26/12/2024
63
Hành hương thời Cựu Ước - Phần 4: Hành hương Năm Thánh



















HÀNH HƯƠNG THỜI CỰU ƯỚC –

PHẦN 4: HÀNH HƯƠNG NĂM THÁNH

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ

WHĐ (24/12/2024) - Trong bài này, chúng ta thử tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của Năm thánh liên hệ với những cuộc hành hương. Qua đó, hy vọng chúng ta thấy được ý nghĩa thần học và thiêng liêng của những điều chúng ta đang làm.

Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG

CHƯƠNG I: HÀNH HƯƠNG THỜI CỰU ƯỚC

Phần 4: HÀNH HƯƠNG NĂM THÁNH

Năm 2025, Giáo hội cử hành năm thánh. Trong dịp này, chắc hẳn có nhiều người Việt Nam sẽ hành hương về Rôma. Khẩu hiệu của Năm Thánh 2025 là: “Những người hành hương của hy vọng”. Đây cũng là lý do tôi viết cuốn sách này như là chút chia sẻ với những người hành hương. Trong bài này, chúng ta thử tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của Năm thánh liên hệ với những cuộc hành hương. Qua đó, hy vọng chúng ta thấy được ý nghĩa thần học và thiêng liêng của những điều chúng ta đang làm.

Người Việt đã quen với những ngày lễ quan trọng như: mừng 25 năm (Ngân khánh), 50 năm (Kim khánh) và 60 năm (Ngọc khánh). Có lẽ truyền thống này không chỉ bắt nguồn từ Giáo hội Công giáo, nhưng lâu đời hơn, từ thời Cựu ước đã có năm thánh này.

Thực vậy, ngay từ sách Lêvi, truyền thống đạo Do Thái đã kêu gọi toàn dân cử hành năm thánh. Trong sách này, Thiên Chúa gợi nhớ lại câu chuyện của Sáng Thế Ký. Nếu sáu ngày Thiên Chúa tạo dựng muôn loài, ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ ngơi; cũng như sau sáu năm canh tác mùa màng, năm thứ bảy là thời gian cho đất nghỉ ngơi. Chúng ta gọi năm đó là năm Sa-bát[1] (Đnl 15,1-11).

Bản văn ghi: “Hãy nói với con cái Ít-ra-en và bảo chúng: Khi các ngươi vào đất Ta sắp ban cho các ngươi, đất phải nghỉ một Sa-bát kính ĐỨC CHÚA. Trong sáu năm, các ngươi sẽ gieo vãi trong cánh đồng của các ngươi, trong sáu năm, các ngươi sẽ tỉa vườn nho của các ngươi, và các ngươi sẽ thu hoa lợi. Nhưng năm thứ bảy sẽ là một Sa-bát, một thời kỳ đất nghỉ, một Sa-bát kính ĐỨC CHÚA. (Lv 25,2-4).

Có người cho rằng năm thứ bảy (the Sabbatical year) là Năm thánh. Ý nghĩa của hai sự kiện này chỉ liên hệ với nhau ở việc nghỉ ngơi và được chúc lành (St 2,2-3). Còn trên thực tế hai sự kiện này hoàn toàn khác nhau. Lý do là các thầy Lêvi ghi nhận một kỳ đại lễ đó là năm thánh hay năm toàn xá (יוֹבֵ֣ל - Jubilee), cứ 50 năm một lần ( הַחֲמִשִּׁים֙ שְׁנַ֤ת).

Vậy trong năm này, người Do Thái làm những gì? Bản lề luật hướng dẫn khá kỹ càng:

Đức Chúa phán: Các ngươi phải tính bảy tuần năm, nghĩa là bảy lần bảy năm; thời gian của bảy tuần năm đó là bốn mươi chín năm. Tháng thứ bảy, ngày mồng mười trong tháng, các ngươi sẽ thổi tù và giữa tiếng reo hò; vào ngày Xá tội, các ngươi sẽ thổi tù và trong toàn xứ các ngươi. Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với các ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình. Đối với các ngươi, năm thứ năm mươi sẽ là thời kỳ toàn xá: các ngươi không được gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được hái trong vườn nho không cắt tỉa. Vì đó là thời kỳ toàn xá, một năm thánh đối với các ngươi, các ngươi sẽ ăn hoa lợi của đồng ruộng.

Năm toàn xá đó, mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình. Nếu các ngươi bán cái gì cho người đồng bào hoặc mua cái gì từ tay người đồng bào, thì đừng ai làm thiệt hại người anh em mình. Ngươi sẽ mua của người đồng bào theo số năm sau năm toàn xá, và nó sẽ bán cho ngươi theo số năm thu hoạch. Còn nhiều năm thì ngươi mua giá cao, còn ít năm thì ngươi mua giá thấp, vì nó bán cho ngươi một số năm thu hoạch. Không ai trong các ngươi được làm thiệt hại người đồng bào, nhưng các ngươi phải kính sợ Thiên Chúa của các ngươi, vì Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi.

Năm thánh chúng ta cũng quen gọi theo tiếng Latinh là: Annum Jubilaei (Jubilee). Tiếng Hy Lạp là Ἰώβηλος đều có nguồn gốc từ bản văn Kinh Thánh Do Thái: יובל‎ (yōḇēl, có nghĩa là kêu vang từ tiếng kèn tù và làm từ sừng của con cừu). Đây là âm thanh báo hiệu một tin vui, một thời kỳ hoan hỷ. Chẳng hạn sách Lêvi ghi nhận sự kiện này: “Các ngươi sẽ thổi tù và giữa tiếng reo hò; vào ngày Xá tội, các ngươi sẽ thổi tù và trong toàn xứ các ngươi.” (Lv 25,9). Khi dịch sang tiếng Latinh, thuật ngữ thêm chút ý nghĩa như là: jūbilum, khóc lóc, kêu la (thể hiện tinh thần sám hối); hoặc iūbilō, jūbilō có nghĩa là vui mừng, ca hát trong hân hoan.

Hẳn nhiên sang thời Tân ước, Đức Giêsu cũng ít nhiều nhắc đến ngày lễ này. Chẳng hạn khi về quê, Đức Giêsu vào Hội đường và đọc sách ngôn sứ Isaia. Trong đó có đoạn chép rằng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 1,1-4; 4,14-21. x. Is 61,1-2).

Chúng ta hơi ngạc nhiên khi Năm thánh chỉ được cử hành chính thức trong Hội thánh Công giáo từ đầu thế kỷ 14 (1300). Giáo hội gọi Năm thánh là năm tha thứ tội lỗi và hòa giải. Khi đó Giáo hoàng Boniface VIII chính thức công bố một năm thánh. Các năm thánh sau đó được cử hành mỗi 25 hoặc 50 năm một lần. Theo ý nghĩa ban đầu của Năm thánh này, Giáo hội Công giáo thường mời gọi tín hữu trên toàn thế giới hành hương đến một địa điểm linh thiêng, thường là thành phố Rôma. “Tại sao lại là Rôma?” chúng ta sẽ bàn chi tiết ở chương thứ ba của cuốn sách này.

Vào năm 1350, Đức Giáo hoàng Clement VI đã ấn định Năm Thánh được cử hành 50 năm một lần. Sau đó, năm 1470, Đức Giáo hoàng Phaolô II đã quyết định Năm Thánh sẽ được cử hành 25 năm một lần. Từ đó cho đến này, khoảng thời gian này vẫn được duy trì, trừ một vài năm thánh ngoại thường (1933, 1983, Năm Thánh Lòng Thương Xót 2015).

Như vậy năm Thánh 2025 tới đây sẽ là Năm Thánh thường lệ thứ 27 trong lịch sử Giáo hội[2]. Các chủ đề của năm này bao gồm: liên đới, hy vọng, công bằng, dấn thân phụng sự Chúa với niềm vui và bình an với anh chị em của chúng ta. Như lời chia sẻ của Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, Tổng trưởng của Bộ Loan báo Tin Mừng nói về tính cấp bách để sống Năm Thánh 2025 trong ánh sáng hy vọng[3]:

- Mỗi Năm Thánh trong lịch sử của Giáo Hội đều mang đầy đủ ý nghĩa riêng khi nó được đặt trong bối cảnh lịch sử mà nhân loại trải qua vào từng thời điểm, và đặc biệt là khi nó có thể đọc được các dấu hiệu của sự lo lắng và bất ổn kết hợp với những kỳ vọng của mọi người.

- Tính dễ bị tổn thương được trải nghiệm trong những năm gần đây, cùng với nỗi sợ hãi về bạo lực của chiến tranh, chỉ làm cho tình trạng con người trở nên nghịch lý hơn: một đàng, thì cảm thấy sức mạnh vượt trội của công nghệ quyết định thời hiện đại; đàng khác, lại nhận thức sự bấp bênh và lo lắng về tương lai của mình.

- Trong bối cảnh này, “Những người hành hương của Hy vọng” đã được chọn làm chủ đề của Năm Thánh 2025. “Điều này thể hiện nhu cầu hiểu rõ về hiện tại để có thể chuẩn bị cho một động lực thực sự vào tương lai để đón nhận và ứng phó với những thách thức khác nhau nảy sinh theo thời gian.”

Nếu đang đọc cuốn sách này, có thể bạn muốn hành hương Năm Thánh hoặc đang tham dự cuộc hành hương về Rôma. Thực ra Rôma chỉ là đích đến của cuộc hành hương. Số là trên đường đến Rôma, người hành hương có thể đi thăm vài địa điểm trước hoặc sau đó. Trên cuộc hành hương này, một mặt chúng ta hòa vào dòng thời gian thánh thiêng mà Giáo hội đang cử hành. Mặt khác, mỗi người được chiêm ngắm những địa điểm hành hương vốn giúp người hành hương dễ cầu nguyện hơn. Dù đi hành hương trong năm thánh, trước hoặc sau đó, dường như ý nghĩa của hành hương vẫn không thay đổi nhiều. Nghĩa là, hành hương mời chúng ta đến một nơi nào đó với tâm tình sám hối, trở về với Thiên Chúa và anh em trong niềm vui của mùa hồng ân cứu độ.

Hoặc nói như Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Việc hành hương trong Năm Thánh là một dấu chỉ đặc biệt, vì mang hình ảnh của cuộc hành trình mỗi người chúng ta đang thực hiện trong cuộc sống. Cuộc đời là một chuyến hành hương, và con người là khách lữ hành, là người hành hương đang tiến bước trên đường đi về đích điểm ước mong. Cũng thế, để đến Cửa Thánh ở Rôma hay ở những nơi khác, mỗi người phải hoàn tất chuyến hành hương tùy theo khả năng. Chuyến đi ấy cho thấy lòng thương xót chính là đích điểm phải đạt tới, đòi hỏi phải dấn thân và hy sinh. Ước gì cuộc hành hương sẽ thúc đẩy sự hoán cải: khi bước qua Cửa Thánh, chúng ta để cho lòng thương xót của Thiên Chúa phủ kín chúng ta, và nỗ lực thực thi lòng thương xót đối với tha nhân như Chúa Cha đã thương xót chúng ta.”[4]

Mách nhỏ khi hành hương:

- Trong khi đi hành hương Năm Thánh, tôi muốn sửa đổi tật xấu nào?

- Hãy sáng kiến khi đi hành hương: dâng lời nguyện tự phát, ngắm kỹ một kiệt tác, chia sẻ những gì mình thấy với bạn hành hương, làm một bài thơ, chụp một tấm hình và gửi về cho người thân, v.v.

- Hành Hương giúp người lữ khách sống chậm lại, hít thở và chiêm nghiệm cuộc sống.

Trích trong tập sách Ý nghĩa và lịch sử của hành hương, Nxb Tôn Giáo, 03/2024)

______

[1]Shabbat שַׁבָּת hay ʃa'bat, có nghĩa là "nghỉ ngơi" hoặc "dừng lại".

[2]Trang website chính thức của năm Thánh 2025: https://www.iubilaeum2025.va/en.html

[3] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cong-bo-logo-nam-thanh-2025-46200

[4]Misericordiae Vultus - Dung mạo Lòng thương xót, số 14.

(Nguồn: WHĐ)