09/12/2024
20
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 Hồng y

















ĐỨC THÁNH CHA CHỦ SỰ CÔNG NGHỊ PHONG 21 HỒNG Y

Vào lúc 4 giờ chiều thứ Bảy ngày 7/12, tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chủ sự Công nghị phong 21 Hồng y mới. Đây là công nghị phong Hồng y lần thứ 10 trong hơn 11 năm Đức Thánh Cha Phanxicô lãnh đạo Giáo hội.

Vatican News

Kể từ năm 2014, năm thứ hai sau khi được bầu làm người kế vị Thánh Phêrô, hầu như mỗi năm Đức Thánh Cha đều chủ sự Công nghị thăng một số vị vào Hồng y đoàn, trừ năm 2021. Trong 10 Công nghị này, ngài đã thăng 152 vị lên làm Hồng y.

Tên của 21 vị được Đức Thánh Cha thăng làm Hồng y trong Công nghị chiều ngày 7/12 đã được ngài công bố trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 6/10. Nhưng sau đó, Đức cha Paskalis Bruno Syukur, dòng Phanxicô, Giám mục Bogor của Giáo hội Indonesia, đã xin không nhận mũ Hồng y. Đức Thánh Cha đã chấp nhận thỉnh cầu này. Tuy nhiên, con số 21 tân Hồng y được trao mũ và nhẫn vào ngày 7/12 vẫn không thay đổi, bởi vì Đức Thánh Cha đã đưa Đức Tổng Giám Mục Domenico Battaglia của Napoli vào số các tân Hồng y.

Các tân Hồng y thuộc 17 quốc tịch khác nhau, trong đó có 5 vị người Ý, các vị còn lại đến từ Peru, Ecuador, Chile, Argentina, Nhật Bản, Philippines, Serbia, Brazil, Bờ Biển Ngà, Bỉ, Pháp, Canada, Lituania, Ucraina, Anh và Ấn Độ.

Đứng đầu danh sách các tân Hồng y là Đức Hồng y Angelo Acerbi, nguyên là Sứ thần Tòa Thánh. Ngài cũng là vị Hồng y cao niên nhất trong Hồng y đoàn, 99 tuổi 75 ngày. Một điều đặc biệt, trong Công nghị lần này, Đức Thánh Cha cũng chọn một vị sẽ là Hồng y trẻ nhất của Hồng y đoàn; đó là Đức Cha Mykola Bychok, người Ucraina, Dòng Chúa Cứu Thế, Giám mục Giáo phận hai thánh Phêrô và Phaolô của Công giáo Ucraina ở Melbourne, 44 tuổi 10 tháng.

Danh sách 21 tân Hồng y cho thấy số các tu sĩ chiếm một nửa, gồm 3 vị Dòng Phanxicô, 2 Dòng Đaminh, 2 Dòng Ngôi Lời, và các Dòng Chúa Cứu Thế, Scalabrini và Truyền Giáo Thánh Micae mỗi dòng có 1 vị.

Công nghị phong Hồng y được tiến hành dưới hình thức một buổi cử hành phụng vụ Lời Chúa.

Sau lời chào phụng vụ của Đức Thánh cha, Đức Hồng y Angelo Acerbi, người Ý, đã đại diện các tân Hồng y chào mừng và cảm ơn Đức Thánh cha.

Trong bài huấn dụ, dựa trên đoạn Tin Mừng Thánh Mátthêu thuật lại việc hai anh em Giacôbê và Gioan xin Chúa Giêsu cho họ được ngồi bên tả hữu ngài trong vinh quang, Đức Thánh Cha mời gọi các tân Hồng y trở thành dấu chỉ chiếu sáng trong một xã hội chuộng hình thức, chia rẽ và tìm kiếm địa vị danh vọng; ngược lại, hãy trở thành những người kiến tạo sự hiệp nhất và hiệp thông để làm chứng tá cho Chúa Kitô.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

Trước hết, Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự tương phản giữa ý nghĩ của Chúa Giêsu và hai môn đệ Giacôbê và Gioan. Cuộc hành trình của Chúa Giêsu không phải là đi lên vinh quang của thế gian này, mà là vinh quang của Thiên Chúa, bao gồm việc đi xuống vực thẳm của cái chết. Ngược lại, Giacôbê và Gioan lại tưởng tượng ra một số phận khác cho Thầy của họ và cầu xin Người cho họ hai chỗ danh dự bên phải và bên trái Người trong vinh quang (Mc 10,37). Đức Thánh Cha nói: "Tin Mừng nhấn mạnh sự tương phản đầy kịch tính này: trong khi Chúa Giêsu đang đi trên con đường khó khăn và lao nhọc dẫn Người lên Đồi Canvê, các môn đệ nghĩ đến con đường bằng phẳng và đi xuống của Đấng Mêsia chiến thắng".

Đức Thánh Cha nói rằng điều này cũng có thể xảy ra với chúng ta: "trái tim chúng ta lạc lối, để cho mình bị mê hoặc bởi sự quyến rũ của vinh dự, bởi sự quyến rũ của quyền lực, bởi lòng nhiệt thành quá đỗi con người dành cho Chúa của chúng ta". Do đó, chúng ta phải nhìn vào lòng mình, khiêm nhường đặt mình trước Thiên Chúa và với thành thật trước chính mình, và tự hỏi: trái tim tôi đang hướng về đâu? Nó đang di chuyển theo hướng nào? Có lẽ tôi đang đi sai đường? Nhắc lại lời Thánh Augustinô, Đức Thánh Cha mời gọi hãy trở về với lòng mình, bởi vì ở đó chúng ta tìm thấy hình ảnh Thiên Chúa. Ngài nói: "Trở về với lòng mình để trở lại con đường của Chúa Giêsu; đây chính là điều chúng ta cần.

Đức Thánh Cha nhắn nhủ đặc biệt với các tân Hồng y: hãy chú tâm đi theo con đường của Chúa Giêsu. Điều này trước hết có nghĩa là trở về với Người và đặt Người ở trung tâm của tất cả mọi điều. Ngài lưu ý rằng "Trong đời sống thiêng liêng cũng như đời sống mục vụ, đôi khi chúng ta có nguy cơ tập trung vào những đường nét mà quên đi những điều thiết yếu. Rất thường gặp là những thứ thứ yếu thay thế những gì cần thiết, những yếu tố bên ngoài chiếm ưu thế hơn những gì thực sự quan trọng, chúng ta lao vào những hoạt động mà chúng ta cho là cấp bách mà không đi sâu vào trọng tâm". Và ngài nhắc nhở, "chúng ta luôn cần quay trở lại trung tâm, khôi phục lại nền tảng, cởi bỏ những gì thừa thãi để mặc lấy Chúa Kitô (xem Rm 13,14) ... Chúa Giêsu là điểm tựa căn bản, là trọng tâm phục vụ của chúng ta, là 'điểm then chốt' định hướng toàn bộ cuộc đời chúng ta".

Đi theo con đường của Chúa Giêsu cũng có nghĩa là nuôi dưỡng niềm đam mê gặp gỡ. Đức Thánh Cha nói: "Chúa Giêsu không bao giờ đi một mình; mối liên hệ của Người với Chúa Cha không cô lập Người khỏi những biến cố và nỗi đau của thế giới. Ngược lại, chính là để chữa lành những vết thương của con người và làm nhẹ gánh nặng trong tâm hồn họ, để loại bỏ những tảng đá tội lỗi và phá vỡ xiềng xích nô lệ, đây chính là lý do tại sao Người đến. Và như vậy, trên đường đi, Chúa gặp những khuôn mặt của những người đang chịu đau khổ, đến gần những người đã mất niềm hy vọng, nâng đỡ những người sa ngã, chữa lành những người bệnh tật". Ngài nhắc rằng niềm vui được gặp gỡ người khác, chăm sóc những người mong manh nhất phải là điều linh hứng cho sự phục vụ của các Hồng y.

Cuối cùng, đi theo con đường của Chúa Giêsu có nghĩa là trở thành những người xây dựng sự hiệp thông và hiệp nhất. Đức Thánh Cha chia sẻ: "Trong khi con sâu cạnh tranh phá hủy sự hiệp nhất trong nhóm môn đệ thì con đường Chúa Giêsu đi dẫn Người đến Đồi Canvê. Và trên thập giá, Người thực hiện sứ mạng được giao phó: để không một ai bị hư mất (xem Ga 6,39), bức tường thù hận cuối cùng bị phá bỏ (xem Ep 2,14) và tất cả chúng ta có thể khám phá ra mình như những người con của cùng một Cha và là anh chị em với nhau. Do đó, khi nhìn vào anh em, những người đến từ các lịch sử và nền văn hóa khác nhau và đại diện cho tính công giáo của Giáo hội, Chúa mời gọi anh em trở thành những chứng nhân của tình huynh đệ, những nghệ nhân hiệp thông và những người xây dựng sự hiệp nhất".

Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ với lời Thánh Phaolô VI nhắn nhủ một nhóm tân Hồng y. Ngài nói rằng thay vì nhượng bộ trước cám dỗ chia rẽ, "các môn đệ đích thực của Chúa Kitô được nhận ra qua lòng nhiệt thành tìm kiếm sự hiệp nhất... Chúng ta phải làm việc, cầu nguyện, chịu đau khổ, chiến đấu để làm chứng cho Chúa Kitô Phục sinh” (Diễn văn trong Công nghị, ngày 27 tháng 6 năm 1977).

“Giữa anh em đừng như vậy”. Theo Đức Thánh Cha, Chúa Giêsu muốn mời gọi: "Hãy theo Ta, đi trên con đường của Ta, và anh em sẽ khác; anh em sẽ là một dấu hiệu chiếu sáng trong một xã hội bị ám ảnh bởi dáng vẻ bên ngoài và việc tìm kiếm những vị trí trên trước... Hãy yêu thương nhau bằng tình yêu huynh đệ và hãy là tôi tớ của nhau, những đầy tớ của Tin Mừng.

Nghi thức phong Hồng y

Sau bài huấn dụ của Đức Thánh Cha là nghi thức phong Hồng y, bắt đầu với việc Đức Thánh cha xướng danh các tân Hồng y cùng với đẳng linh mục hay phó tế được chỉ định cho các vị. Tiếp đến, các tân Hồng y tuyên xưng đức tin và tuyên thệ trung thành và vâng phục Đức Thánh Cha và các đấng kế vị ngài.

Sau đó từng Hồng y lần lượt tiến đến quỳ trước mặt Đức Thánh cha và ngài đội mũ đỏ Hồng y và trao nhẫn cho các vị. Cuối cùng, Đức Thánh cha trao sắc chỉ về việc phong Hồng y và chỉ định tước hiệu thánh đường của các tân Hồng y.

Với 21 tân Hồng y vừa được phong, từ ngày 7/12 Hồng y đoàn sẽ có 253 Hồng y, trong đó có 140 Hồng y cử tri, là những vị dưới 80 tuổi và có quyền tham gia mật nghị bầu Giáo hoàng, và 113 vị trên 80 tuổi, không còn quyền bầu Giáo hoàng.

(Nguồn: RV)