phận, giáo hạt, giáo xứ và cộng đồng tại Trung Mỹ tổ chức một ngày cầu nguyện cho Giáo hội tại Nicaragua, “để không ai cảm thấy đơn độc”, ngay cả trong bối cảnh bị đàn áp tôn giáo.
Truyền thống đặc biệt
Vì vậy, vào ngày 8/12, Lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, mọi người trên khắp Trung Mỹ và thế giới được mời gọi thể hiện “sự gần gũi và lòng cảm thông huynh đệ”.
Tại Nicaragua, Giáo hội cũng cử hành ngày 8/12 cách đặc biệt. Ngày này được đánh dấu bằng truyền thống “la gritería” hay lời ca khen ngưỡng mộ đối với Đức Trinh Nữ Maria. Giáo hội Công giáo Nicaragua cũng nhận Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ và là Bổn mạng.
Với suy nghĩ này, các Giám mục Trung Mỹ đã chọn ngày lễ này làm ngày cầu nguyện để “cùng chung tay” với tiếng kêu của người dân Nicaragua, “những hy vọng tìm thấy câu trả lời”.
Hơn 200 lãnh đạo tôn giáo bị Nicaragua trục xuất
Lời kêu gọi cầu nguyện của các Giám mục Trung Mỹ được đưa ra trong bối cảnh hỗn loạn đang diễn ra ở Nicaragua. Chính quyền Tổng thống Ortega đã trục xuất hơn 200 nhà lãnh đạo tôn giáo và bắt giữ các thành viên giáo sĩ, bao gồm cả Giám mục Rolando Álvarez. Mới đây nhất, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nicaragua, Đức Cha Carlos Herrera của Jinotega, đã bị lưu đày. Ngài trở thành giám mục Nicaragua thứ ba bị trục xuất khỏi đất nước dưới thời Ortega.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/ngay-8122024-se-la-ngay-cau-nguyen-cho-nicaragua-42137.html
7. Các Giáo hội ở Giêrusalem mời gọi các Kitô hữu cử hành Giáng sinh trong bối cảnh chiến tranh
Sau quyết định năm ngoái không trưng bày đèn và đồ trang trí Giáng sinh, để liên đới với những người đang đau khổ vì cuộc chiến ở Gaza, các Thượng phụ và các vị lãnh đạo Giáo hội Kitô ở Giêrusalem đang mời gọi các cộng đoàn cử hành ngày sinh nhật của Chúa Kitô “bằng cách thể hiện công khai niềm hy vọng Giáng sinh” trong bối cảnh chiến tranh.
Vatican News
Vào năm 2023, các vị lãnh đạo Giáo hội đã cùng nhau quyết định, yêu cầu các Kitô hữu ở Thánh Địa không trưng bày đồ trang trí và đèn Giáng sinh ở các nơi công cộng, như một cách thể hiện tình liên đới với nhiều người đang phải chịu đựng cuộc chiến giữa Hamas và Israel.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố gần đây, các Giáo hội cho rằng yêu cầu này làm cho nhiều người nghĩ rằng cử hành Giáng sinh ở Thánh Địa bị huỷ bỏ, với kết quả là “chứng tá duy nhất về sứ điệp Giáng sinh đã bị giảm bớt”, không chỉ trên toàn thế giới, nhưng cũng ở trong các Giáo hội địa phương.
Vì thế, các lãnh đạo Giáo hội Kitô ở Giêrusalem đang khuyến khích các tín hữu “cử hành trọn vẹn” sinh nhật của Đức Kitô “bằng cách bày tỏ công khai các dấu hiệu hy vọng của Kitô hữu”. Đồng thời, các vị mục tử kêu gọi các tín hữu cử hành theo những cách quan tâm đến những khó khăn nghiêm trọng mà hàng triệu người trong khu vực vẫn đang phải chịu đựng.
Tuyên bố của của các vị lãnh đạo viết: “Chắc chắn các cử hành phải bao gồm cầu nguyện không ngừng, giúp đỡ bằng những cử chỉ bác ái và tử tế, và chào đón những ai đang bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột như chính Chúa Kitô đã chào đón chúng ta”. Bằng cách này, chúng ta lặp lại chính câu chuyện Giáng sinh, nơi các thiên thần loan báo cho những người chăn chiên tin vui Chúa Kitô Giáng sinh giữa thời điểm đen tối tương tự trong khu vực của chúng ta, mang đến cho họ và toàn thế giới sứ điệp về hy vọng và bình an của Chúa”.
Trong buổi họp gần đây với cha Francesco Patton, bề trên dòng Phanxicô ở Thánh Địa cùng với cha Ibrahim Falta, phó bề trên, Tổng thống Palestine, ông Mahmoud Abbas cũng kêu gọi hạn chế các cử hành Giáng sinh ở Thánh Địa, do những khó khăn của người dân. Tại buổi gặp gỡ, theo thông lệ đại diện Giáo hội Công giáo đã mời tổng thống tham dự lễ Giáng sinh. Đại diện chính phủ, tổng thống đã gửi lời chúc mừng Giáng sinh tới các Kitô hữu Palestine và nhắc lại hy vọng về hoà bình của ông.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/cac-giao-hoi-o-gierusalem-moi-goi-cac-kito-huu-cu-hanh-giang-sinh-trong-boi-canh-chien-tranh-42138.html
8. Đức Thánh Cha nói với tín hữu Nicaragua: Đừng bao giờ nghi ngờ Thiên Chúa
Trong thư mục vụ gửi các tín hữu Nicaragua nhân tuần Cửu nhật kính Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Đức Thánh Cha hy vọng rằng cử hành chuẩn bị Năm Thánh 2025 này có thể mang lại sự khích lệ cho những người đang sống trong khó khăn, sự bấp bênh và mỏi mệt. Ngài nhắn nhủ họ hãy tin tưởng vào Thiên Chúa và trung thành với Giáo hội.
Vatican News
Nicaragua đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng kéo dài nhiều năm và Giáo hội tại nước này đang bị chính quyền bách hại với hàng loạt vụ bắt giữ và trục xuất các Giám mục, linh mục, tu sĩ và cả giáo dân.
Trong những ngày này, các tín hữu Nicaragua đang cử hành tuần Cửu nhật kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đức Thánh Cha muốn bày tỏ tình cảm của ngài đối với người dân Nicaragua, những người nổi bật về tình yêu dành cho Thiên Chúa.
Tin tưởng vào Thiên Chúa và trung thành với Giáo hội
Đức Thánh Cha nói trong thư rằng chính sự tin tưởng vào Thiên Chúa và lòng trung thành với Giáo hội “là hai ngọn hải đăng vĩ đại” soi sáng cuộc sống của các tín hữu ở Nicaragua. Ngài bảo đảm với họ rằng “niềm tin và niềm hy vọng làm nên những điều kỳ diệu”; một ví dụ về điều này là “chứng tá sáng ngời về lòng tin tưởng này” của Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Ngài nhấn mạnh: “Anh chị em luôn cảm nghiệm được sự bảo vệ từ mẫu của Mẹ trong mọi nhu cầu của mình và đã thể hiện lòng biết ơn của mình bằng lòng đạo đức rất đẹp và phong phú về đời sống thiêng liêng”.
Sự khích lệ giữa khó khăn, bấp bênh và mỏi mệt
Đức Thánh Cha hy vọng việc cử hành lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, chuẩn bị cho việc khai mạc Năm Thánh 2025, có thể mang lại cho tất cả các tín hữu Nicaragua sự khích lệ mà họ cần khi gặp khó khăn, sự bấp bênh và mỏi mệt.
Trong khi nhắn nhủ các tín hữu Nicaragua “đừng quên phó mình trong vòng tay của Chúa Giêsu”, Đức Thánh Cha hứa rằng ngài sẽ không ngừng cầu xin Mẹ an ủi và đồng hành với họ, củng cố đức tin của họ. Ngài khẳng định: “Mẹ Thiên Chúa không ngừng cầu thay cho anh chị em, và chúng tôi không ngừng cầu xin Chúa Giêsu luôn nắm tay anh chị em”.
Đọc Kinh Mân Côi
Và Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu đọc Kinh Mân Côi, trong đó chúng ta suy niệm hàng ngày về các mầu nhiệm cuộc đời của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, để những mầu nhiệm này thâm nhập vào chiều sâu tâm hồn chúng ta. Ngài nói rằng chúng ta nhận được bao nhiêu ân sủng từ Kinh Mân Côi, đó là một lời cầu nguyện mạnh mẽ.
Đức Thánh Cha kết thúc lá thư bằng lời cầu nguyện ngài đã viết cho Năm Thánh, qua đó ngài cầu xin Chúa “ban cho chúng ta sự bình an và tất cả những ân sủng mà chúng ta cần”.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-noi-voi-tin-huu-nicaragua-dung-bao-gio-nghi-ngo-thien-chua-42144.html
9. Nghi thức “xác nhận” Cửa Thánh của bốn Đền thờ ở Roma
Vatican News
Nghi thức “xác nhận” Cửa Thánh được bắt đầu bằng lời nguyện do Đức Hồng Y Mauro Gambetti chủ sự. Tiếp đến, nhân viên Vatican tiến tới đập vỡ một phần bên trong của Cửa Thánh, lấy ra một hộp kim loại đã được đặt vào ngày bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót, ngày 20/11/2016. Trong hộp này gồm chìa khoá để mở Cửa Thánh vào chiều tối ngày 24/12 tới, tay cầm, giấy da chứng nhận việc đóng cửa, bốn viên gạch mạ vàng và một số mề đay của triều Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Biển Đức XVI và Gioan Phaolô II.
Sau đó Đức Hồng Y Gambetti dẫn đầu đoàn rước, hát kinh cầu các thánh, từ Cửa Thánh đến Bàn thờ Tuyên xưng đức tin, và dừng lại một lúc để cầu nguyện và đọc Kinh Lạy Cha. Sau đó, những người tham gia nghi thức đã đến Sảnh của Kinh sĩ đoàn Đền thờ để mở hộp được lấy từ Cửa Thánh.
Hiện diện trong buổi cử hành còn có Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, Trưởng Phân Bộ thứ nhất của Bộ Loan báo Tin Mừng, phụ trách tổ chức Năm Thánh, và Đức Tổng Giám mục Diego Ravelli, Trưởng ban Nghi lễ của Tòa Thánh, người đã nhận các tài liệu và đồ vật của việc “xác nhận”, và sẽ mang đến cho Đức Thánh Cha Phanxicô.
Chiều thứ Ba ngày 03/12, nghi thức tương tự đã diễn ra tại Cửa Thánh của Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 05/12 sẽ diễn ra tại Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành và vào ngày 6/12 tại Đền thờ Đức Bà Cả.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/nghi-thuc-xac-nhan-cua-thanh-cua-bon-den-tho-o-roma-42145.html
10. Công giáo và Phật giáo Thái Lan cùng tưởng niệm Đức cố Hồng y Ayuso
Ngày 01/12 vừa qua, các vị lãnh đạo Phật giáo và Công giáo ở Thái Lan đã tập trung tại chùa Phật Nằm ở thủ đô, để tưởng nhớ cuộc đời và di sản của Đức cố Hồng y Tổng trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn Miguel Ángel Ayuso Guixot, qua đời ngày 25/11 vừa qua, hưởng thọ 72 tuổi.
Vatican News
Sự kiện chưa từng có này làm nổi bật sự liên kết sâu sắc giữa cộng đoàn Công giáo và Phật giáo ở Thái Lan, một tương quan được củng cố bởi sự cống hiến không ngừng của Đức Hồng Y trong việc thúc đẩy sự hiểu biết liên tôn.
Buổi lễ được bắt đầu bằng việc Hoà thượng Thirachan cùng với mười vị sư khác tụng kinh cầu nguyện cho linh hồn Đức cố Hồng y.
Tiếp đến, Đức cha Joseph Chusak Sirisut, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Thái Lan chủ sự một nghi lễ Công giáo, với đoạn Tin Mừng thánh Gioan được công bố: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga, 12, 24), nhằm nhấn mạnh di sản lâu dài của Đức cố Hồng Y Ayuso trong việc xây dựng các tương quan liên tôn.
Đức Hồng Y Ayuso Guixot được biết đến là một nhà lãnh đạo toàn cầu trong đối thoại liên tôn. Vào tháng 11/2022, ngài đã tham dự hội thảo Phật giáo-Kitô giáo lần thứ 7 tại Thái Lan, với sự hiện diện của 150 đoàn đại biểu đến từ khắp nơi trên thế giới.
Hội thảo năm 2022 có chủ đề “Karuṇā và Agape trong Đối thoại để Chữa lành Nhân loại và Trái đất bị tổn thương”, nhấn mạnh lòng trắc ẩn và tình yêu thương như những con đường để giải quyết các thách đố về xã hội và môi trường.
Hội thảo cũng tượng trưng cho sự hợp tác ngày càng phát triển giữa các tôn giáo, được đánh dấu bằng một cử chỉ quan trọng: Các vị lãnh đạo Phật giáo Thái Lan đã tặng quà cho Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Hồng Y Ayuso, cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong việc thúc đẩy sự đồng cảm và chia sẻ trách nhiệm đối với các cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Sinh tại Tây Ban Nha, Đức Hồng Y Ayuso đã dành cả cuộc đời cho đối thoại liên tôn. Kinh nghiệm khi hành sứ vụ ở Ai Cập và Sudan đã làm phong phú thêm cái nhìn của ngài trở thành nhân vật quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ Kitô giáo-Hồi giáo.
Dưới sự lãnh đạo của ngài, Bộ Đối thoại Liên tôn đã đạt được những cột mốc quan trọng, như việc ký kết Văn kiện về Tình huynh đệ nhân loại vì Hoà bình Thế giới và Chung sống giữa Đức Thánh Cha và Đại Imam Ahmad Al-Tayyib của đại học Al-Azhar.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/cong-giao-va-phat-giao-thai-lan-cung-tuong-niem-duc-co-hong-y-ayuso-42146.html
11. Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành | vlog năm thánh 2025 #3
✝️ Một cuộc hành trình bắt đầu từ ngôi mộ
Vatican News Tiếng Việt muốn cùng bạn đến thăm Đền Thờ và ngôi mộ Thánh Phaolô – vị Tông đồ dân ngoại.
📜 Không chỉ là nơi yên nghỉ, đây còn là nơi niềm tin cháy sáng qua bao thế kỷ. Ngọn lửa năm 1823 từng thiêu rụi đền thờ cổ, nhưng đức tin chưa bao giờ tàn lụi. Từ đống tro tàn, Đền Thờ Thánh Phaolô được tái sinh, kỳ vĩ hơn, đẹp đẽ hơn. Những bức tranh khảm lấp lánh, hàng cột đá trắng dài như bất tận, tất cả đều kể lại câu chuyện về niềm tin không phai nhòa qua thời gian.
🌟Dưới mái vòm Đền Thờ, nơi ánh sáng dịu dàng rọi xuống, từng góc nhỏ đều gợi nhắc đến sự hoán cải phi thường của Thánh Phaolô – từ kẻ bắt bớ thành Tông đồ của các dân tộc. Và phải chăng, đó cũng là lời mời gọi mỗi người: đổi mới, buông bỏ những gì cũ kỹ, để sống một cuộc đời ngập tràn ánh sáng.
🏛️ Hàng cột đá nơi quảng trường Đền Thờ đứng đó, không kiêu kỳ, mà bao dung, đón nhận mọi người đến đây – không phân biệt ngôn ngữ, màu da hay câu chuyện phía sau.
⛪ Năm Thánh 2025, Cửa Thánh nơi đây sẽ lại được mở. Thánh Phaolô đã đổi thay nhờ gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh, còn bạn, sẵn sàng chưa?
✍️ Đền Thờ Thánh Phaolô chờ đón bạn – không chỉ là một chuyến đi, mà là một cuộc trở về. Hãy chia sẻ cảm nghĩ của bạn nhé! 😊
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/den-tho-thanh-phaolo-ngoai-thanh-%7C-vlog-nam-thanh-2025-3-42147.html
12. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng 12: Cầu cho những người hành hương hy vọng
Trong video ý cầu nguyện trong tháng 12, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cầu nguyện “để Năm Thánh sắp tới củng cố đức tin của chúng ta, giúp chúng ta nhận ra Chúa Kitô Phục sinh giữa cuộc sống của chúng ta, biến đổi chúng ta thành những người hành hương của niềm hy vọng Kitô giáo”.
Vatican News
Niềm hy vọng Kitô giáo
Mở đầu video Đức Thánh Cha nói rằng “Niềm hy vọng Kitô giáo là một hồng ân của Thiên Chúa, làm tràn ngập niềm vui trong cuộc sống chúng ta”. Ngài mời gọi các Kitô hữu trở thành chứng nhân của “niềm hy vọng Kitô giáo” trong một thế giới bị thống trị bởi sự thất vọng và mất tin tưởng. Thế giới này thực sự rất cần niềm hy vọng.
Đức Thánh Cha nêu lên một vài lý do khiến chúng ta dễ rơi vào thất vọng; chẳng hạn chúng ta không biết liệu ngày mai mình có thể nuôi con cái được không, hoặc những gì chúng ta đang học có giúp chúng ta tìm được một công việc tốt không.
Trước sự bấp bênh này, theo Đức Thánh Cha, hy vọng là một mỏ neo mà chúng ta phải bám chắc vào, bám thật chặt.
Mang hy vọng đến với tất cả những ai đang tìm kiếm
Đức Thánh Cha cũng nhắn nhủ các tín hữu giúp nhau “khám phá cuộc gặp gỡ này với Chúa Kitô, Đấng ban cho chúng ta sự sống, và bắt đầu lên đường như những người hành hương của hy vọng để chung chia cuộc sống đó”. Ngài mời gọi “hãy lấp đầy cuộc sống của chúng ta mỗi ngày bằng món quà hy vọng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, và hãy để qua chúng ta, niềm hy vọng đến với tất cả những ai đang tìm kiếm nó”. Và ngài cũng nhắn nhủ: “Đừng quên rằng - hy vọng không bao giờ làm chúng ta thất vọng”.
Kitô hữu được neo chặt vào Chúa Kitô
Cha Cristóbal Fones, Giám đốc Quốc tế của Mạng lưới Cầu nguyện của Đức Giáo hoàng, suy tư về ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng 12: Với việc mở Cửa Thánh vào đầu Năm Thánh 2025, Đức Thánh Cha chỉ cho chúng ta thấy một cách biểu tượng nhiều cánh cửa cần được mở ra – những cánh cửa để đi ra gặp gỡ người khác và để người khác bước vào cuộc sống của chúng ta; những cánh cửa tự do dựa trên niềm hy vọng Kitô giáo của chúng ta. Là những môn đệ của Chúa Giêsu Phục sinh, chúng ta không trôi dạt trên hành trình hành hương của mình, nhưng được neo chặt vào Chúa. Năm Thánh này là một cơ hội to lớn để chúng ta can đảm mở lòng mình ra để chia sẻ ánh sáng hy vọng mà đức tin mang lại cho chúng ta, đặc biệt là với tất cả những ai, giữa hiện tại và sự bất định mà chúng ta đang sống, đã mất đi khả năng mơ ước”.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/y-cau-nguyen-cua-duc-thanh-cha-trong-thang-12-cau-cho-nhung-nguoi-hanh-huong-hy-vong-42148.html
13. Đức Thánh Cha mong ước Năm Thánh sẽ là cơ hội hoán cải cho mọi người
Viết lời tựa cho cuốn sách “Năm Thánh Hy vọng”, Đức Thánh Cha mơ về một thế giới hoà bình, những người chế tạo vũ khí ngừng thu lợi nhuận từ cái chết của người khác, không có án tử hình, các tù nhân được ân xá, và là cơ hội để mọi người hoán cải, nhìn lại cuộc sống dưới ánh sáng Tin Mừng.
Vatican News
Đức Thánh Cha tái khẳng định điều ngài đã nhiều lần kêu gọi: “Tôi mong muốn Năm Thánh tới đây thực sự là cơ hội thích hợp để ngừng bắn ở tất cả các quốc gia đang có chiến tranh”. Và nhắc lại những gì đã nói trong sắc lệnh công bố Năm Thánh Spes non confundit - hy vọng không làm thất vọng, ngài nhấn mạnh, trong tất cả cuộc chiến không có người thắng, người thua, mà chỉ có người bị đánh bại.
Đức Thánh Cha giải thích, hy vọng không phải là lạc quan, cũng không phải cảm giác tích cực mơ hồ về tương lai nhưng là điều gì đó khác: Đó không phải là ảo tưởng hay cảm xúc. Hy vọng là một nhân đức cụ thể, một thái độ sống và liên quan đến những lựa chọn cụ thể. Niềm hy vọng được nuôi dưỡng bởi sự dấn thân hướng tới điều tốt đẹp của mỗi người. Nuôi dưỡng niềm hy vọng có giá trị của một hành động xã hội, trí tuệ, tinh thần, nghệ thuật và chính trị theo nghĩa cao nhất của từ này. Đó là đặt khả năng và nguồn lực của chúng ta vào việc phục vụ công ích.
Điều này có nghĩa là tập trung vào công ích, liên quan đến những người di cư trải qua nghịch cảnh của những cuộc phiêu lưu được gọi là “hành trình hy vọng”, nhưng thường lại là “những hành trình tuyệt vọng thực sự”, với Địa Trung Hải trở thành một “nghĩa trang lớn”. Hoặc thiện ích cho các tù nhân, những người mà Đức Thánh Cha kêu gọi “điều kiện xứng nhân phẩm” cùng với việc bãi bỏ án tử hình, hình phạt bị xem là “không thể chấp nhận được vì nó tấn công đến tính bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh, Năm Thánh không chỉ là một sự kiện được ấn định theo lịch, nhưng là một công cụ mục vụ thực sự mà các giáo hoàng, từ năm 1300 đến nay, đã sử dụng tùy theo nhu cầu của thời đại mà các ngài được kêu gọi dẫn dắt Giáo hội.
Năm Thánh 2025 sắp tới sẽ chứng kiến hàng triệu người hành hương đi qua Cửa Thánh Đền thờ Thánh Phêrô và các Đền thờ khác, Đức Thánh Cha mong muốn cuộc hành hương này không chỉ đơn thuần là một chuyến đi du lịch hay để đạt được một mục tiêu nào đó, như trong Thế vận hội. Ngài mong muốn đây thực sự là một cơ hội để hoán cải, để nhìn lại cuộc đời mình dưới ánh sáng Tin Mừng, và cuộc hành hương này luôn đi kèm với một cử chỉ bác ái được thực hiện một cách âm thầm.
Sách “Năm Thánh Hy vọng” cũng đề cập đến hai vị thánh trẻ tương lai Pier Giorgio Frassati và Carlo Acutis, Đức Thánh Cha nhắc lại mẫu gương và lời nói của hai người trẻ, thúc giục các tín hữu không “lãng phí” cuộc đời, nhưng tạo tình thân với Chúa trong tâm hồn, vẻ đẹp tình yêu biến thành phục vụ.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-mong-uoc-nam-thanh-se-la-co-hoi-hoan-cai-cho-moi-nguoi-42149.html
14. Đức Thánh Cha và các Hồng y cố vấn thảo luận về vai trò nữ giới, các cuộc khủng hoảng trên thế giới
Trong khóa họp kéo dài trong hai ngày 2 và 3/12/2024 tại Nhà Thánh Marta ở Vatican, với sự tham dự của Đức Thánh Cha, Hội đồng Hồng y cố vấn đã thảo luận về nhiều vấn đề của Giáo hội và thế giới như đoàn thể tính, vai trò nữ giới, các Sứ thần Tòa Thánh, các cuộc khủng hoảng trên thế giới, vv.
Vatican News
Khóa họp lần này là khóa họp thứ tư của Hội đồng Hồng y cố vấn trong năm 2024, sau các khóa họp vào tháng 2, tháng 4 và tháng 6.
Tính đoàn thể của Giáo hội
Thông cáo của Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết, “nhiều vấn đề khác nhau đã được thảo luận trong các phiên họp”. Trước hết, Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh đã trình bày “về tính đoàn thể trong Giáo hội”, trong đó nói về mối quan hệ giữa Giáo hội địa phương và các Đại hội đồng của Giáo hội, và sau đó là cuộc thảo luận chung về Thượng Hội đồng vừa kết thúc.
Vai trò của nữ giới
Trong các phiên họp, “chủ đề về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội đã được đào sâu, tìm cách tổng hợp các vấn đề được nêu lên trong bốn phiên họp gần đây nhất của Hội đồng Hồng y”.
Vai trò của các Sứ thần
Thông cáo báo chí cho biết thêm rằng khóa họp cũng dành thời gian cho việc nghiên cứu và thực hiện các nguyên tắc và tiêu chí của Tông Hiến “Praedicate evangelium” (Anh em hãy rao giảng Tin Mừng) trong các ban lãnh đạo giáo phận. Khoá họp cũng thảo luận về chủ đề “Vai trò của các Đại diện của Giáo hoàng theo cái nhìn của hiệp hành truyền giáo”, với cuộc thảo luận của Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám mục Bombay, Chủ tịch nhóm được Đức Thánh Cha thiết lập để nghiên cứu về vai trò của các Sứ thần Tòa Thánh.
Thông cáo báo chí nhắc lại, cuộc họp của Hội đồng Hồng y cố vấn “luôn là cơ hội để suy tư tổng thể về tình hình của Giáo hội và thế giới tại các khu vực khác nhau, những nơi xuất thân của các Hồng y, để chia sẻ những mối quan tâm và hy vọng về tình trạng xung đột và khủng hoảng đang diễn ra”.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-va-cac-hong-y-co-van-thao-luan-ve-vai-tro-nu-gioi-cac-cuoc-khung-hoang-tren-the-gioi-42150.html
15. Kiệt tác Đức Mẹ Pietà của Michelangelo được bảo vệ bởi lớp kính chống đạn mới
Cơ quan bảo trì và quản trị Đền thờ Thánh Phêrô đã hoàn thành việc thay thế các tấm kính lớn bảo vệ pho tượng Đức Mẹ Pietà, một kiệt tác bằng đá cẩm thạch của họa sĩ và điêu khắc gia thiên tài Michelangelo, bằng 9 tấm kính chống va đập và chống đạn có chất lượng cao, để bảo vệ an toàn hơn và có độ trong suốt cao hơn.
Vatican News
Tượng Đức Mẹ Pietà được thực hiện từ năm 1497 đến 1499, là kiệt tác đầu tiên của nghệ sĩ Michelangelo khi ở độ tuổi đôi mươi, đồng thời là một trong những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất mà phương Tây từng tạo ra. Đây cũng là tác phẩm duy nhất có chữ ký của tác giả. Tác phẩm được trưng bày tại Đền thờ Thánh Phêrô.
Vào ngày 21/5/1972, một người đàn ông đã dùng búa đập khiến cho pho tượng bị thiệt hại rất nghiêm trọng, vỡ thành khoảng 50 mảnh, làm gãy cánh tay trái và gãy khuỷu tay; gương mặt của tượng cũng bị hư hại.
Sau quá trình phục chế kéo dài từ tháng 5 cho đến tháng 12/1972, tượng Pietà được bảo vệ bởi một lớp kính chống đạn đặc biệt vào năm 1973.
An toàn và thẩm mỹ hơn
Là một phần của công trình chuẩn bị cho Năm Thánh 2025, Cơ quan bảo trì và quản trị Đền thờ Thánh Phêrô đã thay thế các tấm kính đã được lắp đặt vào năm 1973 này bằng lớp kính bảo vệ mới gồm 9 tấm kính chống vỡ và chống đạn. Các tấm kính có chất lượng cao nhất và độ trong suốt tối đa, được thiết kế bởi đội ngũ chuyên gia Ý sau khi nghiên cứu chuyên sâu.
Công việc thay thế kéo dài chưa đầy sáu tháng và nhằm mục đích giúp các tín hữu hành hương và du khách có thể nhìn thấy tượng Đức Mẹ rõ nhất, cũng như bảo đảm an toàn cho tác phẩm.
Kỹ sư Alberto Capitanucci, người chịu trách nhiệm về lĩnh vực kỹ thuật của Cơ quan bảo trì và quản trị Đền thờ Thánh Phêrô, giải thích: “Dự án không chỉ liên quan đến việc sử dụng các tấm kính trong suốt hơn mà còn liên quan đến việc sử dụng các tấm có hiệu suất cơ học cao hơn. Độ dày được áp dụng là 24,5 mm so với 19mm của hệ thống ban đầu. Các tấm kính không chỉ được xếp lớp mà còn được làm cứng bằng nhiệt. Chúng có khả năng chống được các cuộc tấn công bằng tay, có thể chịu được 26 nhát búa/rìu (gần bằng mức bảo vệ cao P6B theo tiêu chuẩn EN 356) và khả năng chống đạn vượt quá mức BR2/S (theo tiêu chuẩn EN 1063), tức là nó có thể chịu được đạn của súng ngắn cỡ nòng 9mm.
Dự án được hình thành, triển khai và hỗ trợ nhờ sự đóng góp của một nhóm doanh nhân ở miền Piemonte của Ý và chuyên gia trong lĩnh vực này
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/kiet-tac-duc-me-pieta-cua-michelangelo-duoc-bao-ve-boi-lop-kinh-chong-dan-moi-42151.html
16. Đức Thánh Cha mời gọi thể hiện tình yêu của Chúa trong việc đạo đức và bác ái
Vào ngày 4/12/2024, Đức Thánh Cha đã gửi sứ điệp gửi đến Đại hội các Huynh đoàn và Lòng Đạo đức Bình dân được tổ chức tại thành phố Sevilla của Tây Ban Nha và mời gọi họ thể hiện tình yêu của Chúa trong việc đạo đức và bác ái.
Vatican News
Mở đầu sứ điệp, Đức Thánh Cha nhìn nhận lòng đạo đức độc đáo của người dân Seviila, những người “sống nhiệt thành trong việc thể hiện đức tin cho đến khi việc này trở thành một phần không thể thiếu trong cấu trúc xã hội của họ”. Ngài lưu ý rằng đức tin mạnh mẽ này không chỉ là một hành trình cá nhân mà còn là một hành trình cộng đồng định hình nên cuộc sống của Giáo hội.
Đưa Chúa Kitô vào thế giới
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng hiệu quả thực sự của lòng đạo đức bình dân nằm ở sức mạnh đưa Chúa Kitô vào thế giới. Ngài trích dẫn Thánh Manuel González, người đã mô tả cuộc sống Kitô hữu là “một hành trình khứ hồi; nó bắt đầu, hành trình đi đến với tha nhân, trong Chúa Kitô và kết thúc nơi con người, và bắt đầu nơi con người, hành trình trở về, và kết thúc trong Chúa Kitô”. Ngài giải thích rằng hành trình này thể hiện trọng tâm sứ mạng của Giáo hội là đưa mọi người đến gần Chúa hơn.
Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến sự hiệp nhất được tìm thấy trong sự đa dạng của những lòng đạo đức này. Ngài mô tả “nhiều đặc điểm, thừa tác vụ và nhiệm vụ, với sự kiên trì và nhẫn nại, hòa hợp với nhau như thế nào”. Ngài lưu ý rằng cho dù là vác thập giá hay chỉ đơn giản là đồng hành trong lời cầu nguyện, “đó là cùng một lòng nhiệt thành, cùng một tình yêu”, tạo nên sự hòa hợp tập thể để bộc lộ “vẻ đẹp của Chúa Kitô”. Sau đó, ngài kêu gọi các tín hữu tiếp tục đưa Chúa Kitô ra đường phố, để tất cả mọi người có thể “ngắm nhìn vẻ đẹp của Người”.
"Điên vì tình yêu dành cho Chúa”
Sau đó, khi nói về “những giọt nước mắt rơi” trong những khoảnh khắc đạo đức, Đức Thánh Cha gọi những hành động đau buồn và yêu thương này là “điên vì tình yêu dành cho Chúa”, điều có vẻ khó hiểu đối với một số người nhưng lại là một chứng tá mạnh mẽ của đức tin. Ngài trích dẫn Thánh Manuel một lần nữa khi ngài nói rằng, “người dân [...] khao khát chân lý, tình cảm, hạnh phúc, công lý, thiên đàng và có lẽ, không nhận ra đó là khao khát Thiên Chúa”. Ngài thúc giục các tín hữu đáp lại cơn đói này thông qua các hoạt động bác ái, mang sự dịu dàng của Chúa đến với những người đau khổ về thể xác và tâm hồn. Ngài nói thêm rằng những việc đạo đức không chỉ là nghi lễ mà còn là cách mang tình yêu của Chúa Kitô vào thế giới.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-moi-goi-the-hien-tinh-yeu-cua-chua-trong-viec-dao-duc-va-bac-ai-42157.html
17. Đức Thánh Cha mời gọi các tu sĩ quan tâm đến sự hiệp thông, khó nghèo và phục vụ
Đức Thánh Cha mời gọi các nữ tu Dòng Chúa Thánh Thần ở Sassia, Roma, và các cộng đoàn sống đặc sủng của Chân phước Guido di Montpellier, trong buổi tiếp kiến sáng thứ Năm, ngày 05/12, chú ý đến sự hiệp thông, khó nghèo và phục vụ.
Vatican News
Quy luật của Chân phước Guido bắt đầu nhân danh Ba Ngôi nhằm đề xuất với tất những ai là hiện tại và tương lai của Hội dòng một dự án cống hiến trước hết cho việc chăm sóc và phục vụ người nghèo. Từ đây, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người suy tư về ba khía cạnh: hiệp thông, khó nghèo và phục vụ.
Đức Thánh Cha giải thích, trong quy luật của Dòng Chúa Thánh Thần, lời khấn khó nghèo được thể hiện một các đặc biệt: không có gì là của riêng. Cách diễn đạt này muốn nói rằng chúng ta là khách trong Nhà Chúa Ba Ngôi, Đấng chào đón chúng ta, chia sẻ điều này với người nghèo mà chúng ta được mời gọi phục vụ, noi gương Giáo hội tiên khởi “tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung” (Cv 2, 44).
Bằng cách này, đời sống huynh đệ vượt xa việc chia sẻ không gian, nhiệm vụ và phục vụ. Đó là việc hiến dâng toàn thân cho Chúa trong anh chị em, không giữ điều gì cho riêng mình. Chỉ khi bắt đầu bằng sự tự do này, chúng ta mới có thể cùng nhau bắt đầu thực hiện một dự án, trong đó chúng ta là dấu chỉ của sự cánh chung, hành trình hướng tới ngôi nhà đời đời nơi Chúa mời gọi chúng ta đến cư ngụ.
Một hành trình hướng về Chúa, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, trong đó chúng ta trở thành những người theo Chúa Kitô Cứu Thế. Và khi nói về Chúa Kitô chúng ta không quên rằng Người là Đấng đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ, là mẫu gương của chúng ta.
Đức Thánh Cha kết thúc bài nói chuyện với lời cầu nguyện hướng về Mẹ Maria, “xin Mẹ nâng đỡ anh chị em trong cuộc hành trình để làm cho tâm hồn anh chị em và cộng đoàn trở thành đền thờ của Ba Ngôi Rất Thánh”.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-moi-goi-cac-tu-si-quan-tam-den-su-hiep-thong-kho-ngheo-va-phuc-vu-42158.html
18. Giới thiệu App “Giáo hội Công giáo”
Để hỗ trợ các tín hữu nói tiếng Việt đào sâu đời sống đức tin và kết nối với Giáo hội hoàn vũ qua các sản phẩm truyền thông cả bài viết, audio và video, Vatican News Tiếng Việt cho ra mắt ứng dụng mới với tên gọi “Giáo hội Công giáo”, đồng thời App cũng tích hợp bản đồ giờ lễ tại các nhà thờ Công giáo tại Việt Nam và các nơi khác trên thế giới.
Vatican News
Với App “Giáo hội Công giáo”, người dùng có thể đọc tin tức, nghe radio hằng ngày và xem các video của Vatican News Tiếng Việt trên App.
Các thư viện audio phong phú về truyện ngắn Công giáo, Giáo huấn vui, Ciao bạn trẻ, dễ dàng được tìm thấy và nghe ngay cả ở chế độ tắt màn hình.
Ở phần audio, người dùng có thể nghe radio online của Vatican News Tiếng Việt 24/24, trong đó ngoài chương trình hằng ngày, các chương trình trực tiếp của Đức Thánh Cha, còn có các giờ kinh bằng tiếng Latinh và nhạc không lời.
Đặc biệt, để đào sâu đời sống thiêng liêng, người dùng có thể đọc và nghe Lời Chúa và suy niệm Lời Chúa hằng ngày. Hơn nữa, những ai muốn giữ nhịp cầu nguyện có thể đặt lịch hẹn và app sẽ nhắc Lời Chúa khi đến giờ.
Để thuận tiện cho việc tìm giờ Lễ tại các nhà thờ, App cũng tích hợp bản đồ các nhà thờ và giờ lễ tương ứng. Với chức năng này, Vatican News Tiếng Việt mời gọi người dùng trở thành những tình nguyện viên cập nhật giờ lễ của các nhà thờ mình biết, đặc biệt cho những lễ riêng khác với giờ lễ bình thường, giúp tín hữu từ nơi khác đến có thể tìm thấy giờ lễ dễ dàng và chính xác.
Điều thú vị là App “Giáo hội Công giáo” được thiết kế bởi một bạn nữ trẻ tân tòng thao thức về đời sống đạo và với lòng nhiệt huyết muốn đóng góp phần của mình cho việc đào sâu đức tin của tín hữu, đặc biệt là phần đọc và nghe Lời Chúa. Ngoài việc được thiết kế bởi một người trẻ, App cũng được thực hiện bởi một nhóm bạn trẻ của công ty Vân Tay Media. Các bạn trẻ đã nhiệt tình và cũng rất kiên nhẫn qua nhiều lần chỉnh sửa trong thời gian dài để App “Giáo hội Công giáo” có thể được chính thức ra mắt. Một bạn trẻ Công giáo trong nhóm phát triển App đã bày tỏ: “Đây là một công cụ ý nghĩa để đem Tin Mừng đến với nhiều người hơn, theo tinh thần xây dựng Giáo hội hiệp hành của Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.
App được phát hành trên nền tảng Android và iOS, người dùng có thể tìm thấy App với tên: “Giáo hội Công giáo” với logo nền màu đỏ đậm và biểu tượng định vị bản đồ bao bên ngoài một micro và biểu tượng Giáo hoàng.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/gioi-thieu-app-giao-hoi-cong-giao-42159.html
19. “Trò chơi” chiến tranh và kinh doanh cái chết
Suy tư những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô về đạo đức giả và trò chơi chiến tranh, cùng với phúc trình của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm gọi tắt là SIPRI về sự gia tăng doanh thu của ngành công nghiệp vũ khí, ông Andrea Tornielli, Tổng Biên tập Vatican News nhận xét, nếu các cuộc chiến tranh được đề cập, ở mức độ tinh thần, như một loại “trò chơi”, dù là chính trị hay quân sự, thì đây là dấu hiệu cho thấy ý chí tìm hiểu tận nguồn của xung đột đã bị mất.
Vatican News
Ông Tornielli nhận xét những lời của Đức Thánh Cha ngày 25/11 vừa qua, dịp kỷ niệm 40 năm hiệp ước hoà bình giữa Argentina và Chile được chứng minh trong phúc trình của SIPRI. Dịp đó, Đức Thánh Cha nói: “Tôi muốn nhấn mạnh thói đạo đức giả khi nói về hòa bình và trò chơi chiến tranh. Ở một số quốc gia, người ta nói nhiều về hòa bình, nhưng khoản đầu tư mang lại nhiều lợi nhuận nhất lại là ở các nhà máy sản xuất vũ khí. Thói đạo đức giả này luôn dẫn chúng ta đến thất bại. Thất bại của tình huynh đệ, thất bại của hòa bình”. Và theo phúc trình vừa được SIPRI công bố: ngành công nghiệp vũ khí tiếp tục phát triển, doanh thu năm ngoái tăng 4,2%, đạt mức 632 tỷ USD (+19% từ năm 2015). Người ta biết rõ sự gia tăng này có liên quan đến những dữ liệu khác: số người chết và bị thương, các thành phố bị phá hủy, người dân phải di dời, tương lai bị đánh cắp khỏi các thế hệ thanh niên, môi trường bị tàn phá.
Theo Tổng Biên tập Vatican News, những lời của Đức Thánh Cha muốn nói đến “trò chơi chiến tranh”. Nếu các cuộc chiến tranh được đề cập, ở mức độ tinh thần, như một loại “trò chơi”, dù là chính trị hay quân sự, thì đây là dấu hiệu cho thấy ý chí tìm hiểu tận nguồn của xung đột đã mất đi. Thiếu ý chí tìm hiểu nguyên nhân và cố gắng khắc phục chúng. Đó là dấu hiệu cho thấy giá trị của hòa bình, tầm quan trọng của đối thoại và đàm phán để giải quyết tranh chấp đã bị mất. Hơn nữa, trò chơi thường bao gồm một cuộc thi đấu, có người thắng và người thua, điều này không có vấn đề gì nếu ngươi ta chơi quần vợt hoặc chơi cờ. Nhưng nếu các quốc gia đang “chơi chiến tranh” thì chính ý tưởng về tình huynh đệ nhân loại và luật quốc tế đã mâu thuẫn với nhau.
Làm nổi bật thói đạo đức giả của những người muốn lợi dụng chiến tranh, bất chấp hậu quả thảm khốc, Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra lời kêu gọi cấp bách đến lương tâm của các nhà lãnh đạo chính trị và của mọi người. Ngài yêu cầu ngừng hoạt động kinh doanh gây thiệt hại cho người khác, gây thiệt hại cho hòa bình, và do đó gây thiệt hại cho những người yếu thế nhất và của toàn thể nhân loại.
Đó là một lời kêu gọi tinh thần sâu sắc, cần sự cầu nguyện mạnh mẽ của toàn thể Giáo hội, đặc biệt trong Mùa Vọng này. Cầu xin “Hoàng tử Hòa bình” truyền cảm hứng cho những suy nghĩ, lời nói và trên hết là hành động nhằm giúp đời sống chính trị quốc tế được sống trong nghiêm túc, biết nhìn xa hơn, nghĩ tới tương lai, đến thế hệ mới. Với nhận thức rằng thế giới của chúng ta đang rất cần những “thỏa hiệp danh dự” - như thỏa thuận được ký kết giữa Argentina và Chile với sự trung gian của Vatican bốn thập kỷ trước - chứ không phải những “trò chơi chiến tranh” của những người chuyên chế.
“Xin Chúa giúp cộng đồng quốc tế có thể thực thi luật pháp thông qua đối thoại, vì đối thoại phải là linh hồn của cộng đồng quốc tế”.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/tro-choi-chien-tranh-va-kinh-doanh-cai-chet-42160.html
20. Ngoại trưởng Toà Thánh kêu gọi Tổ chức An ninh châu Âu hợp tác giải quyết thách đố toàn cầu
Phát biểu tại cuộc họp thường niên lần thứ 31 Hội đồng Bộ trưởng của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), ngày 05/12, Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh kêu gọi các quốc gia thành viên vượt lên trên sự chia rẽ và hợp tác để giải quyết các thách đố toàn cầu theo “Tinh thần Helsinki”.
Vatican News
Trong hai ngày, đại diện của 40 trong số 57 quốc gia thành viên của Tổ chức, cùng với các đối tác hợp tác từ châu Á và khu vực Địa Trung Hải tham gia vào các cuộc thảo luận, tập trung vào việc đánh giá bối cảnh an ninh hiện tại trên khắp các khu vực, giải quyết các thách đố đang diễn ra, xem xét các hoạt động của Tổ chức cũng như bổ nhiệm bốn vị trí hàng đầu của tổ chức.
Hướng tới việc Tổ chức đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập vào năm 2025, Đức Tổng Giám Mục phát biểu bày tỏ “mối quan ngại lớn” của Tòa Thánh về sự chia rẽ ngày càng gia tăng giữa các thành viên. Theo ngài, điều quan trọng là phải duy trì Tổ chức, đặc biệt vào thời điểm mà đối thoại và hòa hoãn là điều rất cần thiết.
Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh đến tầm quan trọng cốt yếu của việc duy trì các nguyên tắc của Tổ chức được ghi trong Đạo luật Helsinki năm 1975, văn kiện sáng lập của tổ chức, để giải quyết những thách đố mới mà thế giới đang phải đối diện ngày nay.
Ngài nhắc lại rằng thỏa thuận mang tính bước ngoặt được thiết kế để giảm căng thẳng chiến tranh lạnh dựa trên sự hiểu biết rằng “hòa bình không chỉ đơn thuần là không có chiến tranh hay duy trì sự cân bằng quyền lực, mà đúng ra là thành quả của quan hệ hữu nghị, đối thoại mang tính xây dựng và hợp tác giữa các quốc gia trong việc duy trì các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế và tôn trọng mọi quyền con người phổ quát”.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Toà Thánh lưu ý rằng tầm nhìn đó hiện đang bị tổn thương, vì thiếu sự đồng thuận về thủ tục trong Tổ chức nhưng “trên hết là do sự đổ vỡ ngày càng lớn của lòng tin vào nhau giữa một số quốc gia tham gia, sự gia tăng xâm lược về mặt ý thức hệ và sự coi thường rõ ràng” các nguyên tắc. Ngài nói: “Tòa Thánh quan sát với sự lo ngại về sự chia rẽ và phân mảnh ngày càng tăng đang che khuất những nguyên tắc của Tổ chức, làm ảnh hưởng đến công việc hàng ngày của tổ chức này”.
Đức Tổng Giám Mục đặc biệt đề cập đến cuộc chiến đang diễn ra ở Ucraina, cùng với các căng thẳng chính trị trải rộng gây ra sự chia rẽ trong Tổ chức, cũng như sự chậm trễ kéo dài trong việc bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo và thiếu tiến triển trong các quyết định, như vị trí Chủ tịch vào năm 2026.
Nhắc lại rằng “sức mạnh và tính duy nhất của tổ chức nằm ở sự đa dạng về quan điểm làm phong phú thêm quá trình đối thoại và đưa ra quyết định”, Ngoại trưởng Toà Thánh cảnh báo về việc biến tổ chức này thành một diễn đàn “chỉ dành cho các quốc gia có cùng chí hướng” và cảnh báo rằng việc từ bỏ theo đuổi sự đồng thuận có thể dẫn đến “sự tự hủy diệt” hoặc bóp méo “Tinh thần Helsinki”.
Đức Tổng Giám Mục Gallagher kết luận với việc tái khẳng định vai trò không thể thiếu của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu như một diễn đàn đối thoại và đàm phán, kêu gọi các quốc gia thành viên duy trì sứ mệnh đặc biệt của mình và kêu gọi những nỗ lực mới để thúc đẩy đối thoại, giảm leo thang và xây dựng sự đồng thuận, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu hiện nay.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/ngoai-truong-toa-thanh-keu-goi-to-chuc-an-ninh-chau-au-hop-tac-giai-quyet-thach-do-toan-cau-42168.html
21. Hội đồng Giám mục Anh công bố tài liệu mới nhất về nhà tù
Hội đồng Giám mục Anh công bố tài liệu về nhà tù, trong đó nhắc lại các nguyên tắc nền tảng của Học thuyết Xã hội của Giáo hội, được xây dựng xung quanh ý tưởng về “một hình phạt công bằng nhằm tái lập trật tự cá nhân và xã hội bị tổn hại do tội ác, mang lại cho tù nhân cơ hội phục hồi”.
Vatican News
Tài liệu “Hãy nhớ đến tôi” gồm lời nói đầu, lời giới thiệu, phần kết luận và bốn chương - “Công lý và Lòng thương xót”, “Hình phạt công bằng”, “Phục hồi” và “Cứu chuộc”-, là tài liệu mới nhất của Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales về chủ đề công lý hình sự. Đây là lần thứ ba các giám mục Anh can thiệp vào chủ đề này.
Nhắc lại các nguyên tắc cơ bản của Học thuyết Xã hội của Giáo hội, được xây dựng xung quanh ý tưởng về “một hình phạt công bằng nhằm thiết lập lại trật tự cá nhân và xã hội bị tổn hại bởi tội ác, mang lại cho tù nhân cơ hội được phục hồi”, các giám mục Anh phân tích những điều kiện khó khăn mà các nhà tù ở Anh hiện đang gặp phải và đề xuất một số khuyến nghị.
Các Giám mục viết: “Anh và xứ Wales giữ kỷ lục ở Tây Âu về số tù nhân và nhà tù đã tăng 93% trong ba mươi năm qua. Không có mối quan hệ rõ ràng giữa việc gia tăng số tù nhân và việc giảm tội phạm. Trái lại, 33,9% người ra tù tái phạm trong vòng một năm. Có quá nhiều tù nhân bị giam trong phòng giam quá lâu và tỷ lệ bạo lực và tự làm hại chính mình đáng lo ngại”.
Các giám mục cũng nhắc lại vấn đề dân số nhà tù ngày càng già và yêu cầu áp dụng thường xuyên hơn các bản án được thi hành trong cộng đồng và giám sát các tù nhân thông qua các hệ thống điện tử, cung cấp khả năng thi hành án trong sự tiếp xúc gần gũi với các thành viên gia đình và xã hội dân sự, hai tình huống khiến tội phạm ít có khả năng vi phạm pháp luật lần nữa. Tài liệu viết: “Đây là những lựa chọn thay thế tốt hơn so với việc xây dựng nhà tù mới, kéo dài bản án hoặc trả tự do cho tù nhân quá sớm mà họ không thể được theo dõi thích đáng”.
Tài liệu này cũng bao gồm một loạt khuyến nghị cho chính phủ Anh: “Chính phủ phải cải thiện quy trình tố cáo tội phạm và giải quyết vấn đề dai dẳng về tù nhân phải chịu các bản án không xác định thời hạn, và làm luật ngăn chặn những người vi phạm pháp luật phải vào tù trong thời gian quá ngắn, đồng thời tìm ra các hình thức phạt thay thế”.
Tài liệu “Hãy nhớ đến tôi” kết thúc bằng lời mời gọi các tín hữu Công giáo thăm viếng các tù nhân và hỗ trợ công việc được thực hiện bởi “Hiệp ước”, tổ chức bác ái Công giáo quan trọng nhất hoạt động trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Các giám mục Anh cũng khuyến khích các giáo xứ và giáo phận thực hiện một dấn thân mới đối với các tù nhân dịp Năm Thánh 2025.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/hoi-dong-giam-muc-anh-cong-bo-tai-lieu-moi-nhat-ve-nha-tu-42169.html
22. Giáo hội Cuba có Radio Công giáo đầu tiên phát thanh trực tuyến 24 giờ mỗi ngày
Đài phát thanh “El Sonido de la Esperanza” – Âm thanh Hy vọng, thuộc Mạng lưới Thanh niên Công giáo, là đài phát thanh Công giáo đầu tiên ở Cuba phát thanh trực tuyến 24 giờ mỗi ngày, nhờ vào sự dấn thân của một nhóm các nhà truyền thông trẻ để truyền bá thông điệp của Giáo hội qua internet.
Hồng Thủy - Vatican News
Được thành lập vào tháng 02 năm 2019, Mạng lưới Thanh niên Công giáo là một cộng đồng trực tuyến có mặt trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instragram, Telegram và Whatsapp, được hỗ trợ bởi Hội đồng Giám mục Cuba.
Rubén de la Trinidad, người sáng lập và một trong những thành viên lãnh đạo của Mạng lưới Thanh niên Công giáo, cũng là phó tế của dòng Truyền giáo thánh Phao-lô, nói với hãng tin quốc tế Inter Press Service rằng đài phát thanh trực tuyến này được thành lập cách đây không lâu như là “một đài phát thanh trực tuyến và thường trực các chương trình radio khác nhau của Giáo hội Cuba và các nơi khác trên thế giới, theo một mạng lưới mà chúng tôi vẫn đang thiết kế.”
Sáng kiến này nhằm mục đích đào tạo và thông tin cho cộng đồng Công giáo Cuba thông qua các mạng xã hội, xây dựng cầu nối và kết nối các thành viên của mình ở trong nước hoặc ở nước ngoài, cũng như khuyến khích những người trẻ dấn thân cụ thể trong đời sống Kitô giáo, theo giáo huấn và học thuyết xã hội của Giáo hội.
Thầy Rubèn giải thích rằng đài phát thanh là một điều mới lạ ở Cuba, “bởi vì ở Cuba, mặc dù Giáo hội có thể truy cập các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng không có kênh truyền hình hoặc đài phát thanh riêng”.
Giáo hội Công giáo Cuba có một hệ thống các ấn phẩm và các bản tin chủ yếu giới hạn cho giáo dân, trong khi ở một số trong 11 giáo phận trong nước, các nhóm giáo dân tạo ra các chương trình âm thanh được phổ biến qua các kênh khác nhau, như các USB dùng với máy vi tính. Mới đây, hầu hết các gia đình đều có internet, khiến cho công việc của Hội Giáo hoàng Truyền Giáo trở nên khả thi với những công cụ mới này.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/giao-hoi-cuba-co-radio-cong-giao-dau-tien-phat-thanh-truc-tuyen-24-gio-moi-ngay-42170.html
23. Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 Hồng y
Vào lúc 4 giờ chiều thứ Bảy ngày 7/12, tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chủ sự Công nghị phong 21 Hồng y mới. Đây là công nghị phong Hồng y lần thứ 10 trong hơn 11 năm Đức Thánh Cha Phanxicô lãnh đạo Giáo hội.
Vatican News
Kể từ năm 2014, năm thứ hai sau khi được bầu làm người kế vị Thánh Phêrô, hầu như mỗi năm Đức Thánh Cha đều chủ sự Công nghị thăng một số vị vào Hồng y đoàn, trừ năm 2021. Trong 10 Công nghị này, ngài đã thăng 152 vị lên làm Hồng y.
Tên của 21 vị được Đức Thánh Cha thăng làm Hồng y trong Công nghị chiều ngày 7/12 đã được ngài công bố trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 6/10. Nhưng sau đó, Đức cha Paskalis Bruno Syukur, dòng Phanxicô, Giám mục Bogor của Giáo hội Indonesia, đã xin không nhận mũ Hồng y. Đức Thánh Cha đã chấp nhận thỉnh cầu này. Tuy nhiên, con số 21 tân Hồng y được trao mũ và nhẫn vào ngày 7/12 vẫn không thay đổi, bởi vì Đức Thánh Cha đã đưa Đức Tổng Giám Mục Domenico Battaglia của Napoli vào số các tân Hồng y.
Các tân Hồng y thuộc 17 quốc tịch khác nhau, trong đó có 5 vị người Ý, các vị còn lại đến từ Peru, Ecuador, Chile, Argentina, Nhật Bản, Philippines, Serbia, Brazil, Bờ Biển Ngà, Bỉ, Pháp, Canada, Lituania, Ucraina, Anh và Ấn Độ.
Đứng đầu danh sách các tân Hồng y là Đức Hồng y Angelo Acerbi, nguyên là Sứ thần Tòa Thánh. Ngài cũng là vị Hồng y cao niên nhất trong Hồng y đoàn, 99 tuổi 75 ngày. Một điều đặc biệt, trong Công nghị lần này, Đức Thánh Cha cũng chọn một vị sẽ là Hồng y trẻ nhất của Hồng y đoàn; đó là Đức Cha Mykola Bychok, người Ucraina, Dòng Chúa Cứu Thế, Giám mục Giáo phận hai thánh Phêrô và Phaolô của Công giáo Ucraina ở Melbourne, 44 tuổi 10 tháng.
Danh sách 21 tân Hồng y cho thấy số các tu sĩ chiếm một nửa, gồm 3 vị Dòng Phanxicô, 2 Dòng Đaminh, 2 Dòng Ngôi Lời, và các Dòng Chúa Cứu Thế, Scalabrini và Truyền Giáo Thánh Micae mỗi dòng có 1 vị.
Công nghị phong Hồng y được tiến hành dưới hình thức một buổi cử hành phụng vụ Lời Chúa.
Sau lời chào phụng vụ của Đức Thánh cha, Đức Hồng y Angelo Acerbi, người Ý, đã đại diện các tân Hồng y chào mừng và cảm ơn Đức Thánh cha.
Trong bài huấn dụ, dựa trên đoạn Tin Mừng Thánh Mátthêu thuật lại việc hai anh em Giacôbê và Gioan xin Chúa Giêsu cho họ được ngồi bên tả hữu ngài trong vinh quang, Đức Thánh Cha mời gọi các tân Hồng y trở thành dấu chỉ chiếu sáng trong một xã hội chuộng hình thức, chia rẽ và tìm kiếm địa vị danh vọng; ngược lại, hãy trở thành những người kiến tạo sự hiệp nhất và hiệp thông để làm chứng tá cho Chúa Kitô.
Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha
Trước hết, Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự tương phản giữa ý nghĩ của Chúa Giêsu và hai môn đệ Giacôbê và Gioan. Cuộc hành trình của Chúa Giêsu không phải là đi lên vinh quang của thế gian này, mà là vinh quang của Thiên Chúa, bao gồm việc đi xuống vực thẳm của cái chết. Ngược lại, Giacôbê và Gioan lại tưởng tượng ra một số phận khác cho Thầy của họ và cầu xin Người cho họ hai chỗ danh dự bên phải và bên trái Người trong vinh quang (Mc 10,37). Đức Thánh Cha nói: "Tin Mừng nhấn mạnh sự tương phản đầy kịch tính này: trong khi Chúa Giêsu đang đi trên con đường khó khăn và lao nhọc dẫn Người lên Đồi Canvê, các môn đệ nghĩ đến con đường bằng phẳng và đi xuống của Đấng Mêsia chiến thắng".
Đức Thánh Cha nói rằng điều này cũng có thể xảy ra với chúng ta: "trái tim chúng ta lạc lối, để cho mình bị mê hoặc bởi sự quyến rũ của vinh dự, bởi sự quyến rũ của quyền lực, bởi lòng nhiệt thành quá đỗi con người dành cho Chúa của chúng ta". Do đó, chúng ta phải nhìn vào lòng mình, khiêm nhường đặt mình trước Thiên Chúa và với thành thật trước chính mình, và tự hỏi: trái tim tôi đang hướng về đâu? Nó đang di chuyển theo hướng nào? Có lẽ tôi đang đi sai đường? Nhắc lại lời Thánh Augustinô, Đức Thánh Cha mời gọi hãy trở về với lòng mình, bởi vì ở đó chúng ta tìm thấy hình ảnh Thiên Chúa. Ngài nói: "Trở về với lòng mình để trở lại con đường của Chúa Giêsu; đây chính là điều chúng ta cần.
Đức Thánh Cha nhắn nhủ đặc biệt với các tân Hồng y: hãy chú tâm đi theo con đường của Chúa Giêsu. Điều này trước hết có nghĩa là trở về với Người và đặt Người ở trung tâm của tất cả mọi điều. Ngài lưu ý rằng "Trong đời sống thiêng liêng cũng như đời sống mục vụ, đôi khi chúng ta có nguy cơ tập trung vào những đường nét mà quên đi những điều thiết yếu. Rất thường gặp là những thứ thứ yếu thay thế những gì cần thiết, những yếu tố bên ngoài chiếm ưu thế hơn những gì thực sự quan trọng, chúng ta lao vào những hoạt động mà chúng ta cho là cấp bách mà không đi sâu vào trọng tâm". Và ngài nhắc nhở, "chúng ta luôn cần quay trở lại trung tâm, khôi phục lại nền tảng, cởi bỏ những gì thừa thãi để mặc lấy Chúa Kitô (xem Rm 13,14) ... Chúa Giêsu là điểm tựa căn bản, là trọng tâm phục vụ của chúng ta, là 'điểm then chốt' định hướng toàn bộ cuộc đời chúng ta".
Đi theo con đường của Chúa Giêsu cũng có nghĩa là nuôi dưỡng niềm đam mê gặp gỡ. Đức Thánh Cha nói: "Chúa Giêsu không bao giờ đi một mình; mối liên hệ của Người với Chúa Cha không cô lập Người khỏi những biến cố và nỗi đau của thế giới. Ngược lại, chính là để chữa lành những vết thương của con người và làm nhẹ gánh nặng trong tâm hồn họ, để loại bỏ những tảng đá tội lỗi và phá vỡ xiềng xích nô lệ, đây chính là lý do tại sao Người đến. Và như vậy, trên đường đi, Chúa gặp những khuôn mặt của những người đang chịu đau khổ, đến gần những người đã mất niềm hy vọng, nâng đỡ những người sa ngã, chữa lành những người bệnh tật". Ngài nhắc rằng niềm vui được gặp gỡ người khác, chăm sóc những người mong manh nhất phải là điều linh hứng cho sự phục vụ của các Hồng y.
Cuối cùng, đi theo con đường của Chúa Giêsu có nghĩa là trở thành những người xây dựng sự hiệp thông và hiệp nhất. Đức Thánh Cha chia sẻ: "Trong khi con sâu cạnh tranh phá hủy sự hiệp nhất trong nhóm môn đệ thì con đường Chúa Giêsu đi dẫn Người đến Đồi Canvê. Và trên thập giá, Người thực hiện sứ mạng được giao phó: để không một ai bị hư mất (xem Ga 6,39), bức tường thù hận cuối cùng bị phá bỏ (xem Ep 2,14) và tất cả chúng ta có thể khám phá ra mình như những người con của cùng một Cha và là anh chị em với nhau. Do đó, khi nhìn vào anh em, những người đến từ các lịch sử và nền văn hóa khác nhau và đại diện cho tính công giáo của Giáo hội, Chúa mời gọi anh em trở thành những chứng nhân của tình huynh đệ, những nghệ nhân hiệp thông và những người xây dựng sự hiệp nhất".
Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ với lời Thánh Phaolô VI nhắn nhủ một nhóm tân Hồng y. Ngài nói rằng thay vì nhượng bộ trước cám dỗ chia rẽ, "các môn đệ đích thực của Chúa Kitô được nhận ra qua lòng nhiệt thành tìm kiếm sự hiệp nhất... Chúng ta phải làm việc, cầu nguyện, chịu đau khổ, chiến đấu để làm chứng cho Chúa Kitô Phục sinh” (Diễn văn trong Công nghị, ngày 27 tháng 6 năm 1977).
“Giữa anh em đừng như vậy”. Theo Đức Thánh Cha, Chúa Giêsu muốn mời gọi: "Hãy theo Ta, đi trên con đường của Ta, và anh em sẽ khác; anh em sẽ là một dấu hiệu chiếu sáng trong một xã hội bị ám ảnh bởi dáng vẻ bên ngoài và việc tìm kiếm những vị trí trên trước... Hãy yêu thương nhau bằng tình yêu huynh đệ và hãy là tôi tớ của nhau, những đầy tớ của Tin Mừng.
Nghi thức phong Hồng y
Sau bài huấn dụ của Đức Thánh Cha là nghi thức phong Hồng y, bắt đầu với việc Đức Thánh cha xướng danh các tân Hồng y cùng với đẳng linh mục hay phó tế được chỉ định cho các vị. Tiếp đến, các tân Hồng y tuyên xưng đức tin và tuyên thệ trung thành và vâng phục Đức Thánh Cha và các đấng kế vị ngài.
Sau đó từng Hồng y lần lượt tiến đến quỳ trước mặt Đức Thánh cha và ngài đội mũ đỏ Hồng y và trao nhẫn cho các vị. Cuối cùng, Đức Thánh cha trao sắc chỉ về việc phong Hồng y và chỉ định tước hiệu thánh đường của các tân Hồng y.
Với 21 tân Hồng y vừa được phong, từ ngày 7/12 Hồng y đoàn sẽ có 253 Hồng y, trong đó có 140 Hồng y cử tri, là những vị dưới 80 tuổi và có quyền tham gia mật nghị bầu Giáo hoàng, và 113 vị trên 80 tuổi, không còn quyền bầu Giáo hoàng.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-chu-su-cong-nghi-phong-21-hong-y-42174.html
24. Đức Thánh Cha tiếp kiến các tân Đại sứ đến trình thư ủy nhiệm
Sáng thứ Bảy, ngày 07/12/2024, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến các vị tân Đại sứ các nước: Ấn Độ, Jordan, Đan Mạch, Luxembourg, São Tomé và Principe, Rwanda, Turkmenistan, Algeria, Bangladesh, Zimbabwe và Kenya đến trình thư ủy nhiệm. Nhân dịp này, ngài khuyến khích các thành viên của ngoại giao đoàn tiếp tục làm việc với lòng can đảm và sáng tạo trong việc thúc đẩy tình hữu nghị, hợp tác và đối thoại để phục vụ hoà bình.
Vatican News
Các vị đại sứ các nước nói trên không thường trú ở Roma, nên Đức Thánh Cha tiếp kiến chung.
Lên tiếng trong dịp này Đức Thánh Cha nói rằng các Đại sứ bắt đầu nhiệm vụ trong một thời điểm quan trọng đối với ngoại giao quốc tế, liên quan đến những tác động của biến đổi khí hậu, những cuộc xung đột vũ trang. Theo ngài, những vấn đề này không có giải pháp đơn giản, cũng không thể giải quyết bằng một hành động của một quốc gia hoặc một nhóm nhỏ các quốc gia. Mỗi quốc gia phải có tiếng nói trong việc giải quyết những vấn đề quốc tế quan tâm và xây dựng các giải pháp toàn diện và lâu dài. Về vấn đề này, công việc kiên nhẫn của ngoại giao là vô cùng quan trọng.
Về phần Toà Thánh, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng bằng sự hiện diện trong cộng đồng quốc tế, phù hợp với bản chất và sứ vụ, Toà Thánh tìm cách thúc đẩy đối thoại nhằm phục vụ công ích. Qua sự “trung lập tích cực”, Toà Thánh cũng cố gắng đóng góp giải quyết các xung đột và các vấn đề khác bằng cách làm rõ chiều kích đạo đức nội tại của các vấn đề. Thực vậy, lịch sử chỉ ra rằng có thể đạt được nhiều tiến bộ trong việc giải quyết các tình huống dường như khó giải quyết thông qua các nỗ lực ngoại giao âm thầm, kiên nhẫn, được truyền cảm hứng bởi sự tôn trọng lẫn nhau, thiện chí và niềm tin đạo đức.
Trong cái nhìn hướng đến năm mới, Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta được mời gọi hướng về tương lai với hy vọng, với mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến, mặc dù chúng ta chưa biết tương lai sẽ mang lại điều gì”. Và đề cập đến Năm Thánh, ngài nói thêm: “Thông điệp chính của Năm Thánh là niềm hy vọng. Khi Giáo hội bắt đầu một cuộc hành hương hy vọng canh tân quyền năng của Chúa Kitô Phục sinh để đổi mới mọi sự, tôi khuyến khích các thành viên của ngoại giao đoàn tiếp tục làm việc với lòng can đảm và sáng tạo trong việc thúc đẩy tình hữu nghị, hợp tác và đối thoại để phục vụ hoà bình”.
Sau cùng, Đức Thánh Cha gửi đến các vị đại sứ mới những lời cầu chúc tốt đẹp nhất, cùng với lời cầu nguyện. Ngài cũng bảo đảm sự sẵn sàng của các cơ quan Tòa Thánh giúp đỡ các vị đại sứ chu toàn trách nhiệm.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-tiep-kien-cac-tan-dai-su-den-trinh-thu-uy-nhiem-42175.html
25. ĐTC Phanxicô tiếp hai phái đoàn tặng Tòa Thánh hang đá và cây thông Giáng sinh 2024
Trong buổi tiếp hai phái đoàn tặng Tòa Thánh hang đá và cây thông Giáng sinh, ngày 07/12/2024, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người sống nâng đỡ và bảo vệ nhau như những cây già trong rừng mang lại sự sống cho cây non, và cây non bảo vệ cây già, tất cả cùng hướng lên Trời Cao.
Vatican News
Phái đoàn tặng hang đá Giáng sinh đến từ thị trấn Grado ở Ý. Cảnh Giáng sinh do các nghệ nhân của vùng này thực hiện, mô phỏng một đầm nước lớn sống động, phong phú với hơn 100 đảo nhỏ của thị trấn Grado ở Ý. Bối cảnh được chọn là những năm đầu thế kỷ trước khi hàng trăm người Grado vẫn còn sống ở khu vực này.
Phái đoàn tặng cây thông Giáng sinh cao 29 mét đến từ Ledro của Trentino, một đô thị rải rác với khoảng 5.000 cư dân, nơi cây thông được đốn và chở về Roma.
Ngỏ lời với khoảng 2.000 người hiện diện trong Đại thính đường Phaolô VI, Đức Thánh Cha lấy hình ảnh cây thông để nói về Giáo hội: Cây thông được đốn theo nguyên tắc sinh thái thay thế tự nhiên của rừng. Trong rừng với nhiều phân tầng, những cây già mang lại sự sống cho cây non, những cây non bảo vệ những cây già, tất cả đều hướng lên cao. Đó có thể là hình ảnh đẹp của Giáo hội. Ánh sáng Chúa Kitô lan toả khắp thế giới nhờ sự kế thừa của các thế hệ các tín hữu tụ họp xung quanh một cội nguồn duy nhất là Chúa Giêsu. Những người lớn tuổi trao ban sự sống cho người trẻ, những người trẻ bảo vệ người già, trong sứ vụ trên thế giới và hành trình hướng về Trời Cao.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha đề cập đến cảnh hang đá Giáng sinh là cảnh đầm lầy với ngôi nhà của ngư dân được làm bằng bùn và cây sậy. Biểu tượng này nói với chúng ta về Giáng sinh, trong đó Thiên Chúa làm người để chia sẻ sự khó nghèo của chúng ta đến cùng.
Cũng trong cảnh Giáng sinh này có con thuyền để di chuyển trên sông. Về điều này Đức Thánh Cha nói: “Để đến với Chúa Giêsu chúng ta cần một con thuyền là Giáo hội. Chúng ta không đến với Chúa một mình, nhưng cùng nhau, trong cộng đoàn, trên chiếc thuyền nhỏ-lớn mà Thánh Phêrô tiếp tục chèo, và trên thuyền này, hẹp một chút, luôn có chỗ cho tất cả”.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc đến cảnh Giáng sinh của Bêlem, nơi Chúa sinh ra. Hang đá mỗi nơi khác nhau nhưng tất cả đều mang sứ điệp hoà bình. Vì thế, “chúng ta cùng cầu nguyện cho các anh chị em ở Thánh Địa và các nơi khác đang phải chịu đựng chiến tranh, và xin hoà bình hiện diện trên khắp thế giới cho tất cả những người được Chúa yêu thương”.
Lúc 6 giờ 30 chiều cùng ngày, Đức Hồng Y Fernando Vergez Alzaga và sơ Raffaella Petrini, Chủ tịch và Tổng Thư ký Phủ Thống đốc thành Vatican, khánh thành hang đá và thắp sáng cây thông tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-tiep-hai-phai-doan-tang-toa-thanh-hang-da-va-cay-thong-giang-sinh-2024-42176.html
26. Đức Thánh Cha tiếp các nghệ sĩ buổi hoà nhạc Giáng sinh 2024
Sáng thứ Bảy, ngày 07/12/2024, Đức Thánh Cha đã tiếp ban tổ chức và các nghệ sĩ sẽ tham gia buổi hoà nhạc Giáng sinh tại Đại thính đường Phaolô VI vào buổi chiều cùng ngày. Ngài mời gọi mọi người đem nét đẹp hoà hợp của âm nhạc vào đời sống Giáo hội.
Vatican News
Đức Thánh Cha nhận xét, một buổi hoà nhạc là một dụ ngôn đẹp về sự hoà hợp hiệp hành mà Giáo hội đang cố gắng sống. Một bản nhạc thường kết hợp các nhạc cụ và giọng ca khác nhau. Mỗi người trong dàn nhạc biểu diễn bản nhạc của mình nhưng phải hoà hợp với người khác, như thế tạo ra nét đẹp của âm nhạc. Và trong một sáng tác, khoảng lặng cũng quan trọng như các nốt nhạc. Chúa không tạo ra điều gì lãng phí. Mỗi người đều được gọi thể hiện chính mình, để thực hiện phần việc của mình cùng với tất cả những người khác.
Ngài giải thích: “Để nhận ra dụ ngôn của sự hoà hợp này cần phải chọn hiện diện. Tất cả anh chị em đã chọn hiện diện, tham gia vào sự kiện này với những người đang gặp khó khăn, những người đang nỗ lực mỗi ngày để tiến về phía trước. Và sự chọn lựa này tạo ra một dấu hiệu hy vọng. Đây cũng là điều Năm Thánh đề xuất: tạo ra những dấu hiệu hy vọng, bắt đầu từ nguồn tình yêu là Thánh Tâm Chúa Giêsu”.
Tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác của mọi người từ một buổi hoà nhạc đến đời sống Giáo hội, Đức Thánh Cha nói Giáo hội được mời gọi là dấu chỉ và công cụ hiệp thông huynh đệ trong thế giới, phải nhận ra trong trái tim nhân loại một bài ca tuyệt vời và ý thức về tình yêu đối với Chúa và anh chị em.
Mục đích buổi Hoà nhạc của các nghệ sĩ không chỉ đem lại cho mọi người bầu khí Giáng sinh, nhưng để quyên góp hỗ trợ các dự án giáo dục cho các trẻ em nghèo. Chính vì thế, Đức Thánh Cha nói: “Đây là một dấu chỉ đẹp về sự hoà hợp hiệp hành, trước hết vì sự kiện diễn ra trong sự hiệp thông với anh chị em yếu thế nhất của chúng ta, được mời gọi trở thành một bản giao hưởng tuyệt vời của tình yêu Tin Mừng”.
Và ở điểm này, theo ngài, những người nghèo hiện diện trong buổi hoà nhạc, có thể tham dự một cách tốt nhất trong tư cách là nhân vật chính. Bởi vì cái đẹp là món quà của Chúa cho tất cả mọi người, được hiệp nhất cùng một phẩm giá và được kêu gọi sống tình huynh đệ.
Đức Thánh Cha kết thúc với lời cầu nguyện xin Chúa giữ cho ngọn lửa hy vọng luôn cháy trong các nghệ sĩ, đồng thời cám ơn lòng quảng đại của mọi người.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-tiep-cac-nghe-si-buoi-hoa-nhac-giang-sinh-2024-42177.html
27. Đức Thánh Cha tiếp Viện Thần học Thánh Phaolô ở Catania
Sáng thứ Sáu ngày 6/12/2024, Đức Thánh Cha đã tiếp học viện Thần học Thánh Phaolô ở Catania và mời gọi họ theo gương Thánh Nicôla, “tiến bước trên con đường hướng tới sự hiệp nhất hữu hình, không mệt mỏi tìm kiếm những hình thức thích hợp để đáp lại cách trọn vẹn lời cầu nguyện của Chúa Giêsu ‘xin cho tất cả nên một’” (Ga 17,21).
Hồng Thủy - Vatican News
Hiệp thông và hiệp hành
Học viện Thần học Thánh Phaolô được thành lập vào năm 1969 khi các giáo phận phía đông đảo Sicilia quyết định thành lập một cơ sở đào tạo thần học duy nhất. Từ lịch sử của Học viện, Đức Thánh Cha khuyến khích họ tiếp tục cùng nhau bước đi, cống hiến một nền đào tạo sâu rộng và sâu sắc trong đời sống giáo hội và xã hội, và là mô hình khuyến khích các Giáo hội khác cùng nhau bước đi trong lĩnh vực này.
Đức Thánh Cha giải thích rằng “khi nói về hiệp thông, chúng ta cũng phải bao gồm mối quan hệ giữa các cơ cấu đào tạo, những cơ cấu trở thành phòng thực nghiệm của sự hiệp thông và truyền giáo, được sinh động bởi suy tư thần học”.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha lưu ý rằng trong Học viện, mọi người đã sống kinh nghiệm Giáo hội, khi họ ở bên cạnh nhau, trong sự đa dạng của các ơn gọi và ân sủng cũng như trong việc tìm kiếm những cách thức truyền giáo mới. Phong cách hiệp hành đồng trách nhiệm này phải được tiếp tục trong đời sống của các Giáo hội, bằng cách nâng cao các đặc sủng của mỗi Giáo hội.
Dấu chỉ thời đại
Ngài cũng lưu ý rằng ngày nay số sinh viên nữ đã gia tăng tại Học viện, và đồng thời họ nhận các trách nhiệm mục vụ, giảng dạy tôn giáo và học thuật trong các cộng đoàn Giáo hội. Theo ngài, đây cũng là một dấu chỉ của thời đại, ở một vùng đất mà vai trò xã hội của phụ nữ thường bị coi nhẹ.
Mối đe dọa của mafia
Trong khi khen ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và nghệ thuật tuyệt vời của Sicilia, Đức Thánh Cha cũng nói đến mối đe dọa bởi nạn đầu cơ và tham nhũng của mafia, làm chậm sự phát triển và làm cạn kiệt tài nguyên, khiến các khu vực nội địa gặp vấn đề di cư của giới trẻ. Do đó, theo ngài, “Sicilia cần những người nam nữ biết nhìn về tương lai với niềm hy vọng và đào tạo các thế hệ mới biết tự do và minh bạch trong việc chăm sóc công ích, xóa bỏ tình trạng nghèo đói xưa và nay”. Ngài cũng mời gọi họ chào đón người di cư với sự sáng tạo trong tình huynh đệ. Ngài nói: “Xin đừng dập tắt niềm hy vọng của người nghèo, của những người di cư khốn khổ!”.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-tiep-vien-than-hoc-thanh-phaolo-o-catania-42178.html
28. Đức Thánh Cha: Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa trở lại là dấu chỉ canh tân cho Giáo hội Pháp
Đức Thánh Cha gửi sứ điệp đến Đức Tổng Giám Mục Laurent Ulrich của Paris, nhân dịp Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa trở lại ngày 07/12/2024. Ngài “mong sự tái sinh đáng ngưỡng mộ của nhà thờ này là dấu chỉ ngôn sứ về sự canh tân cho Giáo hội tại Pháp”.
Vatican News
Trong sứ điệp được Đức Tổng Giám Mục Celestino Migliore, Sứ thần Toà Thánh tại Pháp đọc, Đức Thánh Cha nhắc lại vụ hoả hoạn vào tháng 4/2019 và nhấn mạnh nỗi buồn chung khi chứng Nhà thờ bị cháy: “Tâm hồn chúng ta đau buồn khi thấy trước mắt một kiệt tác của đức tin và kiến trúc Kitô giáo, một chứng từ ngàn năm lịch sử dân tộc của anh chị em có nguy cơ biến mất. Hôm nay, nỗi buồn và tang chế đã nhường chỗ cho niềm vui, cử hành và ngợi khen”.
Ngài cũng bày tỏ lòng kính trọng đối với những lính cứu hoả dũng cảm đã liều mạng sống để bảo vệ công trình, sự cam kết kiên vững của chính quyền dân sự, và lòng quảng đại đặc biệt của quốc tế đã thúc đẩy quá trình trùng tu nhà thờ.
Ngài lưu ý: “Lòng quảng đại này không chỉ là minh chứng cho sự gắn bó của nhân loại với nghệ thuật và lịch sử nhưng còn cho thấy giá trị biểu tượng và thiêng liêng lâu dài của một công trình như vậy, vẫn được mọi người ở mọi độ tuổi công nhận rộng rãi”.
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha còn bày tỏ lòng biết ơn rất nhiều chuyên gia và nghệ nhân đã tận tuỵ phục hồi ngôi thánh đường. Ngài nhận xét, công việc của họ không chỉ là thành tựu kỹ thuật, nhưng còn là hành trình tâm linh. Nhiều người làm chứng rằng cuộc phiêu lưu này là một hành trình tâm linh đích thực, theo bước chân của cha ông, những người chỉ có đức tin mới có thể tạo nên một kiệt tác như vậy. Từ điểm này, ngài “mong sự tái sinh đáng ngưỡng mộ của nhà thờ là dấu chỉ ngôn sứ về sự canh tân của Giáo hội tại Pháp”.
Với việc ngôi thánh đường sẽ mở cửa miễn phí cho tất cả mọi người, Đức Thánh Cha hy vọng những ai sẽ đi qua cửa của Nhà thờ sẽ cảm nếm được niềm vui được biết và yêu mến Chúa, Đấng đã trở nên gần gũi, nhân hậu và dịu dàng. Vẻ tráng lệ này có thể tạo ra ánh sáng trong tâm hồn và chia sẻ niềm hy vọng.
Và ngài kết thúc sứ điệp: “Các tín hữu Paris và nước Pháp thân mến, ngôi nhà này, nơi Cha chúng ta trên Trời cư ngụ, là của anh chị em: anh chị em là những viên đá sống động của ngôi nhà này. Biết bao người đi trước trong đức tin đã xây dựng cho anh chị em. Rất nhiều hình ảnh và biểu tượng dành cho anh chị em để dẫn anh chị em đến cuộc gặp gỡ Thiên Chúa làm người và để tái khám phá phá tình yêu bao la của Người”.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-nha-tho-duc-ba-paris-mo-cua-tro-lai-la-dau-chi-canh-tan-cho-giao-hoi-phap-42187.html
29. Đức Thánh Cha tiếp Tổ chức Nhân đạo Công giáo Manos Unidas
Trong buổi tiếp Uỷ ban Thường trực của tổ chức nhân đạo Công giáo Manos Unidas, sáng thứ Hai ngày 09/12, Đức Thánh Cha khích lệ mọi người noi gương Mẹ Maria, Đấng với tâm hồn hướng về Chúa, tiếp tục quan tâm đến những nhu cầu của con cái, vội vã ra đi để gặp gỡ, mang lại cho mọi người sự an ủi của Chúa.
Vatican News
Đức Thánh Cha nhắc lại việc thành lập của tổ chức nhân đạo của Giáo hội Công giáo Tây Ban Nha: Hiệp hội ra đời vào năm 1959 như một phản ứng của các phụ nữ Phong trào Công giáo Tiến hành đối với lời kêu gọi của Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc (FAO) trước “sự đói khát cơm bánh, văn hoá và Thiên Chúa đang gây đau khổ cho phần lớn nhân loại”. Sau 65 năm hoạt động, tổ chức góp phần thúc đẩy sự phát triển của các nước đang phát triển, xoá bỏ những điều xấu tiếp tục làm cho nhiều quốc gia đau khổ. Vì điều này, ngài mời gọi các thành viên của Uỷ ban suy tư về hình ảnh Đức Maria.
Ngài nói: “Mẹ Maria, với tâm hồn hướng về Chúa, tiếp tục quan tâm đến những nhu cầu của con cái, vội vã ra đi để gặp gỡ nhằm mang lại cho mọi người sự an ủi của Chúa. Mẹ là mẫu gương thực hiện tràn đầy nhân loại chúng ta, qua đó, với ân sủng Chúa, tất cả chúng ta có thể góp phần cải thiện thế giới”.
Ngài nhấn mạnh thêm, với lòng trắc ẩn và kiên trì đặc trưng của tâm hồn phụ nữ, “Manos Unidas”, hiệp hội công của các tín hữu Công giáo Tây Ban Nha, thực hiện sứ vụ cụ thể: đấu tranh chống nạn đói, sự kém phát triển và thiếu giáo dục; đồng thời dấn thân hoạt động để loại bỏ nguyên nhân cơ cấu tạo ra chúng. Theo ngài, nhiệm vụ này chỉ có thể thực hiện được với một tầm nhìn Kitô giáo về con người, có nền tảng là Tin Mừng và Giáo lý Xã hội của Giáo hội.
Đức Thánh Cha khích lệ Uỷ ban tiếp tục sứ vụ tình nguyện tốt đẹp này, và hướng đến Năm Thánh, ngài mời gọi mọi người trở thành những người hành hương hy vọng và tái định hướng cuộc sống hướng về Chúa Giêsu. Ngài hy vọng, trong Mùa Vọng này, với sự kiên nhẫn đợi chờ và trông cậy vào lời Chúa hứa, tất cả chúng ta sẽ có được sự canh tân thiêng liêng để góp phần vào việc xây dựng nền văn minh tình thương.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-tiep-to-chuc-nhan-dao-cong-giao-manos-unidas-42188.html
30. Tổng Giám mục Paris chủ sự Thánh lễ thánh hiến bàn thờ mới của Nhà thờ Đức Bà Paris
Sáng Chúa Nhật ngày 8/12/2024, lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Đức Tổng Giám mục Laurent Ulrich của giáo phận Paris đa chủ sự Thánh lễ thánh hiến bàn thờ chính của Nhà thờ Đức Bà Paris. Ngài nói rằng vết thương đã được chữa lành.
Vatican News
Trước đó, vào chiều ngày 7/12/2024, với sự hiện diện của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nhiều nguyên thủ các quốc gia, cũng như đông đảo Hồng y, Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân cũng như quan khách, Đức Tổng Giám mục Ulrich đã chủ sự nghi lễ mở cửa lại nhà thờ sau 5 năm tái thiết sau trận hỏa hoạn kinh hoàng vào ngày 15/4/2019.
Hiện diện trong Thánh lễ sáng ngày 8/12/2024 cũng có Tổng thống Pháp, một số nguyên thủ quốc gia, các tín hữu, bệnh nhân, tình nguyện viên và người nghèo. Cùng đồng tế Thánh lễ có nhiều Hồng y, Giám mục và 170 linh mục Pháp và các vị đến từ các nước khác.
Bàn thờ mới được thánh hiến có các thánh tích của 5 vị thánh có liên hệ với Giáo phận Pais, như Thánh Charles de Foucauld, Thánh Catherine Labouré, vị thánh tử đạo người Rumani Vladimir Ghika, vv.
Niềm vui dâng trào
Thánh lễ hôm nay cũng là lần đầu tiên Đức Tổng Giám mục Ulrich nhận nhà thờ chính tòa của ngài, bởi vì ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục 3 năm sau khi nhà thờ bị hỏa hoạn. Ngài nói: “Sáng nay, nỗi đau của ngày 15/4/2019 đã bị xóa bỏ”. Ngài cũng nói rằng “vết thương đã lành”.
Thật vậy, sau 5 năm tu sửa, nhà thờ kiến trúc Gôtích trở lại vẻ huy hoàng rực sáng, với những cửa sổ kính màu lấp lánh. Nhiều người ngắm nhìn nhà thờ với nước mắt vui mừng.
Những cảm xúc xúc động và hy vọng cũng được Đức Tổng Giám mục Ulrich truyền tải trong bài giảng qua lời ngôn sứ Isaia: “Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Ngài nói thêm: “Hãy bỏ lại chiếc áo buồn bã và khốn khổ của bạn, và mãi mãi mặc chiếc áo vinh quang của Thiên Chúa, quấn mình trong áo choàng công lý của Chúa”. Ngài mời gọi mọi người hãy để mình được dẫn dắt “đến những niềm vui lớn nhất, đến món quà đẹp nhất mà Thiên Chúa ban tặng từ sự hiện diện yêu thương của Người, sự gần gũi của Người với những người nghèo nhất, quyền năng biến đổi của Người trong các bí tích”.
Trở về nhà
Hiện diện trong Thánh lễ còn có Đức nguyên Tổng Giám mục Paris, Michel Aupetit, ngài là người đã trực tiếp chứng kiến vụ hỏa hoạn; vị Giám mục tiền nhiệm André Vingt-Trois, và Sứ thần Tòa Thánh Celestino Migliore. Một số lãnh đạo của các Giáo hội Đông phương và Chính thống giáo cũng tham dự để ở bên Đức Mẹ trong ngày tôn vinh Mẹ. Đại diện Giám mục Paris về hiệp nhất các Kitô hữu chia sẻ: “Tôi có cảm giác như đang trở về nhà, nhưng đã được dọn dẹp sạch sẽ. Vẫn là Mẹ Giáo Hội đó, nhưng đã được biến đổi với ánh sáng, sự xuất hiện trở lại của cây đàn organ và từ nay trở đi dân Chúa sẽ lấp đầy nhà thờ”.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/tong-giam-muc-paris-chu-su-thanh-le-thanh-hien-ban-tho-moi-cua-nha-tho-duc-ba-paris-42189.html
31. Đức Thánh Cha mong muốn mọi người có thể tiếp cận với thần học
Ngày 09/12, tiếp các tham dự viên Đại hội Quốc tế về Tương lai Thần học, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người quan tâm đến nữ tính hơn trong thần học và tìm cách để cho tất cả mọi người có thể tiếp cận với thần học.
Vatican News
Đại hội do Bộ Văn hoá và Giáo dục tổ chức nhằm quy tụ các giáo sư, các nhà nghiên cứu và các trưởng khoa thần học của các đại học trên khắp thế giới, để suy tư về cách tiếp thu di sản thần học vĩ đại của các thế hệ trước và hình dung về tương lai của thần học.
Với mục đích này trong bài phát biểu dành cho các tham dự viên, Đức Thánh Cha hy vọng sự kiện sẽ đánh dấu bước đầu tiên của dự án chung hiệu quả. Và ngài đưa ra một số suy tư.
Trước hết, khi nghĩ về thần học thì ánh sáng hiện ra trong tâm trí. Nhờ ánh sáng, các đối tượng từ bóng tối được lộ rõ các đường nét; hình dạng và màu sắc của thế giới trở nên hữu hình. Ánh sáng đẹp vì làm cho mọi thứ xuất hiện nhưng không tự biểu lộ. Thần học cũng vậy, hoạt động âm thầm, khiêm tốn để ánh sáng Chúa Kitô và Tin Mừng của Người xuất hiện.
Đức Thánh Cha nói ngài biết trong những ngày này các tham dự viên sẽ cùng nhau thảo luận về di sản thần học của quá khứ, xem di sản ấy còn có thể nói lên những thách đố của ngày nay và giúp chúng ta hình dung tương lai không. Để giúp trả lời câu hỏi này, ngài nhắc đến một trình thuật trong sách các Vua quyển thứ hai, trong đó nói về việc vua đã thỉnh ý nữ ngôn sứ Khunda để giải thích Sách Luật, điều mà trước đó chính vua, thượng tế và ký lục không hiểu (2V 22, 14-20). Đức Thánh Cha nói: “Có những điều mà chỉ phụ nữ mới hiểu và thần học cần sự đóng góp của nữ giới. Một nền thần học toàn nam thì chưa hoàn thiện. Chúng ta còn một chặng đường dài phải đi theo hướng này”.
Trong buổi nói chuyện, Đức Thánh Cha bày tỏ mong muốn mọi người suy nghĩ vượt lên trên sự đơn giản hoá. Thực tế thì phức tạp và thách đố thì đa dạng. Khi người ta không muốn hoặc không thể giải quyết sự phức tạp thì có xu hướng đơn giản hoá. Tuy nhiên, điều này làm biến dạng thực tế. Một phương dược cho sự đơn giản hoá này có thể được tìm thấy từ Tông hiến Veritatis Gaudium, trong đó nói về sự kết hợp liên ngành: triết học, văn học, nghệ thuật, toán học… Giống như các bộ phận của thân thể, mỗi ngành có chức năng riêng, nhưng chúng cần nhau, như Thánh Phaolô đã chỉ ra “Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi?” (1Cr, 12, 17).
Đức Thánh Cha còn mời các tham dự viên làm sao để mọi người đều có thể tiếp cận thần học. Bởi vì thần học hướng dẫn con người trong hành trình cuộc sống, cách riêng những ai đang gặp vấn đề, cảm thấy bế tắc, cần đổi mới hành trình. Phải làm sao để con người thời nay có thể tìm được nơi thần học một căn nhà với cánh cửa rộng mở, một nơi có thể tiếp tục cuộc hành trình, nơi có thể tìm kiếm và tái tìm kiếm con đường.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-mong-muon-moi-nguoi-co-the-tiep-can-voi-than-hoc-42192.html
32. Các Giám mục Á châu kêu gọi lắng nghe nhiều hơn và áp dụng công nghệ cho truyền thông Giáo hội
Hội nghị thường niên lần thứ 29 của các Văn phòng Truyền thông Xã hội trực thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á châu kết thúc với lời mời gọi ưu tiên lắng nghe và áp dụng công nghệ hiện đại để thúc đẩy sứ vụ của một Giáo hội hiệp hành tại Á châu.
Vatican News
Trong tuyên bố kết thúc, các Giám mục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe như là nền tảng của việc xây dựng một Giáo hội hiệp hành, đồng thời khuyên những người làm mục vụ truyền thông ưu tiên lắng nghe bằng đôi tai của con tim, phù hợp với lời kêu gọi của Đức Thánh Cha nhằm thúc đẩy sự cởi mở và hoà nhập trong lãnh đạo mục vụ.
Cuộc họp cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc thích ứng với bối cảnh kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng: “Xét đến những thay đổi nhanh chóng trong truyền thông và tác động ngày càng tăng của công nghệ kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo, các văn phòng truyền thông tại Liên Hội đồng Giám mục Á châu cần chú ý nhiều hơn đến việc áp dụng chúng”.
Các Giám mục nhấn mạnh về nhu cầu các chương trình đào tạo toàn diện nhằm trang bị cho nhân viên Giáo hội các kỹ năng sử dụng hiệu quả các nền tảng kỹ thuật số, đồng thời kêu gọi sử dụng công nghệ mục vụ sáng tạo hơn để thúc đẩy tinh thần hiệp hành.
Để tăng cường sự hợp tác, các tham dự viên khuyến nghị các tương tác thường xuyên và chất lượng hơn giữa các văn phòng truyền thông xã hội của các Hội đồng Giám mục. Thực tế, mạng lưới và các quan hệ là những yếu tố rất quan trọng để củng cố thừa tác vụ truyền thông của Giáo hội ở Á châu.
Bên cạnh tiếp nhận công nghệ, các Giám mục ủng hộ việc cân bằng giữa đổi mới kỹ thuật số với các cuộc gặp gỡ cá nhân. Tuyên bố lưu ý: “Truyền thông đòi hỏi một cuộc gặp gỡ theo tinh thần Tin Mừng và lắng nghe cẩn thận tiếng nói của mọi người, đặc biệt những người ở bên lề”, và “những trao đổi chân thành và sự hiện diện thực sự không được coi nhẹ bởi các tương tác kỹ thuật số hời hợt”.
Cuối cùng, các Giám mục khẳng định vai trò quan trọng của Thánh Thần trong việc hướng dẫn các nỗ lực truyền thông. Thánh Thần giúp Giáo hội mở ra, vượt qua các rào cản truyền thống, chuẩn mực cứng nhắc, và phản kháng trước những thay đổi.
Sự kiện kết thúc bằng Thánh lễ do Đức Tổng Giám Mục Piero Pioppo, Sứ thần Tòa Thánh tại Indonesia chủ sự. Phát biểu trước các tham dự viên, ngài nhắc nhở mọi người về sứ vụ “thể hiện sự mặc khải của Thiên Chúa trong Chúa Kitô và mầu nhiệm cứu chuộc và cứu rỗi của Người cho thế giới trong thời đại của chúng ta”.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/cac-giam-muc-a-chau-keu-goi-lang-nghe-nhieu-hon-va-ap-dung-cong-nghe-cho-truyen-thong-giao-hoi-42194.html
33. Cái nhìn tổng quát về Hồng y đoàn từ sau Công nghị ngày 7/12/2024
Từ chiều ngày 7/12/2024, Giáo hội có tất cả 253 Hồng y đến từ hơn 90 quốc gia, trong đó có 140 Hồng y dưới 80 tuổi có quyền tham dự mật nghị bầu Giáo hoàng và 113 vị trên 80 tuổi không còn quyền này. Ý là quốc gia có đồng Hồng y nhất. Trong Hồng y đoàn có gần 1/4 là tu sĩ các dòng.
Hồng Thủy - Vatican News
Số Hồng y cử tri do Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thăng hiện còn 6 vị, do Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI thăng hiện còn 24 vị, và số vị được Đức Thánh Cha Phanxicô thăng hiện có 110 vị.
Nhưng đến ngày 24/12/2024, khi Đức Hồng y Oswald Gracias, Tổng Giám mục của Bombay, Ấn Độ, sẽ tròn 80 tuổi, Hồng y đoàn sẽ còn 139 Hồng y cử tri. Và sang đầu năm 2025, vào ngày 22/1, Đức Hồng y Christoph Schonborn, Tổng Giám mục của Vienna, Áo, sẽ tròn 80 tuổi, số Hồng y cử tri tiếp tục giảm xuống còn 138 vị.
10 Công nghị Hồng y dưới thời Đức Thánh Cha Phanxicô
Với Công nghị ngày 7/12/2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự 10 Công nghị trong hơn 11 năm ngài giữ vai trò kế vị Thánh Phêrô lãnh đạo Giáo hội hoàn vũ, vượt qua Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô, đã chủ sự 9 Công nghị trong 27 năm Giáo hoàng. Tuy nhiên, số Hồng y được Đức Gioan Phaolô II thăng lên Hồng y vẫn nhiều hơn Đức Thánh Cha Phanxicô, 231 vị so với 163.
Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu làm Giáo hoàng trong mật nghị Hồng y vào ngày 13/3/2013, sau khi Đức Biển Đức XVI chính thức từ nhiệm vào ngày 28/2/2013. Vào ngày 22/2/2014, Đức Thánh Cha đã chủ sự Công nghị Hồng y đầu tiên thăng 19 Giám mục làm Hồng y; trong số này có Đức Hồng y Pietro Parolin, hiện là Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhân vật thứ hai của Giáo hội, sau Đức Thánh Cha. Trong 10 Công nghị Hồng y này, Đức Thánh Cha đã thăng tất cả 163 Hồng y.
Các Hồng y đại diện cho Giáo hội ở khắp nơi
Một điểm đặc biệt trong việc chọn Hồng y của Đức Thánh Cha Phanxicô đó là tính phổ quát của Giáo hội. Ngài muốn các Hồng y là những vị đại diện của Giáo hội ở mọi nơi, chứ không chỉ của những giáo phận hay quốc gia quan trọng. Trong 9 Công nghị trước đây, với việc thăng 142 Hồng y, Đức Thánh Cha đã chọn các vị đến từ 70 quốc gia, trong đó có 22 nước trước đó chưa có Hồng y nào. Đó là các nước: Haiti, Cộng hòa Dominica, Myanmar, Panama (dù rằng Đức Hồng y Lacunza Maestrojuan sinh tại Tây Ban Nha), Capo Verde, Tonga, Cộng hòa Trung Phi, Bangladesh, Papua New Guinea, Malaysia, Lesotho, Mali, Thụy Điển, Lào, El Salvador, Luxembourg Rwanda, Brunei, Đông Timor, Singapore, Paraguay và Nam Suđan. Sau Công nghị ngày 7/12, danh sách các quốc gia có Hồng y đầu tiên đã tăng lên 23 khi Đức Thánh Cha chọn 1 Hồng y từ Serbia.
Sự hiện diện đông đảo của các tu sĩ trong Hồng y đoàn
Trong Công nghị ngày 7/12 vừa qua, gần một nửa số tân Hồng y được thăng là các tu sĩ thuộc các dòng: gồm 3 vị Dòng Phanxicô, 2 Dòng Đaminh, 2 Dòng Ngôi Lời, và các Dòng Chúa Cứu Thế, Scalabrini và Vinh Sơn, mỗi dòng có 1 vị.
Nhìn lại 9 Công nghị trước đây, trong số 142 Hồng y được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn, có 44 vị thuộc 23 dòng tu khác nhau. Công nghị năm 2014 có 4 Hồng y thuộc các dòng tu trong tổng số 19 Hồng y; năm 2015 có 4 tu sĩ trên tổng số 20; năm 2016 có 6 tu sĩ trên tổng số 17; năm 2017 có 1 tu sĩ trong tổng số 5 Hồng y; năm 2018 có 3 tu sĩ trong tổng số 14; năm 2019 có 8 tu sĩ trên 13; năm 2020 có 4 trên 13; năm 2022 có 7 trên 20; và trong năm 2023, có 7 tu sĩ trên tổng số 21 Hồng y.
Hai thỉnh cầu không là thành viên của Hồng y đoàn
Trong những năm qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hai lần chấp thuận thỉnh cầu của hai Giám mục không trở thành thành viên Hồng y đoàn. Đầu tiên là trường hợp của Đức Cha Lucas Van Looy, 80 tuổi người Bỉ, nguyên Giám mục của Ghent, và trường hợp mới nhất là thỉnh cầu của Đức Cha Paskalis Bruno Syukur, Giám mục của Bogor, người Indonesia.
Những Hồng y trẻ
Vào năm 2016 Đức Thánh Cha đã thăng vị Hồng y đầu tiên chào đời sau khi Công đồng Vatican II kết thúc vào ngày 8/12/1965. Đó là Đức Hồng y Dieudonnè Nzapalainga, Tổng Giám mục của Bangui, sinh năm 1967.
Sau vị Hồng y người Trung Phi này, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm nhiều Hồng y khác chào đời sau Công đồng Vatican II, như Đức Hồng y Giorgio Marengo, Phủ doãn Tổng tòa Ulan Bator, sinh năm 1974. Cho đến trước Công nghị Hồng y ngày 7/12/2024, ngài là Hồng y trẻ nhất Hồng y đoàn.
Trong Công nghị ngày 7/12/2024 Đức Thánh Cha đã thăng nhiều Giám mục trẻ làm Hồng y như Hồng y Giám quản Roma, Baldassare Reina, 54 tuổi; Hồng y Phó Giám quản Đền thờ Đức Bà Cả, Rolandas Makrickas, 52 tuổi; Hồng y George Jacob Koovakad, người tổ chức các chuyến tông du nước ngoài của Đức Thánh Cha, 51 tuổi; và Hồng y trẻ nhất của Hồng y đoàn, Mykola Byčok, người Ucraina, chỉ mới 44 tuổi.
Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha cũng đã thăng một Hồng y cao niên nhất trong Hồng y đoàn trong Công nghị ngày 7/12 vừa qua, đó là Đức Hồng y Angelo Acerbi, 99 tuổi 79 ngày. Ngài đã phục vụ Giáo hội với tư cách là giám mục trong 50 năm, và cũng có 40 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành ngoại giao của Tòa Thánh.
Cái nhìn tổng quan về Hồng y đoàn
Theo Giáo luật điều 349, các Hồng y có nhiệm vụ hành động cách đoàn thể trong việc chọn người kế nhiệm Đức Giáo hoàng nếu mật nghị được triệu tập. Tuy nhiên, không phải tất cả các Hồng y đều có quyền bỏ phiếu trong mật nghị.
Hơn một nửa Hồng y đoàn là Hồng y cử tri
Hơn một nửa số Hồng y đoàn hiện nay sẽ là “các Hồng y cử tri”. Những Hồng y này dưới 80 tuổi và do đó đủ điều kiện để bỏ phiếu bầu Giáo hoàng mới.
Trong số 140 Hồng y cử tri, quốc gia có số đại diện đông nhất là Ý với 17 Hồng y cử tri, tiếp theo là Hoa Kỳ với 10 Hồng y cử tri, và sau đó là Tây Ban Nha với sáu Hồng y cử tri.
113 “Hồng y không phải là cử tri” là những vị đã trên 80 tuổi. Mặc dù có đủ điều kiện tham gia các cuộc họp trước khi bắt đầu mật nghị bầu Giáo hoàng, nhưng các ngài không có quyền bỏ phiếu và do đó sẽ không tham gia vào chính mật nghị.
Con số Hồng y tính theo châu lục
Số Hồng y hiện tại có mặt tại khắp các châu lục. Châu Phi có 29 Hồng y, thuộc 23 quốc gia, trong đó có 18 Hồng y cử tri; Bắc Mỹ có 28 Hồng y thuộc 3 quốc gia, với 16 Hồng y cử tri; Trung Mỹ có 8 Hồng y đến từ 8 quốc gia, 4 Hồng y cử tri; Nam Mỹ có 31 Hồng y thuộc 10 quốc gia, 18 Hồng y cử tri; Á Châu có 37 Hồng y thuộc 21 quốc gia, 25 Hồng y cử tri; Châu Âu có 115 Hồng y thuộc 25 quốc gia, 55 Hồng y cử tri; Châu Đại dương có 4 Hồng y đến từ 4 quốc gia, và tất cả đều là Hồng y cử tri.
Con số Hồng y tính theo quốc gia
Nếu xét theo quốc gia, Ý hiện tại là nước có nhiều Hồng y nhất, với 52 vị, trong đó có 17 Hồng y cử tri. Quốc gia đứng thứ hai về số Hồng y là Hoa Kỳ, với 17 vị, trong đó có 10 Hồng y cử tri. Và đứng thứ ba là Tây Ban Nha, với 13 Hồng y, trong đó có 6 Hồng y cử tri.
Hồng y tu sĩ
Hiện nay, trong Hồng y đoàn có 66 Hồng y tu sĩ, thuộc 28 hội dòng, trong đó có 36 Hồng y cử tri và 30 vị trên 80 tuổi.
Dòng có nhiều Hồng y nhất là gia đình Dòng Phanxicô, có 13 vị, trong đó có 9 Hồng y cử tri. Nhánh Phanxicô Hèn Mọn có 5 Hồng y, Phanxicô Capuchinô cũng có 5 và Phanxicô Viện tu có 3 vị. Dòng đứng thứ hai về số Hồng y là Dòng Don Bosco, với 11 vị, trong đó có 5 vị dưới 80 tuổi có quyền tham dự mật nghị bầu Giáo hoàng. Và đứng thứ ba về số Hồng y là Dòng Tên, với 9 vị, trong đó có 4 Hồng y cử tri.
Các chức vụ quan trọng trong Hồng y đoàn
Niên trưởng Hồng y đoàn
Niên trưởng Hồng y đoàn hiện nay là Đức Hồng y Giovanni Battista Re, 90 tuổi, người Ý, được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II thăng làm Hồng y ngày 21/2/2001. Ngày 18/1/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn việc chọn ngài làm niên trưởng Hồng y đoàn. Phó Niên trưởng Hồng y đoàn là Đức Hồng y Leonardo Sandri, người Argentina, 81 tuổi. Ngài được Đức Giáo hoàng Biển Đức thăng lên Hồng y ngày 24/11/2007.
Niên trưởng Hồng y đoàn là Hồng y thuộc đẳng Giám mục, được các Hồng y thuộc đẳng Giám mục bầu chọn và được Đức Thánh Cha phê chuẩn.
Cho đến ngày 21/12/2019, không có luật buộc Niên trưởng Hồng y đoàn mãn nhiệm vì lý do tuổi tác. Nhưng với Tông thư dưới dạng Tự sắc về “Chức vị Niên trưởng Hồng y đoàn”, Đức Thánh Cha Phanxicô xác định nhiệm kỳ của Niên trưởng Hồng y đoàn kéo dài 5 năm và sau đó có thể tái nhiệm.
Niên trưởng Hồng y đoàn có trách nhiệm triệu tập mật nghị để bầu Giáo hoàng mới khi Giáo hoàng qua đời hay từ chức. Ngài có nhiệm vụ thông báo cho ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh và các nguyên thủ các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh về sự qua đời của Đức Giáo hoàng.
Trong những năm gần đây, khi Đức Thánh Cha Phanxicô, vì bị đau đầu gối, chỉ chủ sự các Thánh lễ, Đức Hồng y Re thường là vị thay thế Đức Thánh Cha chủ tế Thánh lễ tại bàn thờ.
Hồng y trưởng đẳng phó tế
Hồng y trưởng đẳng phó tế hiện nay là Đức Hồng y Dominique Mamberti, người Pháp, 74 tuổi, được Đức Thánh Cha Phanxicô thăng lên Hồng y vào ngày 14/2/2015. Ngày 28/2 năm nay, sau khi Đức Hồng y Renato Raffaele Martino qua đời, Đức Hồng y Mamberti đảm nhiệm chức vị Hồng y trưởng đẳng phó tế.
Đây là vị sẽ công bố kết quả bầu Giáo hoàng với công thức nổi tiếng bằng tiếng Latinh: “Habemus Papam” (Chúng ta đã có Đức Giáo hoàng). Ngoài ra, ngài cũng là vị đặt dây pallium trên vai Đức tân Giáo hoàng trong Thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô, hay giới thiệu với Đức Thánh Cha các tân Tổng Giám mục sẽ lãnh nhận dậy Pallium trong Thánh lễ trọng kính hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, hoặc sẽ công bố việc Đức Thánh Cha ban ơn toàn xá trong dịp Đức Thánh Cha ban phép lành “Urbi et Orbi” (cho Roma và toàn thế giới) vào lễ Phục Sinh và Giáng Sinh.
Hồng y nhiếp chính
Một Hồng y khác cũng giữ vai trò quan trọng chính là vị được gọi là Hồng y nhiếp chính (Carmerlengo), hiện nay là Đức Hồng y Kevin Joseph Farrell, người Mỹ. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Hồng y nhiếp chính sẽ là điều hành Giáo hội trong thời gian trống tòa, khi Đức Giáo hoàng qua đời hay từ nhiệm, với sự trợ giúp của các Hồng y được chọn.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/cai-nhin-tong-quat-ve-hong-y-doan-tu-sau-cong-nghi-ngay-7122024-42195.html
34. Đức Thánh Cha hy vọng một sự ổn định và thống nhất cho Syria
Vào cuối buổi tiếp kiến chung ngày 11/12/2024, Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi, hy vọng về một sự ổn định và thống nhất, một giải pháp chính trị cho Syria trong thời điểm mong manh trong lịch sử của nó. Ngài cầu nguyện để “người dân có thể sống hòa bình và an ninh trên mảnh đất của họ và các tôn giáo khác nhau có thể cùng nhau bước đi trong tình hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau”.
Vatican News
Đức Thánh Cha cho biết ngài đang theo dõi những sự kiện ở Syria, sau khi vào ngày 10/12/2024, ông Muhammad al Bashir đã chính thức được bổ nhiệm làm thủ tướng của chính phủ chuyển tiếp ở Syria, kết quả của một thỏa thuận giữa các lực lượng lật đổ chế độ Assad. Ông sẽ giữ trách vụ cho đến ngày 1/3/2025. Ông Bashir đã gặp gỡ các thành viên của chính phủ cũ.
Đức Thánh Cha chia sẻ với thế giới niềm hy vọng rằng chúng ta có thể tiếp tục đi trên con đường “ổn định” và “đoàn kết”, không có thêm bạo lực và rạn nứt như những gì đã gây ra cho đất nước này trong hơn một thập kỷ.
Ngài nói: “Tôi hy vọng rằng một giải pháp chính trị sẽ đạt được, không gây thêm xung đột hay chia rẽ, thúc đẩy một cách có trách nhiệm sự ổn định và thống nhất của đất nước”.
Đức Thánh Cha cũng mong muốn các tôn giáo khác nhau bước đi cùng nhau trong tình hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của quốc gia đã bị ảnh hưởng bởi nhiều năm chiến tranh.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha không quên đất nước Ucraina bị giày xéo, đang phải chịu đựng quá nhiều đau khổ trong cuộc chiến này. Ngài mời gọi cầu nguyện để tìm ra lối thoát cho tình cảnh của Ucraina. Ngài cũng nhắc đến Palestine, Israel, Myanmar và cầu xin hòa bình cho các vùng lãnh thổ này: “Cầu mong hòa bình trở lại, cầu mong có hòa bình”. “Chiến tranh là một chiến bại. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình”.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-hy-vong-mot-su-on-dinh-va-thong-nhat-cho-syria-42198.html
35. Công bố phép lạ thứ 71 tại Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức
Việc khỏi bệnh của một người lính Anh trong Thế chiến thứ nhất tại Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức bên Pháp được tuyên bố là phép lạ thứ 71 tại địa điểm hành hương này.
Vatican News
Trong ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Malcolm McMaho của Liverpool đã tuyên bố, việc John Traynor, lính Hải quân Hoàng gia Anh, được chữa lành là một phép lạ đến từ Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức.
Tin này được đưa ra sau khi chủ tịch Văn phòng Quan sát Y khoa Lộ Đức, bác sĩ Alessandro de Franciscis đã uỷ quyền xem xét lại trường hợp của Trayno vào năm ngoái, cho một bác sĩ người Anh, thành viên của Uỷ ban Y khoa Quốc tế tại Lộ Đức, Kieran Moriarty thực hiện.
Các cuộc điều tra của bác sĩ Moriarty đã phát hiện ra nhiều hồ sơ trong kho lưu trữ tại Lộ Đức bao gồm lời chứng của ba bác sĩ đã khám cho Traynor trước và sau khi anh được chữa khỏi, cùng với các bằng chứng hỗ trợ khác.
Đức Tổng Giám Mục McMahon kết luận trong một ủy ban rằng dựa trên các bằng chứng do bác sĩ Moriarty thu thập, việc Traynor được chữa lành thực sự là một phép lạ. Ngài tuyên bố: “Xét đến bằng chứng y khoa, lời chứng về đức tin và lòng sùng kính Đức Mẹ của John Traynor, tôi rất vui mừng tuyên bố rằng việc chữa lành cho John Traynor khỏi nhiều căn bệnh nghiêm trọng được công nhận là một phép lạ do quyền năng của Chúa thực hiện qua sự chuyển cầu của Đức Mẹ Lộ Đức”.
Ngài nói thêm: “Tôi hy vọng vào tháng 2/2025, chúng ta sẽ có một cử hành tại nhà thờ chính tòa để đánh dấu khoảnh khắc quan trọng này trong lịch sử của tổng giáo phận, giúp tất cả chúng ta đáp lại lời kêu gọi của Năm Thánh trở thành ‘những người hành hương hy vọng’”.
Traynor sinh tại Liverpool, vào năm 1883, có lòng sùng kính Thánh Thể và yêu mến Đức Mẹ cách đặc biệt. Là một thành viên của Lực lượng Hải quân Hoàng gia, Traynor đã được huy động ngay từ đầu cuộc chiến vào năm 1914. Trong trận chiến tại Antwerp, anh đã bị trúng mảnh đạn vào đầu khi cố gắng khiêng một sĩ quan ra khỏi chiến trường. Tuy nhiên, anh đã nhanh chóng hồi phục và trở lại phục vụ. Trong một trận chiến khác, ngày 08/5/1915, Traynor lại bị trúng đạn vào đầu, ngực và cánh tay. Nhiều cuộc phẫu thuật được thực hiện ở cánh tay, nhưng không thành công. Anh bị liệt, và bị động kinh. Tám năm sau, năm 1923 Traynor được chỉ định đưa vào bệnh viện điều trị bệnh nan y, nhưng thay vì vào đó, Traynor đã đến Lộ Đức và được chữa lành.
Phép lạ gần đây nhất là phép lạ thứ 70. Đó là cuộc khỏi bệnh lạ lùng của nữ tu Bernadette Moriau, người Pháp, thuộc dòng Phan Sinh Hiến Sĩ Thánh Tâm Chúa Giêsu, xảy ra ngày 11/07/2008 và được giáo quyền nhìn nhận ngày 11/02/2018 sau 10 năm điều tra.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/cong-bo-phep-la-thu-71-tai-den-thanh-duc-me-lo-duc-42199.html
36. Cuộc gặp gỡ tích cực giữa các đại diện Kitô giáo và các nhóm Hồi giáo ở Syria
Ngày 9/12/2024, các lãnh đạo của các Giáo hội và cộng đồng Giáo hội ở Aleppo, Syria, đã có cuộc gặp gỡ thứ hai với các đại diện của các nhóm vũ trang đã nắm quyền kiểm soát thành phố của Syria. Đức Cha Antoine Audo, Giám mục Công giáo Canđê của Aleppo, chia sẻ với hãng tin Fides rằng hiện tại các nhóm Hồi giáo dường như không muốn áp đặt các thay đổi và điều kiện lên đời sống các Giáo hội.
Vatican News
Cuộc gặp gỡ cấp cao chưa từng có trước đây đã diễn ra tại nhà thờ và tu viện dòng Phanxicô, nơi cũng có Đại diện Tông tòa của tín hữu Công giáo Nghi lễ Latinh. Đức Cha Audo nói: “Ý định của họ dường như là tạo nên sự tin tưởng. Có các kỳ vọng tốt đẹp", đặc biệt nếu chúng ta tính đến thực tế là "bây giờ chúng ta đang ở trong một con đường cụt: không có điện, mọi thứ đều đắt đỏ, nhiều người khó có thể lo được bữa ăn".
Đức Cha cũng xác nhận rằng hiện tại, các thế lực đang nắm quyền, thuộc Hồi giáo, không tỏ ra rằng họ muốn áp đặt những thay đổi và điều kiện lên đời sống bình thường của các cộng đồng Giáo hội. Ngài chia sẻ: "Ngược lại, họ cố gắng tạo niềm tin bằng cách thể hiện tôn trọng truyền thống và việc cầu nguyện của chúng tôi".
Ngài nói với họ rằng các Kitô hữu Ả Rập là đại diện cho một thực tại độc đáo trong lịch sử và trên thế giới. Ngài nhắc lại sự chung sống của người Ả Rập Hồi giáo với các Kitô hữu, và về sự đóng góp của các Kitô hữu cho lịch sử này. Ngài cũng nói về tình trạng của "Dhimmi" (những người không theo đạo Hồi của một Nhà nước được hướng dẫn bởi Luật Hồi giáo) có thể được hiểu theo nghĩa tiêu cực và tích cực, rằng các Kitô hữu không thể là công dân hạng hai, và chúng ta phải làm việc cùng nhau.
Trong cuộc họp, đại diện các cộng đồng Kitô giáo đã nhận được sự đảm bảo rằng sẽ không có thay đổi nào trong quy định của các trường thuộc cộng đồng giáo hội, nơi nam nữ học chung trong các lớp học hỗn hợp. Đức Cha Audo cho biết thêm: “Họ yêu cầu tất cả các quan chức nhà nước tiếp tục nhiệm vụ của mình và họ nói rằng nghĩa vụ quân sự bắt buộc kéo dài suốt những năm qua đã kết thúc”.
Theo Đức Cha Audo, đã có một quyết định quốc tế được thống nhất nhằm đảm bảo lối thoát này cho Syria. Một giải pháp chắc chắn có sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, "cũng như cả Nga và Iran. Nga đã yêu cầu Assad rời đi" và do đó "tránh đổ máu thêm".
Đức Cha cho biết giờ đây, ở Aleppo, cuộc sống đã trở lại “bình thường”, bao gồm cả những vấn đề về sinh hoạt và khó khăn trong việc có được những nhu cầu cơ bản. Tất cả các cộng đồng giáo hội đều thực hiện các sáng kiến để giúp mọi người ít nhất có thức ăn. Và họ đang chuẩn bị cử hành lễ Giáng sinh một cách đơn sơ. (Fides 12/10/2024)
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/cuoc-gap-go-tich-cuc-giua-cac-dai-dien-kito-giao-va-cac-nhom-hoi-giao-o-syria-42200.html
37. Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho ngày Thế giới Hòa bình năm 2025
Trong Sứ điệp cho Ngày Thế giới Hòa bình thứ 58, được công bố ngày 12/12/2024, có tựa đề “Xin tha nợ cho chúng con, xin ban bình an của Ngài cho chúng con", Đức Thánh Cha mời gọi cộng đồng quốc tế xóa nợ cho các nước nghèo, tôn trọng sự sống bằng hành động cụ thể là xóa bỏ án tử hình, và dùng một phần số tiền đầu tư cho vũ khí để thành lập quỹ thế giới xóa đói, phát triển giáo dục và chống biến đổi khí hậu.
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
cho Ngày Thế giới Hòa Bình thứ 58 (01/01/2025)
Xin tha nợ cho chúng con, xin ban bình an của Ngài cho chúng con
{C}{C}{C}{C}
I. Lắng nghe tiếng kêu của nhân loại đang bị đe dọa
1. Vào lúc bình mình của Năm Mới được Cha trên trời ban cho chúng ta, một Năm Thánh theo tinh thần hy vọng, tôi xin gửi những lời chúc hòa bình chân thành nhất đến với mọi người nam nữ, đặc biệt là những người cảm thấy chán nản bởi hoàn cảnh sống của mình, bị lên án bởi những lỗi lầm của mình, bị hủy diệt bởi xét đoán của người khác và không thể nhìn thấy một tia hy vọng nào cho cuộc sống của chính mình. Tôi xin gửi đến tất cả anh chị em niềm hy vọng và bình an, bởi vì đây là Năm Ân Sủng nảy sinh từ Trái Tim của Đấng Cứu Chuộc!
2. Trong năm 2025, Giáo hội Công giáo cử hành Năm Thánh, một sự kiện đổ tràn đầy hy vọng trong các tâm hồn. “Năm Thánh” bắt nguồn từ một truyền thống cổ xưa của người Do Thái, khi tiếng tù và (tiếng Do Thái là yobel) vang lên mỗi bốn mươi chín năm một lần công bố một năm tha thứ và tự do cho toàn thể dân tộc (xem Lv 25,10). Lời tuyên bố long trọng này lẽ ra phải vang vọng cách lý tưởng cho toàn thế giới (xem Lv 25,9), để tái lập sự công bằng của Thiên Chúa trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống: trong việc sử dụng đất đai, trong việc sở hữu của cải, trong tương quan với người khác, đặc biệt là với những người nghèo nhất và những người gặp bất hạnh. Tiếng tù và nhắc nhở toàn thể dân tộc, người giàu cũng như người nghèo, rằng không ai đến thế gian để bị áp bức: tất cả chúng ta là anh chị em, con cùng một Cha, được sinh ra để sống tự do theo ý muốn của Chúa (x. Lev 25,17.25.43.46.55).
3. Ngay cả ngày nay, Năm Thánh vẫn là một sự kiện thúc đẩy chúng ta tìm kiếm công lý giải phóng của Thiên Chúa trên thế giới của chúng ta. Thay cho tiếng tù và, vào đầu Năm Ân Sủng này, chúng ta muốn lắng nghe “tiếng kêu cứu tuyệt vọng”[1], giống như tiếng máu của Abel người công chính, vang lên từ nhiều nơi trên trái đất (xem St 4,10), tiếng kêu mà Thiên Chúa không bao giờ ngừng lắng nghe. Về phần chúng ta, chúng ta cảm thấy được mời gọi lên tiếng về nhiều tình huống bóc lột đất đai và đàn áp người khác[2]. Những bất công này đôi khi mang dáng dấp của những điều mà Thánh Gioan Phaolô II định nghĩa là “các cơ cấu tội lỗi”[3], bởi vì chúng không chỉ do sự gian ác của một số người gây ra, mà có thể nói là đã được củng cố và được hỗ trợ bởi sự đồng lõa rộng rãi.
4. Mỗi người chúng ta phải cảm thấy một cách nào đó trách nhiệm đối với sự tàn phá mà ngôi nhà chung của chúng ta phải gánh chịu, bắt đầu từ những hành động, dù chỉ gián tiếp, thúc đẩy những xung đột đang gây đau khổ cho nhân loại. Do đó, những thách thức mang tính hệ thống, riêng biệt nhưng có mối liên hệ với nhau, được tạo ra và cùng nhau gây đau khổ cho hành tinh của chúng ta[4]. Đặc biệt, tôi nghĩ đến mọi loại bất bình đẳng, đến cách đối xử vô nhân đạo đối với người di cư, đến sự suy thoái môi trường, đến sự nhầm lẫn cố ý được tạo ra bởi thông tin sai lệch, đến việc từ chối bất kỳ hình thức đối thoại nào và đến nguồn lực to lớn được dành cho ngành công nghiệp chiến tranh. Tất cả chúng đều là những yếu tố đe dọa cụ thể đến sự tồn tại của toàn nhân loại. Vì vậy, vào đầu năm nay, chúng ta mong muốn lắng nghe tiếng kêu này của nhân loại để tất cả chúng ta cảm thấy được mời gọi, cùng nhau và cách cá nhân, phá vỡ xiềng xích bất công để công bố công bình của Thiên Chúa. Một vài hành động từ thiện thôi thì không đủ. Ngược lại, cần có những thay đổi về văn hóa và cấu trúc để có được sự thay đổi lâu dài[5].
II. Một sự thay đổi về văn hóa: tất cả chúng ta đều là những người mắc nợ
5. Việc cử hành Năm Thánh mời gọi chúng ta thực hiện nhiều thay đổi khác nhau để giải quyết tình trạng bất công và bất bình đẳng hiện nay, đồng thời nhắc nhở chúng ta rằng của cải trên trái đất không chỉ dành cho một số người có đặc quyền, nhưng dành cho tất cả mọi người[6]. Có thể hữu ích cho chúng ta khi nhớ lại những lời Thánh Basiliô thành Xêdarê đã viết: "Nhưng hãy cho tôi biết, những thứ gì là của bạn? Bạn lấy chúng từ đâu để biến chúng thành một phần cuộc sống của bạn? […] Không phải bạn hoàn toàn trần trụi khi ra khỏi bụng mẹ sao? Bạn sẽ không trở lại lòng đất trần trụi sao? Những gì bạn có hiện nay đến từ đâu? Nếu bạn nói rằng nó đến từ sự ngẫu nhiên, bạn sẽ phủ nhận Thiên Chúa, không nhìn nhận Đấng Tạo Hóa và bạn sẽ không biết ơn Đấng ban tặng"[7]. Khi lòng biết ơn không còn, chúng ta không nhận ra những hồng ân của Thiên Chúa nữa. Trong lòng thương xót vô biên của Người, Chúa không bỏ rơi những người phạm tội chống lại Người: trái lại, Người tái xác nhận món quà sự sống bằng ơn tha thứ mang lại ơn cứu độ, được ban cho tất cả mọi người qua Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy, khi dạy chúng ta kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cầu nguyện: “Xin tha nợ chúng con” (Mt 6,12).
6. Khi chúng ta phớt lờ tương quan của mình với Chúa Cha, chúng ta bắt đầu nuôi dưỡng ý nghĩ rằng tương quan với người khác có thể được chi phối bởi logic bóc lột, trong đó kẻ mạnh hơn cho rằng mình có quyền bắt nạt kẻ yếu hơn[8]. Giống như giới thượng lưu thời Chúa Giêsu, những kẻ lợi dụng nỗi đau khổ của những người nghèo nhất, ngày nay cũng vậy, trong ngôi làng toàn cầu được kết nối với nhau[9], nếu không được thúc đẩy bởi tinh thần liên đới và phụ thuộc lẫn nhau, hệ thống quốc tế sẽ tạo ra những bất công, làm trầm trọng thêm nạn tham nhũng, những thứ khiến các nước nghèo mắc bẫy. Não trạng bóc lột con nợ cũng mô tả cách tổng hợp cuộc “khủng hoảng nợ” hiện nay đang đè nặng một số quốc gia, đặc biệt là các nước miền Nam bán cầu.
7. Tôi không mệt mỏi nhắc lại rằng nợ nước ngoài đã trở thành một công cụ kiểm soát, qua đó một số chính phủ và tổ chức tài chính tư nhân ở các nước giàu nhất không ngần ngại khai thác bừa bãi nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên của các nước nghèo nhất, nhằm đáp ứng các nhu cầu thị trường của họ[10]. Thêm vào thực tế đó là nhiều dân tộc, vốn đã chịu gánh nặng nợ quốc tế, lại bị buộc phải mang gánh nặng nợ sinh thái của các nước phát triển hơn[11]. Nợ sinh thái và nợ nước ngoài là hai mặt của cùng một đồng tiền, của não trạng bóc lột này, mà đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng nợ[12]. Theo tinh thần của Năm Thánh này, tôi mời gọi cộng đồng quốc tế thực hiện các hành động để xóa nợ nước ngoài, thừa nhận sự tồn tại của món nợ sinh thái giữa miền Bắc và miền Nam thế giới. Đây là lời kêu gọi liên đới, nhưng trên hết là lời kêu gọi công bằng[13].
8. Sự thay đổi về văn hóa và cơ cấu để vượt qua cuộc khủng hoảng này sẽ diễn ra khi cuối cùng chúng ta nhận ra mình là con của Chúa Cha và chúng ta thú nhận rằng tất cả chúng ta đều là những kẻ mắc nợ Người, nhưng chúng ta cũng cần nhau, theo tinh thần trách nhiệm chung và đa dạng. Chúng ta sẽ có thể khám phá "một lần cho mãi mãi rằng chúng ta cần nhau và chúng ta mắc nợ nhau"[14].
III. Hành trình hy vọng: ba đề xuất
9. Nếu chúng ta để cho mình được đánh động bởi những thay đổi cần thiết này, Năm Thánh Ân Sủng sẽ có thể giúp mỗi người chúng ta trở lại hành trình hy vọng. Niềm hy vọng nảy sinh từ cảm nghiệm về lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa[15].
Thiên Chúa không mắc nợ ai, tuy nhiên Người vẫn tiếp tục ban ân sủng và lòng thương xót vô tận cho mọi người. Như Giáo phụ Isaac thành Ninivê, một Giáo phụ của Giáo hội Đông phương sống vào thế kỷ thứ bảy, đã viết: "Lạy Chúa, tình yêu của Ngài lớn hơn những tội lỗi của con. Sóng biển chẳng là gì so với vô số tội lỗi của con, nhưng khi được đặt lên bàn cân và được cân bằng tình yêu của Ngài, chúng tan biến như không có gì”[16]. Thiên Chúa không tính toán sự ác mà con người đã phạm, nhưng "giàu lòng thương xót và rất mực yêu thương chúng ta” (Ep 2,4). Đồng thời, Người lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và trái đất. Chúng ta nên dừng lại một chút vào đầu năm nay để suy ngẫm về ân sủng mà qua đó Chúa tha thứ tội lỗi và mọi món nợ của chúng ta, để tâm hồn chúng ta được tràn ngập hy vọng và bình an.
10. Khi dạy chúng ta cầu nguyện bằng “Kinh Lạy Cha”, Chúa Giêsu bắt đầu bằng cách xin Chúa Cha tha thứ tội lỗi của chúng ta, nhưng ngay lập tức chuyển sang những lời đầy thách đố: “như chúng con cũng tha thứ cho những kẻ xúc phạm chúng con”. (xem Mt 6,12). Thực ra, để tha nợ cho người khác và trao cho họ niềm hy vọng, cuộc sống của chúng ta cần phải tràn đầy niềm hy vọng đến từ lòng thương xót của Thiên Chúa. Niềm hy vọng tràn đầy cách quảng đại, không tính toán, giúp đỡ mà không quan tâm người nợ có trả lại được không, không quan tâm đến lợi ích riêng của mình, nhưng chỉ có một mục tiêu duy nhất: nâng dậy những người đã vấp ngã, chữa lành những trái tim tan vỡ, giải phóng khỏi mọi hình thức nô lệ.
11. Do đó, vào đầu Năm Ân Sủng này, tôi muốn đề xuất ba hành động có thể khôi phục phẩm giá cho cuộc sống của toàn thể các dân tộc và đưa họ trở lại hành trình hy vọng, để vượt qua cuộc khủng hoảng nợ nần và mọi người có thể một lần nữa nhận ra mình là những người mắc nợ được tha thứ nợ nần.
Trước hết, tôi xin lặp lại lời kêu gọi Thánh Gioan Phaolô II đưa ra nhân dịp Năm Thánh 2000, để xem xét việc “giảm thiểu cách đáng kể, nếu không muốn nói là xóa bỏ hoàn toàn, khoản nợ quốc tế đang đè nặng lên vận mệnh” của nhiều Dân tộc”[17]. Bằng cách thừa nhận món nợ sinh thái, các quốc gia giàu nhất cảm thấy được kêu gọi làm mọi cách để xóa nợ cho những quốc gia không có khả năng trả lại những gì họ nợ. Tất nhiên, để điều này không chỉ đơn thuần là một hành động từ thiện đơn lẻ, có nguy cơ lại gây ra một vòng luẩn quẩn của tài chính và nợ nần, cần đồng thời phải phát triển một cơ cấu tài chính mới, hướng tới việc tạo ra Hiến chương tài chính toàn cầu dựa trên sự liên đới và hòa hợp giữa các dân tộc.
Hơn nữa, tôi yêu cầu một sự dấn thân chắc chắn nhằm thúc đẩy việc tôn trọng phẩm giá sự sống con người, từ lúc thụ thai cho đến cái chết tự nhiên, để mỗi người có thể yêu sự sống của mình và nhìn về tương lai với niềm hy vọng, và mong muốn sự phát triển và hạnh phúc cho bản thân và con cái mình. Trên thực tế, nếu không có hy vọng vào cuộc sống, thật khó cho những người trẻ mong muốn tạo ra những sự sống mới trên thế giới. Đặc biệt ở đây, một lần nữa tôi muốn đề nghị một cử chỉ cụ thể có thể giúp cổ võ nền văn hóa sự sống. Tôi đang đề cập đến việc xóa bỏ hình phạt tử hình ở tất cả các Quốc gia. Trên thực tế, hình phạt này, ngoài việc làm tổn hại đến tính bất khả xâm phạm của sự sống, còn tiêu diệt mọi hy vọng tha thứ và đổi mới của con người[18].
Theo gương Thánh Phaolô VI và Đức Biển Đức XVI[19], tôi không ngần ngại đưa ra một lời kêu gọi khác, vì các thế hệ tương lai. Trong thời điểm được đánh dấu bởi chiến tranh này: chúng ta hãy sử dụng ít nhất một tỷ lệ cố định trong số tiền được sử dụng cho vũ khí để thành lập một quỹ thế giới giải quyết dứt điểm nạn đói và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giáo dục ở các nước nghèo nhất nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu[20]. Chúng ta nên cố gắng loại bỏ bất kỳ lý do nào có thể khiến người trẻ tưởng tượng rằng tương lai của họ là vô vọng hoặc bị thống trị bởi cơn khát trả thù cho máu của những người thân yêu của họ. Tương lai là một món quà giúp chúng ta vượt qua những lỗi lầm của quá khứ, để xây dựng những con đường hòa bình mới.
IV. Mục tiêu hòa bình
12. Những ai thực hiện những đề xuất này và bắt đầu hành trình hy vọng sẽ có thể thấy mục tiêu hòa bình được chờ đợi từ lâu đang đến gần hơn bao giờ hết. Tác giả Thánh Vịnh hứa với chúng ta rằng “tín nghĩa ân tình sẽ hội ngộ, hòa bình công lý sẽ giao duyên” (Tv 85,11). Khi tôi từ bỏ việc dùng nợ nần như thứ vũ khí để điều khiển người khác và khôi phục lại con đường hy vọng cho một người anh chị em, tôi góp phần vào việc tái lập công lý của Thiên Chúa trên trái đất này và tôi cùng với người đó lên đường hướng tới mục tiêu hòa bình. Như Thánh Gioan XXIII đã nói, hòa bình thực sự sẽ chỉ có thể được sinh ra từ một trái tim "được giải trừ" khỏi lo lắng và sợ hãi chiến tranh[21].
13. Chớ gì năm 2025 là một năm trong đó hòa bình phát triển! Đó là nền hòa bình thực sự và lâu dài vượt trên sự tranh cãi về các chi tiết của các thỏa thuận hay ở bàn đàm phán của con người[22]. Chớ gì chúng ta tìm kiếm hòa bình đích thực, được Thiên Chúa ban cho những tâm hồn không vũ trang: một tâm hồn không khăng khăng tính toán cái gì là của tôi và cái gì là của bạn; một tâm hồn biến tính ích kỷ thành việc sẵn sàng đi đến với người khác; một tâm hồn không ngần ngại thừa nhận mình mắc nợ Thiên Chúa và vì vậy sẵn sàng tha thứ những món nợ đang đè nặng người khác; một tâm hồn vượt qua sự chán nản về tương lai bằng niềm hy vọng rằng mỗi người là nguồn lực để xây dựng một thế giới tốt hơn.
14. Giải trừ vũ khí cho tâm hồn là một công việc của tất cả mọi người, từ người đứng đầu đến người rốt cùng, từ người nhỏ đến người lớn, từ người giàu đến người nghèo. Đôi khi, một điều gì đó đơn giản như “một nụ cười, một cử chỉ tình bạn, một cái nhìn huynh đệ, một sự lắng nghe chân thành, một sự phục vụ nhưng không” là đủ[23]. Với những cử chỉ lớn-nhỏ này, chúng ta đang tiến gần đến mục tiêu hòa bình và chúng ta sẽ đến đó nhanh hơn nếu, trên hành trình cùng với những người anh chị em, chúng ta tái khám phá rằng chúng ta đã thay đổi so với lúc chúng ta bắt đầu. Thực ra, hòa bình không chỉ đến khi chiến tranh kết thúc, mà còn khi bắt đầu một thế giới mới, một thế giới trong đó chúng ta khám phá ra mình đa dạng, hiệp nhất hơn và có nhiều anh em hơn chúng ta từng tưởng tượng.
15. Lạy Chúa, xin ban cho chúng con bình an của Ngài! Đây là lời cầu nguyện mà tôi dâng lên Thiên Chúa khi tôi gửi những lời chúc tốt đẹp nhất trong Năm Mới tới các Nguyên thủ quốc gia và Chính phủ, tới các vị đứng đầu các Tổ chức Quốc tế, tới các vị Lãnh đạo của các tôn giáo khác nhau, tới mọi người thiện chí.
Lạy Chúa, xin tha nợ chúng con,
như chúng con tha thứ cho những kẻ mắc nợ chúng con,
và trong vòng tròn tha thứ này, xin ban cho chúng con bình an của Ngài,
bình an mà chỉ Ngài mới có thể ban
cho những người để tâm hồn của họ được giải trừ vũ khí,
cho những ai có hy vọng muốn tha nợ cho anh chị em mình,
cho những người không sợ hãi thú nhận rằng họ mắc nợ Ngài,
cho những người không bịt tai trước tiếng kêu của những người nghèo nhất.
Vatican, ngày 8 tháng 12 năm 2024
Phanxicô
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/su-diep-cua-duc-thanh-cha-cho-ngay-the-gioi-hoa-binh-nam-2025-42203.html
38. Các Giám mục Liên minh châu Âu ủng hộ quá trình chuyển giao hòa bình tại Syria
Trong tuyên bố đưa ra ngày 11/12/2024, Ủy ban các Hội đồng Giám mục của Liên minh châu Âu (COMECE) kêu gọi các lãnh đạo chính phủ mới của Syria loại bỏ chủ nghĩa giáo phái và chủ nghĩa cực đoan và bảo vệ quyền của các nhóm thiểu số. Các ngài cũng hy vọng về một "quá trình chuyển giao quyền lực có trật tự và hòa bình".
Vatican News
Trong tuyên bố, các Giám mục Liên minh châu Âu cho biết các ngài đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Syria, nơi các lực lượng phiến quân đã kiểm soát thủ đô và các thành phố chiến lược khác, dẫn đến việc lật đổ chế độ tổng thống Bashar al-Assad.
Các ngài kêu gọi chính quyền mới của Syria bảo vệ “các đền thờ và địa điểm tôn giáo thuộc về các nhóm thiểu số, cho phép tiếp cận viện trợ nhân đạo và đưa những người di tản nội địa trở về nhà an toàn”.
Các ngài cũng kêu gọi chính quyền mới của Syria “từ chối chủ nghĩa giáo phái và chủ nghĩa cực đoan trong khi vẫn chấp nhận những đóng góp và bản sắc độc đáo của nhiều nhóm sắc tộc và tôn giáo thiểu số giúp làm giàu cho quốc gia Trung Đông”.
Trước khi chế độ của tổng thống Assad sụp đổ, trong thư đề ngày 7/12/2024, Chủ tịch Ủy ban các Hội đồng Giám mục của Liên minh châu Âu, Đức Cha Mariano Crociata, đã bày tỏ sự liên đới của ngài với Đức Tổng giám mục Joseph Tobji của nghi lễ Maronite ở Aleppo, và tất cả các giám mục khác của các Giáo hội Kitô tại Aleppo.
Đức Cha Crociata viết rằng ngài đảm bảo sự gần gũi của ngài “với tâm hồn đầy tình liên đới, lòng trắc ẩn và mối quan tâm sâu sắc đến nỗi đau và sự bất ổn to lớn mà anh em và các tín hữu của anh em đang phải chịu đựng ở Aleppo và các nơi khác của Syria”.
Ngài cũng nhấn mạnh cam kết của Ủy ban các Hội đồng Giám mục của Liên minh châu Âu ủng hộ nhu cầu của người dân Syria, tái khẳng định sự dấn thân của các Giám mục trong việc nâng cao nhận thức và huy động nguồn lực để hỗ trợ xây dựng lại nhà cửa, khôi phục sinh kế và theo đuổi giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột đang diễn ra.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/cac-giam-muc-lien-minh-chau-au-ung-ho-qua-trinh-chuyen-giao-hoa-binh-tai-syria-42204.html
39. Giải truyện ngắn Năm Thánh 2025: "Hy vọng và Hoà giải"
Năm Thánh 2025 chính thức được khai mạc với việc mở Cửa Thánh tối ngày 24/12/2024. Giáo hội bắt đầu cuộc hành trình “Những người hành hương của hy vọng”. Để hành trình sống Năm Thánh thêm chất lượng và mang lại nhiều hoa trái cho Giáo Hội, Vatican News Tiếng Việt mở cuộc thi viết truyện ngắn với chủ đề: Hy vọng và Hoà giải.
Vatican News
Chúng ta đều là những kẻ lữ hành giữa cuộc đời này. Chẳng một kẻ lữ hành nào có thể bước đi mà không ủ ấp trong tim mình một niềm hy vọng nào đó. Hy vọng cho chúng ta động lực để bước đi, mục tiêu để hướng về, sức mạnh và sự bền bỉ để không bỏ cuộc khi gặp phải nhiều khó khăn và thử thách.
Với người đặt niềm hy vọng nơi Chúa Giêsu Kitô, Năm Thánh trở thành một cơ hội tuyệt vời để sống đức tin và niềm vui về một hành trình hy vọng và đến đích cùng nhau. Đây là khoảng thời gian đặc biệt để mọi người tín hữu thực tập việc sống hoà giải với Thiên Chúa, với chính mình, và với nhau.
Với người Việt cách riêng, năm 2025 đánh dấu cột mốc 50 năm kể từ biến cố bước ngoặt 1975. Không thể phủ nhận rằng biến cố ấy đã gây nhiều tan thương đổ vỡ và cả những xung đột kéo dài dai dẳng giữa người Việt với người Việt. Thế nhưng từ góc nhìn đức tin và với tinh thần của Năm Thánh, người tín hữu xác tín rằng: “Mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Chúa” (Rm 8,28). Chúng ta tin rằng những điều dở và xấu mà con người đã làm cho nhau, Chúa luôn có thể biến thành những điều tốt lành để mang lại lợi ích cho nhiều người hơn nữa (x. St 50,20). Ngang qua mọi thăng trầm đau khổ, chúng ta nhận ra chính Chúa mới là chủ của mọi dòng lịch sử. Chính sự quan phòng của Thiên Chúa là cội nguồn của mọi niềm hy vọng. Vì thế, với người Việt, dù sống trên đất nước Việt Nam hay ở khắp nơi trên thế giới, 50 năm là dịp đáng để nhìn lại, để suy gẫm, để tạ ơn, và để cho những vết thương của mình được chữa lành. Năm Thánh là cơ hội để những con người cùng dòng máu và nguồn cội có thể trao cho nhau sự tin tưởng và cùng hướng đến một tương lai hy vọng, cho chính mình và cho cả thế hệ con cháu.
Vatican News Tiếng Việt mong muốn góp phần cử hành Năm Thánh 2025 ý nghĩa bằng một giải truyện ngắn với chủ đề: “Hy vọng và Hoà giải”.
Thể lệ:
1. Truyện ngắn được sáng tác diễn tả về đời sống đức tin Công giáo phù hợp với chủ đề “Hy vọng và Hoà giải”
2. Đối tượng tham gia: các tác giả viết văn chuyên nghiệp và không chuyên, cả trong và ngoài nước
3. Ngôn ngữ: tiếng Việt
4. Mỗi truyện không quá 3000 từ.
5. Mỗi tác giả dự thi nộp tối thiểu 3 truyện và không giới hạn số lượng bài dự thi
6. Bài thi chỉ được nhận qua email và gởi kèm file định dạng văn bản (.doc, .docx)
7. Bài dự thi hợp lệ cần bao gồm các thông tin ở trang đầu:
- Tên thánh, họ và tên
- Bút danh
- Năm sinh
- Địa chỉ
- Giáo xứ, giáo phận
- Số điện thoại (+mã quốc gia)
- Email
8. Mỗi bài dự thi sẽ được nhập hồ sơ theo lần gởi đầu tiên, mọi chỉnh sửa về sau đều không được chấp nhận
9. Bài dự thi chưa được đăng trên bất kỳ sách báo hoặc nền tảng truyền thông nào
10. Cách thức gởi bài dự thi:
- Gởi email đến địa chỉ: tiengviet@vaticannews.va
- Cấu trúc tiêu đề email: [HY VỌNG VÀ HOÀ GIẢI] – Tên tác giả – Giáo phận
11. Tác giả sẽ được Vatican News Tiếng Việt phản hồi đã nhận được bài trong 3 ngày làm việc
12. Thời gian nhận bài: từ ngày khai mạc Năm Thánh 24/12/2024 đến 30/09/2025
13. Cuộc thi gồm 6 giải chính thức và 5 giải triển vọng:
- Một giải nhất: 25 triệu VNĐ
- Hai giải nhì: mỗi giải 10 triệu VNĐ
- Ba giải ba: mỗi giải 05 triệu VNĐ
- Năm giải triển vọng: mỗi giải 01 triệu VNĐ
14. Các tác phẩm dự thi sẽ được đánh mã số và đăng trên website của Vatican News Tiếng Việt.
15. Vatican News Tiếng Việt sẽ giữ bản quyền các tác phẩm đạt giải và được dùng để chuyển thể thành multimedia cho các kênh truyền thông của Vatican News Tiếng Việt
16. Kết quả cuộc thi sẽ được công bố vào ngày 01/12/2025 trên website của Vatican News Tiếng Việt
17. Lễ trao giải sẽ được tổ chức online và được phát trực tuyến trên kênh Youtube của Vatican News Tiếng Việt vào ngày 15/12/2025
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/giai-truyen-ngan-nam-thanh-2025-hy-vong-va-hoa-giai-42208.html
40. Giám đốc công ty Eko-Okna ở Ba Lan xây nhà nguyện cho nhân viên
Ngôi nhà màu trắng, cửa kính màu với tháp chuông phía trên có hình Thánh giá, đó là ngôi nhà nguyện của ông Mateusz Kłosek, chủ sở hữu công ty Eko-Okna ở Ba Lan, dành cho nhân viên đến cầu nguyện.
Vatican News
Già trẻ, độc thân hay đã kết hôn đều có thể đến đây. Mọi người có thể đến nơi thờ phượng bằng xe đạp, ô tô cá nhân hoặc xe của công ty. Nhà nguyện Đức Mẹ Mân Côi ở Kornice, Thượng Sileisa là nơi bất cứ ai cảm thấy cần ở một mình với Chúa đều có thể tìm được giây phút bình an và gặp gỡ.
Nhiều giờ cầu nguyện, ngay cả trong lúc làm việc
Nhà nguyện nằm ngay cạnh con đường đất, ven rừng Pulow. Bên trong có những hàng nghế, trên đó để sẵn Kinh Thánh, một số sách thiêng liêng, và cả một cuốn sổ để mọi người nếu muốn viết lên những cảm nhận, chia sẻ và ý chỉ xin cầu nguyện. Trên cung thánh, bên cạnh tượng Đức Mẹ là nhà tạm có Chúa Giêsu Thánh Thể.
Trang web của nhà nguyện viết: Có một nơi không làm bạn lo sợ. Ở đó hoàn toàn tĩnh lặng, nhưng bạn không cảm thấy cô đơn. Nơi này, bạn có thể khóc và cười với xác tín rằng bạn có một người bên cạnh, và sẽ không bao giờ xa bạn. Ở đây, bạn có cơ hội mở rộng con tim, đôi mắt và tâm trí. Hãy đến, dừng lại và bạn sẽ nhìn mọi sự xung quanh với đôi mắt khác. Có rất nhiều thứ chúng ta không thể giải quyết được. Rất nhiều khoảnh khắc chúng ta muốn chia sẻ. Sự bất an, nghi ngờ, khó khăn… Ở đó, bạn sẽ không đơn độc. Ở đó có người đang đợi bạn, sẽ giúp bạn gánh vác gánh nặng cuộc sống hàng ngày. Bạn không cần giải thích, vì người đó hiểu bạn hơn chính bạn. Có người đang đợi bạn, người rất yêu thương bạn, muốn giúp đỡ, an ủi và nâng đỡ bạn. Ở đây bạn sẽ lấy lại sức mạnh, niềm tin và hy vọng rằng mọi thứ trong cuộc sống đều có ý nghĩa. Đừng sợ! Hãy để mình được mời đến một cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Thánh Thể tại Nhà nguyện Đức Mẹ Mân Côi ở Kornice. Ở đó, trong tĩnh lặng, bạn sẽ tìm thấy câu trả lời cho mọi câu hỏi bạn đặt ra trong cuộc sống.
Trang web có phần hướng dẫn mọi người đăng ký giờ chầu Thánh Thể. Những người tham gia, đầu tiên là nhân viên của công ty và bất cứ ai muốn cũng có thể đăng ký tham gia mỗi tuần một giờ cầu nguyện trước Thánh Thể. Tất cả được công bố rõ ràng để mọi người thực hiện, đảm bảo luôn có người đến thờ lạy Thánh Thể.
Ý tưởng mới của chủ sở hữu Eco-Windows
Nhà nguyện Đức Mẹ Mân Côi được xây dựng bởi Mateusz Klosek, chủ sở hữu công ty Eko-Okna, gần Raciborz, và chủ tịch Tổ chức Trẻ em chúng ta-giáo dục, Y tế, Đức tin. Tổ chức này được nhiều người biết đến nhờ tài trợ cho chiến dịch quảng bá ủng hộ các giá trị gia đình và ủng hộ sự sống, cũng như những ai chăm sóc giai đoạn cuối đời.
Trong sổ đăng ký, nhân viên công ty có thể đến đây vào bất cứ giờ nào, cả trong giờ làm việc. Ngoài ra, công ty còn cung cấp cho nhân viên một xe để đưa họ đến điểm hẹn với Chúa Giêsu Thánh Thể.
Cuộc đời của Mateusz Klosek
Mặc dù sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật, nhưng Mateusz Klosek lại hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh từ 30 năm qua. Là cha của ba người con, ông luôn mơ ước tạo ra một công ty vĩ đại.
Là người không thích xuất hiện với giới truyền thông, nhưng gần đây ông đã quyết định chia sẻ về đời sống cá nhân trong chuyến hành hương đến Jasna Gora. Mateusz Klosek muốn đem ra lời chứng về cuộc hoán cải của chính ông.
Theo lời Mateusz Klosek, khi còn nhỏ, ông đã trải qua một thời gian dài sống xa cha mẹ. Sau đó là cuộc khủng hoảng trong đời sống hôn nhân đã khiến ông rơi vào chứng nghiện rượu, mọi tương quan đều đổ vỡ. Thế nhưng khi tìm gặp được Chúa trong cuộc đời, thái độ của ông đã thay đổi, không chỉ với gia đình mà cả với nhân viên và những ai làm việc với ông.
Ngoài nỗ lực để hoạt động kinh doanh của công ty ngày càng phát triển, ông còn đang thực hiện trách nhiệm xã hội và tham gia các hoạt động bác ái. Quỹ Trẻ em chúng ta-Giáo dục, Y tế, Đức tin, do ông làm chủ tịch, hỗ trợ tài chính cho trẻ em và những người có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời giúp đỡ các tổ chức nhà nước và tổ chức phi chính phủ.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/giam-doc-cong-ty-eko-okna-o-ba-lan-xay-nha-nguyen-cho-nhan-vien-42209.html
41. 47,5% trẻ em sinh ra ở Tây Ban Nha vào năm 2023 được rửa tội trong Giáo hội Công giáo
Trong Báo cáo Hoạt động năm 2023 của Giáo hội Công giáo ở Tây Ban Nha do Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha trình bày, tổng cộng Giáo hội đã rửa tội cho 152.426 trẻ em trong số 320.656 trẻ em chào đời trong năm 2023, chiếm 47,5%.
Hồng Thủy - Vatican News
Giám mục, linh mục và tu sĩ
Theo dữ liệu do Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha cung cấp, Giáo hội Công giáo ở Tây Ban Nha có 119 giám mục, trong đó có 44 vị hưu trí; 15.285 linh mục, với khoảng một nửa trên 65 tuổi; 587 phó tế vĩnh viễn và 957 đại chủng sinh; 32.500 tu sĩ và hơn 7.600 đan sĩ nam nữ.
Ngoài ra, gần 10.000 nhà truyền giáo (trong đó có 6.000 người đang hoạt động) truyền bá Phúc Âm tại 139 quốc gia.
Các hiệp hội phong trào
Giáo hội Công giáo ở Tây Ban Nha có 80 hiệp hội và phong trào giáo dân với hơn 400.000 thành viên, hơn 81.000 giáo lý viên và gần 37.000 giáo viên dạy tôn giáo.
Trong lĩnh vực đạo đức bình dân, có 5.332 hội huynh đệ với hơn một triệu thành viên.
Ước tính có 8,2 triệu người trên 10 tuổi thường xuyên tham dự Thánh lễ.
Công việc mục vụ của Giáo hội về cơ bản được cơ cấu xung quanh gần 23.000 giáo xứ, trong đó ước tính các linh mục đã cống hiến gần 27 triệu giờ trong suốt năm 2023. Ngoài ra còn có hoạt động mục vụ và phụng vụ tại 87 nhà thờ chính tòa và 639 đền thánh trải rộng trên 69 giáo phận tòng thổ, và một Tổng Giáo phận Quân đội.
Mục vụ Bí tích và giáo dục
Thông qua các giáo phận, các dòng tu và các công ty giáo dục có nguồn gốc Công giáo, Giáo hội tại Tây Ban Nha điều hành một mạng lưới hơn 2.500 trung tâm giáo dục trong đó có một triệu rưỡi học sinh.
Về mục vụ bí tích, trong năm 2023, Giáo hội Công giáo rửa tội cho 152.426 trẻ em, ban Bí tích Thêm Sức cho 107.153 người và ban Bí tích Xức dầu cho 26.120 người.
Hoạt động bác ái và xã hội
Các hoạt động bác ái và xã hội của Giáo hội Công giáo ở Tây Ban Nha, bao gồm cả công việc do Cáritas Española và Manos Unidas thực hiện, trợ giúp cho hơn 4 triệu người trong năm 2023.
Mục vụ y tế đã phục vụ gần 100.000 bệnh nhân trong bệnh viện và hơn 65.000 người tại nhà mỗi tháng với sự giúp đỡ của 874 giáo sĩ và hơn 18.000 tình nguyện viên.
Ngoài ra, nhiều tổ chức Công giáo khác nhau hỗ trợ 230 trung tâm giúp đỡ phụ nữ mang thai và bảo vệ gia đình, trong đó hơn 85.000 người đã được giúp đỡ.
Giáo hội Công giáo đã hỗ trợ hơn 120.000 người di cư vào năm 2023 thông qua 132 trung tâm tiếp nhận; tại các nơi này họ cũng được hướng dẫn về pháp lý và việc làm, cùng các viện trợ khác. (ACI Prensa 11/12/2024)
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/475-tre-em-sinh-ra-o-tay-ban-nha-vao-nam-2023-duoc-rua-toi-trong-giao-hoi-cong-giao-42210.html
42. Thánh lễ kỷ niệm 25 năm mở cửa lại nhà thờ chính tòa Công giáo ở Moscow
Chiều ngày 11/12/2024, tại Moscow, Đức Tổng Giám mục Tadeusz Kondrusiewicz, nguyên Giám mục giáo phận Minsk-Mahilëŭ, đã chủ tế Thánh lễ kỷ niệm 25 năm mở cửa lại nhà thờ chính tòa dâng kính Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Ngài nói: “Trong những năm này chúng ta đã cho thấy rằng nhà thờ này là dấu chỉ của Đấng Phục Sinh và là nhà của mọi người”.
Vatican News
Tham dự Thánh lễ có các đại diện ngoại giao, chính quyền thành phố, Giáo hội Chính Thống Nga và một số giám mục và linh mục Công giáo. Sau Thánh lễ có buổi khai mạc triển lãm ảnh về nhà thờ chính tòa và buổi hòa nhạc đàn organ.
Lịch sử của nhà thờ
Lịch sử của nhà thờ gắn liền với cộng đoàn Công giáo Ba Lan. Vào năm 1894, các công nhân Ba Lan xây dựng các tuyến đường sắt trong thành phố đã yêu cầu chính quyền xây dựng một nhà thờ mới, vì hai nhà thờ hiện có khi đó ở Moscow không đáp ứng đủ nhu cầu mục vụ của cộng đoàn. Dự án được khởi công vào năm 1899 và nhà thờ được thánh hiến vào ngày 8/12/1911, lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, cũng là tước hiệu của nhà thờ. Năm 1919 nhà thờ trở thành giáo xứ tự trị.
Vào tháng 8/1937, trong cuộc thanh trừng của Stalin, cha xứ Michał Cakul đã bị bắn. 11 tháng sau nhà thờ chính thức bị đóng cửa và nhiều giáo dân bị đàn áp. Tòa nhà bị phá hủy và bị cướp phá, bị hư hại nặng nề trong Thế chiến thứ hai. Sau đó, chính quyền tiến hành thiết kế lại các không gian bên trong, ban đầu trở thành ký túc xá cho công nhân và sinh viên các viện kỹ thuật, sau đó là kho chứa hàng thực phẩm và trụ sở của một công ty.
Vào cuối những năm 1980, cộng đồng người Ba Lan quay trở lại yêu cầu mở lại nhà thờ và vào ngày 8/12/1990, sau hơn 50 năm, một Thánh lễ đã được cử hành trong sân nhà thờ, trước bậc thềm ở lối vào.
Đức Tổng Giám mục Kondrusiewicz là người đóng vai trò chính trong những sự kiện cách đây 25 năm. Qua sắc lệnh Providi quae Decessores, vào ngày 13/4/1991 Đức Gioan Phaolô II đã thành lập các tòa Giám quản Tông tòa của nước Nga thuộc châu Âu và nước Nga thuộc châu Á và bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Tadeusz Kondrusiewicz làm Giám quản Tông tòa của Moscow.
Đức Tổng Giám mục đã ra sắc lệnh tái lập giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội: trong 5 năm, các buổi cử hành phụng vụ, xưng tội, giáo lý và gặp gỡ giới trẻ diễn ra trong sân nhà thờ. Năm 1996, sau khi Đức Tổng Giám mục yêu cầu Tổng thống Boris Yeltsin, tòa nhà được trao lại cho cộng đồng Công giáo.
Vào ngày 12/12/1999, Đức Hồng Y Angelo Sodano, khi đó là Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã thánh hiến nhà thờ đã được trùng tu. (Fides 12/12/20224)
Link nội dung đầy đủ:
43. Lần đầu tiên Đức Thánh Cha bổ nhiệm phụ nữ làm thành viên Hội đồng thường kỳ của Thượng Hội đồng
Vào ngày 13/12/2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm 4 thành viên của Hội đồng thường kỳ của Ủy ban Thư ký của Thượng Hội đồng thứ 16, trong đó có hai phụ nữ là Sơ Simona Brambilla và tiến sĩ María Lía Zervino. Đây là lần đầu tiên hai phụ nữ được bổ nhiệm vào số bốn bổ nhiệm bởi Đức Thánh Cha, và do đó họ không nhất thiết phải là Giám mục.
Vatican News
Bốn thành viên do Đức Thánh Cha bổ nhiệm
Bốn thành viên được Đức Thánh Cha bổ nhiệm gồm Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Dòng Tên, Tổng Giám mục Luxembourg, tổng tường trình viên của hai phiên họp của Thượng Hội đồng thứ 16, vào tháng 10/2023 và tháng 10/2024; Đức Hồng Y Roberto Repole, Tổng Giám mục Torino của Ý, mới được thăng Hồng y trong Công nghị ngày 7/12 vừa qua; Nữ tu Simona Brambilla, Tổng Thư ký Bộ Tu sĩ; và bà María Lía Zervino, Chủ tịch Liên minh các Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới, được bổ nhiệm làm thành viên của Bộ Giám mục vào năm 2022.
17 thành viên
Với những sửa đổi đối với điều 10 của Huấn thị về việc cử hành các Đại hội Thượng hội đồng và về hoạt động của Ủy ban Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, được Đức Thánh Cha phê chuẩn vào ngày 17/10 năm nay, Hội đồng thường kỳ Ủy ban Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng gồm 17 thành viên.
Trong buổi họp chung thứ 15 của Đại hội Thượng hội đồng Giám mục lần thứ XVI vào ngày 23/10 năm nay, 12 vị đã được bầu chọn trong số các Giám mục giáo phận/giáo phận Đông phương hoặc tương đương, 1 vị từ các Giáo hội Công giáo Đông phương, 1 vị từ Châu Đại Dương, trong khi Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, Châu Âu, Châu Phi và Châu Á mỗi nơi có 2 vị.
Còn thành viên cuối cùng là một lãnh đạo một Bộ của Giáo triều Roma có liên quan đến chủ đề của Thượng Hội đồng tiếp theo. Theo tông hiến "Episcopalis Communio" (số 24, 1-3), Hội đồng thường kỳ của Ban Tổng thư ký có thẩm quyền chuẩn bị và thực hiện Đại hội Thượng Hội đồng thường kỳ. Các thành viên của Hội đồng thường kỳ sẽ bắt đầu công việc vào cuối Đại hội Thượng Hội đồng đã bầu họ; họ là thành viên của Đại hội Thượng Hội đồng thường kỳ tiếp theo và chấm dứt nhiệm vụ khi Đại hội Thượng Hội đồng này kết thúc.
Hội đồng thường kỳ, do Đức Thánh Cha lãnh đạo, là một bộ phận không thể thiếu của Ủy ban Tổng Thư ký Thượng Hội đồng.
Hội đồng thường kỳ mới sẽ họp qua hội nghị video vào ngày 17/12/2024, sẽ đóng một vai trò căn bản trong việc thực hiện tiến trình Thượng Hội đồng về tính hiệp hành này và trong việc chuẩn bị cho Thượng Hội đồng tiếp theo.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/lan-dau-tien-duc-thanh-cha-bo-nhiem-phu-nu-lam-thanh-vien-hoi-dong-thuong-ky-cua-thuong-hoi-dong-42216.html
44. Số chủng sinh Tây Ban Nha tăng sau nhiều năm giảm
Sau nhiều năm giảm, năm nay, số chủng sinh của Giáo hội Tây Ban Nha vượt con số 1.000, nghĩa là tăng 239 thầy. Ngoài ra còn có 103 chủng sinh nước ngoài đang được đào tạo tại Tây Ban Nha.
Vatican News
Tổng cộng, số chủng sinh của 69 giáo phận thuộc lãnh thổ và Tổng Giám mục Quân đội lên tới 1.036 so với 956 trong năm học 2023-2024 và 974 trong năm học 2022-2023.
Trong số 1.036 chủng sinh, 79% thuộc các chủng viện giáo phận (825 thầy), trong khi 211 thầy được đào tạo tại chủng viện Mẹ Đấng Cứu Chuộc của Con đường Tân Dự Tòng.
Theo dữ liệu do Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha cung cấp, tính thêm sinh viên từ các quốc gia khác đang được đào tạo ở Tây Ban Nha, tổng cộng có 1.239 sinh viên cho năm học 2024-2025.
Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha khẳng định có ba yếu tố giải thích sự thay đổi rõ ràng về xu hướng số chủng sinh ở Tây Ban Nha. Đầu tiên là sự hồi sinh của toàn thể hoạt động chăm sóc mục vụ của Giáo hội, và đặc biệt hơn là mục vụ giới trẻ và ơn gọi, sau khi đại dịch chấm dứt. Những thành quả mục vụ đầu tiên của những năm gần đây giờ đây đã bắt đầu được cảm nhận.
Thứ hai, các vị mục tử nhấn mạnh đến tác động của Ngày Giới trẻ Thế giới được tổ chức tại Lisbon vào năm 2023: “Những sự kiện đặc biệt của Giáo hội cũng có xu hướng đánh thức nơi một số thanh niên mối quan tâm về ơn gọi linh mục, mối quan tâm mà khi được đồng hành một cách thích hợp, có thể bao hàm việc gia nhập Đại chủng viện”.
Thứ ba, theo các Giám mục là yếu tố chính, đó là cần phải đọc một cách tin tưởng về thực tế, dựa trên sự chắc chắn rằng Thiên Chúa tiếp tục thực hiện lời hứa của Người là ban cho chúng ta những mục tử theo lòng Chúa mong muốn.
Các Giám mục nói thêm: “Giữa một xã hội mà chiều kích ơn gọi của con người đã bị đánh mất, mỗi chủng sinh trở thành một dấu lạ thực sự và là dấu chỉ sự can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử của chúng ta”.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/so-chung-sinh-tay-ban-nha-tang-sau-nhieu-nam-giam-42226.html
45. Đức Thánh Cha: Chiến tranh là một vết thương nghiêm trọng gây ra cho gia đình nhân loại
Đức Thánh Cha gửi thư cho Đức Tổng Giám Mục Giovanni d’Aniello, Sứ thần Toà Thánh tại Nga, than phiền về đau khổ mà những người dân vô tội phải chịu, đồng thời kêu gọi vị đại diện của ngài thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm hoà bình.
Vatican News
Cách đây đúng một tháng, đánh dấu 1.000 ngày Ucraina bị Nga xâm lược, Đức Thánh Cha đã viết thư cho Sứ thần Toà Thánh tại Ucraina, bày tỏ sự gần gũi với dân tộc tử đạo, nhấn mạnh “Chúa sẽ có lời cuối cùng đối với thảm kịch to lớn này”. Và ngày 12/12 vừa qua, một lần nữa Đức Thánh Cha viết thư cho Sứ thần Toà Thánh ở Nga.
Đức Thánh Cha nói ngài muốn hành động như “người diễn giải” nỗi đau của hàng chục ngàn bà mẹ, ông bố và trẻ em đang thương tiếc những người thân yêu của họ đã ngã xuống trong chiến tranh, hoặc đau buồn vì những người mất tích, bị bắt làm tù binh hoặc bị thương, dù là quân nhân hay dân thường.
Ngài nhấn mạnh: “Tiếng kêu của họ thấu đến Chúa, cầu xin hòa bình thay vì chiến tranh, đối thoại thay vì tiếng gầm rú của vũ khí, liên đới thay vì lợi ích cá nhân, bởi vì người ta không bao giờ có thể giết người nhân danh Chúa”.
Theo Đức Thánh Cha, thời gian đau đớn và kéo dài của cuộc chiến này thách đố chúng ta một cách cấp bách, kêu gọi chúng ta cùng nhau suy nghĩ về cách làm sao để giảm bớt đau khổ của những người bị ảnh hưởng và tái xây dựng hòa bình.
Nhắc lại mối quan tâm cá nhân đối với các báo cáo về nỗi đau do xung đột gây ra trong khu vực, đặc biệt đối với những người vô tội, Đức Thánh Cha nói thêm: “Tất cả chúng ta đều gắn kết với nhau bởi trách nhiệm chung, trong tinh thần của tình huynh đệ nhân loại thực sự”.
Đồng cảm với tiếng kêu của những người đang đau khổ, Đức Thánh Cha nói tâm hồn ngài “đau buồn vì những cuộc đời tan vỡ, hủy diệt và đau khổ, cũng như vết thương nghiêm trọng mà cuộc chiến này gây ra cho gia đình nhân loại”. Và ngài tin rằng những nỗ lực nhân đạo hướng đến những người dễ bị tổn thương nhất có thể mở đường cho những nỗ lực ngoại giao mới, cần thiết để ngăn chặn sự tiến triển của cuộc xung đột và đạt được nền hòa bình đã mong đợi từ lâu.
Cuối cùng, hướng đến “con đường chung này”, Đức Thánh Cha nhắc đến lời của “một người khôn ngoan của Chúa, rất được người dân Nga yêu quý”, Thánh Seraphim thành Sarov: “Hãy có tinh thần hòa bình, và hàng ngàn người xung quanh bạn sẽ được cứu”.
Cuối thư, Đức Thánh Cha mời “mọi người thiện chí cùng cầu nguyện, xin Chúa món quà hòa bình và dấn thân đóng góp cho mục tiêu cao cả này, vì lợi ích của toàn thể nhân loại”.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-chien-tranh-la-mot-vet-thuong-nghiem-trong-gay-ra-cho-gia-dinh-nhan-loai-42227.html
46. ĐTC Phanxicô: Người Philippines là những con người của đức tin
Sáng thứ Hai ngày 16/12/2024, gặp gỡ các đại diện của Cộng đồng Philippines ở Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha khuyến khích họ hãy tin tưởng vào Chúa Giêsu, dù cho gặp khó khăn vẫn không bao giờ mất hy vọng, sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa nơi tha nhân để xây dựng Giáo hội thành nơi cư ngụ ấm áp đón tiếp mọi người. Ngài cũng nhắc lại Thánh lễ ngài cử hành với 7 triệu tín hữu ở Manila. Ngài khen ngợi người Philippines là những con người của đức tin và mời gọi họ tiếp tục làm chứng tá đức tin trong xã hội.
Hồng Thủy - Vatican News
Buổi tiếp kiến diễn ra nhân dịp cộng đồng Philippines ở Tây Ban Nha kỷ niệm 25 năm thành lập giáo xứ tòng nhân Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và Thánh Lorenzo Ruiz, của tín hữu Philippines ở Barcelona.
Giáo hội là nơi cư ngụ cho mọi người
Trước hết, dựa trên từ ngữ “Tahanan”, có nghĩa là nơi cư ngụ, mà người Philippines dùng để gọi cơ sở truyền giáo của họ, Đức Thánh Cha nói với họ rằng Giáo hội là nơi cư ngụ, “bất cứ nơi nào chúng ta đến, là ngôi nhà ấm áp và chào đón đối với chúng ta, và hôm nay nhà Thánh Phêrô là ngôi nhà dành cho anh chị em”.
Đức Mẹ luôn bảo vệ và trợ giúp các di dân
Ngài cũng nhắc rằng Đức Mẹ luôn hiện diện với những người di dân khi họ không được chào đón, phải đối diện với vô số khó khăn và hiểu lầm, để họ không mất hy vọng và có thể đối mặt với những vấn đề, tin tưởng vào sự bảo vệ và hỗ trợ của Mẹ.
Hội nhập văn hóa, phục vụ Thiên Chúa nơi tha nhân
Tiếp đến, Đức Thánh Cha nhắc đến Thánh Lorenzo Ruiz như gương mẫu cho sự hội nhập văn hóa. Thánh nhân đã kết hợp cách tuyệt vời nguồn gốc Trung Quốc và Philippines cùng với đức tin được người Tây Ban Nha rao giảng. Hơn nữa, thánh nhân còn phải từ bỏ mảnh đất của mình vì sự bất công, cụ thể là sự phỉ báng, giống như nhiều người ngày nay vẫn bị buộc phải di cư để cứu mạng sống hoặc tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn. Và khi đến vùng đất lẽ ra sẽ được chào đón, Thiên Chúa đã yêu cầu thánh nhân làm chứng cho đức tin bằng chứng tá của tình yêu cao cả nhất: hiến dâng chính mạng sống mình.
Đức Thánh Cha cũng đề cập đến Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, người đứng đầu Phân bộ Loan báo Tin Mừng lần đầu của Bộ Loan báo Tin Mừng, và mời gọi các tín hữu noi theo gương Thánh Lorenzo Ruiz cũng như Đức Hồng y Tagle, dù phải rời quê hương nhưng cả hai vị đã tin tưởng vào Chúa và không bao giờ mất hy vọng, và là mẫu gương về cuộc sống tận hiến phục vụ Thiên Chúa nơi anh chị em mình.
Chứng tá đức tin trong xã hội
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc lại hai kỷ niệm đẹp khi ngài viếng thăm Philippines: Thánh lễ với 7 triệu tín hữu ở Manila, và Thánh lễ ở Tocloban với mưa bão ập đến. Ngài khen ngợi người Philippines là những người của đức tin, với đức tin tuyệt và chứng tá đức tin tuyệt vời mà họ thể hiện. Ngài thúc giục họ tiếp tục làm chứng tá trong xã hội.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-nguoi-philippines-la-nhung-con-nguoi-cua-duc-tin-42228.html
47. Hệ thống chiếu sáng và nước uống cho khánh hành hương trong Năm Thánh
Ngày 16/12, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Phụ trách Phân Bộ thứ nhất của Bộ Loan báo Tin Mừng, và tập đoàn Acea của Ý đã có buổi giới thiệu hệ thống chiếu sáng mới tại Quảng trường Thánh Phêrô, và hệ thống cung cấp nước uống miễn phí cho các tín hữu hành hương đến Roma trong Năm Thánh.
Vatican News
Một trong những dự án quan trọng nhất được tập đoàn Acea thực hiện tại Quảng trường Thánh Phêrô nói riêng và Roma nói chung cho Năm Thánh là nâng cấp hệ thống chiếu sáng cho các bức tượng ở hàng cột của Quảng trường.
Nhờ dự án kiến trúc ánh sáng này, 140 tác phẩm điêu khắc bằng đá trên các hàng cột sẽ được chiếu sáng bằng 280 máy chiếu LED đời mới nhất, giúp tiết kiệm năng lượng và tác động thấp đến môi trường.
Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella giải thích, đây không chỉ là một hoạt động thẩm mỹ, vì mỗi bức tượng đều tuân theo một trình tự chính xác cần được làm nổi bật, mà còn thể hiện một cuộc đối thoại linh thiêng.
Công ty cũng đã cải tạo và nâng cấp hệ thống chiếu sáng LED công cộng cho Quảng trường Thánh Phêrô, đường Hoà Giải - đại lộ dẫn đến Quảng trường, và đèn chùm trên hàng cột Bernini.
Mười bốn “Ngôi nhà Nước”
Cũng trong buổi giới thiệu, tập đoàn Acea cho biết nhằm cung cấp nước uống miễn phí cho các tín hữu hành hương và khách du lịch đến Roma, ngoài 2.500 vòi phun nước công cộng hiện có và có thể uống, ông ty đã cho lắp đặt thêm “14 Ngôi nhà Nước” tại các địa điểm quan trọng của Roma, nơi có nhiều người đến.
Hai trong số này được đặt ở gần Viện Bảo tàng Vatican, và lối vào Phố Leonine, sẽ được Đức Thánh Cha làm phép vào thứ Tư ngày 18/12. Đây là một cử chỉ biểu tượng rất có ý nghĩa, vì trước ngưỡng Năm Thánh, “Ngôi nhà Nước” là một nhu cầu thiết yếu cho sự sống, một hành vi phụng vụ và một công trình của Lòng Thương Xót.
Ứng dụng “Acquea” mới
Ứng dụng “Acquea” mới cũng đã được ra mắt. Ứng dụng này xác định vị trí địa lý hơn 150.000 điểm nước trên bản đồ, cung cấp thông tin về chất lượng nước được cung cấp bằng ba ngôn ngữ: Ý, Anh và Tây Ban Nha.
Cuối cùng, công ty Acea sẽ hỗ trợ Năm Thánh Thanh thiếu niên, sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 27/4/2025 và dự kiến sẽ thu hút hơn 100.000 thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi. Acea sẽ thúc đẩy nhận thức về bảo tồn nước thông qua một dự án giáo dục về nước tại các trường học.
Đức Tổng Giám Mục Fisichella ca ngợi các sáng kiến này, bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hỗ trợ của Acea trong việc thúc đẩy tính bền vững.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/he-thong-chieu-sang-va-nuoc-uong-cho-khanh-hanh-huong-trong-nam-thanh-42233.html
48. Đức Thánh Cha: Đức tin không phải là thuốc phiện của dân chúng
Vào ngày sinh nhật thứ 88 của Đức Thánh Cha, báo “La Repubblica” của Ý đã đăng tải một trích đoạn trong cuốn tự truyện “Hy vọng” của ngài, trong đó kể lại tuổi thơ của ngài ở Buenos Aires. Cuốn tự truyện được ngài viết cùng với ông Carlo Musso, kể lại tuổi thơ của ngài ở Buenos Aires và những khó khăn về mặt hậu cần trong chuyến thăm Iraq năm 2021 của ngài. Cuốn sách được xuất bản bởi nhà xuất bản Mondadori của Ý và sẽ được phát hành vào ngày 14/1/2025 tại hơn 100 quốc gia.
Vatican News
Tuổi thơ ở Buenos Aires
“Khi ai đó nói với tôi rằng tôi là một Giáo hoàng villero (khu ổ chuột), tôi cầu nguyện để xứng đáng với điều đó”, Đức Thánh Cha nói trong tự truyện, khi ngài nhớ lại “thế giới thu nhỏ phức tạp, đa sắc tộc, đa tôn giáo và đa văn hóa” của khu Flores ở Buenos Aires, nơi ngài đã trải qua thời thơ ấu. Ngài nói về mối quan hệ của ngài với những người bạn Công giáo, Do Thái và Hồi giáo, và nói rằng “Sự khác biệt là bình thường và chúng tôi tôn trọng lẫn nhau”.
“Mađalêna thời hiện đại”
Đức Thánh Cha cũng kể về những trải nghiệm thời thơ ấu của mình khi nhìn thấy gái mại dâm trên đường phố Buenos Aires; ngài gọi đó là hình ảnh của “mặt tối và khó khăn nhất của cuộc sống”. Là một giám mục, ngài đã cử hành Thánh lễ cho một số phụ nữ đã thay đổi cuộc sống của họ.
Ngài nhớ lại một người phụ nữ tên là Porota, đã thay đổi cuộc đời và chăm sóc cho những người già trong viện dưỡng lão không có ai chăm sóc, muốn chăm sóc những cơ thể mà không ai khác quan tâm đến. Ngài gọi bà là “Mađalêna đương đại”.
Bà Porota đã gọi ngài lần cuối, từ bệnh viện, ngay trước khi qua đời, để lãnh nhận Bí tích Xức dầu Bệnh nhân và Rước lễ.
Đức Thánh Cha viết: “Bà đã chết cách tốt đẹp - giống như ‘những người thu thuế và gái mại dâm’, những người ‘đi trước chúng ta trong vương quốc của Thiên Chúa’ (Mt 21,31). Tôi rất quý mến bà. Ngay cả bây giờ, tôi không bao giờ quên cầu nguyện cho bà vào ngày giỗ của bà”.
Đức tin không phải là thuốc phiện, nhưng là gặp gỡ và phục vụ
Nói về những khu vực nằm bên lề thành phố, nơi mà “Nhà nước vắng bóng trong bốn mươi năm” và nghiện ma túy là “một tai họa nhân lên sự tuyệt vọng”, Đức Thánh Cha khẳng định rằng “ở những vùng ngoại vi này, nơi mà Giáo hội ngày càng phải lấy làm trung tâm, một nhóm giáo dân và linh mục như Cha Pepe, [cha sở ở một khu ổ chuột] sống và làm chứng cho Phúc âm mỗi ngày, giữa những người bị nền kinh tế giết chóc loại bỏ”.
Những thực tế khắc nghiệt này cho thấy sự thật rằng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, tôn giáo “không phải là thuốc phiện của con người, một câu chuyện an ủi ru ngủ con người”. Ngược lại, “nhờ đức tin và sự dấn thân mục vụ và dân sự” mà các khu ổ chuột “đã tiến triển theo những cách không thể tưởng tượng được, mặc dù có những khó khăn to lớn”. Cũng giống như đức tin, “mỗi việc phục vụ là một cuộc gặp gỡ, và chúng ta đặc biệt có thể học được nhiều điều từ người nghèo”.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-duc-tin-khong-phai-la-thuoc-phien-cua-dan-chung-42236.html
49. Trong tự truyện, Đức Thánh Cha tiết lộ rằng ngài thoát khỏi hai vụ mưu sát trong chuyến thăm Iraq năm 2021
Trong một trích đoạn từ cuốn tự truyện dài 400 trang có tựa đề “Hy vọng”, được báo Corriere della Sera của Ý đăng tải vào ngày 17/12/2024, ngày sinh nhật của Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha đã tiết lộ chi tiết về hai vụ mưu sát mà ngài đã thoát khỏi trong chuyến viếng thăm Iraq vào năm 2021.
Vatican News
Cuốn tự truyện của Đức Thánh Cha được ngài viết cùng với ông Carlo Musso, kể lại tuổi thơ của ngài ở Buenos Aires và những khó khăn về mặt hậu cần trong chuyến thăm Iraq năm 2021 của ngài. Cuốn sách được xuất bản bởi nhà xuất bản Mondadori của Ý và sẽ được phát hành vào ngày 14/1/2025 tại hơn 100 quốc gia.
Đây là tự truyện đầu tiên được thực hiện bởi một Giáo hoàng trong lịch sử. Ban đầu, Đức Thánh Cha chỉ muốn xuất bản tự truyện sau khi ngài qua đời. Nhưng do Năm Thánh Hy vọng được công bố vào năm 2025 và nhu cầu của thời đại, ngài đã quyết định để lại di sản quý giá này ngay bây giờ.
Những cảnh báo mất an ninh
Suy tư về chuyến tông du Iraq từ ngày 5 đến 8/3/2021, Đức Thánh Cha cho biết hầu hết mọi người đều khuyên ngài không nên thực hiện chuyến thăm Iraq, “chuyến thăm đầu tiên của một vị Giáo hoàng đến khu vực Trung Đông bị tàn phá bởi bạo lực cực đoan và sự báng bổ của những lực lượng thánh chiến”. Khi đó đại dịch Covid-19 vẫn còn, và trên hết là các nguồn tin an ninh cho thấy độ rủi ro rất cao của chuyến viếng thăm. Thậm chí, vào đêm trước ngày ngài khởi hành, đã xảy ra các cuộc tấn công đẫm máu.
Phải thăm Iraq
Nhưng Đức Thánh Cha viết trong tự truyện: “Nhưng tôi muốn đi hết chặng đường. Tôi cảm thấy mình phải đi. Tôi đã nói, một cách thân mật, rằng tôi cảm thấy cần phải đến thăm người ông Abraham của chúng ta, tổ phụ chung của người Do Thái, Kitô hữu và người Hồi giáo”. “Nếu ngôi nhà của ông bị cháy, nếu con cháu của ông liều mạng sống hoặc mất mạng sống ở đất nước của ông, điều [tốt nhất] cần làm là đến nhà càng sớm càng tốt”. Ngài nhắc lại rằng Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã muốn đến Iraq để khai mạc Năm Thánh 2000, nhưng tổng thống Saddam Hussein đã không cho phép. Vì vậy, Đức Thánh Cha nói, “chúng ta không thể làm mọi người thất vọng lần thứ hai”.
Hai vụ mưu sát
Đức Thánh Cha nhớ lại: “Ngay khi chúng tôi hạ cánh xuống Baghdad vào ngày hôm trước. Cảnh sát [Iraq] đã báo động cho Hiến binh Vatican về một báo cáo từ các cơ quan tình báo Anh: một người phụ nữ mang đầy thuốc nổ, một kẻ đánh bom liều chết trẻ tuổi đang hướng đến Mosul để tự kích nổ trong chuyến thăm của Giáo hoàng. Và một chiếc xe tải cũng đã chạy đến với tốc độ tối đa với cùng mục đích đó”. Nhưng “chuyến viếng thăm đã tiếp tục”.
Cả hai kẻ tấn công đều bị cảnh sát Iraq chặn lại và tiêu diệt. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Điều này khiến tôi vô cùng xúc động. Đó cũng là một kết quả bị nhiễm độc của chiến tranh”.
Cuộc gặp gỡ với Đại giáo chủ Ali al-Sistani
Tuy nhiên, trong tất cả sự thù hận này, Đức Thánh Cha đã tìm thấy tia hy vọng trong cuộc gặp ngày 6/3/2021 với Đại giáo chủ Ali al-Sistani tại Najaf, một cuộc gặp gỡ mà “Tòa thánh đã chuẩn bị trong nhiều thập kỷ”.
Được tổ chức trong tinh thần huynh đệ tại nhà của Đại giáo chủ al-Sistani, Đức Thánh Cha giải thích rằng đây là “một cử chỉ hùng hồn ở phương Đông, thậm chí còn hơn cả những tuyên bố hay văn bản, vì nó biểu thị tình bạn và sự gắn bó với cùng một gia đình. Điều đó làm tâm hồn tôi cảm thấy tốt đẹp và khiến tôi cảm thấy vinh dự”.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/trong-tu-truyen-duc-thanh-cha-tiet-lo-rang-ngai-thoat-khoi-hai-vu-muu-sat-trong-chuyen-tham-iraq-nam-2021-42237.html
50. Vatican chọn các nhà tù là điểm bắt đầu cho các dự án nghệ thuật trong Năm Thánh
Trong buổi họp báo sáng ngày 17/12/2024, Đức Hồng y José Tolentino de Mendonça, Tổng trưởng Bộ Văn hóa và Giáo dục, đã trình bày một số dự án nghệ thuật đương đại của Vatican cho Năm Thánh 2025 và giải thích về sự lựa chọn bắt đầu tại nhà tù Rebibbia của Roma, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ mở Cửa Thánh vào ngày 26/12/2024.
Vatican News
Đức Hồng y Tolentino tin rằng nghệ thuật có thể chữa lành mọi người, bao gồm cả tù nhân, và có thể giúp họ tìm ra con đường đúng đắn để tiến về phía trước.
“Io Contengo Moltitudini”
Khi Đức Thánh Cha mở Cửa Thánh và cử hành Thánh lễ tại nhà tù Rebibbia, ngài sẽ được ngắm tác phẩm có tên tiếng Ý “Io Contengo Moltitudini” (“Tôi bao gồm nhiều người”). Tác phẩm cao hơn khoảng 5,8 mét, được nghệ sĩ đương đại người Ý Marinella Senatore và khoảng 60 tù nhân nam nữ đang thụ án tại Rebibbia thực hiện.
Tác phẩm giống như chiếc đèn theo phong cách baroque. Trên những tia sáng phát ra từ tác phẩm có viết những câu nói về hy vọng bằng nhiều ngôn ngữ và phương ngữ khác nhau.
Tác phẩm được trưng bày tại sân trước nhà thờ và gần nơi tù nhân gặp gỡ gia đình, từ ngày 21/12 đến giữa tháng 2 và sau đó sẽ được trưng bày tại đường Hòa giải để các du khách và tín hữu hành hương Roma trong Năm Thánh có thể chiêm ngắm.
Các dự án nghệ thuật khác tại các nhà tù
Hợp tác với các ban Năm Thánh dành cho Nghệ sĩ từ ngày 15 đến 18/2/2025, Bộ Văn hóa và Giáo dục của Tòa Thánh cũng đang yêu cầu các nghệ sĩ tạo ra các tác phẩm trưng bày tại các nhà tù khác ở Ý và trên khắp thế giới.
Dự án đầu tiên, không được Đức Hồng y Tolentino cung cấp nhiều thông tin chi tiết, sẽ được thực hiện tại nhà tù Regina Coeli của Roma, cách Vatican chưa đầy 2 km. Bà Cristiana Perrella, người phụ trách dự án cho biết, nghệ sĩ người Trung Quốc Yan Pei-Ming đã dành hai ngày để thăm các tù nhân và nhân viên.
Đức Hồng y Tolentino cho biết các tác phẩm sẽ được đặt bên ngoài nhà tù để không chỉ tù nhân và nhân viên mà cả công chúng có thể nhìn thấy. Ngài nói: “Mục tiêu là khuyến khích và hỗ trợ các trải nghiệm giúp những người bị giam giữ sống thời gian trong tù như một sự phục hồi, một sự chuẩn bị để trở về với xã hội. Đồng thời, và cũng cấp bách không kém, mục tiêu là hoán cải quan điểm tâm linh và văn hóa, trái tim và suy nghĩ của xã hội về nhà tù để mọi người coi đó là nơi phục hồi chứ không chỉ là nơi trừng phạt”.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/vatican-chon-cac-nha-tu-la-diem-bat-dau-cho-cac-du-an-nghe-thuat-trong-nam-thanh-42245.html
51. Đức Thánh Cha điện đàm với tổng thống Joe Biden
Trong cuộc trò chuyện qua điện thoại vào tối ngày 19/12/2024, Đức Thánh Cha và tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm, ông Joe Biden, đã thảo luận về những nỗ lực hòa bình nhân dịp lễ Giáng sinh, số phận của các tử tù Hoa Kỳ. Ông Biden cảm ơn Đức Thánh Cha vì hoạt động thúc đẩy nhân quyền và bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Ông cũng nhận lời mời đến thăm Vatican vào tháng 1.
Vatican News
Theo một thông báo từ Nhà Trắng - dinh tổng thống Mỹ - về cuộc điện đàm, tổng thống Biden đã cảm ơn Đức Thánh Cha về sự dấn thân không ngừng để giảm bớt đau khổ trên toàn cầu, bao gồm hoạt động thăng tiến nhân quyền và bảo vệ các quyền tự do tôn giáo.
Tổng thống Biden sẽ gặp Đức Thánh Cha vào tháng 1/2025
Thông cáo nhấn mạnh rằng tổng thống Biden “cũng đã vui lòng nhận lời mời của Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Vatican vào tháng tới”. Và do đó, đây sẽ là chuyến thăm cuối cùng trước khi ông Biden rời Nhà Trắng vào ngày 20/1/2025, khi ông Donald Trump kế nhiệm sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống của Hoa Kỳ.
Quan tâm của Đức Thánh Cha về các tử tù ở Hoa Kỳ
Một trong những vấn đề được Đức Thánh Cha đặc biệt quan tâm là vấn đề các tử tù ở Hoa Kỳ. Ngài luôn quan tâm đến vấn đề này và vào năm 2018, ngài đã thay đổi số 2267 của Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo để nhắc lại rằng án tử hình là không thể chấp nhận, luôn luôn và trong mọi trường hợp, bởi vì nhân phẩm của một người không hề suy giảm thậm chí khi họ phạm tội nghiêm trọng.
Trong một video ý cầu nguyện hàng tháng trong năm 2022, Đức Thánh Cha đã nhắc lại lời nói “không” của ngài đối với một biện pháp không mang lại công lý mà chỉ thúc đẩy sự trả thù. Trong sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình năm 2025, ngài hy vọng rằng các bước cụ thể có thể được thực hiện ví dụ như việc tha nợ nước ngoài cho các nước nghèo và việc bãi bỏ án tử hình ở mọi quốc gia trên thế giới (có hiệu lực ở 53 quốc gia cho đến năm 2022).
Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin vào ngày 8/12/2024, Đức Thánh Cha cũng mời gọi các tín hữu “cầu nguyện cho các tù nhân đang chờ thi hành án tử hình ở Hoa Kỳ”.
Sau lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã gửi tới tất cả người Công giáo ở Hoa Kỳ, yêu cầu Tổng thống sắp mãn nhiệm Biden giảm án tử hình của 40 người hiện đang bị kết án tử hình trong các nhà tù liên bang xuống tù chung thân.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-dien-dam-voi-tong-thong-joe-biden-42250.html
52. Đức Thánh Cha mời gọi Giáo triều Roma loan truyền phúc lành của Chúa cho thế giới
Sáng ngày 21/12/2024, Đức Thánh Cha đã tiếp các hồng y và thành viên khác của Giáo triều Roma đến chúc mừng ngài nhân dịp Giáng sinh và Năm mới. Ngài mời gọi mọi người chúc lành, nói tốt cho người khác, chứ không nói xấu, để nhờ đó các thành viên của Giáo triều có thể loan truyền phúc lành của Chúa và Mẹ Giáo hội cho thế giới.
Vatican News
Lên tiếng sau lời chúc mừng của Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng y đoàn, Đức Thánh Cha nói: “Tôi nghĩ đến việc nói tốt về người khác và không nói xấu họ. Đây là điều tất cả chúng ta đều quan tâm. Về vấn đề này, chúng ta điều bình đẳng, vì đó là một phần trong bản chất con người chúng ta”.
Ngài giải thích, nói tốt và không nói xấu là biểu hiện của sự khiêm nhường, và sự khiêm nhường là dấu hiệu của Sự Nhập Thể và đặc biệt mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh mà chúng ta sắp cử hành. Một cộng đoàn Giáo hội sống trong sự hòa hợp vui tươi và huynh đệ, các thành viên bước đi trên con đường khiêm nhường, từ chối nghĩ và nói xấu lẫn nhau. Thánh Phaolô nói: “Hãy chúc lành chứ đừng nguyền rủa” (Rm 12, 14). Chúng ta cũng có thể hiểu là: “Hãy nói tốt và đừng nói xấu” người khác.
Đường dẫn đến sự khiêm nhường: tự trách mình
Đức Thánh Cha đề xuất cách sống sự khiêm nhường này đó là tự trách mình. Ngài trích lời dạy của bậc thầy về linh đạo Doroteo ở Gaza xưa: “Khi một người khiêm nhường gặp phải điều xấu, người này ngay lập tức nhìn vào nội tâm và tự nhủ mình đáng bị như vậy. Người khiêm nhường cũng không cho phép mình đổ lỗi cho người khác. Người này đơn giản chịu đựng khó khăn, không làm ầm ĩ, không đau khổ và thanh thản. Sự kiêm nhường không làm phiền mình và người khác. Không tìm cách để biết lỗi lầm của người khác hoặc nuôi dưỡng sự nghi ngờ chống lại họ. Nếu cái xấu của chúng ta nảy sinh những nghi ngờ, hãy cố gắng biến chúng thành những điều tốt”.
Đức Thánh Cha nhận xét, những ai thực hành được điều này dần dần sẽ giải thoát mình khỏi mọi ngờ vực, và tạo không gian cho Thiên Chúa, là Đấng duy nhất có thể gắn kết mọi con tim. Nếu mọi người đều tiến triển trên con đường này, một cộng đoàn có thể được sinh ra và phát triển, một cộng đoàn trong đó tất cả đều bảo vệ nhau và cùng nhau bước đi trong sự khiêm nhường và bác ái.
Theo Đức Thánh Cha nền tảng của lối sống thiêng liêng này bắt nguồn từ “sự hạ mình” của Ngôi Lời. Một tâm hồn khiêm nhường hạ mình xuống như Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đấng mà trong những ngày này chúng ta chiêm ngắm trong máng cỏ.
Chúc lành cho người khác
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Sự Nhập Thể của Ngôi Lời cho chúng ta thấy Thiên Chúa không lên án nhưng chúc lành cho chúng ta. Hơn nữa, sự kiện này cho chúng ta thấy trong Thiên Chúa không có sự lên án, nhưng chỉ có và luôn luôn chúc lành”.
Ngài mời gọi mọi người nghĩ đến điều này trong bài thánh thi tuyệt vời của Thánh Phaolô trong thư gửi tín hưu Êphêsô: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (Ep 1, 3), và giải thích, ở đây chúng ta thấy nguồn gốc của khả năng “chúc lành” cho người khác: chính vì chúng ta đã được giáng phúc, nên chúng ta có thể chúc lành cho người khác. Chúng ta cần phải lao mình vào sự sâu thẳm của mầu nhiệm này, nếu không chúng ta có nguy cơ trở thành những con kênh khô cằn không giọt nước. Trong điều này, mẫu gương mà chúng ta cần hướng đến là Đức Maria. Mẹ đã được chúc phúc và sau đó mang phúc lành này đến với bà Êlidabét.
Nghệ thuật chúc lành
Ngài nói: “Khi chúng ta hướng về Đức Mẹ, hình ảnh và mẫu gương của Giáo hội, chúng ta được dẫn dắt suy ngẫm về chiều kích Giáo hội của việc chúc lành này. Trong Giáo hội, dấu chỉ và công cụ của phúc lành của Chúa, tất cả chúng ta được kêu gọi trở thành nghệ nhân của việc chúc lành”.
Đức Thánh Cha quảng diễn thêm rằng việc chúc lành này như dòng sông lớn dẫn đến các con suối để tưới toàn trái đất. Như thế, Giáo hội xuất hiện như sự hoàn thành kế hoạch mà Chúa đã mặc khải cho Abraham “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lừng lẫy, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi… Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St, 12, 2-3).
Ngài so sánh Giáo triều Roma như một công xưởng lớn, trong đó có nhiều công việc khác nhau nhưng mọi người đều làm vì cùng một mục đích: mang lại phúc lành cho người khác và loan truyền phúc lành của Chúa và Mẹ Giáo hội cho thế giới.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-moi-goi-giao-trieu-roma-loan-truyen-phuc-lanh-cua-chua-cho-the-gioi-42262.html
53. Đức Thánh Cha khích lệ các cha mẹ hãy dành thời gian chơi đùa với con cái
Gặp gỡ các nhân viên Vatican và gia đình của họ vào sáng ngày 21/12/2024, Đức Thánh Cha cảm ơn công việc phục vụ của họ và nhắn nhủ các gia đình hãy gần gũi với nhau; cha mẹ hãy chơi đùa với con cái và cháu chắt hãy viếng thăm ông bà. Đặc biệt ngài nhắc nhở họ quy tụ xung quanh Chúa, cùng nhau cầu nguyện, đặc biệt trước Chúa Hài Đồng, để tạ ơn Chúa và xin Người giúp đỡ cho tương lai.
Hồng Thủy - Vatican News
Trong cuộc gặp gỡ theo truyền thống trước lễ Giáng Sinh để trao đổi những lời chúc mừng Giáng Sinh và Năm Mới, trước hết Đức Thánh Cha cảm ơn các nhân viên của Vatican về công việc phục vụ của họ.
Công việc của nhân viên Vatican góp phần đưa Chúa Kitô đến với mọi người
Chia sẻ về vẻ đẹp của công việc, Đức Thánh Cha nói rằng nó có hai chiều kích: "vẻ đẹp của những người xây dựng, cùng với người khác và vì người khác, điều gì đó tốt đẹp cho mọi người. Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy điều đó: Con Thiên Chúa, Đấng vì yêu thương chúng ta đã khiêm nhường trở thành thợ mộc học việc tại trường của Thánh Giuse". Ngài lưu ý rằng tuy ở Nazareth người ta không nhận biết Chúa, "nhưng trong xưởng mộc, cùng với và qua nhiều thứ khác, ơn cứu độ của thế giới được thực hiện!".
Áp dụng cho công việc của các nhân viên Vatican, Đức Thánh Cha nói rằng công việc âm thầm của họ "góp phần đưa toàn thể nhân loại đến với Chúa Kitô và truyền bá Vương quốc của Người trên khắp thế giới (xem Công đồng Vatican II, Hiến chế Tín lý, 34-36). Những gì các bạn làm là một công việc quý giá!".
Gia đình hãy yêu thương nhau và cầu nguyện với nhau
Sau đó, chia sẻ về gia đình, "cái nôi" của Giáo hội, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng từ gia đình phát sinh sự sống, là "cộng đồng đầu tiên trong đó, từ thời thơ ấu, chúng ta gặp gỡ đức tin, Lời Chúa và các Bí tích, trong đó chúng ta học cách chăm sóc lẫn nhau và cùng nhau lớn lên trong tình yêu thương, ở mọi lứa tuổi". Ngài khuyến khích "cha mẹ, con cái, ông bà và cháu chắt hãy luôn hiệp nhất, gần gũi với nhau và xung quanh Chúa: trong sự tôn trọng, lắng nghe, quan tâm lẫn nhau".
Đặc biệt, ngài nhắn nhủ họ hãy cùng nhau cầu nguyện, vì nếu không cầu nguyện, chúng ta không thể tiến bước, kể cả trong gia đình. Trong mùa Giáng Sinh, ngài đề nghị họ hãy dành chút thời gian "quy tụ quanh Hang đá Giáng sinh, trước Hài Nhi Giêsu, tạ ơn Chúa vì những hồng ân của Người, cầu xin Người giúp đỡ cho tương lai và canh tân tình cảm dành cho nhau".
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-khich-le-cac-cha-me-hay-danh-thoi-gian-choi-dua-voi-con-cai-42263.html
54. Chính quyền Israel cấp 4.000 giấy phép cho các Kitô hữu Palestine đến Israel dịp Giáng Sinh
Chính quyền Israel cấp khoảng 4.000 giấy phép cho các Kitô hữu Palestine ở Bờ Tây đến Giêrusalem dịp lễ Giáng sinh, nhưng thời gian chỉ được hơn một tuần, và chủ yếu cho những người trên 55 tuổi.
Vatican News
Đức cha William Shomali, Giám mục phụ tá Giêrusalem và Đại diện Thượng phụ cho Palestine xác nhận: “Sẽ có vài ngàn, khoảng 4.000 giấy phép do chính quyền Israel cấp cho các Kitô hữu Palestine ở Bờ Tây vào Giêrusalem dịp lễ Giáng sinh. Các giấy phép (được cấp bởi COGAT, đơn vị Quân đội điều phối các hoạt động của chính phủ ở các Lãnh thổ) chỉ kéo dài hơn một tuần, không như những năm trước với hiệu lực khoảng một hoặc hai tháng”.
Theo Đức cha, chiến tranh đã làm giảm số giấy phép và thời hạn lưu trú. Ngoài ra, chính quyền Israel chỉ cấp giấy phép chủ yếu cho những người trên 55 tuổi.
Về tâm trạng của các tín hữu địa phương trong mùa Giáng sinh này, Đức cha Shomali cho biết, mọi người chờ đợi Giáng sinh với những cảm xúc lẫn lộn, sự pha trộn giữa thất vọng và hy vọng. Do bởi vì vẫn còn lo sợ về những gì có thể xảy ra trong những ngày tới đây. Nhiều người nghĩ rằng sau Gaza, điều tương tự có thể xảy ra với các vùng lãnh thổ của Bờ Tây.
Ngài mời gọi: “Chúng ta phó thác cho Chúa Kitô, Hoàng tử Hòa bình, với niềm hy vọng đến từ Giáng sinh để nâng chúng ta lên. Cầu xin Năm Thánh tiếp thêm cho chúng ta sức mạnh và đưa những người hành hương trở lại Đất Thánh. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho tất cả các Kitô hữu của chúng ta, cả về phần thiêng liêng lẫn vật chất”.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/chinh-quyen-israel-cap-4000-giay-phep-cho-cac-kito-huu-palestine-den-israel-dip-giang-sinh-42269.html
55. Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
Sáng thứ Năm ngày 19/12/2024, ngỏ lời với nhóm người Việt ở Mỹ ân nhân của Hội Giáo hoàng Truyền giáo, Đức Thánh Cha cám ơn sự dấn thân của họ trong việc hỗ trợ các công việc truyền giáo và bác ái của Giáo hội hoàn vũ. Đặc biệt, ngài khen ngợi đức tin mạnh mẽ mà người Việt di cư mang theo khi đến Mỹ, điều thúc giục họ giúp đỡ các cộng đồng Kitô giáo khác.
Hồng Thủy - Vatican News
Loan báo về cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô
Cuộc gặp gỡ diễn ra trong bối cảnh cuộc hành hương Roma của nhóm các ân nhân người Việt của các Hội Giáo hoàng truyền giáo. Đức Thánh Cha hy vọng rằng trong cuộc hành hương này họ sẽ cảm nghiệm “một cuộc gặp gỡ đích thực và cá nhân với Chúa Giêsu Kitô, một cuộc gặp gỡ mà chúng ta phải luôn luôn loan báo, ở mọi nơi và cho mọi người như niềm hy vọng của chúng ta” (xem Spes non confundit, 1).
Cách loan báo cụ thể
Đức Thánh Cha nhận định rằng “sự hỗ trợ của họ cho việc truyền giáo và bác ái của Giáo hội hoàn vũ là một cách diễn tả cụ thể lời loan báo này và sẽ giúp mang lại niềm hy vọng bắt nguồn từ Tin Mừng cho nhiều anh chị em của chúng ta ở nhiều nơi trên thế giới”.
Giúp đỡ cách vui tươi
Đề cao tình liên đới của họ với người nghèo và với những người sống bên lề xã hội, Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng sự trợ giúp này phải được thực hiện cách vui tươi (xem 2Cr 9,7). Ngài nói: “Xin Chúa ban cho anh chị em luôn luôn bố thí với tinh thần vui vẻ, và ước gì những hy sinh của anh chị em sinh hoa trái trong cuộc sống anh chị em của chúng ta, những người nhờ đó có thể cảm nghiệm được tình yêu dịu dàng và nhân ái của Chúa Kitô”.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha cầu chúc cho chuyến hành hương Roma của họ canh tân đức tin và củng cố đức ái của họ. Ngài chúc lành cho mọi người và gia đình và xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-khen-ngoi-duc-tin-manh-me-cua-cong-dong-nguoi-viet-o-my-42270.html
56. Đức Thánh Cha chủ sự Nghi thức mở Cửa Thánh Đền thờ Thánh Phêrô và Thánh lễ đêm Giáng Sinh
Vào lúc 7 giờ tối thứ Ba ngày 24/12/2024, Đức Thánh Cha đã chủ sự nghi thức mở Cửa Thánh Đền thờ Thánh Phêrô, và sau đó ngài đã cử hành Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh. Đức Thánh Cha đã chính thức khai mạc Năm Thánh Hy vọng trong đêm Con Thiên Chúa giáng sinh mang lại hy vọng cho mỗi người.
Hồng Thủy - Vatican News
Nghi thức mở Cửa Thánh
Trong nghi thức mở Cửa Thánh, trước hết cộng đoàn nghe công bố đoạn Tin Mừng theo Thánh Gioan, với những lời Chúa Giêsu khẳng định: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào” (10, 7-10).
Tiếp đến, Đức Thánh Cha tiến đến gần Cửa Thánh trong khi ca đoàn hát: “Đây là cửa của Chúa cho người công chính bước vào. Con bước vào nhà Ngài, lạy Chúa; con phủ phục trước thánh điện Ngài. Hỡi cửa công chính hãy mở ra. Con sẽ bước vào tạ ơn Chúa”.
Đức Thánh Cha mở Cửa Thánh và cầu nguyện trong thinh lặng trong khi chuông Đền thờ vang lên.
Sau đó, Đức Thánh Cha bước qua Cửa Thánh và đi vào Đền thờ. Theo sau ngài là các thừa tác viên, một số đại diện của Dân Chúa đến từ 5 châu, trong đó cũng có người Việt Nam, một số vị đồng tế. Tất cả đoàn rước tiến đến bàn thờ tuyên xưng đức tin trong khi cộng đoàn hát bài Thánh ca Năm Thánh 2025 “Những người Hành hương của Hy vọng”.
Thánh lễ được tiếp tục với phần công bố lễ Giáng Sinh và trưng bày tượng Chúa Hài Đồng.
Đây là đêm mà cánh cửa hy vọng mở rộng cho thế giới
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói rằng “Đây là đêm mà cánh cửa hy vọng mở rộng cho thế giới; đây là đêm mà Thiên Chúa nói với mỗi người: niềm hy vọng cũng dành cho bạn!”. Ngài mời gọi các tín hữu theo gương các mục đồng, với sự ngạc nhiên và hối hả lên đường đi gặp Chúa Giêsu, niềm Hy vọng của chúng ta. Và Đức Thánh Cha bắt đầu bài giảng như sau:
Một thiên thần của Chúa, được bao phủ bởi ánh sáng, chiếu sáng màn đêm và báo tin vui cho các mục đồng: “Tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,10-11). Giữa sự ngạc nhiên của những người nghèo và tiếng hát của các thiên thần, trời cao mở ra và cúi xuống trên trái đất: Thiên Chúa trở thành một người trong chúng ta để làm cho chúng ta trở nên giống như Người, Đấng ngự xuống giữa chúng ta để nâng chúng ta lên và đưa chúng ta trở lại trong vòng tay của Chúa Cha.
Đây là niềm hy vọng của chúng ta. Thiên Chúa là Emmanuel, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Sự vĩ đại vô cùng tự trở nên bé nhỏ; ánh sáng thần linh đã chiếu soi giữa bóng tối của thế giới; vinh quang thiên quốc xuất hiện trên trái đất, nơi sự nhỏ bé của một Hài Nhi. Và nếu Thiên Chúa đến, ngay cả khi tâm hồn chúng ta giống như một máng cỏ nghèo hèn, thì chúng ta có thể nói: niềm hy vọng không chết, niềm hy vọng vẫn sống và bao bọc cuộc sống chúng ta mãi mãi!
Anh chị em thân mến, với việc mở Cửa Thánh, chúng ta bắt đầu một Năm Thánh mới: mỗi người chúng ta có thể bước vào mầu nhiệm của việc loan báo ân sủng này. Đây là đêm mà cánh cửa hy vọng mở rộng cho thế giới; đây là đêm mà Thiên Chúa nói với mỗi người: niềm hy vọng cũng dành cho bạn!
Đừng trì hoãn, hãy lên đường đi gặp Chúa
Để đón nhận hồng ân này, chúng ta được mời gọi lên đường với sự ngạc nhiên của các mục đồng ở Bêlem. Phúc Âm kể rằng, sau khi nhận được lời loan báo của thiên thần, họ “hối hả ra đi” (Lc 2,16). Đây là dấu hiệu để tìm lại niềm hy vọng đã mất, làm mới lại trong lòng chúng ta, gieo vãi nó vào sự hoang tàn của thời đại và thế giới của chúng ta: không trì hoãn. Đừng trì hoãn, đừng chậm lại nhưng hãy để mình được thu hút bởi những tin tức tốt lành.
Không trì hoãn, chúng ta đi gặp Chúa, Đấng đã sinh ra cho chúng ta, với trái tim trong sáng và tỉnh thức, sẵn sàng gặp gỡ, để có thể mang niềm hy vọng vào các hoàn cảnh sống của chúng ta. Bởi vì niềm hy vọng Kitô giáo không phải là một kết thúc có hậu được chờ đợi một cách thụ động: đó là lời hứa của Chúa mà chúng ta cần đón nhận trong mọi nơi và trong giây phút hiện tại, trên mảnh đất đau khổ và rên xiết này. Do đó, lời hứa của Người yêu cầu chúng ta không trì hoãn, không buông mình vào những thói quen, không nán lại trong sự tầm thường và lười biếng; lời hứa của Người yêu cầu chúng ta – Thánh Augustinô nói – phẫn nộ trước những điều sai trái và can đảm thay đổi chúng; lời hứa của Người yêu cầu chúng ta trở thành những người hành hương tìm kiếm sự thật, những người không bao giờ mệt mỏi ước mơ, những người nam nữ để cho giấc mơ của Thiên Chúa, giấc mơ về một thế giới mới, nơi hoà bình và công lý ngự trị.
Can đảm thực hiện trước lời hứa về Nước Chúa
Chúng ta hãy học từ gương của các mục đồng: niềm hy vọng nảy sinh trong đêm nay không dung thứ cho sự lười biếng của những người ít vận động và sự lười biếng của những người ổn định cuộc sống của mình trong sự tiện nghi; nó không chấp nhận sự khôn ngoan sai lầm của những người không dám mạo hiểm vì sợ dấn thân, cũng không thừa nhận sự tính toán của những người chỉ nghĩ đến bản thân mình; nó không phù hợp với cuộc sống bình lặng của những người không lên tiếng chống lại sự ác và những bất công đối với những người nghèo nhất. Ngược lại, niềm hy vọng Kitô giáo, trong khi mời gọi chúng ta kiên nhẫn chờ đợi Vương quốc nảy mầm và phát triển, đòi hỏi chúng ta phải can đảm thực hiện trước lời hứa này hôm nay, bằng trách nhiệm và lòng cảm thông của chúng ta.
Nhìn vào cách chúng ta thường hòa nhập vào thế giới này, thích nghi với tâm lý của nó, một linh mục cũng là một nhà văn xuất sắc đã cầu nguyện vào Lễ Giáng Sinh Thánh như thế này: "Lạy Chúa, con xin Chúa một chút dằn vặt, một chút lo lắng, một chút hối hận. Vào lễ Giáng sinh, con muốn thấy mình không hài lòng. Vui mừng nhưng cũng không hài lòng. Hạnh phúc với những gì Ngài làm, không hài lòng với việc con không đáp lại. Xin hãy lấy đi những bình yên giả tạo của chúng con và đặt vào trong “máng cỏ” của chúng con, lúc nào cũng quá đầy, một đống gai. Hãy đặt vào lòng chúng con niềm khao khát một điều gì khác” (A. PRONZATO, Tuần cửu nhật Giáng sinh).
Chúng ta có trách nhiệm mang niềm hy vọng đến những nơi đã mất
Niềm hy vọng Kitô giáo chính là “điều gì đó khác” yêu cầu chúng ta hành động “không chậm trễ”. Thực vậy, chúng ta, các môn đệ của Chúa, được mời gọi tái khám phá nơi Người niềm hy vọng lớn nhất của chúng ta, để rồi ngay lập tức, như những người hành hương ánh sáng, mang hy vọng vào bóng tối của thế giới.
Đức Thánh Cha nói tiếp: Thưa anh chị em, đây là Năm Thánh, đây là thời gian của niềm hy vọng! Nó mời gọi chúng ta tái khám phá niềm vui gặp gỡ Chúa, nó mời gọi chúng ta canh tân tâm linh và dấn thân vào việc biến đổi thế giới, để thời gian này thực sự trở thành một thời gian hân hoan. Chớ gì điều đó sẽ xảy ra với mẹ trái đất của chúng ta, vốn bị biến dạng bởi logic lợi nhuận; chớ gì điều đó cũng được như vậy đối với các quốc gia nghèo nhất, đang ngập trong nợ nần bất công; chớ gì điều đó sẽ được như vậy đối với tất cả những ai là tù nhân của chế độ nô lệ cũ và mới.
Tất cả chúng ta đều có ân sủng và nhiệm vụ mang lại niềm hy vọng ở những nơi đã mất, ở nơi cuộc sống bị tổn thương, những kỳ vọng bị phản bội, những giấc mơ tan vỡ, những thất bại làm tan nát trái tim; trong sự mệt mỏi của những người không thể chịu đựng được nữa, trong nỗi cô đơn cay đắng của những người cảm thấy thất bại, trong nỗi đau khổ ăn sâu vào tâm hồn; trong những ngày dài và trống rỗng của tù nhân, trong những căn phòng chật hẹp và lạnh lẽo của người nghèo, ở những nơi bị chiến tranh và bạo lực tàn phá.
“Cánh cửa thánh” của trái tim Thiên Chúa mở ra cho chúng ta
Năm Thánh mở ra để mọi người có thể được ban niềm hy vọng Tin Mừng, niềm hy vọng tình yêu, niềm hy vọng được tha thứ.
Và khi nhìn vào hang đá, nhìn vào sự dịu hiền của Thiên Chúa được biểu lộ trên khuôn mặt của Hài Nhi Giêsu, chúng ta tự hỏi: "Trong tâm hồn chúng ta có sự chờ đợi này không? Trong lòng chúng ta có niềm hy vọng này không? […] Khi chiêm ngưỡng sự đáng yêu của Thiên Chúa, Đấng chiến thắng sự ngờ vực và sợ hãi của chúng ta, chúng ta cũng chiêm ngưỡng sự cao cả của niềm hy vọng đang chờ đợi chúng ta. […] Chớ gì viễn tượng hy vọng này soi sáng cuộc hành trình của chúng ta mỗi ngày” (C. M. MARTINI, Bài giảng Giáng sinh, 1980).
Thưa anh chị em, trong đêm nay, “cánh cửa thánh” của trái tim Thiên Chúa sẽ mở ra cho anh chị em. Chúa Giêsu, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đã được sinh ra cho anh chị em, cho chúng ta, cho mọi người nam nữ. Và với Người niềm vui nảy nở, với Người cuộc sống thay đổi, với Người niềm hy vọng không làm thất vọng.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-chu-su-nghi-thuc-mo-cua-thanh-den-tho-thanh-phero-va-thanh-le-dem-giang-sinh-42277.html
57. Lần đầu tiên “Ánh sáng Bêlem” không đến từ Bêlem nhưng từ thành phố kết nghĩa ở Áo
Năm nay, do cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, lần đầu tiên “Ánh Sáng Hòa bình Bêlem” không được lấy trực tiếp từ ngọn lửa cháy không ngừng tại Hang đá Chúa Giáng Sinh trong Đền thờ Giáng Sinh ở Bêlem để sau đó được chuyển đi các nước Châu Âu, nhưng được lấy từ đền thánh ở thành Steyr, vùng Thượng Áo.
Hồng Thủy - Vatican News
Ánh sáng Hòa bình Bêlem là một biểu tượng của giá trị hoàn vũ về tình huynh đệ và hòa bình.
Sáng kiến “Ánh sáng Bêlem”
Sáng kiến “Ánh sáng Bêlem” ra đời ở Áo vào năm 1986 và sau đó lan rộng khắp châu Âu. Từ năm 1986 đến nay, hàng năm, vài ngày trước lễ Giáng sinh, một thiếu nhi sẽ đốt sáng ngọn đèn từ Bêlem rồi vận chuyển bằng máy bay sang Áo. Từ đó ngọn lửa được chia sẻ khắp Châu Âu (và xa hơn nữa) nhờ các nhóm hướng đạo sinh và các hiệp hội khác. Sáng kiến lần thứ 34, vào năm nay, có chủ đề “Yêu bằng hành động”.
Thành phố Steyr là thành phố kết nghĩa với Bêlem, cũng được gọi là “Christkindl” (thành phố của Chúa Giêsu Hài Đồng). Vào tháng 12/2023, Pillar Jarayseh, một thiếu niên 12 tuổi, đã thắp sáng ngọn đèn từ ánh sáng tại nơi Chúa Giáng Sinh ở Bêlem và đưa về Áo. Ngọn lửa này đã được các hướng đạo sinh cẩn thận bảo quản trong suốt năm qua.
Toàn thế giới hướng đến Bêlem để gặp gỡ Chúa Giêsu
Ngày 23/12/2024, tại Văn phòng Thư ký Hội đồng Giám mục Ba Lan ở Warsaw, Tổng giám mục Tadeusz Wojda, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan, đã nhận được Ánh sáng Bêlem từ cha tuyên úy của các hướng đạo sinh. Cha Wojciech Jurkowski nói: “Hôm nay, khi chúng ta truyền lại ánh sáng từ Bêlem, chúng ta truyền lại món quà hòa bình, thứ đang thiếu ở nơi Chúa Kitô sinh ra”.
Đức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục đã cảm ơn ánh sáng đã đến Văn phòng Thư ký Hội đồng Giám mục Ba Lan. Ngài nhấn mạnh: “Ước gì ánh sáng này nhắc nhở chúng ta rằng đây là lễ Giáng sinh. Bêlem đã trở thành nơi hy vọng, vì Thiên Chúa đã từ thiên đàng xuống thế để trở thành một người trong chúng ta. Chúng ta có thể nói rằng toàn thể thế giới, toàn thể nhân loại, toàn thể lịch sử theo một cách nào đó đã hướng đến Bêlem, để gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô giáng sinh, Ngôi Lời đã trở thành xác phàm”.
Ánh sáng Bêlem cũng được chuyển đến Ý. Từ năm 1992, các hướng đạo sinh Ý và Đức nhận Ánh sáng Bêlem trong một nghi lễ được cử hành tại biên giới. Số tiền quyên góp được trong các buổi cử hành năm nay sẽ được sử dụng để giúp đỡ cho Thánh Địa, Brazil, Uganda và Benin.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/lan-dau-tien-anh-sang-belem-khong-den-tu-belem-nhung-tu-thanh-pho-ket-nghia-o-ao-42281.htm
58. Đức Thánh Cha mở Cửa Thánh tại nhà tù Rebibbia: “Hãy nắm lấy niềm hy vọng không làm thất vọng”
Sau Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, sáng ngày 26/12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành nghi thức Năm Thánh tại Nhà thờ Kinh Lạy Cha trong nhà tù Rebibbia của Roma. Đức Thánh Cha bước qua Cửa Thánh cùng với Đức Giám mục Ambarus, các tù nhân và những người điều hành. Trong Thánh Lễ, ngài mời gọi “mở rộng những cánh cửa trái tim”, bởi vì “những trái tim khép kín và chai cứng không giúp chúng ta sống”
Vatican News
Trước khi mở Cửa Thánh, Đức Thánh Cha nói: “Tôi đã mở Cửa Thánh đầu tiên vào lễ Giáng sinh ở Vương cung thánh đường thánh Phêrô, nhưng tôi muốn mở Cửa Thánh thứ hai ở trong nhà tù này. Tôi muốn mỗi người chúng ta đang ở đây, trong cũng như ngoài, cũng có cơ hội mở cánh cửa trái tim mình và hiểu rằng niềm hy vọng không làm thất vọng”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đang ngồi, với lễ phục màu đỏ, trước cánh cửa đồng phía bên phải Nhà thờ Kinh Lạy Cha, bên trong nhà tù Rebibbia. Sau đó, ngài đứng lên và gõ cánh cửa đồng sáu lần, cửa được mở ra. Với những bước chậm rãi, ngài đi qua Cửa Thánh tại nhà tù này. Lần đầu tiên trong lịch sử, một Đức Giáo Hoàng mở Cửa Thánh không phải trong một vương cung thánh đường mà bên trong một nhà tù. Đức Thánh Cha Phanxicô muốn làm điều đó để mang món quà hy vọng – chủ đề của cả Năm Thánh – đến một nơi bị giam cầm và khó khăn, nơi nó rất dễ bị đánh mất.
Một cử chỉ xuất phát từ yêu cầu của tù nhân
Một cử chỉ đặc biệt, chưa từng có của Đức Thánh Cha, thậm chí còn rất long trọng không kém nghi thức mở Cửa Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô. Một cử chỉ là kết quả từ những câu hỏi của chính các tù nhân: “Thật hay, Năm Thánh bắt đầu nhưng có gì đặc biệt đối với chúng tôi?”. Họ nói điều này với giám mục phụ tá của Roma, đức cha Benoni Ambarus, người đã trình bày những yêu cầu này với Đức Thánh Cha. Đức cha Ambarus tâm sự: “Đó là một giấc mơ mà chúng tôi đã nuôi dưỡng trong thời gian dài”.
Trong Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã có một bài giảng ứng khẩu:
“Hôm nay tôi muốn mở Cánh Cửa ở đây. Tôi đã mở Cửa đầu tiên tại Đền thờ thánh Phêrô, cái thứ hai là của anh chị em. Thật cử chỉ thật đẹp khi mở Cánh Cửa, mở ra. Nhưng quan trọng hơn là ý nghĩa của nó: nó đang mở rộng trái tim anh chị em. Hãy mở cửa trái tim. Và đây chính là điều mà tình huynh đệ thực hiện”.
Ngài nói tiếp: “Những trái tim khép kín, những trái tim chai cứng, không giúp chúng ta sống. Do đó, ân sủng của Năm Thánh là mở rộng, mở ra và trên hết là mở rộng trái tim để hy vọng”. Ngài so sánh niềm hy vọng này với một chiếc neo, một cái gì đó để bám vào giữa những khó khăn và những viễn cảnh đen tối nhất.
Đức Thánh Cha khuyến khích: “Hy vọng không bao giờ làm chúng ta thất vọng! Hãy suy nghĩ cẩn thận về điều này. Tôi cũng nghĩ như thế, vì trong những lúc tồi tệ người ta nghĩ rằng mọi chuyện đã kết thúc, không thể giải quyết được gì. Nhưng hy vọng không bao giờ làm thất vọng”. Niềm hy vọng ở đó, giống như chiếc neo vào bờ, “trên đất” và “chúng ta ở đó với sợi dây, an toàn, bởi vì niềm hy vọng của chúng ta giống như chiếc neo vào đất”.
Một lần nữa, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Đừng mất hy vọng. Đây là thông điệp tôi muốn gửi đến anh chị em; đến mọi người, tất cả chúng ta. Tôi là người đầu tiên. Mọi người. Đừng mất hy vọng. Hy vọng không bao giờ thất vọng. Không bao giờ”. Đôi khi thật khó để giữ chặt sợi dây này: “Nó làm cho tay đau…”. Nhưng khi chúng ta nhìn vào bờ, thì “mỏ neo” sẽ đưa chúng ta “tiến về phía trước”. “Luôn có điều gì đó tốt đẹp, luôn có điều gì đó để tiến về phía trước”.
Mở cửa trái tim là lời mời cuối cùng ngài gởi đến các tù nhân và nhân viên của nhà tù Rebibbia: “Trái tim khép kín sẽ quên đi sự dịu dàng. Ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, mỗi chúng ta đều có hoàn cảnh riêng - dễ dàng hơn, khó khăn hơn - nhưng luôn có một trái tim rộng mở. Trái tim chính là thứ làm cho chúng ta trở thành anh chị em. Hãy mở rộng cánh cửa trái tim. Mọi người đều biết cách thực hiện. Mỗi người đều biết nơi đâu cửa đang đóng hay đóng một nửa. Mỗi người đều biết”.
Vì thế tôi cầu chúc anh chị em có một “trải nghiệm một Năm Thánh tuyệt vời”: “Tôi chúc anh chị em thật nhiều bình an, nhiều bình an. Và mỗi ngày tôi cầu nguyện cho anh chị em. Thật sự. Đây không phải là một cách nói. Tôi nghĩ đến anh chị em và cầu nguyện cho anh chị em. Và xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi. Xin Cảm ơn”.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-mo-cua-thanh-tai-nha-tu-rebibbia-hay-nam-lay-niem-hy-vong-khong-lam-that-vong-42292.html
59. ĐHY Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương: Kitô hữu Syria và Gaza đang cần mọi thứ
Trò chuyện với văn phòng của Mạng lưới Truyền hình Lời Vĩnh cửu tại Vatican, Đức Hồng y Claudio Gugerotti, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương, bày tỏ sự quan tâm về tình hình của Kitô hữu ở Syria và Thánh Địa, cảnh báo về sự bất ổn và thách đố về nhân đạo gia tăng trong khu vực. Ngài nói: “Họ cần mọi thứ và chúng ta không thể cho thứ gì”.
Hồng Thủy - Vatican News
Nói về Gaza, Đức Hồng y Gugerotti nói: “Hãy nhìn vào Dải Gaza. Ai đến đó khi bom đang dội xuống đó? Người dân đang chết đói”.
Giáo hội đối thoại với các nhóm chính quyền mới
Duy trì liên lạc hàng ngày với các Giám mục ở Syria, Đức Hồng y bày tỏ mối quan ngại đặc biệt về tương lai của Syria trong bối cảnh động lực chính trị thay đổi sau khi tổng thống Syria Bashar al-Assad bị lật đổ. Ngài nhận định: “Tất nhiên ông Assad đã tạo ra nhiều vấn đề. Tuy nhiên, ông ấy đã sẵn sàng làm việc với các nhóm thiểu số. Chúng ta sẽ thấy trong những tháng tới điều gì sẽ xảy ra”.
Ngài lưu ý rằng các nhóm quyền lực mới nổi lên ở Syria bao gồm các cựu thành viên của Al-Qaeda và ISIS. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh cách các nhà lãnh đạo Giáo hội địa phương đang nỗ lực thiết lập đối thoại với các nhóm này, đặc biệt là thông qua Giám mục Hanna Jallouf ở Aleppo.
Vai trò của cộng đồng quốc tế
Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương cảnh báo rằng nếu không có sự hợp tác quốc tế, tình hình có thể xấu hơn nữa. “Nếu Hoa Kỳ, Nga, Iran, Israel và tất cả những nước khác, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, nếu họ không thể tìm được tiếng nói chung hoặc ít nhất là chia sẻ một số nguyên tắc cơ bản, chúng ta sẽ thấy sự chia rẽ hơn nữa, sự hủy diệt hơn nữa”.
Tình hình bất ổn này, theo Đức Hồng y, đang khiến cho số Kitô hữu rời khỏi khu vực này càng gia tăng. Những người này thường có trình độ học vấn cao hơn và có mối quan hệ quốc tế, có thể dễ dàng hòa nhập hơn vào các xã hội phương Tây.
Bảo tồn căn tính Công giáo Đông phương
Đức Hồng y Gugerotti đang làm việc với các Giám mục nghi lễ Latinh để bảo tồn căn tính Công giáo Đông phương của những cộng đoàn này trong các cộng đồng di cư, và hy vọng rằng cuối cùng họ có thể trở về quê hương của họ.
Bất chấp những thách đố, Đức Hồng y nhấn mạnh rằng căn tính tôn giáo mạnh mẽ của các Giáo hội Đông phương là một yếu tố tích cực. Ngài nói: “Bất cứ nơi nào họ đến, họ đều là hình mẫu, là tấm gương cho mọi người, cho tất cả các Kitô hữu khác, bởi vì họ rất vững vàng trong đức tin của mình”.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dhy-tong-truong-bo-cac-giao-hoi-dong-phuong-kito-huu-syria-va-gaza-dang-can-moi-thu-42293.html
60. Bừng sáng tình yêu
Khi “chìa khóa thời gian” được tra vào để mở Cửa Thánh tại Vương cung Thánh đường Phêrô ở Vatican, thời khắc ấy không chỉ đánh dấu sự bắt đầu của Năm Thánh 2025, mà còn là khoảnh khắc thiêng liêng, khi thời gian và không gian hòa quyện trong một cuộc “Giao Duyên” thần thiêng. Biến cố này không đơn thuần là hành động khai mở một cánh cửa vật lý, mà còn là khởi đầu cho dòng ân sủng đổ đầy.
Cửa hy vọng mở ra ánh sáng thiêng liêng
Trong ánh sáng lung linh từ Cửa Thánh, đoàn người hành hương tiến vào, không chỉ bước qua một ngưỡng cửa, mà là vào trong lòng ân sủng của Thiên Chúa – nơi ánh sáng Tình Yêu và Hy Vọng tràn ngập.
Cánh cửa ấy không chỉ là biểu tượng mà còn là thực tại, nơi những ai bước qua sẽ gặp thấy Ánh Sáng thật. Và trong sự gặp gỡ này, không chỉ đôi mắt thể lý được soi sáng, mà cả tâm hồn họ cũng bừng lên những ngọn lửa của niềm tin và tình yêu. Ánh sáng thiêng liêng đó bắt nguồn từ chính Hài Nhi Giêsu nằm trong máng cỏ – Đấng mang đến ánh sáng cho thế gian. Sự hiện diện của Ngài không chỉ thắp sáng mùa đông giá lạnh, mà còn chiếu tỏa niềm vui đích thực, một niềm vui không đến từ những điều phù phiếm, mà từ lời hứa vĩnh cửu: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9).
Cùng Thánh Phanxicô Assisi chiêm ngưỡng Hài Nhi Giêsu
“Như những kẻ lữ hành và khách lạ” (x. 1 Pr 2,11) ở đời này, thánh Phanxicô đã chọn phụng sự Chúa trong nghèo khó và khiêm nhường. Đối với ngài, “ước nguyện cao cả nhất, mong muốn mãnh liệt và ý hướng lớn lao nhất là tuân giữ thánh Phúc Âm trong mọi sự và mọi hoàn cảnh, sống theo lời dạy, và đi theo vết chân của Đức Giêsu Kitô” (1Cel, 84) [1]. Chính tinh thần ấy đã dẫn ngài đến việc chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu trong hang đá đơn sơ, nơi ánh sáng tình yêu và sự khiêm nhường của Thiên Chúa tỏ hiện rõ ràng nhất. Bởi lẽ đó, với lòng đầy sốt mến, thánh Phanxicô đã “hiện tại hóa”, chứ không chỉ dừng lại ở việc tái hiện lại máng cỏ Bêlem. Vì vậy cần ghi nhớ và thành kính nhắc lại việc ngài đã làm ở Greccio nhân ngày lễ Giáng Sinh năm 1223, ba năm trước khi qua đời. Thánh Phanxicô nói với ông Gioan, một người có tiếng là đạo đức trong vùng: “Tôi ao ước diễn lại kỷ niệm về Hài Nhi sinh ra ở Bêlem và lấy đôi mắt trần của tôi nhìn xem đến mức tối đa các nỗi khó khăn túng thiếu của con trẻ, cảnh hài nhi nằm trong máng cỏ, ngủ trên cỏ khô, giữa một con bò và một con lừa”. Nghe xong các lời dặn dò, con người tốt lành và trung thành ấy, vội vã ra đi chuẩn bị mọi sự tại làng trên theo ý của thánh nhân”. Và cuối cùng: “Người ta đã dọn một máng cỏ, đặt cỏ khô, dắt đến một con bò và một con lừa. Tại đấy, đức đơn sơ được tôn vinh, đức khó nghèo được tán dương, và Greccio đã gần như trở thành một Bêlem mới” (1 Cel, 85) [2].
Với đôi mắt trần thể lý, thánh Phanxicô đã thấy được Hài Nhi Giêsu hiện diện, điều mà chúng ta chỉ có thể “chiêm ngắm” với đôi mắt “tinh thần” mà thôi. Điều này quả không lạ với thánh Phanxicô vì “với thánh Phanxicô, một tình yêu cá vị với Đức Giêsu là trọng tâm của linh đạo Kitô giáo, và ngài thường xuyên trò chuyện với Chúa Giêsu”[3]. Khi hiện tại hóa máng cỏ Bêlêm ngay tại Greccio, thánh Phanxicô chất chứa nhiều ưu tư trong tâm hồn và điều mà Phanxicô muốn nhắm đến đó là: con người đang lãng quên sự hiện diện của Thiên Chúa. Vì thế, khi đánh mất vị trí của Thiên Chúa trong tâm thức, con người tự cho mình quyền “định nghĩa” lại các giá trị trong cuộc sống.
Thánh Phanxicô yêu mến Bêlem vì đó là nơi Hài Nhi vì yêu thương chúng ta mà đã hạ sinh. Và Phanxicô không dừng lại ở đó. “Qua máng cỏ ở Greccio, thánh Phanxicô ước muốn người ta nhìn thấy chính họ trong máng cỏ Chúa Giáng sinh. Đây không chỉ là chuyện đã xảy ra từ 1200 năm trước ở Bêlem, nhưng là điều vẫn xảy ra lúc này và ở đây giữa mọi người”[4]. Với thánh Phanxicô, nếu chỉ nhớ về Bêlem như là một hoài niệm của kí ức và của câu chuyện lịch sử, thì thật quá đáng tiếc. Và nếu chúng ta cũng chỉ chiêm ngắm hang đá Bêlem như “một tác phẩm nghệ thuật” (dù rằng nó rất nghệ thuật) mà không thể phản tỉnh bất cứ điều gì cho bản thân thì cũng lại là điều đáng tiếc hơn.
Tắt một lời, “Máng Cỏ Greccio” cho thấy ưu tư và sự bén nhạy của thánh Phanxicô. Một cảm thức đơn sơ nhưng cao vời: đơn sơ của một tâm hồn bình dị và cao vời của một sự kết hợp thần linh sâu sắc. Với thánh Phanxicô, ngài luôn kết hợp Mầu Nhiệm Nhập Thể với Mầu Nhiệm Thánh Thể: “Hằng ngày chính Người đến với chúng ta dưới một hình thức khiêm hạ. Hằng ngày Người rời cung lòng Chúa Cha (x. Ga 1,18) để ngự xuống trên bàn thờ, trong tay Linh mục”[5]. Như thế, thánh Phanxicô đưa chúng ta tiếp cận Ngôi Hai một cách rất gần gũi. Không phải là Một Thiên Chúa ở mãi trong “Cỏ Rơm” nhưng là một Thiên Chúa ngự vào, ở lại và biến đổi tâm hồn chúng ta mỗi ngày. Chỉ có điều là: chúng ta có sẵn lòng tiếp rước Ngài một cách thánh thiêng và đúng nghĩa vào chính đền thờ của chúng ta hay không mà thôi?
“Phóng vào tương lai để yêu thương”
Murray Bodo[6] đã chia sẻ một ý tưởng rất thú vị: “Thánh Phanxicô ước muốn người ta nhìn thấy chính họ trong máng cỏ Chúa Giáng sinh.” Đúng vậy, “chính tôi, chính chúng ta nhìn thấy chính mình khi chiêm ngắm Máng Cỏ Giáng sinh.” Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta chỉ dừng lại ở một thái độ “quy ngã” – tập trung vào cái tôi cá nhân, hay “quy nhân” – lấy con người làm trung tâm của mọi sự. Máng cỏ nói với chúng ta rằng: Thiên Chúa đã trở thành tất cả cho mọi người – Omnia Omnibus. “Hang đá Greccio cho thấy nhân tính của chúng ta quý giá biết dường nào. Chúng ta có thể vui mừng khi biết rằng Thiên Chúa đã làm người vì Người vui thích ở với nhân loại”[7]. Thật là táo bạo, khi chúng ta nhìn thấy sự “đồng cấp” của tôi và Một Thiên Chúa Cao Cả nhưng bé bỏng nằm trên Rơm Cỏ. Chiêm ngắm Máng Cỏ Greccio cũng là cơ hội để chính tôi chiêm ngắm “máng cỏ của đời mình”: đây cũng là một điều đáng cho chúng ta lưu tâm.
Máng Cỏ tại Greccio là một Máng Cỏ trống không (nhưng không diễn tả việc vắng bóng Thiên Chúa), và đó là một sáng kiến của thánh Phanxicô. Như lời Giáo phụ Clémẹnt (Alexandrie) và Grégoire (Naziance) quả quyết rằng: “Thiên Chúa đã làm người để con người làm Chúa”. Hàng ngày, Chúa nhập thể trong tôi qua việc tôi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Tôi rước Chúa, để Chúa nuôi tôi. Ước gì tôi cũng được thần linh hóa, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài (x. Rm 8,29)[8]. Cũng chính bởi cảm thức ấy, thánh Phanxicô đã nhìn và nhận ra lời mời gọi rất mật thiết mà Thiên Chúa dành cho con người. Và thánh nhân, bằng tình yêu sâu đậm với Chúa Kitô, ngài cũng muốn ân sủng “Thiên Chúa làm người để con người được làm Thiên Chúa” được lan tỏa một cách mạnh mẽ nhất đến với muôn người. Thiên Chúa vì yêu thương nhân loại mà “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (x. Ga 1, 14). Vậy chúng ta cũng hãy vì yêu mà đáp trả lại hồng ân sự sống cao cả ấy. “Chúng ta là mẹ của Người, khi chúng ta cưu mang Người trong tâm hồn và thể xác (x. 1 Cr 6,20) bằng cách yêu mến Người, và gìn giữ lương tâm trong trắng và chân thành; chúng ta sinh Người ra bằng hành động thánh thiện chiếu soi kẻ khác bằng gương sáng (x. Mt 5,16)”[9].
Tạm kết
Đong đầy trong những ưu tư khi đối diện với một thế giới thực hữu của lệ thuộc, hời hợt và phân tán[10], người viết nhận thấy vẻ đẹp trong chọn lựa, lối sống và tình yêu của thánh Phanxicô. Với Phanxicô, sự chọn lựa không phải là lệ thuộc nhưng tín thác; một lối sống không hời hợt nhưng vô cùng sâu sắc và một tình yêu không hề bị phân tán nhưng lại thực sự hiệp nhất. Đó cũng chính là những gì chúng ta có thể nhận ra nơi Máng Cỏ Greccio. Thánh Phanxicô cho thấy sự chọn lựa, lối sống và tình yêu của ngài có đủ “lý và tình” để tạo nên một bầu khí ấm áp đúng nghĩa giữa biết bao “cơn giá rét” của một thế giới rất “phẳng phiu”.
Cùng với thánh Phanxicô, chúng ta hãy một lần nhập vai cho thật tròn trịa, để không chỉ là nhập vai nhưng sẽ biến nó thành sự chọn lựa trong cuộc đời của tôi: vai một mục đồng, một trong Ba Vua, Mẹ Maria hay thánh Giuse. “Khi làm như thế, tâm hồn chúng ta được tràn ngập những cảm xúc khiến ta tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa; khiến ta yêu thương Hài nhi, Đấng là Ngôi Lời đang hiện diện cách bé nhỏ và dang rộng vòng tay hướng về ta mà chào đón ta. Ân sủng của Thiên Chúa từ biến cố nguyên thủy ấy sẽ chan hòa trong khung cảnh do trí tưởng tượng của ta dựng nên, và người anh em đang chìm trong chiêm niệm sẽ được ơn thúc đẩy để hành động, để biến đổi, thăng tiến cuộc sống, và để yêu mến Chúa cách trọn vẹn hơn”[11].
Nguyễn Bảo gởi đến Vatican News Tiếng Việt
[1] Truyện Ký Thánh Phanxicô của Tôma Celanô, G.B Nguyễn Gia Thịnh, OFM chuyển ngữ, 2019.
[2] Truyện Ký Thánh Phanxicô của Tôma Celanô, G.B Nguyễn Gia Thịnh, OFM chuyển ngữ, 2019.
[3] MURRAY BODO, Thánh Phanxicô Và Ân Sủng Của Máng Cỏ Ở Greccio.
[4] MURRAY BODO, Thánh Phanxicô Và Ân Sủng Của Máng Cỏ Ở Greccio.
[5] Tác Phẩm Của Thánh Phanxicô Assisi, Huấn Ngôn 1, câu 17-18.
[6] MURRAY BODO, OFM, Linh mục dòng Phanxicô thuộc Tỉnh Dòng Thánh Gioan Tẩy Giả (Hoa Kỳ). Ngài đã từng dạy văn học Anh và Mỹ, sáng tác văn xuôi và thơ ca, làm linh hướng, hướng dẫn các cuộc hành hương của anh em Phan sinh, và tổ chức các buổi tĩnh tâm.
[7] MURRAY BODO, Thánh Phanxicô Và Ân Sủng Của Máng Cỏ Ở Greccio.
[8] https://dongten.net/mung-con-thien-chua-lam-nguoi-vi-toi.
[9]Tác Phẩm Của Thánh Phanxicô Assisi, Thư I Gởi Các Tín Hữu, câu 10.
[10] https://tgpsaigon.net/bai-viet/suy-tu-ve-su-diep-nhan-ngay-tg-ttxh-lan-thu-46-thinh-lang-de-truyen-thong-37011.
[11] MURRAY BODO, Thánh Phanxicô Và Ân Sủng Của Máng Cỏ Ở Greccio.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/bung-sang-tinh-yeu-42294.html
61. Sứ điệp Giáng Sinh 2024 và Phép lành Urbi et Orbi (25/12)
Vào lúc 12 giờ trưa ngày 25/12, Lễ Giáng Sinh, Đức Thánh Cha đã xuất hiện trên ban công chính giữa Đền Thờ Thánh Phêrô để đọc sứ điệp Giáng Sinh và ban Phép Lành Toàn Xá “Urbi et Orbi” - cho thành Roma và toàn thế giới. Trong sứ điệp Giáng Sinh, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến việc cử hành Năm Thánh, đi qua cửa Thánh, đến với Lòng Thương xót của Chúa và cũng mở cử tâm hồn của chính mình. Đức Thánh Cha cũng kêu gọi xoá nợ cho các nước nghèo.
Vatican News
Sứ điệp Giáng Sinh của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, chúc mừng Giáng Sinh!
Đêm nay, mầu nhiệm không ngừng làm chúng ta ngạc nhiên và cảm động đã được đổi mới: Đức Trinh Nữ Maria đã hạ sinh Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã quấn Người trong tã và đặt Người vào máng cỏ. Đây là cách các mục đồng ở Bêlem đã tìm thấy Người, lòng tràn đầy niềm vui, trong khi các thiên thần hát: “Vinh danh Thiên Chúa và bình an cho loài người” (x. Lc 2,6-14).
Đúng vậy, sự kiện này, đã xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm, được đổi mới nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, cũng chính là Thần Khí của Tình yêu và Sự sống đã làm cho cung lòng Đức Maria trở nên phong nhiêu và làm Chúa Giêsu thành hình từ xác thịt con người của Mẹ. Trong thời đại chúng ta, Lời cứu độ vĩnh cửu đã nhập thể một lần nữa và thực sự, Lời nói với mọi người nam nữ, với toàn thế giới: “Ta yêu con, Ta tha thứ cho con, hãy trở về với Ta, cánh cửa trái tim Ta rộng mở cho con!
Anh chị em thân mến, cánh cửa trái tim Chúa luôn mở rộng, chúng ta hãy trở về với Người! Chúng ta hãy trở về với trái tim yêu thương chúng ta và tha thứ cho chúng ta! Chúng ta hãy để cho mình được Người tha thứ, để cho mình được hòa giải với Người! Thiên Chúa tha thứ luôn luôn! Thiên Chúa tha thứ tất cả. Chúng ta hãy để cho mình được Chúa tha thứ!
Điều này có nghĩa là Cửa Thánh của Năm Thánh, mà tôi đã mở tại Đền thờ Thánh Phêrô này vào tối hôm qua: tượng trưng cho Chúa Giêsu, Cửa của ơn cứu độ, mở ra cho tất cả mọi người. Chúa Giêsu là Cánh Cửa mà Chúa Cha nhân từ đã mở ra giữa thế giới, giữa lịch sử, để tất cả chúng ta có thể trở về với Người. Tất cả chúng ta như những con chiên lạc và chúng ta cần một Mục Tử và một Cánh Cửa để trở về nhà của Cha. Chúa Giêsu là Mục Tử, Chúa Giêsu là Cửa.
Anh chị em thân mến, đừng sợ! Cửa đã mở, Cửa đang rộng mở! Không cần gõ nữa. Nó đã mở rồi. Hãy đến! Chúng ta hãy để cho mình được hòa giải với Thiên Chúa, rồi chúng ta sẽ được hòa giải với chính mình và sẽ có thể hòa giải với nhau, ngay cả với kẻ thù. Lòng thương xót của Thiên Chúa có thể làm được mọi sự, tháo gỡ mọi nút thắt, phá bỏ mọi bức tường chia rẽ, làm tan biến hận thù và tinh thần trả thù. Hãy đến! Chúa Giêsu là Cửa của Hoà Bình.
Thường thì chúng ta chỉ dừng lại ở ngưỡng cửa; chúng ta không có can đảm để đi qua nó, bởi vì nó khiến chúng ta phải đặt câu hỏi. Việc bước vào Cửa đòi hỏi sự hy sinh để bước tới thêm một bước nữa, bỏ lại phía sau những tranh chấp và chia rẽ, phó mình cho vòng tay rộng mở của Hài Nhi là Hoàng tử Hòa bình. Vào lễ Giáng sinh này, khởi đầu Năm Thánh, tôi mời gọi mọi người, mọi dân tộc và quốc gia hãy can đảm bước qua Cửa, trở thành những người hành hương của hy vọng, dập tắt vũ khí và vượt qua chia rẽ!
Hãy để vũ khí im đi ở Ucraina tử đạo! Chúng ta hãy táo bạo mở ra cánh cửa đàm phán và những cử chỉ đối thoại và gặp gỡ, để đạt đến một nền hòa bình công bằng và lâu dài.
Hãy để vũ khí im đi ở Trung Đông! Hướng nhìn về cái nôi Bêlem, tôi hướng tâm trí đến các cộng đoàn Kitô hữu ở Palestine và Israel, đặc biệt là cộng đoàn thân yêu ở Gaza, nơi tình hình khủng hoảng nhân đạo rất nghiêm trọng. Hãy để ngọn lửa chấm dứt, các con tin được giải thoát và dân chúng kiệt quệ vì đói khát và chiến tranh được giúp đỡ. Tôi cũng gần gũi với cộng đồng Kitô hữu ở Libăng, đặc biệt là ở miền nam, và cộng đoàn Kitô hữu của Syria, trong thời điểm nhạy cảm này. Cầu mong những cánh cửa đối thoại và hòa bình được mở ra khắp khu vực vốn đang bị xâu xé bởi xung đột. Và tôi cũng muốn nhớ đến ở đây người dân Libya, khuyến khích họ tìm kiếm những giải pháp cho phép hòa giải dân tộc.
Cầu mong sự giáng sinh của Đấng Cứu Thế mang lại thời gian hy vọng cho các gia đình của hàng ngàn trẻ em đang chết vì dịch sởi ở Cộng hòa Dân chủ Congo, cũng như cho người dân miền Đông nước này và người dân Burkina Faso, Mali, Niger và Mozambique. Cuộc khủng hoảng nhân đạo ảnh hưởng đến họ chủ yếu là do xung đột vũ trang và tai họa khủng bố gây ra, đồng thời trở nên trầm trọng hơn do tác động tàn phá của biến đổi khí hậu, khiến hàng triệu người phải thiệt mạng và phải di dời. Tôi cũng nghĩ đến người dân các quốc gia vùng Sừng Châu Phi. Tôi cầu xin cho họ những hồng ân hòa bình, hòa hợp và tình huynh đệ. Xin Con của Đấng Toàn Năng trợ giúp cam kết của cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy tiếp cận viện trợ nhân đạo cho người dân Sudan và trong việc bắt đầu các cuộc đàm phán mới nhằm đạt được lệnh ngừng bắn.
Ước gì lời loan báo Giáng Sinh mang lại sự an ủi cho người dân Myanmar, những người, do các cuộc xung đột vũ trang liên tục, phải chịu đau khổ trầm trọng và buộc phải rời bỏ nhà cửa của mình.
Xin Chúa Giêsu Hài Đồng truyền cảm hứng cho các nhà chức trách chính trị và tất cả những người thiện chí trên lục địa Châu Mỹ, để có thể tìm ra các giải pháp hiệu quả về sự thật và công lý càng sớm càng tốt, nhằm thúc đẩy sự hòa hợp xã hội, đặc biệt ở Haiti, Venezuela, Colombia và Nicaragua và chúng ta hãy làm việc, đặc biệt trong Năm Thánh này, để xây dựng lợi ích chung và tái khám phá phẩm giá của mỗi người, vượt qua những chia rẽ chính trị.
Ước gì Năm Thánh là một cơ hội để phá bỏ mọi bức tường ngăn cách: những bức tường ý thức hệ, vốn thường đánh dấu đời sống chính trị, và những bức tường vật lý, chẳng hạn như sự chia rẽ đã ảnh hưởng đến đảo Sýp trong 50 năm nay và đã xé toạt tấm vải con người và xã hội của hòn đảo này. Tôi hy vọng rằng chúng ta có thể đạt được một giải pháp chung, chấm dứt sự chia rẽ bằng sự tôn trọng đầy đủ đối với các quyền và phẩm giá của tất cả các cộng đồng người Sýp.
Chúa Giêsu, Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa làm người, là Cửa rộng mở mà chúng ta được mời gọi đi qua để khám phá lại ý nghĩa sự hiện hữu của chúng ta và sự thánh thiêng của mọi sự sống, mọi sự sống đều thánh thiêng, cũng như để phục hồi các giá trị nền tảng của gia đình nhân loại. Người đang đợi chúng ta ở ngưỡng cửa. Người đang chờ đợi mỗi người chúng ta, đặc biệt là những người mong manh nhất: Người đang chờ đợi những trẻ em, tất cả trẻ em phải chịu đựng chiến tranh và nạn đói; chờ đợi những người già, thường bị buộc sống trong điều kiện cô độc và bị bỏ rơi; chờ đợi những người mất nhà cửa hoặc trốn chạy khỏi đất đai của họ, trong nỗ lực tìm nơi ẩn náu an toàn; Người chờ đợi những ai đã mất việc hoặc không tìm được việc làm; đang chờ đợi những tù nhân, những người, mà mặc cho tất cả, vẫn luôn là con cái Thiên Chúa; Người đang chờ đợi những ai bị bách hại vì đức tin của mình. Họ rất nhiều.
Trong ngày lễ này, chúng ta cũng không quên bày tỏ lòng biết ơn đối với những người dấn thân hết mình vì điều thiện một cách thầm lặng và trung thành: Tôi nghĩ đến các bậc cha mẹ, các nhà giáo dục và các thầy cô, những người có trách nhiệm lớn lao trong việc đào tạo các thế hệ tương lai; Tôi nghĩ đến các nhân viên y tế, cảnh sát, những người tham gia công tác bác ái, đặc biệt là các nhà truyền giáo rải rác trên khắp thế giới, những người mang lại ánh sáng và niềm an ủi cho nhiều người đang gặp khó khăn. Với tất cả họ, chúng ta muốn nói lời cảm ơn!
Anh chị em thân mến, ước gì Năm Thánh là cơ hội để tha thứ các khoản nợ, đặc biệt là những khoản nợ đang đè nặng lên các quốc gia nghèo nhất. Mọi người được kêu gọi tha thứ những xúc phạm mình đã nhận, bởi vì Con Thiên Chúa, Đấng sinh ra trong lạnh giá và đêm tối, tha thứ mọi khoản nợ của chúng ta. Người đến để chữa lành và tha thứ cho chúng ta. Chúng ta, những người hành hương của niềm hy vọng, hãy đến gặp Người! Chúng ta hãy mở cánh cửa trái tim mình cho Người, như Người đã mở cánh cửa trái tim của Người cho chúng ta.
Tôi cầu chúc mọi người một Giáng Sinh an lành.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/su-diep-giang-sinh-2024-va-phep-lanh-urbi-et-orbi-2512-42296.html
62. 12 sự kiện đánh dấu năm 2024 của Đức Thánh Cha Phanxicô
Nhìn lại năm 2024 sắp kết thúc, trang mạng Aleteia liệt kê những sự kiện đáng chú ý nhất trong năm của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Vatican News
Ngày 11/01: Châu Phi nói không với Tuyên bố Fiducia Supplicans
Đầu năm nay, Đức Thánh Cha đã phải đối diện với khó khăn do văn kiện Fiducia Supplicans được công bố vào cuối năm 2023, cho phép chúc lành ngoài phụng vụ các cặp đồng tính.
Một số bày tỏ phản đối mạnh mẽ chống lại sáng kiến này của Bộ Giáo lý Đức tin. Đặc biệt, các giám mục châu Phi, dưới sự lãnh đạo Đức Hồng Y Fridolin Ambongo, đã công bố một tuyên bố từ chối áp dụng văn kiện này. Vào tháng 3, lại có một trở ngại khác, lần này trong lĩnh vực đại kết: Giáo hội Chính thống Copte Ai Cập tuyên bố ngưng đối thoại thần học với Công giáo, với lý do được đưa ra là do sự khác biệt “quan điểm đồng tính luyến ái”. Đức Hồng Y Fernández, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã tới Cairo vào tháng 5 để gặp trực tiếp Đức Thượng Phụ Tawadros II, Giáo hội Chính thống Copte Ai Cập.
Ngày 12/01: Đức Thánh Cha bị bệnh về đường hô hấp
Trong những tháng đầu năm 2024, Đức Thánh Cha bị bệnh về đường hô hấp buộc ngài phải hủy bỏ nhiều cuộc gặp gỡ và giao việc đọc các bài giáo lý và diễn văn cho những người cộng tác. Ngài đã mất một thời gian dài để phục hồi. Vào cuối tháng 3, để không bị bệnh do thời tiết lạnh, vào những phút cuối Đức Thánh Cha đã quyết định không đến chủ sự buổi suy niệm Đàng Thánh giá trọng thể, ở Hý trường Colosseo, Roma, và ngài dự buổi cử hành này qua truyền hình, từ Nhà thánh Marta ở Vatican.
Nhưng sau đó, vào mùa thu Đức Thánh Cha đã phục hồi nhanh chóng và tiếp tục thực hiện các chuyến tông du. Và ngài có lại được sức khoẻ ổn định, như được thấy trong các buổi tiếp kiến và gặp gỡ, mặc dù vào đầu tháng 12, ngài bị ngã khiến cằm bị bầm tím.
Ngày 03/4: Đức Thánh Cha trải lòng về Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI
Trong cuốn sách “El Sucesor - Người Kế nhiệm”, nội dung là cuộc phỏng vấn của nhà báo người Argentina Javier Martinez-Brocal, được công bố vào ngày 03/4, Đức Thánh Cha nói về những hồi ức của ngài về vị tiền nhiệm, Đức cố Giáo Hoàng Biển Đức XVI. Đức Thánh Cha nói rằng đối với ngài, Đức Biển Đức là một người cha, luôn bảo vệ và không bao giờ can thiệp vào công việc của ngài.
Phủ nhận những người muốn gây chia rẽ giữa hai vị, Đức Thánh Cha thú nhận, trong mật nghị Hồng y năm 2005, ngài bầu cho Đức Hồng Y Joseph Ratzinger và coi Đức Biển Đức XVI là nhà thần học trổi vượt.
Đức Thánh Cha cũng tiết lộ muốn một nghi thức đơn giản cho tang lễ của chính ngài, và cho biết phần mộ của ngài đã được chuẩn bị ở Đền thờ Đức Bà Cả.
Ngày 28/4: Đức Thánh Cha viếng thăm thành phố nổi Venezia
Đức Thánh Cha đã dành 8 tiếng để thực hiện chuyến viếng thăm mục vụ tại Venezia, vào ngày 28/4. Đầu tiên, ngài đã đến thăm một nhà tù, sau đó gặp gỡ các nghệ sĩ nhân dịp cuộc triển lãm nghệ thuật thứ 60, trong đó cũng có một gian hàng của Tòa Thánh do Bộ Văn hóa của Tòa Thánh đảm trách. Tại sự kiện, Đức Thánh Cha tuyên bố “thế giới cần các nghệ sĩ”. Và sự kiện cuối cùng tại đây là Thánh lễ. Nhân dịp này, ngài khuyến khích người dân Venezia bảo vệ di sản sinh thái, cũng như “di sản nhân loại của họ”.
Đức Thánh Cha còn hai lần nữa đến thăm vùng đông bắc nước Ý: vào ngày 18/5 tới Verona để tham dự cuộc họp mặt lớn về hòa bình ở hý trường Arena, và ngày 07/7 tới Trieste để bế mạc Tuần lễ xã hội Công giáo lần thứ 50.
Ngày 28/5: Đức Thánh Cha xin lỗi vì dùng từ ngữ xúc phạm
Vào những ngày cuối tháng 5, một số trang mạng cho rằng trong buổi trao đổi riêng giữa Đức Thánh Cha và khoảng 200 giám mục Ý ngày 20/5, ngài đã xúc phạm người đồng tính khi dùng từ “frociaggine” trong tiếng lóng của Ý, thường có nghĩa tiêu cực, thay vì từ “omossessualità” để chỉ sự đồng tính luyến ái.
Sau đó, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã đưa ra một tuyên bố khẳng định: “Đức Thánh Cha không bao giờ có ý xúc phạm hoặc thể hiện mình bằng những thuật ngữ kỳ thị người đồng tính, và ngài gửi lời xin lỗi tới những người cảm thấy bị xúc phạm khi ngài sử dụng từ này, như những người khác thuật lại”.
Theo báo Avvenire -Tương lai của Hội đồng Giám mục Ý, lập trường trên đây của Đức Thánh Cha không có gì là mới mẻ. Huấn thị của Bộ Giáo sĩ năm 2005 dưới triều Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã khẳng định rằng: “Tuy có lòng tôn trọng sâu xa đối với những người đồng tính luyến ái, Giáo hội không thể nhận vào chủng viện và cho chịu các thánh chức đối với những người có xu hướng đồng tính luyến ái tại căn, hoặc chủ trương văn hóa đồng tính luyến ái”.
Ngày 14/6: Đức Thánh Cha tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 về trí tuệ nhân tạo
Tham dự hội nghị về trí tuệ nhân tạo, Đức Thánh Cha đã nói về cơ hội, mối nguy và ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo: nhân loại sẽ bị kết án trong một tương lai vô vọng nếu khả năng quyết định về bản thân và cuộc sống của họ bị tước đi khỏi con người, buộc họ phải phụ thuộc vào sự lựa chọn của máy móc. Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế con người đưa ra quyết định. Ngài nhấn mạnh tính cấp thiết đặt phẩm giá con người trở lại trung tâm theo một đề xuất đạo đức chung.
Từ ngày 02 đến 13/9: Chuyến tông du dài ngày đến châu Á và châu Đại Dương
Với 44 giờ bay và 32.000 km di chuyển, chuyến viếng thăm dài ngày đến châu Á và châu Đại Dương vào tháng 9 đã phá vỡ mọi kỷ lục tông du của Đức Thánh Cha. Điều đáng ngạc nhiên nhất là vị Giáo hoàng lúc đó gần 88 tuổi dường như tràn đầy sinh lực sau chuyến đi này.
Tại Indonesia, Đức Thánh Cha đã khuyến khích một Giáo hội thiểu số tìm chỗ đứng của mình bên cạnh cộng đồng Hồi giáo lớn nhất thế giới. Ở Papua New Guinea xanh tươi, ngài đã trở thành nhà truyền giáo hòa bình chống lại nạn bạo lực đang tàn phá đất nước. Sau đó, ngài đã thực hiện cuộc viếng thăm được cho là rất thành công đến Đông Timor, một đất nước đa số Công giáo mà ngài ca ngợi là trẻ. Và cuối cùng đến Singapore, nơi ngài ủng hộ sự hòa hợp giữa các tôn giáo và tôn trọng người di cư.
Từ ngày 26 đến 29/9: Chuyến tông du khó khăn của Đức Thánh Cha đến Bỉ
Sau chặng dừng chân mang tính biểu tượng ở Luxembourg, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện chuyến viếng thăm Bỉ. Đó là một trong những khó khăn nhất trong triều giáo hoàng của ngài.
Trong những lời chào mừng tại dinh thự Hoàng gia, Nhà vua và Thủ tướng đã hỏi Đức Thánh Cha về những vụ bê bối lạm dụng tình dục của các linh mục. Sau khi tiếp đón các nạn nhân, Đức Thánh Cha đã thay đổi nội dung bài giảng trong Thánh lễ được cử hành tại sân vận động King Baudouin để yêu cầu các giám mục nỗ lực chống lại tai họa này một cách hiệu quả hơn.
Vào cuối thánh lễ, Đức Thánh Cha tuyên bố đang mở tiến trình phong chân phước cho vua Baudouin, vì ông phản đối việc hợp pháp hóa phá thai. Và ngài đã bị chỉ trích mạnh mẽ trong chuyến thăm Đại học Công giáo Leuven vì lập trường “ủng hộ sự sống” của ngài và quan điểm truyền thống về vai trò của phụ nữ.
Từ ngày 2 đến 27/10: Thượng hội đồng về tính hiệp hành
Trong suốt tháng 10, Đức Thánh Cha đã chủ trì phiên họp thứ hai của Thượng hội đồng về hiệp hành, trong đó 368 thành viên từ khắp nơi trên thế giới, với 25% trong số đó không phải là giám mục, đã cùng nhau suy tư về một cách toàn diện hơn, có tính tham gia hơn và ít giáo sĩ hơn.
Phiên họp này được cho là kết thúc một tiến trình bắt đầu vào năm 2021, nhưng thực tế, công việc vẫn đang tiếp diễn. 10 nhóm làm việc do Đức Thánh Cha thành lập để nghiên cứu một số vấn đề nhạy cảm phải đưa ra kết luận vào tháng Sáu năm 2025.
Vào cuối Thượng Hội đồng, Đức Thánh Cha đã ký Văn kiện Chung kết của các thành viên Thượng hội đồng. Ngài mô tả Văn kiện này như một phần của “Giáo huấn thông thường của Người kế vị Thánh Phêrô” và yêu cầu tôn trọng bản chất có thẩm quyền của tài liệu.
Ngày 22/10: Thỏa thuận với Trung Quốc được gia hạn thêm 4 năm
Lần thứ ba, Tòa Thánh và Trung Quốc đã gia hạn thỏa thuận mục vụ năm 2018 về thủ tục bổ nhiệm giám mục ở Trung Quốc. Mặc dù văn bản vẫn mang tính chất tạm thời và không công khai, nhưng hoạt động ngoại giao giáo hoàng của Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Toà Thánh Pietro Parolin đã đạt được tiến bộ cụ thể: thỏa thuận đã được gia hạn thêm bốn năm, thay vì hai năm.
Tại Vatican, hiện nay các buổi tiếp kiến chung cũng được tóm tắt bằng tiếng Quan thoại, các giám mục Trung Quốc đã tham gia Thượng hội đồng và một hội nghị chuyên đề dịp kỷ niệm 100 năm Công đồng đầu tiên của Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc, và thỏa thuận cho phép bổ nhiệm 5 giám mục mới.
Ngày 7/12: Công nghị Hồng y với 20 hồng y cử tri
Đức Thánh Cha tiếp tục thành lập hồng y đoàn bầu chọn người kế vị bằng cách triệu tập công nghị thăng 21 hồng y, 20 trong số đó dưới 80 tuổi và do đó, có thể bỏ phiếu trong trường hợp mật nghị. Trong Công nghị Hồng y lần thứ mười, Đức Thánh Cha đã chọn những gương mặt phù hợp với các cuộc cải cách mục vụ khởi đầu từ năm 2013, như nhà thần học Timothy Radcliffe và Đức Tổng Giám Mục Jean-Paul Vesco của Algeria.
Trong khi châu Phi vẫn còn ít đại diện (2 hồng y trong công nghị này), châu Á tiếp tục tăng, chiếm 16% đại diện và thậm chí 18% nếu bao gồm các hồng y từ Trung Đông - Hồng y Dominique Joseph Mathieu, Tổng Giám Mục Tehran-Isfahan của Công giáo Latinh. Trong số 140 hồng y cử tri hiện nay, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm gần 80%.
Ngày 15/12: chọn Corsica thay vì Notre-Dame
Một lần nữa, thích các vùng ngoại vi hơn là trung tâm, Đức Thánh Cha đã làm mọi người ngạc nhiên khi chọn đến thăm đảo Corsica của Pháp để tham dự một hội nghị về “Lòng đạo đức bình dân ở miền Địa Trung Hải”, trong đó các giám mục Ý, Pháp và Tây Ban Nha cũng tham gia.
Tại Ajaccio, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến một “thế tục lành mạnh”, trong đó Corsica, nơi các truyền thống Công giáo vẫn bám rễ sâu, theo ngài là một thí dụ điển hình.
Cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha với các giáo sĩ địa phương và Thánh lễ được cử hành dưới tượng Napoléon Bonaparte đã tỏ lộ mối liên kết bền chặt giữa người dân Corsica và Giám mục Roma. Chuyến thăm thứ ba của Đức Thánh Cha tới Pháp kết thúc bằng một cuộc gặp khác với Tổng thống Emmanuel Macron. Trong buổi gặp, Tổng thống đã tặng ngài một cuốn sách về việc tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/12-su-kien-danh-dau-nam-2024-cua-duc-thanh-cha-phanxico-42299.html
63. Tổng thống Argentina nhìn nhận “công việc quan trọng” của Giáo hội Công giáo vì công ích
Trong lá thư đề ngày 23/12/2024 gửi đến Hội đồng Giám mục Argentina, Tổng thống Argentina, Javier Milei, đã công nhận “công việc quan trọng vì lợi ích chung” của Giáo hội Công giáo ở nước này.
Hồng Thủy - Vatican News
Thư của tổng thống Argentina trả lời thư của các Giám mục Argentina gửi cho ông vào ngày 11/12/2024. Hội đồng Giám mục Argentina đã chia sẻ cả hai lá thư với giới truyền thông.
Đối thoại, hiểu biết và hợp tác giữa tất cả các thành phần xã hội
Thư của các Giám mục có chữ ký của Đức Cha chủ tịch Marcelo Daniel Colombo cùng với chữ ký của hai vị phó chủ tịch và tổng thư ký. Trong thư, các ngài đề nghị “cùng nhau giúp tạo ra những con đường đối thoại, hiểu biết và hợp tác giữa tất cả các thành phần xã hội”. Các ngài viết: “Chúng tôi hiểu rằng những giá trị này là nền tảng để củng cố hòa bình xã hội, tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa những người Argentina và dành ưu tiên đặc biệt cho nhu cầu của những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội của chúng ta”. Các ngài cầu xin Chúa ban cho tổng thống sự khôn ngoan và sức mạnh để phục vụ quốc gia. Các ngài cũng tin rằng, “dưới sự bảo vệ của Mẹ chúng ta, Đức Trinh Nữ Luján, chúng ta sẽ có thể cùng nhau xây dựng một Argentina là ngôi nhà của sự gặp gỡ, đoàn kết và tình huynh đệ đích thực”.
Trong thư phản hồi, tổng thống Javier Milei đảm bảo với các Giám mục về việc ông sẵn sàng “tiếp tục xây dựng những không gian đối thoại và hợp tác nhằm giúp tiến tới các mục tiêu chung”. Ông kết luận: “Tôi nhân cơ hội này bày tỏ những lời chúc tốt đẹp nhất của mình cho một Giáng sinh vui vẻ và một Năm mới thịnh vượng (…), nhắc lại sự đánh giá cao và quý trọng cao nhất của tôi”.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/tong-thong-argentina-nhin-nhan-cong-viec-quan-trong-cua-giao-hoi-cong-giao-vi-cong-ich-42300.html
64. Đức Thánh Cha khuyên các sinh viên Đại học Bêlem bảo vệ hồng ân đức tin
Đức Thánh Cha gửi sứ điệp đến Đại học Bêlem, mời gọi các sinh viên phó thác mọi sự cho Chúa Giêsu trong cầu nguyện và luôn bảo vệ “hồng ân đức tin”.
Vatican News
Trong sứ điệp đề ngày 20/12, trước lễ Giáng sinh, gửi tới Phó hiệu trưởng Đại học Bêlem, trước hết, Đức Thánh Cha gửi lời chào thân ái và sự gần gũi tinh thần đến các nhân viên, sinh viên, nhắc nhở mọi người Mùa Vọng là thời gian “mong đợi trong vui mừng” Chúa Kitô đến.
Ngài nói: “Trong khi toàn thể Giáo hội chuẩn bị cử hành Chúa Giáng sinh, cũng là thời điểm bắt đầu Năm Thánh, tôi cầu nguyện những dịp này, biểu tượng cho cuộc sống mới, hy vọng và hoà giải, sẽ mang đến cho mỗi người trong anh chị em những cơ hội canh tân tinh thần và củng cố lòng kiên trì trong ơn gọi trở thành môn đệ vui tươi của Chúa Kitô”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh thêm: “Một cách đặc biệt, tôi muốn nói với những người trẻ của trường Đại học: hãy luôn bảo vệ hồng ân đức tin. Đức tin không phải là điều gì đó để che giấu, nhưng là một kho báu để chia sẻ với người khác. Mặc dù, vì tuổi trẻ nên đôi khi các con có thể cảm thấy yếu đuối, bối rối hoặc thậm chí vỡ mộng, hãy trao phó tất cả cho Chúa Giêsu trong cầu nguyện, vì Người là nguồn hy vọng lâu dài. Chúa tràn đầy sự sống sẽ làm cho tuổi trẻ của các con trở nên đáng giá”.
Đồng thời, Đức Thánh Cha thúc giục các sinh viên không bao giờ đi một mình, trái lại cần nuôi dưỡng tương quan xã hội và trong môi trường nghiên cứu. Bởi vì “trong bối cảnh bạo lực đang ảnh hưởng đến nhiều người, gia đình nhân loại chúng ta cần những mẫu gương liên đới tràn đầy hy vọng”.
Ở điểm này, ngài khuyến khích các bạn trẻ nhiệt tình làm chứng cho các giá trị đời đời của Tin Mừng để trở thành mẫu gương cho lãnh đạo chính trị và các truyền thống tôn giáo khác nhau.
Đức Thánh Cha nhận xét, theo cách này, các sinh viên sẽ xây dựng một tương lai đối thoại, hiểu biết lẫn nhau, và tình huynh đệ hài hoà.
Ngài kết thúc sứ điệp: “Với những tâm tình này, tôi phó thác các nhân viên và sinh viên Đại học Bêlem cho sự bảo vệ của Đức Maria, Mẹ Giáo hội. Tôi cầu nguyện cho tất cả mọi người được tràn đầy niềm vui và bình an trong Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể”.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-khuyen-cac-sinh-vien-dai-hoc-belem-bao-ve-hong-an-duc-tin-42309.html
65. ĐHY Krajewski mong ước đây là lần cuối Ucraina mừng lễ Giáng Sinh trong chiến tranh
Trong chuyến thăm Ucraina để mang đến cho người dân Ucraina sự gần gũi của Đức Thánh Cha, Đức Hồng y Konrad Krajewski đã cử hành Thánh lễ Giáng Sinh cho các cảnh sát ở Kharkiv và ngài mong ước Giáng Sinh năm nay là lần cuối Ucraina mừng lễ trong chiến tranh.
Vatican News
Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Phục vụ Bác ái đã cử hành Thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Kharkiv với Đức Tổng Giám mục Visvaldas Kulbokas, Sứ thần Tòa Thánh tại Ucraina, Đức Giám mục Pavlo Honcharuk của Kharkiv-Zaporizhzhia, các giám mục Công giáo Đông phương và với sự tham dự của các Giám mục Chính thống giáo Ucraina ở Kharkiv.
Một Giáo hội thực sự hiệp nhất
Sau cử hành đại kết, Đức Hồng y nói: “Tôi thấy một Giáo hội thực sự hiệp nhất ở đó. Tất cả chúng tôi đã cùng nhau mừng lễ Giáng sinh. Đã đến lúc xóa bỏ những tranh chấp lịch sử, đón lấy những truyền thống khác nhau mà chúng ta có và cùng nhau chấm dứt cuộc chiến vô nghĩa này. Bởi vì Chúa Giêsu đã nhiều lần yêu cầu chúng ta hiệp nhất nên một”. Đức Hồng y cầu nguyện trước khi chia sẻ bữa tiệc Vọng Giáng sinh với các giáo sĩ và tu sĩ địa phương rằng “Cầu xin cho Giáng Sinh năm sau sẽ tràn ngập niềm vui và tự do cho Ucraina”.
Cuộc tấn công của Nga vào Kharkiv vào ngày lễ Giáng Sinh
Vài giờ sau khi Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Bác Ái rời Kharkiv, Nga đã tấn công dữ dội bằng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo vào hệ thống năng lượng của Ucraina và một số thành phố, khiến cho 6 người ở Kharkiv bị thương.
“Đó là vụ tấn công lúc 6 giờ sáng Ngày Giáng sinh”, Đức Hồng y Krajewski nói với hãng tin của Hội đồng Giám mục Mỹ trong một thông điệp được ghi lại khi ngài đang đi trên một chuyến tàu với các cửa sổ đóng kín hoàn toàn để không có ánh sáng lọt ra ngoài vì lý do an ninh, từ Kharkiv đến Lviv ở miền tây Ucraina trong chuyến đi kéo dài 14 giờ vào ngày 25/12.
Sau vụ tấn công vào Kharkiv, nhiều người không có lò sưởi khi nhiệt độ xuống khoảng “không độ C”. Đức Hồng y Krajewski cho biết, “Các máy phát điện mà chúng tôi cung cấp từ Vatican, là món quà của Đức Thánh Cha, đang cứu sống nhiều người”.
Bày tỏ với người dân Ucraina về sự gần gũi của Đức Thánh Cha
Đức Hồng y Krajewski bắt đầu chuyến thăm Ucraina lần thứ chín từ ngày 18/12/2024. Ngài lái một xe bệnh viện lưu động được thiết kế theo nhu cầu cụ thể của Ucraina và tặng nó cùng 6 máy siêu âm cho Caritas Ucraina tại Lviv vào ngày 21/12/2024. Sau đó ngài đã đi tàu đến Kyiv vào ngày 22/12.
Vào ngày 23/12/2024, Đức Hồng y đã khánh thành một bếp ăn từ thiện cho những người nghèo ở Fastiv, phía tây Kyiv. Vào ngày 24/12/2024, tại Kyiv, ngài đã đến thăm 5 Nữ tu Dòng Truyền giáo Bác ái của Mẹ Têrêsa, và những người họ chăm sóc.
Sau đó, đại diện của Đức Thánh Cha đã đến thăm cộng đoàn Giáo xứ Công giáo Thánh Nicôla, nơi đã bị phá hủy bởi một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Nga vào ngày 20/12/2024. Đức Hồng y cho biết: “Cộng đoàn đã tặng một món quà cho Đức Thánh Cha; đó là một hình chú chim bồ câu, biểu tượng của hòa bình, được vẽ trên một mảnh kính vỡ từ cửa sổ kính màu”.
Đức Hồng y nói với hãng tin của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ: “Đức Thánh Cha Phanxicô muốn tôi nói với họ rằng ngài ở bên họ, ngài cầu nguyện cho Ucraina và ngài muốn tôi ôm chào mọi người thay cho ngài”.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dhy-krajewski-mong-uoc-day-la-lan-cuoi-ucraina-mung-le-giang-sinh-trong-chien-tranh-42310.html
66. Đức Thánh Cha mời gọi giới trẻ thúc đẩy tinh thần chia sẻ và tình huynh đệ
Trong sứ điệp được ký bởi Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, gửi đến các bạn trẻ tham dự Cuộc gặp mặt châu Âu lần thứ 47, diễn ra tại Tallinn, thủ đô Estonia, Đức Thánh Cha mời gọi giới trẻ, giữa những xung đột và bạo lực, thúc đẩy tinh thần chia sẻ và tình huynh đệ, vượt qua mệt mỏi, khủng hoảng và lo lắng.
Vatican News
Cuộc gặp gỡ lần thứ 47 do Cộng đoàn Taizé ở Pháp tổ chức từ ngày 28/12/2024 đến 01/01/2025, với sự tham dự của ba ngàn bạn trẻ, gồm Công giáo, Tin lành, Chính thống và Anh giáo, đến từ 40 nước Âu châu.
Đức Thánh Cha nhắc lại chuyến tông du tới các nước vùng Baltic vào năm 2018 và cuộc gặp gỡ với giới trẻ của Giáo hội Tin lành Luther ở Kaarli cũng ở thủ đô Tallinn. Nhân dịp đó, ngài bày tỏ vẻ đẹp khi cùng nhau “chia sẻ những chứng từ cuộc sống, bày tỏ những suy nghĩ và ước muốn”.
Ngài cho rằng việc thúc đẩy “tinh thần chia sẻ và tình huynh đệ”, càng tỏ ra cần thiết hơn khi nhìn vào “những thử thách lớn” mà cộng đồng toàn cầu được kêu gọi đối diện. Đức Thánh Cha nhắc mọi người nhớ đến nhiều quốc gia “bị đánh dấu bởi bạo lực và chiến tranh”, cũng như những người phải gánh chịu hậu quả trực tiếp.
Đề cập đến chủ đề “Hy vọng vượt trên mọi hy vọng” của cuộc gặp gỡ gần với chủ đề của Năm Thánh vừa mới khai mạc, Đức Thánh Cha trích một đoạn trong sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 39: “Hãy bước đi trong hy vọng! Hy vọng vượt qua mọi mệt mỏi, mọi khủng hoảng và mọi lo lắng. Hy vọng cho chúng ta một động lực mạnh mẽ để tiến bước, vì đó là một ân ban từ Chúa. Chúa lấp đầy thời gian chúng ta bằng ý nghĩa, chiếu sáng trên con đường chúng ta và chỉ cho chúng ta phương hướng và mục tiêu cuối cùng của cuộc sống”.
Sứ điệp viết tiếp: “Các bạn trẻ thân mến, Đức Thánh Cha trông cậy nơi các bạn và tái khẳng định sự tin tưởng mà Giáo hội dành cho các bạn, vì Giáo hội hoàn vũ cần các bạn để loan báo Tin Mừng tình yêu Thiên Chúa trong thời đại hôm nay. Đây cũng là ý nghĩa của tiến trình hiệp hành mà Giáo hội Công Giáo đang thực hiện, giúp thúc đẩy đáng kể tình bạn đại kết với các anh chị em thuộc các hệ phái Kitô giáo khác”.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-moi-goi-gioi-tre-thuc-day-tinh-than-chia-se-va-tinh-huynh-de-42317.html
67. 250 ngàn người nghèo ăn bữa trưa Giáng Sinh do Cộng đoàn Thánh Egidio tổ chức
Vào trưa ngày lễ Giáng Sinh 2024, 250 ngàn người nghèo tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có 80 ngàn người ở Ý, đã dùng bữa trưa được Cộng đoàn Thánh Egidio tổ chức vào ngày lễ Giáng Sinh.
Hồng Thủy - Vatican News
Tại Ý, bữa trưa Giáng Sinh được tổ chức tại đền thờ Đức Mẹ ở khu vực Trastevere. Đây chính là nơi bắt đầu truyền thống bữa trưa Giáng Sinh với người nghèo.
Những người vô gia cư, người già, các gia đình khó khăn, những người tị nạn đến Ý theo các hành lang nhân đạo ngồi cùng bàn với những người giúp đỡ họ hàng ngày trong năm và là “bạn bè của họ”. Trong gần hai giờ, họ trò chuyện và ăn mừng lễ với thực đơn truyền thống: lasagna, bánh mì thịt, đậu lăng và bánh panettone.
Ông Andrea Riccardi, người sáng lập Cộng đồng Thánh Egidio, đã dùng bữa trưa tại đền thờ Đức Maria ở Trastevere cùng với chủ tịch Marco Impagliazzo. Ông nói rằng “Bàn ăn này vượt qua sự cô đơn nhưng nó cũng là một đề nghị để xã hội chúng ta trở nên huynh đệ và chào đón hơn”. “Cùng với cánh cửa của đền thờ, cánh cửa của nhiều trái tim cũng đã mở ra, của tất cả nhiều người, trong đó có nhiều người trẻ, những người ngày nay đang chăm sóc những người đang cần giúp đỡ”.
Thị trưởng Roma, Roberto Gualtieri, cũng hiện diện trong bữa trưa tại đền thờ Đức Maria ở Trastevere. Ông chia sẻ: “Đối với tôi, thật vinh dự khi được có mặt ở đây. Đó là một khoảnh khắc đẹp, với những người cần cảm thấy thành phố đang ở gần, một thành phố không muốn bỏ ai lại phía sau, nơi mọi người đều được sống tốt hơn, không chỉ những người được giúp đỡ mà còn cả những người giúp đỡ họ”.
Tất cả các bữa trưa do Cộng đoàn Thánh Egidio tổ chức đều được thực hiện nhờ sự hỗ trợ của các tình nguyện viên và những người liên đới.
Nhiều sáng kiến đã được Cộng đoàn đã lên kế hoạch từ ngày 24/12, trong suốt thời gian lễ Giáng Sinh, ví dụ như phân phát bữa ăn và quà tặng trong các nhà tù, như ở Roma, Rebibbia và Regina Coeli.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/250-ngan-nguoi-ngheo-an-bua-trua-giang-sinh-do-cong-doan-thanh-egidio-to-chuc-42318.html