31/10/2024
149
Điểm lại những sự kiện xảy ra trong tháng 10.2024























ĐIỂM TIN THÁNG 10.2024

Thực hiện: Vp. Truyền thông

 

TIN GIÁO PHẬN MỸ THO

1. Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ: Hành hương kính Các thánh Tử Đạo và kính Lòng Thương Xót Chúa

Bài viết và hình: Hoài Bão

BTT Gp. Mỹ Tho

(WGPMT) Chiều ngày 04.10.2024 có khoảng 1700 thành viên Hội Đồng Mục Vụ (HĐMV) Giáo xứ trong Giáo phận Mỹ Tho hành hương kính Các thánh Tử Đạo tại Trung tâm Hành hương (TTHH) Ba Giồng và kính Lòng Thương Xót Chúa (LTXC) tại Trung tâm Mục vụ (TTMV) - Giáo phận Mỹ Tho.

Lúc 13g45, các thành viên HĐMV và giáo dân từ các giáo xứ trong giáo phận đã đến TTHH Ba Giồng để kính viếng Cha thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu và các thánh Tử Đạo Việt Nam. Cha Phaolô Phạm Minh Thanh – Trưởng ban Giáo dân Giáo phận Mỹ Tho đã hướng dẫn cho các thành viên HĐMV hiểu rõ vai trò của mình trong Giáo Hội với 4 yếu tố: Ơn gọi, môi trường, tư cách và thái độ. Sau đó, đại diện HĐMV các giáo xứ cùng cung nghinh, thắp hương Cha thánh Phêrô và Các thánh Tử Đạo. Sau khi kính viếng Các thánh Tử Đạo xong, mọi người di chuyển đến TTMV kính LTXC.

Tại lễ đài TTMV, các thành viên cùng cha Phaolô lần chuỗi Mân Côi và cầu nguyện. Do trời mưa nên thánh lễ được diễn ra trong Nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình vào lúc 17g00 do Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho chủ sự. Đồng tế với ngài có cha Phaolô Trần Kỳ Minh - Tổng Đại diện, cha Phaolô Phạm Minh Thanh – Trưởng ban Giáo dân và 63 cha trong giáo phận. Tham dự thánh lễ còn có quý tu sĩ nam nữ, các thành viên HĐMV và giáo dân trong giáo phận.

Trước khi kết thúc thánh lễ, Đức Cha đã trao Ủy Nhiệm thư HĐMV cho các cha phụ trách, để các ngài trao lại cho các thành viên trong HĐMV của các hạt. Sau đó, Cha Phaolô có lời tri ân đến Đức Cha, cha Tổng Đại diện, quý cha và cộng đoàn đã hy sinh cùng tạo mọi điều kiện, để các thành viên HĐMV các giáo xứ trong giáo phận có một ngày hành hương thật tốt lành và sốt sắng. Ngài cũng cám ơn Đức Cha đã tận tình ký lần lượt từng tờ Ủy Nhiệm thư để bổ nhiệm các thành viên trong HĐMV của các giáo xứ.

Trong phần đáp từ, Đức Cha cũng bày tỏ niềm vui khi thấy sự hiện diện đông đảo của các thành viên HĐMV các giáo xứ. Ngài cũng giải thích cho các vị trong HĐMV ý nghĩa việc đón nhận sứ mạng mà Chúa đã trao cho. Đức Cha cũng cám ơn các vị trong HĐMV đã âm thầm và hy sinh đóng góp rất nhiều trong công việc mục vụ, cách riêng trong thánh lễ hành hương này được diễn ra trong trang nghiêm và sốt sắng.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 18g30.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-dan/hoi-dong-muc-vu-giao-xu-hanh-huong-kinh-cac-thanh-tu-dao-va-kinh-long-thuong-xot-chua-41793.html

 

 

2. Giáo điểm Tân Hoà: Làm phép nhà nguyện mới

Bài viết và hình ảnh: Anna Thuỳ Dương

BTT Giáo hạt Mỹ Tho.

(WGPMT) Sáng Chúa Nhật 06.10.2024 Giáo điểm Tân Hoà – Giáo xứ Thủ Ngữ hân hoan đón chào cha Phaolô Trần Kỳ Minh - Tổng Đại Diện Giáo phận Mỹ Tho và quý cha về tham dự lễ làm phép ngôi nhà nguyện mới.

Nhằm chăm lo đời sống cho giáo dân Giáo điểm Tân Hoà, đặc biệt là những người già yếu, bệnh tật có một ngôi nhà nguyện gần gũi để mọi người có thể tham dự thánh lễ, cha Phanxicô Xaviê Trương Quý Vinh – Cha sở Giáo xứ Thủ Ngữ đã tiến hành xây dựng ngôi nhà nguyện mới. Cô Maria Kim Sa - Giáo điểm Tân Hoà chia sẻ “Tâm trạng rất phấn khởi, vui mừng vì có ngôi nhà nguyện này giúp cho những người già yếu lớn tuổi đến được nhà thờ mà không phải đi xa, rất cảm kích và biết ơn cha sở Phanxicô Xaviê”.

Vào lúc 10g00 ngày 06.10.2024, cha Tổng Đại Diện chủ sự thánh lễ làm phép Nhà nguyện Tân Hoà, toạ lạc tại Ấp Tân Hoà, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Đồng tế với ngài có cha Giacôbê Hà Văn Xung - Quản hạt Mỹ Tho, cha Phanxicô Xaviê Trương Quý Vinh – Cha sở Giáo xứ Thủ Ngữ và quý cha trong hạt Mỹ Tho. Tham dự thánh lễ còn có bà con giáo dân Giáo xứ Thủ Ngữ và Giáo điểm Tân Hoà. Sau bài hát ca nhập lễ, cha Tổng Đại Diện làm phép và rảy nước thánh chung quanh nhà nguyện. Trong bài giảng cha chia sẻ: “Anh chị em không phải vui vì có một nơi thờ phượng nhưng chúng ta hãy vui vì tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thiên Chúa rất yêu thương con người nhưng kể từ khi nguyên tổ chúng ta phản nghịch, nghi ngờ và chối bỏ tình yêu Thiên Chúa thì tình yêu giữa Thiên Chúa và con người bị gián đoạn. Mặc dù Thiên Chúa vẫn yêu thương nhưng con người lại chối bỏ tình yêu thương, nhưng nhờ sự khiêm tốn, vâng phục của Đức Maria, tình yêu của Thiên Chúa và con người được nối kết qua Đức Giêsu Kitô, cho chúng ta được vinh dự làm con của Cha trên trời, được kết nghĩa yêu thương với Chúa Giêsu và sống hiệp thông trong Hội Thánh của Chúa”.

Sau Kinh Tin Kính là nghi thức làm phép bàn thờ và thánh lễ diễn ra như thường lệ. Sau lời nguyện hiệp lễ, một vị đại diện Giáo điểm Tân Hoà cám ơn quý cha và cộng đoàn “Sự hiện diện của quý cha là niềm vui và là sự khích lệ rất lớn cho chúng con. Xin Chúa ban nhiều ơn lành và trả công cho quý cha vì tình yêu thương đã dành cho Giáo xứ Thủ Ngữ nói chung và Giáo điểm Tân Hoà nói riêng”. Trong phần đáp từ, cha Tổng Đại Diện mời gọi “Anh chị em cố gắng đến nhà thờ, múc lấy tình thương của Chúa và chia sẻ cho những người xung quanh, những người chưa biết Chúa đó là những điều rất đẹp lòng Chúa. Xin Chúa chúc lành cho cha Sở, cha Phó và tất cả ông bà anh chị em”. Kết lời cha Tổng Đại Diện ban phép lành và kết thúc thánh lễ vào lúc 11g20.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/giao-diem-tan-hoa-lam-phep-nha-nguyen-moi-41799.html

 

 

3. Gx. Cao Lãnh: Rước kiệu mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi

Bài viết và hình: Maria Thảo Vi

BTT hạt Cao Lãnh - Gp. Mỹ Tho.

(WGPMT) Chiều ngày 06.10.2024 cộng đoàn Giáo xứ Cao Lãnh rước kiệu kính Đức Mẹ Mân Côi do cha Giuse Nguyễn Quang Vinh – Cha phó Giáo xứ Cao Lãnh chủ sự.

Trước khi cử hành thánh lễ chiều Chúa Nhật – lễ Đức Mẹ Mân Côi, Giáo xứ Cao Lãnh có giờ rước kiệu Đức Mẹ Mân Côi do cha Giuse Nguyễn Quang Vinh chủ sự. Tham dự nghi thức có cha Nicôla Nguyễn Tấn Hoàng – Cha sở Giáo xứ Cao Lãnh, ban Lễ sinh, các em Thiếu nhi Thánh Thể và đông đảo cộng đoàn giáo dân trong giáo xứ. Tượng Đức Mẹ Mân Côi được rước kiệu từ bên ngoài khuôn viên nhà thờ đi vào trong nhà thờ và được đặt cách trang trọng trên cung thánh. Sau đó, cộng đoàn cùng đọc kinh tôn kính Đức Mẹ Mân Côi để bước vào thánh lễ.

Trong bài giảng lễ, cha Giuse nói đến ơn gọi của Đức Maria và mời gọi cộng đoàn hãy noi gương Đức Mẹ: “Xin cho chúng ta hãy nhìn đến cuộc đời của chúng ta và nhìn lên Đức Mẹ, để chúng ta có thể học nơi Đức Mẹ, xin vâng như Mẹ và biết chấp nhận những gì mà Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta. Như thế chúng ta cũng sẽ giống như Đức Maria - Mẹ của chúng ta, đẹp lòng Thiên Chúa trong mọi lúc, mọi nơi và trong bất cứ hoàn cảnh nào trong cuộc đời”.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 18g00, mọi người được mừng lễ và rước kiệu tôn kính Mẹ Mân Côi lòng đầy hân hoan với ước mong sống đẹp lòng Chúa giống như Mẹ.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/gx-cao-lanh-ruoc-kieu-mung-le-duc-me-man-coi-41802.html

 

 

4. Gx. An Thái Trung: Mừng kỷ niệm 20 năm cung hiến nhà thờ và bổn mạng giáo xứ

Bài viết và hình: Anna Linh Phương

BTT hạt Cái Bè - Gp. Mỹ Tho

(WGPMT) Lúc 09g30 sáng Chúa nhật 06.10.2024 Giáo xứ An Thái Trung tổ chức thánh lễ tạ ơn mừng kỷ niệm lần thứ 20 cung hiến Nhà thờ Giáo xứ An Thái Trung và bổn mạng giáo xứ.

Cũng ngày này 20 năm trước vào ngày 07.10.2004, cộng đoàn Giáo xứ An Thái Trung đã vinh dự chào đón Đức cố Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc - Nguyên Giám mục Giáo phận Mỹ Tho, về chủ sự thánh lễ cung hiến ngôi thánh đường với tước hiệu Đức Mẹ Mân côi. Hôm nay, Chúa nhật 06.10.2024 cha Phêrô Nguyễn Thành Danh - Cha sở Giáo xứ An Thái Trung và 14 cha thân cận, quý soeurs phục vụ cộng đoàn và quý ân nhân, thân nhân cùng toàn thể dân Chúa trong giáo xứ cùng quy tụ về ngôi nhà thờ để hiệp dâng thánh lễ tạ ơn nhân dịp kỷ niệm 20 năm cung hiến nhà thờ và Bổn mạng giáo xứ.

Đôi nét về họ đạo An Thái Trung:

- Năm 1959 tu sĩ Bênêdictô Thái Văn Hoàng (bà con hay gọi là Ông Tư) được nhà dòng Kitô Vua sai đi truyền giáo với các tu sĩ ở vùng Đông Hòa, Bình Trưng, Vĩnh Kim và lần về Giồng Cát, Thuộc Nhiêu, Hữu Đạo, Mỹ Trung, cuối cùng dừng chân giảng đạo ở An Thái Trung tại đất nhà của ông bà Lê Văn Hòa.

- Ngày 27.11.1960 Giáo phận Mỹ Tho được thành lập, Đức cố Giám mục Giuse Trần Văn Thiện đã chính thức mời tu sĩ Bênêdictô Thái Văn Hoàng thành lập giáo điểm truyền giáo tại An Thái Trung. Dân vùng này hay gọi Thầy Hoàng là Ông Tư. Hiện tình lúc đó An Thái Trung chỉ có ba gia đình Công giáo: gia đình ông bà Lê Văn Hòa, gia đình ông bà Nguyễn Văn Lộc và gia đình ông bà Lê Văn Hanh, ở An Hữu có gia đình ông bà Lê Văn Phúc, gia đình ông bà Nguyễn Văn Cho và gia đình ông bà Tư Thái.

- Năm 1975, cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Tịnh về Cái Bè làm hạt trưởng, thỉnh thoảng ngài đi dâng lễ ở các họ đạo Cái Mây, Cái Thia, An Thái Trung và Hòa Hưng. Những năm tháng không có cha, Ông Tư đã mời quý cha ở Giáo phận Vĩnh Long qua dâng lễ.

- Ngày 23.5.1989 Đức cố Giám mục Anrê Nguyễn Văn Nam chính thức bổ nhiệm Cha Phêrô Nguyễn Văn Thành về làm Cha sở họ đạo An Thái Trung kiêm Hòa Hưng. Ngày 30.7.2003 Nhà thờ An Thái Trung được khởi công xây dựng và đến ngày 05.10.2004 được Đức cố Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc – nguyên Giám mục Giáo phận Mỹ Tho Cung hiến và khánh thành trọng thể dưới sự cầu bàu của Đức Mẹ Mân Côi là bổn mạng họ đạo.

Thánh lễ hôm nay được cha Phêrô Hồ Hoàng Vũ - Giám đốc Tiểu Chủng viện Philipphê Minh Vĩnh Long giảng lễ, ngài nói: “Thánh lễ hôm nay có ba sự kiện kỷ niệm 11 năm thụ phong linh mục của cha sở Phêrô, 20 năm Cung hiến nhà thờ, bổn mạng giáo xứ. Xin Đức Mẹ Mân Côi gìn giữ chở che nhà thờ và dân Chúa An Thái Trung, xin cho cộng đoàn giáo xứ biết siêng năng lần chuỗi như lời Mẹ dạy, biết cùng nhau tạ ơn Chúa vì những ơn lành Chúa ban trong thời gian qua, biết xin vâng đón nhận lời Chúa như Mẹ và đem Chúa đến cho mọi người xung quanh, biết sống yêu thương hiệp nhất làm cho giáo xứ ngày càng tiến triển. Muốn được như thế, mỗi người trong giáo xứ phải sống bác ái, yêu thương, hiệp hành và hiệp nhất với nhau như trong một gia đình”.

Trước khi kết thúc thánh lễ, vị đại diện giáo xứ nói lên niềm tri ân và kính nhớ đến: Ông Tư, người đã thành lập giáo xứ và đặt nền móng cho việc xây dựng nhà thờ 65 năm trước, cám ơn cha sở tiên khởi Phêrô Nguyễn Văn Thành đã đến đồng hành với giáo xứ 16 năm và xây dựng ngôi nhà thờ ấm cúng khang trang, Cám ơn cha Antôn Nguyễn Ngô Tri đã quản xứ 18 năm, ngài đã hoàn thiện các công trình phụ và tu sửa ngôi nhà thờ như ngày hôm nay, và cha sở hiện tại Phêrô Nguyễn Thành Danh - ngài đã cho xây dựng lễ đài đất thánh, lợp lại mái nhà thờ, nhà xứ, lát gạch khoảng sân… Từng thời kỳ, quý cha quản xứ đã có những xây dựng và sửa sang từ cơ sở vật chất đến đời sống thiêng liêng giúp họ đạo ngày càng thăng tiến.

Ước mong mỗi khi đến nhà thờ viếng Chúa, dâng lễ, mỗi kitô hữu sẽ được đón nhận dồi dào các ân sủng. Và khi trở về có Chúa cùng đồng hành, họ sẽ vững vàng trở nên viên đá sống động, trở thành ngôi đền thờ thiêng liêng xứng đáng cho Chúa ngự.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/gx-an-thai-trung-mung-ky-niem-20-nam-cung-hien-nha-tho-va-bon-mang-giao-xu-41804.html

 

 

5. Lễ giỗ 4 năm của cha cố Sylvestrô Nguyễn Văn Phương

(WGPMT) Chiều ngày 07.10.2024 cha Phaolô Trần Kỳ Minh - Tổng Đại Diện (TĐD) Giáo phận Mỹ Tho dâng thánh lễ cầu nguyện cho cha cố Sylvestrô Nguyễn Văn Phương dịp giỗ 4 năm tại Nhà thờ Nhật Tân, hạt Đức Hoà, Giáo phận Mỹ Tho.

Thánh lễ diễn ra lúc 18g00, đồng tế với cha TĐD có cha Antôn Nguyễn Xuân Hà – Cha sở Giáo xứ Nhật Tân cùng 10 cha trong giáo phận. Tham dự thánh lễ có quý tu sĩ, thân nhân cha cố cùng bà con giáo dân trong giáo xứ.

Cha cố Sylvestrô chịu chức linh mục năm 1976 có 44 năm làm linh mục phục vụ trong Giáo phận Mỹ Tho ở các giáo xứ: Hiệp Hoà 16 năm, Nhật Tân 14 năm, Rạch Thiên 11 năm, sau đó cha cố nghỉ hưu 2017 và an nghỉ trong Chúa vào ngày 07.10.2020.

Trong bài giảng lễ, cha TĐD chia sẻ: “Cuộc đời của mỗi người chúng ta đều chóng qua, nó như là một giấc chiêm bao, "kiếp phù sinh tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình" (Tv 103, 15-16). Thân phận con người của chúng ta đến giờ chết như một định luật không ai thoát được, dù có quyền thế hay tài năng cũng phải chấp nhận cái chết đến với mỗi người. Và cái chết để lại cho chúng ta biết bao đau thương, sợ hãi nhưng với niềm tin của người Kitô hữu, chúng ta có một người vượt qua cái chết, chiến thắng được sự chết đó là Đức Giêsu Ki-tô, Chúa của chúng ta. Ngài cũng chấp nhận một cái chết đau thương với thân phận con người như chúng ta, vì tội lỗi của chúng ta và để cứu rỗi chúng ta. Nhưng qua cái chết đó Ngài đã sống lại vinh hiển, Ngài đã mở đường cho những ai tin vào Ngài”. Qua đó, cha TĐD mời gọi mọi người: “dù gặp thử thách, khó khăn, đau khổ trong cuộc sống, nhưng đừng bao giờ đánh mất niềm tin của chúng ta vào Chúa và trao ban tình yêu đó cho mọi người, thì sự chết không là nỗi sợ hãi của chúng ta nữa”. Sau đó, cha TĐD chia sẻ thêm về cha cố Sylvestrô, “nhìn lại cuộc đời 44 năm linh mục, cha Sylvestrô đã hạnh phúc vì rất tận tụy cho Chúa và đoàn chiên. Như Thánh Gioan Maria Vianney nói rằng: “Hạnh phúc của đời linh mục là khi kiệt sức cho đoàn chiên của mình”. Trong niềm tin, chúng ta hãy hiệp ý cầu nguyện cho cha Sylvestrô, xin Chúa thứ tha những lỗi lầm thiếu xót. Nếu cha đã đẹp lòng Chúa rồi thì cha cầu nguyện cùng Chúa ban muôn ơn lành cho tất cả chúng ta.

Sau bài giảng, thánh lễ tiếp tục diễn ra như thường lệ với phần phụng vụ Thánh Thể.

Sau lời nguyện hiệp lễ, một vị đại diện giáo xứ bày tỏ tâm tình tri ân tới cha TĐD, quý cha, quý cộng đoàn đã không quản ngại đường xá xa xôi đến với Giáo xứ Nhật Tân để dâng thánh lễ cầu nguyện cho cha cố Sylvestrô. Cách đặc biệt, ông cảm ơn cha sở Giáo xứ Nhật Tân đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để thánh lễ diễn ra trong trang nghiêm và sốt sắng.

Nguyện xin Thiên Chúa thương xót linh hồn cha cố Sylvestrô và sớm đưa về hưởng nhan thánh Chúa muôn đời.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/le-gio-4-nam-cua-cha-co-sylvestro-nguyen-van-phuong-41815.html

 

6. Gx. Thánh Tâm: Thánh lễ nhận nhiệm sở của cha Phaolô Trần Chí Thanh

Bài viết: Maria Hải Yến

Hình: Stêphanô Quốc Dũng

BTT hạt Mỹ Tho.

(WGPMT) Chiều ngày 27.10.2024 Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Giám mục Giáo phận Mỹ Tho chủ sự thánh lễ nhận xứ của cha Phaolô Trần Chí Thanh – Cha sở Gx. Thánh Tâm – Gò Công, tọa lạc số 49 đường Nguyễn Trãi, phường 2, Tp. Gò Công, Tỉnh Tiền Giang.

Lúc 17 giờ 00 ngày 27.10.2024 tại Nhà thờ Thánh Tâm, Gò Công Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã chủ sự thánh lễ nhận xứ của cha Phaolô Trần Chí Thanh. Đồng tế với ngài có Phaolô Trần Kỳ Minh - Tổng Đại diện Giáo phận Mỹ Tho, cha Giacôbê Hà Văn Xung - Hạt trưởng Mỹ Tho và quý cha ở các giáo xứ lân cận. Hiệp dâng thánh lễ còn có quý tu sĩ, quý Soeurs, quý ân nhân, thân nhân của cha tân chánh xứ cùng cộng đoàn giáo dân trong và ngoài giáo xứ.

Mở đầu Thánh lễ cha Giacôbê Hà Văn Xung công bố Văn thư của Đức cha bổ nhiệm cha Phaolô Trần Chí Thanh làm cha sở, cha Gioan Baotixita Trần Phước Duy làm cha phó của Gx. Thánh Tâm - Gò Công được ký ngày 01.09.2024.

Sau đó, cha Phaolô Trần Chí Thanh nhận Văn thư bổ nhiệm và tiến lên bàn thờ đặt tay lên sách Tin Mừng tuyên xưng đức tin, thề hứa trung thành với Giáo hội.

Trong bài giảng, Đức cha Phêrô đã chia sẻ ba điều về người linh mục:

Thứ nhất: Linh mục được sai về làm cha sở của một giáo xứ chính là để quy tụ Dân Chúa. Quy tụ chứ không phải là phân tán, liên kết chứ không phải là chia rẽ. Trong một cộng đoàn giáo xứ đông người mỗi người có những ý kiến khác nhau, những sở thích, suy nghĩ và nhận định khác nhau nhưng làm sao linh mục phục vụ cộng đoàn phải giúp mọi người trong cộng đoàn biết vượt lên trên những khác biệt đó để liên kết với nhau, quy tụ mọi người thành gia đình của Chúa bằng cách đem ánh sáng lời Chúa đến cho cộng đoàn qua các bí tích mà Chúa đã thiết lập.

Thứ hai: Người linh mục phải có lòng thương xót của Chúa, đến với cộng đoàn bằng tình yêu thương. Yêu thương tất cả mọi người không trừ một ai nhất là những người gặp thử thách khổ đau về phần xác cũng như phần hồn, vật chất cũng như tình cảm.

Thứ ba: Linh mục phải xây dựng một giáo xứ hiệp nhất và bình an. Và việc này không phải chỉ của riêng linh mục mà của tất cả anh chị em. Mỗi giáo dân trong giáo xứ phải cố gắng hướng tới cái chung, cùng nhìn về một hướng, bởi yêu nhau không phải là nhìn nhau mà là cùng nhau nhìn về một hướng, phải biết chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau để cùng nhau xây dựng giáo xứ ngày một tốt đẹp hơn. Cùng nhau làm chứng cho Tin Mừng của Chúa ở Giáo xứ Thánh Tâm - Gò Công thân yêu này.

Sau bài giảng nghi thức nhậm chức cha sở. Đức cha đưa cha sở mới đến những nơi liên hệ tới tác vụ linh mục của ngài như: ngồi Ghế tòa giải tội, Ghế chủ sự, mở cửa Nhà Tạm và xông hương Mình Thánh Chúa.

Sau lời nguyện Hiệp lễ, vị đại diện giáo xứ có lời tri ân đến Đức Cha Phêrô đã yêu thương gửi đến giáo xứ vị cha sở mới. Đồng thời, ông đại diện cho mọi người trong giáo xứ hứa sẽ hết lòng cộng tác với cha sở mới trong công tác mục vụ.

Cha sở mới cũng có lời tạ ơn Chúa, cảm ơn Đức Cha luôn yêu thương, tin tưởng trao cho cha sứ vụ mới. Cha cảm ơn cha Tổng đại diện, Cha Hạt trưởng, quý cha đồng tế, quý tu sĩ và quý khách đã đến hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho cha và giáo xứ. Ngài cũng tha thiết mời gọi cộng đoàn sốt sắng tham dự thánh lễ cùng nhau xây dựng giáo xứ hiệp nhất yêu thương theo gương thầy Giêsu chí thánh.

Thánh lễ kết thúc lúc19g00, Đức Cha, quý cha cùng chụp hình lưu niệm với cha sở mới tại cung thánh.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/gx-thanh-tam-thanh-le-nhan-nhiem-so-cua-cha-phaolo-tran-chi-thanh-41911.html

TIN GIÁO HỘI VIỆT NAM

1. Caritas Việt Nam: Hội nghị thường niên 2024 – ngày I

Uỷ Ban Bác Ái Xã Hội (UBBAXH) - Caritas Việt Nam trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tổ chức Hội Nghị Thường Niên 2024 tại Toà Giám mục Xuân Lộc với chủ đề: “Như Thầy Yêu Thương” (x. Ga 13,34) từ ngày 30 tháng 9 đến ngày 03 tháng 10 năm 2024.

Xuyên suốt Hội nghị có sự hiện diện của Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu, Giám mục Giáo phận Bùi Chu, Chủ tịch UBBAXH - Caritas Việt Nam; Linh mục Marcello Đoàn Minh, Thành viên Hội đồng Quản Trị Caritas Việt Nam cũng là Đại diện Giáo tỉnh Huế; quý cha Giám đốc và phó Giám đốc Caritas 27 Giáo phận và nhân viên Văn phòng Caritas Việt Nam.

Lúc 5g30 sáng ngày 01 tháng 10, sau cử hành phụng vụ Giờ Kinh sáng là Thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho Hội nghị, cho Sứ vụ Bác ái của Caritas Việt Nam do Đức cha Tôma chủ tế.

Đúng 8g00, sau phần giới thiệu và chào đón quý Đại biểu, đặc biệt quý cha Tân Giám đốc, Phó Giám đốc Caritas các Giáo phận cũng như nhân viên mới của Văn phòng Caritas Việt Nam, Hội nghị đã dành thời gian trong ngày cho việc tập huấn với đề tài “Phát triển Tổ chức và Nâng cao Năng lực với CIMS” (Caritas International Management Standards - Tiêu Chuẩn Quản trị của Liên đoàn Caritas Quốc tế) do cha Marcello Đoàn Minh phụ trách. Trong phần này, cha nêu bật những yếu tố then chốt để phát huy tổ chức và nâng cao năng lực. Tiếp đến, cha hướng dẫn cách tiếp cận công cụ đánh giá ORT – (Organisational Review Tool), nhờ đó các thành viên Caritas biết được hiện trạng và lập kế hoạch phát triển cho Caritas của mình.

Lúc 16g00, Hội nghị hành hương đến kính viếng Đức Mẹ Núi Cúi trong tâm tình con thảo và được Đức ông Vinh sơn Đặng Văn Tú thuyết trình bao quát về khu Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Núi Cúi. Nhân dịp mừng kỷ niệm 20 năm thụ phong Giám mục của Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Nguyên Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, đại diện đoàn Hội nghị, Đức cha Tôma đã chúc mừng và tỏ lòng tri ân Đức cha Đaminh - Nguyên Chủ tịch UBBAXH – Caritas Việt Nam, ngài đã có công rất lớn trong việc tái lập Caritas Việt Nam năm 2008.

Hội nghị kết thúc ngày làm việc thứ nhất trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và phó thác nơi sự che chở của Đức Mẹ Núi Cúi cũng như niềm vui chia sẻ của đại gia đình Caritas Việt Nam.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/caritas-viet-nam-hoi-nghi-thuong-nien-2024--ngay-i-41782.html

 

 

2. Caritas Việt Nam: khai mạc Hội Nghị Thường Niên 2024 - ngày II

BTT - Caritas Việt Nam

Thứ Tư, ngày 02 tháng 10, Hội nghị hân hoan chào đón thêm sự hiện diện của Đức ông Vinh Sơn Đặng Văn Tú, Nguyên Tổng đại diện Gp. Xuân Lộc; quý cha trong Giáo phận Xuân Lộc; quý Bề trên các Dòng tu nam nữ và quý khách...

Vào lúc 8g00, Đức cha, quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, quý Đại biểu và quý khách qui tụ tại Nhà nguyện TGM. Xuân Lộc để tham dự Thánh lễ Khai mạc do Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu, Giám mục Gp. Bùi Chu - Chủ tịch Uỷ Ban Bác Ái Xã Hội – Caritas Việt Nam chủ tế. Trong bài giảng, Đức cha chia sẻ về tình yêu của Đức Kitô, và mời gọi mọi người Yêu như Chúa Giêsu đã yêu. Qua bài đọc I, trích từ thư 1Cr 13, 1-13 hay được gọi là Bài ca Đức ái, thánh Phaolô cho thấy Đức ái là trên hết, là ơn cao trong nhất; mọi sự rồi sẽ qua đi, chỉ còn tình yêu tồn tại. Tình yêu thúc bách mọi Kitô hữu, nhất là đối với các thành viên Caritas trong việc thực thi sứ vụ bác ái. Tình yêu được cụ thể hoá bằng hành động như trong bài Tin mừng Ga 13, 1-15, Đấng là Thầy và là Chúa mà cúi mình rửa chân cho các môn đệ, Đấng nêu gương cho các môn đệ bằng tình yêu vô điều kiện.

Sau thánh lễ, tại hội trường, Đức cha Tôma đọc diễn văn khai mạc với chủ đề: “Như Thầy Yêu Thương” (x. Ga 13,34). Trong bài diễn văn, Đức cha đã nhấn mạnh đến tình yêu của Đức Kitô, Đấng đã làm tất cả để bày tỏ cho con người thấy thế nào là yêu. Yêu bằng cách hiến tế, bằng cách cúi mình rửa chân, bằng cách ở lại với con người qua Bí tích Thánh Thể, và bằng việc ở lại với con người cho đến tận thế… Các thành viên Caritas cũng được mời gọi sống thực hành tình yêu một cách vô vị lợi, đặt mình vào chỗ thấp nhất để rửa chân cho nhau. Bắt nguồn từ tình yêu của Đức Kitô, bằng sự khiêm nhường, bằng tình yêu, và hết tình phục vụ anh chị em nghèo khổ.

Lúc 11g00, Hội nghị vui mừng chào đón các vị khách Chính quyền trung ương và địa phương. Đức cha Tôma đã chào đón và ngỏ lời cảm ơn đối với Ban Tôn giáo Chính phủ cũng như các cấp lãnh đạo của tỉnh Đồng Nai và thành phố Long Khánh đã tạo mọi điều kiện để Caritas Việt Nam thực hiện sứ vụ bác ái cách tốt đẹp.

Dẫn đoàn, ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ bày tỏ niềm vui trong tình thân hiện diện với Hội nghị. Trong phần phát biểu, ông nêu cao tinh thần bác ái như là một phần không thể thiếu trong việc Loan Báo Tin Mừng và Cử hành Bí Tích. Caritas Việt Nam đã lan toả tình yêu của Chúa cho những người yếu thế bằng những việc bác ái cụ thể, kể cả việc quan tâm đến môi trường. Đó là lối sống nhân văn, là tình người “lá lành đùm lá rách”, đặc biệt trong năm vừa qua, Đất nước đã trải qua rất nhiều khó khăn (cơn bão Yagi). Ông cũng chúc cho công việc bác ái của Caritas ngày một mở rộng và lan toả.

Buổi chiều, Hội nghị dành thời gian thảo luận theo Giáo tỉnh về các hoạt động bác ái trong năm 2023 mà các Caritas Giáo phận đã thực hiện, từ đó rút ra những bài học để các hoạt động bác ái có thể phát triển và mang lại những giá trị bền vững cho người nghèo và người yếu thế.

Ngày làm việc thứ hai của Hội nghị khép lại sau giờ Kinh chiều.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/caritas-viet-nam-khai-mac-hoi-nghi-thuong-nien-2024---ngay-ii-41791.html

 

 

3. Nghi Thức Tuyên Xưng Đức Tin của Đức Giám Mục Tân Cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh Ngày 08/10/2024

WHĐ (08/10/2024) – Vào lúc 17g00 thứ Ba ngày 08/10/2024, tại nhà nguyện Tòa Giám mục Xuân Lộc, Đức Giám mục tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh đã tuyên xưng đức tin và tuyên thệ trung thành với Giáo Hội.

Hiện diện trong buổi tuyên xưng đức tin này có Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, 4 vị Tổng Giám mục (của các Tổng Giáo phận: Hà Nội, Huế và Sài Gòn), 12 giám mục, một số linh mục, tu sĩ, chủng sinh, các thân nhân và nhiều giáo dân của các giáo phận khác nhau.

Lãnh ý của Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski - Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức Giám mục Gioan Đỗ Văn Ngân - Giám mục Chính tòa giáo phận Xuân Lộc - sẽ chứng kiến Đức Giám mục tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh tuyên xưng đức tin và tuyên thệ trung thành với Giáo hội Công giáo và Đức Giáo Hoàng.

Phụng vụ Giờ Kinh Chiều

Lúc 17g00, đoàn rước tiến lên cung thánh. Sau đó, Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản đã long trọng chủ sự Phụng vụ Giờ Kinh Chiều.

Nghi thức Tuyên xưng Đức tin

Nghi thức Tuyên xưng Đức tin được cử hành long trọng trong Phụng vụ Giờ Kinh Chiều.

Sau khi cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa, Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản đã xác định về vai trò của Giám mục phụ tá, đặc biệt nơi Giáo phận Xuân Lộc. Ngài xin cộng đoàn cầu nguyện cho vị Giám mục Tân cử Đaminh và cộng tác với ngài để làm phát sinh nhiều hoa trái cho Giáo hội và xã hội.

Tiếp theo, Đức Giám mục tân cử Đaminh tuyên xưng đức tin với Kinh Tin Kính, tuyên thệ sẽ thực thi mọi điều luật của Chúa và luật Giáo hội, cùng làm hết sức để chu toàn chức vụ được giao phó cách tốt nhất, đồng thời tuyên thệ luôn trung thành với Giáo hội.

Dứt lời, Đức Giám mục tân cử tiến lên đặt tay trên Sách Thánh và đọc: “Vì vậy, xin Thiên Chúa và các sách Tin Mừng tôi đặt tay đây giúp sức cho tôi.”

Phụng vụ Giờ Kinh chiều tiếp tục với Thánh ca Tin Mừng.

Để tạ ơn Chúa đã ban cho giáo phận Xuân Lộc thêm một vị mục tử, tất cả cộng đoàn đã hân hoan dâng lên Chúa lời ca “Magnificat” trong khi vị Chủ sự xông hương Thánh giá, Bàn thờ và vị Phó tế xông hương cộng đoàn.

Nghi thức ký Bản Tuyên xưng Đức tin và Tuyên thệ trung thành.

Đức Giám mục tân cử Đaminh, Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản và Đức Giám mục Gioan Đỗ Văn Ngân, đã lần lượt ký tên vào Bản tuyên xưng Đức tin mà vị Giám mục tân cử vừa đọc.

Nghi thức Tuyên xưng Đức tin của Đức Giám mục tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh đã kết thúc lúc 17g45. Cộng đoàn cùng dâng lời tạ ơn Chúa qua bài hát “Tạ ơn Chúa với Mẹ”.

Tiểu sử Đức Giám mục tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh

- Sinh ngày 09/04/1972 tại Tam Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai, thuộc giáo xứ Bùi Thái, giáo hạt Tân Mai

- 1990 – 1997: Tu sinh của giáo phận Xuân Lộc

- 1997 – 2003: Tu học tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn

- 2003 – 2005: Giúp giáo xứ Hiền Hòa, Giáo phận Xuân Lộc

- Ngày 29 tháng 09 năm 2005: Được Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm truyền chức Phó tế tại nhà thờ Chính tòa giáo phận Xuân Lộc

- Ngày 30 tháng 09 năm 2005: Được Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh truyền chức Linh mục tại nhà thờ Chính tòa giáo phận Xuân Lộc

- 2006 – 2013: Du học tại Pháp

- 2013: Tốt nghiệp học vị Thạc sĩ Thần học Luân lý tại Institut Catholique de Paris

- 2013 – 2016: Giáo sư môn Thần học Luân lý tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc

- 2016 – 2020: Du học tại Philippines

- 2016 – 2018: Học Chương trình Tiến sĩ Thần học Luân lý tại Loyola School of Theology, Ateneo, Philippines

- 2019: Tham dự các khóa Đào tạo dành cho các nhà Đào tạo tại Emmaus Center, Ateneo

- 2020: Tham dự khóa Canh tân đời sống Linh mục tại Galilee Center, Tagaytay, Philippines

- Từ 2021 đến nay: Giáo sư Thần học Luân lý tại ĐCV Thánh Giuse Xuân Lộc.

- Từ ngày 03 tháng 03 năm 2021 đến nay: Linh mục Tổng Đại diện giáo phận Xuân Lộc

- Ngày 24 tháng 08 năm 2024: Được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá giáo phận Xuân Lộc.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/nghi-thuc-tuyen-xung-duc-tin-cua-duc-giam-muc-tan-cu-daminh-nguyen-tuan-anh-ngay-08102024-41817.html

 

 

4. Thánh Lễ Truyền Chức Giám Mục cho Đức Cha Tân Cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 09/10/2024

WHĐ (09/10/2024) - Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh, được cử hành vào lúc 07g30 thứ Tư ngày 09/10/2024 tại Tòa Giám mục Xuân Lộc.

Hiện diện trong Thánh lễ này có: Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski - Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam; Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam; Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn; 27 vị trong Giám mục đoàn Việt Nam; khoảng 450 linh mục; cùng khoảng 15 ngàn người, gồm rất đông tu sĩ, chủng sinh, thân nhân Đức cha Tân cử và giáo dân của nhiều giáo phận.

Khởi sự Thánh lễ Truyền chức Giám mục

Lúc 07g25, vị linh mục đại diện Giáo phận Xuân Lộc đã chào mừng các vị giám mục đang hiện diện và trình bày đôi nét về Giáo phận Xuân Lộc trước khi đoàn đồng tế tiến lên lễ đài.

Khởi sự Thánh lễ, Đức Giám mục chủ tế Gioan Đỗ Văn Ngân - Giám mục chính tòa Giáo phận Xuân Lộc - đã ngỏ lời chào mừng mọi người, đồng thời xin cộng đoàn cầu nguyện cho vị Tân Giám mục Phụ tá Giáo phân Xuân Lộc.

Nghi thức Truyền chức Giám mục

Sau bài Tin mừng của Thánh lễ là Nghi thức Truyền chức Giám Mục, với vị Chủ phong là Đức Giám mục Gioan Đỗ Văn Ngân, và 2 vị Phụ phong là Đức Giám mục Tôma Aquinô Vũ Đình Hiệu - Giám mục Giáo phận Bùi Chu - và Đức Giám mục Gioan Baotixita Nguyễn Huy Bắc - Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột.

Nghi thức khởi sự với bài hát xin Ơn Chúa Thánh Thần (Veni Creator Spiritus), Lời giới thiệu tiến chức và Lời công bố Tông sắc bổ nhiệm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Tiếp theo là bài chia sẻ Lời Chúa của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh. Gợi ý từ hai chữ “Xuân Lộc”, Đức Tổng Giuse đã nói về lịch sử nơi này: nhờ các vị chủ chăn tài đức và giáo dân nhiệt thành, giáo phận này đã vượt qua những khó khăn để làm cho vùng đất này lúc nào cũng tràn trề “lộc Xuân”, lúc nào cũng là mùa Xuân.

Chia sẻ về khẩu hiệu của Đức cha tân cử Đaminh, “Nguyện ý Chúa nên trọn”, cũng là câu kết của Bài đọc II, Đức Tổng Giuse cho thấy: Thánh Phaolô đã cương quyết đi Giêrusalem, cho dù đó là nơi nguy hiểm; đó cũng là con đường của Chúa Cứu Thế đã đi để làm nên “mùa Xuân cứu độ”.

Kết thúc bài giảng, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh cầu xin Thánh Giuse - Bổn mạng Giáo phận Xuân Lộc - phù hộ cho mọi người mãi mãi bình an, như hình tượng Thánh Giuse ngủ. Ngài nhắn nhủ: “Mỗi người trở về sau Thánh lễ này, hãy là mùa Xuân nho nhỏ, để từ đó biến Giáo phận, biến Giáo hội thành một mùa Xuân vĩ đại.”

Nghi thức Truyền chức tiếp tục với các nghi thức:

- Thẩm vấn cùng với lời hứa của Tiến Chức; Kinh cầu Các Thánh (Tiến chức phủ phục trong khi cộng đoàn cầu nguyện cùng Chúa và các Thánh cho Tiến chức);

- Nghi thức chính yếu: các Giám mục đặt tay trên đầu Tiến chức; vị Chủ phong đặt sách Tin Mừng trên đầu Tiến chức; vị Chủ phong đọc lời nguyện truyền chức;

- Nghi thức diễn nghĩa: xức dầu thánh; trao nhẫn giám mục; đội mũ Mitra; trao gậy mục tử; vị Tân chức ngồi vào ghế giám mục; vị Tân chức được các Giám mục trao hôn bình an để gia nhập Giám mục đoàn.

Thánh lễ được nối tiếp với vị chủ tế là Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân.

Cuối Thánh lễ, Đức tân Giám mục Đaminh đi đến các khu vực cộng đoàn tham dự Thánh lễ để ban phép lành.

Các lời chúc mừng

1/ Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski - Đại diện Toà Thánh - cảm ơn và chúc mừng Đức Tân Giám mục Vinh Sơn. Ngài tin tưởng rằng, nhờ lời nguyện cầu của cộng đoàn, Thánh Thần Chúa sẽ ban cho Đức cha Đaminh đầy sức mạnh và tình thương của Chúa để chu toàn sứ vụ Chúa trao.

2/ Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam - bày tỏ niềm vui vì Giáo phân Xuân Lộc có thêm vị mục tử đáp ứng nhu cầu phát triển của Giáo phận này. Nhờ truyền thống hiệp thông trong Giáo phận Xuân Lộc, Đức Tổng đã cầu mong cho khẩu hiệu của Tân Giám mục được nên trọn.

3/ Linh mục Đaminh Ngô Công Sứ - là vị điều hành Hội Đồng linh mục Xuân Lộc - đã đại diện cộng đoàn dân Chúa giáo phận chúc mừng, bày tỏ lòng quý mến và hứa hiệp hành với Tân Giám mục phụ tá Giáo phận Xuân Lộc - vị Giám mục thứ 9 lớn lên và phục vụ trong Giáo phận này. Ngài cũng cảm ơn bà cố Maria Nguyễn Thị Mài và gia đình đã luôn theo bước chân người con suốt quãng đời dâng hiến cho Chúa và Giáo hội.

Đáp từ, Đức tân Giám mục ngỏ lời cảm ơn mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận và khắp nơi. Ngài chia sẻ những cảm nhận sâu sắc trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, mong cho ý Chúa nên trọn và danh Chúa được tôn vinh trong suốt cuộc đời của ngài, đặc biệt trong sứ vụ giám mục vừa được Chúa trao phó.

Thánh lễ kết thúc lúc 10g30 trong niềm vui lớn lao của Giáo hội Việt Nam khi có thêm một vị giám mục mới. Trong niềm vui này, Giám mục đoàn, các linh mục, cùng nhiều đoàn hội, thân nhân, đã chụp hình kỷ niệm tại Lễ đài, và cùng hiệp thông trong bữa cơm thân mật tại khuôn viên Tòa Giám mục Xuân Lộc.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/thanh-le-truyen-chuc-giam-muc-cho-duc-cha-tan-cu-daminh-nguyen-tuan-anh-ngay-09102024-41818.html

 

 

5. Tổng Thống Ucraina được tiếp kiến lần thứ ba tại Vatican

Đến Vatican hơi muộn, được hộ tống bởi nhiều phương tiện trong một chiếc xe bọc thép ở Rôma, nguyên thủ quốc gia Ucraina đã được Đức Phanxicô tiếp đón lần thứ ba vào thứ Sáu tuần này, ngày 11 tháng 10 tại Dinh Tông Tòa. Vào cuối cuộc nói chuyện kéo dài 35 phút, Volodymyr Zelensky đã tặng Đức Thánh Cha một bức tranh về vụ thảm sát Boutcha như một món quà. Sau đó, tổng thống đã nói chuyện với các thành viên của Phủ Quốc vụ khanh về cách đạt được “nền hòa bình công bằng và ổn định” ở Ucraina.

Sự kinh hoàng của Boutcha đã được tổng thống Ucraina nhấn mạnh trong buổi tiếp kiến do Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho Tổng thống Volodymyr Zelensky vào sáng thứ Sáu 11/10/2024. Tổng thống Ucraina, sau cuộc gặp riêng kéo dài khoảng 35 phút trong phòng thư viện, đã tặng Đức Thánh Cha một bức tranh sơn dầu vẽ một bé gái tên Marichka, với đôi mắt lờ đờ, chiếc khăn quàng cổ và chiếc áo khoác màu nâu, đã chứng kiến cảnh binh lính Nga giết hại gia đình mình trước mắt mình. Đứa trẻ tưởng tượng đại diện cho tất cả cư dân Boutcha đã phải chứng kiến cảnh cướp bóc, tra tấn, bắt cóc hoặc hãm hiếp, kể cả trẻ vị thành niên. Hai năm trước, hơn 630 thường dân đã bị thảm sát tại thị trấn nhỏ cách Kiev vài cây số về phía bắc; một vụ thảm sát mà chính quyền Ucraina mô tả là “diệt chủng” và họ đã yêu cầu Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra kỹ lưỡng. Một tập tài liệu tái hiện lại các sự kiện một cách chi tiết kèm theo bức tranh.

Bằng cách dâng tác phẩm này cho Đức Giáo hoàng, Tổng thống Volodymyr Zelensky muốn một lần nữa thu hút sự chú ý của thế giới về những hành động tàn bạo mà người dân của ông đã trải qua. Một dân tộc trong hơn hai năm rưỡi đã hy vọng hòa bình. Hòa bình là “một bông hoa mỏng manh”, dòng chữ khắc trên đồng được Đức Giáo hoàng tặng cho nhà lãnh đạo Ucraina.

Kêu gọi giúp đỡ tù nhân Ucraina

Trong cuộc nói chuyện, việc trao trả các tù nhân Ucraina về nước cũng đã được đề cập. “Đối với tất cả chúng tôi ở Ucraina, vấn đề những người bị bắt và trục xuất vẫn là một vấn đề vô cùng đau đớn. Đây là những người lớn và trẻ em, nhiều thường dân hiện đang bị giam giữ trong các nhà tù và các trại ở Nga”. Trên kênh Telegram của ông, rồi trên mạng xã hội, Tổng thống Zelensky gợi lên cái chết hai hai ngày trước của Viktoria Roshchina, một nhà báo tự do 27 tuổi, tại một nhà tù ở Nga trong những hoàn cảnh vẫn chưa được làm rõ. “Chúng tôi trông cậy vào sự giúp đỡ của Tòa Thánh để mang những người Ucraina bị Nga bắt làm tù binh trở về,” nhà lãnh đạo viết sau cuộc tiếp kiến với Đức Thánh Cha Phanxicô. Yêu cầu giúp đỡ này được đưa ra sau lời kêu gọi hồi năm ngoái về việc trao trả hàng ngàn trẻ vị thành niên Ucraina bị đưa bằng vũ lực về Nga.

Buổi tiếp kiến thứ ba

Lần thứ ba sáng 11/10, khoảng 9g45, Volodymyr Zelensky bước qua ngưỡng cửa của Dinh Tông Tòa. Năm 2020, đại dịch Covid-19 chưa bùng phát trên toàn cầu và căng thẳng ở Ucraina chỉ giới hạn ở phía đông nước này. Vào tháng 5 năm 2023, tổng thống Ucraina đã được tiếp kiến một năm rưỡi sau khi Nga bắn tên lửa đầu tiên vào đất Ucraina. Sau đó, Đức Giáo hoàng và Tổng thống đã gặp nhau vào tháng 6 năm ngoái trong hội nghị thượng đỉnh G7 ở Borgo Egnazia. Volodymyr Zelensky là một trong những người đầu tiên gặp Đức Giáo hoàng, người đã chủ trì một loạt mười cuộc nói chuyện song phương từ sáng đến tối với các nhà lãnh đạo có mặt tại hội nghị thượng đỉnh ở Puglia. Trong khi đó, trong suốt những tháng này, đã có những liên lạc qua điện thoại, thư từ, cuộc gọi, chuyến công tác của Đức Hồng y Zuppi và chuyến đi tháng 7 của Ngoại trưởng Pietro Parolin tới Ucraina.

Đối thoại kín

Do đó, hôm nay sẽ có một buổi tiếp kiến mới trong một buổi sáng đầy những cuộc gặp gỡ đối với Đức Thánh Cha, người cũng đã tiếp kiến Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez vào khoảng 9 giờ sáng. Volodymyr Zelensky đến ngay sau đó, với một chút chậm trễ, được hộ tống bởi một hàng xe rất dài băng qua Via della Conciliazione và Piazza Pio XII, cả hai con đường đều được phong tỏa và che chắn, giữa cảnh sát và binh lính, những người đã tiến hành một cuộc rà soát chống khủng bố khắp khu vực sáng nay.

Không có phù hiệu nào như quốc huy hay cờ xuất hiện trên xe của tổng thống Ucraina, người sau khi đi qua Quảng trường Thánh Phêrô và Vòm Chuông, đã đến sân Thánh Damase lúc 9g40 sáng. Tổng thống đã được chào đón bởi Nhiếp chính Phủ Giáo hoàng, Đức ông Leonardo Sapienza, và các Quý ông của Đức Thánh Cha. Volodymyr Zelensky sau đó đi lên phòng thư viện của Dinh Tông Tòa nơi Đức Phanxicô đang đợi ông. Một cái bắt tay, một số câu nói vui vẻ ban đầu, sau đó là cuộc trò chuyện sau những cánh cửa đóng kín kéo dài hơn nửa giờ, cho đến 10g20 sáng, về các chủ đề chiến tranh và hòa bình cho Ucraina, một đất nước mà Đức Thánh Cha luôn gọi là “bị dày xéo”.

Trong quá trình trao đổi quà tặng truyền thống, Đức Thánh Cha, ngoài tác phẩm điêu khắc bằng đồng “Hòa bình là một bông hoa mỏng manh”, đã gửi tặng Tổng thống Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2024, một Sứ điệp bàn về trí tuệ nhân tạo, có nguy cơ làm trầm trọng thêm “sự sự điên rồ của chiến tranh”. Sau đó là các tập tài liệu của Đức Giáo hoàng, cuốn sách về buổi cầu nguyện Statio Orbis ngày 27 tháng 3 năm 2020, do Libreria Editrice Vaticana xuất bản, và tập sách cũng do LEV xuất bản “Bị bách hại vì sự thật, người Công giáo Hy Lạp Ucraina đằng sau Bức màn sắt” (Persecuted for Truth, Ukrainian Greek Catholics behind the Iron Curtain). Đây là một album ảnh màu, kết quả của dự án nghiên cứu của Viện Lịch sử của Giáo hội thuộc Đại học Công giáo Ucraina về đời sống thầm lặng của Giáo hội Công giáo-Hy Lạp Ucraina, nhằm ghi lại di sản của các vị tử đạo và và những người tuyên xưng đức tin, nổi tiếng nhất, ít được biết đến, vô danh.

Một nền hòa bình công bằng và ổn định

Sau khi chào mừng phái đoàn – 9 thành viên, trong đó có Đại sứ Ucraina tại Tòa thánh, Andrii Yurash, và người đứng đầu Nội các của Tổng thống Ucraine, Andrij Jermak – Tổng thống Zelensky đã đến Phủ Quốc vụ khanh để gặp Đức Hồng y Parolin và Đức cha Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng ngoại giao Tòa Thánh.

Một tuyên bố từ Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết: “Các cuộc trao đổi tại Phủ Quốc vụ khanh tập trung vào tình trạng chiến tranh và tình hình nhân đạo ở Ucraina, cũng như các phương tiện để chấm dứt tình trạng này, nhằm hướng tới một nền hòa bình công bằng và ổn định ở đất nước này. Ngoài ra, một số vấn đề liên quan đến đời sống tôn giáo trong nước cũng đã được xem xét”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/tong-thong-ucraina-duoc-tiep-kien-lan-thu-ba-tai-vatican-41839.html

 

 

6. Lá thư gửi người khao khát trở thành linh mục

Mục đích đầu tiên của việc tìm kiếm chức linh mục là ở trong sự hiện diện của Đức Kitô. Ơn gọi chỉ có ý nghĩa khi chúng ta luôn gắn bó với Người, với mầu nhiệm, sự thật và Giáo hội của Người.

WHĐ (21/10/2024)Tôi biết ơn bạn vì đã liên lạc. Ngày nay, khi có đám mây mờ đang che phủ Giáo hội, chắc chắn sẽ không ít người nghĩ rằng bạn thật kỳ lạ khi nghĩ đến chức linh mục. Có thể cũng có những người khác lại khen ngợi bạn vì sự anh hùng. Thực ra cả hai phản ứng này đều quá đáng. Đối với một thanh niên Công giáo nhiệt thành trong đức tin của mình thì suy nghĩ nghiêm túc về việc trở thành linh mục là điều bình thường và hợp lý. Vấn đề là, nếu bạn có ơn gọi trở thành linh mục, bạn nên mở lòng đón nhận vì đó là một ơn gọi đặc biệt. Thật đáng tiếc là ngày càng có nhiều người trẻ không cân nhắc điều đó một cách nghiêm túc và đón nhận ơn gọi.

Thay vì lời khuyên, tôi xin được bắt đầu với định nghĩa. Về cơ bản, chức linh mục là gì? Thư gửi tín hữu Do thái và Thư thứ nhất gửi Timôthê cho chúng ta câu trả lời. Chức linh mục trước hết liên quan đến chính Chúa Giêsu, Đấng là “vị Thượng tế” duy nhất của toàn thể nhân loại (Dt 7,26) và là “vị Trung gian” giữa Thiên Chúa và loài người (1 Tm 2,5). Theo truyền thống, chức tư tế của Đức Kitô được hiểu là hoạt động theo hai hướng, đi xuống và đi lên. Các ân sủng của Thiên Chúa ban cho con người qua chức tư tế độc nhất của Đức Kitô vì Người là nguồn ân sủng và chân lý duy nhất cho toàn thể nhân loại. Cộng đồng nhân loại cũng hướng về Thiên Chúa trước hết là qua sự vâng phục, tôn kính và cầu nguyện của nhân tính Đức Kitô, vì Người là “Ðấng khai mở lòng tin của chúng ta” (Dt 12,2).

Chức linh mục thừa tác trong Giáo hội Công giáo bắt đầu từ hai hình thức tham gia này. Mỗi linh mục Công giáo là một con người yếu đuối, giới hạn, được kêu gọi tham gia vào sứ mạng tư tế của Đức Kitô một cách hoàn toàn phái sinh và phụ thuộc. Sự “đi xuống” diễn ra qua sự thông truyền chân lý thần linh và ân sủng bí tích, trong đó linh mục là khí cụ của Thiên Chúa bất kể những giới hạn của mình. Sự “đi lên” chủ yếu diễn ra trong phụng vụ và việc điều hành mục vụ của linh mục, vì linh mục hướng dân Kitô hữu tới việc thờ phượng đích thực và đời sống thánh thiện. Theo cả hai nghĩa này, linh mục được mời gọi ngày càng nên giống Đức Kitô và hoán cải nhờ bí tích truyền chức và đời sống cầu nguyện, giảng dạy và chăm sóc các linh hồn. Nếu linh mục thực hiện điều này với sự ngoan nguỳ chân thành trước ân sủng của Thiên Chúa, thì ánh sáng của Đức Kitô sẽ chiếu soi thế giới qua tác vụ của ngài. Nếu linh mục làm điều này khi đối kháng hoặc chối bỏ mầu nhiệm đích thực của Đức Kitô, thì họ sẽ trở thành một thực thể mâu thuẫn mà trong đó mầu nhiệm của Đức Kitô bị che khuất một cách đau đớn, gây phương hại cho Giáo hội và thậm chí là gương mù cho các tín hữu. Vì vậy, rủi ro rất cao, nhưng ngay cả khi bạn nghĩ đến điều này, bạn cũng không nên sợ hãi. Ân sủng của Đức Kitô ở với tất cả những ai được kêu gọi làm linh mục.

Do đó, mục đích đầu tiên của việc tìm kiếm chức linh mục là ở trong sự hiện diện của Đức Kitô. Ơn gọi chỉ có ý nghĩa khi chúng ta luôn gắn bó với Người, với mầu nhiệm, sự thật và Giáo hội của Người. Đức Kitô ban cho các linh mục một sự kiên định nội tâm nhất định theo thời gian. Sống trong Đức Kitô là trở nên mạnh mẽ chứ không bất an. Nhưng đây là sự ổn định có tính năng động: Nó chỉ có tác dụng nếu thừa tác viên vẫn giữ tinh thần nghèo khó và ngoan ngoản với Chúa Giêsu, hành động trong Người và vì Người. Đây là một điều gì đó sâu xa hơn một danh sách kiểm tra trách nhiệm hoặc một thái độ đạo đức chân thành. Đó là một thói quen xuất phát từ Chúa Thánh Thần. Vì vậy, tốt nhất là nên bắt đầu với thực tế này.

Tôi xin đề cập đến một vài ý tưởng cơ bản về sự phân định chức linh mục và sự chuẩn bị thích hợp. Trước hết, nói ngắn gọn về động cơ. Tại sao một người lại muốn trở thành linh mục? Tôi sẽ cảnh giác với những người cho rằng cần phải tự phân tích tâm lý kéo dài về điểm này. Tất nhiên, chúng ta cần tìm hiểu để biết về bản thân. Nhưng ơn gọi không nảy sinh từ một hành động suy xét nội tâm và càng không đòi hỏi chúng ta phải trải qua một bi kịch nội tâm như điều kiện tiên quyết để gia nhập chủng viện. Lối suy nghĩ đó có thể dễ dàng trở thành nguyên nhân của sự tự kỷ ái mộ. Về cơ bản, ơn gọi xuất phát từ ước muốn nhận biết Đức Kitô và gắn kết với Thiên Chúa, bất kể ước muốn tự nhiên và bình thường của chúng ta về hôn nhân và con cái. Chủng sinh là người đã từ bỏ thực tại tự nhiên rất tốt đẹp của đời sống gia đình để sống cho điều mà họ đã học biết để khao khát nhiều hơn nữa: tìm kiếm Thiên Chúa.

Bạn cũng nên thận trọng với những người định nghĩa ơn gọi linh mục chủ yếu theo nghĩa công ích hoặc hạnh phúc cá nhân. Văn hóa Mỹ có xu hướng suy nghĩ chủ yếu theo cách thực dụng và trị liệu. "Nếu bạn là một linh mục, bạn sẽ có ích cho người khác và được mãn nguyện về mặt tâm lý". Có lẽ là cả hai, ít là trong một số trường hợp. Nhưng đây là những động cơ phiến diện. Động lực thực sự nâng đỡ một người trong chức linh mục là ước muốn làm theo ý Chúa và tìm kiếm Ngài. Một Viện phụ dòng Bênêđictô từng nói với tôi, “Những lý do khiến tôi nghĩ rằng tôi gia nhập không phải là những lý do khiến tôi ở lại”. Theo thời gian, một người vẫn ở lại trong ơn gọi, giữa niềm vui và đau khổ, được người đời nhìn nhận hoặc khinh miệt vì không theo văn hóa thời đại, ấy là vì Thiên Chúa mà thôi. Sự kiên định của chức linh mục đặt nền tảng trên sự kiên định của Thập giá. Sự kiên định đến từ Thiên Chúa, từ ý muốn và ân sủng của Ngài chứ không phải từ sự đánh giá của con người về giá trị hay thành công, từ sự tự vấn nội tâm hay những lý lẽ thực dụng.

Cách thế tích cực để diễn đạt điều này là từng chút một linh mục học sống cho Chúa chứ không cho bất kỳ thụ tạo nào. Linh mục là một dấu chỉ cho thế giới biết rằng con người có thể sống cho chính Thiên Chúa, hạnh phúc vì hiểu biết và yêu mến Chúa, vì Thiên Chúa đáng được như thế. Thánh Augustinô diễn đạt điều này một cách mạnh mẽ hơn: Không có gì đáng để yêu vì chính nó, ngoại trừ Thiên Chúa. Theo nghĩa này, linh mục là người trước hết phải học cách từ bỏ các thần tượng của mình. Chỉ còn lại một mình Thiên Chúa. Những thứ khác chỉ là tro bụi. Đây là lý do tại sao chứng tá của Giáo hội phụ thuộc sâu sắc vào tính triệt để của đời sống tu trì và chức linh mục. Những chức vụ này nhằm thể hiện một cách hữu hình rằng chính Giáo hội hiện hữu vì Thiên Chúa. Và nếu Giáo hội Công giáo không thể làm bất cứ điều gì vì Thiên Chúa thì Giáo hội cũng không thể làm bất cứ điều gì thực sự quan trọng trong thế giới ngày nay. Cuối cùng, những nỗ lực của Giáo hội để biện minh cho sự tồn tại của chính mình sẽ trở nên thảm hại khi Giáo hội cố gắng chứng minh sự hữu ích của mình bằng những thuật ngữ thuần túy về con người, chính trị hoặc thế tục.

Ý tưởng thứ hai: Đời sống linh mục xoay quanh chân lý của giáo lý Công giáo. Đây là điều mà nhiều người dường như mắc sai lầm trong Giáo hội ngày nay. Có nhiều người, cả “cấp tiến” lẫn “truyền thống”, miễn cưỡng chấp nhận sứ vụ giảng dạy của Giáo hội. Doctrina trong tiếng Latinh có nghĩa là “giảng dạy”. Giáo hội truyền đạt mạc khải của Đức Kitô đã được ủy thác cho các Tông đồ. Trên bình diện thực tế, không ai chịu trách nhiệm cơ bản về vấn đề này hằng ngày hơn linh mục Công giáo, và với tư cách là linh mục, nếu chúng ta không thấy rõ điều đó thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên cằn cỗi. Ngoài việc cử hành các bí tích, trách nhiệm chính yếu của linh mục là giảng dạy đức tin. Nếu hiện nay, sự tục hóa đang diễn ra ở nhiều vùng rộng lớn của Châu Âu, Bắc và Nam Mỹ, thì lý do chính là chức năng truyền thống này của chức linh mục đang bị phớt lờ hoặc thực hiện một cách tồi tệ.

Khi nói rằng linh mục có nhiệm vụ giảng dạy giáo lý tông truyền, tôi không có ý nói rằng bạn phải là một người trí thức uyên bác, và chắc chắn không phải là một học giả chuyên môn. Liệu Thánh Phaolô là một giáo sư thần học chăng? Thật ra, trách nhiệm của linh mục rất khác nhau: Linh mục giáo xứ thì cần hướng dẫn mọi người ở mọi cấp độ và mọi lứa tuổi, từ việc dạy giáo lý cho trẻ em đến việc hướng dẫn những người thuộc tầng lớp lao động, cho đến các chuyên gia, học giả và các nhà lãnh đạo văn hóa trẻ. Ở một số khía cạnh, điều này thách đố hơn so với những gì các học giả làm, nhưng bạn không cần bằng tiến sĩ để làm được điều đó. Nếu một linh mục trình bày các mầu nhiệm đức tin một cách đơn giản, rõ ràng và xác đáng cho người khác, thì Chúa Thánh Thần hoạt động qua vị linh mục ấy bất kể những giới hạn của ngài. Thật đáng kinh ngạc về điều có thể xảy ra chỉ qua việc trình bày rõ ràng và can đảm những giáo huấn trong Sách Giáo Lý. Điều quan trọng là không đánh giá thấp sức mạnh của chân lý.

Việc đào tạo tại chủng viện sẽ cho bạn thời gian để nghiên cứu các chân lý cơ bản của đức tin và thực hành việc truyền đạt chúng cách rõ ràng vừa phải. Những đức tính cơ bản bạn cần rèn luyện trong giai đoạn đầu này là tính hiếu học và sự can đảm. Bạn cần hình thành thói quen học hỏi đức tin hằng ngày và phát triển lòng can đảm để nói với người khác một cách rõ ràng về đức tin với sự thận trọng và tình yêu thương, chứ không cứng nhắc hay phòng thủ. Điều này quan trọng vì cuộc khủng hoảng trong chức linh mục hiện nay trước hết là cuộc khủng hoảng về đức tin, và như Thánh Tôma Aquinô đã lưu ý, đức tin là một ân sủng siêu nhiên được ban chủ yếu cho trí tuệ, chứ không phải cho con tim. Ân sủng này hệ tại sự phán đoán đúng đắn về chân lý của Kitô giáo, và chân lý đó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta ra sao. Một Giáo hội và một chức linh mục nếu không có sự phán đoán của trí năng về Đức Kitô có nguy cơ không chỉ biến thành một Giáo hội không có đức tin… mà còn là một Giáo hội không có tình yêu, vì tình yêu được hướng dẫn và am hiểu từ bên trong bằng việc hướng tới chân lý. Điểm mấu chốt là bạn cần trau giồi dần dần một đời sống tri thức Kitô chân chính, trong đó bạn học cách nhìn thực tại dưới ánh sáng của Đức Kitô. Đây là điều sẽ cho phép bạn loan báo Tin Mừng và giúp người khác vững vàng trong cơn giông bão.

Ý tưởng thứ ba: Thách đố cốt lõi là để cho ân sủng của Thiên Chúa tác động đến tất cả những ước muốn sâu xa nhất trong trái tim bạn. Chức linh mục là để tâm hồn bạn được tình yêu Thiên Chúa định hướng lại. Đây là một tiến trình kéo dài suốt đời. Linh mục trước hết và trên hết là một tâm hồn tìm kiếm Thiên Chúa, nghĩa là linh mục cũng là một người không ngừng quy phục Thiên Chúa, một tội nhân luôn được Thập giá cứu chuộc và được Thập giá tôn vinh. Nietzsche nói rằng linh mục chỉ nguy hiểm nếu ông ta yêu thực sự, theo đó Nietzsche muốn nói rằng ảo tưởng về Kitô giáo chỉ bén rễ nếu người đó là một kẻ cuồng tín nhiệt thành. Nói cách bí nhiệm thì Nietzsche đúng. Tình yêu của Thiên Chúa phải hướng dẫn chúng ta nếu chúng ta muốn trở nên hữu dụng thực sự đối với người khác. Giáo hội không phải là cơ quan của các quan chức tôn giáo. Thánh Bernard Clairvaux nói về đan sĩ Xitô như một con sư tử hoang, bị nhốt trong phòng giam đan viện nhưng không ngừng gầm lên với Thiên Chúa. Linh mục có nghĩa là một người hát rong chứ không phải là một người quản lý. Khi một người thực sự yêu mến Thiên Chúa thì tình yêu đó có tính lây lan.

Những giáo dân bình thường của Giáo hội – tức là dân Chúa – thường yêu mến các linh mục, vốn là những người phục vụ họ, và tôn kính mầu nhiệm của chức linh mục. Tuy nhiên, dân Chúa chỉ làm như vậy khi họ cảm thấy rằng linh mục thực sự ở bên cạnh họ, quan tâm đến họ, và sát cánh với họ trong những cơn khủng hoảng và duới thập giá của họ. Phần lớn sự tin tưởng của họ vào những gì Giáo hội dạy đều dựa trên những gì họ nhìn thấy trong đời sống của các nhân sự của Giáo hội. Khi một linh mục nhiệt tâm chuẩn bị cho tín hữu bước vào hôn nhân, giải tội với lòng trắc ẩn, thăm viếng giáo dân hoặc người thân của họ khi họ đau ốm, an ủi khi họ đau khổ, và cử hành lễ an táng với niềm tin vào sự sống lại, thì các tín hữu sẽ tin vào chức linh mục, và vào những gì Giáo hội dạy.

Hãy thận trọng trước những cạm bẫy của văn hóa mang tính giáo sĩ: Việc có được những tiện nghi vật chất không phải là sự thay thế nhằm bù đắp cho đời sống độc thân, cứ như thể việc thường xuyên ăn uống ở các nhà hàng và du lịch quốc tế là sự bù đắp hợp pháp cho đời sống không lập gia đình. Hãy cố gắng trở thành kiểu chủng sinh đeo găng tay lao động và rửa bát, chứ không phải là người tìm cách để được phục vụ hay quý trọng. Linh mục dành thời gian cho những người thất vọng và cô đơn, chứ không chỉ cho những người làm việc hữu hiệu hoặc thành đạt (mặc dù những người này cũng quan trọng trước mặt Chúa). Ngoài ra, hãy lưu ý đến đời sống tình cảm của bản thân. Nếu đang chuẩn bị cho chức linh mục, bạn cần phải vun trồng tình bằng hữu lành mạnh. Mỗi chủng sinh và linh mục đều cần có những người bạn mà mình có thể tâm sự, thường là đồng nghiệp, và có lẽ đôi khi cả những đôi vợ chồng đồng trang lứa hoặc lớn tuổi hơn. Các mối tương quan của chúng ta cần được đặc trưng bởi những ranh giới thích hợp, và tất nhiên phải hết sức trong sáng (về phương diện tình cảm cũng như thể lý), nhưng không quá hình thức hoặc máy móc. Hãy nghiêm túc và đừng bao giờ từ bỏ khả năng nói ra những gì bạn nghĩ theo cách thích hợp.

Điều đó nói lên rằng, nếu một người nam đang chuẩn bị cho thiên chức linh mục và vẫn muốn có tình bạn mãnh liệt về mặt tình cảm với những phụ nữ trẻ, thì người ấy đang tự lừa dối mình. Ân sủng không phá hủy tự nhiên. Nếu một người có ơn gọi, người ấy vẫn có thể cảm nhận được sự hấp dẫn tự nhiên đối với phụ nữ, và đây là một trong những điểm trọng tâm mà những ranh giới và khổ chế đóng vai trò quan trọng trong thời gian một người chuẩn bị chịu chức linh mục cũng như sau đó.

Nền văn hóa của chúng ta không hiểu hoặc không coi trọng đời sống độc thân linh mục, và theo một cách nào đó, thì đây là một điều tốt. Đây là cơ hội để làm chứng triệt để cho Đức Kitô. Độc thân là một dấu chỉ của sự mâu thuẫn: Nó cho mọi người thấy rằng chúng ta có thể sống cho điều gì đó vượt trên trật tự thụ tạo, sống cho chính Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong thời đại của chúng ta, người ta không tin vào bất cứ hình thức cam kết suốt đời nào. Lời thề hứa chung thủy trong hôn nhân và quyết định sinh con cũng là điều khó hiểu đối với nhiều người. Điều này không có nghĩa là những người đương thời của chúng ta thoải mái với vấn đề tình dục của họ. Sự phổ biến của phim ảnh khiêu dâm, việc sống chung mà không sinh sản, và việc sống đơn độc kéo dài mà không kết hôn và sinh con đang khiến người ta phải suy nghĩ lại về các giá trị của cuộc cách mạng tình dục. Trong bối cảnh này, đời sống độc thân linh mục vì Đức Kitô được coi là một điểm định hướng. Bạn cho mọi người thấy, dù họ thất bại hay thành công trong lãnh vực này, rằng họ có thể dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, và chính việc sống khổ chế của họ được Giáo hội coi trọng.

Não trạng thế tục nghi ngờ đời sống độc thân là một vấn đề của sự kìm nén và hy sinh khoái cảm tình dục một cách vô nhân đạo. Nhưng khi đời sống này được sống một cách đúng đắn, thì chức linh mục sẽ có vẻ đẹp như một cách thức tận hiến cho Thiên Chúa một cách nhân bản và hết sức nam tính. Đời sống độc thân linh mục đích thực cho chúng ta thấy một hình thức nam tính mang tính tâm linh và cao cả. Nó giúp những người nam khác trở thành người những chồng tốt hơn, biết hy sinh bản thân và giúp người nữ vượt thắng một số phức tạp của chứng thần kinh về quyền lực, sự oán giận và sự quyến rũ. Thực ra, đời sống độc thân linh mục biểu lộ một điều gì đó sâu xa chỉ có thể tồn tại giữa người nam và người nữ trong Đức Kitô: tình bằng hữu thiêng liêng đích thực.

Trong sự đánh giá của Giáo hội về đời sống độc thân, thì chân lý về chính Đức Kitô cũng đang bị đe dọa. Mẫu gương của Người là tâm điểm Kitô học về đời sống độc thân không thể bỏ qua. Bản thân Đức Kitô là người độc thân, cũng như Thánh Phaolô, Thánh Gioan, và nhiều vị thánh khác, cũng như Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Liệu chúng ta có hiểu được cuộc sống mầu nhiệm của những người rất thánh thiện này không? Đời sống độc thân linh mục phản ánh và thể hiện thực tại này trong lòng Giáo hội. Liệu thân phận con người đáng thương của chúng ta có thể mang dấu ấn bắt chước Đức Kitô về khía cạnh này chăng? Lịch sử nói có. Theo một nghĩa nào đó, hoa trái của Giáo hội bắt nguồn từ việc Giáo hội cam kết sống độc thân nơi đời sống của các dòng tu. Trước hết, chính những tu sĩ đã mang Phúc âm đến các lục địa bên ngoài Châu Âu, và trên hết, cũng chính họ là những người hiện nay thường loan báo Tin Mừng tại những nơi chưa từng biết Đức Kitô cũng như những nơi trước đây là Kitô giáo. Các linh mục độc thân có thể không có con cháu về mặt thể lý, nhưng nhờ Phép Rửa, họ có hàng triệu con cái. Những kẻ thù của chúng ta có tư tưởng hoài nghi, tình dục hóa quá mức có thể chế giễu, nhưng số liệu thống kê dân số đang giảm dần lại cho thấy sự tự tin sai lầm của họ. Hãy phớt lờ sự tuyệt vọng của những người có ý kiến bất đồng và tìm kiếm sự thanh khiết trong Đức Kitô.

Chúng ta nên làm gì trước cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục và khủng hoảng uy tín của chức linh mục và giám mục? Tôi chắc rằng khi bạn nói với người khác rằng bạn đang nghĩ về chức linh mục, đây là điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí nhiều người.

Ở một khía cạnh nào đó, đây thực sự là điều đáng lo ngại. Chúng ta phải có một xác tín rõ ràng về sự cần thiết của công lý con người và tính toàn vẹn giáo hội ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế. Nếu bạn đang ở trong chủng viện hoặc linh mục triều hoặc linh mục dòng và bạn gặp phải những cá nhân có vấn đề trong lãnh vực này, bạn phải thẳng thắn và giúp đưa mọi việc ra ánh sáng. Uy tín của Giáo hội sẽ không được phục hồi hoàn toàn cho đến khi tất cả các linh mục và giám mục phải tuân theo một loạt kỷ luật chặt chẽ và hợp lý, với những quy tắc khổ chế và sự thực hành nhất quán. Điều này đang diễn ra từng chút một, bất chấp những trở ngại thực sự mà chúng ta thấy. Sự phẫn nộ có tác dụng của nó, nhưng sự lạc quan cũng thế.

Nói cách khác, là một người đang tìm kiếm Thiên Chúa, bạn không nên lo lắng quá nhiều về vấn đề này. Là một Kitô hữu, bạn có nghĩa vụ tìm niềm vui trong Thiên Chúa trên hết và vượt trên mọi khiếm khuyết và thất bại thảm hại của con người trong Giáo hội. Toàn bộ ý nghĩa của cụm từ ex opere operato (do sự) là việc cử hành các bí tích làm cho Đức Kitô hiện diện với Giáo hội bất kể mọi khiếm khuyết của con người. Toàn bộ ý nghĩa của đặc sủng bất khả ngộ về tín điều trong Giáo hội là giáo lý tông truyền vẫn luôn rõ ràng và không thể sai lầm ngay cả khi một số nhân sự của Giáo hội không sống theo giáo lý đó hoặc thậm chí không tin vào giáo lý đó.

Tôi không khuyên bạn nên thờ ơ nhưng hãy đặt các mối quan tâm theo thứ tự ưu tiên. Nền tảng thần linh của Giáo hội được đặt lên hàng đầu, chứ không phải các thừa tác viên nhân loại của Giáo hội. Đức tin siêu nhiên vào Đức Kitô đặt chúng ta trên những nền tảng mà ở đó chúng ta có thể tiếp xúc thường xuyên với Đức Kitô, một “viên đá sống động” (1 Pr 2,4) không bị hoen ố bởi những sai lầm của phận phàm nhân chúng ta. Nếu bạn học cách sống ở cấp độ đó, bạn sẽ thấy Giáo hội trong chiều sâu của Giáo hội và yêu mến Giáo hội một cách đúng thực vì Giáo hội luôn kết hợp với Đức Kitô và được sinh động bởi sự thánh thiện của Người. Nhận thức này, không chỉ là một hình thức trốn chạy, nhưng mang lại cho bạn sự can đảm để đấu tranh cho việc canh tân Giáo hội và hàng giáo sĩ mà không nhượng bộ trước sự chán nản hay hoài nghi.

Mọi người đều được mời gọi để hưởng hạnh phúc, nhưng theo những cách thế và những nhịp điệu khác nhau trong cuộc sống. Kết hôn là cách thế tự nhiên và hợp lý nhất để tìm được hạnh phúc trong thế giới này. Tôi có vô số bạn bè, những người thực sự bắt đầu hạnh phúc khi lần đầu trở thành cha mẹ và “tìm thấy chính mình” qua việc trở thành cha hoặc mẹ. Nhưng những người lập gia đình cũng trải qua những hạn chế của hạnh phúc trong đời sống này. Họ cảm thấy cần phải hoán cải sâu xa hơn để trở về với Thiên Chúa như là niềm hy vọng và nguồn hạnh phúc chung cuộc của mình. Nơi hầu hết mọi người, điều này diễn ra từng đợt trong suốt cuộc đời.

Trong khi đó, linh mục bỏ qua một số công đoạn. Suy cho cùng, ơn gọi linh mục là một ơn gọi hướng tới hạnh phúc, nhưng với một nhịp điệu khác và ở một tầm cao hơn. Bằng việc sống mà không có được hạnh phúc gia đình một cách tự nhiên, linh mục phải “tái ổn định” ở mức cao hơn. Điều này vừa an ủi vừa thách thức, giống như sự nghỉ ngơi thể lý không đến từ việc ngủ, mà đến từ việc tạm dừng trong quá trình leo đều đặn lên đỉnh cao. Chúng ta không thể tự mình bắt đầu cuộc leo núi, nhưng ân sủng của Thiên Chúa làm cho việc đó trở nên khả thi, không chỉ có thể chịu đựng được mà còn thanh thản và bình an. Trong Phúc âm Gioan, Đức Kitô nói về sự bình an không do thế gian ban tặng (14,27). Đây chính là trọng tâm của ơn gọi linh mục: trước hết là trở thành người bị giam cầm và sau đó là một sứ giả thường trực của sự bình an đó. Điểm mấu chốt là chúng ta đừng sợ thuận theo ơn gọi, tin tưởng vào hạnh phúc chỉ đến từ một mình Thiên Chúa mà thôi. Ngài đóng vai trò thiết yếu và chúng ta chỉ cần cộng tác.

Luân lý tính của chủ nghĩa tự do hiện đại vừa dễ dãi vừa không khoan nhượng. Đối với những người thế tục đương thời, mọi thứ đều phụ thuộc vào sự tự lập và tính chính thực của chúng ta, nhưng điều nghịch lý là, chúng ta có thể đạt được rất ít giá trị, và nếu chúng ta mất đi sự ủng hộ của thành phần ưu tú đang nắm giữ nền văn hóa này, thì sẽ không có cách nào quay trở lại được nữa. Đạo Công giáo đối lập với điều này về hầu hết mọi khía cạnh. Đời sống tâm linh của chúng ta không phụ thuộc chủ yếu vào thẩm quyền của chính mình. Thay vào đó, Thiên Chúa đi bước trước bằng món quà ân sủng trong Đức Kitô. Không có Người, có lẽ chúng ta không đạt được gì nhiều, nhưng cùng với Người, cuộc sống của chúng ta có được cả trọng tâm sâu sắc lẫn sự nhẹ nhàng tuyệt vời của hiện hữu. Ngay cả tội lỗi của chúng ta cũng “hữu dụng” nếu chúng ta trình bày với Đức Kitô. Người là nguồn mạch tha thứ và sự sống vĩnh cửu, để chúng ta có thể sống mà không phải tuyệt vọng.

Truyền thống đạo đức Công giáo bàn về hạnh phúc, sự khổ chế thánh thiện, niềm vui, sự tận hiến, khiêm tốn và giải thoát. Truyền thống ấy hướng chúng ta đến sự cao cả, và hứa hẹn với chúng ta tình yêu thần linh mãnh liệt. Nếu bạn theo đuổi chức linh mục và ơn gọi của bạn được Giáo hội xác nhận, thì cuối cùng bạn sẽ đứng ở điểm nối kết của mầu nhiệm này, chính bạn là người trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, qua bí tích truyền chức thánh, được ràng buộc mãi mãi với Đức Kitô và thập giá của Người. Qua linh mục, sự sống thiêng liêng của Chúa Giêsu đi từ Golgotha đến thế giới, trong các bí tích và lời rao giảng tông đồ. Vừa lạ lùng vừa khắc nghiệt khi đứng ở điểm nối kết ấy, ở gần ánh sáng không bao giờ tắt, để ánh sáng đó từ từ thay đổi bạn, đốt cháy tâm hồn bạn và tâm hồn người khác thông qua bạn. Nhưng đó cũng là một cuộc sống đầy niềm vui. Tôi khuyến khích bạn hãy thuận theo tiếng gọi này.

Một lần nữa, cám ơn bạn vì đã viết thư. Xin hãy biết rằng tôi sẽ cầu nguyện cho bạn trong tiến trình phân định của bạn.

Nt. Anna Ngọc Diệp, Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: firstthings.com

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 141 (Tháng 05 & 06 năm 2024)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/la-thu-gui-nguoi-khao-khat-tro-thanh-linh-muc-41873.html

 

 

7. Đức Phanxicô là Giáo Hoàng tuyên phong nhiều vị thánh nhất

Với số đông đảo các vị thánh được tuyên phong ngay trong năm đầu tiên của triều đại giáo hoàng, Đức Phanxicô đã vượt qua tất cả các vị tiền nhiệm của ngài trong việc công nhận những vị thánh mới.

Vào Chủ Nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024, Đức Giáo hoàng Phanxicô cử hành lễ phong thánh cho 14 chân phước. Trong đó có 11 vị tử đạo bị sát hại ở Syria vào thế kỷ 19, cùng với hai nữ tu và một linh mục, cả ba vị đều là những người sáng lập ra các dòng tu. Với lễ tuyên phong này, được cử hành tại Quảng trường Thánh Phêrô lúc 10:30 sáng, số các vị thánh được Đức Phanxicô tuyên phong sẽ tăng lên 926, một kỷ lục trong Giáo hội Công giáo.

Bắt đầu với hơn 800 vị tử đạo người Ý

Trong năm đầu của triều đại giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô trở thành vị giáo hoàng công nhận nhiều vị thánh nhất. Trong khi Đức Gioan Phaolô II đã thêm 483 vị vào danh sách các thánh trong gần 27 năm triều đại giáo hoàng của ngài, thì vị giáo hoàng người Argentina đã công bố hơn 800 vị trong Lễ phong thánh đầu tiên của ngài được cử hành tại Quảng trường Thánh Phêrô vào tháng 5 năm 2013, hai tháng sau khi ngài được bầu lên Ngai tòa Thánh Phêrô.

Nhóm những vị đặc biệt này – là những người mà Đức Benedict XVI đã chính thức chấp thuận vào ngày ngài tuyên bố thoái vị ngày 11 tháng 2 năm 2013 – bao gồm 813 vị tử đạo người Ý ở Otranto, bị người Thổ Nhĩ Kỳ thảm sát năm 1480.

Cùng năm đó, Đức Phanxicô đã thực hiện hai lễ phong thánh khác được gọi là “hữu hiệu tương đương”: nhà thần bí người Ý Angela thành Foligno và tu sĩ Dòng Tên người Pháp Pierre Favre đã trở thành thánh sau một sắc lệnh giáo hoàng được công bố, mà không cần có một buổi lễ phong thánh. Đức Giáo hoàng người Argentina đã dùng tiến trình đặc biệt này trong nhiều dịp.

Trái ngược với những gì nhiều người tin tưởng, danh sách các vị thánh mới không nhất thiết liên quan đến sự lựa chọn cá nhân của giáo hoàng. Chắc chắn, quyền công bố các sắc lệnh nằm trong thẩm quyền của giáo hoàng. Tuy nhiên, việc phong chân phước và phong thánh là kết quả của một quá trình rất dài, có thể mất vài thập kỷ hoặc thậm chí nhiều thế kỷ.

Ví dụ, Cha Charles de Foucauld người Pháp đã được phong thánh vào năm 2022 và Đức Thánh Cha Phanxicô có lòng sùng kính đặc biệt với ngài, nhưng án phong thánh của Cha được mở vào năm 1926. Đức Gioan Phaolô II đã ký sắc lệnh công nhận các nhân đức anh dũng của Cha Charles de Foucauld vào năm 2001, và Đức Benedict XVI đã tuyên phong chân phước cho ngài năm 2005.

Tổng cộng, hiện nay Bộ Phong Thánh đang duyệt xét khoảng 2.000 đến 3.000 hồ sơ.

Kể từ đại dịch COVID-19, tốc độ phong thánh đã chậm lại. Vì vậy, năm 2020 là năm đầu tiên không có lễ phong thánh trong gần 30 năm. Năm 2021, chỉ có một vị thánh mới được tuyên phong. Trong khi có 12 vị thánh mới được tôn vinh vào năm 2022 thì năm 2023 không có lễ tuyên phong thánh nào.

Phần lớn các thánh là người Ý, tiếp theo là người Brazil, người Tây Ban Nha và người Pháp

Lễ cử hành vào Chúa nhật này sẽ là lễ tuyên phong thánh thứ hai của năm 2024. Hồi tháng 2, Đức Thánh Cha đã công bố nữ tu Mama Antula (1730-1799) của Argentina là thánh – tên rửa tội của thánh nữ là Maria Antonia De Paz y Figuero. Thánh nữ là một nhân vật nổi tiếng đã mang linh đạo của đấng sáng lập Dòng Tên đến Argentina, gia đình tinh thần của Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Vào Chúa nhật, 11 vị tử đạo của Syria sẽ được thêm vào danh sách các vị thánh: tám tu sĩ dòng Phanxicô — bảy người Tây Ban Nha và một người Áo — và ba giáo dân Maronite, tên Francis, Abdel Mooti và Raphaël Massabki. Những vị này bị giết vào ngày 9 và 10 tháng 7 năm 1860, tại Damascus trong cuộc nổi loạn của dân quân Druze chống lại người Kitô giáo ở Li Băng và Syria.

Những “vị chân phước” khác được phong thánh là linh mục người Ý Giuseppe Allamano (1851-1926); nữ tu người Canada Marie-Léonie Paradis (1840-1912); và nữ tu người Ý Elena Guerra (1835-1914).

Trong số các vị thánh được công bố dưới triều đại Đức Giáo hoàng Phanxicô, phần lớn là người gốc Ý, nếu chúng ta tính cả 813 vị tử đạo của Otranto. Cộng với ba vị thánh mới người Ý vào Chúa nhật này thì vị giáo hoàng người Argentina đã thêm 27 người Ý nữa vào danh sách các thánh.

Brazil, Tây Ban Nha và Pháp là những quốc gia có nhiều thánh nhất kể từ năm 2013, với lần lượt 31, 13 và 7 vị thánh mới.

Các thánh giáo hoàng

Danh sách những tên tuổi lớn được phong thánh dưới thời Đức Phanxicô bao gồm ba vị tiền nhiệm của ngài. Tháng 4 năm 2014, trước sự hiện diện của Đức Giáo hoàng danh dự Benedict XVI, Đức Phanxicô đã tuyên phong thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II, đánh dấu sự tiếp nối lịch sử giữa các vị giáo hoàng.

Đức Gioan Phaolô II cũng đã đưa ra lựa chọn tương tự vào năm 2000 khi cùng lúc phong chân phước cho Đức Piô IX và Đức Gioan XXIII.

Năm 2018, Đức Giáo hoàng người Argentina cũng đã phong thánh cho Đức Phaolô VI, vị Giáo hoàng bế mạc Công đồng Vatican II.

Những chứng nhân Công giáo vĩ đại khác đã được phong thánh kể từ khi Đức Phanxicô được bầu vào năm 2013, bao gồm Mẹ Teresa Calcutta (năm 2016), Đức Tổng Giám mục Óscar Romero (năm 2018) và Đức Hồng y John Henry Newman (năm 2019), một linh mục Anh giáo đã trở lại Công giáo.

Năm 2015, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tuyên phong hai thánh Louis và Zélie Martin là thân phụ mẫu của Thánh Têrêsa thành Lisieux, đôi vợ chồng đầu tiên trong lịch sử được phong thánh cùng nhau. Hai năm sau, tại Bồ Đào Nha, Đức Giáo hoàng đã phong thánh cho Francisco và Jacinta Marto, hai trẻ mục đồng đã chứng kiến Đức Mẹ hiện ra tại Fatima một thế kỷ trước đó, và là những vị thánh không tử đạo trẻ tuổi nhất của Giáo hội.

Việc phong thánh chính thức

Vị thánh đầu tiên được tuyên phong chính thức là Thánh Ulrich xứ Augsburg. Ngài được Đức Giáo hoàng Gioan XV phong thánh năm 993. Trong thế kỷ 12, Giáo hội nhận thấy rằng chúng ta cần một hệ thống có trật tự, nên đã bắt đầu đưa ra một quy trình. Năm 1243, Đức Giáo hoàng Gregory IX tuyên bố rằng chỉ có giáo hoàng mới có thẩm quyền tuyên bố một ai đó là thánh. Những điều căn bản của quy trình đó vẫn tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay.

Hãy nhớ rằng phong thánh chỉ đơn giản là sự công nhận chính thức rằng một linh hồn đang ở trên thiên đàng. Số đông đảo các thánh sẽ không bao giờ được tuyên phong, những vị này bao gồm tất cả “các vị thánh hàng xóm” — như cách Đức Thánh Cha Phanxicô gọi họ — tất cả những người đã qua đời hiện đang hưởng phúc Thiên đàng và chờ đợi và cầu nguyện để chúng ta được đoàn tụ với họ.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả các linh hồn nơi luyện ngục trên con đường trở nên thánh trên thiên đàng!

Tri Khoan

Chuyển ngữ từ: https://aleteia.org (16/10/2024)

Nguồn: daminhtamhiep.net (21/10/2024)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/duc-phanxico-la-giao-hoang-tuyen-phong-nhieu-vi-thanh-nhat-41883.html

 

 

8. Trí tuệ nhân tạo và Giáo Hội: ai đang định hình công tác mục vụ như thế nào?

Nghiên cứu năm 2019 của McClure, “Trí tuệ nhân tạo và Giáo hội: AI đang định công tác mục vụ như thế nào”, cung cấp những hiểu biết có giá trị về cách AI đang chuyển đổi công tác mục vụ. Từ việc chăm sóc mục vụ và chuẩn bị bài giảng cho đến truyền giáo và quản lý giáo xứ, AI đang định hình lại cách các giáo xứ hoạt động và tương tác với cộng đoàn của họ. Tuy nhiên, việc tích hợp AI cũng đặt ra những thách thức đáng kể về mặt đạo đức và thần học cần phải được giải quyết.

WHĐ (24/10/2024) - Trong bối cảnh công nghệ đang phát triển nhanh chóng, Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một yếu tố chuyển đổi quan trọng, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, bao gồm chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tài chính và hiện nay là đời sống tôn giáo. Công tác mục vụ đang trải qua sự thay đổi khi các công nghệ dựa trên AI tìm đường vào hoạt động hàng ngày của các giáo xứ và tổ chức tôn giáo. Nghiên cứu năm 2019 của McClure, “Trí tuệ nhân tạo và Giáo hội: AI đang định công tác mục vụ như thế nào”, khám phá mối quan hệ giữa AI và đời sống tôn giáo, phân tích cả những cơ hội và thách thức do sự tích hợp AI vào mục vụ đặt ra. Bài viết này trình bày những phát hiện của McClure và thảo luận về cách AI đang định hình lại các hoạt động truyền thống của giáo xứ, chăm sóc mục vụ, mối quan tâm về đạo đức và tương lai của mục vụ trong thời đại AI.

1. Bối cảnh lịch sử của công nghệ trong công tác mục vụ

Công nghệ từ lâu đã là một công cụ cho công tác mục vụ, từ phát minh ra máy in, cho phép sản xuất hàng loạt các bản văn Kinh Thánh, đến việc sử dụng radio, truyền hình và internet để tiếp cận nhiều đối tượng hơn. McClure (2019) theo dõi cách công nghệ đã được các cộng đồng tôn giáo áp dụng, thường là đầu tiên do dự và sau đó là chất xúc tác để mở rộng phạm vi tiếp cận và hiệu quả của họ. Tuy nhiên, việc tích hợp AI đại diện cho một sự thay đổi quan trọng hơn do khả năng thực hiện các nhiệm vụ theo truyền thống dành riêng cho con người của công nghệ - chẳng hạn như ra quyết định, phân tích dữ liệu và thậm chí là các yếu tố hướng dẫn tâm linh.

McClure nhấn mạnh rằng AI không chỉ đơn thuần là một công cụ để nâng cao các quy trình hiện có mà còn có thể định hình lại bản chất cơ bản của chính mục vụ. Nghiên cứu cho thấy rằng trong khi các công cụ công nghệ như radio và internet mở rộng phạm vi tiếp cận, AI có khả năng ảnh hưởng đến cách các mục tử tương tác với cộng đồng của họ, xây dựng cộng đoàn của họ và thậm chí giải thích các văn bản thánh.

2. AI trong chăm sóc mục vụ

Theo McClure (2019), một trong những cách quan trọng nhất mà AI đang định hình công tác mục vụ là thông qua chăm sóc mục vụ. Chăm sóc mục vụ theo truyền thống bao gồm việc cung cấp hỗ trợ về mặt tình cảm, tâm lý và tinh thần cho các cá nhân, một nhiệm vụ có mối quan hệ sâu sắc và lấy con người làm trung tâm. Tuy nhiên, AI đang thâm nhập vào lĩnh vực này thông qua các công nghệ như chatbot, phân tích tình cảm và phân tích dự đoán, có thể giúp các mục tử hiểu rõ hơn về nhu cầu của cộng đoàn của họ.

McClure thảo luận về việc sử dụng ngày càng nhiều chatbot AI cung cấp hỗ trợ tinh thần hoặc trả lời các câu hỏi thần học. Các hệ thống do AI điều khiển này có thể cung cấp hỗ trợ 24/7, điều mà các mục tử thường không thể làm được do hạn chế về thời gian và nguồn lực. Mặc dù các công cụ AI này có thể hữu ích để cung cấp phản hồi ngay lập tức hoặc hướng dẫn cơ bản, nhưng McClure nhấn mạnh những hạn chế của AI trong việc thay thế hoàn toàn chiều sâu của tương tác giữa người với người thường rất cần thiết trong chăm sóc mục vụ.

Ví dụ, McClure nhấn mạnh rằng chăm sóc mục vụ đòi hỏi sự đồng cảm, sự sáng suốt và hiểu biết về cảm xúc và bối cảnh phức tạp của con người, những lĩnh vực mà AI vẫn còn thiếu sót. Mặc dù AI có thể được lập trình để phản hồi các tín hiệu cảm xúc hoặc cung cấp lời khuyên dựa trên Kinh Thánh, nhưng nó không có khả năng hiểu đầy đủ những trải nghiệm cá nhân và thường là những trải nghiệm tinh tế của những cá nhân tìm kiếm sự hướng dẫn về mặt tinh thần. Vì vậy, McClure lập luận rằng AI nên được coi là công cụ bổ sung cho mục tử chứ không phải là công cụ thay thế.

3. AI và việc chuẩn bị bài giảng

Một lĩnh vực quan trọng khác mà AI đang tạo ra tác động, như đã lưu ý trong nghiên cứu của McClure, là trong việc chuẩn bị bài giảng. Các hệ thống AI được trang bị thuật toán xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) và máy học có thể hỗ trợ các mục tử trong việc tạo nội dung bài giảng, tiến hành giải thích hoặc tìm các tài liệu tham khảo Kinh Thánh có liên quan. Các công cụ AI này có thể phân tích lượng lớn dữ liệu, xác định các mô hình và thậm chí gợi ý các chủ đề dựa trên xu hướng trong cộng đoàn hoặc nền văn hóa rộng lớn hơn.

McClure (2019) nhận thấy rằng một số mục tử đã bắt đầu sử dụng các nền tảng dựa trên AI để hỗ trợ viết bài giảng. Các công cụ này có thể giúp giáo sĩ khám phá những ý tưởng mới, tinh chỉnh lập luận của họ và tiếp cận nhiều quan điểm thần học hơn. Các công cụ giải thích do AI điều khiển có thể phân tích các văn bản Kinh Thánh bằng ngôn ngữ gốc của chúng, cung cấp những hiểu biết sâu sắc về bối cảnh lịch sử hoặc sắc thái văn bản mà nếu không có AI, chúng có thể bị bỏ qua.

Tuy nhiên, McClure đặt ra những câu hỏi quan trọng về tác động của việc phụ thuộc quá nhiều vào AI trong việc chuẩn bị bài giảng. Mặc dù AI có thể tăng cường chiều sâu và phạm vi nghiên cứu, nhưng có lo ngại rằng nó có thể vô tình dẫn đến việc mất đi mối liên hệ cá nhân của mục tử với thông điệp. Các bài giảng thường mang tính cá nhân sâu sắc và phản ánh hành trình tâm linh của mục tử cũng như sự hiểu biết về nhu cầu của cộng đoàn. Nếu AI tham gia quá nhiều vào quá trình sáng tạo, nó có nguy cơ làm mất tính cá nhân của thông điệp, biến nó thành một sản phẩm chung chung hơn là một lễ vật thiêng liêng độc đáo.

Hơn nữa, McClure chỉ ra rằng các bài giảng do AI tạo ra có thể thiếu những hiểu biết sâu sắc tự phát hoặc chiều sâu cảm xúc đến từ trải nghiệm sống và sự suy ngẫm cầu nguyện của mục tử. Mặc dù AI có thể gợi ý các đoạn Kinh Thánh có liên quan hoặc làm nổi bật các chủ đề quan trọng, nhưng nó không thể sao chép vai trò của mục tử như một nhà lãnh đạo tinh thần, người phân biệt được tiếng nói của Thiên Chúa trong quá trình chuẩn bị bài giảng.

4. AI, đạo đức và thách thức thần học

Nghiên cứu của McClure cũng đề cập đến những thách thức về đạo đức do AI đặt ra trong bối cảnh mục vụ. Một trong những mối quan ngại chính được nêu ra là khả năng AI duy trì sự thiên vị, cả trong dữ liệu mà nó phân tích và các quyết định mà nó đưa ra. Các hệ thống AI được đào tạo trên các tập dữ liệu lớn và nếu các tập dữ liệu này phản ánh sự thiên vị của xã hội - chẳng hạn như những sự thiên vị liên quan đến chủng tộc, giới tính hoặc tình trạng kinh tế xã hội - thì các công cụ AI được sử dụng trong mục vụ có thể vô tình củng cố những bất bình đẳng này.

Chẳng hạn, McClure (2019) lưu ý rằng phân tích do AI thúc đẩy được sử dụng để phân tích dữ liệu của cộng đoàn có thể vô tình gạt ra ngoài lề một số nhóm nhất định nếu dữ liệu cơ bản bị lệch. Phân tích dự đoán cho thấy các chương trình của giáo xứ hoặc các nỗ lực tiếp cận có thể ưu tiên các thông tin nhân khẩu học được thể hiện quá mức trong dữ liệu, do đó bỏ qua nhu cầu của các nhóm thiểu số trong cộng đồng. Điều này đặt ra những câu hỏi quan trọng về cách AI nên được triển khai một cách có đạo đức trong các bối cảnh mục vụ để đảm bảo rằng nó thúc đẩy tính bao quát và công lý.

Ngoài ra, McClure khám phá những ý nghĩa thần học của việc sử dụng AI trong đời sống tôn giáo. Một lĩnh vực đáng quan tâm là sự hiểu biết thần học về nhân cách và vai trò của tác nhân con người trong sự phát triển tâm linh. Kitô giáo nhấn mạnh đáng kể vào khía cạnh tương quan của đức tin – cả giữa các cá nhân và Thiên Chúa, và trong cộng đoàn đức tin. Việc đưa AI vào những mối quan hệ này có thể thách thức những hiểu biết truyền thống về tương tác giữa con người và sự hiện diện của Thiên Chúa.

McClure đặt ra câu hỏi: Liệu AI có bao giờ được coi là người đồng tham gia vào đời sống tâm linh hay nó chỉ là một công cụ? Mặc dù AI có thể hỗ trợ một số chức năng nhất định, chẳng hạn như trả lời các câu hỏi thần học cơ bản hoặc cung cấp các tài liệu tham khảo Kinh Thánh, nhưng nó không thể trải nghiệm đức tin, cầu nguyện hoặc tham gia vào các bí tích. Hạn chế này làm nổi bật nhu cầu thận trọng trong cách AI được tích hợp vào đời sống tôn giáo. Các nhà lãnh đạo mục vụ phải phân định cách AI có thể được sử dụng hiệu quả mà không làm suy yếu các chiều kích tâm linh cốt lõi của chức thánh.

5. AI và truyền giáo

Truyền giáo, sứ mệnh truyền bá thông điệp của Kitô giáo, là một lĩnh vực khác mà AI đang chứng tỏ là một công cụ mạnh mẽ. Thuật toán AI có thể phân tích xu hướng truyền thông xã hội, thu thập dữ liệu về các thành viên mới tiềm năng và giúp các giáo xứ điều chỉnh các nỗ lực truyền giáo của họ theo các cộng đoàn hoặc nhóm nhân khẩu học cụ thể. McClure (2019) chỉ ra rằng AI có thể tối ưu hóa các nỗ lực tiếp cận, giúp chúng hiệu quả và có mục tiêu hơn bao giờ hết. Điều này đặc biệt có liên quan trong thời đại kỹ thuật số, khi các giáo xứ ngày càng chuyển sang các nền tảng trực tuyến để thu hút thế hệ trẻ.

AI cũng có thể được sử dụng để tạo ra các trải nghiệm truyền giáo được cá nhân hóa, điều chỉnh các thông điệp theo nhu cầu và sở thích cụ thể của từng cá nhân. Ví dụ, AI có thể phân tích hoạt động truyền thông xã hội của một cá nhân hoặc các tương tác trực tuyến với trang web của giáo xứ để xác định nhu cầu tinh thần hoặc lĩnh vực quan tâm của họ. Dựa trên dữ liệu này, các giáo xứ có thể cung cấp nội dung tùy chỉnh có nhiều khả năng gây được tiếng vang với cá nhân đó, do đó tăng cường sự tham gia của họ với giáo xứ.

Tuy nhiên, McClure lưu ý rằng việc sử dụng AI trong truyền giáo đặt ra những cân nhắc quan trọng về mặt đạo đức. Một mối quan tâm là khả năng thao túng. Nếu các giáo xứ dựa vào thuật toán AI để điều chỉnh thông điệp của họ cho từng cá nhân dựa trên hành vi trực tuyến của họ, sẽ có nguy cơ vượt qua ranh giới đạo đức, đặc biệt là nếu các cá nhân cảm thấy thông tin cá nhân của họ đang bị khai thác cho mục đích truyền giáo. McClure lập luận rằng các giáo xứ phải đảm bảo tính minh bạch trong cách họ sử dụng dữ liệu do AI điều khiển để tránh vi phạm lòng tin với các cộng đoàn của họ.

6. AI và quản lý giáo xứ

Ngoài việc chăm sóc mục vụ, chuẩn bị bài giảng và truyền giáo, AI cũng đang thâm nhập đáng kể vào quản lý giáo xứ. Nghiên cứu của McClure cho thấy nhiều giáo xứ đang áp dụng AI để hợp lý hóa các nhiệm vụ hành chính như quản lý thành viên, lập lịch trình, lập kế hoạch tài chính và bảo trì cơ sở. Các hệ thống do AI điều khiển có thể phân tích các mô hình tham dự giáo xứ, dự đoán sự tăng trưởng trong tương lai và đề xuất các chiến lược phân bổ nguồn lực. Điều này cho phép các nhà lãnh đạo giáo xứ đưa ra quyết định sáng suốt hơn và tập trung nhiều thời gian hơn vào vai trò lãnh đạo tinh thần.

McClure (2019) chỉ ra rằng các nền tảng dựa trên AI có thể tự động hóa các nhiệm vụ hành chính thường lệ, giáo sĩ và nhân viên được mở ra để tập trung vào các chức năng mục vụ cấp cao hơn. Ví dụ, AI có thể được sử dụng để quản lý lịch trình tình nguyện, theo dõi các khoản quyên góp và tối ưu hóa việc sử dụng các cơ sở của giáo xứ. Những công cụ này không chỉ tăng hiệu quả mà còn giúp các giáo xứ đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu có thể dẫn đến kết quả mục vụ hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, giống như các lĩnh vực triển khai AI khác, McClure khuyến cáo nên thận trọng. Mặc dù AI chắc chắn có thể cải thiện hiệu quả, nhưng vẫn có nguy cơ làm giảm khía cạnh tương quan trong quản lý giáo xứ. Các nhiệm vụ từng được xử lý thông qua tương tác cá nhân, chẳng hạn như lên lịch họp hoặc điều phối các nỗ lực tình nguyện, có thể trở nên tự động hơn, có khả năng làm giảm ý thức cộng đồng trong giáo xứ.

7. Tương lai của AI trong công tác mục vụ

Nhìn về tương lai, McClure hình dung rằng AI sẽ tiếp tục đóng vai trò ngày càng nổi bật trong công tác mục vụ. Khi công nghệ AI trở nên tinh vi hơn, chúng có thể sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa trong các lĩnh vực như chăm sóc mục vụ, chuẩn bị bài giảng, truyền giáo và quản lý giáo xứ. Tuy nhiên, McClure cảnh báo rằng giáo xứ phải cân nhắc kỹ lưỡng các hàm ý về mặt đạo đức và thần học khi tích hợp AI vào mục vụ.

Nghiên cứu kết thúc bằng lời kêu gọi các mục tử và nhà lãnh đạo giáo xứ tham gia một cách phê phán vào AI. McClure lập luận rằng các nhà lãnh đạo giáo xứ nên tiếp cận AI một cách sáng suốt thay vì áp dụng AI một cách thiếu phê phán hoặc từ chối hoàn toàn, thay vì áp dụng AI một cách thiếu phê phán hoặc từ chối hoàn toàn, họ nên tiếp cận AI một cách sáng suốt, tích hợp AI theo những cách phù hợp với niềm tin trong thần học và mục tiêu mục vụ của họ. Công tác mục vụ, về bản chất, là một nỗ lực tương quan và tâm linh, và mặc dù AI có thể nâng cao một số khía cạnh nhất định của mục vụ, nhưng nó không bao giờ có thể thay thế hoàn toàn sự tiếp xúc của con người nằm ở trung tâm của đời sống tôn giáo.

8. Kết luận

Nghiên cứu năm 2019 của McClure, “Trí tuệ nhân tạo và Giáo hội: AI đang định công tác mục vụ như thế nào”, cung cấp những hiểu biết có giá trị về cách AI đang chuyển đổi công tác mục vụ. Từ việc chăm sóc mục vụ và chuẩn bị bài giảng cho đến truyền giáo và quản lý giáo xứ, AI đang định hình lại cách các giáo xứ hoạt động và tương tác với cộng đoàn của họ. Tuy nhiên, việc tích hợp AI cũng đặt ra những thách thức đáng kể về mặt đạo đức và thần học cần phải được giải quyết.

Khi AI tiếp tục phát triển, giáo xứ sẽ cần điều hướng sự cân bằng giữa việc nắm bắt các cơ hội mà AI mang lại và bảo tồn các chiều kích tương quan và tâm linh của công tác mục vụ. Bằng cách tiếp cận AI với sự sáng suốt, các nhà lãnh đạo giáo xứ có thể đảm bảo rằng công nghệ mạnh mẽ này được sử dụng theo cách nâng cao chứ không làm giảm sứ mệnh của giáo xứ. Nghiên cứu của McClure đóng vai trò là điểm khởi đầu quan trọng cho các cuộc trò chuyện đang diễn ra về vai trò của AI trong đời sống tôn giáo, khuyến khích các mục tử đánh giá một cách phê phán cách AI có thể trở thành một công cụ cho công tác mục vụ hiệu quả trong thời đại kỹ thuật số.

Lm. Micae Rua Trần Phạm Hoàng Gia Thi, SDB

Viết theo tư tưởng và cái nhìn của McClure

Tài liệu tham khảo

McClure, P. K. (2019). “Trí tuệ nhân tạo và Giáo hội: AI đang định công tác mục vụ như thế nào.” Tạp chí Công nghệ trong Thần học, 25(2), 97–112.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/tri-tue-nhan-tao-va-giao-hoi-ai-dang-dinh-hinh-cong-tac-muc-vu-nhu-the-nao-41892.html

 

 

9. Thông điệp là gì?

Theo thông cáo từ phòng Báo chí Toà thánh, Đức Giáo hoàng sẽ ký bản văn quan trọng thứ tư của ngài, mang tựa đề Dilexit nos (“Người yêu thương chúng ta”): một thông điệp về tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đấng vừa mang bản tính nhân loại vừa mang bản tính Thiên Chúa. Thông điệp bàn về linh đạo Thánh Tâm này sẽ được ban hành vào Thứ Năm, ngày 24 tháng 10 năm 2024.

Các tài liệu được chính Đức Giáo hoàng ký như chỉ dụ (rescrit), đoản sắc (bref), sắc chỉ (bulla), hoặc tông huấn (exhortation apostolique), v.v., có ý nghĩa theo thuật ngữ riêng của chúng. Trong số các tài liệu này, các thông điệp (encycliques) được chú ý nhiều nhất. Thật vậy, khi Đức Giáo hoàng quyết định viết một thông điệp là khi ngài muốn đặt một thẩm quyền có ý nghĩa vào những điều mà ngài bày tỏ trong đó, nhưng không liên quan tới tính bất khả ngộ của Giáo hoàng.

Thuật ngữ “thông điệp” (tiếng La-tinh: littera encyclica) có nguồn gốc từ chữ Hy-lạp “enkuklios” (tròn, vòng tròn). Theo giải thích của Hội đồng Giám mục Pháp (CEF), thông điệp là “một lá thư quan trọng mà Đức Giáo hoàng gửi đến toàn thể Giáo hội Công giáo, hoặc gửi đến một trong các thành phần đặc biệt của Giáo hội như: các giám mục, các giáo sĩ, các tín hữu.”

Thông điệp đầu tiên, theo ý nghĩa hiện nay của thuật ngữ này, được ban hành bởi Đức Thánh Cha Bêđêđictô XIV (1740-1758). Đó là thông điệp Ubi primum, được ký ngay sau khi ngài được bầu làm Giáo hoàng, đề cập đến tác vụ giám mục. Vị Giáo hoàng này đã viết tổng cộng 44 thông điệp trong suốt 18 năm triều đại của ngài.

Hơn 300 thông điệp trong ba thế kỷ

Theo Hội đồng Giám mục Pháp (CEF), “thông điệp là các bản văn thường có giá trị giảng dạy nhất và có thể nhắc lại đạo lý của Giáo hội về một vấn đề hiện thời.” Trên thực tế, các chủ đề được đề cập rất đa dạng, tùy theo mỗi thông điệp, chẳng hạn từ sự biến tướng trong lễ hội hóa trang (Inter Caetera năm 1748), đến tình hình tôn giáo của một quốc gia (Nobilissima Gallorum Gens năm 1884), bao gồm cả vấn đề nô lệ (Catholicae Ecclesiae năm 1890), hoặc Hội Tam điểm (Custodi di quella Fede năm 1892).

Nếu tính luôn cả cả Ubi primum thì không dưới 338 thông điệp đã được các Đức Giáo hoàng kế tiếp nhau công bố trong vòng chưa đầy 300 năm. Một số Giáo hoàng đặc biệt sử dụng rộng rãi loại văn kiện này, bắt đầu từ Đức Lêô XIII: trong suốt triều đại Giáo hoàng từ năm 1878 đến 1903, ngài đã công bố 86 thông điệp, trung bình hơn 3 thông điệp mỗi năm! Những vị tiếp theo trong bảng xếp hạng là Đức Piô XII (1939-1958) với 41 thông điệp và Đức Piô IX (1846-1878) với 38 thông điệp.

Các thông điệp ngày càng ít được sử dụng

Các Giáo hoàng dường như đang hạn chế dần dần việc dùng đến các thông điệp. Chẳng hạn, Đức Phaolô VI (1963-1978) ban hành duy nhất thông điệp Humanae vitae năm 1968, mặc dù triều đại Giáo hoàng của ngài vẫn kéo dài thêm hơn một thập kỷ nhưng không có một thông điệp nào nữa được ban hành. Trong suốt 26 năm trên cương vị Giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II “chỉ” ban hành 14 thông điệp. Đức Bênêđictô XVI thì ban hành 3 thông điệp.

Về phần Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài đã ban hành thông điệp đầu tiên mang tựa đề Lumen fidei, vào tháng 7 năm 2013, chỉ vài tháng sau khi được bầu chọn. Tuy nhiên trên thực tế, văn kiện này đã được chuẩn bị dưới triều đại vị tiền nhiệm của ngài, vì thế Lumen fidei thực sự không thể được coi là của ngài! Chỉ có Laudato si’ (2015) mới đích thực được tính trong số các thông điệp của ngài. Kế đến, Fratelli tutti (2020) được coi là thông điệp thứ hai.

Gioan Nguyễn Long Quân, O.P.

chuyển ngữ từ: la-croix.com

Nguồn: daminhvn.net (24/10/2024)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/thong-diep-la-gi-41893.html

 

 

10. Tuyển tập Thánh ca Việt Nam quyển 2

Ủy ban Thánh Nhạc

WHĐ (25/10/2024) - Tiếp theo Tuyển tập Thánh ca Việt Nam quyển 1, nay Ủy ban Thánh nhạc đăng lên mạng quyển 2 với phần xem xét lại thật cẩn trọng, nhưng chắc chắn sẽ còn một vài sai sót, xin quý vị góp ý. 

1. Ca Nguyện - Tải về

2. Nhập Lễ - Tải về

3. Dâng Lễ - Tải về

4. Hiệp Lễ - Tải về

5. Kết lễ - Tải về

6. Thánh Thể và Thánh Tâm - Tải về

7. Mùa Vọng - Tải về

8. Mùa Giáng Sinh - Tải về

9. Mùa Chay - Tải về

10. Phục Sinh - Tải về

11. Chúa Thánh Thần - Tải về

12. Hiệp Nhất - Tải về

13. Đức Mẹ - Tải về

14. Các Thánh - Tải về

15. Linh mục và Thánh Hiến - Tải về

16. Hôn Phối và Cha Mẹ - Tải về

17. Xuân và Trung Thu - Tải về

18. Cầu Hồn - Tải về

19. Loan Báo Tin Mừng - Tải về

20. Tuyển tập Thánh ca Việt Nam quyển 2 - Tải về

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/thanh-nhac/tuyen-tap-thanh-ca-viet-nam-quyen-2-41896.html

 

 

11. Phỏng vấn Đức Cha Mạnh Hùng và Đức Cha Anh Tuấn về Thượng hội đồng

Vatican News (26/10/2024) - Vatican News Tiếng Việt phỏng vấn hai Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng và Luy Nguyễn Anh Tuấn, hai nghị phụ của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Hiệp Hành.

Trong những ngày cuối Hội nghị lần II của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Hiệp Hành, Vatican News Tiếng Việt có cuộc phỏng vấn với hai nghị phụ đến từ Việt Nam: Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám mục Giáo phận Phan Thiết, và Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Giám mục Hà Tĩnh.

Nội dung cuộc phỏng vấn:

1. Kinh nghiệm của quý Đức cha tại Đại hội Thượng Hội Đồng lần này.

2. Vai trò của giáo dân, đặc biệt là phụ nữ trong Giáo hội.

3. Thúc đẩy sự tham gia của giáo dân trong bối cảnh đời sống đạo và truyền giáo tại Việt Nam

4. Hiệp hành và tinh thần đoàn kết trong Giáo hội Việt Nam.

5. Những thách thức trong việc áp dụng tại Việt Nam những hoa trái của Thượng Hội Đồng.

6. Năm Thánh Hy Vọng trong bối cảnh thách đố của thế giới và Việt Nam.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/phong-van-duc-cha-manh-hung-va-duc-cha-anh-tuan-ve-thuong-hoi-dong-41906.html

 

 

12. Bổ nhiệm Giám mục phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội

Lm. Giuse Đào Nguyên Vũ

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Linh mục Giuse Vũ Công Viện, thuộc linh mục đoàn tổng giáo phận Hà Nội, làm Giám mục Phụ tá tổng giáo phận Hà Nội.

WHĐ (26/10/2024) - Hôm nay, ngày 26 tháng 10 năm 2024, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Đại diện Toà Thánh thường trú tại Việt Nam thông báo:

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Linh mục Giuse Vũ Công Viện, thuộc linh mục đoàn tổng giáo phận Hà Nội, làm Giám mục Phụ tá tổng giáo phận Hà Nội.

Tiểu sử Linh mục Giuse Vũ Công Viện

- Sinh ngày: 23/2/1973

- Quê quán: Thôn Tân Độ, xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội; thuộc giáo xứ Tân Độ, tổng giáo phận Hà Nội.

- 2000 - 2007: Tu học tại Đại Chủng viện thánh Giuse Hà Nội

- Ngày 31/5/2007: Lãnh chức Phó tế

- Ngày 20/12/2007: Thụ phong linh mục qua nghi thức đặt tay của Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, tại nhà thờ Chính tòa Hà Nội

- 2008 - 2010: Linh mục Phó xứ An Lộc, thường trực tại Bình Cách

- 2010 - 2014: Du học tại Philippines và Canada

- 2014: Tốt nghiệp học vị Thạc sĩ Giáo luật tại Saint Paul University, Ottawa, Canada

- Từ năm 2014 đến nay: Linh mục Đại diện Tư pháp

- Từ năm 2014 đến năm 2018: Linh mục Phó văn phòng Tòa Tổng Giám mục Hà Nội

- 2015 - 2021: Linh mục Chính xứ Nam Dư

- 2021 - 2022: Linh mục Chính xứ Kẻ Sét

- 2021 - 2022: Phó Tổng Thư ký và thành viên Ban Soạn thảo Công nghị tổng giáo phận Hà Nội

- Từ năm 2022 đến nay: Giám học Đại Chủng viện thánh Giuse Hà Nội

- Từ ngày 16/01/2024: Phó Chánh Văn phòng tiếp nhận trình báo lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương của tổng giáo phận Hà Nội.

 - Ngày 26 tháng 10 năm 2024: Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá tổng giáo phận Hà Nội.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/bo-nhiem-giam-muc-phu-ta-tong-giao-phan-ha-noi-41907.html

TIN GIÁO HỘI HOÀN VŨ

1. ĐTC Phanxicô: Chúng ta bị ám ảnh bởi vẻ đẹp nhưng lại hiểu méo mó sai lầm về nó

Sáng thứ Hai ngày 30/9/2024, gặp gỡ các tham dự viên của dự án “Những Người gìn giữ vẻ Đẹp”, Đức Thánh Cha lưu ý rằng chúng ta bị ám ảnh bởi vẻ đẹp nhưng lại hiểu nó cách nhầm lẫn méo mó, xem nó là “các mô hình thẩm mỹ phù du và đại chúng hóa, gắn liền với các tiêu chí khoái lạc, thương mại và quảng cáo hơn là sự phát triển toàn diện của con người”. Ngài khích lệ họ không ngừng hoạt động để biến cái xấu thành cái đẹp, sự thoái hóa thành cơ hội, sự hỗn loạn thành sự hài hòa.

Hồng Thủy - Vatican News

Dự án “Những Người gìn giữ vẻ Đẹp”

“Những Người gìn giữ vẻ Đẹp” là một liên minh hoạt động vì điều tốt đẹp và công việc, với sự cộng tác của 3 tổ chức nhắm cùng giá trị. Hiệp hội Communitas, tổ chức “Những Thiên thần của vẻ Đẹp và hiệp hội Extrapulita quyết định chia sẻ kinh nghiệm và câu chuyện của họ để phát động một mô hình tích hợp mới tập trung vào công việc, vẻ đẹp và sự hợp tác giữa công, tư và phi lợi nhuận. Dự án trên nhắm chăm sóc các thành phố, chống lại sự nghèo đói, đào tạo con người và cung cấp nguồn nhân lực cho các công ty.

Một lối sống

Mở đầu bài nói chuyện, Đức Thánh Cha khẳng định rằng “Trở thành những Người gìn giữ Vẻ đẹp là một trách nhiệm, đồng thời là một thông điệp quan trọng cho cộng đoàn Giáo hội và cho toàn xã hội”. Ngài nói rằng tên của dự án không phải là “một khẩu hiệu đơn giản, nhưng chỉ ra một lối sống, một phong cách, một lựa chọn cuộc sống hướng tới hai mục đích quan trọng: người bảo vệ và vẻ đẹp”.

Người bảo vệ không ngại trách nhiệm

Trước hết, bảo vệ, theo Đức Thánh Cha, là một hành động “đòi hỏi sự quan tâm và chăm sóc, bởi vì nó bắt đầu từ việc nhận thức được giá trị của ai hoặc điều được giao phó cho chúng ta”. Do đó, người bảo vệ “không được xao nhãng và lười biếng, nhưng “mở rộng tầm mắt, không ngại dành thời gian, không ngại tham gia, không ngại đảm nhận trách nhiệm”.

Bảo vệ người nghèo, người yếu thế

Việc bảo vệ, Đức Thánh Cha nói tiếp, không chỉ giới hạn ở môi trường nhưng cần bảo vệ những người bị gạt bên lề, bị loại bỏ, bị lãng quên trong một xã hội ngày càng hiệu quả và tàn nhẫn..., bởi vì mỗi người đều quý giá trước mắt Chúa (xem Is 43,1-4). Do đó ngài nhắn nhủ rằng “trong việc tái phát triển nhiều nơi bị bỏ hoang và mục nát, phải luôn coi việc bảo vệ những người sống ở đó và thường xuyên lui tới là mục tiêu chính. Chỉ bằng cách này, anh chị em mới khôi phục được vẻ đẹp của thụ tạo”.

Vẻ đẹp thực sự: sự thống nhất không thể tách rời của sự hoàn thiện về thẩm mỹ và đạo đức

Tiếp đến, nói về vẻ đẹp, Đức Thánh Cha nhắn nhủ: “Chúng ta cần học cách vun trồng vẻ đẹp như một điều gì đó độc đáo và thiêng liêng đối với mọi thụ tạo, được Thiên Chúa nghĩ đến, yêu thương và tôn vinh ngay từ khi tạo thành thế giới (xem St 1,4) như một sự thống nhất không thể tách rời giữa ân sủng và sự tốt lành, của sự hoàn thiện về thẩm mỹ và đạo đức”. (CSR_4205_2024)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-chung-ta-bi-am-anh-boi-ve-dep-nhung-lai-hieu-meo-mo-sai-lam-ve-no-41778.html

 

 

2. ĐTC Phanxicô trả lời chỉ trích bình luận của ngài về phụ nữ trong bài phát biểu tại Đại học Louvain

Trên chuyến bay từ Brussels về Roma vào ngày 29/9/2024, Đức Thánh Cha đã đáp lại các chủ trích về những nhận định của ngài về phụ nữ trong cuộc gặp gỡ với các sinh viên đại học tại Đại học Công giáo Louvain. Đức Thánh Cha nói rằng những phê bình này đến từ một “trí óc chậm hiểu”, cố tình hiểu sai lập trường của ngài.

Vatican News

Trong bài phát biểu trong cuộc gặp gỡ các sinh viên đại học tại Đại học Công giáo Louvain, Đức Thánh Cha đã suy tư về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, ngài nói rằng: “Những gì đặc trưng cho phụ nữ, những gì thực sự nữ tính, không được quy định bởi sự đồng thuận hay hệ tư tưởng, cũng giống như bản thân phẩm giá được đảm bảo không phải bởi luật lệ viết trên giấy, mà bởi luật lệ nguyên bản được viết trên trái tim chúng ta”.

Ngài nhấn mạnh: “Phụ nữ nói với chúng ta về sự chào đón hiệu quả, nuôi dưỡng và cống hiến cho sự sống. Vì lý do này, phụ nữ quan trọng hơn nam giới, nhưng thật tệ khi phụ nữ muốn trở thành nam giới: Không, họ là phụ nữ, và điều này ‘nặng ký’ và quan trọng”.

Ngài nói thêm: “Chúng ta hãy chú ý hơn đến nhiều biểu hiện hàng ngày của tình yêu này, từ tình bạn đến nơi làm việc, từ việc nghiên cứu đến việc thực hiện trách nhiệm trong Giáo hội và xã hội, từ hôn nhân đến thiên chức làm mẹ, từ việc sống trinh khiết đến việc phục vụ tha nhân và xây dựng vương quốc của Thiên Chúa”.

Thông cáo phản đối của Đại học Công giáo Louvain

Trong thông cáo báo chí được đưa ra chỉ vài phút sau bài phát biểu của Đức Thánh Cha, Đại học Công giáo Louvain đã chỉ trích những phát biểu của Đức Thánh Cha về phụ nữ là “bảo thủ” và “tiền định và giản lược”. Họ “bày tỏ sự không hiểu và không chấp thuận quan điểm của Đức Thánh Cha Phanxicô liên quan đến vai trò của phụ nữ trong Giáo hội và trong xã hội”. Đại học đặc biệt phản đối bình luận của Đức Thánh Cha rằng “phụ nữ là sự chào đón nồng nhiệt, chăm sóc, cống hiến cho sự sống”.

Những người không muốn hiểu

Trả lời câu hỏi của nhà báo người Ý Annachiara Valle của tạp chí Famiglia Cristiana về những lời chỉ trích của Đại học Louvain, Đức Thánh Cha nói rằng thông cáo báo chí này là “được soạn sẵn” và “không có đạo đức” vì được viết “vào thời điểm tôi phát biểu”.

Đức Thánh Cha khẳng định: “Tôi luôn nói về phẩm giá của phụ nữ. Tôi đã nói một điều mà tôi không thể nói về đàn ông: Giáo hội là phụ nữ, là hiền thê của Chúa Giêsu. Việc nam tính hóa phụ nữ là không phải là nhân bản. Tôi luôn nói rằng phụ nữ quan trọng hơn nam giới, vì Giáo hội là hiền thê của Chúa Giêsu”.

Ngài nói rằng nếu điều này có vẻ “bảo thủ” đối với một số người, thì đó là vì họ không hiểu, hoặc “có một tâm trí chậm hiểu không muốn nghe về điều này”.

Điều thực sự tốt đó là Giáo hội nữ tính cao trọng hơn thừa tác vụ chức thánh

Nói về thừa tác vụ, Đức Thánh Cha nói rằng “đặc tính huyền nhiệm của phụ nữ [là] cao trọng hơn thừa tác vụ”. Thừa tác vụ của Đức Maria cao trọng hơn thưa tác vụ của Phêrô bởi vì nó là thừa tác vụ của hiệp nhất, trong khi thừa tác vụ của Phêrô là thừa tác vụ điều hành.

Đức Thánh Cha khẳng định: “Bản chất làm mẹ của Giáo hội là bản chất làm mẹ của một người phụ nữ. Quản trị là một thừa tác vụ thấp hơn nhiều, có nghĩa là đồng hành với các tín hữu, luôn luôn trong bản chất làm mẹ”.

Ngài nói rằng chủ nghĩa nam quyền không ổn nhưng chủ nghĩa nữ quyền cũng không ổn. Điều thực sự tốt đó là Giáo hội nữ tính cao trọng hơn thừa tác vụ chức thánh. Và điều này không thường được xem xét.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-tra-loi-chi-trich-binh-luan-cua-ngai-ve-phu-nu-trong-bai-phat-bieu-tai-dai-hoc-louvain-41783.html

 

 

3. ĐTC Phanxicô chủ sự Thánh lễ khai mạc Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục

Sáng thứ Tư ngày 2/10/2024, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ khai mạc Phần hai của Thượng Hội đồng Giám mục với sự tham dự của 464 tham dự viên và hàng chục ngàn tín hữu. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu dẹp bỏ sự ngạo mạn để có thể lắng nghe tiếng Chúa, trở nên vòng tay ôm chào đón người khác và trở nên bé nhỏ, đón tiếp nhau với sự khiêm tốn.

Vatican News

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Hôm nay chúng ta cử hành phụng vụ kính nhớ các Thiên thần bản mệnh, khi chúng ta mở lại Phiên họp toàn thể của Thượng Hội đồng Giám mục. Sau khi lắng nghe những gì Lời Chúa gợi ý cho chúng ta, chúng ta có thể lấy cảm hứng từ ba hình ảnh để suy ngẫm: tiếng nói, nơi ẩn náu và đứa trẻ.

Tiếng nói

Đức Thánh Cha nói: Thứ nhất là tiếng nói. Trên hành trình tiến về Đất Hứa, Thiên Chúa khuyên dân chúng hãy lắng nghe “tiếng thiên thần” mà Người đã sai đến (x. Xh 23,20-22). Đó là một hình ảnh thích hợp với chúng ta, bởi vì Thượng Hội Đồng cũng là một cuộc hành trình, trong đó Chúa đặt vào tay chúng ta lịch sử, ước mơ và hy vọng của một Dân tộc vĩ đại: của những anh chị em rải rác khắp mọi nơi trên thế giới, được cảm hứng bởi đức tin của chúng ta, được thúc đẩy bởi cùng một ước muốn nên thánh, để cùng với họ và vì họ, chúng ta cố gắng hiểu được con đường nào phải đi để đến được nơi Chúa muốn đưa chúng ta đến. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể lắng nghe “tiếng nói của thiên thần”?

Lắng nghe trong sự hiệp thông

Một cách thế chắc chắn là đón nhận với sự tôn trọng và chú ý, trong cầu nguyện và dưới ánh sáng của Lời Chúa, tất cả những đóng góp thu được trong ba năm làm việc, chia sẻ, thảo luận và nỗ lực kiên nhẫn để thanh lọc trí óc và tâm hồn. Nghĩa là, với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, chúng ta lắng nghe và hiểu những tiếng nói, nghĩa là những ý tưởng, những mong đợi, những đề nghị, để cùng nhau phân định tiếng Chúa nói với Giáo hội (xem RENATO CORTI, Loại linh mục nào? Những nội dung chưa được xuất bản). Như chúng ta đã nhiều lần nhắc lại, hội nghị của chúng ta không phải là một cuộc họp quốc hội, nhưng là một nơi lắng nghe trong sự hiệp thông, trong đó, như Thánh Grêgôriô Cả nói, những gì mà một người có nơi họ một phần thì lại được sở hữu cách trọn vẹn nơi người khác và mặc dù một số người có những năng khiếu đặc biệt, tất cả mọi thứ thuộc về anh em trong “đức ái của Chúa Thánh Thần” (xem Bài giảng về Tin Mừng, XXXIV).

Sự hài hòa trong đa dạng

Tuy nhiên, để điều này xảy ra, cần có một điều kiện: chúng ta phải giải thoát mình khỏi những gì có thể ngăn cản “đức ái của Chúa Thánh Thần” tạo ra sự hài hòa trong sự đa dạng trong chúng ta và giữa chúng ta. Những ai ngạo mạn cho rằng mình có độc quyền thì không thể nghe được tiếng Chúa (xem Mc 9,38-39). Mọi lời phải được đón nhận với lòng biết ơn và sự đơn sơ, để làm vang vọng những gì Thiên Chúa đã ban vì lợi ích của anh chị em chúng ta (xem Mt 10,7-8). Nói một cách cụ thể, chúng ta hãy chú ý đừng biến những đóng góp của mình thành những điểm để bảo vệ hoặc những chương trình nghị sự để áp đặt, nhưng hãy coi chúng như những món quà để chia sẻ, thậm chí sẵn sàng hy sinh những gì đặc biệt, nếu điều này có thể giúp cùng nhau tạo ra một điều gì đó mới mẻ theo kế hoạch của Thiên Chúa. Nếu không, chúng ta sẽ tự khép kín trong những cuộc đối thoại giữa những người điếc, nơi những người tham gia tìm cách thúc đẩy mục đích hoặc chương trình nghị sự của riêng họ mà không lắng nghe người khác và trên hết là không lắng nghe tiếng nói của Chúa.

Chúng ta không có giải pháp cho những vấn đề chúng ta gặp phải, nhưng Thiên Chúa thì có (xem Ga 14,6), và chúng ta hãy nhớ rằng trong sa mạc chúng ta không thể mất tập trung chú ý: nếu bạn không chú ý đến người hướng dẫn, nếu bạn nghĩ tự mình là đủ, bạn có thể chết vì đói khát và kéo theo những người khác. Vì vậy, chúng ta hãy lắng nghe tiếng Chúa và thiên thần của Người, nếu chúng ta thực sự muốn tiến bước an toàn trên cuộc hành trình vượt qua những giới hạn và khó khăn (xem Tv 23,4).

Nơi ẩn náu

Và điều này đưa chúng ta đến hình ảnh thứ hai: nơi ẩn náu. Biểu tượng của điều này là đôi cánh bảo vệ: “dưới cánh Người bạn sẽ tìm được chỗ ẩn thân” (Tv 91,4). Đôi cánh là công cụ mạnh mẽ, có khả năng nâng cơ thể lên khỏi mặt đất bằng những chuyển động mạnh mẽ của chúng. Tuy nhiên, dù mạnh mẽ như vậy nhưng chúng cũng có thể hạ xuống và khép lại với nhau, trở thành lá chắn và tổ ấm chào đón những con chim nhỏ cần hơi ấm và sự che chở.

Trái tim rộng mở

Đây là một biểu tượng về những điều Thiên Chúa làm cho chúng ta, nhưng cũng là mẫu mực để chúng ta noi theo, đặc biệt trong thời điểm chúng ta quy tụ này. Anh chị em thân mến, giữa chúng ta có nhiều người mạnh mẽ, được chuẩn bị, có khả năng vươn lên cao nhờ những chuyển động mạnh mẽ của suy tư và trực giác xuất sắc. Tất cả những điều này là một sự phong phú, kích thích chúng ta, thúc đẩy chúng ta, đôi khi buộc chúng ta phải suy nghĩ cởi mở hơn và kiên quyết tiến về phía trước, cũng như giúp chúng ta giữ vững đức tin ngay cả khi đối mặt với những thách thức và khó khăn. Trái tim rộng mở, trái tim đối thoại. Nhưng một trái tim khép kín trong xác tín của chính mình thì không thuộc về Thần khí của Chúa, điều này không thuộc về Chúa. Đó là một món quà mở rộng lòng mình, một món quà được kết hợp, vào đúng thời điểm, với khả năng thư giãn các cơ và cúi xuống, để trao tặng cho nhau như một vòng tay ôm chào đón và một nơi trú ẩn: như Thánh Phaolô VI đã nói: “một ngôi nhà […] của anh em, một xưởng làm việc chăm chỉ, một phòng tiệc thiêng liêng ấm cúng” (Bài phát biểu trước Hội đồng Chủ tịch của C.E.I., ngày 9 tháng 5 năm 1974).

Ở đây, mỗi người sẽ cảm thấy thoải mái thể hiện bản thân một cách tự nhiên và tự do hơn khi càng cảm nhận được sự hiện diện của những người bạn xung quanh yêu thương và tôn trọng, trân trọng và muốn lắng nghe những gì mình nói.

Bởi ơn gọi, Giáo hội là một nơi tụ họp đón tiếp

Và đối với chúng ta, đây không chỉ là một kỹ thuật để “tạo điều kiện thuận lợi” - đúng là trong Thượng Hội đồng có những “người hỗ trợ”, nhưng điều này nhằm giúp chúng ta tiến bước -, điều tôi nói không phải là kỹ thuật hỗ trợ cho cuộc đối thoại hay một động lực giao tiếp nhóm, nhưng là vòng tay ôm, bảo vệ và chăm sóc thực sự là một phần bản chất của Giáo hội. Bởi ơn gọi, Giáo hội là một nơi tụ họp đón tiếp, nơi mà “đức ái tập thể đòi hỏi sự hòa hợp hoàn hảo, từ đó phát sinh sức mạnh đạo đức, vẻ đẹp tinh thần và bản chất mẫu mực của nó” (ibid.). Chữ “hòa hợp” rất quan trọng. Không có đa số, thiểu số. Đây có thể là bước đầu tiên để tiến xa hơn: điều quan trọng, điều cơ bản là sự hòa hợp, sự hòa hợp mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể tạo ra, Người là bậc thầy của sự hòa hợp, Đấng với nhiều khác biệt có thể tạo ra một tiếng nói duy nhất, nhưng với nhiều giọng nói khác nhau. Chúng ta hãy nghĩ về buổi sáng Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã tạo nên sự hòa hợp trong những khác biệt như thế nào. Giáo hội cần “những nơi bình yên và cởi mở” được tạo dựng trước hết trong tâm hồn chúng ta, nơi mọi người cảm thấy được chào đón, như một đứa trẻ trong vòng tay người mẹ (xem Is 49,15; 66,13) và như một đứa trẻ được cha nâng lên áp vào má. (xem Hs 11,4; Ps 103.13).

Trẻ em

Và đây là hình ảnh thứ ba: đứa trẻ. Trong Tin Mừng, Chính Chúa Giêsu “đặt em vào giữa”, chỉ cho các môn đệ thấy, mời gọi họ hoán cải và trở nên nhỏ bé như em. Họ đã hỏi Chúa ai là người lớn nhất trong Nước Trời: Người đáp lại bằng cách khuyến khích họ hãy trở nên nhỏ bé như một đứa trẻ. Nhưng không chỉ vậy: Người còn nói thêm rằng khi chào đón một đứa trẻ nhân danh Người là tiếp đón Người (xem Mt 18,1-5).

Hạ mình, trở nên nhỏ bé và đón tiếp nhau với lòng khiêm tốn

Và đối với chúng ta, nghịch lý này là điều cơ bản. Thượng Hội đồng, do tầm quan trọng của nó, theo một nghĩa nào đó yêu cầu chúng ta phải là những người “lớn” - trong trí óc, trong tâm hồn, trong quan điểm - bởi vì các vấn đề cần giải quyết thì “to lớn” và tế nhị, và các hoàn cảnh của các vấn đề rất rộng và phổ quát. Nhưng chính vì lý do này mà chúng ta không thể rời mắt khỏi đứa trẻ mà Chúa Giêsu tiếp tục đặt ở trung tâm các cuộc gặp gỡ và bàn làm việc của chúng ta, để nhắc nhở chúng ta rằng cách duy nhất để “xứng đáng” với nhiệm vụ được ủy thác cho chúng ta là hạ mình, trở nên nhỏ bé và đón tiếp nhau với lòng khiêm tốn. Người cao trọng nhất trong Giáo hội là người tự hạ nhất.

Chúng ta hãy nhớ rằng chính bằng việc làm cho mình trở nên nhỏ bé mà Thiên Chúa “chỉ cho chúng ta thấy sự cao cả thực sự là gì, đúng hơn, trở thành Thiên Chúa có nghĩa là gì” (BIỂN ĐỨC XVI, Bài giảng Lễ Chúa Chịu Phép Rửa, ngày 11 tháng 1 năm 2009). Không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giêsu nói rằng các thiên thần của các em “luôn chiêm ngắm dung nhan Chúa Cha […] Đấng ngự trên trời” (Mt 18,10): nghĩa là các em giống như một “kính viễn vọng” về tình yêu của Chúa Cha.

Ngày 7/10: ngày cầu nguyện và ăn chay cho hòa bình thế giớ

Cuối bài giảng, Đức Thánh Cha nhắn nhủ: Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tiếp tục cuộc hành trình này của Giáo hội với ánh nhìn hướng về thế giới, bởi vì cộng đồng Kitô hữu luôn là để phục vụ nhân loại, để loan báo niềm vui Tin Mừng cho mọi người. Cần có một nhu cầu, đặc biệt là trong thời điểm bi thảm này của lịch sử chúng ta, trong khi những cơn gió chiến tranh và ngọn lửa bạo lực tiếp tục làm đảo lộn toàn thể các dân tộc và các quốc gia.

Và Đức Thánh Cha thông báo: Để cầu xin hồng ân hòa bình nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria Rất Thánh, Chúa Nhật tới tôi sẽ đến Đền thờ Đức Bà Cả, nơi tôi sẽ đọc Kinh Mân Côi và dâng lời cầu nguyện chân thành lên Đức Trinh Nữ; nếu có thể, tôi cũng xin anh chị em, những thành viên của Thượng Hội đồng, hãy tham gia cùng tôi trong dịp đó.

Và ngày hôm sau, ngày 7/10, tôi xin mọi người hãy sống ngày cầu nguyện và ăn chay cho hòa bình thế giới.

Chúng ta hãy bước đi cùng nhau. Chúng ta hãy lắng nghe Chúa. Và chúng ta hãy để làn gió Thánh Thần dẫn dắt chúng ta.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-chu-su-thanh-le-khai-mac-dai-hoi-thuong-hoi-dong-giam-muc-41787.html

 

 

4. ĐTC Phanxicô kêu gọi ăn chay cầu nguyện vào ngày 7/10 để cầu nguyện cho hòa bình thế giới

Vào ngày 2/10/2024, cử hành Thánh lễ khai mạc phần hai của Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành, Đức thánh Cha đã quyết định vào ngày 7/10/2024 Giáo hội sẽ cử hành ngày cầu nguyện và ăn chay để cầu xin ơn hòa bình. Ngài cũng thông báo sẽ viếng Đền thờ Đức Bà Cả vào Chúa Nhật ngày 6/10/2024 để lần hạt Mân Côi và cầu nguyện với Đức Mẹ.

Vatican News

Đức Thánh Cha nói vào cuối bài giảng trong Thánh lễ rằng chúng ta cần cầu xin hòa bình, “khi những luồng gió chiến tranh và ngọn lửa bạo lực tiếp tục làm đảo lộn toàn thể các dân tộc và các quốc gia”, bằng ăn chay và cầu nguyện.

Ngài thông báo: “Để cầu xin hồng ân hòa bình nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria Rất Thánh, Chúa Nhật tới tôi sẽ đến Đền thờ Đức Bà Cả, nơi tôi sẽ đọc Kinh Mân Côi và dâng lời cầu nguyện chân thành lên Đức Trinh Nữ”. Ngài mời mọi người cùng tham gia hiệp ý với ngài. Đặc biệt, Đức Thánh Cha xin mọi người sống ngày cầu nguyện và ăn chay cho hòa bình thế giới vào ngày 7/10, kỷ niệm một năm cuộc tấn công khủng bố của Hamas vào Israel.

Những lần ĐTC Phanxicô kêu gọi ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình

Cầu nguyện cho Syria

Đức Thánh Cha đã nhiều lần khởi xướng ngày ăn chay cầu nguyện để xin Thiên Chúa ban ơn hòa bình. Vào năm 2013, chưa đầy sáu tháng sau khi được bầu làm người kế vị Thánh Phêrô, vào ngày 7/9 năm đó, Đức Thánh Cha đã quy tụ hàng ngàn người, người Công giáo và những người khác, tại Quảng trường Thánh Phêrô để cầu nguyện, với đuốc, nến, cờ, cho hòa bình “ở quốc gia Syria yêu dấu, ở Trung Đông, trên toàn thế giới!”, khi tại Syria có nguy cơ bùng nổ chiến tranh. May mắn là cuộc chiến đó chưa bao giờ bùng nổ.

Cầu nguyện cho Nam Suđan và Cộng hòa Dân chủ Congo

Sau đó, ngày 23/2/2017, Đức Thánh Cha lại kêu gọi các Kitô hữu ăn chay cầu nguyện cho Nam Suđan và Cộng hòa Dân chủ Congo. Ngày hôm đó Đức Thánh Cha cũng đã mời các Kitô hữu từ các Giáo hội khác và những người theo các tôn giáo khác tham gia sự kiện này, “theo những cách mà họ cho là phù hợp nhất, nhưng tất cả đều cùng nhau”.

Cầu nguyện cho Libăng

Đức Thánh Cha cũng kêu gọi ăn chay cầu nguyện cho Libăng vào ngày 4/9/2020 khi đất nước này rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội và kinh tế kéo dài. Ngày 29/8/2021, khi Afghanistan bị choáng ngợp bởi sự trở lại đầy bạo lực của Taliban, bởi các cuộc tấn công và chuyến bay tuyệt vọng của hàng ngàn người, một lần nữa Đức Thánh Cha lại yêu cầu các tín hữu trên thế giới hợp nhất ăn chay và cầu nguyện cho nước này.

Cầu nguyện cho Ucraina

Sau khi Ucraina bị Nga xâm lược vào tháng 2/2022, vào ngày 2/3 sau đó Đức Thánh Cha đã yêu cầu Giáo hội hoàn vũ tăng cường việc ăn chay và cầu nguyện, trước hết là dâng lên Đức Trinh Nữ Maria, Nữ vương Hòa bình, xin Mẹ “bảo vệ thế giới khỏi sự điên cuồng của chiến tranh”.

Cầu nguyện cho Thánh Địa

Gần đây nhất, vào ngày 27/10/2023, Đức Thánh Cha đã kêu gọi ăn chay cầu nguyện để cầu xin ơn hòa bình, sau khi Thánh Địa bùng nổ chiến tranh. Đức Thánh Cha đã đặt mình dưới chân Mẹ xin Mẹ chuyển cầu cho thế giới đang trải qua “giờ đen tối”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-keu-goi-an-chay-cau-nguyen-vao-ngay-710-de-cau-nguyen-cho-hoa-binh-the-gioi-41792.html

 

 

5. Đức Thánh Cha: Trông coi Thánh Địa là sứ vụ hoà bình và đối thoại giữa xung đột

Đức Thánh Cha viết lời tựa sách “Như một cuộc hành hương - Những ngày của tôi ở Thánh Địa”, nội dung nói về sứ vụ của cha Francesco Patton, bề trên Dòng Phanxicô ở Thánh Địa. Ngài nhấn mạnh “Trông coi Thánh Địa là một sứ vụ hoà bình và đối thoại giữa xung đột”.

Vatican News

Đức Thánh Cha xác nhận sứ vụ trông coi Thánh Địa là một nhiệm vụ không đơn giản, vì phải quản lý nhiều nơi thánh ghi dấu ấn cuộc đời Chúa Giêsu, và mỗi năm đón hơn nửa triệu người hành hương. Ngài viết: “Phối hợp công việc với các anh em ở 8 quốc gia, thuộc các quốc tịch khác nhau, bảo đảm đặc điểm chính của sự trông coi: tính quốc tế. Một điều quý giá, đại diện thu nhỏ tính Công giáo của Giáo hội, nhưng đòi hỏi một nỗ lực liên tục làm hài hoà các nền văn hoá và truyền thống khác nhau”.

Tự việc trông coi Thánh Địa đã là một trách nhiệm nặng nề đối với các tu sĩ dòng Phanxicô, và giờ đây thêm cuộc chiến ngày càng khốc liệt, Đức Thánh Cha nói ngài hiểu tâm trạng của cha Francesco Patton như thế nào khi chiến tranh đột ngột xảy ra, nhưng vị tu sĩ Phanxicô thực hiện một cách hiệu quả. Đức Thánh Cha khen ngợi: “Vì điều này, chúng ta biết ơn ngài, vì như người ta nói, Giêrusalem không thuộc về ai, nhưng thuộc về tất cả mọi người”.

Đức Thánh Cha nhận xét, cha dòng Phanxicô thực hiện nhiệm vụ khó khăn này với sự kiên nhẫn, khiêm tốn và khả năng lắng nghe, nhưng cũng bằng sự kiên quyết, khi những sự kiện bi thảm của vùng đất đòi hỏi phải có điều đó. Nhiệm vụ của cha Patton được đánh dấu bằng những sự kiện ngoại thường và khủng khiếp, sẽ được nhớ mãi.

Đức Thánh Cha đặc biệt đề cập đến những năm đại dịch và sau đó cuộc chiến khủng khiếp bắt đầu vào ngày 07/10/2023, gây đau khổ cho Thánh Địa và Trung Đông. Trong những tình huống bi thảm này, cha dòng Phanxicô đã biết giữ cho con thuyền được trao phó đứng vững và gia tăng nỗ lực gần gũi với dân chúng bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này. Một trong những việc làm đáng chú ý là sáng kiến đưa 150 em bé bị thương và bị bệnh ở Gaza sang Ý điều trị

Cuối cùng, Đức Thánh Cha cầu xin Chúa ban bình an cho cha Patton và trên hết là hoà bình cho Thánh Địa và tất cả những ai đang trông coi vùng đất thánh thiêng này.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-trong-coi-thanh-dia-la-su-vu-hoa-binh-va-doi-thoai-giua-xung-dot-41794.html

 

 

6. Đức Thánh Cha công bố danh sách các tân Hồng y

Sau Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 6/10, sau khi xin các tín hữu cầu nguyện cho hoà bình, Đức Thánh Cha đã thông báo danh sách 21 Tân Hồng y ngài sẽ trao mũ trong Công nghị ngày 8/12, lễ trọng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Vatican News

Các Tân Hồng y được Đức Thánh Cha chọn thuộc cả các vùng ngoại vi, các giáo phận lớn, lẫn những người đang phục vụ tại Giáo triều Roma, trong đó có vị lớn tuổi nhất là Đức Tổng giám mục Angelo Acerbi, sứ thần Toà Thánh, 99 tuổi, và cũng là vị duy nhất trên 80 tuổi, không tham gia mật viện bầu giáo hoàng, và vị trẻ nhất là Đức cha Mykola Bychok, C.Ss.R., giám mục Giáo phận các thánh Phêrô và Phaolô Melbourne của người Ucraina, sinh ngày 13/02/1980.

Trong lời giới thiệu trước khi xướng tên các Tân Hồng y, Đức Thánh Cha nói: “Xuất thân của các vị thể hiện tính phổ quát của Giáo hội tiếp tục loan báo tình yêu thương xót của Thiên Chúa cho mọi người trên trái đất. Hơn nữa, việc bổ nhiệm các tân Hồng y vào Giáo phận Roma bày tỏ mối liên hệ không thể tách rời giữa Ngai tòa Phêrô và các Giáo hội địa phương trên khắp toàn cầu”.

Các tân hồng y đến từ: Peru, Argentina, Ecuador, Chile, Nhật Bản, Philippines, Serbia, Brazil, Bờ Biển Ngà, Algeria, Indonesia, Iran, Ý, Canada, Giáo phận Roma, Giáo phận Thánh Phêrô và Phaolô ở Melbourne của người Ucraina, thần học gia, Bộ Phục vụ Phát triển con người toàn diện, và Phủ quốc vụ khanh.

Danh sách các tân Hồng y:

1. Đức cha Angelo Acerbi, Sứ thần Toà Thánh

2. Đức cha Carlos Gustavo Castillo Mattasoglio, Tổng Giám mục Lima (Peru).

3. Đức cha Vicente Bokalic Kalic Iglic C.M., Tổng Giám mục Santiago del Estero (Argentina).

4. Đức cha Luis Gerardo Cabrera Herrera, O.F.M., Tổng Giám mục Guayaquil (Ecuador).

5. Đức cha Fernando Natalio Chomalí Garib, Tổng Giám mục di Santiago de Cile (Chile).

6. Đức cha Tarcisio Isao Kikuchi, S.V.D., Tổng Giám mục Tokyo (Nhật Bản).

7. Đức cha Pablo Virgilio Siongco David, Giám mục Kalookan (Philippines).

8. Đức cha Ladislav Niemet, S.V.D., Tổng Giám mục Beograd -Smederevo, (Serbia).

9. Đức cha Jaime Spengler, O.F.M., Tổng Giám mục Porto Alegre (Brazil).

10. Đức cha Ignace Bessi Dogbo, Tổng Giám mục Abidjan (Costa d'Avorio).

11. Đức cha Jean-Paul Vesco, O.P., Tổng Giám mục Alger (Algeria).

12. Đức cha Paskalis Bruno Syukur, O.F.M., Giám mục Bogor (Indonesia).

13. Đức cha Dominique Joseph Mathieu, O.F.M. Conv., Tổng Giám mục Teheran Ispahan (Iran).

14. Đức cha Roberto Repole, Tổng Giám mục Torino (Ý).

15. Đức cha Baldassare Reina, Giám mục phụ tá của Roma, từ hôm nay, Tổng Đại diện của Giáo phận Roma.

16. Đức cha Francis Leo, Tổng Giám mục Toronto (Canada).

17. Đức cha Rolandas Makrickas, Phụ tá Giám quản Đền thờ Đức Bà Cả.

18. Đức cha Mykola Bychok, C.Ss.R., Giám mục Giáo phận các thánh Phêrô và Phaolô Melbourne của người Ucraina

19. Cha Timothy Peter Joseph Radcliffe, OP, thần học gia

20. Cha Fabio Baggio, C.S., phó thư ký Phân bộ Di dân và tị nạn của Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện

21. Đức ông George Jacob Koovakad, công chức Phủ Quốc vụ khanh và chịu trách nhiệm về các chuyến tông du của Đức Thánh Cha

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-cong-bo-danh-sach-cac-tan-hong-y-41803.html

 

 

7. Tên của 4 nữ tu được đặt cho 4 tiểu hành tinh

Vào tháng 6 và tháng 9 năm nay, các nhà khoa học đã quyết định đặt tên cho bốn tiểu hành tinh theo tên bốn nữ tu Công giáo đã giúp lập danh mục khoảng 500.000 ngôi sao trong phần Vatican của tập bản đồ sao Carte du Ciel “Bản đồ thiên thể” vào đầu những năm 1900.

Vatican News

Tên của bốn nữ tu là Emilia Ponzoni, Regina Colombo, Concetta Finardi và Luigia Panceri. Ban đầu, khi gia nhập Dòng Nữ tu Maria Bambina, các sơ dự kiến sẽ làm y tá. Nhưng rồi họ đã dành tới 11 năm để nghiên cứu 481.215 thiên thể cho Đài quan sát Vatican. Những khám phá của họ sau đó đã được công bố trong danh mục gồm 10 tập.

Bốn tiểu hành tinh này đã được phát hiện tại Đài quan sát Núi Graham ở Arizona, nơi Đài quan sát Vatican vận hành Kính viễn vọng Công nghệ Tiên tiến của Vatican, cách Phoenix khoảng 200 dặm về phía đông nam.

Đặt tên cho tiểu hành tinh là một quá trình dài. Một thiên thể phải được quan sát, đăng ký, báo cáo và cấp một số nhận dạng; dữ liệu được xem xét để tìm bất kỳ thiên thể không xác định trùng lặp.

Sau khi xác định được quỹ đạo chính xác, nhà nghiên cứu, người đã tính toán quỹ đạo - chứ không phải người phát hiện ra tiểu hành tinh - có quyền đề xuất một cái tên. Sau đó, tên này sẽ được xem xét bởi Nhóm công tác: Danh pháp các thiên thể nhỏ (WGSBN), do Liên minh Thiên văn Quốc tế điều hành.

Vào đầu những năm 1900, cha John Hagen, Dòng Tên, đã thực hiện dự án lập bản đồ sao cho Đài quan sát Vatican. Cha đã xin Dòng Nữ tu Maria Bambina trợ giúp và vào năm 1910, dòng đã cử Sơ Emilia và Sơ Regina đến Đài Quan sát để tham gia dự án. Vào năm 1917, thêm hai nữ tu là Sơ Concetta và Sơ Luigia cộng tác. Đến năm 1921, các nữ tu đã cùng nhau lập danh mục gần 500.000 ngôi sao.

Dự án lập bản đồ của Vatican là một phần trong nỗ lực toàn cầu nhằm tạo ra một bản đồ thiên thể. Vatican đã chọn một phần bầu trời đêm để lập bản đồ thông qua nhiếp ảnh và phân tích, trong khi gần 20 đài quan sát khác làm việc trên các phần tương ứng của họ. Dự án bao gồm việc ghi lại độ sáng và vị trí của 5 triệu ngôi sao.

Sau đó, Giáo hoàng Biển Đức XV và Pio XI đã vinh danh các nữ tu vì những đóng góp của họ.

Đã có 41 tu sĩ dòng Tên được vinh danh khi tên của họ được đặt cho các thiên thể.

Là một trong những đài quan sát lâu đời nhất trên thế giới, Đài quan sát Vatican có nguồn gốc sớm nhất từ thế kỷ 16. Đài quan sát này nằm bên ngoài Roma, tại thị trấn Castel Gandolfo, và tiếp tục tạo ra những đột phá khoa học. (CNA 04/10/2024)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/ten-cua-4-nu-tu-duoc-dat-cho-4-tieu-hanh-tinh-41807.html

 

 

8. ĐTC Phanxicô gửi thư bày tỏ sự gần gũi với tín hữu Công giáo Trung Đông

Ngày 7/10/2024, tròn một năm kể từ cuộc tấn công của Hamas vào Israel khiến Thánh Địa rơi vào cuộc chiến tranh toàn diện, Đức Thánh Cha đã gửi một lá thư tới những người Công giáo trong khu vực này, lên án “sự bất lực đáng xấu hổ của cộng đồng quốc tế và các quốc gia hùng mạnh trong việc chấm dứt chiến tranh” và bày tỏ sự gần gũi của ngài với những người “phải chịu đựng sự tàn phá mà những kẻ hùng mạnh gây ra cho người khác”.

Vatican News

Mở đầu thư Đức Thánh Cha viết: “Anh chị em thân mến, tôi nghĩ đến anh chị em và cầu nguyện cho anh chị em”. Ngài lên án “sự bất lực đáng xấu hổ của cộng đồng quốc tế và các quốc gia hùng mạnh nhất trong việc làm im tiếng súng và chấm dứt thảm kịch chiến tranh”.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng “sự tức giận đang gia tăng, cùng với mong muốn trả thù, trong khi có vẻ như ít người quan tâm đến điều cần thiết nhất và mong muốn nhất: đối thoại và hòa bình”. Ngài nhắc lại rằng: “Chiến tranh là một thất bại. Vũ khí không xây dựng tương lai mà phá hủy nó, bạo lực không bao giờ mang lại hòa bình. Lịch sử đã chứng minh điều này, nhưng nhiều năm xung đột dường như không dạy cho chúng ta điều gì”.

Đàn chiên bé nhỏ được Chúa yêu thương

Đức Thánh Cha cũng cảm ơn “đàn chiên nhỏ bé, không có khả năng tự vệ”, những người đang sống ở Đất Thánh và “khát khao hòa bình”, về việc họ muốn ở lại vùng đất của họ, cầu nguyện và yêu thương bất chấp mọi khó khăn. Ngài mô tả những người Công giáo Thánh Địa là “hạt giống được Chúa yêu thương”.

Khuyến khích họ tìm cách để sinh hoa trái và cho đi sự sống, mà không để bản thân bị nhấn chìm bởi bóng tối bao quanh, Đức Thánh Cha viết: “Được gieo trồng trên vùng đất thánh thiêng liêng của anh chị em, hãy trở thành mầm hy vọng, bởi vì ánh sáng đức tin dẫn anh chị em đến việc làm chứng cho tình yêu giữa những lời lẽ thù hận, để gặp gỡ giữa sự đối đầu ngày càng tăng, để hiệp nhất giữa sự thù địch ngày càng lớn”.

Đức Thánh Cha diễn tả sự gần gũi “với tấm lòng của một người cha”, cho những đứa con của mình, những người “ngày nay đang trải qua một cuộc tử đạo thực sự". Ngài mời gọi họ gieo “hạt giống hòa bình giữa mùa đông chiến tranh” và trở thành “nhân chứng cho sức mạnh của một nền hòa bình bất bạo động”.

Ngày ăn chay cầu nguyện

Lưu ý rằng ngày nay mọi người không biết cách tìm thấy hòa bình, Đức Thánh Cha nói: “Là những Kitô hữu, chúng ta không bao giờ được mệt mỏi trong việc cầu xin hòa bình từ Chúa.” Ngài giải thích đó là lý do tại sao, vào ngày này, ngài đã kêu gọi mọi người hãy dành một ngày để cầu nguyện và ăn chay. Ngài gọi những phương cách đó là “vũ khí của tình yêu làm thay đổi lịch sử, vũ khí đánh bại kẻ thù thực sự duy nhất của chúng ta: tinh thần của sự ác đang gây ra chiến tranh”.

“Tôi ở cùng anh chị em, Tôi gần gũi anh chị em”

Trong phần thứ hai của lá thư, những lời của Đức Thánh Cha - “Tôi ở cùng anh chị em, Tôi gần gũi anh chị em” - hướng đến không chỉ các Kitô hữu mà mọi người thuộc mọi tín ngưỡng và tôn giáo đang phải chịu đựng sự điên rồ của chiến tranh ở Trung Đông: những người dân Gaza, những người mẹ khóc thương khi nhìn thấy những đứa con đã chết hoặc bị thương của mình, những người “sợ nhìn lên vì sợ lửa từ trên trời rơi xuống”, những người khao khát hòa bình và công lý,...

Cuối cùng, Đức Thánh Cha cảm ơn “những người con của hòa bình”, những người trên khắp thế giới đang hỗ trợ những người đau khổ, và các giám mục và linh mục “mang sự an ủi của Chúa đến những người cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-gui-thu-bay-to-su-gan-gui-voi-tin-huu-cong-giao-trung-dong-41816.html

 

 

9. Đức Thánh Cha: Vai trò của phụ nữ ở Vatican đang thay đổi

Trong cuộc trò chuyện với các tu sĩ Dòng Tên ở thủ đô Brussels của Bỉ, trong chuyến tông du vừa qua, và được tạp chí Văn minh Công giáo (La Civiltà Cattolica) công bố ngày 08/10, Đức Thánh Cha đề cập đến vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, và không giới hạn điều này trong lĩnh vực mục vụ, đồng thời nhấn mạnh vai trò của phụ nữ tại Vatican đang thay đổi.

Vatican News

Chủ đề phụ nữ và vai trò của phụ nữ trong Giáo hội đã được đề cập nhiều lần trong chuyến tông du đến Luxembourg và Bỉ, từ ngày 26 đến 29/9 vừa qua, cũng là trọng tâm của cuộc trò chuyện thân mật của Đức Thánh Cha với 150 tu sĩ Dòng Tên tại Brussels.

Trả lời câu hỏi “khó khăn trong việc mang lại cho phụ nữ một vị trí công bằng và thích hợp hơn trong Giáo hội”, Đức Thánh Cha tái khẳng định “Giáo hội là nữ”, và ngài thấy phụ nữ được ban cho các đặc sủng, vì thế không muốn giới hạn cuộc thảo luận về vai trò phụ nữ trong Giáo hội về chủ đề mục vụ. Đức Thánh Cha cho biết tại thời điểm này, ngài đang cố gắng “ngày càng nhiều hơn để đưa thêm phụ nữ vào Vatican với những vai trò có trách nhiệm ngày càng cao hơn. Và mọi thứ đang thay đổi. Người ta có thể thấy và cảm nhận điều này”.

Đức Thánh Cha đưa ra một số khuôn mặt cụ thể của phụ nữ đang phục vụ ở các vị trí quan trọng: Sơ Raffaella Petrini, Tổng Thư ký Phủ Thống đốc Thành Vatican; sơ Alessandra Smerilli, Tổng Thư ký Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện; trong Bộ Giám mục có ba thành viên là phụ nữ; sơ Simona Brambilla, Tổng Thư ký Bộ các Dòng tu; và trong Bộ Kinh tế, phó điều phối viên là bà Charlotte Kreuter-Kirchhof.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Tóm lại là đưa phụ nữ vào Vatican với những vai trò có trách nhiệm cao. Chúng ta sẽ tiếp tục con đường này. Mọi thứ đang hoạt động tốt hơn trước”.

Về vấn đề này, ngài cho biết chính những lời của bà Von der Leyen, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, đã làm ngài suy nghĩ rất nhiều về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội. Trong một cuộc gặp gỡ, ngài đã hỏi bà làm thế nào bà có thể đảm trách công việc của một Chủ tịch Uỷ ban châu Âu và vừa đảm nhận vai trò làm vợ và làm mẹ trong gia đình, bà đã trả lời: “Như những người mẹ chúng tôi vẫn làm”.

Cuộc đối thoại giữa Đức Thánh Cha và các tu sĩ Dòng Tên còn liên quan đến giáo xứ, cộng đoàn tín hữu, khi số linh mục phục vụ giáo xứ ngày càng ít. Đức Thánh Cha trả lời: “Cộng đoàn quan trọng hơn linh mục. Linh mục phục vụ cộng đoàn”, đồng thời đưa ra các ví dụ về trường hợp các nữ tu đảm nhận vai trò dẫn dắt một số nơi trên thế giới, như trường hợp các nữ tu ở Peru. Các nữ tu có “sứ vụ đặc biệt đi đến những nơi không có linh mục. Các chị làm mọi việc: giảng dạy, rửa tội… Và khi có một linh mục được sai đến, các nữ tu lại đi đến một nơi khác để tiếp tục thi hành sứ vụ”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-vai-tro-cua-phu-nu-o-vatican-dang-thay-doi-41819.html

 

 

10. Tiếp kiến chung 9/10/2024 - ĐTC Phanxicô: Chúa Thánh Thần mở rộng và hiệp nhất Giáo hội

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 9/10/2024, Đức Thánh Cha nhắc rằng sự hiệp nhất của cuộc sống, của Lễ Hiện Xuống, theo Chúa Thánh Thần, đạt được khi chúng ta cố gắng đặt Thiên Chúa, chứ không phải chính mình, vào trung tâm. Sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu cũng được xây dựng theo cách này: không phải bằng cách chờ đợi người khác đến với chúng ta ở nơi chúng ta đang ở, nhưng bằng cách cùng nhau hướng tới Chúa Kitô.

Vatican News

Trong bài giáo lý, Đức Thánh Cha quay lại với tường thuật về Lễ Hiện Xuống trong Sách Công Vụ Tông đồ, mô tả các Tông Đồ là những người “được đầy tràn Chúa Thánh Thần” và được sai đi để công bố Tin Mừng cho thế giới. Ngài nói rằng trong mọi thời đại, Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội trong sứ mạng ôm trọn mọi dân tộc trong sự hiệp nhất của Thân Thể Chúa Kitô. Do đó, có hai chuyển động: phổ quát và hiệp nhất. Một mặt, Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo hội cởi mở và đi ra để loan báo Tin Mừng cho mọi người, không phân biệt ai. Mặt khác, Người gắn kết cộng đồng lại với nhau một cách mật thiết xung quanh Chúa Kitô, “mối dây hiệp nhất”.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng việc đạt được và duy trì sự hiệp nhất trong Giáo hội, cũng như trong đời sống, không phải là điều dễ dàng, bởi vì dù rất muốn hiệp nhất nhưng chúng ta chỉ muốn bám giữ quan điểm riêng của mình và khiến cho sự hiệp nhất càng xa vời hơn. Ngài nhắc rằng sự hiệp nhất của cuộc sống, của Lễ Hiện Xuống, theo Chúa Thánh Thần, đạt được khi chúng ta cố gắng đặt Thiên Chúa, chứ không phải chính mình, vào trung tâm.

Mở đầu buổi tiếp kiến, cộng đoàn cùng nghe đoạn sách Công vụ Tông đồ (11,15-17):

[Ông Phêrô nói:] “Tôi vừa mới bắt đầu nói, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên họ, như đã ngự xuống trên chúng ta lúc ban đầu. Tôi sực nhớ lại lời Chúa nói rằng: ‘Ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì sẽ được rửa trong Thánh Thần’. Vậy, nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa?”

Và Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý:

BÀI GIÁO LÝ CỦA ĐỨC THÁNH CHA

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong hành trình giáo lý về Chúa Thánh Thần và Giáo hội, hôm nay chúng ta đề cập đến Sách Công vụ Tông đồ.

Trình thuật Chúa Thánh Thần hiện xuống vào ngày Lễ Ngũ Tuần bắt đầu bằng việc mô tả một số dấu hiệu chuẩn bị - gió, sấm sét và các lưỡi lửa - nhưng kết thúc với một khẳng định: “Và tất cả đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần” (Cv 2,4). Thánh Luca -người viết sách Công vụ Tông đồ - nhấn mạnh rằng Chúa Thánh Thần là Đấng bảo đảm tính phổ quát và sự hiệp nhất của Giáo hội. Hiệu quả tức thì của việc được “đầy Thánh Thần” là các Tông đồ “bắt đầu nói các thứ tiếng khác” và rời Nhà Tiệc Ly để loan báo Chúa Giêsu Kitô cho đám đông (x. Cv 2,4tt).

Sứ mạng phổ quát của Giáo hội như dấu chỉ của sự hiệp nhất mới giữa mọi dân tộc

Khi làm như vậy, Thánh Luca muốn nêu bật sứ mạng phổ quát của Giáo hội, như dấu chỉ của sự hiệp nhất mới giữa mọi dân tộc. Chúng ta thấy Chúa Thánh Thần hoạt động cho sự hiệp nhất theo hai cách. Một mặt, Người thúc đẩy Giáo hội đi ra, để có thể chào đón nhiều người và dân tộc hơn; mặt khác, Người quy tụ Giáo hội với nhau để củng cố sự hiệp nhất đã đạt được. Người dạy Giáo hội mở rộng cách phổ quát và quy tụ lại trong sự hiệp nhất. Phổ quát và duy nhất là hai mầu nhiệm của Giáo hội.

Chuyển động đầu tiên trong hai chuyển động - tính phổ quát - diễn ra ở chương 10 sách Công vụ, trong câu chuyện ông Cornelio hoán cải. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, các Tông đồ đã công bố Chúa Kitô cho tất cả người Do Thái và những người tuân theo luật Môsê, bất kể họ thuộc dân tộc nào. Cần phải có một “Lễ Ngũ Tuần” khác, rất giống với lễ đầu tiên, lễ tại nhà của viên đại đội trưởng Cornelio, để khuyến khích các Tông đồ mở rộng chân trời và dỡ bỏ rào cản cuối cùng, rào cản giữa người Do Thái và dân ngoại (xem Cv 10-11).

Thêm vào sự mở rộng sắc tộc này là sự mở rộng về mặt địa lý. Thánh Phaolô - cũng trong sách Công Vụ Tông đồ (xem 16,6-10) - muốn loan báo Tin Mừng tại một vùng mới ở Tiểu Á; nhưng, theo sách Công vụ, “Chúa Thánh Thần đã ngăn cản ông”; ông muốn chuyển đến Bitinia “nhưng Thánh Thần của Chúa Giêsu không cho phép ông”. Ngay lập tức chúng ta tìm ra lý do dẫn đến những lệnh cấm đáng kinh ngạc này của Thánh Thần: đêm hôm sau, Tông đồ nhận được lệnh trong giấc mơ phải đi đến Makêđônia. Vì thế Tin Mừng đã rời bỏ quê hương Châu Á và tiến vào Châu Âu.

Chúa Thánh Thần tạo là “mối dây hiệp nhất”

Chuyển động thứ hai của Chúa Thánh Thần - Đấng tạo nên sự hiệp nhất - diễn ra ở chương 15 của Công vụ, trong diễn tiến của sự việc được gọi là Công đồng Giêrusalem. Vấn đề là làm thế nào để đảm bảo rằng tính phổ quát đạt được không làm tổn hại đến sự hiệp nhất của Giáo hội. Chúa Thánh Thần không phải lúc nào cũng mang lại sự hiệp nhất một cách bất ngờ, bằng những can thiệp kỳ diệu và dứt khoát, như vào Lễ Hiện Xuống. Người cũng thực hiện điều đó - và trong phần lớn các trường hợp - bằng công việc kín đáo, tôn trọng thời đại và sự khác biệt của con người, thông qua con người và các tổ chức, cầu nguyện và thảo luận. Theo cách thức mà chúng ta nói ngày nay - hiệp hành. Trên thực tế, điều này đã xảy ra tại Công đồng Giêrusalem về vấn đề các luật buộc của Luật Môsê áp dụng đối với những người ngoại giáo cải đạo. Giải pháp của Công đồng đã được công bố cho toàn thể Giáo hội bằng những lời nổi tiếng: “Chúa Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định…” (Cv 15,28).

Thánh Augustinô giải thích sự hiệp nhất do Chúa Thánh Thần mang lại bằng một hình ảnh, đã trở thành kinh điển: “Linh hồn là gì đối với thân xác con người thì Chúa Thánh Thần là thế đối với thân thể Chúa Kitô, Giáo hội”. Hình ảnh giúp chúng ta hiểu được điều gì đó quan trọng. Chúa Thánh Thần không mang lại sự hiệp nhất của Giáo hội từ bên ngoài; Người không chỉ đơn giản ra lệnh cho chúng ta phải hiệp nhất. Chính Người là “mối dây hiệp nhất”. Chính Người tạo nên sự hiệp nhất của Giáo hội.

Hiệp nhất giữa con người không được thực hiện trên bàn ăn mà trong cuộc sống

Như thường lệ, chúng ta kết thúc bằng một suy nghĩ giúp chúng ta chuyển từ Giáo hội nói chung sang mỗi người chúng ta. Sự hiệp nhất của Giáo hội là sự hiệp nhất giữa con người và chúng ta không thực hiện trên bàn ăn mà trong cuộc sống. Tất cả chúng ta đều mong muốn sự hiệp nhất, tất cả chúng ta đều tha thiết mong muốn điều đó; tuy nhiên thật khó để đạt được điều đó, ngay cả trong hôn nhân và gia đình, sự hiệp nhất và hòa hợp là một trong những điều khó đạt được nhất và thậm chí duy trì nó còn khó hơn đạt được nó.

Đặt Thiên Chúa ở trung tâm

Lý do mà hiệp nhất là điều khó khăn với chúng ta là bởi vì ai cũng muốn tạo sự hiệp nhất nhưng xoay quanh quan điểm của riêng mình mà không nghĩ rằng người đang đối diện cũng nghĩ y như thế về quan điểm của “họ”. Bằng cách này, sự hiệp nhất chỉ đơn giản là ngày càng xa vời hơn. Sự hiệp nhất của cuộc sống, của Lễ Hiện Xuống, theo Chúa Thánh Thần, đạt được khi chúng ta cố gắng đặt Thiên Chúa, chứ không phải chính mình, vào trung tâm. Sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu cũng được xây dựng theo cách này: không phải bằng cách chờ đợi người khác đến với chúng ta ở nơi chúng ta đang ở, nhưng bằng cách cùng nhau hướng tới Chúa Kitô.

Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta trở thành khí cụ của sự hiệp nhất và hòa bình.

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/tiep-kien-chung-9102024---dtc-phanxico-chua-thanh-than-mo-rong-va-hiep-nhat-giao-hoi-41820.html

 

 

11. Họp báo THĐGM ngày 9/10: Chức phó tế, khai tâm Kitô giáo và hỗ trợ Giáo hội nghèo

Trong buổi họp báo trưa ngày 9/10/20224, Ủy ban Thông tin của Thượng Hội đồng cho biết trong hai ngày 8 và 9/10, các phát biểu tự do tại Thượng Hội đồng tập trung vào các chủ đề về sự phân định của Giáo hội và việc khai tâm Kitô giáo. Cũng tại buổi họp báo, các diễn giả nhấn mạnh đến ơn gọi của chức phó tế và nhu cầu hỗ trợ các Giáo hội địa phương nghèo hơn trên khắp thế giới.

Vatican News

Cô Sheila Pires, thư ký Ủy ban Thông tin, lưu ý rằng có 35 phát biểu tự do của các tham dự viên Thượng Hội đồng được đưa ra vào chiều thứ Ba và 21 phát biểu khác vào sáng thứ Tư, “tất cả đều tập trung vào chủ đề phân định của giáo hội, cụ thể là về các chủ thể và tiêu chí, các cấp độ trách nhiệm khác nhau và vai trò của các thừa tác viên có chức thánh”.

Vai trò không thể thiếu của giáo dân trong Giáo hội

Vai trò của giáo dân, sự hợp tác của họ với các giám mục và linh mục, và sự tham gia của họ vào các quá trình ra quyết định, là một trong những vấn đề được nêu lên nhiều nhất trong các phát biểu công khai. Cô Pires giải thích: “Tầm quan trọng của việc khuyến khích sự hợp tác giữa các linh mục và giáo dân đã được nhấn mạnh, cũng như nhu cầu có sự tham gia nhiều hơn của giáo dân vào các vai trò lãnh đạo”. Đặc biệt, các diễn giả lưu ý rằng “sự hiện diện của giáo dân là không thể thiếu; họ hợp tác vì lợi ích của Giáo hội”.

Ngoài ra, trong một bài phát biểu, một đề xuất đã được đưa ra về việc tham khảo ý kiến của Dân Chúa về sự phù hợp của các ứng viên cho chức linh mục và giám mục: “Giám mục quyết định, nhưng trong một Giáo hội hiệp hành, Dân Chúa phải cảm thấy có trách nhiệm trong việc lựa chọn” và cũng biết “các yêu cầu về hồ sơ nhân bản và thiêng liêng mà các ứng viên phải có”.

Một đề xuất khác, cô Pires cho biết, liên quan đến tầm quan trọng của việc “đào sâu suy tư về vai trò của giáo dân trong việc thực hành mục vụ tại các giáo xứ, vì nhiều linh mục không có ơn gọi làm cha xứ; ngược lại, nhiều giáo dân sống một cuộc sống hôn nhân và gia đình thư thả có thể thực hiện các chức năng trong cộng đoàn”.

Phụ nữ và thừa tác vụ lắng nghe

Về phụ nữ, cô Pires lưu ý, các phát biểu nhấn mạnh các lời kêu gọi tránh “bất kỳ hình thức phân biệt đối xử về giới tính nào trong việc giúp lễ”, nhìn nhận những đóng góp của phụ nữ, ngay cả trong các quá trình ra quyết định và “coi việc lắng nghe như một thừa tác vụ chủ yếu dành cho phụ nữ, bổ sung cho thừa tác vụ của cha xứ, phó tế, giáo lý viên”. Các diễn giả nói: “Phụ nữ biết cách lắng nghe, họ lắng nghe theo một cách khác, và họ có thể thực hiện điều đó như một việc phục vụ, hoàn toàn khác với việc xưng tội”. Một đề xuất cũng được đưa ra “để phụ nữ tham gia nhiều hơn vào hoạt động ngoại giao trong một thế giới chia rẽ và đầy chiến tranh”.

Ủy thác cho giới trẻ việc chăm sóc mục vụ cho người trẻ

Sau đó, ông Ruffini cho biết, các tham dự viên Thượng Hội đồng đã nêu lên “nhu cầu kết nối với các thế hệ mới thông qua việc chăm sóc mục vụ kỹ thuật số”. Họ nêu ví dụ về nhiều người trẻ ở Châu Phi “đi nhà thờ, có tài năng, năng lượng và đức tin” và do đó “phải là một phần của sự phân định của giáo hội”.

Một đề xuất được đưa ra là trao việc mục vụ giới trẻ cho chính những người trẻ tuổi, thay vì cho người lớn, “để đặt [những người trẻ tuổi] vào cuộc đối thoại với những người bạn đồng trang lứa bị mắc kẹt trong các ý thức hệ ‘thời đại mới’ hoặc hư vô”.

Đồng hành với các nạn nhân bị lạm dụng

Ông Ruffini cho biết có một phát biểu đã lưu ý “những tình huống bi thảm mà rất nhiều trẻ em trải qua trên thế giới”, đưa ra ví dụ về trẻ em bị ép kết hôn khi còn nhỏ vì lý do gia đình; trẻ em gái bị ép làm gái mại dâm; nạn nhân nhỏ tuổi của nạn buôn người. Ông cũng lưu ý về những lo ngại được nêu ra về “những chủng sinh đến từ các gia đình không Kitô giáo, hoặc bị ép làm linh mục vì danh dự, và về những người phải chấp nhận tình trạng đồng tính của mình”.

Các diễn giả cũng nhấn mạnh “nhu cầu đồng hành với các nạn nhân bị lạm dụng trong Giáo hội. Họ nhấn mạnh rằng Giáo hội phải đến gần những người dễ bị tổn thương; và quyền lực phải là việc phục vụ chứ không phải là chủ nghĩa giáo sĩ”.

Cũng “có một lời kêu gọi đưa người nghèo trở lại vị trí trung tâm hơn, bao gồm cả trong việc đào tạo giáo sĩ”. Đặc biệt, “người nghèo gần gũi hơn với trái tim của Chúa, họ có thẩm quyền”, “và chúng ta coi họ là đối tượng của thừa tác vụ và sứ mạng nhưng không bao giờ là các thừa tác viên”.

Giáo dân trợ giúp linh mục

Tại Đại hội, các diễn giả “có cuộc nói chuyện về các linh mục, đặc biệt là về sự cô đơn của họ, cũng do quá tải nhiệm vụ. Theo nghĩa này, họ nhấn mạnh rằng một khoảng cách giữa các linh mục với tính hiệp hành có thể xuất phát từ thực tế là nhiều người trong số họ có gánh nặng lớn, quản lý nhiều cộng đoàn và có gánh nặng hành chính”. Thượng hội đồng nên nỗ lực khôi phục ơn gọi của họ, và do đó, đề xuất đã được đưa ra “để trao cho mỗi giáo xứ các hội đồng kinh tế và có thể là các cơ cấu liên quan đến một số giáo xứ để giúp các linh mục giáo xứ trong công việc phục vụ của họ”.

Thông cáo của nhóm nghiên cứu về phụ nữ trong Giáo hội

Cuối cùng, ông Ruffini báo cáo rằng Đức Hồng y Tổng thư ký Mario Grech đã đọc một thông cáo từ Đức Hồng y Víctor Manuel Fernández, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, nêu rõ rằng chủ đề của Nhóm nghiên cứu số 5 - về “Một số câu hỏi thần học và giáo luật xung quanh các hình thức mục vụ cụ thể”, đặc biệt là sự tham gia của phụ nữ vào đời sống và sự lãnh đạo của Giáo hội - đã được giao cho Bộ nói trên trước khi có yêu cầu của Thượng hội đồng.

Do đó, tuyên bố của Tổng trưởng cho biết, công việc phải tuân theo các thủ tục của Bộ được thiết lập trong các quy định riêng của Bộ, nhằm mục đích công bố một Văn kiện phù hợp. Sau khi lắng nghe các giám mục và hồng y trong cuộc họp thường kỳ của Bộ, chủ đề này hiện đang trong giai đoạn tham vấn: các cố vấn cung cấp cơ sở cho văn kiện đã được tham vấn. Cuộc tham vấn cũng dự kiến sẽ bao gồm những phụ nữ không phải là cố vấn.

Tất cả các thành viên và nhà thần học của Thượng Hội đồng có thể gửi ý kiến và hỗ trợ trong những tháng tới. Vào ngày 18, hai nhà thần học từ Bộ sẽ có mặt để tiếp nhận các đề xuất, bằng văn bản hoặc bằng lời nói, về chủ đề này.

Phát biểu của 3 khách mời

Các bài phát biểu của 3 khách mời đại diện của ba châu lục - Châu Phi, Châu Mỹ và Châu Âu - trong cuộc họp báo đã nói về vai trò của các phó tế vĩnh viễn trong Giáo hội và sự tham gia của họ vào Thượng hội đồng; việc khai tâm Kitô giáo; những người trẻ từ bỏ Giáo hội; và linh đạo hiệp hành dẫn đến sự ‘thanh lọc’ các mối quan hệ giữa con người trong Giáo hội và với xã hội; lời yêu cầu giúp đỡ từ Giáo hội tại Mozambique.

Có thể có cuộc gặp gỡ các phó tế vĩnh viễn sau Thượng Hội đồng?

Phó tế Geert De Cubber, thần học gia, cựu nhà báo, phó tế vĩnh viễn của giáo phận Ghent (Bỉ), đại biểu giám mục về giáo lý và công tác mục vụ thanh thiếu niên và gia đình, cũng như là một người chồng và người cha, đã nhận được nhiều câu hỏi nhất. Ông là phó tế vĩnh viễn duy nhất của Giáo hội Latinh tham gia Thượng hội đồng, bên cạnh hai phó tế khác, một của Giáo hội Syriac và một phó tế chuyển tiếp của Giáo hội Melkite.

Phó tế De Cubber nhắc lại những gì ông đã nói trong hội trường Thượng hội đồng: phó tế là một “người xây dựng cầu nối” trong gia đình, với các gia đình khác, trong cộng đồng và với xã hội rộng lớn hơn. Ông cho biết, điều này “có thể thực sự hữu ích trong một xã hội thế tục” như Bỉ. Ông nói thêm rằng nhiệm vụ của phó tế là đi ra ngoài và “đến những nơi mà Giáo hội không đến, đến với những người không có tiếng nói và bị chính Giáo hội và xã hội gạt ra ngoài lề, và đưa họ trở lại Giáo hội”.

Ông thừa nhận rằng các phó tế có thể được đại diện tốt hơn tại Thượng Hội đồng, ví dụ các phó tế vĩnh viễn ở Hoa Kỳ hoạt động rất mạnh, nhưng lại có ít đại diện tại Thượng Hội đồng. Do đó, ông đề xuất trong tương lai có cuộc họp hậu Thượng Hội đồng của các phó tế, như đã được thực hiện trong năm nay với các linh mục giáo xứ.

Phó tế De Cubber kết luận, “Là một phó tế đối với tôi, hoàn toàn không phải là sự chuẩn bị cho chức linh mục, tôi không có ơn gọi này. Thừa tác vụ của chúng tôi là một thừa tác vụ hoàn toàn để phục vụ”.

Lời kêu gọi trợ giúp Mozambique

Về phần Đức Tổng Giám mục Inácio Saure, Tổng Giám mục Nampula, Mozambique, ngài đã kêu gọi Thượng Hội đồng phổ biến tình hình bi thảm ở Mozambique, nơi bị tàn phá bởi cuộc chiến bắt đầu vào năm 2017 và đã khiến 5.000 người thiệt mạng và một triệu người phải di dời. Mặc dù giao tranh đã tạm dừng và nhiều viện trợ đã đến trong quá khứ, ngài cho biết người dân của ngài vẫn đang đau khổ và bị bỏ mặc. Vì vậy, ngài nói, “có thể làm được nhiều hơn nữa”, về mặt trao đổi quà tặng vật chất “giữa các Giáo hội có nhiều và những Giáo hội đang khốn khổ”.

Ngài cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc khai tâm Kitô giáo như một cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô, và cho biết, “ngay cả ở đất nước chúng tôi, những người trẻ đã hoàn thành việc khai tâm vẫn rời xa Giáo hội”, vì vậy cần phải cải thiện việc đào tạo họ.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/hop-bao-thdgm-ngay-910-chuc-pho-te-khai-tam-kito-giao-va-ho-tro-giao-hoi-ngheo-41821.html

 

 

12. Đức Thánh Cha chủ sự giờ cầu nguyện đại kết cầu cho các Kitô hữu hiệp nhất

Chiều tối thứ Sáu ngày 11/10/2024, tại Quảng trường các Thánh Tử đạo Tiên khởi trong nội thành Vatican, Đức Thánh Cha đã chủ sự giờ cầu nguyện đại kết. Ngài nói rằng sự chia rẽ của chúng ta là một điều tai tiếng đối với thế giới và làm tổn hại đến việc rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo. Ngài mời gọi tập trung vào nền tảng chung của Phép Rửa chung, với một sứ mạng chung, bởi vì thế giới cần một chứng tá chung.

Hồng Thủy - Vatican News

Ngày 11/10/2024 cũng là ngày kỷ niệm 52 năm ngày khai mạc Công đồng Vatican II, ngày mà theo Đức Thánh Cha, “đánh dấu sự gia nhập chính thức của Giáo hội Công giáo vào phong trào đại kết”. Khẳng định rằng “sự hiệp nhất của các Kitô hữu và tính hiệp hành được kết nối với nhau”, “con đường hiệp hành là con đường đại kết, cũng như con đường đại kết là con đường hiệp hành”, dựa trên kinh nghiệm của Thượng Hội đồng Giám mục về hiệp hành, Đức Thánh Cha chia sẻ 4 đặc tính của sự hiệp nhất.

Hiệp nhất là một món quà không thể đoán trước được

Trước hết, Đức Thánh Cha chia sẻ: “Hiệp nhất là một ân sủng, một món quà không thể đoán trước được. Nhân vật chính thực sự không phải là chúng ta mà là Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta hướng tới sự hiệp thông lớn hơn”; chúng ta phải đón nhận nó “mà không gây trở ngại cho sự Quan Phòng và không xét đoán trước những gợi ý trong tương lai của Chúa Thánh Thần”. Cha Paul Couturier thường nói rằng sự hiệp nhất Kitô giáo phải được cầu xin “như Chúa Kitô muốn” và “bằng những phương tiện mà Người muốn”.

Hiệp nhất là một cuộc hành trình

Điểm thứ hai, Đức Thánh Cha nói: “Hiệp nhất là một cuộc hành trình”. “Nó phát triển trong việc phục vụ lẫn nhau, trong cuộc đối thoại trong cuộc sống, trong sự cộng tác của tất cả các Kitô hữu ‘làm nổi bật hơn khuôn mặt của Chúa Kitô tôi tớ’ (UR, 12). Nhưng chúng ta phải bước đi theo Thần Khí (xem Gal 5,16-25); hoặc, như Thánh Irênê nói, ‘một đoàn lữ hành của các anh chị em’”.

Hiệp nhất là hòa hợp

Đặc tính thứ ba, theo Đức Thánh Cha, “hiệp nhất là hòa hợp”. Ngài nói: “Thượng Hội đồng đang giúp chúng ta khám phá lại vẻ đẹp của Giáo hội trong những khuôn mặt đa dạng của mình. Vì vậy, sự hiệp nhất không phải là sự đồng nhất, cũng không phải là kết quả của sự thỏa hiệp hay hành động cân bằng. Sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu là sự hài hòa trong sự đa dạng của các đặc sủng được Thánh Thần khơi dậy để xây dựng mọi Kitô hữu (xem UR,4)”. Đức Thánh Cha mời gọi: “Chúng ta cần bước đi trên con đường hiệp nhất nhờ tình yêu của chúng ta đối với Chúa Kitô và đối với tất cả những người mà chúng ta được mời gọi phục vụ. Trên con đường này, chúng ta đừng bao giờ để những khó khăn ngăn cản mình!”.

Hiệp nhất là vì sứ vụ

Cuối cùng, “sự hiệp nhất của các Kitô hữu là cần thiết cho chứng tá của họ: sự hiệp nhất là vì sứ vụ”. “Xin cho tất cả nên một... để thế gian tin” (Ga 17,21). Đức Thánh Cha giải thích: “Đây là xác tín của các Nghị phụ Công đồng khi tuyên bố rằng sự chia rẽ của chúng ta ‘là một điều tai tiếng đối với thế giới và làm tổn hại đến mục đích thánh thiện nhất: việc rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật’ (UR, 1). Phong trào đại kết phát sinh từ ước muốn cùng nhau làm chứng, với những người khác và không xa cách nhau, hay thậm chí tệ hơn là chống lại nhau”. Về điều này, Đức Thánh Cha nói rằng “Hôm nay chúng ta cũng bày tỏ sự xấu hổ vì gương xấu chia rẽ các Kitô hữu, gương xấu không cùng nhau làm chứng cho Chúa Giêsu”. (CSR_4416_2024)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-chu-su-gio-cau-nguyen-dai-ket-cau-cho-cac-kito-huu-hiep-nhat-41824.html

 

 

13 Đức Thánh Cha ca ngợi nhóm vận động bãi bỏ án tử hình

Trong thông điệp gửi đến Catholic Mobilizing Network, một nhóm ủng hộ việc bãi bỏ án tử hình theo giáo lý Công giáo, nhân dịp kỷ niệm Ngày Thế giới Chống án tử hình vào ngày 10/10/2024, Đức Thánh Cha đã ca ngợi công việc của tổ chức này nhằm giúp biến đổi xã hội.

Vatican News

Trong bài phát biểu tại sự kiện được tổ chức tại Tòa Sứ thần ở thủ đô Washington, Đức Hồng y Christophe Pierre, Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, nói rằng ngài thay mặt Đức Thánh Cha, bày tỏ lòng biết nhóm Catholic Mobilizing Network đã đáp lại lời kêu gọi bãi bỏ án tử hình thông qua hoạt động trung thành trong lĩnh vực giáo dục, vận động và cầu nguyện. Ngài mô tả công việc của nhóm là "hợp nhất với Đức Giáo hoàng và các giám mục dưới sự lãnh đạo của những người nam nữ giáo dân tài năng, và hợp tác với những người trên khắp thế giới thuộc mọi sắc tộc và chính trị của Giáo hội ngày nay và xã hội".

Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ đã chia sẻ một thông điệp của Đức Thánh Cha, trong đó ngài ca ngợi hoạt động vận động của nhóm "để bãi bỏ án tử hình và thúc đẩy công lý phục hồi tại Hoa Kỳ".

Nhận ra sự bất cập của án tử hình

Đức Hồng y Pierre nói rằng Đức Thánh Cha "hy vọng rằng những nỗ lực của anh chị em sẽ tiếp tục khuyến khích mọi người trong cả nước nhận ra sự bất cập của án tử hình từ góc độ công lý đạo đức cũng như hình sự, và hỗ trợ các cơ hội cải cách và hoán cải cho những người bị kết án phạm tội. Ngài tin tưởng rằng theo cách này, phẩm giá tự nhiên và cơ bản của tất cả con người sẽ được công nhận và tôn trọng. Đức Thánh Cha cầu xin Thiên Chúa toàn năng ban phước lành dồi dào cho tất cả những người tụ họp tham dự sự kiện này".

Mạnh mẽ với sự sống

Tổng giám mục Borys A. Gudziak của Tổng giáo phận Công giáo Ucraina tại Philadelphia, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban chính sách đối nội của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, cho biết, "Phản đối án tử hình không phải là mềm mỏng với tội phạm, mà là mạnh mẽ với phẩm giá của sự sống".

Tội nhân luôn có thể ăn năn và thay đổi

Vào ngày 10/10/2024, trên tài khoản X, Đức Thánh Cha đã viết rằng án tử hình "luôn không thể chấp nhận được, vì nó xâm phạm đến sự bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người". Ngài kêu gọi "bãi bỏ án tử hình ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Chúng ta không được quên rằng một người có thể ăn năn và thay đổi, thậm chí cho đến tận giây phút cuối cùng của cuộc đời". (Ucan News 10/10/2024)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-ca-ngoi-nhom-van-dong-bai-bo-an-tu-hinh-41828.html

 

 

14. Thánh Giuseppe Allamano, nhà truyền giáo không vượt trùng dương

Chúa Nhật ngày 20/10/2024, Ngày Thế giới Truyền giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự Thánh lễ tôn phong 14 hiển thánh mới, trong đó có Chân phước Giuseppe Allamano.

G. Trần Đức Anh, O.P.

14 thánh mới

Với lễ tôn phong này, Giáo Hội sẽ có thêm 14 vị hiển thánh,

- Đứng đầu là 11 vị tử đạo, gồm 8 tu sĩ dòng Phanxicô và 3 anh em Massabki, là những giáo dân thuộc Giáo Hội Công Giáo Maronite bị sát hại tại Damasco năm 1860, Siria, vì không chịu từ bỏ đức tin Kitô giáo để theo Hồi giáo.

Đó là Cha Emanuele Ruiz López, người Tây Ban nha, và 7 tu sĩ cùng dòng Phanxicô, gồm 6 vị Tây Ban Nha và 1 vị người Áo. Họ sống tại khu khố Bab-Touma, chia sẻ bánh với những người nghèo trong thời buổi khó khăn. Đó là thời kỳ khủng hoảng của Đế quốc Ottoman và dưới sức ép của các cường quốc Âu Châu hồi năm 1842. Quốc vương Hồi giáo Abdul Mejid I bấy giờ chấp nhận đề nghị của Ông hoàng Metternich của Áo chia miền núi Libăng thành hai khu vực: phía bắc dành cho các tín hữu Kitô và phía nam dành cho người Druse Hồi giáo. Nhưng bạo lực bùng nổ ở Beirut năm 1860 tạo nên làn sóng máu đổ khiến cho hàng ngàn tín hữu Kitô bị sát hại.

Trong đêm ngày 9 rạng ngày 10/7/1860, 8 tu sĩ Phanxicô và 3 giáo dân Công Giáo Maronite chạy vào một tu viện với những bức tường kiên cố để lánh nạn. Cha Bề trên Emmanuele Ruiz chuẩn bị tinh thần cho mọi người, mời gọi họ xưng tội và rước lễ, sẵn sàng đón nhận tai ương. Lúc ấy, có kẻ phản bội họ, để cho những kẻ sát nhân lẻn vào tu viện qua một cửa nhỏ và sát hại tất cả 11 người tị nạn.

- Đứng thứ hai trong danh sách là Cha Giuseppe Allamano, người Ý, sáng lập dòng thừa sai Đức Mẹ An Ủi, qua đời năm 1926, hưởng thọ 75 tuổi.

- Sau cùng là 2 vị sáng lập dòng nữ: Mẹ Elena Guerra, người Ý, sáng lập dòng các hiến sĩ Chúa Thánh Linh, và Mẹ Marie-Léonie Paradis người Canada, sáng lập dòng Tiểu Muội Thánh Gia hồi năm 1880.

Cha Giuseppe Allamano

Sau đây là vài nét nổi bật trong cuộc sống và hoạt động của Cha Giuseppe Allamano, "Nhà truyền giáo không vượt trùng dương”, một mẫu gương nổi bật cho các tín hữu, đặc biệt nhân Ngày Thế giới truyền giáo sắp tới. Chính cha đã góp phần thành lập Ngày này trong Giáo Hội.

Thân thế

Sinh tại làng Castelnuovo d'Asti năm 1851, Giuseppe Allamano cùng quê hương với thánh Gioan Bosco. Mồ côi cha năm lên 3 tuổi, Allamano được mẹ và cậu ruột là thánh linh mục Giuseppe Cafasso săn sóc và nuôi dưỡng. Sau khi học tiểu học ở trường làng, Allamano được gửi nội trú 4 năm tại trường của thánh Bosco và đã nhiều lần xưng tội với thánh nhân. Allamano gia nhập chủng viện năm 15 tuổi và thụ phong linh mục năm 22 tuổi. Cha vẫn nuôi ước mộng được đi truyền giáo ở những nước xa xăm, nhưng sức khỏe yếu ớt không cho phép. Allamano được Đức cha Lorenzo Gastaldi, Tổng Giám Mục giáo phận Torino, bổ nhiệm làm phụ tá giám đốc đại chủng viện và sau đó làm linh hướng tại đây. Ngài làm việc rất chăm chỉ và cố gắng học thêm cho đến khi đậu xong tiến sĩ thần học tại thần học viện Torino.

Tháng 9/1880, vào cuối kỳ hè, Đức Tổng Giám Mục đề nghị cha Allamano đảm trách đền thánh Đức Mẹ An Ủi ở thành phố Torino. Đền thánh này bấy giờ đang ở trong tình trạng suy đồi nếu không muốn nói là hoang tàn. Vì vậy mấy linh mục được Đức Tổng Giám Mục ngỏ ý trước cha Allamano đều từ chối không muốn nhận nhiệm sở này. Nhưng đến lượt cha Allamano, cha can đảm nhận lời ngay với một điều kiện là được chọn một linh mục phụ tá. Thế là vào ngày 2/10/1880, cha Allamano âm thầm đến nhận coi sóc đền thánh Đức Mẹ An Ủi và ngày hôm sau, cha Giacôbê Camisassa đến phụ tá với cha.

Cứu vớt các linh hồn

Là người nhiệt thành cầu nguyện, thông minh, hăng say hoạt động, cha Giuseppe Allamano đã tìm cách đáp ứng những khát vọng sâu xa của con người thời đại của ngài. Cha đề ra nhiều sáng kiến giúp các tín hữu đào sâu lòng kính mến và hiểu biết về Đức Mẹ. Đền thánh Đức Mẹ An Ủi được cha trùng tu và trở thành trung tâm hành hương và đào luyện tinh thần cho các tín hữu. Ngôi nhà trọ gần đền thánh cũng được cha Allamano biến thành Học viện cho các chủng sinh và cha đảm nhận môn thần học luân lý tại đây.

Khát vọng sâu xa của cha Allamano là mang Tin Mừng đến cho những người chưa biết Chúa. Câu Lời Chúa "Các con hãy đi khắp thế gian, loan báo Tin Mừng cho mọi người” vẫn luôn thôi thúc cha tìm cách đáp lại. Vì vậy cha nghĩ đến việc thành lập một hội dòng thừa sai đi truyền giáo ở nước ngoài, nhưng dự án này như bị tan biến thành mây khói vì năm 1900, cha Allamano bị bệnh sưng phổi và có nước trong phổi. Các bác sĩ đều lắc đầu chê và tin chắc cuộc đời của cha đã đến ngày kết thúc. Nhưng cha Allamano vẫn bình thản. Ngài đến thăm Đức Hồng y Agostino Richelmy, Tổng Giám Mục Torino, cũng là bạn của ngài. Đức Hồng y hỏi:

- Làm sao bây giờ?

- Chúng ta lên thiên đàng. Cha Allamano đáp.

- Nhưng còn dự án thành lập hội dòng thừa sai thì sao? Đức Hồng y lại hỏi.

- Thưa Đức Hồng y, sẽ có người khác lo thay cho con về việc này!

- Không được! Cha không chết đâu! Hội dòng thừa sai phải được thành lập và chính cha là người sáng lập.

Hội dòng thừa sai thành hình

Sự thật đã xảy ra đúng như vậy. Cha Allamano đã được khỏi bệnh lạ lùng sau đó và ngày 29/1/1901, Dòng Thừa sai Đức Mẹ An Ủi được chính thức thành lập. 4 thừa sai đầu tiên gồm 2 Linh Mục và 2 giáo dân được gửi tới làm việc truyền giáo tại Kenya ngày 8/5/1902. Tám năm sau đó, năm 1910, theo lời yêu cầu của Thánh Pio 10 Giáo hoàng, cha Allamano thành lập thêm Dòng các nữ tu Thừa sai Đức Mẹ An ủi. Giáo huấn của cha Allamano xoay quanh nguyên tắc đơn sơ này: "Là người đầu tiên thực hiện... làm điều thiện một cách hoàn hảo... Nên thánh trước rồi trở thành nhà truyền giáo sau. Sự thánh thiện dựa trên lòng kính mến sâu xa đối với Bí tích Thánh thể, và lòng kính mến vững chắc đối với Mẹ Thiên Chúa”.

Cha Allamano tận tụy săn sóc cho các thừa sai nam nữ của ngài qua những tiếp xúc, thư từ, các khóa học hỏi. Cha xác tín rằng cần chú ý tới phẩm chất hơn là số lượng, nên đã cố gắng đào tạo các thừa sai một cách hết sức kỹ lưỡng. Cha cũng nhận định rằng mỗi linh mục, mỗi giáo dân và mỗi giáo hội địa phương phải quan tâm tới nghĩa vụ truyền giáo. Vì vậy, vào năm 1912, cha đã vận động chiến dịch gửi thỉnh nguyện thư xin Đức Giáo Hoàng ban hành văn kiện chính thức về việc cộng tác truyền giáo. Và đây chính là khởi nguồn của việc thành lập "Chúa Nhật truyền giáo”: Năm 1927, Đức Giáo Hoàng Piô 11 đã thành lập Ngày này, được cử hành vào Chúa Nhật thứ ba của tháng 10 hàng năm.

Cha Giuseppe Allamano qua đời một năm trước đó, ngày 16/2/1926. Lời nói cuối cùng trên môi ngài là "Amen” và "Ave Maria”, hai câu nói tóm gọn toàn thể hướng đi của đời ngài là "Tìm kiếm một mình Thiên Chúa và phụng sự thánh ý Chúa” và "làm mọi sự cho Chúa Giêsu, không làm điều gì mà không có Mẹ Maria”.

Thi hài của cha được an táng tại Đền thánh Đức Mẹ An Ủi ở Torino. Tuy cha chưa ra khỏi nước Ý bao giờ và rất ít khi rời khỏi thành Torino, nhưng các con cái nam nữ của cha đã đi cùng thế giới loan truyền Tin Mừng theo tin thần thừa sai của ngài.

Dòng Thừa sai Đức Mẹ An Ủi

Ngành nam của Dòng hiện có hơn 910 tu sĩ hoạt động truyền giáo tại 241 nhà trên thế giới. Và ngành nữ có 530 nữ tu hoạt động tại 73 nhà trên thế giới.

Trong số những người con của thánh Allamano, hiện nay có Đức Hồng y Giorgio Marengo, người Ý, 50 tuổi (1974), Phủ doãn tông tòa Ulanbator, chủ chăn của 1.360 tín hữu Công Giáo trên tổng số 3,4 triệu dân cư ở nước Mông Cổ, quốc gia rộng gấp 5 lần Việt Nam, được Đức Thánh Cha Phanxicô đến viếng thăm trong chuyến tông du từ ngày 31/8 đến 4/9 năm ngoái (2023).

Ngành nữ đặc biệt có nữ tu Simona Brambilla, cựu Bề trên Tổng quyền của dòng, là nữ tu đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng Thư ký Bộ các dòng tu vào ngày 7/10 năm ngoái, 2023, kế nhiệm Đức Tổng Giám Mục José Carballo, dòng Phanxicô người Tây Ban Nha.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/thanh-giuseppe-allamano-nha-truyen-giao-khong-vuot-trung-duong-41829.html

 

 

15. Các cử hành phụng vụ của ĐTC Phanxicô trong hai tháng 11 và 12.

Ngày 12/10/2024, Văn phòng cử hành phụng vụ của Đức Thánh Cha đã thông báo về các cử hành phụng vụ do Đức Thánh Cha chủ sự trong hai tháng 11 và 12; đặc biệt có Công nghị vào ngày 7/12, thay vì ngày 8/12 như Đức Thánh Cha đã thông báo hôm Chúa Nhật ngày 6/10, để trao mũ và nhẫn cho 21 tân Hồng y.

Vatican News

Theo lịch cử hành phụng vụ này, Công nghị Hồng y sẽ diễn ra vào chiều ngày 7/12 tại Đền thờ Thánh Phêrô. Ngày hôm sau, 8/12, vào lúc 9:30, Đức Thánh Cha và toàn thể Hồng y đoàn sẽ cử hành Thánh lễ tạ ơn cũng tại Đền thờ Thánh Phêrô. Sau đó, vào lúc 4 giờ chiều cùng ngày, Đức Thánh Cha sẽ đến Quảng trường Tây Ban Nha ở Roma để kính viếng Đức Mẹ.

Cũng theo thông báo của Văn phòng cử hành phụng vụ của Đức Thánh Cha, vào ngày 4/11, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện cho các Hồng y và Giám mục qua đời trong vòng một năm qua.

Tiếp đến, vào ngày 17/11, Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ 8, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Thánh lễ vào lúc 10 giờ sáng tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Sau đó, vào ngày 24/11, lễ trọng Chúa Kitô Vua Vũ trụ, như Đức Thánh Cha đã ấn định, ngài sẽ chủ sự Thánh lễ Ngày Giới trẻ Thế giới vào lúc 9:30 sáng tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Cuối cùng, chiều ngày 12/12, lễ Đức Mẹ Guadalupe, vào lúc 6 giờ chiều, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Thánh lễ bằng tiếng Tây Ban Nha cũng tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/cac-cu-hanh-phung-vu-cua-dtc-phanxico-trong-hai-thang-11-va-12-41838.html

 

 

16. Phỏng vấn ĐHY Giorgio Marengo, nhà truyền giáo tại Mông Cổ, về bản chất truyền giáo của Giáo hội

Chúng ta đang sống trong tháng 10, tháng mà Giáo hội không chỉ dành đặc biệt cho việc lần chuỗi Mân Côi mà còn cầu nguyện cho việc truyền giáo. Trong cuộc trò chuyện với hãng tin Fides của Bộ Loan Báo Tin Mừng, Đức Hồng y Giorgio Marengo, nhà truyền giáo dòng Đức Mẹ An ủi, Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar, Mông Cổ, đã chia sẻ những ý tưởng sáng suốt và đầy nhiệt huyết tông đồ của ngài đối với công việc truyền giáo.

Vatican News

** Thưa Đức Hồng Y Marengo, có phải là chúng ta chưa nhấn mạnh đủ về bản chất truyền giáo của Giáo hội và lời kêu gọi tất cả những người đã được rửa tội đi truyền giáo không?

- Việc tái khám phá lời mời gọi mọi người trở thành nhà truyền giáo, điều được ghi khắc trong bí tích rửa tội, theo nhiều cách là một sự quan phòng. Nhưng ngày nay, tính đặc thù của ơn gọi truyền giáo, được gọi là sứ mạng “ad gentes” (đến với muôn dân), dường như đã bị quên lãng phần nào.

Dường như trong thời đại toàn cầu hóa và khoảng cách địa lý ngày càng thu hẹp, không còn chỗ cho chiều kích truyền giáo này nữa, điều vốn bao gồm việc đi ra và bước vào bối cảnh sống của con người khác với bối cảnh của chính mình.

Ngược lại, tôi tin rằng, chính trong thời đại chúng ta, thật thích hợp để nhìn nhận nét đặc thù của việc loan báo Tin Mừng lần đầu tiên, Tin Mừng được loan báo cho những người chưa thực sự biết đó là gì. Điều quan trọng là tính đặc thù này không bị nhạt đi, không bị biến mất trong một cuộc thảo luận quá chung chung về việc truyền giáo. Đối với tôi, việc nhận thức được tính đặc thù này và luôn lưu ý đến nó dường như rất quan trọng đối với toàn bộ hoạt động của Giáo hội trên thế giới và trong hành trình lịch sử của Giáo hội.

** Tại sao tính đặc thù của việc loan báo đầu tiên này lại thiết yếu và quan trọng đối với động lực truyền giáo của Giáo hội?

- Nếu thuộc về Giáo hội có nghĩa là cùng bước đi với Chúa Giêsu và theo Chúa Giêsu, thì truyền giáo có thể được mô tả và công thức hóa như là “làm cho cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô trở nên khả thi”.

Cuộc gặp gỡ này luôn có thể diễn ra theo những cách mà chúng ta chưa biết. Nhưng như một quy luật, việc tiếp xúc với thực tại của con người vẫn là điều cần thiết. Một thực tại của con người tạo điều kiện và làm cho cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô trở nên khả thi. Bởi vì trải nghiệm này luôn được truyền tải thông qua sự thu hút và tiếp xúc. Và động lực này thể hiện và được nhận thức rõ ràng đặc biệt ở những nơi, về mặt khách quan, có rất ít khả năng thực sự để tiếp xúc với con người của Chúa Kitô. Ví dụ, ở những nơi mà Giáo hội vẫn chưa tồn tại hoặc đang trong tình trạng non trẻ, như trường hợp của Mông Cổ.

** Ngài thuộc về một dòng truyền giáo. Trong những thập kỷ gần đây, số thành viên của các dòng này đã giảm rõ rệt.

- Có lẽ chúng ta sẽ không còn cần nhiều thành viên như trước nữa, và chúng ta không nên lo lắng khi thấy số lượng các dòng truyền giáo đang giảm dần. Nhưng ngay cả khi ảnh hưởng ít hơn, nhu cầu thường xuyên phải loan báo Tin Mừng vốn đã dẫn đến sự ra đời của các dòng đó vẫn còn tồn tại.

** Tính đặc thù của "missio ad gentes" (sứ vụ đến với muôn dân) mà ngài đề cập đến gợi lên những vùng từng là “lãnh thổ truyền giáo”, những khu vực hiện được gọi là “miền Nam thế giới” hoặc “miền Nam bán cầu”. Tên gọi này có còn giá trị không?

- Thay vì sa vào địa hình của các công thức và định nghĩa chính trị xã hội nói đến, ví dụ, “miền bắc” và “miền nam” của thế giới, tốt hơn chúng ta nên bám vào các tiêu chuẩn thuần túy của Giáo hội. Tính đặc thù này liên quan đến việc thực sự thực hiện việc loan báo Tin Mừng. Vấn đề là phải xem liệu trong các bối cảnh xã hội khác nhau có khả năng tiếp xúc thực sự với Tin Mừng hay không, bởi vì trong bối cảnh đó, Tin Mừng được công bố theo một cách nào đó có hiệu quả thực sự, hay điều này không xảy ra. Luôn cần tính đến tất cả các tình huống cụ thể và sự khác biệt của chúng.

** Sự khác biệt là gì?

- Việc sống ở những nơi mà Giáo hội được thành lập với tất cả các đặc sủng và thừa tác vụ là một chuyện, và việc có một Giáo hội chỉ có một linh mục bản xứ, như đang xảy ra ở Mông Cổ, là một chuyện khác. Việc sống trong những xã hội cực kỳ chỉ trích Kitô giáo, do sức nặng của lịch sử, là một việc, và việc tương tác với những xã hội không thực sự chống đối và quá chỉ trích Giáo hội là một chuyện khác, bởi vì lịch sử của họ chưa bao giờ đan xen với nhau.

Trong những bối cảnh và hoàn cảnh khác nhau, sứ mạng của việc loan báo đầu tiên là sứ mạng giúp chúng ta trải nghiệm sự mới mẻ của đức tin Kitô giáo trong bất kỳ trường hợp nào. Cả khi điều này xảy ra trong bối cảnh chưa từng đối đầu với đức tin trong lịch sử và khi nó được tái khám phá như một điều mới lạ ở những nơi mà nó đã định hình nên các thế hệ trước, nhưng giờ đây bằng cách nào đó đã biến mất khỏi tầm nhìn xã hội.

** Đâu là những đặc điểm cơ bản và cụ thể của sứ mạng loan báo Tin Mừng lần đầu?

- Thiên Chúa Cha của chúng ta đã không gửi một thông điệp, nhưng đã trở nên xác thịt bằng cách sai Con Một của Người đến. Thiên Chúa cúi xuống ôm lấy thân phận con người. Và bằng cách loại suy, kể từ đó, việc truyền giáo cũng được kêu gọi tuân theo các quy luật của thời gian và không gian, lấy Chúa Giêsu làm mẫu mực.

Nếu sứ điệp của Chúa Kitô chỉ là một sứ điệp, một giáo huấn về sự sống, thì không cần phải kêu gọi những người nam người nữ đi đến tận cùng trái đất, như chính Chúa Giêsu đã làm trong Tin Mừng.

Chúa Giêsu đã trở thành một phần của một dân tộc và một nền văn hóa được xác định. Ba mươi năm sống ẩn dật, ba năm hoạt động công khai và ba ngày thương khó dẫn đến sự phục sinh. Tất cả những ai theo Người đều được mời gọi để Chúa Thánh Thần uốn nắn mình để sống cùng một mầu nhiệm. Đây là sứ mạng.

** Những ai theo Chúa Giêsu, tuân theo các quy luật của không gian và thời gian sẽ thoát khỏi sự trừu tượng và đảm nhận mọi nỗ lực của một công việc truyền giáo kiên nhẫn, điều mà đôi khi có vẻ “vô ích” và “không kết quả”.

- Chúng ta hãy nghĩ về khoảng thời gian dành để học những ngôn ngữ khó, để hòa mình cách sâu sắc và tôn trọng vào nền văn hóa của những người chúng ta đang sống cùng. Mọi sự đều bao hàm sự hiểu biết, gần gũi thân thiện để phát triển mối quan hệ tin cậy. Phần lớn nỗ lực truyền giáo nhằm mục đích xác định chính xác bối cảnh và tạo ra những điều kiện tin tưởng lẫn nhau, để sau đó chia sẻ với người khác kho báu của chúng ta, những gì chúng ta yêu quý nhất.

** Liệu “sự kiên nhẫn” của thời gian dài truyền giáo này có tương thích với sự thay đổi nhanh chóng của hiện tại không?

- Có lẽ ngày nay ai đó có thể nghĩ rằng đầu tư vào truyền thông sẽ hiệu quả hơn nhằm đạt được những tác động có thể đo lường được đối với dư luận. Nhưng Tin Mừng không được truyền đạt như một ý tưởng hay một trong những lựa chọn trên thực đơn. Đây là tiếp thị. Đôi khi chúng ta có xu hướng đưa ra những lý thuyết về truyền giáo hoặc tổ chức các chiến lược bằng các hành động xã hội hoặc nhân đạo mà chúng ta trình bày như những điều hữu ích cho cái mà chúng ta gọi là “loan báo”. Đến mức tạo nên sự ảo tưởng về một Giáo hội được xây dựng “theo thiết kế”.

** Theo quan điểm của ngài khi sống ở Ulaanbaatar, ngài nhận thức thế nào về tính cấp thiết hiện nay của công việc truyền giáo của Giáo hội?

- Tôi ngạc nhiên trước sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà văn, nhà báo và học giả của Giáo hội đối với Giáo hội nhỏ bé của chúng tôi ở Mông Cổ, nơi họ nhìn thấy kinh nghiệm truyền giáo tương tự như kinh nghiệm trong Sách Công vụ Tông đồ. Các Tông Đồ đã làm chứng cho Chúa Giêsu trong hoàn cảnh mà họ là thiểu số tuyệt đối so với bối cảnh xã hội và văn hóa nơi họ sinh sống. Công việc của họ ẩn chứa ý nghĩa về sự thiểu số và mới lạ. Ở Mông Cổ cũng có kinh nghiệm về sự tiếp xúc đầu tiên với Phúc Âm của những người và thực tế xã hội chưa từng biết Tin Mừng trước đây. Những người quan tâm đến Giáo hội của chúng tôi đôi khi nói với tôi rằng kinh nghiệm của chúng tôi như một Giáo hội nghèo và nhỏ bé cũng có thể mang lại cảm hứng cho các hoàn cảnh trong các xã hội hậu Kitô giáo, nơi mà ngay cả một sự tham chiếu mơ hồ đến Kitô giáo cũng không còn được coi là điều hiển nhiên nữa, như đã từng xảy ra trong quá khứ.

** Trong một hội nghị gần đây tại Học viện Công giáo Paris, ngài cũng nói về một “mức độ thận trọng” nhất định luôn phải đặc trưng cho công việc truyền giáo. Ngài đang ám chỉ đến điều gì?

- Luôn luôn là Thánh Thần của Chúa làm cho cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô trở nên khả thi, chứ không phải là các phương pháp hay sự dự phòng của chúng ta. Nhưng có lẽ hành động của Người sẽ gặp ít trở ngại hơn nếu những ai muốn phục vụ Tin Mừng tiếp cận anh chị em mình vì chính họ, và hành động với tất cả sự thận trọng khi công bố Sự Phục sinh của Chúa Kitô. Vào năm 1840, sau chuyến đi đầu tiên đến Ngoại Mông, Cha Joseph Gabet dòng Lazarist đã viết cho Bộ Truyền giáo: “Sự xuất hiện lần đầu của người châu Âu giữa người Mông Cổ và người Tây Tạng là một công việc rất tế nhị, và sự thành công của việc loan báo Tin Mừng giữa những người này sẽ phụ thuộc vào mức độ thận trọng trong một thời gian dài”.

** Ngài đã tham dự Phiên họp toàn thể của Bộ Loan báo Tin Mừng (Phân bộ dành cho việc truyền giáo đầu tiên và các Giáo hội địa phương mới) nói về Đại học Giáo hoàng Urbaniana. Ngài thấy hiện tại và tương lai của trường Đại học đó như thế nào?

- Trong thánh lễ tại Sân vận động Singapore, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lá thư của Thánh Phanxicô Xaviê gửi cho các anh em tu sĩ Dòng Tên đầu tiên của ngài, trong đó nhà truyền giáo vĩ đại nói về ước muốn đi đến tất cả các trường đại học vào thời của ngài để “hét lên đây đó như một kẻ điên” và lay động giới trí thức đang giải trí trong những cuộc tranh luận bất tận, nhằm thúc đẩy họ trở thành những nhà truyền giáo để phục vụ lòng bác ái của Chúa Kitô. Có lẽ trong thời gian này chúng ta cũng cần một cuộc nghiên cứu thần học về truyền giáo, chúng ta cần những con đường học thuật giúp nhận ra và tái đề xuất tính cấp thiết lâu đời của việc loan báo Tin Mừng, đặc biệt trong những hoàn cảnh nơi lần đầu tiên Tin Mừng được loan báo. Biết đâu, có lẽ Đại học Giáo hoàng, với tất cả lịch sử của nó, có thể hiện thực hóa giấc mơ của Thánh Phanxicô Xaviê bằng cách này. (Agenzia Fides 10/1/2024)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/phong-van-dhy-giorgio-marengo-nha-truyen-giao-tai-mong-co-ve-ban-chat-truyen-giao-cua-giao-hoi-41840.html

 

 

17. Nhà thờ cổ nhất ở Chilê bị hỏa hoạn thiêu rụi

Hôm 11/10/2024, một đám cháy kinh hoàng đã thiêu rụi Nhà thờ Thánh Antôn và tu viện dòng Phanxicô ở thành phố Iquique ở Chile, một nhà thờ có từ thế kỷ 17. Các nhà chức trách đang điều tra nguyên nhân vụ cháy, may mắn là không có thương vong.

Vatican News

Đây là một trong những tòa nhà Công giáo lâu đời nhất ở Chile, chủ yếu được làm bằng gỗ và có niên đại từ thế kỷ 17. Nhà thờ được xây dựng vào thời điểm Tây Ban Nha chinh phục Nam Mỹ và là nơi đầu tiên dòng Phanxicô đến khu vực này, và từ năm 1994 đã được công nhận là di tích quốc gia.

Ngọn lửa bùng phát vào ngày hôm trước bên dưới tượng của một vị thánh và ban đầu đã được đội cứu hỏa khống chế. Sau đó, không rõ lý do, ngọn lửa tiếp tục 24 giờ sau đó. Các đơn vị chữa cháy, tổng cộng có 12 người, đã không thể ngăn chặn ngọn lửa thiêu rụi hoàn toàn tòa nhà bằng gỗ. Các nhân chứng mô tả vụ cháy là một sự tàn phá hoàn toàn, một thảm họa cho khu vực. 

Các nhà chức trách đã mở một cuộc điều tra và một nhóm điều tra viên hiện đang làm việc để tìm bằng chứng về nguyên nhân ban đầu của vụ cháy.

Trong một video đăng trên Facebook, Đức Cha Isauro Covili của giáo phận Iquique nói: “Chúng ta đang đối diện với một tình huống đau lòng như vậy, một thảm kịch về mặt di sản của chúng ta, về nhà thờ giáo xứ Thánh Antôn thành Padova đã bị thiêu rụi, cũng như tu viện Phanxicô”. Ngài nói thêm: “[Đó] là một tòa nhà, như chúng ta đều biết, rất có giá trị lịch sử và quan trọng đối với thành phố và khu vực. Chúng ta thực sự đau lòng vì vụ cháy và hậu quả của nó”.

Trong khi nhắc các tín hữu rằng dù nhà thờ bị thiêu rụi hoàn toàn, “Giáo hội, thân thể của Chúa Giêsu Kitô, thân thể sống động của Chúa Giêsu, sẽ vẫn tiến bước giữa đau buồn, bi kịch và nước mắt để cử hành với niềm vui và hy vọng đức tin và lời tuyên bố của Chúa Giêsu Kitô”, Đức Cha Covili cũng cám ơn đội cứu hỏa đã làm việc chăm chỉ, cũng như cảm ơn sự gần gũi và quan tâm của nhiều người.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/nha-tho-co-nhat-o-chile-bi-hoa-hoan-thieu-rui-41841.html

 

 

18. Đức Thánh Cha: Cần một nền thần học từ trên cao của thập giá và quỳ gối trước tha nhân

Đức Thánh Cha gửi sứ điệp video đến Khoa Thần học Giáo hoàng Sicily, dịp năm học mới bắt đầu, nói rằng Địa Trung Hải cần một nền thần học sống động, một thần học từ trên cao của thập giá và quỳ gối trước tha nhân, giúp mọi người hướng đến lòng trắc ẩn, mạng lưới cứu độ, tình yêu để tạo ra một lịch sử mới.

Vatican News

Đức Thánh Cha nhắc lại phân khoa ra đời xuất phát từ ơn gọi Giáo hội mạnh mẽ, ở khu vực Địa Trung Hải đầy thách đố. Điều này đặt ra cho thần học những thách đố: đối thoại liên tôn với Hồi giáo và Do Thái giáo, bảo vệ phẩm giá con người của Biển chúng ta, sức mạnh văn hoá và xã hội của lòng đạo đức bình dân.

Tiếp đến, trích Tin Mừng Matthêu (Mt 4, 18-22), thuật lại việc Chúa Giêsu đi dọc Biển hồ Galilê quan sát các ngư phủ lưới cá. Và từ lưới cá, Chúa mời gọi các ông lưới người, Đức Thánh Cha nói: “Nhiệm vụ của nền thần học Địa Trung Hải là dệt nên những mạng lưới cứu độ, mạng lưới Tin Mừng với lối suy nghĩ và yêu thương của Chúa Giêsu, được xây dựng bằng những sợi chỉ ân sủng và đang xen với lòng thương xót Chúa, nhờ đó Giáo hội có thể tiếp tục, ngay cả ở Địa Trung Hải, là dấu chỉ và khí cụ cứu rỗi cho nhân loại. Và đây là cách mà thần học có thể yêu thương, có thể trở thành bác ái”.

Ở điểm này, theo Đức Thánh Cha đó chính là thần học của thập giá. Thực vậy, từ đỉnh cao thập giá, thần học gia được thôi thúc nhìn vào thực tại con người bằng đôi mắt của Người tự hạ mình đến mức trở nên bé nhỏ nhất trong loài người, từ bỏ những đặc quyền thần linh và trở thành bé nhỏ nhất.

Ngài nói: “Do đó, tôi thích nghĩ về một bước nhảy vọt của sự gần gũi, hoàn thành bước nhảy vọt của đức tin, để không trở thành người đứng ban công của lịch sử, nhưng là người dệt nên những mạng lưới biết cách gắn kết nhân tính của Chúa Kitô và Tin Mừng Người”.

Đối với vùng đất vẫn còn bị mafia tàn phá nặng nề, Đức Thánh Cha nói thần học đòi hỏi và bao gồm chứng tá hy sinh đến mức trao ban mạng sống, như cha Pino Puglisi và ba thẩm phán của khu vực. Đó là những giáo sư đích thực của công lý, mời gọi thần học, ngang qua những lời của Tin Mừng, cứu văn hoá của một vùng đất vẫn còn bị đánh dấu bởi tai hoạ mafia.

Hơn nữa, cần một thần học đắm mình trong lịch sử và làm cho lòng bác ái Chúa Kitô toả sáng. Vì thế, việc khởi xướng các công trình nghiên cứu thần học và xã hội về sự tha thứ, hợp pháp, kiên nhẫn và thánh thiện là điều cần thiết, khởi đi từ sự sáng tạo, một phòng thực nghiệm thần học và xã hội thực sự của tha thứ, vì một cuộc cách mạng công lý thực sự.

Kết thúc sứ điệp Đức Thánh Cha nhắn nhủ rằng Địa Trung Hải cần một nền thần học sống động, một thần học từ trên cao của thập giá và quỳ gối trước tha nhân, sử dụng những lời khiêm nhường, đơn giản, căn bản, để giúp mọi người hướng đến lòng trắc ẩn, và lời dạy yêu thương để tạo nên một lịch sử mới nhưng bắt nguồn từ lịch sử của dân tộc.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-can-mot-nen-than-hoc-tu-tren-cao-cua-thap-gia-va-quy-goi-truoc-tha-nhan-41849.html

 

 

19. Đức Thánh Cha: Bài ca Thụ tạo, một bài học tuyệt vời về chăm sóc thụ tạo

Trong sứ điệp được ký bởi Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, gửi đến sự kiện kỷ niệm 800 Bài ca Thụ tạo, tổ chức tại Đại sứ quán Ý cạnh Toà Thánh, Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự cần thiết tiếp tục “hoạt động nâng cao nhận thức trong việc chăm sóc thụ tạo”, và cho rằng “Bài ca Thụ tạo, một bài học tuyệt vời về chăm sóc thụ tạo”.

Vatican News

Sáng kiến kỷ niệm 800 năm Bài ca Thụ tạo của Thánh Phanxicô Assisi được Đại sứ quán Ý cạnh Toà Thánh tổ chức cùng với Tuần Ngôn ngữ Ý trên Thế giới lần thứ 24, trong ngày 15/10. Ban tổ chức cho biết hai sự kiện được tổ chức song song vì Bài ca Thụ tạo là nền tảng cho sự phát triển tiếng Ý, và là biểu tượng cho việc bảo vệ thụ tạo.

Trong sứ điệp gửi đến sự kiện này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự cần thiết “tiếp tục hoạt động nâng cao nhận thức trong việc chăm sóc thụ tạo”. Theo ngài, có một giáo huấn tuyệt vời trong lời cầu nguyện được Thánh Phanxicô sáng tác vào cuối đời, một lời nguyện chưa bao giờ ngừng đập. 

Phát biểu tại sự kiện, Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, nguyên Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá trước đây, trích dẫn một số Thánh vịnh, nguồn cảm hứng cho Bài ca của Thánh Phanxicô Assisi. Do đó, Bài ca Thụ tạo ca ngợi Thiên Chúa và các thụ tạo được trình bày qua các công trình của Người, cũng trở thành thánh ca sự sống.

Đức Hồng Y còn nhấn mạnh lời cầu nguyện của Thánh Phanxicô đã thấm nhuần tầm nhìn tích cực về thiên nhiên như thế nào, vì trong thụ tạo, phản ảnh hình ảnh của Đấng Tạo Hoá. Từ đó nảy sinh ý thức về tình huynh đệ giữa con người và mọi thụ tạo. Như vậy, công trình sáng tạo trở thành một phương tiện vĩ đại để ca ngợi Đấng Tạo Hóa.

Khích lệ mọi người giữ cảm giác ngạc nhiên trước thiên nhiên, Đức Hồng Y nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không đánh mất sự kỳ diệu của thụ tạo.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-bai-ca-thu-tao-mot-bai-hoc-tuyet-voi-ve-cham-soc-thu-tao-41850.html

 

 

20. ĐTC Phanxicô: Hòa nhập người khuyết tật phải là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia

Sáng thứ Năm ngày 17/10/2024, tiếp các các tham dự viên Hội nghị thượng đỉnh G7 về hòa nhập người khuyết tật, Đức Thánh Cha nhắc rằng mỗi người là một món quà quý giá cho xã hội, ngay cả người già yếu. Ngài kêu gọi tạo điều kiện để người khuyết tật thoát khỏi định kiến, có thể tham gia và đóng góp cho xã hội.

Hồng Thủy - Vatican News

Đây là Hội nghị đầu tiên của nhóm các nước G7 về các chủ đề hòa nhập và khuyết tật. Hội nghị diễn ra từ ngày 14 đến 17/10/2024 tại Solfagnano và Assisi, thành phố của thánh Phanxicô, với sự tham dự của các Bộ trưởng phụ trách về người khuyết tật của các quốc gia thành viên, cụ thể là Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Đức, Pháp, Vương quốc Anh và Ý, để thảo luận và cam kết thực hiện các chính sách hòa nhập và bình đẳng hóa người dân.

Mở đầu bài nói chuyện, Đức Thánh Cha nhận định rằng “Cuộc gặp gỡ này, nhân hội nghị G7, là một dấu hiệu cụ thể cho thấy mong muốn xây dựng một thế giới công bằng và hòa nhập hơn, nơi mỗi người, với khả năng của mình, có thể sống trọn vẹn và đóng góp cho sự phát triển của xã hội”.

Không ai phải là nạn nhân của nền văn hóa vứt bỏ

Nhắc đến “Hiến chương Solfagnano”, được ký kết vào ngày 16/10/2024 về các vấn đề cơ bản như hòa nhập, khả năng tiếp cận, cuộc sống độc lập và bình đẳng hóa con người, Đức Thánh Cha khẳng định rằng “những chủ đề này phù hợp với tầm nhìn của Giáo hội về phẩm giá con người: Mỗi người là một phần không thể thiếu của đại gia đình và không ai phải là nạn nhân của nền văn hóa vứt bỏ, vốn tạo ra những thành kiến và gây thiệt hại cho xã hội”.

Xóa mọi rào cản để mọi người đóng góp cho công ích

Tiếp tục bài diễn văn, Đức Thánh Cha nói rằng “việc hòa nhập người khuyết tật phải được tất cả các quốc gia công nhận là ưu tiên hàng đầu”. Ngài giải thích: “Tạo ra một thế giới hòa nhập không chỉ có nghĩa là thích ứng với các cơ cấu mà còn thay đổi nhận thức để người khuyết tật được coi là những người tham gia đầy đủ vào đời sống xã hội”. Do đó cần tạo nên khả năng tiếp cận phổ quát, xóa bỏ mọi rào cản về thể chất, xã hội, văn hóa và tôn giáo, cho phép mọi người sử dụng tài năng của mình và đóng góp cho công ích”.

Mang lại cơ hội làm việc cho người khuyết tật

Do đó, theo Đức Thánh Cha, điều quan trọng là phải giúp người khuyết tật có thể lựa chọn con đường riêng cho họ trong cuộc sống, giải phóng họ khỏi xiềng xích định kiến. Điều này có nghĩa là đánh giá cao khả năng của mọi người, mang lại cơ hội làm việc tốt. “Một hình thức phân biệt đối xử nghiêm trọng là loại trừ khả năng làm việc của một người nào đó” (xem Fratelli tutti, 162).

Công nghệ mới giúp phá bỏ sự bất bình đẳng

Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng “các công nghệ mới cũng có thể là công cụ mạnh mẽ để thu hút và tham gia nếu tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được. Chúng phải hướng tới công ích, phục vụ nền văn hóa gặp gỡ và liên đới. Công nghệ phải được sử dụng một cách khôn ngoan để nó không tạo thêm bất bình đẳng mà thay vào đó trở thành một phương tiện để phá bỏ chúng”.

Bảo vệ và hỗ trợ người khuyết tật trước cuộc khủng hoảng môi trường

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc đến các trường hợp khẩn cấp về nhân đạo liên quan đến các cuộc khủng hoảng và xung đột về khí hậu vốn ảnh hưởng nặng nề đến những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm cả những người khuyết tật (xem Thông điệp Laudato si', 25). Ngài nói: “Nhiệm vụ của chúng ta là đảm bảo rằng người khuyết tật không bị bỏ lại phía sau trong những tình huống này và họ được bảo vệ và hỗ trợ một cách thích hợp”. (CSR_4516_2024)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-hoa-nhap-nguoi-khuyet-tat-phai-la-uu-tien-hang-dau-cua-cac-quoc-gia-41851.html

 

 

21. Đức Thánh Cha gửi sứ điệp nhân Ngày Lương thực Thế giới lần thứ 44

Nhân Ngày Lương thực Thế giới lần thứ 44, 16/10, Đức Thánh Cha gửi sứ điệp tới ông Qu Dongyu, Tổng giám đốc Tổ chức Lương Nông gọi tắt là FAO, mời gọi họ coi các nguyên tắc bổ trợ và liên đới như nền tảng của các chương trình phát triển, ưu tiên nhu cầu của người lao động, nông dân và người nghèo.

Vatican News

Đức Thánh Cha viết: “Để giải quyết các vấn đề lương thực của nhân loại trong thời đại chúng ta, vốn bị tổn thương bởi nhiều bất công, cần những biện pháp hiệu quả nhằm đưa đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, cần coi các nguyên tắc bổ trợ và liên đới như nền tảng của các chương trình và dự án phát triển của chúng ta, và lắng nghe yêu cầu của những người ở đầu chuỗi thực phẩm như những nông dân nhỏ bé và các gia đình trực tiếp tham gia vào việc cung cấp lương thực cho mọi người”.

Đối với Đức Thánh Cha, không bao giờ được trì hoãn việc lắng nghe các nhu cầu từ dưới, từ công nhân và nông dân, từ người nghèo và những người sống trong điều kiện khó khăn ở các vùng nông thôn. Ngài nhấn mạnh chỉ khi chúng ta lấy lý tưởng công bằng như hướng dẫn cho hoạt động của mình thì nhu cầu của mọi người mới được đáp ứng.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng chủ đề của Ngày này “Quyền có thực phẩm để có cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn” mời gọi chúng ta suy tư để đáp ứng một trong những nhu cầu cơ bản của con người, đó là được nuôi dưỡng để sống theo những tiêu chuẩn thích hợp, đảm bảo sự hiện hữu xứng nhân phẩm.

Nhưng cho rằng quyền này thường bị coi thường, và không được áp dụng một cách công bằng, gây ra những hậu quả tai hại, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đề xuất của FAO về chuyển đổi hệ thống thực phẩm, có tính đến sự đa dạng của các loại thực phẩm bổ dưỡng, dễ tiếp cận, lành mạnh và bền vững để đạt được an ninh lương thực và chế độ ăn uống lành mạnh cho tất cả mọi người.

Đức Thánh Cha nói thêm, nhân loại rất cần những biện pháp hiệu quả để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, cùng nhau hành động với tinh thần huynh đệ và biết rằng hành tinh Thiên Chúa đã ban cho chúng ta phải là một khu vườn rộng mở để cùng tồn tại. Điều này đòi hỏi những quyết định dựa trên tình liên đới, qua đó việc bảo vệ các thế hệ tương lai đi cùng với các thế hệ hiện tại, qua một liên minh nội bộ và liên thế hệ, dựa trên tình huynh đệ, mang lại một ý nghĩa mới cho sự hợp tác quốc tế.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha tái khẳng định sự cống hiến của Giáo hội trong việc xoá nghèo đói và bày tỏ sự ủng hộ của Tòa Thánh đối với FAO và các sáng kiến toàn cầu khác nhằm đảm bảo lương thực cho tất cả mọi người.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-gui-su-diep-nhan-ngay-luong-thuc-the-gioi-lan-thu-44-41852.html

 

 

22. Phỏng vấn Chủ tịch Liên minh các Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội

Chủ đề về phụ nữ và vai trò của phụ nữ trong Giáo hội được quan tâm không chỉ bởi các tham dự viên của khoá họp thứ hai của Thượng hội đồng đang diễn ra ở Roma, nhưng còn bởi nhiều người ưu tư về các quyền căn bản, về vị trí của phụ nữ trong xã hội và Giáo hội. Trong cái nhìn này, Báo quan sát viên Roma của Toà Thánh đã có một cuộc trò chuyện với bà Mónica Santamarina, Chủ tịch Liên minh các Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới (UMOFC) từ tháng 5/2023.

Vatican News

Bà Mónica Santamarina, năm nay 65 tuổi. Trước khi được bầu làm Chủ tịch tổ chức phụ nữ Công giáo quốc tế, bà là một nhà tư vấn pháp lý và giáo viên, trợ lý hội đồng tại Viện Phụ nữ Quốc gia ở Mexico, thành viên của Phong trào Công giáo Tiến hành, và Chủ tịch của Phong trào từ năm 1996 đến 2001.

Đối với Liên minh các Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới, bà từng là Phó Chủ tịch, rồi thủ quỹ và hiện là Chủ tịch. Bà chia sẻ: “Tôi luôn làm việc với phụ nữ. Tôi mơ ước Liên minh các Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới có thể đại diện cho đa số phụ nữ Công giáo trên thế giới và hoạt động vì công cuộc loan báo Tin Mừng và phát triển toàn diện phụ nữ, đặc biệt những người dễ bị tổn thương nhất”.

Trong cuộc trò chuyện, trước khi đi vào chủ đề Thượng hội đồng, bà Mónica Santamarina, cho biết một số hoạt động gần đây của tổ chức. Được thành lập năm 1910, và được Tòa Thánh công nhận vào năm 2006, Liên minh các Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới có tám triệu thành viên, thuộc hơn 50 quốc gia. Các thành viên đa số là giáo dân, một số tu sĩ đang làm việc trong các lĩnh vực giáo hội, xã hội và văn hóa.

Tham gia Phong trào và nền tảng Laudato si' cùng với dự án “trồng cây” là một phần đang được quan tâm đối với hệ sinh thái toàn diện, được chia sẻ bởi hàng trăm tổ chức phụ nữ Công giáo thuộc Liên minh các Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới. Cụ thể, trong ba năm, đã có 24 triệu cây xanh được trồng.

Ngoài ra còn có các dự án đa dạng khác như giếng nước trong sa mạc, đào tạo cho phụ nữ bản địa ở châu Mỹ, châu Phi và châu Úc, các khóa học chống lạm dụng và bạo hành gia đình ở châu Phi và châu Mỹ Latinh. Các thành viên hoạt động trong mạng lưới với các thực tại dân sự, đại kết, các tôn giáo khác. Mục đích là để khuyến khích và tạo ra một mạng lưới dựa trên tình chị em, công việc chung và sự hợp tác.

Dưới đây là cuộc phỏng vấn về Thượng hội đồng:

Thưa bà, theo cái nhìn của Thượng Hội đồng, Liên minh các Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới đã tổ chức một trường học về hiệp hành để đào sâu sự tham gia của phụ nữ vào đời sống Giáo hội. Kết quả như thế nào?

Con đường hiệp hành hướng tới sự tham dự đầy đủ và bao gồm hơn trong Giáo hội được đánh giá cao. Các phụ nữ tin tưởng đây có thể là con đường đúng để Giáo hội nhìn nhận các đặc sủng của phụ nữ. Điểm hội tụ quan trọng nhất là cần đào tạo nhiều hơn cho phụ nữ, cho phép phụ nữ thi hành những vai trò quan trọng trong Giáo hội và đảm nhận vai trò lãnh đạo ở các cấp độ khác nhau, ở những nơi đưa ra quyết định. Để làm được điều này, chúng ta cần một cuộc cải thiện, một sự thay đổi trong tâm hồn, các linh mục và giám mục, cũng như cả giáo dân nam nữ.

Bà có thể đưa ra một số ví dụ về sự thay đổi cần thiết không?

Trước hết cần phải khiêm tốn hơn. Và rồi không lo sợ. Đôi khi các linh mục và giám mục muốn chúng tôi ở xa, nhưng chúng tôi ở đó và chúng tôi muốn được lắng nghe, để có thể đóng góp bằng những ân sủng, tài năng và kinh nghiệm của chúng tôi, cũng như tham gia vào quá trình đưa ra quyết định. Tóm lại, vấn đề không chỉ là nói: “Được, được rồi, đến đây, tôi sẽ cho chị một vị trí trong hội đồng mục vụ”. Cần một sự thay đổi thực sự, hiểu rằng phụ nữ rất quý giá: chúng tôi muốn làm việc cùng với các linh mục và giám mục, không chống lại, không tranh giành vị trí của các linh mục và giám mục. Điều khó tin là đôi khi các quyết định chỉ được đưa ra bởi những người nam, trong khi hầu hết những người đến nhà thờ, làm việc ở các giáo xứ, dạy giáo lý, những người sống chung với những người dễ bị tổn thương nhất đều là phụ nữ. Nhờ Đức Thánh Cha Phanxicô, nhiều điều đã được thực hiện, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Cần lên kế hoạch, đầu tư tiền của và thời gian.

Nhiều người, như ở phương Tây, đã bỏ Giáo hội vì họ cảm thấy Giáo hội xa cách. Giáo Hội phải làm gì để “có sự lôi cuốn” đối với người trẻ?

Tại một số vùng trên thế giới, mỗi ngày chúng ta đang mất đi người Công giáo, đặc biệt là các bạn trẻ nam nữ. Tôi cho rằng chúng ta chưa lôi cuốn giới trẻ được vì chúng ta chưa linh hoạt, phụ nữ có những thời điểm khác nhau, đi làm, phải chăm sóc con cái. Và những người trẻ cần những chứng từ. Vấn đề lạm dụng trẻ em đã lấy đi rất nhiều thứ khỏi Giáo hội. Nhiều người trẻ cần được hướng dẫn, nhưng cùng với cuộc khủng hoảng của các gia đình và Giáo hội, sự hướng dẫn đã bị mất. Tôi thúc đẩy để Liên minh các Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới có những người còn rất trẻ và biết cách giao tiếp bằng ngôn ngữ phù hợp. Chúng ta cần nói về những vấn đề của họ, về những gì thực sự ảnh hưởng đến họ. Và cuối cùng tôi cho rằng Giáo hội đã quên làm việc với con người.

Những người bị lãng quên?

Đúng vậy, ở một số vùng trên thế giới có những người nam không thể chấp nhận sự thay đổi. Ở các nước Mỹ Latinh cũng như ở những nơi khác, bạo lực đã gia tăng từ khi phụ nữ đi làm. Có những người nam đang tức giận. Họ không chấp nhận phụ nữ có những quyền như họ, không chấp nhận tất cả nam nữ đều có phẩm giá như nhau. Chúng ta phải làm việc rất nhiều với cả phụ nữ và nam giới. Nếu chúng ta không làm điều này cùng nhau, chúng ta sẽ không thành công.

Theo bà, cần chú trọng những hoạt động nào khác để tiếp thêm sức mạnh cho phụ nữ?

Tôi biết nhiều phụ nữ muốn học thần học tại các trường đại học tốt nhưng không thể có được học bổng. Vì thế họ phải bỏ cuộc, họ bị tổn thương và không thể chữa lành. Chúng ta có những người phụ nữ tuyệt vời, những nữ tu tuyệt vời, những nữ thần học gia và họ phải có những cơ hội như nam giới. Có rất nhiều nhu cầu đào tạo, nhưng ở các cấp độ khác nhau Giáo hội không đầu tư nguồn lực, tiền bạc và thời gian để đào tạo phụ nữ. Khi nói đến nam giới, linh mục, không có vấn đề gì. Ví dụ đối với phụ nữ, không có trường dành cho các nhà ngoại giao, chỉ có nam giới mới được theo học ngành ngoại giao tại Tòa Thánh. Trái lại tôi nghĩ phụ nữ sẽ làm việc này rất tốt. Tiếp đến, luật sư, tôi rất ngạc nhiên khi biết trong các tòa án Giáo hội, phụ nữ có thể tham gia, nhưng giáo dân không thể làm chánh án. Ở Mexico, phụ nữ làm việc nhiều và làm chánh toà các tòa án gia đình, họ có nhiều kinh nghiệm hơn về cuộc sống hôn nhân, nuôi dạy con cái và các vấn đề. Tại sao không đào tạo và để phụ nữ làm việc đó? Tại sao chỉ có linh mục thi hành công việc này? Một khi đã được đào tạo, nam nữ giáo dân sẽ có thể làm tốt.

Theo bà, còn điều gì khác để trao tiếng nói cho phụ nữ trong Giáo hội?

Tôi nghĩ Giáo hội phải đào tạo phụ nữ cho một số thừa tác vụ. Không phải các thừa tác vụ chức thánh, nhưng là những mục vụ về công bằng xã hội, phục vụ phụ nữ và trẻ em. Để bảo vệ họ khỏi bạo hành gia đình, khỏi nạn buôn người, khỏi mọi hình thức lạm dụng. Đối với những phụ nữ phải chạy trốn nguyên nhân do người chồng, phải chạy trốn vì là nạn nhân của nạn buôn người. Chúng tôi có những trải nghiệm rất đau đớn về điều này. Tôi đã làm việc với những phụ nữ và trẻ nữ là nạn nhân trong nhiều năm. Nhưng chúng ta cần thành lập một thừa tác vụ đặc biệt và chuẩn bị cho phụ nữ tham gia.

Về chủ đề thừa tác vụ, điều gì đáng lưu ý từ cuộc khảo sát về phó tế cho phụ nữ?

Từ cuộc khảo sát, một phần ba cho biết họ ủng hộ, hai phần ba phản đối. Vấn đề là có sự khác biệt giữa việc phục vụ phó tế và thừa tác vụ thánh chức của các phó tế, nhưng mọi người không biết điều đó. Phụ nữ đã thực hiện nhiều việc phục vụ của phó tế, ở châu Mỹ, ở Úc, ở những nơi chỉ có một linh mục trong một vùng rộng lớn, và chẳng hạn, các linh mục chỉ đến được hai tuần một lần.

Bà có ủng hộ phụ nữ làm linh mục không?

Không. Tôi không phải là một thần học gia. Tôi tin tưởng vào những gì cho đến nay Giáo hội cho là phù hợp.

Bà mong đợi điều gì từ Thượng Hội đồng?

Điều quan trọng nhất về Thượng Hội đồng và sự hiệp hành không phải là các vấn đề được thảo luận, nhưng là cách giải quyết các vấn đề, để bắt đầu học để trở thành Giáo hội với cách thức khác. Tôi hy vọng sự hiệp hành được thúc đẩy không chỉ ở cấp độ quốc tế, nhưng còn ở các giáo phận và giáo xứ. Những đề xuất cụ thể của Tài liệu Làm việc cho phiên họp thứ hai của Thượng Hội đồng mang lại cho chúng ta niềm hy vọng, bởi vì chúng tìm cách làm phong phú đời sống Giáo hội bằng các đặc sủng và kỹ năng của phụ nữ nhằm đáp ứng các nhu cầu mục vụ của thời đại chúng ta. Đây là lý do tại sao với tư cách là Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới, chúng tôi cổ vũ phương pháp hiệp hành và đào tạo những người điều phối, bởi vì chúng tôi tin tưởng chắc chắn vào con đường mới này của Dân Chúa.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/phong-van-chu-tich-lien-minh-cac-to-chuc-phu-nu-cong-giao-the-gioi-ve-vai-tro-cua-phu-nu-trong-giao-hoi-41853.html

 

 

23. Sứ điệp Đức Thánh Cha Phanxicô nhân ngày lương thực thế giới năm 2024.

Trong sứ điệp gửi tới Tổng Giám đốc FAO, ông Qu Dongyu (Khuất Đông Ngọc), nhân dịp Ngày Lương thực Thế giới lần thứ 44 được tổ chức vào ngày 16 tháng 10 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu các nguyên tắc bổ trợ và liên đới phải được coi là nền tảng của các chương trình phát triển lương thực. Ngài mời gọi lắng nghe và dành ưu tiên cho các nhu cầu của công nhân, nông dân và những người nghèo đói. Dưới đây là sứ điệp của Đức Thánh Cha:

SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

NHÂN NGÀY LƯƠNG THỰC THẾ GIỚI NĂM 2024

Thưa ngài Tổng Giám đốc,

Ngày Lương thực Thế giới lần thứ 44 mời gọi chúng ta suy nghĩ về quyền có lương thực vì một cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn. Đây là quyền ưu tiên, vì nó đáp ứng một trong những nhu cầu căn bản của con người, cụ thể là được nuôi dưỡng để sống phù hợp với những tiêu chuẩn chất lượng và số lượng đầy đủ nhằm bảo đảm cho cuộc sống xứng đáng của mỗi con người. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng quyền này thường xuyên bị xâm hại và không được áp dụng cách công bằng, với những hậu quả nguy hại mà nó gây nên.

Vì lợi ích của việc thúc đẩy quyền có lương thực, Tổ chức Nông Lương (FAO) thiết tha đề xuất xem xét việc thay đổi hệ thống lương thực lưu tâm đến trạng thái đa dạng và phong phú của các loại lương thực đầy đủ dinh dưỡng, giá cả phải chăng, có lợi cho sức khoẻ và bền vững như là phương tiện để đạt được sự an toàn lương thực và chế độ ăn uống bổ dưỡng cho tất cả mọi người.

Điều này đòi hỏi không được quên đi chiều kích xã hội và văn hoá nội tại của hành vi nuôi dưỡng chính mình. Về phương diện này, những người đưa ra quyết định về kinh tế lẫn chính trị ở mức độ quốc tế phải lắng nghe nhu cầu của những người ở dưới cùng của chuỗi lương thực, như những nông dân quy mô nhỏ, và của những cơ cấu xã hội trung gian, như gia đình, vốn liên quan trực tiếp trong việc cung cấp thực phẩm cho mọi người ăn.

Những giải pháp mạnh mẽ nhằm trình bày và giải quyết các vấn đề lương thực trong thời đại của chúng ta đòi hỏi chúng ta cần lưu tâm đến những nguyên tắc bổ trợ và liên đới như là nền tảng của các chương trình phát triển lẫn dự án của mình, hầu chúng ta đừng bao giờ trì hoãn việc chân thành lắng nghe những nhu cầu từ bên dưới, từ những công nhân và nông dân, từ người nghèo khổ và đói kém, cũng như từ những ai sống trong khó khăn ở những vùng nông thôn hẻo lánh. Chúa Giê-su Ki-tô đã dạy chúng ta: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7, 12).

Nhân loại, bị thương tổn bởi quá nhiều bất công, đang cần kíp những phương sách hiệu quả hầu dẫn đưa đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, cùng nhau hành động trong cùng tinh thần huynh đệ và trong sự nhận biết rằng hành tinh mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta phải trở nên một khu vườn mở ra cho sự chung sống yên bình. Đây là những gì mà tôi đang nghĩ đến khi đề xuất xem xét một mô hình sinh thái toàn diện, để những nhu cầu của mỗi người và của con người nói chung được lưu tâm đến, để phẩm giá của họ được bảo vệ trong mối tương quan với người khác và trong sự nối kết chặt chẽ với việc chăm sóc công trình tạo dựng. Chỉ khi chúng ta lấy lý tưởng công bằng như là sự hướng dẫn cho hành động của mình, thì những nhu cầu của con người mới được đáp ứng.

Điều này cũng đòi hỏi rằng chúng ta phải để cho chính mình chịu thách đố và cảm thương bởi tình trạng của người khác, và tình liên đới trở nên trọng tâm chính yếu nơi những quyết định của chúng ta. Bằng cách này, việc bảo vệ các thế hệ tương lai sẽ đi đôi với việc lắng nghe và hành động theo đòi hỏi của những thế hệ hiện tại, thông qua sự liên minh trong và liên thế hệ vốn kêu gọi tất cả chúng ta đến với tình huynh đệ và đem lại một ý nghĩa mới, thiết thực hơn cho sự hợp tác quốc tế, một sự hợp tác phải làm tăng sức sống cho Tổ chức này cũng như toàn bộ hệ thống đa phương.

Trên con đường này, vốn đầy dẫy những chướng ngại và khó khăn, nhưng đồng thời cũng thú vị và đầy thách đố, cộng đồng quốc tế có thể trông mong vào sự khích lệ của Toà Thánh và của Giáo Hội Công giáo, vốn chẳng khi nào ngừng đóng góp bền bỉ hầu mọi người có thể có được lương thực cả về số lượng lẫn chất lượng tương xướng cho chính họ và cả gia đình, để mỗi người có thể hướng đến một cuộc sống xứng phẩm giá và để tai hoạ đầy đau thương về nghèo khổ và đói kém trên thế giới có thể được đánh bại một cách dứt khoát.

Với những tình cảm và ước muốn trên, tôi khẩn cầu phúc lành của Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng không bao giờ mỏi mệt đỡ nâng những ai mang trong lòng lợi ích của toàn thể nhân loại, xuống trên tất cả quý vị và những ai đang làm việc vì mục đích cao quý này.

Vatican, ngày 16 tháng 10 năm 2024

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/su-diep-duc-thanh-cha-phanxico-nhan-ngay-luong-thuc-the-gioi-nam-2024-41857.html

 

 

24. Cựu thủ tướng Israel và cựu Bộ trưởng Palestine trình lên ĐTC Phanxicô đề xuất hòa bình.

Yết kiến Đức Thánh Cha vào sáng ngày 17/10/2024, cựu Thủ tướng Israel, Ehud Olmert, và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Palestine, Nasser Al-Kidva, đã trình bày với Đức Thánh Cha đề xuất hòa bình của họ cho cuộc chiến đang tàn phá hai đất nước của họ.

Vatican News

Ông Olmert, người từng giữ chức Thủ tướng Israel từ năm 2006 đến năm 2009, và trước đó là bộ trưởng nội các và thị trưởng Giêrusalem, đã được Đức Thánh Cha chào đón khi tiếp một phái đoàn các nhà hoạt động vì hòa bình, trong đó có ông Nasser Al-Kidwa, Bộ trưởng Ngoại giao của Chính quyền Palestine từ năm 2005 đến năm 2006.

Phát biểu với Vatican Media sau buổi tiếp kiến, ông Olmert và ông Al-Kidwa giải thích rằng họ đã trình bày với Đức Thánh Cha một đề xuất hòa bình cho Gaza.

Ông Olmert, thủ tướng Israel khi lệnh ngừng bắn ở Libăng năm 2006 được ký kết, và là người đứng sau nỗ lực thực sự cuối cùng nhằm đạt được thỏa thuận thành lập hai nhà nước với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, cho biết “Đức Giáo hoàng Phanxicô đã dành cho chúng tôi sự quan tâm đặc biệt trong hơn nửa giờ, giải thích rằng ngài theo dõi hàng ngày mọi diễn biến của cuộc xung đột và ngày nào ngài cũng liên lạc với các Kitô hữu ở Gaza”.

Ông nói thêm: “Thật vinh dự khi được Đức Thánh Cha tiếp đón sáng nay tại Vatican. Và chúng tôi có thể cảm thấy rằng ngài tập trung vào thông điệp mà chúng tôi muốn truyền tải, đó là cuộc chiến ở Gaza phải chấm dứt, các con tin phải được trả về cho gia đình họ, rằng Israel phải rút quân hoàn toàn khỏi Gaza, và rằng Israel và Palestine phải ngay lập tức bắt đầu đàm phán về hòa bình toàn diện cho giải pháp hai nhà nước”.

Cựu thủ tướng Olmert cũng đề cập đến khả năng có một Thỏa thuận đặc biệt về quy chế của Thành cổ Giêrusalem, dưới quyền tài phán của một ủy ban bao gồm năm quốc gia, trong đó có Palestine và Israel, sẽ cho tất cả các tín đồ, Kitô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo, được tự do thực hành đức tin của họ tại thành phố Giêrusalem.

Về phần ông Nasser Al-Kidwa, người nổi tiếng không chỉ vì lập trường ủng hộ hòa bình mà còn vì là cháu trai của nhà lãnh đạo lịch sử của Tổ chức Giải phóng Palestine, Yasser Arafat, đã xác nhận rằng trong buổi tiếp kiến , “Chúng tôi đã trình lên Đức Thánh Cha đề xuất hòa bình của chúng tôi cho Gaza, bao gồm lệnh ngừng bắn ngay lập tức, trả tự do cho các con tin Israel vẫn bị Hamas bắt giữ, cùng với việc trả tự do đồng thời cho một số tù nhân Palestine trong các nhà tù của Israel và nối lại các cuộc đàm phán để thành lập hai nhà nước riêng biệt hòa bình với nhau”.

Ông Al-Kidwa nói thêm: “Đối với chúng tôi, như là cùng một đội và tất nhiên, vì sứ mạng của chúng tôi, điều quan trọng là chấm dứt chiến tranh và đạt được hòa bình giữa hai dân tộc dưới hình thức hai quốc gia chung sống cạnh nhau trên cơ sở biên giới năm 1967 với một sự hoán đổi đã được thỏa thuận”. Ông đồng ý với đề xuất của ông Olmert liên quan đến Bờ Tây và sự cấp thiết phải chấm dứt chiến tranh ngay lập tức ở Dải Gaza.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Palestine cho biết trong buổi tiếp kiến, phái đoàn đã giải quyết “vấn đề quan trọng đối với toàn thể nhân loại” liên quan đến Giêrusalem và tình trạng của thành này cũng như cách thức quản lý nơi này.

Ông khẳng định: “Chúng tôi đã thực hiện bước trình lên Đức Thánh Cha đề xuất mà chúng tôi đã cùng nhau đưa ra về vấn đề này và tôi tin rằng ngài sẽ chúc lành cho kế hoạch này và ngài sẽ chúc lành cho việc làm của chúng tôi và điều đó chắc chắn sẽ tạo ra sự khác biệt lớn”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/cuu-thu-tuong-israel-va-cuu-bo-truong-palestine-trinh-len-dtc-phanxico-de-xuat-hoa-binh-41858.html

 

 

25. Hơn 50.000 bạn trẻ Chile hành hương đền thánh Têrêsa ở Andes

Trong tuần trước, với chủ đề “Cùng với Têrêsa, những người hành hương hy vọng”, hơn 50.000 bạn trẻ Chile đã hành hương đến đền thánh Thánh Têrêsa ở Andes của thị trấn Auco.

Vatican News

Cuộc hành hương truyền thống ở Chile diễn ra vào Chúa nhật thứ hai của tháng 10, với mục đích tạ ơn vì những phúc lành mà thánh nhân đã ban cho họ cũng như để lại những ý chỉ và hy vọng của họ cho thánh nữ, với lòng tin vào sự chuyển cầu của thánh nữ.

Các tín hữu hành hương đến từ Santiago và nhiều hướng khác nhau của đất nước, đã tham dự Thánh lễ do Đức Tổng Giám Mục Fernando Chomali của Santiago chủ sự, cùng với sự đồng tế của Giám mục phụ tá Santiago và cha Rodrigo Segura, Giám đốc đền thánh, và cha Jonathan Muñoz, phó xứ Esperanza Joven.

Trong bài giảng, Đức Tổng Giám Mục Chomali bắt đầu bằng lời cầu xin tha thứ: “Xin tha thứ cho chúng tôi vì thế giới mà chúng tôi đã để lại cho các bạn”.

“Xin hãy tha thứ cho chúng tôi vì chúng tôi đã không thể ngăn chặn cuộc chiến giết chóc và không xây dựng. Tôi xin các bạn tha thứ vì chúng tôi đã không thể ngăn chặn sự tham nhũng gây hại cho chúng ta rất nhiều… Tôi cũng xin các bạn tha thứ cho những lạm dụng đủ loại, ngay cả trong Giáo hội, khiến chúng tôi vô cùng đau đớn”.

Ngoài ra, ngài kêu gọi những người trẻ thực hiện hành trình cầu nguyện, bởi vì “ai không cầu nguyện thì không có gì để nói với thế giới”. Ngài thúc giục: “Là một Giáo hội, chúng ta không thể cho phép mình sống hời hợt. Chúng ta không được phép bị gây mê. Chúng ta hãy dấn thân vào cuộc phiêu lưu của một cuộc sống tràn đầy cống hiến cho người khác. Tôi mời gọi anh chị em hãy suy ngẫm, để chúng ta có thể coi trọng cuộc sống”.

Về phần mình Giám đốc đền thánh, cha Muñoz cảm ơn các cộng đoàn vì sự tham gia đông đảo: “Chúng tôi biết ơn vì hôm nay các bạn ra đi với niềm hy vọng mới, để trở thành niềm hy vọng cho thế giới và cho toàn thể Giáo hội”.

Cuối cùng, ngài nhấn mạnh: “Chính niềm hy vọng thúc đẩy chúng ta không tin rằng hành trình của chúng ta kết thúc ở đây và có thể nói rằng cùng với Têrêsa, chúng ta là những người hành hương của hy vọng”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/hon-50000-ban-tre-chile-hanh-huong-den-thanh-teresa-o-andes-41859.html

 

 

26. Lễ phong thánh: Các thánh sáng tạo trong việc làm điều thiện

Sáng Chúa Nhật ngày 20/10, Đức Thánh Cha đã dâng Thánh Lễ tại quảng trường thánh Phêrô với nghi thức phong thánh cho mười bốn chân phước: trong đó có 11 vị tử đạo ở Damasco: gồm có cha Manuel Ruiz López và bảy bạn tử đạo Dòng Phanxicô, ba vị tử đạo Francesco, Mooti e Raffaele Massabki; Cha Giuseppe Allamano, Đấng sáng lập các dòng Truyền giáo Consolata, Nữ tu Marie-Léonie Paradis, Đấng sáng lập dòng Tiểu Muội Thánh Gia, Mẹ Elena Guerra, Đấng sáng lập Dòng “Các nữ tu Thánh Zita”.

Vatican News

Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật thứ 29 thường niên với bài Tin Mừng về hai môn đệ Giacôbê và Gioan xin Chúa cho được ngồi bên tả và bên hữu Thầy.

Bài giảng Thánh Lễ

Chúa Giêsu hỏi Giacôbê và Gioan: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” (Mc 10:36). Và ngay sau đó Người hỏi họ: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10,38). Chúa Giêsu đặt câu hỏi và, chính bằng cách này, giúp chúng ta phân định, bởi vì những câu hỏi làm cho chúng ta khám phá những gì bên trong chúng ta, chúng soi sáng những gì chúng ta mang trong lòng mà đôi khi chúng ta không biết.

Chúng ta hãy để cho Lời Chúa chất vấn mình. Chúng ta hãy tưởng tượng Chúa hỏi chúng ta, mỗi người chúng ta: “Con muốn Ta làm gì cho con?”; và câu hỏi thứ hai: “con có thể uống cùng chén với Ta không?”

Qua những câu hỏi này, Chúa Giêsu làm nổi bật mối dây liên kết và những mong đợi mà các môn đệ đặt nơi Người, với những ánh sáng và bóng tối của mọi mối quan hệ. Thực tế, Giacôbê và Gioan có liên kết với Chúa Giêsu nhưng vẫn có những tham vọng. Họ bày tỏ ước muốn được gần Người, nhưng chỉ để chiếm một chỗ danh dự, được đóng một vai trò quan trọng, “một được ngồi bên hữu, một được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (Mc 10:37). Rõ ràng họ nghĩ về Chúa Giê-su như một Đấng Mêsia, một Đấng Mêsia chiến thắng, vinh quang và họ mong đợi Người chia sẻ vinh quang của Người cho họ. Họ coi Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, nhưng họ tưởng tượng Người theo cách nghĩ của quyền lực.

Chúa Giêsu không dừng lại ở lời nói của các môn đệ, nhưng đi sâu, lắng nghe và đọc được tâm hồn của mỗi người họ, cũng như của mỗi người chúng ta. Và, trong cuộc đối thoại, ngang qua hai câu hỏi, Người tìm cách khơi nên ước muốn bên trong những yêu cầu đó.

Đầu tiên Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?”; và câu hỏi này làm lộ ra những suy nghĩ trong lòng họ, nêu bật những mong đợi và ước mơ ẩn giấu về vinh quang mà các môn đệ đã thầm nuôi dưỡng. Như thể Chúa Giêsu đã hỏi: “Con muốn Thầy là ai đối với con?” và do đó, làm lộ ra điều họ thực sự mong muốn: một Đấng Mêsia quyền năng và một Đấng Mêsia chiến thắng, Đấng sẽ ban cho họ một vị trí danh dự. Và đôi khi trong Giáo hội ý nghĩ này cũng đến: danh vọng, quyền lực...

Sau đó, với câu hỏi thứ hai, Chúa Giêsu phủ nhận hình ảnh Mêsia này và bằng cách này giúp họ thay đổi cái nhìn, nghĩa là hoán cải: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”. Bằng cách này, Người tiết lộ cho họ biết rằng Người không phải là Mêsia như họ nghĩ; Người là Thiên Chúa tình yêu, Đấng hạ mình xuống để đến với những người thấp kém; Đấng trở nên yếu đuối để nâng đỡ người yếu, Đấng làm việc vì hòa bình chứ không phải vì chiến tranh, Đấng đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Chén mà Chúa sẽ uống là chính của lễ sự sống của Người, sự sống được ban cho chúng ta vì tình yêu, cho đến chết và chết trên thập giá.

Và rồi, bên tả và bên hữu Người sẽ là hai tên trộm, bị treo như Người trên thập giá và không yên vị ở những nơi quyền lực; hai tên trộm bị đóng đinh cùng với Chúa Kitô trong đau đớn và không được ngồi trong vinh quang. Vị vua bị đóng đinh, người công chính bị kết án, trở thành nô lệ của mọi người: đây thực sự là Con Thiên Chúa! (x. Mc 15,39). Người chiến thắng không phải là người thống trị mà là người phục vụ vì tình yêu. Thư gửi tín hữu Do Thái cũng nhắc nhở chúng ta về điều này: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta” (Dt 4,15).

Ở điểm này, Chúa Giêsu có thể giúp các môn đệ hoán cải, thay đổi não trạng của họ: “Anh em biết : những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân” (Mc 10:42). Nhưng không phải là như vậy đối với những ai bước theo Chúa, nhưng phải trở thành tôi tớ để đến với mọi người bằng tình yêu của Chúa. Ai theo Chúa Kitô, nếu muốn nên cao cả, thì phải phục vụ, học hỏi nơi Người.

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu cho thấy những suy nghĩ, những ước muốn và dự phóng nơi tâm hồn chúng ta, đôi khi làm lộ ra những mong đợi của chúng ta về vinh quang, thống trị, quyền lực và hư danh. Người giúp chúng ta suy nghĩ không còn theo tiêu chuẩn của thế gian nữa, nhưng theo cách của Thiên Chúa, Đấng trở nên rốt cùng để những người sau chót được nâng lên và trở thành những người đầu tiên. Và những câu hỏi này của Chúa Giêsu, với lời dạy của Người về việc phục vụ, thường không thể hiểu được, các môn đệ đã không thể hiểu, và chúng ta cũng không thể hiểu. Nhưng bằng cách bước theo Người, theo bước chân của Người và đón nhận món quà tình yêu của Người, chúng ta cũng có thể học được cách của Thiên Chúa: cách phục vụ của Thiên Chúa. Chúng ta đừng quên ba từ thể hiện cách phục vụ của Thiên Chúa: gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng. Chúa đến gần để phục vụ; Người trở nên trắc ẩn để phục vụ; Người dịu dàng để phục vụ.

Chúng ta phải khao khát điều này: không phải quyền lực mà là sự phục vụ. Phục vụ là lối sống Kitô giáo. Nó không phải là một danh sách những việc cần làm, để rồi, sau khi xong, chúng ta có thể coi như hoàn thành công việc của mình; những người phục vụ bằng tình yêu không nói: “bây giờ sẽ đến lượt người khác”. Đây là suy nghĩ của nhân viên chứ không phải của nhân chứng. Sự phục vụ được sinh ra từ tình yêu và tình yêu không có ranh giới, không tính toán mà trao ban. Tình yêu không giới hạn ở việc sản xuất để mang lại kết quả, nó không phải là một sự biểu diễn vào dịp nào đó nhưng xuất phát từ trái tim, một trái tim được đổi mới bởi tình yêu và trong tình yêu.

Khi chúng ta học cách phục vụ, mọi cử chỉ quan tâm và chăm sóc của chúng ta, mọi biểu hiện dịu dàng, mọi việc làm của lòng thương xót đều trở thành phản ánh tình yêu của Thiên Chúa và vì vậy tất cả chúng ta - và mỗi người chúng ta - tiếp tục công việc của Chúa Giêsu trong thế giới.

Dưới ánh sáng này, chúng ta có thể nhớ đến các môn đệ của Tin Mừng, những vị được phong thánh hôm nay. Trong suốt lịch sử đau thương của nhân loại, họ đã là những tôi tớ trung thành, những người nam nữ phục vụ trong sự tử đạo và niềm vui, giống như Manuel Ruiz Lopez và các bạn. Họ là những linh mục và nữ tu thánh hiến nhiệt thành, nhiệt thành với niềm đam mê truyền giáo, như Don Giuseppe Allamano, Nữ tu Paradis Marie Leonie và Nữ tu Elena Guerra. Những vị thánh mới này đã sống theo phong cách của Chúa Giêsu: phục vụ. Đức tin và việc tông đồ mà họ thực hiện không khơi dậy trong họ những ham muốn trần thế và ham muốn quyền lực, nhưng trái lại, họ trở thành tôi tớ của anh chị em mình, sáng tạo trong việc làm điều thiện, kiên vững trong gian khó và quảng đại cho đến cùng.

Chúng ta tin tưởng cầu xin sự chuyển cầu của họ, để chúng ta cũng có thể theo Chúa Kitô, theo Người trong sự phục vụ và trở thành những chứng nhân của niềm hy vọng cho thế giới.

KINH TRUYỀN TIN

Vào cuối Thánh Lễ, trước khi đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành, Đức Thánh Cha nhắc rằng hôm nay chúng ta mừng Ngày Thế giới Truyền giáo, với chủ đề “Hãy đi mời mọi người đến dự tiệc” (xem Mt 22:9), nhắc nhở chúng ta rằng lời loan báo truyền giáo là mang đến cho mọi người lời mời tham dự một cuộc gặp gỡ lễ hội với Chúa, Đấng yêu thương chúng ta và muốn chúng ta chia sẻ niềm vui của Người. Như các vị Thánh mới dạy chúng ta: “Mỗi Kitô hữu được kêu gọi tham gia vào sứ mạng phổ quát này với chứng tá Tin Mừng của chính mình trong mọi môi trường” (Sứ điệp Ngày Truyền giáo Thế giới lần thứ 98, ngày 25 tháng 1 năm 2024). Chúng ta, bằng lời cầu nguyện và sự giúp đỡ của mình, hỗ trợ tất cả các nhà truyền giáo, những người thường hy sinh rất nhiều để mang Tin Mừng đến mọi miền trên trái đất.

Xin Đức Trinh Nữ giúp chúng ta can đảm và vui tươi làm chứng cho Tin Mừng.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/le-phong-thanh-cac-thanh-sang-tao-trong-viec-lam-dieu-thien-41865.html

 

 

27. Thống kê về Giáo hội Công giáo năm 2024

Theo thống kê mới nhất về Giáo hội Công giáo, hiện trên thế giới có khoảng 1 tỷ 389 triệu tín hữu Công giáo, tăng thêm 13,7 triệu người so với năm trước đó.

Vatican News

“Niên Giám thống kê về Giáo hội Công giáo”, được hãng tin Fides của Bộ Loan báo Tin Mừng công bố hôm 17/10, có thể cho thấy những thông tin liên quan đến đời sống Giáo hội Công giáo trên thế giới, tính đến ngày 31/12/2022.

Số tín hữu

Trên toàn cầu, số tín hữu Công giáo là 1 tỷ 389 triệu người, tăng thêm 13,7 triệu so với năm trước đó. Cụ thể, châu Phi tăng 7 triệu, châu Mỹ tăng 6 triệu, chỉ có châu Âu giảm 474.000 tín hữu.

Tính đến năm 2022, với dân số thế giới trên 7,8 tỷ người, người Công giáo chiếm 17,7% dân số thế giới, tăng 0,03% so với năm trước đó.

Số giám mục, linh mục và phó tế vĩnh viễn

Theo thống kê này, tổng số giám mục trong Giáo hội hiện nay là 5.353 vị, tăng 13 vị so với năm trước đó.

Số linh mục trên thế giới là 407.730 vị, giảm 142 vị so với năm 2021. Sự giảm sút nhiều nhất xảy ra tại Âu châu, tiếp theo đó là Mỹ châu và Úc châu. Tuy nhiên, số linh mục gia tăng tại Phi châu và Á châu.

Số phó tế vĩnh viễn tiếp tục gia tăng trong Giáo hội, tổng cộng có 50.159 thầy, tăng 974 vị. Mức tăng được ghi nhận ở châu Phi, châu Á và châu Âu; và giảm ở châu Mỹ và châu Đại Dương.

Các tu huynh trong Giáo hội giảm 360 vị, tổng cộng có 49.414 vị.

Số tu sĩ nam nữ và chủng sinh

Trong năm 2022, số nữ tu trong Giáo hội tiếp tục suy giảm, hiện số nữ tu là 599.228, giảm hơn 9.000. Số nữ tu gia tăng ở Á châu và Phi châu, nhưng giảm sút tại Âu, Mỹ và Úc châu.

Số đại chủng sinh triều và dòng của Giáo hội cũng giảm, từ 109.895 xuống còn 108.481 thầy. Chỉ tại Phi châu và châu Đại Dương có số các đại chủng sinh tăng, trong khi tại các đại lục đều giảm.

Giáo dục và chăm sóc sức khoẻ

Trong lĩnh vực giáo dục, trên toàn thế giới, Giáo hội hỗ trợ gần 300 ngàn trường từ cấp mẫu giáo đến đại học.

Có tổng cộng hơn 100 ngàn cơ sở chăm sóc sức khoẻ và bác ái do Giáo hội điều hành trên toàn thế giới.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/thong-ke-ve-giao-hoi-cong-giao-nam-2024-41870.html

 

 

28. Ban lãnh đạo Thượng Hội đồng Giám mục trả lời những câu hỏi đầy thách đố của sinh viên đại học

Vatican News (18/9/2024) - Chiều ngày 18/10/2024, khoảng 140 sinh viên đại học, chủ yếu đến từ Bắc Mỹ, đã tập trung tại Hội trường Phaolô VI để trực tiếp trao đổi với các nhà lãnh đạo của Ủy ban thư ký Thượng hội đồng trong sự kiện có tên “Sinh viên đại học đối thoại với các nhà lãnh đạo Thượng Hội đồng”.

Các câu hỏi của các sinh viên đã được Đức Hồng y Mario Grech, Tổng thư ký Thượng hội đồng, Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Tổng tường trình viên của Thượng hội đồng, Sơ Leticia Salazar, Chưởng ấn của Giáo phận San Bernardino và Đức Cha Daniel Flores của Giáo phận Brownsville ở miền nam Texas trả lời.

Trả lời thách đố của việc lắng nghe

Câu hỏi đầu tiên đến từ Asia Chan, một sinh viên đến từ Trinidad và Tobago, đã diễn tả sự đấu tranh của mình khi bày tỏ đức tin trong một nền văn hóa khác và hỏi Giáo hội có thể cải thiện các cuộc tham vấn trong tương lai như thế nào để đảm bảo nhiều tiếng nói hơn được lắng nghe.

Đức Hồng y Grech trả lời, nhìn nhận thách thức và chia sẻ rằng tiến trình hiệp hành hiện tại của Giáo hội là điều chưa từng có xét về phạm vi lắng nghe. Ngài lưu ý rằng mặc dù vẫn còn những điều cần cải thiện, nhưng Thượng Hội đồng này đã thu hút nhiều người tham gia hơn so với các Thượng Hội đồng trước.

Đức Hồng y cho biết, “Trong Thượng hội đồng về Gia đình, chỉ có 80 trong số 114 Hội đồng Giám mục tham gia. Lần này, 112 trong số 114 Hội đồng đã nộp báo cáo của họ: điều đó có nghĩa là một bộ phận lớn người dân đã được lắng nghe”. Ngài cũng lưu ý rằng lần này, hơn 20.000 người đã tham gia trên nền tảng kỹ thuật số, vì vậy “Sự tham gia rất tốt và hứa hẹn sẽ tốt hơn trong tương lai”.

“Lắng nghe là điều cơ bản”, ngài nói tiếp, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe không chỉ ý kiến mà còn cả sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong một tiến trình “sẽ giúp Giáo hội trở nên hiệp hành hơn, tạo ra một nền văn hóa gặp gỡ bắt nguồn từ việc lắng nghe Thiên Chúa và lắng nghe nhau”.

Thu hút những người trẻ ở bên lề

Alexandra, một sinh viên người Venezuela lớn lên ở Trung Đông, đã hỏi tại sao những người trẻ không tham gia vào Giáo hội lại quan tâm đến tính hiệp hành và Giáo hội có thể tạo ra nơi chốn cho những người cảm thấy bị tổn thương bởi điều đó như thế nào.

Đức Hồng y Hollerich nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe mọi người, không chỉ lắng nghe ý kiến của họ, trong thế giới phân cực ngày nay.

Ngài chỉ ra sự xung đột ý kiến hiện đang đặc trưng cho Hoa Kỳ và nói rằng "phân cực là một cách suy nghĩ rất xa với tính hiệp hành, giống như thế giới kỹ thuật số, nơi bạn chỉ theo dõi những người có cùng quan điểm với bạn - và nếu bạn không đồng ý, nó sẽ trở nên rất đối lập".

Đức Hồng y nói thêm, "Một người có quan điểm khác không phải là kẻ thù; chúng ta là một phần của cùng một nhân loại. Chúng ta phải tìm ra giải pháp chung". Trong Giáo hội, ngài nói, điều đó dễ dàng hơn vì chúng ta là anh chị em; chúng ta cùng chia sẻ một Bí tích Rửa tội.

Ngài nói: “Tôi nghĩ thế giới có thể học hỏi từ điều đó, và thật tuyệt nếu chúng ta có thể mở lòng với các tín ngưỡng và tôn giáo khác để thảo luận trong tình huynh đệ toàn cầu về các vấn đề quan trọng của thế giới chúng ta” bởi vì tính hiệp hành cung cấp cách thế đưa mọi người lại với nhau, và công nhận tính nhân văn chung của họ.

Đức Hồng y Hollerich cho biết thế giới có thể học hỏi từ phương thức hiệp hành của Giáo hội, đặc biệt là trong việc tạo ra không gian cho cuộc đối thoại tôn trọng giải quyết các vấn đề toàn cầu như hòa bình, công lý và sinh thái.

Sự trung thành với truyền thống trong bối cảnh thay đổi của Thượng Hội đồng

Sondra, một sinh viên đến từ San Francisco, đã nêu lên lo ngại về việc nhấn mạnh vào kinh nghiệm trong tiến trình hiệp hành có thể ảnh hưởng đến lòng trung thành với truyền thống và chân lý.

Đức Cha Flores đã trả lời bằng cách trấn an cô rằng tính hiệp hành không làm tổn hại đến sứ mạng công bố Phúc âm của Giáo hội. Ngài thừa nhận thách thức khi lắng nghe những người có quan điểm khác nhưng khẳng định rằng điều đó rất cần thiết để hiểu được thực tế mà mọi người phải đối mặt.

Ngài nói: "Làm thế nào bạn vẫn trung thành với Giáo hội? Giáo hội đã hỗn loạn trong 2000 năm, nhưng Chúa Thánh Thần vẫn giữ cho Giáo hội được đoàn kết. Tôi mang gì đến Roma từ Nam Texas? Tôi không lo rằng đức tin của Giáo hội sẽ bị tổn hại nếu chúng ta lắng nghe nhau". Ngài giải thích rằng tiến trình hiệp hành giúp đào sâu sự hiểu biết mà không làm suy yếu các giáo lý cốt lõi của Giáo hội.

Chuyển từ thảo luận sang hành động

Joseph, một sinh viên đến từ New Orleans tham gia vào mục vụ giới trẻ, đã hỏi làm thế nào để Thượng Hội đồng có thể biến các cuộc thảo luận thành hành động cụ thể.

Sơ Leticia Salazar nhấn mạnh bản chất biến đổi của tiến trình hiệp hành. Sơ ví nó như lời mời của Thánh Inhaxiô thành Loyola để cảm nghiệm Kinh Thánh như thể một người đang hiện diện trong bối cảnh đó. Sơ cho biết, việc ngồi cùng bàn với các tham dự viên Thượng Hội đồng là một trải nghiệm mạnh mẽ thúc đẩy sự hiệp thông và biến đổi.

Sơ Leticia bày tỏ hy vọng rằng các sinh viên sẽ mang trải nghiệm này trở về cộng đồng của họ, biến tính hiệp hành thành hiện thực sống động. Sơ nói thêm rằng tiến trình này không chỉ mang tính lý thuyết mà là một cách để phân định và xây dựng cùng nhau như một Giáo hội.

Sơ nói: “Điều gì sẽ xảy ra sau thời gian này ở đây? Nó sẽ tiếp tục ở San Bernardino và hy vọng là trong toàn thể Giáo hội. Đó là một cách để tìm thấy Chúa Giêsu ở nơi nhau, đó không phải là một ý tưởng, mà là cùng nhau xây dựng và cùng nhau phân định ý muốn của Chúa”.

Trong thời điểm phân cực này, Sơ Leticia tiếp tục, “Tính hiệp hành có một cách nhẹ nhàng để công bố Tin Mừng theo cách rất tôn trọng”.

Sơ kết luận: “Tôi rất hy vọng Hoa Kỳ sẽ thấy các bạn ở đây. Điều tuyệt vời là chúng ta không đơn độc. Đức Giáo hoàng Phanxicô không muốn thực hiện sứ mạng của ngài một mình; ngài kêu gọi toàn thể Giáo hội cùng thực hiện với ngài. Hãy biến nó thành hiện thực!”.

Tính hiệp hành trong đào tạo thần học và mục vụ

Fabio đến từ El Salvador, một học giả thần học, đã hỏi làm thế nào các chủng viện và trường thần học có thể thúc đẩy tính hiệp hành.

Đức Cha Flores trả lời bằng cách khuyến khích các nhà thần học và chủng sinh tham gia vào thực tế của những người mà họ phục vụ. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bước ra khỏi môi trường học thuật để trải nghiệm cuộc sống của những người ở bên lề.

Đức Hồng y Grech nói thêm rằng các chủng viện và chương trình thần học phải được đánh giá lại thông qua lăng kính hiệp hành. Ngài mời các sinh viên và nhà thần học đóng góp vào cuộc trò chuyện đang diễn ra này, nhấn mạnh rằng tính hiệp hành phải thấm nhuần vào mọi cấp độ đào tạo của Giáo hội.

Đối thoại liên tôn và tính hiệp hành toàn cầu

Mika đến từ Cincinnati đã đặt câu hỏi thứ 6 và cũng là câu hỏi cuối cùng về cách Giáo hội có thể hỗ trợ giáo dân trong việc thúc đẩy đối thoại liên tôn và những bài học mà tính hiệp hành có thể học được từ các truyền thống đức tin khác.

Đức Hồng y Hollerich đã suy tư về kinh nghiệm của ngài tại Nhật Bản, nơi ngài dạy cho các sinh viên của nhiều tôn giáo khác nhau. Ngài chia sẻ rằng cuộc gặp gỡ này đã giúp ngài nhận ra rằng Chúa đã hiện diện trong mọi nền văn hóa và tôn giáo.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng tính hiệp hành có thể dạy thế giới rằng tôn giáo không nên là nguồn gốc của xung đột mà là con đường dẫn đến tình huynh đệ lớn hơn và kêu gọi Giáo hội hành động cùng với các truyền thống đức tin khác để giải quyết các thách đố toàn cầu, ví dụ như công bằng xã hội và sinh thái, như những người anh chị em được hiệp nhất bởi một sứ mạng chung.

Ngài nói: “Chúng ta phải cho thấy chúng ta không chỉ nói, chúng ta phải hành động cùng nhau, cùng nhau gặp gỡ và phát triển lòng tôn trọng, tình yêu và tình bạn và hành động vì lợi ích của nhân loại. Đó là một phần trong sứ mạng của chúng ta, và một phần của sứ mạng đó cũng là loan báo về Chúa”.

Một bức tranh ghép về những lời cầu nguyện và câu hỏi

Vào cuối cuộc gặp gỡ, các sinh viên đã trình bày một tác phẩm nghệ thuật theo phong cách mosaic, diễn tả những lời cầu nguyện và câu hỏi nảy sinh trong thời gian ở Roma. Mỗi thành viên trong nhóm thảo luận được mời đóng góp một lời cầu nguyện, tượng trưng cho hy vọng chung về một Giáo hội hiệp hành, bao gồm và lắng nghe hơn.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/ban-lanh-dao-thuong-hoi-dong-giam-muc-tra-loi-nhung-cau-hoi-day-thach-do-cua-sinh-vien-dai-hoc-41871.html

 

 

29. Đức Thánh Cha: Thể thao là bài ca cho cuộc sống

Chúa nhật ngày 20/10, Đức Thánh Cha gửi sứ điệp đến tờ báo thể thao Ý “Corriere dello Sport-Stadio”, dịp kỷ niệm 100 năm ra đời. Ngài khen ngợi những cống hiến của tờ báo, và cho rằng thể thao là một bài ca cho cuộc sống.

Vatican News

Nhớ lại những ngày tháng chơi bóng ở Argentina khi còn nhỏ, Đức Thánh Cha mô tả chơi thể thao là một trải nghiệm của tình huynh đệ, bởi vì khi chơi bóng trên sân, các cầu thủ chỉ biết đến đối thủ chứ không biết đến kẻ thù. Hơn nữa, thể thao còn mang đến những bài học trong cuộc sống, khi các cầu thủ biết học từ những đỉnh cao của chiến thắng, nỗ lực để giành chiến thắng và học được từ sự thất bại.

Nhấn mạnh sự cần thiết có những nơi an toàn để chơi thể thao, Đức Thánh Cha lấy ví dụ của một tu sĩ Dòng Salêdiêng ở Argentina, cha Lorenzo Massa, người đã mở nguyện xá cho các bé trai chơi bóng đá. Ngài nói “Ngày nay chúng ta cần không gian để chơi thể thao, trước hết trong những bối cảnh nghèo và biệt lập nhất, nhưng trên hết chúng ta cần những người lớn biết chào đón trẻ em và thanh thiếu niên thực sự, lắng nghe ước mơ của các em và mong muốn một tương lai tốt đẹp hơn bên cạnh các em”.

Đức Thánh Cha đề cập đến một khía cạnh tích cực khác của thể thao: sự hiệp nhất. Theo đó, thể thao làm cho mọi người trở thành một, cùng nhau bước đi, cảm thấy mình là một phần của một gia đình duy nhất, một gia đình của các quốc gia trong thế vận hội hoặc các giải vô địch quốc tế hay lục địa.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nói đến thực tế là trong những năm gần đây các dân tộc sống gần nhau đã trang bị vũ trang để chống lại nhau. Ngài viết: “Thi đấu thể thao là một điều lành mạnh, vì đòi hỏi sự kiên nhẫn, lắng nghe huấn luyện viên, tôn trọng đối thủ, tôn trọng luật chơi và trọng tài, phối hợp với đồng đội. Trái lại, trên thế giới, có những cuộc đấu với mục tiêu thường là để tiêu diệt đối thủ, tự mình đưa ra các quy tắc, bác bỏ những người muốn làm dịu sự đối đầu giữa các bên theo luật quốc tế”. Vì vậy, lời mời gọi của Đức Thánh Cha là truyền bá “một nền văn hóa thể thao lành mạnh có nghĩa là làm cho nhân loại phát triển theo những giá trị tốt đẹp đích thực”.

Trong sứ điệp Đức Thánh Cha cũng chỉ ra vai trò của tờ báo trong việc đưa tin chiến thắng và thất bại của các vận động viên “một cách suy nghĩ và sống thể thao như một bài ca cho cuộc sống”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-the-thao-la-bai-ca-cho-cuoc-song-41876.html

 

 

30. Ủy ban Tòa Thánh sắp công bố phúc trình thường niên về phản ứng đối với nạn lạm dụng trẻ em

Ủy ban Tòa Thánh về Bảo vệ Trẻ vị thành niên chuẩn bị công bố báo cáo hàng năm, đưa ra đánh giá về các chính sách và thủ tục được áp dụng trong Giáo hội và đưa ra các khuyến nghị để liên tục cải tiến việc bảo vệ trẻ em. Báo cáo này đã được thảo luận trong phiên họp toàn thể của Ủy ban tại Roma, từ ngày 7 ngày 11/10/2024.

Vatican News

Mục đích của Báo cáo thường niên

Trong một tuyên bố, Ủy ban Tòa Thánh giải thích rằng mục tiêu của Báo cáo thường niên, được Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu vào năm 2022, là đưa ra đánh giá về bản chất và hiệu quả của các chính sách và thủ tục bảo vệ trong Giáo hội và đưa ra các khuyến nghị để liên tục cải tiến.

Trong phiên họp toàn thể, Tài liệu Làm việc cũng đã được xem xét, tức là dự án về báo cáo tiếp theo cho năm dương lịch 2024/2025, hy vọng sẽ đóng vai trò như một cơ chế cho sự thay đổi bền vững và có thể kiểm chứng được trong cách tiếp cận của Giáo hội Công giáo đối với sứ vụ bảo vệ trẻ em.

Sự cộng tác với các Giáo hội địa phương

Ủy ban đã xem xét các phản hồi nhận được từ các Giáo hội địa phương cho đến nay và giai đoạn thí điểm đang diễn ra với sự cộng tác của các Giáo hội ở Costa Rica, Zimbabwe, Ba Lan và Togo. Bước tiếp theo sẽ là tích hợp các kết quả của giai đoạn này vào một quy chế bảo vệ chắc chắn, điều vẫn là mục tiêu chiến lược chính và dài hạn.

Phiên họp toàn thể cũng đánh giá những gì nổi lên từ các cuộc gặp gỡ với 13 Hội đồng Giám mục diễn ra trong sáu tháng qua, nhân dịp về Roma viếng mộ hai Thánh Tông đồ và thăm các cơ quan Tòa Thánh. Những cuộc họp này là cơ hội để tìm hiểu về các thủ tục bảo vệ ở địa phương và để xác định các Giáo hội địa phương nào không có các nguồn lực cần thiết để cung cấp sự hỗ trợ đầy đủ.

Với tất cả những điều này, đại hội đã đánh giá chương trình tăng cường năng lực bảo vệ, Sáng kiến Ghi nhớ, và sự phù hợp của nó với các yêu cầu được nêu trong Tông thư “Vos estis lux mundi”. Sáng kiến này, nhằm giúp các Giáo hội địa phương tạo ra các cơ cấu để tiếp nhận và quản lý các khiếu nại một cách minh bạch và có trách nhiệm cũng như cung cấp các dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp cho những người bị lạm dụng, hiện đang hoạt động tích cực tại một số Hội đồng Giám mục quốc gia và các liên hiệp dòng tu ở Châu Mỹ Latinh, Châu Phi và Châu Á. Chương trình cũng sẽ sớm bắt đầu với 12 Giáo hội địa phương khác.

Cuối cùng, các thành viên của Ủy ban đã được cập nhật về các cuộc họp của các tổ chức khác nhau diễn ra trong những tháng mùa hè tại Giáo triều Roma, bao gồm cuộc họp với Bộ Giáo sĩ, Bộ Giám mục, Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống và Bộ các dòng tu.

Công việc của Bộ Giáo lý Đức tin

Đức Tổng Giám mục John Kennedy, Tổng Thư ký Ủy ban Kỷ luật của Bộ Giáo lý Đức tin, cùng với Cha Robert Geisinger, chưởng lý, và Cha Brian Taylor, một quan chức của Bộ, cũng tham dự đại hội của Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ em và thảo luận về các thủ tục hiện hành để giải quyết vấn đề lạm dụng tình dục trong Giáo hội và về việc phát triển các hướng dẫn bảo vệ trẻ em.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/uy-ban-toa-thanh-sap-cong-bo-phuc-trinh-thuong-nien-ve-phan-ung-doi-voi-nan-lam-dung-tre-em-41877.html

 

 

31. Đề xuất của ĐHY Fernández: thảo luận về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội

Trong phiên họp chung của Thượng Hội đồng sáng ngày 21/10/2024, Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin đã nhấn mạnh rằng đối với Đức Thánh Cha, vấn đề “nữ phó tế” chưa chín muồi trong khi Đức Thánh Cha quan tâm đến vai trò của phụ nữ trong Giáo hội và yêu cầu Bộ khám phá những phát triển về chủ đề này.

Vatican News

Đức Hồng y Fernandez đã giải thích rằng việc ngài vắng mặt tại cuộc họp của các đại biểu Thượng hội đồng vào ngày 21/10 về chủ đề nữ phó tế là do một đồng nghiệp chịu trách nhiệm điều phối nhóm phải trải qua một phẩu thuật y tế.

Sự vắng mặt của Đức Hồng y đã làm dấy lên một số câu hỏi trên báo chí cho rằng ngài thiếu quan tâm đến chủ đề này. Đức Hồng y đã nói đến vấn đề này như một phần của thông tin liên lạc rộng hơn và xin lỗi vì những gì ngài gọi là “hiểu lầm”, tuyên bố rằng ngài sẽ có mặt cùng với điều phối viên của nhóm nghiên cứu vào cuộc họp ngày 24/10 để thảo luận về công việc của nhóm nghiên cứu và giải quyết những lo ngại do những người tham gia nêu ra.

Vấn đề về chức nữ phó tế chưa chín muồi

Theo Đức Hồng y Fernandez, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ rằng “vào thời điểm này, vấn đề về chức nữ phó tế chưa chín muồi”. Ngài cho biết, “Ủy ban nghiên cứu chủ đề này đã đi đến một số kết luận, sẽ được công bố vào thời điểm thích hợp”, đồng thời cho biết thêm rằng ủy ban do Đức Hồng y Giuseppe Petrocchi làm chủ tịch sẽ tiếp tục công việc và những ai muốn gửi đề xuất hoặc suy nghĩ về chủ đề này đều được khuyến khích làm như vậy.

Một tầm nhìn rộng hơn về vai trò phụ nữ

Trong khi vấn đề về các nữ phó tế vẫn chưa được giải quyết, Đức Hồng y Fernandez nhấn mạnh rằng Đức Thánh Cha rất quan tâm đến việc nâng cao vai trò của phụ nữ trong Giáo hội. Ngài cho biết Đức Thánh Cha đã yêu cầu Bộ Giáo lý Đức tin tìm hiểu các cách thức nâng cao vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong Giáo hội mà không chỉ tập trung vào Bí tích Truyền chức thánh.

Đức Hồng y Fernandez lập luận rằng chỉ tập trung vào chức nữ phó tế sẽ không giải quyết được vấn đề rộng hơn đang ảnh hưởng đến hàng triệu phụ nữ trong Giáo hội. Ngài chỉ ra rằng một số bước hướng tới việc tăng cường vai trò của phụ nữ đã có thể được thực hiện và Giáo hội vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận chúng.

Ngài đưa ra ví dụ như là chức giáo lý viên. Sau khi thành lập thừa tác vụ mới này, Bộ Phụng tự đã gửi một lá thư tới các Hội đồng Giám mục, trong đó phác thảo hai cách thực hiện thừa tác vụ. Một lựa chọn liên quan đến việc các giáo lý viên dẫn dắt việc giảng dạy đức tin, trong khi lựa chọn thứ hai phù hợp với tầm nhìn của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Querida Amazonia, nơi phụ nữ lãnh đạo các cộng đoàn khi không có linh mục, đảm nhận các vai trò lãnh đạo và trách nhiệm. Tuy nhiên, Đức Hồng y Fernandez lưu ý, chỉ một số ít Hội đồng Giám mục chọn lựa chọn thứ hai này.

Tương tự như vậy, ngài nói thêm, thừa tác vụ giúp lễ, hiện dành cho phụ nữ, chỉ được trao ở một tỷ lệ nhỏ các giáo phận, và ngài cho biết điều này thường là do các linh mục địa phương không muốn đề cử phụ nữ vào vai trò này.

Đức Hồng y cũng phàn nàn về việc áp dụng hạn chế chức phó tế nam ở nhiều nơi trên thế giới; ngài lưu ý rằng, ở một số nơi, các phó tế chỉ được xem là “những cậu bé giúp lễ được có chức thánh”.

Ngài cho biết những ví dụ này minh họa rằng việc vội vàng phong chức phó tế cho phụ nữ không phải là giải pháp cấp bách nhất để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào Giáo hội.

Thay vào đó, Đức Hồng y Fernandez nhấn mạnh nhu cầu phải có những suy tư sâu sắc hơn, bao hàm hơn về cách phụ nữ có thể đảm nhận các vai trò lãnh đạo trong Giáo hội mà không bị hạn chế bởi sự hiểu biết truyền thống về quyền lực của linh mục.

Lắng nghe các tiếng nói của nữ giới

Là một phần trong lời kêu gọi tăng cường sự bao hàm của phụ nữ, Đức Hồng y Fernandez đã thúc giục các thành viên của Thượng hội đồng, đặc biệt là phụ nữ, chia sẻ chứng từ và đề xuất với Bộ Giáo lý Đức tin.

Ngài đã yêu cầu những câu chuyện về những người phụ nữ đã đảm nhận các vai trò lãnh đạo trong cộng đồng của họ, không phải do các cấu trúc áp đặt, mà là do nhu cầu của mọi người và sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Ngài nhận xét: “Thực tế cao hơn ý tưởng”, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công nhận và khẳng định những đóng góp hiện có của phụ nữ vào đời sống Giáo hội.

Do đó, Đức Hồng y đã cam kết sẽ tập hợp và lắng nghe những đóng góp này, và ngài cam kết sẽ tạo điều kiện cho một cuộc thảo luận về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội trong cuộc họp vào ngày 24/10, và ngài trấn an những người tham gia rằng những lo ngại về các khía cạnh thủ tục của Thượng hội đồng cũng sẽ được giải quyết trong phiên họp đó, cùng với nhiều thông tin hơn về các thành viên của nhóm nghiên cứu Vatican.

Các tiếp cận từng bước

Kết thúc bài phát biểu, Đức Hồng y Fernandez bày tỏ sự tin tưởng rằng Giáo hội có thể đạt được tiến bộ cụ thể trong việc thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ thông qua cách tiếp cận từng bước.

Ngài khẳng định, "Không có gì trong bản chất của phụ nữ ngăn cản họ nắm giữ những vị trí rất quan trọng trong quyền lãnh đạo của Giáo hội"; đồng thời ngài nói thêm rằng những gì đến từ Chúa Thánh Thần không thể bị ngăn cản.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/de-xuat-cua-dhy-fernandez-thao-luan-ve-vai-tro-cua-phu-nu-trong-giao-hoi-41880.html

 

 

32. ĐTC Phanxicô sẽ công bố thông điệp “Dilexit nos” về Thánh Tâm Chúa Giêsu Kitô

Vào ngày 24/10 tới đây, tại Phòng báo chí Toà Thánh, sẽ có cuộc họp báo giới thiệu thông điệp mới của Đức Thánh Cha Phanxicô “Dilexit nos” về Thánh Tâm Chúa Giêsu Kitô. Nội dung gồm các suy tư và huấn quyền của các Giáo hoàng về lòng sùng kính Thánh Tâm.

Vatican News

Chính Đức Thánh Cha đã loan báo điều này vào thứ Tư ngày 05/6, trong buổi tiếp kiến chung. Ngài nói: “Chúng ta đang ở trong tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ngày 27/12 năm ngoái (2023) là kỷ niệm đúng 350 năm Thánh Tâm Chúa được biểu lộ lần đầu tiên cho thánh nữ Margarita Maria Alacoque. Một thời kỳ cử hành đã được khai mạc vào dịp đó và sẽ kết thúc vào ngày 27/6 năm tới (2025). Nhân dịp này, tôi vui mừng chuẩn bị văn kiện thu thập những suy tư quý giá của các văn bản huấn quyền trước đây và lịch sử lâu dài bắt đầu từ Kinh Thánh, để tái đề nghị với toàn thể Giáo hội ngày nay, việc sùng mộ đầy vẻ đẹp thiêng liêng. Tôi tin rằng thật là điều rất tốt khi suy tư về nhiều khía cạnh của tình yêu Thiên Chúa, có thể soi sáng hành trình đổi mới Giáo hội; nhưng cũng để nói lên điều gì đó ý nghĩa cho một thế giới dường như đã đánh mất con tim”.

Năm 1956, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã ban hành Haurietis Aquas, một thông điệp nhằm mục đích phục hồi lòng sùng kính Thánh Tâm trong thời kỳ đang suy giảm. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng sùng kính đối với nhu cầu của Giáo hội và lòng sùng kính như một “ngọn cờ cứu rỗi” cho thế giới hiện đại.

Trong một lá thư kỷ niệm 50 năm ban hành thông điệp Haurietis Aquas, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã củng cố tình cảm này khi nói rằng “Mầu nhiệm về tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta không chỉ là nội dung của lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu; nhưng còn là trọng tâm của mọi nền linh đạo Kitô giáo đích thực”.

Đức Thánh Cha Phanxicô luôn thể hiện lòng sùng kính sâu sắc đối với Thánh Tâm, thường liên hệ đến sứ vụ linh mục. Năm 2016, ngài đã kết thúc Năm Thánh Linh mục vào Lễ trọng Thánh Tâm, thúc giục các linh mục hướng trái tim mình như Mục Tử Nhân Lành đến những ai lạc lối và xa cách.

Trong cùng Năm Thánh, trong Suy niệm đầu tiên về Lòng thương xót, Đức Thánh Cha đã khuyên các giám mục và linh mục đọc lại Haurietis Aquas, lưu ý rằng “trái tim của Chúa Kitô là trung tâm của lòng thương xót. Đây là bản chất của lòng thương xót: làm bẩn tay, chạm vào, tham gia và can dự đến người khác”.

Dilexit nos là thông điệp thứ tư của Đức Thánh Cha Phanxicô, sau Lumen fidei (29/6/2013), được viết cùng với Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI; Laudato sì (24/5/2015) và Fratelli tutti (3/10/2020).

Dilexit nos sẽ được giới thiệu tại Phòng Báo chí Toà Thánh vào ngày 24/10 bởi Đức Tổng Giám Mục Bruno Forte của giáo phận Chieti-Vasto, thần học gia, cùng với Sơ Antonella Fraccaro, Bề trên Tổng quyền Dòng các Môn đệ Tin Mừng.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-se-cong-bo-thong-diep-dilexit-nos-ve-thanh-tam-chua-giesu-kito-41881.html

 

 

33. Bản thảo Tài liệu Chung kết của Thượng HĐGM được trình bày cho các tham dự viên

Trong cuộc họp báo trưa ngày 21/10/2024, ông Paolo Ruffini, Chủ tịch Ủy ban Thông tin của Thượng Hội đồng cho biết bản thảo của Tài liệu Chung kết của Thượng HĐGM đã được phân phát cho các tham dự viên vào sáng cùng ngày. Ông nói: "Chúng ta đã đến một thời điểm quan trọng".

Vatican News

Trước sự tham dự của 351 thành viên, Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng, đã trình bày bản dự thảo của Tài liệu Chung kết.

Được mô tả là "văn bản tạm thời", mọi người được nhấn mạnh rằng văn bản này đòi hỏi tính bảo mật - không phải vì thiếu minh bạch mà là để duy trì bầu không khí tích cực cho cuộc thảo luận.

Mỗi tham dự viên đều nhận được một bản sao của bản dự thảo, đây là kết quả của quá trình làm việc chung.

Bản dự thảo “không chỉ là sản phẩm của các cuộc thảo luận trong Đại hội mà còn dựa trên một quá trình phong phú và kết hợp tất cả các công việc đã thực hiện trong nhiều năm trong các giai đoạn khác nhau của tiến trình hiệp hành”.

Cô Pires cũng lưu ý rằng “Các báo cáo viên đặc biệt và các chuyên gia đã làm việc chăm chỉ để lắng nghe cẩn thận những gì đã nói và xem xét các báo cáo từ các nhóm nhỏ hơn”. Những đóng góp của các nhà thần học “có ý nghĩa đối với cả tài liệu và diễn đàn”.

Cha Radcliffe đã suy tư về hành trình canh tân Giáo hội hiện đang được thực hiện, một hành trình sẽ xuất hiện trong tài liệu chung kết. Cha nhấn mạnh rằng văn kiện này không nên được coi là nơi đưa ra các quyết định hoặc tuyên bố giật tít. Trước sự tan rã của xã hội, chiến tranh và thời kỳ khó khăn mà thế giới đang phải chịu đựng, Giáo hội có một ơn gọi đặc biệt: trở thành dấu chỉ của Chúa Kitô, dấu chỉ của hòa bình và duy trì sự hiệp thông với Chúa Kitô.

Cha Radcliffe cho biết, thông qua Thượng hội đồng này, một cách mới để hình dung về Giáo hội đang xuất hiện và văn kiện chung kết sẽ trình bày những hình ảnh để thể hiện điều đó, giống như Chúa Giêsu đã sử dụng dụ ngôn để loan báo về Vương quốc.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/ban-thao-tai-lieu-chung-ket-cua-thuong-hdgm-duoc-trinh-bay-cho-cac-tham-du-vien-41882.html

 

 

34. Thỏa thuận Tạm thời giữa Tòa Thánh-Trung Quốc về bổ nhiệm Giám mục được gia hạn thêm 4 năm

Ngày 22/10/2024, Tòa Thánh đã thông báo về việc gia hạn thêm bốn năm Thỏa thuận Tạm thời giữa Tòa Thánh-Trung Quốc về bổ nhiệm Giám mục. Đây là lần thứ ba thỏa thuận ký ngày 22/9/2018 được gia hạn. Thông cáo nhấn mạnh “sự đồng thuận đã đạt được để có một áp dụng hiệu quả”. Vatican nhắc lại ý định duy trì “cuộc đối thoại tôn trọng và mang tính xây dựng với phía Trung Quốc”.

Vatican News

Đây là lần thứ ba thỏa thuận ký ngày 22/9/2018 được gia hạn. Hai lần trước đây, vào năm 2020 và vào ngày 22/10/2022, thỏa thuận được gia hạn với thời hạn hai năm.

Thỏa thuận về bổ nhiệm Giám mục này đã mở ra một trang lịch sử trong các mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và trong chính Giáo hội của nước này, giúp cho tất cả các Giám mục Trung Quốc được hiệp thông đầy đủ về phẩm trật với Đức Thánh Cha.

Thông cáo báo chí chính thức của Vatican giải thích rằng quyết định này, được đưa ra “sau khi tham khảo ý kiến và đánh giá thích hợp”, nhờ “sự đồng thuận đã đạt được để áp dụng hiệu quả” Thỏa thuận về việc bổ nhiệm các Giám mục và nêu rõ rằng “Phía Vatican vẫn có ý định tiếp tục đối thoại tôn trọng và mang tính xây dựng với phía Trung Quốc, nhằm phát triển quan hệ song phương hướng tới lợi ích của Giáo hội Công giáo trong nước và của toàn thể người dân Trung Quốc”.

Thỏa thuận tạm thời đã chấm dứt các lần tấn phong Giám mục không có sự đồng ý của Đức Giáo hoàng trong nhiều thập kỷ. Một kịch bản đã thay đổi hoàn toàn trong 6 năm qua, với khoảng 10 lần bổ nhiệm và tấn phong các Giám mục, đồng thời chính thức hóa chức vụ công khai của một số giám chức trước đây chưa được Bắc Kinh công nhận.

Dấu hiệu của sự hợp tác mới cũng được thể hiện qua sự hiện diện của các Giám mục từ Trung Quốc đại lục tại Thượng Hội đồng Giám mục ở Vatican và trong các sự kiện khác ở Châu Âu và Châu Mỹ, cũng như sự hiện diện của giới trẻ tại Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Lisbon vào năm 2023, và một sự tham gia chung của các tín hữu Trung Quốc vào các chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến phương Đông trong vài năm qua.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/thoa-thuan-tam-thoi-giua-toa-thanh---trung-quoc-ve-bo-nhiem-giam-muc-duoc-gia-han-them-4-nam-41885.html

 

 

35. Tiếp Kiến chung 23/10: Hãy cầu khẩn Chúa Thánh Thần bảo vệ hôn nhân và con cái của bạn

Tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 23/10/2024, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về Chúa Thánh Thần trong đời sống của Giáo hội, cụ thể là trong bí tích hôn nhân. Ngài mời gọi các tín hữu hãy cầu xin Chúa Thánh Thần nâng đỡ các cặp vợ chồng và gia đình trong ơn gọi trở thành dấu chỉ vui tươi của tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa, tình yêu hy sinh của Chúa Kitô dành cho Giáo hội và lời hứa của tình yêu đó để mang lại hòa bình lâu dài cho thế giới tan vỡ của chúng ta.

Vatican News

Đức Thánh Cha giải thích rằng trong Chúa Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần là mối dây liên kết tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Là bí tích của sự kết hợp yêu thương giữa một người nam và một người nữ, hôn nhân Kitô giáo là sự phản ánh mối quan hệ vĩnh cửu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, một sự tự hiến cho nhau tạo nên niềm vui sâu sắc và lâu dài.

Mở đầu buổi tiếp kiến, cộng đoàn cùng nghe đoạn thư thứ nhất của Thánh Gioan (1Ga 4,7-8):

Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Lần trước chúng ta đã giải thích về điều chúng ta tuyên xưng về Chúa Thánh Thần trong kinh Tin Kính. Tuy nhiên, suy tư của Giáo hội không dừng lại ở việc tuyên xưng đức tin ngắn gọn đó. Việc tuyên xưng này vẫn được tiếp tục, cả ở phương Đông lẫn phương Tây, thông qua các tác phẩm của các vị Giáo phụ và Tiến sĩ vĩ đại. Đặc biệt, hôm nay chúng ta muốn thu thập một số giáo lý về Chúa Thánh Thần đã được phát triển theo truyền thống Công giáo Latinh, để xem giáo lý này soi sáng toàn bộ đời sống Kitô hữu và đặc biệt là bí tích hôn nhân như thế nào.

Chúa Thánh Thần là tình yêu hiệp nhất 

Người khởi xướng chính của học thuyết này là Thánh Augustinô, người đã phát triển giáo lý về Chúa Thánh Thần. Ngài bắt đầu từ mặc khải rằng “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Bây giờ, tình yêu giả định phải có một người yêu thương, một người được yêu thương và chính tình yêu kết nối họ lại với nhau. Trong Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha là Đấng yêu thương, là nguồn mạch và nguyên lý của mọi sự; Chúa Con là Đấng được yêu thương và Chúa Thánh Thần là tình yêu hiệp nhất các Ngài.[1] Do đó, Thiên Chúa của các Kitô hữu là một Thiên Chúa “duy nhất”, nhưng không phải là một Thiên Chúa đơn độc; Người là sự hiệp nhất của sự hiệp thông và tình yêu. Theo ý nghĩa này, có người đã đề xuất gọi Chúa Thánh Thần, không phải là “ngôi thứ ba” số ít trong Ba Ngôi, mà đúng hơn là “ngôi thứ nhất số nhiều”. Nói cách khác, Người là Chúng Tôi, ngôi Chúng Tôi thần linh của Chúa Cha và Chúa Con, mối dây hiệp nhất giữa hai ngôi khác nhau[2], nguyên tắc của sự hiệp nhất của Giáo hội, vốn thật sự là một “thân thể duy nhất” phát sinh từ nhiều người.

Vợ chồng là sự diễn tả đầu tiên và sơ đẳng nhất của mối hiệp thông tình yêu của Ba Ngôi

Như tôi đã nói, hôm nay tôi muốn suy tư với anh chị em cách đặc biệt về những điều Chúa Thánh Thần nói về gia đình. Chúa Thánh Thần có thể liên quan gì đến hôn nhân? Rất nhiều, có lẽ là điều cốt yếu, và tôi cố gắng giải thích tại sao! Hôn nhân Kitô giáo là bí tích của sự tự trao tặng chính mình, của một người cho người khác, của người nam và người nữ. Đây là điều Đấng Tạo Hóa đã muốn khi “Người sáng tạo con người theo hình ảnh Người […]: Người sáng tạo họ có nam có nữ” (St 1,27). Vì thế, đôi vợ chồng con người là sự diễn tả đầu tiên và sơ đẳng nhất của sự hiệp thông tình yêu, là Ba Ngôi.

Vợ chồng nên tạo thành "chúng tôi"

Các đôi vợ chồng cũng nên tạo thành ngôi thứ nhất số nhiều, “chúng tôi”. Họ đối với nhau với tư cách là “tôi” và “bạn”, và đối với phần còn lại của thế giới, bao gồm cả con cái, với tư cách là “chúng tôi”. Thật tuyệt vời biết bao khi nghe một người mẹ nói với con mình: “Cha con và mẹ…”, như Đức Maria đã nói với Chúa Giêsu khi họ tìm thấy Người lúc mười hai tuổi trong đền thờ đang giảng dạy cho các kinh sư (x. Lc 2,48), và nghe người cha nói: “Mẹ con và cha”, gần như thể họ là một chủ thể duy nhất. Con cái cần biết bao sự hiệp nhất này - cha và mẹ cùng với nhau-, sự hiệp nhất của cha mẹ, và chúng đau khổ biết bao khi thiếu điều đó! Con cái đau khổ biết bao khi cha mẹ chia tay nhau.

Hôn nhân cần sự hỗ trợ của Chúa Thánh Thần 

Tuy nhiên, để đáp ứng ơn gọi này, hôn nhân cần sự hỗ trợ của Đấng là Quà Tặng, thật sự là Đấng hiến thân trọn hảo. Nơi nào Chúa Thánh Thần ngự vào, khả năng tự hiến được tái sinh. Một số Giáo Phụ của Giáo Hội Latinh đã khẳng định rằng, là quà tặng hỗ tương của Chúa Cha và Chúa Con trong Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần cũng là lý do tạo nên niềm vui hiện hữu giữa các Ngài và khi nói về Ngài, họ không ngại sử dụng hình ảnh về những cử chỉ, những hình ảnh đặc trưng của đời sống hôn nhân, ví dụ như nụ hôn và vòng tay ôm[3]

Chúa Thánh Thần biến "nước của sự quen thuộc thành niềm vui mới được ở bên nhau"

Không ai nói rằng sự hiệp nhất như vậy là một mục tiêu dễ dàng, nhất là trong thế giới ngày nay; nhưng đây là chân lý như Đấng Tạo Hóa đã dự định cho mọi thụ tạo và do đó thuộc bản chất của chúng. Tất nhiên, việc xây dựng trên cát có vẻ dễ dàng và nhanh chóng hơn so với trên đá; nhưng Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết kết quả là gì (xem Mt 7,24-27). Trong trường hợp này, chúng ta thậm chí không cần đến dụ ngôn, bởi vì thật không may, mọi người đều thấy hậu quả của những cuộc hôn nhân xây trên cát và những đứa con phải trả giá đắt hơn hết. Con cái đau khổ vì sự chia tay hay thiếu tình yêu giữa cha mẹ. Những gì Đức Maria nói với Chúa Giêsu tại Cana xứ Galilê phải được nhiều cặp vợ chồng lặp lại: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Chúa Thánh Thần là Đấng tiếp tục thực hiện, trên bình diện thiêng liêng, phép lạ mà Chúa Giêsu đã thực hiện trong dịp đó, tức là biến nước của sự quen thuộc thành niềm vui mới được ở bên nhau. Đó không phải là một ảo tưởng đạo đức: đó là điều Chúa Thánh Thần đã thực hiện trong nhiều đám cưới, khi các cặp vợ chồng đã quyết định cầu khẩn Người.

Ngón tay của Thiên Chúa trong đời sống hôn nhân

Do đó, sẽ không phải là điều xấu nếu, cùng với những thông tin pháp lý, tâm lý và luân lý được đưa ra, sự chuẩn bị “thiêng liêng” này được đào sâu trong quá trình chuẩn bị cho các cặp đính hôn bước vào hôn nhân; Chúa Thánh Thần tạo nên sự hiệp nhất. Một câu tục ngữ Ý nói như sau: “Giữa vợ và chồng, đừng nhúng ngón tay vào”. Tuy nhiên, có một “ngón tay” được đặt giữa vợ và chồng, và đó chính là “ngón tay của Thiên Chúa”: Chúa Thánh Thần! Cám ơn anh chị em!

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

 

[1] X. Thánh Augustino, De Trinitate, VIII,10,14)

[2] X. H. Mühlen, Một ngôi vị huyền nhiệm. Giáo hội như là mầu nhiệm của Chúa Thánh Thần, Città Nuova, 1968.

[3] X. Thánh Ilario di Poitiers, De Trinitate, II,1; S. Agostino, De Trinitate, VI, 10,11.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/tiep-kien-chung-2310-hay-cau-khan-chua-thanh-than-bao-ve-hon-nhan-va-con-cai-cua-ban-41886.html

 

 

36. Đức tân Hồng y Radcliffe kêu gọi các tham dự viên bình tâm với kết quả của Thượng HĐGM

Trong bài suy niệm vào sáng ngày 21/10/2024, Đức tân Hồng y Timothy Radcliffe nói với các tham dự viên Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục thứ 16 rằng ngay cả khi một số người cảm thấy thất vọng về kết quả của Thượng Hội đồng, thì “Chiến thắng của điều thiện không thể bị ngăn cản” và “chúng ta có thể bình tâm bất kể kết quả thế nào”.

Vatican News

Vào sáng ngày 21/10/2024, các tham dự viên Thượng Hội đồng đã được phân phát bản thảo của Tài liệu Chung kết và được mời gọi đọc, thảo luận, sửa đổi và bỏ phiếu cho văn bản chung kết sẽ được trình lên Đức Thánh Cha vào ngày 27/10/2024.

Tài liệu nhắm mang lại sự đổi mới sâu sắc cho Giáo hội

Trong cuộc họp báo vào chiều ngày 21/10/2024, nguyên bề trên tổng quyền dòng Đaminh cũng cảnh báo mọi người, đặc biệt là giới truyền thông, không nên cố gắng tìm kiếm “những quyết định, tiêu đề gây sốc” xuất hiện trong tài liệu chung kết; ngài nói rằng đó sẽ là một sai lầm.

Theo ngài, tài liệu này cần được hiểu như một điều gì đó tìm cách mang lại sự đổi mới sâu sắc cho Giáo hội, không phải “thông qua các quyết định mang tính kịch tính, nhưng gợi lên những cách thức mới để trở thành một Giáo hội mà trong đó, trong Chúa Kitô, chúng ta liên hệ với nhau sâu sắc hơn nhiều và với nhau, chúng ta liên hệ với Chúa Kitô sâu sắc hơn nhiều”.

Giáo hội có ơn gọi trở thành dấu chỉ của hòa bình và sự hiệp thông 

Đức tân Hồng y Radcliffe nhận định rằng nhiều người vẫn có xu hướng xem Thượng Hội đồng là một cơ quan nghị viện sẽ thực hiện những thay đổi lớn về mặt hành chính, cấu trúc. Nhưng không đúng như vậy. Nhìn vào tình hình thế giới với những cuộc chiến và sự gia tăng chia rẽ, ngài khẳng định: “Trong thời điểm khó khăn nguy hiểm này, tôi nghĩ rằng Giáo hội có một ơn gọi rất đặc biệt là trở thành dấu chỉ của hòa bình và sự hiệp thông của Chúa Kitô và điều đó có nghĩa là mọi loại bước đi sẽ không gây chú ý”.

Tự do nói điều mình tin và không sợ hãi lắng nghe người khác

Trong bài suy niệm, nhà thần học dòng Đaminh suy tư về cách các thành viên nên nắm lấy quyền tự do và trách nhiệm của mình. Ngài nói: “Chúa Kitô đã giải thoát chúng ta và sứ mạng của chúng ta là rao giảng và là dấu chỉ cho quyền tự do này”. Tuy nhiên, quyền tự do này có hai đặc điểm: “Đó là quyền tự do nói lên những gì chúng ta tin và lắng nghe nhưng không sợ hãi những gì người khác nói, trong sự tôn trọng lẫn nhau”. Theo ngài, đó là quyền tự do biết rằng Chúa luôn làm việc vì lợi ích của những người yêu mến Chúa.

Theo ngài, một Kitô hữu phải vun đắp sự tự do để vượt qua chính mình và tránh “‘sự tự mãn khủng khiếp có thể khiến họ coi mình là chuẩn mực thực sự của sự chính thống’, vì họ sẽ đặt ‘mối liên kết không thể phá vỡ của hòa bình Công giáo’ lên trên tất cả mọi thứ”.

Thượng Hội đồng: công việc của Chúa

Ngài nói tiếp: “Chúng ta thường không biết được sự quan phòng của Chúa hoạt động như thế nào trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta làm những gì chúng ta tin là đúng và phần còn lại nằm trong tay Chúa”. “Đây chỉ là một Thượng Hội đồng. Sẽ có những Thượng Hội đồng khác. Chúng ta không phải làm mọi thứ, chỉ cần thực hiện bước tiếp theo”, và những người đến sau sẽ “tiếp tục bắt đầu. Bằng cách nào, chúng ta không biết. Đó là công việc của Chúa”. (Uca News 22/10/2024)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-tan-hong-y-radcliffe-keu-goi-cac-tham-du-vien-binh-tam-voi-ket-qua-cua-thuong-hdgm-41887.html

 

 

37. Tổng biên tập Vatican News: Thông điệp Dilexit nos giúp chúng ta hiểu cách Chúa Kitô yêu thương chúng ta

Ông Andrea Tornielli, Tổng biên tập Vatican News nhận xét rằng Thông điệp “Dilexit nos – Người đã yêu thương chúng ta” của Đức Thánh Cha Phanxicô, giúp chúng ta hiểu cách Chúa Kitô yêu thương chúng ta.

Vatican News

Trích Thông điệp “cách Chúa Kitô yêu thương chúng ta là điều mà Người không muốn giải thích quá nhiều. Người đã thể hiện điều này qua cử chỉ. Nhìn Người hành động chúng ta có thể khám phá cách Người đối xử với mỗi người chúng ta…”, ông Tornielli nhấn mạnh Kitô giáo không thu gọn thành một lý thuyết, triết lý, hay tập hợp các quy tắc đạo đức và cũng không phải là loạt những biểu lộ tình cảm. Trái lại, Kitô giáo là một cuộc gặp gỡ với một Người đang sống.

Theo Tổng biên tập Vatican News, thông điệp giúp chúng ta hiểu cách Người yêu thương chúng ta, nghĩa là Người thu hút và kêu gọi chúng ta, và do đó bước vào mối quan hệ với Người không thể bị thu gọn vào lý luận, một bản sắc văn hóa để phô trương hoặc một cẩm nang các quy tắc để tham khảo khi cần thiết. Hiểu cách Chúa Giêsu yêu thương chúng ta liên quan đến trái tim: đó là một câu chuyện về cử chỉ, ánh mắt và lời nói. Đó là một câu chuyện về tình bạn, một vấn đề của trái tim.

Ông Tornielli nói rằng trong Thông điệp, Đức Thánh Cha gợi ý chúng ta “nhìn Người hành động”, nghĩa là suy ngẫm về các cảnh trong Tin Mừng và để cho mình ngạc nhiên bởi các sự kiện Tin Mừng tiếp tục xảy ra xung quanh chúng ta. Nhìn Người hành động, chúng ta thấy Chúa Giêsu “quan tâm đến mọi người, đến những lo lắng, đau khổ con người”.

Gặp gỡ đức tin Kitô giáo có nghĩa là gặp gỡ trái tim Chúa Kitô, trái tim không thể thờ ơ, ôm lấy chúng ta với lòng thương xót vô biên mời gọi chúng ta noi theo. Và hệ quả xã hội của điều này là: thế giới với các cuộc chiến tranh, sự mất cân bằng kinh tế xã hội, chủ nghĩa tiêu dùng và việc sử dụng công nghệ chống con người “có thể thay đổi bắt đầu từ trái tim”.

Tổng biên tập Vatican News kết luận: “Do đó, Thông điệp Dilexit nos trở thành chìa khóa giải thích cho toàn bộ triều đại giáo hoàng”

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/tong-bien-tap-vatican-news-thong-diep-dilexit-nos-giup-chung-ta-hieu-cach-chua-kito-yeu-thuong-chung-ta-41888.html

 

 

38. ĐTC Phanxicô tiếp các cha giải tội tại Đền thờ Thánh Phêrô

Sáng thứ Năm ngày 24/10/2024, gặp gỡ các cha giải tội tại Đền thờ Thánh Phêrô nhân kỷ niệm 250 năm các tu sĩ Dòng Phanxicô Viện tu được ủy thác thừa tác vụ giải tội tại Đền thờ, Đức Thánh Cha nhắn nhủ họ hãy thi hành sứ vụ với sự khiêm nhường, trong sự lắng nghe và với lòng thương xót. Ngài nói rằng các cha giải tội không phải là những nhà tâm lý; hãy luôn tha thứ mà không cần tra hỏi.

Hồng Thủy - Vatican News

Mở đầu bài nói chuyện, Đức Thánh Cha nhắc các cha giải tội tại Đền thờ Thánh Phêrô rằng sự hiện diện của họ rất quan trọng, bởi vì họ giúp các tín hữu hành hương gặp gỡ Chúa của lòng thương xót qua bí tích Hòa giải và làm chứng cho các du khách rằng Giáo hội là cộng đoàn của những người được cứu độ, những người được tha thứ, những người tin yêu và hy vọng vào sự từ ái của Thiên Chúa.

Dựa trên chứng tá của Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha chia sẻ với các linh mục ba chiều kích đặc biệt trong sứ vụ của họ.

Khiêm nhường

Trước hết là khiêm nhường. Nhắc lại rằng Thánh Tông đồ Phêrô đổ máu tử đạo chỉ sau khi đã khiêm nhường khóc lóc vì tội lỗi của mình (Lc 22,56-62), Đức Thánh Cha nói rằng thánh nhân nhắc nhở rằng mỗi Tông Đồ - và mỗi vị Giải tội - đều mang kho tàng ân sủng mà mình phân phát trong một bình đất, ‘để có vẻ như quyền năng phi thường này thuộc về Thiên Chúa, chứ không đến từ chúng ta’ (2 Cr 4,7)”. Vì vậy, ngài nhắn nhủ họ rằng “để trở thành những cha giải tội tốt lành, chúng ta hãy trở thành những hối nhân đầu tiên tìm kiếm sự tha thứ” (Bolla Misericordiae Vultus, 17).

Lắng nghe

Điểm thứ hai là lắng nghe mọi người, đặc biệt là giới trẻ và trẻ em. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “lắng nghe không chỉ là lắng nghe những gì người ta nói, nhưng trước hết là đón nhận lời nói của họ như một món quà Thiên Chúa ban cho sự hoán cải của mình, một cách ngoan ngoãn, như đất sét trong tay người thợ gốm (xem Is 64.7)”. Ngài nhắn nhủ các vị giải tội đừng bao giờ quên rằng “bằng cách thực sự lắng nghe người anh em của chúng ta trong cuộc đối thoại bí tích, chúng ta lắng nghe chính Chúa Giêsu, người nghèo khổ và khiêm nhường […] và chỉ bằng cách này chúng ta mới có thể hy vọng đưa hối nhân tiếp xúc với Chúa Giêsu” (ibid.).

Lòng thương xót

Và điều cuối cùng là lòng thương xót. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Là những người ban phát sự tha thứ của Thiên Chúa, điều quan trọng là phải trở thành ‘những người có lòng thương xót’, vui vẻ, quảng đại, sẵn sàng hiểu và an ủi, bằng lời nói và thái độ”. Ngài nói rằng cha giải tội chỉ có một loại thuốc để đổ lên vết thương của anh em mình: đó là lòng thương xót của Thiên Chúa. (CSR_4639_2024)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-tiep-cac-cha-giai-toi-tai-den-tho-thanh-phero-41889.html

 

 

39. ĐTC Phanxicô ban hành Thông điệp thứ tư, “Người đã yêu thương chúng ta"

Ngày 24/10/2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Thông điệp thứ tư có tên “Dilexit nos” (Người đã yêu thương chúng ta). Thông điệp lược lại suy tư truyền thống và hiện tại “về tình yêu theo chiều kích con người và Thiên Chúa của trái tim Chúa Giêsu Kitô”, mời gọi chúng ta canh tân lòng sùng kính đích thực của mình để không quên sự dịu dàng của đức tin, niềm vui của việc hiến thân phục vụ và lòng nhiệt thành của sứ mạng.

Vatican News

Thông điệp về Thánh Tâm Chúa Giêsu được ban hành trong bối cảnh các cử hành kỷ niệm 350 năm lần đầu tiên Thánh Tâm Chúa Giêsu hiện ra với Thánh nữ Magarita Maria Alacoque, vào năm 1673; các cử hành này sẽ kết thúc vào ngày 27/6/2025.

Thông điệp gồm 220 số, được chia thành 5 chương, bắt đầu với lời của Thánh Phaolô nói về Chúa Kitô: “Dilexit nos” (Người đã yêu thương chúng ta) (Rm 8,37) để giúp chúng ta khám phá rằng “không gì có thể tách rời chúng ta” khỏi tình yêu này (Rm 8,39).

Đức Thánh Cha cũng viết trong số đầu tiên của Thông điệp: “Trái tim rộng mở của Người đi trước chúng ta và chờ đợi chúng ta vô điều kiện, không đòi hỏi bất kỳ yêu cầu nào trước để có thể yêu thương chúng ta và cống hiến cho chúng ta tình bạn của Người: Người yêu thương chúng ta trước (x. 1 Ga 4,10). Nhờ Chúa Giêsu “chúng ta đã biết và tin vào tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta” (1 Ga 4,16)” (1).

Trong Trái Tim Chúa Giêsu chúng ta nhận ra chính mình và học cách yêu thương

Trong một xã hội với sự gia tăng của “nhiều hình thức tôn giáo khác nhau mà không đề cập đến mối quan hệ cá nhân với Thiên Chúa tình yêu” (87), trong khi Kitô giáo thường quên mất “sự dịu dàng của đức tin, niềm vui của việc cống hiến để phục vụ, lòng nhiệt thành truyền giáo từ người này sang người khác" (88), Đức Thánh Cha đề xuất tái đào sâu về tình yêu của Chúa Kitô được thể hiện trong Thánh Tâm Người và mời gọi chúng ta canh tân lòng sùng kính đích thực của mình bằng cách nhớ rằng trong Trái Tim Chúa Kitô “chúng ta có thể tìm thấy toàn bộ Tin Mừng” (89): chính trong Trái Tim Người mà “cuối cùng chúng ta nhận ra chính mình và học cách yêu thương” (30).

Đức Thánh Cha giải thích rằng bằng cách gặp gỡ tình yêu của Chúa Kitô, “chúng ta có khả năng dệt nên những mối dây huynh đệ, nhận ra phẩm giá của mỗi con người và cùng nhau chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta” (217). Và trước Trái Tim Chúa Kitô, ngài cầu xin Chúa “một lần nữa tỏ lòng thương xót đối với trái đất bị thương tích này” bằng cách tuôn đổ trên đó “những kho tàng ánh sáng và tình yêu của Người”, để thế giới “tồn tại giữa chiến tranh, những mất cân bằng kinh tế xã hội, chủ nghĩa tiêu thụ và việc sử dụng công nghệ chống con người, có thể phục hồi điều quan trọng và cần thiết nhất: trái tim” (31).

Chương 1: Tầm quan trọng của trái tim

Chương thứ nhất, “Tầm quan trọng của trái tim”, giải thích tại sao cần phải “trở về với trái tim” trong một thế giới mà chúng ta bị cám dỗ “trở thành những người tiêu dùng vô độ” (2). Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng hiện nay tầm quan trọng của trái tim bị đánh giá thấp lại do “chủ nghĩa duy lý Hy Lạp và tiền Kitô giáo, chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật hậu Kitô giáo”, vốn ưa thích các khái niệm như “lý trí, ý chí hay tự do”.

Chương 2: Những cử chỉ và lời nói yêu thương của Chúa Kitô

Chương thứ hai nói về những cử chỉ và lời nói yêu thương của Chúa Kitô, những cử chỉ qua đó Người cư xử với chúng ta như những người bạn và cho thấy rằng Thiên Chúa “là sự gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng”.

Chương 3: Đây là trái tim đã yêu thương rất nhiều

Trong chương thứ ba, “Đây là trái tim đã yêu thương rất nhiều”, Đức Thánh Cha cho thấy rõ rằng Trái Tim Chúa Kitô chứa đựng “ba mặt của tình yêu”: sự nhạy cảm của trái tim thể lý “và tình yêu thiêng liêng kép của Người, con người và Thiên Chúa” (66), trong đó chúng ta tìm thấy “cái vô hạn trong cái hữu hạn” (64). Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta canh tân lòng sùng kính Trái Tim Chúa Kitô cũng để chống lại “những biểu hiện mới của một ‘linh đạo phi thân xác’” hiện diện trong xã hội” (87). Cần phải quay trở lại với “sự tổng hợp nhập thể của Tin Mừng” (90) khi đứng trước “các cộng đồng và các mục tử chỉ tập trung vào các hoạt động bên ngoài, những cải cách cơ cấu không có Tin Mừng, các ám ảnh về tổ chức, các dự án trần thế, những suy tư thế tục hóa”, trước các đề xuất “mà đôi khi đòi áp đặt lên mọi người” (88).

Chương 4: Tình yêu ban nước Thánh Thần

Trong chương thứ tư, “Tình yêu ban nước uống”, Đức Thánh Cha trích dẫn một số Giáo phụ đã nói về “vết thương nơi cạnh sườn Chúa Giêsu là nguồn gốc của nước Thánh Thần” làm dịu đi cơn khát tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta. Thánh Augustinô “đã mở đường cho việc sùng kính Thánh Tâm như một nơi gặp gỡ cá nhân với Chúa” (103). Đức Thánh Cha nhắc lại, dần dần khía cạnh bị thương tích này “đã mang hình dáng của trái tim”, và liệt kê một số phụ nữ thánh thiện đã “kể lại những kinh nghiệm về cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Kitô, được đặc trưng bởi sự an nghỉ trong Trái Tim Chúa” (110).

Đức Thánh Cha cũng nhắc lại kinh nghiệm kết nối mật thiết với Thánh Tâm Chúa Giêsu của một số vị thánh như Thánh Magarita Maria Alacoque, Thánh Têrêsa thành Lisieux, Thánh Faustina Kowalska, Thánh Gioan Phaolô II.

Chương 5: Tình yêu vì tình yêu

Trong chương thứ năm và cũng là chương cuối cùng “Tình yêu vì tình yêu”, Đức Thánh Cha đi sâu vào chiều kích cộng đồng, xã hội và truyền giáo của mọi lòng sùng kính đích thực đối với Trái Tim Chúa Kitô, Đấng mà khi “dẫn chúng ta đến với Chúa Cha, sai chúng ta đến với anh em của chúng ta” (163). Thực ra, “tình yêu dành cho anh em” là “cử chỉ lớn nhất mà chúng ta có thể cống hiến cho họ để đáp lại tình yêu bằng tình yêu” (167). Nhìn vào lịch sử linh đạo, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng sự dấn thân truyền giáo của Thánh Charles de Foucauld đã biến ngài thành một “người anh em phổ quát”: “để cho mình được uốn nắn bởi Trái Tim Chúa Kitô, ngài muốn đón nhận toàn thể nhân loại đang đau khổ trong trái tim huynh đệ của mình” (179).

Đền tạ Thánh Tâm

Sau đó, Đức Thánh Cha nói về “sự đền tạ” Thánh Tâm, như Thánh Gioan Phaolô II giải thích: “bằng cách cùng nhau hiến thân cho Trái Tim Chúa Kitô, ‘trên những đống đổ nát do hận thù và bạo lực tích tụ, Người có thể xây dựng nền văn minh của tình yêu mà nhiều người mong ước, vương quốc của trái tim Chúa Kitô’” (182).

Thông điệp một lần nữa nhắc lại lời Thánh Gioan Phaolô II rằng việc thánh hiến cho Trái Tim Chúa Kitô “được so sánh với hoạt động truyền giáo của chính Giáo Hội”, và lời Thánh Phaolô VI nhấn mạnh, chúng ta cần “những nhà truyền giáo yêu thương, những người đã để Chúa Kitô chinh phục” (209).

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-ban-hanh-thong-diep-thu-tu-nguoi-da-yeu-thuong-chung-ta-41890.html

 

 

40. Tổng Giáo Phận Toulouse của Pháp được thánh hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu

Trước cuộc biểu diễn đường phố gây tranh cãi với hình ảnh “satan” dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tuần tới, Đức Tổng Giám Mục Guy de Kerime của Toulouse ở Pháp, cử hành Thánh lễ, thánh hiến thành phố cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Vatican News

Quyết định thánh hiến thành phố và Tổng Giáo Phận được đưa ra trước buổi biểu diễn âm nhạc do thành phố tài trợ, có tựa đề “La porte des Ténèbres-Cổng bóng tối”, là phần thứ hai của một buổi biểu diễn tương tự diễn ra vào năm 2018.

Buổi biểu diễn gây tranh cãi khi có thông tin tiết lộ vở opera diễn ra khắp thành phố sẽ bao gồm hình ảnh “satan”, nhân vật ma quỷ trong Do Thái giáo cùng với thập giá satan, và những thứ khác sẽ được biểu diễn nhằm mô tả cảnh mở cửa địa ngục.

Trong những tháng qua, quảng cáo cuộc biểu diễn đã lan truyền trên mạng xã hội, và phương tiện công cộng. Giám đốc sản xuất François Delarozière tuyên bố màn trình diễn không có yếu tố ma quỷ, nói rằng câu chuyện thực sự là về tình yêu, cái chết, cuộc sống và thế giới bên kia, với những huyền thoại vĩ đại đã kéo dài hàng thế kỷ.

Giảng trong Thánh lễ ngày 16/10 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục nói: “Nếu chúng ta muốn Thánh Tâm Chúa Giêsu ngự trị trên thành phố và Tổng Giáo Phận Toulouse, chúng ta phải chiến đấu chống lại những cội rễ của sự dữ và tội lỗi trong tâm hồn, với ân sủng của Chúa, hãy khiêm tốn tìm kiếm, tránh xa sự dửng dưng, từ bỏ bạo lực, làm việc cho công lý, là những người kiến tạo hoà bình, tìm kiếm tâm hồn trong sạch, là tôi tớ của lòng thương xót, đón nhận đau khổ mâu thuẫn”.

Ngài nhấn mạnh Thánh Tâm Chúa Giêsu là mạc khải hùng hồn nhất về chiến thắng của tình yêu Thiên Chúa được thể hiện bởi Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa và con người, đã chết vì tội lỗi chúng ta và sống lại từ cõi chết vì ơn cứu rỗi của chúng ta.

Theo ngài, vì cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, “tình yêu không chết” và các Kitô hữu có thể có “tấm lòng rộng mở để làm chứng cho niềm hy vọng” giữa bóng tối. Vì vậy, đối với chúng ta, việc thánh hiến thành phố và Tổng Giáo Phận cho Thánh Tâm Chúa Giêsu là một lời mời gọi hoán cải để thể hiện, trong thế giới bị thương tích của chúng ta, một điều gì đó của thế giới mới, được sinh ra từ trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/tong-giao-phan-toulouse-cua-phap-duoc-thanh-hien-cho-thanh-tam-chua-giesu-41891.html

 

 

41. ĐTC Phanxicô tiếp các tham dự viên tổng tu nghị thứ 48 của dòng Thương Khó

Gặp gỡ các tu sĩ dòng Thương Khó tham dự tổng tu nghị thứ 48 vào sáng thứ Sáu ngày 25/10/2024, Đức Thánh Cha mời gọi họ canh tân việc loan báo Tin Mừng, đi ra các phố phường làm chứng tá cho đức tin vui tươi và giúp người đau khổ tìm thấy ý nghĩa trong mầu nhiệm Thương Khó của Chúa Giêsu. Ngài cũng nhắc nhở họ rằng việc đi ra này chỉ có kết quả khi bén rễ trong cầu nguyện và Lời Chúa.

Hồng Thủy - Vatican News

Chủ đề của Tổng hội dòng Thương Khó là “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?” (Is 6,8). “Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,3).

Đi ra

Đức Thánh Cha nói rằng các tu sĩ cần lời đáp trả mới trước câu hỏi của Chúa, canh tân năng lực truyền giáo trong viễn cảnh của Năm Thánh. Ngài giải thích rằng cần có một sứ vụ nhắm đến với đông người nhất có thể, bởi vì tất cả mọi người, không loại trừ ai, đều rất cần đến ánh sáng Tin Mừng. Ngài hy vọng các tu sĩ “sẽ xác định được những con đường mới và tạo ra những cơ hội mới để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc gặp gỡ giữa con người và Thiên Chúa”.

Do đó, theo Đức Thánh Cha, các tu sĩ “cần phải đi ra các đường phố, quảng trường và ngõ hẻm của thế giới, để không trở nên cứng nhắc và mốc meo, và để làm chứng tá cho đức tin vui tươi và sinh hoa trái của mình”.

Chiều kích cầu nguyện

Tuy nhiên, ngài lưu ý, việc đi ra này chỉ có thể hữu hiệu nếu nó “xuất phát từ tình yêu trọn vẹn đối với Thiên Chúa và nhân loại, sống đời chiêm niệm, trong các mối quan hệ huynh đệ của cộng đoàn và trong sự hỗ trợ lẫn nhau, để cùng nhau bước đi, cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa ở giữa anh em”.

Đức Thánh Cha nhắc nhở: “Để tạo ra các sự kiện loan báo Tin Mừng, trình bày vẻ đẹp tuyệt đỉnh của Con người Chúa Kitô cùng với khuôn mặt của một Giáo hội hấp dẫn, chào đón và có khả năng dấn thân, cần phải thường xuyên bén rễ trong cầu nguyện và Lời Chúa”.

Giúp người đau khổ hiểu ý nghĩa của đau khổ

Ngài cũng nhắc đến đặc sủng của đấng sáng lập dòng Thương Khó - Thánh Phaolô Thánh Giá - dựa trên mầu nhiệm Thập Giá của Chúa Giêsu, biểu hiện cao cả nhất của tình yêu Thiên Chúa. Ngài mời gọi các tu sĩ cũng biết cách loan báo sự hiện diện của Đấng Chịu đóng đinh và Phục Sinh trong đau khổ của thời đại chúng ta. Hãy làm mọi điều có thể để nỗi đau của anh em chúng ta không còn vô nghĩa và dẫn đến tuyệt vọng. (CSR_4658_2024)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-tiep-cac-tham-du-vien-tong-tu-nghi-thu-48-cua-dong-thuong-kho-41900.html

 

 

42. Tổng trưởng Bộ Giám Mục: Giám mục không phải là “nhà quản lý doanh nghiệp” nhưng là mục tử

Trưa ngày 23/10/2024, trong cuộc họp báo về công việc của Thượng Hội đồng, Đức Hồng y Francis Prevost, Tổng trưởng Bộ Giám Mục, đã nói đến một số phẩm chất mà các ứng viên Giám mục phải có. Ngài nói rằng quyết định bổ nhiệm là của Đức Thánh Cha nhưng quá trình lựa chọn Giám mục sẽ ngày càng có sự tham gia của Dân Chúa.

Vatican News

Quá trình lựa chọn các Giám mục trong mỗi Hội đồng Giám mục và cách thức thực hiện việc này là một trong những vấn đề được thảo luận trong Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành.

Đức Hồng y Prevost đặt câu hỏi: “Vấn đề là: làm thế nào để quá trình tìm kiếm ứng viên Giám mục có thể trở nên hiệp hành hơn và bao gồm sự tham gia nhiều hơn không chỉ của các Giám mục mà còn của các linh mục, tu sĩ và giáo dân?”.

Vai trò của Sứ thần

Ngài nói đến sự tham gia của các Sứ thần trong quá trình lựa chọn này, những người đóng vai trò quan trọng trong việc sàng lọc ứng viên. Do đó, các Sứ thần phải biết rõ người dân trong các chuyến viếng thăm mục vụ và họ không chỉ “được cha xứ tiếp đón” và tham gia vào các nghi lễ.

Đồng thời, Tòa Thánh cũng xem xét các giáo phận cụ thể và nhu cầu của họ. Đó là lý do tại sao Sứ thần Tòa Thánh có trách nhiệm báo cáo không chỉ về các giám mục mà còn về các linh mục, giáo dân và tu sĩ. Để biết giáo phận như thế nào, nhu cầu của giáo phận và vị giám mục họ cần.

Tổng trưởng Bộ Giám mục giải thích rằng trong báo cáo của Sứ thần, bên cạnh việc tìm hiểu xem liệu ứng viên có gặp phải những vấn đề nghiêm trọng mà không ai biết, một số vấn đề sức khỏe nhất định, hoặc liệu có những khía cạnh khác khiến vị này không phải là một ứng viên thích hợp, còn có những “giá trị” mà các ứng viên cần có.

Thẩm quyền duy nhất của Giám mục là phục vụ

Đức Hồng y Prevost nhấn mạnh rằng thẩm quyền duy nhất của các Giám mục “là phục vụ”, và nói rằng điều rất quan trọng là phải thay đổi động lực của các cấu trúc quyền lực trong Giáo hội bằng cách nhấn mạnh nhu cầu phục vụ tất cả các thành viên của một giáo phận. Trong bối cảnh này, ngài nhấn mạnh rằng các Giám mục cần phải tham khảo ý kiến và làm việc với các linh mục, tu sĩ và giáo dân, cũng như các cấu trúc hiệp hành khác đã được công nhận trong giáo luật.

Giám mục có "mùi chiên"

Ngài cũng nhắc lại lời Đức Thánh Cha Phanxicô rằng các Giám mục phải có “mùi chiên”, như một hệ quả của việc bước đi bên cạnh Dân Chúa và thậm chí “đau khổ với họ”. Ngoài ra, các Giám mục cũng phải có ơn lãnh đạo, đôi khi ngay cả trong “những cộng đoàn có nhiều linh mục tốt”, nhưng không có một người lãnh đạo giỏi thì “họ sẽ chẳng đi đến đâu cả”. Theo nghĩa này, ngài đã đề cập đến sứ vụ mục vụ của các Giám mục, những người không phải là “những nhà quản lý doanh nghiệp chỉ chuyên tâm vào các tổ chức, các vấn đề cơ cấu và nghi lễ”. (ACI Prensa 24/10/2024)

Link nội dung đầy đủ: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2024-10/francis-prevost-giam-muc-khong-phai-la-nha-quan-ly-doanh-nghiep.html

 

 

43. Giám mục Hà Tĩnh: Người Việt Nam chờ đợi ĐTC Phanxicô viếng thăm

Chia sẻ với hãng tin AsiaNews bên lề Thượng Hội đồng Giám mục đang diễn ra tại Vatican, Đức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Giám mục giáo phận Hà Tĩnh, nói rằng người Việt Nam, những người chưa bao giờ nhìn thấy Đức Thánh Cha và Đức Thánh Cha chưa bao giờ viếng thăm Việt Nam, rất mong đợi cuộc viếng thăm của vị cha chung của Giáo hội.

Vatican News

Đức Thánh Cha sẽ là nguồn cảm hứng hơn nữa cho cộng đồng Kitô hữu

Theo Đức Cha Louis, người dân Việt Nam rất mong đợi Đức Thánh Cha viếng thăm đất nước ngay cả khi vấn đề ngoại giao đầy đủ giữa Việt Nam và Tòa Thánh vẫn đang còn bỏ ngỏ. Ngài bày tỏ: “Tôi tin tưởng rằng năm tới sẽ có một lễ ký kết chính thức và Đức Thánh Cha sẽ có thể chính thức viếng thăm, nhờ vào nỗ lực của các phái viên của Tòa Thánh trong những năm gần đây”, bao gồm cuộc viếng thăm Việt Nam mới đây của Ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher.

Đức Cha nhấn mạnh rằng đức tin và đời sống thiêng liêng “vẫn là những yếu tố rất quan trọng” đối với người dân và ngài tin rằng Đức Thánh Cha sẽ là nguồn cảm hứng hơn nữa cho cộng đồng Kitô hữu.

Vấn đề di dân

Một trong những mối quan tâm của Giám mục giáo phận Hà Tĩnh vẫn là vấn đề di dân vì “xuất thân từ một thực tế nông nghiệp, nông thôn, trong năm năm qua, chúng tôi đã thấy nhiều người trẻ chuyển ra nước ngoài”. Do đó, quan tâm của Hội đồng Giám mục là “tăng cường đào tạo, bắt đầu bằng giáo lý, để họ có thể có nền tảng thiêng liêng vững chắc hơn và trở thành những chứng nhân đức tin thực sự” ngay cả trong các cộng đồng di cư và sống “một cuộc sống ổn định, không có tác động bên ngoài”. Đức Cha cho biết Hội đồng Giám mục đã thành lập hoạt động mục vụ cho người di cư để giúp đỡ họ trên hành trình loan báo Tin Mừng và tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thượng Hội đồng Giám mục là cơ hội thúc đẩy sự hiệp thông và truyền giáo

Nói về Thượng Hội đồng Giám mục sắp kết thúc, Đức Cha xác nhận rằng đây là một cơ hội lớn. Ngài hy vọng Thượng Hội đồng sẽ “củng cố tình liên đới, cũng như sự cai quản của Giáo hội, sự hiệp thông, để tất cả mọi người trên thế giới, ngay cả khi ở bên lề, đều cảm thấy mình là một phần của Giáo hội, được hòa nhập và hỗ trợ”. Đây cũng là cơ hội để “thúc đẩy các chương trình nhằm loan báo Tin Mừng thông qua di dân... Chúng ta phải ra đi và trở thành những chứng nhân sống động của đức tin”. (Asia News 24/10/2024)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/giam-muc-ha-tinh-nguoi-viet-nam-cho-doi-dtc-phanxico-vieng-tham-41902.html

 

 

44. ĐTC Phanxicô mời gọi tín hữu Roma chữa lành những vết thương của thành phố

Trong đại hội giáo phận Roma tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano vào chiều thứ Sáu ngày 25/10/204, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu giáo phận Roma hàn vá lại những vết rách trong cấu trúc của xã hội Roma và gieo hạt giống hy vọng.

Vatican News

Tham dự Đại hội giáo phận có chủ đề "Vá lại các vết rách, vượt trên những bất bình đẳng" có các chính quyền dân sự và giáo xứ của giáo phận Roma, cũng như các lãnh đạo chính trị và xã hội dân sự, và các đại diện các Giáo hội Kitô và Hồi giáo.

Người nghèo là xác thịt của Chúa Kitô

Suy tư về nhiều vết thương sâu sắc vẫn đang hành hạ thành phố Roma, Đức Thánh Cha đã bày tỏ nỗi đau của ngài dưới dạng một câu hỏi nhằm thách đố mọi người:

"Biết rằng có những người đang sống trên đường phố, những người trẻ không tìm được việc làm hoặc nhà ở, những người bệnh và người già không được chăm sóc, những thanh thiếu niên đang nghiện ngập và những loại nghiện ngập 'hiện đại' khác, những cá nhân bị ám ảnh bởi nỗi đau tinh thần đang sống trong sự bỏ rơi hoặc tuyệt vọng - đây không chỉ đơn thuần là một số liệu thống kê. Đây là những khuôn mặt và câu chuyện của anh chị em chúng ta, và chúng phải đánh động chúng ta và thách thức chúng ta: chúng ta có thể làm gì? Chúng ta có nhìn thấy trong câu chuyện của những người bị thương này khuôn mặt của Chúa Kitô đau khổ không? Chúng ta có cảm thấy vấn đề đủ để chịu trách nhiệm về nó không? Chúng ta có thể cùng nhau làm gì?".

Nghèo khổ: vấn đề cấp bách của Giáo hội

Đức Thánh Cha đặt vấn đề nghèo đói vào trung tâm thông điệp của ngài, nhắc nhở các tín hữu rằng “người nghèo là xác thịt của Chúa Kitô,” và Chúa Giêsu không đưa ra “một giải pháp kỳ diệu.” Ngài lưu ý, điều cần thiết chỉ đơn giản là mang thông điệp Phúc âm. Ngài nhấn mạnh, “Người nghèo không thể bị thu hẹp thành số lượng, vấn đề, hoặc tệ hơn nữa, là thứ gì đó bị loại bỏ.”

Can đảm trong bác ái

Đức Thánh Cha thúc giục các tín hữu không nên thụ động trước nhiều mâu thuẫn của Roma. Ngài kêu gọi sự tham gia chủ động, khuyến khích các tín hữu thiết lập một cuộc đối thoại liên tục với các tổ chức và hiệp hội, táo bạo trong bác ái và vượt qua “virus thờ ơ” bằng “sự kiên nhẫn của đối thoại, không định kiến”.

Ngài yêu cầu hãy coi trọng hơn các giáo huấn xã hội của Giáo hội. Điều cần thiết là phải hình thành lương tâm trong giáo huấn xã hội của Giáo hội để Phúc âm có thể được chuyển tải vào các tình huống khác nhau của ngày hôm nay và biến chúng ta thành những chứng nhân của công lý, hòa bình và tình huynh đệ.

Với Năm Thánh đang đến gần, Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu không nên đầu hàng. Ngài kêu gọi tất cả hãy thực hiện những công việc cụ thể của hy vọng.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-moi-goi-tin-huu-roma-chua-lanh-nhung-vet-thuong-cua-thanh-pho-41909.html

 

 

45. Thông điệp về Thánh Tâm Chúa Giêsu là "chìa khóa" cho triều đại giáo hoàng của ĐTC Phanxicô

Tại cuộc họp báo giới thiệu Thông điệp Dilexit Nos (Ngài đã yêu thương chúng ta) vào ngày 24/10/2024, Đức Tổng giám mục Bruno Forte của Chieti-Vasto, đã gọi thông điệp mới của Đức Thánh Cha Phanxicô về Thánh Tâm là "chìa khóa cho toàn bộ triều đại giáo hoàng của ngài" và là "động lực truyền cảm hứng cho toàn sứ vụ và giáo huấn của ngài".

Vatican News

Trong Thông điệp Dilexit Nos, Đức Thánh Cha kêu gọi canh tân lòng sùng kính Thánh Tâm trong thời đại hiện đại và nhiều thách thức cấp bách.

Bản tóm tắt những điều ĐTC Phanxicô muốn nói với nhân loại

 Đức Tổng Giám mục Forte nhận định rằng thông điệp này "rất đúng lúc" vì nó chú ý đến "trung tâm của tình yêu của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô" và "những thách thức lớn lao của thời điểm hiện tại".

Theo Tổng giám mục của Chieti-Vasto, giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô “không hề bị… giới hạn trong các vấn đề xã hội, như đôi khi người ta hiểu một cách vụng về”, và thông điệp của ngài “gửi đến toàn thể gia đình nhân loại bắt nguồn từ một nguồn mạch duy nhất, được trình bày ở đây theo cách rõ ràng hơn: Chúa Kitô, tình yêu của Người dành cho nhân loại”.

Ngài nói thêm: “Đó là chân lý mà Đức Jorge Mario Bergoglio đã đặt cược cả cuộc đời ngài và tiếp tục dành trọn cuộc đời một cách say mê với tư cách là Giám mục của Roma, mục tử của Giáo hội hoàn vũ”.

Ngài nhấn mạnh rằng thông điệp này “thực sự có thể được coi là một bản tóm tắt mọi thứ mà Đức Thánh Cha Phanxicô, vị giáo hoàng mà Chúa đã ban cho Giáo hội trong những năm tháng không dễ dàng này, đã muốn và muốn nói với mọi anh chị em trong nhân loại”. (CNA 24/10/2024)

Phương thuốc “đơn giản và hiệu quả” cho nhiều vấn đề xã hội

Về phần Đức Tổng Giám mục Timothy Broglio, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, ngài nhận định rằng với thông điệp "Dilexit Nos", Đức Thánh Cha đã đưa ra phương thuốc “đơn giản và hiệu quả” cho nhiều vấn đề đang hoành hành trong xã hội hiện đại.

Ngài nói: “Những tệ nạn của xã hội hiện đại có thể được ví như một danh sách dài những căn bệnh nan y: Chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa đảng phái. Ngày nay, Đức Giáo hoàng Phanxicô đưa ra phương thuốc đơn giản và hiệu quả: Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trong thông điệp Dilexit Nos mới nhất của ngài, Đức Thánh Cha dạy chúng ta rằng lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu có thể mở rộng trái tim chúng ta để chúng ta có thể yêu và được yêu”.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ nói rằng lòng sùng kính trái tim Chúa Giêsu tạo nên cuộc gặp gỡ với trái tim sống động của Chúa Giêsu và có sức mạnh “mang chúng ta lại với nhau như những người con của Thiên Chúa”. Đây là lý do tại sao Đức Thánh Cha nói rằng "tất cả chúng ta cần khám phá lại tầm quan trọng của trái tim".

Đức Tổng Giám mục Broglio cũng mời gọi các tín hữu Công giáo cầu nguyện với thông điệp mới. (Crux 25/10/2024)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/thong-diep-ve-thanh-tam-chua-giesu-la-chia-khoa-cho-trieu-dai-giao-hoang-cua-dtc-phanxico-41910.html

 

 

46. Đức Thánh Cha: Lịch sử cứu độ là lịch sử của những người di cư

Sáng thứ Hai ngày 28/10, Đức Thánh Cha tiếp các thành viên của Tổng hội dòng Carôlô hay còn gọi là Scalabrini, do thánh Giovanni Battista Scalabrini sáng lập, dấn thân phục vụ người di cư. Ngài quảng diễn ba khía cạnh của kế hoạch mục vụ cho những năm tiếp theo của các tu sĩ: người di cư, chăm sóc mục vụ và bác ái.

Vatican News

Trước hết người di cư. Đức Thánh Cha nói: “Người di cư dạy chúng ta hy vọng. Họ bỏ lại đàng sau nhà cửa với hy vọng ‘tìm được lương thực hàng ngày ở những nơi khác’ như thánh Giovanni Battista Scalabrini thường nói. Ngay cả khi mọi thứ dường như chống lại, và chỉ gặp những cánh cửa đóng kín và bị từ chối, họ vẫn không mất hy vọng”.

Theo Đức Thánh Cha, những người di cư quyết tâm ra đi là vì tình thương đối với gia đình, điều này dạy chúng ta rất nhiều, đặc biệt đối với các tu sĩ dấn thân phục vụ người di cư. Ngài nhắc rằng không được quên chính lịch sử cứu độ là một lịch sử của những người di cư, của những dân tộc đang bước đi.

Điều này theo Đức Thánh Cha đưa đến điểm thứ hai: nhu cầu cung cấp chăm sóc mục vụ tập trung vào hy vọng. Theo đó, cần phải có những can thiệp mục vụ hữu hiệu, thể hiện sự gần gũi về phương diện vật chất, tôn giáo và nhân bản, để giữ cho hy vọng của những người di cư luôn sống động và giúp họ tiến bước trên hành trình cá nhân hướng về Thiên Chúa, bạn đồng hành trung thành của họ trên đường đi. Vì Chúa luôn hiện diện và gần gũi với tất cả những ai đau khổ.

Đức Thánh Cha nói tiếp đến khía cạnh thứ ba: bác ái. Ngài nhận xét, ngày nay nhiều người di cư do thảm hoạ, bất công về cơ hội, thiếu dân chủ, lo sợ về tương lai, chiến tranh. Vấn đề càng trầm trọng hơn do bởi việc đóng cửa biên giới, sự dửng dưng. Trong Kinh Thánh một trong những lề luật Năm Thánh là phục hồi đất đai cho những người đã bị mất. Ngày nay, hành động công lý đó có thể được thực hiện qua các hoạt động bác ái khẳng định phẩm giá và quyền của mỗi cá nhân. Bằng cách này, các định kiến bị loại bỏ và những người khác, bất kể họ là ai và đến từ đâu, đều được xem là món quà của Chúa, duy nhất, thánh thiêng, bất khả xâm phạm, một nguồn tài nguyên quý giá cho thiện ích của tất cả.

Sau cùng, Đức Thánh Cha khẳng định với các tham dự viên của Tổng hội rằng, đoàn sủng của các tu sĩ dòng Scalabrini vẫn sống động trong Giáo hội. Điều này được thể hiện qua số ơn gọi trẻ ở các quốc gia khác nhau trên thế giới. Ngài mời gọi tất cả đón nhận niềm vui này bằng lời tạ ơn Chúa trước Thánh Thể và và Đức Maria, Mẹ của những người di cư, như thánh Giovanni Battista Scalabrini đã dạy. Vì chỉ từ đó chúng ta mới có thể bước đi cùng nhau với niềm hy vọng, trong bác ái.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-lich-su-cuu-do-la-lich-su-cua-nhung-nguoi-di-cu-41912.html

 

 

47. ĐTC Phanxicô: Văn kiện của Thượng Hội đồng là quà tặng cho Dân Chúa

Trong bài phát biểu cuối cùng tại Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục vào chiều ngày 26/10/2024, Đức Thánh Cha đã giới thiệu Văn kiện Chung kết của Thượng Hội đồng như một “món quà có ba chiều kích”. Ngài nói rằng đó là thành quả của hơn ba năm lắng nghe Dân Chúa. Ngài lưu ý rằng, Văn kiện này cho thấy một con đường chung hướng tới một “Giáo hội hiệp hành”, diễn tả Phúc Âm không chỉ qua lời nói mà còn qua mọi hành động và tương tác.

Vatican News

Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16 đã chính thức kết thúc vào Chúa Nhật ngày 27/10/2024 với Thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ sự tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Món quà có 3 chiều kích

Đức Thánh Cha mô tả Văn kiện Chung kết là một món quà có nhiều chiều kích, vừa là sự hướng dẫn cho Giáo hội vừa là biểu tượng của sự hiệp nhất và sứ vụ chung.

Trước tiên, ngài nhấn mạnh sự tin tưởng của ngài vào các giám mục, nhấn mạnh giá trị của sự hiện diện của mỗi giám mục trong việc định hình hành trình hiệp hành. Ngài nói: “Với tư cách là Giám mục Roma, khi triệu tập Giáo hội của Thiên Chúa trong Thượng Hội đồng, tôi nhận ra rằng tôi cần tất cả anh chị em: Các giám mục và các chứng nhân của hành trình hiệp hành. Cảm ơn anh chị em!”.

Đức Thánh Cha nhắc nhở bản thân - và mỗi giám mục - rằng “Giám mục Roma… cũng cần thực hành lắng nghe, để có thể đáp lại Lời nói với ngài mỗi ngày, ‘Hãy củng cố anh chị em của con… Hãy chăn dắt chiên của Thầy’”. Ngài nói rằng hành động lắng nghe này là điều cần thiết để vun đắp sự hòa hợp trong Giáo hội.

Bảo vệ sự hòa hợp, xua tan sự cứng nhắc

Và ngài nhấn mạnh rằng Giáo hội cần phải là hiện thân của sự hòa hợp được nêu trong Công đồng Vatican II, trong đó nói về Giáo hội như “một bí tích”. Ngài nói rằng Giáo hội có trách nhiệm khuếch đại tiếng thì thầm yêu thương của Thiên Chúa, không cản trở nó, mở cửa thay vì dựng lên những bức tường.

Chứng tá hòa bình trong thế giới tan vỡ

Nêu bật vai trò của Giáo hội như một người kiến tạo hòa bình trong một thế giới tan vỡ, Đức Thánh Cha nói rằng “Trong thời đại của chúng ta được đánh dấu bằng chiến tranh, chúng ta phải là chứng nhân của hòa bình, thậm chí qua việc học cách sống những khác biệt của chúng ta trong sự hòa thuận”.

Nhận ra những trải nghiệm đa dạng của các giám mục từ các khu vực bị tổn thương bởi bạo lực, nghèo đói và đau khổ, ngài khuyến khích tất cả mọi người tích cực xây dựng hòa bình thông qua việc lắng nghe và hòa giải.

Không có tông huấn hậu Thượng Hội đồng

Đức Thánh Cha tuyên bố rằng ngài đã chọn không viết Tông huấn hậu Thượng Hội đồng, nhưng ngài nói rằng, Tài liệu Thượng Hội đồng sẽ được cung cấp ngay cho tất cả mọi người. Ngài giải thích: “Đã có những chỉ dẫn rất cụ thể trong Tài liệu có thể là kim chỉ nam cho sứ mạng của các Giáo hội, tại các châu lục và bối cảnh cụ thể của họ”. Ngài bày tỏ sự tin tưởng rằng trải nghiệm chung này sẽ truyền cảm hứng cho “những hành động cụ thể phục vụ dân Chúa”.

Giáo hội, nơi Chúa Thánh Thần hướng dẫn

Cuối cùng, nhắc nhở các tham dự viên Đại hội rằng Chúa Thánh Thần là sức mạnh thống nhất của Giáo hội trên mọi nền văn hóa, thách thức và hy vọng, Đức Thánh Cha khuyến khích tất cả mang những ân huệ của Thánh Thần vào thế giới như một Giáo hội lắng nghe, cầu nguyện và hành động với sự khiêm nhường.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-van-kien-cua-thuong-hoi-dong-la-qua-tang-cho-dan-chua-41913.html

 

 

48. Ngai toà thánh Phêrô được trưng bày cho các tín hữu chiêm ngắm

Thánh tích Ngai toà thánh Phêrô, tượng trưng cho quyền tối thượng của thánh Phêrô, được trưng bày cho các tín hữu chiêm ngắm từ ngày 27/10 đến ngày 08/12/2024, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Vatican News

Ngai tòa Thánh Phêrô là một ngai cổ xưa bằng gỗ, được đưa đến Roma vào thế kỷ thứ 9, như một món quà của vua Pháp Carlo II il Calvo tặng Đức Giáo Hoàng Gioan VIII. Vào thế kỷ 13, Ngai toà được bọc thêm một khung kim loại bên ngoài để có thể vận chuyển trong các cuộc rước long trọng ở Đền thờ Thánh Phêrô.

Trong quá trình trùng tu tán che trên bàn thờ Tuyên xưng Đức tin, để chuẩn bị cho Năm Thánh 2025, thánh tích Ngai toà thánh Phêrô được chuyển đến phòng thánh Ottoboni và được lưu giữ tạm thời ở đó. Và chính Đức Thánh Cha trước khi cử hành Thánh lễ khai mạc phiên họp thứ hai của Thượng Hội đồng về Hiệp hành, sáng ngày 2/10/2024, đã đến phòng thánh Ottoboni của Đền thờ Thánh Phêrô để chiêm ngắm thánh tích Ngai tòa. Sau đó ngài đã cho phép trưng bày Ngai toà để các tín hữu chiêm ngắm trong thời gian từ Chúa nhật 27/10 đến 08/12/2024, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Đức Hồng Y Mauro Gambetti, Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô giải thích, Đền thờ thánh Phêrô muốn trưng bày thánh tích cổ - Ngai toà Tình yêu, bởi vì Ngai toà chỉ cho chúng ta thấy chỉ có tình thương mới có thể sinh ra cộng đoàn Kitô. Thực vậy, Ngai toà kể cho chúng ta về một cuộc gặp gỡ, quy tụ trong một cộng đoàn, của một Giáo hội quy tụ quanh vị mục tử, nơi mỗi người được mời gọi đích thân đi theo Chúa Giêsu, nhưng trên một con đường không bao giờ mang tính cá nhân, nhưng luôn được chia sẻ và soi sáng bởi anh chị em.

Giáo hội cử hành lễ kính nhớ Ngai tòa Thánh Phêrô vào ngày 22/2 hàng năm nhằm tôn vinh quyền tối thượng của Thánh Phêrô và những người kế vị ngài. Việc cử hành này tưởng nhớ quyền năng được Chúa Kitô trao ban cho người đại diện cho Người trên trái đất, là người đứng đầu Giáo hội và là Đức Giáo Hoàng, như được viết trong các Tin Mừng đã chỉ ra: “Con là Đá và trên tảng đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy. Và cửa hỏa ngục sẽ không thắng được” (Mt 16,18-19).

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/ngai-toa-thanh-phero-duoc-trung-bay-cho-cac-tin-huu-chiem-ngam-41914.html

 

 

49. Đức Thánh Cha sẽ chủ sự lễ Vọng Giáng Sinh và nghi thức mở Cửa Thánh

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự lễ Vọng Giáng Sinh tại Quảng trường thánh Phêrô và nghi thức mở Cửa Thánh tại Đền thờ thánh Phêrô tối ngày 24/12.

Vatican News

Trong cuộc họp báo về các sự kiện tiền Năm Thánh, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Trưởng phân bộ thứ nhất của Bộ Loan báo Tin Mừng, phụ trách tổ chức Năm Thánh đã cho biết “vào lúc 7 giờ tối ngày 24/12/2024, tại Quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự lễ Vọng Giáng Sinh và nghi thức mở Cửa Thánh tại Đền thờ thánh Phêrô”, đồng thời nói thêm: “Đức Thánh Cha sẽ là người đầu tiên bước qua Cửa Thánh, và mời gọi mọi người noi gương ngài làm như vậy để bày tỏ niềm vui của cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, niềm hy vọng của chúng ta”.

Loan tin vui Cửa Thánh được mở sẽ được thực hiện bởi một dàn hợp xướng các quả chuông của cơ sở đúc chuông Marinelli của Toà Thánh thực hiện. Đức Tổng Giám Mục giải thích, những quả chuông mang lại âm thanh thân thương với dân chúng, và trong trường hợp này chuông trở thành biểu hiện của sự vui mừng loan báo về một sự kiện đã được chờ đợi từ lâu và giờ đây đã đến.

Lịch Năm Thánh đã có trực tuyến

Về lịch Năm Thánh, Đức Tổng Giám Mục nói lịch Năm Thánh đã có sẵn trực tuyến và được cập nhật thường xuyên với việc tiếp thu các sáng kiến do các thực thể khác nhau trên khắp thế giới đề xuất.

Lịch Năm Thánh trực tuyến được chia thành ba phần: thứ nhất về hành hương để chỉ các giáo phận và các thực thể đã đăng ký; thứ hai về “Sự kiện văn hoá”; và cuối cùng là “Sự kiện lớn”.

Ngài mời gọi các tín hữu sử dụng tối đa cổng thông tin và ứng dụng Năm Thánh để trải nghiệm sự phong phú của các thông tin. Bằng cách này, Toà Thánh hy vọng sẽ dễ dàng hơn trong việc lập bản đồ, càng đầy đủ càng tốt, về nhiều sáng kiến cho cả Năm Thánh.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-se-chu-su-le-vong-giang-sinh-va-nghi-thuc-mo-cua-thanh-41920.html

 

 

50. Tha thứ để bắt đầu lại, câu chuyện của Jean Paul trong cuộc diệt chủng ở Rwanda

Chứng kiến cảnh người thân và dân làng bị sát hại trong cuộc diệt chủng vào năm 1994 ở Rwanda, nhưng Jean Paul không tìm cách trả thù, trái lại anh đã tha thứ, dấn thân đem mọi người lại với nhau, sống chung hoà bình.

Vatican News

Trước khi cuộc diệt chủng xảy ra, cuộc sống hàng ngày của gia đình Jean Paul Habimana ở Nyamasheke rất bình yên, ngôi làng phía tây Rwanda này được coi là ốc đảo hoà bình. Trong nhà của Jean Paul không bao giờ thiếu những giờ cầu nguyện. Tất cả cùng cầu nguyện trước bữa ăn, lần chuỗi Mân Côi vào mỗi chiều tối. Chúa nhật tất cả đều tham dự Thánh lễ. Ở ngôi làng này Chúa nhật là một lễ hội. Điều này không chỉ thể hiện lòng đạo đức tôn giáo nhưng cả về mặt xã hội. Đó là lý do tại sao dân làng ai cũng chuẩn bị cho mình những bộ quần áo đẹp để tham dự Thánh lễ.

Nhưng rồi khung cảnh gần như hoàn hảo này đã bị tàn phá bởi một cuộc diệt chủng khủng khiếp. Tất cả không còn như xưa.

Trong tâm trí Jean Paul vẫn còn nhớ rõ ngày tháng máu lửa đó. Ngày 06/4/1994, ba ngày sau lễ Phục Sinh, đài phát thanh liên tục gửi những tin tức khủng khiếp kêu gọi người dân không rời khỏi nhà.

Jean Paul kể: “Đó là một ngày kinh hoàng nhưng không có chuyện gì xảy ra với gia đình chúng tôi. Mọi thứ chỉ bắt đầu 24 giờ sau đó, ngày 08/4, khi người trông coi cửa hàng của cha tôi chạy đến báo mọi thứ đã bị cướp phá. Khi nghe tin này, lúc đầu cha tôi quyết định không đi để xem chuyện gì xảy ra. Ông hiểu đó là một sự khiêu khích. Tuy nhiên, càng nhiều giờ trôi qua tin tức khủng khiếp càng đến. Trang trại của chúng tôi bị cháy rụi như những căn nhà hàng xóm. Lúc đó chúng tôi bỏ chạy, thức ăn vẫn còn trên bàn”.

Đó là sự khởi đầu của sự thù ghét của người Hutu đối với người Tutsi, của cái mà người ta gọi là “nạn diệt chủng Tutsi ở Rwanda” và chỉ trong ba tháng sau một triệu người đã bị sát hại. Anh em cùng quốc tịch, cùng dòng máu chống lại nhau. Jean Paul chỉ mới sáu tuổi. Sau cuộc trốn chạy điên cuồng giữa tiếng súng, Jean Paul không còn thấy ai trong gia đình. Chỉ có người anh bảy tuổi tìm được trong một giáo xứ khi bị đám đông xô đẩy vào bên trong để tìm nơi trú ẩn.

Jean Paul không thấy cha mình có lẽ ông đã chết, còn người mẹ cùng với các anh em khác chỉ gặp lại sau khi cuộc diệt chủng kết thúc. Trong khi đó, tại giáo xứ, Jean Paul chứng kiến cảnh mọi người bị giết và đốt bởi những người Hutu đang tìm kiếm những ai tên trong danh sách trên tay.

Jean Paul nhớ lại: “Cảnh sát hại xảy ra gần như hàng ngày, tôi đã quen với việc đó. Nhưng đêm 29 và 30/4/1994 là đêm khủng khiếp nhất. Trong giáo xứ họ nổ súng, tôi ngã xuống đất, bị giẫm đạp bởi những người đang cố gắng trốn thoát. Họ đã giết rất nhiều, rất nhiều. Nhưng họ càng bắn tôi càng cầu nguyện, tôi cầu nguyện với mọi kinh mà tôi thuộc. Họ càng giết, tôi càng cầu xin Chúa tha thứ”.

Việc Jean Paul thoát khỏi cái chết đến từ một nghịch lý: một gia đình Hutu không tham gia vào vụ thảm sát đã đưa hai anh em về nhà. Anh kể: “Chúng tôi rất bẩn thỉu, họ tắm rửa sạch sẽ và cắt tóc cho chúng tôi. Họ coi anh tôi là người thân, trong khi tôi được giấu trong một cái hố phủ đầy lá trên đồn điền chuối của họ. Họ đã cứu mạng chúng tôi”.

Sau đó Jean Paul được được đưa đến Ý. Với thời gian anh đã hoàn thành cuốn sách kể về câu chuyện của mình. Từ đây, sáng kiến Khu vườn những người công chính ở Milan và ở Rwanda đã được hình thành. Gia đình đã cứu mạng anh cũng nằm trong danh sách những người công chính này. Theo anh, đây là cách để tỏ lòng kính trọng đối với một hành động vị tha và quảng đại thực sự.

Hiện nay Jean Paul đang sống ở Milan, lập gia đình, có hai con và là giáo viên môn tôn giáo. Anh chia sẻ đã từng muốn trở thành một linh mục, gia nhập chủng viện, nhưng sau thời gian phân định, anh hiểu rằng con đường của mình không phải là linh mục. Ba mươi năm sau “nạn diệt chủng Tutsi ở Rwanda” và sự hòa giải của đất nước Đông Phi, anh không ngừng dạy học sinh rằng việc chung sống là có thể chứ không phải là một giấc mơ. Anh làm điều này bằng cách làm chứng về những gì đã xảy ra với anh tại các hội nghị khắp nước Ý nhưng trên hết là không cắt đứt quan hệ với quốc gia, với người dân, ngay cả với những người đã làm hại anh. Giáo viên môn tôn giáo nói: “Giống như những người đồng bào khác của tôi, đối với Rwanda, tôi cố gắng thay đổi lịch sử của đất nước. Hàng năm tôi đều đưa học sinh đi trải nghiệm tình nguyện tại trường tiểu học nông thôn nơi tôi đã theo học. Và kết quả thật đáng ngạc nhiên: trẻ em phương Tây không chỉ giúp đỡ bằng cách chia sẻ mà còn nhận ra rằng có những người trẻ khác cũng có cùng ước mơ: thay đổi cuộc sống của cha mẹ họ. Ngay cả bằng cách này, hòa bình và sự chung sống có thể được xây dựng”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/tha-thu-de-bat-dau-lai-cau-chuyen-cua-jean-paul-trong-cuoc-diet-chung-o-rwanda-41921.html

 

 

51. Đức Thánh Cha sẽ mở Cửa Thánh tại nhà tù Rebibbia ở Roma

Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Trưởng phân bộ thứ nhất của Bộ Loan báo Tin Mừng, phụ trách tổ chức Năm Thánh cho biết, vào ngày 26/12 tới đây, Đức Thánh Cha sẽ mở Cửa Thánh tại nhà tù Rebibbia ở mạn đông Roma.

Vatican News

Trong cuộc họp báo về các sự kiện Năm Thánh sáng thứ Hai, ngày 28/10, Đức Tổng Giám Mục Mục nói: “Như đã viết trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025, trước tiên Đức Thánh Cha có ý định trở thành người hành hương hy vọng, và bằng cách này vào ngày 26/12, lễ thánh Stêphanô, ngài sẽ đến nhà tù ở Roma để cử hành nghi thức mở Cửa Thánh”.

Vị phụ trách tổ chức Năm Thánh giải thích, Cửa Thánh được mở ở nhà tù Rebibbia, là biểu tượng của tất cả các nhà tù trên khắp thế giới. Cửa Thánh là một dấu hiệu hữu hình của việc loan báo niềm hy vọng. Đức Thánh Cha muốn chính ngài mở Cửa Thánh tại một nhà tù “để trao cho các tù nhân một dấu hiệu gần gũi cụ thể” (x. số 10). Trong Năm Thánh tất các các tín hữu được mời gọi trở thành dấu chỉ cụ thể của hy vọng cho rất nhiều anh chị em đang sống trong điều kiện khó khăn.

Trong buổi họp báo, Đức Tổng Giám Mục còn nhắc lại đề xuất của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Sắc chỉ “Spes non confundit- Niềm Hy vọng không làm thất vọng” với các chính phủ, “trong Năm Thánh, các sáng kiến khôi phục niềm hy vọng được thực hiện; các hình thức ân xá, giảm án tù nhằm giúp các tù nhân lấy lại niềm hy vọng vào chính mình và xã hội; những con đường tái hoà nhập trong cộng đồng với cam kết cụ thể trong việc tuân thủ pháp luật”.

Trong ý hướng này, Đức Tổng Giám Mục cho biết vào ngày 11/9 vừa qua, Vatican đã ký thoả thuận với Bộ trưởng Tư pháp Cộng hoà Ý Carlo Nordio, và Uỷ viên Chính phủ Roberto Gualtieri, để trong Năm Thánh thực hiện các hình thức tái hoà nhập cho các tù nhân qua việc họ tham gia các hoạt động dấn thân xã hội. Như thế, Ý là quốc gia đầu tiên ký thoả thuận ân xá với Vatican và có hiệu lực trong Năm Thánh.

Đức Thánh Cha đã tới thăm và cử hành Thánh lễ Tiệc Ly tại nhà tù Rebibbia hai lần, năm 2015 và năm nay (2024).

Như vậy, với nghi thức mở Cửa Thánh vào lễ thánh Stêphanô tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là Giáo hoàng đầu tiên mở Cửa Thánh tại một nhà tù trong lịch sử Năm Thánh của Giáo hội Công giáo. Nhưng thực ra, vào Năm Thánh Lòng Thương Xót, năm 2015, ngài đã chủ sự nghi thức mở Cửa Thánh tại một nhà tù ở Roma, như một dấu chỉ hữu hình về sự tha thứ của Chúa.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-se-mo-cua-thanh-tai-nha-tu-rebibbia-o-roma-41922.html

 

 

52. Tiếp kiến chung 30/10/2024 - ĐTC Phanxicô: Thêm Sức không phải là Bí tích chia tay Giáo hội nhưng bắt đầu đời sống trong Giáo hội

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 30/10/2024 Đức Thánh Cha đã suy tư về ơn Chúa Thánh Thần mà chúng ta nhận được trong Bí tích Thêm Sức. Trong bí tích này, thông qua việc đặt tay, chúng ta nhận được Ấn tín không thể xóa nhòa của Chúa Thánh Thần, thúc đẩy chúng ta truyền bá và bảo vệ đức tin như những nhân chứng thực sự của Chúa Kitô trên thế giới. Ngài lưu ý rằng Thêm Sức không phải là Bí tích chia tay Giáo hội nhưng bắt đầu đời sống tích cực trong Giáo hội.

Vatican News

Đức Thánh Cha nói rằng Bí tích Thêm Sức tăng cường và củng cố thêm sức sống của Chúa Thánh Thần đã ban xuống cho chúng ta trong Bí tích Rửa tội và khuyến khích chúng ta tích cực tham gia vào cuộc sống và sứ mạng của Giáo hội. Ngài mời gọi các tín hữu cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn những người trẻ tuổi nhận được bí tích này hướng tới một cuộc gặp gỡ cá nhân sâu sắc hơn với Chúa và một sự dấn thân quảng đại hơn đối với việc truyền bá Tin Mừng trong tương lai.

Sau khi Đức Thánh Cha làm Dấu Thánh Giá và chào phụng vụ, cộng đoàn cùng nghe đoạn sách Công vụ Tông đồ (Cv 8,14-17):

Các Tông Đồ ở Giêrusalem nghe biết dân miền Samari đã đón nhận lời Thiên Chúa, thì cử ông Phêrô và ông Gioan đến với họ. Khi đến nơi, hai ông cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh Thần. Vì Thánh Thần chưa ngự xuống một ai trong nhóm họ: họ mới chỉ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần.

Sau đó Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta tiếp tục suy tư về sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời sống của Giáo hội thông qua các bí tích.

Chúa Thánh Thần thánh hóa chúng ta trên hết thông qua hai kênh: Lời của Thiên Chúacác Bí tích. Và trong số tất cả các Bí tích, có một Bí tích, thật sự là Bí tích của Chúa Thánh Thần, và hôm nay tôi muốn tập trung vào Bí tích này. Đó là Bí tích Thêm Sức.

Chúa Thánh Thần được ban thông qua việc đặt tay

Trong Tân Ước, ngoài Bí tích Rửa Tội bằng nước, có đề cập đến một nghi thức khác, đó là việc đặt tay, nhằm mục đích thông ban Chúa Thánh Thần cách rõ ràng và theo đặc sủng, với các ơn tương tự như những ơn được ban cho các Tông đồ vào Lễ Ngũ Tuần. Sách Công vụ Tông đồ đề cập đến một sự kiện quan trọng về vấn đề này. Khi biết rằng một số người ở Samaria đã đón nhận Lời Chúa, các Tông đồ từ Giêrusalem đã gửi ông Phêrô và ông Gioan đến đó. Bản văn Kinh Thánh nói: “Đến nơi, [hai ông] cầu nguyện cho họ nhận được Chúa Thánh Thần; vì Thánh Thần chưa ngự xuống một ai trong nhóm họ: họ mới chỉ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần”.

Ấn tín không thể xóa bỏ của Chúa Thánh Thần

Thêm vào những điều này là những điều Thánh Phaolô viết trong thư thứ hai gửi các tín hữu Côrintô: “Chính Thiên Chúa, Đấng củng cố chúng tôi cùng với anh em trong Đức Kitô và đã xức dầu cho chúng ta. Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” (1,21-22). Chủ đề Chúa Thánh Thần như là “ấn tín vương giả” mà Chúa Kitô dùng để ghi dấu đoàn chiên của Người là nền tảng của học thuyết về “đặc tính không thể xóa bỏ” được trao ban qua nghi lễ này.

Bí tích Thêm Sức củng cố sự kết hợp với Chúa Kitô và Giáo hội

Theo thời gian, nghi lễ xức dầu có hình thức như một Bí tích theo đúng nghĩa, có các hình thức và nội dung khác nhau trong các thời đại khác nhau và trong các nghi lễ khác nhau của Giáo hội. Đây không phải là lúc để lược lại câu chuyện rất phức tạp này. Bí tích Thêm Sức, theo sự hiểu biết của Giáo hội, đối với tôi, được mô tả theo cách đơn giản và rõ ràng bởi Giáo lý dành cho những người trưởng thành của Hội đồng Giám mục Ý. Sách Giáo lý này viết: “Bí tích Thêm Sức đối với mọi tín hữu giống như Lễ Ngũ Tuần đối với toàn thể Giáo hội. [...] Bí tích củng cố sự kết hợp với Chúa Kitô và Giáo hội nhờ Bí tích Rửa tội và sự thánh hiến cho sứ vụ ngôn sứ, vương đế và tư tế. Bí tích thông truyền các ân huệ phong phú của Chúa Thánh Thần [...]. Vì vậy, nếu Bí tích Rửa tội là Bí tích khai sinh, Bí tích Thêm Sức là Bí tích của sự tăng trưởng. Vì thế, Bí tích này cũng là Bí tích của chứng tá, bởi vì điều này được liên kết chặt chẽ với sự trưởng thành đời sống Kitô giáo”[1].

Lãnh nhận Bí tích Thêm Sức không có nghĩa là không còn tham gia vào Giáo hội

Vấn đề là làm thế nào để trong thực hành, Bí tích Thêm Sức không bị giảm thành “nghi thức cuối cùng”, nghĩa là, Bí tích “rời bỏ” Giáo hội. Người ta gọi Bí tích này là bí tích chia tay bởi vì một khi lãnh nhận Bí tích này thì những người trẻ rời bỏ Giáo hội và chỉ trở lại khi cử hành Bí tích Hôn Phối. Người ta nói thế. Nhưng chúng ta phải làm cho Bí tích này trở thành Bí tích bắt đầu tham gia, một sự tham gia tích cực vào đời sống của Giáo hội. Đây là một mục tiêu dường như không thể đối với chúng ta, xét theo tình cảnh hiện tại trong khắp Giáo hội, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta ngừng theo đuổi mục tiêu đó. Đây sẽ không phải là trường hợp của tất cả những người lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, trẻ em hoặc người lớn, nhưng điều quan trọng là ít nhất đối với một số người sau đó sẽ là người linh hoạt của cộng đoàn.

Vì mục đích này, việc được giúp đỡ bởi giáo dân, những người đã có một cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô và đã có một kinh nghiệm thực sự về Chúa Thánh Thần, để chuẩn bị lãnh nhận Bí tích có thể là điều hữu ích. Một số người nói rằng họ đã sống kinh nghiệm như một sự bừng nở của Bí tích Thêm Sức mà họ đã nhận được khi còn là trẻ em.

Sử dụng các ơn Chúa Thánh Thần

Nhưng điều này không chỉ liên quan đến những người lãnh nhận Bí tích Thêm Sức trong tương lai; nó liên quan đến tất cả chúng ta và mọi lúc. Cùng với Bí tích Thêm Sức và xức dầu, Thánh Tông đồ đảm bảo với chúng ta rằng chúng ta cũng nhận được bảo chứng của Chúa Thánh Thần mà nơi khác ngài gọi là “các hoa quả đầu tiên của Thánh Thần” (8,23). Chúng ta phải “sử dụng” bảo chứng này, thưởng thức những hoa quả đầu tiên này, không chôn vùi các đặc sủng và tài năng đã nhận được vào lòng đất.

Hồi sinh ngọn lửa Chúa Thánh Thần trong tâm hồn

Thánh Phaolô đã khuyến khích môn đệ Timôtêô “hồi sinh món quà của Thiên Chúa, đã nhận được qua việc đặt tay” (2 Tm 1,6), và động từ được sử dụng gợi lên hình ảnh của người thổi vào ngọn lửa để hồi sinh ngọn lửa. Đây là một mục tiêu tốt đẹp cho Năm Thánh! Hãy loại bỏ tro tàn của thói quen và việc không muốn dấn thân tham gia, để trở thành, giống như những người mang ngọn lửa ở Thế vận hội, những người mang ngọn lửa của Chúa Thánh Thần. Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta tiến tới một vài bước theo hướng này!

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

[1] Chân lý sẽ giải thoát anh em. Giáo lý cho người trưởng thành. Nhà xuất bản Vatican 1995, trang 324.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/tiep-kien-chung-30102024---dtc-phanxico-them-suc-khong-phai-la-bi-tich-chia-tay-giao-hoi-nhung-bat-dau-doi-song-trong-giao-hoi-41924.html

 

 

53. Sơ lược Văn kiện Chung kết của Thượng Hội đồng Giám mục thứ 16 về tính hiệp hành

Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16 đã chính thức kết thúc vào Chúa Nhật ngày 27/10/2024 với Thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ sự tại Đền thờ Thánh Phêrô. Ngày hôm trước, 26/10, Văn kiện Chung kết đã được thông qua với hơn 2/3 số phiếu thuận, sau khi mỗi đoạn trong số 155 đoạn của văn kiện được tán thành. Văn kiện thuật lại và tái khởi động một kinh nghiệm về Giáo hội như sự hiệp thông, tham gia và sứ vụ, với một đề xuất cụ thể về một tầm nhìn mới vượt lên các thực hành đã được thiết lập.

Vatican News

Đức Thánh Cha đã tuyên bố rằng ngài đã chọn không viết Tông huấn hậu Thượng Hội đồng, nhưng nói rằng Tài liệu Thượng Hội đồng sẽ được cung cấp ngay cho tất cả mọi người. Ngài giải thích: “Đã có những chỉ dẫn rất cụ thể trong Tài liệu có thể là kim chỉ nam cho sứ mạng của các Giáo hội, tại các châu lục và bối cảnh cụ thể của họ”. Ngài bày tỏ sự tin tưởng rằng trải nghiệm chung này sẽ truyền cảm hứng cho “những hành động cụ thể phục vụ dân Chúa”.

“Tiến trình hiệp hành không kết thúc khi Đại hội hiện tại của Thượng Hội đồng Giám mục kết thúc, nhưng nó cũng bao gồm giai đoạn thực hiện” (9), bao gồm tất cả mọi người trong “hành trình hàng ngày với phương pháp tham vấn và phân định theo phong cách hiệp hành, xác định những cách thức cụ thể và lộ trình đào tạo để mang lại sự hoán cải hiệp hành hữu hình trong các bối cảnh Giáo hội khác nhau” (9).

Đặc biệt, Tài liệu yêu cầu các Giám mục dấn thân đối với tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, đồng thời lưu ý, như Đức Hồng y Victor Fernandez, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã nói, rằng công việc được tiếp tục để mang lại cho phụ nữ những vai trò và quyền hạn lớn hơn trong Giáo hội.

Hai từ khóa nổi lên từ văn bản - được thể hiện qua viễn cảnh và đề xuất hoán cải - là “các mối quan hệ”, một cách để trở thành Giáo hội; và “các mối liên kết”, được đánh dấu bằng “sự trao đổi các ân sủng” giữa các Giáo hội được sống một cách năng động và do đó, để hoán cải các quá trình. Chính các Giáo hội địa phương là trung tâm của chân trời truyền giáo, là nền tảng của kinh nghiệm về tính đa nguyên của sự hiệp hành, với tất cả các cấu trúc phục vụ cho sứ vụ, với giáo dân ngày càng ở trung tâm và là người giữ vai chính.

Trong viễn tượng này, tính chất cụ thể của việc được bám rễ vào “nơi chốn” nổi bật cách mạnh mẽ trong Văn kiện Chung kết này. Điều lưu ý là các tham dự viên đã đề xuất rằng các Bộ của Tòa Thánh khởi động các cuộc tham vấn “trước khi công bố các tài liệu chuẩn mực quan trọng” (135).

Cấu trúc của Tài liệu Chung kết

Tài liệu Chung kết gồm năm phần (11). Phần đầu tiên có tựa đề “Trái tim của tính Hiệp hành”. Phần thứ hai, “Cùng nhau, trên thuyền của Phêrô”, nói về “việc hoán cải các mối quan hệ xây dựng cộng đoàn Kitô giáo và định hình sứ vụ trong sự đan xen của các ơn gọi, đặc sủng và thừa tác vụ”; trong khi phần thứ ba, “Theo Lời Người”, “xác định ba thực hành có liên quan chặt chẽ với nhau: sự phân định của Giáo hội, các tiến trình ra quyết định và một nền văn hóa minh bạch, trách nhiệm giải trình và đánh giá”.

Phần thứ tư, “Một mẻ cá dồi dào”, “phác thảo cách thức có thể vun đắp theo những hình thức mới của việc trao đổi các đặc sủng và sự đan xen của các mối liên kết hiệp nhất chúng ta trong Giáo hội, tại thời điểm mà kinh nghiệm về việc bám rễ vào một nơi chốn đang thay đổi sâu sắc”. Cuối cùng, phần thứ năm, “Thầy cũng sai các con”, “cho phép chúng ta nhìn vào bước đầu tiên cần thực hiện: quan tâm đến việc đào tạo tất cả mọi người theo tinh thần truyền giáo hiệp hành”. Đặc biệt, cần lưu ý rằng việc khai triển Văn kiện này được hướng dẫn bởi các trình thuật Tin Mừng về sự Phục Sinh (12).

Những vết thương của Đấng Phục sinh vẫn tiếp tục rỉ máu…

Phần giới thiệu của Tài liệu (1-12) ngay lập tức làm sáng tỏ bản chất của Thượng Hội đồng như là “một trải nghiệm được đổi mới về cuộc gặp gỡ của các môn đệ với Đấng Phục sinh trong Phòng Tiệc ly vào chiều ngày Phục sinh” (1). Văn kiện khẳng định, “Khi chiêm ngắm Đấng Phục sinh, chúng ta đã thấy dấu vết của những thương tích của Người (…) vẫn tiếp tục rỉ máu trên cơ thể của nhiều anh chị em, kể cả do những lỗi lầm của chính chúng ta. Việc nhìn lên Chúa không làm chúng ta xa rời những bi kịch của lịch sử. Ngược lại, nó mở mắt chúng ta nhìn thấy nỗi đau khổ của những người xung quanh và thấm sâu vào chúng ta: khuôn mặt của những đứa trẻ hoảng sợ vì chiến tranh, những giọt nước mắt của các bà mẹ, những giấc mơ tan vỡ của rất nhiều người trẻ, những người tị nạn phải đối mặt với những hành trình khủng khiếp, những nạn nhân của biến đổi khí hậu và bất công xã hội” (2).

Nhắc lại nhiều cuộc chiến tranh đang diễn ra, Thượng Hội đồng đã hợp với Đức Thánh Cha Phanxicô trong “việc không ngừng kêu gọi, lên án logic của bạo lực, hận thù và trả thù” (2).

Hơn nữa, hành trình hiệp hành rõ ràng là hành trình đại kết, hướng đến “sự hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình của các Kitô hữu” (4) – và “cấu thành một hành động tiếp nhận Công đồng [Vatican II] cách đích thực hơn nữa, do đó đào sâu thêm nguồn cảm hứng của Công đồng và tiếp thêm sức mạnh ngôn sứ của Công đồng cho thế giới ngày nay” (5).

Tài liệu thừa nhận rằng điều đó không dễ dàng: “Chúng ta không thể phủ nhận rằng chúng ta đã phải đối mặt với sự mệt mỏi, việc kháng cự lại sự thay đổi và cám dỗ để những ý tưởng của riêng mình lấn át việc lắng nghe Tin Mừng và thực hành sự phân định” (6)

Trọng tâm của tính hiệp hành

Phần đầu tiên của tài liệu (13-48) bắt đầu bằng những suy tư chung về “Giáo hội như Dân Chúa, Bí tích Hiệp nhất” (15-20) và về “Những Cội rễ Bí tích của Dân Chúa” (21-27).

Chính qua “kinh nghiệm của những năm gần đây” mà ý nghĩa của các thuật ngữ “tính hiệp hành” và “hiệp hành” đã “được hiểu rõ hơn, và được sống cách sống động hơn. Chúng ngày càng được kết nối cách sâu sắc hơn với mong muốn về một Giáo hội gần gũi hơn với mọi người và có tương quan hơn – một Giáo hội là nhà và gia đình của Thiên Chúa (28).

“Nói một cách đơn giản và súc tích, tính hiệp hành là một hành trình canh tân thiêng liêng và cải cách cơ cấu giúp Giáo hội có thể tham gia và truyền giáo nhiều hơn, để có thể đồng hành với mọi người và tỏa sáng ánh sáng của Chúa Kitô” (28).

Khi nhìn nhận rằng sự hiệp nhất của Giáo hội không có nghĩa là đồng nhất, “việc đánh giá cao các bối cảnh, nền văn hóa và sự đa dạng, cũng như các mối quan hệ giữa chúng, là chìa khóa để phát triển như một Giáo hội hiệp hành truyền giáo” (40). Và với sự hồi sinh của các mối quan hệ với các truyền thống tôn giáo khác, Giáo hội phấn đấu “cùng với họ để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn” (41).

Hoán cải về các tương quan

Phần thứ hai của Tài liệu (49-77) mở đầu bằng “lời kêu gọi một Giáo hội có nhiều khả năng hơn trong việc nuôi dưỡng các mối tương quan: với Chúa, giữa người nam và người nữ, trong gia đình, trong cộng đồng địa phương, giữa các nhóm xã hội và tôn giáo, với công trình tạo dựng” (50). Đồng thời, Thượng Hội đồng nhìn nhận rằng một số người “tiếp tục trải qua nỗi đau khi cảm thấy bị loại trừ hoặc bị xét đoán vì tình trạng hôn nhân, căn tính hoặc khuynh hướng tính dục của họ” (ibid.).

“Để trở thành một Giáo hội có tính hiệp hành, chúng ta cần phải mở lòng mình hướng đến một sự hoán cải thật sự trong các tương quan, điều sẽ định hướng lại các ưu tiên của mỗi người và một lần nữa chúng ta phải học hỏi từ Tin Mừng rằng quan tâm chú ý đến các tương quan không chỉ đơn thuần là một chiến lược hay một công cụ để tăng hiệu quả tổ chức. Các mối tương quan và liên kết là phương tiện mà qua đó Chúa Cha đã mặc khải chính Người trong Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần” (50).

Tài liệu chung kết tiếp tục với việc nhìn nhận “nỗi đau và sự đau khổ được diễn tả bởi nhiều phụ nữ từ mọi khu vực và châu lục, cả giáo dân và những người thánh hiến, trong suốt tiến trình hiệp hành”, điều “cho thấy chúng ta thường không sống theo tầm nhìn này” (52).

Đặc biệt, “lời kêu gọi canh tân tương quan trong Chúa Giêsu phát triển mạnh mẽ trong các bối cảnh khác nhau, nơi các môn đệ của Người đang sống”, kết hợp với “sự đa dạng của các nền văn hóa”; tuy nhiên “sự tương tác của những người từ các bối cảnh văn hóa khác nhau cũng có thể dẫn đến các mối quan hệ méo mó không phù hợp với Tin Mừng” (53).

Tài liệu khẳng định rằng “Những sự dữ đang hoành hành trên thế giới của chúng ta bắt nguồn từ những động lực này” và lưu ý rằng “sự từ chối triệt để và mạnh mẽ nhất chính là sự từ chối chính sự sống con người; điều này dẫn đến sự từ chối những đứa trẻ chưa chào đời, cũng như người già” (54).

Các Thừa tác vụ Truyền giáo

“Đặc sủng, Ơn gọi và Các Thừa tác vụ Truyền giáo” (57-67) nằm ở trung tâm của tài liệu, nhấn mạnh đặc biệt đến sự tham gia nhiều hơn của giáo dân. Thừa tác vụ thánh chức là “phục vụ cho sự hòa hợp” (68); và thừa tác vụ Giám mục là nhằm mục đích “phân định và quy tụ trong sự hiệp nhất” các ân huệ của Chúa Thánh Thần (69-71).

Trong cuộc thảo luận về thừa tác vụ Giám mục, Tài liệu lưu ý rằng “mối quan hệ mang tính cấu thành giữa giám mục và Giáo hội địa phương dường như không thể hiện rõ ràng trong trường hợp của các giám mục hiệu tòa ngày nay, ví dụ, trong trường hợp của các đại diện Giáo hoàng và những người phục vụ trong Giáo triều Roma” (70).

Cùng với các Giám mục, có các linh mục và phó tế, để “cộng tác giữa các thừa tác viên có chức thánh trong một Giáo hội hiệp hành” (74). Vì vậy, kinh nghiệm về “Linh đạo hiệp hành” rất quan trọng, vì nếu “thiếu chiều sâu thiêng liêng ở cả cấp độ cá nhân và cộng đoàn, thì tính hiệp hành sẽ bị giảm xuống thành sự tiện lợi về mặt tổ chức” (44).

Vì lý do này, Tài liệu lưu ý, “khi được thực hành với sự khiêm tốn, phong cách hiệp hành cho phép Giáo hội trở thành tiếng nói ngôn sứ trong thế giới ngày nay”.

Hoán cải về các tiến trình

Trong phần thứ ba của Tài liệu (79-108), Thượng Hội đồng lưu ý rằng “trong cầu nguyện và đối thoại, chúng ta đã nhận ra rằng sự phân định của Giáo hội, việc quan tâm đến các tiến trình ra quyết định, sự dấn thân chịu trách nhiệm và đánh giá các quyết định của chúng ta là những thực hành mà qua đó chúng ta đáp lại Lời Chúa chỉ cho chúng ta những con đường của sứ vụ” (79).

Đặc biệt, tài liệu lưu ý rằng “Ba thực hành này gắn bó chặt chẽ với nhau. Các tiến trình ra quyết định cần có sự phân định của Giáo hội, đòi phải lắng nghe trong bầu không khí tin tưởng được hỗ trợ bởi sự minh bạch và chịu trách nhiệm. Sự tin tưởng phải là của cả hai bên: những người ra quyết định cần có khả năng tin tưởng và lắng nghe Dân Chúa. Ngược lại, Dân Chúa cần có thể tin tưởng những người nắm giữ quyền bính” (80).

Trên thực tế, “Sự phân định của Giáo hội cho Sứ vụ” “không phải là một kỹ thuật tổ chức mà là một thực hành thiêng liêng dựa trên đức tin sống động” và “không bao giờ chỉ là việc đưa ra quan điểm cá nhân hoặc của nhóm hoặc là tổng hợp các ý kiến cá nhân khác nhau” (82).

“Cấu trúc của quá trình ra quyết định” (87-94), “tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự đánh giá” (95-102) và “tính hiệp hành và các cơ quan tham gia” (103-108) là những điểm chính của các đề xuất có trong Tài liệu, phát sinh từ kinh nghiệm của Thượng Hội đồng.

Hoán cải về các mối liên kết

Bản chất của phần thứ tư của Tài liệu Chung kết (109-139) được diễn tả trong đoạn đầu tiên: “Trong thời điểm có sự thay đổi lớn lao đang diễn ra ở những địa điểm cội nguồn và hành hương của Giáo hội, chúng ta cần vun đắp những hình thức mới để trao đổi các ân huệ và đan dệt các mối liên kết hiệp nhất chúng ta. Trong điều này, chúng ta được nâng đỡ bởi thừa tác vụ của các Giám mục trong sự hiệp thông giữa họ và với Giám mục Roma” (109).

Cụm từ “được bén rễ vững chắc nhưng vẫn là những người hành hương” (110-119) nhắc lại rằng “không thể hiểu được Giáo hội nếu không bén rễ trong một lãnh thổ cụ thể, trong một không gian và thời gian nơi hình thành kinh nghiệm chung về cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, Đấng cứu độ” (110).

Phần này của Tài liệu cũng nhấn mạnh đến hiện tượng “dịch chuyển dân số” (112) và “sự lan truyền của văn hóa kỹ thuật số” (113).

Theo viễn cảnh này, “việc chúng ta cùng nhau bước đi như những môn đệ của Chúa Giêsu, với các đặc sủng và thừa tác vụ đa dạng của chúng ta, đồng thời tham gia vào việc trao đổi các ân huệ giữa các Giáo hội, là một dấu chỉ hữu hiệu về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa trong Chúa Kitô” (120).

“Nguyên tắc chỉ đạo mối tương quan giữa các Giáo hội là cái nhìn hiệp thông thông qua việc chia sẻ các ân huệ” (124). Từ điểm khởi đầu này, Tài liệu trình bày chi tiết “Những mối dây hiệp nhất: Các Hội đồng Giám mục và các Hội nghị Giáo hội” (124-129).

Suy tư của Thượng hội đồng về “Sự phục vụ của Giám mục Roma” (130-139) đặc biệt có ý nghĩa. Đề cập chính xác đến việc thúc đẩy sự hợp tác và lắng nghe nhiều hơn, Thượng Hội đồng kêu gọi các Bộ “khởi xướng một cuộc tham vấn với các Hội đồng Giám mục và với các cơ quan tương ứng của các Giáo hội Đông phương tự quản” trước khi công bố “các văn kiện chuẩn mực quan trọng” (135).

Đào tạo một Dân tộc các Môn đệ Truyền giáo

Tài liệu khẳng định ở phần đầu của phần thứ năm (140-151): “Dân thánh của Thiên Chúa cần được đào tạo thích đáng để họ có thể làm chứng cho niềm vui của Tin Mừng và phát triển trong việc thực hành tính hiệp hành: trước hết, trong sự tự do của con cái Thiên Chúa khi theo Chúa Giêsu Kitô, được chiêm niệm trong cầu nguyện và được nhìn nhận nơi những người nghèo” (141).

“Một trong những yêu cầu nổi lên mạnh mẽ nhất và từ mọi bối cảnh trong tiến trình hiệp hành là việc đào tạo do cộng đoàn Kitô giáo cung cấp phải toàn diện và liên tục” (143). Về vấn đề này, chúng ta cũng thấy nhu cầu cấp thiết về “việc trao đổi các ân huệ giữa các ơn gọi khác nhau (hiệp thông), theo quan điểm thực thi việc phục vụ (sứ vụ) và theo phong cách tham gia và giáo dục trong sự đồng trách nhiệm khác biệt (sự tham gia)” (147).

“Một lĩnh vực khác có tầm quan trọng lớn là việc thúc đẩy trong mọi bối cảnh giáo hội một nền văn hóa bảo vệ, biến cộng đoàn thành nơi an toàn hơn bao giờ hết cho trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương” (150).

Cuối cùng, “các chủ đề trong học thuyết xã hội của Giáo hội, ví dụ như dấn thân vì hòa bình và công lý, chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và đối thoại liên văn hóa và liên tôn, cũng phải được chia sẻ rộng rãi hơn trong Dân Chúa” (151).

Phó thác cho Đức Maria

Tài liệu nói trong đoạn áp chót: “Bằng cách sống lại tiến trình hiệp hành, chúng ta đã nhận ra rằng ơn cứu độ được đón nhận và được loan báo có mối quan hệ thiết yếu. Chúng ta cùng nhau sống và làm chứng cho ơn cứu độ đó. Đối với chúng ta, lịch sử dường như được đánh dấu một cách bi thảm bởi chiến tranh, sự tranh giành quyền lực, hàng ngàn bất công và lạm dụng. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Chúa Thánh Thần đã đặt vào tâm hồn mỗi người một ước muốn sâu xa và thầm lặng về những mối quan hệ đích thực và những mối liên kết thực sự. Chính công trình tạo dựng nói lên sự hiệp nhất và chia sẻ, sự đa dạng và đan xen giữa các dạng sống khác nhau” (154).

Tài liệu kết thúc bằng lời cầu nguyện phó thác “kết quả của Thượng Hội đồng này cho Đức Trinh Nữ Maria”. “Xin Mẹ dạy chúng con trở thành một dân tộc của các môn đệ truyền giáo cùng nhau bước đi, trở thành một Giáo hội hiệp hành” (155).

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/so-luoc-van-kien-chung-ket-cua-thuong-hoi-dong-giam-muc-thu-16-ve-tinh-hiep-hanh-41925.html