
LƯƠNG TÂM VÀ LƯƠNG THÁNG
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
“Lương tâm là trung tâm sâu kín nhất của con người. Là cung thánh mà con người ở một mình với Thiên Chúa, và nghe được tiếng Thiên Chúa” (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng 16)
Bạn thân mến,
Trước hết, chúc mừng bạn đã nhận được lương tháng! Hy vọng lần này lương đủ đầy để mình được mời đi uống cà phê. Chúng ta có thể ngồi lại, tán gẫu đủ thứ trên đời, và tất nhiên là tiếp tục câu chuyện về Thiên Chúa – chủ đề mà dạo gần đây mình rất thích bàn với bạn.
Mình còn nhớ lần trước, bạn đùa rằng: “Lương tâm không bằng lương tháng!” Nghe vui mà cũng thâm thúy ghê! Người Việt mình thật tài tình khi sử dụng chữ “lương” để nói về hai khái niệm: lương tháng – tức là thu nhập mà bạn nhận được từ công việc; và lương tâm – một điều gì đó vô hình nhưng cũng rất thực, vì đôi khi nó khiến ta cắn rứt, áy náy mỗi khi làm điều gì sai.
Hôm nay, thay vì nói về lương tháng (vì mình biết nó có thể khiến bạn nhăn mặt vào cuối tháng!), mình muốn bàn sâu hơn về lương tâm – một chủ đề vừa gần gũi, vừa bí ẩn. Và thú vị hơn, lương tâm có thể là “chìa khóa” giúp bạn hiểu thêm về Thiên Chúa mà mình tin. Nghe có vẻ lạ tai, nhưng hãy đọc tiếp nhé. Biết đâu bạn sẽ khám phá được điều gì hay ho!
1. Lương tâm là gì?
Ông cha mình ghép hai chữ lại với nhau: Lương (良): Nghĩa là tốt đẹp, thiện lành. Người bên lương, là người tốt lành. Tâm (心) là trái tim, tâm hồn, tư tưởng. Như vậy, “lương tâm” có thể hiểu theo nghĩa đen là “tâm hồn tốt” hoặc “tâm hồn hướng về điều thiện”. Đây là một cách diễn đạt rất gần với bản chất của lương tâm: một sức mạnh nội tại hướng con người về điều đúng đắn, lẽ công bằng và lòng nhân ái. Là người, ai cũng có lương tâm.
Bạn có bao giờ cảm thấy lương tâm mình căn rứt không? Ví dụ như: trễ hẹn với một người bạn rất thân, hay nói một câu vô tình làm tổn thương ai đó, hoặc trộm cắp cái gì đó. Ngay sau đó, có thể bạn đã cảm thấy một sự khó chịu mơ hồ. Đây chính là tiếng nói bên trong nhắc nhở rằng mình vừa làm sai. Đó chính là lương tâm đang lên tiếng.
Nhưng lương tâm là gì? Nó có phải là một loại cảm giác không? Hay là một kiểu “cơ chế báo động” bên trong tâm trí? Lúc mình học để trở thành linh mục, tài liệu giáo lý Công giáo viết rằng: “Lương tâm là tiếng nói bên trong con người, ra lệnh cho ta làm điều thiện trong bất cứ hoàn cảnh nào và tránh điều dữ bằng mọi cách. Đồng thời, lương tâm là khả năng phân biệt điều thiện với điều dữ. Thiên Chúa nói với ta qua tiếng lương tâm” (giáo lý Công giáo số 1776-1779). Nó giống như một chiếc la bàn giúp ta phân biệt đúng sai, tốt xấu. Vì thế lương tâm trong tiếng Anh là conscience, có nghĩa là ý thức chung, nhận biết đúng sai. Dù ở đâu, văn hóa và thời điểm nào, chúng ta đều có nhận thức đúng sai này. Nếu không có lương tâm, chúng ta sẽ không thể phân biệt điều thiện và điều ác. Một người không nghe theo lương tâm sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng sống bất chấp, chỉ biết lợi ích của mình mà không quan tâm đến người khác. Trong trường hợp này, chúng ta liệt họ vào hạng “lương tâm chai lì, khô cứng”.
2. Tiếng nói kỳ lạ của lương tâm
Lương tâm có điều gì đó rất kỳ lạ, bạn có thấy vậy không? Nó không giống những cảm xúc khác như vui buồn, giận dữ hay sợ hãi. Đôi khi, dù bạn không muốn, lương tâm vẫn cứ… “cắn rứt” bạn, mỗi khi bạn làm sai. Đôi khi nó rất phiền phức, nhưng biết làm sao được, vì nó là một phần của chúng ta. Nó vẫn luôn thực hiện đúng chức năng của nó như tim, gan, phèo phổi đấy thôi!
Cụ thể hơn, nếu một ngày bạn vô tình nhặt được chiếc ví có đầy tiền bên trong, lương tâm sẽ tự động nhắc rằng: “Hãy trả lại cho người mất!” Ngay cả khi chẳng ai chứng kiến, lương tâm vẫn cứ âm thầm lên tiếng. Lúc đó, có khi lý trí hoặc lòng tham không muốn trả lại, nhưng lương tâm càng nói lớn tiếng hơn, khiến bạn phải quyết định. Điều này cho thấy lương tâm không chỉ là một cảm giác nhất thời, mà là một tiếng gọi từ bên trong, mời gọi ta sống theo sự thật và công lý.
Ông triết gia người Đức rất nổi tiếng, Immanuel Kant (1724–1804) có một kim chỉ nam cho cuộc đời: “Hai điều lấp đầy tâm trí tôi với niềm kinh ngạc không ngừng: bầu trời đầy sao trên đầu, và tiếng lương tâm trong tôi.” Đây chẳng phải ám chỉ đến mối liên hệ giữa con người và một trật tự siêu việt, có thể hiểu là dấu vết của Thiên Chúa trong cả vũ trụ lẫn tâm hồn con người sao? Bạn có thấy thế không? Giữa một vũ trụ rộng lớn, có một tiếng nói nhỏ bé bên trong mỗi người, và tiếng nói ấy luôn hướng ta về điều thiện. Nhưng tại sao lại như vậy? Tại sao con người lại có lương tâm? Đâu là nguồn gốc của tiếng nói kỳ lạ ấy?
3. Lương tâm và Thiên Chúa
Cho phép tôi gán ghép một chút: lương tâm không chỉ là một cơ chế tâm lý tự nhiên, mà là dấu vết của Thiên Chúa trong tâm hồn con người.
Bạn thử nghĩ xem: nếu trong lòng chúng ta có một “chiếc la bàn đạo đức” giúp phân biệt đúng sai, thì ai là người đã đặt nó vào đó? Sách giáo khoa trong nhà trường nói rằng đó là ngẫu nhiên, hoặc do tiến hóa. Nhưng nếu do tiến hóa, vậy mục đích của lương tâm là gì? Trong khi đó, nếu con người có thể nhận biết điều thiện và điều ác một cách tự nhiên, thì điều đó cho thấy rằng có một Luật Luân Lý vượt trên tất cả các luật lệ xã hội, và có một Đấng đã ghi khắc luật ấy trong lòng chúng ta. Phức tạp quá! Không sao, chúng ta cứ bình tĩnh để bóc tách vấn đề.
Để mình dẫn chứng kinh nghiệm của thánh Phaolô:“Dân ngoại vốn không có Lề Luật, nhưng khi họ theo lẽ tự nhiên mà làm những gì Lề Luật đòi hỏi, thì họ là luật cho chính mình. Họ chứng tỏ rằng điều răn của Lề Luật đã được ghi khắc trong lòng họ, cùng với lương tâm làm chứng” (Rm 2,14-15). Nói cách khác, dù bạn là người Công giáo hay không, bạn vẫn có lương tâm – vì lương tâm là món quà mà Thiên Chúa đã ban cho mọi người. Có thể nói lương tâm là mật mã để chúng ta nhấn “enter” đi vào thế giới của Thiên Chúa.
4. Lương tâm cần được giáo dục
Bạn biết đây, “răng” của lương tâm có thể mòn, hoặc “lương tháng tăng thì có nguy cơ lương tâm giảm”, như chúng ta hay nói vui. Điều này có nghĩa là lương tâm không phải lúc nào cũng đáng tin cậy tuyệt đối. Lương tâm giống như một chiếc la bàn; nó chỉ đúng hướng, nhưng chỉ khi nó không bị lệch bởi các “nam châm” xung quanh. Nếu ta sống trong một môi trường đầy rẫy dối trá và bất công, lương tâm có thể bị “lệch chuẩn.” Ban đầu, ta có thể áy náy khi làm điều sai, nhưng nếu ta phớt lờ lương tâm quá nhiều lần, dần dần, ta sẽ không còn cảm thấy cắn rứt nữa. Sống trong một xóm ăn cắp, lương tâm của những người này ít nhiều dẫn đến sai lạc.
Chính vì thế, Giáo hội Công giáo mời gọi chúng mình giáo dục và đào luyện lương tâm mình liên lỉ. Điều này có nghĩa là chúng ta cần học hỏi, suy tư, cầu nguyện, và tham khảo giáo huấn của Giáo hội để lương tâm ngày càng nhạy bén và chính xác hơn.
Bạn thân mến, mình mời bạn thử làm một điều đơn giản: lắng nghe lương tâm mình một cách chân thành. Khi bạn làm điều tốt, hãy chú ý đến niềm vui sâu lắng trong lòng mình. Khi bạn làm điều sai, hãy lắng nghe tiếng nói nhắc nhở của lương tâm. Và hãy tự hỏi xem: “Tiếng nói này đến từ đâu? Ai là người đã đặt luật luân lý vào lòng tôi?”
Mình tin rằng, nếu bạn kiên nhẫn tìm kiếm, bạn sẽ dần nhận ra rằng lương tâm chính là “tiếng nói của Thiên Chúa” trong lòng mình. Hoặc nói như ngôn ngữ của Công đồng Vatican II: “Lương tâm là trung tâm sâu kín nhất của con người. Là cung thánh mà con người ở một mình với Thiên Chúa, và nghe được tiếng Thiên Chúa” (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng 16). Như vậy Thiên Chúa ấy không phải là một ông vua xa cách, mà là một Người Cha đầy yêu thương, luôn chờ đợi bạn quay về. Tiếng nói ấy chắc chắn sẽ êm ái như bản nhạc du dương đưa tâm hồn bạn trở về với không gian thanh bình hạnh phúc.
Chắc mình tạm dừng đề tài khó này ở đây, nhưng hy vọng bạn hiểu thêm một chút về hai chữ quan trọng này. Nó là một phần cuộc sống của chúng ta, giống như lương tháng vậy. Và tất nhiên, mình vẫn chờ ly cà phê từ lương tháng của bạn nhé!
Thân mến!
(Nguồn: WHĐ)