LỊCH SỬ CÁC NĂM THÁNH TRONG DÒNG LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO RÔMA

Bài 3: Cửa Thánh: Nguồn gốc lịch sử, ý nghĩa và việc mở Cửa Thánh

Dẫn nhập

Tối ngày 24/12/2024, vào lúc 19h00 giờ Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành nghi thức mở Cửa Thánh tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, qua đó, ngài chính thức khai mở Năm Thánh thường lệ năm 2025, theo chu kỳ 25 năm/Năm Thánh. Ngoài Vương cung thánh đường thánh Phêrô, ba Vương thánh đường: Thánh Gioan Lateranô, Thánh Phaolô ngoại thành và Đức Bà Cả, cũng sẽ diễn ra nghi thức mở Cửa Thánh trong những ngày tiếp theo. Đàng khác, theo Tông sắc “Spes non confundit” – “Niềm hy vọng không làm thất vọng”, được Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành vào ngày ngày 09/5/2024 quy định: “Dựa trên truyền thống lâu đời này và xác tín rằng Năm Thánh này sẽ là một trải nghiệm sâu sắc về ân sủng và hy vọng cho toàn thể Giáo hội, tôi quyết định khai mạc Năm Thánh thường lệ bằng việc mở Cửa Thánh của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican vào ngày 24 tháng 12 năm 2024. Chúa nhật tiếp theo, ngày 29 tháng 12 năm 2024, tôi sẽ mở Cửa Thánh Nhà thờ chính toà Thánh Gioan Latêranô của tôi; Nhà thờ này sẽ kỷ niệm 1700 năm cung hiến vào ngày 9 tháng 11 cùng năm. Sau đó, vào ngày 1 tháng 1 năm 2025, Lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, tôi sẽ mở Cửa Thánh Vương cung thánh đường Đức Bà Cả. Cuối cùng, vào Chúa nhật 5 tháng 1, tôi sẽ mở Cửa Thánh tại Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành. Ba Cửa Thánh cuối cùng này sẽ được đóng lại muộn nhất là vào Chúa nhật 28 tháng 12 cùng năm.

Ngoài ra, tôi quyết định rằng vào Chúa nhật 29 tháng 12 năm 2024, tại tất cả các Nhà thờ chính tòa và Nhà thờ đồng chính toà, các giám mục giáo phận sẽ cử hành Thánh lễ long trọng khai mạc Năm Thánh, theo Nghi thức sẽ được soạn cho dịp này.”[1]

Vậy Cửa Thánh thế nào? Đâu là ý nghĩa của Cửa Thánh đích thực trong đời sống Kitô giáo? Lịch sử hình thành và phát triển của Cửa Thánh như thế nào trong dòng lịch sử các Năm Thánh? Và đâu là ý nghĩa, giá trị thần học của Cửa Thánh, đặc biệt với Cửa Thánh quan trọng bậc nhất cho sự kiện khai mở Năm Thánh là Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Cửa Thánh tại đền thờ Thánh Phêrô

Cửa Thánh tại đền thờ Thánh Gioan Latêranô

1. Lịch sử và nguồn gốc của Cửa Thánh

Theo truyền thống các Năm Thánh trong dòng lịch sử Hội Thánh Công Giáo, Cửa Thánh từng bước được hình thành và tiến triển cho đến hiện nay, cách đặc biệt, quan trọng bậc nhất trong tất cả các Cửa Thánh tại các đền thờ hay nhà thờ trong toàn Giáo Hội Công Giáo - Bộ Cửa Thánh này còn mang ý nghĩa thần học rất sâu xa, đó là Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô. Cửa Thánh của Đền thờ này chứa đựng ý nghĩa rất phong phú, sâu xa và huyền nhiệm về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Từ thời Đức Thánh Cha Martinô V, sau khi kết thúc Đại ly giáo Tây Phương, vào Năm Thánh 1423, ngài đã mở Cửa Thánh lần đầu tiên tại Đền thờ Thánh Gioan Lateranô, với Năm Thánh theo chu kỳ 33 năm (1390-1423). Nhưng sau đó, ở thời Đức Alexandre VI, Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô trổi vượt lên cho đến ngày nay.

Đức Thánh Cha Martinô V (1417-1431)

Mặc dù, từ thời Đức Thánh Cha Grêgôriô XI, vị Giáo hoàng cuối cùng và là Giáo hoàng thứ 7 (1370-1378) của thời “Lưu đày Avignon”, Đức Grêgôriô XI đã quyết định chọn Đền thờ Đức Bà Cả để cho việc Hành hương Năm Thánh, vì vai trò đặc biệt của Đức Maria trong công trình cứu độ nhân loại qua việc Mẹ cộng tác với Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người trong công trình cứu độ nhân loại. Nhưng đến sau thời “Lưu đày Avignon”[2] và sau thời Đại ly giáo Tây phương,[3] đến thời Đức Alexandre VI, lần đầu tiên, Đức Thánh Cha mở Cửa Thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô, vào tối 24/12/1499, cho dịp năm Thánh 1500, lúc này, Đức Alexandre VI chính thức chọn Đền thờ Đức Bà Cả cho việc hành hương Năm Thánh.

Đức Thánh Cha Alexandre VI (1492-1503)

2. Việc mở và đóng Cửa Thánh

Ở những lần mở Cửa Thánh đầu tiên trong dòng Lịch sử các Năm Thánh, với Đức Martinô V tại Đền thờ Lateranô (1423) và với Đức Alexandre VI (1500), cũng như các triều Giáo hoàng tiếp theo - vào lúc ban đầu - Cửa Thánh chỉ là một bức tường. Khi mở Cửa Thánh, “Bức tường Cửa Thánh” ấy được đục ra, rồi khi kết thúc Năm Thánh, bức tường được xây bít lại.

Dần dần, chiếc búa và cái bay thợ hồ là hai dụng cụ được sử dụng cho việc đóng và mở Cửa Thánh, với việc Đức Thánh Cha gõ búa 3 lần vào “bức tường Cửa Thánh”. Và khi đóng Cửa Thánh, Đức Thánh Cha dùng cái bay để múc hồ cho việc xây lại Cửa Thánh.

Chiếc búa mở Cửa Thánh năm 1500 và búa mở Cửa Thánh năm 1550

Hai vật dụng cho việc mở và đóng Cửa Thánh thời xưa

Đức Piô XII mở Cửa Thánh 1950

Đức Phaolô VI mở Cửa Thánh năm 1975

 

Việc mở Cửa Thánh trước thời Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, và theo nghi thức phụng vụ được soạn thảo, Đức Thánh Cha dùng chiếc búa gõ nhẹ vào dấu Thánh Giá được thiết kết trên bức tường Cửa Thánh với ý nghĩa biểu trưng cho câu Kinh Thánh: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta”.[4] Ở đây, việc gõ búa 3 lần này chỉ mang ý nghĩa biểu trưng theo Thánh Kinh, chứ không đồng nghĩa Đức Thánh Cha dùng chiếc búa quý giá để phá đổ bức tường, vì trong nghi thức “Nhận diện” trước đó, Cửa Thánh đã được đục sẵn ra. Khi cử hành nghi thức mở Cửa Thánh, Đức Thánh cha gõ búa 3 lần vào dấu Thánh Giá với các lời đọc theo nghi thức phụng vụ mở Cửa Thánh đã được soạn thảo từ thời Đức Martinô V, thời Đức Alexandre VI và nghi thức này được cập nhật, điều chỉnh theo dòng lịch sử mở cửa các Năm Thánh cho đến hiện nay.

Đức Piô XII cử hành nghi thức phụng vụ mở Cửa Thánh với việc gõ búa

Nghi thức mở Cửa Thánh vào năm 1649

Sau nghi thức gõ búa với ý nghĩa biểu trưng này, các nhân viên và thợ nề lập tức hạ bức tường trên một chiếc xe đẩy và di chuyển ra khỏi nơi cử hành, người ta dùng Nước Thánh để lau rữa bụi bặm, dọn dẹp vôi vữa còn rơi rớt lại nơi ngưỡng Cửa Thánh vừa được khai thông.

Nhân viên Tòa Thánh di chuyển bức tường Cửa Thánh

Hoặc như hiên nay, khi Cửa Thánh được xây bít mặt trong và 2 cánh của Cửa Thánh được mở vào phía trong, thì bức tường này đã được khai thông trước nghi thức mở Cửa Thánh, để rồi như hiện nay, Đức Thánh Cha không còn dùng búa gõ nhẹ vào dấu Thánh Giá với các lời đọc theo nghi thức, thay vào đó, ngài dùng hai tay, đẩy vào bộ Cửa Thánh, và nhân viên đứng bên trong giúp kéo mở hai cánh cửa bằng đồng rất nặng. Lúc này Đức Thánh Cha vẫn đứng ở ngưỡng Cửa Thánh, ngài quỳ gối cầu nguyện tại ngưỡng Cửa Thánh, hôn kính khung Cửa Thánh và nghi thức tiếp diễn.

Đức Thánh Gioan-Phaolô II mở Cửa Thánh vào Năm Thánh ngoại thường 1983

Cuối cùng, Đức Thánh Cha là người đầu tiên bước qua Cửa Thánh. Đèn bên trong Vương cung thánh đường được mở sáng rực rỡ, diễn tả việc khi ngang qua Cửa Thánh là chính Đức Giêsu Kitô, con người được trong ánh sáng huy hoàng của Thiên Chúa, được sống trong sự sống, trong niềm hân hoan và theo truyền thống lâu đời, Kinh Te Deum và bài thánh ca nổi tiếng do Đức Alexandre VI sáng tác vào Năm Thánh 1500 được cất vang lên. Với những hình ảnh về sự kiện mở Cửa Thánh trong Năm Thánh ngoại thường 1983, Cửa Thánh vẫn còn được xây bít mặt trước với bức tường khi Đức Thánh Phaolô VI đóng Cửa Thánh vào cuối Năm Thánh 1975.

Đức Thánh Cha tiến vào Vương cung thánh đường qua Cửa Thánh

 

Đức Gioan-Phaolô II và Đức Phanxicô mở Cửa Thánh 1983 và 2015

Đoàn rước dừng lại trước bức tượng Pietà nổi tiếng của danh họa MichelAngelo, được đặt ở phía cuối Đền thờ, Đức Thánh Cha và đoàn rước cầu nguyện, suy niệm về mầu nhiệm Cứu Chuộc qua sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Sau đó, đoàn rước tiến lên cung thánh của Đền thờ Thánh Phêrô và Thánh lễ đêm Giáng Sinh được cử hành trọng thể.

Tiếp tục dòng lịch sử các Năm Thánh, dần dần Cửa Thánh với hai cánh đóng mở thay thế cho Cửa Thánh bằng tường bê tông. Với Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô trước thời Đức Phaolô VI, Cửa Thánh còn là bộ cửa củ. Nhưng sau Năm Thánh 1950, Đức Thánh Cha Piô XII đã làm phép bộ Cửa Thánh cho Đền thờ Thánh Phêrô như hiện nay.

Cửa Thánh Đền thờ Thánh Phêrô củ

Cửa Thánh Đền thờ mới

Với các Năm Thánh trước thời Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, khi kết thúc Năm Thánh, Cửa Thánh được xây bít lại bởi một bức tường ở mặt trước. Với Đức Thánh Gioan-Phaolô II, thay vì với bức tường xây ở mặt trước che bít Cửa Thánh, ngài quyết định cho xây bức tường ở mặt sau và luôn luôn trong bức tường che Cửa Thánh ấy, cho dù ở mặt trước hay mặt sau, dù trước hay sau thời Đức Gioan-Phaolô II, các Đức Thánh Cha luôn cho đặt vào bức tường này một chiếc thùng bằng thép không rỉ sét, trong đó chứa 4 viên gạch có khi bằng vàng ròng như thời Đức Alexandre VI, nhưng hiện nay với những viên gạch mạ vàng và bạc, một tấm da trên đó, ghi lại những chi tiết về ngày giờ mở và đóng Cửa Thánh, tên của vị Giáo hoàng mở và đóng Cửa Thánh. Trong chiếc thùng này cũng có những huy hiệu như những đồng tiền in hình và huy hiệu của triều đại Giáo hoàng liên quan đến sự kiện mở và đóng Cửa Thánh. Cả bộ chìa khóa của Cửa Thánh bằng đồng như hiện nay cũng được cất trong chiếc thùng, được đóng niêm phong cho đến khi Năm Thánh mới lần sau, trước hết với nghi thức “Nhận diện Cửa Thánh”, khi ấy chiếc thùng này mới được lấy ra và những vật dụng trong đó được trình lên cho Đức Thánh Cha như những nghi thức chuẩn bị cho việc mở Cửa khai mạc Năm Thánh. Cũng từ Năm Thánh 2000, Đức thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II và Đức Phanxicô đến hiện nay, đã không còn dùng búa để gõ vào Cửa thánh 3 lần khi mở Cửa Thánh để khai mạc Năm Thánh, nhưng ngài dùng hai tay đẩy, mở Cửa Thánh và bên trong có nhân viên giúp kéo để mở hoặc đóng hai Cửa Thánh bằng đồng rất nặng.

Đức Phanxicô dùng hai tay mở Cửa Thánh

Đức Phanxicô đóng Cửa Thánh năm 2015

3. Chiêm ngắm và khám phá ý nghĩa sâu xa của Cửa Thánh Đền thờ Thánh Phêrô

Chúng ta cùng chiêm ngắm và khám phá ý nghĩa thần học sâu xa của bộ Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô hiện nay. Đây là tác phẩm của một nghệ nhân người Thụy sỹ chế tác để dâng tặng cho Tòa Thánh.

Chế tác bộ Cửa Thánh cho Đền thờ Thánh Phêrô

 

Nhìn qua tổng thể Cửa Thánh của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, chúng ta nhận thấy, Cửa được làm với hai cánh, trên bề mặt mỗi cánh Cửa này, có 8 bức phù điêu. Toàn bộ Cửa Thánh có 16 phù điêu bằng đồng. Các phù điêu này diễn tả xuyên suốt dòng Lịch sử Cứu độ và làm nổi bật sự lớn lao, vô ngần về “Lòng thương xót của Thiên Chúa” đối với nhân loại. Trước hết, với hai bức phù điêu trên cùng của cánh Cửa bên trái, chúng ta thấy: bức phù điêu thứ nhất với hình thiên thần vung thanh gươm quyền lực, và phù điêu thứ hai là cảnh ông bà nguyên tổ Adam – Evà bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng sau khi phạm tội vì nghe lời ma quỷ cám dỗ, bất tuân phục, trái lệnh Thiên Chúa, họ đã “ăn trái cây biết lành biết dữ” mà Thiên Chúa cấm không được phép ăn. Đó là ý nghĩa của dòng chữ La tinh trên bức phù điêu thứ hai.

Phù điêu số 1

 

Phù điêu số 2

Tiếp đến, với 2 phù điêu đầu tiên bên cánh Cửa phải, là minh họa hình ảnh Đức Maria đang chìm đắm trong cầu nguyện và Sứ thần Gabriel đến truyền tin cho Đức Trinh Nữ. Hình ảnh này gợi cho chúng ta nhớ lại lời hứa cứu độ của Thiên Chúa trong sách Sáng thế, ngay sau khi con người sa ngã, phạm tội.[5] Thiên Chúa – qua Sứ thần Grabriel – luôn tôn trọng sự tự do của con người, Ngài hỏi ý kiến của Đức Maria - và khác biệt hoàn toàn với việc Adam – Evà đã bất tuân phục huấn lệnh của Thiên Chúa - Đức Trinh Nữ Maria đã thốt lên: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền”.[6] Trên phù điêu này, còn có dòng chữ: “Quod Heva tristis abstulit, Tu reddis almo germine”, tạm dịch: “Sự đau khổ mà Evà đã gây ra, nay được phục hồi nhờ Đức Maria, qua Người Con mà Mẹ cưu mang”.

Phù điêu số 3 trên Cửa phải

Phù điêu số 4 trên Cửa phải

Tiếp xuống hàng thứ hai từ trái qua phải, bức phù điêu thứ nhất ghi lại khung cảnh Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan với Thánh Gioan Tẩy Giả Trên phù điêu này có hàng chữ: “Tu venis ad me?” – “Ngài đến để nhận phép rửa của tôi ư?”.[7] Bức phù điêu thứ hai diễn tả khung cảnh người mục tử nhân lành đi tìm con chiên lạc, với hàng chữ: “Salvare quod perierat” – “Để cứu những gì hư mất”.[8]

Phù điêu số 5

Phù điêu số 6

Tiếp đến, với bức phù điêu số 7 trình bày khung cảnh của dụ ngôn Người con đi hoang trở về, với hàng chữ Latinh: “Pater, peccavi in coelum et coram te” – “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha”,[9] và bức phù điêu số 8, diễn tả khung cảnh Chúa Giêsu chữa lành cho người bại liệt với câu La ngữ: “Tolle grabatum tum et ambula” – “Tội lỗi con đã được tha Hãy đứng dậy vác chõng mà về”.[10]

Phù điêu số 7

Phù điêu số 8

Khi chiêm ngăm 4 bức phù điêu ở hàng thứ hai trên Cửa Thánh, chúng ta nhận ra một khung cảnh thật đẹp được Phúc Âm phác họa về Chân dung của Thiên Chúa qua Đức Giêsu, một Thiên Chúa giàu lòng thương xót và thứ tha.

Và tiếp theo với 8 phù điêu còn lại ở hàng thứ ba và thứ tư, tiếp tục quảng diễn cho chúng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa. Nơi phù điêu số 9, đó là hình ảnh người đàn bà tội lỗi quỳ gối rửa chân Chúa Giêsu, tại nhà ông Simon, khi người Pharisêu này mời Chúa Giêsu đến dùng bữa tại nhà ông, trên phù điêu này có hàng chữ Latinh: “Remittuntur ei peccata multa” – “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, vì chị đã yêu mến nhiều”.[11] Và bức phù điêu số 10 là cảnh Phêrô chất vấn Chúa Giêsu, phải tha thứ bao nhiêu lần, và Chúa Giêsu trả lời: “Septuagies septies” – “Bảy mươi lần bảy”.[12]

Phù điêu số 9

Phù điêu số 10

Với hai phù điêu tiếp theo, phù điêu số 11, trình bày khung cảnh Phêrô khóc lóc ăn năn sau khi ông đã chối Chúa 3 lần và “Chúa quay lại nhìn ông”, với câu Latinh: “Conversus Dominus respexit Petram”.[13] Và phù điêu số 12 là cảnh Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thánh giá cùng với hai tên trộm, Người nói với một trong hai kẻ ấy: “Hôm nay ngươi cũng sẽ ở trên Thiên Đàng với Ta” – “Hodie mecum eris in paradise”.[14]

Phù điêu số 11

Phù điêu số 12

Sau hết, bốn bức phù điêu cuối cùng trình bày khung cảnh Mầu Nhiệm Chúa Phục sinh và sự kiện khai sinh Giáo hội Bức phù điêu số 13 là cảnh Tôma nhìn xem những vết đinh trên thân thể Chúa, với hàng chữ Latinh: “Beati qui crediderunt” – “Phúc thay những kẻ tin”.[15] Và phù điêu số 14 với cảnh Chúa Giêsu phục sinh hiện ra và ban Thánh Thần cho các Tông đồ: “Accipite Spirituum Sanctum” – “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần”.[16]

Phù điêu số 13

Phù điêu số 14

Hai bức phù điêu cuối cùng, là khung cảnh Chúa Giêsu hiện ra với Saolô trên đường Damas, với câu Latinh: “Sum Jesus quem tu persequeris” – “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ”.[17] Và phù điêu số 16 phác họa khung cảnh Đức Thánh Cha gõ búa 3 lần vào bức tường, trong nghi thức mở cửa Năm Thánh theo truyền thống Câu Kinh thánh được ghi: “Sto ad ostium et pulso” – “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ”.[18]

Phù điêu số 15

Phù điêu số 16

4. Cửa Thánh là gì, thế nào? Ý nghĩa thần học của Cửa Thánh

Như vậy, chúng ta vừa khảo sát bộ Cửa Thánh tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, ở Rôma. Với các phù điêu bằng đồng trên Cửa Thánh này, chúng ta được đưa dẫn xuyên suốt hành trình của dòng Lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện, tất cả quy hướng về Đức Giêsu Kitô, Đấng là Thiên Chúa thật và là người thật, Ngài là Đấng Trung Gian Cứu Độ duy nhất, phổ quát giữa Thiên Chúa và nhân loại. Qua bộ Cửa Thánh này, Hội thánh muốn quy hướng chúng ta về Đức Giêsu Kitô, Đấng tự xưng Mình là Cửa dẫn tới Ơn Cứu Độ, Cửa dẫn đưa đến Nguồn sự sống nơi Thiên Chúa: “Tôi là cửa chuồng chiên [...] Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu”.[19] Như vậy, bước vào Năm Thánh hay ngang qua Cửa Thánh, là bước theo Chúa Giêsu, Đấng là Mục Tử Nhân Lành và là Cửa chuồng chiên. Bước vào Năm Thánh và Cửa Thánh, chính là ngang qua Chúa Giêsu là “Cửa Thánh” đích thực, chúng ta “bước vào” và bỏ lại sau lưng thế giới của trần gian, của tội lỗi, một thế giới tạm thời, chóng qua, để “tiến vào” thế giới thần linh, để sống trong sự sống vĩnh cửu, với sự hiện hữu của Thiên Chúa, trong và nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã xác quyết: “Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy”.[20]

Đàng khác, bước qua Cửa Năm Thánh và sống Năm Thánh, là dịp thuận tiện, là cơ hội để chúng ta xác tín hơn niềm tin vững chắc và niềm hy vọng của chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Con Một của Chúa Cha, là Chúa, và là Đấng Cứu Độ, chính Ngài bước qua con đường khổ giá, chịu đóng đinh, chịu chết trên Thánh giá nhưng Ngài đã sống lại, để đem ơn cứu độ và sự sống đích thực cho chúng ta. Hiểu như thế, chúng ta hân hoan bước vào Năm Thánh với niềm tin, yêu và “Hy vọng không làm thất vọng”. Một khi ngang qua Cửa Thánh là chính Chúa Giêsu, với tất cả niềm và hy vọng của “Những người hành hương trên đường hy vọng”, chắc chắn, chúng ta sẽ không thất vọng, cách đặc biệt, với Năm Thánh 2025 này. Qua Tông sắc “Spes Non Confundit”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Trên hành trình hướng tới Năm Thánh, chúng ta hãy trở lại với Kinh Thánh và lắng nghe những lời đã được nói với chúng ta: “Chúng ta là những kẻ ẩn náu bên Thiên Chúa, chúng ta được mạnh mẽ khuyến khích nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta. Chúng ta có niềm hy vọng đó cũng tựa như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, chìm sâu vào bên trong bức màn cung thánh. Đó là nơi Đức Giêsu đã vào như người tiền phong mở đường cho chúng ta” (Dt 6,18-20). Đó là một lời mời gọi mạnh mẽ đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng đã được ban cho chúng ta, và giữ lấy nó bằng cách tìm ẩn náu nơi Thiên Chúa.

Hình ảnh chiếc mỏ neo gợi lên sự ổn định và an toàn mà chúng ta có được giữa dòng nước xao động của cuộc đời nếu chúng ta nương tựa vào Chúa Giêsu. Giông tố không bao giờ thắng được vì chúng ta neo chặt vào niềm hy vọng ân sủng có thể giúp chúng ta sống trong Chúa Kitô bằng cách chiến thắng tội lỗi, sợ hãi và cái chết. Niềm hy vọng này, lớn hơn nhiều so với việc thỏa mãn các nhu cầu hằng ngày và việc cải thiện những điều kiện sống, đưa chúng ta vượt qua thử thách và thúc đẩy chúng ta tiến bước, mắt luôn dõi nhìn mục tiêu cao cả mà chúng ta được kêu gọi hướng đến là Nước Trời.

Vì thế, Năm Thánh sắp tới sẽ là một Năm Thánh mang nét đặc trưng của niềm hy vọng không bao giờ mất đi, niềm hy vọng nơi Thiên Chúa”.[21]

Tìm hiểu về lịch sử Cửa Thánh, của việc mở - đóng Cửa Thánh giá trị, ý nghĩa thần học phong phú của Cửa Thánh, chúng ta thêm tin tưởng, cậy trông và yêu mến những giá trị và hiệu quả của Năm Thánh, một phương tiện mà trong sự quan phòng, yêu thương, cứu độ của Thiên Chúa qua Hội Thánh do Chúa Giêsu thiết lập. Qua đó, chúng ta hân hoan tiến bước trong hành trình Năm Thánh, hành trình đời sống của một Giáo hội còn đang lữ hành tiến về Nước Thiên Chúa như: “Những người hành hương của Hy vọng”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục trình bày các đề tài về Năm Thánh trong những bài tiếp theo.

_____

[1] Đức Thánh Cha Phanxicô, “Spes non confundit”, số 6.

[2] Thời “Lưu đày Avignon” với 7 triều đại Giáo hoàng, từ 1309-1378.

[3] Thời Đại ly giáo Tây phương từ 1378 đến 1417.

[4] Nhóm các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh Cựu và Tân Ước, Khải Huyền 3, 20.

[5] X. Nhóm các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh Cựu và Tân Ước, Sáng Thế 3, 15.

[6] Nhóm các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh Cựu và Tân Ước, Tin Mừng Luca 1, 38.

[7] Nhóm các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh Cựu và Tân Ước, Tin mừng Matthêu 3, 14.

[8] Ibidem, Tin mừng Matthêu 18, 21.

[9] Ibidem, Tin mừng Luca 15, 21.

[10] Ibidem, Tin mừng Marcô 2, 9.

[11] Ibidem, Tin mừng Luca 7, 47.

[12] Ibidem, Tin mừng Matthêu 18, 21.

[13] Ibidem, Tin mừng Luca 22, 61.

[14] Ibidem, Tin mừng Luca 23, 43.

[15] Ibidem, Tin mừng Gioan 20, 29.

[16] Ibidem, Tin mừng Gioan 20, 22.

[17] Ibidem, Công vụ Tông đồ 9, 5.

[18] Ibidem, Khải huyền 3, 20.

[19] Ibidem, Tin mừng Gioan 10, 7. 8-9.

[20] Ibidem, Tin mừng Gioan 14, 6.

[21] Spes Non Confundit, số 25.