Ý NIỆM, TÊN GỌI, CÁC THỂ LOẠI VÀ CHU KỲ NĂM THÁNH
Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng
WHĐ (07/11/2024) - Năm Thánh là gì? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu về ý niệm, tên gọi, hình thức, chu kỳ thời gian và nền tảng Kinh Thánh của Năm Thánh, cũng như những yếu tố liên quan đến Năm Thánh được cử hành và ân sủng mà các tín hữu được hưởng nhờ.
LỊCH SỬ CÁC NĂM THÁNH TRONG DÒNG LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO RÔMA
Bài 1: Ý niệm, tên gọi, các thể loại và chu kỳ Năm Thánh
Trong đời sống nhân loại, kể từ khi vũ trụ, vạn vật được tạo thành, niềm tin, tôn giáo, ơn trợ lực của các thần minh luôn là một thực tại và là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của con người. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo số 44 xác quyết: “Tự bản tính và do ơn gọi, con người là một hữu thể có tôn giáo”.[1] Kitô giáo với niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất và tin vào Đức Giêsu Kitô – Đấng là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người, Đấng là nguồn mạch ơn cứu độ và là niềm hy vọng cho cùng đích cuộc sống của con người – Kitô hữu càng xác quyết hơn về sự cần thiết của tôn giáo, của ân sủng ban trợ cho những kẻ tin, vì như Chúa Giêsu đã dạy: “Không có Thầy, các con không thể làm gì được” (Ga 15, 5).
Với ba phương tiện mà Chúa Giêsu thiết lập và ký thác cho Giáo hội (Lời Chúa, các Bí tích và các Thừa tác vụ thánh), để Giáo hội trở nên khí cụ loan báo và ban phát ơn cứu độ cách hữu hiệu cho toàn thể nhân loại. Trải qua dòng lịch sử cứu độ, trong niềm tin, do bởi thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, Giáo hội còn một phương tiện khác để ban ân sủng cứu độ là Năm Thánh, mà ngay từ thời Cựu ước, dân Israel đã sống và cử hành; nhờ đó, ân sủng, bình an, cùng với nhiều hoa trái tốt đẹp từ Thiên Chúa được ban tặng cho loài người, cho toàn thể vũ trụ thiên nhiên và muôn vật, muôn loài.
Vậy, Năm Thánh là gì? Trước hết, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về ý niệm, tên gọi, hình thức, chu kỳ thời gian và nền tảng Kinh Thánh của Năm Thánh, cũng như những yếu tố liên quan đến Năm Thánh được cử hành và ân sủng mà các tín hữu được hưởng nhờ.
1. Ý niệm, tên gọi
Danh từ Năm Thánh “jubilé” bắt nguồn từ tiếng Do Thái (Hipri): “יוֹבֵל” (yôvēl hay Jôbel), hạn từ này có nhiều nghĩa khác nhau và cũng được hiểu theo nghĩa là “cừu đực”. Trong Kinh thánh, sừng cừu đực (Shophar) được dùng làm “tù và”, để thổi vang lên khi thông báo Năm Ân xá của người Do Thái. Thuật ngữ này được dịch sang tiếng Latinh là jubilæus (từ jubilare, “hân hoan” theo bản Vulgata).
Như vậy, bắt nguồn từ tiếng Do Thái, Jôbel (thổi kèn tù và báo hiệu Năm Đại xá), Năm Thánh trong Giáo hội Công giáo có nền tảng khởi đi từ Kinh thánh Cựu ước. Năm hồng ân hay Năm Thánh là một biến cố, hay nói đúng hơn là một thời kỳ hồng ân, mà qua đó Thiên Chúa ban ơn đặc biệt khi con người mở lòng để canh tân, thống hối và đón nhận ân sủng Chúa ban. Theo nguyên ngữ Latinh: Annum Jubilaei được hiểu là Năm Hồng Ân hay Năm Toàn Xá. Tuy nhiên, từ Năm Thánh 1475, tên gọi Năm Thánh (Annus Sanctus – Latinh, Anno Santo – Ý, Année Sainte – Pháp, Holy Year – Anh) được sử dụng phổ biến và mang ý nghĩa hơn trong Giáo hội Công giáo, so với danh từ Năm Ân xá (Annum Jubilæi hay Jubilaeum) có nguồn gốc và ý nghĩa của Cựu ước và Do Thái giáo hơn.
Bởi vì, mạc dù theo truyền thống Cựu ước, nhưng Giáo hội Công giáo đón mừng Năm Thánh với một chiều kích trọn vẹn, bởi vì Thiên Chúa đã thực hiện công trình cứu độ nhân loại trong Ðức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng cứu độ duy nhất của trần gian. Chính qua mầu nhiệm nhập thể, Đấng là Ngôi Hai Thiên Chúa đã mặc lấy bản tính nhân loại của chúng ta, chính Ngài là Đấng khai mở Năm Hồng Ân cứu độ, đem lại sự giải thoát cho muôn vật, muôn loài.[2]
Do đó, Năm Thánh là thời gian mà kẻ có tội khi hối cải sẽ được ban ơn tha thứ mọi hình phạt do tội gây ra. Trong thời gian này, con người được mời gọi khẩn thiết sống và thực thi việc thống hối và canh tân, dứt khoát từ bỏ tội lỗi, sống mối tương quan tình yêu với Thiên Chúa, hòa giải và hiệp nhất với tha nhân, với vũ trụ vạn vật. Cách đặc biệt, Năm Thánh 2025 sắp tới cũng là dịp để Hội thánh nhìn lại và sống căn tính của mình, một Hội thánh đang lữ hành trên đường dương thế, với niềm hy vọng tiến về Nước Cánh Chung của Thiên Chúa. Vì thế, qua Tông sắc vừa ban hành của ĐTC Phanxicô, “Spes Non Confundit”– “Niềm Hy vọng không làm thất vọng” và huy hiệu Năm Thánh 2025, chúng ta nhận thấy cách rõ nét định hướng của Hội thánh trong Năm Thánh này: “Những người hành hương của hy vọng”.
Logo Năm Thánh 2025[3]
“Những người hành hương của hy vọng”
2. Các thể loại Năm Thánh
Trong Giáo hội Công giáo Rôma, có hai thể loại Năm Thánh được cử hành gồm: Năm Thánh thông thường và Năm Thánh ngoại thường.
2.1 Năm Thánh thông thường
Tính từ năm 1300 đến Năm Thánh 2025, Hội thánh Công giáo đã có 26 Năm Thánh thông thường, theo chu kỳ thời gian thay đổi: 100 năm, 50 năm, 33 năm và 25 năm.
2.2 Năm Thánh ngoại thường
Ngoài Năm Thánh thường lệ theo chu kỳ được quy định, với quyền thủ lãnh tối cao của Đấng kế vị Thánh Phêrô, các ĐTC còn khai mở Năm Thánh theo thể thức ngoại thường, nghĩa là không theo chu kỳ. Các Năm Thánh này đánh dấu những mốc sự kiện liên quan đến cuộc đời Chúa Cứu Thế, hoặc những sự kiện quan trọng của Hội thánh. Trong dòng lịch sử Hội Thánh Công Giáo, đã có 3 Năm Thánh với hình thức ngoại thường gồm: Năm Thánh ngoại thường năm 1933 ở thời ĐTC Piô XI, nhằm kỷ niệm 1900 năm Ơn Cứu Ðộ được ban cho nhân loại qua mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô; Năm Thánh ngoại thường năm 1983, do Ðức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II công bố, dịp kỷ niệm 1950 năm Ðức Kitô chịu chết và sống lại để đem ơn Cứu rỗi cho nhân loại; Và Năm Thánh ngoại thường năm 2015, được Đức Thánh cha Phanxicô công bố nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày bế mạc Công đồng Vaticanô II, Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Như vậy, trải qua dòng lịch sử, từ Năm Thánh đầu tiên vào năm 1300 đến Năm Thánh 2025, Giáo hội Công giáo Rôma đã có 29 Năm Thánh gồm: 26 Năm Thánh thông thường và 3 Năm Thánh ngoại thường.
3. Các chu kỳ Năm Thánh
3.1 Chu kỳ 100 năm
Trải qua dòng lịch sử Giáo hội, Năm Thánh đầu tiên được khai mở vào năm 1300 với Tông sắc Antiquorum habet f ida relatio, do ĐTC Bônifactiô VIII ban hành,[4] theo đó, Năm Thánh được quy định với chu kỳ 100 năm/Năm Thánh.
Tông sắc Antiquorum Habet Fida Relatio của ĐTC Bônifactiô VIII, ngày 22/02/1300
Nội dung Tông sắc Antiquorum Habet Fida Relatio viết như sau: “Ta, Giáo hoàng Bônifaciô, dựa theo những lời chứng đáng tin cậy của người xưa rằng, có rất nhiều sự ân xá, sự tha tội đã được ban cho họ khi viếng thăm Vương cung Thánh đường đáng kính của các Thánh Tông đồ ở Rôma. Vì vậy, theo nhiệm vụ và trách nhiệm, ta tìm kiếm và vui mừng mang lại sự cứu rỗi cho mọi người. Ta xem xét và chấp nhận từng sự việc xá tội và ân xá này một cách chắc chắn, với thẩm quyền tông tòa. Ta xác nhận và phê duyệt chúng, ngay cả việc ta sẽ gia hạn và củng cố chúng bằng sự bổ túc cho Văn kiện này. Và để các Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô càng được vinh hiển hơn, khi các Vương cung Thánh đường của các ngài trong thành phố, được các tín hữu đến viếng thăm một cách nhiệt thành hơn, để mọi tín hữu nhận lãnh cách trọn vẹn hơn, nhờ việc mở rộng các ân sủng thiêng liêng, đến từ những cuộc hành hương này.
Hoặc với những ai trong năm này và trong một trăm năm sau đó, khi thực sự ăn năn sám hối và xưng tội, thì ta sẽ ban cho họ không chỉ một sự tha thứ tội lỗi trọn vẹn và rộng rãi, mà còn nhiều hơn nữa, là toàn bộ sự tha tội cho họ. Vì điều này, ta tuyên bố rằng những ai muốn tham gia vào ân xá mà ta ban, nếu họ là người Rôma, sẽ viếng thăm những Vương cung Thánh đường này trong ba mươi ngày liên tiếp hoặc bị gián đoạn và ít nhất một lần một ngày; nếu họ là khách hành hương hoặc người nước ngoài, họ sẽ đến viếng thăm theo cách tương tự trong mười lăm ngày. Nhưng họ càng đến thường xuyên với lòng sùng kính, thì công đức của họ càng lớn và ân xá càng có hiệu quả”.
Ta tràn đầy tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa toàn năng, cũng như vào công trạng và thẩm quyền của các Tông đồ, theo ý kiến của các Hồng y và sự tin tưởng vào quyền Tông đồ của ta, đến tất cả mọi người, những ai thật lòng sám hối và xưng tội, đến kính viếng các Vương cung Thánh đường với lòng tôn kính trong năm 1300 này, bắt đầu vào ngày giáng sinh của Chúa Giêsu Kitô và mỗi trăm năm sau đó.”
3.2 Chu kỳ 50 năm
Tuy nhiên, chu kỳ 100 năm, là quá dài cho một đời người mong manh, ngắn ngủi, chóng qua. Nếu một người được sinh ra sau khi Năm Thánh vừa kết thúc, thì khó có thể được hưởng một lần Năm Thánh trong đời! Dưới triều đại của Đức Thánh cha Clêmentê VI,[5] trong bối cảnh thời kỳ “Lưu đày Avignon” của 7 triều đại Giáo hoàng, nằm giữa vùng đất của nước Pháp hiện nay.[6] Khi ấy, nhiều phái đoàn đến Avignon để triều yết Giáo hoàng, với sự tham gia của nhiều nhân vật nổi tiếng lúc bấy giờ như Cola di Rienzo (một chính trị gia và nhà lãnh đạo người Ý), Petrarque (một nhà thơ trứ danh của thời đại này). Tham gia phái đoàn đã đến Avignon vào cuối tháng 11 năm 1342, Petrarque đã gởi kiến nghị lên Đức Clêmentê VI với một “bức thư lục ngôn dài gần ba trăm câu” để xin rút ngắn thời gian Năm Thánh theo thời gian 50 năm. Petrarque đưa ra lập luận dựa trên sự giới hạn về năm, tháng sống của một đời người, như Vịnh gia đã viết: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi”.[7] Theo đó, Petrarque cũng lý luận: “Vậy thì ai, giữa loài người, liệu chúng ta có thể hy vọng đạt đến giới hạn tột cùng của tuổi già không? Ai có thể tự hào đã hoàn thành chu kỳ trăm năm? Cùng lúc chúng ta sinh ra và chết đi.”.[8]
Nhận thấy nhu cầu chung của Giáo hội và kiến nghị của Petrarque là hợp lý do sự mỏng giòn và mau qua của cuộc sống con người, và là điều cần thiết cho ơn cứu độ của nhân loại, Đức Thánh cha Clêmentê VI đã ban hành Tông sắc Unigentus Dei Filius, theo đó, chu kỳ Năm Thánh từ 100 năm được rút xuống theo thời gian 50 năm. Chu kỳ này trở thành hiện thực với Năm Thánh năm 1350, cũng thuộc triều đại Đức Clêmentê VI.
Tông sắc Urigenitus Dei Filius, ngày 27/01/1343 của Đức Thánh Cha Clêmentê VI
3.3 Chu kỳ 33 năm
Đến thời ĐTC Grêgoriô XI,[9] qua Tông Sắc Salvator Noster Dominus, ngày 29/4/1373, ban hành tại Avignon, qua đó Đức Grêgôriô XI lấy chu kỳ Năm Thánh theo tuổi đời của Chúa Giêsu, với 33 năm cho một chu kỳ Năm Thánh. Tuy nhiên, chu kỳ 33 năm với những con số lẻ, có phần khó tính và khó nhớ. Và nếu tính theo chu kỳ 33 năm, Năm Thánh tiếp theo lẽ được cử hành vào năm 1383, nhưng Năm Thánh này đã không được cử hành, bởi vì, sau khi kết thúc thời “Lưu đày Avignon” của bảy vị Giáo hoàng, Giáo hội lại rơi vào tình trạng “Đại ly giáo Tây phương”,[10] đây là thời kỳ hỗn độn với hai Giáo hoàng và có lúc đến ba người cùng lúc tranh chấp ngôi vị Giáo hoàng. Do đó, Năm Thánh theo chu kỳ 33 năm này đã không được diễn ra. Thay vào đó, ở thời ĐTC Bônifactiô IX, qua Tông sắc Dudum Felicis Recordationis, ngày 11/6/1390, ngài đã khai mở Năm Thánh vào năm 1390. Cũng dưới thời Đức Bônifactiô IX, trong bối cảnh Đại ly giáo Tây phương, ở phía Avignon, với ngụy giáo hoàng Bênêdictô XIII, ông đã tuyên bố mở một “năm thánh”: khác vào năm 1400 tính theo chu kỳ 50 năm. Nhưng là ngụy giáo hoàng, Bênêdictô XIII không có thẩm quyền chính thức, nên “năm thánh” năm 1400 bị Đức Bônifactiô IX ở Rôma lúc bấy giờ bác bỏ và do đó, theo dòng Lịch sử Các Năm Thánh, sự kiện được gọi là “năm thánh 1400” không được công nhận. Vì thế, tính đến Năm Thánh 2025 này, Giáo Hội Công Giáo Rôma chỉ với 29 Năm Thánh chứ không là con số 30 Năm Thánh, vì “năm thánh 1400” là bất hợp pháp, dù dân chúng từ Avignon, từ Pháp cũng đến Rôma, nhưng Đức Bônifaciô IX tuyên bố, không mở kho tàng ân xá trong sự kiện 1400 này và năm 1400 không được kể là Năm Thánh chính thức trong “Tableau” hệ thống Năm Thánh của trang Web chính thức của Vatican.
Sau khi chấm dứt thời kỳ Đại ly giáo Tây phương, qua Công đồng Constancia (1414-1418), khi Đức Martinô V được bầu chọn làm Giáo hoàng chính thức và hợp pháp,[11] ngài vẫn duy trì chu kỳ 33 năm của Năm Thánh theo quy định của Đức Grêgoriô XI, với Tông Sắc Salvator Noster Dominus, ngày 29/4/1373. Do đó, một lần nữa, Đức Martinô V tiếp tục phủ nhận Năm Thánh năm 1400, ngài căn cứ theo mốc Năm Thánh 1390 để công bố Năm Thánh 1423, với chu kỳ thời gian 33 năm cho Năm Thánh lúc bấy giờ (1390 – 1423).
3.4. Chu kỳ 25 năm
Chu kỳ 25 năm được nhiều Giáo hoàng xác quyết như: Đức Thánh Cha Phaolô II,[12] qua Tông sắc Ineffabilis Providentia, ngày 19/4/1470; Đức Thánh Cha Giuliô III,[13] với Tông sắc Si pastores ovium, ngày 24/2/1550; Đức Thánh Cha Sixtô IV,[14] qua Tông sắc Salvator Noster Dei Patris, ngày 26/3/1472, đã tái xác nhận chu kỳ Năm Thánh với 25 năm.
Như vậy, chu kỳ 25 năm cho một Năm Thánh theo thể thức thông thường đã được Giáo hội “đóng ấn” từ Năm Thánh 1475 cho đến thời đại chúng ta với Năm Thánh 2000, và Năm Thánh 2025.
4. Ân xá
Trong Năm Thánh, một trong những “hoa trái” đặc biệt quan trọng mà các tín hữu được hưởng nhận, đó là Ân xá. Vậy khi hưởng nhận ân xá, chúng ta hiểu thế nào về ân sủng này? Hay nói cách khác, ân xá là gì?
Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo định nghĩa: “Ân xá là việc tha thứ trước mặt Thiên Chúa, khỏi những hình phạt tạm đáng chịu vì những tội lỗi đã phạm, dù những tội đó đã được tha thứ. Để hưởng Ân xá, người Kitô hữu phải hội đủ những điều kiện được thẩm quyền của Hội thánh quy định, vì với tư cách là thừa tác viên của ơn cứu chuộc, Hội thánh có thẩm quyền phân phát và chia sẻ kho tàng công phúc của Đức Kitô và Các Thánh. Ân xá có thể là từng phần hay toàn phần, tùy theo mức độ giải thoát từng phần hay trọn vẹn các hình phạt tạm đáng phải chịu vì tội”.[15] Điều đó nghĩa là gì? Chúng ta tạm giải thích cách ngắn gọn như sau: Khi con người phạm tội, tội lỗi ấy gây ra những hậu quả làm đổ vỡ mối tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân, với chính mình và với cả vũ trụ vạn vật.[16] Trong đời sống, chúng ta thường nghe nói vấn đề: “Tội và Vạ”. Khi phạm tội, nếu người Kitô hữu thành tâm thống hối ăn năn, tìm đến với Bí tích Hòa Giải nơi Tòa Giải tội, những tội lỗi này được tha thứ nhờ hiệu quả bí tích. Nhưng hậu quả do tội gây ra, tức cái “vạ”, hối nhân phải đền bù cách cân xứng theo luật luân lý Công Giáo về công bằng. Có những hậu quả chúng ta đền trả được ở đời này, nhưng có những hậu quả phải đền bù cân xứng ở đời sau nơi Luyện tội. Do vậy, điều kiện để hưởng nhận ân xá là phải xưng thú mọi tội lỗi qua việc lãnh nhận bí tích Hòa giải, để khi lãnh nhận Ân xá, chúng ta được tha cả những hình phạt là hậu quả của tội gây ra. Vì thế, sách Giáo lý của Hội thánh dạy: “Để hưởng Ân xá, người Kitô hữu phải hội đủ những điều kiện được thẩm quyền của Hội thánh quy định”, trong đó có việc lãnh nhận Bí tích Hòa Giải và làm các việc lành phúc đức, giúp đỡ cho kẻ nghèo hèn, dốc lòng chừa bỏ tội lỗi, sống hòa giải, bác ái, yêu thương, tha thứ... như chính Chúa đã yêu thương, tha thứ và cứu độ chúng ta.
Đến đây, chúng tôi xin tạm dừng bài 1 về chủ đề Năm Thánh và kính mời Quý độc giả tiếp tục tìm hiểu Năm Thánh với bài 2 sẽ trình bày về: Nền tảng Kinh Thánh của Năm Thánh; Sắc chỉ Năm Thánh; Cửa Thánh và Việc mở cửa Thánh trong phần tiếp theo.
Trích trong tập sách "Lịch sử các năm thánh trong dòng lịch sử Giáo hội Công giáo Rôma”, Nxb Tôn Giáo, 11/2024
_______
[1] Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo. Bản dịch của Ủy ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, NXB Tôn Giáo – Hà Nội 2009.
[2] X. Lc 4,16-30.
[3] https://www.iubilaeum2025.va/fr/giubileo-2025/logo.html
[4] Đức Giáo hoàng Bônifactiô VII với triều đại từ 24/12/1294 đến 11/10/1303; X. 266 Triều đại Giáo hoàng trong dòng lịch sử Giáo hội – Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, NXB Tôn Giáo – Hà Nội 2024, tr 224-225; X. Dictionaire dé Papes, Ivan Gobry, Éditeur Pygmalion, pp 64-69; X. Dictionaire Histoirique de la Papauté, sour la direction de Philippe Levillain, Éditeur Fayard, pp 233 – 236.
[5] Đức Clémenté VI là vị Giáo hoàng thứ tư trong 7 Giáo hoàng thời “Lưu đày Avignon” (07/5/1314 – 06/12/1352); X. 266 Triều đại Giáo hoàng trong dòng lịch sử Giáo hội – Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, NXB Tôn Giáo – Hà Nội 2024, tr 231-232; X. Dictionaire dé Papes, Ivan Gobry, Éditeur Pygmalion, pp 107-109; Dictionaire Histoirique de la Papauté, sour la direction de Philippe Levillain, Éditeur Fayard, pp 369-372.
[6] Thời kỳ này, Giáo hội đang xảy ra biến cố gọi là cuộc “Lưu đày Avignon”, nghĩa là các giáo hoàng không ở tại Rôma suốt thời gian gần 70 năm, với 7 triều Giáo hoàng ở Avignon từ 1309 đến 1378.
[7] Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Thánh vịnh 90, 10.
[8] Ugo Dotti, “Pétrarque”, Paris, 1987.
[9] Đức Thánh Cha Grêgôriô XI (30/12/1370 – 26/3/1378), là vị Giáo hoàng cuối cùng của thời “Lưu đày Avignon”. Ngài chính thức rời Avignon ngày 13/9/1376, và về đến Rôma ngày 13/01/1377, chấm dứt thời kỳ các Giáo hoàng “lưu đày Avignon”. Ngài qua đời tại Rôma ngày 26/3/1378; X. 266 Triều đại Giáo hoàng trong dòng lịch sử Giáo hội – Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, NXB Tôn Giáo – Hà Nội 2024, tr 234-235; X. Dictionaire dé Papes, Ivan Gobry, Éditeur Pygmalion, pp 217-218; X. Dictionaire Histoirique de la Papauté, sour la direction de Philippe Levillain, Éditeur Fayard, pp 756-758.
[10] Sau khi chấm dứt thời “Lưu đày Avignon” (1309-1378) với 7 triều đại Giáo hoàng Cuộc Đại ly giáo Tây phương nối tiếp (1378-1417).
[11] Với Đức Thánh Cha Martinô V (11/9/1417-20/02/1431), Giáo hội chấm dứt cuộc Đại ly giáo Tây phương. X. 266 Triều đại Giáo hoàng trong dòng lịch sử Giáo hội – Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, NXB Tôn Giáo – Hà Nội 2024, tr 241-242; X. Dictionaire des Papes, Ivan Gobry, Éditeur Pygmalion, pp 382-383; X. Dictionaire Histoirique de la Papauté, sour la direction de Philippe Levillain, Éditeur Fayard, pp 1096-1010.
[12] Đức Thánh Cha Phaolô II (30/8/1464 – 26/7/1471); X. 266 Triều đại Giáo hoàng trong dòng lịch sử Giáo hội – Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, NXB Tôn Giáo – Hà Nội 2024, tr 262; X. Dictionaire dé Papes, Ivan Gobry, Éditeur Pygmalion, pp 339 – 340; X. Dictionaire Histoirique de la Papauté, sour la direction de Philippe Levillain, Éditeur Fayard, pp 983-985.
[13] Đức Giuliô III (07/02/1550 – 23/3/1555), vị Giáo hoàng của thời Công đồng Trentô. X. 266 Triều đại Giáo hoàng trong dòng lịch sử Giáo hội – Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, NXB Tôn Giáo – Hà Nội 2024, tr 247; X. Dictionaire dé Papes, Ivan Gobry, Éditeur Pygmalion, p 403; X. Dictionaire Histoirique de la Papauté, sour la direction de Philippe Levillain, Éditeur Fayard, pp 1261-1263
[14] Đức Thánh Cha Sixtô IV (09/8/1471 – 12/8/1484); X. 266 Triều đại Giáo hoàng trong dòng lịch sử Giáo hội – Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, NXB Tôn Giáo – Hà Nội 2024, tr 248-249; X. Dictionaire dé Papes, Ivan Gobry, Éditeur Pygmalion, pp 456-457; X. Dictionaire Histoirique de la Papauté, sour la direction de Philippe Levillain, Éditeur Fayard, pp 1590-1593.
[15] Ủy ban Giáo lý Đức tin, trực thuộc HĐGMVN, Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1471.
[16] X. Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Sách Sáng Thế, chương 3.
(Nguồn: WHĐ)