08/01/2020
4839
Tại sao gọi là năm Canh Tý?



 

 

Cách đây không lâu, vào Thứ Tư 01.01.2020, khắp nơi trên thế giới đón mừng tết dương lịch 2020. Dương lịch là loại lịch mà ngày tháng của nó chỉ ra vị trí của Trái Đất trong chuyển động của nó xung quanh Mặt Trời (hay nói tương đương là vị trí biểu kiến của Mặt Trời trên thiên cầu).

Dương lịch hay Calendar là một thuật ngữ bắt nguồn từ tiếng La Mã cổ, có nghĩa là "sổ nợ". Ngày xưa lịch chỉ được sử dụng để tính số ngày con nợ trả lãi hàng tháng cho chủ nợ nhưng lâu dần khi dùng quen, từ này dần phát triển và mở rộng trở thành một hệ thống để đo các chu kỳ thời gian, đây cũng là cách hiểu thông dụng nhất của lịch.

Lịch là thước đo tính toán thời gian không thể thiếu trong cuộc sống. Vì thế, dù qua thời gian dài hàng nghìn năm nó vẫn được sử dụng hàng ngày, và trở thành một thước đo chuẩn mực không thể bỏ qua.

Dương lịch được sử dụng rộng rãi phổ biến hiện nay trên thế giới là Lịch Gregory. Lịch Gregory hay Gregorian Calendar là một bộ lịch được Giáo hoàng Grêgôriô XIII đưa ra vào năm 1582, chia 1 năm thành 12 tháng với 365 ngày. Những năm nào chia được hết cho 4 nhưng không chia được hết cho 100, thì được coi là năm nhuận. Ví dụ: Năm 2100 không phải là năm nhuận, nhưng năm 2104 là năm nhuận.

Trong năm nhuận, tháng 2 có 29 ngày thay cho 28 ngày. Cứ 4 năm lại thêm 1 ngày vào lịch, bởi vì một năm dương lịch dài khoảng 365 ngày và 6 giờ. Ngoài ra, vẫn có một số ngoại lệ đối với nguyên tắc này, vì một năm dương lịch ngắn hơn 365,25 ngày một chút. Những năm chia hết cho 100 chỉ được coi là năm nhuận nếu chúng cũng chia hết cho 400. Ví dụ: Năm 1600 và 2000 là các năm nhuận, nhưng năm 1700, 1800 và 1900 không phải năm nhuận.

Tương tự như vậy, 2100, 2200, 2300, 2500, 2600, 2700, 2900 và 3000 không phải năm nhuận, nhưng 2400 và 2800 là các năm nhuận. Theo nguyên tắc này thì trung bình một năm có 365 + 1/4 − 1/100 + 1/400 = 365,2425 ngày, tức là 365 ngày 5 giờ 49 phút và 12 giây.

Sắp tới đây, vào thứ bảy 25.01.2020 Dương Lịch, Việt Nam và nhiều nước vùng Châu Á sẽ mừng tết Nguyên Đán – Còn gọi là Tết Ta, tết Âm Lịch. Năm Âm Lịch này được gọi là năm Canh Tý. Âm Lịch là loại lịch dựa trên chu kỳ tuần trăng.

Có nhiều cách ghi, phân loại và tính toán theo âm lịch. Ở đây không tìm hiểu về vấn đề này, nhưng muốn trình bày: Tại sao theo âm lịch lại gọi là năm Canh Tý?

Gọi năm Canh Tý đó là sự kết hợp giữa Thiên Can và Địa Chi, trở thành hệ thống đánh số theo chu kỳ sáu mươi (60) trong âm lịch nói chung, để xác định tên gọi của thời gian (ngày, giờ, năm, tháng) cũng như trong chiêm tinh học. Người ta cho rằng nó có xuất xứ từ thời nhà ThươngTrung Quốc. (nhà Thương trị vì đất nước Trung Quốc khoảng năm 1766 – 1122 TCN)

Thiên Can (còn gọi là thập can) gồm có: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Tương ứng với dãy số: 5, 6, 7, 8, 9, 0, 1, 2, 3, 4.

Địa Chi (còn gọi là thập nhị chi) gồm có: Tí, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

Người ta ghép một can với một chi để tạo thành tên gọi chính thức của những cái cần đặt tên (ngày, giờ, tháng, năm v.v...) bắt đầu từ can Giáp và chi Tý tạo ra Giáp Tý, sau đó đến can Ất và chi Sửu tạo ra Ất Sửu và cứ như vậy cho đến hết (Bính,..., Quý) và (Dần..., Hợi). Sự kết hợp như vậy tạo thành một chu kì, hết can (hoặc chi) cuối cùng thì nó tự động quay trở lại cho đến tổ hợp cuối cùng là Quý Hợi.

Can chi được dùng với nghĩa nguyên thuỷ là thân cây và cành cây, do đó mà thập can và thập nhị chi chính là thể hiện của quá trình sinh trưởng và phát triển của cây cối. Cụ thể: Giáp: nẩy mầm; Ất: nhú lên mặt đất; Bính: đón ánh mặt trời; Đinh: trưởng thành khỏe mạnh; Mậu: rậm rạp; Kỉ: dấu hiệu hoa trái; Canh: thay đổi; Tân: hoa quả mới; Nhâm: thai nghén cho mùa sau; Quý: mầm đang chuyển hóa.

Tý: mầm hút nước; Sửu: nẩy mầm trong đất; Dần: đội đất lên; Mão: rậm tốt; Thìn: tăng trưởng; Tỵ: phát triển; Ngọ: sung mãn hoàn toàn; Mùi: có quả chín; Thân: thân thể bắt đầu suy; Dậu: co lại; Tuất: khô úa héo tàn; Hợi: chết đi.

Về việc gắn tên 12 con vật (thường gọi là 12 con giáp) cho địa chi đến đầu công nguyên mới xuất hiện, trong việc gắn tên các con vật, chi mão đối với người phương bắc là con thỏ, nhưng đối với người phương nam là con mèo.

Khảo cứu về nguồn gốc của can chi, còn có truyền thuyết vua Hiên Viên Hoàng Đế sai Đại Nhiễu chế ra can chi để tính thời gian mà làm lịch, trên cơ sở Hà Đồ do vua Phục Hy tìm ra khi quan sát chấm đen trắng trên lưng con Long Mã xuất hiện trên sông Hoàng Hà. Với các số lẻ (số dương) trên Hà Đồ là 1; 3; 5; 7; 9 để thể hiện đầy đủ âm dương nên lấy số 5 nhân 2 lần thành 10 can, với các số chẵn (số âm) trên Hà Đồ là 2; 4; 6; 8; 10 để thể hiện đầy đủ âm dương nên lấy số 6 nhân 2 lần thành 12 chi.

 

Lm. Pet Trần Trọng Khương

Gp. Mỹ Tho

 

Tài liệu tham khảo:

Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam -  GS Viện Sỹ Trần Ngọc Thêm. NXB Tổng hợp TP HCM - 1997

Tóm tắt Niên biểu lịch sử Trung Quốc - Phương Thi Danh. NXB Thế giới - 2001.

Các triều đại Việt Nam. Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng. NXB Thanh Niên - 1999.

Tự điển điện tử Wikipedia