06/12/2024
66
Lời giới thiệu sách: Lịch sử các Năm Thánh trong dòng lịch sử Giáo hội Công Giáo Rôma


















LỜI GIỚI THIỆU SÁCH: LỊCH SỬ CÁC NĂM THÁNH

TRONG DÒNG LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO RÔMA

Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng

WHĐ (05/11/2024) - Linh mục Phêrô Nguyễn Thanh Tùng đã biên soạn quyển sách “Lịch sử các năm thánh trong dòng lịch sử Giáo hội Công giáo Rôma” với mong muốn giúp các tín hữu cử hành và sống Năm Thánh một cách thiết thực và hiệu quả, để Năm Thánh trở thành thời gian mang lại niềm hy vọng và tình yêu sâu sắc. Được phép của tác giả, Ban biên tập sẽ lần lượt đăng loạt bài trong tập sách này. Sau đây là lời giới thiệu của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Viện trưởng Học viện Công giáo Việt Nam, và lời giới thiệu của chính tác giả.

LỜI GIỚI THIỆU CỦA ĐỨC CHA PHÊRÔ NGUYỄN VĂN KHẢM

Qua Tông sắc Spes non confundit (Niềm hi vọng không làm thất vọng), Đức Thánh Cha Phanxicô chính thức công bố mở Năm Thánh thường lệ 2025, bắt đầu từ ngày 24 tháng 12 năm 2024 và sẽ kết thúc vào ngày 06 tháng 01 năm 2026, Lễ Chúa Hiển Linh Đức Thánh Cha mong muốn Năm Thánh 2025 sẽ là “một trải nghiệm sâu sắc về ân sủng và hi vọng cho toàn thể Giáo Hội và mỗi người tín hữu” (số 6).

Để chuẩn bị cho các tín hữu cử hành và sống Năm Thánh như mong ước của Vị Cha chung, cha Phêrô Nguyễn Thanh Tùng đã biên soạn quyển Lịch sử các Năm Thánh trong dòng lịch sử Giáo hội Công giáo Rôma. Khi đọc quyển sách này, tôi có cảm tưởng đây là cuộc hành hương xuyên lịch sử. Tại sao? Trong Tông sắc công bố mở Năm T hánh, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Hành hương là yếu tố cơ bản của mọi sự kiện Năm Thánh. Lên đường là đặc điểm của người đi tìm ý nghĩa của cuộc sống” (số 5). Đang khi đó, cha Phêrô Nguyễn Thanh Tùng không chỉ dẫn người đọc đi hành hương từ địa điểm này đến địa điểm khác, nhưng vốn là giáo sư phụ trách môn Giáo sử tại Học viện Công giáo Việt Nam và nhiều đại chủng viện, tác giả đã thu thập rất nhiều tư liệu về việc cử hành Năm Thánh từ đầu cho đến nay, cùng với những diễn giải cần thiết và những hình ảnh cụ thể, sống động. Vì thế đây đúng là hành hương xuyên lịch sử.

Bước vào cuộc hành hương xuyên lịch sử ấy, chúng ta thấy rõ hơn hình ảnh Giáo hội lữ hành Giáo hội là cộng đoàn còn đang trên đường đi, chưa tới nơi, vì thế “Giáo Hội vẫn mang khuôn mặt chóng qua của đời này, thể hiện nơi các dấu chỉ và định chế gắn liền với cuộc sống trần thế” (Hiến chế Giáo hội, số 48). Giáo hội được tuyên xưng là thánh thiện nhưng lại mang trong lòng những đứa con tội lỗi, do đó sám hối và canh tân gắn liền với đời sống Giáo hội, đặc biệt trong Năm Thánh như Thánh Gioan Phaolô II nói: “Năm Thánh tự nó không phải là mục đích nhưng là phương tiện thúc đẩy các tín hữu hoán cải và canh tân thiêng liêng”.

Trong lòng Giáo hội, mỗi chúng ta cũng là người lữ hành Hành hương trong Năm Thánh giúp chúng ta ý thức rằng cả cuộc đời mình là cuộc hành hương và là hành hương trong hi vọng Dù phải đối diện với những đau khổ và thử thách, những tàn phá của tội lỗi, kể cả sự chết, Kitô hữu vẫn bước đi trong hi vọng vì trung tâm đức tin của chúng ta là chính Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại: “Chúng ta là những kẻ ẩn náu bên Thiên Chúa, chúng ta được mạnh mẽ khuyến khích nắm giữ niềm hi vọng dành cho chúng ta. Chúng ta có niềm hi vọng đó tựa như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, chìm sâu vào bên trong bức màn cung thánh. Đó là nơi Chúa Giêsu đã vào như người tiên phong mở đường cho chúng ta (x Dt 6,18-20).

Đó là lời mời gọi mạnh mẽ đừng bao giờ đánh mất niềm hi vọng đã được ban cho chúng ta, và giữ lấy nó bằng cách tìm ẩn náu nơi Thiên Chúa” (Spes non confundit, số 25) Hơn thế nữa, là những người lữ hành hi vọng, các Kitô hữu còn được mời gọi trở thành người gieo hi vọng trong cuộc sống bằng nỗ lực xây đắp hòa bình, tôn trọng sự sống, thăm viếng bệnh nhân, đón tiếp di dân, chăm sóc người cao tuổi, giữ gìn và chăm sóc ngôi nhà chung là trái đất.

Xin cảm ơn cha Phêrô Nguyễn Thanh Tùng đã biên soạn tài liệu hữu ích giúp các tín hữu hiểu biết, cử hành và sống Năm Thánh cách thiết thực. Ước gì Năm Thánh 2025 là thời gian mang lại cho chúng ta “cảm nghiệm sống động về tình yêu Thiên Chúa, tình yêu khơi dậy trong tâm hồn niềm hi vọng chắc chắn về ơn cứu độ nơi Chúa Kitô” (Spes non confundit, số 6).

Xin trân trọng giới thiệu quyển sách này với tất cả mọi người, cách riêng các linh mục trong nhiệm vụ hướng dẫn Dân Chúa.

Lễ Suy tôn Thánh Giá 2024

(đã ký)

Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Viện trưởng Học viện Công giáo Việt Nam

* * * * *

LỜI GIỚI THIỆU CỦA TÁC GIẢ

Trong buổi hát Kinh Chiều II lễ Chúa Thăng Thiên, thứ Năm, ngày 09 tháng 5 năm 2024, bắt đầu lúc 5 giờ 30 tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ở Rôma, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã trao và cho công bố Tông sắc quyết định khai mở Năm Thánh thường lệ 2025. Văn kiện có tựa đề: “Spes Non Confundit” – “Niềm Hy vọng không làm thất vọng”. Theo đó, Năm Thánh sẽ chính thức bắt đầu bằng việc mở Cửa Thánh tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô vào dịp đại lễ Giáng sinh, ngày 24 tháng 12 năm 2024.

Năm 2023, khi Giáo hội Rôma bắt đầu những công việc chuẩn bị cho Năm Thánh 2025, một ý tưởng bật ra cho riêng cá nhân tôi, và có lẽ cũng là của nhiều người về sự kiện này trong lịch sử của Giáo hội Công giáo: Năm Thánh là gì? Nguồn gốc và nền tảng? Năm Thánh đem lại điều gì cho Giáo hội và cho các Kitô hữu? Những văn kiện nào của các Đức Giáo Hoàng về Năm Thánh? Cửa Thánh là gì, việc mở – đóng Cửa Năm Thánh diễn ra như thế nào? Năm Thánh đầu tiên trong Giáo hội đã diễn ra khi nào và bối cảnh ra sao? Và trải qua dòng lịch sử, đã có bao nhiêu Năm Thánh? Thời gian bao nhiêu năm để có được một Năm Thánh theo chu kỳ thế nào? Bởi vì, Năm 2000, dưới triều Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã có Đại Năm Thánh, đến năm 2015 đã có thêm Năm Thánh do Đức Thánh Cha Phanxicô khai mở, và bây giờ là Năm Thánh 2025. Và còn nhiều vấn đề thắc mắc liên quan đến Năm Thánh cần được đào sâu, hiểu biết để chuẩn bị cho việc sống, thực hành và hưởng nhờ những hiệu quả của Năm Thánh 2025 sắp tới.

Với mong ước đóng góp cho đời sống chung của Giáo hội, chúng tôi biên soạn quyển sách này, như một dòng chảy lịch sử về các Năm Thánh trong dòng lịch sử Giáo hội, từ Năm Thánh đầu tiên vào năm 1300 đến 2025. Vì chưng, lịch sử, tuy là việc thường dễ bị xem nhẹ trong lãnh vực học thuật về khoa học, xã hội và cả tôn giáo, nhưng không biết lịch sử hay quên lãng lịch sử là đánh mất chính cội nguồn và căn tính của mình, vì “lịch sử là cội nguồn sức sống, là sự trường tồn của nhân loại, dân tộc và tôn giáo”. Cho dù Lịch sử là quá khứ nhưng là bài học cho hiện tại và hướng mở đến tương lai của đời sống xã hội, Giáo hội và của từng con người.

Ước mong rằng, với loạt bài về chủ đề Năm Thánh này, sẽ giúp phác thảo nên một khung lịch sử về các Năm Thánh trong dòng lịch sử, để góp phần giúp mọi người hiểu thêm về Năm Thánh và lịch sử Giáo hội Công Giáo Rôma với hơn 700 năm qua. Nhờ đó, chúng ta sống tốt hơn những giá trị và ý nghĩa của Năm Thánh, đồng thời tham gia cách sâu rộng hơn vào Năm Thánh sắp tới này, để đón nhận Ân Sủng Chúa ban qua Giáo hội của Người và lan tỏa niềm hy vọng, ân sủng cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người.

Loạt bài Năm Thánh này sẽ lần lượt trình bày với những điểm chính yếu như sau:

I. TỔNG QUAN VỀ NĂM THÁNH

1. Ý niệm, tên gọi, các thể loại và chu kỳ Năm Thánh

2. Nền tảng Thánh Kinh

3. Ơn Toàn xá

4. Sắc chỉ Năm Thánh

5. Cửa Thánh

6. Việc mở cửa Năm Thánh

II. TỔNG QUÁT VỀ LỊCH SỬ GIÁO HỘI

1. Cổ Đại

2. Trung Đại

3. Cận Đại

4. Hiện Đại

III. LỊCH SỬ CÁC NĂM THÁNH

1. Năm Thánh theo chu kỳ 100 năm: 1300

2. Năm Thánh theo chu kỳ 50 năm: 1350

3. Năm Thánh không theo chu kỳ: 1390

4. Năm Thánh theo chu kỳ 33 năm: 1423

5. Năm Thánh theo chu kỳ 25 năm: 22 lần

6. Năm Thánh ngoại thường: 3 lần

IV. SỐNG NĂM THÁNH 2025

1. “Những người hành hương của hy vọng”

2. “Spes Non Confudit”– “Niềm Hy vọng không làm thất vọng”

Kính mời Quý Vị theo dõi loạt bài về chủ đề Năm Thánh.

Linh mục Phêrô Nguyễn Thanh Tùng

Trích trong tập sách "Lịch sử các năm thánh trong dòng lịch sử Giáo hội Công giáo Rôma”, Nxb Tôn Giáo, 11/2024

(Nguồn: WHĐ)