TỔNG THỐNG UCRAINA ĐƯỢC TIẾP KIẾN LẦN THỨ BA TẠI VATICAN
Đến Vatican hơi muộn, được hộ tống bởi nhiều phương tiện trong một chiếc xe bọc thép ở Rôma, nguyên thủ quốc gia Ucraina đã được Đức Phanxicô tiếp đón lần thứ ba vào thứ Sáu tuần này, ngày 11 tháng 10 tại Dinh Tông Tòa. Vào cuối cuộc nói chuyện kéo dài 35 phút, Volodymyr Zelensky đã tặng Đức Thánh Cha một bức tranh về vụ thảm sát Boutcha như một món quà. Sau đó, tổng thống đã nói chuyện với các thành viên của Phủ Quốc vụ khanh về cách đạt được “nền hòa bình công bằng và ổn định” ở Ucraina.
Sự kinh hoàng của Boutcha đã được tổng thống Ucraina nhấn mạnh trong buổi tiếp kiến do Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho Tổng thống Volodymyr Zelensky vào sáng thứ Sáu 11/10/2024. Tổng thống Ucraina, sau cuộc gặp riêng kéo dài khoảng 35 phút trong phòng thư viện, đã tặng Đức Thánh Cha một bức tranh sơn dầu vẽ một bé gái tên Marichka, với đôi mắt lờ đờ, chiếc khăn quàng cổ và chiếc áo khoác màu nâu, đã chứng kiến cảnh binh lính Nga giết hại gia đình mình trước mắt mình. Đứa trẻ tưởng tượng đại diện cho tất cả cư dân Boutcha đã phải chứng kiến cảnh cướp bóc, tra tấn, bắt cóc hoặc hãm hiếp, kể cả trẻ vị thành niên. Hai năm trước, hơn 630 thường dân đã bị thảm sát tại thị trấn nhỏ cách Kiev vài cây số về phía bắc; một vụ thảm sát mà chính quyền Ucraina mô tả là “diệt chủng” và họ đã yêu cầu Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra kỹ lưỡng. Một tập tài liệu tái hiện lại các sự kiện một cách chi tiết kèm theo bức tranh.
Bằng cách dâng tác phẩm này cho Đức Giáo hoàng, Tổng thống Volodymyr Zelensky muốn một lần nữa thu hút sự chú ý của thế giới về những hành động tàn bạo mà người dân của ông đã trải qua. Một dân tộc trong hơn hai năm rưỡi đã hy vọng hòa bình. Hòa bình là “một bông hoa mỏng manh”, dòng chữ khắc trên đồng được Đức Giáo hoàng tặng cho nhà lãnh đạo Ucraina.
Kêu gọi giúp đỡ tù nhân Ucraina
Trong cuộc nói chuyện, việc trao trả các tù nhân Ucraina về nước cũng đã được đề cập. “Đối với tất cả chúng tôi ở Ucraina, vấn đề những người bị bắt và trục xuất vẫn là một vấn đề vô cùng đau đớn. Đây là những người lớn và trẻ em, nhiều thường dân hiện đang bị giam giữ trong các nhà tù và các trại ở Nga”. Trên kênh Telegram của ông, rồi trên mạng xã hội, Tổng thống Zelensky gợi lên cái chết hai hai ngày trước của Viktoria Roshchina, một nhà báo tự do 27 tuổi, tại một nhà tù ở Nga trong những hoàn cảnh vẫn chưa được làm rõ. “Chúng tôi trông cậy vào sự giúp đỡ của Tòa Thánh để mang những người Ucraina bị Nga bắt làm tù binh trở về,” nhà lãnh đạo viết sau cuộc tiếp kiến với Đức Thánh Cha Phanxicô. Yêu cầu giúp đỡ này được đưa ra sau lời kêu gọi hồi năm ngoái về việc trao trả hàng ngàn trẻ vị thành niên Ucraina bị đưa bằng vũ lực về Nga.
Buổi tiếp kiến thứ ba
Lần thứ ba sáng 11/10, khoảng 9g45, Volodymyr Zelensky bước qua ngưỡng cửa của Dinh Tông Tòa. Năm 2020, đại dịch Covid-19 chưa bùng phát trên toàn cầu và căng thẳng ở Ucraina chỉ giới hạn ở phía đông nước này. Vào tháng 5 năm 2023, tổng thống Ucraina đã được tiếp kiến một năm rưỡi sau khi Nga bắn tên lửa đầu tiên vào đất Ucraina. Sau đó, Đức Giáo hoàng và Tổng thống đã gặp nhau vào tháng 6 năm ngoái trong hội nghị thượng đỉnh G7 ở Borgo Egnazia. Volodymyr Zelensky là một trong những người đầu tiên gặp Đức Giáo hoàng, người đã chủ trì một loạt mười cuộc nói chuyện song phương từ sáng đến tối với các nhà lãnh đạo có mặt tại hội nghị thượng đỉnh ở Puglia. Trong khi đó, trong suốt những tháng này, đã có những liên lạc qua điện thoại, thư từ, cuộc gọi, chuyến công tác của Đức Hồng y Zuppi và chuyến đi tháng 7 của Ngoại trưởng Pietro Parolin tới Ucraina.
Đối thoại kín
Do đó, hôm nay sẽ có một buổi tiếp kiến mới trong một buổi sáng đầy những cuộc gặp gỡ đối với Đức Thánh Cha, người cũng đã tiếp kiến Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez vào khoảng 9 giờ sáng. Volodymyr Zelensky đến ngay sau đó, với một chút chậm trễ, được hộ tống bởi một hàng xe rất dài băng qua Via della Conciliazione và Piazza Pio XII, cả hai con đường đều được phong tỏa và che chắn, giữa cảnh sát và binh lính, những người đã tiến hành một cuộc rà soát chống khủng bố khắp khu vực sáng nay.
Không có phù hiệu nào như quốc huy hay cờ xuất hiện trên xe của tổng thống Ucraina, người sau khi đi qua Quảng trường Thánh Phêrô và Vòm Chuông, đã đến sân Thánh Damase lúc 9g40 sáng. Tổng thống đã được chào đón bởi Nhiếp chính Phủ Giáo hoàng, Đức ông Leonardo Sapienza, và các Quý ông của Đức Thánh Cha. Volodymyr Zelensky sau đó đi lên phòng thư viện của Dinh Tông Tòa nơi Đức Phanxicô đang đợi ông. Một cái bắt tay, một số câu nói vui vẻ ban đầu, sau đó là cuộc trò chuyện sau những cánh cửa đóng kín kéo dài hơn nửa giờ, cho đến 10g20 sáng, về các chủ đề chiến tranh và hòa bình cho Ucraina, một đất nước mà Đức Thánh Cha luôn gọi là “bị dày xéo”.
Trong quá trình trao đổi quà tặng truyền thống, Đức Thánh Cha, ngoài tác phẩm điêu khắc bằng đồng “Hòa bình là một bông hoa mỏng manh”, đã gửi tặng Tổng thống Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2024, một Sứ điệp bàn về trí tuệ nhân tạo, có nguy cơ làm trầm trọng thêm “sự sự điên rồ của chiến tranh”. Sau đó là các tập tài liệu của Đức Giáo hoàng, cuốn sách về buổi cầu nguyện Statio Orbis ngày 27 tháng 3 năm 2020, do Libreria Editrice Vaticana xuất bản, và tập sách cũng do LEV xuất bản “Bị bách hại vì sự thật, người Công giáo Hy Lạp Ucraina đằng sau Bức màn sắt” (Persecuted for Truth, Ukrainian Greek Catholics behind the Iron Curtain). Đây là một album ảnh màu, kết quả của dự án nghiên cứu của Viện Lịch sử của Giáo hội thuộc Đại học Công giáo Ucraina về đời sống thầm lặng của Giáo hội Công giáo-Hy Lạp Ucraina, nhằm ghi lại di sản của các vị tử đạo và và những người tuyên xưng đức tin, nổi tiếng nhất, ít được biết đến, vô danh.
Một nền hòa bình công bằng và ổn định
Sau khi chào mừng phái đoàn – 9 thành viên, trong đó có Đại sứ Ucraina tại Tòa thánh, Andrii Yurash, và người đứng đầu Nội các của Tổng thống Ucraine, Andrij Jermak – Tổng thống Zelensky đã đến Phủ Quốc vụ khanh để gặp Đức Hồng y Parolin và Đức cha Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng ngoại giao Tòa Thánh.
Một tuyên bố từ Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết: “Các cuộc trao đổi tại Phủ Quốc vụ khanh tập trung vào tình trạng chiến tranh và tình hình nhân đạo ở Ucraina, cũng như các phương tiện để chấm dứt tình trạng này, nhằm hướng tới một nền hòa bình công bằng và ổn định ở đất nước này. Ngoài ra, một số vấn đề liên quan đến đời sống tôn giáo trong nước cũng đã được xem xét”.
Tý Linh
Chuyển ngữ từ: vaticannews.va/fr
Nguồn: xuanbichvietnam.net
(Nguồn: WHĐ)