HÀNH HƯƠNG THỜI CỰU ƯỚC –
PHẦN 2: VỀ MIỀN ĐẤT HỨA
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
WHĐ (09/11/2024) - Môsê đã chấp nhận sứ mạng hướng dẫn dân hành hương về quê hương của cha ông họ. Cuộc hành hương này phải mất đến 40 năm rong ruổi trong sa mạc. Họ vượt Biển Đỏ, ngang qua sa mạc tới núi Sinai.
Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG
CHƯƠNG I: HÀNH HƯƠNG THỜI CỰU ƯỚC
Phần 2: VỀ MIỀN ĐẤT HỨA
Sau những năm tháng Abraham cùng gia đình ra đi theo tiếng gọi của Chúa, thì họ đã đến miền đất hứa (promised land). Gọi là đất hứa vì chính nơi đây Thiên Chúa hứa dành cho Abraham khoảng năm 1900 TCN. Đây chính là Đất thánh mà Cựu ước gọi là “miền đất tràn trề sữa và mật”. Thực ra khi Abraham vào được Đất hứa, Thiên Chúa đã giao ước với ông: “Ta sẽ là Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi sau này. Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi sau này miền đất ngươi đang trú ngụ, tức là tất cả đất Canaan, làm sở hữu vĩnh viễn; và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng.” (St 17,8). Lời hứa ấy đã được thực hiện với sự thành công rực rỡ cả về dân số lẫn tôn giáo, văn hóa và chính trị.
Nơi mảnh đất Cận Đông này, Abraham đã sinh I-xa-ác như là dấu chứng con cháu hoặc dân Chúa sau này đông như sao trời cát biển. Thế hệ tiếp theo: I-xa-ác sinh Gia-cóp như là dấu chứng để dân Chúa được quy tụ nên một dân tộc nơi 12 người con của Gia-cóp. Lý do là mỗi tên của những người con này, theo ý nghĩa thần học, là một chi tộc nhà Israel. Người nổi bật nhất trong thời này là Giuse, người con áp út của Gia-cóp. Chính Giuse đã đưa gia đình sang Ai-cập để tránh nạn đói. Từ lúc đó, có thể nói dân Chúa phải sống lưu vong, chịu nhiều áp bức lầm than. Họ mơ về một ngày lên đường hồi hương.
Tôi xin lỗi quý độc giả nếu đọc phải những thông tin cũ mèm trên đây. Lý do là tôi muốn nhắc đến một nhân vật quan trọng để đưa dân hành hương từ Ai-cập về lại Đất Hứa: Môsê (Moses - מֹשֶׁה, Mōše, nghĩa là được kéo lên khỏi nước).
“Vùng đất tràn trề sữa và mật” không ra đời trong hoàn cảnh trên đây, nhưng Thiên Chúa sau này mới nói cụm từ này cho Môsê: “Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật, xứ sở của người Canaan.” (Xh 3,7-8). Môsê đã chấp nhận sứ mạng hướng dẫn dân hành hương về quê hương của cha ông họ. Cuộc hành hương này phải mất đến 40 năm rong ruổi trong sa mạc. Họ vượt Biển Đỏ, ngang qua sa mạc tới núi Sinai. Nơi đây Đức Chúa đã ban Mười Điều Răn và lập giao ước với dân Israel.
Chuyến hành hương này Thiên Chúa luôn ở với họ: chúc lành của Thiên Chúa, Hòm Bia (Ds 9,15-23) và Nhà Tạm (x. 2 Sm 7,6), Chúa dẫn dắt và bảo vệ họ bằng Đám Mây (x. Ds 9,15-23). Về ý nghĩa thần học, Thiên Chúa dùng thời gian này để thanh tẩy và huấn luyện dân Chúa. Trên mỗi bước đường, Thiên Chúa đều ở với dân, nhất là hướng dẫn họ biết cách trung thành với lề luật.
Có lẽ biến cố quan trọng nhất trong cuộc hồi hương này là: Thiên Chúa ban Mười Điều Răn cho dân. Chính Môsê là người đại diện đón nhận giao ước này. Bởi thế khi đi hành hương, nhất là đến Israel, quý vị thường nhìn thấy tượng ảnh ông Môsê với hai tấm bia Điều Răn ở trên tay. Từ Giao Ước này, dân Chúa khi vào lại Đất Hứa, họ đã đồng lòng xây dựng một vương triều vững mạnh. Vương triều nổi tiếng nhất có lẽ là vào thời vua Đa-vít. Vị vua này có liên hệ mật thiết với Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. “Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Ábraham.” (x Mt 1,1-17).
Đối với các Kitô hữu Công giáo hành hương, Đất Hứa gắn liền với mọi biến cố thuộc cuộc đời của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Bethlehem, Nazareth, biển hồ Galilee, núi Tabor, núi Olives, Giêrusalem, núi Sinai, vv. Ngoài ra còn có núi Carmel. Những địa điểm này tôi nhường lại cho vị hướng dẫn hành hương giới thiệu.
Trong sách này, chúng ta chỉ bàn đến việc tại sao mình lại đi hành hương đến những nơi đó. Chẳng hạn, thời “Cựu ước dân Israel hành hương lên Đền Thờ Giêrusalem. Các Kitô hữu thời Trung cổ cũng hành hương đến các nơi thánh, đến Giêrusalem, đến Rôma, đến mộ các thánh tông đồ… Kitô hữu đi bộ khi hành hương thường để đền tội, và người hành hương thường bị thúc đẩy bởi ý nghĩ sai lầm rằng những việc tự hãm mình có thể làm cho mình nên công chính trước mặt Chúa. Ngày nay đã đổi mới, Kitô hữu đi hành hương để tìm sự bình an và sức mạnh xuất phát từ các nơi thánh. Nhiều người sống cô đơn lẻ loi, họ muốn ra khỏi cảnh tẻ nhạt đều đều hằng ngày, muốn được thoát thân khỏi những cái thừa thãi để nhẹ nhõm đi đến với Chúa.” (Youcat 276).
Đừng quên ý hướng trở về nguồn cũng là một cách thể hiện, biểu lộ khác nhau của việc đạo đức phổ thông, đặc biệt là những cuộc hành hương. Trong ý hướng này Giáo hội khuyến khích người trẻ, người hành hương “diễn tả cụ thể về lòng tin cậy vào Thiên Chúa” (Tông huấn "Christus vivit - Chúa Kitô đang sống", số 238).
Dù lý do hành hương có là gì, nhưng đến được với Thiên Chúa, được hiện diện nơi miền Đất hứa là điều ước ao của cả một đời người.
Lời nguyện hành hương
(Bản kinh ngắn ở bìa sách)
Lạy Chúa Giêsu là con đường, chúng con đang bước vào chuyến hành hương.
Nơi đây, chúng con sẽ gặp thấy nhiều điều thú vị mà chính Chúa đang đợi chờ chúng con.
Xin gửi Thánh Thần Chúa đến trên mỗi bước chân, nơi tâm trí chúng con.
Mục đích là để chúng con thực hiện chuyến hành hương này trong tinh thần của Chúa.
Nghĩa là chúng con cầu nguyện với đôi chân, với tinh thần sám hối ăn năn.
Hơn nữa, chúng con muốn thấy Thiên Chúa đang hoạt động không chỉ trong quá khứ, nhưng còn đang mời gọi chúng con nhận ra Ngài mỗi ngày.
Những nơi chúng con đến, những gì chúng con thấy, những câu chuyện chúng con nghe, những tâm tình chúng con cảm nhận, tất cả là dấu chỉ để chúng con thấy Chúa thật gần.
Kể cả những khi chúng con mệt mỏi, xin Chúa cũng đến để giúp sức đỡ nâng. Chúng con cũng xin điều này cho từng thành viên trong nhóm. Bởi nơi đây, Chúa mời gọi chúng con cùng nhau làm nên một cộng đoàn hành hương. Chúa mời gọi chúng con cùng giúp nhau nhận ra Chúa và thấy những điều thú vị ở những vùng đất mới.
Trên hành trình này, chúng con cũng đến những nơi liên quan đến Mẹ Maria. Xin Mẹ dẫn chúng con hướng về Thiên Chúa. Bởi: “Trên con đường về quê mà vắng bóng Mẹ, chúng con biết cậy vào ai biết nương nhờ ai?”
Sau cùng, xin Thiên Chúa là Cha toàn năng hiện diện ở khắp mọi nơi kéo chúng con đến với Ngài. Được như thế, chúng ta mới nhận được nhiều hoa trái trước, trong và sau chuyến hành hương thú vị này. Amen.
Mách nhỏ khi hành hương:
- Đừng lẫn lộn Nơi Thánh với bùa ngải. Đất hứa là nơi giúp ta gặp gỡ với Chúa trong cầu nguyện và trong sự hiệp thông với cả Hội Thánh.
- Cố nhớ vài thông tin quan trọng liên quan đến địa điểm mình đang thăm.
- Nhắc mình ý thức đang đi hành hương, xin Chúa những ơn cần thiết.
Trích trong tập sách Ý nghĩa và lịch sử của hành hương, Nxb Tôn Giáo, 03/2024
(Nguồn: WHĐ)