20/06/2022
552
Sứ điệp của ĐTC cho Ngày thế giới người nghèo lần thứ VI



 

Ngày Thế giới Người nghèo lần VI được cử hành vào ngày 13.11.2022. Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày này có tựa đề: “Chúa Giêsu Kitô đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em (xem 2 Cr 8,9), được chia thành 10 đoạn, và được Đức Thánh Cha ký vào ngày 13.06.2022.

 

Sứ điệp của ĐTC

cho Ngày thế giới người nghèo lần thứ VI

 

Ngày 13 tháng 11 năm 2022

 

Chúa Giêsu Kitô đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em (x. 2Cr 8,9)

 

1. “Chúa Giêsu Kitô […] đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em” (x. 2Cr 8, 9). Với những lời này, tông đồ Phaolô nói với các tín hữu đầu tiên của Côrintô để đặt nền tảng cho sự dấn thân liên đới của họ với những anh chị em túng thiếu. Ngày Thế giới Người nghèo năm nay trở lại như một sự khích lệ tốt lành giúp chúng ta suy ngẫm về lối sống của mình và về nhiều hình thức đói nghèo của thời điểm hiện tại.

Vài tháng trước, thế giới thoát ra khỏi cơn bão của đại dịch, với những dấu hiệu phục hồi kinh tế giúp nâng dậy hàng triệu người nghèo khổ vì mất việc làm. Nó mở ra một chặng đường thanh thản, dù không quên nỗi đau mất đi người thân, cho phép chúng ta có thể cuối cùng cũng được trở lại với những tương quan liên vị trực tiếp, gặp gỡ nhau mà không bị ràng buộc hay hạn chế. Và bây giờ, một thảm họa mới đã xuất hiện, đưa thế giới đến một viễn cảnh khác.

Chiến tranh ở Ucraina được thêm vào các cuộc chiến tranh khu vực mà trong những năm gần đây đã gây nên biết bao chết chóc và tàn phá. Nhưng ở đây bức tranh thể hiện phức tạp hơn do có sự can thiệp trực tiếp của một “siêu cường”, với ý định áp đặt ý chí của mình chống lại nguyên tắc tự quyết của các dân tộc. Những cảnh bi thương lặp đi lặp lại và một lần nữa lời hăm doạ lẫn nhau của một số quyền lực lấn át tiếng nói của nhân loại đang kêu gọi hòa bình.

2. Sự vô nghĩa của chiến tranh tạo ra biết bao nhiêu người nghèo! Rảo nhìn ở bất cứ nơi đâu, người ta đều thấy bạo lực ảnh hưởng thế nào đến những người không có khả năng tự vệ và yếu đuối nhất. Việc phát lưu hàng ngàn người, đặc biệt là trẻ em trai cũng như gái, để làm mất căn cội của họ và áp đặt cho họ một căn tính khác. Lời của tác giả Thánh Vịnh trước sự tàn phá của thành Giê-ru-sa-lem và sự lưu đày của những người trẻ Do Thái, lặp lại hôm nay: Bên bờ sông Ba-by-lon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Xi-on; / trên những cành dương liễu, ta tạm gác cây đàn. / Bọn lính canh đòi ta hát xướng, / lũ cướp này mời gượng vui lên: / ‘Hát đi, hát thử đi xem / Xi-on nhạc thánh điệu quen một bài!’/ Bài ca kính CHÚA TRỜI, làm sao ta hát nổi / nơi đất khách quê người?” (137,1-4).

Hàng triệu phụ nữ, trẻ em và người già, bất chấp nguy hiểm của bom đạn, buộc phải chạy tị nạn ở các nước láng giềng để hy vọng cứu được mạng sống. Còn những người ở lại tại các khu vực xung đột thì hằng ngày sống trong nỗi sợ hãi và thiếu lương thực, nước uống, chăm sóc y tế và trên tất cả là tình cảm. Trong những tình cảnh này, lý trí bị che khuất và những người phải gánh chịu hậu quả là rất nhiều dân thường, những người được thêm vào số những người nghèo, vốn đã rất nhiều. Làm thế nào để đưa ra một phản ứng thỏa đáng để mang lại sự nâng đỡ và bình an cho rất nhiều người bị kẹt giữa tình cảnh bất ổn và bấp bênh?

3. Trong bối cảnh mâu thuẫn này, chúng ta sẽ cử hành Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ VI. Chúng ta được mời gọi suy tư về lời thánh tông đồ Phaolô kêu gọi hãy chăm chú nhìn vào Chúa Giê-su, Đấng “vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8,9). Trong chuyến viếng thăm Giêrusalem, Phaolô đã gặp Phêrô, Giacôbê và Gioan, những người đã xin ngài đừng quên những người nghèo. Thực tế, cộng đoàn Giêrusalem đang gặp khó khăn nghiêm trọng do nạn đói hoành hành trên đất nước này. Và ngay lập tức thánh Tông đồ đã quan tâm đến việc tổ chức một cuộc lạc quyên lớn để giúp đỡ những người nghèo. Các Kitô hữu ở Côrintô đã tỏ ra rất nhạy bén và sẵn sàng. Theo yêu cầu của Phaolô, mỗi đầu tuần họ quyên góp những gì tiết kiệm được và tất cả đều rất quảng đại.

Kể từ khi đó, mỗi Chúa Nhật, khi cử hành Thánh Thể, chúng ta thực hiện cùng một cử chỉ, đóng góp phần của mình để cộng đoàn có thể cung cấp cho những nhu cầu của những người nghèo nhất. Đó là một dấu chỉ mà các Kitô hữu luôn thực hiện với niềm vui và tinh thần trách nhiệm, để không anh chị em nào thiếu thốn những gì cần thiết. Điều này đã được chứng thực bởi lời tường thuật của thánh Giustinô, vào thế kỷ thứ hai, khi mô tả với hoàng đế Antoniô Piô về cử hành Chúa Nhật của các Kitô hữu: “Vào Chúa Nhật, tất cả chúng tôi quy tụ lại với nhau, cư dân thành thị cũng như thôn quê, đọc những ghi nhớ của các Tông đồ và các tác phẩm của các ngôn sứ trong khoảng thời gian cho phép. […] Sau đó, Thánh Thể được bẻ ra và phân phát cho mỗi người, và nhờ các phó tế gởi đến những người vắng mặt. Những người giàu có, nếu họ muốn, họ đóng góp một cách tự do tuỳ theo ý muốn, và những gì thu được được gởi cho vị chủ toạ, người sẽ giúp đỡ những trẻ mồ côi, các bà góa, và những người cơ cực vì bệnh tật hoặc vì những nguyên nhân khác, những tù nhân, những người ngoại quốc đang ở giữa chúng tôi: nói tóm lại, bất cứ ai cần đều được chăm sóc” (Lời biện hộ đầu tiên, LXVII,1-6).

4. Trở lại cộng đoàn Côrintô, sau lòng nhiệt thành ban đầu, sự dấn thân của họ bắt đầu giảm dần và sáng kiến được thánh Tông đồ đề xuất bị mất sự hồ hởi. Đây là lý do thôi thúc Phaolô viết cách nồng nàn, khởi động lại việc lạc quyên, “để như anh em đã hăng hái quyết định thế nào, thì cũng tuỳ khả năng mà hoàn thành như vậy” (2Cr 8,11).

Vào lúc này, tôi nghĩ đến sự sẵn lòng trong những năm gần đây, các dân tộc đã mở rộng cánh cửa chào đón hàng triệu người tị nạn từ các cuộc chiến tranh ở Trung Đông, Trung Phi và bây giờ là ở Ucraina. Các gia đình đã mở cửa nhà của họ để dành chỗ cho các gia đình khác, và các cộng đoàn đã quảng đại chào đón nhiều phụ nữ và trẻ em để cung cấp cho họ phẩm giá xứng đáng. Tuy nhiên, cuộc xung đột càng kéo dài thì hậu quả của nó càng trở nên tồi tệ hơn. Các dân tộc chào đón ngày càng thấy khó khăn trong việc tiếp tục trợ giúp; gia đình và cộng đoàn bắt đầu cảm thấy sức nặng của một tình huống vượt quá mức khẩn cấp. Đây là lúc không đầu hàng nhưng khởi động lại động lực ban đầu. Những gì chúng ta đã bắt đầu cần phải được hoàn thành với cùng trách nhiệm.

5. Thật vậy, tình liên đới nằm ở chỗ: chia sẻ cái chút ít mình có với những người không có gì, để không ai phải đau khổ. Cảm thức cộng đoàn và sự hiệp thông như một lối sống càng lớn, thì tình liên đới càng phát triển. Mặt khác, cần phải nhận thấy rằng có những quốc gia, trong những thập kỷ gần đây, mức độ phúc lợi của nhiều gia đình đã tăng lên đáng kể, họ có được một tình trạng sống an toàn. Đây là kết quả tích cực của sáng kiến ​​cá nhân và luật pháp, vốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế kết hợp với sự khuyến khích cụ thể cho các chính sách về gia đình và trách nhiệm xã hội. Phúc lợi về sự an toàn và ổn định giờ đây có thể được chia sẻ với những người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa và đất nước của họ để tìm kiếm sự an toàn và tồn tại. Với tư cách là thành viên của xã hội dân sự, chúng ta tiếp tục kêu gọi các giá trị của tự do, trách nhiệm, huynh đệ và liên đới. Với tư cách là Kitô hữu, chúng ta luôn tìm thấy nơi đức tin, đức cậy và đức mến nền tảng hiện hữu và hoạt động của chúng ta.

6. Điều thú vị cần lưu ý là thánh Tông đồ không muốn bắt ép các Kitô hữu phải làm việc bác ái. Thật vậy, ngài viết: “Tôi nói thế không phải để ra lệnh cho anh em đâu” (2Cr 8,8); đúng hơn, ngài muốn “kiểm chứng sự chân thành” về tình yêu của họ trong việc quan tâm và lo lắng cho người nghèo (xem sđd.). Mục đích lời kêu gọi của thánh Phaolô chắc chắn là sự cần thiết của việc giúp đỡ cụ thể, tuy nhiên ý hướng của ngài còn đi xa hơn. Ngài mời gọi thực hiện việc lạc quyên vì đó là dấu chỉ của tình yêu như chính Chúa Giêsu đã làm. Nói tóm lại, lòng quảng đại đối với người nghèo có động lực mạnh mẽ nhất nơi gương mẫu của Con Thiên Chúa, Đấng muốn tự làm cho mình trở nên nghèo khó.

Thật vậy, thánh Tông đồ không ngại khẳng định rằng sự lựa chọn của Chúa Kitô, “sự tự huỷ” của Người, là một “ân sủng”, đúng hơn, là “ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (2Cr 8,9), và chỉ bằng cách chào đón nó, chúng ta mới có thể biểu lộ đức tin của mình một cách cụ thể và nhất quán. Giáo huấn của toàn bộ Tân Ước có sự thống nhất xung quanh chủ đề này, điều này cũng được phản ánh trong lời của tông đồ Giacôbê: “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Thật vậy, ai lắng nghe Lời Chúa mà không thực hành, thì giống như người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình. Người ấy soi gương rồi đi, và quên ngay không nhớ mặt mình thế nào. Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo – luật mang lại tự do-, ai thi hành luật Chúa chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm.” (Gc 1,22-25)

7. Trước người nghèo thì không cần hùng biện, mà là xắn tay áo lên và thực hành đức tin bằng sự dấn thân trực tiếp, không thể ủy thác cho ai khác. Tuy nhiên, đôi khi, một hình thức uể oải có thể chiếm ưu thế, dẫn đến những cách hành xử không nhất quán, chẳng hạn như thờ ơ với người nghèo. Cũng có thể xảy ra rằng một số Kitô hữu, do quá gắn bó với tiền của, sa lầy vào việc sử dụng sai trái tài sản và của cải. Đây là những tình huống thể hiện một đức tin yếu ớt và một niềm hy vọng uể oải và thiển cận.

Chúng ta biết rằng vấn đề không nằm ở bản thân tiền bạc, vì nó là một phần của cuộc sống hàng ngày và các mối quan hệ xã hội của con người. Điều chúng ta cần nghĩ đến, đúng hơn là giá trị mà tiền mang lại cho chúng ta: nó không thể trở thành tuyệt đối, như thể nó là mục đích chính. Sự gắn bó như vậy ngăn cản cái nhìn thực tế vào cuộc sống hàng ngày và làm mờ đi khả năng nhìn thấy, không cho chúng ta nhìn thấy nhu cầu của người khác. Không gì nguy hại đối với một Kitô hữu và một cộng đoàn cho bằng việc bị mê hoặc bởi thần tượng của cải, điều dẫn đến kết cục là sự trói buộc vào một viễn tượng cuộc sống phù du và sa ngã.

Do đó, đây không phải là một vấn đề về việc đến với người nghèo bằng “não trạng trợ cấp”, như thường xảy ra; ngược lại, cần dấn thân để không một ai thiếu thốn những điều thiết yếu. Điều hữu ích không phải là duy hành động, mà là sự quan tâm chân thành và quảng đại cho phép chúng ta đến với một người nghèo như đến với một người anh em, người đang chìa tay ra, để tôi được cứu thoát khỏi vòng xoáy mà tôi bị rơi vào. Vì vậy, “không ai được nói mình không thể gần gũi người nghèo vì nếp sống của mình đòi hỏi phải chú ý tới những lãnh vực khác. Đây là một lời bao biện thường nghe thấy trong các giới học thuật, doanh nghiệp hay chuyên môn, thậm chí cả trong giới giáo sĩ. […] không một ai trong chúng ta được miễn khỏi sự quan tâm tới người nghèo và công bằng xã hội.” (Tông huấn Evangelii gaudium, 201). Điều cấp bách là phải tìm ra những cách thức mới có thể vượt lên trên khuôn khổ của những chính sách xã hội được xem như "một chính sách vì người nghèo, nhưng không bao giờ là chính sách với người nghèo và của người nghèo, lại càng không nằm trong dự án liên kết mọi người” (Thông điệp Fratelli tutti, 169). Thay vào đó, chúng ta cần bắt chước thái độ của thánh Tông đồ khi có thể viết cho tín hữu Côrintô: “vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp, để người khác bớt nghèo khổ. Điều cần thiết là phải có sự đồng đều” (2Cr 8,13).

8. Có một nghịch lý khó chấp nhận đối với người nay cũng như xưa, vì nó ngược với lối nghĩ của con người, đó là: có một cái nghèo làm chúng ta giàu. Nhắc lại “ân sủng” của Chúa Giêsu Kitô, thánh Phaolô muốn xác nhận lại điều mà chính ngài đã rao giảng, đó là của cải đích thực không nằm ở việc tích lũy “kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư hoại và kẻ trộm đột nhập và đánh cắp” (Mt 6,19), nhưng đúng hơn, là nơi tình yêu thương nhau, khiến chúng ta mang gánh nặng cho nhau để không ai bị bỏ rơi hoặc loại trừ. Kinh nghiệm về sự yếu đuối và hạn chế mà chúng ta đã sống trong những năm gần đây, và bây giờ là thảm kịch của một cuộc chiến với những hậu quả toàn cầu, phải dạy cho chúng ta một điều gì đó mang tính quyết định: chúng ta không ở trên trái đất này để tồn tại, nhưng để mọi người được sống một cách xứng đáng và hạnh phúc. Sứ điệp của Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta con đường và làm cho chúng ta khám phá thấy rằng có cái nghèo hạ nhục và giết chết, nhưng cũng có cái nghèo khác, của Người, giải thoát và làm cho chúng ta hạnh phúc.

Cái nghèo giết chết thì khốn cùng, là con cái của sự bất công, bóc lột, bạo lực và phân phối tài nguyên không công bằng. Đó là sự nghèo đói tuyệt vọng, không có tương lai, bởi vì nó bị áp đặt bởi văn hóa vứt bỏ không mang lại triển vọng hoặc lối thoát. Nó là sự khốn cùng, trong khi buộc người ta vào tình trạng nghèo khổ cùng cực, cũng ảnh hưởng đến chiều kích thiêng liêng, mà thường dễ bị bỏ qua, nhưng không vì thế mà nó không tồn tại hay không được tính đến. Khi luật duy nhất là phép tính lợi nhuận vào cuối ngày, thì không gì có thể giữ chúng ta khỏi nhìn thấy người khác chỉ đơn giản là những đối tượng bị bóc lột: những người khác chỉ là phương tiện. Không còn nữa tiền lương phải lẽ, giờ làm việc thích hợp, và các hình thức nô lệ mới được tạo ra, những người không còn chọn lựa nào khác phải chấp nhận sự bất công độc hại này để lượm lặt những điều tối thiểu cho cuộc sống.

Ngược lại, cái nghèo làm chúng ta tự do là cái nghèo có được từ kết quả của một quyết định trách nhiệm để gỡ bỏ gánh nặng quá sức và tập trung vào những điều thiết yếu. Thật vậy, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra cảm giác không hài lòng mà nhiều người trải nghiệm, bởi vì họ cảm thấy một điều gì đó rất quan trọng đang thiếu trong cuộc sống của họ và đi tìm kiếm nó như một sự lang thang không mục đích. Trong ước muốn tìm kiếm điều gì đó có thể làm thỏa lòng, họ cần hướng tới những người nhỏ bé, yếu thế, nghèo khó để cuối cùng có thể hiểu được họ thực sự cần gì. Gặp gỡ những người nghèo cho phép chúng ta chấm dứt những lo lắng và sợ hãi trống rỗng, để đi đến điều gì thực sự quan trọng trong cuộc sống, là kho báu không ai có thể cướp được khỏi chúng ta: tình yêu đích thực và nhưng không. Thật vậy, người nghèo, trước khi là đối tượng của sự bố thí của chúng ta, họ là những con người, những người giúp chúng ta tự do khỏi những ràng buộc của lo âu và hời hợt.

Thánh Gioan Kim Khẩu, một giáo phụ và tiến sĩ Hội thánh, trong những bài viết tố cáo mạnh mẽ lối hành xử của các Kitô hữu đối với những người nghèo nhất, đã viết: “Nếu bạn không thể tin rằng nghèo khó có thể làm cho bạn giàu, thì hãy nghĩ đến Chúa của bạn và hãy thôi nghi ngờ điều này. Nếu Người không nghèo, thì bạn sẽ không thể giàu; điều này thật lạ lùng, rằng cái nghèo lại trở nên nguồn của sự giàu có dồi dào. Những điều thánh Phaolô muốn nói về “sự giàu có” là sự hiểu biết về đạo đức, sự thanh tẩy khỏi tội lỗi, sự công chính, sự thánh hoá và hàng ngàn điều tốt lành khác đã được ban cho chúng ta bây giờ và mãi mãi. Chúng ta có được tất cả những điều này là nhờ vào sự nghèo khó” (Bài giảng về Thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô 17,1).

9. Những lời của thánh Tông đồ được chọn cho chủ đề Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ VI này trình bày một nghịch lý lớn của đời sống đức tin: sự nghèo khó của Chúa Kitô làm cho chúng ta trở nên giàu có. Nếu thánh Phaolô có thể đưa ra giáo huấn này - và Giáo hội đã loan truyền và làm chứng qua nhiều thế kỷ - thì đó là bởi vì Thiên Chúa, nơi Con của Người, Chúa Giê-su, đã chọn và đi con đường này. Bởi vì Đức Kitô đã tự làm cho mình trở nên nghèo khó vì chúng ta, nên cuộc sống của chính chúng ta sẽ được chiếu sáng và biến đổi, và nhận được một giá trị mà thế giới không thể hiểu được và không thể ban tặng. Kho tàng của Chúa Giêsu là tình yêu của Người, không loại trừ ai và tìm kiếm mọi người, nhất là những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và thiếu thốn những gì cần thiết. Vì yêu, Người trút bỏ vinh quang và mặc lấy thân phận con người. Vì yêu, Người trở nên một người tôi tớ, vâng phục đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (x. Pl 2,6-8). Vì yêu, Người đã trở nên “bánh ban sự sống” (Ga 6,35), để không ai thiếu thốn những gì thiết yếu và có thể tìm thấy lương thực nuôi dưỡng cho sự sống đời đời. Điều này thật khó chấp nhận đối với các môn đệ của Chúa Giêsu (x Ga 6,60), và cũng vậy trong thời đại chúng ta; nhưng lời của Chúa Giêsu thì rõ ràng: Nếu chúng ta muốn sự sống chiến thắng sự chết, nhân phẩm được cứu khỏi bất công, thì chúng ta cần bước đi con đường của Chúa Giêsu nghèo khó, chia sẻ cuộc sống vì tình yêu, bẻ tấm bánh cuộc đời hằng ngày với anh chị em rốt hết, những người thiếu thốn những gì thiết yếu. Đây là cách tạo nên sự bình đẳng, giải phóng người nghèo khỏi sự khốn cùng và người giàu khỏi sự phù phiếm, giải phóng cả hai khỏi sự tuyệt vọng.

10. Ngày 15 tháng 5 vừa qua, tôi đã phong thánh cho Anh Charles de Foucauld, một người được sinh ra giàu có, đã từ bỏ mọi sự để theo Chúa Giê-su và trở nên nghèo khó, trở nên người anh em của tất cả mọi người. Cuộc sống ẩn tu của ngài, trước tiên ở Nagiarét và sau đó là sa mạc Sahara, là cuộc sống thinh lặng, cầu nguyện và chia sẻ, một chứng tá mẫu mực về sự nghèo khó Kitô giáo. Sẽ rất tốt cho chúng ta khi suy gẫm những lời này của ngài: “Chúng ta đừng khinh thường người nghèo, những người bé mọn, những người làm công; họ không chỉ là anh chị em của chúng ta trong Chúa, mà còn là những người noi gương Chúa Giêsu cách hoàn hảo nhất trong đời sống bên ngoài của Người. Họ đại diện một cách hoàn hảo cho Chúa Giê-su, Người Thợ Nagiarét. Họ là con đầu lòng trong số những người được chọn, là người đầu tiên được gọi đến bên nôi của Đấng Cứu Thế. Họ là bạn đồng hành thường xuyên của Chúa Giêsu, từ khi Người được sinh hạ cho đến cái chết của Người […]. Chúng ta hãy tôn vinh họ, chúng ta hãy tôn vinh nơi họ hình ảnh của Chúa Giêsu và cha mẹ thánh của Người […]. Chúng ta hãy tự nhận lấy [thân phận] mà Người đã tự nhận lấy […]. Hỡi anh chị em của người nghèo, bạn đồng hành của người nghèo, chúng ta đừng bao giờ ngừng là người nghèo trong mọi sự; chúng ta hãy trở nên nghèo nhất trong những người nghèo như Chúa Giêsu, và giống như Người, chúng ta yêu người nghèo và để họ bao bọc chúng ta” (Chú giải Tin Mừng Luca, Suy niệm 263). Đối với Anh Charles, đây không chỉ là những lời nói, mà còn là một phong cách sống cụ thể, khiến Anh chia sẻ với Chúa Giê-su chính món quà sự sống.

Ước gì Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ VI này trở thành một cơ hội của ân sủng, giúp cá nhân và cộng đoàn kiểm thảo lương tâm và tự hỏi xem sự nghèo khó của Chúa Giêsu Kitô có phải là người bạn đồng hành trung thành của chúng ta trong cuộc sống hay không.

Roma, Đền thờ thánh Gioan Laterano, ngày 13 tháng 6 năm 2022, Lễ nhớ thánh Antôn Padova.

Phanxicô

(Nguồn: RV)