ỦY BAN PHỤNG TỰ: GIẢI ĐÁP VỀ CÂY THÁNH GIÁ NĂM THÁNH
Ủy ban Phụng tự
WHĐ (03/12/2024) - Bản văn “Nghi thức khai mạc Năm Thánh tại các Hội Thánh địa phương” lưu ý đến “chọn một cây Thánh Giá mang ý nghĩa đặc biệt… [và] đặt nơi cung thánh, gần bên bàn thờ, trong suốt Năm Thánh” (số 9) nhưng cũng “lưu ý rằng, tại cung thánh, chỉ để một cây Thánh Giá duy nhất” (số 30). Uỷ ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam, sau khi tham khảo và đối chiếu các tài liệu phụng vụ, giải đáp như sau:
Quy định về một cây Thánh Giá duy nhất tại cung thánh thuộc về luật phụng vụ hiện nay và cũng là tập tục lâu đời của Hội Thánh. Theo đó Hội Thánh xác định rằng chỉ nên có một cây Thánh Giá bàn thờ. Nghĩa là một khi đã có cây Thánh Giá đặt trên bàn thờ, hoặc gần bàn thờ, hoặc treo phía trên bàn thờ hay trên bức tường đầu cung thánh ở phía sau bàn thờ thì sự xuất hiện của Thánh Giá thứ hai là không cần thiết, trừ phi Thánh Giá lớn ở quá xa bàn thờ không đáp ứng được mục đích là giúp cộng đoàn tập họp có thể dễ dàng nhìn thấy và chủ tế dễ dàng xông hương.[1]
Như vậy, trong dịp Năm Thánh này, khi tuân giữ chỉ thị về một cây Thánh Giá duy nhất trong cung thánh, cần xét đến 2 trường hợp:
1/ Thứ nhất, đối với nhà thờ vốn đang sử dụng một cây Thánh Giá đặt ở gần bàn thờ mà có thể dễ dàng mang đi/ di chuyển hoặc có thể dùng chính Thánh Giá này làm Thánh Giá dẫn đầu đoàn hành hương Năm Thánh thì hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của “Nghi thức khai mạc Năm Thánh tại các Hội Thánh địa phương” (số 30) cũng như đòi hỏi của Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma: “Thánh Giá có tượng Chúa Kitô chịu đóng đinh đã cầm đi rước, có thể dựng bên cạnh bàn thờ để làm Thánh Giá tại bàn thờ hoặc cất đi và đặt vào nơi xứng đáng vì bàn thờ chỉ được có một Thánh Giá” (QCSL 122, 308; x. 117).
2/ Thứ hai, đối với nhà thờ mà Thánh Giá tại cung thánh đã được treo cao phía trên bàn thờ hay treo trên bức tường đầu cung thánh phía sau bàn thờ khiến cho việc tháo gỡ quá khó khăn hoặc không thể di chuyển thì chúng ta cần phải xem xét như sau:
a/ Nếu Thánh Giá này ở quá xa bàn thờ và không đáp ứng được mục đích là giúp cộng đoàn tập họp có thể dễ dàng nhìn thấy, chúng ta hoàn toàn được phép sử dụng thêm Thánh Giá thứ hai trong cung thánh và đó chính là Thánh Giá dẫn đầu đoàn hành hương được đặt gần bàn thờ trong suốt Năm Thánh.[2]
b/ Nếu Thánh Giá (Năm Thánh) này được đặt gần bàn thờ thì quy tắc chỉ có một cây Thánh Giá bàn thờ trong cung thánh vẫn giữ nguyên giá trị và hiệu lực theo quy định, nhưng chúng ta vẫn có thể xét đến các trường hợp ngoại lệ và sự miễn chuẩn cho cây Thánh Giá thứ hai: chẳng hạn đôi khi có hai cây Thánh Giá hiện diện tại một số Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng, đặc biệt là bên ngoài Roma hay trường hợp của Năm Thánh 2025. Do vậy, giải pháp đơn giản ở đây là Đức Giám mục giáo phận chỉ cần sử dụng thẩm quyền miễn chuẩn của ngài đối với trường hợp này (Bộ Giáo Luật, 87§1; x. John M. Huels, Liturgy and Law [Montréal: Wilson & Lafleur Ltée, 2006], 177-78). Như vậy, tất nhiên, chúng ta vẫn giữ nguyên Thánh Giá treo cao phía trên bàn thờ hay gắn trên bức tường đầu cung thánh phía sau bàn thờ mà không nhất thiết phải che phủ, hoặc gỡ bỏ tạm thời, hoặc di chuyển đến vị trí khác ngoài cung thánh. Tuy nhiên, trong Năm Thánh thì Thánh Giá Năm Thánh mới chính là Thánh Giá mà mọi người phải chú ý và tôn kính cách đặc biệt hơn. Thánh Giá này phải đủ lớn và được đặt ở vị trí trung tâm để mọi người dễ thấy, được trang trí cách đặc biệt, xứng hợp và thích hợp, được rảy nước thánh và xông hương theo chỉ dẫn của nghi thức.[3]
Vì thế, trường hợp có hai cây Thánh Giá trong cung thánh, như đã dẫn chứng trên đây, không đi ngược với luật phụng vụ vì đã có sự miễn chuẩn luật phụng vụ liên quan đến một đối tượng đặc biệt và một thời kỳ đặc biệt. Đối tượng đặc biệt ở đây chính là Thánh Giá Năm Thánh như được Đức Thánh Cha Phanxicô diễn tả rằng: “Trong một thế giới đang diễn ra tình trạng đan xen giữa tiến bộ và thụt lùi, Thánh Giá của Chúa Kitô luôn là chiếc neo của ơn cứu độ: dấu chỉ của đức cậy trông không làm thất vọng, vì được xây dựng trên tình yêu Thiên Chúa, Đấng nhân hậu và trung tín” (Buổi tiếp kiến chung, 21/09/2022), cũng như “Nghi thức khai mạc Năm Thánh tại các Hội Thánh địa phương” (số 9) khuyên nên chọn Thánh Giá “mang ý nghĩa đặc biệt nào đó đối với giáo phận, hoặc mang tính cách lịch sử và nghệ thuật, hoặc gắn liền với lòng đạo đức bình dân”. Thời kỳ đặc biệt ở đây chính là Năm Thánh 2025.
_____
[1] Xem Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma [QCSL], các số 122, 117; USCCB, “"Built of Living Stones", số 91; Const. Accepimus, decr. 1270; và Notitiae 2 (1966): 290-291, n.1.
[2] Xem QCSL 122; x. 117; USCCB, "Built of Living Stones", số 91; Const. Accepimus, decr. 1270; và Notitiae 2 (1966): 290-291, n.1)
[3] Xem “Nghi thức khai mạc Năm Thánh tại các Hội Thánh địa phương”, các số 4, 9, 29, 30; “Nghi thức bế mạc Năm Thánh tại các Hội Thánh địa phương” , số 3 và 4; QCSL, các số 49, 75, 123, 144, 173, 190, và 211.