08/10/2019
1872
Tháng truyền giáo ngoại thường: cầu nguyện theo tông thư Maximum Illud _Tuần III



















 

THÁNG TRUYỀN GIÁO NGOẠI THƯỜNG

CẦU NGUYỆN THEO TÔNG THƯ MAXIMUM ILLUD

(Từ thứ hai 14.10 đến Chúa nhật 20.10.2019)


THỨ HAI 14.10.2019

 1. Đọc Tông Thư Maximum Illud

Còn một điểm cuối cùng và rất quan trọng đối với bất cứ ai chịu trách nhiệm một công cuộc truyền giáo. Họ phải đặc biệt quan tâm tới việc bảo đảm và đào tạo các ứng sinh cho thừa tác vụ thánh. Hy vọng lớn nhất của các giáo hội tân lập hệ tại điều này. Bởi vì người linh mục địa phương là một với đồng bào mình do sinh quán, bản tính, các mối đồng cảm và các khát vọng, nên họ đặt biệt hiệu quả trong việc tác động đến lối suy nghĩ của dân chúng và nhờ đó lôi kéo dân đến với đức tin. Hơn bất cứ ai khác, họ biết dân sẽ dễ dàng nghe theo kiểu lý luận nào, và do đó họ có thể dễ dàng đi đến những nơi mà một linh mục ngoại quốc khó có thể được chấp nhận. (MI số 14)

2. Ưu tư truyền giáo

Ngày 24 tháng 11 năm 1960 qua Sắc chỉ Venerabilium Nostroum, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã thiết lập Hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam gồm 3 giáo tỉnh: Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Sắc chỉ được công bố ngày 8 tháng 12 năm 1960, là cơ sở hình thành hội đồng các Giám mục điều hành hoạt động Giáo hội Công giáo tại Việt Nam (bấy giờ vẫn còn nhiều Giám mục nước ngoài làm mục vụ tại Việt Nam).

Mốc thời gian 1960 đánh dấu Giáo hội Việt Nam chính thức được chăm sóc mục vụ, và chịu trách nhiệm trước Hội Thánh bởi các Đức Giám mục Việt Nam. Cho đến hiện nay, 100 phần trăm Giám mục, linh mục đang phụ trách trực tiếp tại các Giáo phận, giáo xứ, giáo họ, giáo điểm… đều là người Việt Nam.

Phải mất hơn 400 năm, từ khi Tin Mừng khởi đầu được gieo vào lòng đất Việt Nam khoảng năm 1533. Cho đến năm 1960 Hội Thánh mới chính thức trao trách nhiệm chăm sóc và chuyển giao công cuộc truyền giáo cho các Đức Giám mục bản địa. Điều này cho thấy, việc tuyển chọn, xây dựng tính kế thừa cho công cuộc truyền giáo tại địa phương là một chương trình nghiêm khắc, dài hơi và đầy sự cân nhắc.

Hoạt động Loan Báo Tin Mừng vẫn đang được tiếp tục tại các cộng đoàn giáo xứ hiện nay, chỉ khác ở chỗ là do chính các linh mục Việt Nam phụ trách. Vì thế, việc đào tạo các ứng sinh linh mục có tinh thần và lòng hăng say liêm chính cho các hoạt động truyền giáo, cũng phải là một chương trình dài hơi, cân nhắc trong tuyển chọn, và nghiêm khắc trong đào tạo.

Hết sức khiêm nhường nhìn nhận, có rất nhiều những thông tin, cách đánh giá về các linh mục chưa được tốt tràn ngập trên các phương tiện truyền thông xã hội… cũng có phần đúng của nó. Đón nhận, phân tích công tâm, suy nghĩ và phán đoán chính xác, để điều chỉnh sửa đổi, biến đổi sao cho phù hợp với mong ước của Chúa và Giáo hội nơi các sứ giả Tin Mừng.

3. Cầu nguyện cho truyền giáo

Lạy Chúa Giêsu chí ái, Chúa đã mang Tin Mừng tình yêu đến cho nhân loại. Xin Chúa tiếp tục nuôi dưỡng nhiệt huyết, ý muốn ngay lành, lòng hăng say nhiệt thành thánh thiện Loan Báo Tin Mừng của Chúa nơi mỗi chủng sinh. Để khi trở thành linh mục, họ là linh mục của Chúa, linh mục của Giáo hội, linh mục của truyền giáo. Nhờ đó, ý muốn loan truyền Đạo yêu thương của Chúa, luôn được được tiếp tục cách mạnh mẽ nơi trần thế này. Amen.

 

 

 

 

 

THỨ BA 15.10.2019

1. Đọc Tông Thư Maximum Illud

Để hàng giáo sĩ bản địa có thể đạt được những kết quả mà chúng ta mong đợi, điều cần thiết tuyệt đối là họ phải được đào tạo và chuẩn bị tốt. Tôi không nói đến một sự chuẩn bị sơ đẳng và cẩu thả, tối thiểu để thụ phong linh mục. Không, việc đào luyện của họ phải đầy đủ và hoàn bị, xuất sắc trong mọi giai đoạn, tương tự với việc đào luyện linh mục mà một người Châu Âu nhận lãnh. Vì người linh mục địa phương được đào tạo không phải vì để thi hành một số bổn phận khiêm nhường của thừa tác vụ, nhằm giúp các linh mục ngoại quốc. Không, họ phải đảm nhận công việc của Thiên Chúa trong tư cách những người ngang hàng, để một ngày kia họ có thể đảm nhận trọng trách lãnh đạo thiêng liêng cho dân của họ. (MI số 15)

2. Ưu tư truyền giáo

Bản Ratio “ĐÀO TẠO LINH MỤC – Định Hướng và Chỉ Dẫn” của HĐGM VN, được TGM Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc, chuẩn y và phê chuẩn ngày 31.10.2011. Bản Đào Tạo Linh Mục này ra đời nhằm thống nhất việc đào tạo linh mục tại Việt Nam theo những hướng dẫn mới nhất của Tòa Thánh về việc đào tạo linh mục.

Việc đào tạo các ứng sinh linh mục tại các Giáo phận Việt Nam mang tính thống nhất, chất lượng, bài bản nhờ chỉ dẫn từ Ratio và các vị giáo sư chất lượng, đạo đức, chuyên môn chăm lo cho việc đào tạo thiêng thánh này. Thật đáng trân trọng, đáng mừng và đáng quý, khi nhìn về các linh mục tương lai đang được thụ huấn tại các chủng viện.

Dầu vậy, trong bối cảnh trào lưu đồng tính đang nở rộ trên toàn thế giới, cũng như căn bệnh lạm dụng tính dục trẻ em hoành hành khắp nơi, trong các môi trường tôn giáo, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, quân đội… Đang là hồi chuông cảnh báo cho sự can đảm trong công tác tuyển chọn, và đào tạo các ứng sinh linh mục.

Can đảm từ chối bất kỳ một ứng sinh nào, khi có dấu hiệu dù là nhỏ nhất về đồng tính và lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

Cản đảm nhận xét cách chính trực công minh, về tư cách và mức độ trưởng thành của các ứng sinh.

Can đảm điều tra, cứu xét thật kỹ lưỡng về ý hướng ngay lành của ứng sinh cũng như của gia đình ứng sinh.

Chung quy là cần can đảm thực hiện triệt để khâu tuyển chọn trước khi đào tạo, trong khi đào tạo, và sau khi đào tạo, hầu tìm ra những ứng sinh được coi là xứng đáng, để đảm nhận xứ vụ mục tử trong chức linh mục.

3. Cầu nguyện cho truyền giáo

Lạy Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã quy tụ, và đào tạo những nhà truyền giáo đầu tiên là các thánh Tông đồ. Xin ban ơn soi sáng, ơn khôn ngoan, ơn can đảm cho những nhà đào tạo linh mục, để các ngài can đảm tuyển chọn những linh mục tương lai như lòng Chúa mong ước. Xin Chúa Thánh Thần là Nhà huấn luyện, đào tạo, biến đổi, ban cho các ứng sinh linh mục có sự biến chuyển tích cực, sửa đổi tận gốc, tu dưỡng tận tâm, sao cho phù hợp với tinh thần của một sứ giả Tin Mừng.

Nhờ đó, khi trở thành linh mục, họ cũng trở nên những nhà truyền giảng Tin Mừng của Chúa, cách hăng say nhiệt huyết cho muôn người. Amen.

 

 

 

 

 

THỨ TƯ 16.10.2019

 

1. Đọc Tông Thư Maximum Illud

Hội Thánh Công Giáo không phải một người đi xâm lược một đất nước nào; Hội Thánh cũng không phải người lạ đối với bất cứ dân tộc nào. Vì vậy, điều hợp lý là những người thi hành tác vụ thánh phải đến từ mọi quốc gia, để đồng bào của họ có thể tìm đến họ để được học hỏi về lề luật Chúa và được họ hướng dẫn trên con đường cứu độ. Hễ nơi đâu hàng giáo sĩ địa phương có đủ sĩ số, và được đào tạo thích hợp và xứng đáng với ơn gọi của họ, thì ở đó Chư Huynh có thể có lý để tin rằng công cuộc truyền giáo ở đó đã thành công và Hội Thánh đã đặt vững nền tảng của mình. Và một khi những nền tảng này đã vững và những gốc rễ đã cắm sâu, thì không có lý do gì phải sợ Hội Thánh không thể đứng vững nếu có xảy ra cuộc bách hại nào nhằm tiêu diệt Hội Thánh. (MI số 16) 

2. Ưu tư truyền giáo

Tầm nhìn dài lâu, bền vững, chắc chắn và thành công cho công cuộc truyền giáo, là đào tạo nhân sự truyền giáo người bản địa. Từ vị chủ chăn tối cao của Giáo hội địa phương là các Đức Giám mục, cho đến chủ chăn của một cộng đoàn giáo xứ là những linh mục, cũng như những người cộng sự trong mục vụ Loan Báo Tin Mừng.

Thật đáng mừng vì ơn gọi sống đời thánh hiến, làm linh mục, tu sĩ ở Việt Nam nói chung là tương đối dồi giàu. Đáng mừng, nhưng cũng phải lo xa. Bởi vì, không có gì chắc chắn cho sự phong phú về ơn gọi kéo dài mãi được.

Trái lại, có rất nhiều lý do để lo lắng về sự sụt giảm ơn gọi trong tương lai, đó là: Lối sống ích kỷ ngày một thấm nhập sâu hơn vào suy nghĩ và đời sống người dân, bên cạnh đó trào lưu tục hóa, giải thiêng ngày một lan rộng cách mạnh mẽ, còn chưa kể những chính sách hạn chế sinh sản của chính phủ, cũng như sự hấp dẫn không cưỡng lại được của đời sống tiện nghi vật chất thường ngày, càng xói mòn thêm những ý hướng ngay lành nơi thanh niên thiếu nữ.

Để tiếp tục sự giàu có về ơn gọi, tiếp tục có hàng giáo sĩ kế thừa xứng đáng với ơn gọi của mình. Điều cần làm là duy trì, cổ võ sự thánh thiện nơi đời sống hôn nhân gia đình, sự thánh thiện và đời sống đạo đức sâu lắng nơi các gia đình Công giáo, góp phần sản sinh và nuôi dưỡng ơn gọi ngay từ lúc phôi phai.

Việc thúc đẩy, nâng cao, nuôi dưỡng đời sống thánh thiện của các gia đình Công giáo, tùy thuộc rất nhiều vào sáng kiến mục vụ tốt đẹp của quý cha ở các giáo xứ. Cũng như chính đời sống thánh thiện, gương mẫu, chuẩn mực của các ngài.

3. Cầu nguyện cho truyền giáo

Lạy Chúa Giêsu Linh Mục Thượng Phẩm Đời Đời. Xin ban cho Giáo hội có thật nhiều ơn gọi, đặc biệt là trong thời đại ngày nay. Thời đại mà cuộc sống văn minh và phát triển đã làm tình trạng ơn gọi giảm sút rất nhiều. Cách đặc biệt hơn hết, chúng con xin cầu nguyện cho những bạn trẻ đang dấn thân trên con đường ơn gọi, cũng như những bạn trẻ đang hướng mình theo ơn gọi thánh hiến, làm linh mục và tu sĩ cho Hội Thánh của Chúa.

Xin Chúa ban cho các bạn trẻ đó, có một tinh thần nhiệt thành và hăng say theo Chúa, để họ có thể trở thành những mục tử như lòng Chúa mong ước, và làm cho nước Chúa được loan truyền trên khắp hoàn cầu. Amen.

 

 

 

 

 

THỨ NĂM 17.10.2019

 

1. Đọc Tông Thư Maximum Illud

[…] Ngay tại Rôma này, các Học Viện – cũ cũng như mới – chuyên đào tạo các linh mục cho các xứ truyền giáo, đã chứng tỏ sự nghiêm túc trong vấn đề này. Điều này đặc biệt đúng đối với các học viện đào tạo các ứng sinh cho Giáo Hội thuộc nghi lễ Đông Phương. Nhưng cũng có một sự kiện đáng buồn là, cả sau khi các Giáo Hoàng đã liên tục yêu cầu, vẫn còn một số vùng trên thế giới mặc dù đã được nghe rao giảng đức tin trong nhiều thế kỷ nhưng vẫn có một hàng giáo sĩ địa phương kém chất lượng. (MI số 17) 

2. Ưu tư truyền giáo

Ngay từ đầu, trong công cuộc loan báo Tin Mừng, Tòa Thánh chú trọng đến việc đào tạo chất lượng cho hàng giáo sĩ địa phương. Và thật đáng buồn, khi hàng giáo sĩ địa phương nào đó kém chất lượng. Để có được hàng giáo sĩ địa phương chất lượng, đòi hỏi phải có các linh mục chất lượng. Muốn được vậy, trước hết phải có các chủng sinh được đào tạo chất lượng. Chủng sinh chất lượng hay không, phụ thuộc rất nhiều vào việc tuyển chọn và đào tạo ở các giai đoạn ứng sinh, dự bị, tiền chủng viện và chủng viện.

Làm sao để lượng định một ứng sinh linh mục đã được đào tạo chất lượng? Có thể dựa vào việc hoàn tất bốn chiều kích đào tạo một chủng sinh: Nhân bản, Thiêng liêng, Tri thức và Mục vụ. Trong bốn chiều kích này, tri thức và mục vụ là hai chiều kích chủng sinh được đắc thụ tốt nhất, nhờ bởi đội ngũ ban giáo sư ở các chủng viện và học viện vô cùng phong phú và tài năng.

Hai chiều kích còn lại: Nhân bản và Thiêng liêng đòi hỏi bản thân của chủng sinh phải tự giác rèn luyện là chính, và phải rèn luyện liên tục. Kết thúc thời gian đào tạo ở chủng viện hoặc các học viện, thì không có nghĩa là đã trở nên thánh thiện vĩnh viễn. Quá trình rèn luyện nhân bản và thiêng liêng phải tiếp tục kéo dài sau khi chịu chức và trong suốt cuộc đời.

Vì thế, một ứng sinh chuẩn bị tiến lên chức linh mục, chỉ có thể được gọi là chất lượng, chỉ có thể được gọi là xứng đáng. Sau đó, phải tiếp tục bồi dưỡng tri thức, mục vụ và rèn luyện nhân bản, thiêng liêng trong suốt thời gian thi hành thừa tác vụ trong thánh chức linh mục.

Không phải hễ cứ chịu chức linh mục là trở nên thánh thiện đạo đức, thông thiên mọi sự, bách khoa toàn thư. Không! Không phải như thế. Nếu không tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, học tập, trao dồi. Chất lượng linh mục có thể sẽ sụt giảm theo năm tháng, thậm chí còn tệ hại hơn khi còn là chủng sinh.

3. Cầu nguyện cho truyền giáo

Lạy Chúa Giêsu Kitô Linh Mục Thượng Phẩm đời đời. Xin ban cho các linh mục của Chúa lòng hăng say, tự giác chuyên tâm tu dưỡng, trao dồi tri thức, mục vụ. Nhờ đó, các ngài trở nên những linh mục chất lượng, những thợ gặt lành nghề trong cánh đồng truyền giáo bát ngát mênh mông.

Có như vậy, Tin Mừng của Chúa cho mọi người, mới được truyền đi cách chất lượng. Nhờ đón nhận Tin Mừng cách vững vàn, mà sự u mê, tăm tối, tội lỗi dần được sức mạnh của Lời đẩy lùi ra khỏi cuộc đời. Amen.

 

 

 

 

 

THỨ SÁU 18.10.2019

 

1. Đọc Tông Thư Maximum Illud

Bây giờ Cha muốn ngỏ lời với các con, những người con yêu dấu, là những người thợ trong vườn nho của Chúa. Các con nắm trong tay trách nhiệm trực tiếp loan truyền sự khôn ngoan của Đức Kitô, và với trách nhiệm này là sự cứu rỗi của vô số các linh hồn. Lời cảnh báo đầu tiên của Cha là: Các con đừng một giây phút nào quên tính cao vời và rực rỡ của nhiệm vụ mà các con đã cam kết dấn thân. Nhiệm vụ của các con là một nhiệm vụ linh thiêng, vượt quá tầm lý trí con người. […] Hãy nhớ rằng bổn phận của các con không phải là mở rộng một bờ cõi của loài người, nhưng mở rộng bờ cõi của Đức Kitô; và cũng hãy nhớ rằng mục tiêu của các con là giành được các công dân cho một quê hương trên trời, không phải cho một quê hương dưới đất. (MI số 18) 

2. Ưu tư truyền giáo

Hăng hái dấn thân trong các công tác và hoạt động mục vụ, nhất là hoạt động truyền bá đức tin là điều đáng quí, đáng trân trọng. Nhưng phải hết sức cẩn thận, đừng để sự nhiệt tình hăng hái này, được thúc đẩy bởi những suy nghĩ và động lực tầm thường.

Trái lại, luôn phải ý thức và không ngừng phản tỉnh nơi chính bản thân mình rằng: Mọi dự tính và cách thức thực hiện phải nhằm loan truyền sự khôn ngoan của Đức Kitô, không phải là sự khôn ngoan của con người. Kết quả đạt được là phần rỗi cho các linh hồn, không phải là sự thăng tiến, đổi đời nơi đời sống trần thế. Số lượng và chất lượng là giành được những công dân trên trời, không phải là những con số to lớn ở trần thế, để phô trương thanh thế, sức mạnh và sự thành công.

Làm sao để loan truyền sự khôn ngoan của Đức Kitô? Thưa rằng phải biết về Đức Kitô, yêu mến Đức Kitô và gắn bó với Đức Kitô. Để biết về Đức Kitô, thì mọi hoạt động mục vụ phải đặt dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền của Hội Thánh là Hiền Thê Đức Kitô. Để yêu mến và gắn bó với Đức Kitô, thì mọi hoạt động mục vụ phải có nền tảng cầu nguyện trước khi thực hiện.

3. Cầu nguyện cho truyền giáo

Lạy Chúa Giêsu, mỗi ngày chúng con vẫn đọc lời kinh Lạy Cha: Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời… mà Chúa đã dạy cho chúng con. Xin cho lời kinh chúng con đọc, không chỉ là lời cầu nguyện, nhưng trở thành lời khắc cốt ghi tâm. Để mọi việc chúng con làm, mọi điều chúng con suy nghĩ, mọi ưu tư chúng con thực hiện, tất cả chỉ nhằm làm cho Danh của Chúa được cả sáng, và phần rỗi cho các linh hồn. Amen.

 

 

 

 

 

THỨ BẢY 19.10.2019

 

1. Đọc Tông Thư Maximum Illud

Quả thật sẽ là thảm kịch nếu các thừa sai của chúng ta hoàn toàn quên mất sự cao cả của chức vụ của họ khiến họ chỉ bận tâm tới những lợi ích của quê hương trần thế của họ mà sao nhãng những bổn phận của quê hương trên trời. Sẽ là thảm kịch nếu một người tông đồ tiêu hao bản thân mình chỉ để gia tăng hay tôn vinh uy tín của quê hương mình sau khi đã rời bỏ nó. Một thái độ như thế sẽ làm ô nhiễm việc tông đồ của họ như một dịch bệnh. Nó sẽ tiêu diệt nơi họ – người đại diện của Tin Mừng – sức mạnh tình yêu của họ đối với các linh hồn, và tiêu diệt danh tiếng họ nơi dân chúng. (MI số 19)

2. Ưu tư truyền giáo

Lời cảnh tỉnh, nhắc nhở của tông thư dành cho các nhà thừa sai cách đây 100 năm, vẫn còn nguyên giá trị cho các linh mục, hoặc bất kỳ cộng sự viên nào đang miệt mài trong những cánh đồng truyền giáo hôm nay.

Sẽ là thảm kịch, nếu những hoạt động mục vụ truyền bá đức tin bị sao nhãng về mục đích thiêng liêng cao quý, là nhằm cứu rỗi các linh hồn. Mà thay vào đó, là nhân cơ hội loan báo Tin Mừng, để kiếm tìm những ích lợi vật chất tư riêng, từ những đóng góp sức người, sức của, trí lực, tài lực cho hoạt động truyền giáo.

Nói gì đi chăng nữa, sức hấp dẫn của danh vọng, uy tín, tiền của, lợi lộc… là vô cùng to lớn. To lớn đến độ, có thể làm mù đôi mắt lương tâm trong sáng của bất kỳ ai, nếu như không cảnh giác đề phòng. Bất kỳ người nào, cũng dễ dàng nhân danh việc truyền giáo, nhân danh việc cứu rỗi các linh hồn, nhân danh giáo lý của Chúa, nhân danh… Nhân danh… Nhân danh… Để thực hiện những điều vô cùng tốt đẹp, nhưng cuối cùng vỡ lẽ ra, chỉ là để che đậy những điều gì đó vô cùng tồi tệ.

Cầu mong những điều như vậy, đừng bao giờ xảy ra. Vì nếu như thế, nó như một thứ dịch bệnh làm ô nhiễm hoạt động tông đồ mà tông thư đã miêu tả. Không những thế, nó như một hiệu ứng dây chuyền làm hư hỏng danh thơm tiếng tốt của những hoạt động tông đồ, cũng như chính bản thân của người hoạt động mục vụ truyền giáo.

Loan Báo Tin Mừng, Truyền Bá Đức Tin… để cứu rỗi linh hồn người khác, không khéo chính bản thân lại đánh mất cả linh hồn.

3. Cầu nguyện cho truyền giáo

Lạy Chúa xin ban cho chúng con một trái tim biết yêu thương các linh hồn như Chúa đã yêu. Xin ban cho các linh mục đang hăng say truyền giáo một lương tâm trong sáng, một ý chí ngay lành, một sức mạnh thiêng liêng của Chúa, để tất cả mọi việc các ngài làm, cũng chỉ để cứu rỗi các linh hồn và làm cho Danh của Chúa được cả sáng.

Xin ban cho những ai đang tích cực cộng tác vào hoạt động loan báo Tin Mừng, biết đặt lợi ích thiêng liêng lên hàng đầu, biết vun đắp và gầy dựng gương sáng đạo đức nơi chính bản thân của mình. Nhờ đó, lời loan báo Tin Mừng của Chúa, tác động tích cực và thuyết phục được nhiều người. Amen.

 

 

 

 

 

CHÚA NHẬT 20.10.2019

 

1. Đọc Tông Thư Maximum Illud

Tôi hết sức đau buồn, vì một số chuyện vừa xảy ra trong đời sống truyền giáo, những chuyện cho thấy người ta hành động nhiệt tình vì lợi ích của một quốc gia nào đó hơn là vì sự lớn mạnh của Nước Chúa. […] Hành vi của người Thừa Sai phải làm sao để bất cứ ai nhìn vào họ đều có thể thấy tỏ tường rằng họ đại diện cho một đức tin không xa lạ với bất cứ quốc gia nào, vì đức tin này ôm ấp mọi người tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và sự thật, một đức tin trong đó “không có sự phân biệt Hy Lạp hay Do Thái, cắt bì hay không cắt bì, man di mọi rợ, nô lệ hay tự do, nhưng chỉ có Đức Kitô là tất cả trong mọi người” (Cl 13:11) (MI số 20) 

2. Ưu tư truyền giáo

Có thể nói được, với tông thư Maximum Illud, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XV đã vạch ra một ranh giới giữa công việc Tân Phúc Âm hóa và hoạt động thuộc địa hóa. Ngài đã tách biệt cách rõ ràng giữa việc Loan Báo Tin Mừng, ra khỏi hoạt động thuộc địa hóa của mẫu quốc.

Với cách nói của Đức Bênêđictô XV: Tôi hết sức đau buồn, vì một số chuyện vừa xảy ra trong đời sống truyền giáo, những chuyện cho thấy người ta hành động nhiệt tình vì lợi ích của một quốc gia nào đó hơn là vì sự lớn mạnh của Nước Chúa. Quả thật, niềm vui của những nhà thừa sai, của việc rao giảng Tin Mừng, của hoạt động truyền bá đức tin, là khi nhìn thấy sự lớn mạnh, triển nở trong đời sống thờ phượng Thiên Chúa, chứ không phải là sự sung túc, lớn mạnh trong việc bành trướng mở mang bờ cõi quốc gia.

Vì thế, Đức Bênêđictô XV đề nghị: Hành vi của người Thừa Sai phải làm sao để bất cứ ai nhìn vào họ đều có thể thấy tỏ tường rằng họ đại diện cho một đức tin không xa lạ với bất cứ quốc gia nào, vì đức tin này ôm ấp mọi người tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và sự thật…

Để làm được điều này, trong bối cảnh thời đại hôm nay, thiết nghĩ cần đọc lại, gẫm suy, ghi lòng tạc dạ, khắc cốt ghi tâm câu nói thời danh của Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, viết trong tông huấn Evangelii Nuntiandi (tông huấn Loan Báo Tin Mừng) số 41: Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dạy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những chứng nhân.

3. Cầu nguyện cho truyền giáo

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã rao truyền, đã nói, đã kể rất nhiều về cuộc đời và đạo yêu thương của Chúa, về tình thương của Chúa Cha dành cho con người. Xin cho lời rao giảng của chúng con, không phải là lời nói suông, nhưng được phản ảnh từ chính đời sống đạo hằng ngày – đời sống chứng nhân cho Tin mừng – sống chứng nhân cho giáo lý của Chúa – sống chứng nhân cho chính những lời hay ý đẹp, mà chúng con rao giảng về Chúa.

Nhờ hành vi chứng nhân, mà nhiều người được đánh động tâm hồn, được lôi kéo đến với đạo, để dễ dàng đón nhận Tin Mừng cứu độ của Chúa. Amen.

Ban Văn hóa Giáo dục - Giáo phận Mỹ Tho