06/09/2024
61
ĐTC Phanxicô: Anh chị em là thành viên quý giá của Giáo hội này














 

ĐTC Phanxicô: Anh chị em là thành viên quý giá của Giáo hội này

Sau cuộc gặp liên tôn tại đền thờ Hồi giáo, Đức Thánh Cha đến trụ sở mới của Hội đồng Giám mục Indonesia để gặp khoảng một trăm người bệnh, người khuyết tật và người nghèo được nhiều tổ chức bác ái khác nhau hỗ trợ. Ngài gọi họ là “những ngôi sao sáng nhỏ trên bầu trời của quần đảo này”.

Vatican News

Đức Thánh Cha cũng đã chúc mừng Mikail, một thanh niên 18 mắc chứng tự kỷ nhẹ đã được chọn vào đội Đông Jakarta tham dự Thế vận hội bơi lội Paralympic. Ngài cũng mời mọi người vỗ tay vì “tất cả chúng ta đều được kêu gọi cùng nhau trở thành nhà vô địch về tình yêu trong Thế vận hội vĩ đại của cuộc sống”. Và sau đó Đức Thánh Cha chúc mừng sinh nhật một người mẹ lớn tuổi “không đến được, nằm liệt giường mà hôm nay bà tròn 87 tuổi!” và ngài cũng mời một tràng pháo tay chúc mừng bà và chỉ vào chiếc xe lăn ở hàng ghế đầu, nơi có ảnh của người phụ nữ.

Chứng từ của bà Mimi Lusli

Trong phần chứng từ, bà Mimi Lusli, người bị mất thị lực từ năm 17 tuổi, đã nói rằng bà tìm thấy niềm an ủi trên Đàng Thánh Giá, nơi bà gặp Chúa Giêsu, Đấng “không bỏ rơi tôi nhưng dạy tôi định hướng cuộc sống mà không cần đến thị giác thể lý”. Bà gọi đó là “ngọn hải đăng hy vọng của chúng ta” và nói chắc chắn rằng “Chúa đã tạo dựng con người với những khả năng độc đáo để làm phong phú thêm sự đa dạng của thế giới chúng ta và khuyết tật là một trong những khía cạnh độc đáo này”. Bà nhấn mạnh đến vai trò của Giáo hội “rất quan trọng trong việc đảm bảo phẩm giá của con người” và vì lý do này, với tư cách là người Công giáo, chúng ta cần đảm nhận trách nhiệm và “tích cực hỗ trợ quyền của người khuyết tật”.

Câu chuyện của Mikail

Mikail Andrew Nathaniel, 18 tuổi, được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ nhẹ và thiểu năng trí tuệ nhẹ. Anh nói với Đức Thánh Cha rằng “bố mẹ con yêu con vô điều kiện” và “cho con đến bác sĩ trị liệu và chuyên gia giỏi nhất thành phố”. Mikail muốn trở thành một người độc lập, và vì vậy ngoài việc được chọn vào đội Đông Jakarta tham dự Thế vận hội bơi lội Paralympic, anh cho biết anh đang tham gia một khóa học pha chế rượu và học guitar và trống.

Đức Thánh Cha đáp lời

Trong phần đáp lời, Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng “Thật tuyệt vời khi các giám mục Indonesia đã chọn cử hành 100 năm Hội đồng Giám mục của họ” với những người bệnh, người khuyết tật và người nghèo. Và ngài nói rằng ngài hoàn toàn đồng ý với những gì bà Mimi nói: “Chúa tạo dựng con người với những khả năng độc đáo để làm phong phú thêm sự đa dạng của thế giới chúng ta”.

Đức Thánh Cha cảm ơn về lời của bà Mimi rằng Chúa Giêsu là “ngọn hải đăng hy vọng của chúng ta”. Ngài nói rằng: “Cùng nhau đối diện với những khó khăn, tất cả đều làm hết sức mình, mỗi người mang đến sự đóng góp độc đáo của riêng mình, điều đó làm phong phú chúng ta và giúp chúng ta khám phá giá trị của việc từng ngày chúng ta ở bên nhau, trong thế giới, trong Giáo hội, trong gia đình”.

Tầm quan trọng của tình yêu thương nhau

Đức Thánh Cha kết luận: “Tất cả chúng ta đều cần nhau và đây không phải là điều tệ: thực tế, nó giúp chúng ta ngày càng hiểu rõ hơn rằng tình yêu là điều quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta, để nhận ra xung quanh có bao nhiêu người tốt”. Và hơn thế nữa, “Chúa yêu thương tất cả chúng ta biết bao, vượt trên mọi giới hạn và khó khăn. Mỗi người chúng ta là duy nhất trong mắt Thiên Chúa, và Người không bao giờ quên chúng ta: không bao giờ. Chúng ta hãy nhớ điều này để giữ cho niềm hy vọng của chúng ta được sống động và dấn thân không bao giờ mệt mỏi để biến cuộc sống của chúng ta thành một món quà cho người khác”.

Lời cầu nguyện của các thực tại bác ái

Cuộc gặp gỡ kết thúc với lời cầu nguyện được đọc bởi Đức cha Carmelite Henricus Pidyarto, giám mục phụ trách ủy ban phụng vụ. “Xin ban cho dân Chúa lòng trắc ẩn vô bờ, để họ có thể nhận ra Chúa là Cha yêu thương chúng con vô điều kiện. Xin Chúa thương trợ giúp chúng con, để khi hân hoan đón nhận niềm vui Tin Mừng từ Chúa, chúng con có thể phục vụ những anh chị em yếu đuối, bị gạt ra ngoài lề xã hội, đau khổ, bệnh tật và bị bỏ rơi”.

(Nguồn: RV)