ĐIỂM TIN THÁNG 03.2024
Thực hiện: Vp. Truyền thông
TIN GIÁO PHẬN MỸ THO
1. Giáo Hạt Cao Lãnh Hành Hương Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và Kính Lòng Thương xót Chúa
Bài viết: Mary FX. Thúy Nga
Hình; Gioan Ngọc Linh
BTT Giáo phận
(WGPMT) Ngày 01.03.2024, Giáo Hạt Cao Lãnh hành hương Các Thánh Tử Đạo tại Trung tâm hành hương Ba Giồng và Kính Lòng Thương xót Chúa tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Mỹ Tho.
Lúc 14g00, giáo dân từ các giáo xứ trong Giáo Hạt Cao Lãnh đã đến Trung tâm Hành hương Ba Giồng để kính viếng Cha thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu và các Thánh Tử Đạo. Mọi người cùng cung nghinh Cha thánh Phêrô và các Thánh Tử Đạo, lần chuỗi và hôn xương Thánh.
Sau khi kính viếng các Thánh Tử Đạo xong, mọi người di chuyển đến Trung tâm Mục vụ giáo phận.
Tại TTMV, cộng đoàn cùng nhau đọc kinh Kính Lòng Thương xót Chúa. Đỉnh cao của ngày Hành hương là thánh lễ được diễn ra lúc 17g00, do Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ sự. Đồng tế với ngài có cha Tổng Đại diện Phaolô Trần Kỳ Minh, cha Hạt trưởng hạt Cao Lãnh và quý cha trong giáo phận. Hiện diện trong thánh lễ có quý tu sĩ nam nữ và giáo dân trong giáo phận.
Trong bài giảng, Đức cha chia sẻ với cộng đoàn về cuộc đời của ông Giuse ở thời cựu ước. Qua cuộc đời của ông Giuse một cách nào đó mọi người nhìn thấy được hình ảnh báo trước về Chúa Giêsu. Tiếp theo, ngài nhắc lại câu Kinh thánh mà Chúa Giêsu đã nói trong bài Tin Mừng Tảng đá mà thợ xây loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường (Mt 21, 42). Câu Kinh thánh đó áp dụng cho cuộc đời Chúa Giêsu, chính Chúa Giêsu Đấng vô tội mà bị ghét, bắt bớ, đánh dập và đóng đinh trên thập giá. Chính Chúa Giêsu đã vì tình yêu mà gánh lấy tội trần gian. Cuối cùng, Đức cha nhắc nhở mọi người đang sống trong tâm tình mùa chay, mọi người biết ăn năn sám hối. Đâu đó mỗi người chúng ta đã ghen ghét, phân bì, nói xấu làm buồn phiền và mất danh dự của người khác. Ngài mời gọi cộng đoàn cùng chiêm ngắm Chúa Giêsu chịu chết trên thánh giá để cho chúng ta được sống vì Ngài yêu thương chúng ta. Xin Chúa cho mỗi người biết học cách yêu thương, đối xử với nhau đầy yêu thương trong cuộc sống.
Thánh lễ tiếp tục với Lời nguyện tín hữu, phần Phụng vụ Thánh Thể và kết thúc vào lúc 18g00.
Link nội dung đầy đủ: http://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/giao-hat-cao-lanh-hanh-huong-kinh-cac-thanh-tu-dao-viet-nam-va-kinh-long-thuong-xot-chua-40847.html
2. Thánh lễ khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 70 năm thành lập Giáo xứ Long Định 1
Bài viết và hình: Phêrô Minh, Gioan Thanh.
BTT Giáo phận
(WGPMT) ngày 18.03.2024 Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho chủ sự thánh lễ khai mạc năm thánh và kỷ niệm 70 năm thành lập Giáo xứ Long Định 1.
Giáo xứ Long Định 1 được thành lập từ năm 1954 do cuộc di cư của bà con giáo dân từ miền Bắc từ hai giáo phận: Bùi Chu va Phát Diệm, được cha Phêrô Đỗ Hàn Tùng coi sóc với 6000 giáo dân. Trong giai đoạn từ 1965 – 1970, chiến tranh xảy ra, nên cha Phêrô Trần Đức Dậu đưa khoảng 3000 giáo dân về Sài Gòn lập xứ mới. Đến năm 1971 cha Phêrô Tạ Đức Tiến được bề trên sai về chăm sóc Giáo xứ Long Định 1. Từ đó đến nay, Giáo xứ Long Định 1 được nhiều linh mục, tu sĩ đến phục vụ, giúp giáo xứ ngày càng phát triển với số giáo dân 806 người sống trên địa bàn xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Để đón mừng hai biến cố trọng đại của Giáo xứ Long Định 1: Mừng 70 năm thành lập giáo xứ (1954-2024), cung hiến Bàn thờ, khánh thành nhà thờ và nhà mục vụ mới của giáo xứ. Lúc 17g00 ngày 18.03.2024 Đức Cha Phêrô đã đến chủ sự thánh lễ khai mạc năm thánh, kỷ niệm 70 thành lập giáo xứ. Đồng tế với ngài có cha Tổng đại diện Phaolô Trần Kỳ Minh, quý cha trong giáo phận, quý tu sĩ, quý khách mời và đông đảo bà con giáo dân trong giáo xứ.
Trước thánh lễ, Đức Cha làm phép tượng ảnh Lòng Chúa Thương Xót, tượng đài Đức Mẹ và các thánh. Sau đó, cha Anphongso Khuất Đăng Tôn – quản hạt Cái Bè công bố Sắc lệnh của Toà Ân giải tối cao cho phép Giáo xứ Long Định 1 cử hành Năm thánh có kèm theo Ơn toàn xá bắt đầu từ ngày 18 tháng 3 năm 2024 đến ngày 1 tháng 3 năm 2025.
Trong bài giảng , Đức Cha đã nêu 2 lý do mà Giáo xứ Long Định 1 xin mở năm thánh là kỉ niệm 70 năm thành lập Giáo xứ và chuẩn bị cho ngày cung hiến nhà thờ mới của giáo xứ. Đồng thời, nhân ngày lễ kính thánh Giuse, Đức Cha mời gọi mọi người học nơi thánh Giuse qua việc bảo vệ Đức Giêsu, bảo vệ giáo hội của Chúa và bảo về gia đình mình sống niềm tin vững vàng.
Sau lời nguyện hiệp lễ, Ông Giuse Vũ Văn Tiến - Chủ tịch HĐMV giáo xứ, bày tỏ tâm tình cảm tạ Thiên Chúa, tri ân Đức Cha Phêrô, quý Cha, quý khách và mọi người đã hy sinh đóng góp xây dựng giáo xứ trong suốt 70 năm qua.
Thánh lễ khai mạc Năm Thánh kết thúc vào lúc 18g30 với Phép lành ơn Toàn Xá, Đức Cha, quý cha cùng chụp hình lưu niệm trước thềm nhà thờ mới.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/thanh-le-khai-mac-nam-thanh-ky-niem-70-nam-thanh-lap-giao-xu-long-dinh-1-40917.html
3. Thánh lễ tạ ơn bế mạc năm thánh mừng 50 năm thành lập hội dòng Mến Thánh Giá Mỹ Tho
Bài viết và hình: Maceno Phương, Phaolô Vũ
BTT Giáo phận
(WGPMT) – sáng ngày 19.03.2024, Đức Cha Phêrô dâng lễ tạ ơn bế mạc Năm Thánh mừng 50 năm thành lập Hội dòng Mến Thánh Giá (MTG) Mỹ Tho, toạ lạc 382 quốc lộ 1, phường 4, Tp. Tân An, tỉnh Long An.
Nhìn lại chặng đường lịch sử 50 năm biết bao ân tình Chúa dưỡng nuôi, với dấu ấn ban đầu vào ngày 19.03.1974, Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện – Giám mục Giáo Phận Mỹ Tho lúc bấy giờ chính thức công bố Sắc lệnh thiết lập Hội dòng MTG Tân An. Từ đó, Dòng MTG Tân An bắt đầu hoạt động dưới sự coi sóc và huấn luyện của các nữ tu Dòng MTG Chợ Quán, thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn. Trải qua gần 15 năm sau đó, ngày 08.03.1989 Hội Dòng MTG Tân An được độc lập trong việc điều hành và Bề trên tiên khởi của Hội dòng MTG Tân An lúc bấy giờ là Dì Rôsa Nguyễn Thị Hoa được chỉ định làm Tổng Phụ trách.
Ngày 08.11.2016 theo sự thỉnh nguyện của Hội dòng MTG Tân An, Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho quyết định đổi tên Hội dòng MTG Tân An thành Hội dòng MTG Mỹ Tho theo Sắc lệnh số 01/SL-TGM/16. Kể từ đó đến nay, Hội dòng hoạt động với tên gọi là Hội dòng MTG Mỹ Tho.
Ngày 14.09.2023 tại Nguyện đường Hội dòng, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho đã chủ sự thánh lễ “Khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 50 năm thành lập Hội dòng MTG Mỹ Tho” (1974-2024).
Lúc 09g30 ngày 19.03.2024 tại Nguyện đường Hội dòng MTG Mỹ Tho, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho đã chủ sự Thánh lễ Tạ ơn bế mạc năm thánh, mừng kỷ niệm 50 năm (19.03.1974 – 19.03.2024) Hội dòng MTG Mỹ Tho được thành lập. Đồng tế với Đức Cha Phêrô có cha quản hạt Đức Hòa Gabriel Nguyễn Tấn Di, Cha Giuse Nguyễn Văn Nhạn – quản hạt Tân An, Cha Giacôbê Hà Văn Xung – quản hạt Mỹ Tho và hơn 60 cha trong và ngoài giáo phận, các quý bề trên hiệp hội MTG Việt Nam và các quý bề trên tu sĩ nam nữ, quý chị thuộc dòng ba MTG tại thế, quý thân nhân và đông đủ các nữ tu Hội dòng MTG Mỹ Tho.
Sau bài hát nhập lễ, Đức Cha Phêrô làm phép tượng đài Thánh Cả Giuse – Đấng bảo trợ Hội dòng MTG Việt Nam, tượng đài được đặt trong khuôn viên Hội dòng. Sau đó, Dì Maria Nguyễn Thị Kiều Nương – Phó tổng phụ trách đọc lượt sử Hội dòng trong suốt 50 năm hình thành, phát triển.
Tiếp đến, Thánh lễ được tiếp tục như thường lệ. Trong bài giảng lễ, Đức Cha Phêrô mời gọi cộng đoàn chiêm ngắm Thánh cả Giuse qua Tông huấn Redemptoris Custos – Người bảo vệ Đấng Cứu Độ của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, qua hình ảnh Thánh Kinh diễn tả và những lời suy tư về Thánh Cả Giuse. Ngài là người bảo vệ tuyệt vời cho Đấng Cứu Thế và Đức Maria, suốt cuộc đời thánh nhân đã chăm sóc gia đình mình với tâm tình yêu mến, bảo vệ và gìn giữ với tấm lòng của một người cha khiêm tốn. Thánh Giuse là mẫu mực cho các chị em nữ tu noi theo lời mời gọi của ba lời khấn khó nghèo, vâng phục và khiết tịnh. Trong tâm tình của ngày lễ đặc biệt hôm nay, Đức Cha Phêrô cũng mời gọi cộng đoàn phụng vụ hướng tâm tình tạ ơn Thiên Chúa cùng với quý Dì MTG Mỹ Tho nhân ngày kim khánh, lời tạ ơn ấy không xuất phát từ những niềm vui, niềm hạnh phúc nhưng tâm tình tạ ơn ngay cả những lúc khó khăn, thử thách với một chặng đường mà Chúa đã thương ban để từng ngày Hội dòng MTG Mỹ Tho được lớn lên và trưởng thành như ngày hôm nay.
Trước khi nhận phép lành cuối lễ, Dì Maria Trần Thanh Thị Hoàng Oanh – Tổng phụ trách Hội dòng MTG Mỹ Tho nói lên tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, tri ân Đức Thánh Cha đã ưu ái cho phép Hội dòng được mở Năm Thánh. Cách đặc biệt Hội dòng tri ân Đức Cha Phêrô – người cha đầy lòng yêu thương, từng bước nâng đỡ và dìu dắt Hội dòng trong những năm tháng qua. Cùng với đó, Dì Tổng phụ trách cũng cảm ơn quý cha, quý bề trên, quý ân nhân và quý khách đã yêu thương, giúp đỡ cho Hội dòng trong suốt thời gian qua. Tiếp đến, là phần đáp từ của Đức Cha Phêrô rất ý nghĩa và vui tươi khi Ngài nói về Hội dòng MTG Mỹ Tho có nhiều cái nhất lắm, cụ thể có ba cái nhất mà ai cũng nhìn thấy, đó là: “nhỏ nhất” “nghèo nhất” và chắc chắn được nhiều người “thương nhất”, nên có nhiều người giúp đỡ cho Hội dòng có được như những gì chúng ta thấy, ngài khẳng định vì đây là dòng của Giáo phận, do đó việc giúp cho Hội dòng cũng chính là giúp cho Giáo phận.
Sau phần đáp từ của Đức Cha, cộng đoàn lãnh nhận phép lành tòa thánh nhân kỷ niệm 50 thành lập Hội dòng. Thánh lễ kết thúc lúc 11g00. Đức Cha cùng chụp hình lưu niệm với quý ha, quý Dì và quý khách.
4. Hồng Ân 60 Năm Hiện Diện
Bài Viết Sr. Cécile Bích Liên
Hình ảnh: Sr. Agnès Thu Hà
(WGPMT) “Sự quý giá của ơn gọi Thánh Giuse: Thánh Giuse trưởng thành trong suy nghĩ và đức tin, sẵn sàng bỏ ý riêng, chọn ý Chúa, đón nhận Mẹ Maria, bào thai Giêsu; và ngài đã dùng cả cuộc đời phục vụ Mẹ Maria và Chúa Giêsu.” Đó là lời chia sẻ của Đức Cha Giuse trong thánh lễ trọng thể kính Thánh Giuse và tạ ơn 60 thành lập Tỉnh dòng Mỹ Tho.
Vào lúc 10g00 ngày19.03.2024, tại Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho, tọa lạc 14 Hùng Vương, phường 7, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Đức Cha Giuse Trần Văn Toản - Giám mục Giáo phận Long Xuyên đã chủ sự Thánh lễ mừng kỷ niệm 60 năm Tỉnh dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho hiện diện tại vùng Đồng bằng sông nước Cửu Long. Đồng tế với ngài có 35 linh mục từ những nơi các chị em Phaolô phục vụ. Tham dự thánh lễ có quý Soeurs Phaolô Tỉnh dòng Mỹ Tho và Sài Gòn, quý tu sĩ, 110 thân hữu Phaolô và hơn 400 thân nhân và ân nhân.
Trước Thánh lễ, Đức Cha Giuse và quý khách thăm Nhà truyền thống của Tỉnh dòng. Sau đó, Đức Cha đã dành 1 giờ thuyết trình đề tài “Thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng ở vùng ngoại biên”. Đức Cha lấy hình ảnh Chân Phước Damien, nhà truyền giáo tuyệt vời của người hủi, trên đảo Molokai - Hawaii, để minh họa thế nào là loan báo Tin Mừng ở vùng ngoại biên. Ngài cũng nhắc đến những nữ tu Phaolô người Pháp đầu tiên đặt chân lên đất Việt. Quả là sự quý giá vô cùng của ơn gọi thừa sai đã khai sinh ra 4 Tỉnh dòng Phaolô Việt Nam: Sài Gòn –1861; Hà Nội - 1883; Đà Nẵng - 1960 và Mỹ Tho - 1964.
Nói đến việc loan báo Tin mừng ở vùng ngoại biên, những Nữ tu Phaolô Việt Nam không thể không kể đến Mẹ Benjamin – một nữ tu thừa sai người Pháp thật tuyệt vời. Như Chân Phước Damien, Mẹ đáng kính Benjamin đã từ bỏ nước Pháp đến Sài Gòn năm 1861. Nếu Chân phước đáng kính Damien là anh hùng của những người hủi trên đảo Molokai, Hawaii thì Mẹ Benjamin (1821 – 1884) là vị thừa sai năng động, sáng tạo, giàu nghị lực, tràn đầy Thần Khí. Noi gương Thánh Giuse, Mẹ đã bỏ ý riêng, đón nhận ý Chúa mọi nơi mọi lúc, và đã dâng hiến cả cuộc đời dâng mình cho Chúa vì “ lợi ích Giáo hội và công ích tha nhân” . Ngày nay hơn 1.700 nữ tu Phaolô Việt Nam thừa hưởng di sản tinh thần quý giá của các bậc tiền nhân, sẵn sàng đến những vùng ngoại vi loan báo Tin mừng, bất chấp những khó khăn, thách đố của thời đại.
Tạ ơn Chúa và tri ân quý Mẹ cùng các Soeurs nguyên Giám Tỉnh cùng quý Chị đi trước đã gieo trồng những hạt giống tốt để có mùa gặt như lòng Chúa ước mong: Tỉnh dòng Mỹ Tho đã có 29 Cộng đoàn, 14 điểm sứ vụ tại bốn Giáo phận: Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ và Long Xuyên với 203 nữ tu khấn trọn và 27 khấn sinh.
Sau lời nguyện hiệp lễ, Soeur Giám Tỉnh đại diện cộng đoàn phụng vụ chúc mừng bổn mạng Đức Cha Giuse, quý cha Giuse cùng tất cả quý khách nhận thánh Giuse làm thánh quan thầy hôm nay. Kế đến, Soeur bày tỏ lòng tri ân đến Đức Cha Phêrô – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho, Đức Cha Giuse, quý Đức Cha trong bốn Giáo phận có chị em Phaolô Mỹ Tho phục vụ, quý cha TĐD, quý cha giáo, quý cha Quản hạt, quý cha đồng tế. Soeur xin Đức Cha, quý cha, quý phụ huynh, quý thân hữu Phaolô và cộng đoàn phụng vụ tiếp tục yêu thương nâng đỡ Tỉnh dòng Mỹ Tho nhỏ bé và chị em trong mọi sứ vụ.
Thánh lễ kết thúc lúc 11g25, sau đó Đức Cha Giuse, quý cha cùng chụp hình lưu niệm với quý Soeurs.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/dong-thanh-phaolo/hong-an-60-nam-hien-dien-40927.html
5. Giáo phận Mỹ Tho: Thánh lễ làm phép dầu
Bài viết: Anna Linh Phương
Hình: Gioan Linh
BTT Gp. Mỹ Tho
(WGPMT) - Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ sự Thánh lễ Làm Phép Dầu tại Nhà thờ Chánh toà - Giáo phận Mỹ Tho số 32 đường Hùng Vương, phường 7, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang.
Vào lúc 09g30 sáng Thứ Tư Tuần Thánh ngày 27.03.2024, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho đã cử hành thánh lễ Làm Phép Dầu tại Nhà thờ Chánh tòa. Đồng tế với ngài có sự hiện diện của linh mục đoàn giáo phận, hiệp dâng trong thánh lễ còn có quý tu sĩ và cộng đoàn giáo dân.
Theo lời dẫn đầu lễ, trong thánh lễ làm phép dầu, Đức Giám mục sẽ long trọng làm phép Dầu Bệnh nhân, Dầu Dự tòng và thánh hiến Dầu Thánh. Đây là dịp quan trọng để các thành phần Dân Chúa tái khám phá ý nghĩa của Dầu Thánh trong đời sống ơn gọi của mình. Đồng thời, lễ làm phép dầu còn có mục đích tưởng niệm việc Chúa Giêsu thiết lập bí tích Truyền Chức thánh, lập chức linh mục, nên các linh mục lặp lại lời hứa trong ngày lãnh nhận chức thánh.
Trong bài giảng Đức Cha Phêrô đã chia sẻ, nhờ việc xức dầu thánh ghi ấn tín đặc thù trên các linh mục làm cho các linh mục nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Ngài nhắc nhở các linh mục cần cẩn trọng trong lời nói, việc làm bởi linh mục là người đại diện Đức Kitô. Lời nói của linh mục là lời chân lý, lời công bố, lời giảng dạy. Lời nói của linh mục sẽ băng bó vết thương cho tâm hồn, cũng là lời ân xá cho tội nhân. Những lời nói ấy luôn luôn đi đôi với việc làm, với đôi bàn tay linh mục được xức dầu thánh hiến bằng quyền năng Chúa sẽ thánh hóa, tha thứ và chữa lành cho đoàn dân được giao phó. Cội nguồn luân lý của lời nói và hành động đó là trái tim yêu thương như trái tim Chúa Giêsu, muốn lời nói và hành động xứng hợp thì linh mục phải cầu nguyện không ngừng, uốn lòng luôn và gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu. Đức cha nhấn mạnh, khi lặp lại lời hứa ngày mình chịu chức là khơi dậy đặc sủng của ơn gọi cao cả của thiên chức linh mục, nhờ đó lời nói, việc làm của người linh mục được ấm lại tâm tình của Đức Kitô, là một linh mục như lòng Chúa ước mong.
Sau đó, Linh mục đoàn cùng lặp lại lời tuyên hứa trong ngày lãnh nhận chức thánh.
Kế đến, Đức Giám Mục cử hành nghi thức làm phép Dầu:
Dầu Dự Tòng (OS) dùng cho những người dự tòng để giúp họ chuẩn bị xứng đáng lãnh nhận Bí tích Rửa Tội.
Dầu Bệnh Nhân (OI) sẽ nâng đỡ bệnh nhân trong lúc đau yếu hoặc trợ lực cho những người già cả, cao niên.
Dầu Thánh (SC) được dùng để xức cho những người chịu Bí tích Rửa Tội, Bí tích Thêm Sức, Bí tích Truyền Chức thánh và khi thánh hiến bàn thờ.
Sau phần nghi thức làm phép dầu, thánh lễ được tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể như thường lệ.
Thánh lễ được kết thúc lúc 10 giờ 45 phút cùng ngày.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/gp-my-tho-thanh-le-lam-phep-dau-40956.html
TIN GIÁO HỘI VIỆT NAM
1. Đức Hồng Y Giorgio Marengo viếng thăm và tri ân Giáo hội Công giáo Việt Nam
Đắc Quyền
WGPSG (17.03.2024) – “Chúng con đến đây để tri ân lòng yêu mến của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, các cha của Giáo hội Việt Nam đối với Giáo hội Mông Cổ trong sự kiện Đức Thánh Cha Phanxicô tông du Mông Cổ vào tháng 9 năm 2023” - Đức Hồng Y (ĐHY) Giorgio Marengo, Giám mục Phủ doãn tông tòa Ulaanbaatar - Mông Cổ đã chia sẻ sau thánh lễ chiều thứ Bảy 16.03.2024 tại Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.
Trước Thánh Lễ, Đức Tổng Giám Mục (ĐTGM) Giuse Nguyễn Năng cùng Đức Giám mục (ĐGM) phụ tá Giuse Bùi Công Trác, linh mục (Lm) Ignatio Hồ Văn Xuân - Tổng Đại diện TGP Sài Gòn, Lm Phêrô Đỗ Duy Khánh - phó xứ Giáo xứ Chính Toà Đức Bà Sài Gòn, đã tiếp đón ĐHY Giorgio Marengo tại công viên trước Nhà thờ.
ĐHY Giorgio Marengo đã cùng hiệp dâng thánh lễ do ĐTGM Giuse Nguyễn Năng chủ tế.
Trước khi bắt đầu thánh lễ, ĐTGM Giuse đã có đôi lời giới thiệu ĐHY Giorgio Marengo với cộng đoàn dân tham dự Thánh lễ Chúa nhật thứ 5 Mùa Chay:
“ĐHY đến từ đất nước Mông Cổ bao la, rộng lớn, dân cư thưa thớt chỉ có 3 triệu dân, trong đó có rất ít người dân theo Công giáo mặc dù Tin Mừng đã xuất hiện tại đây 1000 ngàn năm trước.
Cho tới 30 năm gần đây, thông qua các tu sĩ truyền giáo, đời sống Hội Thánh tại quốc gia này mới có bắt đầu có sự phục hồi một cách chậm chãi. Từng người đã được lãnh nhận bí tích Rửa tội để trở thành một cộng đoàn với 1500 người đã được rửa tội.
Do số giáo dân quá ít, chưa đủ để thành lập cấp giáo phận nên tại Mông Cổ mới thiết lập Phủ doãn tông toà và ĐHY đảm trách việc Đại diện phủ doãn tông toà cho Toà Thánh Vatican tại nơi đây. Đồng thời ngài cũng là Giám mục điều hành hoạt động của Giáo hội Mông Cổ, tiếp tục thực hiện sứ mạng truyền giáo tại đất nước rộng lớn này.
Trong thánh lễ cử hành chiều 16.3.2024 hôm nay, chúng ta cùng hiệp thông cầu nguyện cho ngài cũng như cho đất nước Mông Cổ, cho Giáo hội tại Mông Cổ để Tin Mừng được lan rộng nơi đây và đất nước Mông Cổ phát triển để cuộc sống tốt đẹp hơn.”
Trong bài giảng lễ, Đức Tổng Giuse đã đặt câu hỏi với cộng đoàn “Tại sao Chúa chịu đau khổ và Chúa chịu chết như thế nào?” và Đức Tổng đã giải thích:
Vì Thiên Chúa muốn ký kết một giao ước mới để giao hoà con người với Chúa bằng chính máu của Đức Giêsu trong cái chết của Người. Đối diện với cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu cũng đã sợ hãi, nhưng Ngài vẫn một lòng vâng phục. Thời khắc mà Chúa Giêsu phải chịu khổ nạn chính là lúc con người được vinh quang, Chúa Giêsu được tôn vinh và Chúa Cha cũng được tôn vinh, vì đây chính là lúc Thiên Chúa biểu lộ trọn vẹn tình yêu thương của Người cho chúng ta.
Kết thúc bài giảng Đức Tổng nhấn mạnh: Chúa mời gọi mọi người đi theo Chúa trong mầu nhiệm khổ nạn để tới đỉnh vinh quang.
Vào cuối Thánh lễ, ĐHY Giorgio Marengo đã cám ơn Giáo hội Công giáo Việt Nam vì đã đồng hành cùng Giáo hội Công giáo Mông Cổ trong dịp đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến tông du của ngài tới đất nước này vào năm 2023.
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ĐHY muốn biểu lộ tình huynh đệ trong Chúa Giêsu giữa hai Giáo hội. Đây cũng là chuyến đi hành hương của ngài tới một đất nước có nhiều truyền thống văn hoá tốt đẹp và một lịch sử truyền giáo đầy thách thức nhưng đã vượt qua và phát triển cho đến ngày hôm nay.
ĐHY nói: Giáo hội Mông Cổ mong muốn được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm từ Giáo hội Việt Nam trong công việc truyền giáo. Ngài cũng mong muốn cộng đoàn dân Chúa tại Việt Nam cầu nguyện cho Giáo hội Mông Cổ trong công cuộc truyền giáo còn nhiều điều mới mẻ, bỡ ngỡ được thuận lợi hơn trong thời gian sắp tới.
Sau lời tri ân, ĐHY đã tặng ĐTGM Giuse Nguyễn Năng món quà đơn sơ là bản đồ Mông Cổ trên 1 tấm khăn màu xanh da trời, thể hiện bầu trời luôn trong xanh của xứ sở có những vùng thảo nguyên xanh trải dài như vô tận.
Kết thúc thánh lễ, ĐHY Giorgio Marengo đã cùng chụp ảnh lưu niệm với ĐGM Giuse, ĐGM phụ tá và linh mục Tổng đại diện và các cha phó nhà thờ Chính tòa Sài Gòn.
Sau Thánh lễ, Ban truyền Thông Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ĐHY Giorgio Marengo.
Đôi nét về ĐHY Giorgio Marengo:
- Sinh ngày 7 tháng 6 năm 1974 tại Cuneo, Ý.
- Vĩnh khấn theo Dòng Thừa sai Consolata ngày 24 tháng 6 năm 2000.
- Được truyền chức linh mục vào ngày 26 tháng 5 năm 2001 và tới Mông - Cổ thực hiện các mục vụ truyền giáo từ năm 2003.
- Ngày 2 tháng 4 năm 2020, Giáo hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm linh mục Marengo làm Đại diện phủ doãn tông tòa Ulaanbaatar và Giám mục hiệu tòa Castra Severiana. Lễ tấn phong giám mục cho ngài được cử hành ngày 8 tháng 8 năm 2020.
- Ngày 29 tháng 5 năm 2022, ngài được Đức Giáo Hoàng công bố nhận tước vị Hồng y và nghi thức này đã được cử hành vào ngày 27 tháng 8 cùng năm.
- Ngài hiện là Đức Hồng Y trẻ tuổi nhất (50 tuổi) của Giáo hội Công Giáo Hoàn Vũ, tính tới thời điểm 2024.
Nguồn: tgpsaigon.net
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/duc-hong-y-giorgio-marengo-vieng-tham-va-tri-an-giao-hoi-cong-giao-viet-nam-40912.html
TIN GIÁO HỘI HOÀN VŨ
WHĐ (03.03.2024) – Hướng về Ngày Thế giới Trẻ em lần thứ I sẽ diễn ra tại Roma vào ngày 25 – 26.05 sắp tới, hôm mồng 02.03, phòng Báo chí Toà thánh đã cho công bố Sứ điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô dành cho ngày này.
Được biết, ý tưởng Ngày Thế giới Trẻ em nảy sinh vào ngày 06.11.2023, khi Đức Thánh Cha gặp 8.000 em thiếu nhi tại Đại thính đường Phaolô VI. Sau đó vào ngày 08.12, ngài đã công bố thiết lập ngày này, nhằm làm cho cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo hoàng và trẻ em trở thành một sự kiện thường xuyên. Do Bộ Văn hóa và Giáo dục cổ võ và thực hiện, ngày này sẽ là cơ hội để nhiều trẻ em trên thế giới trải nghiệm bầu khí thiêng liêng và cơ hội xây dựng Giáo hội.
Được diễn ra trong năm cầu nguyện, với chủ đề “Này đây Ta đổi mới mọi sự”, các trẻ em tuổi từ 6 đến 12 khắp nơi trên thế giới được mời đến Roma để gặp gỡ, chia sẻ chứng từ, vui chơi văn nghệ, đồng thời tham dự các cử hành và cầu nguyện cùng với Đức Thánh Cha trong 2 ngày 25 và 26.05.2024. Ngày này cũng được tổ chức tại mỗi Giáo hội địa phương.
Sau đây là toàn văn Việt ngữ Sứ điệp của Đức Thánh Cha:
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: press.vatican.va (02. 03. 2024)
(Nguồn: WHĐ)
Link nội dung đầy đủ: http://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/su-diep-duc-thanh-cha-cho-ngay-the-gioi-tre-em-lan-thu-i-nam-2024-nay-day-ta-doi-moi-moi-su-kh-215-40856.html.
2. ĐTC Phanxicô nói với trẻ em: Thay đổi thế giới bắt đầu từ lời chào hỏi, xin phép, xin lỗi và cảm ơn
Trong Sứ điệp cho Ngày Thế giới Trẻ em lần thứ nhất, được Vatican công bố ngày 2/3/2024, Đức Thánh Cha khuyến khích các em hiệp nhất với nhau và trên hết là hiệp nhất với Chúa Giêsu để đổi mới chính mình và thế giới. Ngài nói rằng chúng ta có thể thay đổi thế giới bắt đầu từ những điều đơn giản như nói lời chào hỏi, xin phép, xin lỗi và cảm ơn.
Vatican News
Vào ngày 8/12 năm ngoái (2023) Đức Thánh Cha đã công bố thiết lập Ngày Thế giới Trẻ em để cho cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và trẻ em trở thành một sự kiện thường xuyên. Ngày Thế giới Trẻ em lần thứ nhất sẽ được tổ chức tại Roma trong hai ngày 25 và 26/5/2024, có chủ đề “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5).
Đức Thánh Cha viết rằng ngài muốn nói với “từng” em bởi vì mỗi người đều quý giá đối với Thiên Chúa. Đồng thời ngài ngỏ lời với “tất cả” các em, bởi vì “mọi trẻ em, ở khắp mọi nơi, đều là dấu chỉ của ước muốn phát triển và đổi mới chính mình”.
Ngài nhắc các trẻ em rằng các em là nguồn vui cho cha mẹ và gia đình, của gia đình nhân loại, và của Giáo hội. Ngài khuyến khích các em chú ý đến các câu chuyện mà người lớn kể cho các em.
Nhớ đến các trẻ em đang đau khổ
Tiếp đến, Đức Thánh Cha khuyến khích các em đừng quên các trẻ em đang đau khổ và sống trong hoàn cảnh khó khăn, trong đó có các bạn đang phải chiến đấu với bệnh tật, ở bệnh viện hay ở nhà, và một số đang bị “cướp đi tuổi thơ một cách tàn nhẫn”. Đó là những trẻ em “nạn nhân của chiến tranh và bạo lực, những trẻ phải chịu đói khát, những trẻ sống trên đường phố, những trẻ bị buộc phải đi lính hoặc phải chạy trốn như những người tị nạn, bị tách khỏi cha mẹ, những trẻ không được đến trường, và những em trở thành nạn nhân của các băng nhóm tội phạm, ma túy hoặc các hình thức nô lệ và lạm dụng khác”.
Hiệp nhất với nhau và trên hết là với Chúa Giêsu
Đức Thánh Cha nhắc nhở các em rằng cần phải hiệp nhất với nhau và trên hết là với Chúa Giêsu, bởi vì “với Chúa Giêsu, chúng ta có thể mơ về một gia đình nhân loại mới và dấn thân xây dựng một xã hội huynh đệ hơn, lưu tâm hơn đến ngôi nhà chung của chúng ta”. Ngài giải thích rằng chúng ta có thể làm những việc này bắt đầu từ những điều đơn giản, ví dụ như nói lời chào hỏi với người khác, cũng như lời xin phép, lời xin lỗi, và lời cảm ơn”.
Đọc kinh Lạy Cha, mỗi sáng và mỗi tối, với gia đình
Và Đức Thánh Cha tỏ lộ với các trẻ em một bí quyết để được hạnh phúc, đó là cầu nguyện. Ngài giải thích: “Cầu nguyện lấp đầy tâm hồn chúng ta bằng ánh sáng và sự ấm áp, đồng thời giúp chúng ta làm mọi việc với sự tự tin và thanh thản”. Ngài mời gọi các em chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ ở Roma vào tháng 5 tới đây bằng việc cầu nguyện với kinh Lạy Cha, vào mỗi sáng và mỗi tối, cũng như đọc trong gia đình, với cha mẹ, anh chị em và ông bà của các em. (CSR_947_2024)
(Nguồn: RV)
Link nội dung đầy đủ: http://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-noi-voi-tre-em-thay-doi-the-gioi-bat-dau-tu-loi-chao-hoi-xin-phep-xin-loi-va-cam-on-40858.html
3. Phản ứng của các Giám mục Pháp về việc nước này đưa "quyền" phá thai vào Hiến pháp
Hội đồng Giám mục Pháp tái khẳng định sự phản đối về việc quy định “quyền” phá thai trong Hiến pháp Pháp, khi Thượng viện và Quốc hội chuẩn bị thông qua một dự luật mới. Các ngài mời gọi tín hữu cầu nguyện để người dân Pháp "sẽ tìm lại được hương vị của sự sống, của việc cho đi, của việc đón nhận nó, của việc đồng hành với nó, của việc sinh sản và nuôi dạy con cái”.
Vatican News
Thứ Hai ngày 4/3/2024 đã trở thành ngày “lịch sử” đối với Pháp khi với cuộc bỏ phiếu cuối cùng của Quốc hội lưỡng viện tại Versailles, Pháp đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ghi quyền phá thai vào Hiến pháp của mình.
Việc phá thai đã được hợp pháp hóa ở Pháp vào năm 1975 dưới thời Tổng thống Valéry Giscard d'Estaing. Dự luật mới - muốn sửa đổi Điều 34 của Hiến pháp bằng cách đưa vào Hiến pháp việc bảo đảm quyền tự do của phụ nữ trong việc phá thai - đã được trình lên Hội đồng Bộ trưởng vào tháng 12/2023 bởi bà Élisabeth Borne, khi đó là Thủ tướng Pháp. Sau khi Hạ viện Pháp đã thông qua đề xuất vào tháng 1 với đa số phiếu áp đảo, vào ngày 29/2/2024, đề xuất này đã được Thượng viện Pháp thông qua trong phiên đầu tiên và không có sửa đổi nào (267 phiếu thuận, 50 phiếu chống).
Để có được sự phê chuẩn cuối cùng, dự luật phải có sự bỏ phiếu của 3/5 số nghị sĩ đã họp trong phiên họp toàn thể của Quốc hội. Chiều ngày 4/3/2024, 780 đại biểu và thượng nghị sĩ đã thông qua việc đưa vào điều 34 của Hiến Pháp: “Luật xác định các điều kiện đảm bảo sự tự do của phụ nữ trong việc thực hiện chấm dứt thai kỳ tự nguyện”. Chỉ có 72 đại biểu bỏ phiếu chống.
Theo chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron, biện pháp mới này là phản ứng đối với việc Hoa Kỳ rút lại cái gọi là quyền phá thai, sau khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ vào năm 2022 đã lật ngược phán quyết Roe vs Wade, là phán quyết cho phép phá thai trên toàn nước Mỹ kể từ năm 1973.
Phản ứng của các Giám mục Pháp
Hiến pháp Pháp nên đặt “việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em làm trọng tâm”
Trong một tuyên bố được đưa ra vào tuần trước, Hội đồng Giám mục Pháp (CEF) đã bày tỏ “sự đau buồn” khi biết kết quả cuộc bỏ phiếu của Thượng viện vào thứ Tư, trong đó chỉ có 50 Thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống lại văn bản được đề xuất. Trong khi thừa nhận những khó khăn có thể buộc một số phụ nữ phải phá thai, các giám mục than thở rằng “các biện pháp hỗ trợ cho những người muốn giữ lại đứa con của họ” đã không được thảo luận trong cuộc tranh luận. Các ngài nhắc lại xác tín rằng việc phá thai “vẫn là một cuộc tấn công vào sự sống ngay từ đầu” và “không thể chỉ nhìn nhận từ góc độ quyền phụ nữ”. Theo các Giám mục Pháp, Hiến pháp Pháp nên đặt “việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em làm trọng tâm”. Các ngài tiếp tục đảm bảo sự gần gũi của họ với những “cha mẹ quyết định giữ con mình”, ngay cả trong những tình huống khó khăn, và yêu cầu tôn trọng “quyền tự do lương tâm của các bác sĩ và tất cả nhân viên y tế”, ca ngợi “lòng can đảm và sự cống hiến” của họ.
Bảo vệ thai nhi có liên hệ với bảo vệ quyền con người
Trước đó, trong một tuyên bố được đưa ra trong phiên họp toàn thể vào tháng 11/2023 với tựa đề “Tất cả sự sống là một món qua”, các giám mục Pháp đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với văn bản được đề xuất. Trích dẫn Tông huấn Evangelii Gaudium của Đức Thánh Cha Phanxicô, các ngài nhận xét rằng việc bảo vệ sự sống của các thai nhi “có mối liên hệ mật thiết với việc bảo vệ tất cả các quyền con người”.
“Cái chết dường như được bảo vệ hơn là sự sống được khuyến khích”
Trong những tuần qua, một số giám mục Pháp cũng đã đưa ra quan điểm công khai về vấn đề này. Đức Tổng Giám mục Olivier de Germay của Lyon đã tố cáo điều mà ngài gọi là “sự phủ nhận nền dân chủ”, nêu bật khó khăn “trong việc bày tỏ ý kiến về chủ đề này mà không gặp phải nguy cơ bị giới truyền thông nhắm đến”. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Công giáo La Croix, Đức Tổng Giám mục Pascal Wintzer của Poitiers đã than thở rằng: “Cái chết dường như được bảo vệ hơn là sự sống được khuyến khích”.
Cầu nguyện để người dân Pháp tìm lại được hương vị của sự sống
Hôm thứ Hai ngày 4/3/2024, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp đã đưa ra một tuyên bố mới trước cuộc bỏ phiếu cuối cùng ở Versailles, mời gọi người Công giáo trên khắp đất nước tham gia cầu nguyện và ăn chay cho việc tu chỉnh hiến pháp được bãi bỏ. Các ngài nói: “Là người Công giáo, chúng ta phải tiếp tục phục vụ sự sống từ khi thụ thai cho đến khi chết, trở thành những nghệ nhân tôn trọng mỗi con người, vốn luôn là một món quà được trao cho tất cả những người khác, và hỗ trợ những người chọn giữ lại đứa con của mình ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn”. Các ngài lưu ý rằng Pháp là quốc gia châu Âu duy nhất có số ca phá thai không giảm mà thậm chí còn tăng lên trong hai năm qua. Các giám mục Pháp kết luận: “Chúng ta hãy cầu nguyện để đồng bào của chúng ta sẽ tìm lại được hương vị của sự sống, của việc cho đi, của việc đón nhận nó, của việc đồng hành với nó, của việc sinh sản và nuôi dạy con cái”.
"Sự sống không có vấn đề gì. Chính cái chết và sự phủ nhận sự sống đã tạo ra vấn đề"
Trang tin tức trực tuyến SIR của Hội đồng Giám mục Ý đã có cuộc trò chuyện với Đức cha Antoine Hérouard, Tổng Giám mục của Dijon và Phó Chủ tịch Uỷ ban các Hội đồng Giám mục của Liên minh Âu châu, gọi tắt là COMECE. Đức cha nhận định rằng “Chúng ta đánh mất ý thức về giá trị của sự sống. Và nó sẽ bị mất đi khi đối với một số tình huống nhất định và đối với một số người, nó trở thành một vấn đề”. Nhưng theo Đức cha, “Sự sống không có vấn đề gì. Chính cái chết và sự phủ nhận sự sống đã tạo ra vấn đề. Do đó chúng ta phải giúp sự sống phát triển, được chào đón và đồng hành”.
Cuộc phỏng vấn Đức Tổng Giám mục giáo phận Dijon
** Thưa Đức Cha, tại sao các Giám mục lại nói không?
- Bởi vì chúng tôi ủng hộ sự sống. Vấn đề không nằm ở bản thân luật phá thai cho bằng ở thực tế là các vấn đề cơ bản không được giải quyết. Khi luật do Simone Veil đưa ra năm 1974 lần đầu tiên được bỏ phiếu, người ta tuyên bố rằng luật này được đưa ra để chấm dứt một tình huống nguy hiểm lớn.
Và ngược lại chúng ta thấy số ca phá thai ngày càng gia tăng và ngày nay nó đã đạt con số cao nhất từ trước đến nay. Ở Pháp, chúng ta có 235.000 ca phá thai mỗi năm. Đây là một con số rất lớn.
** Ngài muốn nói điều gì khi nói đến “các vấn đề cơ bản”?
- Không ai, không đảng phái nào ngày nay đặt vấn đề về quyền tự do lựa chọn. Không có nguy hiểm về điểm này. Đúng hơn, vấn đề là tìm hiểu xem tại sao rất nhiều phụ nữ đã và đang tiếp tục sử dụng phương pháp phá thai. Đây là hành vi nghiêm trọng, gây hậu quả sâu sắc, trong đó có hậu quả về tâm lý đối với nhiều phụ nữ.
** Với quyết định của Quốc hội hôm nay, việc phá thai trở thành một phần của hiến pháp. Đó là một quyết định lịch sử đối với nước Pháp. Đối với các ngài, điều gì không thuyết phục?
- Việc đưa quyền tự do này vào Hiến pháp, vì Hiến pháp đúng hơn là khuôn khổ pháp lý cho sự vận hành của nhà nước dân chủ. Vấn đề không phải là đưa tất cả các luật vào trong Hiến pháp. Đây cũng là lý do tại sao các giám mục không ủng hộ.
** Các Giám mục đã nhận xét rằng việc phá thai “không thể chỉ được nhìn nhận từ quan điểm về quyền phụ nữ”.
- Đúng, chúng tôi đã nói rằng vấn đề không thể tranh luận chỉ bắt đầu từ quyền của phụ nữ, đây rõ ràng là một điều rất quan trọng, nhưng cũng có một sự sống bắt đầu và chúng ta không nói đến nó.
** Ngài là đại diện giám mục người Pháp tại COMECE. Theo ngài, quyết định này của Pháp gửi tới châu Âu thông điệp gì?
- Quyết định này được đưa vào cấp độ Châu Âu nhằm đưa quyền tự do phá thai này vào Hiến chương về các Quyền Cơ bản của Châu Âu. Nhưng chúng ta thấy rằng tình hình rất khác nhau giữa các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu. Ví dụ, chúng tôi biết rằng việc phá thai thậm chí còn bị cấm ở Malta. Nó thậm chí không phải là vấn đề của luật pháp Châu Âu, bởi vì các vấn đề liên quan đến vấn đề đạo đức và gia đình chỉ phụ thuộc vào luật pháp quốc gia. Tuy nhiên, chính phủ Pháp và Tổng thống Macron đã nỗ lực thực hiện các động thái tiếp theo như một tín hiệu ở cấp độ quốc tế.
** Các ngài với tư cách là các giám mục đang nói chuyện với một xã hội ngày càng thế tục và phi Kitô giáo ở Châu Âu. Và lời nói của các ngài thường bị đánh giá là bảo thủ và truyền thống. Các ngài phản ứng thế nào với những quan sát này?
- Đây không phải là việc đánh giá những phụ nữ yêu cầu phá thai, bởi vì chúng tôi biết rằng đằng sau việc đó thường có những tình huống khó khăn và đa dạng. Điều chúng tôi muốn nói là phá thai không thể chỉ là một biện pháp tránh thai. Phá thai luôn là một hành vi nghiêm trọng gây ra nhiều hậu quả trong cuộc đời người phụ nữ. Và chúng ta thường thấy điều đó ở những phụ nữ đã “ngừng mang thai” cách ý thức cách đây 20 hoặc 30 năm và sau đó đến với một linh mục để nói rằng đối với họ, trải nghiệm đó vẫn giống như một vết thương sâu. Do đó, điều chúng tôi muốn nói là chiều kích này của phá thai không thể chỉ được coi là một quyền mà thôi. Đó là một điều thâm sâu liên quan đến phụ nữ và cả người nam.
** Điều gì khiến các ngài - Giáo hội ở Châu Âu - lo lắng nhất khi phải đối mặt với các dự án chính trị liên quan đến những lĩnh vực sâu thẳm nhất của sự sống con người?
- Những gì chúng ta thấy ngày nay ở các xã hội châu Âu là nhu cầu gần như vô hạn về quyền cá nhân nhằm đảm bảo những gì tôi muốn làm, khi nào tôi muốn làm và tôi muốn làm như thế nào mà không xem xét đến khía cạnh xã hội và tập thể trong hành động của tôi và hậu quả của nó đối với người khác.
Ví dụ, nếu chúng ta khẳng định khả năng giúp cho ai đó chết thông qua việc trợ tử, thì lựa chọn này sẽ gây ra hậu quả gì đối với những người yếu đuối nhất đang bị bệnh? Họ có thể nghĩ gì? Rằng phải chăng sự sống của họ không còn giá trị gì nữa và thực sự là một gánh nặng? Do đó, vấn đề là phải hiểu xem sự chú ý đến những người yếu đuối nhất và không có khả năng tự vệ nhất, dù ở giai đoạn đầu hay cuối cuộc đời, có vẫn còn có vai trò trong sự hiểu biết của chúng ta về sự sống con người không.
** Là các Giám mục ngày nay, các ngài có cảm thấy cô đơn và cô lập hơn không?
- Trong thực tế, hầu như không có gì thay đổi. Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là xem xã hội thực sự làm gì để giúp phụ nữ tránh rơi vào hoàn cảnh khó khăn này và xem việc phá thai được phép ở mức độ nào. Lúc đầu ở Pháp là 10 tuần, sau đó chuyển sang 12 tuần và bây giờ là 14 và trong khi đó, số lượng bác sĩ sẵn sàng làm việc đó không tăng lên, vì họ thấy rằng nó ngày càng trở nên khó khăn và phức tạp ngay cả về mặt kỹ thuật. Tất cả những điều này cũng đặt ra một vấn đề nghiêm trọng để họ hiểu được sứ mạng của họ là sứ mạng giúp đỡ mọi người chứ không phải hủy diệt sự sống.
(Nguồn: RV)
Link nội dung đầy đủ: http://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/phan-ung-cua-cac-giam-muc-phap-ve-viec-nuoc-nay-dua-quyen-pha-thai-vao-hien-phap-40864.html
4. Đức Thánh Cha chủ sự nghi thức thống hối Mùa Chay
Chiều thứ Sáu, ngày 08/03, Đức Thánh Cha đã chủ sự nghi thức thống hối trong bối cảnh sáng kiến “24 giờ cho Chúa” tại giáo xứ Thánh Piô V ở Roma. Trong bài giảng ngài nói Bí tích Hoà giải không phải là một thực hành đạo đức, nhưng là nền tảng của đời sống Kitô hữu; không phải là vấn đề biết cách nói rõ tội, nhưng nhìn nhận mình là tội nhân và lao mình vào vòng tay của Chúa Giêsu chịu đóng đinh để được giải thoát; không phải là một cử chỉ luân lý, nhưng là sự phục sinh của tâm hồn.
Vatican News
Đây là lần thứ 11 sáng kiến “24 giờ cho Chúa” được cử hành. Vào lúc 4 giờ 15 phút chiều, từ Nhà trọ Thánh Marta, Đức Thánh Cha đến giáo xứ và chủ sự nghi thức thống vào lúc 4 giờ 30 chiều.
Sau phần phụng vụ Lời Chúa, ngài bắt đầu bài giảng với đoạn thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma: “Vì được dìm mình vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,4).
Đời sống mới được sinh ra từ Thánh tẩy
Đức Thánh Cha giải thích “đời sống mới” là một đời sống được sinh ra từ Bí tích Thánh tẩy, chúng ta được dìm mình trong cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu và điều này làm cho chúng ta trở thành con Chúa mãi mãi, những người con của sự phục sinh, hướng đến sự sống đời đời.
Thánh Phaolô liên kết đời sống mới với động từ bước đi. Như vậy, đời sống mới bắt đầu từ Thánh tẩy, là một con đường. Và với thời gian bước đi trên hành trình này, có lẽ chúng ta đã đánh mất tầm nhìn về cuộc sống thánh thiện tuôn chảy bên trong. Chúng ta tìm kiếm những nhu cầu mới lạ, nhưng chúng ta quên rằng đã có một đời sống mới đang chảy trong chúng ta và giống như than hồng dưới lớp tro đang chờ đợi để bùng lên ngọn lửa chiếu sáng mọi thứ.
Tro này lắng đọng trong tim che giấu vẻ đẹp khỏi tầm nhìn của tâm hồn. Rồi Thiên Chúa, trong đời sống mới là Cha đến với chúng ta. Thay vì phó thác, chúng ta lại mặc cả với Người, thay vì yêu mến chúng ta lại sợ hãi Người. Và với người khác, thay vì là anh chị em, là con của cùng một Cha, lại là những trở ngại và đối thủ: những khuyết điểm của họ dường như bị phóng đại và điều tốt nơi họ lại bị che khuất.
Thực tế, chúng ta không còn có thể nhìn thấy rõ chính mình bên trong, cảm thấy có một sức mạnh không thể ngăn cản làm điều ác mà chúng ta muốn tránh. Một vấn đề cho tất cả mọi người như Thánh Phaolô đã thú nhận “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự xấu tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Điều này cho thấy chúng ta vẫn đang đi trên con đường, chúng ta cần một dấu chỉ mới, một hướng đi giúp chúng ta tái khám phá con đường Thánh tẩy, vẻ đẹp ban đầu của chúng ta.
Đón nhận sự tha thứ của Chúa để tiếp tục bước đi
Đức Thánh Cha chỉ cách để tiếp tục hành trình đời sống mới: sự tha thứ của Chúa. Sự tha thứ của Chúa làm cho chúng ta trở nên mới. Người thanh tẩy chúng ta từ bên trong, làm cho chúng ta trở lại tình trạng được tái sinh trong Bí tích Thánh tẩy. Hiệu quả của ơn tha thứ của Chúa: Trả lại cho chúng ta một đời sống mới và một cái nhìn mới. Nhưng để điều này xảy ra chúng ta cần phải đến với Chúa với tâm hồn rộng mở và thống hối, như người mắc bệnh phong trong Tin Mừng đã xin Chúa “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Mc 1,40). Trong những ngày này chúng ta cần phải lặp lại điều này “Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể thanh tẩy con”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Chúa muốn điều này, bởi vì Chúa muốn chúng ta được đổi mới, tự do và cảm nhận sự nhẹ nhàng nội tâm, hạnh phục và bước đi, chứ không phải dừng lại trên những con đường cuộc sống. Chúa biết chúng ta dễ dàng vấp ngã, và muốn nâng chúng ta đứng dậy”.
Không từ chối ơn tha thứ của Chúa
Theo Đức Thánh Cha, chính vì điều này mà chúng ta không bao giờ được từ chối ơn tha thứ của Chúa, từ chối Bí tích Hoà giải. Đây không phải là một thực hành đạo đức, nhưng là nền tảng của đời sống Kitô hữu; đó không phải là vấn đề biết cách nói rõ tội, nhưng nhìn nhận mình là tội nhân và lao mình vào vòng tay của Chúa Giêsu chịu đóng đinh để được giải thoát; đó không phải là một cử chỉ luân lý, nhưng là sự phục sinh của tâm hồn. Vì thế, chúng ta hãy đi đón nhận sự tha thứ của Chúa.
Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người đón nhận đời sống mới, bằng cách đến với toà giải tội, thú nhận với Chúa những gì cũ kỹ trong tâm hồn mỗi người. Đó là phong cùi của tội lỗi đã làm hoen ố vẻ đẹp của chúng ta.
Xin ơn thanh tẩy
Đức Thánh Cha cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa muốn, Chúa có thể thanh tẩy con! Từ việc nghĩ rằng con không cần Chúa mỗi ngày: Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa muốn, Chúa có thể thanh tẩy con! Từ việc nghĩ rằng con không cần Chúa mỗi ngày: Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa muốn, Chúa có thể thanh tẩy con! Từ việc sống bình yên với sự dối trá của con, không tìm kiếm con đường dẫn đến tự do trong sự tha thứ của Chúa: Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa muốn, Chúa có thể thanh tẩy con! Khi những ý định tốt không được thực hiện trong thực tế, khi con trì hoãn việc cầu nguyện và gặp gỡ Chúa: Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa muốn, Chúa có thể thanh tẩy con! Khi con đối diện với sự ác, bất lương, giả dối, khi con phán xét người khác, khinh thường và nói xấu họ, phàn nàn về mọi người và mọi thứ: Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa muốn, Chúa có thể thanh tẩy con! Và khi con chỉ hài lòng với việc không làm điều xấu, nhưng con lại không làm điều tốt bằng cách phục vụ trong Giáo hội và xã hội: Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa muốn, Chúa có thể thanh tẩy con! Vâng, lạy Chúa Giêsu, con tin Chúa có thể thanh tẩy con, con tin con cần sự tha thứ của Chúa. Xin đổi mới con và con sẽ lại bước đi trong một cuộc sống mới.
(Nguồn: RV)
Link nội dung đầy đủ: http://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-chu-su-nghi-thuc-thong-hoi-mua-chay-40871.html
WHĐ (09.03.2024) – Sáng ngày mồng 07.03, Đức giáo hoàng Phanxicô đã dành cho các tham dự viên Hội nghị quốc tế “Phụ nữ trong Giáo hội: Những nghệ nhân của nhân loại” buổi tiếp kiến riêng.
Được biết, Hội nghị do Học viện Giáo hoàng Urbanô, Đại học Holy Cross, Đại học Católica de Ávila, và một số Đại học phối hợp tổ chức trong hai ngày 07- 08.03.2024 tại Roma dưới dạng trực tiếp và trực tuyến. Mục đích của sáng kiến này nhằm nêu bật những khía cạnh trong đó vai trò của phụ nữ như một “nghệ nhân” được thể hiện qua các hoạt động giáo dục, tâm linh, cổ vũ hòa bình và đối thoại,… trong bối cảnh Giáo hội hoàn vũ.
Vì vẫn còn bị cảm, nên sau lời chào ngắn gọn dành cho những người hiện diện, Đức Thánh Cha trao bài Diễn văn đã được soạn sẵn của ngài để Đức ông Pierluigi Giroli đọc thay.
Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài Diễn văn của Đức Thánh Cha:
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (07. 03. 2024)
(Nguồn: WHĐ)
Link nội dung đầy đủ: http://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dien-van-duc-thanh-cha-danh-cho-hoi-nghi-quoc-te-phu-nu-trong-giao-hoi---nhung-nghe-nhan-cua-nhan-loai-40881.html
6. Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi tới tham dự viên Hội thảo nhân kỷ niệm 750 ngày mất của Thánh Tôma Aquino
WHĐ (10.03.2024) – Để tôn vinh di sản của Thánh Tôma Aquino sau 750 năm ngày ngài qua đời, Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học Xã hội đã tài trợ tổ chức cuộc Hội thảo về chủ đề “Bản thể học xã hội và Luật tự nhiên theo quan điểm của Thánh Tôma Aquino. Tầm nhìn về và từ Khoa học xã hội” tại Roma trong 2 ngày 07-08. 03. 2024. Nhân dịp này, Đức giáo hoàng Phanxicô đã gửi tới các tham dự viên Hội thảo một Sứ điệp. Sau đây là toàn văn Việt ngữ Sứ điệp của Đức Thánh Cha:
SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GỬI TỚI THAM DỰ VIÊN HỘI THẢO:
“BẢN THỂ HỌC XÃ HỘI VÀ LUẬT TỰ NHIÊN THEO QUAN ĐIỂM CỦA THÁNH TÔMA AQUINO”
Link nội dung đầy đủ: http://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/su-diep-duc-thanh-cha-gui-toi-tham-du-vien-hoi-thao-nhan-ky-niem-750-ngay-mat-cua-thanh-toma-aquino-40880.html
7. ĐTC Phanxicô: Thiên Chúa đặt chúng ta làm người bảo vệ chứ không phải là ông chủ của trái đất
Trong cuộc tiếp kiến dành cho các tham dự viên hội nghị về “Tri thức của Người Bản địa và Khoa học” vào sáng thứ Năm ngày 14/3/2024, Đức Thánh Cha mời gọi kết hợp tri thức của người bản địa với khoa học để giúp tình huynh đệ và tình bạn xã hội phát triển trên thế giới, vượt qua xung đột theo cách bất bạo động và chống đói nghèo cũng như các hình thức nô lệ mới.
Hồng Thủy - Vatican News
Đức Thánh Cha nói: “Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và Cha của mọi người và của mọi loài hiện hữu, hôm nay mời gọi chúng ta sống và làm chứng cho ơn gọi của chúng ta hướng tới tình huynh đệ phổ quát, tự do, công lý, đối thoại, gặp gỡ lẫn nhau, yêu thương và hòa bình, tránh khơi dậy hận thù, oán hận, chia rẽ, bạo lực và chiến tranh”.
Ngài nói thêm: “Thiên Chúa đã đặt chúng ta làm những người bảo vệ chứ không phải làm chủ hành tinh: tất cả chúng ta đều được mời gọi hoán cải sinh thái (xem Laudato si', 216-221), dấn thân cứu lấy ngôi nhà chung của chúng ta và sống trong tình liên đới giữa các thế hệ để bảo vệ sự sống trong tương lai, thay vì lãng phí tài nguyên và gia tăng bất bình đẳng, bóc lột và hủy diệt”.
Kết hợp tri thức của người bản địa và khoa học
Đức Thánh Cha đã nói đến sự cộng tác khi lưu ý đến mục đích của hội nghị là kết hợp hai dạng kiến thức - của các dân tộc bản địa và của khoa học - để có cách tiếp cận toàn diện hơn, phong phú hơn, nhân đạo hơn đối với một số vấn đề quan trọng cấp bách, như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, các mối đe dọa đối với an ninh lương thực và sức khỏe, v.v.
Theo Đức Thánh Cha, hội nghị là cơ hội để phát triển việc lắng nghe: “lắng nghe người dân bản địa, học hỏi từ sự khôn ngoan và lối sống của họ, đồng thời lắng nghe các nhà khoa học, học hỏi từ nghiên cứu của họ”.
Nhìn nhận và tôn trọng sự phong phú của tính đa dạng
Hơn nữa, ngài nói tiếp, “hội thảo nghiên cứu này gửi một thông điệp tới các chính phủ và các tổ chức quốc tế, để họ nhìn nhận và tôn trọng sự phong phú của tính đa dạng trong đại gia đình nhân loại”. Ngài nhận định: “điều cần thiết là các dự án nghiên cứu khoa học, và các khoản đầu tư, ngày càng hướng tới việc thúc đẩy tình huynh đệ nhân loại, công lý và hòa bình, để các nguồn lực có thể được phân bổ một cách phối hợp nhằm đáp ứng những thách thức cấp bách đang ảnh hưởng đến ngôi nhà chung và gia đình các dân tộc”.
Hoán cải
Để đạt được mục tiêu này, Đức Thánh Cha khẳng định: “cần phải có một sự hoán cải, một tầm nhìn thay thế cho tầm nhìn đang đẩy thế giới tới chỗ xung đột ngày càng gia tăng”. (CSR_1127_20224)
(Nguồn: RV)
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-thien-chua-dat-chung-ta-lam-nguoi-bao-ve-chu-khong-phai-la-ong-chu-cua-trai-dat-40895.html
8. Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Ngày 14/3/2023, Báo Corriere della Sera - Người đưa tin chiều của Ý đã cho công bố một bản tóm cuốn tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô, với tựa đề “Cuộc sống. Câu chuyện của tôi trong Lịch sử”.
Vatican News
Tự truyện được thực hiện bởi Đức Thánh Cha với phóng viên Vatican Fabio Marchese Ragona, và sẽ được nhà xuất bản HarperCollins phát hành vào ngày 19/3 tới tại Mỹ và Âu châu, với những điểm đáng chú ý sau:
Thoát khỏi vụ đắm tàu
Ở điểm thứ nhất, Đức Thánh Cha nói về gia đình, nhấn mạnh đến việc gia đình thoát khỏi vụ đắm tàu trong chuyến di cư đến Argentina: Vào năm 1927, ông bà nội và cha của Đức Thánh Cha dự định rời cảng Genova ở Ý đến quốc gia châu Mỹ, nhưng do không thể xoay sở đủ tiền vé tàu, nên gia đình phải hoãn chuyến đi. Chính con tàu này sau đó đã bị đắm ngoài khơi bờ biển Brazil, với 300 người chết. Vào tháng 02/1929, gia đình lên tàu và sau hai tuần đến Argentina và được chào đón tại trung tâm tiếp nhận người di cư, một nơi theo Đức Thánh Cha không quá khác biệt so với những gì chúng ta nghe nói ngày nay.
Phim và bài hát Ý
Trong thời thơ ấu, cha mẹ của Đức Thánh Cha thường đưa con cái đến rạp chiếu phim ở khu phố để xem phim với nội dung sau chiến tranh. Vì thế ngài thấy tất cả những hậu quả của cuộc chiến. Ngài nhớ đặc biệt bộ phim nổi tiếng “Roma, Thành phố mở” và một số bộ phim khác về chiến tranh. Đức Thánh Cha cũng đề cập đến phim “La strada-Con đường”, không liên quan đến chiến tranh mà ngài xem khi đã lớn hơn và rất yêu thích.
Về âm nhạc, khi còn nhỏ vị Giáo hoàng tương lai rất thích bản “O sole mio-Mặt trời của tôi”, và “Dove sta Zazà- Zazà đang ở đâu”.
Hiroshima và Nagasaki
Câu chuyện được tiếp tục với chiến tranh hạt nhân, cụ thể là Hiroshima và Nagasaki. Đức Thánh Cha nói việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích chiến tranh là một tội ác chống lại nhân loại, chống lại phẩm giá con người và tương lai ngôi nhà chung. Ngài đặt câu hỏi: “Làm sao chúng ta có thể trở thành những người đấu tranh cho hoà bình và công lý nếu đồng thời chúng ta chế tạo vũ khí chiến tranh mới”.
Giáo viên Cộng sản
Đức Thánh Cha tiết lộ rằng ở đại học ngài có một giáo viên là người Cộng sản. Đó là một phụ nữ tuyệt vời, một người vô thần nhưng biết tôn trọng người khác. Thực vậy, mặc dù có ý kiến riêng nhưng không bao giờ nữ giáo sư này tấn công đức tin của người khác. Ngài đã được học nhiều điều từ người phụ nữ này, trong đó có những tác phẩm về Cộng sản.
Ngài cho biết chính vì thế sau khi được bầu chọn, có người nhận xét là ngài hay nói về người nghèo vì có lẽ ngài là một người cộng sản hoặc theo chủ nghĩa Macxit. Đức Thánh Cha khẳng định: “Nói về người nghèo không tự động có nghĩa là người cộng sản. Người nghèo là ngọn cờ của Tin Mừng và ở trong trái tim Chúa Giêsu. Trong các cộng đoàn Kitô, tài sản được chia sẻ: điều này không phải là chủ nghĩa cộng sản, đây là Kitô giáo trong sự thuần khiết”.
Bạn gái và tình yêu
Chủ đề tiếp theo được nói đến trong tự truyện của Đức Thánh Cha là “bạn gái và tình yêu”. Ngài chia sẻ trong thời chủng viện có lúc ngài cũng bị lệch hướng một chút, nhưng cho rằng đó là chuyện bình thường, nếu không chúng ta sẽ không phải là người. Trong quá khứ ngài đã có một bạn gái, một thiếu nữ rất dịu dàng, làm việc trong thế giới điện ảnh và sau đó đã kết hôn và có hai con. Và trong thời gian chủng viện, khi dự đám cưới của một người thân ngài đã bị hoa mắt bởi một thiếu nữ. Chính sự xinh đẹp và thông minh của cô đã làm cho đầu óc ngài quay cuồng. Trong một tuần hình ảnh của người này luôn ở trong tâm trí làm cho ngài khó cầu nguyện. Nhưng sau đó mọi chuyện qua đi, và ngài đã dâng hiến toàn thể xác và tâm hồn cho ơn gọi.
Phá thai “kẻ giết mướn”
Trong nhiều chủ đề, phá thai cũng là một chủ đề được Đức Thánh Cha nhấn mạnh. Ngài kêu gọi bảo vệ sự sống con người từ khi thụ thai đến khi chết, khẳng định sẽ không bao giờ mệt mỏi khi nói phá thai là giết người, một tội ác. Đó là một sự thất bại đối với những ai thực hiện và cả những người đồng phạm, và ngài gọi đó là “kẻ giết mướn”. Ngài còn lên án việc mang thai hộ, một việc làm vô nhân đạo đang lan rộng đe doạ phẩm giá con người, coi trẻ em như hàng hoá.
Lý do không xem TV
Trong cuốn sách Đức Thánh Cha nói về Maradona, Messi và đam mê bóng đá, nhưng giải thích tại sao không xem các trận đấu của Argentina trên TV: Ngày 15/7/1990, trong khi cùng với các tu sĩ khác xem TV, một cảnh tế nhị đã được phát sóng, điều không tốt cho tâm hồn. Không quá nguy hại nhưng khi trở về phòng riêng, ngài tự nhủ: “Một linh mục không thể xem những điều này”. Và ngày hôm sau, trong Thánh lễ kính Đức Mẹ núi Cát Minh, Đức Thánh Cha đã khấn không xem TV nữa.
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI bị khai thác
Đức Thánh Cha thú nhận rất đau lòng khi thấy hình ảnh Đức Giáo Hoàng Biển Đức bị khai thác cho các mục đích ý thức hệ và chính trị bởi những người bất lương, những người không chấp sự từ nhiệm của ngài, họ chỉ nghĩ đến lợi ích riêng. Để tránh những điều không hay, sau khi được bầu chọn, Đức Thánh Cha đã đến thăm Đức Biển Đức ở Castel Gandolfo. Ngài nói: “Chúng tôi cùng nhau quyết định rằng tốt hơn Đức Biển Đức không nên sống ẩn dật như ngài đã nghĩ ban đầu, nhưng nên gặp gỡ mọi người và tham gia vào đời sống của Giáo hội. Thật không may, điều này chẳng có tác dụng mấy vì đã không thiếu những cuộc bút chiến trong 10 năm qua và nó đã làm tổn thương cả hai chúng tôi”.
Những người đồng tính
Về những người đồng tính, Đức Thánh Cha nói ngài hình dung Giáo hội như một người mẹ ôm lấy tất cả mọi người, cả những người cảm thấy sai lầm và những người đã bị chúng ta phán xét trong quá khứ. Ở điểm này, Đức Thánh Cha xác nhận khi cho phép chúc lành cho các cặp không hợp lệ, ngài chỉ muốn nói rằng Thiên Chúa yêu thương mọi người, đặc biệt là những người tội lỗi. Và nếu các Giám mục anh em quyết định không đi theo con đường này, không có nghĩa là khởi đầu của một cuộc ly khai, bởi vì giáo lý của Giáo hội không bị đặt vấn đề. Hôn nhân đồng tính không được chấp nhận, nhưng các kết hợp dân sự thì được: “Đúng là những người sống hồng ân tình yêu này có thể được bảo vệ pháp lý như mọi người khác. Chúa Giêsu thường ra ngoài gặp gỡ những người sống bên lề, và đó là điều Giáo hội phải làm ngày nay đối với những người thuộc cộng đồng LGBTQ+, những người thường bị ở ngoài lề của Giáo hội: giúp họ cảm thấy như ở nhà, đặc biệt những người đã lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy và về mọi hiệu quả họ là thành phần của dân Chúa. Và bất cứ ai chưa lãnh nhận phép rửa và mong muốn lãnh nhận, hoặc những ai mong muốn trở thành cha mẹ đỡ đầu, xin cho họ được đón nhận điều này”.
Các cuộc tấn công
Về các cuộc tấn công, Đức Thánh Cha cho biết nếu ngài quan tâm đến tất cả những gì người ta nói và viết về ngài, thì mỗi tuần ngài phải đến gặp nhà trị liệu tâm lý. Nhưng ngài cảm thấy bị tổn thương khi có người nói “Đức Thánh Cha Phanxicô đang phá huỷ triều Giáo hoàng”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh ơn gọi của ngài trước hết là một linh mục, một mục tử. Và các mục tử phải ở giữa mọi người. Trong mật nghị năm 2013, có một mong muốn lớn thay đổi mọi thứ, từ bỏ một số thái độ, nhưng tiếc là ngày nay việc này vẫn còn phải làm nhiều. Thực tế, luôn có những người muốn làm chậm lại cuộc cải tổ.
Từ nhiệm
Từ nhiệm là điểm cuối cùng được Đức Thánh Cha nói đến trong tự truyện. Với những gì đã nói trước đây, ngài cho biết thêm nếu từ nhiệm ngài không muốn gọi là nguyên Giáo hoàng nhưng chỉ là Giám mục Roma về hưu, và sẽ đến sống ở Đền thờ Đức Bà Cả để trở lại làm cha giải tội và mang Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân. Nhưng đây chỉ là giả thuyết xa, bởi vì cho tới nay chưa có lý do thực sự nghiêm trọng để ngài đưa ra quyết định này. Ngài nói: “Tạ ơn Chúa, tôi có sức khoẻ tốt, và theo ý Chúa, vẫn còn nhiều dự án cần thực hiện”.
(Nguồn: RV)
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/cong-bo-tu-truyen-cua-duc-thanh-cha-phanxico-40896.html
9. Thư Đức Thánh Cha gửi Đức Hồng Y Mario Grech, năm 2024
WHĐ (15.03.2024) – Hôm 14.03, phòng Báo chí Tòa Thánh tổ chức một cuộc họp báo để giới thiệu hai tài liệu nhằm giúp Giáo hội chuẩn bị cho Khoá họp thứ hai của Đại hội thường lệ lần thứ XVI của Thượng hội đồng Giám mục vào tháng 10.2024.
Trong buổi họp báo, Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng đã công bố Lá Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho ngài liên quan đến vấn đề này. Sau đây là toàn văn Việt ngữ Lá thư của Đức Thánh Cha:
THƯ CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
Thân gửi: Đức Hồng y MARIO GRECH
Tổng Thư ký của Ban Tổng Thư ký Thượng Hội đồng
Hiền đệ, Hồng y Mario Grech, thân mến,
Báo cáo Tổng hợp của Khoá họp thứ nhất của Đại hội thường lệ lần thứ XVI của Thượng hội đồng Giám mục, được thông qua vào ngày 28 tháng 10 năm 2023, liệt kê nhiều vấn đề thần học quan trọng, tất cả, ở những mức độ khác nhau, đều liên quan đến việc đổi mới mang tính hiệp hành của Giáo hội và không phải không có những hậu quả về mặt pháp lý và mục vụ.
Những vấn đề này, về bản chất, đòi hỏi phải được nghiên cứu chuyên sâu. Vì không thể thực hiện nghiên cứu này trong thời gian của Khoá họp thứ hai (2-27 tháng 10 năm 2024), Huynh sắp xếp để phân chia những vấn đề này vào các Nhóm Nghiên cứu cụ thể để có thể thẩm tra chúng một cách thích đáng. Đây sẽ là một trong những thành quả của tiến trình Thượng Hội đồng đã được khởi động vào ngày mồng 09 tháng 10 năm 2021.
Theo tinh thần của Lá thư mà Huynh đã ký vào ngày 16 tháng 2, nhiệm vụ của Tổng Thư ký Thượng Hội đồng, trong sự đồng ý với các Bộ có thẩm quyền của Giáo triều Rôma, là thành lập các Nhóm này, đồng thời kêu gọi các Mục tử và Chuyên gia từ khắp Châu lục tham gia vào các Nhóm, và cân nhắc không chỉ những nghiên cứu hiện có, mà còn cả những trải nghiệm phù hợp nhất đang diễn ra nơi Dân Chúa quy tụ tại các Giáo hội địa phương. Điều quan trọng là các Nhóm Nghiên cứu nói trên phải hoạt động theo một phương pháp hiệp hành đích thực, mà Huynh yêu cầu Hiền đệ là người bảo đảm cho điều đó.
Điều này sẽ giúp Đại hội, trong Khoá họp thứ hai, dễ dàng tập trung hơn vào chủ đề chung mà Huynh đã giao cho Hiền đệ lúc đó, và chủ đề này bây giờ có thể được tóm tắt trong câu hỏi: “Làm thế nào để trở thành một Giáo hội hiệp hành trong sứ vụ?”.
Các Nhóm Nghiên cứu sẽ trình bày báo cáo đầu tiên về hoạt động của nhóm trong Khoá họp thứ hai và, nếu có thể, sẽ kết thúc nhiệm vụ của mình trước tháng 6 năm 2025.
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng tất cả các vấn đề, Huynh yêu cầu các Nhóm được đề nghị tiếp cận các chủ đề được liệt kê sau đây dưới dạng tóm tắt, dựa trên nội dung của Báo cáo Tổng hợp (BCTH):
1. Một số khía cạnh trong mối tương quan giữa Giáo hội Công giáo Đông phương và Giáo hội Latinh (BCTH 6).
2. Lắng nghe tiếng kêu của người nghèo (BCTH 4 và 16)
3. Truyền giáo trong môi trường kỹ thuật số (BCTH 17).
4. Việc duyệt lại văn kiện Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis theo quan điểm truyền giáo mang tính hiệp hành (BCTH 11).
5. Một số vấn đề Thần học và Giáo luật liên quan đến các hình thức thừa tác vụ cụ thể (BCTH 8 và 9).
6. Việc duyệt lại, theo quan điểm truyền giáo mang tính hiệp hành, các tài liệu liên quan đến mối tương quan giữa các Giám mục, Đời sống thánh hiến và các Hiệp hội Giáo hội (BCTH 10).
7. Một số khía cạnh về bản thân và tác vụ của Giám mục (tiêu chí lựa chọn ứng viên vào hàng Giám mục, chức năng tư pháp của Giám mục, tính chất và việc tiến hành các chuyến viếng thăm ad limina Apostolorum) từ góc độ truyền giáo mang tính hiệp hành (BCTH 12 và 13).
8. Vai trò của các Đại diện Giáo hoàng theo quan điểm truyền giáo mang tính hiệp hành (BCTH 13).
9. Các tiêu chí Thần học và các phương pháp luận mang tính hiệp hành để phân định chung các vấn đề gây tranh cãi về tín lý, mục vụ và đạo đức (BCTH 15).
10. Việc tiếp nhận hoa trái của hành trình đại kết trong các thực hành của Giáo hội (BCTH 7).
Nhiệm vụ của Tổng Thư ký Thượng Hội đồng là chuẩn bị đề cương công việc nhằm xác định rõ nhiệm vụ của các nhóm theo chỉ dẫn của Huynh.
Cảm ơn Hiền đệ vì công việc đã hoàn thành cho đến nay, Huynh chúc lành và đồng hành với Hiền đệ, cũng như tất cả những ai quảng đại cộng tác trên hành trình đang diễn ra, bằng lời cầu nguyện của Huynh.
PHANXICÔ
Từ Vatican, ngày 22 tháng 02 năm 2024
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: press.vatican.va (14. 03. 2024)
(Nguồn: WHĐ)
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/thu-duc-thanh-cha-gui-duc-hong-y-mario-grech-nam-2024-40898.html
10. Đức Hồng Y Giorgio Marengo viếng thăm và tri ân Giáo hội Công giáo Việt Nam
Đắc Quyền
WGPSG (17.03.2024) – “Chúng con đến đây để tri ân lòng yêu mến của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, các cha của Giáo hội Việt Nam đối với Giáo hội Mông Cổ trong sự kiện Đức Thánh Cha Phanxicô tông du Mông Cổ vào tháng 9 năm 2023” - Đức Hồng Y (ĐHY) Giorgio Marengo, Giám mục Phủ doãn tông tòa Ulaanbaatar - Mông Cổ đã chia sẻ sau thánh lễ chiều thứ Bảy 16.03.2024 tại Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.
Trước Thánh Lễ, Đức Tổng Giám Mục (ĐTGM) Giuse Nguyễn Năng cùng Đức Giám mục (ĐGM) phụ tá Giuse Bùi Công Trác, linh mục (Lm) Ignatio Hồ Văn Xuân - Tổng Đại diện TGP Sài Gòn, Lm Phêrô Đỗ Duy Khánh - phó xứ Giáo xứ Chính Toà Đức Bà Sài Gòn, đã tiếp đón ĐHY Giorgio Marengo tại công viên trước Nhà thờ.
ĐHY Giorgio Marengo đã cùng hiệp dâng thánh lễ do ĐTGM Giuse Nguyễn Năng chủ tế.
Trước khi bắt đầu thánh lễ, ĐTGM Giuse đã có đôi lời giới thiệu ĐHY Giorgio Marengo với cộng đoàn dân tham dự Thánh lễ Chúa nhật thứ 5 Mùa Chay:
“ĐHY đến từ đất nước Mông Cổ bao la, rộng lớn, dân cư thưa thớt chỉ có 3 triệu dân, trong đó có rất ít người dân theo Công giáo mặc dù Tin Mừng đã xuất hiện tại đây 1000 ngàn năm trước.
Cho tới 30 năm gần đây, thông qua các tu sĩ truyền giáo, đời sống Hội Thánh tại quốc gia này mới có bắt đầu có sự phục hồi một cách chậm chãi. Từng người đã được lãnh nhận bí tích Rửa tội để trở thành một cộng đoàn với 1500 người đã được rửa tội.
Do số giáo dân quá ít, chưa đủ để thành lập cấp giáo phận nên tại Mông Cổ mới thiết lập Phủ doãn tông toà và ĐHY đảm trách việc Đại diện phủ doãn tông toà cho Toà Thánh Vatican tại nơi đây. Đồng thời ngài cũng là Giám mục điều hành hoạt động của Giáo hội Mông Cổ, tiếp tục thực hiện sứ mạng truyền giáo tại đất nước rộng lớn này.
Trong thánh lễ cử hành chiều 16.3.2024 hôm nay, chúng ta cùng hiệp thông cầu nguyện cho ngài cũng như cho đất nước Mông Cổ, cho Giáo hội tại Mông Cổ để Tin Mừng được lan rộng nơi đây và đất nước Mông Cổ phát triển để cuộc sống tốt đẹp hơn.”
Trong bài giảng lễ, Đức Tổng Giuse đã đặt câu hỏi với cộng đoàn “Tại sao Chúa chịu đau khổ và Chúa chịu chết như thế nào?” và Đức Tổng đã giải thích:
Vì Thiên Chúa muốn ký kết một giao ước mới để giao hoà con người với Chúa bằng chính máu của Đức Giêsu trong cái chết của Người. Đối diện với cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu cũng đã sợ hãi, nhưng Ngài vẫn một lòng vâng phục. Thời khắc mà Chúa Giêsu phải chịu khổ nạn chính là lúc con người được vinh quang, Chúa Giêsu được tôn vinh và Chúa Cha cũng được tôn vinh, vì đây chính là lúc Thiên Chúa biểu lộ trọn vẹn tình yêu thương của Người cho chúng ta.
Kết thúc bài giảng Đức Tổng nhấn mạnh: Chúa mời gọi mọi người đi theo Chúa trong mầu nhiệm khổ nạn để tới đỉnh vinh quang.
Vào cuối Thánh lễ, ĐHY Giorgio Marengo đã cám ơn Giáo hội Công giáo Việt Nam vì đã đồng hành cùng Giáo hội Công giáo Mông Cổ trong dịp đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến tông du của ngài tới đất nước này vào năm 2023.
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ĐHY muốn biểu lộ tình huynh đệ trong Chúa Giêsu giữa hai Giáo hội. Đây cũng là chuyến đi hành hương của ngài tới một đất nước có nhiều truyền thống văn hoá tốt đẹp và một lịch sử truyền giáo đầy thách thức nhưng đã vượt qua và phát triển cho đến ngày hôm nay.
ĐHY nói: Giáo hội Mông Cổ mong muốn được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm từ Giáo hội Việt Nam trong công việc truyền giáo. Ngài cũng mong muốn cộng đoàn dân Chúa tại Việt Nam cầu nguyện cho Giáo hội Mông Cổ trong công cuộc truyền giáo còn nhiều điều mới mẻ, bỡ ngỡ được thuận lợi hơn trong thời gian sắp tới.
Sau lời tri ân, ĐHY đã tặng ĐTGM Giuse Nguyễn Năng món quà đơn sơ là bản đồ Mông Cổ trên 1 tấm khăn màu xanh da trời, thể hiện bầu trời luôn trong xanh của xứ sở có những vùng thảo nguyên xanh trải dài như vô tận.
Kết thúc thánh lễ, ĐHY Giorgio Marengo đã cùng chụp ảnh lưu niệm với ĐGM Giuse, ĐGM phụ tá và linh mục Tổng đại diện và các cha phó nhà thờ Chính tòa Sài Gòn.
Sau Thánh lễ, Ban truyền Thông Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ĐHY Giorgio Marengo.
Đôi nét về ĐHY Giorgio Marengo:
- Sinh ngày 7 tháng 6 năm 1974 tại Cuneo, Ý.
- Vĩnh khấn theo Dòng Thừa sai Consolata ngày 24 tháng 6 năm 2000.
- Được truyền chức linh mục vào ngày 26 tháng 5 năm 2001 và tới Mông - Cổ thực hiện các mục vụ truyền giáo từ năm 2003.
- Ngày 2 tháng 4 năm 2020, Giáo hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm linh mục Marengo làm Đại diện phủ doãn tông tòa Ulaanbaatar và Giám mục hiệu tòa Castra Severiana. Lễ tấn phong giám mục cho ngài được cử hành ngày 8 tháng 8 năm 2020.
- Ngày 29 tháng 5 năm 2022, ngài được Đức Giáo Hoàng công bố nhận tước vị Hồng y và nghi thức này đã được cử hành vào ngày 27 tháng 8 cùng năm.
- Ngài hiện là Đức Hồng Y trẻ tuổi nhất (50 tuổi) của Giáo hội Công Giáo Hoàn Vũ, tính tới thời điểm 2024.
Nguồn: tgpsaigon.net
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/duc-hong-y-giorgio-marengo-vieng-tham-va-tri-an-giao-hoi-cong-giao-viet-nam-40912.html
11. Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho Ban lãnh đạo và nhân viên Bệnh viện nhi "Bambino Gesù", năm 2024
WHĐ (18.03.2024) – Sáng ngày 16.03, Đức Thánh Cha đã tiếp khoảng 6.000 người, gồm các bác sĩ, y tá, nhân viên, ân nhân, thân nhân, và bệnh nhân của Bệnh viện nhi “Bambino Gesù”, nhân kỷ niệm 100 năm bệnh viện chính thức thuộc Toà Thánh.
Được biết, “Bambino Gesù” là bệnh viện nhi đầu tiên ở Ý, do gia đình quận công Salviati thành lập năm 1869. Sau đó, vào năm 1924, gia đình Salviati đã tặng bệnh viện này cho Tòa Thánh, và từ đó trở thành Bệnh viện của Giáo hoàng. Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài Diễn văn của Đức Thánh Cha:
DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO BAN LÃNH ĐẠO VÀ NHÂN VIÊN BỆNH VIỆN NHI "BAMBINO GESÙ"
Thính Đường Phaolô VI
Thứ Bảy, ngày 16 tháng 03 năm 2024
Anh chị em thân mến, chào mừng anh chị em!
Tôi rất vui được gặp anh chị em nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Bệnh viện nhi “Bambino Gesù”. Một thế kỷ trước, Bệnh viện được gia đình Salviati tặng cho Tòa thánh: Lần đầu tiên một bệnh viện thực sự được dành riêng cho trẻ em. Đức Piô XI đã đón nhận món quà này, và ngài là người nhìn thấy tặng phẩm này thể hiện lòng bác ái của Giáo hoàng và của Giáo hội đối với các bệnh nhân nhỏ bé, và từ đó trở đi, được gọi là “Bệnh viện của Giáo hoàng”.
Giờ đây, chúng ta hãy dừng lại một chút để suy tư với lòng biết ơn về hoa trái phong phú của Bệnh viện, vốn đã có lịch sử phát triển hơn một thế kỷ, trong việc nêu bật ba khía cạnh: Sự cho đi, sự chăm sóc, và cộng đoàn.
Khía cạnh thứ nhất: Sự cho đi. Ngày nay “Bambino Gesù” là một trong những trung tâm nghiên cứu và chăm sóc nhi khoa lớn nhất ở châu Âu, là điểm tham khảo cho các gia đình đến từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, yếu tố cho đi, với các giá trị nhưng không, quảng đại, sẵn sàng, và khiêm tốn, vẫn là yếu tố nền tảng trong lịch sử và ơn gọi của bệnh viện. Về vấn đề này, thật tốt đẹp khi nhớ lại cử chỉ của những người con của Nữ công tước Arabella Salviati, những người, mà vào khởi đầu lịch sử của bệnh viện, đã đưa cho mẹ mình hộp đựng tiền như một món quà để xây dựng một bệnh viện dành cho trẻ em: điều này nói lên rằng, công trình vĩ đại này cũng dựa trên những món quà khiêm tốn, giống như món quà của những em bé này vì lợi ích của những người bạn đồng trang lứa đang bị đau bệnh. Và cùng quan điểm đó, trong thời đại chúng ta, thật tốt đẹp khi nhắc đến sự quảng đại của nhiều nhà hảo tâm, nhờ vậy, có thể xây dựng một Trung tâm Chăm sóc Giảm nhẹ ở Passoscuro cho những bệnh nhân nhi mắc các bệnh nan y.
Chỉ trong nhãn quan này, người ta mới có thể hiểu hết giá trị của những gì anh chị em làm, từ những việc nhỏ nhất đến những việc lớn nhất, và tiếp tục mơ ước cho tương lai. Chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ đến viễn cảnh về một trụ sở mới ở Roma, nơi vừa mới xây dựng cơ sở, với thỏa thuận giữa Tòa thánh và Nhà nước Ý. Cũng thế, cam kết kinh tế thông thường và ngoại thường đặc biệt liên quan đến việc bảo vệ và bảo trì các công trình và thiết bị; đến việc đảm bảo chất lượng chuyên môn của các bác sĩ và những người điều hành; đến nghiên cứu khoa học; đến việc tiếp nhận những trẻ em nghèo từ khắp nơi trên thế giới, không phân biệt hoàn cảnh xã hội, quốc tịch hoặc tôn giáo. Trong tất cả những điều này, sự cho đi là một yếu tố không thể thiếu trong con người và hành động của anh chị em.
Khía cạnh thứ hai: sự chăm sóc. Khoa học, và kết quả là khả năng điều trị, có thể nói, là nhiệm vụ đầu tiên đặc trưng của Bệnh viện “Bambino Gesù” hiện nay. Đây là câu trả lời hiển nhiên mà anh chị em đáp lại trước những yêu cầu chân thành từ những gia đình đang được giúp đỡ, và nếu có thể, chữa lành cho con cái họ. Do đó, sự trổi vượt trong nghiên cứu y sinh là rất quan trọng. Tôi khuyến khích anh chị em hãy nhiệt thành trau dồi nghiên cứu để cống hiến những gì tốt nhất, và đặc biệt lưu tâm đến những người yếu đuối nhất, chẳng hạn như những bệnh nhân mắc những chứng bệnh nghiêm trọng, hiếm gặp hoặc cực kỳ hiếm gặp. Không những thế, để khoa học và chuyên môn không còn là đặc quyền của một số ít, tôi mong anh chị em tiếp tục chia sẻ thành quả nghiên cứu của mình cho mọi người, nhất là những nơi cần nhất, ví dụ như anh chị em làm bằng cách góp phần vào việc đào tạo bác sĩ và y tá của Châu Phi, Châu Á và Trung Đông.
Về vấn đề chăm sóc, chúng ta biết rằng bệnh tình của một đứa trẻ ảnh hưởng đến tất cả các thành viên trong gia đình. Vì vậy, thật là một niềm an ủi lớn lao khi biết rằng có rất nhiều gia đình được hỗ trợ bởi các dịch vụ của anh chị em, được chào đón tại các cơ sở liên kết với bệnh viện, và được điều tiết bởi sự tử tế và gần gũi của anh chị em. Đây là một yếu tố cần và đủ không bao giờ được bỏ qua, mặc dù tôi biết rằng đôi khi anh chị em làm việc trong những điều kiện khó khăn. Thà chúng ta hy sinh một điều gì đó khác, hơn là bỏ qua lòng tốt và sự dịu dàng. Sẽ không có sự quan tâm chăm sóc nếu không có mối tương quan, sự gần gũi và dịu dàng ở mọi cấp độ.
Và cuối cùng, chúng ta đến điểm thứ ba: cộng đoàn. Một trong những cách diễn đạt đẹp nhất mô tả sứ mạng của “Bambino Gesù” là “Những cuộc đời giúp ích cho cuộc sống”. Điều này đẹp vì nó nói lên sứ mạng được cùng nhau thực hiện, một hành động chung trong đó món quà của mỗi người tìm thấy chỗ của mình. Đây là sức mạnh thực sự của anh chị em và là điều kiện tiên quyết để anh chị em đối diện với những thách đố khó khăn nhất. Thật vậy, công việc của anh chị em không giống như nhiều công việc khác: đây là một sứ mạng mà mỗi người thực hiện theo một cách khác nhau. Đối với một số người, công việc này đòi sự cống hiến cả cuộc đời; đối với những người khác, là sự cống hiến thời gian làm tình nguyện viên; đối với những người khác nữa, là việc hiến máu, sữa - cho những trẻ sơ sinh nhập viện mà người mẹ không có thể cung cấp -, và thậm chí cả món quà là nội tạng, tế bào và mô, do người còn sống hiến tặng hoặc lấy từ thi thể của những người đã chết. Tình yêu thúc đẩy một số bậc cha mẹ thực hiện hành vi anh hùng bằng cách đồng ý hiến tạng của những đứa con đã qua đời. Trong tất cả những điều này, điều nổi lên là “sự cùng nhau” trong đó những món quà khác nhau góp phần mang lại lợi ích cho các bệnh nhân nhi.
Anh chị em thân mến, tôi xin thú nhận rằng, khi đến “Bambino Gesù” tôi cảm nhận hai cảm xúc trái ngược nhau: Trong khi cảm thấy xót xa trước nỗi khổ của những trẻ em đau bệnh cũng như của cha mẹ các em, thì đồng thời, tôi cũng cảm thấy tràn trề hy vọng, khi chứng kiến những gì đang được thực hiện để chữa trị cho các em. Xin cảm ơn! Xin cảm ơn anh chị em vì tất cả những điều này. Hãy tiếp tục tiến bước trong công việc phúc lành này. Tôi ưu ái ban phép lành cho anh chị em, và cầu nguyện cho anh chị em. Và xin anh chị em cũng nhớ cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn.
Bây giờ tôi sẽ ban phép lành cho mọi người: bệnh nhân, bác sĩ, y tá và tất cả những ai làm việc tại Bệnh viện này và cho Bệnh viện này. Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ giúp chúng ta tiến về phía trước. Kính mừng Maria…
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (16. 03. 2024)
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dien-van-duc-thanh-cha-danh-cho-ban-lanh-dao-va-nhan-vien-benh-vien-nhi-bambino-gesu-nam-2024-40914.html
12. Đức Thánh Cha: Tuần Thánh là thời gian mở rộng tâm hồn hướng về Chúa và tha nhân
Ngày 16/3, Đức Thánh Cha gửi sứ điệp video đến Huynh đoàn Mérida ở Tây Ban Nha, chuyên tổ chức các cuộc rước trong Tuần Thánh, mời gọi mọi người mở rộng tâm hồn, ra đi gặp gỡ Chúa và tha nhân, mang ánh sáng và niềm vui đức tin.
Vatican News
Huynh đoàn Mérida là một trong những Huynh đoàn ở Tây Ban Nha tổ chức những cử hành Tuần Thánh theo truyền thống: Đám rước với nhiều người mặc trang phục sám hối, kiệu những tác phẩm phẩm điêu khắc mô tả các cảnh khác nhau của cuộc Thương khó Chúa Giêsu. Mọi người đi qua các đường phố, cùng nhau hát thánh ca với bầu khí trang nghiêm, tưởng niệm.
Mở đầu sứ điệp, Đức Thánh Cha cám ơn Huynh đoàn vì đã tạo dịp cho ngài được trở thành một phần của hoạt động loan báo Tuần Thánh độc nhất trên thế giới. Hiện nay rất ít thành phố có thể sống lại những ngày đã thay đổi lịch sử nhân loại trong những cảnh Chúa Kitô chịu khổ nạn của hơn 2000 năm xưa, vì thế, Đức Thánh Cha nói, năm nay, khi tham dự đàng Thánh giá ở đấu trường Collosseo, ngài sẽ nhớ đến cuộc rước kiệu do Huynh đoàn tổ chức quy tụ nhiều tín hữu trên thế giới.
Hướng đến các thành viên của Huynh đoàn, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng những công việc chuẩn bị cho cử hành Tuần Thánh diễn ra trong suốt năm, nhằm để lại một dấu ấn không thể xoá nhoà đối với những ai đã suy ngắm các Chặng Thống hối, không phải là một sự trình diễn, nhưng là một lời loan báo ơn cứu độ của chúng ta.
Ngài còn nhấn mạnh, Tuần Thánh là thời gian ân sủng Chúa ban. Tuần Thánh mời gọi chúng ta mở tâm hồn, ra đi gặp gỡ Chúa và người khác, đồng thời mang ánh sáng và niềm vui của đức tin. Và cần phải làm điều này bằng tình yêu và sự dịu dàng của Chúa, với sự tôn trọng và kiên nhẫn.
(Nguồn: RV)
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-tuan-thanh-la-thoi-gian-mo-rong-tam-hon-huong-ve-chua-va-tha-nhan-40915.html
13. Ngày 22/3 Giáo hội Ấn Độ sẽ ăn chay cầu nguyện cho cuộc tổng tuyển cử
Các giám mục Ấn Độ đã kêu gọi người dân của họ cầu nguyện và ăn chay vào ngày 22/3/2024, trước cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ và trước cuộc đàn áp gia tăng chống lại các Kitô hữu ở nước này. Lời kêu gọi “ngày cầu nguyện và ăn chay toàn quốc” được đưa ra sau quyết định của cuộc họp chung cuối cùng của Hội đồng Giám mục vào tháng 2.
Hồng Thủy - Vatican News
Trong thư gửi các Giám mục Ấn Độ vào ngày 14/3/2024, Đức Tổng Giám mục Anil Couto của Delhi, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Ấn Độ, cho biết mục đích ngày cầu nguyện là “khẩn cầu cho đất nước chúng ta, đặc biệt là cuộc tổng tuyển cử sắp tới trong năm nay”. Ngài yêu cầu các Giám mục “khuyến khích giáo dân hiệp nhất cầu nguyện trong thời gian liên tục 12 giờ”.
Đức Tổng Giám mục Couto yêu cầu các tín hữu cử hành Thánh lễ, chầu Mình Thánh Chúa, lần hạt Mân Côi và các cử hành phụng vụ khác như một phần của ngày cầu nguyện đặc biệt.
Cuộc bầu cử gồm bảy giai đoạn để bầu 543 thành viên vào quốc hội Ấn Độ bắt đầu vào ngày 19/4/2024 và kết thúc vào ngày 1/6/2024. Kết quả sẽ được công bố vào ngày 4/6/2024.
Đồng thời, các cuộc bầu cử vào hội đồng lập pháp bang Andhra Pradesh, Arunachal Pradesh, Odisha và Sikkim cũng sẽ được tổ chức.
Chống lại việc đàn áp Kitô hữu
Về phần Đức Tổng Giám mục Thomas J. Netto của Trivandrum ở miền nam bang Kerala, trong thư đề ngày 17/3/2024, ngài kêu gọi người Công giáo giữ chay và cầu nguyện như một “hình thức phản kháng và hành động xã hội nhẹ nhàng chống lại làn sóng cố chấp tôn giáo đang gia tăng và thành kiến ngày càng tồi tệ đối với các nhóm thiểu số”. Ngài mong muốn người Công giáo nâng cao nhận thức chống lại cuộc đàn áp đang gia tăng chống lại các Kitô hữu và sự bất khoan dung tôn giáo trong nước, đặc biệt là sau khi ông Narendra Modi, lãnh đạo Đảng Bharatiya Janata ủng hộ Ấn giáo, trở thành Thủ tướng vào năm 2014.
11 bang của Ấn Độ, hầu hết do đảng của ông Modi nắm quyền, đã ban hành luật chống cải đạo sâu rộng, thường được sử dụng để nhắm vào các linh mục và mục sư.
Bạo lực ở Manipur bùng phát vào ngày 3/5/2023 và vẫn đang tiếp tục. Đám đông bạo loạn đã giết chết hơn 175 người, trong đó có ít nhất 148 Kitô hữu. Đám đông bạo lực cũng đã tấn công gần 400 nhà thờ và phá hủy khoảng 5.000 tài sản Kitô giáo khác ở bang miền núi, nơi đảng của ông Modi điều hành chính phủ.
Đức Tổng Giám mục Netto cho biết, các vụ đàn áp chống lại các Kitô hữu ở nước này đã tăng từ 147 vụ vào năm 2014 lên 687 vụ vào năm 2023. (UCA News 18/03/2024)
(Nguồn: RV)
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/ngay-223-giao-hoi-an-do-se-an-chay-cau-nguyen-cho-cuoc-tong-tuyen-cu-40929.html
14. 111 lần Đức Mẹ hiện ra được diễn tả bằng người thật ở thành phố Bangalore của Ấn Độ
Ngày 17/3/2024, tại giáo xứ Thánh Tôma ở Forane và Trung tâm Hành hương Giáo phận, ở thị trấn Dharmaram, Bangalore, Ấn Độ, đã tổ chức việc tái hiện “sống” các hình ảnh Đức Mẹ tại các lần hiện ra, khi 111 phụ nữ được “biến đổi” thành nhiều hình ảnh khác nhau của Đức Mẹ trong các cuộc hiện ra, thu hút khán giả trong hai giờ đồng hồ.
Vatican News
Đức Tổng Giám mục Peter Machado của Bangalore và Đức Giám mục Sebastian Adayanthrathm của Mandya đã khánh thành buổi tái hiện “sống” các cuộc hiện ra của Đức Mẹ ở khắp nơi trên thế giới.
Sự kiện có tên “Maria Divina - 111 Sắc thái Ân sủng”, nhắm thúc đẩy sự hiệp nhất và lòng sùng kính đối với Đức Trinh Nữ Maria, đã lập kỷ lục mới trong Best of India Records như là lần trình bày lớn nhất về các hình dạng Đức Mẹ từng được chứng kiến.
Sau quá trình lựa chọn kỹ càng, 111 phụ nữ, gồm những người nội trợ, người đi làm, sinh viên đại học và trẻ em, đã được chọn để đóng vai Đức Mẹ.
Anh Anlin Assisi Akkara, một trong những người tổ chức sự kiện, đã nói về việc các giáo dân lên kế hoạch tỉ mỉ và chuẩn bị cả năm trời để đảm bảo sự kiện được diễn ra suôn sẻ. 300 người đã làm việc không mệt mỏi để biến dự án này thành hiện thực, đảm bảo rằng mọi khía cạnh, từ trang điểm đến trang phục và phụ kiện, đều được chế tác tỉ mỉ đến từng chi tiết và được thể hiện một cách tôn kính.
Là giáo xứ theo nghi lễ Syro-Malabar đầu tiên bên ngoài Bang Kerala, giáo xứ Thánh Tôma ở Forane, được xây dựng cho người di cư, đã liên tục tìm cách tăng cường mối liên kết với cộng đồng và thúc đẩy sự phát triển đời sống thiêng liêng. Sự kiện Maria Divina là minh chứng cho dấn thân này, hiệp nhất giáo dân trong việc cử hành đức tin và lòng sùng kính.
Sự tham gia tích cực của giới trẻ trong Giáo hội đã nuôi dưỡng tình thân hữu và mang lại trải nghiệm chung về việc cùng nhau phục vụ Giáo hội, theo ý hướng của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho giới trẻ.
Các nhà tổ chức đã lưu ý rằng dịp đặc biệt này đối với giáo xứ Thánh Tôma ở Forane sẽ được ghi nhớ như một tấm gương sáng ngời về đức tin, sự hiệp nhất và lòng tôn kính đối với Đức Trinh Nữ Maria.
(Nguồn: RV)
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/111-lan-duc-me-hien-ra-duoc-dien-ta-bang-nguoi-that-o-thanh-pho-bangalore-cua-an-do-40930.html
15. ĐTC Phanxicô gặp gỡ cộng đoàn tín hữu Nigeria sống ở Roma
Sáng thứ Hai ngày 25/3/2024, Đức Thánh Cha đã tiếp khoảng 800 tín hữu Nigeria đang sống ở Roma nhân kỷ niệm 25 năm cộng đoàn tín hữu Nigeria chính thức hiện diện ở Roma. Ngài nói rằng sự khác biệt về sắc tộc, truyền thống văn hóa và ngôn ngữ của họ không phải là vấn đề nhưng là món quà. Ngài mời gọi họ đối thoại và lắng nghe nhau.
Hồng Thủy - Vatican News
Đức Thánh Cha cảm ơn các tín hữu Nigeria về chứng tá của họ cho sứ điệp vui tươi của Phúc Âm. Tạ ơn Chúa về ơn gọi linh mục tu sĩ phong phú của Nigeria, Đức Thánh Cha nhắc rằng khi theo Chúa Giêsu, trong ơn gọi của mỗi người, chúng ta được ủy thác trách nhiệm phục vụ Thiên Chúa và tha nhân trong tình yêu, làm cho Chúa Kitô hiện diện trong cuộc sống của anh em mình.
Sự khác biệt sắc tộc, văn hóa không phải là vấn đề nhưng là quà tặng Thiên Chúa ban
Khi nói về sự phong phú của sự đa dạng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “sự đa dạng của các nhóm sắc tộc, truyền thống văn hóa và ngôn ngữ ở quốc gia của anh chị em không phải là một vấn đề, mà là một món quà làm phong phú thêm cơ cấu của Giáo hội cũng như của toàn xã hội, và cho phép chúng ta phát huy các giá trị của sự hiểu biết lẫn nhau và quan hệ đối tác trong nước”. Ngài hy vọng cộng đoàn Nigeria ở Roma luôn chào đón và đồng hành với các tín hữu Nigeria và các tín hữu khác như một gia đình hòa nhập rộng lớn, nơi mọi người có thể sử dụng những ân sủng và tài năng khác nhau của mình để hỗ trợ và củng cố lẫn nhau khi vui buồn, thành công cũng như khó khăn. Ngài khẳng định: “Bằng cách này, anh chị em sẽ có thể gieo những hạt giống tình bạn xã hội và sự hòa hợp cho các thế hệ hiện tại và tương lai”.
Đối thoại và lắng nghe nhau
Cuối cùng, trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới và cả Nigeria cũng đang ở trong tình cảnh khó khăn, Đức Thánh Cha bảo đảm lời cầu nguyện của ngài cho sự an ninh, thống nhất và tiến bộ về đời sống tinh thần và kinh tế cho Nigeria và mời gọi mọi người chọn đối thoại và lắng nghe nhau với một trái tim rộng mở, không loại trừ bất kỳ ai ở cấp độ chính trị, xã hội và tôn giáo.
Loan báo lòng thương xót vô biên của Chúa
Đức Thánh Cha cũng khuyến khích các tín hữu trở thành những người loan báo lòng thương xót vô biên của Chúa, bằng cách nỗ lực hòa giải giữa tất cả người dân Nigeria, góp phần giảm bớt gánh nặng cho người nghèo và những người thiếu thốn nhất và theo phong cách gần gũi, với lòng trắc ẩn và sự dịu dàng của Chúa. (CSR_1289_2024)
(Nguồn: RV)
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-gap-go-cong-doan-tin-huu-nigeria-song-o-roma-40951.html
16. ĐTC Phanxicô chủ sự Thánh lễ Tiệc Ly và rửa chân cho các tù nhân nữ tại nhà tù Rebibbia
Vào lúc 4 giờ chiều thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28/4/2024, Đức Thánh Cha đã đến chủ sự Thánh lễ Tiệc ly tại nhà tù Rebibbia ở mạn đông Roma với các tù nhân và nhân viên nhà tù. Ngài đã rửa chân cho 12 tù nhân nữ.
Hồng Thủy - Vatican News
Đây là lần thứ hai Đức Thánh Cha viếng thăm và cử hành Thánh lễ Tiệc ly tại nhà tù Rebibbia, sau lần thứ nhất vào chiều thứ Năm Tuần Thánh năm 2015. Trong Thánh lễ năm 2015 ngài đã rửa chân cho 6 tù nhân nữ: hai người Nigeria, một người Congo, một người Ecuador và hai người Ý, và 6 tù nhân nam, trong đó có một người Brazil và một người Nigeria.
Năm nay, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ tại cơ sở dành cho tù nhân nữ, được thành lập vào những năm 1950, hiện là trung tâm cải tạo lớn nhất trong số 4 nhà tù dành cho phụ nữ ở Ý, và đây cũng là nhà tù lớn nhất của châu Âu, với nhiều phụ nữ người nước ngoài.
Phục vụ và cầu xin sự tha thứ
Trong bài giảng ngắn, Đức Thánh Cha ứng khẩu chia sẻ về hai điểm nổi bật trong phụng vụ Thánh lễ Tiệc Ly.
Trước hết, nói về việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, Đức Thánh Cha chia sẻ rằng việc Chúa khiêm nhường hạ mình xuống giúp chúng ta hiểu điều Người đã nói: "Ta không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ"; Người muốn dạy chúng ta con đường phục vụ.
Điểm thứ hai, một tình tiết buồn, là sự phản bội của Giuđa, người không có khả năng tiếp tục yêu thương và đã để cho tiền bạc và sự ích kỷ dẫn đến hành động phản bội Chúa. Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Giêsu tha thứ tất cả. Chúa Giêsu luôn tha thứ. Người chỉ yêu cầu chúng ta cầu xin sự tha thứ. "Chúa Giêsu không bao giờ mệt mỏi tha thứ: chúng ta mới là những người mệt mỏi khi cầu xin sự tha thứ".
Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy cầu xin Chúa ơn không mệt mỏi xin thứ tha. Bởi vì, "chúng ta đều luôn có những thất bại nhỏ, những thất bại lớn - ai cũng có câu chuyện của riêng mình. Nhưng Chúa luôn chờ đợi chúng ta, với vòng tay rộng mở và không bao giờ mệt mỏi tha thứ".
Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy làm như Chúa Giêsu đã làm: rửa chân. Đó là phục vụ. Và hãy cầu xin Chúa để được lớn lên trong ơn gọi phục vụ.
(Nguồn: RV)