27/02/2025
735
Điểm lại những sự kiện xảy ra trong tháng 02.2025























ĐIỂM TIN THÁNG 02.2025

Thực hiện: Vp. Truyền thông

 


TIN GIÁO PHẬN MỸ THO

1. Hạt Mỹ Tho: Hành hương kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và kính Lòng Thương Xót Chúa

Bài viết và hình: Hoài Bão

BTT Gp. Mỹ Tho

(WGPMT) Chiều ngày 07.02.2025, có khoảng 800 giáo dân của Hạt Mỹ Tho hành hương kính các thánh tử đạo tại Trung tâm Hành hương (TTHH) Ba Giồng và kính Lòng Thương Xót Chúa tại Trung tâm Mục vụ (TTMV) Giáo phận Mỹ Tho.

Vào lúc 14g00 ngày 07.02.2025, giáo dân hạt Mỹ Tho đã đến TTHH Ba Giồng để kính viếng Cha thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu và các thánh tử đạo Việt Nam. Theo sự hướng dẫn của cha phó Giuse Nguyễn Huỳnh Bảo Sơn người tham dự cùng cung nghinh và thắp hương Cha thánh Phêrô và các thánh tử đạo. Sau khi kính viếng các thánh tử đạo xong, cha Giacôbê Hà Văn Xung – Hạt trưởng Hạt Mỹ Tho đã hướng dẫn cộng đoàn cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha. Cha nói: “Chúng ta hãy tin tưởng người trẻ và Lòng Thương Xót của Chúa sẽ làm cho ơn gọi linh mục sẽ triển nở trong lòng họ”. Sau đó, cộng đoàn lại tiếp tục di chuyển đến TTMV để kính Lòng Thương Xót Chúa.

Tại lễ đài kính Lòng Thương Xót Chúa, lúc 16g05 cha Giacôbê Nguyễn Minh Phụng – Cha sở Giáo xứ Thánh Phaolô đã hướng dẫn mọi người lần chuỗi và hát kính Lòng Thương Xót Chúa. Tiếp đến, thánh lễ được diễn ra lúc 17g00 do Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho chủ sự. Đồng tế với ngài có cha Tổng Đại diện Phaolô Trần Kỳ Minh, cha Giacôbê Hà Văn Xung và 21 cha trong giáo phận. Tham dự trong thánh lễ còn có quý tu sĩ nam nữ, và đông đảo giáo dân trong giáo hạt.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha giải thích đôi điều về hành hương và việc ý thức thánh thiện khi tham dự hành hương. Ngài cũng nhấn mạnh việc hành hương rất quan trọng trong đời sống đạo đối với mỗi người chúng ta. Trước khi kết thúc thánh lễ, Đức Cha yêu cầu cộng đoàn đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin Kính, sau đó ban phép lành toàn xá cho cộng đoàn. Thánh lễ kết thúc lúc 18g00, giáo dân Hạt Mỹ Tho ra về trong bình an.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/hat-my-tho-hanh-huong-kinh-cac-thanh-tu-dao-viet-nam-va-kinh-long-thuong-xot-chua-42530.html

 

 

2. Họp mặt tu sĩ Giáo phận Mỹ Tho

Bài viết: Soeur Marie Mỹ Khoa

Hình: Hoài Bão

BTT Giáo Phận Mỹ Tho

(WGPMT) “Ngày họp mặt tu sĩ là một ngày họp mặt gia đình thiêng liêng, là dịp để mọi người được gặp gỡ, chia sẻ, cầu nguyện và nâng đỡ nhau như một động lực để cùng nhau thăng tiến hơn trong Năm Thánh 2025”. (Nữ tu Maria Nguyễn Thị Út - Dòng Trinh Vương).

Sáng ngày 08.02.2025 tại khuôn viên Trung tâm Mục vụ Giáo phận Mỹ Tho rộn ràng với những bước chân, những nụ cười và những câu chào chúc nhau của 143 tu sĩ thuộc các hội dòng đang sinh hoạt và phục vụ tại giáo phận. Buổi họp mặt tu sĩ bắt đầu lúc 09g30 với các sinh hoạt: Trao đổi về sinh hoạt trong Năm Thánh 2025, Chầu Thánh Thể và Huấn từ của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Giám mục Giáo phận Mỹ Tho.

Bầu khí ngày gặp gỡ trở nên thân thiện và mang màu sắc của sứ vụ khi tu sĩ thuộc các hội dòng chia sẻ những thao thức, trăn trở khi thi hành sứ vụ tại các giáo xứ, nữ tu Marie Lê Thị Triển (Dòng Thánh Phao lô – Tỉnh dòng Mỹ Tho) bày tỏ niềm vui: “Mỗi dịp xuân về là dịp chúng con được họp mặt với nhau, riêng bản thân con rất vui vì được gặp Đức Cha, các chị em trong tỉnh dòng và các tu sĩ trong ngày đầu xuân, niềm vui còn được nhân đôi khi năm nay là Năm Thánh 2025 được học hỏi, cầu nguyện với nhau và con hy vọng sẽ có những buổi gặp gỡ tiếp theo vào những năm tới”.

Cũng trong niềm vui, nữ tu Maria Nguyễn Thị Kim Loan (Dòng mến thánh gia Mỹ Tho) chia sẻ: “Đây là cơ hội để con được gặp gỡ các anh chị em tu sĩ trong giáo phận, và đặc biệt trong năm thánh có những đề tài chia sẻ, cầu nguyện và học hỏi để đời sống thánh hiến của con được thăng tiến hơn, cũng như giúp cho những anh chị em tu sĩ khác có những sáng kiến tốt hơn khi phục vụ, nhất là cùng nhau nối tiếp sứ mạng loan báo tin mừng”. Với lần đầu tham dự, nữ tu Têrêsa Nguyễn Thị Thanh Tuyền (Dòng Chúa Quan Phòng) “Đây là lần đầu em họp mặt tu sĩ ở Giáo phận Mỹ Tho, em thấy được bầu khí thân thiện ở nơi đây, được nghe những chia sẻ và học hỏi nhiều điều hay từ các dòng bạn”.

Đặc trách tu sĩ của giáo phận cha Phêrô Phạm Bá Đương cho biết: “Mục đích của buổi họp mặt tu sĩ năm nay là mừng tân niên Đức Cha và tân niên với nhau. Và cũng trong Năm Thánh 2025 sẽ tổ chức cho tu sĩ giáo phận đi hành hương tại Nhà thờ Cao Lãnh ngày 04.10.2025. Theo thông lệ, hàng năm tổ chức họp mặt tu sĩ giáo phận để trao đổi, chia sẻ những sinh hoạt trong đời sống mục vụ và những thao thức của người tu sĩ khi loan báo tin mừng”.

Buổi họp mặt trở nên ý nghĩa hơn khi có sự hiện diện và chia sẻ của Đức Cha Phêrô, ngài nói: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói năm thánh “hành hương của những người hy vọng”. Vậy gắn liền với hy vọng là một nhân đức rất cần thiết đó là sự kiên trì, sự kiên trì giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, thử thách… hãy luôn kiên trì trong đời sống thánh hiến và điều cần thiết trong thời đại của chúng ta hôm nay đó là chăm sóc và vun trồng đời sống nội tâm, trung thành với các giờ cầu nguyện và các việc đạo đức”.

Ngày họp mặt tu sĩ là cơ hội để các tu sĩ cầu nguyện và nâng đỡ nhau trong đời sống thánh hiến. Ước mong niềm vui và lời nhắn nhủ của Đức Cha giúp cho các tu sĩ trong giáo phận luôn kiên trì và trung thành bước theo Chúa Kitô trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/tu-si-chung-sinh/hop-mat-tu-si-giao-phan-my-tho-42535.html

 

 

3. Có gần 600 bệnh nhân, người cao tuổi tham dự thánh lễ Ngày Thế giới Bệnh nhân

Bài viết, hình: Hoài Bão

BTT Giáo phận

(WGPMT) Vào lúc 09g00 ngày 11.02.2025, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Giám mục Giáo phận Mỹ Tho đã dâng thánh lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức – Ngày Thế giới Bệnh nhân tại Nhà thờ Chánh Toà Mỹ Tho.

Trước khi cử hành thánh lễ, cha Giacôbê Hà Văn Xung – Cha sở Giáo xứ Chánh Toà cùng 2 cha phó đã ban Bí tích Giải tội tại chỗ ngồi cho những bệnh nhân và người cao tuổi.

Sau bài giảng lễ, Đức Cha và quý cha đã cử hành nghi thức xức dầu cho các bệnh nhân và người cao tuổi. Sau lời nguyện hiệp lễ, Đức Cha yêu cầu cộng đoàn đọc một Kinh Lạy Cha, một Kinh Tin Kính, sau đó ngài ban phép lành toàn xá cho cộng đoàn.

Thánh lễ kết thúc lúc 10g20, Đức Cha đã trao những phần quà cho quý sơ và những người già ngồi xe lăn. Quý cha và ban mục vụ giáo xứ đã lần lượt trao quà cho các bệnh nhân khác. Cầu mong ơn Chúa, nhờ sự chuyển cầu của Mẹ Maria ban muôn ơn lành hồn xác xuống trên các bệnh nhân và người cao tuổi, để mọi người được sống trong an vui, hạnh phúc.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/co-gan-600-benh-nhan-nguoi-cao-tuoi-tham-du-thanh-le-ngay-the-gioi-benh-nhan-42549.html

 

 

4. Hơn 1000 Hội viên Các Bà Mẹ Công Giáo và Giới Hiền Mẫu hành hương Năm Thánh 2025

Bài viết và hình ảnh: Cecilia Kim Ngân

BTT hạt Cao Lãnh

(WGPMT) Sáng ngày 12.02.2025, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo (CBMCG) và Giới Hiền Mẫu (GHM) của 2 hạt Cao Lãnh và Cù Lao Tây hành hương Năm Thánh 2025.

Theo chỉ định của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho, Nhà thờ Cao Lãnh là nơi hành hương Năm Thánh 2025 trong tỉnh Đồng Tháp. Lúc 08g00 ngày 12.02.2025, có hơn 1000 hội viên Hội CBMCG và GHM của 2 hạt Cao Lãnh và Cù Lao Tây đã thực hiện ngày hành hương Năm Thánh 2025 tại Nhà thờ Cao Lãnh.

Mở đầu ngày hành hương, cha Phêrô Nguyễn Văn Khôi - Trưởng Ban Giáo dân hạt Cao Lãnh đã giúp cho đoàn hành hương hiểu về Năm Thánh: “Năm Thánh là thời gian mà con người được mời gọi khẩn thiết sống và thực thi việc thống hối và canh tân, dứt khoát từ bỏ tội lỗi, sống mối tương quan tình yêu với Thiên Chúa, hòa giải và hiệp nhất với tha nhân, với vũ trụ vạn vật”. Sau đó, cha giải thích thêm những điều kiện để lãnh nhận ơn toàn xá trong Năm Thánh.

Sau khi học hỏi Năm Thánh 2025, quý cha ngồi toà giải tội cho khách hành hương và các hội viên để chuẩn bị thánh lễ lúc 09g30 do cha Phêrô Tạ Ngọc Hải Sơn – Cha sở Giáo xứ Trà Đư chủ tế, đồng tế với ngài có các cha trong hạt Cao Lãnh và Cù Lao Tây.

Trong bài giảng lễ, cha Phaolô Phạm Minh Thanh - Trưởng Ban Giáo dân Giáo phận Mỹ Tho mượn hình ảnh Chúa Giêsu ở trên chiếc thuyền và mẻ cá ( Lc 5, 1-11 ) để mời gọi cộng đoàn, đặc biệt là Hội CBMCG và GHM hãy mở lòng và đón nhận Chúa Giêsu, hãy để Ngài đặt chân lên chiếc thuyền của gia đình mình, Ngài sẽ là niềm tin vững chắc bền lâu để cho chúng ta tựa vào. Cha nói: “Sự hiện diện của Chúa là chỗ dựa vững mạnh và là ánh sáng của chúng ta, chỉ cần một điều là chúng ta phải vâng phục Lời Chúa, càng vâng phục bao nhiêu thì mẻ cá sẽ tương ứng bấy nhiêu. Đức tin đủ lớn thì ân sủng của Thiên Chúa sẽ đủ đầy cho chúng ta”.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 11g00, cha Nicola Nguyễn Tấn Hoàng - Cha sở Nhà thờ Cao Lãnh gửi lời cảm ơn và lời chúc bình an đến quý cha và mọi người.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/hon-1000-hoi-vien-cac-ba-me-cong-giao-va-gioi-hien-mau-hanh-huong-nam-thanh-2025-42565.html

 

 

5. Giáo phận Mỹ Tho: Các Chủng sinh giúp Năm Mục vụ học hỏi Mục vụ Di dân

Bài viết: Anh Thư

(WGPMT) Lúc 09g00 sáng, ngày 11.02.2025 các Chủng sinh khoá 20 đang giúp Năm Mục vụ trong Giáo phận Mỹ Tho học hỏi Mục vụ Di dân tại Giáo xứ Đức Hoà.

Để giúp các thầy có thêm kiến thức và kinh nghiệm về Mục vụ Di dân, cha Phêrô Phạm Bá Đương - Đặc trách Tu sĩ, Chủng sinh và cha Đaminh Nguyễn Thanh Liêm - Đặc trách Di dân của giáo phận, đã tạo điều kiện để các Chủng sinh khóa 20 đang giúp Năm Mục vụ trong giáo phận đến thăm một số công ty, xí nghiệp nơi có nhiều anh chị em di dân sống và làm việc trên địa bàn Giáo xứ Đức Hòa. Đây là dịp để giúp các thầy có thêm kinh nghiệm thực tế về cuộc sống, công việc của anh chị em di dân.

Với khẩu hiệu “Yêu thương và phục vụ” đời linh mục của mình, cha Đaminh chia sẻ: “Mình cứ làm thôi, mọi việc là của Chúa, cứ để Ngài lo”. Cha còn nhắn gửi đến các thầy: “Hãy luôn tin tưởng, phó thác vào Chúa, vì Ngài sẽ có cách giúp ta. Thế nhưng, mỗi người cũng cần can đảm bước ra khỏi vùng an toàn của mình để đến với anh chị em di dân”.

Buổi đi thực tế kết thúc lúc 11g30, các thầy trở về Nhà thờ Đức Hoà để tham dự giờ thảo luận chung từ 15g00 đến 16g00. Tuy ngày học và đi thực tế đến với anh chị em di dân kết thúc, nhưng đây sẽ là kinh nghiệm rất quý cho đời sống mục vụ của các thầy sau này.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/di-dan/giao-phan-my-tho-cac-chung-sinh-giup-nam-muc-vu-hoc-hoi-muc-vu-di-dan-42567.html

 

 

6. Hội đồng Mục vụ sống Năm Thánh với tinh thần loan báo Tin Mừng

Bài viết, hình: Anna Linh Phương

BTT hạt Cái Bè

(WGPMT) Sáng Chúa nhật 23.02.2025, tại nhà thờ Giáo xứ Long định I, Hội đồng Mục Vụ (HĐMV) các giáo xứ trong hạt Cái Bè có cuộc hành hương với chủ đề: “Hội đồng Mục vụ sống Năm Thánh với tinh thần loan báo Tin Mừng”.

Đáp lời mời gọi của cha Phêrô Nguyễn Thành Danh - Đặc trách HĐMV Giáo xứ hạt Cái Bè, sáng Chúa Nhật 23.02.2025 quý cha và HĐMV các giáo xứ trong hạt đã có buổi gặp gỡ giao lưu tại Nhà thờ Giáo xứ Long Định I.

Trong ngày gặp gỡ, học hỏi, chia sẻ mục vụ, các thành viên HĐMV các giáo xứ được cha Phaolô Phạm Minh Thanh – Trưởng ban Giáo dân Giáo phận Mỹ Tho chia sẻ về Năm Thánh và lời mời gọi trở thành những Người Lữ Hành Hy Vọng. Cha nhấn mạnh “niềm hy vọng của người Kitô giáo và nhất là thành viên HĐMV khi được mời gọi trở thành những Người Lữ Hành Hy Vọng, cần thi hành sứ vụ với tinh thần cầu nguyện, thường xuyên lãnh nhận các bí tích, cộng tác với anh em, quan tâm chăm sóc những người khó khăn, những người trẻ, những người di cư… luôn có những ý tưởng, hành động đem niềm vui, niềm hy vọng đến cho mọi người”.

Cha Phêrô Nguyễn Ngọc Long - Trưởng ban Loan báo Tin Mừng đã hướng dẫn Một số gợi ý để sống Năm Thánh 2025 và Thực hành Sứ vụ Truyền Giáo. Cha đặc biệt lưu ý đến Vai trò và Trách nhiệm của HĐMV trong việc loan báo Tin Mừng, ngài nhắc nhở phải luôn hiệp nhất cùng cha sở trong mọi chương trình hoạt động của giáo xứ: cổ võ, kêu gọi, đôn đốc khu xóm tham gia các việc đạo đức trong nhà thờ, tích cực làm việc bác ái… Còn nơi gia đình, các thành viên hãy sống yêu thương chăm sóc nhau hơn nhất là quan tâm đến đời sống đức tin cho giới trẻ. Tất cả các việc làm trên sẽ được cụ thể hóa trong việc tổ chức đọc kinh gia đình, chia sẻ lời Chúa, thăm viếng anh em…

Thánh lễ kết thúc lúc 11giờ 45 phút, mọi người hân hoan ra về với niềm vui hồng ân Năm Thánh vừa lãnh nhận.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/hoi-dong-muc-vu-song-nam-thanh-voi-tinh-than-loan-bao-tin-mung-42623.html

TIN GIÁO HỘI VIỆT NAM

1. Đời sống thánh hiến: lời mời gọi nhớ đến Chúa Giêsu trong mọi khoảnh khắc

WHĐ (02/02/2025) - Nhân Ngày Thế giới về Cầu nguyện cho Đời sống Thánh hiến, vào ngày 02 tháng 02 — một ngày lễ được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập vào năm 1997 và gắn liền với lễ Dâng Chúa trong Đền Thánh — OSV News đã có cuộc trò chuyện với Cha Jorge Torres, linh mục thuộc Giáo phận Orlando, Florida, và là giám đốc điều hành Văn phòng Giáo sĩ, Đời sống Thánh hiến và Ơn gọi của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ.

OSV News: Theo cha, cốt lõi của đời sống thánh hiến trong Giáo hội Công giáo là gì?

Cha Torres: Đời sống thánh hiến là việc sống trọn vẹn ơn gọi phát xuất từ ơn gọi bí tích Rửa tội. Ba lời khuyên Phúc Âm—khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục—là kim chỉ nam cho đời sống thánh hiến. Những người sống đời thánh hiến đang nỗ lực sống giống như Chúa Giêsu đã sống: vâng phục thánh ý Chúa Cha, phục vụ những người đang cần giúp đỡ, và dành trọn đời sống trong cầu nguyện... Đó là một cách sống trọn vẹn lời cam kết của bí tích Rửa tội, và để cho các lời khuyên Phúc Âm hướng dẫn họ suốt đời trong đời sống cộng đoàn.

OSV News: Hiện nay, cha nhận thấy những xu hướng nào nơi những người tìm kiếm đời sống thánh hiến tại Hoa Kỳ?

Cha Torres: Một trong những xu hướng mà chúng tôi nhận thấy là những người bước vào đời sống thánh hiến ngày nay thường có nhiều kinh nghiệm sống hơn và đã từng có sự nghiệp. Họ đã bán nhà. Trong một số trường hợp, họ từng đính hôn, nhưng đã từ bỏ những mối tương quan đó để ít nhất là phân định ơn gọi, và cuối cùng bước vào đời sống phụng sự Thiên Chúa Toàn Năng trong đời sống thánh hiến.

Tôi rất lạc quan về đời sống thánh hiến trong nước. Có rất nhiều người trẻ đang thưa “xin vâng”. Họ được thu hút bởi những cộng đoàn thách thức họ sống trọn vẹn Tin Mừng, và đó là điều mà đôi khi nhiều người có thể không nhận ra.

Liệu chúng ta có còn số lượng ơn gọi như các thế hệ trước chăng? Không, nhưng chúng ta có chất lượng tuyệt vời. Chúng ta có những người trẻ sẵn sàng trở thành tu huynh, tu sĩ, ẩn sĩ, sẵn sàng bước vào đời sống đan tu để dâng hiến đời mình trong cầu nguyện.

Và đối với tôi, điều đó không chỉ truyền cảm hứng, mà còn thách thức tôi: Hiện nay, tôi đang đáp lại lời mời gọi của Chúa như thế nào?

Vì vậy, chúng tôi hết sức biết ơn những ai đang sống đời thánh hiến vì chứng tá hàng ngày của họ, vì lời “xin vâng” mà họ thưa với Chúa, để sống ngay trên trần gian này theo cách mà chúng ta sẽ sống trên thiên đàng—giống như Đức Mẹ và Thánh Giuse, những người đã sống trọn vẹn theo các lời khuyên Phúc Âm.

OSV News: Mối liên hệ giữa lễ Dâng Chúa trong Đền thánh và Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Đời sống Thánh hiến là gì?

Cha Torres: Lý do chúng ta cử hành ngày cầu nguyện này vào ngày 02 tháng 02 là vì đó cũng chính là ngày Chúa chúng ta được dâng trong Đền thờ. Và vì thế, những người sống đời thánh hiến cũng có thể vui mừng vì cội nguồn của sự thánh hiến của họ bắt đầu từ khoảnh khắc Đức Mẹ bước vào Đền thờ và ông Simêon chào đón Mẹ… Khoảnh khắc đó chứa đựng biết bao điều quan trọng: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35). Chắc chắn rằng những người sống đời thánh hiến đều hiểu rõ lưỡi gươm nào đã xuyên thấu trái tim họ. Và chúng ta biết ơn vì chứng tá của họ.

Đối với ông Simêon, sự dâng hiến của Chúa Giêsu đã chạm đến trái tim ông một cách sâu xa. Trong bài ca chúc tụng của mình (Lc 2,29-32), ông nói: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi”. Simêon đã mong chờ khoảnh khắc này suốt đời, và giờ đây ông có thể cất bước để đi vào cõi vĩnh hằng.

Vì thế, lần tới khi tham dự nghi thức tuyên khấn trọn đời, bạn hãy nghĩ đến Simêon khi ông chiêm ngắm giây phút dâng hiến này. Giờ đây, toàn bộ lịch sử cứu độ soi sáng cho chúng ta về những ân sủng mà Simêon đã tiên báo. Hẳn từ trời cao, Simêon sẽ vui mừng nói rằng: “Có những con người đang thưa 'xin vâng' với Thiên Chúa Toàn Năng, chấp nhận mọi thử thách mà điều đó mang lại.”

OSV News: Theo cha, một số giá trị phong phú của đời sống thánh hiến là gì?

Cha Torres: Điều này phụ thuộc vào đặc sủng riêng của mỗi cộng đoàn. Với những người phục vụ người nghèo, họ đang phục vụ chính Chúa Giêsu nơi những người đau yếu, nơi những người cùng khổ.

Với những người sống đời tôn thờ Thánh Thể liên lỉ, họ đang chiêm ngắm Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.

Như vậy, đời sống thánh hiến vừa là việc chiêm ngắm Chúa Giêsu, vừa là việc sống theo lời kinh Shema (một lời cầu nguyện trung tâm của người Do Thái trích từ sách Đnl 6,4): "Hỡi Israel, hãy nhớ rằng Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi. Ngươi hãy yêu mến Người hết lòng, hết linh hồn, hết sức ngươi”.

Chúng ta cũng thấy lệnh truyền "hãy nhớ" này trong chính lời của Chúa Giêsu khi thiết lập Bí tích Thánh Thể: "Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy" (Mc 14,22-24; Lc 22,19-20; 1Cr 11,23-25).

Những người sống đời thánh hiến đang sống mỗi ngày theo cách thế nhắc nhở tôi, và hy vọng là cả những người khác, rằng Chúa Giêsu luôn hiện diện—trong những ai cần giúp đỡ và trong Bí tích Thánh Thể. Đời sống của họ cũng là lời mời gọi để tôi luôn nhớ đến Chúa Giêsu trong từng khoảnh khắc của cuộc đời mình.

OSV News: Trong nhiều bài giảng và phát biểu, Đức Tổng Giám mục Borys A. Gudziak của Tổng Giáo phận Philadelphia đã gọi đời sống thánh hiến là một trong những lựa chọn triệt để và đi ngược lại văn hóa nhất mà một người phụ nữ có thể thực hiện. Cha có đồng ý không?

Cha Torres: Hoàn toàn đồng ý. Đó là một quyết định mang tính triệt để vì người ấy đang nói với Chúa, với thế gian, và với chính mình rằng: "Tôi chỉ thuộc về Đấng Phu Quân của tôi mà thôi".

Rất nhiều lần ngôn ngữ mang tính hôn ước được sử dụng để mô tả mối tương quan này, đặc biệt là đối với phụ nữ. Đó là một sự quyết liệt, vì họ đang khẳng định: “Tôi sẽ không thuộc về ai khác ngoài Chúa Giêsu.”

OSV News: Cha sẽ nói gì với những người đang cân nhắc bước vào đời sống thánh hiến?

Cha Torres: Hãy gia tăng đời sống cầu nguyện, thực hành lectio divina (đọc và suy niệm Lời Chúa), và tìm hiểu cộng đoàn mà bạn đang phân định ơn gọi với.

Trong sâu thẳm trái tim con người luôn có một khát khao được hiến dâng trọn vẹn cho một ai đó, cho một điều gì đó—một điều không chỉ là ngôi sao dẫn đường, là kim chỉ nam cho cuộc đời bạn, mà còn là một món quà tuyệt đối, một sự dâng hiến trọn vẹn. Bất cứ khi nào chúng ta giữ lại điều gì đó cho riêng mình, đó là lúc chúng ta dễ gặp khó khăn. Đây là một lời mời gọi dứt khoát, không có chỗ cho sự nửa vời hoặc thỏa hiệp. Chúng ta đón nhận tình yêu cách nhưng không, và rồi đáp lại cũng bằng một tình yêu trọn vẹn.

OSV News: Cha sẽ nói gì với những người sống đời thánh hiến nhưng đang gặp khó khăn trong ơn gọi của mình?

Cha Torres: Hãy trở về với khoảnh khắc khi bạn cảm nhận được tiếng Chúa gọi và bạn đã muốn dâng hiến tất cả. Có một Đấng yêu thương bạn đã gọi bạn. Hãy trở về với tình yêu ban đầu của bạn.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: oursundayvisitor.com (01/02/2025)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/doi-song-thanh-hien-loi-moi-goi-nho-den-chua-giesu-trong-moi-khoanh-khac-42505.html

 

 

2. Gia đình trong thế kỷ XXI: thách đố và hy vọng

WHĐ (03/02/2025) - Giáo huấn của Giáo hội soi sáng những thách đố hiện tại của gia đình và đưa ra những cách thế để sống tình yêu và đức tin tại gia.

Gia đình, được Công đồng Vatican II định nghĩa là "Giáo hội tại gia", là hạt nhân nền tảng của xã hội và là nơi truyền tải các giá trị nhân bản và Kitô giáo. Tuy nhiên, trong thế kỷ XXI, thể chế gia đình đang đối diện với những thách đố chưa từng có: sự thay đổi văn hóa, áp lực xã hội, khủng hoảng giá trị và những quan niệm mới về các mối quan hệ con người. Trước thực tế này, Giáo Hội mang đến một tầm nhìn đầy hy vọng và sự đồng hành gần gũi với các gia đình.

Những thách đố của gia đình ngày nay

Trong một thế giới bị chi phối bởi chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tương đối, nhiều gia đình đối diện với những khó khăn như thiếu sự giao tiếp, khủng hoảng hôn nhân, nuôi dạy con cái trong một môi trường thế tục hóa, và ảnh hưởng của những ý thức hệ đi ngược lại quan điểm Kitô giáo về con người. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong Tông huấn Amoris Laetitia, nhìn nhận những thách đố này và kêu gọi Giáo Hội trở thành một “bệnh viện dã chiến”, nơi biết đón nhận, đồng hành và chữa lành những gia đình bị tổn thương.

Một trong những thách đố cấp bách nhất là bảo vệ sự sống từ lúc thụ thai đến khi chết một cách tự nhiên. Nền văn hóa vứt bỏ, bị Đức Giáo Hoàng Phanxicô lên án, không chỉ đe dọa thai nhi mà còn ảnh hưởng đến người già, người bệnh và những người dễ bị tổn thương nhất. Gia đình, với vai trò là thánh địa của sự sống, được mời gọi trở thành chứng tá sống động về giá trị thánh thiêng của mỗi con người.

Tầm nhìn của Giáo hội về gia đình

Giáo lý Công giáo khẳng định rằng gia đình được xây dựng trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, một sự kết hợp bất khả phân ly, mở ra với sự sống và tình yêu. Mô hình này, được gợi hứng từ kế hoạch của Thiên Chúa, không chỉ là một truyền thống đơn thuần mà còn là con đường dẫn đến hạnh phúc và sự viên mãn. Sách Giáo lý Giáo Hội Công giáo (số 2201-2206) nhấn mạnh rằng gia đình là tế bào cơ bản của xã hội và là nơi đầu tiên chúng ta học biết yêu thương, tha thứ và phục vụ.

Giáo Hội cũng nhận ra rằng nhiều gia đình không hoàn toàn phù hợp với mô hình lý tưởng này do các hoàn cảnh như ly hôn, sống chung không hôn thú, hoặc mất đi người thân yêu. Tuy nhiên, thay vì loại trừ họ, Giáo Hội chào đón họ với lòng thương xót, đồng thời mở ra những lộ trình hòa giải và tăng trưởng thiêng liêng.

Những chứng từ của các gia đình Công giáo

Để hiểu được đức tin có thể biến đổi đời sống gia đình như thế nào, thật ý nghĩa khi lắng nghe những chứng nhân đang sống ơn gọi hôn nhân và bậc cha mẹ với sự tận tâm và niềm vui. Dưới đây là hai chứng từ:

1. Gia đình Martinez:

"Chúng tôi là một gia đình năm người, và dù không phải lúc nào cũng dễ dàng, chúng tôi đã tìm thấy sự nâng đỡ trong đức tin để vượt qua những khó khăn. Chúng tôi cùng nhau cầu nguyện mỗi tối, và điều đó đã giúp chúng tôi duy trì sự hiệp nhất ngay cả trong những lúc khó khăn nhất, như khi tôi mất việc. Chúng tôi biết rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng tôi, và rằng với tư cách là một gia đình, chúng tôi được mời gọi trở nên sự phản chiếu tình yêu của Ngài."

2. Ana và Luis, một đôi vợ chồng trẻ:

"Khi kết hôn, chúng tôi biết rằng mình muốn xây dựng một gia đình theo thánh ý Chúa. Dù xã hội tạo áp lực để chúng tôi sống theo cách khác, chúng tôi đã quyết định tin tưởng vào giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và sự sống. Việc nuôi dạy con cái trong đức tin không hề dễ dàng, nhưng khi nhìn thấy chúng lớn lên với các giá trị như tôn trọng và liên đới, chúng tôi tràn đầy hy vọng."

Làm thế nào để củng cố gia đình ngày nay:

1) Sống đức tin trong gia đình: Cầu nguyện chung, đọc Kinh Thánh và tham dự Thánh lễ là những nền tảng giúp củng cố đời sống thiêng liêng trong gia đình.

2) Giáo dục về các giá trị: Cha mẹ có sứ mạng truyền dạy cho con cái sự tôn trọng sự sống, phẩm giá con người và các nguyên tắc Kitô giáo.

3) Đồng hành mục vụ: Các giáo xứ và phong trào gia đình cần cung cấp sự đào tạo và hỗ trợ cho các gia đình, đặc biệt là những gia đình đang gặp khủng hoảng.

4) Bảo vệ sự sống: Gia đình được mời gọi trở thành phát ngôn viên cho nền văn hóa sự sống, chống lại phá thai, trợ tử và mọi hình thức bạo lực.

5) Chứng tá của tình yêu thương: Tình yêu vợ chồng, chung thủy và sinh hoa trái, là sự phản chiếu tình yêu của Đức Kitô dành cho Giáo Hội. Sống tình yêu này với sự tận hiến và hy sinh chính là chứng tá tốt đẹp nhất mà một gia đình có thể mang đến cho thế giới.

Gia đình, niềm hy vọng cho thế giới

Dù đối diện với nhiều thách đố, gia đình vẫn là ngọn hải đăng hy vọng giữa bóng tối. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã diễn tả điều này một cách rõ ràng: “Gia đình là nơi gặp gỡ, chia sẻ, ra khỏi chính mình để chào đón và gần gũi với người khác”. Trong một thế giới ngày càng phân mảnh, gia đình Công giáo được mời gọi trở thành dấu chỉ của sự hiệp nhất, yêu thương và đức tin.

Là mẹ và là thầy dạy, Giáo Hội luôn đồng hành cùng các gia đình trên hành trình của họ, cung cấp những khí cụ thiêng liêng và mục vụ cần thiết để đối diện với những thách đố của thế kỷ XXI. Như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Tương lai của nhân loại được hình thành trong gia đình”. Vì thế, chăm sóc và củng cố gia đình không chỉ là một nhiệm vụ cấp bách mà còn là một sứ mạng của tình yêu thương.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: exaudi.org (31.01.2025)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/gia-dinh-trong-the-ky-xxi-thach-do-va-hy-vong-42508.html

 

 

3. Vatican công bố một văn bản tham khảo về sự phát triển vũ bão của AI

I.Media

WHĐ (04/02/2025) - Ngày 28 tháng Một năm 2025, Vatican đã công bố một văn bản tham khảo dài 35 trang về mối liên hệ giữa trí thông minh nhân tạo (AI) và trí thông minh con người. “AI phải được dùng như một công cụ bổ sung cho trí tuệ con người chứ không thay thế sự giàu có của nó”, văn bản nhấn mạnh.

“Giáo Hội cổ vũ những tiến bộ trong khoa học, trong công nghệ, trong các môn nghệ thuật và trong tất cả những công việc của loài người” nhưng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của “việc sử dụng có trách nhiệm sự hợp lý và khả năng kỹ thuật”, chú thích Antiqua et Nova về mối quan hệ giữa trí thông minh nhân tạo AI và trí thông minh con người, cho biết. Hai văn bản này được bộ Giáo Lý Đức Tin và Bộ Văn hoá và Giáo dục Vatican, công bố chung ngày 28 tháng Một 2025.

Tài liệu dài 35 trang này, hiện chỉ được công bố bằng tiếng Ý, Tây ban nha và tiếng Anh – đa phần dựa trên những phát biểu của Đức Giáo hoàng Phanxicô về vấn đề. Nó đưa ra một tổng hợp những suy tư của Giáo hội Công giáo về một chủ đề ngày càng chiếm trọng tâm trong nhiều lãnh vực của đời sống xã hội, từ giáo dục tới việc sử dụng truyền thông đại chúng, cho đến những vấn đề sức khỏe, quốc phòng hay cả những mối quan hệ quốc tế.

AI phải được sử dụng chỉ như một công cụ bổ sung cho trí tuệ con người chứ không thay thế sự giàu có của nó.

Nhắc đến những phát hiện của một số nhà khoa học cho rằng AI “có thế bắt kịp và thay thế trí tuệ con người” và dẫn tới những tiến bộ “vượt quá mọi sự tưởng tượng”, bản ghi chú cảnh báo rằng “tham vọng thay thế Chúa thông qua một tác phẩm từ chính bàn tay mình là một sự tôn thờ ngẫu tượng”, chẳng khác gì một sự cám dỗ truyền thống mà những câu chuyện trong Kinh Thánh đã cảnh báo loài người.

“Đừng nên quên rằng AI chỉ là một phản ảnh mờ nhạt của nhân loại, vì nó được sản xuất từ trí óc con người, hình thành từ vật liệu của con người, chỉ định dùng cho việc kích thích con người và được công việc của con người hỗ trợ”, Đức Hồng y Victor Manuel Fernández, Bộ trưởng bộ Giáo Lý Đức Tin, và Đức Hồng y José Talentino, Bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa, nhắc nhở một cách mạnh mẽ trong bản ghi chú mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phê chuẩn ngày 14 tháng Một vừa qua.

“AI phải được dùng chỉ như một công cụ bổ sung cho trí tuệ con người chứ không thay thế sự giàu có của nó”, một điều được nhấn mạnh. “Nó không thể có đa số những khả năng riêng có của đời sống con người và nó cũng có thể sai lầm. Tóm lại, khi tìm kiếm ở nó một “Chúa khác” vĩ đại hơn để chia sẻ cuộc đời và trách nhiệm, loài người có nguy cơ tạo ra một thứ thay thế Thiên Chúa”, Vatican cảnh báo.

Một “cuộc khủng hoảng sự thật”

“Tình hình mới này dẫn nhân loại tới chỗ tự hỏi về bản sắc của mình và mình đóng vai trò gì trong thế giới”, bản ghi chú cho biết. Những “tham gia vào nhân loại học và đạo đức học” của AI do đó nằm ở trung tâm của tài liệu này, ưu tiên dành cho các nhà giáo dục nhưng cũng muốn chạm đến số đông công chúng nhất có thể, nhằm ‘đóng góp tích cực vào việc phân định về AI”.

Lần lại quá trình phát triển của những công nghệ này từ khi khái niệm về chúng trổi dậy vào những năm 1950, tài liệu của Vatican vẽ một đường phân ranh giữa “AI giới hạn”, có thể là một công cụ có hiệu quả đáng kể, nhất là trong lãnh vực y khoa, dự báo thời tiết hay dịch thuật và “AI tổng quát”, cho rằng có thể vượt qua khả năng trí tuệ loài người và có nguy cơ làm cho nhân loại mất đi sự làm chủ số phận mình.

Trí tuệ loài người không chỉ giới hạn trong việc hoàn thành những công việc kỹ thuật, nhưng còn bao gồm cả năng lực cảm nhận và tính chủ quan. Ngược lại, AI chỉ hoạt động để thi hành công tác, để đạt mục tiêu hay đưa ra những quyết định dựa trên những dữ liệu định lượng và một lô gích điện toán”. Kiểu mẫu thuần toán học này không thể du nhập những sắc thái và sự phức tạp của đời sống con người.

Trách nhiệm đạo đức và những giới hạn của tiến bộ khoa học

“Mọi thứ công nghệ mới đều không đưa ra một tiến bộ thật sự trong chính bản thân chúng”, bản ghi chú cảnh báo dựa trên lời giảng dạy của Đức Phanxicô trong Sứ điệp Laudato Si (2015) và của cả Đức Biển Đức 16 trong Caritas in Veritate (2009).

“Bảo toàn khả năng hành động của con người” là một ưu tiên trong việc sử dụng AI một cách đạo đức. “Khi tỏ ra thận trọng, cá nhân và tập thể có thể phân định cách nào sử dụng AI để làm lợi cho nhân loại, mà vẫn tránh khỏi những App (ứng dụng) có khả năng gây hại cho phẩm giá của con người hay làm tổn thương hành tinh của chúng ta”, bản ghi chú nhấn mạnh.

Vatican cáo buộc “cách nói của các chuyên gia có khuynh hướng nhân cách hóa AI và từ đó xóa nhòa ranh giới giữa những gì là con người và những gì là nhân tạo”. Việc sử dụng những công cụ như vậy có nguy cơ thúc đẩy người ta sống những mối quan hệ giữa người với người một cách vị lợi và “xui khiến những người trẻ tuổi nhất xem thầy cô như những người cung cấp thông tin chứ không như những bậc thầy dẫn lối đưa đường và nâng đỡ sự lớn khôn của họ về trí tuệ cũng như đạo đức”.

Tác động đến nền kinh tế và giới lao động

Vatican lưu ý đến một sự nghịch lý ngày càng phổ biến trong giới lao động: “Trong lúc AI hứa hẹn sẽ kích thích năng xuất bằng cách đảm nhận những công việc thường lệ, người lao động lại bị buộc phải thích nghi với tốc độ và đòi hỏi của máy móc”. AI phải trợ giúp chứ không thay thế óc phán đoán của con người, cũng như nó không được làm xuống cấp óc sáng tạo hay biến người lao động thành những bánh xe trong một guồng máy”, bản ghi chú nhấn mạnh.

Cũng vậy, trên lãnh vực y khoa, nếu AI có thể giúp phát triển việc đạt được một số chẩn đoán và điều trị, trách nhiệm cuối cùng vẫn phải nằm trong tay những người chuyên nghiệp trong lãnh vực y khoa, những người phải “dùng hết khả năng và trí óc của mình để đưa ra những chọn lựa chín chắn và có đạo đức cho những người được giao vào tay họ mà vẫn luôn tôn trọng phẩm giá không thể bị xâm phạm của người bệnh và nguyên tắc của sự tự nguyện sáng suốt”.

Nguy cơ “xói mòn những nền móng của xã hội”

Bản ghi chú cũng đề cập đến vấn đề fake newsdeepfake (tin giả và hình ảnh giả mạo) của AI có thể xúi giục công chúng hiểu sai lầm, như trường hợp chiến dịch tranh cử ở Mỹ mới đây. Vatican cáo buộc: “Việc sử dụng AI có chủ đích nhằm thao túng dư luận”, điều xảy ra khi một người vận hành hay một tổ chức phát tán có chủ đích những thông tin, chẳng hạn như hình ảnh, video và âm thanh bị làm giả, nhằm mục đích lừa đảo hay gây hại”. Tài liệu trên kêu gọi phải có “quy chế chu đáo” vì những thực hành như vậy có nguy cơ “xói mòn lần lần những nền móng của xã hội”, bằng cách nuôi nấng sự “tập trung chính trị và nỗi bất bình trong xã hội”. Trên bình diện những vấn đề quốc phòng và an ninh, xin nhắc lại sự chống đối kiên quyết của Tòa Thánh với những vũ khí tự hành. “Những tội ác đã thực hiện trong dòng lịch sử nhân loại đủ để gợi lên những mối lo ngại liên quan đến việc lạm dụng AI một cách tiềm tàng”, các tác giả bản ghi chú lo ngại.

Một chủ đề ưu tiên của Tòa Thánh

Những năm gần đây, Tòa Thánh đã tham gia tích cực vào cuộc tranh luận về những vấn đề đạo đức có thể xảy ra do sự phát triển như vũ bão của AI. Năm 2020, Viện Hàn Lâm Giáo Hoàng về đời sống đã đưa ra “Lời Kêu Gọi từ Roma cho một trí thông minh nhân tạo AI hợp đạo đức”, một giao ước được những công ty lớn IBM, Microsoft hay cả Cisco ký. Như sự tiếp nối văn bản ấy, đích thân đức Giáo Hoàng nhiều lần can thiệp để bảo vệ cho sự tiếp cận AI tập trung vào phẩm giá của con người, đặc biệt là phát biểu của ngài nhân hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Ý tháng Sáu 2024.

Tài liệu mới nhất của Tòa Thánh này được công bố vài ngày sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố phát động “Stargate”, một kế họach, trị giá 500 tỷ đô la, nhằm nâng đỡ việc phát triển AI ở Mỹ. Dự án đó dự kiến xây dựng những “data centers” (trung tâm dữ liệu data) có thể cho phép tăng cường khả năng công nghệ và năng lượng trong việc xử lý dữ liệu của AI.

Còn Pháp sẽ tổ chức ở Paris một hội nghị thượng đỉnh vì hành động về trí thông minh nhân tạo, ngày 6 tháng Hai, nhằm thiết kế một khung điều tiết đa phương cho lãnh vực này, mà những tiến hóa nhanh chóng của nó khiến những hệ thống pháp lý các quốc gia không bắt kịp. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã từng đề cập đến vấn đề này với Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngày 15 tháng Mười Hai vừa qua khi gặp nhau ở Ajaccio (đảo Corse) và rất có thể lịch công bố văn bản trên có liên quan tới cuộc gặp thượng đỉnh sắp diễn ra đó.

Hình: SomYu Zu | Shutterstock

Lê Hưng

Chuyển ngữ từ: fr.aleteia.org (28/01/2025)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/vatican-cong-bo-mot-van-ban-tham-khao-ve-su-phat-trien-vu-bao-cua-ai-42515.html

 

 

4. Năm thánh trong bệnh tật

Alfons Gea

WHĐ (06/02/2025) - Tìm kiếm ánh sáng trong bệnh tật và sự hòa giải trong đau đớn.

Đức Giáo hoàng Phanxicô, dù tuổi cao sức yếu, đã kêu gọi Năm Thánh của Hy vọng. Sắc chỉ triệu tập không thiếu những lời nhắc đến tuổi già và bệnh tật.

Hiểu được tâm hồn con người, ta nhận ra khát khao hy vọng luôn muốn vươn tới những góc tối tăm nhất của đau khổ.

Đối với người đau bệnh, đây cũng là một Năm Thánh của Hy Vọng.

Khi tôi còn phụ trách Mục vụ Y tế, chúng tôi luôn nhấn mạnh rằng một người ở trong tình trạng bệnh, chứ không phải là người bệnh, như thể bệnh tật không định nghĩa căn tính của họ, mà chỉ là một khía cạnh khác của cuộc sống, một trạng thái nhất thời. Nhưng giờ đây, sau hơn 10 năm sống chung với bệnh Parkinson, dù tôi không thể khẳng định rằng căn bệnh này định nghĩa con người mình, nhưng chúng tôi phải thừa nhận rằng có một ranh giới rõ ràng trước và sau chẩn đoán. Khi bệnh tật trở thành mãn tính, nó giống như một người bạn đồng hành trên chuyến hành trình—một vị khách không mời mà vẫn luôn hiện diện. Giống như một hành khách ngồi cạnh ta trên chuyến tàu, ta không thể phớt lờ sự hiện diện của họ. Ta không nên để họ lấn át mình, nhưng cũng không thể không lưu tâm đến những đòi hỏi của họ. Ta nên chấp nhận những hạn chế mà họ mang lại, nhưng không để mình bị khuất phục.

Hầu hết các căn bệnh đều phức tạp, mang tính cá vị, và không thể chuyển giao. Những triệu chứng có thể nhận thấy bên ngoài thường chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, thứ mà người khác có thể nhìn thấy, nhưng đằng sau đó là cả một danh sách những khó khăn mà bệnh nhân phải âm thầm chịu đựng trong một nỗ lực liên lỉ để giữ được sự bình thường. Cố gắng để người khác không nhận ra điều đó. Và vì thế, ngoài việc chối bỏ triệu chứng, chúng ta còn cảm thấy tội lỗi vì những khiếm khuyết mà bệnh tật gây ra. Trầm cảm và lo âu, chẳng hạn, là những trạng thái phổ biến, thường đi kèm với hầu hết các căn bệnh và gây ra nhiều khó khăn hơn cả tình trạng cứng cơ hoặc các cử động không kiểm soát trong bệnh Parkinson. Các triệu chứng tâm lý, vốn thường bị những người không trải qua hiểu lầm, thậm chí đôi khi lại bị quy chụp là do ý chí kém của bệnh nhân. Khi điều này xảy ra, và bệnh nhân tự trách mình vì nỗi buồn và sự lo âu của bản thân, họ rơi vào một vòng luẩn quẩn khiến trầm cảm càng trầm trọng hơn. Điều này giúp ta hiểu được tại sao người Do Thái xưa lại liên kết bệnh tật với tội lỗi. “Ai đã phạm tội, anh ta hay cha mẹ anh ta?” – người ta hỏi Chúa Giêsu trong Gioan 9, 2-3. Ngày nay, dù bệnh tật không còn bị đồng nhất với tội lỗi, nhưng vẫn có xu hướng phán xét cách hành xử của người bệnh, quy trách nhiệm cho họ về tình trạng của mình. Béo phì bệnh lý, chẳng hạn, thường bị chỉ trích nặng nề, cũng như các bệnh lý tâm thần. Câu nói "Bạn bị như vậy là do chính bạn muốn như thế" không phải là điều hiếm gặp.

Bạn bè của ông Gióp nói với ông rằng Thiên Chúa không bao giờ sai lầm. Ngược lại, chính bệnh nhân lại là người thường xét đoán Thiên Chúa vì đã giáng xuống họ nỗi đau này. Đây là một cuộc xung đột đức tin: "Nếu Chúa yêu con, tại sao con lại phải chịu bệnh tật?"

Đôi khi, chính người bệnh tự kết án mình là một người con bất xứng của Thiên Chúa. Bởi vì tinh thần uể oải, bi quan, mệt mỏi và kiệt sức không được xem là hậu quả của bệnh tật, mà là do thiếu đức tin. Người ta vẫn hay nói: "Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn". Điều này tạo ra cảm giác thất vọng và tội lỗi vì không có được niềm vui. Đặc biệt là khi trong một thế giới quá đề cao sự "tích cực", nỗi buồn thường bị xem như dấu hiệu của sự thất bại. Nhiều cuộc khủng hoảng ơn gọi trong đời sống tu trì cũng như hôn nhân đều bắt nguồn từ việc không thể chấp nhận sự thất bại mà bệnh tật mang lại.

Năm Thánh sẽ không chữa khỏi chứng trầm cảm hoặc tình trạng mệt mỏi mãn tính của chúng ta, nhưng nó đặt chúng ta vào quan điểm của sự tha thứ. Tha thứ là nguồn cội của niềm vui. Tha thứ cho chính mình vì những lo âu và trầm cảm là khởi đầu của Sức khoẻmà Chúa Giêsu đến để mang lại.

Liệu pháp tâm lý rất quan trọng trong việc làm rõ hành vi và phát triển các chiến lược đối phó, nhưng như Josef Pieper đã viết trong cuốn sách về khái niệm tội lỗi, chỉ có sự tha thứ mới đủ để hàn gắn những tổn thương đã gây ra. Có nhiều triết lý cố gắng lý giải về điều ác và trách nhiệm của con người đối với tội lỗi, nhưng không triết lý nào có sức mạnh như của Đấng có thể tha thứ cho chúng ta từ tận gốc rễ.

Những người khác - những người sống cùng người bệnh, gia đình, bạn bè và xã hội nói chung - cũng bị ảnh hưởng bởi căn bệnh. Các mối tương quan bị cản trở. Đôi khi, người càng gần gũi với bệnh nhân thì vết thương lại càng bị chạm đến nhiều hơn.

Tôi nhớ về một bệnh nhân AIDS, vào giai đoạn đầu của căn bệnh khi nó vẫn còn là án tử. Anh ấy đau khổ đến mức tự cô lập với tất cả mọi người, giấu kín nỗi đau của mình, không muốn tỏ ra yếu đuối, mà ngược lại, anh rất tử tế và nhã nhặn, thực là một bệnh nhân đáng mến. Nhưng khi mẹ ruột của anh đến thăm, anh lại trút hết mọi nỗi tức giận lên bà, đến mức bà luôn ra về trong nước mắt vì những lời trách móc đầy giận dữ của con trai. Chỉ có người đã mang nặng đẻ đau mới là người mà anh có thể trút bỏ cơn giận dữ. Chỉ có bà mới thực sự là một “người mẹ” trước nỗi đau của con mình.

Năm Thánh của Hy vọng, với mong muốn đưa chúng ta trở về trạng thái ban đầu của bí tích Rửa Tội, cũng đề xuất bí tích Hòa Giải như một cơ hội để nhìn nhận tội lỗi và xin tha thứ cho những tác động mà bệnh tật của chúng ta gián tiếp gây ra trong mối tương quan với người khác.

Tha thứ cho người khác

Sự bất toàn, nỗi buồn, vụng về về thể chất, ám ảnh, chậm chạp, sợ hãi, rối loạn nhận thức, và những hậu quả khác của bệnh tật thường khó được người khác chấp nhận.

Có một xu hướng muốn che giấu người bệnh. Người ta tự hỏi: "Tại sao một nhà lãnh đạo, mục tử hoặc chính trị gia mắc bệnh nào đó không từ chức?". Tiêu chuẩn của sự bình thường rất khắt khe.

Áp lực về năng suất mà thế giới đặt ra khiến người bệnh bị gạt ra bên lề. Trong sắc chỉ, Đức Giáo hoàng đã nói về sự kiên nhẫn - điều mà người bệnh buộc phải học nhưng lại không dễ dàng để người khác thấu hiểu. Ngài nói:

Chúng ta đã quen với việc muốn có mọi thứ ngay lập tức. Chúng ta không còn thời gian để gặp nhau và thường thì việc gặp gỡ và bình tâm nói chuyện với nhau, ngay cả trong gia đình, cũng trở nên khó khăn. Tính nóng vội làm mất kiên nhẫn, gây nguy hại nghiêm trọng cho con người. Thật vậy, điều đó gây ra bất khoan dung, căng thẳng, đôi khi cả bạo lực vô cớ, dẫn đến bất mãn và khép kín” (số 4).

Tuy nhiên, những quan niệm sáo rỗng, những phương thuốc vạn năng, các kiến thức khoa học và giả khoa học có thể dễ dàng tiếp cận qua truyền hình hay Internet khiến người bệnh cảm thấy bất lực trước những giải pháp mà người khác đề xuất. Ví dụ, và cũng để thêm chút hài hước, tôi nhớ lại đã từng nghe những “lời khuyên” hết sức phi lý về bệnh Parkinson như: "Uống một tách cà phê là khỏi ngay", hoặc "Tắm nước thật nóng, gần như bỏng, sẽ giúp phục hồi khả năng vận động".

Nguyên nhân chính là bệnh tật thường gây ra một nỗi lo lắng nhất định cho người khác. Đó cũng là lý do tại sao việc thăm nom người bệnh trở nên khó khăn, bởi vì bệnh tật tạo ra cảm giác bất an cho người đến thăm. Cách để chấm dứt hoặc thoát khỏi sự bất an này là né tránh trách nhiệm với bệnh nhân. Người ta đưa ra lời khuyên và kê toa thuốc dù họ không phải là chuyên gia y tế, hoặc ngược lại, họ giới thiệu bệnh nhân đến các hội nhóm dành cho người mắc bệnh để họ cảm thấy được bảo vệ. Mối tương quan với bệnh nhân trở nên mang tính chuyên môn hóa. Các nhóm hỗ trợ, dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng phản ánh sự buông xuôi của xã hội trong việc chấp nhận và hòa nhập những người có hoàn cảnh đặc biệt.

Những người khác, trong đó có cả chúng ta, dù đang mang bệnh hoặc tiếp xúc với những căn bệnh khác với bệnh của mình, cũng không nhất thiết phải hiểu bệnh tình của người khác.

Vấn đề nảy sinh khi, do thiếu thấu hiểu về bệnh tật của mình, chúng ta tự cô lập, hoặc tạo ra những nhóm chỉ dành riêng cho những người có chung hoàn cảnh.

Những người không hiểu bệnh tình của chúng ta có quyền không biết, có quyền đưa ra ý kiến và cố gắng "giúp đỡ" để cảm thấy an lòng. Có rất nhiều thiện chí, dù đôi khi những lời nói vụng về có thể gây tổn thương. Chúng ta có thể cảm nhận điều đó như một sự xúc phạm hoặc chỉ là một ý tốt không phù hợp—điều này tùy thuộc vào cách chúng ta đón nhận. Tha thứ chính là chìa khóa giúp mở ra đối thoại, và từ sự tha thứ sẽ dẫn đến sự thật.

Năm Thánh mời gọi chúng ta sống tinh thần hòa giải. Nếu chúng ta đã chất chứa nhiều nỗi oán giận và hiểu lầm, thì Năm Ân Sủng mà Năm Thánh đại diện chính là cơ hội giúp ta tái lập những mối tương quan tốt đẹp với những người xung quanh. Đức Giáo hoàng nhắc nhở chúng ta trong sắc chỉ triệu tập:

“Niềm hy vọng nơi tâm hồn mỗi người như nỗi khao khát và chờ đợi những điều tốt đẹp sẽ đến, dù chúng ta không biết ngày mai sẽ ra sao. Dù vậy, tính bấp bênh của tương lai lại gây ra những cảm xúc đôi khi trái ngược: từ tin tưởng đến lo sợ, từ thanh thản đến chán nản, từ xác tín đến nghi ngờ. Chúng ta thường gặp những người chán nản, họ nhìn về tương lai với thái độ hoài nghi và bi quan, như thể chẳng điều gì có thể mang lại hạnh phúc cho họ. Mong sao Năm Thánh là cơ hội cho mỗi người nhen nhóm lại niềm hy vọng” (số 1).

Hòa giải và trở thành người hòa giải

Năm Thánh cho phép chúng ta bước vào tiến trình của sự tha thứ—cả khi nhận lãnh lẫn khi trao ban. Đây là một sự trở về với khởi nguyên.

Nếu bệnh tật gây ra sự khó chịu, khiến các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn, thì cũng đã có những bằng chứng cho thấy rằng, dù tâm trạng tồi tệ và nỗi buồn là điều khó tránh khỏi, nhưng thái độ sống tích cực có thể giúp đối diện với bệnh tật theo một cách khác và thậm chí dường như còn giúp cải thiện triệu chứng. Tôi nhớ đến một người bạn, một người vợ, một người mẹ, thuộc nhóm các cặp vợ chồng trong giáo xứ. Cô mắc bệnh ung thư và phải nằm viện ba tháng. Sau một thời gian, tôi hỏi thăm về trạng thái tinh thần của cô, Nhận ra sự ngạc nhiên của tôi trước tinh thần lạc quan của cô, cô mỉm cười và nói: “Tôi không chọn căn bệnh này, tôi không thể, nhưng tôi có thể chọn cách sống cùng với nó”.

Dưới ánh sáng của Năm thánh Hy vọng, bệnh tật được trải nghiệm theo một cách hoàn toàn khác. Tôi muốn kết thúc bằng một đoạn khác trong sắc chỉ:

“Nhưng trong thực tế, mỗi người cần tìm lại niềm vui sống bởi vì con người, được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (x. St 1,26), không thể bằng lòng với việc chỉ sống cho qua ngày, khi chấp nhận chỉ hài lòng với thực tại vật chất mà thôi. Những điều này giam hãm chúng ta vào chủ nghĩa cá nhân và làm xói mòn niềm hy vọng, gây nên nỗi buồn trong tâm hồn và khiến nó trở nên cay đắng và bất bao dung” (số 9)

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: exaudi.org (04/02/2025)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/nam-thanh-trong-benh-tat-42528.html

 

 

5. Giáo dục mà không chê bai: 7 câu không nên nói với trẻ

WHĐ (07/02/2025) - Có một sự khác biệt rất lớn giữa việc sửa sai một cách yêu thương và việc chê bai người khác. Trong trường hợp đầu tiên, bạn giúp họ phát huy những điều tốt đẹp nhất; trong trường hợp thứ hai, bạn làm tổn thương họ.

Giao tiếp đóng vai trò quan trọng trong mối tương quan của chúng ta với con cái và với tâm hồn non nớt, mong manh của trẻ. Điều này cũng áp dụng cho mối tương quan giữa trẻ với ông bà, thầy cô và những người chăm sóc chúng.

Dưới đây là một số ví dụ về những lời không nên nói với trẻ để giúp nuôi dưỡng lòng tự trọng của trẻ, đồng thời giúp chúng hiểu khi nào mình sai.

Việc khiển trách và chỉ ra lỗi sai là một phần cần thiết trong quá trình nuôi dạy trẻ, nhưng điều này cần được thực hiện sao cho không làm suy giảm sự tự tin và lòng tự trọng của trẻ.

Sau đây là 7 câu nói cần tránh:

1. "Con thật tệ!"

Thay vì sử dụng một câu khẳng định dứt khoát khiến trẻ không có cơ hội để cải thiện và vô tình gán nhãn con người của trẻ, hãy nói: “Hành động như vậy là không đúng vì…” Như vậy, bạn tránh được việc định nghĩa tính cách của trẻ bằng những từ ngữ cứng nhắc khiến trẻ có thể tự đồng nhất với bản thân theo hướng tiêu cực.

2. “Lúc nào con cũng thế,” “Lúc nào con cũng làm vậy”

Việc đồng nhất một con người – trong trường hợp này là một đứa trẻ – với một lỗi lầm hay hành vi không tốt là không có ích. Thay vào đó, hãy nói: “Những gì con làm (chỉ rõ thời gian: hôm nay, vừa nãy, hôm qua, v.v.) là không đúng vì…” Điều quan trọng là xác định và làm rõ lỗi sai, để trẻ không nghĩ rằng mình “sai lầm không thể sửa chữa”.

3. “Con làm mẹ/bố mệt mỏi quá; mẹ/bố không chịu nổi con nữa”

Một đứa trẻ không nên cảm thấy sự hiện diện của mình là một gánh nặng. Đúng là đôi khi trẻ có thể khiến chúng ta mất kiên nhẫn, điều này không thể phủ nhận. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta không làm cho trẻ cảm thấy mình là một "phiền toái", ngay cả khi một số hành vi của chúng có thể gây khó khăn trong cuộc sống chung. Thay vào đó, hãy nói: “Khi con hành động như vậy, người khác có thể cảm thấy tổn thương hoặc khó chịu vì…”

Hãy đưa ra lý do về cảm xúc và nhận thức của chúng ta đối với hành vi của trẻ, thay vì khiến chúng cảm thấy khó xử hoặc nghĩ rằng sự có mặt của mình là điều không thể chịu đựng được.

4. “Đừng để ý đến nó, nó vốn dĩ như vậy rồi”

Bị xem thường trước mặt bạn bè, bạn cùng lớp hay những người đồng trang lứa là một điều rất tủi thân đối với trẻ.

Việc sửa lỗi, khuyên bảo và đưa ra gợi ý về cách giải quyết vấn đề là những hành vi lành mạnh, trong khi việc không xem trẻ đáng để sửa sai có thể làm tổn thương chúng. Hãy nói: “Sao con không thử giải quyết theo cách này?”. Việc đưa ra các chiến lược giải quyết vấn đề sẽ tốt hơn nhiều so với việc khiến trẻ cảm thấy mình là một "vấn đề không thể giải quyết".

5. “Con ngốc à?”, “Con có bị đần không?”

Trẻ em có thể chưa hiểu ngay được nhiều điều mà đối với người lớn đã trở nên hiển nhiên nhờ kinh nghiệm sống. Trong một số trường hợp, trẻ có thể chưa thực sự tiếp thu những thông tin mà chúng ta đã giải thích trước đó. Điều này đôi khi dễ khiến người lớn mất kiên nhẫn. Tuy nhiên, đối với một tâm trí non nớt đang phát triển, điều quan trọng là trẻ cần biết rằng người lớn không đánh giá tiêu cực một ai đó chỉ vì họ còn nhiều điều phải học hỏi.

Chỉ khi trẻ cảm thấy được chào đón, không bị xem thường vì chưa biết điều gì đó, chúng mới dám đặt câu hỏi, tương tác với người lớn và học hỏi được nhiều điều mới mẻ.

Thay vì phán xét, hãy lặp lại một cách kiên nhẫn: “Nhìn này, đây là cách làm đúng”, hoặc “Con còn nhớ lần trước mẹ/bố đã giải thích thế nào không?”

6. “Đủ rồi! Đừng hỏi thêm nữa!”

Trẻ nhỏ luôn có vô vàn câu hỏi trong đầu. Có một giai đoạn trong thời thơ ấu, thường được gọi là “giai đoạn tại sao”, khi trẻ thắc mắc về mọi thứ xung quanh. Người lớn không phải lúc nào cũng có đủ năng lượng và kiên nhẫn để trả lời hết tất cả câu hỏi đó. Tuy nhiên, việc cố gắng không làm trẻ cảm thấy sự tò mò của mình là một điều phiền phức nên là mục tiêu quan trọng. Trẻ có quyền được tìm hiểu, và thật tuyệt vời khi chúng có sự hiếu kỳ với thế giới. Nếu chúng ta đang bận, có thể hoãn lại việc trả lời bằng cách nói: “Tối nay, trước khi đi ngủ, mẹ/bố sẽ giải thích cho con nhé”. Cách này giúp trẻ cảm thấy mình quan trọng, rằng nhu cầu tìm hiểu của chúng – dù không phải lúc nào cũng được ưu tiên hàng đầu – vẫn có giá trị đối với người lớn.

7. "Con giống hệt bố/ mẹ con"

Khi được sử dụng với ý chê bai, những câu nói này có thể sắc bén như lưỡi dao, gây tổn thương sâu sắc.

Trẻ em có thể thừa hưởng một số thói quen hoặc tính cách từ cha mẹ. Khi vợ chồng có mâu thuẫn, điều này có thể trở thành một yếu tố làm gia tăng căng thẳng. Tuy nhiên, trẻ không liên quan đến những bất đồng của người lớn. Bảo vệ trẻ khỏi những cuộc cãi vã và tình huống căng thẳng là một cách giúp chúng phát triển lành mạnh. So sánh trẻ với một trong hai phụ huynh theo cách tiêu cực sẽ khiến chúng cảm thấy bị ép buộc phải đứng về phía ai đó – điều mà trẻ không nên làm.

Thực tế là chẳng ai có thể hoàn toàn tránh khỏi sai lầm khi nói chuyện với trẻ. Luôn hoàn hảo, luôn xây dựng và luôn bảo vệ trẻ khỏi những tâm trạng xấu hoặc áp lực của người lớn là điều không phải lúc nào cũng làm được. Tuy nhiên, nếu chúng ta có ý thức rõ ràng về cách mình muốn xây dựng mối tương quan với con cái, chúng ta có thể điều chỉnh những sai lầm, định hướng lại bản thân mỗi khi cần. Bởi lẽ, lời nói của chúng ta – dù được chọn lọc hay không – đều có ảnh hưởng lâu dài đến tương lai của trẻ.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: familyandmedia.eu (20/01/2025)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/giao-duc-ma-khong-che-bai-7-cau-khong-nen-noi-voi-tre-42533.html

 

 

6. Hôn nhân và gia đình: các bí tích kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa

WHĐ (09/02/2025) - Tầm quan trọng của việc sống các bí tích trong đời sống vợ chồng và cách ân sủng thiêng liêng củng cố tình yêu hôn nhân cũng như đời sống gia đình.

Hôn nhân và gia đình là những trụ cột nền tảng của xã hội Kitô giáo, không chỉ với tư cách là những cấu trúc xã hội mà còn là những bí tích kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa và đưa chúng ta đến gần ân sủng của Ngài hơn. Việc sống các bí tích trong đời sống vợ chồng không chỉ củng cố mối tương quan giữa hai người mà còn giúp chúng ta đến gần Chúa hơn, để gia đình trở thành sự phản chiếu chân thực của tình yêu Thiên Chúa.

Hôn nhân như một Bí tích

Trong Giáo hội Công giáo, hôn nhân được coi là bí tích của tình yêu và ân sủng, là phương thế qua đó vợ chồng trở thành khí cụ của tình yêu Thiên Chúa. Qua bí tích hôn nhân, Thiên Chúa mời gọi vợ chồng sống trong sự hiệp nhất, trung tín và cởi mở với sự sống. Bí tích này không chỉ là một nghi thức chính thức hay một hợp đồng pháp lý, mà còn là một sự kết hiệp thiêng liêng, phản chiếu tình yêu vô điều kiện của Đức Kitô đối với Hội Thánh.

Trong Tông huấn Familiaris Consortio, Thánh Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng hôn nhân Kitô giáo là một dấu chỉ bí tích, thể hiện tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Nhờ đó, gia đình trở thành một “phòng thánh nhỏ”, nơi tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa được chia sẻ giữa vợ chồng và giữa cha mẹ với con cái.

Gia đình như một phản chiếu của sự hiệp nhất thần linh

Hôn nhân không chỉ là một cam kết giữa hai người, mà theo giáo huấn Công giáo, đó còn là phương tiện để tình yêu vợ chồng triển nở trong Chúa. Vợ chồng được mời gọi sống ơn gọi nên thánh ngay trong đời sống gia đình, qua việc giáo dục con cái theo tinh thần Kitô giáo, và nâng đỡ nhau trước những thử thách của cuộc sống.

Khi đôi vợ chồng cùng nhau sống các bí tích, đặc biệt là Thánh Thể và Hòa Giải, trong sự hiệp nhất và bền bỉ, sẽ củng cố hôn nhân và gia đình họ trở thành một phản chiếu của sự hiệp nhất thần linh. Ân sủng nhận được từ các bí tích này giúp chữa lành vết thương, hàn gắn các mối tương quan và nuôi dưỡng tình yêu đích thực, vốn là nền tảng của gia đình Kitô giáo.

Chứng tá của các Thánh: Sống các Bí tích trong đời sống vợ chồng

Cuộc đời của các Thánh mang lại nhiều tấm gương sống động về việc hôn nhân và đời sống gia đình có thể được sống ra sao trong chiều sâu thiêng liêng. Một ví dụ rõ ràng là trường hợp của Thánh Louis và Thánh Zita de Montfort, những người đã sống đời hôn nhân mẫu mực và thấm đượm tinh thần đạo đức. Louis và Zita không chỉ yêu thương nhau mà còn nuôi dạy con cái trong đức tin, truyền đạt các giá trị Kitô giáo qua chính đời sống hằng ngày. Tình yêu của các ngài là một chứng tá về sự hy sinh, tôn trọng và chung thủy.

Một tấm gương sáng khác là Thánh Gianna Beretta Molla, một người mẹ, người vợ và bác sĩ, sống với đức tin sâu sắc và sự tận tụy cho gia đình. Dù phải đối diện với nhiều thử thách, Thánh Gianna đã minh chứng rằng sống các bí tích trong đời sống hôn nhân không chỉ dừng lại ở việc tham dự Thánh lễ, mà còn là mang Đức Kitô vào từng khoảnh khắc đời thường, trở thành chứng nhân của tình yêu và sự hy sinh trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

Tầm quan trọng của việc sống các Bí tích trong đời sống vợ chồng

Việc sống các bí tích trong đời sống vợ chồng giúp củng cố tình yêu hôn nhân và dẫn dắt đôi bạn sống trọn vẹn trong Thiên Chúa. Chẳng hạn, Bí tích Thánh Thể trở thành cuộc gặp gỡ hàng ngày với Chúa, giúp vợ chồng có được sức mạnh và gắn kết với nhau trong đức tin. Khi cùng nhau lãnh nhận ân sủng từ các bí tích, vợ chồng trở thành “bí tích sống động” của tình yêu Thiên Chúa.

Hơn nữa, Bí tích Hòa Giải mang đến cho họ cơ hội thường xuyên để tha thứ cho nhau, vượt qua những khó khăn trong mối tương quan. Việc xưng tội không chỉ thanh tẩy linh hồn mà còn tạo ra không gian cho sự chữa lành về mặt cảm xúc và thiêng liêng, từ đó vun đắp sự bình an trong gia đình.

Sống tình yêu và đức tin trong gia đình

Hôn nhân và gia đình là nơi ưu tiên để sống ân sủng của các bí tích và cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày. Khi vợ chồng và gia đình sống đức tin một cách trọn vẹn, họ trở thành chứng nhân cho lòng trung tín của Thiên Chúa và lan tỏa ánh sáng của Đức Kitô đến mọi ngóc ngách trong mái ấm của mình.

Tóm lại, hôn nhân và gia đình Kitô giáo là phương thế để cảm nghiệm và chia sẻ tình yêu thần linh. Khi sống các bí tích cách kiên trì, vợ chồng và gia đình trở thành những người mang ân sủng, lan tỏa sự hiện diện của Thiên Chúa đến mọi người xung quanh.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: exaudi.org (07/02/2025)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/hon-nhan-va-gia-dinh-cac-bi-tich-ket-hiep-chung-ta-voi-thien-chua-42542.html

 

 

7. Sứ điệp ngày Thế Giới Truyền Giáo năm 2025 - Những người truyền giáo của niềm hy vọng giữa muôn dân

Chuyển ngữ: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên

WHĐ (10/02/2025) - Sáng ngày 06/02/2025, Toà Thánh đã công bố “Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 99”, sẽ được cử hành vào ngày 19 tháng 10 năm nay. Sau đây là toàn văn Việt ngữ của Sứ điệp được chuyển ngữ bởi Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên, Ủy ban Loan báo Tin mừng trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.

 

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2025

19 tháng 10 năm 2025

Những Người Truyền Giáo của Niềm Hy Vọng giữa muôn dân

Anh chị em thân mến!

Nhân Ngày Thế Giới Truyền Giáo trong Năm Thánh 2025, với thông điệp trung tâm là Niềm Hy Vọng (x. Tông sắc Spes Non Confundit, 1), tôi đã chọn khẩu hiệu: "Những Nhà Truyền Giáo của Niềm Hy Vọng giữa Muôn Dân." Khẩu hiệu này nhắc nhở mỗi Kitô hữu và toàn thể Hội Thánh – cộng đoàn những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội – về ơn gọi nền tảng của chúng ta, là những người bước theo Chúa Kitô, trở thành sứ giả và người kiến tạo hy vọng. Tôi tin tưởng rằng đây sẽ là một thời khắc ân sủng cho tất cả chúng ta, những người tin vào Thiên Chúa trung tín, Đấng đã tái sinh chúng ta trong Chúa Kitô phục sinh "để hưởng niềm hy vọng sống động" (x. 1 Pr 1,3-4).

Ở đây, tôi muốn đề cập đến một số khía cạnh quan trọng của căn tính truyền giáo Kitô giáo, để chúng ta có thể để cho Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn và được nung đốt bởi lòng nhiệt thành thánh thiện trong một mùa truyền giáo mới của Hội Thánh, Hội Thánh được sai đi để làm sống lại niềm hy vọng trong một thế giới đang bị bao phủ bởi những bóng tối nặng nề (x. Fratelli Tutti, 9-55).

1. Bước theo Chúa Kitô, Niềm Hy Vọng của chúng ta

Mừng Năm Thánh đầu tiên của Thiên niên kỷ thứ ba sau Năm Thánh 2000, chúng ta tiếp tục đưa mắt hướng về Chúa Kitô, trung tâm của lịch sử, "Đức Giêsu Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi" (Dt 13,8). Tại hội đường Nazarét, Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng Kinh Thánh được ứng nghiệm trong "hôm nay" nhờ sự hiện diện của Người trong lịch sử. Người đã mạc khải rằng chính Người là Đấng được Chúa Cha sai đến, với sự xức dầu của Chúa Thánh Thần, để loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa và khai mở "Năm Hồng Ân của Chúa" cho toàn thể nhân loại (x. Lc 4,16-21).

Trong cái "hôm nay" huyền nhiệm này, sẽ kéo dài đến ngày tận thế, Chúa Kitô là sự viên mãn của ơn cứu độ cho mọi người, đặc biệt là những ai chỉ còn biết trông cậy vào Thiên Chúa. Khi còn sống trên trần gian, Người "đi đến đâu là thi ân giáng phúc và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ áp bức" (x. Cv 10,38), khơi lên niềm hy vọng vào Thiên Chúa cho những người khốn cùng. Người cũng đã trải qua tất cả những yếu đuối của con người, ngoại trừ tội lỗi, ngay cả những khoảnh khắc tột cùng có thể dẫn đến tuyệt vọng, như trong cơn hấp hối tại vườn Giệtsimani và trên thập giá. Chúa Giêsu đã phó thác mọi sự cho Chúa Cha, tin tưởng vâng phục kế hoạch cứu độ của Người dành cho nhân loại, một kế hoạch bình an và tràn đầy hy vọng (x. Gr 29,11). Nhờ vậy, Người trở thành Nhà Truyền Giáo thần linh của niềm hy vọng, là mẫu gương tuyệt hảo cho tất cả những ai qua mọi thời đại chu toàn sứ mạng Thiên Chúa trao phó, ngay cả khi phải đối mặt với những thử thách cùng cực.

Qua các môn đệ của Người được sai đến với muôn dân, và vẫn luôn đồng hành cách huyền nhiệm với họ, Chúa Giêsu tiếp tục sứ vụ đem hy vọng đến cho nhân loại. Người vẫn cúi xuống với những ai nghèo khổ, đau buồn, tuyệt vọng và bị áp bức, xức dầu an ủi lên vết thương của họ và đổ rượu hy vọng vào lòng họ (Kinh Tiền tụng “Chúa Giêsu – Người Samaritanô Nhân Hậu”). Trong tinh thần phục vụ và vâng phục Thầy Chí Thánh, Hội Thánh – cộng đoàn môn đệ truyền giáo của Chúa Kitô – tiếp tục sứ vụ ấy, hiến dâng đời mình cho muôn dân giữa các quốc gia. Dù đối diện với bách hại, thử thách và khó khăn, cũng như những yếu đuối và thất bại do giới hạn của con người, Hội Thánh luôn được tình yêu Chúa Kitô thúc bách để trung thành tiếp tục hành trình truyền giáo, cùng với Người và giống như Người biết lắng nghe lời than khóc của nhân loại đau khổ, và cả tiếng rên xiết của mọi thọ tạo đang mong chờ ơn cứu chuộc viên mãn. Đây chính là Hội Thánh mà Chúa luôn mời gọi bước theo Người: "Không phải một Hội Thánh dậm chân tại chỗ, nhưng là một Hội Thánh truyền giáo, cùng bước đi với Thầy mình trên các nẻo đường thế giới" (Bài giảng trong Thánh lễ bế mạc Thượng Hội đồng Giám mục, 27/10/2024).

Ước gì chúng ta cũng cảm thấy được thôi thúc lên đường theo bước chân Chúa Giêsu, để cùng với Người và trong Người, trở thành những dấu chỉ và sứ giả của niềm hy vọng cho mọi người, ở bất cứ nơi đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào mà Thiên Chúa đặt để chúng ta. Ước mong mọi Kitô hữu đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, với tư cách là những môn đệ truyền giáo của Chúa Kitô, làm cho niềm hy vọng của Người tỏa sáng đến tận cùng trái đất!

2. Các Kitô hữu, những người mang và xây dựng Niềm Hy Vọng giữa muôn dân

Khi bước theo Chúa Kitô, các Kitô hữu được mời gọi loan báo Tin Mừng bằng cách chia sẻ những hoàn cảnh sống cụ thể của những người mà họ gặp gỡ, qua đó trở thành những người mang và kiến tạo niềm hy vọng. Thật vậy, “niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và lo lắng của con người thời đại này, đặc biệt là của những người nghèo khổ hoặc đau khổ, cũng là niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô. Không có điều gì thực sự thuộc về con người mà không vang vọng trong lòng họ” (Gaudium et Spes 1).

Lời tuyên bố nổi tiếng này của Công đồng Vaticanô II diễn tả tâm tư và phong cách của các cộng đoàn Kitô hữu qua mọi thời đại, cho đến nay vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho các tín hữu và giúp họ đồng hành với anh chị em mình trên thế giới. Ở đây, tôi đặc biệt nghĩ đến những anh chị em là các nhà truyền giáo ad gentes. Theo tiếng gọi của Chúa, anh chị em đã lên đường đến các quốc gia khác để loan báo tình yêu Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Vì điều này, tôi chân thành cảm ơn anh chị em! Cuộc sống của anh chị em là một lời đáp trả rõ ràng cho lệnh truyền của Chúa Kitô phục sinh, Đấng đã sai các môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân, ad gentes (x. Mt 28,18-20). Bằng cách này, anh chị em là dấu chỉ ơn gọi phổ quát của những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội: nhờ quyền năng của Thánh Thần và nỗ lực mỗi ngày, anh chị em trở thành những nhà truyền giáo giữa muôn dân và thành những chứng nhân cho niềm hy vọng lớn lao mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta.

Chân trời hy vọng này vượt xa những thực tại phù du của thế gian và mở ra cho chúng ta những thực tại thần linh mà ngay từ bây giờ chúng ta đã được thông phần. Quả thật, như Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã nhận xét, ơn cứu độ trong Chúa Kitô mà Hội Thánh trao ban cho mọi người như một hồng ân của lòng thương xót Chúa không chỉ "giới hạn trong những nhu cầu vật chất hoặc ngay cả những nhu cầu tinh thần… hoàn toàn bị cuốn vào những ước muốn, những hy vọng, những công việc và những cuộc đấu tranh trần thế. Nhưng ơn cứu độ này vượt lên trên tất cả những giới hạn ấy để đạt đến sự viên mãn trong hiệp thông với Đấng Tuyệt Đối duy nhất là Thiên Chúa. Đó là một ơn cứu độ vừa siêu việt vừa cánh chung, có khởi đầu ở đời này nhưng được hoàn tất trong vĩnh cửu" (Evangelii Gaudium, 27).

Được thúc đẩy bởi niềm hy vọng vĩ đại này, các cộng đoàn Kitô hữu có thể trở thành dấu chỉ của một nhân loại mới trong một thế giới mà ngay cả ở những khu vực "phát triển" nhất vẫn bộc lộ những dấu hiệu nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng con người: một cảm giác hoang mang lan rộng, sự cô đơn và thờ ơ đối với những người già yếu, cũng như sự miễn cưỡng trong việc giúp đỡ những người lân cận đang gặp khó khăn. Ở các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến nhất, "sự gần gũi" đang dần biến mất: chúng ta kết nối với nhau nhưng lại không thực sự liên hệ với nhau. Sự ám ảnh về hiệu suất và lòng ham muốn vật chất, danh vọng, đang làm chúng ta trở nên ích kỷ và không còn khả năng sống vị tha. Tin Mừng, khi được trải nghiệm một cách sinh động trong đời sống cộng đoàn, có thể khôi phục cho chúng ta nhân tính toàn vẹn, lành mạnh và được cứu chuộc.

Vì lý do này, tôi một lần nữa mời gọi tất cả chúng ta thực thi những công việc đã được đề cập trong Tông sắc về Năm Thánh (số 7-15), với sự quan tâm đặc biệt đến những người nghèo khổ và yếu đuối nhất, những người bệnh tật, người già và những người bị loại trừ khỏi xã hội chạy theo chủ nghĩa vật chất và tiêu thụ. Hãy thực hiện những điều này theo "phong cách của Thiên Chúa", tức là với sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng, đồng thời nuôi dưỡng một mối quan hệ cá nhân với anh chị em mình trong hoàn cảnh cụ thể của họ (x. Evangelii Gaudium, 127-128).

Nhiều khi, chính những người nghèo dạy chúng ta cách sống trong niềm hy vọng. Qua sự tiếp xúc cá nhân, chúng ta cũng sẽ truyền tải tình yêu từ trái tim đầy xót thương của Chúa. Chúng ta sẽ nhận ra rằng "trái tim của Chúa Kitô… chính là trung tâm của việc loan báo Tin Mừng ban đầu" (Dilexit Nos, 32). Khi kín múc từ nguồn mạch này, chúng ta có thể đơn sơ trao ban niềm hy vọng mà chúng ta đã lãnh nhận từ Thiên Chúa (x. 1 Pr 1,21) và mang đến cho người khác cùng một sự ủi an mà chúng ta đã được Thiên Chúa ủi an (x. 2 Cr 1,3-4). Trong trái tim nhân loại và thần linh của Chúa Giêsu, Thiên Chúa muốn nói với tâm hồn của mỗi người nam và nữ, lôi kéo tất cả chúng ta vào trong tình yêu của Người.

"Chúng ta đã được sai đi để tiếp tục sứ vụ này: trở thành dấu chỉ của Trái Tim Chúa Kitô và tình yêu của Chúa Cha, ôm trọn lấy toàn thế giới" (Diễn văn trước các tham dự viên Đại hội Toàn thể của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, 3/6/2023).

3. Canh tân sứ mệnh hy vọng

Đối diện với tính cấp bách của sứ vụ hy vọng hôm nay, các môn đệ của Chúa Kitô được mời gọi trước hết khám phá cách trở thành "những người thợ của niềm hy vọng", những người phục hồi một nhân loại vốn dĩ đang bị phân tâm và bất an.

Để đạt được điều này, chúng ta cần được canh tân trong linh đạo Phục Sinh, điều mà chúng ta cảm nghiệm mỗi khi cử hành Thánh Thể, và cách đặc biệt trong Tam Nhật Vượt Qua – trung tâm và tột đỉnh của năm phụng vụ. Chúng ta đã được rửa tội trong cái chết cứu chuộc và sự phục sinh của Chúa Kitô, trong lễ Vượt Qua của Chúa, dấu ấn của mùa xuân vĩnh cửu trong dòng lịch sử. Do đó, chúng ta là “dân tộc của mùa xuân”, tràn đầy hy vọng để sẻ chia với mọi người, vì trong Chúa Kitô, "chúng ta tin và biết rằng cái chết và hận thù không phải là lời sau cùng trên thân phận con người" (x. Giáo lý, 23/8/2017). Từ các mầu nhiệm Vượt Qua, được hiện tại hóa trong các cử hành phụng vụ và các bí tích, chúng ta không ngừng kín múc sức mạnh của Chúa Thánh Thần để làm việc với lòng nhiệt thành, quyết tâm và kiên nhẫn trong cánh đồng truyền giáo rộng lớn trên toàn cầu. "Chúa Kitô, Đấng phục sinh và được tôn vinh, là suối nguồn niềm hy vọng của chúng ta, và Người sẽ không từ chối ban cho chúng ta sự trợ giúp cần thiết để thực hiện sứ vụ mà Người đã ủy thác cho chúng ta" (Evangelii Gaudium, 275). Trong Người, chúng ta sống và làm chứng cho niềm hy vọng thánh thiêng, một niềm hy vọng vừa là hồng ân của Thiên Chúa vừa là nhiệm vụ của Kitô hữu (Hy vọng là Ánh sáng trong Đêm tối, Vatican 2024, 7).

Những nhà truyền giáo của hy vọng là những con người cầu nguyện, bởi vì "người có hy vọng là người cầu nguyện", như lời của Đấng Đáng Kính Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, người đã được nâng đỡ trong niềm hy vọng suốt những năm dài bị cầm tù nhờ sức mạnh mà ngài kín múc từ việc cầu nguyện bền bỉ và từ Thánh Thể (x. Đường Hy Vọng, Boston, 2001, 963). Chúng ta đừng quên rằng cầu nguyện là hoạt động truyền giáo tiên quyết và đồng thời cũng là "sức mạnh đầu tiên của niềm hy vọng" (Giáo lý, 20/5/2020).

Vậy chúng ta hãy canh tân sứ mệnh hy vọng, bắt đầu từ việc cầu nguyện, đặc biệt là cầu nguyện dựa trên Lời Chúa, và nhất là các Thánh Vịnh – bản giao hưởng cầu nguyện tuyệt vời do chính Chúa Thánh Thần linh hứng (x. Giáo lý, 19/6/2024). Các Thánh Vịnh giúp chúng ta tập sống hy vọng giữa những nghịch cảnh, nhận ra những dấu chỉ hy vọng xung quanh, và duy trì một khao khát "truyền giáo" liên lỉ, để muôn dân ca tụng Thiên Chúa (x. Tv 41,12; 67,4). Khi cầu nguyện, chúng ta giữ cho ngọn lửa hy vọng mà Thiên Chúa đã thắp sáng trong ta luôn rực cháy, để nó có thể trở thành một ngọn lửa lớn, soi sáng và sưởi ấm những người xung quanh, ngay cả qua những hành động và cử chỉ cụ thể mà chính việc cầu nguyện đã truyền cảm hứng cho chúng ta.

Cuối cùng, công cuộc loan báo Tin Mừng luôn là một hành trình mang tính cộng đoàn, cũng như bản chất của niềm hy vọng Kitô giáo (x. Đức Bênêđictô XVI, Spe Salvi, 14). Hành trình này không kết thúc khi người ta lần đầu tiên nghe Tin Mừng và lãnh nhận Bí tích Rửa tội, mà tiếp tục với việc xây dựng các cộng đoàn Kitô hữu, qua việc đồng hành với mỗi người đã chịu phép rửa trên con đường Tin Mừng. Trong xã hội hiện đại, việc thuộc về Hội Thánh không phải là một điều gì đạt được một lần là đủ. Đó là lý do tại sao hoạt động truyền giáo để trao ban và đào sâu một đức tin trưởng thành nơi Chúa Kitô là "mô hình tiêu biểu cho toàn bộ hoạt động của Hội Thánh" (Evangelii Gaudium, 15), một công việc đòi hỏi sự hiệp nhất trong cầu nguyện và hành động. Ở đây, tôi muốn một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của tính hiệp hành truyền giáo của Hội Thánh, cũng như vai trò của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo trong việc thúc đẩy trách nhiệm truyền giáo của những người đã chịu phép Rửa và hỗ trợ các Hội Thánh địa phương mới lập. Tôi mời gọi tất cả anh chị em – từ trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, người trưởng thành cho đến người cao tuổi – hãy tích cực tham gia vào sứ vụ loan báo Tin Mừng chung của Hội Thánh bằng chứng tá đời sống, bằng lời cầu nguyện, bằng những hy sinh và lòng quảng đại của mình. Xin cảm ơn anh chị em vì điều này!

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu Kitô – niềm hy vọng của chúng ta. Chúng ta phó thác cho Mẹ lời cầu nguyện của chúng ta trong Năm Thánh này và cho những năm sắp tới:

"Nguyện ánh sáng của niềm hy vọng Kitô giáo chiếu soi trên mọi người nam nữ, như một sứ điệp của tình yêu Thiên Chúa gửi đến mọi người! Và nguyện cho Hội Thánh làm chứng trung thành cho sứ điệp này trên khắp thế giới!" (Tông sắc Spes Non Confundit, 6).

Rôma, Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 25 tháng 1 năm 2025, Lễ Kính Thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại.

PHANXICÔ

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/su-diep-ngay-the-gioi-truyen-giao-nam-2025---nhung-nguoi-truyen-giao-cua-niem-hy-vong-giua-muon-dan-42552.html

 

 

8. Đức cậy là gì và khác với đức tin như thế nào?

Clement Harrold

Đức tin và đức cậy đan xen nhau sâu sắc, nhưng chúng không giống hệt nhau. Trong khi đức tin đưa chúng ta đến với chân lý của Chúa, thì chính đức cậy thúc đẩy chúng ta hướng đến sự thiện hảo của Ngài.

WHĐ (11/02/2025) - Đức cậy, hay hy vọng, chắc chắn là nhân đức đối thần bị bỏ quên nhiều nhất. Đức cậy, vốn ít được cảm nhận một cách trực giác hơn hai nhân đức chị em là đức tin và đức ái, có thể khó định nghĩa và dễ bị bỏ qua. Tệ hơn nữa, mối tương quan giữa đức cậy và đức tin thường là nguồn gây nhầm lẫn. Xét cho cùng, nếu đức tin đã cho chúng ta sự đảm bảo rằng Thiên Chúa là có thật và kế hoạch của Ngài là tốt lành, thì đức cậy được coi là đóng vai trò gì trong đời sống Kitô giáo? Điều gì làm cho đức cậy trở nên đặc biệt?

Để trả lời những câu hỏi này, điều đáng ghi nhận ngay từ đầu là đức tin và đức cậy là những nhân đức có liên hệ mật thiết với nhau. Thật vậy, đức tin là nền tảng cho đức cậy, và đức cậy không thể tồn tại nếu không có đức tin. Ví dụ, trong thông điệp Spe salvi năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nói về “cuộc khủng hoảng đức tin hiện nay, về cơ bản là cuộc khủng hoảng về đức cậy Kitô giáo” (số 17). Nói cách khác, sự mất đức tin của thời hiện đại cũng là sự mất đức cậy. Đồng thời, điều quan trọng là phải nhận ra rằng Thánh Phaolô đưa ra cho chúng ta ba nhân đức đối thần vì cùng một lý do; vì vậy, mặc dù đức tin và đức cậy có thể liên quan đến nhau, nhưng chúng ta biết rằng chúng không phải là một (1 Côrintô 13:13).

Khi nói đến việc định nghĩa đức cậy, điều quan trọng là phải phân biệt giữa hy vọng như một sự say mê (hoặc cảm xúc) và đức cậy như một nhân đức đối thần. Là con người, chúng ta luôn nói về việc hy vọng vào kết quả này hay kết quả kia - thời tiết tốt hơn, phục hồi nhanh chóng, tăng lương, v.v… Hy vọng theo nghĩa thô sơ này là trung lập về mặt đạo đức. Đó là một niềm say mê trong tâm hồn có thể hướng đến cả mục đích tốt và xấu; ai đó có thể hy vọng vào một điều tốt lành, ví dụ như việc một người bạn được chữa lành, hoặc một điều xấu, ví dụ như hoàn thành một thủ thuật phá thai…

Do đó, ngoài góc nhìn thần học, không có lý do gì để coi hy vọng là một nhân đức. Chỉ khi niềm hy vọng được siêu nhiên hóa, như triết gia Josef Pieper giải thích, thì niềm hy vọng mới trở thành một khuynh hướng thường xuyên hướng đến điều tốt lành. Đặt trong khuôn khổ thần học, đức cậy vượt qua các kiểu say mê và được biến đổi thành một nhân đức cân xứng với những gì là siêu nhiên; bấy giờ đức cậy tỏa sáng như một thành phần thiết yếu trong việc nâng cao và hoàn thiện bản tính con người, cho phép con người đạt đến tầm cao của sự tự nhận thức vượt xa khả năng tự nhiên của chính mình. Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo định nghĩa đức cậy theo cách này:

Đức cậy là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta khao khát Nước Trời và đời sống vĩnh cửu là vinh phúc của chúng ta, khi đặt lòng tin tưởng của chúng ta vào các lời hứa của Đức Kitô và cậy dựa vào sự trợ giúp của ân sủng của Chúa Thánh Thần, chứ không vào sức mạnh của chúng ta” (GLHTCG, số1817)

Hiểu một cách đúng đắn, đức cậy của người Kitô hữu là món quà từ Thiên Chúa nuôi dưỡng trong chúng ta sự khát khao Thiên Chúa một cách sâu sắc và chính đáng, và thúc đẩy chúng ta tiến bước trên hành trình hướng về Ngài.

Theo hướng này, Thánh Tôma Aquinô làm sáng tỏ rằng đối tượng đức cậy, tức là hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng, là điều gì đó gian khổ nhưng có thể đạt được. Đây là một quan điểm quan trọng giúp phân biệt đức cậy với sự lạc quan đơn thuần. Sự lạc quan mong đợi mọi thứ sẽ diễn ra tốt đẹp. Ngược lại, đức cậy thường nảy sinh từ đau khổ: “Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta” (Rôma 5,3-5). Đức cậy hiểu rằng nhiều gian khổ dữ dội và thử thách khắc nghiệt vẫn có thể cản trở chúng ta đến thiên đàng, nhưng nó mang lại cho chúng ta sự tin tưởng rằng ngay cả những điều này cũng có thể vượt qua được miễn là chúng ta bám chặt vào Chúa Kitô. Như Giáo lý Công giáo giải thích tiếp, đức cậy “bảo vệ con người khỏi sự nản chí; nâng đỡ họ khi bị bỏ rơi; mở rộng trái tim của họ trông mong vinh phúc vĩnh cửu” (số 1818).

Đức cậy do đó là một phần không thể thiếu của đời sống Kitô hữu, bởi vì nếu không có đức cậy, chúng ta sẽ phải chùn bước và thất bại trong hành trình hành hương của mình. Đức cậy, nhân đức đối thần, bảo vệ tâm hồn khỏi tội kiêu ngạo cũng như thứ tội ngược lại và thậm chí còn nặng nề hơn, đó là tội tuyệt vọng. Theo Pieper, đức cậy thực hiện điều này bằng cách nuôi dưỡng cả lòng độ lượng và sự khiêm nhường trong tâm hồn. Những phẩm chất có vẻ trái ngược này trên thực tế lại cùng nhau tạo nên sự tin tưởng tâm linh trong trái tim của người Kitô hữu.

Ngay cả khi thế giới ngày càng trở nên xấu xa và Giáo hội cảm thấy sự đồi bại lan tràn, thì đức cậy - niềm hy vọng - của chúng ta vẫn đảm bảo rằng Thiên Chúa đang kiểm soát, bóng tối sẽ không thắng thế, và sự cứu rỗi của chúng ta vẫn được đảm bảo, miễn là chúng ta vẫn trung thành với Ngài. Đức cậy đủ hào hiệp để tin vào sức mạnh của ân sủng Thiên Chúa, nhưng đủ khiêm nhường để tiếp tục cầu xin ân sủng đó. Trong viễn tượng Kitô giáo tràn đầy hy vọng này, những đau khổ trong cuộc sống hiện tại của chúng ta không chỉ trở nên có thể chịu đựng được mà còn mang tính cứu chuộc: “Khổ đau – không ngừng là khổ đau – nhưng bất chấp mọi sự, đang trở nên bài tụng ca ngợi khen Chúa” (Spe salvi, số 37).

Nhưng đức cậy này khác với đức tin như thế nào? Một lần nữa, chúng ta phải nhớ rằng đức tin và đức cậy đan xen nhau sâu sắc, nhưng chúng không giống hệt nhau. Trong khi đức tin đưa chúng ta đến với chân lý của Chúa, thì chính đức cậy thúc đẩy chúng ta hướng đến sự thiện hảo của Ngài. Đức cậy Kitô giáo bắt nguồn từ sự thừa nhận rằng ý chí của chúng ta cần được chữa lành không kém gì trí tuệ của chúng ta. Do đó, triết gia Hy Lạp cổ đại Plato đã sai khi khẳng định rằng mọi thói hư tật xấu đều có thể giản lược thành sự ngu dốt.

Nhiều lần trong đời, chúng ta biết rằng có điều gì đó không ổn, nhưng chúng ta vẫn làm. Biết rằng chế độ ăn uống hợp lý hơn và tập thể dục nhiều hơn sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống của chúng ta là một chuyện, nhưng tập trung lòng can đảm và thực sự quyết tâm thực hiện bước khó khăn đó để sống một lối sống lành mạnh hơn lại là một chuyện khác. Thường thì ngay cả khi trí tuệ của chúng ta được rèn luyện tốt, ý chí của chúng ta vẫn vô cùng yếu đuối.

Nếu đức tin giống như việc truyền máu thiêng liêng cho trí tuệ của chúng ta, thì đức cậy cũng giống như vậy đối với ý chí của chúng ta. Không có đức cậy, đức tin của chúng ta có nguy cơ trở nên vô sinh, vô tri, vô hồn và chán nản. Đức tin không có đức cậy là một đức tin bị bỏ bê và bị nguy hiểm. Thật vậy, đức tin mà không có đức cậy thì đúng là loại đức tin vô hồn mà Thánh Giacôbê cảnh báo: “Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2:17).

Khi đức tin của chúng ta không có đức cậy, chúng ta không tránh khỏi việc trượt vào sự tự cao tự đại hoặc tuyệt vọng, và cuối cùng chúng ta mất hết đức tin. Do đó, đức cậy là điều cần thiết để duy trì cuộc sống của người Kitô hữu, làm cho chúng ta, theo cách diễn đạt của thánh Tôma Aquinô, có thể “dựa vào” sự trợ giúp của Thiên Chúa và cho phép Ngài dẫn dắt chúng ta qua thung lũng tối tăm. Đúng vậy, đức tin là nền tảng của các nhân đức đối thần; nhưng chính đức cậy là “cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn” (Hípri 6:19).

Không ai có thể phủ nhận rằng thế giới ngày nay đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc về đức cậy – về niềm hy vọng. Cũng giống như niềm hy vọng là dấu hiệu phân biệt những Kitô hữu đầu tiên khác với những người ngoại giáo vốn cảm nghiệm sự tuyệt vọng ở mọi nơi, ngày nay chúng ta phải tái lập vai trò trung tâm của nhân đức này trong cuộc sống của chúng ta. Ở đây, chúng ta tìm thấy sự khích lệ từ Thánh Tôma Aquinô, là người nhắc nhở chúng ta rằng đức cậy Kitô giáo không bao giờ là chuyện của một mình ai. Chúng ta nên hy vọng vào sự cứu rỗi của anh chị em mình, những người mà chúng ta hợp nhất trong đức ái, và chúng ta cũng nên hy vọng vào sự chuyển cầu của các thánh, những người phục vụ như những công cụ được Thiên Chúa chọn để hướng dẫn chúng ta đến quê thiên đàng.

Về phương diện này, chúng ta không tìm thấy người cầu bầu nào vĩ đại hơn Mẹ Maria. Trên biển đời đầy giông bão, Mẹ là “sự ngọt ngào cho cuộc sống, là lẽ Cậy Trông.” Trong những khoảnh khắc đen tối nhất, chúng ta phải nhớ rằng Mẹ Maria luôn đồng hành cùng chúng ta trong mọi thử thách, là nguồn động viên liên tục hướng dẫn chúng ta đến với sự hiện diện chữa lành của Người Con thần linh của Mẹ.

Phêrô Phạm Văn Trung

Chuyển ngữ từ: stpaulcenter.com

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/duc-cay-la-gi-va-khac-voi-duc-tin-nhu-the-nao-42557.html

 

 

9. 12 chìa khóa củng cố gia đình: lộ trình dẫn đến sự hiệp nhất và phát triển

WHĐ (13/02/2025) - Những kỳ nghỉ lễ gần đây đối với nhiều người là những khoảnh khắc đoàn tụ và tràn đầy niềm vui, nhưng cũng không tránh khỏi những căng thẳng gia đình. Mặc dù theo các cuộc khảo sát mới đây, gia đình vẫn là giá trị được trân trọng nhất trong xã hội, nhưng nó cũng có thể là nguồn gốc của nhiều khó khăn. Dưới đây là 12 chìa khóa giúp củng cố gia đình và thúc đẩy sự hòa hợp trong mái ấm.

1. Gia đình là điều thánh thiêng

Gia đình không chỉ đơn thuần là một nhóm cá nhân, mà còn là một hệ sinh thái kỳ diệu và thánh liêng. Nếu gia đình tan vỡ, hậu quả không chỉ ảnh hưởng đến các thành viên mà còn đến toàn xã hội. Chúng ta cần đối xử với gia đình bằng sự tinh tế và tôn trọng, như thể đang bước chân trần trên mảnh đất thiêng.

2. Gia đình không phải là sự lựa chọn, mà là một món quà

Không giống như bạn bè, những người có thể đến rồi đi, gia đình là nền tảng cho sự tồn tại và hình thành nhân cách của chúng ta. Đó là một món quà từ thiên nhiên và từ Thiên Chúa, và nếu không có gia đình, chúng ta sẽ không thể tồn tại. Đón nhận món quà này với lòng biết ơn là điều rất quan trọng.

3. Biến sự khác biệt thành giá trị

Những khác biệt giữa các thành viên trong gia đình có thể dẫn đến mâu thuẫn, nhưng đồng thời cũng là nguồn tài nguyên phong phú. Sự đa dạng nên là động lực để bổ trợ lẫn, thay vì trở thành nguyên nhân của xung đột.

4. Gia đình mang lại căn tính

Chúng ta là chính mình vì có người công nhận sự tồn tại của chúng ta. Gia đình là nơi đầu tiên chúng ta được xác nhận căn tính, nơi chúng ta nghe những lời như “đây là con trai tôi” hoặc “đây là mẹ tôi”. Sự công nhận lẫn nhau này giúp củng cố lòng tự trọng của chúng ta.

5. Tin tưởng lẫn nhau

Mỗi đứa trẻ như là một dự án đang trong quá trình phát triển, và mỗi thành viên trong gia đình đều cần cảm nhận rằng có ai đó tin tưởng vào mình. Sự ủng hộ này rất quan trọng, không chỉ đối với trẻ nhỏ mà cả với người lớn tuổi.

6. Kiên nhẫn trong việc giải quyết xung đột

Hiểu lầm và tranh cãi là điều không thể tránh khỏi, nhưng cắt đứt mối tương quan không phải là giải pháp. Kiên nhẫn và chờ đợi là chìa khóa, bởi vì một số quá trình thay đổi cần có thời gian.

7. Đảm nhận trách nhiệm

Hệ thống thứ bậc trong gia đình không có nghĩa là sự áp đặt, mà là sự đảm nhận trách nhiệm. Người lớn cần hướng dẫn và giáo dục, tránh để trẻ em phải gánh vác những vai trò không phù hợp với chúng.

8. Cùng nhau vui chơi

Chia sẻ những khoảnh khắc thư giãn và giải trí giúp củng cố mối tương quan gia đình. Đối thoại và các hoạt động vui chơi giúp tạo ra những ký ức tích cực.

9. Hợp tác và vâng lời

Sự vâng lời trong gia đình không đồng nghĩa với sự phục tùng, mà là sự hợp tác trong một dự án chung. Đó là cùng nhau làm việc vì lợi ích của tất cả các thành viên.

10. Cởi mở với xã hội

Gia đình không nên là một không gian khép kín. Gia đình nên cởi mở với xã hội, chào đón những thành viên mới và chấp nhận những khác biệt mà họ mang lại, điều này góp phần vào sự phát triển và sức sống của gia đình.

11. Đặt Thiên Chúa vào trung tâm

Đối với những người có đức tin, Thiên Chúa là trung tâm của gia đình. Sứ mạng của chúng ta vượt ra ngoài phạm vi cá nhân, và khi gia đình chỉ tập trung vào chính mình mà không mở rộng ra bên ngoài, nó sẽ mất đi sức sống.

12. Suy tư và cầu nguyện

Suy tư, xét mình, và cầu nguyện là những yếu tố thiết yếu cho sự bền vững của gia đình. Việc dành thời gian để suy nghĩ, cảm nhận và cầu nguyện giúp vượt thắng xung đột và mang lại nguồn năng lượng mới cho gia đình.

---

Mười hai chìa khóa này, tương ứng với 12 tháng trong năm, có thể là kim chỉ nam giúp củng cố mối tương quan gia đình. Nếu có yếu tố nào trong số này hữu ích cho bạn, hãy đón nhận nó với tấm lòng rộng mở!

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: exaudi.org (10/12/2025)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/12-chia-khoa-cung-co-gia-dinh-lo-trinh-dan-den-su-hiep-nhat-va-phat-trien-42564.html

 

 

10. Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân ngày Thế giới cầu nguyện và suy tư chống nạn buôn người lần thứ XI (08/02/2025)

WHĐ (12/02/2025) – Vào ngày 04/02/2025, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi sứ điệp nhân Ngày thế giới cầu nguyện và suy tư chống nạn buôn người lần thứ XI được cử hành vào ngày 08/02 vừa qua. Sứ điệp có chủ đề: “Sứ giả của niềm hy vọng: chung tay chống nạn buôn người”. Sau đây là toàn văn Việt ngữ Sứ điệp của Đức Thánh Cha:

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

NHÂN NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN VÀ SUY TƯ

CHỐNG NẠN BUÔN NGƯỜI LẦN THỨ XI

Ngày 08 tháng 02 năm 2025

Sứ giả của niềm hy vọng: chung tay chống nạn buôn người

Thưa quý ông bà, anh chị em!

Trong niềm hân hoan tôi xin hiệp thông cùng quý ông bà, anh chị em nhân Ngày thế giới cầu nguyện và suy tư chống nạn buôn người lần thứ XI. Sự kiện này diễn ra vào ngày lễ nhớ Thánh nữ Joséphine Bakhita, một phụ nữ đồng thời là nữ tu người Soudan (Xu-đăng), nạn nhân của nạn buôn người khi còn nhỏ và đã trở thành một biểu tượng của sự dấn thân của chúng ta chống lại hiện tượng khủng khiếp này. Trong Năm Thánh này, chúng ta cùng nhau bước đi như “những người hành hương của hy vọng”, kể cả trên con đường đấu tranh chống lại nạn buôn người.

Nhưng làm sao có thể tiếp tục mang lại hy vọng cho hàng triệu người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, thanh niên, người tản cư và người tỵ nạn đang vướng vào cái bẫy của tệ nạn nô lệ thời hiện đại này? Làm cách nào tạo một cú hích mới cho cuộc đấu tranh chống lại nạn buôn bán cơ quan và mô người, nạn khai thác tình dục trẻ em, nạn lao động cưỡng bức, trong đó có mãi dâm, nạn buôn lậu vũ khí và ma túy? Làm sao chúng ta có thể vẽ nên hiện trạng của tất cả những điều đó trên khắp thế giới mà vẫn không mất đi niềm hy vọng? Chỉ khi chúng ta ngước mắt lên nhìn Chúa Kitô, niềm hy vọng của chúng ta thì chúng ta mới có thể tìm thấy sức mạnh của một sự dấn thân được làm mới lại, không bị suy nhược đi bởi tầm mức của những vần đề và những thảm kịch, mà trong bóng tối, (sức mạnh ấy) đang hoạt động để thắp lên những ngọn lửa sáng sẽ chiếu soi đêm đen đến khi ánh bình minh ló dạng.

Những thanh niên trên khắp thế giới đang chiến đấu chống nạn buôn người chính là một điển hình: họ nói rằng chúng ta phải trở thành những sứ giả của niềm hy vọng và phải cùng hành động, với sự kiên trì và tình thương và rằng chúng ta phải ở bên cạnh những nạn nhân và những người sống sót.

Với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, chúng ta có thể tránh việc trở nên quen thuộc với sự bất công, đầy lùi cám dỗ cho rằng một số hiện tượng là không thể bài trừ được. Thánh Thần của Đấng Phục Sinh nâng đỡ chúng ta trong việc xúc tiến một cách can đảm và hiệu quả những sáng kiến có chủ đích nhắm đến việc làm suy yếu và ngăn trở những cơ chế kinh tế và tội phạm hưởng lợi từ nạn buôn người và bóc lột. Trên hết, Thánh Thần dạy chúng ta biết lắng nghe, với sự gần gũi và lòng trắc ẩn, những người đã trải qua kinh nghiệm về nạn buôn người, làm sao để giúp họ đứng lên và cùng họ nhận diện những phương cách tốt nhất để giải thoát những người khác và tìm cách ngăn ngừa.

Nạn buôn người là một hiện tượng phức tạp và biến hóa muôn hình vạn trạng, được chiến tranh, xung đột, nạn đói và hậu quả của biến đổi khí hậu nuôi dưỡng. Như vậy rất cần phải có giải pháp toàn cầu và một nỗ lực chung trên mọi cấp độ để ngăn chặn nó.

Do đó, tôi mời gọi mọi người, đặc biệt là các vị đại diện chính quyền và các tổ chức đang chia sẻ sự dấn thân này, hãy hiệp sức cùng chúng tôi, được lời cầu nguyện thúc đẩy, để cùng xúc tiến những sáng kiến dành cho việc bảo vệ phẩm giá con người, loại bỏ nạn buôn người dưới mọi hình thức và cho việc quảng bá nền hòa bình trên thế giới.

Cùng nhau – tin tưởng vào lời cầu bầu của Thánh nữ Bakhita – chúng ta có thể tạo ra một nỗ lực to lớn và những điều kiện thuận lợi để nạn buôn người bị loại trừ và sự tôn trọng những quyền cơ bản của con người được lên ngôi, trong sự nhìn nhận mang tính huynh đệ của toàn nhân loại.

Thưa quý ông bà, anh chị em, tôi xin cám ơn quý vị vì lòng can đảm và tính kiên định của quý vị khi theo đuổi công việc này, với việc lôi kéo được rất nhiều người thiện tâm. Hãy tiến lên với niềm hy vọng vào Thiên Chúa, đang đồng hành cùng quý vị! Tôi chúc lành cho quý ông bà anh chị em với cả tấm lòng. Tôi cầu nguyện cho quý vị và xin quý ông bà anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi.

Từ Vatican, ngày 4 tháng 02 năm 2025

Phanxicô

Lê Hưng

Chuyển ngữ từ: vatican.va

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/su-diep-cua-duc-thanh-cha-phanxico-nhan-ngay-the-gioi-cau-nguyen-va-suy-tu-chong-nan-buon-nguoi-lan-thu-xi-08022025-42566.html

 

 

11. Tác động của con người lên con người trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo

Bài viết được tác giả tổng hợp từ Tạp Chí Triết Học Quốc Tế Trực Tuyến, Tháng 5 năm 2024, năm thứ XIX, số 37.

WGPQN (13/02/2025) - Trong một bài viết với tựa đề Công nghệ khoa học và trí tuệ nhân tạo: Tác động của con người lên con người trong kỷ nguyên nhân tạo, của tác giả Cassandra Basile, xuất bản trên tạp chí Metabasis (số tháng 5/2024), là một nghiên cứu triết học và xã hội học về tác động của kỹ thuật và trí tuệ nhân tạo (AI) đối với con người trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Tác giả tập trung vào các biến đổi mà công nghệ mang lại, từ sự thay đổi nhận thức, tương tác xã hội, quyền riêng tư, cho đến ý nghĩa của nhân tính trong bối cảnh công nghệ ngày càng chiếm ưu thế. Với các ví dụ thực tế như quảng cáo của Apple hay các ứng dụng AI trong giám sát và sáng tạo nội dung, bài viết không chỉ cảnh báo về những nguy cơ mà còn đề xuất một cách tiếp cận có trách nhiệm đối với sự phát triển công nghệ.

Nội dung chính được chia thành nhiều khía cạnh: mối quan hệ giữa con người và công nghệ; sự mờ nhạt giữa thực và ảo; tác động đến công việc, giá trị con người; và cuối cùng là những thách thức đạo đức và chính trị trong việc sử dụng AI.

1. Mối quan hệ con người – công nghệ: Sự thay đổi không thể đảo ngược

Công nghệ không chỉ là một công cụ hỗ trợ mà đang thay đổi cách con người hiểu và tương tác với thế giới. AI mang đến nhiều lợi ích, như tăng năng suất, giảm chi phí, và mở rộng khả năng sáng tạo. Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ cũng dẫn đến những tác động tiêu cực, đặc biệt trong việc làm xói mòn bản sắc con người.

Một ví dụ nổi bật là chiến dịch quảng cáo iPad của Apple năm 2024. Trong đoạn quảng cáo, các biểu tượng sáng tạo của con người như sách, nhạc cụ, và tranh ảnh bị ép nát dưới một cỗ máy để tạo ra chiếc iPad. Thông điệp chính mà Apple muốn truyền tải là tính sáng tạo của con người có thể gói gọn trong một thiết bị nhỏ gọn. Tuy nhiên, công chúng lại tiếp nhận quảng cáo này theo cách hoàn toàn khác: họ cho rằng Apple đang tuyên bố sự "chấm dứt" của văn hóa và sáng tạo nhân loại. Phản ứng này không chỉ phản ánh sự nhạy cảm của xã hội trước công nghệ, mà còn cho thấy một nỗi sợ tiềm ẩn về việc con người bị thay thế bởi máy móc.

2. AI và sự mờ nhạt giữa thực và ảo

AI đang làm mờ đi ranh giới giữa thế giới thực và thế giới kỹ thuật số. Hiện nay, 57% nội dung trên Internet được tạo ra bởi AI, bao gồm hình ảnh, video và văn bản. Điều này dẫn đến một hiện tượng mới: sự khó phân biệt giữa sản phẩm con người tạo ra và những gì do AI sản xuất.

Các ví dụ cụ thể gồm:

MC truyền hình do AI tạo ra: Tại Tây Ban Nha, một chương trình truyền hình đã sử dụng MC AI thay vì người thật để dẫn chương trình.

Deepfake: Các video giả mạo chân thực đến mức có thể lừa được cả những người quan sát kỹ.

Những tiến bộ này đặt ra câu hỏi về bản chất thực sự của sự sáng tạo và nhận diện con người: làm thế nào chúng ta phân biệt được một sản phẩm "thật" và một sản phẩm "giả"? Ngoài ra, các sản phẩm kỹ thuật số còn làm lung lay niềm tin của con người vào tính xác thực của thông tin.

3. Thay thế con người: Mối đe dọa đối với lao động và giá trị nhân bản

AI đang xâm nhập vào nhiều lĩnh vực khác nhau, từ giáo dục, y tế, nghệ thuật, đến truyền thông. Ban đầu, AI được sử dụng để hỗ trợ công việc, nhưng hiện nay, nó ngày càng thay thế vai trò của con người, làm dấy lên nhiều lo ngại:

Trong lĩnh vực sáng tạo: AI có thể viết sách, vẽ tranh, hoặc sáng tác nhạc. Điều này khiến con người đánh mất cơ hội tự hiện thực hóa qua việc sáng tạo.

Trong công nghiệp điện ảnh: Tại Hollywood, các nhà sản xuất đang lên kế hoạch sử dụng hình ảnh kỹ thuật số của diễn viên thay vì thuê họ đóng phim. Điều này không chỉ đe dọa việc làm của diễn viên mà còn dẫn đến vấn đề đạo đức khi các công ty "sở hữu" hình ảnh của một cá nhân và sử dụng nó theo cách họ muốn.

Tác giả cảnh báo rằng, nếu con người tiếp tục phụ thuộc vào AI để thực hiện cả những công việc sáng tạo nhất, chúng ta có nguy cơ đánh mất bản sắc nhân loại. Con người không chỉ "làm việc" để tạo ra sản phẩm mà còn để tự khẳng định giá trị bản thân.

4. Quyền riêng tư và sự kiểm soát xã hội

Một trong những vấn đề cấp bách nhất là việc AI thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân. Các công cụ như Chat Control (Liên minh châu Âu) hay Sarah (một ứng dụng AI hỗ trợ y tế) đặt ra nguy cơ lớn về quyền riêng tư và tự do cá nhân.

Chat Control: Công cụ này được thiết kế để giám sát các tin nhắn và email nhằm phát hiện nội dung bất hợp pháp. Tuy nhiên, nó lại đặt toàn bộ giao tiếp cá nhân dưới sự giám sát liên tục, xâm phạm quyền riêng tư.

Ứng dụng y tế Sarah: Mặc dù hỗ trợ bác sĩ trong việc theo dõi sức khỏe, nhưng Sarah cũng từng đưa ra thông tin sai lệch, khiến nhiều người nghi ngờ tính an toàn của nó.

Những ví dụ này minh chứng rằng, AI không chỉ là một công cụ hỗ trợ mà còn là một công cụ kiểm soát mạnh mẽ. Nếu không được quản lý tốt, AI có thể trở thành công cụ giám sát xã hội toàn diện, làm suy yếu quyền tự do của công dân.

5. Đạo đức và mối quan hệ con người – AI

Tác giả nhấn mạnh rằng, để đối phó với những thách thức do AI mang lại, chúng ta cần xây dựng các quy định đạo đức và pháp lý nghiêm ngặt. AI nên được coi là một công cụ bổ trợ thay vì thay thế hoàn toàn con người.

Một vấn đề đặc biệt quan trọng là sự "nhân hóa" AI. Nhiều công ty đang thiết kế AI với các tính năng giống con người như cảm xúc và khả năng đồng cảm, dẫn đến sự phụ thuộc tâm lý của người dùng. Trong lĩnh vực trị liệu tâm lý, chẳng hạn, việc sử dụng AI làm chuyên gia tư vấn có thể làm giảm giá trị của mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân.

Ngoài ra, việc con người giao phó tư duy cho AI cũng là một vấn đề lớn. Khi chúng ta để AI viết bài, vẽ tranh hay sáng tác nhạc, chúng ta đang từ bỏ một phần vai trò sáng tạo của mình. Điều này không chỉ làm suy giảm năng lực con người mà còn dẫn đến sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ.

6. Nguy cơ lạm dụng AI trong chính trị và xã hội

AI có khả năng trở thành công cụ phục vụ các chế độ độc tài nếu rơi vào tay kẻ xấu. Khả năng thao túng thông tin, sản xuất nội dung giả mạo, và giám sát toàn diện khiến AI trở thành một công cụ nguy hiểm trong việc kiểm soát xã hội.

Tác giả cảnh báo rằng, lịch sử đã chứng minh các chính phủ luôn tìm cách tận dụng công nghệ để duy trì quyền lực. Nếu không có quy định chặt chẽ, AI có thể được sử dụng để kiểm soát dư luận, đàn áp tiếng nói đối lập, và củng cố các chế độ chuyên quyền.

Kết luận: Hướng đến một tương lai bền vững

Trí tuệ nhân tạo mang lại cả cơ hội và thách thức. Chúng ta cần nhìn nhận AI như một công cụ để mở rộng khả năng con người, chứ không phải để thay thế chúng ta. Để đạt được điều này, cần xây dựng các chính sách, quy định và hướng dẫn đạo đức chặt chẽ, đảm bảo rằng công nghệ phục vụ con người thay vì biến con người thành nô lệ của công nghệ.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/tac-dong-cua-con-nguoi-len-con-nguoi-trong-ky-nguyen-tri-tue-nhan-tao-42573.html

 

 

12. Lý thuyết Big Bang có đủ để giải thích về nguồn gốc của vũ trụ và con người hay không?

Thiên Chúa vĩnh cửu đã ban một khởi điểm cho tất cả những gì hiện hữu bên ngoài Ngài (Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 290).

WHĐ (12/02/2025) - Vũ trụ bắt nguồn từ đâu và sẽ quay về đâu? Vũ trụ có điểm khởi đầu không và nếu có thì điều gì xảy ra trước đó? Bản chất của thế giới này là gì? Chúng ta từ đâu tới? Chúng ta sinh ra và sống ở đời này để làm gì? Cuộc sống sau khi chết sẽ như thế nào? Đó là những câu hỏi lớn mà con người trong mọi thời đại luôn quan tâm và khắc khoải, và để trả lời cho những câu hỏi đầy tính hiện sinh đó, cho đến nay lịch sử đã chứng kiến nhiều giải đáp và lý thuyết khác nhau nhằm giải thích và chứng minh nguồn gốc ra đời của vũ trụ và con người, một trong những lý thuyết được các nhà khoa học hiện đại và con người thời nay chấp nhận nhiều, đó chính là lý thuyết Big Bang (Vụ Nổ Lớn).

Lý thuyết Big Bang là một công trình nghiên cứu đáng kể nhất về nguồn gốc của vũ trụ và đây được xem là một giả thuyết quan trọng nhất của vũ trụ học hiện đại. Nguồn gốc ra đời của lý thuyết Big Bang, theo nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý lý thuyết Stephen Hawking và nhiều học giả nổi tiếng khác thì thuyết Big Bang được khởi sự với công trình nghiên cứu của nhà khoa học người nga Alexandre Friendman (1888-1925) và của một linh mục ngưởi Bỉ tên là Georges Lamaitre (1894-1966). Năm 1948 nhà vật lý người mỹ gốc nga George Gamow (1904-1968) đã kế thừa quan điểm của Alexandre Friendman và Georges Lamaitre, cùng với lý thuyết tương đối rộng của Albert Einstein để cho ra đời một lý thuyết vũ trụ nóng và đặc, có điểm khởi đầu. Tuy nhiên, tên gọi Big Bang lại do Hermann Bondi, Thomas Gold và Fred Hoyle một địch thủ của thuyết này đặt ra với ý châm biếm[1]. Giả thuyết Big Bang dần dần được cũng cố khi vào năm 1929 nhà thiên văn học người mỹ Edwin Hubble đã dùng kính thiên văn quan sát vũ trụ. Ông đã ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng đa số các thiên hà đều có quang phổ dịch về phía đỏ, chúng đang chuyển động ra xa chúng ta. Như thế, vũ trụ của chúng ta không phải là tĩnh như trước kia người ta vẫn thường nghĩ, mà thực tế nó đang giản nở, khoảng cách giữa các thiên hà ngày càng tăng lên theo thời gian. Theo lý thuyết này, vũ trụ đang giản nở khắp nơi và không tồn tại một điểm trung tâm. Với sự quan sát của nhà thiên văn học Hubble, người ta đi ngược lại thời gian để trở về trước cách đây khoảng 15 – 16 tỷ năm đã có một vụ nổ lớn xảy ra đó chính là Big Bang, phát hiện này đã làm thay đổi nhiều quan niệm về vũ trụ học.

Theo các nhà thiên văn, vũ trụ và vật lý học, vũ trụ của chúng ta lúc đầu vô cùng nhỏ, nóng và đặc (mật độ vô hạn). Vấn đề là vũ trụ này bắt đầu từ đâu? Hiện nay, các nhà khoa học và triết học đều cho rằng vũ trụ của chúng ta bắt đầu từ một điểm gọi là điểm kì dị, tại thời điểm kì dị đó, thuyết tương đối rộng, các định luật vật lý và toán học đều không áp dụng được và chúng không còn đúng nữa, người ta không thể tiên đoán điều gì sẽ xuất hiện từ điểm kì dị đó. Ngay khi lý thuyết Big Bang vừa mời ra đời, vì tính hợp lý của nó nên đã được nhiều nhà khoa học ủng hộ và chấp nhận. Đồng thời, Giáo Hội Công Giáo đã nắm lấy mô hình vụ nổ lớn và năm 1951 đã chính thức tuyên bố thuyết Big Bang hoàn toàn phù hợp với Kinh thánh[2]. Trong thời gian đó, Đức Giáo hoàng Piô XII đã ủng hộ mãnh mẽ thuyết vụ nổ lớn, thậm chí cả trước khi người ta thiết lập nên cái nền tảng khoa học vững chắc để củng cố cho nó[3].

Vào những năm 1980, Tòa Thánh có tổ chức một cuộc hội thảo với chủ đề về vũ trụ học dưới sự chủ trì của các tu sĩ Dòng Tên tại Vatican. Cuối hội nghị, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng: Việc nghiên cứu sự tiến triển của vũ trụ sau vụ nổ lớn là đúng, song Giáo Hội không tìm hiểu về bản thân vụ nổ lớn, vì đó là thời điểm của sáng tạo, nên thuộc công việc của Thiên Chúa[4]. Như vậy, mặc dù được nhiều nhà khoa học và con người thừa nhận nhưng cho đến nay lý thuyết Big Bang vẫn còn là một giả thuyết chưa được kiểm chứng một cách xác thực, mà lý thuyết thì có thể đúng hoặc sai, lý thuyết chỉ tồn tại trong đầu óc của con người chứ không có một thực tại nào khác, dù nó có ý nghĩa gì đi chăng nữa. Vì thế, thuyết Big Bang chưa phải là một chân lý hiển nhiên và như vậy nó không đủ để giải thích nguồn gốc vũ trụ và con người. Chính vì thế, trong cuộc sống chúng ta không nên xem thuyết Big Bang như một định đề toán học.

Chúng ta phải đặt vấn đề: Trước thời điểm kì dị là cái gì? Ai sáng tạo ra nó? Ai làm cho nó nổ? Ai tạo ra những trật tự trong vũ trụ? Và vũ trụ này cuối cùng sẽ đi về đâu?... Đó là những câu hỏi mà Kinh thánh và Giáo lý Kitô giáo có lời giải đáp thực sự. Sách Kinh thánh đã trình bày Thiên Chúa là Đấng tạo dựng trời và đất (x. St 1,1-2,4a). “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Ngài làm” (Tv 18, 2). “Ngắm tầng Trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăn sao Chúa đã an bài” (Tv 8, 4). Trong Tin mừng, Thánh sử Gioan cũng đã nói: “Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (x. Ga 1, 1-3) và Thiên Chúa vĩnh cửu đã ban một khởi điểm cho tất cả những gì hiện hữu bên ngoài Ngài (Giáo Lý Hội Thánh Công giáo, số 290).

Sự ra đời của lý thuyết Big Bang là một cuộc cách mạng lớn có tính đột phá trong lịch sử vũ trụ học. Vì thế, hiện nay lý thuyết Big Bang được các nhà khoa học trên thế giới ủng hộ, khuyến khích nghiên cứu. Tuy nhiên, chúng ta phải xác định rằng khoa học và tôn giáo là hai lĩnh vực khác nhau vì chúng có đối tượng khác nhau, nhưng khoa học và tôn giáo không tách biệt nhau mà còn bổ túc với nhau rất chặt chẽ. Nếu thuyết Big Bang có đúng đi chăng nữa, chúng ta vẫn khẳng định rằng nó vẫn là công trình do Thiên Chúa tạo dựng. Ngài tạo dựng vũ trụ và con người bằng sự khôn ngoan và tình yêu của Ngài. Chúng ta tin Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ mà không cần một thứ gì đã hiện hữu trước, Ngài tạo dựng mọi sự từ hư vô. Vì Ngài tạo dựng vũ trụ này một cách khôn ngoan nên công trình tạo dựng của ngài rất có trật tự: “Chúa đã sắp xếp có chừng mực, đã tính toán và cân nhắc cả rồi” (Kn 11, 20). Thiên Chúa luôn quan phòng và chăm sóc mọi sự một cách cụ thể và trực tiếp: “Thiên Chúa chúng ta ở trên trời, muốn làm gì là chúa làm nên” (Tv 115, 3). Và “lòng con người ấp ủ bao dự tính, duy kế hoạch của Chúa mới trường tồn” (Cn 19, 21). Nhờ lý trí chúng ta có thể thấy được nguồn gốc của vũ trụ qua những công trình của Người, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người (x. Cl 1,16). Như vậy, lý thuyết Big Bang là một giả thuyết cho đến nay được nhiều người ủng hộ, nó không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học mà còn thu hút sự chú ý của nhiều nhà triết học và thần học. Tuy nhiên, lý thuyết Big Bang vẫn là một giả thuyết, vì thế nó chưa đủ cơ sở khoa học để giải thích về nguồn gốc của vũ trụ và con người.

Lm. Phêrô Trần Đình Lương, Giáo phận Bà Rịa

THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1) NGUYỄN HỒNG GIÁO, Thần lý học, Đại Chủng Viện Giuse Sài Gòn, 2003.

2) STEPHEN HAWKING, Cao Chi và Phạm Văn Thiều, dg., Lược sử thời gian, nxb. Trẻ, 2006.

3) FRANCIS S. COLLINS, Lê Thị Thanh Thủy, dg., Ngôn ngữ của Chúa, nxb. Lao động, 2007.

4) NGUYỄN VIỆT LONG, Thiên văn vũ trụ, nxb. Khoa học và kĩ thuật, 2006.

5) TRỊNH XUÂN THUẬN, Phạm Văn Thiều và Ngô Vũ, dg., Nguồn gốc, nxb. Trẻ. 2012.

6) TRỊNH XUÂN THUẬN, Phạm Văn Thiều và Ngô Vũ, dg., Những con đường của ánh sáng, tập 1, 2012.

______

[1] NGUYỄN VIỆT LONG, Thiên văn vũ trụ, nxb. Khoa học và kỉ thuật, 2006, tr. 225.

[2] STEPHEN HAWKING, Cao Chi và Phạm Văn Thiều, dg., Lược sử thời gian, nxb. Trẻ, 2006, tr. 82.

[3] FRANCIS S. COLLINS, Lê Thị Thanh Thủy, dg., Ngôn ngữ của Chúa, nxb. Lao động, 2007, tr. 109.

[4] STEPHEN HAWKING, Cao Chi và Phạm Văn Thiều, dg., Lược sử thời gian, nxb. Trẻ, 2006, tr. 172.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/ly-thuyet-big-bang-co-du-de-giai-thich-ve-nguon-goc-cua-vu-tru-va-con-nguoi-hay-khong-42580.html

 

 

13. Hành hương thời Tân Ước - Phần 4: Chúa Phục Sinh hành hương với chúng ta

WHĐ (04/02/2025) - Nếu hành hương đến Giêsusalem, chắc chắn bạn sẽ đến thăm Nhà Thờ Mộ Chúa. Để hiểu thêm về câu chuyện phục sinh của Đức Giêsu, chúng ta trở về ngôi mộ thú vị này.

Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG

CHƯƠNG 2: HÀNH HƯƠNG THỜI TÂN ƯỚC

Phần 4: CHÚA PHỤC SINH HÀNH HƯƠNG VỚI CHÚNG TA

Nếu hành hương đến Giêsusalem, chắc chắn bạn sẽ đến thăm Nhà Thờ Mộ Chúa. Để hiểu thêm về câu chuyện phục sinh của Đức Giêsu, chúng ta trở về ngôi mộ thú vị này.

1. Ngôi Mộ trống

Mấy bữa nay kể từ khi Thầy bị bắt và chết trên thập giá, cả thành Giêrusalem đều bàn tán xôn xao với nhau. Đâu đâu người ta cũng nói về đề tài liên quan đến cái chết của thầy Giêsu. Vì là ngày lễ Vượt Qua, nên họ chỉ ở nhà mừng lễ và trong bữa tiệc, người già trẻ con đều biết hôm nay Giêsu thành Nazarét đã chết. Các môn đệ thì sợ hãi trốn trong nhà nơi hôm trước họ cùng với Thầy ăn bữa Tiệc Ly. Các cửa đều đóng kín vì họ cũng đang trong tầm nhắm của người Do Thái. Biết đâu xử xong Thầy, họ lại xử nhóm của Thầy thì sao. Bởi đó các môn đệ cùng vài bà đạo đức khác đều im hơi lặng tiếng.

Riêng các thượng tế, nội bộ Thượng Hội Đồng cũng xôn xao. Họ nhớ lời thầy Giêsu khi còn sống đã nói sau ba ngày Thầy sẽ trỗi dậy. Bởi đó, họ đến thương thảo với Philatô để xin tổng trấn cho người canh giữ mộ thầy Giêsu kỹ càng kẻo các môn đệ Thầy đến lấy trộm xác rồi phao tin Thầy từ cõi chết trỗi dậy (Mt 27,62-66). Lúc ấy, tình hình còn phức tạp hơn. Phần các môn đệ sợ đến nỗi không dám ra ngoài, nói chi đến chuyện động trời là ăn cắp xác của Thầy. Thế là lính tráng ra mồ của thầy Giêsu, niêm phong tảng đá và cắt cử lính canh giữ cẩn thận.

Nếu ngày thứ Sáu náo nhiệt ồn ào và chấn động bao nhiêu, thì hôm nay ngày Sabát bầu không khí yên ắng tĩnh lặng bấy nhiêu[1]. Tờ mờ sáng các con đường không một bóng người. Đồi Canvê và toàn khu vực Mộ Chúa chỉ còn vài lính canh. Khác với những ngày Sabát trước, hôm nay Con Thiên Chúa đã chết và được mai táng trong mồ.

Cả bốn Tin Mừng đều trình thuật lại câu chuyện ngôi mộ trống. Các ngài muốn nói đây là dữ kiện quan trọng đầu tiên cho thấy Thầy Giêsu đã phục sinh. Lần cầu nguyện này, khung cảnh ngôi mộ trống giúp tôi xác tín vào Chúa Phục sinh nhiều hơn. Số là sáng sớm ngày Chúa nhật, bà Maria Mácđala và một bà khác cùng tên, đi ra viếng mộ. Tới nơi họ thấy đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra. Thấy cảnh tượng ấy lính canh khiếp sợ run rẩy ngất đi.

Riêng các bà được Thiên Thần báo rằng Đức Giêsu, Đấng bị đóng đi đã trỗi dậy từ cõi chết. Các bà vừa mừng vừa sợ, vừa hoang mang vừa lo lắng, hết hồn hết vía trước cảnh tượng hãi hùng ấy. Tức khắc bà Maria Mácđala chạy về báo tin cho các môn đệ. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa ra khỏi mộ, và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu.” Thầy Phục sinh vẫn còn là ẩn số đối với mọi người lúc này.

Dẫu sao sau khi nghe Maria Mácđala nói thế, ông Phêrô và Gioan cũng chạy ra mộ. Gioan tới trước và cúi xuống nhìn vào trong thì thấy băng vải còn ở đó. Ông Phêrô tới và vào thẳng trong mộ, thấy băng vải và khăn che đầu còn ở đây. Các khăn ấy được quấn lại, xếp riêng ra một nơi. Gioan cũng vào. Ông đã thấy và đã tin – tin lời Thầy tiên báo rằng Thầy sẽ phục sinh sau ba ngày trong mồ.

Vậy là Thầy Giêsu đã phục sinh. Ngôi mộ không còn giam giữ Thầy nữa. Thầy ra khỏi mồ để lại một ngôi mộ trống là chỉ dẫn đầu tiên về thực tại Chúa sống lại (Lc 24,5-6).

Ngày nay ngôi mộ của Thầy nằm chính giữa vòm (dome) nhà thờ Mồ Thánh. Hằng ngày đều có đông đảo khách hành hương đến chiêm ngắm nguyện cầu với Chúa Phục sinh quanh ngôi mồ trống này.

Ngày 26 tháng 10 năm 2016, người ta bắt đầu tu bổ và sửa sang lại ngôi mộ Chúa và đã hoàn tất vào tháng 3 năm 2017. Là giám đốc chỉ huy chính của việc mở Mộ Chúa lần này, sau những ngày tháng nghiên cứu trên bình diện khoa học về Mộ Chúa, giáo sư Antonia Moropoulou phát biểu với giới truyền thông rằng: “Everything here conveys the massage of Resurrection: the hope and blessing for millions of peolpe. Mọi thứ nơi đây đều chuyển tải một thông điệp Phục sinh: Niềm hy vọng và ơn phúc cho hàng triệu người.”[2]

Chúa Phục sinh là niềm hy vọng và mối phúc cho con người. Từ đây Thầy Giêsu đã chiến thắng tử thần và mở cửa Thiên Đàng cho con người bước vào. Không chỉ linh hồn mà chúng ta còn tin rằng thân xác mai này cũng được phục sinh với Thầy. Khác với triết thuyết của Plato hay Aristotle[3], trong mầu nhiệm phục sinh, không những linh hồn bất tử được có sự sống, mà cả “thân xác phải chết” (Rm 8,11) của chúng ta cũng sẽ được đảm nhận lại sự sống (x. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 990). Bởi sự sống không mất nhưng chỉ đổi thay.

Ước sao khi chiêm ngắm ngôi mộ trống hôm nay, tôi cũng đã thấy và đã tin như thánh Gioan sáng nay khi ra ngôi mộ trống của Thầy. Hoặc nói như Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Chúa Giêsu đã chết, được mai táng, Ngài đã phục sinh và hiện ra. Chúa Giêsu là sự sống! Đó là thông điệp chính yếu của người Kitô hữu.”

2. Đức Giêsu Phục sinh hành hương trên đường Emmau

Sau thời khắc thấy ngôi mộ trống đó, người ta còn thấy thầy Giêsu hiện ra với nhiều người, nhiều lần khác nhau. Thầy hiện ra lần đầu với bà Maria Mácđala, những lần hiện ra với các môn đệ, lần hiện ra tại Biển Hồ Tibêria, v.v. Nhưng hôm nay tôi được Thầy dẫn về một làng quê cách Giêrusalem chừng 11 cây số. Trên con đường ấy Thầy đã chuyện trò với hai môn đệ để giúp các ông nhận ra Chúa phục sinh. Chỉ có Tin Mừng Luca quay lại thước phim thú vị này.

Còn nhớ mới đây thôi, hai ông cũng như nhiều người đổ về Giêrusalem vì nghe biết thầy Giêsu là Đấng Mêsia, là vua người Do Thái đang mong chờ. Thầy đã đến, họ cũng đã gặp và muốn kết thân với Thầy với hy vọng Thầy sẽ giải phóng dân, cho họ được tự do thái bình.

Bỗng chỉ sau một đêm nơi Vườn Dầu, sau một tòa án bất công, họ mất hết hy vọng. Giấc mơ của họ tan thành mây khói. Chính mắt họ thấy Thầy chết trên thập giá, được chôn cất trong một ngôi mộ còn mới của ông Giôxếp thành Arimathê. Mọi ước mơ hoài bão họ đặt nơi Thầy đều bị chôn vùi tựa thân xác Thầy trong mồ vậy. Do đó, Giêrusalem không còn là nơi hấp dẫn họ ở lại. Với họ lúc này, khăn gói về quê là con đường tốt nhất. Dầu sáng nay hai ông cũng kinh ngạc nghe các bà kể chuyện các thiên thần bảo Đức Giêsu đã sống lại.

Trên đường về Emmau, chắc hai ông cũng vẫn bàn tán về câu chuyện đó thực hay hư, đúng hay sai và chắc chắn họ còn chuyện trò quanh đề tài thầy Giêsu đã chết. Đang lúc chuyện trò bàn tán thì Đức Giêsu tiến lại gần và cùng đi với họ. Câu chuyện về ba người trên đường lúc này thêm phần hấp dẫn hơn.

Vì mắt họ còn bị ngăn cản nên chưa nhận ra Thầy đã phục sinh. Người hỏi họ đang bàn tán về chuyện gì vậy? Họ dừng lại với vẻ mặt buồn sầu thất vọng. Một trong hai người tên là Cơlêôpát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay?” Ông nói chính xác vì tất cả mọi người trong thành đều biết về câu chuyện một ông Giêsu Nazarét bị các thượng tế và thủ lãnh người Do Thái nộp cho Philatô và họ đã đóng đinh Người vào thập giá.

Thầy mỉm cười và tiếp tục khơi gợi câu chuyện để họ giãi bày tâm sự. Dĩ nhiên là người trong cuộc, nên Thầy biết hết. Là Đấng phục sinh, Thầy có thể làm mọi sự, phán một lời để họ tin vào Thầy đã phục sinh. Nhưng Thầy chọn cung cách hành xử là đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, chúc lành và trao ban để giúp người ta từ từ nhận ra Thầy. Phải chăng đây cũng là lối nẻo và là sức năng động mà Thầy muốn chỉ cho người loan báo Tin Mừng cần đi vào cuộc sống, văn hóa, tâm tư tình cảm của con người; từ đó giúp họ tự do đón nhận Thầy Giêsu phục sinh.

Con đường về làng Emmau còn dài phía trước, nên Thầy cùng họ bước đi, đồng thời chia sẻ với họ về tất cả những lời các sách Cựu ước đã giải thích liên quan đến thầy Giêsu. Khi Thầy nói chuyện và giải thích kinh thánh thì lòng họ bừng cháy, nhưng mắt họ vẫn chưa nhận ra người đàn ông này là Thầy của họ. Họ cần thời gian và thầy Giêsu cho họ cơ hội để tự trong sâu thẳm của tâm hồn, họ có thể nhận ra Thầy.

Con đường phía trước dần ngắn lại bởi biết bao lời giải thích của Thầy. Thầy Giêsu muốn đi qua khỏi ngôi làng ấy, nhưng họ nài ép và mời Người ở lại với họ, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn. Lời mời ấy tôi vẫn được thôi thúc để nói với Thầy trong cuộc sống hằng ngày: Xin Thầy ở lại với con, vì trời đã xế chiều, bóng đêm đang buông dần. Có Thầy, con an tâm hơn.

Thế là họ vào nhà để nghỉ ngơi và dùng bữa tối sau những giờ đi đường mệt mỏi.

Chiều hôm nay là dấu mốc cho ngôi làng Emmau được nổi danh vì có Chúa Phục sinh đã hiện ra. Thầy vào bàn ăn cùng với hai môn đệ. “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ” (Lc 24,30). Lúc này mắt họ liền mở ra và nhận thấy thầy Giêsu bằng xương thịt đang ngồi đây. Thầy đã sống lại từ cõi chết. Chính lúc ấy thầy Giêsu cũng biến mất, để lại trong lòng hai ông ngọn lửa bừng cháy tin yêu vì thầy Giêsu đã phục sinh.

Làng Emmau vẫn yên bình như ngày nào, trước giờ vẫn thế. Chỉ khác là sau biến cố lần này, làng bỗng trở nên nổi tiếng khắp thế giới, du khách kéo về thăm quan hành hương nhiều hơn. Hiện trong làng có nhà của Cleopas, nhà thờ chánh tòa, dòng các sơ người Đức, dòng Phanxicô và nhiều di tích lịch sử khác.

Lập tức họ đứng dậy, chạy nhanh vào thành gặp nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp với nhau tại phòng Tiệc Ly. Thấy hai ông trở lại, cả nhóm vui mừng kể cho hai ông biến cố thầy Giêsu phục sinh đã hiện ra với Simon. Còn hai ông thuật lại tất cả câu chuyện với thầy Giêsu trên con đường về làng, và khi Thầy bẻ bánh, họ mới biết là Thầy đã phục sinh. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Thế là câu chuyện phục sinh mỗi lúc một lan nhanh, nhanh như lúc thầy Giêsu bị dẫn vào thành chịu chết vậy. Lúc này các ông bắt đầu một hành trình mới mà Thầy Giêsu phục sinh sẽ vạch ra cho các ông.

3. Chúa Giêsu lên trời và lời truyền để lại

Nhóm các môn đệ dĩ nhiên được Chúa Giêsu phục sinh ưu tiên hiện ra nhiều lần để giúp họ lấy lại hy vọng trong hành trình mới. Mỗi Tin Mừng kể những lần Thầy hiện ra với các ông trong bối cảnh khác nhau. Thánh Máccô và thánh Luca “quay” lại cảnh Chúa Giêsu lên trời, riêng thánh Gioan và thánh Mátthêu ghi lại cảnh Chúa phục sinh hiện ra với các môn đệ và trao sứ mạng. Trong những khác biệt đó, sứ điệp chung của Tin Mừng phục sinh là thầy Giêsu được rước lên trời sau khi Thầy sai các ông ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy.

Hãy ở lại khung cảnh nhà thờ Chúa Lên Trời tại khu vực Núi Cây Dầu, gần làng Bêtania. Tại đó, ngày nay vẫn còn lưu lại dấu chân trái của Thầy khi Ngài rời khỏi thế gian mà về trốn trời cao. Lúc này thánh Luca thuật lại việc Thầy giơ tay chúc lành cho các ông và trong lúc đó Thầy được đem về trời. Các ông trở lại Giêrusalem và ở trong đền thờ hằng chúc tụng Thiên Chúa.

Trong khi đó, thánh Mátthêu “quay” lại cảnh Chúa phục sinh cùng mười một môn đệ lên ngọn núi tại miền Galilê. Khi ấy Thầy trao cho các ông lệnh truyền rõ ràng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ hãy tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). Thánh Máccô cũng thuật lại lệnh truyền tương tự như thánh Mátthêu (Mc 16,15-16).

Sau cùng, Chúa phục sinh đã hiện ra với các môn đệ ở Biển Hồ TiBêria mà thánh Gioan đã trình thuật chi tiết. Qua đó, tôi thấy ba lần Chúa hỏi Phêrô về lòng yêu mến, ba lần Phêrô đều trả lời: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ con yêu mến Thầy” (Ga 21,15-19). Với tình yêu nồng cháy Phêrô dành cho Chúa, Chúa an tâm trao sứ mạng chăm sóc chiên của Thầy.

Tôi muốn khép lại câu chuyện Thầy Giêsu phục sinh với tâm hồn rộng mở. Mở ra để đón Chúa phục sinh, mở ra với anh chị em để cùng chia sẻ niềm vui phục sinh và mở ra để đảm nhận tương lai phía trước: Một con đường hành hương với Thiên Chúa…

Mách nhỏ khi hành hương:

- Đi bộ nhiều để cảm nghiệm tinh thần hành hương.

- Chuẩn bị tâm hồn và các điều kiện để lãnh ơn Đại xá khi viếng thăm Đất Thánh: Nhà thờ Mộ Thánh, Nhà Thờ Giáng Sinh hay Nhà thờ Truyền Tin.

- Để ý đến cung cách diễn tả đức tin của người hành hương sẽ giúp bạn thêm khao khát nguyện cầu.

Trích trong tập sách Ý nghĩa và lịch sử của hành hương, Nxb Tôn Giáo, 03/2024

________

[1] Đó là luật có từ trước tới giờ: “Ông Mô-sê triệu tập con cái Ít-ra-en và nói: Đây là những điều Đức Chúa truyền phải thi hành: Trong sáu ngày, người ta sẽ làm việc, nhưng đối với anh em, ngày thứ bảy sẽ là một ngày thánh, một ngày sa-bát, một ngày nghỉ hoàn toàn, dành cho Đức Chúa. Kẻ nào làm việc trong ngày ấy sẽ bị xử tử.” (Xh 35,1-2).

[2] Xem thêm: Tạp chí The Holy Land review: The Tomb is Opened, Mùa hè 2017, tr.32-35

 [3] Linh hồn bất tử là chủ đề mà Plato và Aristole luận bàn nhiều. Chẳng hạn trong tác phẩm Phaedo, qua lời Plato cho thấy linh hồn bất tử sau khi chết. Đối với Aristole cách riêng linh hồn có thuộc tính thiêng liêng và bất tử. Tuy nhiên cả hai triết gia điều không bàn đến vấn đề sống lại của thân xác, và có nhập vào linh hồn bất tử đó hay không. Chỉ trong biến cố phục sinh, hay trong Đức Giêsu Kitô, vấn đề kẻ chết sống lại, linh hồn nhập vào thân xác mới được tỏ lộ.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/hanh-huong-thoi-tan-uoc---phan-4-chua-phuc-sinh-hanh-huong-voi-chung-ta-42581.html

 

 

14. Hành hương thời Tân Ước - Phần 5: hành hương về trời mới đất mới

WHĐ (14/02/2025) - Giáo Hội đang và sẽ luôn là người lữ hành trong lịch sử, người mang kho báu trong những chiếc bình sành (2 Cr 4,7).

Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG

CHƯƠNG 2: HÀNH HƯƠNG THỜI TÂN ƯỚC

Phần 5: HÀNH HƯƠNG VỀ TRỜI MỚI ĐẤT MỚI

Vì Thành thánh được xây trên khối đá vẹn toàn, và sẽ không ai có thể tiêu diệt được thành vì có Chúa ra tay quyền lực. Do đó, người Do Thái nhìn về thành thánh như là biểu tượng cho một đất nước, một vương triều Đa-vít trường tồn thịnh đạt. Tuy nhiên lịch sử đã cho thấy thành nhiều lần sụp đổ bởi biết bao cuộc xâm lấn chiến tranh.

Còn nhớ thầy Giêsu khi đứng bên kia suối Kít-rôn, phía núi Ô-liu nhìn về thành thánh mà khóc thương cho thành.[1] Thời đó, người ta ca ngợi thành như khối đá vẹn toàn kiên cố vững bền theo thời gian; tuy nhiên, thầy Giêsu dội một gáo nước lạnh vào lòng kiêu hãnh về thành của người ta khi tiên báo sẽ có ngày thành không còn hòn đá nào trên hòn đá nào, tất cả đều sẽ bị phá đổ (Mt 24,2; Mc 13,2; Lc 21,6).

Đức Giêsu khóc thương, hay tiên đoán về ngày đau thương của thành vì con dân trong thành không nhận ra thời Đấng Mêsia đang đến với họ. Thay vì ra chào đón, tung hô, xin ơn cứu độ, họ lại toan tính giết Đấng Mêsia là thầy Giêsu ngay trong thành thánh. Họ đã thành công trong việc giết thầy Giêsu và đóng đinh Thầy vào thập giá trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

Sau đó lời tiên đoán của thầy Giêsu về sự sụp đổ của Thành Thánh Giêrusalem cũng đã xảy ra sau 40 năm kể từ khi thầy Giêsu chịu chết và phục sinh. Cuộc chiến năm 70 khiến người ta vỡ lẽ về một thành trì dù kiên vững, bề thế đến đâu trên mặt đất này cũng có nguy cơ sụp đổ tan tành. [2] Duy chỉ có thành đô Thiên Quốc, một Giêrusalem Tương Lai mới cho con người thực sự được sống an bình hạnh phúc. Đức Giêsu hướng chúng ta làm cuộc hành hương về Quê Trời đích thực.

Đó là công trình của Thiên Chúa, là sứ mạng của thầy Giêsu cả đời loan báo về một Vương Quốc tình yêu, một Trời Mới Đất Mới[3]. Lúc này thành thánh Giêrusalem từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống. Đó là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại. Họ sẽ là dân của Người còn chính Người sẽ là Thiên Chúa của họ. Ở trong trời mới đất mới, họ sẽ trường sinh bất tử. Chính Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt của họ, sẽ không còn tang tóc, kêu than hay đau khổ. Thiên Chúa sẽ đổi mới mọi sự. Đó chính là Giêrusalem mới mà tác giả sách Khải Huyền ghi lại trong sách Khải Huyền ở chương 21.

Tác giả sách Khải Huyền mô tả về thành thánh mới để thấy được uy quyền và tình yêu của Thiên Chúa ban tặng cho con người. “Thành thánh Giêrusalem mới đến từ trời cao, chói lọi vinh quang Chúa. Thành rực sáng tựa đá quý tuyệt vời, như ngọc thạch trong suốt tựa pha lê. Thành có tường rộng cao với 12 cửa do mười hai thiên thần canh giữ, và trên 12 cửa có ghi 12 chi tộc Ít-ra-en (mỗi hướng ba cửa). Tường thành được xây trên nền móng 12 Tông Đồ của Con Chiên” (Kh 21, 9-14).

Đó không gì khác hơn là sáng kiến của Chúa Giêsu, của chính Con Chiên Thiên Chúa thiết lập Giáo Hội của Người trên trần gian, một Giáo Hội lữ hành (pilgrim church) đang tiến về Quê Trời. Hôm nay cũng thế. Giáo Hội đang và sẽ luôn là người lữ hành trong lịch sử, người mang kho báu trong những chiếc bình sành [4] (2 Cr 4,7). Trên nền tảng các thánh tông đồ mà thánh Phêrô là đại diện, thầy Giêsu đã xây dựng Hội Thánh vốn không của riêng ai, không phân biệt chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ hay quốc gia. Mọi người đều được mời gọi để bước vào thành thánh mới này với con tim tự do và yêu mến.

Đó cũng là lời mời gọi và là mệnh lệnh của thầy Giêsu khi Ngài phục sinh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ, ai không tin sẽ bị kết án.” (Mc 16,15-16). Nghĩa là ai đón nhận thầy Giêsu thì được bước vào thành thánh Giêrusalem mới, qua chính cửa là thầy Giêsu. Ở đó người ta không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa. (Ep 2,19-22).

Trong thành thánh mới này, họ không còn bị bức tường thành chia cắt, họ không còn những khác biệt phân chia nữa. Căn tính của dân cư trong Thành Mới này là bạn hữu của Giêsu và là dân mới của Thiên Chúa. Ngài chính là con đường để dẫn người ta vào trời mới đất mới; và nhờ đó, con người được hưởng sự sống đời đời. Đó là sự thật, là lịch sử cứu độ. Hạnh phúc biết bao khi thành lũy ngăn cắt bị phá bỏ, hàng rào kỳ thị bị loài trừ để nhờ thầy Giêsu và trong thầy Giêsu, chúng ta có chung một Cha trên trời và tất cả là anh chị em với nhau.

Tiếc rằng chính tôi hoặc nhiều người đang ngăn cản chính mình và người khác có cơ hội tiến vào thành thánh mới, vào Giáo hội của Chúa. Đây đó còn nhiều mục tử chỉ chăm chút cho đoàn chiên của mình mà quên mất những con chiên lạc cũng cần được đem về. Hoặc nhiều mục tử xây bức tường thành giữa người theo Chúa với những ai bên kia ranh giới. Tệ hơn đây đó còn có những mục tử tạo nên bức tường ngăn cách chính mình với giáo dân, mặc cho sói dữ tấn công đoàn chiên mà Thiên Chúa trao cho họ chăm sóc. Họ không dám đi ra, đến những biên cương để mở rộng Nước Trời cho những người chưa biết Chúa. Bởi ra ngoài thành trì của mình sẽ gặp nhiều nguy hiểm khó khăn.

Bên cạnh đó, chính con chiên chúng ta cũng nhìn về người khác niềm tin với ánh mắt kỳ thị, xem người khác tôn giáo là kẻ vô đạo, người bên lương xa lạ. Nếu vẫn bảo vệ bức tường thành như thế, thì đâu là Giáo Hội Công Giáo, đâu là Thành Thánh mới với vị mục tử nhân lành là Đức Giêsu!?

Vì chưa dám thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng cho anh em đồng loại nên tôi chỉ muốn giữ mảnh đất Chúa trao cho riêng mình, cho một nhóm cùng tôn giáo với tôi. Chúng tôi muốn khóa cửa để ngăn chặn những ai muốn bước vào thành thánh mới. Nếu đúng như thế thì đâu rồi lời mời gọi ra đi truyền giáo của thầy Giêsu? Phải chăng Giáo Hội của Chúa vẫn chưa được rộng mở, số dân của Chúa Giêsu vẫn chưa tăng triển mạnh mẽ là vì những bức tường do chính chúng ta tạo ra. Ở đây, hành hương cũng là cách để chúng ta rao truyền Tin Mừng theo nghĩa: “Vượt ra khỏi bản thân mình để lên đường hành hương. Cùng lên đường tới các đền thánh và tham gia vào các cuộc biểu dương lòng đạo bình dân, đồng thời đem theo con cái và mời gọi người khác cùng đi, việc ấy tự nó là một cử chỉ loan báo Tin Mừng. Chúng ta đừng bóp nghẹt hay tìm cách kiểm soát sức mạnh truyền giáo này!”[5]

Xin thầy Giêsu giúp tôi nhận ra những bức tường đang ẩn sâu trong tâm thức, trong lối nghĩ và trong định kiến của mình. Nhờ ơn Chúa, xin Ngài phá tan thành lũy đó, để vẻ đẹp lung linh tráng lệ của thành thánh Giêrusalem mới được rạng ngời cho muôn dân. Nhờ vậy nhiều dân nước, nhiều anh em đồng loại của chúng ta có cơ hội bước qua Cửa Chiên là chính thầy Giêsu mà vào thành thánh Giêrusalem mới, để cùng nhau hưởng niềm vui vĩnh cửu, hạnh phúc thiên thu.

Mách nhỏ khi hành hương:

- Hành Hương là hành trình tìm kiếm sự biến đổi đời sống đức tin của mình.

- Hành Hương là đi để khám phá những nơi thánh thiêng liên quan đến Chúa Giêsu, Đức Maria và các thánh.

Trích trong tập sách Ý nghĩa và lịch sử của hành hương, Nxb Tôn Giáo, 03/2024

_____

[1] Hiện nay là nhà thờ Chúa Khóc (Dominus Flevit).

[2] Vào lễ Vượt Qua năm 70, vị tướng La mã Titus đem 4 quân đoàn vây đánh Giêrusalem. Sau đó Đền Thờ bị chiếm đóng và thiêu hủy.

[3] Khải Huyền chương 21, 22.

[4] Thư letter of the holy father Francis to the pilgrim people of God in Germany (29.06.2019).

[5] Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng Evangelii Gaudium, Số 124, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-niem-vui-cua-tin-mung-evangelii-gaudium-46656

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/hanh-huong-thoi-tan-uoc---phan-5-hanh-huong-ve-troi-moi-dat-moi-42582.html

 

 

14. Thiên Chúa có phải là ông trời?

WHĐ (17/02/2025) - Một phần nào đó, có thể nói rằng hình ảnh “Ông Trời” trong dân gian đã phản ánh một khái niệm về Thiên Chúa, nhưng không đầy đủ. Thiên Chúa không chỉ là Đấng quyền năng, mà còn là Đấng yêu thương. Ngài không xa cách con người, mà luôn tìm kiếm chúng ta, chờ đợi chúng ta nhận ra Ngài.

Bạn thân mến,

Cảm ơn bạn đã hồi âm cho tôi với những điều tích cực từ lá thư trước. Như đã nói, tôi không muốn thuyết phục bạn tin vào Thiên Chúa. Trước hết, tôi chia sẻ với bạn về niềm tin và Thiên Chúa mà tôi đang tin. Biết là một chuyện, tin lại là một chuyện rất khác. Sau đó, càng biết về Thiên Chúa, bạn càng cảm thấy những điều thú vị có thể giúp cho hành trình đức tin của bạn.

Cảm ơn bạn đã đặt một câu hỏi rất thú vị: “Thiên Chúa có phải là Ông Trời?”. Đây là điều mà nhiều người Việt Nam vẫn thắc mắc; nhất là khi trong văn hóa dân gian, chúng ta thường nghe những câu như “Ông Trời có mắt”, “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát” hay “Sống chết có số, giàu sang do trời.” Những câu nói ấy cho thấy người Việt từ xa xưa đã tin vào một Đấng nào đó cao vời, quyền năng và chi phối vạn vật. Nhưng liệu Thiên Chúa mà Kitô giáo tin có giống với hình ảnh Ông Trời trong dân gian không?

Lúc mình còn trên ghế nhà trường, rất nhiều lần thầy cô chia sẻ về tín ngưỡng nhân gian. Nói như thế để thấy người Việt có cảm thức tôn giáo rất mạnh mẽ. Chẳng hạn, trong truyền thống Việt Nam, “Ông Trời” được hiểu là một sức mạnh siêu nhiên quyết định số phận con người. Nhiều người tin rằng Trời thưởng kẻ lành, phạt kẻ ác, và không ai có thể trốn thoát khỏi lưới trời. Tuy nhiên, trong niềm tin dân gian, Ông Trời thường được xem là một thực thể xa cách, quyền uy nhưng không có mối liên hệ cá vị với con người. Ông Trời dường như đứng từ xa để quan sát và điều khiển vũ trụ, mà ít ai nghĩ rằng mình có thể gặp gỡ hay đối thoại với Ngài. Đúng như tên gọi, Ông chỉ đến phái nam, còn trời chỉ đến một nơi cao xa nào đó. Nếu hiểu theo cách này, hình như Ông Trời không phải là Thiên Chúa mà chúng tôi đang tin.

Bạn biết không, Thiên Chúa không chỉ là một Đấng cao vời, mà còn là một Đấng đầy yêu thương, gần gũi với con người. Ngài không chỉ tạo dựng nên vạn vật mà còn chăm sóc từng người một cách cá vị. Đây là điều rất khác, vì chúng tôi có thể gặp được Thiên Chúa trong cầu nguyện, chính Thiên Chúa cũng muốn gặp gỡ và cứu giúp con người. Vì thế mà trong Thánh Kinh, Thiên Chúa được gọi là “Cha” (Mt 6,9), Đấng yêu thương và lắng nghe lời cầu nguyện của con cái mình. Gọi là “Cha”, nhưng không vì thế mà chúng ta hiểu Thiên Chúa thuộc về giới tính nam. Vì Ngài không có thân xác, nên không thể là nam hay là nữ. Tuy nhiên, nếu đề cập đến Chúa Giêsu lại là chuyện khác.

Số là “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16). Như vậy, Thiên Chúa Cha có một người con duy nhất là Chúa Giêsu. Điều này càng cho thấy Thiên Chúa không chỉ là một khái niệm trừu tượng, mà là một Đấng sống động, có thể bước vào đời sống con người, qua Chúa Giêsu. Ngài không định đoạt số phận con người theo kiểu một vị quan tòa nghiêm khắc, mà ban cho mỗi người sự tự do để yêu thương và chọn lựa. Nếu Thiên Chúa chỉ đơn thuần là “Ông Trời”, có lẽ chúng ta sẽ sống trong sự sợ hãi vì không biết Ngài có yêu thương mình hay không. Nhưng Kitô giáo dạy rằng Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4,8), và vì yêu, Ngài đã đến để cứu độ nhân loại qua cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô.

Có thể biết Thiên Chúa không?

Có lần bạn hỏi rằng: “Làm sao tôi có thể biết Thiên Chúa nếu tôi chưa bao giờ thấy Ngài?” Lúc đó tôi chỉ biết gãi đầu bó tay, vì mới học lớp 10. Sau mấy chục năm trời, tôi có thể viết trả lời cho bạn như sau, Ngài tỏ lộ chính mình qua nhiều cách:

1. Qua vẻ đẹp của thế giới tự nhiên: Nhìn một bầu trời đầy sao, một bông hoa nhỏ bé, hay tiếng sóng vỗ bờ… bạn có thấy đó là sản phẩm của ngẫu nhiên không? Hay có một Bàn Tay nào đó đã tạo dựng tất cả? Bạn có thể tìm đọc thêm cuốn sách tôi viết chi tiết chủ đề này: 10 cách chứng minh Thiên Chúa hiện hữu.

2. Qua con người và lòng tốt của họ: Khi bạn thấy ai đó hy sinh cho người khác, khi bạn cảm nhận được lòng thương xót, khi ai đó yêu bạn cách chân thành… đó cũng là dấu chỉ của Thiên Chúa, vì chính Ngài là nguồn mạch của tình yêu.

3. Qua Đức Giêsu Kitô: Có lẽ đây là nguồn mạch chính để chúng ta biết hơn về Thiên Chúa. Trong những lá thư tới, chúng ta sẽ tìm hiểu về nhân vật đặc biệt này. Ở đây, chúng tôi tin rằng nếu muốn biết Thiên Chúa là ai, hãy nhìn vào Đức Giêsu. Người đã sống giữa con người, đã yêu thương, tha thứ, chữa lành và hy sinh mạng sống vì nhân loại. Bởi thế mà thánh Phaolô, người sau này đã biết và tin vào Thiên Chúa, viết rằng: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài.”

Bạn có thể chưa sẵn sàng tin, và điều đó không sao cả. Điều quan trọng là bạn mở lòng ra để tìm kiếm. Có thể bắt đầu bằng một lời cầu nguyện rất đơn giản: “Lạy Chúa, nếu Ngài thực sự hiện hữu, xin cho con nhận biết Ngài.” Đó là lời cầu nguyện chân thành mà Thiên Chúa luôn lắng nghe. Hoặc đơn giản, bạn có thể tự suy luận xem Ông Trời mà bạn thường nghe đến, và Thiên Chúa mà bạn thường tìm hiểu có giống và khác nhau không? Trong trường hợp này, lương tâm hay lòng bạn sẽ là gợi hứng cho bạn rất nhiều.

Kết luận

Vậy Thiên Chúa có phải là Ông Trời không? Một phần nào đó, có thể nói rằng hình ảnh “Ông Trời” trong dân gian đã phản ánh một khái niệm về Thiên Chúa, nhưng không đầy đủ. Thiên Chúa không chỉ là Đấng quyền năng, mà còn là Đấng yêu thương. Ngài không xa cách con người, mà luôn tìm kiếm chúng ta, chờ đợi chúng ta nhận ra Ngài.

Mong chờ thư hồi âm của bạn!

Thân mến,

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Tái bút:

Cũng như thư trước, tôi vẫn hỏi Chat GPT về chủ đề này, nó cho mình mẩu đối thoại vui này, bạn đọc để ngẫm nghĩ nhé: “Thiên Chúa có phải là Ông Trời?”

💬 Nam: Ê, hôm qua tớ nghe bà ngoại nói: “Trời có mắt, làm gì cũng phải cẩn thận!” Cậu nghĩ sao, có phải Thiên Chúa chính là Ông Trời không?

💬 Minh: Câu hỏi hay đấy! Nhưng mà cậu nghĩ Ông Trời là ai đã?

💬 Nam: Thì... một ông già râu dài, ngồi trên mây, cầm sổ ghi chép ai ngoan, ai hư?

💬 Minh: Haha, nghe giống ông già Noel hơn là Thiên Chúa đó!

💬 Nam: Ừ nhỉ! Nhưng người Việt mình hay nói “Trời đánh tránh miếng ăn”," rồi “Ông Trời có mắt” mà!

💬 Minh: Đúng, nhưng Ông Trời trong dân gian thường là một khái niệm về một thế lực siêu nhiên, có quyền lực và công lý. Còn trong Kitô giáo, Thiên Chúa không chỉ là Đấng quyền năng mà còn là Cha đầy yêu thương!

💬 Nam: Vậy là khác hẳn sao?

💬 Minh: Khác chứ! Nếu Ông Trời chỉ là một sức mạnh vô hình cai trị thế giới, thì Thiên Chúa của Kitô giáo còn bước vào lịch sử, trở thành người phàm – chính là Chúa Giêsu!

💬 Nam: Để tớ hiểu cho đúng nhé… Ông Trời giống như ông hiệu trưởng ngồi trong phòng, ký giấy tờ, giám sát học sinh. Còn Thiên Chúa thì là thầy giáo, đến tận lớp dạy học sinh cách sống tốt?

💬 Minh: Chính xác luôn! Thầy giáo không chỉ dạy mà còn yêu thương học trò, giúp đỡ khi họ gặp khó khăn. Cậu thấy khác biệt rồi chứ?

💬 Nam: Hiểu rồi! Nhưng nếu Thiên Chúa thương yêu như vậy, tại sao vẫn có người gặp chuyện xui xẻo?

💬 Minh: Ôi dào, lại câu hỏi hóc búa rồi! Cậu có muốn một ly trà sữa để tớ giải thích tiếp không?

💬 Nam: Thế thì hai ly đi, vì chắc câu trả lời cũng dài lắm!

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/thien-chua-co-phai-la-ong-troi-42595.html

 

 

15. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô

Những ngày vừa qua, Phòng Báo Chí Toà Thánh thường xuyên thông tin về sức khoẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô, qua đó chúng ta biết rằng “tình trạng lâm sàng của Đức Thánh Cha tiếp tục cho thấy một bệnh cảnh phức tạp […] khiến việc điều trị trở nên phức tạp hơn”.

Chúng ta cùng cầu xin Thiên Chúa đoái thương đến tôi tớ Chúa là Đức Thánh Cha Phanxicô mà Chúa đã đặt làm mục tử cai quản Hội Thánh. Xin Chúa ân cần gìn giữ, thêm sức tăng lực, và ban bình an cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong lúc đau bệnh. Xin Chúa chúc lành cho các bác sĩ và các chuyên viên, nhân viên y khoa đang tham gia chăm sóc và chữa trị cho Đức Thánh Cha.

- Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam

WHĐ (19/02/2025)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/hoi-dong-giam-muc-viet-nam-cau-nguyen-cho-duc-thanh-cha-phanxico-42606.html

 

 

16. Hướng dẫn dành cho bậc cha mẹ Công giáo giúp trẻ sử dụng Youtube an toàn

WHĐ (19/02/2025) - Dưới đây là những cách giúp con bạn sử dụng nền tảng kỹ thuật số phổ biến này một cách an toàn và với sự phân định sáng suốt hơn.

YouTube là một trong những nền tảng kỹ thuật số hữu ích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng lo ngại. Chỉ một tìm kiếm đơn giản như “funny cat videos” (video mèo vui nhộn) cũng có thể dẫn đến một mê cung nội dung không phù hợp.

Không có gì ngạc nhiên khi phương tiện giải trí tuyệt vời này lại thu hút đông đảo người dùng đến thế. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc trẻ em cần được hướng dẫn cẩn thận khi tiếp cận nền tảng này. Là bậc cha mẹ Công giáo, chúng ta có trách nhiệm giáo dục con cái, đặc biệt là trong việc định hướng đạo đức cho con. Vì thế, việc giúp trẻ tận hưởng YouTube một cách lành mạnh mà không vấp phải những cạm bẫy của nó là điều hết sức quan trọng.

Dưới đây là một số gợi ý giúp cha mẹ và trẻ em sử dụng YouTube an toàn hơn, đồng thời đảm bảo phù hợp với đức tin của gia đình:

1. Cài đặt YouTube Kids - nhưng đừng cài rồi để đó

YouTube Kids là một điểm khởi đầu lý tưởng, cung cấp nội dung phù hợp với lứa tuổi cùng các công cụ kiểm soát của phụ huynh. Tuy nhiên, đừng cho rằng mọi video trên đó đều an toàn tuyệt đối. Thuật toán không hoàn hảo, đôi khi vẫn có những video kỳ lạ, thậm chí không phù hợp, lọt qua. Hãy thường xuyên kiểm tra nội dung trẻ đang xem, và nhớ rằng công nghệ chỉ là công cụ - nó không thể thay thế sự giám sát của cha mẹ hoặc của người trông trẻ!

2. Sử dụng chế độ kiểm soát của phụ huynh và chế độ hạn chế

Với trẻ lớn hơn sử dụng YouTube thường xuyên, chế độ Hạn chế (Restricted Mode) giúp lọc bớt nội dung không phù hợp. Ngoài ra, tạo một tài khoản gia đình cũng giúp bạn theo dõi lịch sử xem của trẻ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bộ lọc không phải lúc nào cũng chính xác - đôi khi chặn nhầm nội dung tốt, nhưng cũng có lúc để lọt nội dung đáng ngờ. Vì vậy, sự giám sát thực tế của phụ huynh vẫn là điều quan trọng nhất.

3. Cùng xem với trẻ khi có thể

Chúng ta hoàn toàn hiểu rằng không phải ai cũng có thời gian để ngồi xem hết 47 tập phim về một chuyến tàu biết nói để học những bài học cuộc sống, hoặc kiên nhẫn xem đi xem lại tập phim yêu thích của con đến lần thứ một nghìn. Tuy nhiên, nếu có thể, hãy cùng xem với trẻ hoặc ít nhất là kiểm tra thời gian sử dụng màn hình của trẻ. Điều này giúp bạn có cơ hội thảo luận về nội dung trẻ đang xem, củng cố những giá trị tích cực và hướng dẫn trẻ đưa ra những lựa chọn đúng đắn.

4. Dạy trẻ biết phân định

Trong một thế giới tràn ngập thông tin (và cả thông tin sai lệch), trẻ cần học cách phân biệt nội dung tốt và xấu. Hãy khuyến khích con đặt câu hỏi: Ai đã tạo ra video này? Nó có đang truyền đạt sự thật không? Nó có phản ánh những giá trị của đức tin chúng ta không? Khi trẻ gặp phải nội dung đáng ngờ, hãy hướng dẫn chúng so sánh với Kinh Thánh và giáo huấn của Giáo hội để có cái nhìn đúng đắn.

5. Khuyến khích trẻ tiếp cận nội dung chất lượng

Có rất nhiều nội dung tuyệt vời phù hợp với các giá trị Công giáo - như những câu chuyện về Các Thánh, phim hoạt hình dựa trên đức tin, và các chương trình giáo dục giúp nuôi dưỡng nhân đức. Hãy giúp trẻ tìm kiếm những viên ngọc quý báu này, thay vì chỉ xem những gì thuật toán gợi ý. Một số kênh như Catholic Kids Media, Brother Francis hoặc các phim hoạt hình dựa trên Kinh Thánh có thể giúp việc học hỏi đức tin trở nên sinh động và thú vị.

6. Giới hạn thời gian sử dụng màn hình một cách hợp lý

Như Đức Giáo hoàng Phanxicô từng nhắc nhở, truyền thông kỹ thuật số không thể thay thế các mối tương quan thực sự. Hãy đặt ra giới hạn cho việc sử dụng YouTube, đảm bảo rằng nó không lấn át thời gian cầu nguyện, sinh hoạt gia đình hoặc các hoạt động ngoài trời. Duy trì sự cân bằng giữa thế giới số và thế giới thực là chìa khóa giúp trẻ phát triển toàn diện.

7. Cầu nguyện để được soi sáng

Cũng như với mọi thử thách trong việc nuôi dạy con, cầu nguyện chính là khí cụ mạnh mẽ nhất. Hãy xin Chúa ban cho bạn sự khôn ngoan để đồng hành với trẻ trong thế giới kỹ thuật số. Bạn cũng có thể nài xin sự chuyển cầu của Thánh Clara thành Assisi (bổn mạng của truyền hình và truyền thông) để xin Chúa hướng dẫn gia đình bạn trong việc lựa chọn các phương tiện truyền thông phù hợp.

---

YouTube có thể là một nơi tuyệt vời để học hỏi, giải trí và truyền cảm hứng - nhưng chỉ khi được sử dụng một cách khôn ngoan. Bằng cách duy trì sự tương tác, thiết lập giới hạn và dạy con biết phân định, chúng ta có thể giúp trẻ hình thành thói quen sử dụng công nghệ lành mạnh, phù hợp với đức tin Công giáo.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: aleteia.org (16/02/2025)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/huong-dan-danh-cho-bac-cha-me-cong-giao-giup-tre-su-dung-youtube-an-toan-42609.html

 

 

17. Ngày 22 tháng 02: lễ kính lập tông tòa thánh Phêrô, tông đồ

WHĐ (21/02/2025) - Lễ này có từ thế kỷ thứ 3 và khác biệt với ngày kính nhớ cuộc tử đạo của Thánh Phêrô vào ngày 29 tháng 6. Lễ này được bắt nguồn từ ngai tòa của Thánh Phêrô, nơi mà vị Giám mục Rôma ngự trị và cai quản Giáo hội.

NHỮNG NGÀY LỄ PHỤNG VỤ

22 tháng 02

Lễ kính Lập Tông tòa Thánh Phêrô, Tông đồ

Lễ kính hôm nay hướng sự chú ý của chúng ta vào ngai tòa hay “Tông tòa” của Thánh Phêrô – hay đúng hơn, là sứ vụ đặc biệt mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Thánh Phêrô. Lễ này có từ thế kỷ thứ 3 và khác biệt với ngày kính nhớ cuộc tử đạo của Thánh Phêrô vào ngày 29 tháng 6. Lễ này được bắt nguồn từ ngai tòa của Thánh Phêrô, nơi mà vị Giám mục Rôma ngự trị và cai quản Giáo hội. “Tông tòa” là ngai tòa cố định của vị Giám mục, được đặt trong nhà thờ mẹ của giáo phận – từ đó xuất phát thuật ngữ “nhà thờ chính tòa” – là biểu tượng quyền bính của vị Giám mục, người với tư cách là kế vị các Thánh Tông đồ, được kêu gọi để chăm sóc đoàn chiên và truyền giảng Tin Mừng cho cộng đoàn Kitô hữu. Chúng ta có thể nói rằng “nhà thờ chính tòa” đầu tiên chính là Phòng Tiệc Ly, nơi Chúa Giêsu tụ họp các môn đệ để cử hành Bữa Tiệc Ly và cũng là nơi họ, cùng với Đức Trinh Nữ Maria, nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần. Sau đó, Thánh Phêrô đến Antiôkia, thành phố được Thánh Banaba và Thánh Phaolô loan báo Tin Mừng, nơi các môn đệ của Chúa Giêsu lần đầu tiên được gọi là “Kitô hữu” (x. Cv 11,26). Thánh Phêrô trở thành vị Giám mục đầu tiên của Antiôkia, điều giải thích lý do họ cử hành lễ Lập Tông tòa Thánh Phêrô vào ngày 22 tháng 02. Sau này, Thánh Phêrô đến Rôma, nơi kết thúc đời của ngài bằng cuộc tử đạo. Chính vì “cái chết vinh quang” này mà Rôma được chọn làm địa điểm chính thức của Tông tòa Thánh Phêrô, với ngày lễ được cử hành vào ngày 18 tháng 01. Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã hợp nhất hai ngày lễ này và bãi bỏ ngày cử hành sau.

Quyền mục tử và giảng dạy mà Chúa Kitô trao cho Thánh Phêrô tông đồ, như được nhắc lại trong bài Tin Mừng được chọn cho lễ kính hôm nay, là trọng tâm của ý nghĩa ngày lễ. Có hai văn bản cổ xưa giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng và giá trị của lễ này. Thánh Giêrônimô đã viết: "Tôi quyết định tham khảo ý kiến từ Tông tòa Thánh Phêrô, nơi đức tin đã được cao rao qua môi miệng của một Tông đồ; giờ đây tôi đến xin lương thực nuôi dưỡng linh hồn mình ở đó, nơi tôi đã nhận lãnh tấm áo của Chúa Kitô. Tôi không theo ai ngoài Chúa Kitô, vì thế tôi hiệp thông với mối phúc của ngài, nghĩa là với Tông tòa Thánh Phêrô, vì tôi biết rằng đây là tảng đá trên đó Giáo hội được xây dựng.” Và Thánh Augustinô cũng viết: “Lễ trọng hôm nay có tên gọi ‘Ngai tòa’ từ các bậc tiền nhiệm, bởi lẽ người ta nói rằng vị Tông đồ đầu tiên, Thánh Phêrô, đã ngồi trên ngai Giám mục này. Vì vậy, thật xứng hợp để các Giáo hội tôn kính nguồn gốc của Tòa Thánh này, nơi mà vị Tông đồ đã đảm nhận vì lợi ích của các Giáo hội."

Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ.” Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simôn Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Đức Giêsu nói với ông: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,13-19).

Thầy là Đấng Kitô

Sau khi hỏi các môn đệ về việc “người ta” nghĩ Ngài là ai, Chúa Giêsu đã thu hẹp phạm vi và hỏi họ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Đây là một câu hỏi đã vang vọng qua mọi thời đại, nhấn mạnh rằng đức tin vào Đức Giêsu là đức tin vào Chúa, vào Chúa Giêsu Kitô, gắn liền với vai trò của Thánh Phêrô và các Đấng kế vị. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, luôn dẫn dắt Giáo hội qua mọi giai đoạn lịch sử. Vì thế, không có cơn bão nào có thể khiến con thuyền Giáo hội bị đắm chìm.

Dấu chỉ hiệp nhất

Thánh Phêrô và các Đấng kế vị được chọn làm “dấu chỉ hữu hình và chính yếu của sự hiệp nhất”, trở thành điểm quy chiếu để mọi người bước đi trên hành trình đức tin cách tự tin và vững vàng. Vì thế, lễ kính Lập Tông tòa Thánh Phêrô là sự nhìn nhận ý nghĩa thiêng liêng của Thánh Phêrô và các Đấng kế vị, đồng thời là một biểu lộ đặc biệt tình yêu của Thiên Chúa, Mục Tử nhân lành và vĩnh cửu của chúng ta. Ngài muốn quy tụ toàn thể Giáo hội của Ngài và hướng dẫn Giáo hội trên con đường dẫn đến ơn cứu độ.

Tâm Bùi chuyển ngữ
từ Vatican News

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/ngay-22-thang-02-le-kinh-lap-tong-toa-thanh-phero-tong-do-42613.html

 

 

18. Sứ điệp ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội lần thứ 59 năm 2025 - hãy chia sẻ niềm hy vọng trong tâm hồn anh chị em cách hiền hòa (x. 1 pr 3,15-16)

WHĐ (21/02/2025) - Ngày 24/01/2025, ngày lễ kính nhớ thánh Phanxicô đệ Salê, bổn mạng các nhà báo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Sứ điệp nhân Ngày Thế giới về Truyền thông Xã hội lần thứ 59, có chủ đề: “Hãy chia sẻ niềm hy vọng trong tâm hồn anh chị em cách hiền hòa” (x. 1 Pr 3,15-16). Sau đây là bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Truyền thông Xã hội trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam:

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

LẦN THỨ 59 – NĂM 2025

Hãy chia sẻ niềm hy vọng trong tâm hồn anh chị em cách hiền hòa (x. 1 Pr 3,15-16)

Anh chị em thân mến!

Trong thời đại của chúng ta, được định hình bởi những thông tin sai lệch và phân cực, khi một số trung tâm quyền lực kiểm soát khối lượng dữ liệu và thông tin khổng lồ chưa từng có, tôi muốn ngỏ lời với anh chị em như một người biết rõ tầm quan trọng – hơn bao giờ hết – của công việc mà anh chị em đang thực hiện với tư cách là những nhà báo và những người làm truyền thông. Anh chị em can đảm nỗ lực thể hiện trách nhiệm cá nhân và tập thể vào trọng tâm truyền thông, đây quả là điều thật cần thiết.

Khi suy tư về Năm Thánh mà chúng ta đang cử hành trong năm nay như khoảng thời gian ân sủng trong những thời điểm khó khăn hiện nay, qua Sứ điệp này, tôi muốn mời gọi anh chị em trở thành những “nhà truyền thông của hy vọng”, bắt đầu từ sự đổi mới công việc và sứ mệnh của mình theo tinh thần Tin Mừng.

GIẢI TRỪ VŨ KHÍ TRONG TRUYỀN THÔNG

Ngày nay, truyền thông rất thường tạo ra không phải là niềm hy vọng, mà là nỗi sợ hãi và tuyệt vọng, định kiến và oán giận, cuồng tín và thậm chí là hận thù. Nó rất thường xuyên đơn giản hóa thực tế để kích động những phản ứng theo bản năng; nó sử dụng từ ngữ như lưỡi dao; nó thậm chí sử dụng thông tin giả hoặc bị bóp méo cách khéo léo để gửi những thông điệp nhằm kích động, khiêu khích hoặc gây tổn thương.

Tôi đã nhiều lần nói về nhu cầu “giải trừ vũ khí trong truyền thông” và thanh lọc nó khỏi thói hung hăng. Chẳng ích gì khi giản lược thực tế thành những khẩu hiệu.

Tất cả chúng ta đều thấy rằng – từ các chương trình trò chuyện trên truyền hình đến các cuộc tấn công bằng lời nói trên mạng xã hội – đang có nguy cơ tạo ra sự thắng thế của mô hình cạnh tranh, đối lập, thống trị, sở hữu, và thao túng dư luận ra sao.

Một hiện tượng khác cũng rất đáng lo ngại, mà chúng ta có thể gọi là “việc phân-tán-sự-chú-ý được lập trình” nhờ các hệ thống kỹ thuật số, bằng cách định hình chúng ta theo logic của thị trường, làm thay đổi nhận thức của chúng ta về thực tại.

Kết quả là, chúng ta thường bất lực khi chứng kiến một hình thức phân rẽ các mối quan tâm, điều này cuối cùng làm xói mòn nền tảng đời sống cộng đồng, khả năng cùng hướng tới lợi ích chung, lắng nghe nhau để thấu hiểu quan điểm của nhau. Như thế, xác định một “kẻ thù” để tấn công dường như là một việc bắt buộc để khẳng định bản thân. Nhưng khi chúng ta biến người khác thành “kẻ thù”, khi chúng ta phớt lờ chính họ và phẩm giá của họ để chế giễu và nhạo báng họ, chúng ta cũng đánh mất khả năng gieo niềm hy vọng. Như Don Tonino Bello từng nói, mọi xung đột “bắt đầu khi khuôn mặt của từng cá nhân mờ nhạt và biến mất”[1]. Chúng ta không được đầu hàng não trạng này.

Thật vậy, hy vọng không phải là điều dễ dàng. Georges Bernanos từng nói: “Chỉ những ai đủ can đảm để không còn trông chờ gì vào những ảo tưởng và dối trá mà họ từng xem là nơi an toàn – và nhầm lẫn đó là hy vọng – thì mới có khả năng hy vọng... Hy vọng là một sự mạo hiểm cần phải chấp nhận. Đó là mạo hiểm trên mọi sự mạo hiểm”[2]. Hy vọng là một nhân đức kín ẩn, bền bỉ và kiên nhẫn. Đối với Kitô hữu, hy vọng không phải là một tuỳ chọn, mà là một điều kiện cần thiết. Như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã viết trong Thông điệp Spe Salvi, hy vọng không phải là sự lạc quan thụ động, mà ngược lại, đây là một nhân đức “năng động” có khả năng thay đổi cuộc sống chúng ta: “Người có hy vọng thì sẽ sống khác; người hy vọng được ban tặng món quà là một cuộc sống mới” (số 2).

GIẢI THÍCH VỀ NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA MỘT CÁCH HIỀN HÒA

Trong Thư thứ nhất của Thánh Phêrô (3,15-16), chúng ta gặp thấy một sự tổng hợp tuyệt diệu trong đó niềm hy vọng gắn liền với chứng tá và truyền thông Kitô giáo: “Hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với lòng kính trọng.” Tôi muốn cùng anh chị em suy tư về ba thông điệp mà chúng ta có thể rút ra từ những lời dạy này.

“Hãy tôn Đức Kitô là Chúa trong lòng anh em”. Niềm hy vọng của các Kitô hữu có một khuôn mặt – khuôn mặt của Đức Chúa Phục Sinh. Lời Ngài hứa luôn hiện diện với chúng ta qua ân sủng Thánh Thần sẽ giúp ta luôn hy vọng ngay cả khi không còn gì để hy vọng, giúp ta nhận ra sự thiện hảo vẫn âm thầm hiện diện ngay cả khi xem ra đã mất hết mọi sự khác.

Thông điệp thứ hai nhắc chúng ta luôn sẵn sàng giải thích niềm hy vọng trong lòng mình. Điều đáng chú ý là Thánh Phêrô mời gọi chúng ta trả lời “cho bất cứ ai” đòi hỏi điều này. Các Kitô hữu chủ yếu không phải là những người “nói về” Thiên Chúa, mà là những người phản chiếu vẻ đẹp tình yêu của Ngài và trải nghiệm mọi sự theo cách thức mới. Tình yêu sống động của họ khơi lên những câu hỏi và mong được trả lời: Tại sao bạn sống như thế? Tại sao bạn lại như thế?

Và sau cùng, trong những lời của Thánh Phêrô, chúng ta gặp được thông điệp thứ ba: chúng ta phải trả lời vấn để này “với thái độ hiền hòa và lòng kính trọng”. Truyền thông Kitô giáo – và tôi muốn nói, cả truyền thông nói chung – cần phải thấm đẫm nét hiền hòa và gần gũi, như một cuộc trò chuyện giữa những người bạn đồng hành trên đường đi. Đây chính là cách mà nhà truyền thông vĩ đại nhất của mọi thời, Chúa Giêsu thành Nadarét, khi đi cùng hai môn đệ thành Emmaus, đã trò chuyện với họ, làm cho lòng họ bừng cháy khi Ngài giải thích các sự kiện dưới ánh sáng của Thánh Kinh.

Tôi mơ ước về một nền truyền thông có thể làm cho chúng ta trở thành những người bạn đồng hành, cùng bước đi bên cạnh anh chị em mình và khích lệ họ hy vọng trong những thời điểm khó khăn này. Một nền truyền thông có thể nói với trái tim, để khơi lên không phải là những phản ứng phòng vệ và giận dữ, mà là thái độ cởi mở và thân thiện. Một nền truyền thông biết cách hướng đến vẻ đẹp và hy vọng, ngay cả giữa những tình huống xem ra tuyệt vọng nhất, và tạo ra sự dấn thân, đồng cảm và quan tâm đến tha nhân. Một nền truyền thông có thể giúp chúng ta “nhận ra phẩm giá của mỗi con người, và làm việc cùng nhau để chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta” (Dilexit Nos, 217).

Tôi mơ về một nền truyền thông không gieo rắc ảo tưởng hay sợ hãi, nhưng mang đến lý do để hy vọng. Martin Luther King đã từng nói: “Nếu tôi có thể giúp đỡ ai đó khi đi với họ, nếu tôi có thể làm ai đó vui lên bằng một lời nói hay bài hát... thì đời tôi sẽ chẳng vô ích”[3]. Muốn làm được điều đó, chúng ta cần được chữa lành khỏi “căn bệnh” tự đề cao và quy ngã, và tránh nguy cơ lớn tiếng với người khác để họ phải nghe mình nói.

Một người truyền thông tốt sẽ giúp người nghe, người đọc hoặc người xem được tham gia, được đến gần, được chạm đến phần tốt đẹp nhất của chính họ và bước vào câu chuyện với những thái độ ấy. Truyền thông theo cách thế này sẽ giúp chúng ta trở thành “những người hành hương của hy vọng”, như khẩu hiệu của Năm Thánh này.

CÙNG NHAU HY VỌNG

Hy vọng luôn là một dự án cộng đồng. Hãy dành chút thời gian suy nghĩ về sự tuyệt vời của thông điệp mà Năm Hồng Ân này mang lại. Tất cả chúng ta – không trừ một ai – đều được mời gọi bắt đầu lại, để cho Thiên Chúa nâng chúng ta dậy, ôm lấy chúng ta và tuôn đổ lòng thương xót của Ngài. Với góc nhìn này, cá nhân và cộng đồng liên kết khắng khít với nhau: chúng ta cùng nhau bước đi, đồng hành với nhiều anh chị em, và cùng nhau đi qua Cửa Thánh.

Năm Thánh bao hàm nhiều ý nghĩa xã hội. Hãy nghĩ đến, chẳng hạn, thông điệp về lòng thương xót và niềm hy vọng dành cho những ai đang sống trong cảnh tù đày, hay lời mời gọi gần gũi và dịu dàng với những người đau khổ và bị gạt ra bên lề xã hội. Năm Thánh nhắc nhở rằng những ai kiến tạo hòa bình “sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa” (Mt 5,9), và qua đó, Năm Thánh khơi dậy niềm hy vọng, chỉ cho ta thấy cần có nền truyền thông biết niềm nở, dịu dàng và sâu sắc, có thể hướng đến những con đường đối thoại. Chính vì thế, tôi khuyến khích anh chị em hãy khám phá và chia sẻ nhiều câu chuyện về lòng tốt ẩn giấu trong các bản tin, giống như những người tìm vàng đãi cát không mệt mỏi để tìm được một hạt vàng nho nhỏ. Thật là tuyệt vời khi tìm kiếm và chia sẻ những hạt giống hy vọng như thế. Điều này giúp thế giới chúng ta bớt điếc lác trước tiếng kêu của người nghèo, bớt thờ ơ, và bớt khép kín vào chính mình. Ước gì anh chị em luôn tìm thấy những tia sáng ấy của lòng tốt, tạo cảm hứng khơi dậy hy vọng cho chúng ta. Cách truyền thông này có thể giúp xây dựng hiệp thông, làm ta bớt cô đơn và tái khám phá tầm quan trọng của việc cùng nhau bước đi.

ĐỪNG QUÊN TRÁI TIM

Anh chị em thân mến, trước những thành tựu kỳ diệu của công nghệ, tôi mời gọi anh chị em hãy chăm sóc trái tim mình, chăm sóc đời sống nội tâm. Điều đó có nghĩa là gì? Tôi xin chia sẻ một vài suy tư.

Hãy sống hiền hòa và đừng bao giờ quên khuôn mặt của người khác; hãy nói với trái tim của những người mà anh chị em phục vụ khi làm việc.

Đừng để những phản ứng bản năng dẫn dắt hoạt động truyền thông của anh chị em. Hãy luôn gieo hy vọng, ngay cả khi khó khăn, ngay cả khi phải trả giá, ngay cả khi dường như không mang lại kết quả.

Hãy nỗ lực thúc đẩy một nền truyền thông có thể chữa lành những vết thương của nhân loại.

Hãy dọn chỗ cho niềm tin chân thành, niềm tin tựa như một bông hoa mảnh mai nhưng kiên cường, không khuất phục trước sự tàn phá của cuộc đời, nhưng bừng nở và phát triển ở những nơi không ngờ nhất. Niềm tin ấy hiện diện trong niềm hy vọng của những người mẹ hằng ngày cầu nguyện mong thấy con mình trở về từ chiến hào xung đột, trong niềm hy vọng của những người cha phải di cư giữa bao hiểm nguy, mong tìm được một tương lai tốt đẹp hơn. Nó cũng hiện diện trong niềm hy vọng của những đứa trẻ vẫn chơi đùa, vui cười và tin vào cuộc sống, ngay cả giữa đống đổ nát của chiến tranh và trong những con phố nghèo nàn ở khu ổ chuột.

Hãy là chứng nhân và thúc đẩy một nền truyền thông không gây hấn; hãy giúp lan tỏa văn hóa chăm sóc, xây những nhịp cầu và phá bỏ những rào cản hữu hình lẫn vô hình của thời đại.

Hãy kể những câu chuyện thấm đẫm niềm hy vọng, hãy quan tâm đến vận mệnh chung của chúng ta, và nỗ lực cùng nhau viết nên lịch sử cho tương lai.

Tất cả những điều này anh chị em có thể làm, và chúng ta có thể làm nhờ ơn Chúa mà Năm Thánh giúp chúng ta lãnh nhận cách dồi dào. Đây là điều tôi cầu nguyện và với lời cầu nguyện ấy, tôi chúc lành cho từng người và cho công việc của anh chị em.

Rôma, Đền Thánh Gioan Latêranô, ngày 24 tháng 01 năm 2025,

Lễ Kính Thánh Phanxicô Salêsiô

PHANXICÔ

Chuyển ngữ: Ủy ban Truyền thông xã hội trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam

_______

[1] “La pace come ricerca del volto” (Hòa bình như hành trình kiếm tìm khuôn mặt), trong Omelie e scritti quaresimali (Những bài giảng và bài viết mùa Chay), Molfetta 1994, trang 317.

[2] La liberté, pour quoi faire? (Tự do, để làm gì?), Paris 1995.

[3] “The Drum Major Instinct” (Bản năng người chỉ huy), Bài giảng (ngày 4-2-1968).

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/su-diep-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-lan-thu-59-nam-2025---hay-chia-se-niem-hy-vong-trong-tam-hon-anh-chi-em-cach-hien-hoa-x-1-pr-315-16-42617.html

 

 

19. Hành hương thời Tân Ước - Phần 6: Hành hương thời kỳ các tông đồ

WHĐ (21/02/2025) - Nếu như Giêrusalem là nơi hành hương quan trọng nhất trong thời Cựu ước và là nơi liên hệ đến Chúa Giêsu, thì Rôma là trung tâm hành hương của người Công giáo.

Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG

CHƯƠNG 2: HÀNH HƯƠNG THỜI TÂN ƯỚC

Phần 6: HÀNH HƯƠNG THỜI KỲ CÁC TÔNG ĐỒ

Giáo hội càng bị bách hại, hành hương càng rộng khắp. Có thể nói như thế để mô tả cho thời kỳ Giáo hội sơ khai. Số là sau khi Đức Giêsu về trời, các Tông đồ đã nhanh chóng đi ra làm chứng cho Đức Giêsu phục sinh ở khắp mọi nơi. Mỗi Tông đồ hành trình theo cách của riêng mình trong sự hướng dẫn mãnh liệt của Chúa Thánh Thần.

Mang trong tim ngọn lửa truyền rao đạo mới, các Tông đồ có thể nói là rất thành công từ lời rao giảng cho đến những phép lạ cả thể. Họ chiếm trọn cảm tình của rất nhiều người. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Do Thái lại ra sức bách hại các Tông đồ. Thánh Phêrô và Gioan bị bắt đến hai lần (Cv 4,3-23). Trong đó người bách đạo “khét tiếng” nhất được sách Công vụ Tông đồ kể lại đó là Phaolô. Với cuộc hoán cải ngoạn mục trên đường Đa-mát (năm 38), Phaolô cùng với thánh Phêrô làm nên những con đường hành hương ở tầm mức quốc tế hơn.

1. Đường đến Rôma của Phêrô

Sử liệu viết rất ít về con đường đến Rôma của thánh Phêrô. Tuy nhiên, nhiều tài liệu đề cập đến cuộc tử đạo của thánh nhân tại trung tâm của đế quốc Rôma. Hẳn nhiên lúc Phêrô đặt chân đến đây, Rôma là vùng đất dân ngoại. Có lẽ thánh nhân đã có công đầu trong việc hình thành một cộng đoàn Kitô giáo tại đây[1]. Cũng như Giáo hội bị giới lãnh đạo Do Thái bách bớ, các hoàng đế Rôma cũng không ưa bổn đạo mới này. Một trong những vị hoàng đế nổi tiếng phải nhắc đến là Nêrô. Chẳng hạn như trong thư gửi cho Côrintô (vào cuối thế kỷ I, khoảng năm 95-96), giáo hoàng Clêmentê cho biết chính thánh Phêrô cũng là nạn nhân của hoàng đế này (1Cr 5,4-5).

Một giai thoại khá nổi tiếng liên quan đến thánh Phêrô trong giai đoạn bách đạo này, đó là “Quo Vadis?” (Ngài đi đâu?). Quo Vadis là một tiểu thuyết lịch sử được sáng tác bởi văn hào Henryk Sienkiewicz, người Ba Lan. Qua câu chuyện này, tác giả mô tả lịch sử bi hùng của cộng đoàn non trẻ, nhưng lại có một chứng nhân kiên cường, đó là thánh Phêrô. Chuyện kể rằng đang khi Phêrô chạy trốn để tránh khỏi việc bị kết án đóng đinh ở Rôma, Phêrô đã gặp Chúa Giêsu. Ông hỏi Chúa: "Quo vadis, Domine?" ("Lạy Chúa, Ngài đang đi đâu?"), Chúa Giêsu trả lời: "Eo Romam crucifigi iterum" ("Ta vào thành Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa") - ngụ ý nhắc nhở Phêrô phải can đảm tiếp tục sứ vụ của mình. Cuối cùng, Phêrô đã quay trở lại thành Rôma để chịu kết án đóng đinh ngược. Sau đó thi hài của thánh nhân được chôn cất tại Vatican (Đền thờ thánh Phêrô ngày nay tại Rôma).

Về thi hài của thánh Phêrô cũng kể là thú vị. Chẳng hạn năm 258 chính quyền Rôma gây nguy hại cho các nghĩa trang. Các tín hữu di dời xác thánh nhân giấu trong hang toại đạo trên đường Appia[2]. Khi cuộc bách hại lắng xuống, họ lại đưa thánh tích về chỗ cũ. Năm 1915, khi người ta đào bới hang toại đạo này, còn thấy trên tường 150 bút ký viết bằng chì những lời cầu khẩn của Phêrô và Phaolô. Điều này có nghĩa là xác thánh Phêrô phải chăng vẫn còn ở hang này?

Cho tới đầu thế kỷ XX, Giáo hội chưa từng nghĩ và cũng không dám kiểm tra dưới mộ của thánh Phêrô có những gì! Năm 1939 trong dịp tu sửa đền thờ thánh Phêrô, Giáo hoàng Piô XII đã ra lệnh bắt đầu các cuộc đào bới khảo cổ dưới nền đền thờ Thánh Phêrô, đặc biệt là dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin. Truyền thống liên tục từ xưa tới nay nói là có mộ của Thánh Phêrô ở nơi này. Các cuộc đào bới đã kéo dài từ năm 1941 đến 1950. Ngay dưới bàn thờ, người ta tìm thấy một khu vực chôn cất lớn và một bức tường sơn đỏ. Trong một hốc tường là xương của một người đàn ông.

Năm 1967, Giáo hoàng Phaolô VI đã tuyên bố là Giáo hội đã tìm thấy hài cốt của Thánh Phêrô. Từ đó đến nay không còn nghi vấn thực hư về thánh tính của vị Tông đồ trưởng, vị giáo hoàng đầu tiên của Giáo hội Công giáo.

2. Đường về Rôma của Phaolô

Thánh Phaolô ban đầu là một người Do Thái sinh ra tại Tharsus, một thành phố thuộc vùng Cilicia (nay là Thổ Nhĩ Kỳ). Saul là tên của thánh nhân lúc còn là người theo đạo Do Thái (Rm 11,1). Sau khi trở lại, Phaolô bắt đầu truyền giáo và trở thành một môn đệ đầy nhiệt huyết của Chúa Kitô. Chẳng hạn, từ nơi ngã ngựa ở Đa-mát Phaolô về Giêrusalem và lưu lại đây một thời gian ngắn để làm quen với Phêrô, rồi sau đó sang Siria và Cilicia, (miền nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Phaolô đến thành Antioch[3], từ đó thánh nhân bắt đầu cuộc hành trình qua Cộng hòa Síp và miền nam vùng Tiểu Á. Vì là người am hiểu văn hóa Hy Lạp, nên thánh Phaolô khá thành công với các cộng đoàn ở đây (Thessalonica, Corinth). Sau đó ngài rảo bước khắp vùng Tiểu Á và Macedonia, đến Antioch. Năm 58 ngài bị bắt ở Giêrusalem. Hai năm sau ngài bị dẫn về Rôma, và năm 63 được trả tự do. Sau 3 năm giảng đạo ở đây, thánh nhân bị bắt lần thứ hai (năm 66). Trong tù, ngài viết thư gửi các Giáo đoàn. Những thư này đã trở thành phần quan trọng của Kinh Thánh. Năm sau đó ngài chịu tử đạo.

Ngày nay có nhiều người hành hương Kitô giáo đến các nơi liên quan đến Thánh Phaolô trong các hành trình tôn vinh và kính nhớ vị thánh trụ cột này. Chẳng hạn ở Rôma có Basilica of Saint Paul Outside The Walls (Nhà thờ Thánh Phaolô ngoại thành) là một trong những địa điểm quan trọng nhất được người hành hương thăm ở Rôma. Đây là nơi chôn cất của Thánh Phaolô. Ngoài ra, đoàn hành hương thường ghé thăm các di tích cổ đại và nhà thờ có liên quan đến Thánh Phaolô tại Hy lạp. Ephesus, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nơi hấp dẫn những nhà nghiên cứu Kinh Thánh bởi Phaolô đã viết một số thư gửi các giáo hội ở đây.

3. Cuộc hành hương đến mộ thánh

Nếu như Giêrusalem là nơi hành hương quan trọng nhất trong thời Cựu ước và là nơi liên hệ đến Đức Giêsu, thì Rôma là trung tâm hành hương của người Công giáo. Chúng ta trở về với cái nôi của sự phát triển Giáo hội. Gọi là cái nôi vì sau 3 thập kỷ bách đạo, hoàng đế La Mã Constantinus đã trở lại đạo Công giáo. Ông và mẹ mình là hoàng hậu Hellen có công rất lớn trong việc dựng xây Giáo hội cùng với những Giáo hoàng thời đó. Một trong những trăn trở của Giáo hội là dựng xây một Vương cung thánh đường trên phần mộ của thánh Phêrô. Về sau, các vương cung thánh đường (Basilicas) được xây dựng trên địa điểm của những “thánh địa”.

Một ngôi thánh đường đầu tiên đã được xây dựng thời hoàng đế Constantinus ở thế kỷ thứ tư. Chúng ta sẽ trở lại với câu chuyện ngôi thánh đường này sau. Ở đây từ thế kỷ thứ 4, lịch sử hành hương bước sang một trang mới với nhiều ý nghĩa.

Đầu tiên phải kể đến việc đi lại tương đối dễ dàng khi toàn cõi Roma cai quản đều mở cửa cho các tín hữu Công giáo hành hương. Nhất là dòng người từ rất nhiều cộng đoàn được các tông đồ thành lập trở về Đất Thánh. Đó là nơi quan trọng liên quan đến cuộc đời Đức Giêsu. Không dừng lại ở Đất Thánh, từng đoàn người túa đến kính viếng, và nhiều lần từ rất xa xăm, những thánh đường cung hiến cho các vị tử đạo thời danh: như thánh Ménas tại Ai Cập, ở phía tây Châu thổ, bảy anh em thánh Macabê, thánh Babylas tại Antioche, thánh Gioan tại Éphèse, thánh Démetrios tại Thessalonique, thánh nữ Anastasie ở Sirmium, thánh Quirin ở Siscia, cả hai trong miền Illyricum (trước khi các vị này được di chuyển đến Rôma) v.v.

Đoàn hành hương mỗi lúc một đông, đến nỗi hành hương trở thành một hiện tượng, một đặc sủng[4] trong lòng Giáo hội. Tuy vậy, lúc đầu vì lòng đạo đức bình dân, nhiều người sẵn lòng hành hương dù đường xa vạn dặm. Họ muốn đền tội, muốn làm điều gì đó để thể hiện tâm tình thống hối ăn năn. Tuy nhiên, một lối nhìn khác có thể hiểu được, khi nhiều người hành hương chỉ vì lòng hiếu kỳ, hoặc óc tò mò, thậm chí hành hương đối với nhiều người là thuần túy đi du lịch. Chính vì những mặt tối của hành hương này nên Giáo hội lúc đầu cũng dè chừng. Chẳng hạn như thánh Grégoire thành Nysse, đã tỏ ra dè dặt đối với hình thức đạo đức này.

Những mặt tối của hành hương được đẩy lên đỉnh điểm vào thời Cải Cách của các anh em Tin lành. Chẳng hạn: “Người ta thay thế việc đạo đức dựa vào thần học bằng những phô trương thuộc giác quan, người ta đi hành hương để được nhìn thấy, để được sờ mó vào phép lạ”[5]. Để loại bỏ hình thức có tính dị đoan hoặc “buôn thần bán thánh” này, phong trào cải cách đòi “phải bãi bỏ công chính nhờ việc làm, nhất là bỏ các cuộc hành hương, bỏ sự tôn sùng các thánh và các di vật thánh, và dĩ nhiên bỏ hệ thống các ân xá”[6]. Trong khi đó, thánh I-nhã (một người hành hương), Đấng sáng lập Dòng Tên một mực bảo vệ những việc đạo đức bình dân này với một ý nghĩa đúng đắn hơn mà chúng ta đang tìm hiểu ở đây.

Thực tế là không thể phủ nhận hành hương giúp cho nhiều người cầu nguyện. Nhất là ngày có nhiều người đến gặp các vị ẩn tu hoặc những vị thánh thiện để được đồng hành thiêng liêng (ví dụ thánh Antôn). Sau khi các vị ấy qua đời, người ta thường lui tới hành hương nơi các ngài đã sống, nhất là tại phần mộ của các ngài. Nơi này trở thành thánh địa, là nơi hành hương đơn giản vì có liên quan đến một vị thánh (thánh tích của các vị tử đạo). Việc tôn kính các thánh tử đạo xuất phát từ việc coi các ngài là người đã mang nơi mình Đức Kitô chịu đau khổ. Lòng đạo đức bình dân này vẫn được Giáo hội khuyến khích: “Các cuộc hành hương đến Thánh Địa, và các ngôi mộ của các Tông đồ và các vị tử đạo, việc tôn kính các thánh tích, kinh cầu và quyền bầu cử cho người đã chết”[7].

Trong bối cảnh trên, các sử gia điều thừa nhận rằng trong thời Trung Cổ, các kiến trúc sư và các nghệ sĩ đã thi thố tài năng trong công trình xây cất và trang trí các thánh đường hay các cơ sở tôn giáo. Chẳng hạn:

- Leonardo da Vinci (1452-1519): Ông là một trong những họa sĩ và nhà khoa học đa tài nhất của thời kỳ Phục hưng ở Ý. Ông nổi tiếng với các tác phẩm hội họa như: The Adoration of the Magi (1478–1482), The Virgin of the Rocks (1483–1493), The Last Supper, Đấng Cứu Chuộc Trần Gian-Salvator Mundi (vẽ năm 1499–1510), v.v. (Mona Lisa cũng là của ông, hiện được trưng bày tại bảo tàng quốc gia Pháp, Louvre).

- Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni (1475-1564) là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất của thời kỳ Phục hưng và được biết đến với các tác phẩm nghệ thuật như bức tượng Davidtranh tường trần nhà nguyện Sistina.

- Giotto di Bondone (1266-1337): Giotto là một họa sĩ và điêu khắc nổi tiếng trong thời kỳ Trung Cổ và được coi là người tiên phong trong việc đưa thể hiện chi tiết và chiều sâu vào nghệ thuật hội họa.

- Hildegard von Bingen (1098-1179) là một nữ nghệ sĩ, nhà thần học và nhà sưu tập âm nhạc. Bà được biết đến với các sáng tạo trong âm nhạc và hội họa và có một tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa.

Tóm lại, vì là Đế Quốc nên Rôma đã trở thành một kho dự trữ và một viện bảo tàng với nhiều kiệt tác về kiến trúc cũng như về các phương diện nghệ thuật tôn giáo và văn hóa khác của mỗi thời đại và mỗi kiểu mẫu[8].

Nếu đến Rôma, chúng ta thấy chi chít nhà thờ, đền thánh trong những kiến trúc nổi bật của mỗi thế hệ trong kỷ nguyên Kitô. Rôma vẫn luôn là thánh địa hấp dẫn khách hành hương. “Mọi con đường đều dẫn đến Rôma” là vì những điều trên?

Ngày nay chúng ta cũng giữ được nét đẹp này. Kể cả ở Việt Nam, chúng ta thích hành hương về những mộ thánh hoặc các bậc đáng kính. Thử tưởng tượng chúng ta đang sống ở những thế kỷ Giáo hội mới thoát khỏi sự kìm hãm của bách đạo. Các tín hữu lúc đó có trào lưu viếng mộ các tông đồ. Khi số lượng đông cũng là lúc nhu cầu nhà ở cho khách hành hương cũng lớn. Ngoài ra, việc xây dựng thánh đường những nơi này cũng là điều dễ hiểu. Với những thánh đường nguy nga, kèm theo là kiến trúc, hội họa hoặc nghi lễ liên quan. Thậm chí có người cho rằng: “Nền phụng vụ này về sau sẽ lan tỏa ra toàn thể giáo hội nhờ những cuộc hành hương.”[9]

Mách nhỏ khi hành hương:

- Cảm nhận Giáo hội có một lịch sử thánh, Giáo hội tông truyền.

- Có thể diễn tả đức tin bằng những cử chỉ nhỏ[10].

- Tôi kiên nhẫn lắng nghe người hướng dẫn giải thích ngắn gọn về địa điểm hành hương.

Trích trong tập sách Ý nghĩa và lịch sử của hành hương, Nxb Tôn Giáo, 03/2024

______

[1] Thế kỷ II, trong thư gửi giáo dân Rôma, Thánh Đionisio (166-174) Giám mục Corinto cũng quả quyết giáo đoàn này do hai tông đồ Phêrô và Phaolô thành lập.

[2] Catacumbas để chỉ một khu vực với nhiều hố đào trên đường Appia tại Roma vào thế kỷ thứ IV. Trải qua suốt thời Trung Cổ, các đền thờ nơi có vị tử đạo vẫn được giáo dân lui tới, nhưng toàn bộ phần còn lại của hang toại đạo bị lãng quên cho đến khi được "tái sinh" vào cuối thế kỷ XVI. (Theo Lm. Nguyễn Mai Kha SJ, tiến sĩ Lịch Sử Giáo Hội).

[3] Đây là thành phố lớn vào hàng thứ ba của Đế quốc Roma thời đó.

[4] Đặc sủng là những ân huệ đặc biệt của Chúa Thánh Thần được ban tặng cho một số người vì lợi ích của con người, vì những nhu cầu của thế giới và đặc biệt là để xây dựng Hội thánh.

[5] Tân Lịch Sử Giáo Hội, Cuốn IIIA Cải Cách Và Chống Cải Cách (1501-1714) tr. 35.

[6] Tân Lịch Sử Giáo Hội, Cuốn IIIA Cải Cách Và Chống Cải Cách (1501-1714) tr. 71.

[7] X. Hướng dẫn về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ, số 282.

[8] Tân Lịch Sử Giáo Hội, Cuốn IIA Thời Trung Cổ (600-1500) tr. 59.

[9] Tân Lịch Sử Giáo Hội, Cuốn IB Từ Nguồn Gốc Cho Đến Thánh Grégoire Cả (-606), tr. 100.

[10] “Đặc trưng của lòng đạo đức bình dân là lối diễn tả đa dạng và phong phú của thân thể: những cử điệu và biểu tượng, chẳng hạn sự hôn kính hay chạm tay vào ảnh tượng hay thánh tích, rước kiệu, hành hương, đi một chặng đường bằng chân không hay bằng đầu gối, dâng của lễ, mặc y trang đặc biệt, quỳ gối hay sấp mình, đeo ảnh hay mang phù hiệu… tất cả nhằm biểu lộ những tình cảm yêu mến thiêng liêng, và lòng mong muốn sống một đời sống Kitô chân thực.” (“Chỉ nam về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng”, số 15).

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/hanh-huong-thoi-tan-uoc---phan-6-hanh-huong-thoi-ky-cac-tong-do-42618.html

 

 

20. Năm chìa khóa để nuôi dưỡng sự phân định trực tuyến

WHĐ (20/02/2025) - Trong thời đại mà AI (trí tuệ nhân tạo) và thông tin sai lệch đe dọa bóp méo hiện thực, sự phân định trong môi trường kỹ thuật số không còn là điều tùy chọn - mà là điều thiết yếu.

Giữa một thế giới ngập tràn âm thanh kỹ thuật số, việc nuôi dưỡng sự phân định trực tuyến trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Với các nội dung do AI tạo ra, thông tin sai lệch và các thuật toán mạng xã hội không ngừng định hình những gì chúng ta nhìn thấy, vậy thì làm thế nào để chúng ta có thể điều hướng thế giới trực tuyến một cách khôn ngoan?

Thánh Ignatius Loyola, được biết đến qua những giáo huấn sâu sắc về sự phân định, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận thức nội tâm, suy ngẫm cẩn trọng và cởi mở trước sự thật. Những lời dạy của ngài có thể hướng dẫn chúng ta trong việc hình thành một cách tiếp cận thấu đáo và đầy đức tin đối với đời sống kỹ thuật số.

Dưới đây là 5 nguyên tắc chủ chốt, được gợi hứng từ Thánh Ignatius, giúp nuôi dưỡng sự phân định trong môi trường trực tuyến.

1. Dừng lại trước khi phản ứng

Thánh Ignatius dạy rằng sự phân định đòi hỏi tự do nội tâm - khả năng đáp lại một cách thấu đáo thay vì phản ứng bốc đồng. Thế giới trực tuyến với nhịp độ nhanh thường khuyến khích những phản ứng tức thời: lượt thích, chia sẻ và bình luận thường được thực hiện mà không qua suy xét. Thế nhưng, chỉ cần dừng lại một khoảnh khắc trước khi phản hồi có thể giúp ta tránh lan truyền thông tin sai lệch, không sa vào những tranh cãi vô ích hoặc bị dẫn dắt bởi những nội dung mang nặng cảm xúc.

Trước khi chia sẻ bất kỳ điều gì, hãy tự vấn: Điều này có đúng không? Nó có hữu ích không? Nó có phù hợp với các giá trị của mình không? Chỉ một khoảnh khắc suy tư cũng có thể thay đổi hoàn toàn cách chúng ta tương tác với nội dung kỹ thuật số.

2. Chú ý đến những chuyển động nội tâm

Thánh Ignatius khuyến khích mọi người chú ý đến những chuyển động bên trong - cảm xúc, suy nghĩ và rung động tâm linh khi ta tiếp xúc với thế giới xung quanh. Trực tuyến, có những nội dung khiến ta lo lắng, phẫn nộ hoặc ghen tị, trong khi những tương tác khác lại mang đến sự bình an, sáng suốt hoặc cảm thức về mục đích.

Không phải mọi thông tin đều trung lập; có những nội dung được tạo ra nhằm kích động cảm xúc mạnh và làm mờ khả năng phán đoán của chúng ta. Hãy chú ý xem các trải nghiệm kỹ thuật số đang ảnh hưởng đến tâm trí và trái tim mình ra sao. Chúng dẫn ta đến nỗi sợ hãi và chia rẽ, hay giúp ta trưởng thành hơn trong sự khôn ngoan và bác ái? Hãy để những chuyển động nội tâm ấy hướng dẫn các lựa chọn của bạn.

3. Tìm kiếm nguồn gốc của sự thật

Một trong những yếu tố thực tiễn nhất của sự phân định trực tuyến là xác minh nguồn thông tin. Thánh Ignatius nhấn mạnh rằng sự phân định chân thực sẽ dẫn chúng ta đến sự thật, chứ không phải sự mơ hồ. Trong thời đại mà hình ảnh do AI tạo ra, các video giả mạo (deepfake) và thông tin sai lệch tràn lan, chúng ta cần xây dựng thói quen đặt câu hỏi về nguồn gốc thay vì tin ngay vào những gì xuất hiện trên màn hình.

Trước khi chấp nhận một thông tin nào đó, hãy tự hỏi: Ai là người tạo ra nội dung này? Mục đích của họ là gì? Thông tin này có được xác thực bởi những nguồn đáng tin cậy không? Việc tìm kiếm sự thật đòi hỏi nỗ lực, nhưng đó là điều cốt lõi để ta tham gia vào thế giới kỹ thuật số một cách có trách nhiệm.

4. Chọn điều nuôi dưỡng tâm hồn

Nguyên lý và nền tảng của Thánh Ignatius dạy rằng mọi thụ tạo đều được tạo dựng để giúp ta lớn lên trong tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân. Trên không gian mạng, chúng ta có quyền chọn lựa: hoặc tiếp nhận những nội dung nuôi dưỡng đức tin, truyền cảm hứng cho điều thiện và thúc đẩy sự kết nối - hoặc để bản thân bị cuốn vào sự sao lãng, chia rẽ và tiêu cực.

Điều này không có nghĩa là chúng ta tránh né mọi nội dung khó khăn hoặc thử thách, mà là cần có sự chủ động và cân nhắc trong việc lựa chọn những gì ta tiếp nhận. Nếu một thói quen kỹ thuật số làm suy yếu đức tin, cướp đi sự bình an hoặc nuôi dưỡng lòng oán giận, có lẽ đã đến lúc chúng ta nên dừng lại và cân nhắc lại những lựa chọn của mình.

5. Cầu nguyện xin ơn khôn ngoan trong không gian kỹ thuật số

Cuối cùng, sự phân định không chỉ đơn thuần là một chiến lược - mà còn là một ân sủng đến từ Thiên Chúa. Thánh Ignatius luôn nhấn mạnh vai trò của cầu nguyện như một phương thế để tìm kiếm sự sáng suốt. Trước khi bước vào thế giới trực tuyến, hãy dành ra một phút để thưa lên lời nguyện:

“Lạy Chúa, xin ban cho con sự khôn ngoan để tìm kiếm sự thật, lòng nhẫn nại để đáp lại bằng tình yêu và sự sáng suốt để nhận ra điều thiện hảo”.

Lời cầu nguyện giúp chúng ta giữ vững tâm hồn trong sự thật, thay vì bị cuốn theo những trào lưu hoặc tranh cãi nhất thời. Với sự hướng dẫn của Thiên Chúa, chúng ta có thể sử dụng internet không như một nguồn hỗn loạn và bối rối, mà là một công cụ để học hỏi, kết nối và làm chứng cho Tin Mừng.

Lời mời gọi hướng đến sự phân định kỹ thuật số

Thế giới trực tuyến đầy rẫy những thách đố, nhưng cũng mở ra vô vàn cơ hội để tìm kiếm sự thật, chia sẻ điều thiện và xây dựng những mối tương quan chân thực. Khi áp dụng sự khôn ngoan của Thánh Ignatius - dừng lại trước khi phản ứng, chú ý đến chuyển động nội tâm, kiểm chứng nguồn thông tin, chọn lựa những nội dung nuôi dưỡng tâm hồn và cầu nguyện xin ơn khôn ngoan - chúng ta có thể bước vào không gian mạng với sự sáng suốt và ân sủng.

Trong một thời đại mà AI và thông tin sai lệch đe dọa bóp méo hiện thực, sự phân định kỹ thuật số không còn là điều tùy chọn - mà là điều thiết yếu.

Hãy cùng nhau trở thành những người tìm kiếm sự thật, hành động với sự chính trực, và sử dụng công nghệ như một công cụ phục vụ cho điều thiện hảo.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: aleteia.org (19/02/2025)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/nam-chia-khoa-de-nuoi-duong-su-phan-dinh-truc-tuyen-42622.html

 

 

21. Nicaea, nơi ra đời của kinh Tin Kính Nicea, nằm ở đâu?

WGPVL (22/02/2025) - Năm 2025 là kỷ niệm 1.700 năm Công đồng Nicaea, long trọng tuyên bố thiên tính của Chúa Con. Thành phố này, hiện được gọi là Iznik, nằm ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.

Năm 2025, Năm Thánh thông thường sẽ được đi kèm với một dịp kỷ niệm khác: kỷ niệm 1.700 năm Công đồng Nicaea (phát âm là “niCEEya”). Công đồng đã tái khẳng định thiên tính của Chúa Con chống lại lạc giáo Arius, và lập ra kinh Tin kính vẫn được đọc trong Thánh lễ Chúa nhật.

Nhưng Nicaea nằm ở đâu? Và tên của nó có nghĩa là gì? Thành phố này ban đầu là thuộc về Hy Lạp; tên của nó bắt nguồn từ “chiến thắng” trong tiếng Hy Lạp. Ngày nay, nó nằm ở Thổ Nhĩ Kỳ và được gọi là İznik. Thành phố được xây dựng trên bờ phía đông của một hồ mang tên chính thành phố này, cách Istanbul khoảng 100km (62 dặm) về phía đông nam, ở phía bên kia Biển Marmara.

Thành phố hiện đại, nhưng vẫn còn nhiều di tích khảo cổ từ thời cổ đại, chứng minh cho quá khứ huy hoàng và đầy biến động của thành phố này. Sự hình thành của thành phố vẫn còn là một bí ẩn, nhưng có vẻ như thông tin rõ ràng đầu tiên về sự tồn tại của thành phố xuất phát từ thế kỷ thứ IV trước Công nguyên. Lysimachus, một trong những diadochi (người tranh giành ngôi vị) của Alexander Đại đế, đã chiếm thành phố từ một trong những kẻ thù của mình và đổi tên thành Nicaea.

Dưới thời Đế quốc Rôma, bắt đầu từ năm 72 trước Công nguyên, thành phố là một phần của Bithynia. Chắc chắn Pliny Trẻ, đại diện của Trajan tại tỉnh này đã đến thăm thành phố này từ năm 111 đến năm 113. Trên thực tế, ông đã đề cập trong một lá thư gửi cho hoàng đế về sự hiện diện của các Kitô hữu ở Nicaea, một dấu hiệu của một khu vực đã biết đến Chúa Kitô từ rất sớm.

Đế quốc Nicaea

Nicaea gần Constantinople và là một trung tâm hành chính thịnh vượng. Vì lý do này, Constantine đã chọn nơi này làm nơi tổ chức công đồng các nghị phụ vào năm 325 để chế ngự vấn đề dị giáo Arius. Bốn trăm năm sau, vào năm 787, Hoàng hậu Irene đã triệu tập một công đồng khác, “Nicaea II,” trên bờ hồ để giải quyết cuộc khủng hoảng bài trừ ảnh tượng thánh.

Tuy nhiên, thành phố của đế quốc Byzantine này nhanh chóng trải qua một lịch sử phức tạp, bao gồm các cuộc nổi loạn và sau đó là các cuộc tấn công của người Thổ Nhĩ Kỳ Seljuk, nơi đã rơi vào tay họ vào năm 1081. Sau khi chiếm lại được, thành phố sẽ trải qua một giai đoạn vinh quang cuối cùng của Hy Lạp sau cuộc bao vây Constantinople vào năm 1204.

Trong khi người Latin chuyển hướng Cuộc thập tự chinh thứ tư để chiếm thủ đô của đế quốc, một nhà nước Hy Lạp đã ra đời. Được gọi là Đế quốc Nicaea - vì đó là nơi thủ đô được thành lập - thành phố này bao phủ một vùng đất rộng lớn từ Biển Đen đến Biển Ionian. Nhưng ngay sau khi Constantinople được tái chiếm vào năm 1261, Nicaea đã suy yếu cho đến khi bị bao vây trong ba năm và rơi vào tay người Ottoman vào năm 1331.

Những khám phá khảo cổ học mới

Những bức tường dài hơn 3km, dày 5m và cao 10m, những cánh cổng đồ sộ, tàn tích của những cột trụ cổ và tàn tích của các tòa nhà, đền đài, nhà thờ, giáo đường Do Thái, phòng tắm nước nóng... thuộc thế kỷ thứ IV. Khảo cổ học đang tìm thấy rất nhiều tài liệu ở Iznik ngày nay. Cho đến cuộc chiến giữa người Thổ Nhĩ Kỳ và người Hy Lạp vào năm 1922, bạn thậm chí có thể chiêm ngưỡng một Nhà thờ Dormition tuyệt đẹp. Đối với Hagia Sophia, nơi tổ chức các cuộc tranh luận của Nicaea II, nó đã trở thành một nhà thờ Hồi giáo một lần nữa vào năm 2011, giống như người chị lớn của nó ở Istanbul vài năm sau đó.

Khám phá di sản ấn tượng nhất có từ năm 2014. Bay qua Hồ Iznik, hành khách trên một chiếc trực thăng đã phát hiện ra tàn tích của một tòa nhà trong nước. Đó là một nhà thờ Byzantine, St. Neophytos, được cho là được xây dựng vào thế kỷ thứ IV. Nó nằm dưới nước 2m (gần 7 feet), cách bờ hơn 20m (66 feet)!

Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

Chuyển ngữ từ: Aleteia (19/02/2025)

Nguồn: giaophanvinhlong.net

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/nicaea-noi-ra-doi-cua-kinh-tin-kinh-nicea-nam-o-dau-42626.html

 

 

22. Lương tâm và lương tháng

“Lương tâm là trung tâm sâu kín nhất của con người. Là cung thánh mà con người ở một mình với Thiên Chúa, và nghe được tiếng Thiên Chúa” (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng 16)

Bạn thân mến,

Trước hết, chúc mừng bạn đã nhận được lương tháng! Hy vọng lần này lương đủ đầy để mình được mời đi uống cà phê. Chúng ta có thể ngồi lại, tán gẫu đủ thứ trên đời, và tất nhiên là tiếp tục câu chuyện về Thiên Chúa – chủ đề mà dạo gần đây mình rất thích bàn với bạn.

Mình còn nhớ lần trước, bạn đùa rằng: “Lương tâm không bằng lương tháng!” Nghe vui mà cũng thâm thúy ghê! Người Việt mình thật tài tình khi sử dụng chữ “lương” để nói về hai khái niệm: lương tháng – tức là thu nhập mà bạn nhận được từ công việc; và lương tâm – một điều gì đó vô hình nhưng cũng rất thực, vì đôi khi nó khiến ta cắn rứt, áy náy mỗi khi làm điều gì sai.

Hôm nay, thay vì nói về lương tháng (vì mình biết nó có thể khiến bạn nhăn mặt vào cuối tháng!), mình muốn bàn sâu hơn về lương tâm – một chủ đề vừa gần gũi, vừa bí ẩn. Và thú vị hơn, lương tâm có thể là “chìa khóa” giúp bạn hiểu thêm về Thiên Chúa mà mình tin. Nghe có vẻ lạ tai, nhưng hãy đọc tiếp nhé. Biết đâu bạn sẽ khám phá được điều gì hay ho!

1. Lương tâm là gì?

Ông cha mình ghép hai chữ lại với nhau: Lương (): Nghĩa là tốt đẹp, thiện lành. Người bên lương, là người tốt lành. Tâm () là trái tim, tâm hồn, tư tưởng. Như vậy, “lương tâm” có thể hiểu theo nghĩa đen là “tâm hồn tốt” hoặc “tâm hồn hướng về điều thiện”. Đây là một cách diễn đạt rất gần với bản chất của lương tâm: một sức mạnh nội tại hướng con người về điều đúng đắn, lẽ công bằng và lòng nhân ái. Là người, ai cũng có lương tâm.

 Bạn có bao giờ cảm thấy lương tâm mình căn rứt không? Ví dụ như: trễ hẹn với một người bạn rất thân, hay nói một câu vô tình làm tổn thương ai đó, hoặc trộm cắp cái gì đó. Ngay sau đó, có thể bạn đã cảm thấy một sự khó chịu mơ hồ. Đây chính là tiếng nói bên trong nhắc nhở rằng mình vừa làm sai. Đó chính là lương tâm đang lên tiếng.

Nhưng lương tâm là gì? Nó có phải là một loại cảm giác không? Hay là một kiểu “cơ chế báo động” bên trong tâm trí? Lúc mình học để trở thành linh mục, tài liệu giáo lý Công giáo viết rằng: “Lương tâm là tiếng nói bên trong con người, ra lệnh cho ta làm điều thiện trong bất cứ hoàn cảnh nào và tránh điều dữ bằng mọi cách. Đồng thời, lương tâm là khả năng phân biệt điều thiện với điều dữ. Thiên Chúa nói với ta qua tiếng lương tâm” (giáo lý Công giáo số 1776-1779). Nó giống như một chiếc la bàn giúp ta phân biệt đúng sai, tốt xấu. Vì thế lương tâm trong tiếng Anh là conscience, có nghĩa là ý thức chung, nhận biết đúng sai. Dù ở đâu, văn hóa và thời điểm nào, chúng ta đều có nhận thức đúng sai này. Nếu không có lương tâm, chúng ta sẽ không thể phân biệt điều thiện và điều ác. Một người không nghe theo lương tâm sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng sống bất chấp, chỉ biết lợi ích của mình mà không quan tâm đến người khác. Trong trường hợp này, chúng ta liệt họ vào hạng “lương tâm chai lì, khô cứng”.

2. Tiếng nói kỳ lạ của lương tâm

Lương tâm có điều gì đó rất kỳ lạ, bạn có thấy vậy không? Nó không giống những cảm xúc khác như vui buồn, giận dữ hay sợ hãi. Đôi khi, dù bạn không muốn, lương tâm vẫn cứ… “cắn rứt” bạn, mỗi khi bạn làm sai. Đôi khi nó rất phiền phức, nhưng biết làm sao được, vì nó là một phần của chúng ta. Nó vẫn luôn thực hiện đúng chức năng của nó như tim, gan, phèo phổi đấy thôi!

Cụ thể hơn, nếu một ngày bạn vô tình nhặt được chiếc ví có đầy tiền bên trong, lương tâm sẽ tự động nhắc rằng: “Hãy trả lại cho người mất!” Ngay cả khi chẳng ai chứng kiến, lương tâm vẫn cứ âm thầm lên tiếng. Lúc đó, có khi lý trí hoặc lòng tham không muốn trả lại, nhưng lương tâm càng nói lớn tiếng hơn, khiến bạn phải quyết định. Điều này cho thấy lương tâm không chỉ là một cảm giác nhất thời, mà là một tiếng gọi từ bên trong, mời gọi ta sống theo sự thật và công lý.

Ông triết gia người Đức rất nổi tiếng, Immanuel Kant (1724–1804) có một kim chỉ nam cho cuộc đời: “Hai điều lấp đầy tâm trí tôi với niềm kinh ngạc không ngừng: bầu trời đầy sao trên đầu, và tiếng lương tâm trong tôi.” Đây chẳng phải ám chỉ đến mối liên hệ giữa con người và một trật tự siêu việt, có thể hiểu là dấu vết của Thiên Chúa trong cả vũ trụ lẫn tâm hồn con người sao? Bạn có thấy thế không? Giữa một vũ trụ rộng lớn, có một tiếng nói nhỏ bé bên trong mỗi người, và tiếng nói ấy luôn hướng ta về điều thiện. Nhưng tại sao lại như vậy? Tại sao con người lại có lương tâm? Đâu là nguồn gốc của tiếng nói kỳ lạ ấy?

3. Lương tâm và Thiên Chúa

Cho phép tôi gán ghép một chút: lương tâm không chỉ là một cơ chế tâm lý tự nhiên, mà là dấu vết của Thiên Chúa trong tâm hồn con người.

Bạn thử nghĩ xem: nếu trong lòng chúng ta có một “chiếc la bàn đạo đức” giúp phân biệt đúng sai, thì ai là người đã đặt nó vào đó? Sách giáo khoa trong nhà trường nói rằng đó là ngẫu nhiên, hoặc do tiến hóa. Nhưng nếu do tiến hóa, vậy mục đích của lương tâm là gì? Trong khi đó, nếu con người có thể nhận biết điều thiện và điều ác một cách tự nhiên, thì điều đó cho thấy rằng có một Luật Luân Lý vượt trên tất cả các luật lệ xã hội, và có một Đấng đã ghi khắc luật ấy trong lòng chúng ta. Phức tạp quá! Không sao, chúng ta cứ bình tĩnh để bóc tách vấn đề.

Để mình dẫn chứng kinh nghiệm của thánh Phaolô:“Dân ngoại vốn không có Lề Luật, nhưng khi họ theo lẽ tự nhiên mà làm những gì Lề Luật đòi hỏi, thì họ là luật cho chính mình. Họ chứng tỏ rằng điều răn của Lề Luật đã được ghi khắc trong lòng họ, cùng với lương tâm làm chứng” (Rm 2,14-15). Nói cách khác, dù bạn là người Công giáo hay không, bạn vẫn có lương tâm – vì lương tâm là món quà mà Thiên Chúa đã ban cho mọi người. Có thể nói lương tâm là mật mã để chúng ta nhấn “enter” đi vào thế giới của Thiên Chúa.

4. Lương tâm cần được giáo dục

Bạn biết đây, “răng” của lương tâm có thể mòn, hoặc “lương tháng tăng thì có nguy cơ lương tâm giảm”, như chúng ta hay nói vui. Điều này có nghĩa là lương tâm không phải lúc nào cũng đáng tin cậy tuyệt đối. Lương tâm giống như một chiếc la bàn; nó chỉ đúng hướng, nhưng chỉ khi nó không bị lệch bởi các “nam châm” xung quanh. Nếu ta sống trong một môi trường đầy rẫy dối trá và bất công, lương tâm có thể bị “lệch chuẩn.” Ban đầu, ta có thể áy náy khi làm điều sai, nhưng nếu ta phớt lờ lương tâm quá nhiều lần, dần dần, ta sẽ không còn cảm thấy cắn rứt nữa. Sống trong một xóm ăn cắp, lương tâm của những người này ít nhiều dẫn đến sai lạc.

Chính vì thế, Giáo hội Công giáo mời gọi chúng mình giáo dục và đào luyện lương tâm mình liên lỉ. Điều này có nghĩa là chúng ta cần học hỏi, suy tư, cầu nguyện, và tham khảo giáo huấn của Giáo hội để lương tâm ngày càng nhạy bén và chính xác hơn.

Bạn thân mến, mình mời bạn thử làm một điều đơn giản: lắng nghe lương tâm mình một cách chân thành. Khi bạn làm điều tốt, hãy chú ý đến niềm vui sâu lắng trong lòng mình. Khi bạn làm điều sai, hãy lắng nghe tiếng nói nhắc nhở của lương tâm. Và hãy tự hỏi xem: “Tiếng nói này đến từ đâu? Ai là người đã đặt luật luân lý vào lòng tôi?”

Mình tin rằng, nếu bạn kiên nhẫn tìm kiếm, bạn sẽ dần nhận ra rằng lương tâm chính là “tiếng nói của Thiên Chúa” trong lòng mình. Hoặc nói như ngôn ngữ của Công đồng Vatican II: “Lương tâm là trung tâm sâu kín nhất của con người. Là cung thánh mà con người ở một mình với Thiên Chúa, và nghe được tiếng Thiên Chúa” (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng 16). Như vậy Thiên Chúa ấy không phải là một ông vua xa cách, mà là một Người Cha đầy yêu thương, luôn chờ đợi bạn quay về. Tiếng nói ấy chắc chắn sẽ êm ái như bản nhạc du dương đưa tâm hồn bạn trở về với không gian thanh bình hạnh phúc.

Chắc mình tạm dừng đề tài khó này ở đây, nhưng hy vọng bạn hiểu thêm một chút về hai chữ quan trọng này. Nó là một phần cuộc sống của chúng ta, giống như lương tháng vậy. Và tất nhiên, mình vẫn chờ ly cà phê từ lương tháng của bạn nhé!

Thân mến!

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/luong-tam-va-luong-thang-42634.html

TIN GIÁO HỘI HOÀN VŨ

1. Đức Thánh Cha: Trong việc xét hôn nhân vô hiệu, hãy lắng nghe nỗi đau và hy vọng của những người tìm kiếm sự thật

Sáng ngày 31/1, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các thẩm phán của Tòa Thượng thẩm Rota ở Roma nhân dịp khai mạc Năm Tư Pháp và nhấn mạnh những khía cạnh quan trọng nhất của cuộc cải cách thủ tục tố tụng mà ngài đã thực hiện cách đây mười năm: các thủ tục ngắn gọn hơn và các cơ cấu giáo phận được tổ chức và chuyên môn hóa. Ngài nói: “Việc xác minh tính thành sự của hôn nhân là một cơ hội quan trọng, và cần giúp đỡ mọi người đi trên con đường này một cách dễ dàng nhất có thể”.

Vatican News

Đức Thánh Cha nhấn mạnh “trách nhiệm lớn lao” của Tòa Thượng thẩm Rota Roma, cơ quan thuộc Giáo triều Roma, và sự cần thiết của các thủ tục nhanh chóng và đơn giản hơn, để “trái tim của các tín hữu đang chờ đợi quá trình làm sáng tỏ tình trạng của mình không bị đè nặng bởi bóng tối của nghi ngờ”. Công việc phân định của Tòa Thượng thẩm Rota Roma về việc có tồn tại hôn nhân thành sự hay không là một sứ mạng “cứu các linh hồn”, nhằm mục đích “giúp thanh lọc và phục hồi các mối quan hệ liên vị”. Đức Thánh Cha cũng một lần nữa yêu cầu các thủ tục phải được miễn phí, và ngài cũng lấy làm tiếc vì sau mười năm cải cách thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu, nhiều tín hữu vẫn không biết đến thủ tục ngắn gọn trước Giám mục giáo phận.

Thủ tục dễ dàng mà không lơ là sự thật và công lý

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng mục đích của thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu, như Đức Bênêđictô XVI đã nói trong bài phát biểu trước Tòa Thượng thẩm Rota năm 2006: “không làm phức tạp cuộc sống của các tín hữu một cách không cần thiết, càng không làm gia tăng sự tranh chấp, mà chỉ là để phục vụ sự thật”. Khái niệm này cũng được Đức Phaolô VI giải thích, khi ngài hoàn thành cuộc cải cách với Tự sắc Causas matrimoniales năm 1975, và cũng tại Tòa Rota, ngài đã nói rõ rằng mục tiêu của việc đơn giản hóa là để việc xử lý các vụ án hôn nhân trở nên “dễ dàng hơn, và do đó mang tính mục vụ hơn, mà không làm ảnh hưởng đến các tiêu chuẩn của sự thật và công lý, mà một thủ tục phải tuân thủ một cách trung thực”.

Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta phải lắng nghe nỗi đau và hy vọng của nhiều tín hữu đang tìm kiếm sự rõ ràng về sự thật trong tình trạng cá nhân của họ, và do đó, về khả năng tham gia trọn vẹn vào đời sống bí tích. Đối với nhiều người đã trải qua một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, việc xác minh tính thành sự của hôn nhân là một cơ hội quan trọng; và những người này cần được giúp đỡ để đi trên con đường này một cách dễ dàng nhất có thể”.

Nhiệm vụ của Giám mục giáo phận

Nhân kỷ niệm 10 năm cải cách thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu, được thực hiện với hai Tự sắc Mitis Iudex Dominus IesusMitis et Misericors Iesus, Đức Thánh Cha dừng lại để nói về “tinh thần” đã thúc đẩy cuộc cải cách này và nhắc lại rằng việc sửa đổi “các quy định liên quan đến thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu” đã được Thượng Hội đồng năm 2014 yêu cầu để làm cho các thủ tục trở nên “dễ tiếp cận và nhanh chóng hơn”. Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng những đổi mới này cũng liên quan đến cơ cấu, để các thủ tục hành chính về công lý “đáp ứng tốt nhất nhu cầu của những người đến với Giáo hội để làm sáng tỏ tình trạng hôn nhân của họ”. Ngài nhấn mạnh rằng ngài đã muốn đặt Giám mục giáo phận “làm trung tâm của cuộc cải cách”, Giám mục giáo phận phải “quản trị công lý trong giáo phận, vừa là người bảo đảm sự gần gũi của các tòa án và giám sát chúng, vừa là thẩm phán” có quyền quyết định khi “sự vô hiệu rõ ràng” và do đó có thể áp dụng “thủ tục ngắn gọn”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Tôi đã thúc giục việc đưa hoạt động của các tòa án vào trong mục vụ giáo phận, yêu cầu các Giám mục đảm bảo rằng các tín hữu biết đến sự tồn tại của thủ tục này như một phương cách có thể giúp họ giải quyết tình trạng khó khăn của mình. Đôi khi thật đáng buồn khi biết rằng các tín hữu không biết đến con đường này. Hơn nữa, điều quan trọng là ‘các thủ tục phải miễn phí, để Giáo hội có thể thể hiện tình yêu thương nhưng không của Đức Kitô, Đấng đã cứu chuộc tất cả chúng ta’.”

Tầm quan trọng của việc đào tạo

Trong các giáo phận, Đức Giám mục phải đảm bảo thành lập một tòa án với các giáo sĩ và giáo dân được đào tạo tốt, “đảm bảo rằng họ thực hiện công việc của mình một cách công bằng và cẩn trọng”. Về việc đào tạo “khoa học, nhân bản và tinh thần”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng điều này là nền tảng, và đầu tư vào đó luôn mang lại ích lợi cho các tín hữu, “những người có quyền được xem xét cẩn thận các yêu cầu của họ, ngay cả khi họ nhận được phản hồi tiêu cực”.

Sự khôn ngoan, công lý và bác ái

Về cuộc cải cách của mình, Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến việc bãi bỏ “yêu cầu về hai phán quyết đồng thuận” và khuyến khích “quyết định nhanh chóng hơn các vụ án mà sự vô hiệu rõ ràng, nhằm mục đích mang lại lợi ích cho các tín hữu và mang lại sự bình an cho lương tâm của họ”. Tuy nhiên, ngài khuyên nên áp dụng các quy định một cách khôn ngoan và công bằng, mà không quên bác ái.

Gia đình là hình ảnh của sự hiệp thông yêu thương của Ba Ngôi

Cuối cùng, Đức Thánh Cha lưu ý rằng “gia đình là hình ảnh sống động của sự hiệp thông yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi”, và vì thế “mỗi người tham gia vào thủ tục phải tiếp cận thực tế hôn nhân và gia đình với sự kính trọng”.

Ngài nhấn mạnh: “Đôi vợ chồng kết hợp trong hôn nhân đã nhận được ân sủng của sự bất khả phân ly, không phải là một mục tiêu để đạt được bằng nỗ lực của họ, càng không phải là một giới hạn đối với tự do của họ, mà là một lời hứa của Thiên Chúa, Đấng làm cho sự trung tín của con người trở nên khả thi”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-trong-viec-xet-hon-nhan-vo-hieu-hay-lang-nghe-noi-dau-va-hy-vong-cua-nhung-nguoi-tim-kiem-su-that-42499.html

 

 

2. Hàng ngàn trẻ em lần chuỗi mân côi qua Zoom

Nhân Tuần lễ các trường Công giáo tại Hoa Kỳ, hàng ngàn trẻ em đã tham gia cùng các Hội Giáo hoàng Truyền giáo để cầu nguyện với Chuỗi Mân côi Truyền giáo Thế giới, qua nền tảng Zoom.

Vatican News

Ngày 28/1, hàng ngàn trẻ em từ khắp vùng Trung Tây Hoa Kỳ đã cùng nhau tham gia cầu nguyện Chuỗi Mân côi Truyền giáo Thế giới qua nền tảng trực tuyến Zoom. Tuần lễ các trường Công giáo là sự kiện thường niên nhằm tôn vinh nền giáo dục Công giáo tại Hoa Kỳ, bắt đầu từ Chúa Nhật cuối cùng của tháng 1 và kéo dài suốt một tuần.

Sáng kiến cầu nguyện này được tổ chức bởi Hội Nhi đồng Truyền giáo (Missionary Childhood Association - MCA), một trong bốn Hội Giáo hoàng Truyền giáo, đã quy tụ học sinh từ 77 trường tiểu học Công giáo thuộc 14 giáo phận tham gia.

Tuần lễ các Trường Công giáo và Ý nghĩa của Chuỗi Mân côi Truyền giáo

Buổi đọc kinh trực tuyến vào thứ Ba đã mang đến cho các em nhỏ cơ hội suy ngẫm về thực tế của hàng triệu bạn bè đồng trang lứa trên thế giới không có điều kiện tiếp cận nền giáo dục cơ bản. Mỗi chục kinh Mân côi Truyền giáo Thế giới tượng trưng cho một khu vực khác nhau trên thế giới, nơi các nhà truyền giáo vẫn đang tiếp tục rao giảng Tin Mừng: màu xanh lá cây tượng trưng cho những cánh rừng và đồng cỏ của châu Phi, màu xanh dương đại diện cho đại dương bao quanh các đảo Thái Bình Dương, màu trắng tượng trưng cho châu Âu, màu đỏ tượng trưng cho ngọn lửa đức tin đã đưa các nhà truyền giáo đến châu Mỹ, và màu vàng tượng trưng cho ánh sáng ban mai của phương Đông, đại diện cho châu Á.

Chuỗi Mân côi Truyền giáo Thế giới được Đức Tổng Giám Mục Fulton J. Sheen khởi xướng vào năm 1951, trong thời gian ngài đảm nhận vai trò Giám đốc Quốc gia của Hội Truyền bá Đức tin.

Trẻ em cầu nguyện và nhận ra phúc lành của mình

Linh mục Roger J. Landry, Giám đốc Quốc gia các Hội Giáo hoàng Truyền giáo tại Hoa Kỳ, chia sẻ: “Khi chúng ta cử hành Tuần lễ các Trường Công giáo, chúng tôi muốn mang đến cho các em học sinh cơ hội suy ngẫm không chỉ về những phúc lành mà các em đang nhận được, mà còn về những thách thức mà hàng triệu bạn bè đồng trang lứa trên toàn thế giới phải đối mặt, khi họ không có cơ hội đến trường”.

Ngài nói thêm: “Trong Năm Thánh Hy Vọng này, chúng tôi nghĩ rằng việc quy tụ các em nhỏ cùng nhau cầu nguyện và tìm hiểu về những thực tế khác nhau của các bạn học sinh tại châu Á, châu Phi, châu Đại Dương, châu Âu và châu Mỹ Latinh là điều rất quan trọng. Điều này được lấy cảm hứng từ lời mời gọi của Đức Tổng Giám Mục Fulton J. Sheen, kêu gọi cầu nguyện với Đức Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, để xin Mẹ chuyển cầu”.

Trong khi đó, bà Alixandra Holdren, Giám đốc Hội Nhi đồng Truyền giáo, nhắc nhở rằng Hội được xây dựng trên nguyên tắc “trẻ em giúp đỡ trẻ em,” dạy các em rằng qua lời cầu nguyện và sự hỗ trợ, các em có thể tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của nhau.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/hang-ngan-tre-em-lan-chuoi-man-coi-qua-zoom-42500.html

 

 

3. Tòa Thánh: Trí tuệ nhân tạo là cơ hội, nhưng con người có thể trở thành nô lệ của máy móc

Ngày 28/1, Toà Thánh đã công bố Văn kiện chung của hai Bộ Giáo lý Đức tin và Văn hóa – Giáo dục về mối quan hệ giữa Trí tuệ Nhân tạo và Trí tuệ Con người, rằng: “Trí tuệ nhân tạo không phải là một hình thức nhân tạo của trí tuệ, mà chỉ là một sản phẩm của trí tuệ con người”. Văn kiện nhấn mạnh tiềm năng cũng như những thách đố của trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực giáo dục, kinh tế, lao động, y tế, quan hệ con người và quốc tế, cũng như trong bối cảnh chiến tranh.

Vatican News

Văn kiện có tên “Antiqua et Nova” do Bộ Giáo lý Đức tin và Bộ Văn hóa – Giáo dục cùng suy tư và biên soạn. Văn kiện này được gửi đến các bậc phụ huynh, giáo viên, linh mục, giám mục và tất cả những ai được mời gọi giáo dục và truyền đạt đức tin, cũng như những người mong muốn phát triển khoa học và công nghệ “để phục vụ con người và công ích”.

Văn kiện nhấn mạnh Trí tuệ nhân tạo (AI) không thể được xem như một con người, không thể được thần thánh hóa, cũng không được thay thế các mối quan hệ giữa con người với nhau. AI chỉ nên được sử dụng “như một công cụ bổ trợ cho trí tuệ con người”.

Nội dung văn kiện "Antiqua et Nova"

Với 117 đoạn, văn kiện Antiqua et Nova (tựa đề mang ý nghĩa “sự khôn ngoan cổ và tân”) nêu bật những cơ hội và thách đố mà AI mang lại trong các lĩnh vực giáo dục, kinh tế, lao động, y tế, quan hệ quốc tế và xã hội, cũng như trong bối cảnh chiến tranh. Đặc biệt trong lĩnh vực chiến tranh, văn kiện cảnh báo rằng AI có thể tăng cường nguồn lực quân sự “vượt quá khả năng kiểm soát của con người,” đồng thời “đẩy nhanh cuộc chạy đua vũ trang mất kiểm soát với những hậu quả tàn khốc cho quyền con người”.

Những nguy cơ và tiến bộ

Văn kiện trình bày một cách cân bằng cả những nguy cơ và tiến bộ của AI. Trên thực tế, văn kiện khuyến khích sự phát triển của AI như một phần trong công trình cộng tác của con người với Thiên Chúa, nhằm “đưa công trình sáng tạo hữu hình đến sự hoàn thiện”. Tuy nhiên, mối quan ngại lớn vẫn là những tác động chưa thể lường trước của AI, kể cả đối với những ứng dụng tưởng chừng vô hại như việc tạo ra văn bản và hình ảnh, có thể góp phần vào “cuộc khủng hoảng sự thật ngày càng gia tăng”.

Phân biệt giữa trí tuệ nhân tạo và trí tuệ con người

Trọng tâm của văn kiện là những suy tư mang tính nhân học và luân lý. Văn kiện nhấn mạnh sự khác biệt “mang tính quyết định” giữa trí tuệ nhân tạo và trí tuệ con người, – trí tuệ con người được Thiên Chúa ban tặng và được hình thành qua vô số kinh nghiệm sống. Trong khi đó, trí tuệ nhân tạo không có khả năng phát triển theo cách này. Trí tuệ nhân tạo chỉ hoạt động theo nguyên lý chức năng, đánh giá con người chỉ dựa trên năng suất và hiệu quả, trong khi phẩm giá con người là bất khả xâm phạm, ngay cả trong bào thai, nơi một người hôn mê hay một cụ già đau yếu. Vì thế, việc gọi AI là “trí tuệ” là sai lầm, bởi lẽ AI không phải là “một dạng nhân tạo của trí tuệ” mà chỉ là “một sản phẩm của trí tuệ con người”.

Quyền lực trong tay một số ít người

Như bất kỳ sản phẩm nào của trí tuệ con người, AI có thể được sử dụng cho mục đích tốt hoặc xấu. Văn kiện thừa nhận rằng AI có thể mang lại “những đổi mới quan trọng” trong nhiều lĩnh vực, nhưng cũng cảnh báo nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng gạt ra bên lề xã hội, phân biệt đối xử, nghèo đói, bất bình đẳng và “khoảng cách số”. Đặc biệt, văn kiện lo ngại về việc “hầu hết quyền kiểm soát các ứng dụng AI chính yếu đang tập trung trong tay một số ít tập đoàn quyền lực”, khiến AI có thể bị thao túng vì lợi ích kinh tế hoặc để định hướng dư luận theo ý đồ của một nhóm lợi ích nào đó.

Chiến tranh

Văn kiện phân tích nhiều lĩnh vực liên quan đến AI, bao gồm cả chiến tranh. AI có thể được sử dụng để hỗ trợ các quốc gia trong việc tìm kiếm hòa bình và an ninh. Tuy nhiên, các hệ thống vũ khí tự động và sát thương – có thể “xác định và tiêu diệt mục tiêu mà không có sự can thiệp trực tiếp của con người” – là một “mối quan ngại đạo đức nghiêm trọng”. Đức Thánh Cha đã nhiều lần kêu gọi cấm sử dụng loại vũ khí này, vì như ngài đã phát biểu tại Hội nghị G7 ở Puglia: “Không một cỗ máy nào được phép quyết định về mạng sống của một con người”.

Quan hệ con người

Văn kiện nhận định rằng AI có thể giúp thúc đẩy kết nối giữa con người, nhưng đồng thời cũng có thể dẫn đến “tình trạng cô lập nguy hại”. Đặc biệt, văn kiện cảnh báo rằng AI có thể khuyến khích trẻ em hình thành quan điểm “duy lợi” về các mối quan hệ, như cách trẻ em tương tác với chatbot. Việc nhân cách hóa AI là một sai lầm nghiêm trọng và “vi phạm đạo đức nghiêm trọng” nếu được sử dụng cho mục đích lừa đảo.

Kinh tế, lao động và y tế

Văn kiện cũng cảnh báo về những tác động của AI đối với kinh tế và lao động. AI có thể nâng cao năng suất và tạo ra việc làm mới, nhưng đồng thời cũng có nguy cơ “hạ thấp phẩm giá người lao động, giám sát tự động và ép buộc họ vào các công việc rập khuôn”, làm thui chột khả năng sáng tạo. Trong lĩnh vực y tế, dù AI có thể hỗ trợ chẩn đoán, nhưng nếu thay thế hoàn toàn mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân thì sẽ “gia tăng sự cô đơn của người bệnh”.

Sự thật, deepfake và kiểm soát thông tin

Văn kiện cảnh báo về nguy cơ AI tạo ra tin giả (fake news) và nội dung giả mạo (deepfake), có thể được sử dụng để thao túng dư luận. Vì thế, văn kiện kêu gọi mọi người thận trọng kiểm chứng thông tin và tránh lan truyền những nội dung xúc phạm phẩm giá con người.

AI và mối tương quan với Thiên Chúa

Văn kiện trích dẫn Kinh Thánh để cảnh báo về nguy cơ AI có thể trở thành một “thần tượng” mới. AI chỉ là “một phản chiếu mờ nhạt” của con người, và con người không thể thần thánh hóa AI mà biến mình thành nô lệ của chính tác phẩm do mình tạo ra. Do đó, văn kiện nhấn mạnh rằng AI phải “chỉ được sử dụng như một công cụ bổ trợ cho trí tuệ con người, chứ không thay thế sự phong phú của nó”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/toa-thanh-tri-tue-nhan-tao-la-co-hoi-nhung-con-nguoi-co-the-tro-thanh-no-le-cua-may-moc-42502.html

 

 

4. Kinh Truyền Tin ngày 2/2: Thiên Chúa là chủ sự sống

Trưa Chúa Nhật, ngày 2/2, Lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh, Đức Thánh Cha đã cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi đọc kinh, ngài đã có một bài huấn dụ ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng Lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh.

Vatican News

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chúc Chúa Nhật tốt lành!

Hôm nay, Tin Mừng phụng vụ (Lc 2,22-40) kể cho chúng ta về việc Đức Maria và Thánh Giuse đem Hài Nhi Giêsu lên Đền Thờ Giêrusalem. Theo Luật Môsê, hai ngài dâng Con Trẻ trong nhà của Thiên Chúa, để nhắc nhở rằng sự sống đến từ Chúa. Và trong khi Thánh Gia thực hiện điều mà dân Israel vẫn làm từ thế hệ này sang thế hệ khác, thì một điều chưa có tiền lệ đã xảy ra.

Hai vị cao niên, ông Simeon và bà Anna, đã nói tiên tri về Chúa Giêsu: cả hai đều ca tụng Thiên Chúa và nói về Hài Nhi cho “những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem” (c. 38). Giọng nói xúc động của họ vang lên giữa những bức tường cổ kính của Đền Thờ, loan báo sự viên mãn của những lời hứa dành cho Israel. Quả thật, Thiên Chúa hiện diện giữa dân Người: không phải vì Người ngự giữa bốn bức tường, mà vì Người sống như một con người giữa nhân loại. Đây chính là điều mới mẻ nơi Chúa Giêsu. Trong tuổi già của ông Simeon và bà Anna, một điều mới mẻ đã xảy ra, điều làm thay đổi lịch sử thế giới.

Về phần mình, Đức Maria và Thánh Giuse ngạc nhiên trước những điều họ nghe được (x. c. 33). Khi ông Simeon bế Hài Nhi, ông đã gọi Người bằng ba cách thật đẹp, đáng để chúng ta suy ngẫm. Ba cách, ba danh xưng mà ông dành cho Người. Chúa Giêsu là ơn cứu độ; Chúa Giêsu là ánh sáng; Chúa Giêsu là dấu chỉ của sự chống đối.

Trước hết, Chúa Giêsu là ơn cứu độ. Ông Simeon cầu nguyện với Thiên Chúa: “Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân” (cc. 30-31). Điều này luôn làm chúng ta kinh ngạc: ơn cứu độ phổ quát được tập trung nơi một người duy nhất! Thật vậy, bởi vì trong Chúa Giêsu, tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa, của Tình Yêu Người, đều ngự trị (x. Cl 2,9).

Khía cạnh thứ hai: Chúa Giêsu là “ánh sáng để chiếu soi muôn dân” (c. 32). Như mặt trời mọc lên trên thế giới, Hài Nhi này sẽ cứu chuộc thế giới khỏi bóng tối của sự dữ, đau khổ và sự chết. Ngày nay, chúng ta cần ánh sáng này biết bao!

Cuối cùng, Hài Nhi được ông Simeon ôm vào lòng là dấu chỉ của sự chống đối, để “những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra” (c. 35). Chúa Giêsu mặc khải tiêu chuẩn để phán xét toàn bộ lịch sử và bi kịch của nó, cũng như cuộc đời của mỗi người chúng ta. Và tiêu chuẩn đó là gì? Đó là tình yêu: ai yêu thương thì được sống, ai ghét bỏ thì phải chết.

Chúa Giêsu là ơn cứu độ, Chúa Giêsu là ánh sáng và Chúa Giêsu là dấu chỉ của sự chống đối.

Được soi sáng bởi cuộc gặp gỡ này với Chúa Giêsu, chúng ta có thể tự hỏi: Tôi đang mong đợi điều gì trong cuộc đời mình? Niềm hy vọng lớn lao của tôi là gì? Trái tim tôi có khao khát được nhìn thấy dung nhan Chúa không? Tôi có đang chờ đợi sự biểu lộ của kế hoạch cứu độ Người dành cho nhân loại không?

Chúng ta hãy cùng cầu nguyện với Đức Maria, Mẹ tinh tuyền, để Mẹ đồng hành với chúng ta giữa ánh sáng và bóng tối của lịch sử, luôn dẫn đưa chúng ta đến cuộc gặp gỡ với Chúa.

-----

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc hôm nay là Ngày Sự Sống tại Ý, ngài hiệp cùng các Giám mục Ý bày tỏ lòng biết ơn đến nhiều gia đình đã sẵn lòng đón nhận hồng ân sự sống và khích lệ các cặp vợ chồng trẻ đừng sợ sinh con cái”.

Ngài cũng nhắc đến “Hội nghị Thượng đỉnh Quốc tế về Quyền Trẻ Em” sẽ khai mạc vào ngày mai tại Vatican với chủ đề “Hãy yêu thương và bảo vệ chúng”. Đức Thánh Cha đã khởi xướng và sẽ tham dự Hội nghị này. Ngài nhấn mạnh: “Đây là cơ hội đặc biệt để đưa những vấn đề cấp bách nhất liên quan đến cuộc sống của trẻ em vào trung tâm sự chú ý của thế giới. Tôi mời gọi mọi người hiệp ý cầu nguyện để hội nghị này mang lại kết quả tốt”.

Cũng liên quan đến giá trị tối thượng của sự sống con người, Đức Thánh Cha một lần nữa khẳng định lời nói “không” với chiến tranh, vì chiến tranh hủy diệt, hủy diệt mọi thứ, hủy diệt sự sống. Đức Thánh Cha kêu gọi: “Trong Năm Thánh này, tôi kêu gọi, đặc biệt là các nhà lãnh đạo có đức tin Kitô giáo, hãy nỗ lực tối đa trong các cuộc đàm phán để chấm dứt mọi cuộc xung đột đang diễn ra”, cách riêng tại Ucraina, Palestine, Israel, Lebanon, Myanmar, Sudan, và Bắc Kivu.

Sau khi chào các nhóm tín hữu, Đức Thánh Cha chúc mọi người một Chúa Nhật tốt lành, và xin đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/kinh-truyen-tin-ngay-22-thien-chua-la-chu-su-song-42503.html

 

 

5. Hội nghị thế giới về quyền trẻ em – mang lại nụ cười cho những trẻ em đang đau khổ

Ngày 3/2 tới đây, Vatican sẽ tổ chức Hội nghị Thế giới về Quyền trẻ em với sự tham gia của nhiều diễn giả nổi tiếng, bao gồm Hoàng hậu Jordan Rania al-Abdullah và cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ Al Gore. Sự kiện này nhằm kêu gọi thế giới quan tâm hơn nữa đến hàng triệu trẻ em đang phải chịu đựng những hoàn cảnh khó khăn, bị bóc lột và lạm dụng.

Vatican News

Theo các số liệu thống kê, hiện có 64 triệu trẻ em trong độ tuổi tiểu học không được đến trường, 1 trong 3 trẻ em dưới 5 tuổi phải đối mặt với tình trạng nghèo đói cùng cực, và chỉ riêng năm 2022, 12 triệu bé gái đã bị ép buộc kết hôn khi còn quá nhỏ. Trước thực trạng đau lòng này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định dành riêng một Ngày để “bảo vệ hàng triệu trẻ em vẫn đang sống trong tình trạng thiếu thốn, bị bóc lột, lạm dụng và gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh”.

Mang lại nụ cười cho những trẻ em đang đau khổ

Trong buổi họp báo tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh vào thứ Ba vừa qua, ông Marco Impagliazzo, Chủ tịch Cộng đoàn Thánh Egidio, đã gọi sự kiện này là “một biến cố của hy vọng”. Ông nhấn mạnh rằng “quá nhiều trẻ em đang chết vì chiến tranh, bạo lực, bóc lột tình dục và lao động”, và Đức Thánh Cha mong muốn “mang lại nụ cười” cho những trẻ em đang đau khổ này.

Một ngày đặc biệt dành cho trẻ em

Hội nghị Thế giới về Quyền trẻ em sẽ diễn ra tại Vatican vào ngày 3/2 với chủ đề “Yêu thương và Bảo vệ Trẻ em”. Đức Thánh Cha dự kiến sẽ khai mạc sự kiện bằng việc chào đón 10 trẻ em từ nhiều quốc gia khác nhau, cá em sẽ chia sẻ cảm nhận của mình với ngài.

Hội nghị sẽ bao gồm 7 phiên thảo luận, mỗi phiên tập trung vào một chủ đề cụ thể liên quan đến quyền trẻ em, như quyền được tiếp cận giáo dục, quyền có gia đình, bảo vệ khỏi bạo lực và tiếp cận các nguồn lực cần thiết. Nhiều nhà hoạt động từ khắp nơi trên thế giới sẽ tham dự, trong đó có Hoàng hậu Jordan Rania al-Abdullah; ông Magnus MacFarlane-Barrow, Giám đốc điều hành của tổ chức Mary’s Meals; ông Kailash Satyarthi, người đoạt giải Nobel hòa bình; và cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ Al Gore.

Một kỷ nguyên mới đầy khủng hoảng

Hội nghị này được tổ chức nhằm ứng phó với những thách thức ngày càng gia tăng mà hàng triệu trẻ em phải đối mặt hàng ngày. Một báo cáo từ Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho biết: “Thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới đầy khủng hoảng đối với trẻ em; biến đổi khí hậu, bất bình đẳng và xung đột đang phá vỡ cuộc sống của các em và hạn chế tương lai của chúng”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc lại lời cảnh báo này trong ý chỉ cầu nguyện của ngài trong tháng 1: “Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến một thảm họa giáo dục”. Ngài khẳng định rằng mọi trẻ em và thanh thiếu niên đều có quyền được giáo dục, nhưng khoảng 250 triệu trẻ em không được đến trường “vì chiến tranh, di cư và nghèo đói”.

Hội nghị Thế giới về Quyền trẻ em hy vọng sẽ là tiếng nói mạnh mẽ, kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay hành động để bảo vệ và mang lại hy vọng cho những mầm non tương lai của thế giới.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/hoi-nghi-the-gioi-ve-quyen-tre-em--mang-lai-nu-cuoi-cho-nhung-tre-em-dang-dau-kho-42504.html

 

 

6. Đức Thánh Cha: Không gì giá trị hơn sự sống của một đứa trẻ, quyền của các em bị chà đạp mỗi ngày

Ngày 3/2, Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về Quyền Trẻ em tại Vatican và kêu gọi lắng nghe các em nhỏ để nói “không” với chiến tranh, bạo lực, bất công và văn hóa loại bỏ.

Vatican News

Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một bài phát biểu dài khai mạc Hội nghị với chủ đề “Yêu thương và Bảo vệ trẻ em” tại Hội trường Clementina trong nội thành Vatican. Đức Thánh Cha nói về những trẻ em bị thế giới, với những điều xấu và bạo lực, làm tổn thương. Những con số phản ánh tình trạng của trẻ em ngày nay khiến chúng ta phải kinh hoàng, và chúng ta không thể không nhìn vào đôi mắt của những đứa trẻ yếu đuối, không thể không lắng nghe sự im lặng, tiếng khóc và tiếng kêu của các em.

Ngài nhấn mạnh: “Điều đau lòng là trong thời gian gần đây, hầu như ngày nào chúng ta cũng chứng kiến cảnh trẻ em chết dưới bom đạn, bị hiến tế cho những thần tượng quyền lực, ý thức hệ và lợi ích của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Thực tế, không gì có thể đổi lấy sự sống của một đứa trẻ. Giết hại trẻ em đồng nghĩa với việc chối bỏ tương lai”.

Thông điệp từ các em nhỏ

Ngay trước khi Đức Thánh Cha bước vào hội trường, các em nhỏ đã tặng ngài nhiều bức tranh đầy màu sắc và một thông điệp nhân danh những trẻ em trên thế giới, bày tỏ lòng biết ơn vì ngài đã lắng nghe những câu hỏi của các em và vì niềm tin ngài đặt nơi trẻ em để thay đổi thế giới.

Mở đầu buổi gặp gỡ là lời của cha Enzo Fortunato, Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Ngày Thế giới Trẻ em: “Tất cả chúng con đang ở đây cùng với Đức Thánh Cha để bảo vệ kho báu quý giá nhất của tình yêu, hy vọng và sự sống”. Tiếp theo, Phó Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng, ông Aldo Cagnoli, nhấn mạnh rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ đầy biến động, đặc biệt là các cuộc chiến tranh khiến trẻ em trở thành nạn nhân. Đồng thời, ông kêu gọi hành động để mỗi trẻ em đều cảm thấy tự hào.

Tuổi thơ – vùng ngoại biên của sự sống

Trong bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha hướng đến “những vùng ngoại biên khó khăn, nơi trẻ em thường là nạn nhân của sự yếu kém và những vấn đề mà chúng ta không thể xem nhẹ”. Những vùng ngoại biên này bị đánh dấu bởi “nghèo đói, chiến tranh, thiếu thốn giáo dục, bất công và bóc lột”. Đó không chỉ là những vùng ngoại biên bụi bặm của các khu ổ chuột hay những khu nhà ở tạm bợ, mà còn là những vùng ngoại biên của các quốc gia giàu có, nơi “thế giới không tránh khỏi những bất công”.

Giết hại trẻ em là chối bỏ tương lai

Đáng buồn và đáng lo ngại là cách những người trẻ nhìn về tương lai. Họ là “những dấu chỉ hy vọng trong xã hội” nhưng bị chao đảo bởi sự thiếu việc làm và cơ hội, điều này làm mờ đi những giấc mơ của họ. Nhưng “giết hại trẻ nhỏ cũng đồng nghĩa với việc chối bỏ tương lai”. Và cũng có nhiều trẻ em bị ảnh hưởng bởi ma túy và bị các băng đảng tội phạm kiểm soát. Đức Thánh Cha cảnh báo về chủ nghĩa cá nhân cực đoan ở các nước phát triển, đó là chất độc đối với trẻ nhỏ. Ngài nói thêm: “Đôi khi, các em bị ngược đãi hoặc thậm chí bị giết hại bởi chính những người phải bảo vệ và nuôi dưỡng các em; các em là nạn nhân của những cuộc cãi vã, của sự bất ổn xã hội hoặc tâm lý, và của sự lệ thuộc của cha mẹ”.

Tuổi thơ bị chối bỏ là tiếng kêu thầm lặng

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến những trẻ em chết trên biển, trong sa mạc, trên những chuyến đi đầy nguy hiểm, “trên những con đường hy vọng bị tuyệt vọng”. Một số chết vì thiếu sự chăm sóc hoặc do nhiều hình thức bóc lột khác nhau. Những bất công này, theo các tổ chức quốc tế, là một phần của “cuộc khủng hoảng đạo đức toàn cầu”.

Những con số bi kịch

Đức Thánh Cha đưa ra những con số phản ánh bi kịch của tuổi thơ bị chối bỏ: 40 triệu trẻ em phải di tản vì xung đột, khoảng 100 triệu trẻ không có nhà ở cố định, 170 triệu trẻ em “là nạn nhân của lao động cưỡng bức, nạn buôn người, lạm dụng và bóc lột dưới mọi hình thức, kể cả hôn nhân cưỡng ép”. Hiện tượng trẻ em không có người thân đi cùng ngày càng gia tăng.

Những đứa trẻ “vô hình”

Một bất công nghiêm trọng khác là khoảng 150 triệu trẻ em “vô hình” không có sự tồn tại hợp pháp cũng như không có cơ hội tiếp cận giáo dục hoặc chăm sóc y tế, khiến các em trở nên dễ bị tổn thương hơn và có thể rơi vào nạn buôn người, bị bán làm nô lệ.

Đức Thánh Cha mời gọi “nhớ đến những trẻ em Rohingya, thường gặp khó khăn trong việc đăng ký khai sinh, những trẻ em không có giấy tờ ở biên giới Hoa Kỳ, những nạn nhân đầu tiên của cuộc di cư tuyệt vọng và hy vọng của hàng ngàn người từ miền Nam lên Hoa Kỳ, và nhiều trẻ em khác”.

Bài học từ lịch sử

Đức Thánh Cha nhắc đến câu chuyện của ông bà của ngài về Thế chiến thứ nhất. Khi về già, những ký ức từ khi còn bé vẫn in sâu trong họ về “bóng tối, mùi hôi thối, cái lạnh, đói khát, bẩn thỉu, nỗi sợ hãi, cuộc sống lang thang, mất cha mẹ, mất nhà cửa, bị bỏ rơi và mọi hình thức bạo lực”. Và “đáng buồn thay, lịch sử áp bức trẻ em vẫn tiếp diễn”.

Những ánh mắt và sự im lặng biết nói

Đức Thánh Cha kết luận: Chúng ta cũng cần lắng nghe những người không có tiếng nói, như những đứa trẻ bị kết liễu bởi phá thai, “một hành động giết người cắt đứt nguồn hy vọng của toàn xã hội”. “Chúng ta phải nhận ra rằng trẻ nhỏ nhìn, hiểu và nhớ. Với ánh mắt và sự im lặng của mình, các em đang nói với chúng ta. Hãy lắng nghe các em!”

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-khong-gi-gia-tri-hon-su-song-cua-mot-dua-tre-quyen-cua-cac-em-bi-cha-dap-moi-ngay-42506.html

 

 

7. Tinh thần hiệp hành trong đào tạo tại các trường Công giáo Nigeria dành cho nữ sinh

Theo Sơ Justina Adejo, một nữ tu dòng Thánh Augustinô, tinh thần hiệp hành đã mang lại sự hướng dẫn hữu ích trong việc đào tạo các thiếu nữ tại các trường Công giáo Nigeria.

Michael Maduekwe

Sơ Justina Adejo, thuộc Dòng Thánh Augustinô Lòng Chúa Thương xót, đã chia sẻ kinh nghiệm của sơ về việc lắng nghe và chia sẻ theo tinh thần hiệp hành hữu ích như thế nào trong việc đào tạo các thiếu nữ tại trường trung học nội trú do dòng của sơ phụ trách.

Sơ nói với Vatican News: “Việc lắng nghe [các thiếu nữ] giúp chúng tôi có nhiều cơ hội tương tác với các em hơn và các em cảm thấy thoải mái khi tương tác với chúng tôi. Và cách tiếp cận đơn giản của chúng tôi khiến các em cảm thấy rằng có những người thực sự ở đây để lắng nghe các em, vì vậy các em tiến đến và chia sẻ [các vấn đề trong cuộc sống] của mình với chúng tôi”.

Sơ Adejo, hiện là Hiệu trưởng Trường Trung học Nữ sinh Đức Mẹ, được thành lập từ năm 2011, kể lại rằng, cách tiếp cận này đã giúp các thiếu nữ “trở nên ngay thẳng hơn về mặt đạo đức, cởi mở hơn, tự lập hơn và sẵn sàng đạt được các mục tiêu trong cuộc sống như những người phụ nữ có kỷ luật mà các em mong muốn”.

Hiệp hành có chủ đích

Để đảm bảo tính bền vững của nền văn hóa hiệp hành này trong trường, Sơ Adejo giải thích rằng trường có cả hệ thống và cách tiếp cận giúp học sinh dễ dàng chia sẻ hành trình của mình.

Sơ chia sẻ: “Chúng tôi tương tác với các em và luôn sẵn sàng hỗ trợ các em. Trong trường, chúng tôi có hệ thống hướng dẫn và tư vấn, nơi học sinh có thể gặp cô giáo hướng dẫn và tư vấn để chia sẻ với cô ấy, vì nếu bạn cởi mở và linh hoạt hơn, bạn sẽ thu hút các em đến với mình”.

Sơ nói thêm, “Chúng tôi có cuộc họp giữa các giáo viên vào mỗi thứ Hai; chúng tôi ngồi lại và lắng nghe nhau và cùng nhau xem xét những thách thức”.

Theo Sơ Adejo, những cách tiếp cận này tạo ra nhiều không gian hơn cho sự phát triển trong công tác tông đồ và giáo dục thanh thiếu niên.

Sứ mạng giáo dục

Nói về mối liên hệ giữa việc học ở trường và sứ mạng của các Nữ tu dòng Thánh Augustinô Lòng Chúa Thương xót, Sơ Adejo lưu ý rằng công tác học đường là cốt lõi trong sứ mạng của họ với tư cách là các nữ tu Thánh Augustinô, vì nó giúp hướng dẫn các thiếu nữ đến với Chúa Kitô.

Sơ kể lại: “Đối với chúng tôi, các nữ tu dòng Thánh Augustinô, nó đã góp phần vào sứ mạng của chúng tôi, bởi vì theo một cách nào đó, chúng tôi mang Chúa Kitô đến với các em và sau đó đưa các em đến với Chúa Kitô”.

Tính hiệp hành trong cộng đồng

Sơ Adejo cho biết tính hiệp hành hữu ích trong đời sống cộng đồng, vì nó mang đến cho mọi người cơ hội lắng nghe nhau và lắng nghe trái tim của chính mình và chia sẻ thành quả của những trải nghiệm như vậy.

Sơ nói rằng “Việc là các Nữ tu dòng Thánh Augustinô mở ra nhiều cánh cửa hơn để chúng tôi có nhiều thời gian hơn trong cầu nguyện, chia sẻ những điều chung gắn kết chúng tôi lại với nhau như những người chị em. Chúng tôi ngồi trong Nhà nguyện để tôn thờ Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể và sau đó khi chúng tôi ra ngoài, với tư cách là một cộng đồng, chúng tôi chia sẻ những điều chạm đến từng người trong chúng tôi”.

Hoa trái của cầu nguyện thầm lặng được thể hiện trong việc phục vụ

Mẹ Têrêsa thành Calcutta đã từng nói rằng “hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện, hoa trái của cầu nguyện là đức tin, hoa trái của đức tin là tình yêu, hoa trái của tình yêu là phục vụ và hoa trái của phục vụ là hòa bình”.

Sơ Adejo giải thích rằng các Nữ tu dòng Thánh Augustinô Lòng Chúa thương xót chia sẻ kinh nghiệm này và lưu ý rằng đời sống hiệp hành là điều thúc đẩy họ chia sẻ với những người khác bên ngoài cộng đồng.

“Khi chúng ta cùng nhau bước đi như một cộng đồng, chúng ta cũng có thể tiến về phía trước để chia sẻ với những người khác đang sống cùng chúng ta”.

Sơ nói rằng đời sống hiệp hành “mở ra nhiều cánh cửa hơn để chúng ta chia sẻ nhiều hơn về cuộc sống của mình và giáo huấn của Giáo hội”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/tinh-than-hiep-hanh-trong-dao-tao-tai-cac-truong-cong-giao-nigeria-danh-cho-nu-sinh-42516.html

 

 

8. Phỏng vấn ĐHY Koovakad, tân Tổng trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn

Trong một cuộc phỏng vấn sau khi được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ phụ trách các tôn giáo ngoài Kitô giáo, Đức Hồng y Koovakad cho biết ngài “ngạc nhiên, vui mừng và rất lo lắng trước trách nhiệm lớn lao khi kế nhiệm một người khôn ngoan và tốt bụng như Đức Hồng y Ayuso, và một người có đức tin sâu sắc và là người không mệt mỏi xây dựng hòa bình như Đức Hồng y Tauran”.

Vatican News

Sáng ngày 24/1 vừa qua, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Hồng y người Ấn Độ George Jacob Koovakad, người chịu trách nhiệm về các chuyến Tông du nước ngoài của Đức Thánh Cha, làm Tổng trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn kế nhiệm Đức Hồng y Ayuso Guixot, qua đời vào tháng 11 năm ngoái. Đức Hồng y Koovakad cũng tiếp tục đảm nhận vai trò điều phối viên các chuyến tông du của Đức Thánh Cha.

Đức Hồng y Koovakad, 51 tuổi, sinh ngày 11 tháng 8 năm 1973 tại Chethipuzha, Ấn Độ. Ngài gia nhập ngành ngoại giao của Tòa Thánh, được bổ nhiệm làm Thư ký tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Algeria. Kể từ đó, ngài đã phục vụ tại nhiều Tòa Sứ thần khác nhau: từ năm 2009 tại Hàn Quốc, từ năm 2012 tại Iran, từ năm 2015 tại Costa Rica với vai trò Tham tán, và từ năm 2018 tại Venezuela.

Từ năm 2020, Đức Hồng y Koovakad làm việc tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, trong phân bộ Các Vấn đề Tổng quát. Năm 2021, Đức Thánh Cha đã giao cho ngài trách nhiệm tổ chức các chuyến tông du. Vào ngày 25 tháng 10 năm 2024, ngài được bổ nhiệm làm Tổng giám mục hiệu tòa Nisibi thuộc Giáo hội Chaldea, và được thụ phong giám mục vào ngày 24 tháng 11 cùng năm. Ngài được thăng Hồng y tại Công nghị Hồng y ngày 7 tháng 12 năm 2024, thuộc Đẳng Phó tế với Nhà thờ Hiệu tòa Thánh Antôn Padua tại Circonvallazione Appia.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn Đức Hồng y Koovakad

** Thưa Đức Hồng y, ngài đón nhận đề cử của Đức Thánh Cha như thế nào?

- Với lòng biết ơn sâu sắc Đức Thánh Cha Phanxicô. Trước đây chưa đầy hai tháng, ngài đã bất ngờ chọn tôi vào Hồng y đoàn, bổ nhiệm tôi làm Tổng giám mục và hiện giao phó cho tôi một Thánh bộ mà không lâu trước đây được lãnh đạo bởi một người khôn ngoan và tốt bụng như Đức Hồng y Miguel Ángel Ayuso Guixot và trước ngài là Đức Hồng y Tauran, một người có đức tin sâu sắc và là người, cho đến cuối đời, không mệt mỏi xây dựng hòa bình. Và tôi thú nhận rằng điều này khiến tôi rất lo lắng và cảm thấy mình không đủ năng lực. Đồng thời, tôi rất tin tưởng vào lời cầu nguyện của tất cả những người không ngừng mơ ước về một thế giới mà sự đa dạng tôn giáo không chỉ cùng tồn tại trong hòa bình với nhau mà còn là yếu tố không thể thay thế trong việc xây dựng hòa bình giữa các dân tộc. Tôi tin tưởng vào sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha và con đường mà những người đi trước tôi đã vạch ra với sự khôn ngoan sâu sắc. Và trên hết, tôi tin tưởng vào sự trợ giúp của các cộng tác viên của Bộ, những người mà tôi đã gặp trong những giờ qua và đã chào đón tôi với tình thân hữu và khiến tôi cảm thấy như ở trong gia đình.

** Đức Hồng y chào đời cách đây 51 năm tại Chethipuzha, Kerala. Là một người Ấn Độ, mặc dù đã sống xa quê hương nhiều năm, ngài vẫn mang trong “máu” mình chủ đề sự chung sống giữa các tín ngưỡng tôn giáo rất khác nhau...

- Đúng vậy, tôi sinh ra và lớn lên trong một xã hội đa văn hóa và đa tôn giáo, nơi mọi tôn giáo đều được tôn trọng và đảm bảo sự hòa hợp. Sự khác biệt chính là sự phong phú! Tôi muốn nhấn mạnh rằng ở Ấn Độ, theo truyền thống, đối thoại liên tôn gắn liền với đời ẩn tu. Ngay từ năm 1500, tu sĩ dòng Tên Roberto De Nobili đã mặc quần áo và trang phục của các tu sĩ Ấn Độ, học ngôn ngữ địa phương và cố gắng tiếp thu mọi thứ có thể được đánh giá cao của những truyền thống này. Nỗ lực này không phải là không có rủi ro, ngay cả khi, như Đức Giáo hoàng đã dạy chúng ta, đi ra khỏi chính mình và bước đi, chúng ta sẽ mạo hiểm điều gì đó. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh là thái độ cởi mở, thông cảm và gần gũi với các truyền thống khác. Đức tin Kitô giáo có khả năng hội nhập văn hóa: Người Kitô hữu được kêu gọi trở thành hạt giống của tình huynh đệ cho tất cả mọi người. Tất cả những điều này không có nghĩa là từ bỏ căn tính của mình mà là nhận thức rằng căn tính không phải là hoặc không bao giờ nên là lý do để dựng lên những bức tường hoặc phân biệt đối xử với người khác, mà luôn là cơ hội để xây dựng những cây cầu. Đối thoại liên tôn không chỉ đơn thuần là đối thoại giữa các tôn giáo, mà còn giữa những tín đồ được kêu gọi làm chứng trên thế giới về vẻ đẹp của niềm tin vào Thiên Chúa và thực hành tình bác ái huynh đệ và sự tôn trọng.

** Một trong những nhiệm vụ của Bộ mới của Đức Hồng y là tương quan với thế giới Hồi giáo. Ngài có thể cho biết thêm về điều này không?

- Công đồng chung Vatican II đã mở ra một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ với các tôn giáo khác và do đó cả với Hồi giáo. Tôi muốn nhắc lại những lời nói và cử chỉ mang tính ngôn sứ, chẳng hạn như lời của Thánh Phaolô VI, khi hành hương đến Uganda năm 1969, đã tỏ lòng tôn kính những vị tử đạo Kitô giáo đầu tiên ở Châu Phi bằng cách so sánh các tín đồ Hồi giáo với các vị tử đạo đã chịu đau khổ dưới bàn tay của các vua chúa của các bộ lạc địa phương. Tôi cũng nhớ lại những lời mà Thánh Gioan Phaolô II đã nói với những người Hồi giáo trẻ tuổi ở Casablanca, Morocco, vào năm 1985, khi ngài nói với họ: “Chúng ta tin vào cùng một Thiên Chúa, Thiên Chúa duy nhất, Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa Đấng tạo dựng thế giới và hoàn thiện các thụ tạo của Người”. Mười sáu năm sau, chính vị Giáo hoàng này, trong chuyến thăm Syria, đã lần đầu tiên bước qua ngưỡng cửa của một đền thờ Hồi giáo khi bước vào đền thờ Hồi giáo của người Umayyadi ở Damasco. Hình ảnh Đức Biển Đức XVI lặng lẽ bên trong Đền thờ Hồi giáo Xanh ở Istanbul năm 2006 vẫn còn sống mãi trong ký ức của chúng ta. Và làm sao chúng ta không nhắc đến nhiều bước đi của Đức Thánh Cha Phanxicô, chẳng hạn như việc ký kết văn kiện về Tình huynh đệ nhân loại cùng với Đại Imam của Al-Azhar Ahmad Al-Tayyeb vào ngày 4 tháng 2 năm 2019 tại Abu Dhabi, và vào năm sau đã công bố thông điệp Fratelli tutti.

** Hầu hết các sự kiện ngài trích dẫn đều liên quan đến các cuộc hành hương của các Giáo hoàng và điều này khiến con liên tưởng đến những gì đã nói cho đến nay với vai trò của ngài là người tổ chức các chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô...

- Đúng thế. Các chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha hầu như luôn có ý nghĩa liên tôn, các cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo của các tôn giáo khác, những khoảnh khắc sống động của tình huynh đệ: Tôi chỉ nghĩ đến chuyến viếng thăm mới đây tại Châu Á và Châu Đại Dương, vào tháng 9 năm ngoái, khi Đức Thánh Cha Phanxicô làm phép “Đường hầm hữu nghị” nối đền thờ Hồi giáo với nhà thờ chính tòa ở Jakarta, Indonesia. Tôi rất cảm động trước cử chỉ hữu nghị của Đại Imam Nasaruddin Umar. Cùng với Sứ thần Tòa Thánh và các cộng tác viên của Văn phòng tổ chức các chuyến Tông du thuộc Phủ Quốc vụ khanh – những người mà tôi cảm ơn vì công việc họ đã làm – chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng, trong cuộc đối thoại với các nhà chức trách Hồi giáo, chuyến thăm Dubai được dự kiến vào đầu tháng 12 năm 2023 nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu Cop28. Chuyến đi này sau đó bị hủy vài ngày trước khi khởi hành do Đức Thánh Cha cần nghỉ dưỡng. Và tôi cũng muốn đề cập đến trải nghiệm tuyệt vời mà tôi đã có vài tháng trước ở Mông Cổ, nơi chỉ có 1,3 phần trăm dân số là Kitô hữu. Không thể không kể đến các chuyến tông du tới Kazakhstan và Bahrain. Bối cảnh của Bộ Đối thoại Liên tôn hoàn toàn mới đối với tôi, nhưng tôi tin rằng những kinh nghiệm mà tôi đã có cho đến nay và sẽ tiếp tục có tại Văn phòng tổ chức các chuyến Tông du thuộc Phủ Quốc vụ khanh đã và sẽ hữu ích cho tôi. Cũng như tôi hy vọng việc phục vụ tại các Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Algeria, Hàn Quốc và Iran sẽ hữu ích với tôi: vào năm 2021, tôi vẫn chưa tham gia vào các chuyến đi của Đức Thánh Cha, nhưng những hình ảnh về cuộc đối thoại của Đức Thánh Cha với Đại Giáo chủ Hồi giáo Sayyid Ali al-Sistani ở Najaf trong chuyến thăm lịch sử của ngài tại Iraq vẫn còn in sâu trong ký ức của tôi.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/phong-van-dhy-koovakad-tan-tong-truong-bo-doi-thoai-lien-ton-42517.html

 

 

9. Các nhà giáo dục Công giáo được khuyến khích truyền lửa đam mê và mục đích sống ngang qua Chúa Giêsu

Đức Hồng Y William Goh của Singapore đã khuyến khích các nhà giáo dục Công giáo hãy tự tin giới thiệu Chúa Giêsu cho giới trẻ, đồng thời khẳng định rằng việc này sẽ mang lại cho các học sinh niềm đam mê, mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống.

Vatican News

Đức Hồng Y chia sẻ trong lễ tốt nghiệp tại Nhà thờ chính Toà Chúa Chiên Lành rằng: “Khi anh chị em trao Chúa Giêsu cho giới trẻ, họ sẽ có đam mê, có mục đích, niềm vui và ý nghĩa; họ sẽ trở nên vị tha và tạo nên sự khác biệt tích cực cho xã hội”.

Giáo dục Công giáo: Hành trình giúp giới trẻ khám phá căn tính và ơn gọi

Chia sẻ với khoảng 500 nhà giáo dục Công giáo, quản lý trường học, học sinh và phụ huynh, Đức Hồng Y Goh, người đứng đầu Ủy ban Các Trường Công giáo Tổng giáo phận (ACCS), nhấn mạnh vai trò quan trọng của các nhà giáo dục trong việc định hình tư duy và tâm hồn giới trẻ.

Theo trang tin chính thức của Giáo hội Công giáo Singapore, Đức Hồng Y Goh nhắc đến những khó khăn mà nhiều bạn trẻ phải đối mặt, chẳng hạn như lòng tự trọng thấp, thường xuất phát từ việc so sánh bản thân với bạn bè và thiếu nhận thức về những tài năng đặc biệt mà họ được ban tặng.

“Các nhà giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh khám phá và phát triển những tài năng độc đáo của mình”, ngài nói, đồng thời nhấn mạnh rằng những học sinh tài năng cũng cần nhận ra rằng khả năng của họ là công cụ để phục vụ lợi ích chung.

Ngài nói thêm: “Chúng ta phải khiêm tốn nhận ra rằng chính Thiên Chúa ban cho chúng ta những khả năng và tài năng, để chúng ta sử dụng chúng trong việc phục vụ người khác”.

Giáo dục Công giáo: Không chỉ là thành tích học tập

Đức Hồng Y cũng phân biệt giáo dục Công giáo với các cơ sở giáo dục thế tục, nhấn mạnh rằng giáo dục Công giáo không chỉ hướng đến sự xuất sắc trong học tập, mà còn giúp học sinh khám phá căn tính của mình là con cái Thiên Chúa.

Ngài nói: “Mối quan hệ của người trẻ với Thiên Chúa có thể tạo nên sự thay đổi sâu sắc trong cuộc đời họ và trong xã hội. Mối liên kết này thúc đẩy họ trở thành những nhà lãnh đạo phục vụ đầy đam mê, đóng góp tích cực cho xã hội”.

Trao sứ mạng và ánh sáng Đức Kitô cho các tân hiệu trưởng

Trong buổi lễ, Đức Hồng Y Goh đã trao sứ vụ cho tám vị tân hiệu trưởng của các trường Công giáo, tất cả đều là nữ, và biểu tượng được trao cho mỗi người là một cây nến đã được thắp sáng, tượng trưng cho Đức Kitô.

Ngài khuyến khích họ duy trì các giá trị của sự thật, công bằng, tự do và tình yêu trong sứ vụ lãnh đạo của mình.

Đức Hồng Y William Goh đã kết luận với lời nhắc những nhà giáo dục Công giáo về sứ mạng cao cả của mình: không chỉ dạy kiến thức, mà còn dẫn dắt giới trẻ đến với Chúa Giêsu, Đấng mang lại ý nghĩa và mục đích đích thực cho cuộc sống. Đây chính là nền tảng để xây dựng một xã hội nhân ái và công bằng hơn.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/cac-nha-giao-duc-cong-giao-duoc-khuyen-khich-truyen-lua-dam-me-va-muc-dich-song-ngang-qua-chua-giesu-42520.html

 

 

10. ĐHY Tagle: Đối thoại là liều thuốc giải độc cho sự nghi ngờ và thù địch

Tại buổi khai mạc lễ trao giải thưởng “Zayed (đọc là za-zed) vì Tình Huynh đệ Nhân loại” diễn ra tại Abu Dhabi hôm 4/2, Đức Hồng Y Luis Tagle, Phụ trách Phân Bộ Loan báo Tin Mừng lần đầu và các Giáo hội đặc biệt mới, đã có bài phát biểu và nhấn mạnh đến sự đối thoại và gặp gỡ như là liều thuộc giải độc duy nhất.

Vatican News

Giải thưởng “Zayed vì Tình Huynh đệ Nhân loại” được thành lập vào năm 2019, được khởi hứng từ Tài liệu về “Tình Huynh đệ Nhân loại vì Hòa bình Thế giới và Chung sống” được ký kết vào ngày 4 tháng 2 cùng năm tại Abu Dhabi bởi Đức Thánh Cha Phanxicô và Đại Imam của Al-Azhar, Sheikh Ahmed al-Tayyeb.

Đối thoại là giải pháp duy nhất

Đức Hồng y Tagle, với tư cách là đại diện Tòa Thánh, đã khẳng định với những người hiện diện rằng Giáo hội Công giáo nhìn nhận và ủng hộ “giá trị của việc thúc đẩy tình bạn và sự tôn trọng giữa những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau”. Đồng thời, ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của những yếu tố này trong thế giới ngày nay, “khi mà một mặt, thế giới dường như đã trở nên ‘nhỏ hơn’ bao giờ hết, và mặt khác, hiện tượng di cư đã làm gia tăng sự tiếp xúc giữa các cá nhân và cộng đồng thuộc nhiều truyền thống, văn hóa và tôn giáo khác nhau”.

Đức Hồng y Tagle cho biết: “Tại nhiều nơi trên thế giới, có những tình huống mà sự chung sống trở nên vô cùng khó khăn, nơi mà các động cơ chính trị hoặc kinh tế lợi dụng sự khác biệt văn hóa hoặc tôn giáo, khơi gợi những hiểu lầm hoặc sai lầm trong quá khứ, và dẫn đến một bầu khí nghi ngờ và sợ hãi”. Do đó, ngài mời gọi mọi người suy tư về đối thoại như “liều thuốc giải độc duy nhất cho tình trạng này”.

Đức Hồng y nhấn mạnh: “Mỗi khi chúng ta đi theo con đường này, con đường được vạch ra bởi Tài liệu về Tình Huynh đệ Nhân loại, chúng ta sẽ trở nên thực sự nhân văn hơn”. Ngài cũng nhắc nhớ rằng trong các xã hội thế tục hóa, nơi “tôn giáo bị coi là thứ vô dụng hoặc thậm chí nguy hiểm, và người ta thường nghĩ rằng sự chung sống chỉ có thể xảy ra nếu mọi người gạt niềm tin tôn giáo của mình vào lĩnh vực riêng tư hoặc gặp gỡ trong những không gian ‘trung lập’, không có bất kỳ tham chiếu nào đến chiều kích siêu việt”, thì đối thoại chính là giải pháp khả thi duy nhất.

Đức Hồng y kết luận: “Không thể nghĩ rằng tình huynh đệ có thể ‘được tạo ra trong phòng thí nghiệm’. Tất nhiên, mọi người cần tôn trọng những xác tín chân thành của người khác, kể cả những người không tin, nhưng chúng ta cũng cần có can đảm và kiên nhẫn để làm điều đó trong khi vẫn trung thành với con người và niềm tin của mình”. Ngài cũng nhấn mạnh rằng “việc công nhận và tuyên bố quyền cơ bản về tự do tôn giáo trong mọi chiều kích của nó là điều thiết yếu cho hòa bình thế giới và sự chung sống”.

Giải thưởng Zayed

Kể từ khi được thành lập (2019), Giải thưởng Zayed vì Tình Huynh đệ Nhân loại đã được trao cho 16 cá nhân và tổ chức, bao gồm 11 cá nhân và 5 tổ chức. Hơn nữa, 66 quốc gia đã tham gia vào quá trình đề cử. Năm nay, giải thưởng được trao cho Tổ chức Nhân đạo World Central Kitchen, một tổ chức cung cấp thực phẩm cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng và xung đột. Thủ tướng Cộng hòa Barbados, bà Mia Mottley, cũng được vinh danh vì những nỗ lực của bà trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Một giải thưởng khác được trao cho nhà phát minh người Mỹ gốc Ethiopia, Heman Bekele, 15 tuổi, đã phát triển một loại xà phòng giá rẻ giúp ngăn ngừa và điều trị ung thư da giai đoạn đầu.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dhy-tagle-doi-thoai-la-lieu-thuoc-giai-doc-cho-su-nghi-ngo-va-thu-dich-42521.html

 

 

11. Suy tư của các Giáo Hoàng về trách nhiệm của giới Truyền Thông trong việc thông tin

Vatican News (05/02/2025) - Các Đức Giáo hoàng đã liên tục suy tư về trách nhiệm của giới truyền thông trong việc truyền đạt và phát tin tức: đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, đó luôn là một cuộc "trao đổi qua lại", một cuộc đối thoại không được đầu hàng trước “logic của phe đối lập”.

Kể từ buổi bình minh của lịch sử loài người, truyền thông là một hoạt động có ảnh hưởng đến mọi người. Bởi vì việc truyền tải một thông điệp, thiết lập mối quan hệ với người khác trong một bối cảnh, cũng chịu ảnh hưởng của các giá trị và phong tục, thông qua ngôn ngữ và các công cụ truyền tải khác nhau. Trong số đó, sách vở đã đóng vai trò chính trong nhiều thế kỷ. Sự phát triển của truyền thông đã kéo theo những thay đổi sâu sắc. Phát minh về in ấn vào thế kỷ 15 đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc lưu thông ý tưởng và kiến thức. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XX, sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông đại chúng đã mang truyền thông đại chúng đến với đối tượng khán giả không chỉ là độc giả mà còn là người nghe và xem truyền thanh truyền hình. Báo chí, phim ảnh, phát thanh và truyền hình đã có tác động đáng kể đến cấu trúc xã hội. Gần đây hơn, các phương tiện viễn thông kết nối computer đã đặc trưng cho các hiện tượng hiện tại như toàn cầu hóa cho đến khi xuất hiện kỷ nguyên truyền thông xã hội và cả trí tuệ nhân tạo.

Sự kiện lớn đầu tiên trong số 36 sự kiện của Năm Thánh này được dành riêng cho thế giới truyền thông. Đó là Năm Thánh Truyền thông, đã diễn ra từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 1, với sự tham gia của nhiều nhà báo, nhà điều hành phương tiện truyền thông, quản lý phương tiện truyền thông xã hội, kỹ thuật viên âm thanh và video, và các nhà khoa học máy tính.

Các Giáo hoàng đã liên tục suy tư về trách nhiệm của giới truyền thông trong việc truyền đạt và phổ biến tin tức.

Truyền thông là một trách nhiệm

Trong suốt chiều dài lịch sử, các Giáo hoàng thường nhấn mạnh đến giá trị của truyền thông và nhiều lần nhắc lại rằng việc biết và được thông tin là một quyền cơ bản của con người. Việc phổ biến lời nói, tin tức, hình ảnh, tư tưởng, văn hóa trước hết là một trách nhiệm: đó là tìm kiếm và quảng bá chân lý. Trong Thông điệp “Pacem in Terris”, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII tuyên bố rằng mọi người đều có quyền được tiếp cận thông tin cách khách quan. Ngày nay, khả năng giao tiếp và truyền tải tin tức đã tăng lên gấp bội. Nhưng khả năng thực sự hiểu nhau không phải lúc nào cũng phát triển và kinh nghiệm như xảy ra trong tường thuật Tháp Babel trong Kinh Thánh có nguy cơ lặp lại. Đặc biệt trong thời gian gần đây, với sự ra đời của công nghệ số, đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ về hình thức và ngôn ngữ thông tin. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng chỉ ra mối nguy hiểm khi nhìn thấy trí tuệ của con người bị bóp nghẹt bởi tốc độ và bản chất thường phân tán của thông tin.

Thánh Giáo hoàng Phaolô VI: Giáo Hội và Truyền thông Xã hội

Bất chấp những bóng tối này, truyền thông và thông tin có thể soi sáng con đường của con người và Năm Thánh hy vọng. Sắc lệnh “Inter mirifica” của Công đồng nhấn mạnh rằng những khả năng truyền thông mới, được đảm bảo bởi “những phát minh kỹ thuật tuyệt vời”, có thể tiếp cận và ảnh hưởng đến quần chúng và toàn thể nhân loại. Tài liệu viết: “Trách nhiệm đạo đức đặc biệt liên quan đến việc sử dụng đúng đắn các công cụ truyền thông xã hội thuộc về các nhà báo, nhà văn, diễn viên, đạo diễn, nhà xuất bản và nhà sản xuất, lập trình viên, nhà phân phối và người bán, nhà phê bình và bất kỳ ai khác trong bất kỳ cách tham gia nào vào việc chuẩn bị và truyền tải thông tin liên lạc”. Nhưng truyền thông xã hội thực chất là gì? Đức Phaolô VI đã tự hỏi chính câu hỏi này trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng (Regina Caeli) vào ngày 23 tháng 5 năm 1971:

Truyền thông xã hội là gì? Chúng là phương tiện, công cụ, phương tiện mà qua đó con người truyền tải cho nhau các tin tức, thông tin, ý kiến, phán đoán, phê bình, ý định, giáo huấn, tuyên truyền, suy nghĩ. Đó là tổng hợp ngôn ngữ của các cuộc trò chuyện, các huấn thị và tranh luận mà con người trao đổi với nhau. Đó là hoạt động trao đổi ngôn từ, tin tức, ý tưởng lưu hành trong xã hội, một hoạt động trao đổi ngày càng mở rộng và có xu hướng mang tính toàn cầu. Kỹ thuật in ấn, phát thanh và truyền hình hiện đại giúp cho việc truyền bá giọng nói và hình ảnh về cuộc trò chuyện và văn hóa giữa con người với nhau trở nên cực kỳ nhanh chóng, hấp dẫn và ấn tượng. Đây chẳng phải là một đặc điểm và sự thật chủ đạo trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta sao? Trong nền văn minh hiện đại của chúng ta? Không ai có thể phủ nhận điều đó. Đây chính là lý do tại sao Giáo hội cũng phải quan tâm đến vấn đề này.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I: truyền thông là sự hiệp thông

Giáo hội cũng phải quan tâm đến vấn đề này bởi vì các công cụ truyền thông có thể thiết lập “mối liên hệ sâu sắc với các giá trị nhân văn và kỳ vọng của xã hội”. Đây là điều Đức Giáo hoàng Gioan PhaolôI nhấn mạnh trong bài phát biểu trước các đại diện báo chí quốc tế vào ngày 1 tháng 9 năm 1978.

Di sản thiêng liêng mà Công đồng Vatican II và những vị tiền nhiệm của chúng ta là Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI để lại cho chúng ta, mời gọi chúng ta đoan hứa sẽ đặc biệt chú ý, hợp tác thẳng thắn, trung thực và hiệu quả với các công cụ truyền thông xã hội, mà anh chị em đại diện ở đây. (...) Chúng ta không che giấu với mình những nguy cơ của sự đại chúng hóa và san bằng mà những phương tiện như vậy mang lại, với những đe dọa có thể có đối với nội tâm của cá nhân, đối với khả năng suy tư cá nhân, đối với tính khách quan trong phán đoán của cá nhân. Nhưng chúng ta cũng biết những khả năng mới mẻ và hạnh phúc mà chúng mang lại cho con người ngày nay, để hiểu biết và tiếp cận tốt hơn với những người đồng loại, để cảm nhận rõ hơn khát vọng công lý, hòa bình, tình anh em của họ, để thiết lập mối quan hệ sâu sắc hơn của sự tham gia, của sự hiểu biết, đoàn kết hướng tới một thế giới công bằng và nhân đạo hơn. Nói tóm lại, chúng tôi biết mục tiêu lý tưởng mà mỗi người trong anh chị em, bất chấp những khó khăn và thất vọng, đều hướng nỗ lực của mình tới, đó là đạt tới một “sự hiệp thông” chân thực và trọn vẹn hơn thông qua “giao tiếp”.

Đức Gioan Phaolô II: Thông tin là tôn trọng sự thật

Đối với thế giới truyền thông và đặc biệt là giới báo chí, cần có một sự lựa chọn cơ bản: “dịch vụ truyền thông xã hội, nhằm làm giàu kiếnthức và di sản giáo dục của cá nhân và cung cấp cho cộng đồng một công cụ hiệu quả để phát triển dân sự, tinh thần và đạo đức”. Chính trong bối cảnh này, Thánh Giáo hoàng Gioan PhaolôII đã phát biểu trước một phái đoàn các nhà báo, được định nghĩa là “những người điều hành, người phục vụ, nghệ sĩ của lời Chúa”.

Ngài nói: "Tôn trọng sự thật đòi hỏi sự cam kết nghiêm túc, nỗ lực nghiên cứu, xác minh, đánh giá chính xác và tỉ mỉ. Vào thời điểm này, tôi muốn hướng sự chú ý của mình vào chân trời giáo hội trong giây lát. Người tiền nhiệm của tôi là Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I - người mà, như anh chị em biết, có sự quen thuộc đặc biệt với báo chí - tại chính hội trường này, trong số những lời lẽ thân thiện mà ngài dành cho những người đại diện của các phương tiện truyền thông xã hội, đã nhấn mạnh đến nhu cầu ‘đi vào tầm nhìn của Giáo hội, khi chúng ta nói về Giáo hội’. Đức Gioan Phaolô II nói thêm: “Tôi chân thành yêu cầu anh chị em, thực sự tôi yêu cầu anh chị em cũng đóng góp vào việc bảo vệ trong xã hội ngày nay sự cân nhắc sâu sắc đối với những điều của Thiên Chúa và đối với tương quan huyền nhiệm giữa Thiên Chúa và mỗi người chúng ta, điều tạo nên chiều kích thiêng liêng của thực tế con người”.

Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI: Truyền thông là làm chứng choquan điểm của một người

Thiên niên kỷ thứ ba, được đánh dấu bằng sự lan rộng của Internet và những khả năng mà các kênh kỹ thuật số mới và trí tuệ nhân tạo mang lại, không chỉ đòi hỏi việc tìm kiếm sự thật mà còn đòi hỏi một chứng tá xác thực, gắn kết chặt chẽ với những gì được truyền đạt. Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI đã tập trung vào nhu cầu này trong bài phát biểu của ngài vào ngày 28 tháng 2 năm 2011 trước những người tham dự Hội nghị toàn thể của Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội:

Các ngôn ngữ mới đang phát triển trong giao tiếp kỹ thuật số xác định, trong số những thứ khác, khả năng trực quan và cảm xúc nhiều hơn là phân tích, chúng hướng đến một tổ chức logic khác về tư duy và mối quan hệ với thực tế, chúng thường ưu tiên hình ảnh và liên kết siêu văn bản. Sự phân biệt rõ ràng theo truyền thống giữa ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói dường như đang phai nhạt dần để ủng hộ hình thức giao tiếp bằng văn bản được định dạng và tính trực tiếp của ngôn ngữ nói. Tính năng động của “mạng lưới tham gia” cũng đòi hỏi người đó phải tham gia vào nội dung mình giao tiếp. Khi mọi người trao đổi thông tin, họ đang chia sẻ bản thân và tầm nhìn của mình về thế giới: họ trở thành “nhân chứng” cho điều mang lại ý nghĩa cho sự tồn tại của họ. Tất nhiên, những rủi ro mà chúng ta phải đối mặt thì ai cũng thấy: mất đi sự sâu sắc, hời hợt trong các mối quan hệ, chạy trốn vào cảm xúc, coi trọng ý kiến thuyết phục nhất hơn là mong muốn tìm kiếm sự thật. Tuy nhiên, chúng lại là hậu quả của việc không có khả năng trải nghiệm trọn vẹn và chân thực ý nghĩa của những đổi mới. Đây là lý do tại sao việc xem xét lại các ngôn ngữ được phát triển bởi các công nghệ mới lại trở nên cấp thiết. Điểm khởi đầu chính là Sách Khải Huyền, chứng thực cách Thiên Chúa truyền đạt những điều kỳ diệu của Người một cách chính xác bằng ngôn ngữ và kinh nghiệm thực tế của con người, “theo nền văn hóa riêng của mỗi thời đại” cho đến khi Người được biểu lộ trọn vẹn trong Chúa Con Nhập Thể.

Đức Thánh Cha Phanxicô: truyền thông không phải là đối lập mà là đối thoại

Việc xem xét các ngôn ngữ được phát triển cho các công nghệ mới, những ngôn ngữ kết nối với mạng xã hội là hết sức cấp thiết. Các công cụ có thể rất hiệu quả nhưng điều quyết định trên hết là nội dung được chia sẻ và giọng điệu được sử dụng. Điều cần phải thắng thế, ngay cả trong lĩnh vực truyền thông, không phải là sự thù hận và đối lập mà là logic của đối thoại và hiểu biết. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại điều này trong bài phát biểu của ngài nhân dịp trao Giải thưởng “È giornalismo” vào ngày 26 tháng 8 năm 2023.

Văn hóa kỹ thuật số đã mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội giao lưu mới, nhưng nó cũng có nguy cơ biến truyền thông thành khẩu hiệu. Không, truyền thông vẫn luôn là cuộc trao đổi qua-lại. Tôi nói, tôi lắng nghe và tôi phản hồi, nhưng luôn luôn trong trạng thái đối thoại. Đây không phải là một khẩu hiệu. Ví dụ, tôi lo ngại về sự thao túng của những người vì lợi ích cá nhân mà phát tán tin giả để tác động đến dư luận. Xin hãy đừng đầu hàng trước logic của phe đối lập, đừng để bản thân bị ảnh hưởng bởi những lời nói thù hận. Trong thời điểm bi thảm mà châu Âu đang trải qua, với cuộc chiến vẫn tiếp diễn ở Ucraina, chúng ta được kêu gọi phải gánh vác trách nhiệm lớn hơn. Hy vọng của tôi là không gian sẽ được dành cho những tiếng nói của hòa bình, cho những người cam kết chấm dứt cuộc xung đột này và nhiều cuộc xung đột khác, cho những người không đầu hàng trước logic của “kẻ mạnh thắng kẻ yếu” về chiến tranh mà vẫn tiếp tục tin tưởng, bất chấp mọi thứ, theo logic của hòa bình, theo logic của đối thoại, theo logic của ngoại giao.

Do đó, hãy cổ võ truyền thông có trách nhiệm, trong đó việc tìm kiếm đối thoại và chân lý sẽ mang lại phẩm giá đích thực cho các dân tộc, cho các cá nhân. Đây là một số hy vọng mà các Giáo hoàng, tại nhiều thời điểm khác nhau trong lịch sử, đã bày tỏ để đưa trách nhiệm của thế giới truyền thông và thông tin đến gần hơn với những kỳ vọng sâu sắc nhất của con người.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/suy-tu-cua-cac-giao-hoang-ve-trach-nhiem-cua-gioi-truyen-thong-trong-viec-thong-tin-42522.html

 

 

12. Đức Thánh Cha bị viêm phế quản: Các buổi tiếp kiến sắp tới tại Nhà Thánh Marta

Phòng Báo chí Toà Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô bị viêm phế quản và trong những ngày tới, các buổi tiếp kiến của ngài sẽ diễn ra tại Nhà Thánh Marta trong nội thành Vatican.

Vatican News

Trong thông báo gửi đến các nhà báo, Phòng Báo chí Toà Thánh cho biết: “Do tình trạng viêm phế quản trong những ngày này và để tiếp tục các hoạt động, các buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha Phanxicô vào thứ Sáu, ngày 7/2, và thứ Bảy, ngày 8/2, sẽ diễn ra tại Nhà Thánh Marta”.

Sáng thứ Năm, ngày 6/2, Đức Thánh Cha cũng đã thực hiện các buổi tiếp kiến theo lịch trình tại nơi cư trú của ngài trong nội thành Vatican thay vì tại Dinh Tông Toà. Ngài đã tiếp các linh mục và đan sĩ trẻ của các Giáo hội Chính Thống Đông phương đang có chuyến thăm học tập tại Roma. Sau đó ngài đã gặp các bác sĩ sản khoa và nhân viên y tế đến từ các tỉnh miền nam Calabria, Ý.

Trước đó, trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư (5/2) tại Đại thính đường Phaolô VI, cha Pierluigi Giroli, một nhân viên của Phủ Quốc Vụ Khanh, đã đọc bài giáo lý của Đức Thánh Cha, trong khi chính ngài trực tiếp đọc lời kêu gọi cầu nguyện cho “các quốc gia đang chịu cảnh chiến tranh”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-bi-viem-phe-quan-cac-buoi-tiep-kien-sap-toi-tai-nha-thanh-marta-42525.html

 

 

13 Chủ đề của Ngày Ông Bà và Người Cao Tuổi sắp tới: “Phúc thay ai không đánh mất hy vọng”

Sáng thứ Ba 4/2, Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống công bố chủ đề cho ngày thế giới ông bà và người cao tuổi sẽ được cử hành vào Chúa Nhật 27/7. Chủ đề được trích từ sách Huấn Ca - “Phúc thay ai không đánh mất niềm hy vọng” - chỉ ra rằng niềm hy vọng đặt nơi Chúa chính là con đường của tuổi già trong tinh thần Kitô giáo và hòa giải.

Vatican News

Trong Năm Thánh hy vọng, Ngày Thế Giới Ông Bà và Người Cao Tuổi muốn trở thành dịp để suy tư về cách sự hiện diện của ông bà và người cao tuổi có thể trở thành dấu chỉ của niềm hy vọng trong mỗi gia đình và cộng đoàn giáo hội.

Ngày Thế giới ông bà và Người cao tuổi năm nay sẽ diễn ra sau Năm Thánh dành cho các gia đình, trẻ em, ông bà và người cao tuổi, được tổ chức từ ngày 30 tháng 5 đến ngày 1 tháng 6. Năm ngoái, trong sứ điệp nhân Ngày Thế Giới Ông Bà và Người Cao Tuổi lần thứ tư với chủ đề “Xin đừng bỏ rơi con lúc tuổi già xế bóng”, Đức Thánh Cha đã lên án sự lan rộng của lối sống cá nhân chủ nghĩa, trong đó người cao tuổi thường bị coi là gánh nặng và chi phí quá lớn cho xã hội. Do đó, ngài đã kêu gọi vượt qua cách nhìn này, đồng thời khuyến khích làm việc cho một tương lai khác biệt bằng dấu chỉ giao ước giữa các thế hệ.

Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống một lần nữa nhắc lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô đến mọi người, kêu gọi các giáo phận cử hành Ngày này vào Chúa Nhật 27 tháng 7, dành riêng cho người cao tuổi, đồng thời thúc đẩy các cuộc thăm viếng và những dịp gặp gỡ giữa các thế hệ.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/chu-de-cua-ngay-ong-ba-va-nguoi-cao-tuoi-sap-toi-phuc-thay-ai-khong-danh-mat-hy-vong-42526.html

 

 

14. Giáo hội sát cánh cùng người di cư giữa Mexico và Hoa Kỳ

Dù những tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và các sắc lệnh hành pháp siết chặt chính sách di cư của Washington, Giáo phận Ciudad Juárez của Mexicô cho biết về căn bản chưa có biến chuyển lớn nào. Dù vậy, Đức cha José Guadalupe Torres nhìn nhận: “Chúng ta đang đứng trước một thực trạng mới cần phải đối diện”.

Vatican News

Thực trạng dòng người di cư

Theo một thông cáo gần đây của lực lượng Biên phòng Hoa Kỳ, “trong sáu tháng cuối năm 2024, số vụ bắt giữ của cảnh sát biên phòng Hoa Kỳ tại khu vực biên giới Tây Nam đã giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm 2023”. Tuy nhiên, Washington đã bất ngờ đình chỉ các cuộc hẹn xét duyệt đơn xin tị nạn vào Hoa Kỳ. Thực tế hiện nay không còn là một cuộc khủng hoảng, nhưng là một thực trạng mới cần phải đối diện.

Tiếng nói của Giáo hội địa phương

Đức cha José Guadalupe Torres Campos, Giám mục Giáo phận Ciudad Juárez, chia sẻ với Vatican News: “Chúng ta cần quan tâm hơn đến cả hai nhóm liên quan đến dòng người di cư: những người xin tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ và những người sắp bị trục xuất hoặc hồi hương trong những tháng và năm tới”. Đức cha Torres Campos khẳng định: “Chúng ta đang đứng trước với một thực tế mới cần phải đối diện. Không thể phủ nhận rằng các tuyên bố và sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump đã tạo ra một bầu khí sợ hãi và tuyệt vọng. Tuy nhiên, với tư cách là Giáo hội, chúng ta tập trung vào việc giữ được sự bình an và hy vọng cho người di cư và toàn thể xã hội ngang qua các hành động ở cấp địa phương, quốc gia và song phương, nhằm xây dựng và củng cố các kế hoạch hành động có lợi cho tất cả mọi người”.

Tìm kiếm hòa bình

Đức cha Torres Campos nhấn mạnh: “Ngày nay hơn bao giờ hết, bình an và sự hiện diện liên lỉ của Đức Giêsu giúp chúng ta kiên vững và, quan trọng hơn, giúp anh chị em di cư cảm nhận rằng họ không đơn độc trong nỗi đau khổ mà họ đang chịu. Điều họ tìm kiếm chỉ là hạnh phúc và một cuộc sống tốt đẹp hơn”. Khi được hỏi Tin Mừng có thể soi sáng những thời khắc đen tối của nhân loại như thế nào, ngài đã trích dẫn lời Chúa Giêsu: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). “Đó là những lời hy vọng và sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh, Đấng đã hiện ra với các môn đệ và chào họ rằng: ‘Bình an cho anh em’. Đây cũng là những lời một người Venezuela đang lưu trú tại Nhà tiếp đón người di cư ở Juárez nói với chúng tôi khi anh biết cuộc hẹn nộp đơn xin tị nạn của anh bị hủy ngay trước ngày anh dự định trình đơn vào Hoa Kỳ”.

Kế hoạch của Mexico

Chính sách di cư mới của Hoa Kỳ đã buộc Mexico phải xây dựng một kế hoạch tiếp nhận phù hợp cho cả công dân Mexico và những người nước ngoài bị trục xuất hoặc hồi hương từ Hoa Kỳ. Đức cha Torres Campos nói: “Là Giáo hội, điều tốt nhất chúng ta có thể loan báo là bình an của Đức Giêsu phục sinh, tránh làm gia tăng sự hỗn loạn có thể dẫn đến những hậu quả khó lường”. Trong cộng đồng, “sự mong đợi và hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, xã hội dân sự và cộng đồng đức tin đã gia tăng đáng kể”. Giáo hội tại Mỹ Latinh đã “tăng cường hợp tác để đưa ra các phản ứng nhanh chóng và hiệu quả đối với tình trạng hiện tại và các hệ quả có thể phát sinh từ đó”. Đặc biệt, Hội đồng Giám mục Mexico đã “củng cố các Nhà tiếp đón người di cư, các trung tâm hỗ trợ và các bếp ăn từ thiện trên khắp đất nước”, trong khi Giáo phận Ciudad Juárez “vẫn duy trì mở cửa tất cả các không gian đón tiếp cho những ai cần trợ giúp”, với sự cộng tác chặt chẽ từ các giáo phận lân cận của Hoa Kỳ.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/giao-hoi-sat-canh-cung-nguoi-di-cu-giua-mexico-va-hoa-ky-42527.html

 

 

15. Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền giáo 2025: Mang hy vọng trong một thế giới khủng hoảng

Sáng ngày 6/2, Toà Thánh đã công bố “Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 99”, sẽ được cử hành vào ngày 19 tháng 10. Đức Thánh Cha mời gọi Giáo hội kiên trì trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, dù phải đối diện với bách hại cũng như những “bất toàn và sa ngã do yếu đuối của từng thành viên”.

Vatican News

Giữa những bách hại, Giáo hội vẫn là Giáo hội truyền giáo

Trích dẫn thông điệp Fratelli tutti, Đức Thánh Cha khuyến khích một mùa truyền giáo mới của Giáo hội dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đấng được sai đến để khơi dậy niềm hy vọng trong một thế giới đang bị bao trùm bởi bóng tối. Ngài cũng nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu “vẫn đang cúi xuống trên mỗi người nghèo đói, đau khổ, tuyệt vọng và bị áp bức bởi sự dữ”. Đức Thánh Cha khuyến khích tất cả các tín hữu đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, những môn đệ truyền giáo của Chúa Kitô, tỏa sáng hy vọng của Người ở mọi nơi trên thế giới, và ngài thêm:

Giáo hội, cộng đoàn các môn đệ-truyền giáo của Chúa Kitô, tiếp tục sứ vụ của Người bằng cách hiến dâng chính mình cho mọi người giữa lòng nhân loại. Dù phải đối diện với bách hại, gian nan thử thách, cũng như chính những bất toàn và sa ngã do sự yếu đuối của từng thành viên, Giáo hội vẫn luôn được tình yêu của Chúa Kitô thúc đẩy để cùng Người và như Người, lắng nghe tiếng kêu than của nhân loại, thậm chí là tiếng rên siết của mọi thụ tạo đang mong chờ ơn cứu độ chung cuộc”.

Chúng ta kết nối nhưng không có tương quan thực sự

Đức Thánh Cha tiếp tục phân tích một thực trạng đáng lo ngại trong thế giới hôm nay: một cảm giác lạc lối, cô đơn và bị bỏ rơi đang lan rộng, đặc biệt là nơi người cao tuổi, cũng như sự thiếu sẵn sàng giúp đỡ những người xung quanh. Đây là một xu hướng nổi bật trong các xã hội phát triển về công nghệ, dẫn đến một sự mất dần tình liên đới:

"Chúng ta đều kết nối với nhau, nhưng lại không thực sự có mối tương quan. Chủ nghĩa hiệu quả, sự bám víu vào vật chất và tham vọng cá nhân khiến chúng ta tập trung vào chính mình, làm mất đi khả năng vị tha”.

Trong bối cảnh đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Tin Mừng, khi được sống trong cộng đoàn, có thể phục hồi một nhân loại toàn vẹn, lành mạnh và được cứu chuộc. Ngài tái khẳng định lời mời gọi đã được đưa ra trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh, đặc biệt là đối với những người nghèo, người đau yếu, người cao tuổi và những người bị gạt ra bên lề xã hội vật chất và tiêu thụ. Và ngài kêu gọi thực hiện điều đó với phong cách của Thiên Chúa:

"Bằng sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng, hãy chăm sóc mối tương quan cá nhân với anh chị em của chúng ta trong hoàn cảnh cụ thể của họ. Nhiều khi, chính họ sẽ là những người dạy chúng ta biết sống với hy vọng”.

Cầu nguyện là hành động truyền giáo đầu tiên – Chứng tá của Đấng Đáng Kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

Sứ điệp của Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến tính cấp bách của sứ vụ truyền giáo mang lại hy vọng. Ngài mời gọi các môn đệ của Chúa Kitô trước hết phải được đào luyện để trở thành những “nghệ nhân của hy vọng” và những người kiến tạo lại nhân loại, vốn đang chìm đắm trong sự phân tâm và bất hạnh. Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến “linh đạo Phục Sinh”, nguồn sức mạnh thiết yếu cho công cuộc loan báo Tin Mừng.

Đức Thánh Cha khẳng định: “Kitô hữu là những con người được tái sinh, những con người của mùa xuân”. Trong bối cảnh này, ngài nhắc đến Đấng Đáng Kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, người đã giữ vững niềm hy vọng trong suốt những năm tháng tù đày nhờ vào việc kiên trì cầu nguyện và sức mạnh từ Bí tích Thánh Thể. Và ngài kết luận: “Chúng ta đừng quên rằng cầu nguyện là hành động truyền giáo đầu tiên, và đồng thời cũng là sức mạnh đầu tiên của niềm hy vọng”.

Thuộc về Giáo hội không phải là điều đạt được một lần cho mãi mãi

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện bằng Thánh Vịnh, vì Thánh Vịnh giúp chúng ta học cách hy vọng trong thử thách, nhận ra những dấu chỉ của hy vọng và luôn duy trì ước muốn truyền giáo.

Ngài lưu ý rằng trong xã hội ngày nay, “thuộc về Giáo hội không bao giờ là một thực tại đạt được một lần cho mãi mãi”. Vì thế, công cuộc truyền giáo đòi hỏi một sự kết hợp giữa cầu nguyện và hành động.

Đức Thánh Cha mời gọi chung:

“Tôi tiếp tục nhấn mạnh đến tính hiệp hành truyền giáo của Giáo hội, cũng như vai trò phục vụ của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo trong việc thúc đẩy trách nhiệm truyền giáo của những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội và hỗ trợ các Giáo hội địa phương mới. Tôi khuyến khích tất cả anh chị em – từ trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn cho đến người cao tuổi – tích cực tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng chung, qua chứng tá đời sống, qua lời cầu nguyện, những hy sinh và lòng quảng đại của anh chị em.”

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/su-diep-cho-ngay-the-gioi-truyen-giao-2025-mang-hy-vong-trong-mot-the-gioi-khung-hoang-42529.html

 

 

16. Thánh lễ Năm Thánh của Lực lượng Vũ trang và An ninh

Sáng Chúa Nhật ngày 09/02, dù đang bị bệnh, Đức Thánh Cha vẫn đã chủ sự Thánh Lễ Năm Thánh của Lực lượng Vũ trang và An ninh ở ngoài trời, tại Quảng trường thánh Phêrô, với khoảng 25 ngàn người tham dự.

Vatican News

Vì bị viêm phế quản, Đức Thánh Cha chỉ đọc phần đầu của bài giảng, sau đó ngài đã nhờ Đức Tổng Giám mục Diego Ravelli, chánh văn phòng nghi lễ phụng vụ của Đức Thánh Cha, đọc phần tiếp của bài giảng cho ngài.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha khai triển ba động từ mô tả hành động của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay và mời gọi các lực lượng vũ trang và an ninh, trong ngày Năm Thánh của họ, cũng làm theo như Chúa Giêsu.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Hành động của Chúa Giêsu bên hồ Ghen-nê-xa-rét được Thánh sử diễn tả qua ba động từ: nhìn thấy, bước lên,ngồi xuống. Chúa Giêsu nhìn thấy, Chúa Giêsu bước lên, Chúa Giêsu ngồi xuống. Chúa Giêsu không bận tâm đến việc phô trương hình ảnh của mình trước đám đông, Người không bận tâm về việc thực hiện một nhiệm vụ hay theo đuổi một kế hoạch trong sứ mạng của mình. Không, trái lại, Người luôn đặt cuộc gặp gỡ với người khác lên hàng đầu, đặt mối tương quan, và luôn quan tâm đến những vất vả, những thất bại vốn thường đè nặng lên trái tim và lấy đi hy vọng.Vì thế, hôm đó, Chúa Giêsu đã nhìn thấy, bước lên và ngồi xuống.

Trước hết, Chúa Giêsu nhìn thấy. Người có một cái nhìn để tâm, giữa đám đông, Người vẫn có thể nhận ra hai chiếc thuyền đậu gần bờ và thấy được sự thất vọng trên khuôn mặt của những ngư phủ, lúc này đang giặt lưới trống rỗng sau một đêm vất vả mà chẳng được gì. Chúa Giêsu dành cho họ ánh mắt đầy trắc ẩn. Và chúng ta đừng quên điều này: lòng trắc ẩn của Thiên Chúa. Ba thái độ của Thiên Chúa: gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng. Đừng quên: Thiên Chúa luôn gần gũi, Thiên Chúa luôn dịu dàng và Thiên Chúa luôn trắc ẩn! Chúa Giêsu dành ánh mắt đầy trắc ẩn ấy cho những người đang đứng trước mặt Người, thấu hiểu nỗi thất vọng của họ, sự không hài lòng vì đã làm việc suốt đêm mà chẳng được gì, cảm giác trống rỗng trong lòng giống như những chiếc lưới họ đang cầm trên tay.

Đến đây, vì thở khó do viêm phế quản, Đức Thánh Cha đã nhờ Đức Tổng Giám mục Diego Ravelli, đọc phần tiếp của bài giảng.

Bài giảng tiếp tục...

Và sau khi nhìn thấy nỗi thất vọng của họ, Chúa Giêsu bước lên. Người bước lên thuyền xin ông Simon đẩy thuyền ra xa bờ một chút, Người bước vào không gian cuộc đời của ông, đi vào chính sự thất bại đang đè nặng trong lòng ông. Điều này thật đẹp: Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở việc quan sát những điều không ổn, như chúng ta thường làm, rồi cuối cùng tự khép mình trong than vãn và cay đắng. Ngược lại, Người chủ động, đến gặp Simon, dừng lại bên ông trong giây phút khó khăn ấy và quyết định bước lên con thuyền cuộc đời của ông, con thuyền vất vả suốt đêm trở về mà chẳng được gì.

Cuối cùng, sau khi bước lên, Chúa Giêsu ngồi xuống. Trong các sách Tin Mừng, đây là tư thế đặc trưng của một vị thầy, của người dạy dỗ. Thật vậy, Tin Mừng kể rằng Người ngồi xuống và giảng dạy. Sau khi nhìn thấy trong ánh mắt và trái tim của những ngư phủ nỗi cay đắng vì một đêm lao động vô ích, Chúa Giêsu bước lên thuyền để giảng dạy, nghĩa là để loan báo Tin Mừng, để mang ánh sáng vào trong đêm tối của sự thất vọng, để kể về vẻ đẹp của Thiên Chúa giữa những vất vả của kiếp người, để cho họ cảm nhận rằng vẫn còn hy vọng ngay cả khi mọi thứ dường như đã mất.

Và rồi phép lạ xảy ra: khi Chúa bước lên con thuyền cuộc đời chúng ta để mang đến Tin Mừng về tình yêu Thiên Chúa, Đấng luôn đồng hành và nâng đỡ chúng ta, thì cuộc sống lại bắt đầu, hy vọng được hồi sinh, niềm hăng say đã mất lại trở về, và chúng ta có thể thả lưới xuống biển một lần nữa.

Anh chị em thân mến, lời hy vọng này đồng hành với chúng ta hôm nay, khi chúng ta cử hành Năm Thánh của Lực lượng Vũ trang, Cảnh sát và An ninh. Tôi xin cảm ơn anh chị em vì sự phục vụ của anh chị em, và gởi lời chào đến tất cả các vị lãnh đạo hiện diện, các Hiệp hội và Học viện Quân sự, cũng như các Vị Chỉ huy Quân đội và các Tuyên úy. Anh chị em được trao phó một sứ mạng lớn lao, bao trùm nhiều khía cạnh của đời sống xã hội và chính trị: bảo vệ đất nước, dấn thân vì an ninh, gìn giữ pháp luật và công lý, hiện diện trong các nhà tù, chống lại tội phạm và các hình thức bạo lực khác nhau vốn có nguy cơ làm xáo trộn bình an xã hội. Tôi cũng nhớ đến những người đang thực hiện sứ vụ quan trọng trong các thảm họa thiên nhiên, bảo vệ công trình sáng tạo, cứu sống người trên biển, giúp đỡ những người yếu đuối nhất, và thúc đẩy hòa bình.

Lời mời gọi dành cho Lực lượng Vũ trang, Cảnh sát và An ninh

Chúa mời gọi anh chị em cũng hãy làm như Người: nhìn thấy, bước lên, và ngồi xuống. Nhìn thấy, vì anh chị em được kêu gọi để có một cái nhìn tận tâm, biết nhận ra những mối đe dọa đối với lợi ích chung, những nguy hiểm đe dọa cuộc sống của người dân, những rủi ro về môi trường, xã hội và chính trị mà chúng ta đang phải đối mặt. Bước lên, vì đồng phục, kỷ luật đã rèn luyện anh chị em, lòng dũng cảm đặc trưng của anh chị em, và lời tuyên thệ mà anh chị em đã thực hiện, tất cả đều nhắc nhở rằng không chỉ cần nhìn thấy cái ác mà còn phải lên tiếng tố cáo, bước lên con thuyền đang gặp bão và cố gắng mọi nỗ lực để nó không bị chìm, với một sứ mạng phục vụ cho điều thiện, tự do và công lý. Và cuối cùng, ngồi xuống, vì sự hiện diện của anh chị em trong các thành phố và khu phố của chúng ta, việc anh chị em luôn đứng về phía pháp luật và những người yếu thế, trở thành một bài học cho tất cả chúng ta: bài học về điều thiện có thể chiến thắng bất chấp mọi sự, bài học rằng công lý, sự trung thành và nhiệt huyết công dân vẫn là những giá trị cần thiết ngày nay, bài học về việc chúng ta có thể tạo dựng một thế giới nhân văn hơn, công bằng hơn và huynh đệ hơn, bất chấp những thế lực đen tối của sự dữ.

Trong sứ mạng này, bao trùm cả cuộc đời anh chị em, các Tuyên úy cũng đồng hành với anh chị em, một sự hiện diện quan trọng của linh mục giữa anh chị em. Họ không phục vụ để biện minh cho những hành động chiến tranh tàn bạo, như đôi khi đã xảy ra một cách đáng buồn trong lịch sử. Không. Họ hiện diện giữa anh chị em như sự hiện diện của Chúa Kitô, Đấng muốn đồng hành, lắng nghe và gần gũi với anh chị em, khích lệ anh chị em ra khơi và nâng đỡ anh chị em trong sứ mạng hằng ngày của anh chị em. Với sự hỗ trợ về đạo đức và tinh thần, họ đồng hành cùng anh chị em, giúp anh chị em thực hiện nhiệm vụ của mình dưới ánh sáng của Tin Mừng và vì lợi ích chung.

Anh chị em thân mến, chúng tôi biết ơn vì những gì anh chị em đang làm, đôi khi phải đối mặt với những rủi ro cá nhân. Cảm ơn anh chị em vì đã bước lên những con thuyền gặp nguy hiểm của chúng ta, để bảo vệ và khuyến khích mọi người tiếp tục cuộc hành trình. Nhưng tôi cũng muốn khích lệ anh chị em đừng đánh mất mục đích của sứ vụ và hành động của mình: thăng tiến sự sống, cứu sống, và luôn bảo vệ sự sống. Tôi xin anh chị em tỉnh thức: tỉnh thức với cám dỗ nuôi dưỡng tinh thần chiến tranh; tỉnh thức để không bị lừa dối bởi huyền thoại về sức mạnh và tiếng ồn của vũ khí; tỉnh thức để không bao giờ bị nhiễm chất độc của sự tuyên truyền hận thù, phân chia thế giới thành bạn để bảo vệ và thù để tiêu diệt. Thay vào đó, hãy trở thành những chứng nhân can đảm của tình yêu Thiên Chúa Cha, Đấng muốn tất cả chúng ta là anh chị em. Và cùng nhau, chúng ta hãy bước đi để xây dựng một kỷ nguyên mới của hòa bình, công lý và tình huynh đệ.

Kinh Truyền Tin

Cuối Thánh Lễ, trước khi đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành, Đức Thánh Cha đã có những lời chào tất cả những người tham gia cuộc hành hương Năm Thánh của các Lực lượng Vũ trang, Cảnh sát và An ninh. Ngài cũng cảm ơn sự hiện diện của các nhà chức trách dân sự và sự phục vụ mục vụ của các vị Giám mục Quân đội cùng các tuyên úy.

Đức Thánh Cha cũng gởi lời chào đến tất cả các quân nhân trên thế giới và muốn nhắc lại giáo huấn của Giáo hội về vấn đề này. Ngài trích Công đồng Vatican II: “Những ai phục vụ Tổ quốc trong quân đội, hãy xem mình như những người phục vụ cho sự an ninh và tự do của dân tộc mình”. Việc phục vụ vũ trang chỉ nên được thực hiện vì mục đích phòng vệ chính đáng, chứ không bao giờ để áp đặt sự thống trị lên các quốc gia khác. Luôn tuân thủ các Công ước quốc tế về xung đột và trước hết là tôn trọng sự sống của công trình sáng tạo.

Cuối cùng Đức Thánh Cha xin cầu nguyện cho hòa bình tại Ucraina, Palestine, Israel, Myanmar, khắp Trung Đông, tại Kivu và Sudan. Ước gì vũ khí im tiếng ở mọi nơi và tiếng kêu hòa bình của các dân tộc được lắng nghe.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/thanh-le-nam-thanh-cua-luc-luong-vu-trang-va-an-ninh-42541.html

 

 

17. Đức Thánh Cha gởi thư đến các Giám mục Hoa Kỳ: Trục xuất người di cư làm tổn thương phẩm giá con người

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi thư đến Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ về “cuộc khủng hoảng” liên quan đến chương trình trục xuất hàng loạt người nhập cư và tị nạn bất hợp pháp. Ngài nhấn mạnh: “Một Nhà nước pháp quyền đích thực được thể hiện qua cách đối xử xứng phẩm giá mà mọi người, đặc biệt là những người nghèo nhất và bị gạt ra bên lề, đáng được hưởng”.

Vatican News

Phản đối từ các Giám mục Hoa Kỳ

Trước đó, Đức Hồng Y Blaise Cupich của Chicago đã lên tiếng phản đối mọi chương trình trục xuất hàng loạt người nhập cư, ngay cả trước khi Tổng thống mới đắc cử Donald Trump tuyên thệ nhậm chức. Tiếp theo, Đức Giám mục Mark Joseph Seitz của El Paso đã nhấn mạnh sự không khoan nhượng đối với mọi hình thức bất công. Cuối cùng, toàn thể Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã bày tỏ sự kinh ngạc trước các biện pháp mà nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa công bố, bao gồm việc hồi hương hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp và quân sự hóa biên giới Hoa Kỳ-Mexico.

Giờ đây, chính Đức Thánh Cha đã lên tiếng về “cuộc khủng hoảng quan trọng đang diễn ra tại Hoa Kỳ do việc khởi động chương trình trục xuất hàng loạt” được chính quyền mới triển khai ngay sau khi Tổng thống nhậm chức. Đức Thánh Cha Phanxicô, đang theo dõi sát sao cuộc khủng hoảng này, đã gởi thư đến các Giám mục Hoa Kỳ để bày tỏ sự gần gũi và hỗ trợ trong những “thời điểm nhạy cảm” mà họ đang trải qua với tư cách là những mục tử đồng hành cùng dân Chúa, đồng thời lên án một số biện pháp làm tổn thương chính phẩm giá con người. Ngài cảnh báo: “Những gì được xây dựng dựa trên sức mạnh, chứ không phải trên sự thật về phẩm giá bình đẳng của mỗi con người, sẽ khởi đầu tồi tệ và kết thúc tồi tệ.”

Tổn thương phẩm giá con người

Trong bức thư được chia thành 10 điểm, Đức Thánh Cha viết: “Hành động trục xuất những người trong nhiều trường hợp đã rời bỏ quê hương vì nghèo đói cùng cực, bất an, bóc lột, bức hại hoặc môi trường sống bị suy thoái nghiêm trọng, làm tổn thương phẩm giá của nhiều người nam nữ, của cả gia đình, và đặt họ vào tình trạng đặc biệt dễ bị tổn thương và không được bảo vệ”. Bức thư được công bố bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, chỉ hơn hai tuần sau khi Nhà Trắng đăng tải trên tài khoản X những bức ảnh về một nhóm người di cư bị xích tay và dẫn lên máy bay quân sự để hồi hương.

Quyền bảo vệ cộng đồng

Trong thư, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “lương tâm ngay thẳng không thể không bày tỏ sự phán xét có phê bình và bày tỏ sự bất đồng với bất kỳ biện pháp nào, dù ngầm hiểu hay công khai, đồng nhất tình trạng bất hợp pháp của một số người di cư với tội phạm”. Tuy nhiên, ngài cũng nhắc lại sự cần thiết phải công nhận “quyền của một quốc gia trong việc bảo vệ chính mình và giữ an toàn cho cộng đồng khỏi những người đã phạm các tội ác bạo lực hoặc nghiêm trọng khi ở trong nước hoặc trước khi đến đó”. Nhưng hành động trục xuất vẫn là một vết thương đối với nhân phẩm, là phẩm giá “vô hạn và siêu việt” được ban tặng bởi “Thiên Chúa gần gũi, nhập thể, di cư và trốn chạy”. Đức Thánh Cha trích dẫn lời của Đức Giáo Hoàng Piô XII trong Tông hiến về việc trợ giúp người di cư, được coi là “Hiến chương Magna Carta về tư tưởng của Giáo hội đối với vấn đề di cư”: “Thánh Gia Nazareth trong cảnh lưu đày, Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse, di cư sang Ai Cập và tị nạn tại đó để trốn tránh cơn thịnh nộ của một vị vua bất chính, là mẫu gương, là niềm an ủi cho những người di cư và lữ hành thuộc mọi thời đại và quốc gia, cho mọi người tị nạn trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những người bị bức hại hoặc vì hoàn cảnh khó khăn buộc phải rời bỏ quê hương, gia đình thân yêu và bạn bè để đến một vùng đất xa lạ”.

Đối xử xứng đáng với mọi người

Đức Thánh Cha khẳng định rằng đây không phải là vấn đề thứ yếu: “Một Nhà nước pháp quyền đích thực được thể hiện qua cách đối xử xứng phẩm giá mà mọi người, đặc biệt là những người nghèo nhất và bị gạt ra bên lề, đáng được hưởng”. Ngài viết: “Lợi ích chung đích thực được thúc đẩy khi xã hội và chính phủ, với sự sáng tạo và tôn trọng nghiêm ngặt quyền lợi của mọi người – như tôi đã nói trong nhiều dịp – đón nhận, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập những người yếu đuối, không được bảo vệ và dễ bị tổn thương nhất”. Điều này không ngăn cản việc thúc đẩy “một chính sách điều chỉnh việc di cư có trật tự và hợp pháp”, miễn là nó không được xây dựng “thông qua đặc quyền của một số người và sự hy sinh của những người khác”.

Nhìn nhận các quy định dưới ánh sáng nhân quyền

Đức Thánh Cha nhắc nhở các Giám mục rằng Chúa Giêsu Kitô dạy chúng ta về “sự nhận thức vĩnh viễn” về phẩm giá của mỗi con người: “Không ai bị loại trừ”. Do đó, Ngài nhấn mạnh, “tất cả các Kitô hữu và những người thiện chí được kêu gọi nhìn nhận tính hợp pháp của các quy định và chính sách công dưới ánh sáng của nhân phẩm và các quyền cơ bản của con người, chứ không phải ngược lại”. Hơn nữa, các Kitô hữu biết rõ rằng “chỉ bằng cách khẳng định phẩm giá vô hạn của mọi người, căn tính của chúng ta như những cá nhân và cộng đồng mới có thể trưởng thành”. “Con người không đơn thuần là một cá nhân, với một vài cảm xúc nhân đạo! Con người là một chủ thể có phẩm giá, thông qua mối quan hệ cấu thành với tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo nhất, có thể dần dần trưởng thành trong căn tính và ơn gọi của mình”.

Ordo amoris

Trong thư, Đức Thánh Cha cũng đề cập đến nguyên tắc “ordo amoris” (trật tự của tình yêu) được phát triển trong thần học của Thánh Augustine, khẳng định rằng mọi người và mọi thứ nên được yêu thương theo cách thích hợp. Khái niệm này gần đây đã được Phó Tổng thống JD Vance nhắc đến để biện minh cho các biện pháp chống nhập cư bất hợp pháp tại Hoa Kỳ. Đức Thánh Cha viết: “Trật tự của tình yêu đích thực cần được thúc đẩy là trật tự mà chúng ta khám phá khi suy ngẫm liên tục dụ ngôn ‘Người Samaria nhân hậu’, tức là suy ngẫm về tình yêu xây dựng một tình huynh đệ mở ra cho tất cả mọi người, không loại trừ ai”. Đức Thánh Cha kết luận: “Quan tâm đến căn tính cá nhân, cộng đồng hoặc quốc gia mà bỏ qua những cân nhắc này sẽ dễ dẫn đến một tiêu chuẩn ý thức hệ làm méo mó đời sống xã hội và áp đặt ý chí của kẻ mạnh như một tiêu chuẩn của sự thật”.

Nói không với những câu chuyện phân biệt và gây đau khổ

Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi với các anh em Giám mục ở Hoa Kỳ, ghi nhận “những nỗ lực quý báu” của họ trong việc dấn thân “gần gũi” với người di cư và tị nạn, cũng như bảo vệ quyền con người. Ngài khẳng định: “Thiên Chúa sẽ ban thưởng dồi dào cho tất cả những gì anh làm để bảo vệ và che chở những người bị coi là ít giá trị, ít quan trọng hoặc ít phẩm giá hơn!” Trong phần cuối thư, Đức Thánh Cha kêu gọi tất cả tín hữu Công giáo và mọi người thiện chí “không nhượng bộ trước những câu chuyện phân biệt và gây đau khổ không cần thiết cho anh chị em di cư và tị nạn của chúng ta”. Ngài nói: “Với lòng bác ái và sự rõ ràng, tất cả chúng ta được kêu gọi sống trong tình liên đới và huynh đệ, xây dựng những cây cầu đưa chúng ta đến gần nhau hơn, tránh xa những bức tường ô nhục, và học cách hiến dâng cuộc đời mình như Chúa Giêsu Kitô đã hiến dâng, vì ơn cứu độ của tất cả mọi người”.

Lời cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Guadalupe

Cuối cùng, Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria Guadalupe, Đấng bảo trợ Mexico, xin Mẹ “bảo vệ những người và gia đình đang sống trong sợ hãi hoặc đau khổ vì di cư và/hoặc trục xuất”. Ngài cầu nguyện rằng xin “Morenita” (tên gọi thân mật của Đức Mẹ Guadalupe) giúp mọi người “tiến thêm một bước trong việc xây dựng một xã hội huynh đệ hơn, bao dung hơn và tôn trọng phẩm giá của tất cả mọi người”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-goi-thu-den-cac-giam-muc-hoa-ky-truc-xuat-nguoi-di-cu-lam-ton-thuong-pham-gia-con-nguoi-42553.html

 

 

18. Đức Thánh Cha: Trí tuệ nhân tạo phải là công cụ chống nghèo đói và bảo vệ ngôn ngữ, văn hóa

Trong sứ điệp gửi đến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhân Hội nghị Thượng đỉnh về Trí tuệ Nhân tạo (AI) đang diễn ra tại Paris, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ mong muốn về việc tạo ra một nền tảng mà những công nghệ mới này có thể trở thành công cụ để chống lại nghèo đói, bảo vệ các nền văn hóa và phát triển bền vững.

Vatican News

“Đừng quên rằng chỉ có trái tim con người mới có thể khai mở ý nghĩa sự hiện hữu của chúng ta”, Đức Thánh Cha trích dẫn Blaise Pascal trong sứ điệp gởi đến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhân Hội nghị Thượng đỉnh Hành động về Trí tuệ Nhân tạo, kết thúc vào ngày 11 tháng 2 tại Paris. Sứ điệp được Đức Tổng Giám mục Celestino Migliore, Sứ thần Tòa Thánh tại Pháp đọc. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: trái tim không bao giờ lừa dối, “trong khi các thuật toán có thể được sử dụng để thao túng và đánh lừa”.

Nghiên cứu tác động của AI đối với các mối quan hệ, thông tin và giáo dục

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nhắc lại văn kiện gần đây “Antiqua et Nova. Văn kiện về mối quan hệ giữa trí tuệ nhân tạo và trí tuệ con người” và bày tỏ hy vọng rằng các hội nghị thượng đỉnh tiếp theo sẽ xem xét kỹ lưỡng hơn những tác động xã hội của trí tuệ nhân tạo đối với các mối quan hệ con người, thông tin và giáo dục. Một lần nữa, Ngài bày tỏ tầm nhìn toàn diện về sự phát triển mà ngài đã đúc kết trong giáo huấn của mình, và điều mà vị tiền nhiệm của ngài, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, cũng đã đề cập trong Thông điệp Redemptor Hominis:

“Vấn đề cơ bản vẫn và sẽ luôn là nhân học, nghĩa là: ‘liệu con người, với tư cách là con người’, trong bối cảnh tiến bộ công nghệ, có trở nên ‘thực sự tốt đẹp hơn, nghĩa là trưởng thành hơn về tinh thần, ý thức hơn về phẩm giá nhân loại của mình, có trách nhiệm hơn, cởi mở hơn với người khác, đặc biệt là với những người nghèo khổ và yếu đuối nhất.’ Thách thức cuối cùng của chúng ta là con người và sẽ luôn là con người; đừng bao giờ quên điều đó”.

Tạo ra một nền tảng chung cho cả những người ‘không có tiếng nói’

Đức Thánh Cha quan tâm đến việc không bỏ quên tiếng nói của người nghèo, những người không được lắng nghe, những người thường không được tham gia vào các quyết định. Hơn nữa, ngài đánh giá cao việc hội nghị thượng đỉnh tại Paris lần này đã cố gắng thu hút nhiều nhân vật và chuyên gia tham gia “vào một cuộc suy tư nhằm mang lại những kết quả cụ thể”. Và từ đó, ngài bày tỏ hy vọng dựa trên những gì ngài đã nói trong Sứ điệp Nhân Ngày Hòa bình Thế giới năm 2024:

“Tôi hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh tại Paris sẽ nỗ lực để tạo ra một nền tảng công cộng về trí tuệ nhân tạo; và để mỗi quốc gia, một mặt, có thể tìm thấy trong trí tuệ nhân tạo một công cụ phát triển và chống lại nghèo đói, và mặt khác, bảo vệ các nền văn hóa và ngôn ngữ địa phương. Chỉ như thế, tất cả các dân tộc trên trái đất mới có thể đóng góp vào việc tạo ra dữ liệu, sẽ được sử dụng bởi trí tuệ nhân tạo, đại diện cho sự đa dạng và phong phú thực sự vốn là đặc điểm của toàn thể nhân loại”.

Đổi mới phục vụ lợi ích chung

Như ngài đã khẳng định tại Hội nghị G7 ở Puglia, Đức Thánh Cha tin rằng, nếu thiếu sự kiểm soát thích hợp, trí tuệ nhân tạo, “dù là một công cụ ‘hấp dẫn’ mới, có thể bộc lộ khía cạnh ‘đáng sợ’ nhất của nó, trở thành mối đe dọa đối với phẩm giá con người”. Ngài nhấn mạnh rằng chính trị “lành mạnh” là chính trị đặt các đổi mới công nghệ trong một dự án lớn hơn nhằm tìm kiếm lợi ích chung, như Ngài đã nhiều lần nhắc lại trong Thông điệp Laudato Si’:

“Tôi tin chắc rằng trí tuệ nhân tạo có thể trở thành một công cụ mạnh mẽ cho các nhà khoa học và chuyên gia, những người cùng nhau tìm kiếm các giải pháp đổi mới và sáng tạo vì sự bền vững sinh thái của hành tinh chúng ta. Đừng quên rằng việc tiêu thụ năng lượng liên quan đến hoạt động của cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo tự nó đã rất cao”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-tri-tue-nhan-tao-phai-la-cong-cu-chong-ngheo-doi-va-bao-ve-ngon-ngu-van-hoa-42554.html

 

 

19. Caritas Châu Á cam kết duy trì các dịch vụ hỗ trợ bất chấp việc cắt giảm tài trợ từ USAID

Bất chấp những tác động nghiêm trọng từ việc cắt giảm tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đối với các hoạt động nhân đạo, Caritas Châu Á đã cam kết sẽ tiếp tục công việc hỗ trợ người di cư và tị nạn trên khắp khu vực.

Vatican News

Tiến sĩ Benedict Alo D’Rozario, Chủ tịch Caritas Châu Á, thừa nhận những thách thức phía trước, đặc biệt là Dịch vụ Cứu trợ Công giáo (CRS) mất gần một nửa trong số 1,5 tỷ đô la tài trợ hàng năm, một phần lớn trong số đó dành cho các chương trình hỗ trợ người tị nạn và di cư.

Ông D’Rozario cho biết: “Chắc chắn, việc cắt giảm này sẽ ảnh hưởng đến họ”, đồng thời nhấn mạnh rằng Caritas Châu Á cũng phụ thuộc vào Dịch vụ Cứu trợ Công giáo trong các sáng kiến quan trọng nhằm xây dựng năng lực và hỗ trợ nhân viên.

Dịch vụ Cứu trợ Công giáo là tổ chức nhận được nhiều tài trợ nhất từ USAID, cơ quan này đang phải đối mặt với việc đóng băng chi tiêu, đóng cửa văn phòng và cắt giảm nhân sự đáng kể dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Việc cắt giảm tài trợ từ USAID được coi là một trong những thách thức lớn nhất đối với Dịch vụ Cứu trợ Công giáo, một tổ chức cứu trợ được thành lập năm 1943 bởi các giám mục Công giáo Hoa Kỳ để hỗ trợ những người sống sót sau Thế chiến II tại châu Âu. Theo thông tin trên trang web chính thức, Dịch vụ Cứu trợ Công giáo phục vụ hơn 200 triệu người tại 121 quốc gia trên năm châu lục.

Các Caritas địa phương

Ông D’Rozario cho biết, việc cắt giảm tài trợ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Bangladesh, nơi hơn 100 dự án được USAID tài trợ từ các tổ chức khác nhau – với tổng giá trị hơn 200 triệu đô la – đã bị đình chỉ đột ngột, ảnh hưởng đến hàng nghìn công nhân và các gia đình dễ bị tổn thương.

Ông cho biết thêm, Caritas Bangladesh hiện có ba dự án được USAID tài trợ đang bị tạm dừng tại bốn giáo phận, ảnh hưởng đến hơn 300 nhân viên.

“Nhiều người trong số họ đã được thông báo rằng họ sẽ không còn được làm việc kể từ tuần tới, mặc dù chưa phải tất cả đều nhận được thông báo chính thức”, Chủ tịch Caritas Châu Á cho biết.

Việc cắt giảm tài trợ cũng ảnh hưởng đến hàng ngàn gia đình, bao gồm cả những người tham gia vào dự án “cộng đồng chủ nhà” tại Cox’s Bazar. Mặc dù một số viện trợ lương thực và y tế từ Hoa Kỳ cho người tị nạn Rohingya tại Cox’s Bazar sẽ tiếp tục, nhưng quy mô hỗ trợ đã bị cắt giảm đáng kể, khiến nhiều người rơi vào tình cảnh khó khăn.

Tại Philippines, cơ quan hành động xã hội của Hội đồng Giám mục Công giáo cho biết, các dự án phát triển trị giá khoảng 600 ngàn đôla Mỹ đã bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm tài trợ từ USAID.

Đức cha Jose Colin Bagaforo, Chủ tịch Caritas Philippines, cho biết các dự án trong Giáo hội Philippines được USAID tài trợ đã bị tạm dừng kể từ khi Tổng thống Trump thông báo về việc cắt giảm.

Caritas Châu Á cam kết tiếp tục hỗ trợ người nghèo

Tuy nhiên, vị giám mục khẳng định rằng Caritas Philippines “sẽ tiếp tục công việc phục vụ người nghèo và thúc đẩy các chương trình của Giáo hội, bất chấp việc cắt giảm tài trợ từ USAID”.

Trong bối cảnh bất ổn tài chính, Caritas Châu Á cam kết sẽ tiếp tục vận động cho quyền lợi của người di cư và tăng cường hợp tác khu vực.

Các cuộc họp sắp tới tại Thái Lan và Malaysia sẽ tập trung vào việc duy trì hoạt động và tìm kiếm các nguồn tài trợ thay thế để lấp đầy khoảng trống do việc cắt giảm từ USAID.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/caritas-chau-a-cam-ket-duy-tri-cac-dich-vu-ho-tro-bat-chap-viec-cat-giam-tai-tro-tu-usaid-42555.html

 

 

20. Đứng trước thách thức mới của trí tuệ nhân tạo, Đức Tgm Paglia kêu gọi đánh thức chủ nghĩa nhân văn Châu Âu

Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp - nhận thức đều mang theo những câu hỏi về đạo đức và nhân học. Nhằm bảo vệ phẩm giá và tự do của con người, Giáo hội Công giáo đang tích cực tham gia vào cuộc thảo luận về trí tuệ nhân tạo (AI) ở nhiều cấp độ khác nhau. Chủ tịch hàn lâm viện, Đức cha Vincenzo Paglia, kêu gọi châu Âu đánh thức tinh thần nhân văn trước khi tốc độ công nghệ vượt qua khả năng kiểm soát của con người.

Vatican News

Bên cạnh những giáo huấn quan trọng của Đức Thánh Cha về trí tuệ nhân tạo, Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống đã dành nhiều năm nghiên cứu về cuộc cách mạng công nghệ này, được khơi dậy từ những mối quan tâm của các bên liên quan. Đức cha Paglia chia sẻ với Vatican News về cuộc gặp gỡ đầu tiên của ngài với Chủ tịch Microsoft, Brad Smith. Ông Smith thừa nhận rằng ranh giới giữa máy móc và con người đôi khi rất mờ nhạt, và ông đã đề nghị “sự hỗ trợ của Giáo hội” để giúp xác định rõ hơn những ranh giới này.

Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống đóng góp vào cuộc thảo luận này thông qua “Lời kêu gọi Roma vì đạo đức trí tuệ nhân tạo” được ký kết vào ngày 28/2/2020 dưới bảo trợ bởi chính Hàn lâm viện và sự tham gia của nhiều tổ chức công và tư, bao gồm Microsoft, IBM, Tổ chức Lương Nông Thế giới (FAO) và Chính phủ Ý. Trong vòng năm năm, nhiều tổ chức khác đã tham gia ký kết, bao gồm 16 đại diện từ các tôn giáo khác nhau tại Hội nghị ở Hiroshima (Nhật Bản) vào ngày 10/7/2024, cũng như công ty Cisco ở California và Giáo hội Anh giáo vài tuần trước đó.

Các tôn giáo hình thành ý thức đạo đức cho AI

Mặc dù không thuộc về giáo huấn chính thức của Giáo hội như văn kiện Antiqua et Nova, “Lời kêu gọi Roma vì đạo đức trí tuệ nhân tạo” phản ánh ý chí của Tòa Thánh trong việc khẳng định vị trí trung tâm của con người trong lĩnh vực công nghệ mới này. Trong lĩnh vực này, các tôn giáo, cùng với các trường đại học và cộng đồng rộng lớn hơn, có thể góp phần phổ biến ý thức đạo đức về AI trong các doanh nghiệp lớn cũng như trong chính sách công.

Đức Tổng Giám mục Paglia kêu gọi thiết lập các quy tắc đạo đức và pháp lý thông qua các thỏa thuận quốc tế, đặc biệt là trong việc quản lý dữ liệu lớn. Ngài bày tỏ: “Tôi mơ ước một thỏa thuận tương tự như Hiệp định Paris năm 2015 về khí hậu, nhưng dành cho các công nghệ mới nổi và hội tụ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo”, đồng thời ngài thời kêu gọi khối G20 và Liên Hiệp Quốc “nhận thức trách nhiệm của mình”.

Bảo vệ tính nhân văn của nhân học Kitô giáo

Tại Hội nghị G7 dưới sự chủ trì của Ý ở vùng Puglia vào tháng 6 năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô, ngồi giữa Thủ tướng Ý Giorgia Meloni và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã kêu gọi “một không gian kiểm soát đáng kể của con người” đối với AI.

Đức cha Paglia nhấn mạnh: “Nguy cơ thực sự là chúng ta đang công nghệ hóa con người thay vì nhân văn hóa công nghệ”. Ngài kêu gọi một sự thức tỉnh của chủ nghĩa nhân văn: “Tất cả các ngành khoa học sẽ hội tụ cùng nhau như thời Phục hưng. Người tin và người không tin, nhà thơ và nhà vật lý, triết gia và thần học gia, tất cả chúng ta cần tạo ra một liên minh giúp cứu lấy con người”.

Trách nhiệm của châu Âu

Theo Đức cha Paglia, châu Âu, dù thiếu về tài nguyên, cần phải trở nên có trách nhiệm hơn trong việc phát triển công nghệ và nghiên cứu khoa học, để đưa chúng vào lĩnh vực nhân học. Ngài lo ngại: “Chúng ta đang đứng trước nguy cơ tốc độ của công nghệ sẽ vượt qua sự chậm chạp của chủ nghĩa nhân văn, sự chậm chạp của các quy tắc”.

Đức cha Paglia kỳ vọng nhiều vào châu Âu, kêu gọi lục địa này thức tỉnh trong cuộc đua công nghệ: “Châu Âu có một sự nhạy cảm đặc biệt nhờ truyền thống nhân văn hai hoặc ba ngàn năm của mình. Cần phải đưa tinh thần đó vào thế giới công nghệ đang phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc và Hoa Kỳ”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dung-truoc-thach-thuc-moi-cua-tri-tue-nhan-tao-duc-tgm-paglia-keu-goi-danh-thuc-chu-nghia-nhan-van-chau-au-42558.html

 

 

21. Đức Thánh Cha tại Sanremo: Âm nhạc là công cụ hòa bình, chiến tranh hủy hoại trẻ em

Trong một sứ điệp video gửi đến Liên hoan Âm nhạc Sanremo, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng “âm nhạc có thể giúp các dân tộc chung sống hòa bình”. Ngài cũng nhắc đến Ngày Thế giới Trẻ em và hướng suy nghĩ đến nhiều trẻ nhỏ đang “khóc than và đau khổ vì bao bất công trên thế giới”. Đức Thánh Cha bày tỏ mong muốn “nhìn thấy những người từng thù ghét nhau nay nắm tay nhau, ôm lấy nhau và nói với nhau qua cuộc sống, âm nhạc và tiếng hát: Hòa bình là điều có thể!”

Vatican News

Qua một video được ghi lại tại Nhà Thánh Marta, không nằm trong chương trình dự kiến, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết nối với khán giả của lễ hội âm nhạc nổi tiếng của Ý lần thứ 75 để nhắc nhở về tầm quan trọng của âm nhạc và thông điệp mà nó có thể mang lại.

Trong video Đức Thánh Cha nói: “Âm nhạc là vẻ đẹp, âm nhạc là công cụ hòa bình. Đó là ngôn ngữ mà mọi dân tộc, theo cách riêng của mình, đều nói và chạm đến trái tim của mọi người. Âm nhạc có thể giúp các dân tộc chung sống hòa bình”.

Nhắc đến Ngày Thế giới Trẻ em

Đức Thánh Cha đã chia sẻ một kỷ niệm cá nhân về mẹ của ngài, bà Regina Maria, người “đã kể và giải thích cho tôi một số đoạn nhạc kịch, giúp tôi hiểu về ý nghĩa của sự hài hòa và những thông điệp mà âm nhạc có thể mang lại”. Một kỷ niệm khác, được ngài “giữ trong tim”, là Ngày Thế giới Trẻ em được tổ chức vào tháng 5/2024 tại Sân vận động Olympic ở Roma, do chính Carlo Conti dẫn chương trình. Đó là một “khoảnh khắc tuyệt vời”, với sự hiện diện của hàng ngàn trẻ em từ khắp nơi trên thế giới.

Chiến tranh hủy hoại trẻ em

Đức Thánh Cha đã thu hút sự chú ý của nước Ý và thế giới về “nhiều trẻ em không thể hát”: nhiều trẻ em “không thể hát về cuộc sống, và đang khóc than, đau khổ vì bao bất công trên thế giới, vì bao cuộc chiến tranh và xung đột”.

“Chiến tranh hủy hoại trẻ em. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng chiến tranh luôn là một thất bại.”

Mong muốn nhìn thấy những người từng thù ghét nhau nắm tay nhau

Đức Thánh Cha chia sẻ: “Điều tôi mong ước nhất là nhìn thấy những người từng thù ghét nhau nay nắm tay nhau, ôm lấy nhau và nói với nhau qua cuộc sống, âm nhạc và tiếng hát: Hòa bình là điều có thể!”. Ngài nói: “Hôm nay, bạn đang làm điều đó và đang nói lên điều đó thông qua âm nhạc”.

Cố gắng xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn

Đức Thánh Cha gởi lời chào đến “tất cả những người đang kết nối, đặc biệt là những người đang đau khổ” và bày tỏ hy vọng rằng “âm nhạc hay có thể chạm đến trái tim của mọi người”.

“Âm nhạc có thể mở rộng con tim đến sự hài hòa, niềm vui của sự đoàn kết, với một ngôn ngữ chung và thấu hiểu, giúp chúng ta cố gắng xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn”.

Lời cảm ơn của Carlo Conti

Những lời của Đức Thánh Cha đã được đón nhận bằng một tràng pháo tay vang dội từ sân khấu đến khán giả và mọi người đứng dậy. Người dẫn chương trình Carlo Conti đã giới thiệu về đoạn video bất ngờ này và giải thích rằng ông đã viết thư cho Đức Thánh Cha để thông báo về “khoảnh khắc dành cho hòa bình”, với bài song ca của Noa và Mira Awad. Người dẫn chương trình đã chia sẻ: “Đức Thánh Cha là một người luôn ở trong trái tim của tất cả chúng ta và thường lên tiếng, kêu gọi thế giới hướng đến hòa bình. Tôi đã viết thư xin ngài gởi một thông điệp để giới thiệu khoảnh khắc này, và ngài đã làm nhiều hơn thế...”. Ông đã hai lần lặp lại “cảm ơn Đức Thánh Cha” khi đoạn video kết thúc.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-tai-sanremo-am-nhac-la-cong-cu-hoa-binh-chien-tranh-huy-hoai-tre-em-42561.html

 

 

22. Đức Hồng Y Roche: ‘Ngọn hải đăng hy vọng’ Thánh Têrêsa được tưởng nhớ trong các bản văn phụng vụ

Khi Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích công bố sắc lệnh ghi tên Thánh Têrêsa Calcutta vào Lịch Công giáo Roma, Đức Hồng Y Tổng Trưởng Arthur Roche giải thích về các bản văn phụng vụ cho ngày lễ nhớ của thánh nhân vào ngày 5 tháng 9, đồng thời ca ngợi gương mẫu khiêm nhường phục vụ của người phụ nữ được biết đến với tên gọi Mẹ Têrêsa.

Vatican News

Ngày 24 tháng 12 năm 2024, nhân dịp Đức Thánh Cha Phanxicô mở Cửa Thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô, đánh dấu khởi đầu Năm Thánh Hy Vọng, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã ban hành Sắc lệnh nhân danh Đức Thánh Cha (Prot. N. 703/24), qua đó việc cử hành lễ nhớ Thánh Têrêsa Calcutta, trinh nữ, được ghi vào Lịch Công Giáo Rôma vào ngày 5 tháng 9 như một lễ nhớ tùy chọn.

Việc thêm vào này, theo ý muốn của Đức Thánh Cha, nhằm đáp lại những yêu cầu của các giám mục, tu sĩ và các hiệp hội tín hữu, đồng thời xét đến ảnh hưởng sâu rộng của linh đạo Thánh Têrêsa Calcutta trên toàn thế giới, ngài mong muốn đề cao thánh nhân như một chứng nhân xuất sắc của hy vọng cho những người bị bỏ rơi trong cuộc sống.

Cùng với Sắc lệnh là các yếu tố cần thêm vào tất cả các Lịch Phụng vụ và Sách Phụng vụ để cử hành Thánh Lễ và Kinh Thần vụ, cũng như sách các thánh.

Trong các bản văn phụng vụ của cử hành này, Lời nguyện Nhập lễ mở ra cho chúng ta tâm điểm linh đạo của thánh nhân: lời mời gọi đáp lại cơn khát của Chúa Giêsu Kitô trên Thập Giá bằng tình yêu đáp ứng nhu cầu của những người thiếu thốn nhất.

Về các bài đọc, bài đọc thứ nhất trích từ sách ngôn sứ Isaia nói về việc ăn chay đẹp lòng Thiên Chúa (x. Is 58:6-11), tiếp theo là Thánh Vịnh 33: “Tôi sẽ chúc tụng Chúa trong mọi lúc”.

Bài Tin Mừng, được mở đầu bằng câu Tung hô Tin Mừng, nhấn mạnh mặc khải về những mầu nhiệm Nước Trời dành cho những người bé mọn (x. Mt 11:25), và đoạn Tin Mừng theo Thánh Mátthêu, sau khi liệt kê các việc làm của lòng thương xót, mà chính Mẹ Têrêsa đã sống cách tuyệt vời, Chúa nói: “Những gì các ngươi làm cho những người bé nhỏ nhất của Ta, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25,40).

Về Kinh Thần vụ, sau phần ghi chú tiểu sử, là bài đọc thứ hai của Giờ Kinh Sách, trích từ bức thư mà thánh nhân viết cho Cha Joseph Neuner vào năm 1960, trong đó, Mẹ mở lòng, bày tỏ sự tối tăm vì cảm nhận sự vắng bóng của Thiên Chúa mà Mẹ đã sống trong nhiều năm, nhưng vẫn vui vẻ dâng lên Chúa, để nhờ việc trung thành chịu đựng thử thách này, nhiều linh hồn có thể được soi sáng.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-hong-y-roche-ngon-hai-dang-hy-vong-thanh-teresa-duoc-tuong-nho-trong-cac-ban-van-phung-vu-42562.html

 

 

23. Mẹ Têrêsa được ghi vào Lịch chung Roma, mừng vào ngày 5 tháng 9

Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã công bố Sắc lệnh hôm 11/2, trong đó Đức Thánh Cha, đáp lại những yêu cầu và ước nguyện của các mục tử, tu sĩ và giáo dân, đã quyết định ghi tên vị thánh được phong năm 2016 vào Lịch Phụng vụ chung. Ngài thiết lập việc cử hành lễ nhớ tùy chọn, được thêm vào tất cả các Lịch và Sách Phụng vụ để cử hành Thánh Lễ và Kinh Thần vụ.

Vatican News

Đã 9 năm kể từ khi được phong thánh và 22 năm kể từ khi được phong chân phước, nhưng mọi người vẫn thường gọi là “Mẹ Têrêsa”, bởi vì - như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong buổi lễ phong thánh ngày 4/9/2016 – “sự thánh thiện của Mẹ quá gần gũi với chúng ta, quá dịu dàng và phong phú đến nỗi chúng ta tự nhiên tiếp tục gọi Mẹ là ‘Mẹ’”. Và chính vì ảnh hưởng mạnh mẽ của người phụ nữ tự nhận mình là “cây bút chì nhỏ trong tay Chúa” vẫn tác động đến hàng triệu tín hữu trên thế giới, Đức Thánh Cha - đáp lại những “lời thỉnh cầu” và “ước nguyện” của các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân - đã quyết định ghi tên Thánh Têrêsa Calcutta vào Lịch chung Rôma, lịch quy định các ngày lễ và cử hành trong năm phụng vụ.

Sắc lệnh của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích được ký bởi Đức Hồng Y Tổng Trưởng Arthur Roche và Đức Tổng Giám Mục Thư ký Vittorio Viola. Trong sắc lệnh, Đức Thánh Cha quy định rằng lễ nhớ tùy chọn của thánh nữ sẽ được cử hành vào ngày 5 tháng 9, ngày Mẹ qua đời năm 1997. Nói cách khác, từ nay, người ta có thể cử hành Thánh Lễ và đọc Kinh sáng, Kinh chiều và các giờ kinh khác trong Kinh Thần Vụ để nhớ Mẹ Têrêsa.

Các bản văn phụng vụ

Sắc lệnh quy định các bản văn phụng vụ bằng tiếng Latinh, được đi kèm với Sắc lệnh, “phải được dịch, được phê chuẩn” và sau khi được Bộ xác nhận, sẽ “được xuất bản” bởi các Hội đồng Giám mục. Các bản văn này bao gồm lời nguyện nhập lễ, các bài đọc, các bản văn liên quan đến Kinh Thần Vụ và bản văn trong Sách các thánh.

Cuộc đời Mẹ Têrêsa Calcuta

Mẹ Têrêsa sinh ngày 26/8/1910 tại Skopje, thuộc Nam Tư cũ. Năm 1929, Mẹ bắt đầu sứ mạng tại Calcutta, Ấn Độ, sau khi rời khỏi dòng Nữ tu Loreto. Năm 1950, Mẹ thành lập Dòng Thừa Sai Bác Ái, hiện nay có hơn sáu ngàn nữ tu trên khắp thế giới, hoạt động tại 130 quốc gia, bắt đầu từ những nước nghèo và kém phát triển nhất. Năm 1979, Mẹ được trao giải Nobel Hòa bình, và Mẹ đã yêu cầu dùng số tiền thưởng để giúp đỡ người nghèo ở Ấn Độ. Mẹ qua đời năm 1997 tại Calcutta.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người có mối tương quan thân tình với Mẹ, đã tôn phong Mẹ lên hàng chân phước vào ngày 19/10/2003. Sau đó, ngày 4/9/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phong thánh cho Mẹ với Thánh lễ diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô, trước sự hiện diện của các nữ tu, linh mục và giáo dân từ khắp năm châu. Cũng không phải ngẫu nhiên mà lễ phong thánh được tổ chức trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Như Đức Thánh Cha đã nói trong bài giảng lễ phong thánh, Mẹ Teresa, trong suốt cuộc đời, là “người phân phát quảng đại” lòng thương xót, “sẵn sàng đón nhận và bảo vệ sự sống con người, từ những thai nhi chưa chào đời đến những người bị bỏ rơi và loại trừ”, “cúi xuống trên những người kiệt sức, bị bỏ mặc chết bên lề đường, nhận ra phẩm giá mà Thiên Chúa đã ban cho họ”, và “lên tiếng trước những người quyền lực trên thế giới, để họ nhận ra tội lỗi của mình trước những tội ác của sự nghèo đói do chính họ tạo ra”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/me-teresa-duoc-ghi-vao-lich-chung-roma-mung-vao-ngay-5-thang-9-42563.html

 

 

24. Đức Thánh Cha: Giáo Hội phải là một gia đình anh chị em của nhau

Sáng thứ Sáu, ngày 14/2, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các thành viên của Tổ chức Gaudium et Spes tại Nhà Thánh Marta và nhắc nhở tinh thần của Hiến chế Công đồng hướng đến “tình huynh đệ phổ quát”: động lực này phải đến “nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng là Tình Yêu”, và qua Thánh lễ Chúa Nhật, nơi Giáo Hội tạo nên “một thân thể duy nhất”.

Vatican News

Trong bài diễn văn trước các thành viên của Tổ chức Gaudium et Spes, một tổ chức chuyên thực hiện các dự án hỗ trợ xã hội và bảo tồn văn hóa, có trụ sở tại Puerto Rico và trên toàn thế giới, Đức Thánh cha nhấn mạnh: Hiến chế Gaudium et Spes của Công đồng Vatican II nhắc nhở chúng ta rằng tất cả các thành viên của Giáo Hội, từ những người nhỏ bé nhất và bị gạt ra bên lề, đều “được hiệp nhất trong Đức Kitô” trong một “tình huynh đệ phổ quát”, nơi mọi người đều có “cùng phẩm giá”.

Hiến chế này tập trung vào vai trò của Giáo Hội trong thế giới đương đại và được công bố vào ngày cuối cùng của Công đồng. Văn kiện nhắc nhở các tín hữu rằng tất cả các thành viên của Giáo Hội đều là một phần của một thân thể duy nhất, một “gia đình”, luôn hiệp nhất và liên đới “nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng là Tình Yêu”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc: “Lương thực của gia đình này, quy tụ để cùng nhau dùng bữa vào Thánh lễ Chúa Nhật, chính là Thánh Thể. Chúng ta hình thành một thân thể duy nhất, vì chúng ta cùng ăn một tấm bánh. Đó là lương thực thiêng liêng được trao ban cho tất cả mọi người cách đồng đều, và giúp chúng ta sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em mình”.

Trong Năm Thánh Hy vọng này, Đức Thánh Cha cũng cảm ơn các thành viên của tổ chức vì đã trở thành “lý do hy vọng cho nhiều người đang đau khổ và chán nản”, và nhờ “các công việc của anh chị em, họ cảm nhận được rằng Thiên Chúa đang âu yếm và an ủi họ trong những đau khổ”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-giao-hoi-phai-la-mot-gia-dinh-anh-chi-em-cua-nhau-42569.html

 

 

25. Hội nghị nhằm xây dựng cầu nối giữa Bắc và Nam Mỹ

Mạng lưới “Ecclesia in America” đã tổ chức hội nghị thần học về Tính Hiệp Hành tại Châu Mỹ, từ ngày 6-9/2 tại Đại học San Diego, Hoa Kỳ, nhằm thúc đẩy các chủ đề “di chuyển của con người, đối thoại và những bối cảnh mới”.

Vatican News

Hội nghị tập trung vào việc thúc đẩy đối thoại về các chủ đề như di chuyển của con người; đại kết và đối thoại liên tôn; cùng những bối cảnh thần học mới.

Hội nghị này là một phần trong nỗ lực của Mạng lưới nhằm đáp lại mong muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc tăng cường hợp tác giữa Bắc và Nam Mỹ. Theo trang web của tổ chức, đây là một mạng lưới “các nhà thần học Mỹ Latinh và ‘Latino’. Mạng lưới này muốn kết nối và thúc đẩy đối thoại giữa các nhà thần học trên khắp Châu Mỹ, để xây dựng một ‘Giáo hội tại Châu Mỹ’ đích thực”.

Sơ Liliana Franco, Chủ tịch Liên đoàn các Tu sĩ nam nữ Mỹ Latinh (CLAR), cho biết việc suy tư về các chủ đề của Hội nghị là cần thiết trong một thế giới “nơi có những ‘cơ cấu bóp nghẹt và cách thức hành xử chối bỏ con người’”. Sơ lên án rằng “sự thao túng ý thức hệ đang được thiết lập và quyền lực được sử dụng để kiểm soát và gán nhãn, để kỳ thị và loại trừ”. Sơ nhấn mạnh sự cần thiết để các nhà thần học thúc đẩy “một chọn lựa dành cho những người nghèo nhất, cho việc đấu tranh và lý tưởng của họ”, điều này đòi hỏi “đi sâu vào tận gốc rễ cấu trúc của nghèo đói và thúc đẩy những cơ hội thực sự cho sự phát triển toàn diện”.

Đức Hồng Y Leonardo Ulrich Steiner, OFM, Tổng Giám mục Manaus, Brazil, cho biết tính hiệp hành được thể hiện trong sứ mạng của Giáo hội, trong hoạt động truyền giáo của Giáo hội. Ngài nói rằng tiến trình hiệp hành chưa kết thúc, nhưng thay vào đó, các tín hữu được mời gọi “kiên trì và đào sâu cách thức hiệp hành này của Giáo hội”, với sự tham gia của tất cả mọi người, “lắng nghe những tiếng kêu dẫn đến thái độ ngôn sứ” với sự cởi mở đối thoại.

Trong số những người tham dự từ Vatican có Đức Hồng Y Michael Czerny, Tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện. Khi nói về tình hình hiện tại của người di cư tại Hoa Kỳ, Đức Hồng Y cho biết, “Khi người ta bị hình sự hóa, Giáo hội không thể đầu hàng”. Ngài bày tỏ ưu tư về “những xu hướng đáng lo ngại trong khu vực nhằm hình sự hóa những người giúp đỡ người di cư, kể cả các tổ chức Công giáo”. Những xu hướng này, theo ngài, không thể khiến chúng ta “sợ hãi khi đồng hành với người di cư”. Ngài nhấn mạnh vai trò căn bản của Giáo hội trong việc kết hợp “ơn gọi mục vụ” của Người Samari nhân hậu với nhu cầu làm việc để chấm dứt những chính sách như vậy.

Trong khi đó, Bà Emilce Cuda, Thư ký Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh, kêu gọi “niềm hy vọng có tổ chức” trong các cộng đồng. Bà đề xuất đối thoại như một cách tiến về phía trước, dẫn đến việc xây dựng các chính sách bao dung, “đảm bảo cải thiện xã hội cho tất cả mọi người”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/hoi-nghi-nham-xay-dung-cau-noi-giua-bac-va-nam-my-42570.html

 

 

26. Vatican tổ chức đối thoại quốc tế về cải cách thuế

Thứ Năm 13/2, hàng chục quan chức từ các chính phủ và tổ chức quốc tế đã quy tụ tại Vatican để tham dự cuộc đối thoại cấp cao về “Sự công bằng thuế và Tình liên đới”. Hội nghị do Hàn lâm viện Khoa học Xã hội của Tòa Thánh (PASS) tổ chức đã khám phá về cách thức hệ thống thuế quốc tế hiện nay đang làm gia tăng bất bình đẳng toàn cầu.

Vatican News

Trong bài phát biểu tại hội thảo, Đức Hồng Y Parolin cho biết mục tiêu tổng quát của việc thu thuế và chi tiêu công “phải là xây dựng một khuôn khổ tài chính công, không chỉ hiệu quả mà còn là chất xúc tác cho sự liên đới và phát triển”.

Hội thảo đã tập trung thảo luận về cách các chính sách thuế, trốn thuế và chi tiêu chính phủ ảnh hưởng đến bất bình đẳng kinh tế cũng như khả năng của các quốc gia trong việc thực hiện nghĩa vụ với công dân của mình và cộng đồng toàn cầu.

Đức Hồng Y Parolin nhấn mạnh: “Không chỉ cần cảnh giác trong cuộc chiến chống tham nhũng, mà còn có nghĩa vụ đạo đức phải hỗ trợ những người nghèo nhất, cung cấp giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Hơn nữa, các quốc gia thịnh vượng có nghĩa vụ viện trợ cho các quốc gia đang phát triển”.

Theo thông cáo của Hàn lâm viện, “việc trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia là một trong những khía cạnh độc hại nhất của toàn cầu hóa. Các tập đoàn, thu lợi hàng tỷ đô la trong khi hưởng lợi từ các đầu tư công về tri thức, công nghệ và cơ sở hạ tầng, là những người chiến thắng lớn nhất của toàn cầu hóa”.

Thông cáo cho biết: “Bằng cách chuyển một phần lớn lợi nhuận của họ đến các thiên đường thuế, họ đã tước đi các nguồn lực quan trọng cần thiết cho đầu tư vào các quyền cơ bản của con người như y tế và giáo dục, cũng như các chính sách chống đói nghèo và biến đổi khí hậu”. Ngoài ra, những cá nhân giàu có nhất thế giới “có khả năng hạ thuế bằng cách khai thác cạnh tranh thuế quốc tế và các cơ hội trốn thuế”.

Hàn lâm viện cũng cho biết: “Nghiên cứu của nhiều học giả được tổng hợp trong Báo cáo Trốn thuế Toàn cầu 2024 cho thấy rằng khi xem xét tất cả các loại thuế – thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu dùng, thuế doanh nghiệp, v.v. – những cá nhân giàu có nhất trả thuế ít hơn nhiều so với các nhóm kinh tế-xã hội khác”.

Vai trò “hướng dẫn” của Giáo hội trong cải cách kinh tế

Nữ tu Helen Alford, Chủ tịch Hàn lâm viện Khoa học Xã hội của Tòa Thánh, chia sẻ với Vatican News rằng cải cách thuế là “điều cấp thiết”. Sơ nhấn mạnh rằng hệ thống thuế quốc tế hiện tại đã hơn 100 năm tuổi và “thực sự không thể đáp ứng” được thế giới siêu toàn cầu hóa ngày nay. Điều này cho phép các tập đoàn đa quốc gia và những cá nhân siêu giàu trả mức thuế rất thấp, từ đó làm các chính phủ mất đi nguồn lực quan trọng.

Nữ tu Alford nhấn mạnh vai trò mà Giáo hội có thể đảm nhận để giải quyết vấn đề này. Sơ cho biết, hàng chục quan chức chính phủ và quốc tế đã quy tụ tại Vatican để tham dự cuộc đối thoại cấp cao vì họ nhận ra “vai trò hướng dẫn quan trọng” mà Giáo hội, đặc biệt là Đức Thánh Cha Phanxicô, đang thực hiện trong thế giới ngày nay.

Hơn nữa, Nữ tu Alford cho biết, những vấn đề tại Liên Hiệp Quốc và các tổ chức đa phương khác đã làm cho một diễn đàn như của Hàn lâm viện Khoa học Xã hội của Tòa Thánh tăng thêm giá trị, mang đến cơ hội cho các quan chức chính phủ và nhà lãnh đạo thế giới thảo luận về “những ý tưởng mà họ sẽ rất khó thảo luận ở bất kỳ nơi nào khác”.

Cải cách thuế và Năm Thánh

Trong số những người tham dự cuộc đối thoại có ông Joseph Stiglitz, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel và là Viện sĩ Danh dự của Hàn lâm viện Khoa học Xã hội của Tòa Thánh.

Trong cuộc phỏng vấn với Vatican News, ông cho biết “Chúng ta cần Công bằng thuế”.

Ông Stiglitz nhấn mạnh rằng chỉ khi các tỷ phú và tập đoàn giàu trả phần thuế công bằng của họ, chúng ta mới có thể có “sự chuyển dịch hướng tới bình đẳng hơn” và “khôi phục niềm tin vào hệ thống của chúng ta”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/vatican-to-chuc-doi-thoai-quoc-te-ve-cai-cach-thue-42571.html

 

 

27. Đức Thánh Cha nhập viện tại Bệnh viện Gemelli để kiểm tra và điều trị viêm phế quản

Sáng thứ Sáu, ngày 14/2, Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết: “Sáng nay, sau khi kết thúc các buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhập viện tại Bệnh viện Agostino Gemelli để thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán cần thiết và tiếp tục điều trị bệnh viêm phế quản trong môi trường bệnh viện”.

Vatican News

Đức Thánh Cha đã bị viêm phế quản trong vài ngày qua. Ngài cũng đã nhiều lần chia sẻ công khai về tình trạng viêm phế quản của mình, khiến ngài không thể đọc trọn vẹn các bài giáo lý, bài giảng và các bài phát biểu đã chuẩn bị.

Sáng nay, ngài vẫn giữ lịch trình các cuộc gặp gỡ đã định, tất cả đều diễn ra tại Nhà Thánh Marta.

Đây là lần thứ tư Đức Thánh Cha Phanxicô nhập viện tại Bệnh viện Gemelli.

Trước đó, vào ngày 6/2, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã ra thông báo cho biết Đức Thánh Cha đang bị viêm phế quản và sẽ tổ chức các buổi tiếp kiến tại nơi cư trú của ngài ở Nhà Thánh Marta.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-nhap-vien-tai-benh-vien-gemelli-de-kiem-tra-va-dieu-tri-viem-phe-quan-42572.html

 

 

28. Thánh Lễ Năm Thánh dành cho giới nghệ sĩ và văn hoá

Sáng Chúa Nhật ngày 16/2, ngày thứ hai của Năm Thánh dành cho giới nghệ sĩ và văn hoá, lẽ ra Đức Thánh Cha chủ sự Thánh Lễ Năm Thánh này, tuy nhiên vì bị viêm phế quản và nhập viện nên Đức Hồng Y Tolentino de Mendonça, Bộ trưởng Bộ Văn hoá và Giáo dục đã chủ sự Thánh Lễ Năm Thánh, với khoảng 4000 người hiện diện tại Đền thờ thánh Phêrô.

Vatican News

Đức Hồng Y Tolentino đã đọc bài giảng của Đức Thánh Cha cho Thánh Lễ này, Lễ Chúa Nhật thứ VI thường niên, với bài Tin Mừng về Chúa Giêsu công bố các Mối phúc.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu công bố các Mối Phúc trước các môn đệ và đám đông dân chúng. Chúng ta đã nghe những lời này nhiều lần, nhưng những lời này không ngừng làm chúng ta kinh ngạc: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười” (Lc 6,20-21). Những lời này đảo lộn luận lý của thế gian và mời gọi chúng ta nhìn thực tại bằng đôi mắt mới, bằng cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng nhìn thấy vượt xa vẻ bề ngoài và nhận ra vẻ đẹp ngay cả trong sự mong manh và đau khổ.

Phần thứ hai dùng những lời nghiêm khắc và cảnh báo: “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than” (Lc 6,24-25). Sự tương phản giữa “phúc cho anh em” và “khốn cho các ngươi” nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc phân định về nơi chúng ta đặt sự an toàn của mình.

Các nghệ sĩ và những người làm văn hóa, anh chị em được mời gọi làm chứng cho tầm nhìn cách mạng của các Mối Phúc. Sứ mạng của anh chị em không chỉ là tạo ra cái đẹp, mà còn làm tỏ lộ sự thật, lòng nhân hậu và vẻ đẹp ẩn giấu trong những nếp gấp của lịch sử, là lên tiếng cho những người không có tiếng nói, biến đổi nỗi đau thành hy vọng.

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ khủng hoảng phức tạp, vừa là khủng hoảng kinh tế và xã hội, nhưng trước hết là khủng hoảng của tâm hồn, khủng hoảng ý nghĩa. Chúng ta đặt ra câu hỏi về thời gian và hướng đi. Chúng ta là những người lữ hành hay những kẻ lang thang? Chúng ta bước đi với một đích nhắm hay đang lạc lối trong sự mông lung? Nghệ sĩ là người có nhiệm vụ giúp nhân loại không đánh mất phương hướng, không làm mờ đi chân trời hy vọng.

Nhưng hãy lưu ý: không phải một hy vọng dễ dãi, hời hợt, thoát ly thực tế. Không! Hy vọng đích thực đan xen với bi kịch của hiện hữu con người. Nó không phải là nơi trú ẩn thoải mái, mà là ngọn lửa đốt cháy và soi sáng, như Lời Chúa. Vì thế, nghệ thuật đích thực luôn là cuộc gặp gỡ với mầu nhiệm, với vẻ đẹp vượt xa chúng ta, với nỗi đau chất vấn chúng ta, với sự thật kêu gọi chúng ta. Nếu không, thì sẽ “khốn” thay! Chúa nghiêm khắc trong lời kêu gọi của Người.

Như nhà thơ Dòng Tên Hopkins đã viết: “Thế giới đầy tràn sự vĩ đại của Thiên Chúa. / Nó sẽ loé sáng như ánh lấp lánh của tấm chớp ánh bạc”. Đây là sứ mạng của nghệ sĩ: khám phá và làm tỏ lộ sự vĩ đại ẩn giấu đó, làm cho nó được cảm nhận bằng đôi mắt và trái tim chúng ta. Cũng nhà thơ ấy đã cảm nhận trong thế giới một “tiếng vọng bằng chì” và một “tiếng vọng bằng vàng”. Nghệ sĩ nhạy cảm với những tiếng vọng này và, qua tác phẩm của mình, thực hiện sự phân định và giúp người khác phân biệt giữa những tiếng vọng khác nhau trong những biến cố của thế giới. Và những người nam nữ làm văn hóa được mời gọi đánh giá những tiếng vọng này, giải thích chúng và soi sáng con đường dẫn dắt chúng ta: đó là tiếng hát của những nàng tiên cá quyến rũ hay là tiếng gọi của nhân tính đích thực nhất của chúng ta. Anh chị em thân mến, anh chị em được mời gọi có sự khôn ngoan để phân biệt điều gì là “như trấu bị gió cuốn đi” với điều gì vững chắc “như cây trồng bên dòng nước” và có khả năng sinh hoa trái (x. Tv 1,3-4).

Các nghệ sĩ thân mến, tôi thấy nơi anh chị em là những người gìn giữ vẻ đẹp biết cúi xuống trên những vết thương của thế giới, biết lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, người đau khổ, người bị thương, người tù đày, người bị bách hại, người tị nạn. Tôi thấy nơi anh chị em những người gìn giữ các Mối Phúc! Chúng ta đang sống trong một thời đại mà những bức tường mới được dựng lên, khi những khác biệt trở thành cớ để chia rẽ thay vì cơ hội để làm phong phú lẫn nhau. Nhưng anh chị em, những người làm văn hóa, được mời gọi xây dựng những cây cầu, tạo ra không gian gặp gỡ và đối thoại, soi sáng tâm trí và sưởi ấm trái tim.

Người ta có thể hỏi: “Nhưng nghệ thuật để làm gì? Nghệ thuật có ích gì trong một thế giới đầy thương tích? Chẳng phải có những điều cấp bách hơn, cụ thể hơn, cần thiết hơn sao?”. Nghệ thuật không phải là xa xỉ, mà là nhu cầu của tâm hồn. Nó không phải là sự trốn chạy, mà là trách nhiệm, lời mời gọi hành động, tiếng kêu gọi, tiếng thét gào. Giáo dục về cái đẹp là giáo dục về hy vọng. Và hy vọng không bao giờ tách rời khỏi bi kịch của hiện hữu: ngang qua những vật lộn hàng ngày, những vất vả của cuộc sống, những thách thức của thời đại chúng ta.

Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe hôm nay, Chúa Giêsu tuyên bố phúc cho người nghèo, người đau khổ, người hiền lành, người bị bách hại. Đó là một lý lẽ đảo ngược, một cuộc cách mạng về cách nhìn. Nghệ thuật được mời gọi tham gia vào cuộc cách mạng này. Thế giới cần những nghệ sĩ ngôn sứ, những nhà trí thức can đảm, những người sáng tạo văn hóa.

Hãy để mình được hướng dẫn bởi Tin Mừng của các Mối Phúc, và nghệ thuật của anh chị em trở thành lời loan báo về một thế giới mới. Ước gì thơ ca của anh chị em làm cho chúng ta thấy điều đó! Đừng bao giờ ngừng tìm kiếm, chất vấn và mạo hiểm. Vì nghệ thuật đích thực không bao giờ dễ dàng, nó mang lại sự bình an giữa những chao đảo. Và hãy nhớ: hy vọng không phải là ảo tưởng; cái đẹp không phải là không tưởng; ơn gọi của anh chị em không phải là ngẫu nhiên, mà là một tiếng gọi, một ơn gọi. Anh chị em hãy đáp lại với lòng quảng đại, với niềm đam mê và với tình yêu.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/thanh-le-nam-thanh-danh-cho-gioi-nghe-si-va-van-hoa-42578.html

 

 

29. Đức Thánh Cha bổ nhiệm sơ Raffaella Petrini làm Chủ tịch Phủ Thống đốc Vatican

Từ ngày 01/03/2025, nữ tu sĩ dòng Phanxicô sẽ đảm nhận các nhiệm vụ mà Đức Thánh Cha đã chỉ định trong Quốc gia Thành Vatican, bao gồm chức vụ Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Quốc gia Thành Vatican và Chủ tịch Phủ Thống đốc. Việc bổ nhiệm này đã được Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết vào ngày 19/1.

Vatican News

Sáng thứ Bảy, ngày 15/2, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố Đức Thánh Cha Phanxicô chính thức bổ nhiệm nữ tu sĩ Raffaella Petrini, hiện đang là Tổng Thư ký Phủ Thống đốc, làm Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Quốc gia Thành Vatican và Chủ tịch Phủ Thống đốc. Việc bổ nhiệm này sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 3 năm 2025. Quyết định này đã được Đức Thánh Cha tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với ông Fabio Fazio trên chương trình truyền hình “Che tempo che fa” vào ngày 19 tháng 1.

Trong vai trò mới, sơ sẽ giám sát việc quản trị Thành Vatican, điều hành các hoạt động hàng ngày và chính sách theo hướng đi của Tòa Thánh. Phủ Thống đốc chịu trách nhiệm về nhiều khía cạnh trong việc quản lý Thành Vatican, bao gồm an ninh, cơ sở hạ tầng và di sản văn hóa.

Nữ tu Raffaella Petrini, thuộc Dòng Nữ tu Phanxicô Thánh Thể, sinh ngày 15 tháng 1 năm 1969 tại Roma. Sơ đã tốt nghiệp Cử nhân Khoa học Chính trị tại Đại học Quốc tế Tự do Guido Carli và nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Giáo hoàng Thánh Tôma Aquinô. Từ năm 2005, sơ đã làm việc tại Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc. Kể từ năm 2022, sơ đảm nhiệm vai trò Tổng Thư ký Phủ Thống đốc. Sơ sẽ kế nhiệm Đức Hồng y Fernando Vergéz Alzaga, người sẽ tròn 80 tuổi vào ngày 1 tháng 3 tới đây.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-bo-nhiem-so-raffaella-petrini-lam-chu-tich-phu-thong-doc-vatican-42579.html

 

 

30. Đức Thánh Cha tại bệnh viện Gemelli, nhiễm trùng đa vi khuẩn, cần thời gian điều trị

Sáng thứ Hai ngày 17/2, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã cập nhật thông tin về sức khỏe của Đức Thánh Cha đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Gemelli: “Việc điều trị đã được điều chỉnh. Tất cả các xét nghiệm thực hiện cho đến nay cho thấy một bệnh cảnh lâm sàng phức tạp, đòi hỏi thời gian nằm viện phù hợp”.

Vatican News

Theo thông báo từ Phòng Báo chí Tòa Thánh, “Kết quả các xét nghiệm thực hiện trong những ngày qua và hôm nay cho thấy Đức Thánh Cha bị nhiễm trùng đa vi khuẩn đường hô hấp, dẫn đến việc điều chỉnh lại phương pháp điều trị. Tất cả các xét nghiệm cho đến nay đều cho thấy một bệnh cảnh lâm sàng phức tạp, đòi hỏi thời gian nằm viện phù hợp”. Đức Thánh Cha đã nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Gemelli từ thứ Sáu ngày 14 tháng 2.

Ông Matteo Bruni, phát ngôn viên Tòa Thánh, cho biết: “Tinh thần của Đức Thánh Cha rất tốt. Các phương pháp điều trị vẫn đang được tiếp tục”. Ông cũng cho biết thêm Đức Thánh Cha đã có một đêm ngủ ngon, đêm thứ ba tại bệnh viện, và sáng nay ngài đã ăn sáng như những ngày trước, đồng thời dành thời gian đọc báo.

Đức Thánh Cha vẫn đang được theo dõi tại bệnh viện và hiện tại chưa có ước tính về thời gian xuất viện.

Dù đang ở bệnh viện, Đức Thánh Cha vẫn không muốn bỏ lỡ cuộc hẹn hàng ngày với giáo xứ Thánh Gia tại Gaza. Ngài đã gọi điện đúng giờ vào lúc 19 giờ (giờ Roma) cho cha quản xứ Gabriel Romanelli và tất cả những người lánh nạn đang ở trong giáo xứ và trường học.

Cha Romanelli đã xác nhận điều này với Vatican News: “Đức Thánh Cha đã gọi cho chúng tôi trong hai ngày đầu tiên nhập viện. Mọi người vẫn đợi đến 20 giờ (giờ Gaza) như thường lệ, và dù khu vực thành phố Gaza bị mất điện, ngài vẫn kiên trì và liên lạc với chúng tôi qua cuộc gọi video. Ngài hỏi thăm tình hình của chúng tôi, gửi lời chúc lành, và mọi người cũng bày tỏ sự gần gũi với ngài. Đức Thánh Cha đã cảm ơn và ban phép lành”.

Cha Romanelli, linh mục người Argentina, nhấn mạnh: “Chúng tôi nghe thấy giọng nói của Đức Thánh Cha. Đúng là ngài có vẻ mệt hơn. Ngài nói: ‘Tôi cần được chữa trị’. Nhưng giọng nói của ngài vẫn rõ ràng, và ngài lắng nghe chúng tôi một cách chăm chú”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-tai-benh-vien-gemelli-nhiem-trung-da-vi-khuan-can-thoi-gian-dieu-tri-42589.html

 

 

31. Năm Thánh: Dự án cung cấp thông tin y tế cho các tín hữu hành hương đến Roma

Trong Năm Thánh, Medikea TV đã triển khai một dự án sáng tạo nhằm hỗ trợ sức khỏe cho các tín hữu hành hương và du khách đến Roma.

Vatican News

Thông qua một trang web đa ngôn ngữ, dự án cung cấp thông tin về các rủi ro y tế và tình huống khẩn cấp, hướng dẫn thực tế, bản đồ tương tác để tìm kiếm bệnh viện, nhà thuốc và các điểm hỗ trợ, cùng các video giải đáp thắc mắc từ các chuyên gia. Dự án cũng có thể truy cập qua mạng xã hội, nhằm thể hiện cách công nghệ, khoa học và truyền thông có thể kết hợp để tạo ra một trải nghiệm sức khoẻ và bao hàm cho mọi người.

Dự án được thiết kế bởi Medikea TV để đảm bảo một Năm Thánh an toàn và bao hàm, đặc biệt khi hàng triệu tín hữu sẽ đổ về Roma trong năm nay. Trang web www.medikea.it, bằng tiếng Ý và tiếng Anh, bao gồm các thông tin về rủi ro y tế và tình huống khẩn cấp, hướng dẫn thực tế về những gì cần chuẩn bị cho chuyến đi, bản đồ tương tác để tìm kiếm các cơ sở y tế, nhà thuốc và điểm hỗ trợ tại Roma, cũng như các video từ chuyên gia giải đáp những câu hỏi thường gặp. Ngoài ra, kênh YouTube của Medikea TV cũng cung cấp một playlist có tên “Giubileo in salute”, bao gồm các video giáo dục về phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe trong chuyến hành hương, cùng các cuộc phỏng vấn với các bác sĩ chuyên khoa uy tín.

Thông qua mạng xã hội, dự án mang đến cho hàng triệu tín hữu và những người tham gia các lời khuyên phòng ngừa, như tiêm chủng và các quy tắc vệ sinh để giảm thiểu rủi ro bệnh tật, hướng dẫn quản lý các tình trạng mãn tính như tiểu đường hoặc huyết áp cao trong chuyến đi, cũng như thông tin dành cho người khuyết tật hoặc có nhu cầu đặc biệt. Dự án đảm bảo tính chính xác cao nhất của thông tin, nhờ sự bảo trợ của các hiệp hội khoa học và tổ chức phi lợi nhuận của Ý.

Trong một thông cáo, Medikea nhấn mạnh rằng Năm Thánh không chỉ là một sự kiện tâm linh, mà còn là cơ hội để cho thấy cách công nghệ, khoa học và truyền thông có thể kết hợp để tạo ra một trải nghiệm an toàn, sức khoẻ và bao hàm cho tất cả mọi người. Với mục tiêu giúp tín hữu sống hành trình hành hương một cách bình an, dự án được thiết kế để hướng đến sự an lành của mỗi người.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/nam-thanh-du-an-cung-cap-thong-tin-y-te-cho-cac-tin-huu-hanh-huong-den-roma-42591.html

 

 

32. Đức Thánh Cha bị viêm phổi hai bên, điều trị phức tạp hơn

Phòng Báo chí Tòa Thánh tối ngày 18/2 cho biết: Kết quả chụp CT ngực cho thấy tình trạng bệnh của Đức Thánh Cha Phanxicô phức tạp, đòi hỏi phải tiếp tục điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha vẫn có tinh thần tốt. Sáng nay, ngài đã lãnh nhận Thánh Thể và trong ngày, ngài dành thời gian nghỉ ngơi, cầu nguyện và đọc sách. Ngài bày tỏ lòng biết ơn vì sự gần gũi mà ngài cảm nhận được và xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho ngài.

Vatican News

Phòng báo chí Toà Thánh cập nhật thông tin về tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha lúc 19:33 giờ Roma:

Các xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X-quang ngực và tình trạng lâm sàng của Đức Thánh Cha tiếp tục cho thấy một bệnh cảnh phức tạp.

Nhiễm trùng đa vi khuẩn xuất hiện trên nền giãn phế quản và viêm phế quản dạng hen, đòi hỏi phải sử dụng liệu pháp kháng sinh kết hợp cortisone, khiến việc điều trị trở nên phức tạp hơn.

Chiều nay, Đức Thánh Cha đã được chụp cắt lớp (CT) ngực theo chỉ định của đội ngũ y tế Vatican và các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Gemelli. Kết quả cho thấy sự khởi phát của bệnh viêm phổi hai bên, đòi hỏi phải áp dụng liệu pháp điều trị bằng thuốc tăng cường.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn có tinh thần tốt.

Sáng nay, ngài đã rước Mình Thánh Chúa và trong ngày, ngài xen kẽ thời gian nghỉ ngơi với cầu nguyện và đọc sách. Đức Thánh Cha cảm ơn về sự gần gũi mà ngài cảm nhận vào lúc này và xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho ngài.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-bi-viem-phoi-hai-ben-dieu-tri-phuc-tap-hon-42592.html

 

 

33. Sáng kiến chung kêu gọi hiệp nhất để cùng nhau cử hành lễ Phục Sinh

Ông Kostas Mygdalis, một trong những nhân vật chủ chốt của nhóm làm việc liên tôn Cử hành Phục Sinh Cùng nhau 2025, nhóm thúc đẩy việc cử hành Lễ Phục sinh cùng ngày giữa Chính thống giáo và Công giáo, nói rằng việc cử hành lễ Phục Sinh năm 2025 cùng ngày không nên chỉ được coi là một thỏa thuận về lịch mà là cơ hội để đặt Chúa Kitô vào trung tâm của đức tin Kitô giáo.

Hồng Thủy - Vatican News

Ông Kostas Mygdalis, cũng là cố vấn của Hội đồng liên nghị viện Chính thống giáo (IOA), nói rằng “Đã đến lúc phải đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ tới các Giáo hội để thống nhất ngày lễ Phục Sinh”. Ông nhấn mạnh rằng thông điệp chính phải là nhu cầu hiệp nhất trên thế giới: “Thế giới cần sự hiệp nhất. Một ngày chung cho lễ Phục Sinh là một bước tiến tới sự hiệp nhất này”.

Trong Công đồng chung đầu tiên được tổ chức tại Nixêa (ngày nay là Iznik, Thổ Nhĩ Kỳ), vào năm 325, Kitô giáo đã thiết lập cách tính ngày lễ Phục sinh. Tuy nhiên, qua nhiều thế kỷ, những thay đổi về lịch đã dẫn đến sự khác biệt giữa các Giáo hội Công giáo, Tin lành và Chính thống giáo. Trong khi Công giáo theo nghi lễ Latin theo lịch Grêgôriô, thì ở phương Đông, truyền thống tính ngày phụng vụ theo lịch Giulianô vẫn được duy trì.

Một điều thú vị là vào năm 2025, lễ Phục Sinh của các Giáo hội Đông phương và Tây phương đều trùng vào một ngày, ngày 20/4, do sự trùng hợp của lịch Giulianô và lịch Grêgôriô.

Sứ vụ hiệp nhất

Đối với ông Mygdalis, nỗ lực cùng nhau kỷ niệm sự phục sinh của Chúa Kitô phải là một phần của “cuộc hành hương hòa giải và hiệp nhất”, điều sẽ tiếp tục sau năm 2025. Ông nhấn mạnh rằng tầm quan trọng của Sự Phục sinh không chỉ mang tính thần học mà còn mang tính hiện sinh: “Nếu không có Sự Phục sinh, mọi đau khổ trên thế giới đều là vô lý”. Theo ông, việc cử hành lễ Phục Sinh vào một ngày chung không chỉ là cần thiết mà còn là “nhiệm vụ cho sự hiệp nhất được thiết lập bởi Công đồng Chung đầu tiên Nixêa, sự kiện mà năm nay chúng ta sẽ kỷ niệm 1.700 năm”.

Ông Mygdalis cho biết, “Thông qua sáng kiến ‘Pasqua Together 2025’, chúng tôi tìm cách yêu cầu các Giáo hội tuân thủ những gì đã được Công đồng Nixêa thiết lập: cùng nhau cử hành sự phục sinh của Chúa Kitô, trụ cột của đức tin Kitô giáo. Thật không thể chấp nhận được khi sự chia rẽ này tiếp diễn”.

Ngoài lễ Phục Sinh 2025, sáng kiến JC2033 cũng được đề cập, sáng kiến này đề xuất một hành trình đại kết hướng tới năm 2033, khi cử hành kỷ niệm 2.000 năm ngày Chúa Kitô phục sinh. Người ta cho rằng ngày lễ Phục sinh của Chính thống giáo và Công giáo trùng nhau vào năm 2025 có thể là bước đầu tiên hướng tới sự hiệp nhất lớn hơn nhân cử hành lịch sử này.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/sang-kien-chung-keu-goi-hiep-nhat-de-cung-nhau-cu-hanh-le-phuc-sinh-42593.html

 

 

34. Các tù nhân nhà tù San Vittore ở Milano gửi thư cầu nguyện cho Đức Thánh Cha

Từ khi phải nhập viện tại bệnh viện Gemelli ở Roma vào ngày 14/2/2025, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được nhiều lời cầu nguyện từ các tín hữu khắp nơi. Đặc biệt, mới đây ngài đã nhận được các thư với những lời cầu nguyện của các tù nhân của nhà tù San Vittore ở Milano, những người lẽ ra đã được gặp ngài trong một buổi hòa nhạc đặc biệt vào ngày 17/2/2025.

Hồng Thủy - Vatican News

Trong chương trình ban đầu được dự kiến cho Ngày Năm Thánh của giới Nghệ sĩ, vào thứ Hai ngày 17/2/2025, Đức Thánh Cha sẽ đến trung tâm phim ảnh lịch sử Cinecittà ở Roma để gặp các nghệ sĩ, và tại đây ngài sẽ tham dự một buổi hòa nhạc đặc biệt do các tù nhân nhà tù San Vittore ở Milano biểu diễn. Tuy nhiên, sự kiện này đã bị hủy sau khi Đức Thánh Cha phải nhập viện tại bệnh viện Gemelli.

Dự án âm nhạc giúp các tù nhân cai nghiện

Các tù nhân của nhà tù tham gia một dự án “La Nave”, một dự án hỗ trợ tù nhân người Ý đang bị chứng nghiện ma túy và rượu, với sự hợp tác của hiệp hội “Amici della Nave”. Hợp tác với hiệp hội chăm sóc sức khỏe Santi Paolo e Carlo, họ điều hành một chương trình phục hồi chức năng, trong đó âm nhạc là một công cụ trị liệu cơ bản.

Eliana Onofrio, chủ tịch hiệp hội “Amici della Nave”, giải thích: “Âm nhạc giúp họ thư giãn và kết nối với chính mình; đây là một phần thiết yếu của quá trình tái giáo dục đi kèm với quá trình phục hồi chức năng để giúp họ vượt qua chứng nghiện”.

Tâm tình của các tù nhân gửi Đức Thánh Cha

Sau khi nhận được xác nhận chính thức về việc hủy bỏ từ Vatican, một số tù nhân đã quyết định viết thư cho Đức Thánh Cha. Đây là một cử chỉ tự phát mà họ muốn bày tỏ tình cảm của mình.

Trong một trong những lá thư, một tù nhân bày tỏ nỗi buồn của mình rằng “mọi thứ đã được tổ chức rất chi tiết” để tặng Đức Thánh Cha Phanxicô một buổi hòa nhạc mà họ đã dành hết tâm huyết và tình cảm của mình. Tù nhân này coi ngài là nhân vật trung tâm, bày tỏ sự gần gũi và cầu nguyện cho ngài.

Một tù nhân khác than thở việc không thể gặp Đức Thánh Cha nhưng hiểu rằng đây là “một khoảng dừng cần thiết do sự tận tụy và nỗ lực không ngừng của ngài”. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng sức khỏe của Đức Thánh Cha là trên hết và hứa sẽ cầu nguyện cho ngài mau chóng bình phục. Ông cũng xin Đức Thánh Cha không cảm thấy “buồn phiền về việc hủy bỏ sự kiện” và chúc ngài sớm khỏe lại.

Nhờ sự trung gian của Bộ Văn hóa và Giáo dục của Vatican, những lá thư sẽ được chuyển đến Đức Thánh Cha.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/cac-tu-nhan-nha-tu-san-vittore-o-milano-gui-thu-cau-nguyen-cho-duc-thanh-cha-42594.html

 

 

35. Cập nhật sức khoẻ của Đức Thánh Cha (tối 19/2): Tình trạng sức khỏe ổn định, kết quả xét nghiệm máu có cải thiện nhẹ

Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo về diễn biến sức khỏe của Đức Thánh Cha: kết quả xét nghiệm máu cho thấy “có sự cải thiện nhẹ, đặc biệt là các chỉ số viêm nhiễm”. Chiều nay, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã đến thăm ngài.

Vatican News

Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết trong một thông cáo được phát đi vào tối ngày 19/2 rằng: “Tình trạng lâm sàng của Đức Thánh Cha hiện đang ổn định. Kết quả xét nghiệm máu, được đánh giá bởi đội ngũ y tế, cho thấy một sự cải thiện nhẹ, đặc biệt là các chỉ số viêm nhiễm. Sau khi dùng bữa sáng, Ngài đã đọc một số tờ báo và sau đó dành thời gian làm việc với các cộng sự thân cận. Trước bữa trưa, Ngài đã lãnh nhận Thánh Thể. Vào buổi chiều, Đức Thánh Cha đã tiếp Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, cuộc gặp gỡ diễn ra riêng tư trong khoảng 20 phút”.

Đức Thánh Cha đã nhập viện từ ngày 14 tháng 2 và hiện đang được theo dõi sát sao về tình trạng sức khỏe.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/cap-nhat-suc-khoe-cua-duc-thanh-cha-toi-192-tinh-trang-suc-khoe-on-dinh-ket-qua-xet-nghiem-mau-co-cai-thien-nhe-42607.html

 

 

36. Đức Thánh Cha: “Hãy truyền bá thông điệp của Chúa Kitô trên khắp thế giới"

Trong lá thư kỷ niệm 20 năm thành lập Khoa Thần học Triveneto ở miền bắc nước Ý, được gởi cho linh mục Viện trưởng Maurizio Girolami, Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà giáo dục và sinh viên "truyền bá thông điệp của Chúa Kitô trên thế giới, trung thành với truyền thống đích thực, nhưng cởi mở để đọc các dấu hiệu của thời đại”.

Vatican News

Khoa Thần học Triveneto, có trung tâm tại Padova, kết nối một mạng lưới gồm năm học viện thần học và bảy học viện khoa học tôn giáo cao cấp ở các vùng Veneto, Friuli-Venezia Giulia và Trentino Alto-Adige ở miền bắc nước Ý. Khoa Thần học này được thành lập vào năm 2005 và đã đào tạo thần học hàn lâm cho giáo dân, giáo sĩ, chủng sinh và tu sĩ.

Trong thư, Đức Thánh Cha lưu ý rằng kỷ niệm 20 năm thành lập Khoa là cơ hội “tạ ơn Chúa vì những điều tốt đẹp đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt là vì lợi ích của các thế hệ trẻ trong khu vực”.

Trung thành với truyền thống, nhưng cởi mở để đọc các dấu hiệu của thời đại

Đức Thánh Cha khuyến khích toàn thể gia đình học thuật “kiên trì trong sự hợp tác với sứ mạng của Giáo hội, truyền bá thông điệp của Chúa Kitô trên thế giới, trung thành với truyền thống đích thực, nhưng cởi mở để đọc các dấu hiệu của thời đại”. Ngài giải thích rằng điều này “có nghĩa là can đảm chấp nhận những thách thức mới để mang chân lý của Phúc Âm đến với con người đương đại một cách hiệu quả”.

Chứng tá cá nhân

Để đạt được mục tiêu này, Đức Thánh Cha kêu gọi Khoa Thần học “trở thành một nơi đào tạo ngày càng quan trọng, không chỉ thông qua việc nghiên cứu và đào sâu thần học, mà còn thông qua chứng tá Kitô giáo của mỗi cá nhân”. Ngài nói: “Tôi hy vọng rằng các giáo viên sẽ đặc biệt giúp những người trẻ nhận ra bản thân mình dựa trên chân lý, lòng tốt và vẻ đẹp có nguồn gốc từ Thiên Chúa”.

Với những tình cảm này, Đức Thánh Cha kết thúc lá thư với lời tái khẳng định lòng biết ơn của ngài đối với sứ mạng giáo dục và sự dấn thân không ngừng của họ, đồng thời cầu xin Đức Maria bảo vệ họ và các hoạt động của họ, và ngài ban Phép lành cho họ.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-hay-truyen-ba-thong-diep-cua-chua-kito-tren-khap-the-gioi-42608.html

 

 

37. Sức khoẻ của Đức Thánh Cha tiến triển tốt và ngài tiếp tục làm việc (sáng 20/2)

Sáng thứ Sáu ngày 20/2, Đức Thánh Cha thức dậy sau một đêm ngon giấc, sau đó ngài dùng bữa sáng tại ghế bành và tiếp tục công việc.

Vatican News

Sáng ngày 20/2, Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết về tình hình sức khoẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô có sự tiến triển nhẹ. Ngài đã có một đêm ngon giấc, sáng nay ngài đã dùng bữa sáng tại ghế bành. Sau đó, Đức Thánh Cha tiếp tục làm việc.

Trong bản tin y tế được công bố tối hôm qua, Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết tình trạng sức khỏe của Đức Thánh Cha ổn định với "một chút cải thiện, đặc biệt là các chỉ số viêm nhiễm" trong kết quả xét nghiệm máu do đội ngũ y tế đánh giá.

Cập nhật lúc 10:15 sáng (giờ Roma)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/suc-khoe-cua-duc-thanh-cha-tien-trien-tot-va-ngai-tiep-tuc-lam-viec-sang-202-42610.html

 

 

38. HĐGM Ý khẳng định về giá trị sự sống trong vấn đề cuối đời

Hội đồng Giám mục Ý (CEI) đã công bố một thông cáo về vấn đề cuối đời, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng hàng đầu của việc chăm sóc và hỗ trợ người bệnh. Các giám mục Ý bày tỏ mong muốn “thực hiện đầy đủ luật về chăm sóc giảm nhẹ”.

Vatican News

Hội đồng Giám mục Ý khẳng định trong một thông cáo ngày 19/2 rằng: “Nhiệm vụ đầu tiên của cộng đồng dân sự và hệ thống y tế là chăm sóc và điều trị, chứ không phải đẩy nhanh cái chết”. Các giám mục cũng bày tỏ “lo ngại trước những sáng kiến gần đây của các vùng về chủ đề cuối đời. Điển hình là việc Hội đồng Vùng Toscana thông qua luật về hỗ trợ y tế cho tự tử trong những ngày qua”.

Chăm sóc và điều trị là ưu tiên

Như Hội đồng Giám mục Triveneto đã nhấn mạnh vào năm 2023, chăm sóc và điều trị là ưu tiên của hệ thống y tế. Đồng thời, như các giám mục vùng Emilia-Romagna đã nói vào năm 2024, “việc chủ động gây ra cái chết, dù trực tiếp hay thông qua hỗ trợ y tế cho tự tử, đều đi ngược lại giá trị của con người, mục đích của Nhà nước và chính nghề nghiệp y tế”.

Không để vấn đề bị phân cực và lợi dụng

Do đó, Hội đồng Giám mục Ý kêu gọi không biến chủ đề này thành một yếu tố gây phân cực chính trị và dư luận, mà thay vào đó, hãy coi đây là cơ hội để suy tư sâu sắc về nền tảng của quan niệm về tiến bộ và nhân phẩm con người”, như các giám mục vùng Toscana đã nhấn mạnh vào năm nay. Với mục đích này, Hội đồng Giám mục Ý hy vọng sẽ khởi động “một cuộc đối thoại rộng rãi trong quốc hội, đại diện cho đất nước và những nhu cầu thực sự của người dân”.

Vấn đề chăm sóc giảm nhẹ

Trong thông cáo, Hội đồng Giám mục viết: “Chúng tôi hy vọng rằng, trong khuôn khổ pháp lý hiện nay, sẽ có những can thiệp ở cấp quốc gia nhằm bảo vệ sự sống một cách tốt nhất, thúc đẩy việc đồng hành và chăm sóc người bệnh, cũng như hỗ trợ các gia đình trong những hoàn cảnh đau khổ. Hơn nữa, chúng tôi nhấn mạnh rằng luật về chăm sóc giảm nhẹ vẫn chưa được thực hiện đầy đủ: cần phải đảm bảo rằng mọi người đều được tiếp cận với dịch vụ này một cách hiệu quả và đồng đều ở mọi vùng miền, vì đây là cách cụ thể để giảm bớt đau khổ và đảm bảo nhân phẩm cho đến giây phút cuối cùng, đồng thời là một biểu hiện cao đẹp của tình yêu thương đối với tha nhân”.

Không có chỗ cho sự phân cực hay hạ thấp giá trị sự sống

Trong thông cáo, Hội đồng Giám mục khẳng định: “Không thể có sự phân cực hay những trò chơi hạ thấp giá trị sự sống. Phẩm giá không kết thúc khi bệnh tật ập đến hay khi sức khỏe suy yếu. Đây không phải là cố níu lấy sự sống, nhưng là không đánh mất nhân tính”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/hdgm-y-khang-dinh-ve-gia-tri-su-song-trong-van-de-cuoi-doi-42611.html

 

 

39. Thượng Hội Đồng: Các điều phối viên và thư ký của mười Nhóm Nghiên Cứu họp mặt

Sáng ngày 18/2, Các đại diện của mười Nhóm Nghiên Cứu Thượng Hội Đồng, được Đức Thánh Cha thiết lập, đã gặp gỡ và trình bày cập nhật về công việc của mình.

Vatican News

Một cuộc họp đã diễn ra với sự tham dự của các đại diện đến từ các nhóm được Đức Thánh Cha thiết lập nhằm nghiên cứu những vấn đề nảy sinh trong Phiên họp Thứ nhất của Thượng Hội Đồng Giám Mục thông thường lần thứ XVI. Theo thông cáo sau cuộc họp, mỗi điều phối viên đã trình bày báo cáo cập nhật về công việc của nhóm mình, tập trung vào phương pháp nghiên cứu, những người tham gia, thời gian dự kiến để nộp báo cáo, những thách đố gặp phải và những vấn đề còn bỏ ngỏ. Cuộc họp mở đầu bằng lời cầu nguyện cho Đức Thánh Cha được mau chóng bình phục.

Cập nhật từ mỗi điều phối viên

Lần lượt, các điều phối viên đã trình bày tiến trình nghiên cứu của nhóm mình, nêu rõ phương pháp làm việc, các cá nhân và tổ chức tham gia, thời gian dự kiến để hoàn thành báo cáo chung cuộc, những khó khăn gặp phải và các vấn đề còn cần tiếp tục làm sáng tỏ. Thông cáo nhấn mạnh rằng đây là một “thời gian chia sẻ phong phú, đặc biệt hữu ích đối với các nhóm nghiên cứu đang xử lý những vấn đề có tính ‘xuyên suốt’”.

Sau phần trình bày của các điều phối viên, cha Giacomo Costa, SJ, cố vấn của Ban Thư ký Thượng Hội Đồng, đã đưa ra “những chỉ dẫn để bảo đảm tính thống nhất trong việc soạn thảo và đệ trình báo cáo”.

Sự hỗ trợ từ Ủy ban Giáo luật

Các điều phối viên được thông báo rằng Ủy ban Giáo luật sẵn sàng hỗ trợ họ, đặc biệt là đối với những vấn đề liên quan đến khía cạnh pháp lý hoặc giáo luật. Đức Hồng y Mario Grech đã nhắc lại tầm quan trọng của việc xem xét các đóng góp từ bên ngoài, vốn vẫn có thể được gửi đến Ban Thư ký Thượng Hội Đồng qua địa chỉ email (synodus@synod.va) cho đến ngày 31 tháng 3 năm 2025. Như đã được công bố vào đầu Phiên họp Thứ hai của Thượng Hội Đồng Giám Mục thông thường lần thứ XVI, bất kỳ đóng góp mới nào nhận được cũng sẽ được nhanh chóng chuyển đến các Nhóm Nghiên Cứu liên quan.

Các Nhóm Nghiên cứu

Mười Nhóm nghiên cứu này được thành lập sau Phiên họp Thứ nhất, trong đó đã xác định nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến đời sống và sứ vụ của Giáo hội dưới ánh sáng của tinh thần hiệp hành. Khoá họp đã đạt được sự đồng thuận rộng rãi về những vấn đề này, và do tầm quan trọng của chúng, cần có sự suy tư ở cấp độ Giáo hội hoàn vũ cũng như những nghiên cứu sâu rộng hơn.

Các Nhóm nghiên cứu được thiết lập vào tháng 3 năm 2024, theo văn thư của Đức Thánh Cha về sự cộng tác giữa các Bộ của Giáo triều Roma và Ban Thư ký Thượng Hội đồng, cũng như thư ngài gửi Đức Hồng y Mario Grech. Trong bức thư này, Đức Thánh Cha đã giao phó cho Đức Hồng y Grech trách nhiệm giám sát công việc của các Nhóm nghiên cứu “trong tinh thần hiệp hành đích thực” và yêu cầu Ban Thư ký Thượng Hội đồng soạn thảo một đề cương làm việc xác định rõ sứ mạng của các nhóm dưới ánh sáng những chỉ dẫn của ngài.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/thuong-hoi-dong-cac-dieu-phoi-vien-va-thu-ky-cua-muoi-nhom-nghien-cuu-hop-mat-42612.html

 

 

40. Họp báo tối 21/2: Đức Thánh Cha đáp ứng điều trị nhưng ra thoát khỏi nguy hiểm

Tối thứ Sáu, 21/2, một tuần sau khi Đức Thánh Cha nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Gemelli, một cuộc họp báo đã được tổ chức để làm rõ mọi thông tin sai lệch về tình trạng sức khỏe của ngài, vốn đã được một số cơ quan truyền thông đưa ra trong những ngày qua. Cho đến nay, các thông cáo từ Phòng Báo chí Tòa Thánh đều được chuẩn bị kỹ lưỡng cùng với các bác sĩ điều trị. Các thông cáo đã cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết, không giấu bất cứ điều gì, bởi đó cũng là mong muốn của chính Đức Thánh Cha.

Vatican News

Các bác sĩ chăm sóc Đức Thánh Cha cho biết ngài không “trong tình trạng nguy kịch”, nhưng vẫn chưa ra khỏi tình trạng nguy hiểm và sẽ phải nằm viện ít nhất một tuần nữa. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng chia sẻ rằng ngài vẫn hài hước như thường lệ và thậm chí đã bắt đầu làm việc trở lại.

Tại cuộc họp báo ở bệnh viện Gemelli, bác sĩ Sergio Alfieri, trưởng nhóm y tế chăm sóc Đức Thánh Cha, và bác sĩ Luigi Carbone, Phó Giám đốc dịch vụ y tế của Vatican, đã có buổi trao đổi kéo dài khoảng 40 phút với các phóng viên.

Bệnh mãn tính tái phát

Bác sĩ Alfieri cho biết, Đức Thánh Cha đang được điều trị vì một tình trạng nhiễm trùng và khó thở ở nhà như bất kỳ bệnh nhân 88 tuổi nào khác trong thời gian này. Ông nhấn mạnh: “Đức Thánh Cha luôn muốn chúng tôi nói sự thật. Chúng tôi loại bỏ ngay mọi nghi ngờ về việc có điều gì đó không được tiết lộ. Những gì quý vị đọc chính là sự thật”. Đức Thánh Cha mắc một bệnh mãn tính là giãn phế quản, kèm theo viêm phế quản dạng hen, có thể có những giai đoạn tái phát. Ở tuổi của ngài, đây là một tình trạng khiến ngài trở thành một bệnh nhân dễ bị tổn thương. Các bác sĩ cũng cho biết đã xác định được các vi sinh vật trong phổi: “Có virus, nấm và vi khuẩn. Bệnh mãn tính là những bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát”.

Các bác sĩ cũng nhấn mạnh rằng, trong giai đoạn đầu, Đức Thánh Cha đã tuân thủ nghiêm ngặt “một liệu pháp điều trị phù hợp và đúng đắn”. Hiện tại, ngài cần sử dụng cortisone, một loại thuốc làm giảm khả năng miễn dịch, tăng đường huyết và tạo điều kiện cho nhiễm trùng. “Chúng tôi phải cân nhắc giữa các liệu pháp điều trị: công việc của chúng tôi không hề dễ dàng. Vì vậy, nếu câu hỏi là: Đức Thánh Cha đã qua cơn nguy hiểm chưa? Câu trả lời là chưa”.

Đức Thánh Cha đáp ứng tốt với liệu pháp điều trị tăng cường

Bác sĩ Alfieri cho biết sáng nay, nhóm y tế đã ghi nhận một số cải thiện. “So với lúc nhập viện, tình trạng của ngài đã tốt hơn nhiều, nhưng tình hình có thể thay đổi”. Đức Thánh Cha đang được điều trị với một lượng lớn thuốc. Bác sĩ Carbone cho biết ngài “đang đáp ứng tốt với các liệu pháp điều trị,” vốn không thay đổi nhưng được tăng cường. “Chỉ cần một chút thay đổi nhỏ cũng có thể làm mất cân bằng”. Tuy nhiên, các bác sĩ khẳng định tim của Đức Thánh Cha vẫn khỏe mạnh: “Khi chúng tôi nói Đức Thánh Cha dễ bị tổn thương, thì đồng thời chúng tôi cũng nói rằng ngài là một bệnh nhân rất mạnh mẽ. Ngài được theo dõi rất cẩn thận”.

Bác sĩ Alfieri cũng chia sẻ thêm rằng đôi khi Đức Thánh Cha cảm thấy khó thở, một cảm giác không dễ chịu. Ông cũng nhận xét với chút hài hước rằng “đầu óc của ngài vẫn như một người 60 tuổi,” ám chỉ đến tính cách của một người yêu mến Giáo Hội và không ngừng làm việc. “Ngài vẫn tiếp tục làm việc, đọc sách, ký tài liệu và hài hước”. Bác sĩ Alfieri kể chuyện vui rằng khi một bác sĩ chào ngài bằng câu “Chào Đức Thánh Cha”, ngài đáp lại: “Chào đức thánh con”.

Thời gian nằm viện sẽ kéo dài theo yêu cầu điều trị

Thời gian nằm viện sẽ kéo dài cho đến khi không cần thiết phải tiếp tục các liệu pháp điều trị tại bệnh viện. Bác sĩ Alfieri nhấn mạnh rằng diễn biến của viêm phổi thường kéo dài: “Ít nhất là trong tuần tới. Ngài sẽ xuất viện khi tình trạng sức khỏe ổn định!” Theo lời khuyên của nhân viên y tế, Đức Thánh Cha không tiếp xúc với người ngoài trong những ngày nhập viện, ngoại trừ hai hoặc ba cộng sự thân cận. Ngài không cần sử dụng máy móc hỗ trợ, vẫn thở tự nhiên và ăn uống bình thường. Đức Thánh Cha vẫn giữ được tinh thần lạc quan và không phải nằm liệt giường.

Nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào máu

Khi được một phóng viên hỏi về lo lắng lớn nhất của họ, các bác sĩ cho biết nguy cơ lớn nhất là vi khuẩn trong đường hô hấp có thể xâm nhập vào máu, gây nhiễm trùng huyết. Nếu tình trạng nhiễm trùng huyết xảy ra, việc điều trị sẽ rất khó khăn ở tuổi của Đức Thánh Cha và với các vấn đề hô hấp hiện tại. Nguy cơ là nếu vi khuẩn xâm nhập vào máu, chúng có thể lan sang các cơ quan khác. Tuy nhiên, hiện tại tình trạng này chưa xảy ra.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/hop-bao-toi-212-duc-thanh-cha-dap-ung-dieu-tri-nhung-ra-thoat-khoi-nguy-hiem-42619.html

 

 

41. Đức TGM Paglia lên án những suy đoán gây hoang mang xung quanh sức khỏe của Đức Thánh Cha

Mặc dù thừa nhận rằng mối lo ngại về sức khỏe của Đức Thánh Cha Phanxicô là điều dễ hiểu, Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, chủ tịch Hàn lâm Viện Tòa Thánh về Sự sống, lên án những suy đoán về tình trạng sức khỏe nghiêm trọng của Đức Thánh Cha tạo nên bầu không khí “u ám”.

Hồng Thủy - Vatican News

Phát biểu với ACI Prensa, Đức Tổng Giám mục Paglia nói rằng chúng ta “có quyền lo ngại” về sức khỏe của Đức Thánh Cha. Tuy nhiên, ngài chỉ ra rằng mối lo ngại này “phải được giữ trong giới hạn”, và ngài lấy làm tiếc rằng rất nhiều suy đoán về sức khỏe của Đức Thánh Cha đã tạo ra một “bầu không khí u ám”.

Ngài nói: “Tình hình chắc chắn là rất khó khăn và Đức Thánh Cha vẫn tiếp tục làm việc, thật không may, theo một góc độ nào đó”, và nhấn mạnh rằng Đức Thánh Cha “đang hồi phục và sẽ trở lại Vatican trong vài tuần nữa”.

Phòng Báo chí Tòa Thánh cập nhật hàng ngày về tình hình sức khỏe của Đức Thánh Cha. Những thông cáo mới nhất cho thấy tình trạng của ngài có tiến triển hơn.

Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống cũng cho biết ngài vẫn tiếp tục cầu nguyện “để Đức Thánh Cha sớm có thể tiếp tục công việc của mình, điều này vô cùng có giá trị vào thời điểm như thế này. Tôi cho rằng điều đó gần như là không thể thiếu, xét đến tình hình thế giới phức tạp như thế nào và thiếu những viễn cảnh tích cực”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-tgm-paglia-len-an-nhung-suy-doan-gay-hoang-mang-xung-quanh-suc-khoe-cua-duc-thanh-cha-42620.html

 

 

42. Trong năm 2024, gần 5 triệu du khách thăm viếng Đền thờ Sagrada Familia ở Barcelona

Tổng giám đốc của đền thờ Sagrada Familia (Thánh Gia) ở Barcelona, ông Xavier Martínez, đã trình bày dữ liệu của đền thờ năm 2024 và gọi đây là năm “hợp nhất toàn diện”. Với tổng số 4.833.658 lượt khách, đền thờ đã vượt qua con số trước đại dịch, ghi nhận mức tăng 2,70% so với năm 2023.

Hồng Thủy - Vatican News

Số du khách Châu Á gia tăng

Về mặt lượt khách tham quan, “đây là một năm đặc biệt”. Số khách du lịch từ Châu Á tăng nhiều nhất. Đứng đầu là số lượng khách đến từ Hoa Kỳ, tiếp theo là Tây Ban Nha, Pháp, Ý và mới lạ hơn, ở vị trí thứ năm là du khách đến từ Hàn Quốc.

Doanh thu gia tăng

Trong lĩnh vực kinh tế, ông Martínez nhấn mạnh tổng doanh thu là 133,9 triệu euro, chủ yếu dành cho việc xây dựng (51,9%) và quản lý đền thờ (29,9%). Tài chính tốt đã giúp hoàn thành Tháp Giêsu và bắt đầu xây dựng mặt tiền Gloria vào năm 2025. Ông Martínez nhấn mạnh: “Đây là thời điểm quyết định đối với công trình của kiến trúc sư Gaudí”.

Quỹ Hoạt động Xã hội cũng nhận được sự hỗ trợ đáng kể với mức tăng 50% về nguồn tài trợ, đạt 3,5 triệu euro trong năm nay. Sáng kiến này được tạo ra để đồng tài trợ cho các dự án xã hội, đã nhận được 530 đề xuất, trong đó có 269 đề xuất đủ điều kiện. Các dự án được chọn sẽ được công bố vào tháng 3 tới.

102 thánh lễ quốc tế đã được cử hành tại đền thờ Sagrada Família trong năm 2024

Trong lĩnh vực tôn giáo, 102 thánh lễ quốc tế đã được cử hành tại đền thờ Sagrada Família với 80.072 người tham dự, đặc biệt quan trọng là lễ phong chân phước cho linh mục Gaietà Clausellas và giáo dân Antoni Tort. Trong năm 2025, chương trình hoạt động sẽ được mở rộng nhằm tăng cường mối quan hệ gắn kết với người dân.

Đền thờ Sagrada Familia là một công trình được khởi công từ năm 1882, là kiệt tác còn dang dở của kiến trúc sư nổi tiếng Antoni Gaudí. Kể từ khi được Đức Biển Đức XVI cung hiến vào ngày 7 tháng 11 năm 2010, việc xây dựng đền thờ Sagrada Família đã đạt được động lực mới và chưa bao giờ dừng lại, bất chấp đại dịch.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/trong-nam-2024-gan-5-trieu-du-khach-tham-vieng-den-tho-sagrada-familia-o-barcelona-42621.html

 

 

43. Cập nhật sức khoẻ của Đức Thánh Cha tối ngày 23/2

Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn trong nguy hiểm, ngài tỉnh táo và tiếp tục được cung cấp oxy. Các chỉ số máu của ngài đang cải thiện nhờ truyền máu. Có dấu hiệu suy thận nhẹ ban đầu. Hôm nay, ngài đã tham dự Thánh lễ.

Vatican News

Tối 23/2, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã cập nhật thông tin về sức khoẻ của Đức Thánh Cha (lúc 19:13):

Tình trạng sức khỏe của Đức Thánh Cha vẫn còn nguy hiểm; tuy nhiên, từ tối qua, ngài không gặp thêm các cơn khó thở nào.

Đức Thánh Cha đã được truyền hai đơn vị hồng cầu cô đặc với kết quả tích cực và chỉ số hemoglobin đã tăng lên.

Tình trạng giảm tiểu cầu vẫn ổn định; tuy nhiên, một số xét nghiệm máu cho thấy có dấu hiệu suy thận nhẹ ban đầu, hiện đang được kiểm soát.

Ngài tiếp tục được điều trị oxy liều cao qua ống thông mũi.

Đức Thánh Cha vẫn tỉnh táo và định hướng vẫn tốt.

Do tính phức tạp của tình trạng lâm sàng và cần thêm thời gian để các liệu pháp điều trị có thể phát huy hiệu quả, nên vẫn chưa thể đưa ra tiên lượng.

Vào buổi sáng, tại căn hộ được bố trí ở tầng 10, Đức Thánh Cha đã tham dự Thánh Lễ cùng với những người đang chăm sóc ngài trong những ngày qua.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/cap-nhat-suc-khoe-cua-duc-thanh-cha-toi-ngay-232-42624.html

 

 

44. Thánh lễ Năm thánh các Phó tế 23/02/2025

Sự kiện lớn thứ tư của Năm Thánh Hy Vọng là Năm Thánh các Phó tế: từ ngày 21 đến ngày 23/2/2025. Năm Thánh các Phó tế kết thúc với Thánh lễ do Tổng giám mục Rino Fisichella, Trưởng Phân bộ thứ nhất của Bộ Loan báo Tin Mừng, chủ sự vào Chúa Nhật ngày 23/2 tại đền thờ Thánh Phêrô. Hiện diện trong đền thờ có khoảng 5.000 tín hữu, trong đó có 2.500 phó tế.

Bắt đầu bài giảng, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella nói: Anh chị em thân mến, đặc biệt là các phó tế rất thân yêu, cũng như những người trong ít phút nữa, qua nghi thức đặt tay, sẽ được lãnh nhận thánh chức phó tế, tôi rất hân hạnh được chia sẻ bài giảng mà lẽ ra chính Đức Thánh Cha Phanxicô trực tiếp nói với tất cả anh chị em trong Chúa Nhật đặc biệt này.

Trong khi cử hành bí tích Thánh Thể, nơi sự hiệp thông đạt đến mức trọn vẹn và ý nghĩa nhất, chúng ta cảm nhận Đức Thánh Cha Phanxicô, dù đang nằm trên giường bệnh, vẫn ở gần và vẫn hiện diện giữa chúng ta. Điều này càng thôi thúc chúng ta gia tăng lời cầu nguyện cách mạnh mẽ và tha thiết hơn, để xin Chúa nâng đỡ ngài trong thời khắc thử thách và đau bệnh.

Thông điệp từ các bài đọc chúng ta vừa nghe có thể được tóm gọn bằng một từ: sự vô vị lợi. Một từ chắc chắn rất thân thuộc với các thầy phó tế, những người đang quy tụ tại đây để cử hành Năm Thánh. Chúng ta hãy cùng suy ngẫm về chiều kích nền tảng này trong đời sống Kitô hữu và trong thừa tác vụ của các thầy, đặc biệt qua ba khía cạnh: tha thứ, phục vụ vô vị lợi hiệp thông.

Thứ nhất: tha thứ.

Loan báo sự tha thứ là một nhiệm vụ thiết yếu của phó tế. Đây là yếu tố không thể thiếu trong mọi hành trình của Giáo hội và là điều kiện cho mọi sự chung sống giữa con người. Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta thấy sự cần thiết và tầm quan trọng của điều này khi Người nói: “Hãy yêu kẻ thù” (Lc 6,27). Quả thật, để cùng nhau lớn lên, chia sẻ những ánh sáng và bóng tối, thành công và thất bại của nhau, chúng ta cần biết tha thứ và xin tha thứ, nối lại các mối quan hệ và không loại trừ khỏi tình yêu của chúng ta ngay cả những người làm tổn thương và phản bội chúng ta. Một thế giới mà kẻ thù chỉ nhận được sự hận thù là một thế giới không có hy vọng, không có tương lai, và sẽ bị xé nát bởi chiến tranh, chia rẽ và những cuộc trả thù bất tận, như thật đáng buồn chúng ta thấy ngày nay ở nhiều nơi và với nhiều cấp độ. Do đó, tha thứ có nghĩa là chuẩn bị một ngôi nhà đón nhận, an toàn cho tương lai, trong chính chúng ta và trong cộng đoàn của chúng ta. Và phó tế, mang nơi chính mình một thừa tác vụ dẫn đến những vùng ngoại biên của thế giới, dấn thân nhìn thấy – và dạy người khác nhìn thấy – nơi mọi người, kể cả những người lầm lỗi và gây đau khổ, một người chị em và người anh em bị thương trong tâm hồn, và vì thế cần được hòa giải, hướng dẫn và giúp đỡ hơn ai hết.

Sự mở lòng này được nói đến trong bài đọc thứ nhất, khi trình bày tình yêu trung thành và quảng đại của Đavít đối với Saun, vua của ông, nhưng cũng là kẻ bách hại ông (x. 1Sm 26,2.7-9.12-13.22-23). Điều này cũng được nhắc đến trong một bối cảnh khác, qua cái chết gương mẫu của thánh phó tế Stêphanô, người đã ngã xuống dưới trận gạch đá, trong khi tha thứ cho những kẻ ném đá mình (x. Cv 7,60). Nhưng trên hết, chúng ta thấy điều này nơi Chúa Giêsu, mẫu gương của mọi thừa tác vụ phó tế, Đấng trên thập giá, “đã hủy mình ra không” đến nỗi hiến mạng sống vì chúng ta (x. Pl 2,7), cầu nguyện cho những kẻ đóng đinh Người và mở cửa Thiên đàng cho người trộm lành (x. Lc 23,34.43).

Thứ hai: phục vụ vô vị lợi

Trong Tin Mừng, Chúa mô tả điều này bằng một câu đơn giản nhưng rõ ràng: “Hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hy vọng được đền trả” (Lc 6,35). Một vài lời mang hương thơm của tình bạn. Trước hết là tình bạn của Thiên Chúa dành cho chúng ta, và sau đó là tình bạn của chúng ta dành cho nhau. Đối với phó tế, thái độ này không phải là một khía cạnh phụ trong hành động của mình, mà là một chiều kích cốt yếu nơi hiện hữu của mình. Trong thừa tác vụ, phó tế được thánh hiến để trở thành “nhà điêu khắc” và “họa sĩ” của khuôn mặt nhân từ của Chúa Cha, chứng nhân của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Trong nhiều đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu nói về chính mình trong ánh sáng này. Người nói với Philipphê trong nhà Tiệc Ly, ngay sau khi rửa chân cho Nhóm Mười Hai: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Cũng như khi thiết lập Bí tích Thánh Thể, Người tuyên bố: “Thầy sống giữa anh em như người phục vụ” (Lc 22,27). Nhưng ngay cả trước đó, trên đường lên Giêrusalem, khi các môn đệ tranh luận xem ai là người lớn nhất, Người đã giải thích cho họ rằng “Con Người […] không đến để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (x. Mc 10,45).

Anh em phó tế thân mến, công việc vô vị lợi mà anh em thực hiện, như một biểu hiện của sự thánh hiến mình cho đức ái của Chúa Kitô, là lời loan báo đầu tiên của Lời Chúa, nguồn tin tưởng và niềm vui cho những ai gặp gỡ anh em. Đi kèm với điều đó bằng một nụ cười hết sức có thể, không than phiền và không tìm kiếm sự công nhận, hãy hỗ trợ lẫn nhau, ngay cả trong mối tương quan với các Giám mục và linh mục, “như một biểu hiện của một Giáo hội dấn thân lớn lên trong sự phục vụ Nước Trời bằng cách phát huy mọi cấp bậc của thừa tác vụ có chức thánh” (HĐGM Ý, Các phó tế vĩnh viễn trong Giáo hội tại Ý. Định hướng và quy tắc, 1993, 55). Hành động đồng lòng và quảng đại của anh em sẽ trở thành một cây cầu nối kết Bàn Thờ với đường phố, Thánh Thể với đời sống thường ngày của con người; đức ái sẽ là thánh lễ đẹp nhất của anh em và thánh lễ sẽ là sự phục vụ khiêm nhường nhất của anh em.

Thứ ba: sự vô vị lợi như nguồn mạch của hiệp thông

Cho đi mà không đòi hỏi gì đáp lại sẽ kết nối, tạo nên những mối dây liên kết, bởi vì nó diễn tả và nuôi dưỡng một sự hiệp nhất không có mục đích nào khác ngoài việc hiến dâng chính mình và làm điều tốt cho người khác. Thánh Lôrenxô, bổn mạng của anh em, khi bị những kẻ buộc tội yêu cầu giao nộp kho báu của Giáo hội, đã chỉ cho họ thấy những người nghèo và nói: “Đây là kho báu của chúng tôi!”. Đó là cách xây dựng sự hiệp thông: nói với anh chị em, bằng lời nói nhưng trên hết bằng hành động, cá nhân và như một cộng đoàn: “Đối với chúng tôi, bạn rất quan trọng”, “Chúng tôi yêu thương bạn”, “Chúng tôi mong muốn bạn tham gia cùng chúng tôi trên hành trình và trong cuộc sống của chúng tôi”. Đây là điều anh em làm: những người chồng, người cha và người ông sẵn sàng, trong sự phục vụ, mở rộng gia đình mình cho những người đang cần giúp đỡ, ngay tại nơi anh em sống.

Như vậy, sứ mạng của anh em, tách anh em ra khỏi xã hội để rồi đưa anh em trở lại đó và biến nó thành một nơi chào đón và mở rộng cho tất cả mọi người, là một trong những biểu hiện đẹp nhất của một Giáo hội hiệp hành và “đi ra”.

Sắp tới, một số anh em, khi lãnh nhận Bí tích Truyền chức, sẽ “bước xuống” các bậc thang của thừa tác vụ. Tôi cố ý nói và nhấn mạnh rằng “bước xuống”, chứ không phải “bước lên”, bởi vì với việc Truyền chức, người ta không đi lên, mà đi xuống, trở nên nhỏ bé, hạ mình và từ bỏ chính mình. Dùng lời của Thánh Phaolô, trong sự phục vụ người ta từ bỏ “con người cũ” và trong đức ái mặc lấy “con người mới” (x. 1Cr 15,45-49).

Chúng ta hãy cùng suy ngẫm về những gì chúng ta sắp thực hiện, trong khi phó thác mình cho Đức Trinh Nữ Maria, người nữ tỳ của Chúa, và Thánh Lôrenxô, bổn mạng của anh em. Xin các ngài giúp chúng ta sống mọi thừa tác vụ của mình với một trái tim khiêm nhường và tràn đầy yêu thương, và trong sự nhưng không, trở thành những tông đồ của sự tha thứ, những người phục vụ vô vị lợi của anh chị em mìnhnhững người xây dựng sự hiệp thông.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/thanh-le-nam-thanh-cac-pho-te-23022025-42625.html

 

 

45. Mời hiệp thông trực tiếp cầu nguyện cho Đức Thánh Cha (25/2)

Lúc 12 giờ trưa giờ Roma, thứ Ba, ngày 25/2, các tu sĩ Việt Nam tại Roma cũng sẽ họp nhau cầu nguyện cho Đức Thánh Cha bên ngoài Bệnh viện Gemelli nơi Đức Thánh Cha đang được điều trị. Chương trình được phát trực tiếp để các tín hữu hiệp ý cầu nguyện cho ngài.

Vatican News

Vatican News Tiếng Việt phát trực tiếp buổi cầu nguyện này để các tín hữu Việt Nam khắp nơi có thể hiệp thông trực tiếp cầu nguyện cho Đức Thánh Cha.

Từ Bệnh viện Gemelli, Roma.

Giờ truyền hình trực tiếp: Thứ Ba ngày 25/2/2025

Múi giờ:

- 12:30 giờ Roma

- 18:30 giờ Việt Nam

Kính mời các giáo xứ, cộng đoàn và ông bà anh chị em tham dự trực tuyến hiệp thông cầu nguyện cho Đức Thánh Cha!

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/moi-hiep-thong-truc-tiep-cau-nguyen-cho-duc-thanh-cha-252-42630.html

 

 

46. Chúa Nhật 23/2/2025, ngày Giáo hội Ý tha thiết cầu nguyện cho Đức Thánh Cha

Suốt ngày Chúa Nhật 23/2/2025, những lời cầu nguyện cho Đức Thánh Cha vẫn tiếp tục vang lên tại các nhà thờ trên khắp thế giới, đặc biệt là tại Ý. Vào lúc 8 giờ tối, tại nhà thờ Thánh Đaminh ở Bologna, Đức Hồng y Zuppi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý đã chủ sự buổi đọc Kinh Mân Côi cầu nguyện cho Đức Thánh Cha. Đức Hồng y Giám quản Roma đã cử hành Thánh lễ đặc biệt cầu nguyện cho Đức Thánh Cha.

Vatican News

Buổi đọc Kinh Mân Côi tại nhà thờ Thánh Đaminh ở thành phố Bologna

Buổi đọc Kinh Mân Côi tại nhà thờ Thánh Đaminh ở thành phố Bologna được kết nối với tất cả các nhà thờ ở Ý, tạo thành một vòng tay cầu nguyện, quy tụ tất cả các cộng đoàn chung quanh Đức Thánh Cha. Đức Hồng y Matteo Zuppi, cũng là Tổng giám mục Bologna, đã giải thích về giờ Kinh Mân Côi: “Chúng tôi muốn cùng Đức Thánh Cha cầu xin Chúa nâng đỡ ngài trong khoảnh khắc đau khổ này, để ngài có thể tìm thấy sự an ủi và hồi phục sớm nhất có thể. Đây sẽ là cách cụ thể để lặp lại sự gần gũi và tình cảm của các cộng đồng giáo hội Ý, những người đã gia tăng cầu nguyện trong nhiều ngày”.

Đức Hồng y đã nói vào cuối buổi đọc Kinh Mân Côi: “Chúng ta hãy tiếp tục mang Lời Chúa trong lòng mình qua lời cầu nguyện và cảm thấy hiệp thông, giữa chúng ta và với Đức Thánh Cha Phanxicô, để Chúa có thể ban ơn chữa lành và ngài có thể trở lại phục vụ toàn thể Giáo hội và toàn thế giới, như chúng ta biết”.

Thánh lễ cầu nguyện tại Đền thờ Thánh Gioan Latêranô

Trước đó, vào lúc 5:30 chiều, Đức Hồng y Baldassare Reina, vị Đại diện Đức Thánh Cha cai quản Giáo phận Roma, đã cử hành Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Gioan Latêranô với lời chuyển cầu đặc biệt cho sức khỏe của Đức Thánh Cha, và các cha xứ và linh mục của giáo phận Roma cũng đã cử hành Thánh lễ cầu nguyện cho ngài. Đức Hồng y Giám quản Roma mời các tín hữu cùng hiệp thông thiêng liêng trong Thánh lễ “dâng lên Chúa lời cầu xin của chúng ta cho Đức Thánh Cha, để Người có thể nâng đỡ ngài bằng ân sủng của Người và ban cho ngài tràn đầy sức mạnh cần thiết để vượt qua khoảnh khắc thử thách này”.

Đức Hồng y Reina nói vào đầu Thánh lễ: “Chiều nay chúng ta muốn gửi đến Giám mục [của chúng ta] lòng quý mến, vòng tay ôm và trên hết là những lời cầu nguyện của chúng ta, tất cả cùng nhau như một đại gia đình”. Ngài nói thêm: “Đức Thánh Cha Phanxicô, trong nhiều năm mục vụ, đã dạy chúng ta bằng lời nói, bằng cử chỉ, bằng giáo huấn uyên bác, rằng chúng ta có thể viết nên những trang Phúc Âm”. “Với sức mạnh to lớn, với đức tin mạnh mẽ, chúng ta muốn cầu xin Chúa của sự sống ban sự sống, sức khỏe và sức mạnh cho Giám mục của chúng ta, để những trang khác của Phúc Âm được tiếp tục sống qua giáo huấn của ngài, qua lời của ngài, qua tất cả những gì đã được thực hiện và sẽ thực hiện”.

Đức Hồng y nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ Giám mục Roma bằng tình cảm và lời cầu nguyện, phó thác sức khỏe của ngài vào tay Chúa, “cầu xin Chúa thực sự phục hồi ngài sớm nhất có thể, để ngài có thể trở lại giữa chúng ta và tiếp tục trao cho chúng ta hương thơm của Phúc Âm mà ngài đã đem lại cho chúng ta trong suốt nhiều năm qua”.

Các giáo phận Siena và Montepulciano

Những lời cầu nguyện cho sức khỏe của Đức Thánh Cha cũng được gửi đến từ các Giáo phận ở Siena-Colle di Val D'Elsa-Montalcino và Montepulciano-Chiusi-Pienza, nơi vẫn tiếp tục cầu nguyện trong mọi cộng đoàn. Đức Hồng y Augusto Paolo Lojudice, Chủ tịch Hội đồng Giám mục miền Toscana, cho biết, “Chúng tôi muốn bày tỏ với Đức Thánh Cha sự gần gũi, tình cảm và lòng biết ơn của chúng tôi. Hình ảnh của ngài là điểm tham chiếu quan trọng và mang tính quyết định cho cuộc sống của chúng ta trong Giáo hội vào thời điểm mà các giá trị của Phúc Âm gần như bị loại trừ khỏi cuộc sống hàng ngày của chúng ta”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/chua-nhat-2322025-ngay-giao-hoi-y-tha-thiet-cau-nguyen-cho-duc-thanh-cha-42632.html

 

 

47. Sứ điệp Mùa Chay 2025 của Đức Thánh Cha

Để đồng hành với các tín hữu trong hành trình Mùa Chay Thánh, vào ngày 25/2/2025, Đức Thánh Cha đã cho công bố Sứ điệp Mùa Chay năm 2025. Sứ điệp có tựa đề "Chúng ta hãy cùng nhau bước đi trong hy vọng", trong đó Đức Thánh Cha chia sẻ với các tín hữu "ý nghĩa của việc cùng nhau bước đi trong hy vọng và khám phá lời kêu gọi hoán cải mà lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho tất cả chúng ta, với tư cách là cá nhân và cộng đoàn".

Sứ điệp Mùa Chay 2025 của Đức Thánh Cha

Chúng ta hãy cùng nhau bước đi trong hy vọng

Anh chị em thân mến!

Với nghi thức sám hối xức tro trên đầu, chúng ta bắt đầu cuộc hành hương thường niên của Mùa Chay Thánh, trong đức tin và đức cậy. Giáo hội, là mẹ và là thầy, mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm hồn và mở lòng đón nhận ân sủng của Thiên Chúa để có thể hân hoan cử hành chiến thắng phục sinh của Chúa Kitô trên tội lỗi và sự chết, như Thánh Phaolô đã thốt lên: "Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi (1Cr 15,54-55). Thật vậy, Chúa Giêsu Kitô, đã chịu đóng đinh và sống lại, là trung tâm đức tin của chúng ta và là bảo đảm cho niềm hy vọng của chúng ta vào lời hứa trọng đại của Chúa Cha, lời hứa đã được thực hiện nơi Con yêu dấu của Người: sự sống đời đời (x. Ga 10,28; 17,3)[1].

Trong Mùa Chay này, khi chúng ta cùng nhau chia sẻ ân sủng của Năm Thánh, tôi muốn chia sẻ với anh chị em một số suy tư về ý nghĩa của việc cùng nhau bước đi trong hy vọng và khám phá lời kêu gọi hoán cải mà Thiên Chúa, với lòng thương xót của Người, dành cho tất cả chúng ta, như là những cá nhân và cộng đoàn.

Trước hết là bước đi. Khẩu hiệu của Năm Thánh, “Những người hành hương hy vọng”, gợi nhớ đến cuộc hành trình dài của dân Israel hướng về Đất Hứa, được thuật lại trong sách Xuất Hành: cuộc hành trình khó khăn từ tình trạng nô lệ đến tự do, được mong muốn và hướng dẫn bởi Đức Chúa, Đấng yêu thương dân Người và luôn trung thành với họ. Và chúng ta không thể nhắc đến cuộc xuất hành trong Kinh Thánh mà không nghĩ đến nhiều anh chị em ngày nay đang chạy trốn khỏi những tình cảnh nghèo đói và bạo lực để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và những người thân yêu của họ. Lời kêu gọi hoán cải đầu tiên xuất phát từ thực tế là tất cả chúng ta đều là những người hành hương trong cuộc sống; mỗi người được mời gọi dừng lại và tự hỏi cuộc sống của chúng ta phản ánh sự thật này như thế nào? Tôi có thực sự đang bước đi hay đang bị tê liệt, trì trệ, sợ hãi và tuyệt vọng, hoặc ngần ngại bước ra khỏi vùng an toàn của mình? Tôi có đang tìm những cách giải thoát bản thân khỏi những tình huống tội lỗi và hạ thấp phẩm giá của tôi không? Sẽ là một bài tập Mùa Chay tốt cho chúng ta khi so sánh cuộc sống hàng ngày của mình với cuộc sống của một người di cư hoặc người nước ngoài, để học cách đồng cảm với những trải nghiệm của họ và bằng cách này khám phá ra điều Thiên Chúa đang yêu cầu chúng ta để chúng ta có thể tiến triển tốt hơn trên hành trình về nhà Cha. Đây sẽ là một “cuộc xét mình” tốt cho tất cả chúng ta, những người lữ hành.

Điểm thứ hai, chúng ta hãy cùng nhau hành trình. Cùng nhau bước đi, hiệp hành, chính là ơn gọi của Giáo hội[2]. Các Kitô hữu được kêu gọi cùng nhau bước đi, chứ không phải như những lữ khách đơn độc. Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta ra khỏi chính mình để hướng về Thiên Chúa và anh chị em mình, và đừng bao giờ khép kín mình lại[3]. Bước đi cùng nhau có nghĩa là củng cố sự hiệp nhất được đặt nền trên phẩm giá chung của con cái Thiên Chúa (x. Gl 3,26-28); nghĩa là bước đi bên cạnh nhau, không chà đạp hay lấn át người khác, không đố kỵ hay giả tạo, không để ai bị bỏ lại phía sau hay cảm thấy bị loại trừ. Chúng ta hãy cùng đi về một hướng, hướng tới cùng một mục tiêu, quan tâm đến người khác bằng tình yêu thương và sự kiên nhẫn.

Trong Mùa Chay này, Thiên Chúa yêu cầu chúng ta kiểm chứng xem trong cuộc sống của chúng ta, trong gia đình, tại nơi làm việc, trong giáo xứ hay cộng đoàn tu trì, chúng ta có khả năng đồng hành với người khác, lắng nghe, vượt qua cám dỗ thu mình vào sự tự tham chiếu và chỉ quan tâm đến nhu cầu của riêng mình hay không. Chúng ta hãy tự hỏi trước Chúa xem, liệu chúng ta, với tư cách là các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân phục vụ Vương quốc Thiên Chúa, có thể cùng làm việc với nhau hay không. Liệu chúng ta có thái độ chào đón, bằng những cử chỉ cụ thể, những người đến gần chúng ta và những người ở xa chúng ta không. Liệu chúng ta có làm cho mọi người cảm thấy họ là một phần của cộng đồng hay để họ ở bên lề[4]. Đây là lời kêu gọi hoán cải thứ hai: hoán cải hiệp hành.

Điểm thứ ba là chúng ta cùng nhau thực hiện hành trình này trong hy vọng, bởi vì chúng ta được ban một lời hứa. Ước gì hy vọng không làm chúng ta thất vọng (x. Rm 5,5), sứ điệp trung tâm của Năm Thánh[5], trở thành điểm quy chiếu cho hành trình Mùa Chay của chúng ta hướng đến chiến thắng Phục Sinh. Như Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI đã dạy chúng ta trong Thông điệp Spe Salvi, “con người cần tình yêu vô điều kiện. Con người cần sự chắc chắn khiến họ phải nói: 'Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta' (Rm 8, 38-39)[6]. Chúa Giêsu, tình yêu và hy vọng của chúng ta, đã phục sinh[7]. Người đang sống và hiển trị trong vinh quang. Sự chết đã được biến đổi thành chiến thắng và đức tin cùng hy vọng lớn lao của người Kitô hữu đặt vào điều này: sự phục sinh của Chúa Kitô!

Và đây là lời kêu gọi hoán cải thứ ba: đó là lời kêu gọi hy vọng, tin tưởng vào Thiên Chúa và vào lời hứa vĩ đại của Người về sự sống vĩnh cửu. Chúng ta phải tự hỏi: Tôi có tin chắc rằng Thiên Chúa tha thứ tội lỗi của tôi không? Hay tôi hành động như thể tôi có thể tự cứu mình? Tôi có khao khát ơn cứu độ và cầu xin sự trợ giúp của Thiên Chúa để đón nhận ơn cứu độ không? Tôi có sống cụ thể niềm hy vọng giúp tôi diễn giải các sự kiện trong lịch sử và thúc đẩy tôi dấn thân thực hiện công lý, tình huynh đệ, chăm sóc ngôi nhà chung, và theo cách mà không ai bị bỏ lại phía sau không?

Thưa anh chị em, nhờ tình yêu của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô, chúng ta được nâng đỡ trong niềm hy vọng không làm chúng ta thất vọng (x. Rm 5,5). Hy vọng là “mỏ neo chắc chắn và kiên định của tâm hồn”[8]. Hy vọng thúc đẩy Giáo hội cầu nguyện cho "tất cả mọi người được cứu độ" (1 Tm 2,4) và chờ đợi để được hưởng vinh quang thiên đàng cùng với Chúa Kitô, Phu Quân của mình. Đây là lời cầu nguyện của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu: “Hãy hy vọng, linh hồn tôi ơi, hãy hy vọng. Bạn không biết ngày nào hay giờ nào. Hãy thật tỉnh thức, bởi vì mọi thứ trôi qua trong chớp mắt, mặc dù sự thiếu kiên nhẫn của bạn có thể khiến điều chắc chắn trở nên không chắc chắn, và khiến một thời gian rất ngắn trở nên thật dài" (Lời than thở của tâm hồn với Thiên Chúa, 15, 3)[9].

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Hy Vọng, chuyển cầu cho chúng ta và đồng hành cùng chúng ta trên hành trình Mùa Chay.

Roma, Đền thờ thánh Gioan Laterano, ngày 6 tháng 2 năm 2025,

lễ nhớ Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo.

PHANXICÔ

[1] X. Tông thư Dilexit nos (24/10/2024), 220.

[2] X. Bài giảng Thánh lễ tuyên phong hai Chân phước Giovanni Battista Scalabrini e Artemide Zatti, 09/10/2022.

[3] X. Ibid.

[4] X. Ibid.

[5] X. Tông sắc Spes non confundit, 1.

[6] Tông thư Spe salvi (30/11/2007), 26.

[7] X. Ca tiếp liên Chúa Nhật Phục Sinh.

[8] X. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1820.

[9] Ivi, 1821.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/su-diep-mua-chay-2025-cua-duc-thanh-cha-42640.html

 

 

48. Sức khoẻ của Đức Thánh Cha (tối 25/2): Tình trạng vẫn nghiêm trọng nhưng ổn định

Phòng Báo chí Tòa Thánh cập nhật về sức khỏe của Đức Thánh Cha: không có đợt suy hô hấp cấp, các chỉ số huyết động ổn định. Đã thực hiện chụp CT kiểm tra theo kế hoạch để theo dõi tình trạng viêm phổi hai bên.

Vatican News

Theo cập nhật lúc 19:20 (giờ Roma) của Phòng báo chí Toà Thánh, tình trạng lâm sàng của Đức Thánh Cha vẫn nghiêm trọng nhưng ổn định. Không xảy ra các đợt suy hô hấp cấp và các chỉ số huyết động tiếp tục duy trì ổn định.

Vào buổi tối, ngài đã thực hiện chụp CT kiểm tra theo kế hoạch để theo dõi tình trạng viêm phổi hai bên. Chưa thể đưa ra tiên lượng.

Sáng nay, sau khi rước lễ, ngài đã tiếp tục công việc.

Đức Thánh Cha đã nhập viện Gemelli được 12 ngày kể từ ngày 14/2 vì nhiễm trùng đường hô hấp, sau đó đến ngày 17/2, những xét nghiệm cho thấy một bệnh cảnh lâm sàng phức tạp vì nhiễm trùng đa vi khuẩn. Trong cuộc họp báo chiều ngày 21/2, các bác sĩ đã cho biết Đức Thánh Cha không còn trong “tình trạng nguy kịch”, nhưng vẫn chưa ra khỏi tình trạng nguy hiểm. Đến nay, dù chưa hết nguy hiểm nhưng tình trạng ổn định và có một chút cải thiện.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/suc-khoe-cua-duc-thanh-cha-toi-252-tinh-trang-van-nghiem-trong-nhung-on-dinh-42641.html