04/04/2016
2764
Giáo phận Mỹ Tho: Ngày Tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa 

 
 

LẠY CHÚA GIÊSU! CON TÍN THÁC NƠI NGÀI là chủ đề chính của ngày lễ Tôn vinh Lòng thương xót Chúa tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Mỹ Tho.

Thánh Faustina Kowalska là người được thị kiến để loan báo lòng thương xót của Chúa: Năm 1931, Chúa hiện ra với thánh nữ Faustina trong một thị kiến. Thánh nữ nhìn thấy Chúa Giêsu mặc một chiếc áo trắng với cánh tay phải giơ lên như đang chúc lành. Tay trái của Ngài đụng vào áo nơi trái tim, nơi mà hai ánh sáng chiếu tỏa ra, một tia màu đỏ và một tia màu trắng lạt. Thánh nữ nhìn không chớp mắt thẳng vào Chúa trong thinh lặng, linh hồn thánh nữ tràn ngập lòng kính sợ, nhưng cũng tràn đầy niềm vui khôn tả. Thánh nữ ghi nhớ hình ảnh ấy và nhờ họa sĩ vẽ lại. Ngày 30 tháng 04 năm 2000 nhằm ngày Chúa nhật sau Lễ Phục sinh, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong thánh cho Faustina và thiết lập ngày Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót, ấn định vào ngày Chúa nhật sau Lễ Phục Sinh hằng năm. Đó là ý nghĩa mà Đức Cha đã nhắc đến trong bài giảng thánh lễ Kính lòng Thương xót Chúa.

Năm nay Giáo hội sống trong bối cảnh Năm thánh Lòng Thương Xót; vì thế, cả Giáo hội tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa cách long trọng hơn. Trong tinh thần đó, Giáo phận Mỹ Tho đã tổ chức ngày lễ đặc biệt này vào Chúa nhật 2 Phục sinh 03.04.2016 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận, nơi hành hương của Giáo phận trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Vì lòng yêu mến và tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa, ngã đường về Trung tâm Hành hương Giáo phận lại trở nên tấp nập hơn, và đông đúc hơn; dường như mọi người bất chấp thời tiết nắng nóng, sự nhộn nhịp của dòng người để đến với lòng thương xót Chúa trong ngày trọng đại này.

Chương trình bắt đầu lúc 15g00 với giờ chuỗi lòng thương xót do Cha Tổng Đại Diện (TĐD) chủ sự.

Sau đó, các ca sĩ: Diệu Hiền, Bé Thoại Nghi, Xuân Trường, Thanh Huyền, và nhóm các bạn trẻ đã làm nóng lên bầu khí, để mọi người cùng bước vào giờ thánh ca và diễn nguyện.

Thánh ca và diễn nguyện tôn vinh lòng thương xót Chúa được diễn ra với 11 phần:

1. Dân Chúa hành hương: Một nhóm chủ lực tiến lên trước lễ đài cất lên bài hát “từ muôn phương”, và từ ba hướng các ca viên khác tiến lên lễ đài, cộng đoàn cùng đứng lên hòa chung tiếng hát.

2. Trong tác động của Chúa Thánh Thần: Thánh Thần là suối nguồn của tình yêu, vì thế, dưới sự hướng dẫn của linh mục, cộng đoàn cùng nài xin Chúa Thánh Thần đến thánh hóa, hướng dẫn và soi sáng để những giây phút cầu nguyện của cộng đoàn trở nên thật sự sinh động, nhờ đó đem lại lợi ích thiêng liêng cho tất cả mọi người.

3. Hát mừng lòng thương xót Chúa: Lời bài hát Misericordes sicut Pater, hãy yêu thương như Chúa Cha là Đấng nhân từ, được cất lên như lời chúc tụng, ca khen Ba Ngôi Thiên Chúa, luôn luôn xót thương. Đây là bài ca chủ lực trong ngày tôn vinh lòng thương xót Chúa.

4. Lòng thương xót qua công trình tạo dựng: được diễn tả qua bài hát Hãy ngợi khen Chúa của Ngô Duy Linh do ca đoàn Giáo phận trình bày.

5. Lòng thương xót qua mầu nhiệm nhập thể: Chính vì tình yêu mà Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha đến sống và hiện diện trên trần gian, cũng như thực thi lòng thương xót cho con người, một hình ảnh thân thương và gần gũi với mọi người. Vì thế, ca đoàn cùng cất lên bài ca hát mừng lòng thương xót của Chúa đã đến trong trần gian: “Ngài đến, lòng chúng nhân reo hò vui mừng,…”

6. Lòng thương xót trong mầu nhiệm thánh giá: Vì lòng thương xót, Con Thiên Chúa đã dùng cuộc đời mình để chỉ cho con người về cõi trường sinh, và đã chấp nhận cái chết đau thương trên thập giá, vì tình yêu. Để diễn tả mầu nhiệm cao cả ấy, thánh giá được rước lên lễ đài, theo sau là đại diện các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Tân An, dòng thánh Phaolô Mỹ Tho, Thiếu Nhi Thánh Thể; trong khi đó, cộng đoàn cùng cất lên bài hát “Trên đồi cao”, để diễn tả tình yêu tột cùng Thiên Chúa dành cho nhân loại.

7. Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót: Người đã cưu mang lòng thương xót, cảm nghiệm lòng thương xót, và đồng hành với lòng thương xót. Các nữ tu đã dâng lên Mẹ giỏ hoa tươi để cám ơn Mẹ, tôn vinh Mẹ và xin Mẹ giúp mỗi người biết sống lòng thương xót như Mẹ.

8. Lòng thương xót trong mầu nhiệm phục sinh: Thập giá là biểu lộ của lòng trắc ẩn, và sự phục sinh là hành vi của lòng thương xót. Vì thế, lời tôn vinh Giêsu vinh quang được vang lên qua giọng hát của các ca viên.

9. Đón nhận lòng thương xót: Lòng thương xót được đón nhận qua nhiều hình thức, nhưng hình thức tiêu biểu nhất là qua Bí tích Hòa Giải. Ba linh mục thể hiện lòng thương xót qua việc ngồi vào tòa giải tội, ba người tiến lên xưng tội, trong khi ca đoàn hát “Chúa không lầm”.

10. Sống lòng thương xót: Mẹ Têrêsa Calcutta đã sống lòng thương xót cách triệt để, và được thế giới trao tặng giải Nobel hòa bình. Một nữ tu đóng vai Mẹ Têrêsa Calcutta diễn lại cảnh ấy, và mời gọi mọi người cùng cất hát “Kinh hòa bình”. Sau đó, những diễn văn nổi bật của Mẹ cũng được đọc lên để mọi người cảm nghiệm và cùng nhau thực thi lòng thương xót như Mẹ.

11. Loan báo lòng thương xót: Lòng thương xót của Chúa được loan báo qua những bước chân loan báo Tin mừng, những bước chân tiến vào giữa lòng thế giới…, các ca viên rời khỏi lễ đài đang khi cộng đoàn hát “Đẹp thay, ôi đẹp thay, những bước chân gieo mầm cứu rỗi…”.

Và cao trào của ngày tôn vinh lòng thương xót là thánh lễ do Đức Cha Phêrô - Giám mục Giáo phận chủ sự -, đồng tế với ngài có các linh mục trong Giáo phận đặc biệt linh mục trong hai Giáo Hạt Mỹ Tho và Cái Bè. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Giám mục, quý tu sĩ nam nữ, và anh chị em giáo dân cũng đã quy tụ rất đông, khoảng 7 ngàn người.

Thánh lễ bắt đầu với Kinh Vinh Danh, vì cộng đoàn đã được chuẩn bị tâm hồn sám hối trong phần thánh ca và diễn nguyện.

Trong bài giảng, Đức Cha đã đề cập đến dấu đinh và cạnh sườn của Chúa Giêsu, vì nơi đó mọi người nhận ra tội lỗi của mình, và là nơi ban phát lòng thương xót. Ngài mời gọi mọi người hãy chiêm ngắm ảnh tượng lòng thương xót của Chúa nhất là khi gặp bế tắc, đau khổ, thất vọng… vì chính khi ấy, chính Chúa sẽ ở bên, như Người đã dạy: “đừng sợ, có Ta ở với con”. Không những thế, ngài còn muốn mỗi người chúng ta hãy học nơi lòng thương xót của Chúa là sự tha thứ, và chữa lành khi con người dành cho Ngài sự phản bội, và chối bỏ.

Thánh lễ tiếp tục như thường lệ và kết thúc lúc 18g30 với phép lành toàn xá. Mọi người ra về trong hân hoan vì đã được cùng với Giáo hội tôn vinh tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Chắc hẳn, một ngày đầy ý nghĩa này sẽ nhắc nhớ mỗi người hãy luôn tín thác vào lòng thương xót của Chúa trong mọi hoàn cảnh, và loan báo lòng thương xót ấy cho mọi người.

Xem hình ảnh

Xem bài giảng

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho