29/10/2024
61
Đức Thánh Cha: Lịch sử cứu độ là lịch sử của những người di cư
















ĐỨC THÁNH CHA: LỊCH SỬ CỨU ĐỘ
LÀ LỊCH SỬ CỦA NHỮNG NGƯỜI DI CƯ

Sáng thứ Hai ngày 28/10, Đức Thánh Cha tiếp các thành viên của Tổng hội dòng Carôlô hay còn gọi là Scalabrini, do thánh Giovanni Battista Scalabrini sáng lập, dấn thân phục vụ người di cư. Ngài quảng diễn ba khía cạnh của kế hoạch mục vụ cho những năm tiếp theo của các tu sĩ: người di cư, chăm sóc mục vụ và bác ái.

Vatican News

Trước hết người di cư. Đức Thánh Cha nói: “Người di cư dạy chúng ta hy vọng. Họ bỏ lại đàng sau nhà cửa với hy vọng ‘tìm được lương thực hàng ngày ở những nơi khác’ như thánh Giovanni Battista Scalabrini thường nói. Ngay cả khi mọi thứ dường như chống lại, và chỉ gặp những cánh cửa đóng kín và bị từ chối, họ vẫn không mất hy vọng”.

Theo Đức Thánh Cha, những người di cư quyết tâm ra đi là vì tình thương đối với gia đình, điều này dạy chúng ta rất nhiều, đặc biệt đối với các tu sĩ dấn thân phục vụ người di cư. Ngài nhắc rằng không được quên chính lịch sử cứu độ là một lịch sử của những người di cư, của những dân tộc đang bước đi.

Điều này theo Đức Thánh Cha đưa đến điểm thứ hai: nhu cầu cung cấp chăm sóc mục vụ tập trung vào hy vọng. Theo đó, cần phải có những can thiệp mục vụ hữu hiệu, thể hiện sự gần gũi về phương diện vật chất, tôn giáo và nhân bản, để giữ cho hy vọng của những người di cư luôn sống động và giúp họ tiến bước trên hành trình cá nhân hướng về Thiên Chúa, bạn đồng hành trung thành của họ trên đường đi. Vì Chúa luôn hiện diện và gần gũi với tất cả những ai đau khổ.

Đức Thánh Cha nói tiếp đến khía cạnh thứ ba: bác ái. Ngài nhận xét, ngày nay nhiều người di cư do thảm hoạ, bất công về cơ hội, thiếu dân chủ, lo sợ về tương lai, chiến tranh. Vấn đề càng trầm trọng hơn do bởi việc đóng cửa biên giới, sự dửng dưng. Trong Kinh Thánh một trong những lề luật Năm Thánh là phục hồi đất đai cho những người đã bị mất. Ngày nay, hành động công lý đó có thể được thực hiện qua các hoạt động bác ái khẳng định phẩm giá và quyền của mỗi cá nhân. Bằng cách này, các định kiến bị loại bỏ và những người khác, bất kể họ là ai và đến từ đâu, đều được xem là món quà của Chúa, duy nhất, thánh thiêng, bất khả xâm phạm, một nguồn tài nguyên quý giá cho thiện ích của tất cả.

Sau cùng, Đức Thánh Cha khẳng định với các tham dự viên của Tổng hội rằng, đoàn sủng của các tu sĩ dòng Scalabrini vẫn sống động trong Giáo hội. Điều này được thể hiện qua số ơn gọi trẻ ở các quốc gia khác nhau trên thế giới. Ngài mời gọi tất cả đón nhận niềm vui này bằng lời tạ ơn Chúa trước Thánh Thể và và Đức Maria, Mẹ của những người di cư, như thánh Giovanni Battista Scalabrini đã dạy. Vì chỉ từ đó chúng ta mới có thể bước đi cùng nhau với niềm hy vọng, trong bác ái.

(Nguồn: RV)