30/09/2024
221
Điểm lại những sự kiện xảy ra trong tháng 09.2024


 

















 




ĐIỂM TIN THÁNG 09.2024

Thực hiện: Vp. Truyền thông

 

TIN GIÁO PHẬN MỸ THO

1. Làm phép khu nhà mới trong Trung Tâm Mục Vụ

Bài viết, hình: Hoài Bão

BTT Gp. Mỹ Tho

(WGPMT) Lúc 11g00 thứ Tư ngày 04.09.2024, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho đã chủ sự nghi thức làm phép khu nhà mới trong Trung tâm Mục vụ Giáo Phận Mỹ Tho (TTMV).

Tham dự nghi thức còn có cha Tổng đại diện Phaolô Trần Kỳ Minh, cùng 6 cha quản hạt: Mỹ Tho, Cái Bè, Tân An, Đức Hoà, Cao Lãnh, Cù Lao Tây và hơn 40 cha trong giáo phận.

Công trình được khởi công từ tháng 03.2024 và hoàn tất vào ngày 15.08.2024, có chiều cao 15,65m, với tổng diện tích 1.395,25m2. Khu nhà mới có 2 tầng: tầng trệt dùng để xe, tầng 1 và tầng 2 được ngăn chia thành 34 phòng riêng. Theo lời chia sẻ của Đức Cha Phêrô: Do số linh mục trong giáo phận ngày càng tăng, kèm theo các sinh hoạt mục vụ khác cũng tăng lên nên cần có thêm nơi ở, phòng sinh hoạt. Đức cha nói thêm: Có được ngôi nhà mới này, chính là sự đóng góp hy sinh của quý cha, cùng với bà con giáo dân nhiều nơi…, đó chính là sự cộng tác, tình hiệp thông cùng lo việc chung trong giáo phận. Vì thế, hôm nay chúng ta cùng tạ ơn Chúa và cám ơn nhau vì đã hoàn tất ngôi nhà mới này.

Sau lời nguyện thánh hoá, Đức Cha Phêrô cùng hai cha quản hạt rảy nước thánh trên tường nền từng phòng nhà mới. Nghi thức làm phép khu nhà mới trong TTMV là bước ngoặt đánh dấu một thời gian dài xây dựng và sửa chữa TTMV của giáo phận. Ước mong nhờ ơn Chúa giúp, ngôi nhà mới cùng với những ngôi nhà khác trong TTMV sẽ trở thành nơi đón nhận bình an cho quý cha và bà con giáo dân trong giáo phận.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/lam-phep-khu-nha-moi-trong-trung-tam-muc-vu-41657.html

 

 

2. Trường Khuyết tật Nhân Ái: Lễ khai giảng năm học 2024-2025

Bài và hình ảnh: Trường KT Nhân Ái

(WGPMT) Lúc 07g30 sáng ngày 05.09.2024, hòa với không khí chào đón năm học mới của học sinh, sinh viên trên cả nước, trường Khuyết tật Nhân Ái long trọng tổ chức lễ khai giảng năm học 2024 – 2025.

Đến dự lễ khai giảng có sự hiện diện của Cha Giacôbê Hà Văn Xung – Cha sở Gx. Chánh Tòa – Giám đốc trường Khuyết tật Nhân Ái; Ông Trần Nam Bình – Trưởng Ban pháp chế Hội đồng Nhân Dân Thành phố; cha Phêrô Nguyễn Ngọc – cha phó Gx. Chánh Tòa, quý sơ, quý ân nhân, quý thầy cô, quý phụ huynh cùng 160 em học sinh của trường.

Mở đầu là các tiết mục văn nghệ chào mừng “Thời học sinh”, với điệu nhảy “Daddy” và các tiết mục khác được đan xen trong chương trình khai giảng.

Buổi lễ Khai giảng được chia làm hai phần:

Phần thứ nhất: Nghi thức chào đón 11 em học sinh lớp 6, đây là cấp Trung học cơ sở vừa mới được khai sinh, đánh dấu một bước ngoặc mới của trường sau 20 năm được hình thành.

Phần thứ hai: Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025. Phần này tất cả những người tham dự sẽ được nghe thư của Tổng bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm gửi học sinh, sinh viên nhân ngày khai giảng năm học mới. Sau đó, sơ Hiệu trưởng Elisabeth Nguyễn Thị Sương đọc diễn văn khai giảng và thông qua nhiệm vụ trọng tâm năm học. Cha Giám đốc đánh trống khai trường, sau hồi trống, tiếng vỗ tay rộn rã của khách mời và các em học sinh. Năm học mới đã chính thức bắt đầu.

Cuối buổi lễ, cha Giám đốc đã có những lời nhắn nhủ yêu thương đến tập thể quý thầy cô nhà trường và các em học sinh. Đặc biệt cha nhấn mạnh năm học này cũng là năm học trường Khuyết tật Nhân Ái tròn 20 tuổi và bước vào tuổi mới, tuổi 21 với biết bao khát khao, mong ước của Ban giám hiệu nhà trường, của các bậc phụ huynh cho tương lai của các em. Sự hiện diện của các học sinh cấp Trung học cơ sở hôm nay là nguồn động lực để các em khối tiểu học noi theo và tiếp bước.

Buổi lễ kết thúc lúc 08g15, sau đó quý cha và quý khách cùng chụp hình lưu niệm với nhà trường.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/truong-khuyet-tat-nhan-ai/truong-khuyet-tat-nhan-ai-le-khai-giang-nam-hoc-2024-2025-41662.html

 

 

3. Hội viên Legio Mariae hành hương kính các thánh tử đạo và kính Lòng Thương Xót Chúa

Bài viết và hình: Hoài Bão

BTT Gp. Mỹ Tho

(WGPMT) Chiều ngày 06.09.2024, có khoảng 500 hội viên Legio Mariae (Đạo Binh Đức Mẹ) hành hương kính các thánh tử đạo tại Trung tâm Hành hương (TTHH) Ba Giồng, và kính Lòng Thương Xót Chúa tại Trung tâm Mục vụ (TTMV) Giáo phận Mỹ Tho.

Hội Legio Mariae khởi sự từ một nhóm phụ nữ Công giáo do Cha Michael Toher (TGP Dublin) và ông Frank Duff thành lập. Từ khi thành lập đến nay, Hội Legio Mariae luôn nỗ lực phấn đấu để làm vinh danh Thiên Chúa, loan truyền Tin Mừng, cộng tác chặt chẽ với các linh mục và làm công tác tông đồ giáo dân. Đạo Binh Đức Mẹ là một đoàn thể giáo dân trong lòng Giáo Hội Công Giáo, luôn noi gương Đức Mẹ Maria trong đời sống Đức Tin, Đức Ái và Đức khiêm nhường. Như lời Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nói “Legio Mariae diễn tả khuôn mặt đích thực của Hội thánh Công giáo”.

Comitium Mỹ Tho được thành lập 14.10.2014 và hoạt động trong Giáo phận Mỹ Tho, với 2 tỉnh Tiền Giang, Long An và 2/3 tỉnh Đồng Tháp. Comitium Mỹ Tho có 5 Curiae: Bắc Hoà, Tân An, Mỹ Tho, Cái Bè, Cao Lãnh và 51 Praesidium với 550 hội viên.

Vào 14g00 ngày 06.09.2024 các hội viên Legio Mariae trong toàn Giáo phận Mỹ Tho đã đến TTHH Ba Giồng để kính viếng Cha thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu và các thánh tử đạo Việt Nam. Mọi người tham dự theo sự hướng dẫn của cha Phêrô Trần Trung Chỉnh –Tổng linh hướng, cùng cung nghinh và thắp hương Cha thánh Phêrô và các thánh tử đạo.

Sau khi kính viếng các thánh tử đạo xong, mọi người lại di chuyển đến TTMV kính Lòng Thương Xót Chúa.

Tại lễ đài TTMV, lúc 16g25 ông Giuse Trần Văn Lý – Trưởng Comitium Mỹ Tho hướng dẫn của các hội viên lần chuỗi Mân Côi và hát kính Đức Mẹ. Tiếp đến, thánh lễ được diễn ra lúc 17g00 do Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho chủ sự. Đồng tế với ngài có cha Tổng Đại diện Phaolô Trần Kỳ Minh, cha Phêrô Trần Trung Chỉnh –Tổng linh hướng và 16 cha trong giáo phận. Tham dự trong thánh lễ còn có quý tu sĩ nam nữ, quý hội viên Legio Mariae và giáo dân trong giáo phận.

Trước khi kết thúc thánh lễ, vị đại diện các hội viên Legio Mariae có lời tri ân đến Đức Cha, cha Tổng Đại diện, cha Tổng linh hướng và quý cha đã tạo mọi điều kiện để các hội viên Legio Mariae có một ngày hành hương thật ý nghĩa. Trong phần đáp từ, Đức Cha cũng bày tỏ niềm vui khi thấy sự hiện diện đông đảo của các hội viên Legio Mariae trong hoàn cảnh mưa bão sắp đến. Nhân dịp này, Đức Cha cũng nhắc lại việc hành hương ngày xưa của Đức Mẹ cũng gặp vô vàn những khó khăn, nghịch cảnh, nhưng Đức Mẹ đã phó thác những hi sinh đó cho Thiên Chúa. Đức Cha cám ơn các thành viên Legio Mariae đã chịu khó hi sinh đóng góp rất nhiều trong công việc mục vụ.

Thánh lễ kết thúc lúc 18g10, các hội viên Legio Mariae ra về trong bình an.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/legio-mariae/hoi-vien-legio-mariae-hanh-huong-kinh-cac-thanh-tu-dao--va-kinh-long-thuong-xot-chua-41666.html

 

 

4. Gx. Chánh Toà Mỹ Tho: Khai giảng năm học giáo lý mới

Bài viết và hình: Phêrô Tuấn Ngọc, Phêrô Minh Phúc

(WGPMT) Lúc 07g30 sáng Chúa nhật 08.09.2024, tại Nhà thờ Chánh toà Mỹ Tho có hơn 300 em thiếu nhi trong giáo xứ bước vào năm học giáo lý mới 2024 – 2025.

Lúc 07g30 sáng Chúa Nhật 08.09.2024, cha Giacôbê Hà Văn Xung – Cha sở Giáo xứ Chánh Toà chủ tế thánh lễ khai giảng năm học giáo lý 2024-2025. Đồng tế với ngài có cha phó Phêrô Nguyễn Ngọc, tham dự thánh lễ còn có quý tu sĩ, các thầy cô giáo lý viên, các bậc phụ huynh, cùng hơn 300 em thiếu nhi trong giáo xứ.

Sau nghi thức khai mạc năm học giáo lý mới, thầy Augustino Võ Tấn Hoàng Việt - Trưởng Ban Giáo lý Gx. Chánh Toà chia sẻ những kết quả tốt đẹp năm học vừa qua, đồng thời cũng có những định hướng trong năm học mới. Đặc biệt, ngoài các buổi học giáo lý, các em thiếu nhi còn tham gia vào các hoạt động: học hỏi lời Chúa, nuôi heo đất tình thương, các buổi hành hương…

Kết thúc buổi lễ, các em thiếu nhi được chia về các lớp: Khai tâm (cho các em từ 5 - 6 tuổi), Rước lễ (từ 7 - 8 tuổi), Thêm sức (từ 9 tuổi), Rước lễ Bao đồng (dành cho các em đã nhận lãnh Bí tích Thêm sức). Các em được gặp gỡ thầy cô phụ trách lớp trong niềm vui với hi vọng đạt được nhiều thành quả như lòng Chúa mong ước.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/gx-chanh-toa-my-tho-khai-giang-nam-hoc-giao-ly-moi-41675.html

 

 

5. Dòng MTG Mỹ Tho: Thánh lễ Vĩnh Khấn, mừng Kim Khánh khấn Dòng

Bài viết và hình ảnh: Hoài Bão, Phaolô Vũ

BTT Gp. Mỹ Tho

(WGPMT): Sáng ngày 15.09.2024 Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ sự thánh lễ tạ ơn và nghi thức khấn dòng cho 4 nữ tu Dòng Mến Thánh Giá (MTG) Mỹ Tho.

 “Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con” (Đức Cha Lambert de la Motte), quý Dì Dòng MTG Mỹ Tho được mời gọi hiến tế chính mình để sống cho tình yêu dành cho Thiên Chúa và phục vụ tha nhân qua lời khấn khiết tịnh, nghèo khó, vâng phục. Lúc 09g30 ngày 15.09.2024 tại Nhà nguyện Hội dòng MTG Mỹ Tho, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho đã chủ sự Thánh lễ Vĩnh Khấn cho 4 nữ tu và mừng Kim Khánh 50 năm khấn dòng của Dì Maria Nguyễn Thị Nguyệt. Đồng tế với ngài có 15 cha trong và ngoài giáo phận. Tham dự trong thánh lễ có quý tu sĩ, thân nhân của quý Dì, cùng quý khách mời của Hội Dòng.

Quý Dì nhận hồng ân Vĩnh Khấn:

1. Maria Nguyễn Thị Thúy Vy.

2. Maria Nguyễn Minh Thắng.

3. Maria Nguyễn Thị Thanh Thùy.

4. Têrêsa Phạm Thanh Thương.

Đầu thánh lễ, Đức Cha mời gọi cộng đoàn hoà chung với Nhà dòng MTG Mỹ Tho trong niềm vui tạ ơn Chúa dịp mừng Kim Khánh 50 năm Khấn Dòng và hồng ân Vĩnh Khấn của quý Dì. Lời tuyên khấn chính là sự khởi đầu cho một hành trình lâu dài trong đời sống ơn gọi tu trì, Vì thế Đức Cha mời gọi cộng đoàn hãy cầu nguyện cho quý Dì, cách riêng cho quý Dì đón nhận hồng ân Vĩnh Khấn.

Sau bài giảng lễ là nghi thức Tuyên Khấn Vĩnh Viễn của 4 Dì, quý Dì đã đáp lại tiếng Chúa mời gọi trong đời sống tu trì bằng lời tuyên khấn vĩnh viễn trong Hội Dòng MTG Mỹ Tho trước sự hiện diện Đấng Bản Quyền Giáo phận – Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm và trong tay Dì Tổng Phụ trách Maria Trần Thanh Thị Hoàng Oanh cùng lời giao ước tình yêu với Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí các Dì.

Sau lời tuyên khấn vĩnh viễn, quý Dì lần lượt tiến lên nhận nhẫn giao ước và Thánh Giá từ tay Đức Cha Phêrô như dấu chỉ nói lên sự trung thành luôn thuộc trọn về Chúa Giêsu để phục vụ Thiên Chúa và anh chị em đồng loại. Sau đó, Dì Tổng Phụ trách, đại diện cho Hội Dòng MTG Mỹ Tho đón nhận 4 Dì tân vĩnh khấn là thành viên chính thức của Hội Dòng.

Trong dịp này, Hội Dòng cũng mừng lễ Kim Khánh 50 năm Khấn Dòng của Dì Maria Nguyễn Thị Nguyệt, đây là một cột mốc quan trọng đánh dấu một hành trình theo Chúa lâu dài, thuỷ chung với lời khấn hứa phục vụ Chúa và anh chị em đồng loại của quý Dì.

Trước khi kết thúc thánh lễ, Dì Tổng Phụ trách dâng lời tri ân Đức Cha Phêrô, quý cha đồng tế, quý ông bà cố, quý thân nhân, ân nhân và cộng đoàn đã đến hiệp dâng Thánh lễ Vĩnh Khấn, mừng Kim khánh 50 khấn Dòng của quý Dì. Trong phần đáp từ, Đức Cha Phêrô nêu lên hình ảnh đẹp, khi quý Dì tuyên khấn vĩnh viễn và mừng lễ Kim Khánh hôm nay được cha mẹ, người thân đi bên cạnh tiến lên Nhà nguyện Hội Dòng, dâng hiến con mình cho Thiên Chúa. Đó chính là dấu chỉ của sự dâng hiến, đồng hành và nâng đỡ của ông bà cố cho con cái mình. Đức Cha mời gọi cộng đoàn, cách riêng các gia đình Công giáo hãy cầu nguyện và làm gương sáng để có nhiều bạn trẻ đáp lại tiếng Chúa trong ơn gọi tu trì.

Thánh lễ kết thúc lúc 11g15, Đức Cha, quý cha cùng chụp hình lưu niệm với quý Dì tân vĩnh khấn tại cung thánh. Ước mong ngày hồng phúc hôm nay sẽ giúp cho quý Dì tuyên khấn vĩnh viễn và mừng Kim Khánh 50 khấn dòng là bước ngoặt quan trọng cho một hành trình mới, hành trình phục vụ Thiên Chúa và anh chị em đồng loại trong linh đạo Mến Thánh Giá.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/dong-mtg-my-tho/dong-mtg-my-tho-thanh-le-vinh-khan-mung-kim-khanh-khan-dong-41708.html

 

 

6. Trường Khuyết Tật Nhân Ái - Kỷ niệm 20 năm thành lập

Bài viết: Sr. Maria An Hạ

Hình: Hoài Bão và Trường KT Nhân Ái.

(WGPMT) Sáng ngày 21.09.2024 trường Khuyết tật Nhân Ái chào đón Đức Cha Phêrô, quý cha, quý khách mời nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập.

1. Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập trường

Sáng ngày 21 tháng 09 năm 2024, trường Khuyết tật Nhân Ái (KTNA) kỷ niệm 20 năm thành lập. Đến tham dự buổi lễ có sự hiện diện của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Giám mục Giáo phận Mỹ Tho, quý cha trong và ngoài giáo phận, ông Huỳnh Văn Hải – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bà Huỳnh Thị Phượng – Phó giám đốc Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Tiền Giang, ông Lê Văn Dũng – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Mỹ Tho, bà Trương Thị Hoàng Lam – Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Mỹ Tho, quý lãnh đạo các ban ngành, các Trung tâm, các trường bạn, quý tu sĩ, quý ân nhân, quý phụ huynh và tập thể giáo viên, nhân viên học sinh trường Khuyết tật Nhân Ái, lễ kỷ niệm được chia làm hai phần:

Phần thứ nhất: Thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa diễn ra lúc 09g00 do Đức cha Phêrô chủ tế. Đồng tế với ngài có cha Phaolô Trần Kỳ Minh – Tổng Đại diện, cha Phaolô Nguyễn Thành Sang – Giám đốc Trung tâm Mục vụ, quý cha trong và ngoài giáo phận. Tham dự thánh lễ có quý tu sĩ nam nữ và quý khách mời. Trong bài giảng lễ, Đức Cha mời gọi cộng đoàn noi gương thánh Matthêu, viết tiếp Tin Mừng của đời mình, không phải bằng ngòi bút, chữ viết nhưng bằng cả cuộc đời của mình để Tin Mừng được lan rộng.

Phần thứ hai: Chương trình kỷ niệm 20 năm thành lập trường, soeur Nguyễn Thị Sương – Hiệu trưởng trường KTNA báo cáo sơ lược hành trình 20 năm. Tiếp theo nhà trường tri ân Đức Cha Phêrô đã luôn gắn bó với trường từ khi Ngài về giáo phận, đồng thời trường cũng tri ân Sở giáo dục và Đào tạo, Phòng giáo dục và đào tạo, tri ân các ân nhân đã luôn đồng hành với trường trong những năm qua. Kế đó là phần biểu diễn văn nghệ với 8 tiết mục thật đặc sắc do các sơ, các thầy cô và các em của trường biểu diễn. Cuối chương trình là phần đáp từ của Đức cha. Sau đó tất cả khách mời cùng chia sẻ niềm vui với nhà trường qua bữa cơm thân mật và ấm áp.

2. Đôi nét về trường Khuyết tật Nhân Ái

Hai mươi năm là khoảng thời gian không dài đối với sự hình thành và phát triển của một ngôi trường. Nhưng với khoảng thời gian ấy, Trường Khuyết tật Nhân Ái Mỹ Tho đã hình thành, phát triển và trưởng thành vươn lên trong những hoàn cảnh có nhiều khó khăn nhưng cũng có những thuận lợi, nhằm thể hiện đúng với tên gọi của một ngôi trường chuyên biệt dành cho các em khuyết tật.

Với phương châm “Sống tốt đời, đẹp đạo”, Đức Cố Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám mục Giáo phận Mỹ Tho lúc bấy giờ đã luôn mong ước có một ngôi trường để nuôi dạy trẻ em khuyết tật để góp phần xoa dịu và nâng đỡ những mảnh đời kém may mắn.

Niềm thao thức ấy đã được quý vị lãnh đạo Tỉnh Tiền Giang và Thành phố Mỹ Tho đón nhận, từ đó ngôi trường chuyên biệt của ngành Giáo dục thành phố Mỹ Tho ra đời với tên gọi là TRƯỜNG KHUYẾT TẬT NHÂN ÁI THÀNH PHỐ MỸ THO.

Trường được khởi công xây dựng vào ngày 21/08/2003, và hoàn thành vào ngày 12-04-2004, Trường chính thức khai giảng năm học đầu tiên vào ngày 05/09/2004.

Trường do Tòa Giám mục Mỹ Tho làm chủ đầu tư xây dựng và chịu trách nhiệm về tổ chức và hoạt động cùng với Ban Giám hiệu của trường là các Sơ Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho.

Trường Khuyết Tật Nhân Ái là trường dân lập, là cơ sở từ thiện có mục đích dạy văn hóa và dạy nghề cho các em khuyết tật, để từng bước tạo điều kiện cho các em hòa nhập với cộng đồng.

Thật vậy, hành trình 20 năm đã qua đong đầy những yêu thương và nhiệt huyết của bao trái tim nhân ái để ngôi trường từng bước đi lên và không ngừng phát triển.

Hai mươi năm qua, từ ngôi trường thân yêu này, một số học sinh từ đây đã bước vào đời và đang hòa nhập vào cộng đồng xã hội trên những nẻo đường khác nhau. Tất cả đều tràn đầy tình yêu vào cuộc sống và niềm tin mãnh liệt ở tương lai.

3. Bước vào tuổi mới tuổi 21

Trong không khí đầy tự hào và và xúc động, Trường Khuyết tật Nhân Ái Mỹ Tho chính thức bước vào tuổi 21, đánh dấu một chặng đường dài đầy ý nghĩa trong sự nghiệp giáo dục đặc biệt. Năm học này trường đón nhận thêm một dấu ấn quan trọng: khai giảng lớp 6 đầu tiên, một cấp học mới được hình thành. Việc mở cấp trung học cơ sở không chỉ là một bước tiến mới trong hành trình phát triển của trường mà còn là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng trong việc mang đến cơ hội học tập công bằng cho tất cả các em học sinh.

Bước vào tuổi 21 Trường Khuyết tật Nhân Ái sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng để trở thành nơi nuôi dưỡng và phát triển những tài năng đặc biệt, mang lại niềm hy vọng và sự tự tin cho các em khuyết tật trên con đường phía trước.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/truong-khuyet-tat-nhan-ai/truong-khuyet-tat-nhan-ai---ky-niem-20-nam-thanh-lap-41743.html

 

 

7. Caritas Giáo phận Mỹ Tho: Trao tặng học bổng cho học sinh năm học 2024 – 2025

Bài viết và hình: Hoài Bão

BTT Gp Mỹ Tho.

(WGPMT) Sáng Chúa Nhật 29.09.2024, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho đã tham dự lễ trao tặng học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong toàn giáo phận.

Từ lúc 07g00 sáng ngày 29.09.2024 có khoảng 700 học sinh đến từ 76 giáo xứ quy tụ về Trung tâm Mục vụ để tham dự lễ trao tặng học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong toàn giáo phận do ban Caritas Giáo phận Mỹ Tho tổ chức. Đón tiếp và hướng dẫn có cha Gioan Baotixita Nguyễn Tấn Sang – Giám đốc Caritas Giáo phận Mỹ Tho, quý dì và nhân viên trong Ban Caritas giáo phận.

Đến 09g00, Đức cha Phêrô đã gặp gỡ các học sinh tại Nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình. Ngài đã nói lên những ưu tư về những hoàn cảnh khó khăn của các em học sinh trong học tập, các em cần được quan tâm, nâng đỡ. Đức cha cũng nêu những cố gắng của ban Caritas trong việc tìm kiếm sự hổ trợ của các mạnh thường quân trong chương trình Caritas của giáo phận. Sau đó, một em đại diện cho các bạn, tường trình với Đức Cha về những cố gắng trong việc trao dồi tri thức, để trở thành những người hữu ích cho xã hội và giáo hội. Em cũng không quên cám ơn Đức Cha, cha Tổng Đại Diện, cha Trưởng ban, và tất cả quý ân nhân xa gần đã tận tâm giúp đỡ. Sau đó, Đức Cha đã trao học bổng và chụp hình lưu niệm với các em tham dự buổi lễ. Chương trình này được các mạnh thường quân hỗ trợ với kinh phí khoảng hơn 2 tỷ đồng cho gần 1000 suất học bổng.

Buổi lễ kết thúc lúc 10g55, Cha Gioan Baolixita Nguyễn Tấn Sang chụp hình lưu niệm với các em tại lễ đài Lòng Chúa Thương Xót.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/bac-ai-xa-hoi/caritas-giao-phan-my-tho-trao-tang-hoc-bong-cho-hoc-sinh-nam-hoc-2024--2025-41775.html



TIN GIÁO HỘI VIỆT NAM

1. Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp khai giảng năm học 2024 – 2025

Gm. Phêrô Huỳnh Văn Hai

WHĐ (31/8/2024) - Nhân dịp khai giảng năm học 2024 - 2025, Đức cha Phêrô Huỳnh Văn Hai, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo, đã viết thư gửi đến các sinh viên, học sinh Công giáo. Sau đây là nguyên văn lá thư của ngài.

ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO

trực thuộc

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO

NHÂN DỊP KHAI GIẢNG NĂM HỌC 2024 - 2025

Các con thân mến,

Trang thông tin điện tử Vietnamnet, thứ ba, 13/8/2024, đã đăng tải về lịch tựu trường của học sinh 63 tỉnh - thành, do Bộ GD – ĐT ban hành khung kế hoạch cho năm học mới. Theo đó, dự kiến năm học 2024-2025, học sinh cả nước sẽ tựu trường từ ngày 21 đến 29/8 và đồng loạt khai giảng vào 5/9. Như vậy, chỉ còn ít ngày nữa thì chúng ta lại bước vào một chu kỳ mới của hành trình trao dồi kiến thức hoàn thiện bản thân. Theo dõi thông tin qua các mặt báo, cha muốn điểm lại một vài sự kiện liên quan trực tiếp tới các con: Học sinh lớp 12 căng mình tăng tốc cho kỳ thi Tốt Nghiệp Trung Học Phổ Thông 2024, - Các sĩ tử học ngày học đêm “chạy nước rút” cho kỳ thi Tốt Nghiệp Trung Học Phổ Thông 2024, - Hơn 1 triệu sĩ tử tập trung làm thủ tục dự thi Tốt Nghiệp Trung Học Phổ Thông 2024, - Phụ huynh đưa con đi thi Tốt Nghiệp Trung Học Phổ Thông 2024 lo lắng như mình đang đi thi, - Nén nỗi đau mất vợ chở con “thi Tốt Nghiệp”,… Những câu chuyện này, chắc chắn đã để lại nơi các con và gia đình những ký ức khó quên. Trong cái nhìn đức tin, chúng ta cám ơn Chúa vì những ơn lành mà Người đã ban cho chúng ta. Chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu, kiên trì thực hành lời kêu gọi đầy nhân ái của Ngài: Anh em hãy học với tôi (x. Mt 11, 29) để bước vào năm học mới. Học nơi nhà trường và học với Chúa Giêsu, cha tin rằng: không bao giờ trở nên một mâu thuẫn, mà ngược lại, nó sẽ giúp con người phát triển toàn diện.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/thu-gui-sinh-vien-hoc-sinh-cong-giao-nhan-dip-khai-giang-nam-hoc-2024---2025-41637.html

 

 

2. Đức Hồng Y Tagle: Chuyến viếng thăm Châu Á và Châu Đại Dương của Đức Giáo Hoàng là hành động vâng phục sứ mạng

Vatican News

Trước chuyến Tông du của Đức Thánh Cha tới bốn quốc gia ở Châu Á và Châu Đại Dương, Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, Phụ trách Phân bộ thứ hai của Bộ Truyền giáo, đã khám phá ý nghĩa chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đối với Giáo hội hoàn vũ...

Bốn quốc gia ở hai châu lục, đi qua tổng cộng gần 40.000 km. Máy bay của Đức Thánh Cha sẽ cất cánh từ sân bay Fiumicino vào ngày 2/9 và ngài sẽ bắt đầu chuyến Tông du dài nhất và đòi hỏi nhiều sức lực nhất, đi đến Châu Á và Châu Đại Dương.

Tuy nhiên, theo Đức Hồng y Luis Antonio Gokim Tagle, Đức Giám mục Roma/ Đức Thánh Cha Phanxicô rời khỏi giáo phận của ngài không phải để phá vỡ kỉ lục, nhưng đúng hơn là "một hành động khiêm nhường trước Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta" và để "vâng phục sứ vụ".

Chia sẻ với Hãng thông tấn Fides, Đức Hồng y Tagle đã khám phá những lý do tại sao chuyến đi này của Người kế vị Thánh Phêrô giữa các Giáo hội của "đàn chiên nhỏ hơn" lại quan trọng đối với Giáo hội hoàn vũ; ngài nói rằng nó có thể ảnh hưởng đến tất cả những ai quan tâm đến hòa bình trên thế giới.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/duc-hong-y-tagle-chuyen-vieng-tham-chau-a-va-chau-dai-duong-cua-duc-giao-hoang-la-hanh-dong-vang-phuc-su-mang-41642.html

 

 

3. Chuyến thăm đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Singapore được dàn xếp trong tám năm

WHĐ (10/9/2024), SINGAPORE – Chuyến thăm sắp tới của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Singapore là một cuộc viếng thăm đã được chuẩn bị trong tám năm.

Nguyện vọng mời vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo và lãnh đạo tinh thần của hơn 1,3 tỉ người Công giáo trên toàn thế giới đã bắt đầu vào tháng 5 năm 2016, khi Tổng thống Tony Tan, trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Vatican, đã ngỏ lời mời Đức Giáo Hoàng đến thăm Singapore.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/chuyen-tham-dau-tien-cua-duc-giao-hoang-phanxico-den-singapore-duoc-dan-xep-trong-tam-nam-41685.html

 

 

4. Hội ngộ Truyền thông thường niên năm 2024

WHĐ (12/9/2024) - Cuộc Hội ngộ Truyền Thông thường niên năm 2024 của Ủy Ban Truyền Thông Xã Hội (UBTTXH) trực thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) đã được tổ chức từ chiều thứ Hai 09/9/2024 đến chiều thứ Tư 11/9/2024 tại Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Núi Cúi của Giáo phận Xuân Lộc.

Tham dự cuộc Hội ngộ có Đức Giám mục Giuse Nguyễn Tấn Tước - Chủ tịch UBTTXH/HĐGMVN, 33 linh mục đặc trách truyền thông của 27 giáo phận, cùng với 2 tu sĩ đại diện truyền thông của các Dòng tu tại Việt Nam.

Được sự ân cần tiếp đón của Đức Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo và các linh mục cùng các nhân viên của Trung tâm Hành hương Núi Cúi, trong 2 ngày hội ngộ, các tham dự viên đã rất hân hoan, cùng nhau tham dự Thánh lễ, cử hành Phụng vụ Giờ Kinh, Chầu Thánh Thể, cầu nguyện, thân thiết giao lưu (trong giờ cơm, giờ giải lao, giờ dã ngoại ngắn gọn trên thuyền tại hồ Trị An vào lúc 15g00 ngày 10/9,…) và đặc biệt dành nhiều thời gian để thảo luận với nhau về những điều cần làm trong tư cách là những tông đồ Truyền Thông của Giáo hội Việt Nam.

Chiều 09/9/2024: Chia sẻ kinh nghiệm phục vụ của các giáo phận trong năm qua

Lúc 19g00, các tham dự viên được chia thành 3 nhóm theo các giáo tỉnh để chia sẻ với nhau về những kinh nghiệm thực hiện kế hoạch truyền thông của giáo phận mình trong năm vừa qua.

Ngày 10/9/2024: Trao đổi về Cơ cấu truyền thông của UBTTXH / HĐGMVN

Vào lúc 08g00, tại hội trường chính, sau lời khai mạc của Đức Giám mục chủ tịch UBTTXH / HĐGMVN, đại diện truyền thông 3 giáo tỉnh đã trình bày bản đúc kết những kinh nghiệm truyền thông trong năm qua của các giáo phận trong giáo tỉnh. Tiếp theo là những góp ý giải quyết các vấn đề mang tính địa phương này.

Những vị có trách nhiệm chung cũng đã trình bày những vấn đề quan trọng của toàn thể Truyền thông HĐGMVN: việc điều hành trang web hdgmvietnam.com, kênh YouTube của Truyền thông HĐGMVN, nguồn thông tin Giáo hội hoàn vũ…

Vào lúc 14g30, các tham dự viên trao đổi với nhau về việc nối kết hài hòa và hữu hiệu với nhau mỗi khi có sự kiện cấp Giáo hội toàn quốc diễn ra tại một giáo phận cụ thể.

Sau những góp ý về nhiệm vụ của các vị trí trong Cơ cấu truyền thông của UBTTXH / HĐGMVN hầu đáp ứng những vấn đề trên đây, các tham dự viên đã bầu chọn người vào những vị trí còn trống khuyết trong Cơ cấu này.

Vào lúc 19g00, các tham dự viên đã cùng nhau xem phim The Letter (mang nội dung Laudato Sí) của Tòa Thánh.

Ngày 11/9/2024: Trao đổi về Hệ Thống C-Mate của Truyền thông HĐGMVN

Vào lúc 08g00, các tham dự viên lắng nghe Lm. Phaolô Hoàng Mạnh Huy trình bày về Hệ Thống C-Mate, thảo luận về những trang web được thiết kế nhờ hệ thống này, và quyết tâm cộng tác với nhau để xây dựng những ứng dụng cần thiết cho Giáo hội Việt Nam.

Vào lúc 13g30, các quyết định chung của Hội ngộ đã được đưa ra thảo luận để nhận được sự biểu quyết chung.

Sau huấn dụ của Đức Giám mục chủ tịch UBTTXH/HĐGMVN, Hội ngộ đã kết thúc lúc 14g45 với giờ Chầu Thánh Thể rất sốt sắng tại nhà nguyện của Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Núi Cúi.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/hoi-ngo-truyen-thong-thuong-nien-nam-2024-41694.html

 

 

5. Phỏng vấn Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng về công việc chuẩn bị cho Hội nghị thường niên kỳ II/2024 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

Ban Truyền Thông Gp. Phan Thiết

WGPPT (11/9/2024) - Ban Truyền thông Giáo phận Phan Thiết phỏng vấn Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng về công việc chuẩn bị cho Hội nghị thường niên kỳ II/2024 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tổ chức tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao từ 16-20/9/2024.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/phong-van-duc-cha-giuse-do-manh-hung-ve-cong-viec-chuan-bi-cho-hoi-nghi-thuong-nien-ky-ii2024-cua-hoi-dong-giam-muc-viet-nam-41697.html

 

 

6. Thông tin về Caritas các giáo phận đang gánh chịu bão lụt

WHĐ (10/9/2024) - Lãnh ý Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM), và sau khi thỉnh ý quý Đức cha các giáo phận đang gánh chịu hậu quả bão lụt, Văn phòng HĐGM trân trọng thông tin các Uỷ ban Bác ái Xã hội – Caritas của các giáo phận để tiếp nhận trực tiếp các chia sẻ, cứu trợ khẩn cấp.

THÔNG TIN VỀ CARITAS CÁC GIÁO PHẬN ĐANG GÁNH CHỊU BÃO LỤT

Ngày 10 tháng 09 năm 2024

Cuối tuần qua, bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề cho giáo phận Hải Phòng gồm thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh; nay lụt lại tiếp tục hoành hành diện rộng trên các giáo phận Hưng Hoá: ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hoà Bình; giáo phận Bắc Ninh: ở các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Cạn; giáo phận Lạng Sơn: các tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng; Tổng Giáo phận Hà Nội tại khu vực Mỹ Đức, Thanh Oai…

Lãnh ý Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM), và sau khi thỉnh ý quý Đức cha các giáo phận đang gánh chịu hậu quả bão lụt, Văn phòng HĐGM trân trọng thông tin các Uỷ ban Bác ái Xã hội – Caritas của các giáo phận nêu trên để tiếp nhận trực tiếp các chia sẻ, cứu trợ khẩn cấp.

Xin Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót chúc lành và gìn giữ tất cả chúng ta.

TM. VĂN PHÒNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

LINH MỤC CHÁNH VĂN PHÒNG

(đã ấn ký)

GIUSE ĐÀO NGUYÊN VŨ

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/thong-tin-ve-caritas-cac-giao-phan-dang-ganh-chiu-bao-lut-41698.html

 

 

7. Học Viện Công Giáo Việt Nam khai giảng niên khóa 2024 - 2025: bổ nhiệm Tân Viện Trưởng, trao bằng thạc sĩ và cử nhân thần học

WHĐ (15/9/2024) - “Anh chị em cần phải học có suy tư, tự mình khám phá… để có khả năng đối thoại với các nền tôn giáo, các nền văn hóa…”

Đức Tổng Giám mục (TGM) Giuse Nguyễn Năng đã nhắn nhủ các sinh viên như thế trong buổi khai giảng niên khóa 2024 - 2025 của Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCG) diễn ra vào lúc 8g thứ Bảy 14/9/2024 tại cơ sở HVCG, số 25 đường số 9, phường Bình Thọ, Tp. Thủ Đức.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/hoc-vien-cong-giao-viet-nam-khai-giang-nien-khoa-2024---2025-bo-nhiem-tan-vien-truong-trao-bang-thac-si-va-cu-nhan-than-hoc-41703.html

 

 

8. Chào đón các Giám mục Việt Nam đến dự Hội nghị thường niên kỳ II năm 2024 tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao

WHĐ (16/9/2024) - Vào chiều ngày 16/09/2024, các Giám mục Việt Nam đã đến Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao của Giáo phận Phan Thiết để tham dự Hội nghị thường niên kỳ II năm 2024 của Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), kéo dài từ ngày 16 đến ngày 20/9/2024.

Đức TGM Giuse Nguyễn Năng đã chủ sự nghi thức Làm phép Nhà khách để đưa vào sử dụng, phục vụ cho Hội nghị Thường niên lần này.

Sau đó, nghi thức chào đón bắt đầu với diễn văn chào mừng của linh mục tổng đại diện Giuse Hồ Sĩ Hữu và tiết mục văn nghệ biểu diễn đánh trống của các “thiếu nhi đặc biệt”.

Chương trình Hội nghị Thường niên của HĐGMVN kỳ II năm 2024 đã chính thức bắt đầu với giờ Chầu Thánh Thể lúc 20 giờ cùng ngày.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/chao-don-cac-giam-muc-viet-nam-den-du-hoi-nghi-thuong-nien-ky-ii-nam-2024-tai-trung-tam-thanh-mau-tapao-41714.html

 

 

9. HĐGMVN: khai mạc hội nghị thường niên kỳ II/2024

Mở đầu phiên họp khai mạc, Đức Tổng Giám mục Chủ tịch HĐGM đã mời gọi quý Đức cha cầu nguyện và lưu tâm đến anh chị em đang gánh chịu hậu quả bão lũ, chia sẻ ưu tư với các giáo phận đang vất vả khắc phục hậu quả bão Yagi.

WHĐ (17/9/2024) - Chiều ngày 16 tháng 9 năm 2024, toàn thể Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM) đã qui tụ để cùng Giáo phận Phan Thiết khánh thành và làm phép Nhà khách Trung tâm Thánh Mẫu Tà Pao.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/hdgmvn-khai-mac-hoi-nghi-thuong-nien-ky-ii2024-41717.html

 

 

10. HĐGMVN: ngày I - Hội Nghị Thường Niên kỳ II/2024

Lm. Giuse Đào Nguyên Vũ

WHĐ (17/9/2024) - Hội nghị đã dành ngày thứ nhất cho các nội dung nghị sự: sứ vụ loan báo Tin Mừng, Năm Thánh 2025: cử hành và mục vụ.

Sau Phiên họp khai mạc với sự hiện diện của 31 vị gồm: Tổng Giám mục (TGM) và Giám mục của 27 Giáo phận cùng với Ban Thư ký, Hội nghị đã dành nhiều thời gian cho Ủy ban Loan báo Tin Mừng trình bày thực trạng, nhu cầu và gợi ý lộ trình cho sứ vụ Loan báo Tin Mừng. Quý Đức cha đã chia sẻ kinh nghiệm và suy tư, thảo luận về những phương thức và thách thức trong sứ vụ loan báo Tin Mừng của thế giới và địa phương. Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Ủy ban Phụng tự đã trình bày về chương trình Năm Thánh 2025 của Giáo hội hoàn vũ và những hướng dẫn cử hành tại các giáo phận.

Hướng đến năm 2025, Hội nghị đã phác thảo và góp ý những nội dung cần thiết để chuẩn bị cho Thư Mục vụ gửi cộng đoàn Dân Chúa trong những ngày sắp đến.

Chiều nay, 17 tháng 9, Đức TGM Marek Zalewski, Đại diện thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam đã đến Trung tâm Thánh Mẫu Tà Pao để tham gia Hội nghị thường niên. Đức TGM Zalewski đã tham dự Phụng vụ Giờ Kinh Chiều, Chầu Thánh Thể và Kinh Tối với toàn thể Hội nghị.

Sau phiên họp riêng theo từng Giáo tỉnh vào buổi tối, Hội nghị đã hoàn tất ngày thứ nhất trong ân sủng của Thiên Chúa.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/hdgmvn-ngay-i---hoi-nghi-thuong-nien-ky-ii2024-41723.html

 

 

11. HĐGMVN: ngày II - Hội Nghị Thường Niên kỳ II/2024

Hội nghị đã lắng nghe Đức TGM Marek Zalewski, Đại diện thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam, chia sẻ thông tin của Toà Thánh và trao đổi một số nội dung cần thiết với Hội đồng Giám mục Việt Nam.

WHĐ (18/9/2024) – Sáng thứ Tư, ngày 18 tháng 9, Hội nghị thường niên kỳ II bắt đầu ngày mới với cử hành Phụng vụ Giờ Kinh Sáng lúc 5g30. Tiếp theo, Hội nghị đã dâng Thánh lễ Kính thánh Giuse do Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên chủ sự.

Hội nghị đã lắng nghe Đức TGM Marek Zalewski, Đại diện thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam, chia sẻ thông tin của Toà Thánh và trao đổi một số nội dung cần thiết với Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Trong 3 phiên họp còn lại của ngày hôm nay, Hội nghị đã suy tư và góp ý nhiều nội dung của Thư Mục vụ năm 2025; “Văn bản hướng dẫn việc hiếu kính tổ tiên” do Uỷ ban Văn hoà trình bày; và lắng nghe những lưu ý của Uỷ ban Phụng tự.

Kết thúc ngày thứ hai của Hội nghị, Đức TGM Marek Zalewski đã chủ sự Chầu Thánh Thể trước khi Hội nghị cử hành Phụng vụ Giờ Kinh Tối.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/hdgmvn-ngay-ii---hoi-nghi-thuong-nien-ky-ii2024-41725.html

 

 

12. HĐGMVN: Ngày III - Hội Nghị Thường Niên kỳ II/2024

Lm. Giuse Đào Nguyên Vũ

Hội nghị đã lắng nghe chia sẻ thông tin từ Uỷ ban Giáo dục và các góp ý mục vụ hướng đến Năm Thánh 2025.

WHĐ (19/9/2024) – Hội nghị thường niên kỳ II bước qua ngày làm việc thứ III với cử hành Phụng vụ Giờ Kinh Sáng lúc 5g30 trước khi dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Công cuộc loan báo Tin Mừng, do Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn chủ sự.

Hội nghị đã lắng nghe chia sẻ thông tin từ Uỷ ban Giáo dục và các góp ý mục vụ hướng đến Năm Thánh 2025. Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Viện trưởng Học viện Công giáo Việt Nam đã phúc trình về nguồn nhân lực và thành quả mà Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo tiền nhiệm đã vất vả khởi sự. Trong phiên họp cuối, Hội nghị đã thông qua Thư Mục vụ năm 2025 với chủ đề “Cùng nhau loan báo Tin Mừng” và Biên bản Hội nghị.

Sau 11 phiên họp của Hội nghị, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM) đã tham dự nghi thức làm phép Linh đài Đức Mẹ Tàpao, do Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski chủ sự, và cử hành Phụng vụ Giờ Kinh Chiều tại đây.

Vào lúc 18g55, HĐGM đã cùng với nhiều ngàn anh chị em, thuộc các thành phần Dân Chúa Giáo phận Phan Thiết và các đoàn hành hương, rước kiệu Đức mẹ và suy niệm Mầu Nhiệm Mân Côi, tham dự diễn nguyện với tâm tình tạ ơn 50 năm lịch sử của Giáo phận Phan Thiết và Chầu Thánh Thể.

Hội nghị thường niên kỳ II/2024 sẽ kết thúc khi cùng với Giáo phận Phan Thiết dâng Thánh lễ lúc 6g30 sáng ngày 20 tháng 9 tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao, tạ ơn Kim Khánh Giáo phận Phan Thiết.

Cám ơn cộng đoàn Dân Chúa đã hiệp thông và cầu nguyện cho Hội nghị của HĐGM trong những ngày qua.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/hdgmvn-ngay-iii---hoi-nghi-thuong-nien-ky-ii2024-41729.html

 

 

13. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: biên bản hội nghị thường niên kỳ II năm 2024

Gm. Giuse Đỗ Mạnh Hùng

WHĐ (20/9/2024) – Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên kỳ II năm 2024 tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao, giáo phận Phan Thiết, từ ngày 16 đến 20 tháng 9 năm 2024. Tham gia Hội nghị có đầy đủ 31 Giám mục đang phục vụ 27 giáo phận tại Việt Nam.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/hoi-dong-giam-muc-viet-nam-bien-ban-hoi-nghi-thuong-nien-ky-ii-nam-2024-41741.html

 

 

14. Thư mục vụ năm 2025 của Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi cộng đồng Dân Chúa: “Cùng nhau loan báo Tin Mừng”

WHĐ (20/9/2024) – Trong thời gian Hội nghị thường niên kỳ II - 2024 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, các Đức Giám mục thuộc 27 giáo phận đã cầu nguyện và chia sẻ nhằm đưa ra định hướng mục vụ cho Hội Thánh tại Việt Nam trong năm 2025. Và khi kết thúc Hội nghị, các ngài đã có Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa với chủ đề: “Cùng nhau loan báo Tin Mừng”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/thu-muc-vu-nam-2025-cua-hoi-dong-giam-muc-viet-nam-gui-cong-dong-dan-chua-cung-nhau-loan-bao-tin-mung-41742.html

 

 

15. Giáo Phận Qui Nhơn: tọa đàm về di sản Sấm Truyền ca (1670) của linh mục Lữ Y Đoan (1608-1678)

Ban văn hóa Giáo phận Qui Nhơn

Năm nay, cuộc họp mặt Văn thơ Công giáo lần thứ XIII được đánh dấu bằng tọa đàm “Về di sản Sấm truyền ca (1670) của Linh mục Lữ Y Đoan (1608-1678)”. Tọa đàm đã quy tụ được hơn 110 tham dự viên, gồm các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, các nhà nghiên cứu, giảng viên các trường đại học và nhiều người quan tâm.

WHĐ (23/9/2024) - Từ dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử (2012), hằng năm vào hai ngày 21-22/9, Ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn đã tổ chức họp mặt các tác giả Văn thơ Công giáo Việt Nam, hoặc trao các giải thưởng hoặc tọa đàm về văn học Công giáo, và dần dần đã tạo nên một ngày truyền thống về Văn thơ Công giáo Việt Nam.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/giao-phan-qui-nhon-toa-dam-ve-di-san-sam-truyen-ca-1670-cua-linh-muc-lu-y-doan-1608-1678-41752.html

 

 

16. Đức Tổng Giám Mục Giu-Se Vũ Văn Thiên thăm và sẻ chia cùng người dân vùng lũ

Thứ Hai, ngày 23/9/2024, Đức Tổng Giám mục (TGM) Giu-se Vũ Văn Thiên đã đến thăm, động viên và chia sẻ cùng anh chị em tại các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề sau mưa lũ thuộc Giáo hạt Thanh Oai và Giáo hạt Mỹ Đức – Hòa Bình. Cùng đi với ngài có Cha Chưởng ấn Giu-se Vũ Quang Học và Cha Thư ký Gio-an Nguyễn Văn Toàn.

Chuyến thăm hỏi diễn ra trong bối cảnh hàng trăm hộ gia đình tại huyện Chương Mỹ và các vùng lân cận vẫn đang phải đối diện với những khó khăn do thiên tai, bão lũ gây ra, để lại thiệt hại nghiêm trọng cho bà con dân xứ. Cụ thể, Đức TGM Giu-se cùng quý cha đã lần lượt ghé thăm các Giáo họ Vạn Tiên, Vạn Nhân, Thuần Lương, Giáo xứ An Hòa, Mỹ Thượng, và Mỹ Hạ thuộc Giáo hạt Thanh Oai.

Xuyên suốt chuyến hành trình tới các giáo xứ, giáo họ, Đức TGM Giu-se đã gửi lời chào hỏi và đồng cảm sâu sắc với những mất mát, thiệt hại mà bà con đang trải qua. Đồng thời ngài không quên đọc kinh, cầu nguyện và động viên mọi người hãy tin tưởng, cậy trông vào Thiên Chúa.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/duc-tong-giam-muc-giu-se-vu-van-thien-tham-va-se-chia-cung-nguoi-dan-vung-lu-41757.html

 

 

17. Logo và khẩu hiệu chuyến tông du của Đức Phanxicô tới Luxembourg và Bỉ

Vatican News

Vào thứ Hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố chuyến tông du của Đức Thánh Cha tới Luxembourg vào ngày 26 tháng 9 năm 2024 và tới Bỉ từ ngày 26 đến 29 tháng 9. Ngài sẽ đặc biệt tới Brussels, Louvain và Louvain-la-Neuve. Logo và khẩu hiệu của hai chuyến tông du đã được công bố hôm 25/6/2024.

« Để phục vụ»

Logo của chuyến tông du Luxembourg có hình ảnh cách điệu của Đức Thánh Cha Phanxicô đang chúc lành, với nền là Nhà thờ chính tòa Đức Bà. Là trụ sở Tòa Tổng Giám mục Luxembourg, Nhà thờ chính tòa cũng là đền thánh Đức Mẹ dâng kính Đức Bà An ủi Kẻ âu lo, Đấng bảo trợ của thành phố Luxembourg.

Lòng sùng kính Đức Mẹ đặc biệt mạnh mẽ ở Luxembourg, như được gợi nhớ bởi màu xanh trên logo, cùng với màu cờ của Thành quốc Vatican, màu trắng và vàng.

Ở phía dưới bên phải, khẩu hiệu của chuyến tông du, “Để phục vụ”, ám chỉ Chúa Kitô, Đấng đến “không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ” (x. Mt 20, 28). Một tấm gương mà Giáo hội được mời gọi noi theo để phục vụ nhân loại.

« Lên đường với niềm hy vọng»

Logo cho chuyến tông du đến Bỉ, từ ngày 26 đến ngày 29 tháng 9, bao gồm một bản đồ cách điệu của Bỉ, có một con đường băng qua, cũng được cách điệu, trên đó có những người ở các độ tuổi khác nhau và màu sắc khác nhau, đại diện cho sự đa dạng của Bỉ, đang tiến bước. Một người ngồi trên xe lăn cũng được miêu tả.

Đức Thánh Cha Phanxicô, dễ nhận biết nhờ bộ trang phục màu trắng, ở chính giữa. Như thông cáo cho biết: phía dưới, khẩu hiệu của chuyến tông du, “Lên đường với niềm hy vọng”, vang lên “như một lời kêu gọi cùng nhau tiến bước, trên con đường là lịch sử của đất nước, nhưng cũng là Tin Mừng, con đường của Chúa Giêsu Kitô, Niềm Hy Vọng của chúng ta”.

Về phần mình, Hội đồng Giám mục Bỉ diễn tả: “Đức Thánh Cha Phanxicô bước đi giữa các tín hữu thuộc mọi lứa tuổi và mọi nguồn gốc. Ngài khuyến khích họ đóng góp cho một thế giới công bằng hơn và tham gia vào đời sống và tương lai của Giáo hội”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/logo-va-khau-hieu-chuyen-tong-du-cua-duc-phanxico-toi-luxembourg-va-bi-41762.html

 

 

18. Ủy Ban Thánh Nhạc: Hội thảo Thánh Nhạc lần thứ 53

WHĐ (27/9/2024) - “Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc – Mười năm nhìn lại”. Đây là chủ đề của Hội thảo Thánh nhạc lần thứ 53 do Ủy ban Thánh nhạc (UBTN), trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) tổ chức vào thứ Ba 24/9/2024 tại Hội trường B102, Trung tâm Mục vụ (TTMV) Tổng giáo phận Sài Gòn (TGP.SG).

Lúc 8g15, trong vai trò điều khiển buổi Hội thảo, nhạc sĩ (Ns) P.Kim đã giới thiệu Ban Chủ tọa, thư ký và các thanh viên, gồm:

- Đức Giám mục (ĐGM) Aloisiô Nguyễn Hùng Vị - Chủ tịch UBTN/HĐGMVN

- Linh mục (Lm) Rôcô Nguyễn Duy - Thư ký UBTN/HĐGMVN kiêm Trưởng Ban thánh nhạc (BTN) TGP.SG

- Ban Thư ký: Nữ tu (Nt) Duyên Sa và Lm. Ns. Giang Tâm

- Các Trưởng ban Thánh nhạc 27 giáo phận và các thành viên

- Các giảng viên Thánh nhạc tại các Đại chủng viện

- Các giảng viên khoa Thanh nhạc TTMV

- Các linh mục đặc trách Thánh nhạc của các Đại chủng viện

- Các vị phụ trách Thánh nhạc các Hội dòng

- Các nhạc sĩ và quý ca trưởng Thánh nhạc

- Các tham dự viên.

Đi vào nội dung chính, đại diện UBTN từng Giáo phận đã trình bày những thuận lợi, khó khăn và những giải pháp của từng địa phương, từng giáo phận.

Buổi Hội thảo kết thúc lúc 11g45. Mọi người cùng chia sẻ niềm vui với nhau qua bữa cơm thân mật tại tầng trệt khu B của Trung tâm Mục vụ TGP.SG.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/uy-ban-thanh-nhac-hoi-thao-thanh-nhac-lan-thu-53-41770.html

 

 

TIN GIÁO HỘI HOÀN VŨ

1. Đức Thánh Cha: Chú ý chiều kích cộng đoàn trong phụng vụ

Đức Thánh Cha mời gọi các tham dự viên của Tuần lễ Quốc gia về Phụng vụ của Giáo hội Ý tái suy tư về bốn chiều kích của phụng vụ: cộng đoàn cầu nguyện, thánh ca, thinh lặng thánh và thừa tác vụ phụng vụ.

Vatican News

Tuần lễ Phụng vụ Quốc gia lần thứ 74 diễn ra tại thành phố Modena, bắc Ý từ 26 đến 29/8. Năm nay hội thảo suy tư về chủ đề: “Trong phụng vụ lời cầu nguyện đích thực của Giáo hội. Dân Chúa và nghệ thuật cử hành. ‘Hoa trái của miệng lưỡi ca tụng Danh Thánh” (Dt 13, 15).

Trong sứ điệp được ký bởi Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, gửi đến Đức Tổng Giám mục Claudio Maniago của Catanzaro-Squillace, Chủ tịch Trung tâm Phụng vụ, Đức Thánh Cha nói chủ đề được chọn năm nay đưa trở lại với tính đặc thù của cầu nguyện phụng vụ, vốn tránh xa mọi hình thức cá nhân và chia rẽ. Theo đó, phụng vụ là sự “tham dự vào lời cầu nguyện của Chúa Kitô, hướng về Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần”; chia sẻ hơi thở yêu thương của Giáo hội-Hiền thê, làm cho chúng ta cảm thấy là một phần của cộng đoàn các môn đệ ở mọi nơi và mọi thời đại; trường hiệp thông giải thoát tâm hồn khỏi sự thờ ơ, thu hẹp khoảng cách giữa anh chị em và phù hợp với tâm tình của Chúa Giêsu; con đường cao cả biến đổi, giáo dục chúng ta trong Giáo hội về đời sống tốt đẹp của Tin Mừng.

Đức Thánh Cha nhắc lại bốn chiều kích của phụng vụ:

Đầu tiên là tái khám phá việc cộng đoàn cầu nguyện, qua đó, khi hiệp nhất với ngôn ngữ mẹ Giáo hội, chúng ta trở nên một thân thể và một tiếng nói. Trong khía cạnh này cần quan tâm đặc biệt đến Phụng Vụ Các Giờ Kinh, phải làm sao để hình thức cầu nguyện này nó trở thành lời cầu nguyện của Dân Chúa một cách hiệu quả.

Khía cạnh thứ hai là thánh ca. Đức Thánh Cha tái khẳng định giáo huấn của Công đồng Vatican II về điều này, theo đó âm nhạc trong phụng vụ không phải là một “yếu tố trang trí, nhưng là một phần không thể thiếu và cần thiết” (Sacrosanctum Concilium, 112). Trong thánh ca, các tín hữu sống và bày tỏ đức tin của mình.

Khía cạnh thứ ba liên quan đến thinh lặng. Đức Thánh Cha lưu ý trong phụng vụ không cuồng nhiệt, ồn ào. Cần một thinh lặng thánh, không gian sinh hoa trái để ở lại trong tình yêu Chúa, vun trồng một cái nhìn chiêm niệm, đem lại chiều sâu cho lời cầu nguyện của tâm hồn và để cho chúng ta được biến đổi bởi Thần Khí.

Chiều kích thứ tư và cuối cùng mà Đức Thánh Cha mong muốn cuộc gặp gỡ quốc gia thúc đẩy là thừa tác vụ phụng vụ, như hoa trái của việc trở thành Giáo hội Hiện Xuống. Sự hiện diện của một thừa tác vụ đa dạng, được nuôi dưỡng bởi sự hiệp thông trong Chúa Kitô, nuôi dưỡng sự tham gia tích cực của cộng đoàn và thúc đẩy đồng trách nhiệm trong sứ mạng, trong thực tế, thể hiện bản chất hiệp hành của Giáo hội.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-chu-y-chieu-kich-cong-doan-trong-phung-vu-41625.html

 

 

2. ĐTC Phanxicô rời Vatican lên đường viếng thăm Indonesia

Chiều thứ Hai ngày 2/9/2024, Đức Thánh Cha đã lên đường bắt đầu chuyến tông du thứ 45 tại nước ngoài. Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm 4 quốc gia là Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore từ ngày 3 đến 13/9/2024.

Hồng Thủy - Vatican News

Như trước tất cả các chuyến tông du khác, vào sáng Chúa Nhật ngày 1/9/2024, Đức Thánh Cha đã đến viếng đền thờ Đức Bà Cả ở Roma và cầu nguyện trước bức ảnh Đức Mẹ là Phần rỗi dân thành Roma để phó dâng cho Đức Mẹ chuyến viếng thăm của ngài.

Thứ Hai ngày 2/9/2024, vào khoảng 4 giờ chiều, trước khi khởi hành ra sân bay, tại Nhà Thánh Marta, Đức Thánh Cha đã gặp khoảng 15 người vô gia cư, được Đức Hồng y Konrad Krajewski đồng hành.

Sau đó, vào lúc quá 4 giờ rưỡi chiều giờ Roma, Đức Thánh Cha đã đi xe từ Nhà Thánh Marta ở nội thành Vatican đến phi trường Fiumicino cách Vatican khoảng 30 km.

Sau khi chào và tạm biệt giới chức chính quyền địa phương cũng như Giám mục giáo phận Porto-Santa Rufina, nơi có phi trường, vào khoảng 17:15, chiếc máy bay A330 của hãng hàng không ITA đã cất cánh, đưa Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng trực chỉ thủ đô Jakarta của Indonesia.

Cùng đồng hành với ngài trên chuyến bay có Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, Phụ trách Phân bộ Loan báo Tin Mừng lần đầu và các Giáo hội địa phương mới, một số Hồng y và Giám mục; đặc biệt còn có phái đoàn khoảng 80 nhà báo đăng ký tại Phòng Báo chí Tòa Thánh, những người sẽ đưa tin về các hoạt động của Đức Thánh Cha trong chuyến tông du.

Chuyến bay của Đức Thánh Cha sẽ bay khoảng 13 tiếng, vượt chặng đường dài 11.354 km, qua các quốc gia: Ý, Croatia, Bosnia và Herzegovina, Serbia/Montenegro- Bulgari, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Pakistan, Ấn Độ, Malaysia và đến Indonesia.

Theo thông lệ, Đức Thánh Cha gửi điện thư chào thăm nguyên thủ các quốc gia mà ngài đi qua.

Dự kiến vào khoảng 11 giờ rưỡi sáng thứ Ba ngày 3/9/2024, chuyến bay của Đức Thánh Cha sẽ đến Jakarta, thủ đô Indonesia, chặng đầu tiên trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-roi-vatican-len-duong-vieng-tham-indonesia-41646.html

 

3. ĐTC Phanxicô: Điện năng phải được cung cấp cho mọi người cách công bằng

Sáng ngày 31/8/2024, gặp gỡ các nhà quản lý và nhân viên của công ty “Terna”, một công ty quản lý lưới điện, cung cấp năng lượng, Đức Thánh Cha ca ngợi sự dấn thân của họ đối với năng lượng sạch. Ngài hy vọng rằng năng lượng sẽ “sạch” không chỉ từ các nguồn hóa thạch mà trên hết là không có bất công, chiến tranh và bất bình đẳng.

Vatican News

Terna Rete Italia quản lý mạng lưới truyền tải điện của Ý với 75.140 km đường dây điện cao thế.

Năng lượng sạch phải được sản xuất và cung cấp cách công bằng và bao gồm mọi người

Đức Thánh Cha nói rằng trong khi họ dấn thân hướng tới một tương lai được hỗ trợ bởi năng lượng sạch, với những cách tiêu thụ và sản xuất năng lượng mới ngày càng dựa trên các nguồn tái tạo, thì trên thực tế, có rất nhiều năng lượng bẩn trên hành tinh. Ngài giải thích rằng năng lượng bẩn không chỉ do có quá nhiều năng lượng hóa thạch nhưng đặc biệt bị vấy bẩn bởi sự bất công, bởi các cuộc chiến tranh nảy sinh và được thúc đẩy bởi sự khao khát năng lượng của con người. Ngài nói: “Năng lượng tốt không chỉ là vấn đề công nghệ, mà sản xuất và tiêu dùng phải ngày càng trở nên công bằng và bao gồm mọi người”.

Đức Thánh Cha nói rằng việc bao gồm mọi người được hưởng năng lượng ngày nay là một thách thức đa chiều. Người ta không thể trở thành công dân có chủ quyền nếu vẫn không có năng lượng. Ngài khuyến khích mở rộng các cộng đồng năng lượng.

Nhớ đến những người thiệt mạng trong lúc làm việc

Đề cập đến vai trò quản lý lưới điện của công ty, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “anh chị em là người điều hành lợi ích chung, lợi ích của mỗi người”. Ngài nhắc đến công sức của nhiều người, nhờ trí thông minh và năng lực của họ, cũng như sự hy sinh của họ mà chúng ta có điện. Ngài kêu gọi đừng quên những người thiệt mạng tại nơi làm việc trong cơ sở hạ tầng năng lượng, và hãy đảm bảo rằng không còn những nạn nhân như thế nữa!

Điện năng là cơ sở hạ tầng thiết yếu cho sự phát triển của cộng đồng

Tiếp đến Đức Thánh Cha tập trung vào vai trò của điện như một cơ sở hạ tầng thiết yếu cho sự phát triển của cộng đồng, đặc biệt là những cộng đồng nghèo nhất. Ngài nhắc rằng ngày nay ở một số ngôi làng ở Châu Phi và Châu Á, thậm chí ở Châu Mỹ Latinh, người ta vẫn có thể thấy các nhóm người trẻ học bài vào buổi tối dưới ánh đèn đường, vì ở nhà họ không có điện. Không phải ngẫu nhiên mà trong chiến tranh, cơ sở hạ tầng đầu tiên bị tấn công ở các thành phố lại là hệ thống điện, bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của các gia đình và làm suy yếu tinh thần của người dân.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-dien-nang-phai-duoc-cung-cap-cho-moi-nguoi-cach-cong-bang-41647.html

 

 

4. Indonesia phát hành bộ tem đặc biệt nhân cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô

Ngày 2/9/2024, một ngày trước khi Đức Thánh Cha đến Jakarta, Bộ Truyền thông và Thông tin và công ty nhà nước PT Pos của Indonesia đã phát hành bộ tem để kỷ niệm chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại nước này.

Vatican News

Bộ tem có chủ đề “Đức tin, Tình Huynh đệ, Sự Cảm thông”, là thông điệp chính trong cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha từ ngày 3 đến 6/9/2024.

Đức Hồng y Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo, Tổng giám mục Jakarta nhận xét: “Việc phát hành tem cho chuyến thăm Indonesia của Đức Thánh Cha Phanxicô là một vinh dự lớn” đối với Giáo hội Công giáo tại Indonesia. Ngài hy vọng thông điệp về cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ đến được với mọi người thông qua những con tem đặc biệt, sẽ được phân phối trên khắp cả nước.

Theo Đức Hồng y, những con tem này thể hiện “sự hiện diện của chính phủ trong sự phát triển của Giáo hội Công giáo tại Indonesia” và cách chính phủ tôn trọng “sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô với tư cách là nhà lãnh đạo của Giáo hội Công giáo”.

Hồng y Tổng Giám mục Jakarta hy vọng rằng chủ đề “đức tin, tình huynh đệ và sự cảm thông” của cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha có thể thúc đẩy sự thống nhất của Giáo hội Công giáo tại Indonesia.

Ngài nói: “Tất cả chúng ta đều hy vọng rằng động lực sẽ dẫn đến sự cảm thông, không phải tình huynh đệ lý thuyết hay khái niệm, mà là tình huynh đệ thực sự thể hiện trong hành động thực tế để lý tưởng độc lập của quốc gia chúng ta gần gũi hơn”.

Bộ Truyền thông và Thông tin Indonesia cho biết Đức Thánh Cha sẽ làm phép những con tem độc đáo này trong Thánh lễ tại Sân vận động chính Gelora Bung Karno vào ngày 5/9/2024.

Ông Ignasius Jonan, người đứng đầu ủy ban về cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Indonesia, cho biết PT Pos Indonesia đã phát hành một loạt tem đặc biệt cho chuyến thăm năm 1970 của Đức Giáo hoàng Phaolô VI và chuyến thăm năm 1989 của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. (Uca News 02/09/20224)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/indonesia-phat-hanh-bo-tem-dac-biet-nhan-cuoc-vieng-tham-cua-dtc-phanxico-41650.html

 

 

5. Chương trình chuyến Tông du của Đức Thánh Cha tại Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor, Singapore

Chương trình chi tiết chuyến Tông du nước ngoài lần thứ 45 của Đức Thánh Cha từ ngày 02-13/09 tại Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor, Singapore.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/chuong-trinh-chuyen-tong-du-cua-duc-thanh-cha-tai-indonesia-papua-new-guinea-dong-timor-singapore-41651.html

 

 

6. ĐTC Phanxicô đến Jakarta bắt đầu chuyến tông du thứ 45

Sau chuyến bay kéo dài 13 giờ 15’, với quãng đường dài 11.354 km, vào lúc 11 giờ 19’ giờ địa phương, ngày 03/9/2024, máy bay đưa Đức Thánh Cha và đoàn tuỳ tùng đã đến sân bay quốc tế Jakarta SoekarnoHatta của Indonesia. Đức Thánh Cha bắt đầu chuyến tông du thứ 45 và cũng là cuộc viếng thăm dài nhất của ngài tại nước ngoài.

Vatican News

Máy bay dừng tại khu vực nghi lễ của sân bay Jakarta. Sứ thần Tòa Thánh tại Indonesia và Trưởng nghi lễ Indonesia lên máy bay chào đón Đức Thánh Cha.

Sau đó, tại chân cầu thang phía trước của máy bay, Đức Thánh Cha được chào đón bởi Bộ trưởng Bộ Tôn giáo, và hai trẻ em trong trang phục truyền thống tặng hoa cho ngài. Tiếp đến, các thành viên của hai phái đoàn của Toà Thánh và Indonesia được giới thiệu với Đức Thánh Cha và Bộ trưởng.

Từ sân bay, Đức Thánh Cha về Tòa Sứ thần Tòa Thánh. Tại đây, ngài gặp gỡ một nhóm người bệnh, người di cư và tị nạn do Cộng đoàn Thánh Egidio tháp tùng. Sau đó, ngài dùng bữa và nghỉ ngơi.

Các hoạt động của Đức Thánh Cha tại quốc gia có đa số Hồi giáo bắt đầu vào sáng thứ Tư, ngày 04/9, với cuộc viếng thăm hữu nghị tổng thống, gặp chính quyền, các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn vào lúc 10 giờ 30’. Sau đó, ngài trở về Tòa Sứ thần vào ban trưa để gặp gỡ các tu sĩ Dòng Tên và nghỉ trưa. Tiếp đến vào buổi chiều, ngài sẽ gặp gỡ các giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên tại Nhà thờ Chính toà Đức Mẹ Lên Trời. Hoạt động sau cùng trong ngày đầu tiên là gặp gỡ những người trẻ của Phong trào Scholas Occurrentes tại Nhà Giới trẻ “Grha Pemuda”.

Thủ đô Jakarta

Trong ba ngày, Đức Thánh Cha viếng thăm một vùng đất có khoảng 11 ngàn cư dân. Jakarta trong tiếng Java có nghĩa là “chiến thắng và thịnh vượng”, thủ đô Indonesia nằm trên bờ biển tây bắc của đảo Java, ở cửa sông Ciliwung, có nguồn gốc bắt nguồn từ thế kỷ thứ tư, lúc đó khu vực chỉ là một cảng thương mại gọi là Sunda Kelapa.

Những người châu Âu đầu tiên đến khu vực này là các thương gia Bồ Đào Nha từ Malacca, nay là Malaysia, vào năm 1513. Sau khi bị chinh phục vào năm 1527 bởi Tướng Fatahillah, thành phố trở thành một phần của Vương quốc Hồi giáo Banten và được đổi tên thành Jayakarta. Sau đó, vùng đất còn bị người Hà Lan thống trị và đổi tên thành Batavia.

Trong Thế chiến II, những người theo chủ nghĩa dân tộc Indonesia đã chiến đấu với người Hà Lan và tuyên bố độc lập vào năm 1945. Thành phố được đổi tên thành Jakarta.

Do bị sụt lún, vào năm 2019, chính phủ đã quyết định xây một thủ đô mới trong rừng, trên đảo Borneo, ở trung tâm đất nước và trong một khu vực ít bị thiên tai. Quyết định này đã bị chỉ trích gay gắt bởi các nhà hoạt động môi trường, vì Borneo có một khu rừng nhiệt đới lâu đời nhất trên thế giới. Thành phố, hiện đang được xây dựng, được gọi là Nusantara, nghĩa là “quần đảo” trong tiếng Java, và theo kế hoạch, sẽ được hoàn thiện vào năm 2045, dịp kỷ niệm 100 năm độc lập của quốc gia.

Tổng Giáo Phận Jakarta

Tổng Giáo Phận Jakarta được thiết lập vào ngày 22/8/1973, có 561.665 người Công giáo; hiện diện ở 72 giáo xứ; 75 linh mục giáo phận; 279 linh mục thường trú trong giáo phận; 49 chủng sinh; hơn 1.000 tu sĩ; quản lý 492 cơ sở giáo dục; 18 tổ chức bác ái.

Tổng Giám Mục Jakarta

Tổng Giám Mục Jakarta là Đức Hồng Y Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo, sinh năm 1950 tại Sedayu. Thụ phong linh mục cho Tổng Giáo Phận Semarang ngày 26/01/1976. Được tấn phong Giám mục cho Tổng Giáo phận Semarang ngày 22/8/1997. Ngày 25/7/2009, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI bổ nhiệm ngài làm Giám mục phó Tổng Giám Mục Jakarta, và sau đó là Tổng Giám Mục từ ngày 28/6/2010. Trong công nghị hồng y ngày 05/10/2019, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong hồng y.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-den-jakarta-bat-dau-chuyen-tong-du-thu-45-41652.html

 

 

7. Trực tiếp chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor, Singapore từ ngày 02-13/09/2024

WHĐ (04/9/2024) - Đức Thánh Cha Phanxicô có chuyến Tông du nước ngoài lần thứ 45 từ ngày 02-13/09/2024 tại Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor, Singapore.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/truc-tiep-chuyen-tong-du-cua-duc-thanh-cha-tai-indonesia-papua-new-guinea-dong-timor-singapore-tu-ngay-02-13092024-41658.html

 

 

8. Diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi gặp chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn ở Indonesia

Vatican News (04/9/2024) – Trong diễn văn đọc tại buổi gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn ở Indonesia, vào ngày 04/9/2024, Đức Thánh Cha đề cập đến khẩu hiệu “Thống nhất trong đa dạng” của quốc gia, mời gọi mọi người tiếp tục thúc đẩy sự hoà hợp nhằm đem lại hoà bình cho tất cả.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dien-van-cua-duc-thanh-cha-phanxico-trong-buoi-gap-chinh-quyen-xa-hoi-dan-su-va-ngoai-giao-doan-o-indonesia-41659.html

 

 

9. "Tôi rất hạnh phúc": Sự phấn khích ở Indonesia trước chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

WGPPD (04/9/2024) - Đức Giáo hoàng sẽ đến thăm Indonesia, nơi phần lớn là người Hồi giáo vào thứ Ba trong phần đầu tiên của chuyến công du cũng sẽ đưa ngài đến Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/toi-rat-hanh-phuc-su-phan-khich-o-indonesia-truoc-chuyen-tham-cua-duc-giao-hoang-phanxico-41661.html

 

 

10. Đức Thánh Cha gặp giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo lý viên Indonesia

Vatican News

Vatican News (04/9/2024) – Đức Thánh Cha bắt đầu chương trình buổi chiều thứ Tư 4/9, với cuộc gặp gỡ các Giám mục, linh mục, phó tế, nam nữ tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên tại Nhà thờ chính toà Jakarta.

Trước khi bắt đầu diễn văn đáp lời, Đức Thánh Cha đã chào chị giáo lý viên Agnes Natalia sau chứng từ của chị, và ngài đã nói về tầm quan trọng của giáo lý viên. Ngài nói rằng trong Giáo hội, giáo lý viên là những người đi trước, rồi đến các sơ, rồi đến linh mục, giám mục. Giáo lý viên là sức mạnh của Giáo hội. Ngài cảm ơn tất cả các giáo lý viên.

Những lời của Đức Thánh Cha

Trong diễn văn đáp lời, trước hết Đức Thánh Cha chào Đức Hồng Y, các Giám mục, các linh mục, các phó tế, các tu sĩ nam nữ, các chủng sinh và giáo lý viên hiện diện. Ngài cũng cảm ơn Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục về những lời chào mừng, và cảm ơn những người đã chia sẻ các chứng từ.

Sau đó, Đức Thánh Cha nhắc lại khẩu hiệu được chọn cho chuyến tông du này là “Đức tin, tình huynh đệ, lòng trắc ẩn”. Ngài nói:

Tôi nghĩ đó là ba nhân đức thể hiện rõ ràng hành trình của anh chị em với tư cách là Giáo hội cũng như bản sắc của anh chị em với tư cách là dân tộc, rất đa dạng về mặt sắc tộc và văn hóa, nhưng đồng thời cũng luôn có sự giằng co tự nhiên hướng tới sự hiệp nhất và chung sống hòa bình, như được thể hiện qua các nguyên tắc truyền thống của Pancasila. Tôi muốn cùng anh chị em suy ngẫm về ba từ này.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-gap-giam-muc-linh-muc-tu-si-giao-ly-vien-indonesia-41663.html

 

 

11. ĐTC Phanxicô: Anh chị em là thành viên quý giá của Giáo hội này

Sau cuộc gặp liên tôn tại đền thờ Hồi giáo, Đức Thánh Cha đến trụ sở mới của Hội đồng Giám mục Indonesia để gặp khoảng một trăm người bệnh, người khuyết tật và người nghèo được nhiều tổ chức bác ái khác nhau hỗ trợ. Ngài gọi họ là “những ngôi sao sáng nhỏ trên bầu trời của quần đảo này”.

Vatican News

Đức Thánh Cha cũng đã chúc mừng Mikail, một thanh niên 18 mắc chứng tự kỉ nhẹ đã được chọn vào đội Đông Jakarta tham dự Thế vận hội bơi lội Paralympic. Ngài cũng mời mọi người vỗ tay vì “tất cả chúng ta đều được kêu gọi cùng nhau trở thành nhà vô địch về tình yêu trong Thế vận hội vĩ đại của cuộc sống”. Và sau đó Đức Thánh Cha chúc mừng sinh nhật một người mẹ lớn tuổi “không đến được, nằm liệt giường mà hôm nay bà tròn 87 tuổi!” và ngài cũng mời một tràng pháo tay chúc mừng bà và chỉ vào chiếc xe lăn ở hàng ghế đầu, nơi có ảnh của người phụ nữ.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-anh-chi-em-la-thanh-vien-quy-gia-cua-giao-hoi-nay-41664.html

 

 

12. Diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi gặp gỡ liên tôn tại Đền thờ Hồi giáo “Istiqlal”

Vatican News (05/9/2024) – Trong diễn văn đọc tại buổi gặp gỡ liên tôn tại Đền thờ Hồi giáo “Istiqlal”, ngày 05/9/2024, Đức Thánh Cha nhắc lại Đền thờ này được thiết kế bởi kiến trúc sư Friedrich Silaban, một Kitô hữu và đã được chọn trong cuộc thi thiết kế. Điều này chứng thực rằng, trong lịch sử của quốc gia và trong nền văn hóa Indonesia, Đền thờ, cũng như những nơi thờ phượng khác, là không gian đối thoại, tôn trọng lẫn nhau và chung sống hài hòa giữa các tôn giáo và tình cảm tâm linh khác nhau.

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tôi rất vui được có mặt ở đây, trong Đền thờ Hồi giáo lớn nhất châu Á, cùng với tất cả anh chị em. Xin chào Đại Imam, cám ơn vì những lời ngài dành cho tôi! Những lời này nhắc nhở chúng ta rằng nơi thờ phượng và cầu nguyện này cũng là “một ngôi nhà lớn cho nhân loại”, nơi mọi người có thể bước vào dành thời gian cho chính mình, nhường chỗ cho niềm khao khát vô hạn mà mỗi người mang trong lòng, để tìm kiếm cuộc gặp gỡ với Thượng Đế và sống niềm vui tình thân hữu với người khác.

Tôi muốn nhắc lại rằng Đền thờ này được thiết kế bởi kiến trúc sư Friedrich Silaban, một Kitô hữu và đã được chọn trong cuộc thi thiết kế. Điều này chứng thực rằng, trong lịch sử của quốc gia này và trong nền văn hóa của anh chị em, Đền thờ, cũng như những nơi thờ phượng khác, là không gian đối thoại, tôn trọng lẫn nhau và chung sống hài hòa giữa các tôn giáo và tình cảm tâm linh khác nhau. Đây là một món quà tuyệt vời mà anh chị em được mời gọi vun trồng mỗi ngày, để kinh nghiệm tôn giáo có thể là một điểm tham chiếu cho một xã hội huynh đệ và hòa bình và không bao giờ là lý do cho sự khép kín hoặc đối đầu.

Về vấn đề này, cần phải nhắc đến việc xây dựng một đường hầm dưới lòng đất – “đường hầm thân hữu” - nối liền Đền thờ Hồi giáo Istiqlal và Nhà thờ Chính toà Đức Mẹ Lên Trời. Đó là một dấu chỉ hùng hồn, cho phép hai nơi thờ phượng lớn này không chỉ “đối diện”, mà còn “kết nối” với nhau. Thực tế, lối đi này cho phép một cuộc gặp gỡ, đối thoại, và khả năng thực sự của việc “khám phá và thông truyền ‘khoa thần bí’ của việc sống chung, hòa nhập, gặp gỡ, [...] để lao mình vào dòng thác này, dòng thác hỗn mang nhưng có thể trở thành một trải nghiệm đích thực về tình huynh đệ, một dòng người thể hiện tình liên đới, một cuộc hành hương thánh” (Tông huấn Evangelii Gaudium, số 87). Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục đi theo con đường này, để tất cả cùng nhau, mỗi người vun đắp linh đạo và thực hành tôn giáo của mình, chúng ta có thể bước đi tìm kiếm Thượng Đế và góp phần xây dựng các xã hội cởi mở, đặt nền tảng trên sự tôn trọng và yêu thương nhau, có khả năng bảo vệ chống lại sự cứng nhắc, thái độ cực đoan, vốn luôn nguy hiểm và không bao giờ có thể biện minh được.

Đầu tiên là luôn nhìn vào chiều sâu, bởi vì chỉ bằng cách này chúng ta mới có thể tìm thấy những gì hợp nhất vượt lên trên sự khác biệt. Thực tế, trong khi phía trên có các không gian của Đền thờ Hồi giáo và Nhà thờ Chính toà, được xác định rõ ràng và thường xuyên lui tới bởi các tín đồ của hai tôn giáo, nhưng dưới lòng đất, dọc theo đường hầm, chính những người đó có thể gặp gỡ và tiếp xúc với thế giới tôn giáo của người khác. Hình ảnh này nhắc nhở chúng ta về một điều quan trọng: các khía cạnh hữu hình của các tôn giáo - nghi lễ, thực hành, v.v. - là một di sản truyền thống phải được bảo vệ và tôn trọng. Tuy nhiên, chúng ta có thể nói rằng những gì ở “bên dưới”, những gì chảy dưới lòng đất, như “đường hầm của tình thân hữu”, là cội rễ chung cho tất cả các nhạy cảm tôn giáo: tìm kiếm cuộc gặp gỡ với Thượng Đế, khao khát sự vô hạn mà Đấng Tối Cao đã đặt trong tâm hồn chúng ta, tìm kiếm một niềm vui lớn hơn và một cuộc sống mạnh mẽ hơn bất kỳ cái chết nào, điều đó làm sinh động hành trình cuộc sống chúng ta và thúc đẩy chúng ta thoát ra khỏi cái tôi của mình để đi ra ngoài gặp gỡ Thượng Đế. Ở đây, chúng ta hãy nhớ điều này: bằng cách nhìn sâu, bằng cách nắm bắt những gì tuôn chảy trong sâu thẳm cuộc sống chúng ta, ước muốn viên mãn ở trong sâu thẳm trái tim chúng ta, chúng ta khám phá ra rằng tất cả chúng ta đều là anh chị em, tất cả đều là những người hành hương, tất cả đều đang trên đường đến với Thượng Đế, vượt lên trên những gì phân biệt chúng ta.

Lời mời thứ hai: chăm sóc các mối liên kết. Đường hầm được xây dựng từ bên này sang bên kia để tạo ra sự liên kết giữa hai nơi khác nhau và cách xa nhau. Đây là những gì lối đi hầm làm được: kết nối, nghĩa là tạo ra một liên kết. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng cuộc gặp gỡ giữa các tôn giáo là vấn đề bằng mọi giá tìm kiếm những điểm chung giữa các giáo lý và tôn giáo khác nhau. Thực tế, có thể xảy ra rằng một cách tiếp cận như vậy cuối cùng chia rẽ chúng ta, bởi vì các giáo lý và giáo điều của mỗi kinh nghiệm tôn giáo khác nhau. Điều thực sự đưa chúng ta đến gần nhau hơn là tạo ra một liên kết giữa những khác biệt, chăm sóc để nuôi dưỡng các mối quan hệ thân hữu, quan tâm, hỗ tương. Đó là những mối quan hệ trong đó mỗi người mở lòng ra với người khác, trong đó chúng ta dấn thân cùng nhau tìm kiếm sự thật, học hỏi từ truyền thống tôn giáo của người kia; để đáp ứng nhu cầu nhân bản và tâm linh. Chúng là những mối dây cho phép chúng ta làm việc cùng nhau, cùng bước đi để theo đuổi một mục tiêu, trong việc bảo vệ phẩm giá con người, trong cuộc chiến chống nghèo đói, trong việc thúc đẩy hòa bình. Sự thống nhất được sinh ra từ mối quan hệ cá nhân của tình thân hữu, tôn trọng, bảo vệ nhau về không gian và ý tưởng của nhau. Mong sao anh chị em luôn quan tâm đến điều này!

Anh chị em thân mến, “thúc đẩy sự hòa hợp tôn giáo vì lợi ích của nhân loại” là nguồn cảm hứng mà chúng ta được mời gọi noi theo và cũng là nguồn cảm hứng cho Tuyên ngôn chung được chuẩn bị cho dịp này. Trong đó, chúng ta đảm nhận trách nhiệm về những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và đôi khi bi thảm đe dọa tương lai nhân loại, đặc biệt là các cuộc chiến tranh và xung đột, không may cũng bị thúc đẩy bởi việc công cụ hoá tôn giáo, nhưng cũng là cuộc khủng hoảng môi trường, vốn đã trở thành một trở ngại cho sự phát triển và chung sống của các dân tộc. Và trước viễn cảnh này, điều quan trọng là các giá trị chung cho tất cả các truyền thống tôn giáo phải được thúc đẩy và củng cố, giúp xã hội “loại bỏ nền văn hóa bạo lực và thờ ơ” (Tuyên bố chung của Istiqlal) và thúc đẩy hòa giải và hòa bình.

Cám ơn anh chị em vì hành trình chung mà anh chị em đang thực hiện. Indonesia là một đất nước tuyệt vời, một bức tranh khảm của các nền văn hóa, các nhóm dân tộc và truyền thống tôn giáo, một sự đa dạng rất phong phú, cũng được phản ánh trong sự đa dạng của hệ sinh thái và môi trường xung quanh. Và nếu anh chị em có mỏ vàng lớn nhất thế giới, anh chị em biết rằng kho báu quý giá nhất là mong muốn rằng sự khác biệt không trở thành lý do cho xung đột mà hòa hợp trong sự hài hòa và tôn trọng nhau. Đừng đánh mất món quà này! Đừng làm nghèo đi kho báu này, trái lại, hãy vun trồng và trên hết truyền lại cho những người trẻ. Mong sao không ai bị khuất phục trước sự quyến rũ của thái độ cực đoan và bạo lực, trái lại xin cho tất cả mọi người được kinh ngạc trước giấc mơ về một xã hội và nhân loại tự do, huynh đệ và hòa bình!

Cám ơn vì nụ cười dễ thương của anh chị em, luôn tỏa sáng trên khuôn mặt và là một dấu hiệu của vẻ đẹp và sự cởi mở bên trong của anh chị em. Xin Thượng Đế ban cho anh chị em món quà này. Với sự giúp đỡ và phúc lành của Người, hãy tiếp tục, Bhinneka Tunggal Ika, thống nhất trong đa dạng. Xin cám ơn!

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dien-van-cua-duc-thanh-cha-phanxico-trong-buoi-gap-go-lien-ton-tai-den-tho-hoi-giao-istiqlal-41667.html

 

 

13. Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ tại Sân vận động Gelora Bung Karno ở Jakarta

Vào lúc 5 giờ chiều thứ Năm ngày 5/9/2024, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh lễ tại Sân vận động Gelora Bung Karno ở Jakarta. Trong bài giảng, Đức Thánh nói rằng cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống hai thái độ nền tảng: lắng nghe Lời Chúa và sống Lời Chúa. Lắng nghe Lời Chúa, Lời cứu độ, Lời hướng dẫn chúng ta tìm ý nghĩa đích thực cho cuộc sống. Nhưng điều quan trọng là phải sống Lời Chúa, để Lời Chúa rơi vào tâm hồn và thay đổi cách suy nghĩ, cảm nhận và hành động của chúng ta.

Sân vận động Gelora Bung Karno là sân vận động lớn nhất Indonesia, cũng như là một trong những sân vận động lớn nhất của Đông Nam Á, với 78.000 chỗ ngồi.

Vào khoảng 4 giờ chiều, Đức Thánh Cha rời Tòa Sứ thần đi xe đến sân vận động cách đó 9 km. Đến nơi, Đức Thánh Cha đi xe mui trần vòng quanh sân Madya A để chào các tín hữu hiện diện tại đó, sau đó ngài tiến vào sân vận động chính Gelora Bung Karno, nơi có khoảng 100.000 tín hữu hiện diện chào đón ngài và tham dự Thánh lễ.

Trong bài giảng, Đức Thánh nói với những người tham dự Thánh lễ: Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống hai thái độ nền tảng, là những điều giúp chúng ta trở thành môn đệ của Người: lắng nghe Lời Chúa và sống Lời Chúa. Lắng nghe Lời Chúa, Lời cứu độ, Lời hướng dẫn chúng ta tìm ý nghĩa đích thực cho cuộc sống. Nhưng điều quan trọng là phải sống Lời đã nhận được, để Lời Chúa rơi vào tâm hồn và thay đổi cách suy nghĩ, cảm nhận và hành động của chúng ta. Ngài khích lệ mọi người hãy can đảm, chấp nhận rủi ro, bất chấp khó khăn, làm việc vì tình huynh đệ và hòa bình dù đôi khi chúng ta không nhìn thấy kết quả.

Từ sự kiện nhiều người đã kéo đến với Chúa Giêsu và “đám đông vây quanh Người để lắng nghe lời Thiên Chúa” (Lc 5,1), Đức Thánh Cha nhận định: "Họ tìm kiếm Người, họ đói khát Lời Chúa và họ nghe Lời ấy vang vọng trong lời của Chúa Giêsu". Cảnh tượng này, theo Đức Thánh Cha, "nói với chúng ta rằng tâm hồn con người luôn luôn tìm kiếm một sự thật có khả năng nuôi sống và thỏa mãn niềm khao khát hạnh phúc của họ. Chúng ta không thể chỉ được thỏa mãn bởi lời nói của con người, bởi những tiêu chuẩn của thế giới này, bởi những phán xét trần thế: Chúng ta luôn cần một ánh sáng từ trên cao chiếu soi bước đi của chúng ta, cần một nguồn nước hằng sống có thể làm dịu đi cơn khát của sa mạc tâm hồn, cần một niềm an ủi không làm thất vọng vì nó đến từ trời cao chứ không phải từ những thứ phù du dưới thế. Giữa sự hỗn loạn và phù phiếm của ngôn từ loài người, cần có Lời Thiên Chúa, Lời duy nhất là kim chỉ nam cho cuộc hành trình của chúng ta, Lời duy nhất có thể dẫn chúng ta quay trở lại ý nghĩa đích thực của cuộc sống giữa biết bao thương tích và lạc hướng".

Đức Thánh Cha nhắc nhở: "Nhiệm vụ đầu tiên của người môn đệ không phải là khoác chiếc áo tôn giáo bề ngoài hoàn hảo, hay là làm những việc phi thường hoặc tham gia vào những công việc to lớn. Ngược lại, bước đầu tiên chính là biết cách lắng nghe Lời duy nhất có thể cứu độ, là Lời của Chúa Giêsu". Do đó, "đời sống đức tin của chúng ta bắt đầu khi chúng ta khiêm nhường chào đón Chúa Giêsu lên con thuyền cuộc đời của chúng ta, dành chỗ cho Người, lắng nghe Lời Người và để mình được Lời Người chất vấn, bị lay động và biến đổi bởi Lời ấy.

Đức Thánh Cha nói tiếp: "Lời Chúa yêu cầu được nhập thể một cách cụ thể trong chúng ta: do đó chúng ta được mời gọi sống Lời Chúa. Như Chúa Giêsu đã thúc giục ông Phêrô dám chấp nhận mạo hiểm khi tin tưởng vào Lời Chúa: “Hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (c. 4), "Lời Chúa không thể mãi chỉ là một ý tưởng trừu tượng đẹp đẽ hay chỉ khơi dậy cảm xúc nhất thời; Lời Chúa đòi chúng ta thay đổi cái nhìn, để tâm hồn chúng ta được biến đổi theo hình ảnh của Chúa Kitô; Lời mời gọi chúng ta can đảm thả lưới Tin Mừng giữa biển cả thế giới, 'chấp nhận mạo hiểm' sống tình yêu thương mà Người đã dạy chúng ta và Người đã sống trước. Với sức mạnh cháy bỏng của Lời Người, Chúa cũng yêu cầu chúng ta ra khơi, tách mình khỏi bờ biển trì trệ của những thói quen xấu, của sợ hãi và sự tầm thường, để dám sống một cuộc sống mới".

Theo Đức Thánh Cha, luôn có những trở ngại và lý do để chúng ta nói không; nhưng chúng ta hãy theo cách của ông Phêrô: dù vừa trải qua một đêm khó khăn, không đánh bắt được gì, mệt mỏi và thất vọng, nhưng thay vì tiếp tục thụ động trong sự trống rỗng đó và bị cản trở bởi thất bại của chính mình, ông nói: "Thưa Thầy, chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì; nhưng vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới” (c. 5).

Do đó, Đức Thánh Cha củng cố các tín hữu: "dù chúng ta phải đối mặt với nhiều công việc trong cuộc sống hàng ngày; đứng trước lời kêu gọi mà tất cả chúng ta đều cảm thấy, là xây dựng một xã hội công bằng hơn, tiến tới con đường hòa bình và đối thoại, điều vốn đã được Indonesia quan tâm từ lâu, đôi khi chúng ta có thể cảm thấy thiếu sót, cảm thấy sức nặng của sự cam kết và dấn thân của chúng ta, những điều không phải lúc nào cũng mang lại kết quả như mong muốn, hoặc những sai lầm của chúng ta, những điều dường như khiến cuộc hành trình bị dừng lại; nhưng với cùng sự khiêm nhường và đức tin như Thánh Phêrô, chúng ta cũng được yêu cầu đừng tiếp tục là tù nhân của những thất bại của mình; thay vì cứ dán mắt vào những tấm lưới trống rỗng, hãy nhìn lên Chúa Giêsu và tin tưởng vào Người. Chúng ta luôn có thể chấp nhận mạo hiểm để ra khơi và thả lưới lần nữa, ngay cả khi chúng ta trải qua một đêm thất bại, khoảng thời gian thất vọng mà chúng ta chẳng bắt được gì".

Đức Thánh Cha nhắc lại lời của Thánh Têrêsa Calcutta, người đã không mệt mỏi chăm sóc những người nghèo nhất và cổ võ hòa bình và đối thoại, đã nói: “Khi chúng ta không có gì để cho đi, chúng ta hãy cho sự không có gì đó. Và hãy nhớ rằng: ngay cả khi bạn không thu hoạch được gì thì cũng đừng bao giờ mệt mỏi gieo hạt”.

Từ lời của Mẹ Têrêsa, Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu, toàn thể Indonesia: "đừng mệt mỏi ra khơi và thả lưới, đừng mệt mỏi tiếp tục mơ ước và xây dựng một nền văn minh hòa bình! Hãy luôn dám ước mơ về tình huynh đệ! Dựa vào Lời Chúa, tôi khuyến khích anh chị em gieo trồng tình yêu, trung thành đi theo con đường đối thoại, tiếp tục thực hành lòng nhân hậu và nhân ái với nụ cười điển hình đặc trưng của anh chị em, hãy trở thành những người xây dựng sự hiệp nhất và hòa bình. Và như vậy anh chị em sẽ lan tỏa hương thơm hi vọng xung quanh mình". Ngài mời gọi: "Anh chị em hãy cùng nhau bước đi vì thiện ích của Giáo hội và xã hội! Hãy là những người xây dựng niềm hi vọng, niềm hi vọng của Tin Mừng, một hy vọng không làm thất vọng (x. Rm 5,5) và mở ra cho chúng ta niềm vui bất tận".

Vào cuối Thánh lễ, Đức Hồng y Suharyo Hardjoatmodio cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha: "Đối với chúng con, cuộc viếng thăm Indonesia của ngài là một bằng chứng về tình yêu của ngài, không chỉ đối với cộng đồng Công giáo địa phương, mà còn đối với đất nước của chúng con. Cuộc hành hương của ngài dài ngày và chắc chắn là mệt mỏi; tuy nhiên, ngài đã đến thăm chúng con và chúc lành cho chúng con cũng như đất nước của chúng con. Chúng con, những người Công giáo, cùng với anh chị em thuộc các tôn giáo khác, hân hoan vì cuộc viếng thăm của ngài".

Tóm tắt thông điệp của Đức Thánh Cha trong cuộc viếng thăm Indonesia trong ba từ chủ đề của cuộc viếng thăm: đức tin, tình huynh đệ, sự cảm thông, Đức Hồng y nhận định: "Dấu hiệu của tình huynh đệ đích thực là một thái độ cảm thương, thể hiện qua sự quan tâm đặc biệt đến những người nhỏ bé, yếu đuối, nghèo khổ, bị gạt ra ngoài lề xã hội, người khuyết tật và trái đất đau khổ, ngôi nhà chung của chúng ta".

Và Đức Hồng y đại diện cho các Kitô hữu Indonesia hứa rằng sẽ tiếp tục phát triển trong đức tin, tình huynh đệ và lòng trắc ẩn, tuân theo những giáo huấn của Giáo hội và sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha, nghĩa là đáp lại lời Thiên Chúa mời gọi phát triển hướng tới sự trọn hảo của tình yêu, sự thánh thiện và sự viên mãn của đời sống Kitô hữu.

Trong khi xin Đức Thánh Cha cầu nguyện và chúc lành cho các tín hữu và đất nước Indonesia, Đức Hồng y Tổng Giám mục Jakarta cũng thưa với Đức Thánh Cha rằng những người Công giáo Indonesia sẽ luôn cầu nguyện cho ngài.

Đức Thánh Cha cám ơn Đức Hồng Y Ignatius, các Giám mục, linh mục và phó tế, các tu sĩ nam nữ và tất cả các thiện nguyện viên. Ngài cũng cám ơn những người già, người bệnh và những người đau khổ đã dâng lời cầu nguyện cho ngài. Ngài bày tỏ lòng biết ơn đối với sự đón tiếp tuyệt vời dành cho ngài và lặp lại lời cám ơn Tổng thống Indonesia, các cơ quan dân sự và lực lượng cảnh sát, và toàn thể người dân Indonesia.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho các tín hữu Indonesia và giúp cho họ lớn lên và kiên trì trong hòa bình và tình yêu thương huynh đệ!

Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha trở về Tòa Sứ thần để dùng bữa tối và nghỉ đêm.

Ngày mai, thứ Sáu ngày 6/9/2024, Đức Thánh Cha sẽ từ giã Jakarta, Indonesia, để bắt đầu cuộc viếng thăm tại Papua New Guinea, với chặng dừng đầu tiên là thủ đô Port Moresby.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-chu-su-thanh-le-tai-san-van-dong-gelora-bung-karno-o-jakarta-41668.html

 

 

14. ĐTC Phanxicô gặp một nhóm các nhà truyền giáo của Baro

Sau khi gặp các tín hữu của giáo phận Vanimo tại khuôn viên trước Nhà thờ Chính toà Thánh Giá, vào lúc 16 giờ 30, Đức Thánh Cha đi xe đến Trường Nhân văn Chúa Ba Ngôi của Baro để gặp một nhóm các nhà truyền giáo.

Vatican News

Trường Nhân văn Chúa Ba Ngôi là một trường Công giáo được điều hành bởi giáo xứ Chúa Ba Ngôi và Dòng Ngôi Lời của giáo phận Vanimo, hiện diện tại đây từ năm 1997. Trường được thành lập vào năm 1964 bởi các nhà truyền giáo Dòng Thương khó Chúa Giêsu của Baro, một ngôi làng nằm cách Vanimo khoảng 6 km. Trung tâm giáo dục Công giáo có 500 học sinh.

Đức Thánh Cha được các nhà truyền giáo chào đón và đi đến hội trường, tham dự một buổi hòa nhạc do các học sinh biểu diễn. Sau đó, Đức Thánh Cha gặp riêng với các nhà truyền giáo.

Sau cuộc gặp gỡ, vào lúc 17 giờ 20, Đức Thánh Cha lên xe ra sân bay Vanimo để trở về Post Moresby. Xe đưa ngài đến Toà Sứ thần Toà Thánh để dùng bữa tối và nghỉ ngơi, kết thúc ngày thứ ba viếng thăm Papua New Guinea.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-gap-mot-nhom-cac-nha-truyen-giao-cua-baro-41674.html

 

 

15. ĐTC Phanxicô gặp gỡ các tín hữu giáo phận Vanimo

Gặp gỡ các tín hữu giáo phận Vanimo của Papua New Guinea chiều Chúa Nhật ngày 8/9/2024, Đức Thánh Cha đề cao hoạt động của các nhà truyền giáo và đề cao vẻ đẹp phong phú của vùng đất này nhưng ngài nhấn mạnh họ còn có vẻ đẹp tuyệt vời hơn, đó chính là tình yêu thương nhau. Do đó ngài mời gọi họ tô điểm đất nước bằng sự hiện diện của một Giáo hội sống hiệp nhất yêu thương.

Hồng Thủy - Vatican News

Đến sân nhà thờ đồng Chính tòa Thánh Giá giữa tiếng reo hò múa hát của hàng chục ngàn tín hữu, Đức Thánh Cha được Đức Cha Francis Meli, Giám mục giáo phận Vanimo tiếp đón.

Đức cha Meli đã bày tỏ niềm vui và tạ ơn Chúa vì được Đức Thánh Cha viếng thăm. Ngài nói rằng “Cuộc viếng thăm hôm nay là một cột mốc quan trọng trong việc nuôi dưỡng hy vọng và sự thống nhất, cũng như tình yêu và sự hòa hợp giữa các nền văn hóa, nhóm dân tộc, bộ lạc, ngôn ngữ và quốc gia”.

Giám mục của Vanimo nhấn mạnh rằng cuộc viếng thăm này “là biểu tượng của hòa bình trong một thế giới bị tàn phá bởi xung đột và chiến tranh, bạo lực, đặc biệt là bạo lực giới, bất bình đẳng, bạo lực liên quan đến ma thuật, biến đổi khí hậu, tội phạm kinh tế, các vấn đề về luật pháp và trật tự, v.v. Chúng con đánh giá cao những nỗ lực của ngài trong việc thúc đẩy hy vọng, sự thống nhất, hòa bình và tình yêu trong khi lên án bạo lực và mọi hành động gây hại cho gia đình nhân loại”.

Theo Đức Cha Meli, lễ phong chân phước cho Chân phước To Rot vào ngày 17 tháng 1 năm 1995, bởi Thánh Gioan Phaolô II, “đã khơi dậy lòng nhiệt thành mới trong các giáo lý viên và nhấn mạnh tầm quan trọng của đời sống gia đình và công cuộc truyền giáo”. Và chứng tá của họ “phản ánh sự tận tụy không ngừng nghỉ của các nhà truyền giáo trong quá khứ và hiện tại. Sự dấn thân của họ là một minh chứng thuyết phục cho sức mạnh của đức tin và những nỗ lực truyền giáo”.

Đức Cha hy vọng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ mang lại lòng nhiệt thành mới cho tất cả những người Công giáo và Kitô hữu ở Vanimo, hiệp nhất họ trong đức tin và sứ vụ. Cuối cùng, Đức Cha bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến Đức Thánh Cha và đảm bảo sẽ cầu nguyện cho ngài.

Các chứng từ

Tiếp đến là phần trình bày chứng từ. Chứng từ đầu tiên của giáo lý viên Steven Alaba. Anh cho biết, các nhà truyền giáo giáo lý viên phục vụ ở những cộng đồng xa xôi, chuẩn bị cho tín hữu nhận lãnh các bí tích và giúp cầu nguyện vào các Chúa Nhật bởi vì nhiều tuần hay hàng tháng mới có linh mục đến các nơi đó. Các giáo lý viên thường rời gia đình đi truyền giáo ở các làng khác và gặp những khó khăn như tiền học cho con cái, nhà ở cho gia đình, vấn đề y tế sức khỏe. Do đó nhiều giáo lý viên đã từ bỏ việc truyền giáo và hiện nay chỉ con 15 người.

Anh Steven xin Đức Thánh Cha cầu nguyện và chúc lành để họ được kiên trì và can đảm trong sứ vụ truyền giáo tại giáo phận Vanimo.

Chứng từ thứ hai đến từ Maria Joseph, 12 tuổi, một thiếu nữ nội trú tại Nhà Đức Mẹ Lujan do các nữ tu điều hành. Maria mồ côi cha mẹ và đến cơ sở nội trú từ năm 2 tuổi, bị khuyết tật chân. Nhờ sự giúp đỡ của các nữ tu em đã được giải phẫu và bây giờ có thể đứng thẳng người. Em chia sẻ rằng các nữ tu là cha mẹ của em, các bạn trong nhà nội trú là chị em của em và tất cả sống như một gia đình thực sự. Em đang được chăm sóc về phần thiêng liêng, vật chất và trí thức. Em có thể chơi đàn violin và sáng tạo trong nghệ thuật. Em mong muốn sẽ trở thành một luật sư.

Chứng từ thứ ba là của Sơ Jaisha Joseph, đại diện cho 6 dòng nữ hoạt động trong giáo phận Vanimo. Sứ vụ của các nữ tu ở đây là dạy giáo lý, thăm viếng các gia đình, huấn luyện người trẻ và trẻ em, chăm sóc trẻ em kém may mắn. Các nữ tu cũng dấn thân trong lĩnh vực giáo dục, y tế, mục vụ nhà tù, bác ái, mục vụ ơn gọi và đôi khi thăm viếng các giáo xứ ở vùng xa trong giáo phận.

Sơ Jaisha nói: “Tại Vanimo, chúng con tìm thấy niềm vui và sự hài lòng khi làm công việc của Chúa như là công cụ của hòa bình và tình yêu”. Sơ hy vọng sự hiện diện của Đức Thánh Cha “chạm đến và thắp sáng trái tim của tất cả chúng con, đặc biệt là những người trẻ. Điều đó chắc chắn sẽ giúp họ chấp nhận thử thách khám phá giá trị của đời sống thánh hiến và sẽ dẫn họ đến với lối sống khiêm nhường này bằng cách tích cực đáp lại tiếng gọi của Chúa”.

Và cuối cùng là chứng từ của một đôi vợ chồng, David và Maria Kulo. Theo Maria, “Bí tích Hôn phối giúp vợ chồng chia sẻ gánh nặng và trách nhiệm của nhau, mang lại niềm vui, tình yêu và sự bình an để sống một cuộc hôn nhân hạnh phúc”.

Còn David cũng chia sẻ: “Thông qua Bí tích Hôn phối, tôi nhận ra rằng vợ chồng được kết hợp với nhau và với Chúa. Chúng tôi chia sẻ thời gian trách nhiệm và thời gian giải trí. Chúng tôi hiểu tầm quan trọng của việc giao tiếp tốt trong hôn nhân, đây là một trong những kỹ năng cơ bản để vượt qua khó khăn. Nó cho phép chúng tôi dành thời gian cho nhau, trân trọng nhau và học cách xin lỗi và cảm ơn vì bất kỳ điều nhỏ nhặt nào chúng tôi làm”.

Diễn văn của Đức Thánh Cha

Trong bài nói chuyện sau đó, Đức Thánh Cha đề cao hoạt động của các nhà truyền giáo và đề cao vẻ đẹp phong phú của vùng đất này nhưng ngài nhấn mạnh họ còn có vẻ đẹp tuyệt vời hơn, đó chính là tình yêu thương nhau. Do đó ngài mời gọi họ tô điểm đất nước bằng sự hiện diện của một Giáo hội sống hiệp nhất yêu thương.

Trước hết Đức Thánh Cha nhắc lại rằng “từ giữa thế kỷ 19, việc truyền giáo ở đây chưa bao giờ dừng lại: các tu sĩ nam nữ, giáo lý viên và các nhà truyền giáo giáo dân đã không ngừng rao giảng Lời Chúa và giúp đỡ anh em mình qua việc chăm sóc mục vụ, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và trong nhiều lĩnh vực khác. Họ đã đối mặt với nhiều khó khăn để trở thành công cụ 'hòa bình và tình yêu' cho mọi người, như Sơ Jaisha Joseph đã chia sẻ với chúng ta”.

“Do đó, các nhà thờ, trường học, bệnh viện và trung tâm truyền giáo xung quanh chúng ta làm chứng rằng Chúa Kitô đã đến để mang lại ơn cứu độ cho tất cả mọi người, để mỗi người có thể phát triển vẻ đẹp của mình vì công ích” (xem Tông huấn Evangelii gaudium, 182).

Ca ngợi vùng đất tráng lệ, phong phú với nhiều loại thực vật và chim chóc, cảnh tượng hùng vĩ của thiên nhiên, Đức Thánh Cha cũng nhắc rằng "Chúa giao phó sự phong phú này cho các anh chị em như một dấu chỉ và một khí cụ, để anh chị em cũng có thể sống như thế, hiệp nhất trong sự hòa hợp với Người và với các anh chị em, tôn trọng ngôi nhà chung của anh chị em và bảo vệ lẫn nhau" (xem Sứ điệp cử hành Ngày Thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc công trình sáng tạo lần thứ 5, ngày 1 tháng 9 năm 2019).

Tuy nhiên, theo Đức Thánh Cha, có một cảnh tượng còn đẹp hơn, đó là "cảnh tượng lớn lên trong chúng ta khi chúng ta yêu thương nhau". Do đó, "sứ mạng của chúng ta chính là phổ biến vẻ đẹp của Tin Mừng Chúa Kitô khắp nơi, thông qua tình yêu Thiên Chúa và anh chị em chúng ta" (xem Evangelii gaudium, 120)!

Đức Thánh Cha đề cao sự ủng hộ của cộng đồng trong việc giúp các nhà truyền giáo có thể thực hiện nhiệm vụ của họ một cách thanh thản, nhất là khi họ phải dung hòa giữa nhu cầu của sứ vụ với trách nhiệm của gia đình, nhưng ngài cũng nói đến một cách thế khác để giúp họ, đó là "mỗi người chúng ta loan báo sứ điệp truyền giáo ở nơi chúng ta sống (xem Công đồng II, Sắc lệnh Ad Gentes, 23): tại nhà, ở trường học, trong môi trường làm việc, để ở khắp mọi nơi, trong rừng, trong làng mạc và trong thành phố, vẻ đẹp của những bức tranh toàn cảnh tương ứng với vẻ đẹp của một cộng đồng trong đó chúng ta yêu thương nhau".

Bằng cách này, theo Đức Thánh Cha, chúng ta sẽ có thể "sửa lại những sự cạnh tranh, vượt qua sự chia rẽ - cá nhân, gia đình và bộ lạc -; xua đuổi sự sợ hãi, mê tín và ma thuật khỏi lòng người; chấm dứt những hành vi phá hoại như bạo lực, bất trung, bóc lột, sử dụng rượu và ma túy: những tệ nạn giam cầm và tước đi hạnh phúc của nhiều anh chị em của chúng ta, ngay cả ở đất nước này".

Từ đó Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu giáo phận Vanimo: "tình yêu mạnh mẽ hơn tất cả những điều này và vẻ đẹp của nó có thể chữa lành thế giới, bởi vì nó có nguồn gốc từ Thiên Chúa (xem Giáo lý, ngày 9 tháng 9 năm 2020). Do đó, chúng ta hãy truyền bá nó và bảo vệ nó, ngay cả khi điều này có thể khiến chúng ta phải trả giá bằng những hiểu lầm và chống đối". Ngài đề cao tấm gương của Chân phước Pietro To Rot - người chồng, người cha, giáo lý viên và vị tử đạo của vùng đất này - đã làm chứng cho chúng ta điều này, bằng lời nói và gương sáng; người đã hiến mạng sống mình để bảo vệ sự hiệp nhất của gia đình trước những người muốn phá hoại nền tảng của nó.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng ngoài vẻ đẹp thiên nhiên được mọi người yêu thích, "Có một điều khác, đẹp đẽ và hấp dẫn hơn, được tìm thấy trong trái tim của anh chị em và thể hiện ở tình bác ái mà anh chị em yêu thương nhau". Ngài khẳng định: "Đây là món quà quý giá nhất mà anh chị em có thể chia sẻ và làm cho mọi người biết đến, khiến Papua New Guinea nổi tiếng không chỉ vì hệ động thực vật đa dạng, vì những bãi biển mê hoặc và làn nước biển trong xanh mà còn và trên hết là vì những con người tốt bụng mà họ gặp ở đó; và cha nói điều này đặc biệt với các con, các trẻ em, với những nụ cười dễ lan tỏa và niềm vui vỡ òa của các con, tỏa sáng khắp mọi hướng. Các con là hình ảnh đẹp nhất mà bất cứ ai rời khỏi đây đều có thể mang theo và lưu giữ trong lòng!"

Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu "hãy ngày càng tô điểm mảnh đất hạnh phúc này bằng sự hiện diện của anh chị em như một Giáo hội yêu thương".

Sau khi Đức Thánh Cha dâng kính Đức Mẹ một bông hồng bằng vàng, Đức Giám mục giáo phận đã đọc kinh thánh hiến cho Đức Mẹ.

Sau khi chúc lành cho cộng đoàn, Đức Thánh Cha đi xe golf vòng quanh sân trước nhà thờ để chào các tín hữu hiện diện.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-gap-go-cac-tin-huu-giao-phan-vanimo-41682.html

 

 

16. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp chính quyền, xã hội dân sự Papua New Guinea và ngoại giao đoàn

Sáng thứ Bảy ngày 7/9/2024, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các cấp chính quyền, xã hội dân sự Papua New Guinea và ngoại giao đoàn tại APEC Haus. Trong bài phát biểu, Đức Thánh Cha ca ngợi sự đa dạng phong phú của dân tộc Papua New Guinea, những người được kêu gọi sống trong hòa thuận và hòa bình, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện.

APEC Haus là trung tâm hội nghị chính của thành phố nằm ở Vịnh Walter, trên một bán đảo tiếp giáp với Bãi biển Ela ở Port Moresby. Trung tâm được xây dựng để tiếp đón các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC (Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 11 năm 2018. Tòa nhà được thiết kế theo cách để sau Hội nghị APEC có thể dễ dàng chuyển đổi thành bảo tàng và một trung tâm triển lãm và hội nghị, dựa trên các yếu tố của truyền thống Motu-Koita, và mái nhà được lấy cảm hứng từ cánh buồm truyền thống motua "lagatoi" (lakatoi), có hình móng vuốt cua, đặc trưng của thuyền hai thân được dùng trong việc buôn bán giữa các đảo của Thái Bình Dương.

Đến Trung tâm APEC Haus, Đức Thánh Cha được Toàn quyền của Papua New Guinea đón tiếp ở lối vào chính, với những vũ điệu truyền thống của người dân. Sau đó ngài đi đến APEC Leaders Foyer và gặpgỡ khoảng 300 người hiện diện tại đó, bao gồm các giới chức chính trị và tôn giáo, ngoại giao đoàn, các doanh nhân, các đại diện xã hội dân sứ và văn hóa.

Trong diễn văn, Đức Thánh Cha ca ngợi sự đa dạng phong phú của người dân Papua New Guinea, những người được kêu gọi sống trong hòa thuận và hòa bình, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện.

Trước hết, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng vui mừng đến thăm Papua New Guinea. Ngài cảm ơn sự chào đón nồng nhiệt của họ và gửi lời chào tới toàn thể người dân cả nước, chúc họ hòa bình và thịnh vượng. Ngài cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Chính quyền vì sự giúp đỡ mà họ dành cho nhiều hoạt động của Giáo hội trên tinh thần cộng tác lẫn nhau vì lợi ích chung.

Và Đức Thánh Cha tiếp tục bài diễn văn như sau:

Sự đa dạng phong phú

Đức Thánh Cha ca ngợi sự phong phú văn hóa nổi bật của Papua New Guinea. Ngài nói: "Ở quê hương của quý vị, một quần đảo với hàng trăm hòn đảo, hơn 800 ngôn ngữ được sử dụng, tương ứng với nhiều nhóm sắc tộc: điều này làm nổi bật sự phong phú văn hóa phi thường; và tôi thú nhận rằng đây là một khía cạnh làm tôi rất yêu thích, ngay cả trên bình diện tâm linh, bởi vì tôi tưởng tượng rằng sự đa dạng to lớn này là một thách đố đối với Thần Khí, Đấng tạo ra sự hài hòa từ những khác biệt!

Tài nguyên được Thiên Chúa dành cho toàn bộ cộng đồng

Tiếp đến, khi nhận định rằng đất nước này rất giàu tài nguyên thiên nhiên, Đức Thánh Cha nói rằng những tài nguyên này được Thiên Chúa dành cho toàn bộ cộng đồng. Do đó, "điều đúng đắn là phải quan tâm đến nhu cầu của người dân địa phương khi phân phối số tiền thu được và việc sử dụng lực lượng lao động, để cải thiện cách hiệu quả điều kiện sống của họ". Ngài lưu ý rằng điều này là một trách nhiệm lớn lao, bởi vì nó đòi hỏi mọi người, các chính phủ cộng tác cùng với người dân, để cổ võ mọi sáng kiến cần thiết để phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người, theo cách mang lại cuộc sống bền vững và công bằng.

Chấm dứt vòng xoáy bạo lực

Đức Thánh Cha mong rằng tình trạng bạo lực giữa các bộ tộc sẽ chấm dứt và ngài kêu gọi ý thức trách nhiệm của mọi người, để chấm dứt vòng xoáy bạo lực, kiên quyết đi theo con đường dẫn đến sự hợp tác hiệu quả, vì lợi ích của toàn thể người dân của quốc gia. Ngài nói: "Bằng cách củng cố thỏa thuận về nền tảng của xã hội dân sự và với việc mọi người sẵn sàng hy sinh một phần quan điểm của mình vì lợi ích của tất cả mọi người, chúng ta có thể sử dụng các nguồn lực cần thiết để cải thiện cơ sở hạ tầng và giải quyết các nhu cầu về sức khỏe và giáo dục của người dân và gia tăng cơ hội có việc làm bền vững".

Cần có niềm hy vọng

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng ngoài của cải cần thiết để sống, con người cần có một niềm hy vọng lớn lao trong tâm hồn, điều giúp họ sống tốt và mang lại cho họ hương vị và lòng can đảm để thực hiện những dự án quy mô lớn và cho phép họ ngước nhìn lên cao và hướng tới những chân trời rộng lớn.

Ngài nói: "Của cải vật chất dồi dào, nếu không có hơi thở của tâm hồn này, thì không đủ để mang lại sự sống cho một xã hội đầy sức sống và thanh thản, cần cù và vui tươi, mà thậm chí, nó còn khiến nó co cụm trong chính mình. Sự khô cằn của trái tim khiến xã hội mất định hướng và quên đi hệ thống giá trị đúng đắn; và như xảy ra ở một số xã hội giàu có, nó tước đi động lực và ngăn cản sự tiến lên của xã hội đến mức xã hội mất hy vọng vào tương lai và không còn tìm được lý do để truyền lại sự sống và đức tin cho các thế hệ tương lai".

Một dân tộc cầu nguyện sẽ có một tương lai

Từ đó Đức Thánh Cha mời gọi hướng tinh thần tới những thực tại cao cả hơn; bởi vì "các hành vi cần được hỗ trợ bởi sức mạnh nội tâm, một sức mạnh bảo vệ chúng khỏi nguy cơ bị hư hỏng và dần mất đi khả năng nhận ra ý nghĩa công việc của mình và thực hiện nó một cách tận tâm và nhất quán".

Ngài nhắc lại Logo và khẩu hiệu của chuyến viếng thăm Papua New Guinea. Khẩu hiệu chỉ với một từ nói lên tất cả: “Cầu nguyện”. Một dân tộc cầu nguyện sẽ có một tương lai, nhận được sức mạnh và niềm hy vọng từ trên cao. Và ngay cả biểu tượng chim thiên đường, trong logo của cuộc viếng thăm, cũng là biểu tượng của tự do: của sự tự do mà không gì và không ai có thể bóp nghẹt được vì nó là sự tự do nội tâm, và được bảo vệ bởi Thiên Chúa, Đấng là tình yêu và muốn con cái của Người cũng được tự do.

Đức tin có thể giúp xã hội phát triển

Đức Thánh Cha hy vọng rằng đức tin của các Kitô hữu "không bao giờ bị thu hẹp vào việc tuân giữ các nghi lễ và giới luật, nhưng hệ tại ở việc yêu mến Chúa Giêsu Kitô và bước theo Người, và đức tin đó có thể trở thành một lối sống văn hóa, truyền cảm hứng cho tâm trí và hành động và trở thành ngọn hải đăng soi đường. Bằng cách này, đức tin cũng sẽ có thể giúp xã hội nói chung phát triển và xác định các giải pháp tốt và hiệu quả cho những thách đố lớn lao của xã hội".

Trong khi đến Papua New Guinea để khuyến khích các tín hữu Công giáo tiếp tục cuộc hành trình của họ và củng cố họ trong việc tuyên xưng đức tin, Đức Thánh Cha khen ngợi các cộng đoàn Kitô giáo vì những công việc bác ái họ thực hiện trong nước và kêu gọi họ luôn tìm kiếm sự cộng tác với các tổ chức công và với tất cả những người thiện chí.

Đức Thánh Cha nhắc đến chứng tá của Chân phước Pietro To Rot, của Chân phước Giovanni Mazzucconi, và cầu mong gương sáng của tất cả các nhà truyền giáo đã loan báo Tin Mừng trên mảnh đất này mang lại cho người Papua New Guinea sức mạnh và niềm hy vọng. Ngài Xin Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Thánh Bổn Mạng của Papua New Guinea, luôn dõi theo và bảo vệ họ khỏi mọi nguy hiểm, bảo vệ các cấp Chính quyền và toàn thể người dân đất nước này.

Papua New Guinea "gần với trái tim của Giáo hội Công giáo"

Cuối cùng, một lần nữa Đức Thánh Cha cảm ơn các cấp chính quyền đã mở cửa chào đón ngài ở đất nước xinh đẹp, "rất xa Roma nhưng lại rất gần với trái tim của Giáo hội Công giáo. Bởi vì trong lòng Giáo hội có tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, Đấng trên Thánh giá đã ôm lấy tất cả mọi người. Tin Mừng của Người dành cho mọi dân tộc, không bị ràng buộc bởi bất kỳ quyền lực trần thế nào, nhưng tự do làm phong phú mọi nền văn hóa và làm cho Vương quốc của Thiên Chúa, Vương quốc công lý, tình yêu và hòa bình, phát triển trên thế giới". Ngài mong ước Vương quốc của Chúa được chào đón hoàn toàn tại vùng đất này, "để tất cả mọi dân tộc của Papua New Guinea, với những truyền thống đa dạng của họ, sống hòa hợp với nhau và cống hiến cho thế giới một dấu hiệu của tình huynh đệ".

Kết thúc cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đi đến một sảnh cạnh đó để chào các Lãnh đạo chính quyền của các nước Thái Bình dương. Cuối cùng, tại lối vào chính, Đức Thánh Cha đã từ giã Toàn quyền Papua New Guinea và trở về Tòa Sứ thần.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-phanxico-gap-chinh-quyen-xa-hoi-dan-su-papua-new-guinea-va-ngoai-giao-doan-41687.html

 

 

17. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên ở Papua New Guinea

Chiều thứ Bảy ngày 07/9/2024, sau khi thăm các trẻ em của “sứ vụ đường phố” và “Callan Services” tại Trường trung học kỹ thuật của Caritas, Đức Thánh Cha đi xe đến Đền thánh Đức Mẹ Phù hộ cách đó khoảng 1,2 km để gặp gỡ các giám mục của Papua New Guinea và của đảo Salomon, các linh mục, phó tế, các tu sĩ nam nữ, các chủng sinh và giáo lý viên.

Đền thánh Đức Mẹ Phù hộ

Đền thánh Đức Mẹ Phù hộ được xây dựng trong 4 năm, do Dòng Salêdiêng tặng, và được làm phép và thánh hiến vào ngày 24/5/2008 bởi Đức Hồng Y Thomas Stafford Williams, nguyên Tổng Giám Mục Wellington ở New Zealand. Hiện diện tại buổi lễ hôm đó có Thủ tướng Michael Somare và Toàn quyền Paulias Matane. Khi bàn giao công trình cho Đức Hồng Y, đại diện Dòng Salêdiêng nói: “Đây là những biểu tượng tình yêu và lòng sùng kính Đức Mẹ của người dân”. Trong nghi thức thánh hiến bàn thờ có đặt thánh tích của thánh Gioan Bosco và Mary D. Mazzarello.

Khi đến nơi, Đức Thánh Cha được chào đón bởi Đức Hồng Y John Ribat, Tổng Giám Mục Port Moresby, Chủ tịch Hội đồng Giám mục, Giám đốc Đền thánh, và hai em bé trong trang phục truyền thống tiến đến tặng hoa cho ngài. Sau đó, Đức Thánh Cha tiến vào cửa chính hôn Thánh giá và rảy nước thánh do cha giám đốc trao.

Sau bài hát, buổi gặp gỡ được bắt đầu bằng lời chào mừng của Chủ tịch Hội đồng Giám mục, tiếp đến là chứng từ của cha Emmanuel, sơ Lorena, ông James, giáo lý viên, và bà Grace đại diện của Thượng Hội đồng Giám mục về hiệp hành.

Diễn văn của Đức Thánh Cha

Trong diễn văn đáp từ, Đức Thánh Cha cám ơn và bày tỏ niềm vui được gặp mọi người trong Đền thánh giáo phận dâng kính Đức Mẹ Phù hộ các tín hữu, một tước hiệu rất được Thánh Gioan Bosco yêu mến.

Ngài nói: “Năm 1844, khi Đức Mẹ truyền cảm hứng cho thánh Gioan Bosco xây một nhà thờ ở Turino để dâng kính Mẹ, Mẹ đã hứa với thánh nhân: ‘Đây là nhà của ta, đây là vinh quang của ta’. Đức Mẹ đã hứa với thánh Gioan Bosco rằng, nếu ngài có can đảm bắt đầu xây Nhà thờ đó, ân sủng lớn lao sẽ đến. Và đã xảy ra như thế: nhà thờ được xây dựng - thật kỳ diệu - và ngôi thánh đường trở thành trung tâm cho phép Tin Mừng toả sáng, đào tạo người trẻ và thực hiện các hoạt động bác ái, một điểm tham chiếu cho nhiều người. Như thế, Đền thánh tuyệt đẹp, nơi chúng ta đang ở đây, được truyền cảm hứng từ câu chuyện đó, cũng có thể là một biểu tượng cho chúng ta về ba khía cạnh trong hành trình Kitô giáo và truyền giáo của chúng ta, như những chứng từ mà chúng ta vừa nghe đã nhấn mạnh: can đảm để bắt đầu, nét đẹp của sự hiện diện và hy vọng phát triển”.

Can đảm để bắt đầu

Đức Thánh Cha lần lượt quảng diễn từng khía cạnh.

Thứ nhất: can đảm để bắt đầu. Những người xây nhà thờ này đã bắt đầu công trình bằng một hành động đức tin lớn lao, mang lại kết quả. Tuy nhiên điều đó chỉ có thể thực hiện được nhờ nhiều khởi đầu can đảm khác của những người đi trước. Các nhà truyền giáo đến đất nước này vào giữa thế kỷ XIX và những bước đầu tiên trong sứ vụ không dễ dàng, một số nỗ lực thực sự đã thất bại. Nhưng các vị đã không bỏ cuộc; với đức tin lớn lao, lòng nhiệt thành tông đồ và nhiều hy sinh, các nhà thừa sai tiếp tục rao giảng Tin Mừng và phục vụ anh chị em, luôn bắt đầu lại nhiều lần khi không thành công.

Theo Đức Thánh Cha, các cửa sổ kính màu trong Đền thánh nhắc nhở chúng ta về điều này. Ánh sáng mặt trời mỉm cười với chúng ta qua khuôn mặt của các Thánh và các vị Chân Phước: mọi người thuộc mọi hoàn cảnh, gắn liền với lịch sử của cộng đoàn. Tất cả, theo những cách thức và thời đại khác nhau, đã bắt đầu các sáng kiến và tạo ra những con đường, chỉ để bắt đầu lại nhiều lần. Họ đã góp phần mang Tin Mừng đến giữa anh chị em, với một sự phong phú đầy màu sắc của các đặc sủng, được sinh động bởi cùng một Thần Khí và cùng một đức ái của Chúa Kitô. Nhờ “những cuộc khởi hành” và “tái khởi hành” của họ, mà chúng ta có mặt ở đây, mặc dù nhiều thách đố, chúng ta vẫn tiếp tục tiến bước, không lo sợ, biết rằng chúng ta không đơn độc: chính Chúa là Đấng hành động trong chúng ta và với chúng ta, làm cho chúng ta, giống như họ, trở thành khí cụ ân sủng của Người.

Và về vấn đề này, dưới ánh sáng của những gì mọi người đã nghe, Đức Thánh Cha nói ngài muốn gửi đến các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo lý viên một hướng đi quan trọng cho “sự khởi hành” của họ: những vùng ngoại vi của đất nước. Đó là những người thuộc những khu vực nghèo nhất của đô thị, cũng như những người sống ở những khu vực xa xôi và bị bỏ rơi, đôi khi bị thiếu những nhu cầu cơ bản. Những người bị gạt ra bên lề xã hội và bị tổn thương, cả về mặt đạo đức lẫn thể lý, bởi thành kiến và mê tín, đôi khi thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng, như James và sơ Lorena đã nói đến.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Giáo hội mong muốn đặc biệt gần gũi với những anh chị em này, bởi vì trong họ Chúa Giêsu hiện diện một cách đặc biệt (Mt 25, 31-40). Và ở đâu có Người, Đầu của chúng ta, hiện diện, ở đó cũng có chúng ta, là các chi thể Người, vì chúng ta thuộc về cùng một thân thể, ‘được kết cấu chặt chẽ nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng’ (Ep 4,16)”.

Nét đẹp của sự hiện diện

Đức Thánh Cha đi đến khía cạnh thứ hai nét đẹp của sự hiện diện. Ngài nói: “Chúng ta có thể thấy điều này được tượng trưng trong những chiếc vỏ sò kina, trang trí cho nhà thờ này và là dấu hiệu của sự thịnh vượng. Chúng nhắc nhở chúng ta rằng đó là kho báu đẹp nhất trước mắt Chúa Cha. Gần bên Chúa Giêsu và dưới áo choàng Mẹ Maria, chúng ta được hiệp nhất thiêng liêng với tất cả anh chị em mà Chúa đã giao phó cho chúng ta và những người không thể hiện diện ở đây, được thắp sáng bởi ước muốn cho cả thế giới biết đến Tin Mừng và chia sẻ với chúng ta sức mạnh và ánh sáng của Tin Mừng”.

Về câu hỏi của James “Làm thế nào để truyền đạt lòng nhiệt thành truyền giáo cho giới trẻ?”. Ngài trả lời cho rằng việc này không liên quan đến “kỹ thuật”. Tuy nhiên, một cách đã được chứng minh là vun trồng và chia sẻ với họ niềm vui của chúng ta khi được ở trong Giáo hội, ngôi nhà chào đón được làm bằng những viên đá sống động, được chọn và quý giá, được Chúa đặt cạnh nhau và được củng cố bằng tình yêu của Người. Như kinh nghiệm của Grace về Thượng Hội đồng đã nhắc nhở, bằng cách quý trọng, tôn trọng lẫn nhau và phục vụ lẫn nhau, chúng ta có thể cho mọi người chúng ta gặp gỡ thấy rằng thật tuyệt vời khi được cùng nhau theo Chúa Giêsu và loan báo Tin Mừng của Người.

Ở điểm này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, nét đẹp của sự hiện diện không được trải nghiệm nhiều trong các sự kiện lớn và những lúc thành công, nhưng đúng hơn là ở lòng trung thành và tình yêu mà chúng ta cố gắng cùng nhau phát triển mỗi ngày.

Niềm hy vọng phát triển

Tiếp tục giải thích về khía cạnh thứ ba niềm hy vọng phát triển, Đức Thánh Cha nói trong Nhà thờ này có một “giáo lý bằng hình ảnh” thú vị về việc vượt qua Biển Đỏ, với các nhân vật Abraham, Isaac và Môsê: các Tổ phụ đã sinh hoa trái nhờ đức tin, những người đã tin tưởng và đã nhận được hồng ân là con cháu đông đảo. Và đây là một dấu hiệu quan trọng, bởi vì cũng khuyến khích chúng ta ngày nay tin tưởng vào hoa trái của việc tông đồ, tiếp tục gieo những hạt giống tốt lành nhỏ bé trên các luống cày của thế giới. Chúng nhỏ bé, như hạt cải, nhưng nếu chúng ta tin tưởng và không ngừng gieo, nhờ ân sủng Chúa, chúng sẽ nảy mầm, mang lại mùa màng bội thu, và sinh ra những cây chim trời có thể làm tổ. Thánh Phaolô nói điều đó khi ngài nhắc nhở chúng ta rằng sự lớn lên của những gì chúng ta gieo không phải là công việc của chúng ta mà là của Chúa, và Mẹ Giáo Hội dạy điều đó khi nhấn mạnh rằng, ngay cả qua những nỗ lực của chúng ta, chính Thiên Chúa “làm đảm bảo rằng vương quốc Người sẽ đến trên mặt đất”. Vì vậy, chúng ta tiếp tục kiên nhẫn rao giảng Tin Mừng, không nản lòng trước những khó khăn và hiểu lầm, ngay cả khi chúng nảy sinh ở những nơi mà chúng ta không muốn gặp: ví dụ trong gia đình, như chúng ta đã nghe.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi tất cả cùng tạ ơn Chúa vì Tin Mừng đã bén rễ và lan rộng ở Papua New Guinea và Quần đảo Solomon, và khích lệ các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo lý viên tiếp tục sứ vụ như những chứng nhân của lòng can đảm, nét đẹp và hy vọng.

Sau buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha trở về Toà Sứ Thần cách đó 4km để nghỉ đêm, kết thúc ngày thứ hai viếng thăm Papua New Guinea.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-phanxico-gap-go-cac-giam-muc-linh-muc-pho-te-tu-si-chung-sinh-va-giao-ly-vien-o-papua-new-guinea-41690.html

 

 

18. ĐTC Phanxicô cử hành Thánh lễ với hơn 600 ngàn tín hữu Đông Timor

Vào chiều thứ Ba ngày 10/9/2024, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ tại Khu vực Taci Tolu cách thủ đô Dili 8 km về phía tây. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói rằng tuổi trẻ của Đông Timor là một món quà canh tân sự tươi mới, năng lượng, niềm vui và lòng nhiệt tình của dân tộc này, và còn là một dấu chỉ, “bởi vì khi dành chỗ cho những kẻ bé mọn, chào đón họ, chăm sóc họ và tất cả chúng ta trở nên nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa và trước mặt nhau, chính là chúng ta mở lòng ra với hành động của Chúa”.

Hồng Thủy - Vatican News

Cách đây 35 năm, vào ngày 12/10/1989, trong cuộc viếng thăm Đông Timor, khi đó còn thuộc Indonesia, Thánh Gioan Phaolô II đã cử hành Thánh lễ tại địa điểm có phong cảnh rất đẹp này. Cũng để kỷ niệm sự kiện này, chính quyền Timor đã cho xây một nhà nguyện và dựng tượng Thánh Gioan Phaolô II cao 6m ở đây. Cơ sở này được khánh thành và làm phép ngày 14/6/2008 bởi Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, khi đó là Sứ thần Tòa Thánh tại Indonesia và Đông Timor.

Từ Tòa Sứ thần, Đức Thánh Cha đến khu vực Taci Tolu cách đó hơn 7 km và được chào đón với một điệu vũ chào đón truyền thống, đặc trưng trong nghi lễ đón tiếp của người Timor.

Sau đó Đức Thánh Cha bắt đầu cử hành Thánh lễ trước sự hiện diện tham dự của khoảng 750 ngàn tín hữu.

Thánh lễ kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria Nữ Vương được cử hành bằng tiếng Bồ Đào Nha và một số ngôn ngữ bản địa.

Bài đọc thứ nhất trích từ sách ngôn sứ Isaia (9,1-6) được đọc bằng tiếng Tetum, một trong những ngôn ngữ chính của Đông Timor, nói đến lời tiên tri về ơn cứu độ được ban cho dân Chúa khi một trẻ thơ đã chào đời để cứu độ họ. Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đavít.

Bài Phúc Âm theo Thánh Luca thuật lại sự kiện thiên thần Gáprien loan báo với Đức Mẹ về việc trở thành Mẹ của Con Thiên Chúa. Tin tưởng rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”, Đức Mẹ đã thưa với thiên thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói rằng tuổi trẻ của Đông Timor là một món quà canh tân sự tươi mới, năng lượng, niềm vui và lòng nhiệt tình của dân tộc này, và còn là một dấu chỉ, “bởi vì khi dành chỗ cho những kẻ bé mọn, chào đón họ, chăm sóc họ và tất cả chúng ta trở nên nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa và trước mặt nhau, đó chính là chúng ta mở lòng ra với hành động của Chúa”. Ngài mời gọi họ đừng sợ mất đi mạng sống, hiến tặng thời gian, nhưng theo gương Mẹ Maria, trở nên ngày càng nhỏ bé hơn bằng cách phục vụ, cầu nguyện, nhường chỗ cho Chúa Giêsu, bằng cách từ bỏ điều gì đó để một người anh em hay chị em có thể cảm thấy tốt hơn và hạnh phúc hơn.

Đức Thánh Cha bắt đầu bài giảng với lời của ngôn sứ Isaia: “Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta” (Is 9,5). Những lời này được nói với cư dân thành Giêrusalem thịnh vượng về vật chất nhưng lại suy đồi nghiêm trọng về mặt đạo đức. Sự giàu sang sung túc lừa dối họ rằng tự họ có thể tự lo cho mình, rằng họ không cần đến Chúa, và sự tự phụ của họ khiến họ trở nên ích kỷ và bất công. Họ bỏ rơi người nghèo, sống không chung thủy và chỉ thực hành tôn giáo bằng hình thức bên ngoài. Vẻ bề ngoài giả dối của một thế giới hoàn hảo khi thoáng nhìn qua đó đã che giấu một thực tế đen tối hơn, buồn bã hơn, khắc nghiệt hơn, tàn khốc hơn, trong đó rất cần sự hoán cải, lòng thương xót và sự chữa lành.

Do đó, ngôn sứ loan báo cho đồng bào của ông một chân trời mới mà Thiên Chúa sẽ mở ra trước mắt họ: một tương lai hy vọng và vui mừng, nơi mà áp bức và chiến tranh sẽ bị xóa bỏ vĩnh viễn (xem Is 9, 1-4). Người sẽ khiến một ánh sáng vĩ đại xuất hiện cho họ (xem câu 1) để giải thoát họ khỏi bóng tối tội lỗi đang đè nặng họ, và Người sẽ làm như vậy không phải bằng sức mạnh quân đội, bằng vũ khí và của cải, nhưng bằng ân sủng của một người con (xem các câu 5-6).

Đức Thánh Cha suy tư về hình ảnh: Thiên Chúa chiếu ánh sáng cứu độ bằng việc ban tặng một người con.

Tận gốc rễ của mọi sự sống đều có tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa

Trước hết, Đức Thánh Cha nhận xét về sự chào đời của một đứa trẻ, khoảnh khắc tươi sáng của niềm vui và lễ hội, gieo vào lòng mọi người những ước muốn tốt đẹp, canh tân điều thiện hảo, trở lại với sự tinh tuyền và đơn sơ. Ngài nói: "Đứng trước một trẻ sơ sinh, ngay cả trái tim cứng cỏi nhất cũng ấm áp và tràn đầy sự dịu dàng, những người chán nản lại tìm thấy hy vọng, những người cam chịu tìm lại được ước mơ và tin tưởng vào cơ hội có cuộc sống tốt đẹp hơn. Sự mong manh của một đứa trẻ mang theo một thông điệp mạnh mẽ đến nỗi nó chạm đến cả những tâm hồn cứng rắn nhất, mang lại những quyết tâm hòa hợp và thanh thản".

Nhưng điều này còn mặc khải cho chúng ta một ánh sáng còn lớn lao hơn nữa, "bởi vì tận gốc rễ của mọi sự sống đều có tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa, có ân sủng, sự quan phòng của Người và quyền năng sáng tạo của Lời Người". Đức Thánh Cha giải thích: "Trong Chúa Kitô, chính Thiên Chúa đã làm người, một hài nhi, để ở gần chúng ta và cứu rỗi chúng ta". Ngài nói: "Vì thế, đứng trước mầu nhiệm này, chúng ta không chỉ ngạc nhiên và cảm động, nhưng còn được mời gọi mở lòng ra đón nhận tình yêu của Chúa Cha và để cho tình yêu ấy uốn nắn chúng ta, để tình yêu đó có thể chữa lành vết thương của chúng ta, hòa giải những bất đồng của chúng ta, tái lập trật tự cho cuộc sống của chúng ta, cho đến khi nó trở thành nền tảng cho đời sống cá nhân và cộng đồng của chúng ta, ở mọi cấp độ".

Trẻ em là dấu chỉ của sự mở lòng ra với Chúa

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha ca ngợi Đông Timor có nhiều trẻ em: anh chị em là một đất nước trẻ trung, nơi mà ở mọi ngóc ngách người ta đều có thể cảm nhận được sự sống đang rung động và nảy sinh. Ngài gọi đó là một món quà tuyệt vời vì sự hiện diện của rất nhiều bạn trẻ và rất nhiều trẻ em không ngừng canh tân sự tươi mới, năng lượng, niềm vui và lòng nhiệt tình của dân tộc. Nhưng hơn thế nữa, Đức Thánh Cha nói, nó còn là một dấu chỉ, "bởi vì khi dành chỗ cho những kẻ bé mọn, chào đón họ, chăm sóc họ và làm cho tất cả chúng ta trở nên nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa và trước mặt nhau, đó chính là những thái độ mở lòng chúng ta ra với hành động của Chúa. Bằng cách làm cho mình trở nên nhỏ bé, chúng ta để cho Đấng Toàn Năng làm những điều vĩ đại nơi chúng ta, theo mức độ tình yêu của Người, như Đức Maria dạy chúng ta trong Kinh Magnificat (xem Lc 1, 46-49)".

Đức Thánh Cha nhắc đến lời thưa xin vâng của Đức Maria. "Mẹ đã chọn sống thân phận nhỏ bé trong suốt cuộc sống, hay đúng hơn là trở nên ngày càng nhỏ bé hơn bằng cách phục vụ, cầu nguyện, nhường chỗ cho Chúa Giêsu, ngay cả khi điều này khiến Mẹ phải trả giá rất nhiều, ngay cả khi Mẹ không hiểu rõ mọi thứ đang diễn ra xung quanh Mẹ".

Đừng sợ trở nên nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa và trước mặt nhau

Từ đó Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu: "chúng ta đừng sợ trở nên nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa và trước mặt nhau, đừng sợ mất đi mạng sống, hiến tặng thời gian, xem xét lại các kế hoạch của mình, bằng cách từ bỏ điều gì đó để một người anh em hay chị em có thể cảm thấy tốt hơn và hạnh phúc hơn. Chúng ta đừng ngại thu hẹp quy mô các dự án của mình khi cần thiết, không phải để giảm bớt chúng, nhưng làm cho chúng trở nên đẹp đẽ hơn thông qua việc hiến thân và chào đón người khác, với tất cả những điều không thể đoán trước được mà việc này đòi hỏi. Bởi vì vương quyền thực sự là vương quyền của những người hiến mạng sống mình vì tình yêu: như Đức Maria và như Chúa Giêsu, Đấng trên thập giá đã cho đi tất cả, trở nên nhỏ bé, không có khả năng tự vệ, yếu đuối (xem Pl 2,5-8), để dành chỗ cho mỗi người chúng ta trong Vương quốc của Chúa Cha (xem Ga 14, 1-3)".

Vương quyền của Thiên Chúa được tạo nên bởi lòng bác ái và thương xót

Đức Thánh Cha cũng nói đến ý nghĩa của hai đồ vật truyền thống của Đông Timor tượng trưng cho vương quyền của Thiên Chúa. Trong khi "Kaibauk, tượng trưng cho sừng của trâu nước và ánh sáng mặt trời, được đội trên trán hay đặt trên nóc nhà, nói lên sức mạnh, năng lượng và sự ấm áp, và có thể tượng trưng cho sức mạnh ban sự sống của Thiên Chúa, thì Belak, được đeo trước ngực, gợi nhớ đến ánh sáng dịu dàng của mặt trăng, nói lên sự bình an, khả năng sinh sản và sự ngọt ngào, và tượng trưng cho sự dịu dàng của người mẹ, người mà bằng những hành động tinh tế của tình yêu làm cho những gì bà chạm vào đều tỏa sáng với cùng một ánh sáng mà bà nhận được từ Thiên Chúa".

Do đó, “Kaibauk và Belak, sức mạnh và sự dịu dàng của Cha Mẹ: đây là cách Chúa thể hiện vương quyền của Người, được tạo nên bởi lòng bác ái và thương xót”.

Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cầu xin cho mỗi người chúng ta, với tư cách là những người nam người nữ, với tư cách là một Giáo hội và một xã hội, "có thể phản ánh trên thế giới ánh sáng mạnh mẽ và dịu dàng của Thiên Chúa tình yêu", Đấng mà như chúng ta đã cầu nguyện trong Thánh Vịnh đáp ca, “Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro, đặt ngồi chung với hàng quyền quý, hàng quyền quý dân Người” (Tv 113,7-8).

Lời cám ơn của Đức Hồng y Tổng Giám mục của Dili

Vào cuối Thánh lễ, Đức Hồng y Virglio do Carmo da Silva, Tổng Giám mục của Dili, đã bày tỏ lời cảm ơn Đức Thánh Cha. Ngài nói với Đức Thánh Cha: “Sự hiện diện hiền phụ của ngài trên mảnh đất hạnh phúc này là dấu chỉ sự gần gũi của Thiên Chúa đối với những người đơn sơ, nghèo khổ, khiêm nhường và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Sự gần gũi, ánh mắt nhân ái, tình yêu và sự quan tâm đối với mảnh đất này, nơi mà hiện nay gần như đã mất hút trong bức tranh toàn cảnh thế giới, cho thấy rằng Đức Thánh Cha là mẫu mực của một nhà lãnh đạo có trái tim của một người cha”. Và để tỏ lòng biết ơn, Giáo hội Đông Timor sẽ luôn nhớ cầu nguyện cho Đức Thánh Cha.

Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha đi xe mui trần vòng quanh khu vực để chào các tín hữu và sau đó trở về Tòa Sứ thần dùng bữa và nghỉ đêm.

Ngày mai, thứ Tư ngày 11/9/2024, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ giới trẻ tại Trung tâm Hội nghị Dili trước khi từ giã Đông Timor để bắt đầu viếng thăm Singapore.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-cu-hanh-thanh-le-voi-hon-600-ngan-tin-huu-dong-timor-41691.html

 

 

19. Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu viếng thăm Đông Timor

Sau khi bay qua 2.578 km, với khoảng 3 tiếng rưỡi bay, vào lúc 2:10 chiều ngày 9/9/2024 giờ Đông Timor, chiếc máy bay B737 của hãng hàng không Niugini của Papua New Guinea chở Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Presidente Nicolau Lobato ở thủ đô Dili của Đông Timor.

Chào đón Đức Thánh Cha tại sân bay có Tổng thống José Manuel Ramos-Horta và Thủ tướng Xanana Gusmão của Đông Timor, cũng như Đức Tổng Giám mục Wojciech Załuski, Sứ thần Tòa Thánh tại Đông Timor. Như thường lệ, hai thiếu nhi trong trang phục truyền thống đã tặng hoa và một khăn choàng cổ truyền thống của Timor cho Đức Thánh Cha.

Trong nghi lễ chào đón chính thức, Đức Thánh Cha cùng Tổng thống và Thủ tướng đi qua hàng quân danh dự và sau đó giới thiệu phái đoàn hai bên. Sau đó Đức Thánh Cha cùng hai vị đi đến Sảnh VIP. 14 người trong trang phục truyền thống, đại diện cho 14 quận của Đông Timor, đứng dọc lối đi chào đón Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha đã hội đàm cùng hai vị lãnh đạo của Đông Timor trong một ít phút trước khi từ giã họ để trở về Tòa Sứ Thần ở thủ đô của Đông Timor, cách đó 6 km.

Trên đường từ sân bay về Tòa Sứ Thần, Đức Thánh Cha đứng trên xe mui trần chào và chúc lành cho đông đảo người dân Đông Timor mặc áo in hình logo của cuộc viếng thăm đứng dọc 2 bên đường chào đón ngài. Bầu khí vui mừng lễ hội tràn ngập thủ đô Dili với những tiếng reo vui của người dân, với những sắc màu rực rỡ của các lá cờ đỏ của Đông Timor cũng như vàng trắng của Vatican được người dân vẫy chào Đức Thánh Cha, và những ngọn dù mang màu cờ Vatican.

Đông Timor là quốc gia có tỷ lệ tín hữu Công giáo cao nhất thế giới, lên tới 95,97%, cụ thể là có 1 triệu 439 ngàn tín hữu Công giáo trong tổng số 1 triệu 499 ngàn người dân Đông Timor. Vào chiều thứ Ba ngày 10/11 Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ tại Cánh đồng Taci Tolu, cách thủ đô Dili hơn 7 km. Dự kiến sẽ có khoảng 700 ngàn tín hữu tham dự Thánh lễ với Đức Thánh Cha.

Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô là cuộc viếng thăm đầu tiên của một Giáo hoàng tại Đông Timor kể từ khi nước này độc lập khỏi Indonesia vào năm 2002. Vào năm 1989 khi Thánh Gioan Phaolô II viếng thăm miền đất này, quốc gia này vẫn còn dưới sự cai trị của Indonesia.

Khẩu hiệu của cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Đông Timor là: “Xin cho đức tin của anh chị em trở thành nền văn hóa của anh chị em". Ở trung tâm của logo của cuộc viếng thăm là hình ảnh Đức Thánh Cha Phanxicô giơ tay ban phép lành. Đằng sau ngài là quả địa cầu, từ đó hiện ra bản đồ của Đông Timor. Trên logo có dòng chữ khẩu hiệu của chuyến viếng thăm: “Xin cho đức tin của anh chị em trở thành nền văn hóa của anh chị em". Đây là lời kêu gọi người dân Đông Timor sống đức tin theo văn hóa và truyền thống của họ”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-phanxico-bat-dau-vieng-tham-dong-timor-41692.html

 

 

20. Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu viếng thăm Singapore

WHĐ (12/9/2024) - Vào khoảng 12g00 trưa thứ Tư, ngày 11 tháng Chín năm 2024, sau bốn giờ bay từ thủ đô Dili, Đông Timor, máy bay Airbus A320 của hãng hàng không Dili chở Đức Thánh cha Phanxicô đã hạ cánh xuống phi trường Changi của Singapore, để Đức Thánh cha thực hiện chặng cuối cùng trong chuyến tông du thứ 45 của ngài tại nước ngoài.

Tại khu vực dành cho các lễ nghi, có bốn em bé đại diện bốn sắc dân khác nhau đã trình diễn một vũ điệu ngắn, rồi tặng hoa cho Đức Thánh cha. Đức Thánh cha đã cám ơn các em và tặng quà cho từng em. Vị Trưởng ban nghi lễ Bộ Ngoại giao Singapore cùng với Đức Tổng giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore, chào kính và mời Đức Thánh cha thăm đất nước. Đức Tổng giám mục Marek cũng là Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa của Singapore, cùng với giáo quyền địa phương do Đức Hồng y William Goh Seng Chye đứng đầu, Đức Tổng giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Tòa Thánh và nhiều chức sắc khác, đã vui mừng chào đón Đức Thánh cha.

Kế đó là phần giới thiệu hai phái đoàn, trước khi Đức Thánh cha ngồi trên xe golf để chào thăm những người chào đón ngài ở sân bay.

Sau đó, Đức Thánh cha di chuyển về Nhà tĩnh tâm thánh Phanxicô Xaviê để gặp gỡ riêng các tu sĩ Dòng Tên tại đây, vào lúc 6 giờ 15 chiều (giờ Singapore).

Được biết, một phái đoàn hơn 500 người của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam cũng đã đến Singapore để chào đón và gặp gỡ Đức Thánh cha. Phái đoàn bao gồm các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân do Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Năng, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam hướng dẫn. Theo lịch trình, ngoài thánh lễ đại trào do Đức Thánh cha chủ sự tại Singapore, phái đoàn Việt Nam cũng có thánh lễ riêng tại nhà thờ chính tòa Singapore và giáo xứ Immaculate Heart để cầu nguyện cho Giáo hội địa phương, cách riêng cầu nguyện cho anh chị em di dân, trong đó có những anh chị em Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Singapore.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-phanxico-bat-dau-vieng-tham-singapore-41696.html

 

 

21. Diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi gặp gỡ các cấp chính quyền, ngoại giao đoàn tại Singapore ngày 12/9/2024

Vatican News (12/9/2024) - Trong bài nói chuyện trước chính quyền dân sự và tôn giáo, các đại diện xã hội dân sự và ngoại giáo đoàn ở Singapore, Đức Thánh Cha ca ngợi sự tăng trưởng, khả năng phục hồi và sự dấn thân của Singapore đối với công lý xã hội, đồng thời cảnh giác trong việc sử dụng công nghệ một cách có đạo đức “để không tự cô lập mình một cách nguy hiểm trong một thực tế hư cấu và không thể nắm bắt được”. Ngài kêu gọi họ tiếp tục nỗ lực hướng tới sự bao gồm, tính bền vững của môi trường và lợi ích chung. Sau đây là toàn văn diễn văn của Đức Thánh Cha.

TÔNG DU CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TẠI INDONESIA, PAPUA NEW GUINEA, ĐÔNG TIMOR, SINGAPORE

02 – 13/09/2024

DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GẶP GỠ CHÍNH QUYỀN, ĐẠI DIỆN XÃ HỘI DÂN SỰ VÀ NGOẠI GIAO ĐOÀN Ở SINGAPORE

Nhà hát của Trung tâm Văn hoá Đại học của “Đại học Quốc gia Singapore”

Thứ Năm, 12 tháng 9 năm 2024

Kính thưa ngài tổng thống,

Kính thưa ngài thủ tướng, các cấp Chính quyền,

các đại diện xã hội dân sự

các Thành viên Ngoại giao đoàn

Tôi cảm ơn ngài Tổng thống vì những lời chào đón nồng hậu mà ngài đã vui lòng dành cho tôi và những lời này nhắc lại lòng biết ơn của tôi về chuyến viếng thăm Vatican gần đây của ngài. Tôi biết ơn tất cả Chính quyền vì sự chào đón thân tình tại thành phố này của quý vị, một ngã tư thương mại có tầm quan trọng hàng đầu và là nơi gặp gỡ giữa các dân tộc khác nhau.

Bất cứ ai đến đây lần đầu tiên đều không thể không bị ấn tượng bởi một rừng những tòa nhà chọc trời cực kỳ hiện đại dường như mọc lên từ biển. Chúng là minh chứng rõ ràng cho tài năng của con người, sự năng động của xã hội Singapore và sự nhạy bén của tinh thần kinh doanh, những điều đã tìm thấy ở đây một mảnh đất màu mỡ để thể hiện.

Câu chuyện của Singapore là câu chuyện về sự tăng trưởng và khả năng phục hồi. Từ xuất phát khiêm tốn, dân tộc này đã đạt đến trình độ phát triển cao, chứng tỏ đó là kết quả của những quyết định hợp lý chứ không phải ngẫu nhiên: đó là kết quả của sự dấn thân không ngừng để hoàn thành các dự án, của các sáng kiến được cân nhắc kỹ lưỡng, phù hợp với các nét đặc thù của nơi này. Những ngày này đánh dấu kỷ niệm 101 năm ngày sinh của Lý Quang Diệu, Thủ tướng đầu tiên của Cộng hòa Singapore, người giữ chức vụ này từ năm 1959 đến năm 1990 và đã tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển và chuyển đổi nhanh chóng của đất nước.

Điều quan trọng nữa là Singapore không chỉ thịnh vượng về kinh tế mà còn nỗ lực xây dựng một xã hội trong đó công bằng xã hội và lợi ích chung được coi trọng. Tôi đặc biệt nghĩ đến sự cống hiến của quý vị trong việc cải thiện điều kiện sống của người dân thông qua các chính sách nhà ở công cộng, giáo dục chất lượng cao và hệ thống chăm sóc sức khỏe hiệu quả. Tôi hy vọng rằng những nỗ lực này sẽ tiếp tục có sự tham gia đầy đủ của tất cả người dân Singapore.

Về vấn đề này, tôi muốn chỉ ra nguy cơ của một chủ nghĩa thực dụng và một sự đề cao công trạng, tức là hậu quả không lường trước được của việc hợp pháp hóa sự loại trừ những người ở bên lề những lợi ích của sự tiến bộ.

Về mặt này, tôi ghi nhận và khen ngợi nhiều chính sách và sáng kiến khác nhau được đưa ra để hỗ trợ những người yếu thế nhất, và tôi hy vọng rằng sự quan tâm đặc biệt sẽ được dành cho người nghèo, người già - những người lao động đã đặt nền móng cho Singapore mà chúng ta biết ngày nay - và bảo vệ phẩm giá của những người lao động nhập cư, những người đóng góp to lớn vào việc xây dựng xã hội và những người phải được đảm bảo mức lương công bằng.

Các công nghệ phức tạp của thời đại kỹ thuật số và sự phát triển nhanh chóng trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo không thể làm cho chúng ta quên rằng điều thiết yếu là phải vun trồng những mối quan hệ thực sự và cụ thể giữa con người với nhau; và rằng những công nghệ này có thể được khai thác một cách chính xác để đưa chúng ta đến gần nhau hơn, thúc đẩy sự hiểu biết và liên đới, chứ không phải để cô lập chúng ta một cách nguy hiểm trong một thực tế hư cấu và không thể nắm bắt được.

Singapore là một bức tranh khảm của các sắc tộc, văn hóa và tôn giáo cùng chung sống hài hòa. Việc đạt được và duy trì sự bao gồm tích cực này được hỗ trợ bởi tính công bằng của các tổ chức công, dấn thân vào cuộc đối thoại mang tính xây dựng với mọi người, giúp mọi người có thể đóng góp công sức riêng cho lợi ích chung và không cho phép chủ nghĩa cực đoan và sự bất bao dung có được sức mạnh và gây nguy hiểm cho hòa bình xã hội. Sự tôn trọng lẫn nhau, hợp tác, đối thoại và quyền tự do bày tỏ niềm tin của mình vào sự trung thành với luật chung là những điều kiện quyết định cho sự thành công và ổn định mà Singapore đạt được, những yêu cầu cho sự phát triển không xung đột và hỗn loạn, nhưng cân bằng và bền vững.

Giáo hội Công giáo ở Singapore, kể từ khi bắt đầu hiện diện, đã cống hiến sự đóng góp độc đáo cho hành trình của quốc gia này, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục và y tế, tận dụng tinh thần hy sinh và cống hiến của các nhà truyền giáo và tín hữu Công giáo. Luôn được Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô hướng dẫn, cộng đồng Công giáo cũng đi đầu trong các công việc bác ái, đóng góp đáng kể vào các nỗ lực nhân đạo và quản lý một số cơ sở y tế và nhiều tổ chức nhân đạo, bao gồm cả Caritas vì mục đích này.

Hơn nữa, Giáo hội - theo những chỉ dẫn của Tuyên bố Nostra aetate của Công đồng Vatican II về quan hệ với các tôn giáo ngoài Kitô giáo - đã không ngừng thúc đẩy đối thoại và hợp tác liên tôn giữa các cộng đồng đức tin khác nhau, với tinh thần cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, nền tảng để xây dựng một xã hội công bằng và hòa bình.

Cuộc viếng thăm này của tôi, với tư cách là Người kế vị Thánh Phêrô, diễn ra 43 năm sau khi quan hệ ngoại giao được thiết lập giữa Tòa thánh và Singapore. Nó nhằm mục đích củng cố đức tin của người Công giáo và khuyến khích họ tiếp tục cộng tác với tất cả những người nam nữ có thiện chí bằng niềm vui và sự cống hiến, nhằm xây dựng một xã hội dân sự lành mạnh và gắn kết, vì lợi ích chung và vì một chứng tá sáng ngời như pha lê về đức tin của chính họ.

Singapore cũng có một vai trò cụ thể trong trật tự quốc tế đang bị đe dọa bởi các cuộc xung đột và chiến tranh đẫm máu, và tôi vui lòng vì nước này đã thúc đẩy một cách xứng đáng chủ nghĩa đa phương và một trật tự dựa trên các quy tắc được tất cả các bên chia sẻ. Tôi khuyến khích quý vị tiếp tục làm việc vì sự liên đới và tình huynh đệ của nhân loại, vì lợi ích chung của mọi dân tộc, mọi quốc gia, với sự hiểu biết không loại trừ hoặc hạn hẹp về lợi ích quốc gia.

Xin cho phép tôi nhắc đến vai trò của gia đình, nơi đầu tiên mà mọi người học cách liên hệ với người khác, để được yêu thương và yêu thương. Trong điều kiện xã hội hiện nay, nền tảng mà gia đình dựa vào đang bị đặt dấu hỏi và có nguy cơ bị suy yếu. Các gia đình phải được đặt vào vị trí để truyền tải những giá trị mang lại ý nghĩa và định hình cho cuộc sống cũng như dạy người trẻ hình thành những mối quan hệ vững chắc và lành mạnh. Do đó, những nỗ lực nhằm cổ vũ, bảo vệ và hỗ trợ sự hiệp nhất của gia đình thông qua hoạt động của nhiều tổ chức khác nhau cần được khen ngợi.

Chúng ta đang sống trong thời đại khủng hoảng môi trường và chúng ta không được đánh giá thấp tác động mà một quốc gia nhỏ như Singapore có thể gây ra đối với nó. Vị trí độc đáo của quý vị cho phép quý vị tiếp cận vốn, công nghệ và tài năng, những nguồn lực có thể thúc đẩy sự đổi mới để chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.

Sự dấn thân của quý vị cho sự phát triển bền vững và bảo vệ thiên nhiên là một tấm gương để noi theo và việc tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để giải quyết các thách thức môi trường có thể khuyến khích các quốc gia khác làm điều tương tự. Singapore là một tấm gương sáng về những gì nhân loại có thể đạt được bằng cách hợp tác hài hòa, có tinh thần trách nhiệm và tinh thần liên đới và tình huynh đệ. Tôi khuyến khích quý vị tiếp tục con đường này, tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa và vào tình phụ tử của Người dành cho tất cả mọi người.

Thưa ngài Tổng thống, thưa quý vị, xin Thiên Chúa giúp quý vị đáp ứng những nhu cầu và mong đợi của dân tộc quý vị, đồng thời giúp quý vị cảm nghiệm rằng, với những người luôn khiêm tốn và biết ơn, Người có thể hoàn thành những điều vĩ đại vì lợi ích của tất cả mọi người.

Xin Chúa chúc lành cho Singapore!

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dien-van-cua-duc-thanh-cha-phanxico-trong-buoi-gap-go-cac-cap-chinh-quyen-ngoai-giao-doan-tai-singapore-ngay-1292024-41699.html

 

 

22. Giới trẻ Công giáo Hàn Quốc hành hương và dâng Thánh lễ với người tị nạn Triều Tiên

Lần đầu tiên Uỷ ban Hoà giải của Tổng Giáo Phận Seoul, Suwon và Uijeongbu, cùng tổ chức cuộc hành hương hoà bình đến khu vực phi quân sự, vùng đất phân chia Bắc Hàn và Nam Hàn, và dâng Thánh lễ để cầu nguyện cho ý chỉ trên.

Vatican News

Tham dự cuộc hành hương “Những làn gió hoà bình”, có khoảng 300 bạn trẻ, phần lớn là Hàn Quốc, nhưng cũng có một số bạn bạn trẻ đến từ Tây Ban Nha, Slovakia, Malaysia và các quốc gia khác. Được hướng dẫn bởi các linh mục và tu sĩ, các bạn trẻ đã sống kinh nghiệm bước đi với tinh thần trở thành “tông đồ hòa bình”.

Đoàn hành hương đã đến thăm Đài quan sát Thống nhất ở Odusan, từ đây mọi người có thể nhìn về phía Bắc qua sông Imjin, phía Nam qua sông Hàn. Những người trẻ cũng nhìn ra Tỉnh Hwanghae ở Triều Tiên, nhận ra thực tế chia cắt. Sau đó, mọi người cùng trải nghiệm trên "Chuyến tàu thống nhất", KTX, nơi có triển lãm và trải nghiệm đa phương tiện, một kiểu "du hành thời gian", giữa quá khứ và tương lai. Sau đó, họ mở rộng sự hiểu biết về hòa bình và hòa giải hai miền bằng cách lắng nghe lời chứng của người tị nạn đã trốn khỏi Triều Tiên 10 năm trước.

Một sáng kiến cầu nguyện cho hòa bình khác là Thánh lễ tạ ơn đặc biệt được cử hành ở Uijeongbu, khu vực biên giới, vào ngày 07/9. Sáng kiến thiêng liêng do ba Giáo phận Seoul, Suwon và Uijeongbu cùng tổ chức có sự tham dự của những người tị nạn đến từ Triều Tiên.

Trong Thánh lễ, cha Ignatius Sooyong Jung, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa giải Seoul, nói về nỗi đau chia cách được cảm nhận sâu sắc bởi những người Bắc Hàn đến Nam Hàn nhưng vẫn còn người thân ở Bắc Hàn. Cha nhắc lại một câu thường được nói khi đề cập đến các anh chị em cùng đức tin đã sống hoặc vẫn sống bên kia biên giới “Chỉ cần các bạn còn nhớ đến họ, họ sẽ sống. Và mong ước của các bạn sẽ thành hiện thực, với điều kiện các bạn cầu nguyện cho họ”.

Cha Jung cho biết, hiện có khoảng 34.000 người tị nạn Triều Tiên ở Hàn Quốc, và hơn 90% trong số họ đã hoà nhập ổn định vào cơ cấu xã hội Hàn Quốc. Nếu trước đây, sự hỗ trợ của Giáo hội chủ yếu cho giai đoạn hoà nhập ban đầu, thì giờ đây sự đồng hành thiêng liêng và mục vụ cho những người tị nạn là rất cần thiết. Thánh lễ với sự tham gia của ba giáo phận là một cơ hội để các tín hữu và những khác cùng nhau cầu nguyện.

Với mong muốn của Đức cố Hồng Y Stephen Sou-hwan Kim, Ủy ban Hòa giải được Tổng Giáo Phận Seoul thiết lập vào ngày 01/3/1995, dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng khỏi Nhật Bản. Hiện nay, dưới dự hướng dẫn của Đức Tổng Giám Mục Peter Soon-Taick Chung, Uỷ ban đảm trách các hoạt động mục vụ liên quan đến hòa bình và hòa giải trên bán đảo Triều Tiên, dựa trên các giá trị nền tảng của cầu nguyện, giáo dục và chia sẻ.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/gioi-tre-cong-giao-han-quoc-hanh-huong-va-dang-thanh-le-voi-nguoi-ti-nan-trieu-tien-41706.html

 

 

23. ĐTC Phanxicô: Những ý định tốt sẽ trở nên vô ích nếu chúng ta không phục vụ nhau cách cụ thể

Gặp gỡ 1500 tham dự viên cuộc hành hương do các giáo sĩ dòng Teatini tổ chức nhân kỷ niệm 500 năm thành lập dòng, Đức Thánh Cha mời gọi các tu sĩ của dòng tiếp tục hành trình canh tân, hiệp thông và phục vụ.

Hồng Thủy - Vatican News

Mở đầu bài diễn văn, Đức Thánh Cha nhắc lại sự kiện cách đây 500 năm, vào ngày 14/9/1524, Thánh Gaetano thành Teatini và các anh em đồng hành đã tuyên khấn trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô cũ, khi đó đã xuống cấp, không còn có thể đáp ứng các yêu cầu của Dân Chúa và cần được xây lại.

Dựa trên hình ảnh Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha chia sẻ với họ về 3 ý tưởng:

Canh tân

Trước hết là canh tân. Đức Thánh Cha nhắc lại rằng công trình tái thiết Đền thờ tiến hành chậm vì thiếu kinh phí, dự án không rõ rằng, nhưng vẫn cần được thực hiện. Hình ảnh này, theo Đức Thánh Cha, "giúp chúng ta suy tư về sự cần thiết, phải trung thành với sứ mạng của mình, can đảm thực hiện những con đường canh tân đổi mới, vẫn dựa trên nền tảng cũ, nhưng đồng thời sẵn sàng phá bỏ những gì không còn cần thiết để xây dựng một điều gì đó mới (xem Lc 5,36-39), ngoan ngoãn vâng theo Chúa Thánh Thần và tin tưởng vào Chúa Quan Phòng".

Hiệp thông

Nói về sự hiệp thông, dựa trên sự cộng tác của nhiều người, các nghệ sĩ nổi tiếng, những thợ thủ công lành nghề và vô số công nhân, nam nữ, tham gia vào những công việc khiêm tốn nhất, đoàn kết trong cùng một nỗ lực, để xây dựng lại Đền thờ Thánh Phêrô sống động, Đức Thánh Cha chia sẻ rằng điều này "cũng là một dấu chỉ quan trọng: trên thực tế, một ngôi nhà chào đón không được xây dựng một mình mà cùng nhau, trong cộng đồng, đánh giá cao sự đóng góp của mọi người (xem 1 Cr 12,7-11)".

Phục vụ

Ý tưởng cuối cùng Đức Thánh Cha chia sẻ là phục vụ. Ngài nói: "Những ý định tốt sẽ trở nên vô ích nếu chúng ta không cụ thể phục vụ lẫn nhau với lòng khiêm tốn, thiện chí và tinh thần hy sinh". Ngài nhắc lại gương của Thánh Geatano với nhiều công việc bác ái, đặc biệt là gương của Chúa Giêsu, Đấng đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống (x. Mc 10:45)".

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-nhung-y-dinh-tot-se-tro-nen-vo-ich-neu-chung-ta-khong-phuc-vu-nhau-cach-cu-the-41707.html

 

 

24. Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự gần gũi với Việt Nam trong bão lũ

Vatican News (15/9/2024) - Sau Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 15/9, Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự gần gũi với Việt Nam và Myanmar đang phải chịu những hậu quả do thiên tai bão lũ.

“Tôi bày tỏ sự gần gũi của tôi với người dân Việt Nam và Myanmar, những người đang hứng chịu trận lũ lụt do mưa bão dữ dội. Tôi cầu nguyện cho những người đã qua đời, những người bị thương và những người phải di dời. Xin Chúa nâng đỡ những người đã mất người thân và nhà cửa, và chúc lành cho những người đang trợ giúp.”

Trước đó, ngày 12/9, khi đang trong chuyến tông du tại Singapore, Đức Thánh Cha cũng đã gởi điện thư, được ký bởi Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Toà Thánh, cũng để bày tỏ sự gần gũi của ngài. Trong điện thư, Đức Thánh Cha Phanxicô hết sức đau buồn trước tin tức về cơn bão Yagi đã gây nên nhiều thiệt hại về nhân mạng và sự tàn phá trên diện rộng tại Việt Nam. “Ngài bày tỏ tình liên đới tinh thần với những người bị thương và với tất cả những người phải gánh chịu hậu quả của thảm họa này”. Đức Thánh Cha phó thác linh hồn của những người đã qua đời cho lòng thương xót yêu thương của Thiên Chúa toàn năng và cầu xin ơn bình an và an ủi của Thiên Chúa cho tất cả mọi người, đặc biệt, cho các nhà lãnh đạo chính quyền dân sự và các nhân viên cứu trợ.

Cuối Kinh Truyền Tin trưa 15/9, Đức Thánh Cha cũng không quên những nơi đang diễn ra chiến tranh đẫm máu trên thế giới, đặc biệt tại Ucraina, Myanmar và Trung Đông. Có biết bao nạn nhân vô tội. Ngài nghĩ đến biết bao bà mẹ đã mất con trong chiến tranh, bao nhiêu sự sống trẻ bị cắt đứt. Ngài nói: Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và tiếp tục gần gũi với tất cả gia đình các con tin. Hãy chấm dứt xung đột ở Palestine và Israel! Hãy chấm dứt bạo lực! Chấm dứt hận thù! Thả các con tin và tiếp tục các cuộc đàm phán và tìm các giải pháp hòa bình!

Cuối cùng, Đức Thánh Cha chúc mọi người một Chúa Nhật tốt lành và xin đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-da-bay-to-su-gan-gui-voi-viet-nam-trong-bao-lu-41713.html

 

 

25. Đức Thánh Cha mời gọi người Công giáo Ý trở thành khí cụ hoà bình

Đức Thánh Cha gửi sứ điệp đến cuộc hành hương quốc gia lần thứ 17 của Giáo hội Ý, mời gọi các tín hữu trở thành khí cụ hoà bình.

Vatican News

Cuộc hành hương Quốc gia các Gia đình vì Gia đình lần thứ 17, diễn ra vào ngày 14/9/2024, được tổ chức bởi phong trào Canh tân trong Thánh Linh, cùng với sự cộng tác của hai Đền thánh Đức Mẹ Loreto và Pompei có chủ đề “Người bảo gì anh chị em hãy làm theo”.

Trong sứ điệp gửi tới Chủ tịch của phong trào Canh tân trong Thánh Linh Giuseppe Contaldo, được ký bởi Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, Đức Thánh Cha khen ngợi sự kiện và gửi lời chào thân ái cũng như sự gần gũi tinh thần của ngài đến tất cả các tham dự viên cuộc hành hương.

Đức Thánh Cha phó thác các gia đình gặp khó khăn, đang ở vùng chiến tranh hoặc đang chịu cảnh đói nghèo trầm trọng, cho cái nhìn yêu thương của Đức Trinh Nữ Maria, ngài hiệp nhất với các tín hữu hành hương cầu xin ơn Chúa Thánh Thần để các gia đình Kitô ở Ý, châu Âu và trên thế giới có thể trở thành khí cụ hoà bình, qua việc làm chứng cho vẻ đẹp của cuộc sống chung.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha còn nói hành hương là thời gian cùng cầu nguyện, có sự tham gia của cha mẹ, con cái và ông bà, để nâng đỡ nhau trong hành trình với sức mạnh của đức tin.

Cùng với Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Tổng Giám Mục Bologna và Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Ý, cũng gửi đến các tín hữu tham gia cuộc hành hương một sứ điệp, trong đó nhắc lại rằng hành hương là một hành trình mang hương vị của dân Chúa, tất cả mọi người - trẻ em, người trẻ, người lớn, người già - đều làm chứng rằng việc theo Chúa Giêsu liên quan đến hết mọi người chứ không chỉ dành riêng cho một số người nào đó.

Đề cập đến chủ đề của sự kiện “Người bảo gì anh chị em hãy làm theo”- lời Đức Mẹ trong Tin Mừng Gioan, có nghĩa là tất cả mọi người - như những người giúp việc ở tiệc cưới Cana đổ đầy nước vào các chum - được mời gọi làm cùng một việc: đơn sơ, khiêm tốn, tin tưởng. Thực vậy, chúng ta được kêu gọi làm phần việc của mình trong cuộc sống hàng ngày, theo cách thức nhỏ bé của chúng ta, để Chúa biến đổi mọi nỗ lực của chúng ta thành rượu ngon.

Hơn nữa, trong thời đại chúng ta bị đánh dấu bởi chiến tranh và bạo lực, chúng ta làm việc để trở thành những người loan báo và xây dựng hòa bình, làm đầy các mối quan hệ của chúng ta bằng hòa bình phát sinh từ việc khám phá ra Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng đang sống và hiện diện.

Đức Hồng Y Zuppi kết luận: “Chúng ta đang ở những thời điểm cuối cùng của năm chuẩn bị Năm Thánh và Đức Thánh Cha đã mời gọi chúng ta đặt lời cầu nguyện làm trung tâm cho quá trình chuẩn bị. Theo nghĩa này, không có người thầy nào tốt hơn Đức Maria để học sự dịu dàng và hy vọng”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-moi-goi-nguoi-cong-giao-y-tro-thanh-khi-cu-hoa-binh-41716.html

 

 

26. Đức Thánh Cha gửi sứ điệp video đến Cuộc gặp gỡ Địa Trung Hải

Ngày 17/9, Đức Thánh Cha gửi sứ điệp video đến Cuộc gặp gỡ Địa Trung Hải, mời gọi mọi người học từ Trái tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria cách trở thành những người hành hương hy vọng và đi theo dấu chỉ của Chúa, để Địa Trung Hải tìm được khuôn mặt đẹp hơn: khuôn mặt của tình huynh đệ và hoà bình.

Vatican News

Sự kiện được tổ chức từ ngày 15 đến 21/9, tại thủ đô Tirana của Albania, với chủ đề, “Những người hành hương hy vọng, những người xây dựng hoà bình”.

Đức Thánh Cha bắt đầu sứ điệp bằng cách nhắc lại cuộc viếng thăm của ngài đến quốc gia này vào năm 2014. Trong dịp đó ngài đã nói với giới trẻ rằng “các con là thế hệ mới của Albania”. Và hôm nay, ngài muốn lặp lại điều này và thêm “Các bạn trẻ của năm bờ Địa Trung Hải thân mến: Các bạn, thế hệ mới, là tương lai của khu vực Địa Trung Hải. Tất cả chúng ta đều là những người hành hương hy vọng, đang bước đi tìm kiếm sự thật và sống đức tin của mình bằng cách xây dựng Hòa bình. Và hòa bình phải được xây dựng... Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người và không phân biệt ai. Tình huynh đệ giữa năm bờ Địa Trung Hải mà các bạn đang xây dựng chính là câu trả lời tốt nhất mà chúng ta có thể đưa ra trước những xung đột và sự dửng dưng gây chết người”.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cùng nhau học cách đọc các dấu chỉ của thời đại, coi sự đa dạng trong các truyền thống là một sự phong phú đến từ Chúa, sự hiệp nhất không phải là đồng nhất. Hãy để cho mình phát triển trong sự tôn trọng nhau, như các tiền nhân đã làm chứng.

Hướng đến những người rốt hết, Đức Thánh Cha khuyên các bạn trẻ đặt tiếng nói của những người không được lắng nghe vào trung tâm. Ngài đặc biệt nghĩ đến những người trẻ phải rời bỏ đất nước để có một tương lai tốt đẹp hơn. Cần phải quân tâm đến từng người bởi vì họ không phải là những con số, nhưng là những con người, những gương mặt có phẩm giá phải được đề cao và bảo vệ.

Đức Thánh Cha kết thúc sứ điệp với lời khích lệ các tham dự viên của Cuộc gặp gỡ Địa Trung Hải duy trì tinh thần phục vụ trong mọi hoàn cảnh, chăm sóc mọi thụ tạo được trao phó, noi gương các vị tử đạo để chống lại bạo lực đang làm biến dạng khuôn mặt nhân loại chúng ta, và cuối cùng biết học từ Trái tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria cách trở thành những người hành hương hy vọng và đi theo dấu chỉ của Chúa, để Địa Trung Hải tìm được khuôn mặt đẹp hơn: khuôn mặt của tình huynh đệ và hoà bình.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-gui-su-diep-video-den-cuoc-gap-go-dia-trung-hai-41721.html

 

 

27. Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 39

Ngày 17/9, Phòng báo chí Toà thánh đã công bố Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 39 với chủ đề: “Những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh (Is 40, 31). Năm nay, ngày Giới trẻ Thế giới sẽ được cử hành theo cấp giáo phận vào Chúa nhật ngày 24/11/2024, lễ Chúa Kitô Vua Vũ trụ. Sau đây là nội dung Sứ điệp của Đức Thánh Cha:

Vatican News

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA CHO NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI LẦN THỨ 39, ngày 24/11/2024

Những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh (Is 40, 31)

Các bạn trẻ thân mến!

Năm ngoái, chúng ta đã bắt đầu bước đi trên con đường hy vọng hướng tới Năm Thánh bằng cách suy tư về những lời của Thánh Phaolô, “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng” (Rm 12,12). Để chuẩn bị cho cuộc hành hương Năm Thánh 2025, năm nay chúng ta có thể lấy cảm hứng từ ngôn sứ Isaia, ngôn sứ nói: “Những người cậy trông Đức Chúa... chạy hoài mà không mệt mỏi” (Is 40, 31). Cách diễn tả này được trích từ sách gọi là Sách An ủi (Is 40-55), loan báo việc chấm dứt cuộc lưu đày của Israel ở Babylon và bắt đầu một giai đoạn mới của hy vọng và tái sinh cho dân Chúa, có thể trở về quê hương nhờ một “con đường” mới trong lịch sử mà Chúa mở ra cho con cái Người (Is 40,3).

Ngày nay, chúng ta cũng đang sống trong thời đại được đánh dấu bởi những tình huống bi thảm tạo ra sự tuyệt vọng và ngăn cản chúng ta nhìn về tương lai với sự thanh thản: thảm kịch chiến tranh, bất công xã hội, bất bình đẳng, đói nghèo và bóc lột con người và thụ tạo. Thường thì những người trả giá cao nhất lại là những người trẻ, những người cảm thấy sự không chắc chắn của tương lai và không biết chắc ước mơ của mình sẽ đi đến đâu. Bằng cách này, các con có thể bị cám dỗ sống mà không có hy vọng, như những tù nhân của sự buồn chán, và thậm chí bị lôi kéo vào những hành vi mạo hiểm và phá hoại (Hy vọng không làm thất vọng, 12).  Vì lý do này, các bạn trẻ thân mến, cha muốn gởi sứ điệp hy vọng đến với các con, như đã xảy ra với Israel ở Babylon. Ngày nay cũng vậy, Chúa đang mở một con đường trước mặt các con, và mời gọi các con lên đường với niềm vui và hy vọng.

1. Hành hương cuộc sống và những thách đố

Ngôn sứ Isaia nói về việc “bước đi không mệt mỏi”. Vậy chúng ta hãy suy ngẫm về hai khía cạnh này: bước đi và mệt mỏi.

Cuộc sống chúng ta là một cuộc hành hương, một hành trình thúc đẩy chúng ta vượt ra khỏi chính mình, một hành trình tìm kiếm hạnh phúc. Đặc biệt, đời sống Kitô hữu là một cuộc lữ hành hướng về Thiên Chúa, ơn cứu độ của chúng ta và sự viên mãn của mọi điều tốt lành. Mục tiêu, thành tựu và thành công của chúng ta trên đường đi, nếu chúng chỉ là vật chất, sau một khoảnh khắc hài lòng ban đầu, sẽ vẫn khiến chúng ta đói, khao khát một cái gì đó lớn hơn. Những điều này không thể làm linh hồn chúng ta mãn nguyện hoàn toàn, bởi vì chúng ta được tạo dựng bởi Đấng vô hạn; và do đó, chúng ta có một mong muốn siêu việt, một động lực liên tục hướng tới việc thực hiện những khát vọng cao hơn, hướng tới sự “lớn hơn”. Đó là lý do tại sao, như cha thường nói với các con, đối với những người trẻ “nhìn cuộc sống từ ban công” là không đủ.

Tuy nhiên, điều bình thường là, trong khi chúng ta bắt đầu cuộc hành trình với sự nhiệt tình, sớm hay muộn chúng ta sẽ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Trong một số trường hợp, sự lo lắng và mệt mỏi bên trong do áp lực xã hội, nhu cầu đạt được mức độ thành công nhất định trong nghiên cứu, công việc và cuộc sống cá nhân của chúng ta. Điều này tạo ra một sự chán nản, trong khi chúng ta sống chạy hết hơi cho một hoạt động trống rỗng khiến chúng ta lấp đầy ngày sống bằng hàng ngàn thứ, và mặc dù vậy, chúng ta có cảm tưởng rằng mình không bao giờ làm đủ và không bao giờ đạt được. Sự mệt mỏi này thường đi với sự chán nản, sự thờ ơ và không hài lòng ảnh hưởng đến những người không bao giờ bước ra, không lựa chọn, không quyết định, không mạo hiểm, thích ở trong vùng thoải mái của riêng mình, khép kín, nhìn và đánh giá thế giới từ phía sau màn hình, không bao giờ dám “bẩn tay” với các vấn đề, với người khác, với chính cuộc sống. Loại mệt mỏi này giống như xi măng ướt và đôi chân chúng ta ở trong đó; cuối cùng nó cứng lại, đè nặng, làm tê liệt chúng ta và ngăn cản chúng ta tiến về phía trước. Cha thích sự mệt mỏi của những người đang đi trên đường, chứ không phải là sự chán nản của những người đứng yên mà không muốn di chuyển!

Giải pháp cho sự mệt mỏi, nghịch lý, là không đứng yên và nghỉ ngơi. Nhưng đúng hơn là lên đường và trở thành những người hành hương hy vọng. Lời mời gọi của cha dành cho các con là: hãy bước đi trong hy vọng! Hy vọng vượt qua mọi mệt mỏi, mọi khủng hoảng và mọi lo lắng. Hy vọng cho chúng ta một động lực mạnh mẽ để tiến bước, vì đó là một ân ban từ Chúa. Chúa lấp đầy thời gian chúng ta bằng ý nghĩa, chiếu sáng trên con đường chúng ta và chỉ cho chúng ta phương hướng và mục tiêu cuối cùng của cuộc sống. Thánh Tông Đồ Phaolô sử dụng hình ảnh của một vận động viên trong cuộc đua trên thao trường để nhận phần thưởng chiến thắng (1Cr 9,24). Những người trong các con đã tham gia vào một cuộc thi thể thao - không chỉ với tư cách là khán giả nhưng còn là vận động viên - biết rõ cần sức mạnh bên trong để về đích. Hy vọng chính là một sức mạnh mới mà Thiên Chúa thấm nhuần trong chúng ta, giúp chúng ta kiên trì trong cuộc đua, nhìn xa hơn những khó khăn hiện tại và tiến tới mục tiêu hiệp thông với Người và sự viên mãn của đời sống vĩnh cửu. Nếu có một mục tiêu đẹp, nếu cuộc sống không hướng về hư vô, thì những nỗ lực tiếp tục bước đi, vượt qua những trở ngại và mệt mỏi, là đáng giá bởi vì phần thưởng cuối cùng thật tuyệt vời!

2. Những người hành hương trong sa mạc

Trong hành hương cuộc sống, chắc chắn sẽ có những thách đố phải đối diện. Thời xưa, trong các cuộc hành hương dài người ta phải đối phó với sự thay đổi các mùa và khí hậu, băng qua những đồng cỏ dễ chịu và những khu rừng mát mẻ, nhưng cũng có những ngọn núi phủ tuyết và sa mạc khô cằn. Do đó, ngay cả những người tin, hành hương cuộc sống và hành trình đến mục tiêu cuối cùng của chúng ta vẫn còn mệt mỏi, như hành trình qua sa mạc đến Đất Hứa dành cho dân Israel.

Điều như thế cũng xảy ra với tất cả các con, những người đã lãnh nhận hồng ân đức tin, có những lúc hạnh phúc khi cảm nhận được sự hiện diện và gần gũi của Thiên Chúa, nhưng cũng có những khoảnh khắc trải nghiệm sa mạc. Có thể xảy ra là sự nhiệt tình ban đầu của chúng ta trong việc học hoặc công việc, hay theo Chúa Kitô - cho dù trong hôn nhân, đời sống linh mục hay thánh hiến - được theo sau bởi những lúc khủng hoảng, khiến cuộc sống dường như là một chuyến đi khó khăn trong sa mạc. Tuy nhiên, những thời điểm khủng hoảng đó không lãng phí hay vô ích: chúng có thể trở thành thời điểm tăng trưởng quan trọng. Đó là những khoảnh khắc niềm hy vọng được thanh tẩy! Trong các cuộc khủng hoảng, nhiều “hy vọng” giả tạo, hy vọng quá nhỏ bé đối với trái tim chúng ta bị phơi trần, và chúng ta cảm thấy mình đơn độc khi đối diện với những câu hỏi căn bản của cuộc sống, vượt ra ngoài mọi ảo tưởng. Và trong những lúc đó, mỗi người chúng ta có thể tự hỏi: loại hy vọng nào tôi đặt trong cuộc sống? Chúng là hy vọng thực sự hay chỉ là ảo tưởng?

Vào những lúc đó, Chúa không bỏ rơi chúng ta. Như một người cha, Người đến gần bên và luôn ban cho chúng ta bánh tăng sức và giúp chúng ta tiếp tục hành trình. Chúng ta hãy nhớ rằng đối với dân trong sa mạc, Người đã ban manna (Xh 16) và cho ngôn sứ Elia, mệt mỏi và chán nản, Người đã hai lần cho bánh và nước, để ngôn sứ có thể đi “bốn mươi ngày bốn mươi đêm đến Khô-rép, là núi của Thiên Chúa” (1V 19, 3-8). Trong những câu chuyện Kinh Thánh đó, đức tin của Giáo Hội đã thấy trước hồng ân quý giá của Thánh Thể, manna đích thực, lương thực thực sự cho hành trình, mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để nâng đỡ chúng ta trên hành trình. Như Chân phước Carlo Acutis đã nói, Thánh Thể là đường cao tốc lên thiên đàng. Một người trẻ đã làm cho Thánh Thể trở thành cuộc hẹn quan trọng nhất hàng ngày của mình! Bằng cách này, trong sự hiệp nhất với Chúa, chúng ta có thể bước đi mà không mệt mỏi, vì Người đang bước đi bên cạnh chúng ta (Mt 28, 20). Tôi mời tất cả các bạn hãy tái khám phá hồng ân tuyệt vời của Thánh Thể!

Trong những giây phút mệt mỏi không thể tránh khỏi trong cuộc lữ hành của chúng ta trong thế giới này, chúng ta hãy học cách nghỉ ngơi như Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu. Người khuyên các môn đệ nghỉ ngơi sau khi họ trở về từ sứ vụ (Mc 6, 31); Người nhận ra nhu cầu nghỉ ngơi thân xác của các con, thời gian cho giải trí, tận hưởng tình bạn, chơi thể thao và ngủ. Tuy nhiên, có một sự nghỉ ngơi sâu sắc hơn, sự nghỉ ngơi của linh hồn, mà nhiều người tìm kiếm và ít người tìm thấy, vì chỉ được tìm thấy trong Chúa Kitô. Các con biết rằng tất cả những mệt mỏi nội tâm của các con có thể tìm thấy sự nghỉ ngơi trong Chúa, Đấng nói với các con: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28). Khi sự mệt mỏi của hành trình đè nặng các con, hãy trở về với Chúa Giêsu, học cách nghỉ ngơi trong Người và ở với Người, vì “những ai trông cậy vào Chúa... bước đi không mệt mỏi” (Is 40, 31).

3. Từ khách du lịch đến khách hành hương

Các bạn trẻ thân mến, cha mời gọi các con hãy bắt đầu cuộc hành trình, để khám phá cuộc sống trên con đường tình yêu, và tìm kiếm dung nhan Thiên Chúa. Lời khuyên của cha dành cho các con là: đừng lên đường như những khách du lịch đơn thuần, nhưng hãy là những người hành hương thực sự. Đừng giống như những người ngắm cảnh hời hợt, không nắm bắt vẻ đẹp xung quanh các con, không khám phá ý nghĩa của những con đường đi qua, chỉ quan tâm đến một vài khoảnh khắc thoáng qua để chụp ảnh tự sướng. Khách du lịch làm điều này. Trái lại, những người hành hương đắm mình hoàn toàn vào những nơi họ gặp gỡ, những nơi làm họ lên tiếng, và biến họ thành một phần trong cuộc tìm kiếm hạnh phúc. Hành hương Năm Thánh có ý nghĩa là dấu chỉ bên ngoài của một hành trình hướng nội mà tất cả chúng ta được mời gọi thực hiện hướng tới đích đến cuối cùng của chúng ta.

Với những thái độ này, tất cả chúng ta hãy chuẩn bị cho Năm Thánh. Cha hy vọng nhiều người trong các con sẽ có thể đến Roma trong cuộc hành hương để đi qua Cửa Thánh. Trong mọi trường hợp, mọi người cũng có thể thực hiện cuộc hành hương này trong Giáo hội địa phương của mình, bằng cách đến viếng các nhà thờ và đền thánh, nơi bảo tồn đức tin và lòng sùng kính của dân thánh và trung thành của Thiên Chúa. Cha hy vọng cuộc hành hương Năm Thánh này sẽ trở thành cho mỗi người chúng ta “một khoảnh khắc gặp gỡ đích thực và cá nhân với Chúa Giêsu, là Cửa ơn cứu độ” (Hy vọng không làm thất vọng 1). Cha khuyến khích các con sống điều này với ba thái độ cơ bản. Trước hết, tạ ơn, với trái tim rộng mở để ngợi khen Thiên Chúa vì nhiều hồng ân của Người, đặc biệt là hồng ân sự sống. Sau đó, một tinh thần tìm kiếm, như một biểu hiện của cơn khát không thể dập tắt của trái tim chúng ta để gặp gỡ Chúa. Và cuối cùng, sám hối, giúp chúng ta nhìn vào bên trong, nhìn nhận những con đường và những lựa chọn sai lầm mà đôi khi chúng ta đã thực hiện và, bằng cách này, để được hoán cải về với Chúa và ánh sáng Tin Mừng của Người.

4. Những người hành hương hy vọng cho sứ vụ

Cha để lại cho các con một hình ảnh gợi nhớ hơn để hướng dẫn hành trình của các con. Những người đến kính viếng Đền thờ Thánh Phêrô ở Roma băng qua quảng trường lớn được bao quanh bởi hàng cột được xây dựng bởi kiến trúc sư và điêu khắc gia nổi tiếng Gian Lorenzo Bernini. Toàn bộ hàng cột xuất hiện như hai vòng tay rộng mở, một hình ảnh của Giáo hội, mẹ chúng ta, ôm lấy tất cả con cái. Trong Năm Thánh Hy Vọng sắp tới, cha mời gọi tất cả các con cảm nghiệm cái ôm đầy lòng thương xót của Thiên Chúa chúng ta, để cảm nghiệm sự tha thứ của Người và sự tha thứ cho tất cả “những món nợ nội tâm” của chúng ta, như trong truyền thống Kinh Thánh của Năm Thánh. Bằng cách này, được Thiên Chúa đón nhận và tái sinh trong Người, các con cũng có thể mở rộng vòng tay để ôm lấy nhiều bạn bè, những người cần cảm nhận tình yêu Chúa Cha qua sự chào đón của các con. Mong sao mỗi người trong các con có thể trao ban “một nụ cười, một cử chỉ ấm áp của tình bạn, một cái nhìn tử tế, một đôi tai sẵn sàng, một hành động tốt, vì biết rằng, trong Thần Khí Chúa Giêsu, những hạt giống này có thể trở thành, đối với những người đón nhận chúng, những hạt giống hy vọng phong phú”, và do đó trở thành những nhà truyền giáo không mệt mỏi của niềm vui.

Khi bước đi, chúng ta hãy ngước nhìn, với con mắt đức tin, hướng về các thánh đã đi trước chúng ta trên hành trình, những người đã đạt được mục tiêu và bây giờ khuyến khích chúng ta bằng chứng tá của họ: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện”. (2Tm 4,7-8). Mẫu gương của rất nhiều vị thánh, nam và nữ, thúc đẩy và nâng đỡ chúng ta.

Hãy can đảm! Tất cả các con đều có một vị trí đặc biệt trong trái tim cha. Cha phó thác hành trình của các con cho Đức Trinh Nữ Maria, để theo gương của Mẹ, các con có thể kiên nhẫn và tin tưởng tiến về phía trước để hoàn thành tất cả những hy vọng của các con, ngay cả bây giờ, khi các con kiên trì trong hành trình của mình như những người hành hương của hy vọng và tình yêu.

Roma, Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, 29/8/2024,

Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết

Phanxicô

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/su-diep-cua-duc-thanh-cha-cho-ngay-gioi-tre-the-gioi-lan-thu-39-41724.html

 

 

28. Đức Thánh Cha tiếp các thành viên Trung tâm Giáo dục Đại học Laudato si'

Sáng ngày 19/9, Đức Thánh Cha tiếp các thành viên của Trung tâm Giáo dục Đại học Laudato si'. Ngài khen ngợi Trung tâm đã giúp tạo việc làm cho nhiều người, phục hồi tương quan tốt đẹp và hiệu quả giữa gia đình nhân loại và thụ tạo, thể hiện rõ nguyên tắc sinh thái toàn diện trong Thông điệp Laudato si' và Tông huấn Laudate Deum.

Vatican News

Trong buổi tiếp kiến, trước hết, Đức Thánh Cha cám ơn cha Baggio và các cộng tác viên của Trung tâm Giáo dục Đại học Laudato si' vì sự dấn thân cho dự án mới. Trong dịp này, ngài nhắc lại việc thành lập Trung tâm. Theo đó, để hoán cải sinh thái trở thành thực tế, Đức Thánh Cha đã nghĩ đến việc tạo ra một mô hình được gọi là Borgo Laudato si', liên kết với dinh thự Castel Gandolfo tạo ra “phòng thực nghiệm” cho việc thử nghiệm các nội dung đào tạo.

Để đạt được mục tiêu này, vào đầu năm 2023, Đức Thánh Cha đã thành lập Trung tâm Giáo dục Đại học Laudato si’, hoạt động cho việc đào tạo con người toàn diện trong phạm vi kinh tế bền vững và theo các nguyên tắc của Thông điệp Laudato si'. Trong những tháng sau đó, Trung tâm Giáo dục Đại học bắt đầu làm việc để phát triển dự án “Borgo”. Được hỗ trợ bởi các chuyên gia, Trung tâm đã phác hoạ ba hướng dẫn chính của dự án: giáo dục hòa nhập trong sinh thái toàn diện, nền kinh tế tuần hoàn, tạo sinh và bền vững môi trường.

Đức Thánh Cha khen ngợi sự phát triển của một vườn nho mới để sản xuất rượu trong dự án nông nghiệp của Borgo. Theo ngài, đó là một sự tổng hợp của truyền thống và đổi mới, một “thương hiệu” của Borgo. Ngài nói: “Tôi đặc biệt hài lòng về hoạt động trồng trọt và sản xuất nông nghiệp - đặc biệt vườn nho - dự kiến sẽ cần một lượng lớn nhân công. Điều này đáp lại ý định được thoả thuận ngay từ đầu là dấn thân phục hồi các mối quan hệ tốt đẹp và hiệu quả giữa gia đình nhân loại và thụ tạo, qua công việc chăm sóc và bảo vệ những gì được Đấng Tạo Hóa ủy thác cho chúng ta”.

Với tất cả những điều trên, một lần nữa Đức Thánh Cha gửi lời cảm đến tất cả các thành viên của Trung tâm. Ngài nói: “Tôi tin chắc rằng hoa trái của sự cộng tác này sẽ đại diện tốt cho những nguyên tắc sinh thái toàn diện mà tôi muốn nhấn mạnh trong Thông điệp Laudato si' và trong Tông huấn Laudate Deum”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-tiep-cac-thanh-vien-trung-tam-giao-duc-dai-hoc-laudato-si-41728.html

 

 

29. ĐTC Phanxicô viết cho các Hồng y: mục tiêu không thâm hụt, giảm chi phí và tránh chi phí thừa thãi

Trong thư gửi các Hồng y được ký ngày 16/9/2024 và được công bố ngày 20/9/2024, Đức Thánh Cha mời gọi các Hồng y nỗ lực hơn nữa để thực hiện cuộc cải cách kinh tế của Tòa Thánh. Ngài nhắc lại mục tiêu "không thâm hụt" tài chính là có thể đạt được và kêu gọi thực hiện “việc quản lý minh bạch và có trách nhiệm để phục vụ Giáo hội”, "tránh những điều thừa thãi".

Vatican News

Đức Thánh Cha nhấn mạnh nhu cầu tiếp tục cải cách kinh tế, và nói rằng việc cải cách này, điều mà nhiều thành viên Hồng y đoàn thúc đẩy trong quá khứ, cũng đã “có tầm nhìn xa”. Việc cải cách giúp chúng ta “có được nhận thức rõ ràng hơn về thực tế rằng các nguồn lực kinh tế cho việc phục vụ sứ mạng bị giới hạn và phải được quản lý một cách chặt chẽ và nghiêm túc để nỗ lực của những người đã đóng góp cho di sản của Tòa thánh không bị lãng phí”.

Mức thâm hụt bằng zero

Vì những lý do này, Đức Thánh Cha chỉ ra “trách nhiệm” trong thời gian này là “nỗ lực hơn nữa từ phía mọi người để ‘mức thâm hụt bằng 0’ không chỉ là mục tiêu lý thuyết mà còn là một mục tiêu thực sự có thể đạt được”.

Tìm kiếm các nguồn lực

“Điều này đi kèm với nhu cầu mỗi tổ chức phải làm việc để tìm kiếm các nguồn lực bên ngoài cho sứ mạng của mình, tự coi mình là mẫu mực về việc quản lý minh bạch và có trách nhiệm để phục vụ Giáo hội”.

Giảm chi phí

Kêu gọi những thực hành cụ thể để giảm chi phí, Đức Thánh Cha mời gọi Giáo triều thực hiện với tinh thần thiết yếu, tránh những điều thừa thãi và lựa chọn tốt các ưu tiên của mình, khuyến khích sự hợp tác lẫn nhau và sự hiệp lực". "Chúng ta phải ý thức rằng ngày nay chúng ta phải đối mặt với những quyết định chiến lược phải được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao cả, bởi vì chúng ta được mời gọi bảo đảm tương lai của Sứ vụ.

Liên đới giữa các cơ quan tổ chức

Đức Thánh Cha cũng kêu gọi các cơ quan tổ chức có thu nhập thặng dư nên góp phần bù đắp khoản thâm hụt chung, theo mẫu mực của các gia đình tốt, những người có hoàn cảnh kinh tế tốt sẽ giúp đỡ những thành viên cần giúp đỡ nhất.

Cuối thư, Đức Thánh Cha mời các Hồng y ủng hộ các cuộc cải cách đang diễn ra bằng “lòng can đảm, tinh thần phục vụ và sự quảng đại”. Ngài khuyến khích họ đóng góp xây dựng cho quá trình này bằng cách chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình, đồng thời nhấn mạnh rằng công việc của mỗi tổ chức là một phần của một tổng thể lớn hơn, thống nhất trong sứ mạng chung là phục vụ Giáo hội.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-viet-cho-cac-hong-y-muc-tieu-khong-tham-hut-giam-chi-phi-va-tranh-chi-phi-thua-thai-41747.html

 

 

30. ĐTC Phanxicô: các nghệ sĩ hãy chuyển trao niềm vui của Chúa Giáng Sinh

Trong diễn văn trao cho các tham dự viên cuộc thi “Christmas Contest 2024”, Đức Thánh Cha nói rằng “cần có tài năng của người trẻ, cần có sự sáng tạo, không phải được thúc đẩy bởi thần tượng tiền bạc và thành công nhưng bởi niềm đam mê cái đẹp, tình huynh đệ, bởi Chúa Giêsu, Đấng cứu độ và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta”.

Hồng Thủy - Vatican News

“Christmas Contest” là cuộc thi do tổ chức thuộc Tòa Thánh Gravissimum Educationis tổ chức, nhằm làm phong phú thêm truyền thống âm nhạc và các bài hát mừng Giáng sinh, thông qua khả năng sáng tạo của các bạn trẻ, mời họ sáng tác những bài hát chưa phát hành lấy cảm hứng từ Giáng sinh và các giá trị của lễ này: cuộc sống, tình yêu, hòa bình, ánh sáng.

Cuộc thi bao gồm 3 hạng mục: văn bản - âm nhạc - diễn giải. Những bài hát hay nhất sẽ được biểu diễn trong buổi hòa nhạc Giáng sinh lần thứ 32, trong đó sẽ có các nghệ sĩ quốc tế tham gia.

Do bị cảm nhẹ và để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm Luxemburg và Bỉ từ ngày 26 đến ngày 29/9/2024, Đức Thánh Cha đã hủy các cuộc tiếp kiến được lên chương trình trong ngày 23/9/2024 và trao các bài diễn văn của ngài cho các nhóm.

Lễ Giáng Sinh - cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ

Trong diễn văn, Đức Thánh Cha nhắc các ca sĩ và nhạc sĩ trẻ dấn thân cổ võ các giá trị của Lễ Giáng Sinh rằng “Sự Nhập Thể của Chúa Giêsu Kitô, Đấng mang lại hòa bình đích thực cho thế giới - và ngày nay chúng ta cần nó biết bao! - đã truyền cảm hứng cho vô số nghệ sĩ thuộc mọi ngôn ngữ và văn hóa trong nhiều thế kỷ, những người đã theo đuổi con đường tình huynh đệ trên khắp thế giới”.

Thể hiện mầu nhiệm Tình yêu Nhập thể bằng âm nhạc

Đức Thánh Cha nhận định rằng các tham dự viên cuộc thi đi theo hành trình này, được thúc đẩy bởi tình yêu của Thiên Chúa làm người, họ cảm nhận được sự hấp dẫn của mầu nhiệm Tình yêu Nhập thể và thể hiện nó bằng ca hát và âm nhạc. Theo ngài, họ cũng hát lên niềm hy vọng cho những người bạn đồng trang lứa đã mất hy vọng vì nhiều lý do: nghèo đói, bệnh tật, chiến tranh, di cư bắt buộc, các vấn đề trong gia đình, ở trường, với bạn bè. Và có lẽ một số bạn trẻ này sẽ cảm động trước chứng tá của các ca sĩ và nghệ sĩ trẻ!

Đức Thánh Cha nhận định rằng cần có tài năng của người trẻ, cần có sự sáng tạo của họ, không phải được thúc đẩy bởi thần tượng tiền bạc và thành công nhưng bởi Chúa Giêsu, Đấng cứu độ và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. (CSR_4031_2024)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-cac-nghe-si-hay-chuyen-trao-niem-vui-cua-chua-giang-sinh-41749.html

 

 

31. Họp báo về chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Luxembourg và Bỉ

Tại buổi họp báo sáng thứ Hai, ngày 23/9, về chuyến tông du đến Luxembourg và Bỉ của Đức Thánh Cha, từ ngày 26 đến 29/9/2024, ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết đây là một cuộc viếng thăm đến trung tâm của châu Âu, và các chủ đề chính được Đức Thánh Cha đề cập trong chuyến tông du liên quan đến hoà bình, di cư, văn hoá, giáo dục và thế tục hoá.

Vatican News

Ông Bruni nhắc lại rằng Luxembourg và Bỉ là hai quốc gia ở ngã tư lịch sử châu Âu, quan trọng không chỉ về mặt lịch sử mà còn có ý nghĩa chính trị. Qua hai quốc gia này người ta có thể hiểu những giai đoạn khác nhau của lịch sử toàn lục địa. Do đó, trọng tâm chuyến tông du của Đức Thánh Cha là suy tư về lịch sử và vai trò mà châu Âu có thể đảm nhận trên thế giới trong tương lai gần, một chủ đề đã được Đức Thánh Cha đề cập đến trong chuyến tông du Strasbourg năm 2014 và trong bài phát biểu trao Giải thưởng Charlemagne danh giá năm 2016.

Dưới cái nhìn này, nội dung các bài phát biểu của Đức Thánh Cha sẽ tập trung vào các vấn đề thời sự như chủ đề đón tiếp, vốn cần một cái nhìn vượt ra ngoài biên giới và tình liên đới giữa các quốc gia. Hơn nữa, chủ đề hoà bình sẽ được đặt lên hàng đầu, như một một ơn gọi phát sinh từ lịch sử châu Âu và ở ngay trung tâm châu Âu, đồng thời gợi nhớ đến những vùng đất đã làm việc vất vả vì hòa bình sau chiến tranh, trong một thời điểm trong đó thế giới có nguy cơ bị kéo vào xung đột một lần nữa.

Giám đốc Phòng báo chí Toà Thánh nói thêm, sự kiện nổi bật của chuyến tông du của Đức Thánh Cha là sự kiện đại học Công giáo Leuven kỷ niệm 600 năm ngày thành lập.

Tiếp đến, theo ông Bruni, những vấn đề cấp bách nhất của châu lục là vấn đề tục hóa, một thách đố đối với đời sống và chứng tá Kitô giáo ở một nơi mà Kitô giáo hiện ít được biết đến hơn so với quá khứ, và nơi mà nhận thức về sự suy thoái đang thống trị.

Link nội dung đầy đủ: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2024-09/tong-du-dtc-bi-luxembourg.html

 

 

32. Đức Thánh Cha gửi sứ điệp đến Hội nghị Quốc tế về Hoà bình ở Paris

Đức Thánh Cha gửi sứ điệp đến Hội nghị Quốc tế về Hoà bình tại Paris, từ ngày 22 đến 24/9, do Cộng đoàn Thánh Egidio tổ chức, nhấn mạnh trách nhiệm của các tôn giáo đối với hoà bình, bởi vì “Thiên Chúa đặt trong tay chúng ta ước mơ của Người cho thế giới: tình huynh đệ giữa tất cả các dân tộc”.

Vatican News

Trong sứ điệp, trước hết Đức Thánh Cha gửi lời chào đến tất cả các đại diện tôn giáo và xã hội đang quy tụ tại thủ đô của Pháp cho Hội nghị về Hoà bình, đồng thời cảm ơn Cộng đoàn thánh Egidio vì sự say mê và sáng tạo để giữ cho tinh thần Assisi luôn sống động.

Ngài nhắc lại từ năm 1986 - cuộc gặp gỡ hoà bình lần đầu tiên được tổ chức – đến nay đã 38 năm, nhiều sự kiện đã tác động đến thế giới: sự sụp đổ Bức tường Berlin, khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba, sự lan rộng của các hệ tư tưởng chính thống và sự bùng nổ các cuộc xung đột, thách đố do biến đổi khí hậu, sự ra đời của các công nghệ mới, và đại dịch ảnh hưởng đến nhân loại.

Đức Thánh Cha nhận xét, với thực trạng thế giới như vậy, hàng năm các tôn giáo vẫn tiếp tục thực hiện cuộc hành hương đến các thành phố châu Âu và trên toàn thế giới để giữ cho tinh thần Assisi luôn sống động. Ngài mong muốn cuộc gặp gỡ năm nay khích lệ những người tin tái khám phá ơn gọi của mình để nuôi dưỡng tình huynh đệ giữa các dân tộc trong thời đại chúng ta.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Nhiệm vụ cấp bách của các tôn giáo là nuôi dưỡng tầm nhìn về hòa bình, như quý vị đang thể hiện trong những ngày này tại Paris. Là những người đến từ các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, quý vị đã trải nghiệm sức mạnh và vẻ đẹp của tình huynh đệ phổ quát. Đây chính là tầm nhìn mà thế giới chúng ta cần ngày nay”.

Ở điểm này, ngài khuyến khích các tín đồ của các tôn giáo kiên trì nỗ lực trở thành những nghệ nhân của hòa bình. Bởi vì, theo ngài, nếu những người khác tiếp tục gây chiến, các tôn giáo có thể cùng nhau làm việc vì hòa bình. Cần phải hình dung ra hoà bình, tiếp tục dệt nên những mối dây huynh đệ và để cho bản thân được hướng dẫn bởi nguồn cảm hứng thánh thiêng hiện diện trong mọi tôn giáo.

Đức Thánh Cha viết tiếp: “Chúng ta cần những cơ hội như vậy để thảo luận và cùng nhau hành động cho công ích và hỗ trợ người nghèo. Trong một thế giới có nguy cơ bị phân mảnh bởi các cuộc xung đột và chiến tranh, nỗ lực của các tín đồ là vô giá trong việc duy trì tầm nhìn về hòa bình và thúc đẩy tình huynh đệ và hòa bình giữa các dân tộc ở khắp mọi nơi”.

Đức Thánh Cha kết thúc sứ điệp, một lần nữa nhấn mạnh đến trách nhiệm của các tôn giáo đối với hoà bình. Hoà bình được đặt trong tay các tín đồ vì thế cần sự khôn ngoan, táo bạo, quảng đại và quyết tâm của mọi người. Ngài khẳng định: “Thiên Chúa đặt trong tay chúng ta ước mơ của Người cho thế giới: tình huynh đệ giữa tất cả các dân tộc”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-gui-su-diep-den-hoi-nghi-quoc-te-ve-hoa-binh-o-paris-41756.html

 

 

33. Đức Thánh Cha bắt đầu chuyến tông du đến Luxembourg và Bỉ

Sáng thứ Năm 26/9, chưa đầy 2 tuần sau chuyến tông du nước ngoài thứ 45 đến Châu Á và châu Đại Dương, Đức Thánh Cha đã bắt đầu chuyến tông du thứ 46 đến Luxembourg và Vương quốc Bỉ.

Vatican News

Lúc 7:30 sáng, từ nhà Thánh Marta, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ một nhóm người vô gia cư trước khi khởi hành ra sân bay Fiumicino cách Vatican 29km.

Chiếc A321 của hãng ITA Airways cùng đoàn tùy tùng và 64 nhà báo trên máy bay đã cất cánh tại sân bay Fiumicino của Roma lúc 8h29. Sau một tiếng rưỡi bay, máy bay đã đáp xuống Sân bay Quốc tế Luxembourg-Findel lúc gần 10 giờ sáng. Đức Thánh Cha Phanxicô đã được Đại công tước Luxembourg Enrico chào đón và tham dự buổi chào đón chính thức tại sân bay, với quốc ca của Vatican và Công quốc Luxembourg, sau đó là phần giới thiệu đoàn tuỳ tùng của hai phía. Trước khi rời sân bay, Đức Thánh Cha chào và có một vài trao đổi với khoảng một trăm bạn trẻ có mặt tại buổi chào đón.

Cuộc gặp gỡ với người vô gia cư

Phòng Báo chí Toà Thánh đã thông báo, trước khi ra sân bay, ĐTC Phanxicô muốn, như thông lệ từ lâu, gặp gỡ tại Nhà Thánh Marta một nhóm khoảng 10 người vô gia cư, gồm những “phụ nữ và đàn ông, những người vào ban đêm tìm nơi trú ẩn dưới hàng cột của Quảng trường Thánh Phêrô hoặc trên các đường phố xung quanh”, họ được đồng hành bởi Đức Hồng Y Konrad Krajewski, Bộ trưởng bộ Bác ái.

Chương trình nghị sự trong ngày

Khi đến Luxembourg, vào buổi sáng, Đức Thánh Cha có các cuộc gặp với Đại công tước, Thủ tướng và các cơ quan dân sự và ngoại giao, trong khi vào buổi chiều, ngài sẽ đến Nhà thờ Đức Bà để gặp gỡ cộng đoàn Công giáo địa phương. Khoảng 6 giờ chiều, Đức Thánh Cha và đoàn tuỳ tùng khởi hành để đến thăm Vương quốc Bỉ đến Chủ nhật ngày 29/9.

Điện thư gửi tổng thống Ý

Như thông lệ, Đức Thánh Cha gởi điện thư mỗi khi bay qua một đất nước. Ngài đã gửi một bức điện thư tới Tổng thống Cộng hòa Ý Sergio Mattarella với những lời cầu nguyện “cho sự tốt lành và thịnh vượng của toàn thể người dân Ý” và nói rằng ngài muốn gặp gỡ người dân Luxembourg và Bỉ, từ sự thúc đẩy bởi “khao khát sống động được gặp những anh chị em của chúng ta trong đức tin và những người dân của các quốc gia thân yêu đó, mang đến thông điệp hòa bình và hy vọng”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-bat-dau-chuyen-tong-du-den-luxembourg-va-bi-41759.html

 

 

34. Diễn văn của Đức Thánh Cha tại buổi gặp chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn Luxembourg

Trong buổi gặp chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn Luxembourg, Đức Thánh Cha tập trung vào những điểm: Thay thế chống đối bằng sự hợp tác, sẽ có kỷ nguyên hòa bình mới; Kiên nhẫn xây dựng các thể chế và luật pháp khôn ngoan là điều quan trọng của một đất nước; Phát triển xác thực và toàn diện bao gồm cả chăm sóc thụ tạo và tình huynh đệ; và Tin Mừng là nguồn sống và là sức mạnh luôn tươi mới của sự đổi mới cá nhân và xã hội

Vatican News

Kính thưa Hoàng thân,

Kính thưa Ngài Thủ tướng

các Đại diện Xã hội Dân sự

các Thành viên Ngoại giao đoàn,

Thưa quý bà quý ông

Tôi rất vui được thực hiện cuộc viếng thăm này tới Đại công quốc Luxembourg; chân thành cảm ơn Hoàng thân và Thủ tướng vì sự chào đón nồng nhiệt mà quý vị đã dành cho tôi.

Do vị trí địa lý đặc biệt, nằm trên biên giới của các khu vực ngôn ngữ và văn hóa khác nhau, Luxembourg thường nằm ở ngã tư của các sự kiện lịch sử quan trọng nhất của châu Âu. Hai lần, trong nửa đầu thế kỷ trước, quốc gia đã phải chịu sự xâm lược và tước đoạt tự do và độc lập.

Từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, đất nước quý vị đã được huấn luyện từ lịch sử của mình, nổi bật trong sự dấn thân xây dựng một châu Âu thống nhất và liên đới, trong đó mỗi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều có vai trò riêng của mình, bỏ lại phía sau sự chia rẽ, xung đột và chiến tranh gây ra bởi chủ nghĩa dân tộc và các hệ tư tưởng nguy hiểm. Hệ tư tưởng luôn là kẻ thù của dân chủ.

Cũng phải thừa nhận rằng khi lý luận đối đầu và chống đối bạo lực chiếm ưu thế, các khu vực ở biên giới giữa các cường quốc xung đột cuối cùng sẽ bị liên luỵ rất nhiều trái với ý muốn của họ. Tuy nhiên, khi cuối cùng họ tái khám phá những con đường khôn ngoan và thay thế sự chống đối bằng sự hợp tác, thì chính những nơi này lại trở thành nơi thích hợp nhất để chỉ ra, không chỉ mang tính biểu tượng, sự cần thiết về một kỷ nguyên hòa bình mới và những con đường phải đi theo.

Luxembourg cũng không ngoại lệ với nguyên tắc này, là thành viên sáng lập của Liên minh châu Âu và các Cộng đồng trước đó, nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức châu Âu, bao gồm Tòa án Công lý Liên minh, Tòa án Kiểm toán và Ngân hàng Đầu tư. Và điều này luôn được thực hiện với hòa bình, chúng ta đừng quên rằng chiến tranh luôn là một thất bại. Hòa bình - Luxembourg có lịch sử kiến tạo hòa bình - là cần thiết. Thật đáng buồn khi ngày nay ở một quốc gia châu Âu, các khoản đầu tư mang lại thu nhập cao nhất là các nhà máy vũ khí. Thật đáng buồn.

Hơn nữa, cơ cấu dân chủ vững chắc của đất nước quý vị, vốn đặt trọng tâm vào nhân phẩm và bảo vệ các quyền tự do cơ bản, là tiền đề không thể thiếu cho một vai trò quan trọng như vậy trong bối cảnh lục địa. Thực vậy, không phải việc mở rộng lãnh thổ hoặc số lượng dân cư làm nên điều kiện tất yếu để một quốc gia đóng vai trò quan trọng trên bình diện quốc tế hoặc để trở thành một trung ương thần kinh ở cấp độ kinh tế và tài chính. Trái lại, đó là việc kiên nhẫn xây dựng các thể chế và luật pháp khôn ngoan, bằng cách điều chỉnh cuộc sống của công dân theo tiêu chí công bằng và tôn trọng pháp quyền, đặt con người và công ích vào trung tâm, ngăn ngừa và chống lại những nguy hiểm phân biệt đối xử và loại trừ. Luxembourg là một đất nước của những cánh cửa rộng mở, có một chứng tá đẹp về sự không phân biệt đối xử và không loại trừ.

Về vấn đề này, những lời của Thánh Gioan Phaolô II trong chuyến viếng thăm Luxembourg năm 1985 vẫn còn phù hợp. Ngài nói: “Đất nước của quý vị, ở ngã tư quan trọng của các nền văn minh, vẫn trung thành với ơn gọi của mình là trở thành một nơi trao đổi và sự hợp tác năng động giữa các quốc gia với số lượng ngày càng tăng. Tôi tha thiết hy vọng rằng mong muốn liên đới này sẽ ngày càng hiệp nhất các cộng đồng quốc gia và mở rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt những quốc gia nghèo nhất”. Khi làm cho những khẳng định này thành của riêng mình, tôi đặc biệt nhắc lại lời kêu gọi thiết lập các mối quan hệ liên đới giữa các dân tộc, để mọi người có thể trở thành những người tham gia và là những người nắm giữ vai chính trong một dự án phát triển toàn diện có tổ chức.

Học thuyết xã hội của Giáo hội chỉ ra những đặc điểm của sự tiến bộ như vậy và những cách thức để đạt được nó. Về phần mình, tôi đã đi theo con đường của huấn quyền này bằng cách đào sâu vào hai chủ đề lớn: chăm sóc thụ tạo và tình huynh đệ. Thực vậy, để sự phát triển trở nên xác thực và toàn diện, chúng ta không được cướp phá và làm suy thoái ngôi nhà chung của chúng ta, đồng thời không được bỏ rơi các dân tộc hoặc các nhóm xã hội bên lề. Chúng ta đừng quên rằng sự giàu có là một trách nhiệm. Do đó, tôi yêu cầu luôn chú ý, đừng bỏ bê những quốc gia thiệt thòi nhất, nhưng giúp họ phục hồi khỏi tình trạng nghèo đói. Đây là cách quan trọng để đảm bảo giảm số người bị buộc phải di cư, thường trong điều kiện vô nhân đạo và nguy hiểm. Với lịch sử và vị trí địa lý đặc biệt, với gần nửa dân số đến từ các vùng khác của châu Âu và thế giới, Luxembourg có thể là một sự trợ giúp và mẫu gương trong việc chỉ ra con đường phải theo để chào đón và hội nhập những người di cư và người tị nạn.

Thật không may, chúng ta đang chứng kiến sự tái xuất hiện, ngay cả trên lục địa châu Âu, những rạn nứt và thù địch, thay vì được giải quyết trên cơ sở thiện chí chung, các cuộc đàm phán và nỗ lực ngoại giao, lại dẫn đến những hành động thù địch công khai, đưa đến sự huỷ diệt và cái chết. Dường như trái tim con người không phải lúc nào cũng biết cách gìn giữ ký ức của mình nhưng thỉnh thoảng lại lạc lối và quay trở lại con đường bi thảm của chiến tranh. Để chữa lành hội chứng nguy hiểm, khiến các quốc gia bị bệnh nặng và có nguy cơ đẩy họ vào những cuộc mạo hiểm với cái giá phải trả to lớn về nhân mạng, và những cuộc thảm sát vô ích, chúng ta cần phải hướng tầm nhìn lên trên. Điều cần thiết là cuộc sống hàng ngày của người dân và những người lãnh đạo phải được thúc đẩy bởi những giá trị tinh thần cao cả và sâu sắc. Điều này sẽ ngăn chặn sự điên rồ của lý trí và sự vô trách nhiệm quay lại mắc những sai lầm tương tự trong quá khứ, và ngày càng trở nên trầm trọng hơn bởi sức mạnh kỹ thuật lớn hơn mà con người ngày nay đang sở hữu. Và Luxembourg là trung tâm của khả năng kết bạn và tránh những con đường này. Đó là một trong những ơn gọi của quý vị.

Với tư cách là Người kế vị Thánh Phêrô, nhân danh Giáo hội, chuyên gia về nhân loại, tôi cũng được sai đến đây để làm chứng rằng Tin Mừng là nguồn sống và là sức mạnh luôn tươi mới của sự đổi mới cá nhân và xã hội. Chỉ có Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô mới có khả năng biến đổi sâu sắc tâm hồn con người, khiến tâm hồn có khả năng làm điều thiện ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, dập tắt hận thù và hòa giải các bên xung đột. Ước gì mọi người, trong sự tự do hoàn toàn, biết đến Tin Mừng của Chúa Giêsu, Đấng đã hòa giải Thiên Chúa và con người trong Ngôi Vị Thiên Chúa và là Đấng, nhờ biết những gì ở trong trái tim con người, có thể chữa lành những vết thương của nó.

Thưa Hoàng thân, thưa quý bà và quý ông,

Luxembourg có thể cho mọi người thấy những lợi thế của hòa bình so với nỗi kinh hoàng của chiến tranh, của sự hội nhập và thúc đẩy người di cư so với sự phân biệt đối xử - và về điều này, tôi cám ơn quý vị vì tinh thần chào đón những người di cư và cũng cho họ một sự hòa nhập vào xã hội của quý vị, điều này làm phong phú thêm - lợi ích của sự hợp tác giữa các quốc gia trước những hậu quả tai hại của việc củng cố vị trí và theo đuổi ích kỷ và thiển cận hoặc thậm chí bạo lực vì lợi ích riêng của họ. Và cho phép tôi thêm một điều. Tôi đã thấy tỷ lệ sinh. Xin vui lòng hãy có nhiều trẻ em hơn! Đó là tương lai, tôi không nói nhiều trẻ em hơn và ít chó con hơn - tôi nói điều này ở Ý.

Thật vậy, những người có thẩm quyền cần phải kiên trì và kiên nhẫn tham gia vào các cuộc đàm phán trung thực để giải quyết xung đột, với thiện chí tìm ra những thỏa hiệp danh dự, không làm tổn hại điều gì và thay vào đó có thể xây dựng an ninh và hoà bình cho tất cả.

“Pour servir”, “Để phục vụ”: với khẩu hiệu này, tôi đã đến giữa quý vị. Khẩu hiệu đề cập trực tiếp đến sứ vụ của Giáo hội, đã được Chúa Kitô, Thiên Chúa đã trở thành tôi tớ, sai đến thế gian như Chúa Cha đã sai Người. Nhưng cho phép tôi nhắc quý vị rằng, đối với tất cả chúng ta, lời kêu gọi “phục vụ” này là danh hiệu cao quý nhất, là nhiệm vụ chính, là cách sống cần phải đảm nhận hàng ngày. Xin Thiên Chúa nhân lành ban cho anh chị em luôn làm việc phục vụ với một trái tim vui vẻ và quảng đại.

Xin Mẹ Maria Mutter Jesu, Consolatrix afflictorum, Patrona Civitatis et Patriae Luxemburgensis trông coi Luxembourg và thế giới, và xin Chúa Giêsu Con Mẹ ban cho chúng ta bình an và mọi điều tốt lành.

Xin Chúa chúc lành cho Luxembourg!

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dien-van-cua-duc-thanh-cha-tai-buoi-gap-chinh-quyen-xa-hoi-dan-su-va-ngoai-giao-doan-luxembourg-41760.html

 

 

35. Diễn văn ĐTC Phanxicô gặp cộng đoàn Công Giáo Luxembourg

Trong diễn văn nói với cộng đoàn Công giáo Luxembourg, Đức Thánh Cha nói rằng sứ mạng an ủi và phục vụ mà Chúa giao phó cho các tín hữu thật cao đẹp. Ngài khích lệ họ hãy trung thành với di sản chào đón người khác, tiếp tục biến Luxembourg thành một ngôi nhà thân thiện cho bất cứ ai gõ cửa để xin giúp đỡ và sự đón tiếp.

TÔNG DU LUXEMBOURG VÀ BỈ

DIỄN VĂN CỦA ĐTC PHANXICÔ

Gặp gỡ Cộng đoàn Công giáo

Luxembourg, Nhà thờ Chính tòa, 26/09/2024

Kính thưa Đại Công tước,

Kính thưa Đức Hồng Y và anh em Giám Mục,

anh chị em thân mến!

Tôi rất vui mừng được ở đây với anh chị em, trong Nhà thờ Chính tòa tráng lệ này. Tôi biết ơn Đại Công tước và gia đình ông vì sự hiện diện của họ; và tôi xin cảm ơn Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich vì những lời tốt đẹp của ngài, cũng như Diogo, Christine và Sơ Maria Perpetua vì những chứng từ của họ.

Cuộc gặp gỡ của chúng ta diễn ra trùng với Năm Thánh Mẫu quan trọng, trong đó Giáo hội Luxembourg kỷ niệm bốn thế kỷ tôn sùng Đức Maria Đấng An Ủi của những người đau khổ, Đấng Bảo trợ của đất nước. Chủ đề anh chị em đã chọn cho chuyến viếng thăm này rất phù hợp với tước hiệu này: “Để phục vụ”. Thật vậy, an ủi và phục vụ là hai khía cạnh cơ bản của tình yêu mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta, tình yêu mà Người đã ủy thác cho chúng ta như một sứ vụ (x. Ga 13,13-17) và là tình yêu mà Người đã chỉ cho chúng ta như là con đường duy nhất để đạt tới niềm vui trọn vẹn (xem Cv 20, 35). Đó là lý do mà lát nữa đây, trong lời cầu nguyện khai mạc Năm Thánh Mẫu, chúng ta sẽ cầu xin Mẹ Thiên Chúa giúp chúng ta trở thành “những nhà truyền giáo, sẵn sàng làm chứng cho niềm vui của Tin Mừng”, đồng hóa tâm hồn chúng ta với tâm hồn Mẹ “để đặt mình phục vụ anh chị em chúng ta”. Giờ đây chúng ta có thể dừng lại và suy tư về ba từ này: phục vụ, sứ vụ và niềm vui.

Trước hết là phục vụ. Cách đây không lâu người ta đã nói rằng Giáo hội Luxembourg muốn trở thành “Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô, Đấng không đến để được phục vụ mà để phục vụ” (x. Mt 20,28; Mc 10,45). Và hình ảnh Thánh Phanxicô ôm lấy người cùi và chăm sóc vết thương cho anh cũng được nhắc lại. Nói về phục vụ, tôi muốn giới thiệu với anh chị em một khía cạnh rất cấp bách hôm nay: đó là khía cạnh chào đón. Tôi đề cập đến điều này ở đây với anh chị em chính là vì đất nước anh chị em có truyền thống lâu đời về vấn đề này, một truyền thống vẫn còn tồn tại, như Sơ Maria Perpetua đã nhắc nhở chúng ta. Chúng ta đã nghe về điều này trong các chứng từ khác và trong những tiếng hô vang liên tục của anh chị em “todos, todos, todos!”, “mọi người, mọi người, mọi người!”, được lặp đi lặp lại trong nhiều dịp khác nhau. Đúng vậy, tinh thần của Tin Mừng là tinh thần chào đón, cởi mở với tất cả mọi người và không cho phép bất kỳ hình thức loại trừ nào (xem Tông huấn Evangelii gaudium, 47). Do đó, tôi khuyến khích anh chị em hãy trung thành với di sản này, tiếp tục biến đất nước của anh chị em thành một ngôi nhà thân thiện cho bất cứ ai gõ cửa nhà anh chị em để xin giúp đỡ và sự đón tiếp.

Việc chào đón là một yêu cầu của lòng bác ái nhưng trước hết, đó là vấn đề công lý, như Thánh Gioan Phaolô II đã nói khi ngài nhắc lại cội nguồn Kitô giáo của văn hóa Châu Âu. Ngài khuyến khích giới trẻ Luxembourg hãy vạch ra con đường hướng tới “một Châu Âu không chỉ của hàng hóa và của cải, mà còn của các giá trị, con người và trái tim”, trong đó Tin Mừng được chia sẻ “trong lời loan báo và trong các dấu hiệu của tình yêu” (Diễn văn gửi giới trẻ của Đại công quốc Luxembourg, 16 tháng 5 năm 1985, 4). Tôi nhấn mạnh điều đó: một Châu Âu và một thế giới trong đó Tin Mừng được chia sẻ bằng lời loan báo kết hợp với những dấu chỉ tình yêu.

Và điều này đưa chúng ta đến chủ đề thứ hai: sứ vụ. Cách đây không lâu, Đức Hồng Y Tổng Giám mục đã nói về “sự phát triển của Giáo hội Luxembourg trong một xã hội tục hóa”. Tôi thích cách diễn đạt này: Giáo hội, trong một xã hội tục hóa, tiến hóa, trưởng thành và phát triển. Giáo hội không co cụm, buồn bã, cam chịu, oán giận; đúng hơn, chấp nhận thách thức, trung thành với các giá trị của mọi thời đại, khám phá lại và đánh giá lại các con đường loan báo Tin Mừng theo cách thức mới, ngày càng chuyển từ cách tiếp cận đơn giản là chăm sóc mục vụ sang cách tiếp cận loan báo truyền giáo. Và để làm được điều này, Giáo hội sẵn sàng phát triển: ví dụ - như Christine đã nhắc nhở chúng ta - trong việc chia sẻ trách nhiệm và mục vụ, cùng nhau đồng hành như một cộng đoàn công bố và biến tính hiệp hành thành một “cách liên hệ lâu dài” giữa các thành viên của mình.

Những bạn trẻ của chúng ta đã cho chúng ta thấy hình ảnh đẹp về giá trị của sự tăng trưởng này thông qua màn trình diễn một cảnh trong vở nhạc kịch Laudato Si’. Thật hay! Cảm ơn món quà của các bạn! Công việc của các bạn, kết quả của nỗ lực cộng đồng có sự tham gia của nhiều người trong Tổng Giáo phận, là một dấu hiệu mang tính ngôn sứ kép cho tất cả chúng ta! Trước hết, nó nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm của chúng ta đối với “ngôi nhà chung”, nơi chúng ta là những người bảo vệ chứ không phải những kẻ chuyên quyền. Đồng thời, điều này cũng khiến chúng ta suy tư rằng nếu chúng ta cùng nhau sống sứ vụ này, nó sẽ trở thành một bản nhạc tuyệt vời mà chúng ta có thể hát để công bố vẻ đẹp của Phúc Âm cho tất cả mọi người. Và điều này rất quan trọng đối với chúng ta: điều thúc đẩy chúng ta thực hiện sứ mạng, thực ra, không phải là nhu cầu “làm tăng số lượng”, thực hiện “việc chiêu dụ tín đồ”, mà là ước muốn làm cho ngày càng nhiều anh chị em nhận thức được niềm vui của cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô.

Vì vậy, khi chúng ta vượt trên những khó khăn, sự năng động sống động của Chúa Thánh Thần đang tác động trong chúng ta! Tình yêu thúc đẩy chúng ta loan báo Tin Mừng bằng cách mở ra với người khác, và thách thức của việc loan báo giúp chúng ta phát triển như một cộng đoàn, giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi khi đi theo những con đường mới và thúc đẩy chúng ta đón nhận sự đóng góp của mọi người với lòng biết ơn. Đó là một năng động đẹp đẽ, lành mạnh, vui tươi mà chúng ta nên vun đắp trong chính mình và giữa những người xung quanh chúng ta.

Và giờ đây chúng ta đến với từ thứ ba: niềm vui. Diogo, khi nói về kinh nghiệm của Đại hội Giới Trẻ Thế Giới, đã nhớ lại niềm hạnh phúc mà anh cảm nhận được vào đêm canh thức lễ hội, khi cùng với các bạn đồng trang lứa thuộc mọi nguồn gốc và quốc gia chờ đợi giây phút gặp gỡ của chúng ta, cũng như cảm xúc khi thức dậy trong buổi sáng hôm sau, xung quanh có rất nhiều bạn bè; và cả sự nhiệt tình của anh trong quá trình cùng nhau chuẩn bị ở Bồ Đào Nha cũng như niềm vui sau một năm được đoàn tụ với những người khác tại Luxembourg. Anh chị em có thấy không? Đức tin của chúng ta là như thế này: nó vui tươi, “nhảy múa”, bởi vì nó nói với chúng ta rằng chúng ta là con cái của một Thiên Chúa là bạn của con người, Đấng muốn chúng ta hạnh phúc và hiệp nhất, và là Đấng vui mừng trên hết vì ơn cứu rỗi của chúng ta (xem Luca 15, 4-32; Thánh Grêgôriô Cả, Các Bài giảng về Tin Mừng, 34,3).

Tôi muốn kết thúc vấn đề này bằng cách nhắc lại một truyền thống tốt đẹp khác của đất nước anh chị em mà tôi đã được kể: cuộc rước mùa xuân - Springprozession - diễn ra tại Echternach vào Lễ Hiện Xuống, để tưởng nhớ công việc truyền giáo không mệt mỏi của Thánh Willibrord, nhà truyền giáo của những vùng đất này. Toàn bộ thành phố đổ ra đường, nhảy múa trên khắp các đường phố và quảng trường, cùng với nhiều người hành hương và du khách đến đó, cuộc rước trở thành một vũ điệu hoành tráng, độc đáo. Già trẻ lớn bé, mọi người cùng nhau khiêu vũ, hướng về Nhà thờ Chính tòa – năm nay ngay cả khi trời mưa, tôi đã được biết – để làm chứng một cách nhiệt tình, để tưởng nhớ Vị Mục Tử thánh thiện, thật tuyệt vời biết bao khi được cùng nhau bước đi và gặp tất cả anh chị em quanh bàn tiệc của Chúa chúng ta.

Anh chị em thân mến, sứ mạng mà Chúa giao phó cho chúng ta thật cao đẹp, sứ mạng an ủi và phục vụ, noi gương và với sự trợ giúp của Đức Maria. Cảm ơn anh chị em vì công việc anh chị em làm và cũng vì sự giúp đỡ quảng đại mà anh chị em muốn chia sẻ với những người thiếu thốn. Tôi chúc lành cho anh chị em và cầu nguyện cho anh chị em. Và xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dien-van-dtc-phanxico-gap-cong-doan-cong-giao-luxembourg-41761.html

 

 

36. Diễn văn của ĐTC Phanxicô tại buổi gặp chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn Bỉ

Trong buổi gặp chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn Bỉ, Đức Thánh Cha nói với Châu Âu cần Bỉ để nhắc rằng lịch sử châu lục gồm các dân tộc, nền văn hóa, nhà thờ và trường học; Lịch sử Bỉ kêu gọi châu Âu mở lòng đón nhận sự sống và hy vọng

Vatican News

Nhà Vua,

Ngài Thủ tướng,

Các anh em giám mục,

Các nhà chức trách,

Quý bà quý ông thân mến,

Xin cảm ơn Nhà Vua về những lời chào đón chân thành. Tôi rất vui khi được đến thăm Bỉ. Khi nghĩ đến đất nước này, điều hiện lên trong tâm trí tôi là một điều gì đó nhỏ bé nhưng to lớn, một đất nước ở phía tây nhưng đồng thời cũng là trung tâm, như thể Bỉ là trái tim đang đập của một sinh vật khổng lồ.

Thực vậy, sẽ là sai lầm khi đánh giá chất lượng của một quốc gia dựa trên kích thước địa lý. Bỉ không phải là một quốc gia rộng lớn, nhưng lịch sử đặc biệt của quốc gia có tác động mạnh mẽ. Ngay sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, các dân tộc châu Âu mệt mỏi và chán nản, bắt đầu con đường bình định, hợp tác và hội nhập nghiêm túc, đã coi Bỉ là địa điểm tự nhiên của các tổ chức chính của châu Âu. Do thực tế đất nước nằm trên đường đứt gãy giữa thế giới Đức và thế giới Latinh, giáp ranh với Pháp và Đức, hai quốc gia thể hiện rõ nhất những lý tưởng dân tộc chủ nghĩa đối lập trong cuộc xung đột, Bỉ xuất hiện như một địa điểm lý tưởng, gần như là nơi tổng hợp của châu Âu, từ đó tái khởi động công cuộc tái thiết về thể chất, đạo đức và tinh thần.

Có thể nói Bỉ là cầu nối giữa lục địa và quần đảo Anh, giữa các vùng nói tiếng Đức và tiếng Pháp, giữa Nam và Bắc Âu. Một cây cầu cho phép sự hòa hợp lan toả và tranh chấp lùi bước. Một cầu nối nơi mọi người, với ngôn ngữ, cách nghĩ và niềm tin riêng có thể gặp những người khác và trò chuyện, đối thoại, chia sẻ như phương tiện tương tác lẫn nhau. Một nơi người ta học cách tạo nên căn tính của mình không phải là thần tượng hay rào cản, nhưng là một không gian chào đón, để bắt đầu và quay trở lại, nơi thúc đẩy những trao đổi giá trị và cùng nhau tìm kiếm sự ổn định xã hội mới, xây dựng những thoả thuận mới. Một cây cầu thúc đẩy thương mại, kết nối và cho phép các nền văn minh đối thoại. Do đó một cây cầu không thể thiếu để xây dựng hoà bình và từ khước chiến tranh.

Như thế, dễ hiểu tại sao Bỉ nhỏ bé nhưng thực sự to lớn. Châu Âu cần Bỉ để nhắc nhớ rằng lịch sử của mình bao gồm các dân tộc và nền văn hóa, nhà thờ và trường đại học, thành tựu của sự khéo léo con người, nhưng cũng có nhiều cuộc chiến tranh và ý chí thống trị mà đôi khi dẫn đến chủ nghĩa thực dân và bóc lột.

Châu Âu cần Bỉ để tiếp tục con đường hòa bình và tình huynh đệ giữa các dân tộc. Đất nước này nhắc nhở mọi người rằng, khi - dựa trên những lý do đa dạng và không thể bảo vệ nhất – người ta bắt đầu không tôn trọng biên giới và hiệp ước nữa, đồng thời để lại quyền tạo ra luật về vũ khí, đảo lộn luật hiện hành, người ta mở nắp hộp Pandora và mọi cơn gió bắt đầu thổi dữ dội, làm rung chuyển ngôi nhà và đe dọa phá hủy nó. Trong thời điểm lịch sử này, tôi tin rằng Bỉ có một vai trò rất quan trọng. Chúng ta dường như đang tiến gần một cuộc chiến tranh thế giới.

Thực ra, hòa hợp và hòa bình không phải là một cuộc chinh phục đạt được một lần cho mãi mãi, mà là một nhiệm vụ và sứ vụ không ngừng cần được vun trồng, được chăm sóc một cách kiên nhẫn. Thực tế, khi con người không còn nhớ về quá khứ và những bài học giá trị của quá khứ, họ đang đối diện với nguy cơ lại một lần nữa tụt hậu, ngay cả khi đã tiến lên, quên đi những đau khổ và cái giá khủng khiếp mà các thế hệ trước phải trả. Trong điều này, ký ức không hoạt động.

Theo nghĩa này, hơn bao giờ hết Bỉ quý giá trong việc duy trì ký ức về lục địa châu Âu. Thật vậy, quốc gia này cung cấp một lý lẽ không thể chối cãi cho sự phát triển hoạt động văn hóa, xã hội và chính trị kịp thời và liên tục, đồng thời can đảm và thận trọng loại trừ khỏi tương lai ý tưởng và thực hành chiến tranh như một lựa chọn khả thi với những hậu quả thảm khốc.

Lịch sử, thầy dạy cuộc sống thường không được chú ý, và lịch sử Bỉ kêu gọi châu Âu tiếp tục con đường của mình, tìm lại bộ mặt thật của mình, tái đầu tư vào tương lai bằng cách mở lòng đón nhận sự sống, hy vọng, vượt qua mùa đông nhân khẩu học và đau khổ của chiến tranh! Và trong thời điểm này có hai tai họa. Địa ngục của chiến tranh, chúng ta đang chứng kiến, có thể biến thành một cuộc chiến tranh thế giới; và mùa đông nhân khẩu học. Về điều này chúng ta phải thực tế: cần phải sinh con!

Khi làm chứng cho đức tin vào Chúa Kitô Phục sinh, Giáo hội Công giáo mong muốn trở thành một sự hiện diện mang đến cho các cá nhân, gia đình, xã hội và quốc gia một niềm hy vọng vừa xa xưa vừa mới mẻ. Một sự hiện diện giúp mọi người đối diện với những thách đố và khó khăn, không phải với sự nhiệt tình dễ dãi hay bi quan ảm đạm, nhưng với sự chắc chắn rằng nhân loại, được Thiên Chúa yêu thương, có một ơn gọi đời đời về hoà bình và sự tốt lành, chứ không phải bị dẫn đến số phận tan rã và hư vô.

Hướng mắt về Chúa Giêsu, Giáo hội luôn nhận ra mình như người môn đệ, bước theo Thầy với sự lo sợ và run rẩy khi biết rằng mình thánh thiện vì được Chúa thiết lập, nhưng đồng thời cũng cảm nghiệm sự mong manh và thiếu sót của các thành viên, những người không bao giờ hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ được giao phó vì luôn vượt quá khả năng của họ.

Giáo hội loan báo Tin Mừng có thể lấp đầy trái tim chúng ta bằng niềm vui. Qua các hoạt động bác ái và vô số chứng từ về tình yêu dành cho người khác, Giáo hội tìm cách đưa ra những dấu chỉ cụ thể và đáng tin cậy về tình yêu thúc đẩy mình. Tuy nhiên, Giáo hội luôn sống trong một nền văn hóa cụ thể, trong tâm thức của một thời đại cụ thể mà đôi khi Giáo hội giúp định hình hoặc đôi khi Giáo hội phải tuân theo; và các thành viên của Giáo hội không phải lúc nào cũng hiểu và sống sứ điệp của Tin Mừng trong tất cả sự thuần khiết và trọn vẹn của sứ điệp này.

Trong sự tồn tại lâu năm giữa ánh sáng và bóng tối này, Giáo hội thực hiện sứ vụ của mình, thường với những mẫu gương về lòng quảng đại và sự tận tụy chân thành, nhưng đáng buồn thay, đôi khi lại có những phản chứng đau đớn. Tôi muốn nói đến những trường hợp bi thảm về lạm dụng trẻ em, đây là một tai ương mà Giáo hội đang giải quyết một cách kiên quyết và dứt khoát bằng cách lắng nghe và đồng hành với những người bị tổn thương, và bằng cách thực hiện một chương trình phòng ngừa trên toàn thế giới.

Anh chị em, điều này thật xấu hổ! Chúng ta phải cùng nhau giải quyết vấn đề và cầu xin tha thứ: xấu hổ của lạm dụng, lạm dụng trẻ em. Chúng ta nghĩ đến thời của những vị thánh vô tội và nói: "Thật là một thảm kịch, vua Hêrôđê đã làm gì", nhưng ngày nay cũng trong Giáo hội có tội ác này và Giáo hội phải xấu hổ và xin sự tha thứ, và cố gắng giải quyết tình trạng này bằng sự khiêm nhường Kitô giáo. Và làm mọi sự có thể để điều này không xảy ra nữa. Có người nói với tôi: "Nhưng thưa Đức Thánh Cha, theo thống kê, phần lớn các vụ lạm dụng xảy ra trong gia đình hoặc trong khu phố hoặc trong thế giới thể thao, trong trường học", nếu chỉ một vụ lạm dụng là đủ để xấu hổ. Trong Giáo hội, chúng ta phải xin tha thứ cho điều này, những người khác cũng phải xin tha thứ. Đây là sự xấu hổ và sỉ nhục của chúng ta.

Về vấn đề này, tôi rất buồn trước hiện tượng “nhận con nuôi ép buộc” cũng diễn ra ở Bỉ vào giữa những năm 1950 và 1970. Trong những câu chuyện đau buồn này, chúng ta thấy trái đắng của hành vi sai trái và tội phạm đã hòa lẫn vào quan điểm không may đang thịnh hành ở mọi tầng lớp xã hội vào thời điểm đó, đến mức nhiều người tin vào lương tâm cho rằng đang làm điều gì đó tốt cho cả em bé và người mẹ. Thông thường, gia đình và các tác nhân xã hội khác, kể cả Giáo hội, nghĩ rằng để xóa bỏ sự kỳ thị tiêu cực, không may ảnh hưởng đến người mẹ chưa lập gia đình vào thời đó, tốt hơn là nên cho con nuôi vì lợi ích của cả hai, mẹ và con. Thậm chí có trường hợp một số phụ nữ không được lựa chọn giữ con hay giao cho người khác làm con nuôi.

Là người kế vị Thánh Phêrô, tôi cầu xin Chúa cho Giáo hội luôn tìm thấy trong mình sức mạnh để làm sáng tỏ và không bao giờ tuân theo nền văn hóa thống trị, ngay cả khi nền văn hóa đó sử dụng một cách thao túng các giá trị bắt nguồn từ Tin Mừng, nhưng lại rút ra từ đó những kết luận không chân thực, gây đau khổ và loại trừ.

Tôi cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo các quốc gia, bằng cách nhìn vào Bỉ và lịch sử của nước này, để có thể học hỏi từ nước này, và nhờ đó cứu dân mình khỏi những bất hạnh và đau khổ vô tận. Tôi cũng cầu nguyện để những người cầm quyền biết đảm nhận trách nhiệm, rủi ro và danh dự của hòa bình, cũng như biết cách tránh nguy hiểm, sự ô nhục và phi lý của chiến tranh. Tôi cầu nguyện để họ sợ sự phán xét của lương tâm, lịch sử và Chúa, để trái tim và khối óc của họ được hoán cải và luôn đặt công ích lên hàng đầu. Vào thời điểm này khi nền kinh tế đã phát triển rất nhiều, tôi muốn nhấn mạnh rằng ở một số quốc gia, các khoản đầu tư mang lại thu nhập cao nhất là các nhà máy vũ khí.

Thưa Nhà Vua, Quý Bà Quý Ông, khẩu hiệu của chuyến viếng thăm đất nước của tôi là “En route, avec Espérance”. Chữ Hy vọng được viết hoa khiến tôi nghĩ rằng hy vọng không chỉ là thứ gì đó để chúng ta mang theo trong hành lý của một chuyến đi. Ngược lại, hy vọng là một món quà từ Chúa cần được mang trong trái tim chúng ta. Vì thế tôi muốn để lại lời chúc này cho Quý vị và tất cả những người nam nữ đang sống tại Bỉ: cầu chúc Quý vị luôn cầu xin và nhận được món quà này từ Chúa Thánh Thần để cùng nhau bước đi với Niềm Hy vọng trên hành trình cuộc sống và lịch sử.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dien-van-cua-dtc-phanxico-tai-buoi-gap-chinh-quyen-xa-hoi-dan-su-va-ngoai-giao-doan-bi-41767.html

 

 

37. Vatican công bố chủ đề và logo Đại hội Giới trẻ Thế giới Seoul 2027

Trong cuộc họp báo trưa ngày 24/9, Đức Hồng y Kevin Farrell, Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, đã công bố chủ đề của Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Seoul năm 2027 và chủ đề của Ngày Giới trẻ Thế giới Năm Thánh 2025 tại Roma. Logo Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Seoul cũng được giới thiệu trong cuộc họp báo.

Vatican News

Chủ đề

Chủ đề của Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Seoul năm 2027 là “Can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Trong khi đó, Ngày Giới trẻ Thế giới trong Năm Thánh 2025, được tổ chức tại Roma từ ngày 28/7 đến ngày 3/8, sẽ có chủ đề: “Cả anh em nữa, anh em cũng là chứng nhân của Thầy, vì anh em ở với Thầy” (Ga 15,27).

Cả hai chủ đề trên đều trích từ Tin Mừng Thánh Gioan, trong diễn từ từ biệt của Chúa Giêsu, khi Người chuẩn bị cho các môn đệ trải nghiệm mầu nhiệm thương khó và cái chết trong xác tín về sự sống lại của Người.

Đức Hồng y Farrell nói rằng hai chủ đề trên tập trung “vào việc làm chứng và vào lòng can đảm xuất phát từ sự chiến thắng phục sinh của Chúa Giêsu”. Ngài cũng giải thích rằng chủ đề được chọn bởi vì thế giới chúng ta đang sống đã trở nên quá tục hóa và nhiều khả năng là người trẻ mất hy vọng, mất can đảm để sống đức tin của họ. Ngày Giới trẻ Thế giới là một cơ hội để khuyến khích người trẻ loan báo Tin Mừng bằng cuộc sống và gương mẫu của họ.

Trao hai biểu tượng của Đại hội Giới trẻ Thế giới cho giới trẻ Hàn quốc

Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống cũng thông báo rằng vào Chúa Nhật 24/11/2024, lễ Chúa Kitô Vua, trong Thánh lễ tại đền thờ Thánh Phêrô, các tham dự viên của Đại hội Giới trẻ Thế giới Lisbon 2023 sẽ trao Thánh Giá giới trẻ và ảnh Đức Mẹ là Phần rỗi của dân thành Roma - các biểu tượng của Đại hội Giới trẻ Thế giới - cho các bạn trẻ của Seoul. Việc này đánh dấu sự khởi đầu cho quá trình chuẩn bị tinh thần của Giáo hội Hàn Quốc cho Đại hội Giới trẻ Thế giới”.

1.000 bạn trẻ Hàn quốc tham dự Năm Thánh Giới trẻ ở Roma

Trong cuộc họp báo, Đức Tổng Giám mục Peter Soon-Taick Chung của Seoul cho biết: “Khoảng 1.000 bạn trẻ Hàn quốc sẽ đến Roma vào năm 2025 để tham dự Năm Thánh Giới trẻ”. Ngài nói: hy vọng rằng “thông qua cuộc hành hương này, họ sẽ nhận ra sức mạnh của hy vọng được ban tặng bởi đức tin và trải nghiệm cuộc gặp gỡ cá nhân sâu sắc với Chúa Kitô trong Giáo hội hoàn vũ”.

Tổng Giám mục của Seoul cũng nói rằng Đại hội Giới trẻ Thế giới Seoul là Đại hội đầu tiên được tổ chức ở một quốc gia phần lớn không phải là Kitô hữu; người Công giáo chỉ chiếm 11% trong tổng số dân số. Đức Tổng Giám mục chia sẻ: “Chúng tôi chắc chắn có kế hoạch cụ thể để bao gồm những người có tôn giáo khác nhau - và những người không theo tôn giáo nào - cùng nhau tham gia trong quá trình chuẩn bị của chúng tôi”.

Các bạn trẻ Bắc Hàn được mời tham dự

Đức Cha Paul Kyung Sang Lee, giám mục phụ tá của Seoul và là điều phối viên chung của Đại hội Giới trẻ Thế giới Seoul 2027, chia sẻ: “Trong bối cảnh thực tế dai dẳng là một ‘quốc gia chia rẽ’, Giáo hội đã nỗ lực giải quyết các xung đột vốn có trong sự chia rẽ này trong bảy thập kỷ qua, tìm kiếm hòa bình và thống nhất cho người dân Hàn Quốc”.

Đức Tổng Giám mục Soon-Taick cho biết những người trẻ tuổi Bắc Triều Tiên sẽ được mời và được chào đón tại Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Seoul, mặc dù tình hình chính trị hiện tại không thuận lợi cho sự tham dự của họ.

Ngài nói thêm rằng “cuộc hành hương của Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Seoul 2027 sẽ hơn là một cuộc quy tụ đông đảo. Nó sẽ là một hành trình ý nghĩa nơi người trẻ, kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô, suy tư và thảo luận về những thách đố hiện đại và bất công mà họ đối mặt”.

Logo của Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Seoul

Trong buổi họp báo, logo của Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Seoul cũng được trình bày. Logo gồm một Thánh giá lấy cảm hứng từ nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc được tạo thành từ hai nét cọ, một nét hướng lên trên và một nét hướng xuống, để tượng trưng cho sự liên kết giữa trời và đất và sự hoàn thành ý muốn của Thiên Chúa. Đức Cha Phaolô Kyung-sang Lee đã giải thích chi tiết: màu xanh và đỏ của lá cờ Hàn Quốc - lần lượt gợi lại sức sống của giới trẻ và máu của các vị tử đạo, đề cập đến chủ đề lòng can đảm, trong khi màu vàng tỏa sáng phía sau Thánh giá tượng trưng cho Chúa Kitô “Ánh sáng thế gian”.

Đức Thánh Cha Phanxicô có thăm Bắc Hàn không?

Đức Hồng y Farrell nói rằng hiện tại chưa biết Đức Thánh Cha Phanxicô có tham dự Đại hội này không, và việc ngài có dừng lại ở Bắc Hàn hay không tùy thuộc vào việc lãnh đạo Bắc Hàn có mời ngài hay không.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/vatican-cong-bo-chu-de-va-logo-dai-hoi-gioi-tre-the-gioi-seoul-2027-41768.html

 

 

38. ĐTC Phanxicô gặp các giáo sư đại học tại Đại học Công giáo Leuve

Chiều ngày 27/9/2024, tại Đại học Công giáo Leuven, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các giáo sư đại học. Trong bài diễn văn, Đức Thánh Cha mời gọi họ mở rộng các biên giới kiến thức và biến đại học trở thành không gian rộng mở cho con người và xã hội, biến nền giáo dục hàn lâm và văn hóa thành một không gian sống động, nơi hiểu và nói về sự sống, mang lại những đóng góp quyết định như men, muối của Phúc Âm.

Hồng Thủy - Vatican News

Đại học Công giáo Leuven

Đại học Công giáo Leuven là Đại học Công giáo lâu đời nhất thế giới, được thành lập vào năm 1425 với sắc chỉ của Đức Giáo hoàng Martino V. Ban đầu đại học bao gồm 4 phân khoa: Khoa học nhân văn, Giáo luật, Dân luật và Y khoa. Vào năm 1432, Đức Giáo hoàng cho phép mở thêm khoa Thần học.

Vào năm 1797, Đại học Công giáo Leuven bị lực lượng Cách mạng Pháp đóng cửa nhưng đến năm 1834 được Giáo hội Bỉ tái lập.

Vào năm 1968, Đại học được chia thành hai đại học riêng biêt: Đại học Công giáo Leuven thuộc khối nói tiếng Flamand, có trụ sở ở Leuven, và Đại học Công giáo Louvain của khối tiếng Pháp, tại thành phố mới được thành lập, Louvain-la-Neuve, cách đó khoảng 24 km về phía nam-tây nam của Leuven.

Hiện nay Đại học Công giáo Leuven có hơn 60 ngàn sinh viên. Là một trong những tổ chức nghiên cứu hàng đầu của châu Âu, chắc chắn Đại học có thể được coi là có vai trò toàn cầu trong nhiều lĩnh vực. Sứ mạng của Đại học, dựa trên quan điểm Kitô giáo về nhân loại và thế giới, là nơi thảo luận cởi mở về các vấn đề xã hội, triết học và đạo đức, đồng thời là trung tâm tư duy phản biện trong cộng đồng.

Trong năm học 2024-2025, hai Đại học Công giáo Leuven và Louvain sẽ tổ chức kỷ niệm 600 năm thành lập.

Đón tiếp Đức Thánh Cha tại Đại học có ông Viện trưởng của Đại học Leuven và bà Viện trưởng của Đại học Louvain, Tổng Giám mục của Malines-Bruxelles trong vai trò là Đại Chưởng ấn của Đại học, và một số chức sắc chính quyền dân sự.

Ngỏ lời với các giáo sư đại học, Đức Thánh Cha mời gọi họ mở rộng các biên giới kiến thức và biến đại học trở thành không gian rộng mở cho con người và xã hội, biến nền giáo dục hàn lâm và văn hóa thành một không gian sống động, nơi hiểu và nói về sự sống, mang lại những đóng góp quyết định như men, muối của Phúc Âm.

Các đại học là những không gian sáng tạo

Mở đầu bài diễn văn, Đức Thánh Cha nói: "Nhiệm vụ đầu tiên của Trường: cung cấp chương trình đào tạo toàn diện để mọi người nhận được những công cụ cần thiết để giải thích hiện tại và lập kế hoạch cho tương lai", và nhắn nhủ: " mục đích của giáo dục văn hóa không bao giờ là chính nó và các trường đại học đừng bao giờ có nguy cơ trở thành 'các thánh đường trong sa mạc'". Nhưng "Do bản chất, đó là những nơi thúc đẩy những ý tưởng và nguồn cảm hứng mới cho cuộc sống và suy nghĩ của con người cũng như để đối mặt với những thách thức của xã hội. Nói cách khác, đó là những không gian sáng tạo".

 Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng các đại học "tạo ra văn hóa, tạo ra các ý tưởng, nhưng trên hết nó thúc đẩy niềm đam mê tìm kiếm sự thật, phục vụ cho sự tiến bộ của con người. Đặc biệt, các trường đại học Công giáo, như trường của anh chị em, được kêu gọi “mang lại sự đóng góp mang tính quyết định của men, muối và ánh sáng của Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô và Truyền thống sống động của Giáo hội, những điều luôn mở ra những hoàn cảnh mới và những đề xuất mới” (Hiến chế Veritatis gaudium, 3).

Hãy mở rộng các biên giới kiến thức

Do đó, Đức Thánh Cha mời gọi các giáo sư: hãy mở rộng các biên giới kiến thức! Ngài giải thích rằng đây không phải là việc "nhân rộng các quan niệm và lý thuyết, nhưng là biến nền giáo dục hàn lâm và văn hóa thành một không gian sống động, nơi hiểu và nói về sự sống". "Mở rộng biên giới và trở thành không gian rộng mở cho con người và xã hội là sứ mạng cao cả của một đại học".

Nguy cơ mất đi niềm vui học hỏi và rơi vào thái độ duy lý

Đức Thánh Cha nhận định: "Trên thực tế, trong thời đại của chúng ta, chúng ta thấy mình phải đối mặt với một tình huống mâu thuẫn, trong đó các ranh giới bị hạn chế. Một mặt, chúng ta đang đắm chìm trong một nền văn hóa được đánh dấu bằng việc từ bỏ việc tìm kiếm chân lý. Chúng ta đã mất đi niềm đam mê không ngừng tìm kiếm. Thay vào đó chúng ta tìm an ủi và trú ẩn trong một ý nghĩ yếu đuối, trong niềm tin rằng mọi thứ đều bằng nhau, mọi thứ đều giống nhau, mọi thứ chỉ là tương đối. Mặt khác, khi nói về sự thật trong bối cảnh đại học cũng như trong các lĩnh vực khác, chúng ta thường rơi vào thái độ duy lý, theo đó chỉ những gì chúng ta có thể đo lường và trải nghiệm mới có thể được coi là đúng, như thể cuộc sống chỉ đơn giản là vật chất và những gì có thể nhìn thấy được. Trong cả hai trường hợp, các ranh giới đều bị giới hạn".

Sự mệt mỏi về tinh thần

Nói về giới hạn thứ nhất, Đức Thánh Cha nhận định rằng chúng ta có sự mệt mỏi về tinh thần, "khiến chúng ta thường xuyên bất ổn và thiếu vắng niềm đam mê, như thể việc tìm kiếm ý nghĩa trong một thực tế vẫn không thể thể hiểu được thì vô ích". Ngài nói thêm: "Việc tìm kiếm sự thật thật sự mệt mỏi, bởi vì nó buộc chúng ta phải bước ra khỏi chính mình, chấp nhận rủi ro, đặt ra những câu hỏi cho chính mình. Và do đó, do sự mệt mỏi trí tuệ, chúng ta càng bị cuốn hút hơn bởi một cuộc sống hời hợt không đặt ra quá nhiều thách đố mới. Cũng giống như vậy, chúng ta bị thu hút nhiều hơn bởi một 'đức tin' dễ dàng, nhẹ nhàng, thoải mái, không bao giờ đặt câu hỏi về bất cứ điều gì."

Chủ nghĩa duy lý vô hồn

Nói về loại giới hạn thứ hai, Đức Thánh Cha lưu ý: "ngày nay chúng ta một lần nữa có nguy cơ rơi vào chủ nghĩa duy lý vô hồn chịu sự chi phối của nền văn hóa kỹ trị. Khi con người chỉ được coi là vật chất, khi thực tại bị giới hạn trong giới hạn của những gì hữu hình, khi lý trí bị thu hẹp lại thành toán học và thực nghiệm, thì nhiều thứ đã mất đi. Theo cách này, chúng ta mất đi cảm giác ngạc nhiên, khả năng kinh ngạc, thúc đẩy chúng ta nhìn xa hơn, hướng mắt lên trời, khám phá ra chân lý ẩn giấu, trả lời cho những câu hỏi cơ bản như: Tại sao tôi sống? Ý nghĩa cuộc sống của tôi là gì? Mục đích cuối cùng và cùng đích của cuộc hành trình này là gì?

Con người chỉ nhận ra chính mình nếu họ bắt đầu từ Thiên Chúa

Ngài lặp lại câu hỏi của Romano Guardini: "Tại sao con người, bất chấp mọi tiến bộ, lại không biết chính mình và ngày càng trở nên không biết như thế? Bởi vì họ đã đánh mất chìa khóa để hiểu được bản chất của con người. Quy luật về sự thật của chúng ta nói rằng con người chỉ nhận ra chính mình nếu họ bắt đầu từ trên cao, từ bên trên họ, từ Thiên Chúa, bởi vì sự sống của họ đến từ Người” (Cầu nguyện và sự thật, Brescia 1973, 56).

Hãy cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin hãy mở rộng các ranh giới của chúng con!”

Và Đức Thánh Cha đưa ra cách thế để chống lại sự mệt mỏi của tinh thần và chủ nghĩa duy lý vô hồn, hãy học cách cầu nguyện như Jabez: “Lạy Chúa, xin hãy mở rộng các ranh giới của chúng con!”. Ngài nói: "Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho công việc của chúng ta, phục vụ một nền văn hóa có khả năng đối mặt với những thách thức ngày nay. Chúa Thánh Thần, Đấng chúng ta đã nhận được như một hồng ân, thúc đẩy chúng ta tìm kiếm, mở ra những không gian suy nghĩ và hành động của chúng ta, cho đến khi dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn (xem Ga 16,13). Ngài nói rằng những giới hạn phải luôn thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước, giúp chúng ta giữ được ngọn lửa nghiên cứu cháy sáng và vẫn là một cánh cửa mở để nhìn vào thế giới ngày nay.

Chào đón người tị nạn

Đức Thánh Cha cảm ơn các giáo sư bởi vì bằng cách mở rộng biên giới, họ đã tạo ra một không gian chào đón cho nhiều người tị nạn bị buộc phải chạy trốn khỏi vùng đất của họ, giữa hàng ngàn nỗi bất an, những khó khăn to lớn và đôi khi là những đau khổ khủng khiếp.

Một nền văn hóa mở rộng các biên giới, không mang tính 'bè phái

Ngài nói rằng chúng ta cần "một nền văn hóa mở rộng các biên giới, không mang tính 'bè phái' hay đặt mình lên trên những nền văn hóa khác. Một nền văn hóa như men tốt ở trong thế giới, góp phần vào thiện ích của nhân loại. Nhiệm vụ này, 'niềm hy vọng lớn nhất' này, được giao phó cho anh chị em!"

Tạo ra một nền văn hóa hòa nhập, có lòng trắc ẩn

Cuối cùng, ngài mời gọi các giáo sư, như là những bụi gai bốc cháy để mặc khải Thiên Chúa, "Hãy giữ ngọn lửa này cháy mãi; hãy mở rộng các ranh giới! Hãy là những người không ngừng tìm kiếm sự thật và đừng bao giờ dập tắt niềm đam mê của mình, để không nhượng bộ trước sự lười biếng suy nghĩ. Hãy là những nhân vật chính trong việc tạo ra một nền văn hóa hòa nhập, lòng trắc ẩn, quan tâm đến những người yếu thế nhất khi anh chị em tìm cách vượt qua những thách thức lớn lao của thế giới chúng ta đang sống".

Sau khi ban phép lành cho những người tham dự cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đi xe mui trần đến Grote Markt, quảng trường chính của thành phố Leuven để chào khoảng 20 ngàn tín hữu chờ đợi được gặp ngài, trước khi trở về Tòa Sứ thần cách đó 27 km để dùng bữa và nghỉ đêm.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-gap-cac-giao-su-dai-hoc-tai-dai-hoc-cong-giao-leuve-41769.html