11/06/2022
917
Hội thảo truyền thông: “Hãy lắng nghe bằng con tim”










 

 

CÔNG NGHỊ TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI NĂM 2022

HỘI THẢO TRUYỀN THÔNG: “HÃY LẮNG NGHE BẰNG CON TIM”

 


 

WGPHN (28.5.2022) - Trong bài thuyết trình này, trước hết chúng ta cùng chia sẻ về Sứ điệp ngày thế giới truyền thông năm nay với nhan đề “Lắng nghe bằng con tim”; tiếp đó, chúng ta cùng lược qua định hướng và các mục đích cụ thể trong nội dung truyền thông, từ đó đặt ra vấn đề đào tạo nhân sự trong Tổng Giáo phận Hà Nội.

I. Lắng nghe bằng con tim

“Hãy lắng nghe bằng con tim” là lời mời gọi của Đức Giáo hoàng Phanxico trong sứ điệp ngày thế giới truyền thông năm 2022 này. Sứ điệp truyền thông lần thứ 56 này tiếp nối ý tưởng của các sứ điệp năm trước.

Trong Sứ điệp truyền thông năm 2020 với chủ đề “Để ngươi thuật lại cho con cháu”, Đức Giáo hoàng mời gọi các nhà truyền thông hãy viết, hãy kể lại cho mọi người những câu chuyện của cuộc sống. Ngài viết: “Giữa bao nhiêu tạp âm của các giọng nói và sứ điệp quanh ta, chúng ta cần có một câu chuyện nhân linh có thể kể cho ta biết về bản thân của ta và vẻ đẹp xung quanh ta. Một câu chuyện có cái nhìn dịu dàng về thế giới và những diễn biến của nó; câu chuyện ấy có thể kể cho chúng ta biết rằng chúng ta là thành phần của một tấm thảm sống động; nó cho thấy sự đan dệt của các sợi chỉ kết nối chúng ta lại với nhau”.[1]

 

Để có một câu chuyện hay, tác giả không thể ngồi một chỗ đọc một bản tin hay nghe ai đó thuật lại rồi viết ra. Câu chuyện chỉ thực sự sống động khi tác giả trực tiếp trải nghiệm các sự kiện và gặp gỡ mọi người. Trong sứ điệp truyền thông năm 2021 với chủ đề “Hãy đến mà xem”, Đức Giáo hoàng tiếp tục mời gọi các ký giả hãy lên đường, đi đến tận nơi đang diễn ra câu chuyện mà mình muốn kể cho độc giả. Ngài lưu ý chúng ta đừng trở nên người lan truyền tin giả, tin xấu. Ngài viết: “Điều quan trọng ở đây không phải là xem internet là xấu xa, đe dọa, mà là có khả năng phân định cao hơn và ý thức trách nhiệm trưởng thành hơn, đối với nội dung chúng ta gửi cũng như nhận. Tất cả chúng ta đều chịu trách nhiệm về truyền thông mà chúng ta thực hiện, về thông tin chúng ta chia sẻ, về sự kiểm soát mà chúng ta có thể cùng nhau thực hiện đối với tin tức giả, bằng cách vạch mặt chúng. Tất cả chúng ta đều được mời gọi trở thành nhân chứng của sự thật: đi, xem và chia sẻ”.[2]

Chúng ta lên đường, trực tiếp hiện diện nơi câu chuyện diễn ra nhưng làm sao để có thể nắm trọn được câu chuyện ấy. Sứ điệp truyền thông năm nay trả lời cho chúng ta: hãy “Lắng nghe bằng con tim”.

Đức Giáo hoàng khẳng định “mọi người ai cũng muốn được lắng nghe”. Quả thực việc lắng nghe là điều khó thực hiện. Nếu như mọi người ai cũng muốn được lắng nghe thì cũng đồng nghĩa mọi người ai cũng muốn nói, muốn chia sẻ. Phải nhờ ơn Chúa giúp chúng ta mới có được sự lắng nghe thực sự, bởi vì “Lắng nghe xuất phát từ ân sủng của Thiên Chúa”.

Chính Thiên Chúa luôn lắng nghe con người. Ngài luôn im lặng và giường như Ngài im lặng tuyệt đối để nghe chúng ta nói. Chúng ta thường được nghe lời than trách, và thậm chí chúng ta cũng từng than trách khi khó khăn ùa đến mà mọi lời cầu xin ta kêu lên Chúa như chẳng thấy Chúa nói gì, “lạy Chúa, sao Ngài im lặng”. Thực tế, ta đã nói quá nhiều mà chẳng có thinh lặng để lắng nghe. Đức Giáo hoàng Phanxico cho biết “Lắng nghe tương ứng với phong cách khiêm tốn của Thiên Chúa”. Chỉ với thái độ khiêm tốn, coi trọng người đối thoại, dẹp đi những cao ngạo muốn thể hiện mình ta mới có thể đón nhận được câu chuyện của cuộc sống.

Trong Sứ điệp, Đức Giáo hoàng còn cho ta thấy sự lắng nghe ở một bình diện cao cả hơn nữa khi ngài khẳng định “lắng nghe là một chiều kích của tình yêu. Quả thực, làm sao ta có thể dễ dàng lắng nghe nếu ngay trong lòng mình đã có thành kiến không tốt với đối tượng ta đang đối diện, đừng kể khi họ là đối tượng mà ta đang thù hận. Thành kiến, thù hận sẽ đưa con người vào tâm trạng khép kín, phòng thủ. Chỉ khi ta thực sự có tâm hồn vị tha ta mới dễ dàng mở rộng tâm hồn để đón nhận tha nhân. Và tuyệt vời hơn khi trong lòng ta luôn nuôi dưỡng một tình yêu cao cả thì sự lắng nghe sẽ trở nên dễ dàng.

Và Đức Giáo hoàng kết luận “Cơ quan thực sự của lắng nghe là trái tim. Bởi thế mà ngài mời gọi chúng ta “Hãy lắng nghe bằng con tim”.

Trong Sứ điệp có đề cập tới 2 hình thức không tốt đó là nghe lén và song thoại. “Có một kiểu nghe không thực sự là nghe mà ngược lại: đó là nghe lén. Sự lắng nghe mà chúng ta đang được mời gọi là “lắng nghe người ở trước mặt chúng ta, đối diện trực tiếp, lắng nghe người mà chúng ta giao tiếp với sự cởi mở công bằng, tin tưởng và trung thực”.

Nếu như trong một cuộc gặp gỡ mà ai cũng khăng khăng giữ lấy ý kiến của mình. Khi đó, thời gian im lặng của một người chỉ là để chờ đợi người đối diện nói xong để mình được trình bày ý của mình. Trường hợp ấy Đức Giáo hoàng gọi là “một cuộc song thoại”. Ngài khẳng định: “trong giao tiếp thực sự, “tôi” và “bạn” đều “đi ra”, hướng về nhau”.

Sau khi bàn giải về sự lắng nghe, Đức Giáo hoàng quả quyết: “Không có lắng nghe thì không có giao tiếp, và sẽ không thể có một nền báo chí lành mạnh nếu không có khả năng lắng nghe”.

Là một người làm truyền thông với khả năng lắng nghe bằng con tim ngập tràn yêu mến thôi chưa đủ, Đức Giáo hoàng còn nhắc đến 2 khía cạnh nữa: “việc lắng nghe cũng luôn đòi hỏi đức tính kiên nhẫn, cùng với khả năng để cho mình ngạc nhiên trước sự thật”.

Một bản tin, một bài viết, hay một một sản phẩm truyền thông nói chung luôn phải có điều gì đó mới mẻ trong thông tin được truyền đi. “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Cuộc sống luôn tươi mới với mọi cung bậc cảm súc của con người. Nhưng nếu nhà truyền thông không có khả năng biết ngạc nhiên trước những điều mới mẻ, trước những phép mầu đang diễn ra, trước sự năng động của mọi tạo vật thì trước mắt họ: những biểu cảm đức tin của các tín hữu, những lễ nghi phụng tự chỉ là những hình thức diễn ra nhàm chán theo một khuôn mẫu bất di bất dịch, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm kia.

Người làm truyền thông phải biết lắng nghe tiếng reo vui và than thở của tạo vật, của con người, và của chính mình bằng một con tim đầy tình yêu mến. Thông điệp được truyền đi  không phải là sản phẩm được nghe qua lời kể, không phải qua 1 cú điện thoại, không phải từ nguồn vô danh trên internet, không phải qua hình ảnh 2 chiều hay 3 chiều, không phải qua âm thanh stereo hay 7.1, nhưng phải là kết quả của một quá trình tiếp nhận qua sự hiện diện trực tiếp của mình để cảm nhận sự sống động đa chiều của con người và sự kiện. Tất cả giúp cho thông điệp mà nhà truyền thông loan đi có được tính chính xác.

II. Phương tiện truyền thông, hướng đi và mục đích cụ thể

Sau khi chúng ta nói về một số tố chất của người làm truyền thông, giờ đây chúng ta cùng bàn giải về hướng đi và các mục đích cụ thể trong việc làm truyền thông của Ban Truyền thông TGP Hà Nội. Trước hết chúng ta cùng xem Giáo hội sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại ở mức độ nào.

1. Phương tiện truyền thông với Giáo hội

Ngay từ năm 1939, Giáo hội đã có văn kiện nói về các phương tiện truyền thông. Mặc dù cò dè dặt nhưng Thông điệp Tỉnh thức canh chừng (Vigilanti Cura, 29/6/1936) của Đức Thánh Cha Piô XI đã đưa ra cái nhìn tích cực về phương tiện truyền thông. Tiếp đó các văn kiện về truyền thông của Giáo hội ngày càng nhìn nhận nhiều hơn về lợi ích của các phương tiện truyền thông.

Công đồng Vaticano II mở ra từ năm 1962 đến 1965 để bàn về rất nhiều vấn đề lớn trong đời sống Giáo hội. Vấn đề về Truyền thông đã được bàn đến một cách đặc biệt. Trong 16 văn kiện của Công đồng thì có một văn kiện dành riêng cho Truyền thông, đó là Sắc lệnh về các Phương tiện Truyền thông Xã hội (Inter Marifica). Từ Sắc lệnh này, Uỷ ban truyền thông từ cấp Toà Thánh đến các địa phương được thành lập, và ngày Thế giới truyền thông được thiết lập.

Sau Công đồng, trong số 2 của Huấn thị Hiệp thông và Tiến bộ (Communio et Progressio) năm 1971 đã nhìn nhận và được Huấn thị “Giáo hội và Internet” (The Church and Internet) năm 2002 tái khẳng định: “Giáo Hội coi các phương tiện truyền thông là “những quà tặng của Thiên Chúa”, mà theo kế hoạch quan phòng của Ngài, chúng sẽ liên kết mọi người trong tình huynh đệ và nhờ đó giúp mọi người cộng tác vào kế hoạch của Chúa để hưởng ơn cứu độ”.[3]

Trong thời gian đại dịch Covid-19, chúng ta chứng kiến việc các phương tiện truyền thông trở thành cầu nối giữa con người với con người, thậm chí nó can dự vào cả tương quan giữa con người với Thiên Chúa qua hình thức truyền hình trực tiếp Thánh lễ. Trong bối cảnh này, nan đề chính được đặt ra: việc tham dự Thánh lễ trực tuyến có thay thế hoàn toàn việc hiện diện tham dự Thánh lễ tại nhà thờ hay không. Huấn thị “Giáo hội và Internet” số 5 cho thấy việc tham dự trực tuyến không thể thay thế việc tham dự trực tiếp tại nhà thờ cùng với cộng đoàn. Huấn thị viết: “Mặc dù không thể lấy thực tế ảo của không gian tin học thay thế cho những cộng đoàn thật sự có quan hệ liên vị, cho các bí tích và phụng vụ mang nặng tính nhập thể, cho việc loan báo Tin Mừng trực tiếp và tức thời, nhưng Internet có thể bổ sung cho các hoạt động ấy, thu hút con người đạt tới kinh nghiệm đầy đủ hơn về đời sống đức tin, đồng thời làm giàu thêm cho đời sống tôn giáo của những người sử dụng Internet”. “Thực tế ảo không thể nào thay thế sự hiện diện thật của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể”.

Đứng trước những lợi ích của phương tiện truyền thông, Giáo hội nhắn nhủ: “Nhìn thấy vô số khả năng tích cực do Internet mang lại mà vẫn rụt rè vì sợ công nghệ hay vì một lý do nào khác thì thật là không thể chấp nhận được”.[4]

“Người Công giáo không nên lo sợ đến nỗi không dám mở rộng cánh cửa truyền thông xã hội cho Đức Kitô, để Tin Mừng của Người có thể được nghe thấy từ trên nóc nhà thế giới”.[5]

Những năm gần đây, chúng ta được chứng kiến một nhân vật rất gần gũi với truyền thông, thậm chí là một nhà truyền thông lão luyện hàng đầu thế giới, đó là Đức Giáo hoàng Phanxico.

Sau khi được bầu chọn làm giáo hoàng, ngay những lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng ngài đã tương tác với các phương tiện truyền thông vây quanh mình một cách rất tự nhiên, cởi mở. Bằng ngôn ngữ cử chỉ và cách diễn đạt tâm hồn, ngài cố gắng giao tiếp với mọi người trên khắp thế giới qua các ống kính truyền hình. Và chúng ta đã thấy được hiệu quả mà truyền thông mang lại: Đức Giáo hoàng Phanxico đã trở thành người cha gần gũi với các tín hữu trên khắp thế giới.

Trong số các nền tảng mạng xã hội mà Toà thánh sử dụng để loan truyền hình ảnh và thông điệp của Đức Giáo hoàng, thì các tài khoản Twitter bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau của Đức Giáo hoàng có hàng chục triệu người theo dõi. Mỗi ngày ngài đều phát đi tâm tình của mình trên các tài khoản Twitter này.

Chắc chắn chúng ta cũng cảm nhận được việc tiếp nhận thông điệp của Đức Giáo hoàng nhanh, chính xác, trực quan và sống động như thế nào nhờ các phương tiện truyền thông mang lại.

2. Hướng đi

Sau khi nhìn nhận về lợi ích của các phương tiện truyền thông mang lại, giờ đây chúng ta cùng lược qua các định hướng của Giáo hội trong việc sử dụng chúng. Chương II của Huấn thị Thời đại mới liệt kê các định hướng ấy như sau:

– Thứ nhất, đường hướng hoạt động truyền thông của Giáo hội trước hết là nhắm đến việc loan báo Tin mừng Đức Giêsu Kitô và đời sống thánh thiện của Giáo hội. Huấn thị Giáo hội và Internet viết “Các phương tiện truyền thông sử dụng trong Giáo Hội và do Giáo Hội chủ yếu nhằm truyền thông Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô”.[6]

Đức Phaolô VI nói rằng “Giáo Hội sẽ cảm thấy có lỗi trước mặt Chúa, nếu Giáo Hội không biết sử dụng các phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng”.[7]

Bằng một hình ảnh thân quen, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã nhìn nhận các phương tiện truyền thông “chúng đóng vai trò như những cỗ xe phục vụ việc Phúc Âm hoá và huấn giáo”.[8]

Tuy nhiên, Huấn thị Giáo hội và Internet số 4 khẳng định “nếu chỉ sử dụng các phương tiện truyền thông để phổ biến thông điệp Kitô giáo và giáo huấn chính thức của Giáo Hội thì chưa đủ. Còn phải làm sao đưa thông điệp ấy ăn sâu nào nền “văn hoá mới” do các phương tiện truyền thông tạo ra… với những ngôn ngữ mới, kỹ thuật mới và cả một tâm lý mới”

– Thứ hai, truyền thông của Giáo hội hướng đến việc xây dựng nền văn minh tình thương và sự sống nhằm phát triển con người toàn diện. Huấn thị Thời đại mới cho biết: “Giáo Hội nhìn ra bổn phận của mình là dấn thân “bảo vệ tự do, tôn trọng phẩm giá cá nhân, nâng cao nền văn hoá chân chính của các dân tộc bằng cách can đảm và kiên trì bác bỏ mọi hình thức độc quyền và thao túng văn hoá”. “Các phương tiện truyền thông cần phải tôn trọng và góp phần đem lại sự phát triển toàn diện con người, bao gồm những chiều kích văn hoá siêu việt và tôn giáo của cá nhân và xã hội”. [9]

Trong Sứ điệp truyền thông năm 1967, Đức Giáo hoàng Phaolo VI đã chỉ rõ: “khi ngỏ lời với công chúng, đòi hỏi họ phải biết tôn trọng phẩm giá của con người và của xã hội”.[10]

– Thứ ba, truyền thông của Giáo hội nhắm đến phát huy sự hiệp thông trong đời sống của Giáo Hội. Sự hiệp thông này được đặt nền tảng trên sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa. Các chủ chăn trong Giáo hội có quyền và có bổn phận thông tri cho dân Chúa biết sự thật về Chúa Kitô, về đời sống của Giáo hội. Đồng thời, “tuỳ vào sự hiểu biết, trình độ chuyên môn và vị thế của mình, các tín hữu có “quyền”, đôi khi còn có “bổn phận”, bày tỏ cho các chủ chăn biết quan điểm của mình về các vấn đề liên quan đến lợi ích Giáo Hội”. Tuy nhiên, Giáo hội lưu ý “cũng nên nhớ kỹ rằng khi bất đồng ý kiến, “không phải cứ lấy công luận gây áp lực là sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề giáo lý, cũng như phục vụ chân lý”.[11]

– Thứ tư, truyền thông của Giáo hội phục vụ việc đối thoại với thế giới. “Giáo Hội phải duy trì một sự hiện diện tích cực và sẵn sàng lắng nghe trong tương quan với thế giới”. “Giáo Hội nhìn nhận các phương tiện truyền thông là những phương thế “do Chúa quan phòng đặt ra” để đẩy mạnh việc truyền thông và hiệp thông giữa mọi người trong cuộc lữ hành trần gian này”.[12]

– Thứ năm, Truyền thông Giáo hội nhắm đến sự thật toàn vẹn. “Truyền thông không phải chỉ là một cách bày tỏ ý kiến và cho biết cảm xúc, mà còn là trao ban chính mình trong yêu thương”.[13] Việc truyền thông này đã được chính Thiên Chúa thực hiện khi Ngài truyền tin cho con người. Thông điệp cứu độ con người không phải là một cuốn sách hay một bộ phim, nhưng là sự hiện diện sống động của chính Ngài giữa loài người. Thiên Chúa đã trao ban Ngôi Lời cho thế gian. Ngôi Lời là chính Đức Giê-su, Đấng “là đường, là sự thật, và là sự sống” (Ga 14,6).

3. Mục đích cụ thể

Căn cứ vào những đường hướng hoạt động trên, Ủy ban Truyền thông TGP Hà Nội hoạt động nhắm đến các mục đích cụ thể sau: Thông tin các sinh hoạt của TGP và Giáo hội phổ quát; Loan truyền gương sáng đời sống Đức tin của cá nhân cũng như của cộng đoàn tín hữu trong TGP; Góp phần loan báo Tin Mừng Chúa Kitô và huấn luyện đời sống Đức tin cho các độc giả và khán thính giả; Xây dựng hình ảnh Đức TGM, các Cha Xứ cùng Tổng Giáo phận Hà Nội và các Giáo xứ cách riêng; đồng thời xây dựng hình ảnh Đức Giáo hoàng cùng Giáo Hội toàn cầu nói chung; Cổ võ những hình thái tổ chức và nếp sống đạo theo chuẩn mực của Giáo hội; Quảng bá các giá trị nghệ thuật công giáo tới công chúng, như: Kiến trúc, âm nhạc, lễ hội, văn hoá, hội hoạ, điêu khắc, thi ca.

Để đạt được những mục đích trên không phải dễ dàng. Quả thực các phương tiện truyền thông, đặc biệt là Internet là con dao 2 lưỡi. Thế giới ngày nay, ngay cả đối với các nhà chuyên môn chỉ cần cập nhật chậm thôi đã là điều nguy hiểm; đối với những người chưa được huấn luyện thì việc sử dụng phương tiện truyền thông sẽ gặp nhiều khó khăn, dễ dẫn đến thái độ sợ hãi chúng vì không làm chủ được chúng. Hiểu được điều đó, Giáo hội nhiều lần nói đến việc cấp thiết phải đào tạo về truyền thông, đặc biệt cho những người làm công tác mục vụ.

III. Đào tạo nhân sự truyền thông

Việc đào tạo hướng đến 3 thành phần: những người làm công tác mục vụ là các linh mục và tu sĩ; những người làm truyền thông chuyên biệt là các nhà báo, nhà quay phim, nhiếp ảnh gia…; và những người tiếp nhận thông tin là các tín hữu nói chung. Như Công đồng Vaticano II nhắn nhủ: “Phải đào tạo đúng lúc những linh mục, tu sĩ và giáo dân để họ có đầy đủ kinh nghiệm thích đáng trong việc sử dụng những phương tiện này vào mục đích tông đồ” (IM, số 15).

1. Những người làm công tác mục vụ

Việc huấn luyện các linh mục và tu sĩ về truyền thông được Giáo hội nhấn mạnh sự cần thiết và tính cấp bách trong hầu hết các văn kiện liên quan đến truyền thông. “Khi lập kế hoạch mục vụ cho truyền thông xã hội, chúng ta hãy cố gắng hết sức để dự trù việc huấn luyện này trong chương trình đào tạo chủng sinh, linh mục, tu sĩ, giáo dân làm mục vụ như giáo viên, cha mẹ, sinh viên”.[14]

“Giáo dục và đào tạo trong việc truyền thông phải là một phần không thể thiếu trong chương trình đào tạo các linh mục và các người làm mục vụ”.[15]

2. Những người làm truyền thông chuyên biệt

Các nhà báo, nhà quay phim, nhiếp ảnh gia, nói chung là những người hoạt động chuyên biệt trong lãnh vực truyền thông, ngoài việc biết sử dụng thành thạo các phương tiện truyền thông, còn cần học hỏi Giáo lý, truyền thống và cơ cấu của Giáo hội, biết đọc ngôn ngữ của thời đại, biết phân định những dữ kiện hay những dấu chỉ theo Thánh ý Chúa.

Công đồng Vaticano II nhấn mạnh: “để các nhà báo, nhà làm phim, người soạn chương trình phát thanh, truyền hình và những người liên hệ, có thể được huấn luyện đầy đủ, thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, nhất là học thuyết xã hội của Giáo Hội. Cũng phải đào tạo và giúp đỡ các nghệ sĩ để họ dùng tài nghệ mình phục vụ xã hội con người một cách thích hợp. Sau cùng, phải chuẩn bị kỹ lưỡng các nhà phê bình văn chương, phim ảnh, phát thanh, truyền  hình và các người khác nữa… để mỗi người hoàn toàn thấu triệt nghề nghiệp của mình; lại phải chỉ dạy và khuyến khích họ luôn đưa ra những nhận định nhấn mạnh đúng mức khía cạnh luân lý”.[16]

Huấn thị về Giáo hội và Internet lưu ý thêm: “Họ cũng cần được đào tạo về mặt giáo thuyết và tâm linh nữa, vì “muốn làm chứng cho Đức Kitô, cần phải gặp gỡ đích thân Ngài và cần phải tăng cường mối quan hệ cá nhân giữa mình với Chúa nhờ cầu nguyện, tham dự Bí tích Thánh Thể và Bí tích Hoà Giải, đọc và suy gẫm Lời Chúa, học hỏi giáo lý Giáo Hội, và phục vụ người khác”.[17]

3. Mọi thành phần dân Chúa

Không chỉ đào tạo những người làm truyền thông, mà ngay cả những người tiếp nhận các nguồn thông tin cũng cần được huấn luyện. Mọi thành phần dân Chúa cần “học tập các kỹ năng để làm những khán giả, thính giả và độc giả biết phân định, trở thành mẫu mực biết sử dụng cách khôn ngoan các phương tiện truyền thông tại nhà mình”. “Trẻ em và thanh thiếu niên cần được đào tạo về các phương tiện truyền thông, chống lại con đường dễ dãi là thụ hưởng mà không biết phê bình, chiều theo áp lực của bạn bè và những hình thức khai thác mang tính thương mại”.

“Việc lựa chọn đúng đắn đòi họ phải cổ vũ những gì có giá trị thật sự về mặt đạo đức, khoa học, nghệ thuật; và phải tránh những gì gây nên hay tạo dịp cho chính họ bị thiệt hại về phần thiêng liêng, hoặc có thể trở nên gương xấu khiến cho người khác bị nguy hiểm, hoặc ngăn cản các việc truyền thông tốt, làm lợi cho các việc truyền thông xấu”. [18]

Khi chúng ta xem các chương trình xấu, nhất là về mặt đạo đức luân lý thì một cách vô tình chúng ta đang cổ vũ cho việc sản xuất chúng. Các chương trình trên nền tảng mạng xã hội chỉ được phát triển khi có người xem, càng đông người xem thì người sản xuất càng làm ra nhiều các chương trình tương tự.

Cụ thể hiện nay đang xuất hiện những trang thông tin mang danh công giáo nhưng lại đăng tải những thông tin xấu, thông tin sai lạc, thậm chí ảnh hưởng đến danh dự của người khác. Hay nhẹ hơn là việc sao chép lại các chương trình từ các kênh thông tin của các Giáo phận, Giáo xứ, Dòng tu để đăng tải lại với mục đích kiếm lợi nhuận hay đơn thuần chỉ là kiếm lượt người xem. Nếu như không có người vào xem các kênh không lành mạnh này thì người quản trị các kênh đó chắc chắn không tiếp tục thực hiện. Nhưng sở dĩ các kênh đó phát triển là vì có nhiều người xem. Đa số người xem vì do trí tò mò nên bị các tựa đề giật gân và hình ảnh bắt mắt đánh lừa; hay vì dễ dãi nên cứ thấy hiện ra ngay trước mắt là bấm vào xem chứ không quan tâm đó là kênh chính thức hay là kênh sao chép; hay vì chỉ để giải trí, nghe cho vui tai, xem cho bõ tức chứ không quan tâm đó là thật hay chỉ là tin giả.

Huấn thị Giáo hội và Internet đưa ra một số những đức tính cần thiết để mọi người có thể làm chủ trong việc làm truyền thông cũng như đón nhận thông tin từ truyền thông: Khôn ngoan, Công bằng, cam kết phục vụ ích lợi chung, Mạnh mẽ, can đảm, và tiết độ.[19]

Kết

Để kết lại bài thuyết trình này, chúng ta cùng đọc lại lời kết của Huấn thị Giáo hội và Internet: “Đức Kitô chính là “nhà truyền thông hoàn hảo” – là chuẩn mực và mẫu mực cho Giáo Hội tiếp cận việc truyền thông, cũng như là nội dung để Giáo Hội truyền thông cho thế giới. “Ước chi các người Công giáo đang tham gia vào thế giới truyền thông xã hội biết rao giảng sự thật của Đức Kitô một cách bạo dạn hơn bao giờ hết, rao giảng từ mọi nóc nhà, để mọi người có thể nghe được tình thương, là trọng tâm của thông điệp mà Thiên Chúa muốn thông truyền cho mọi người nơi Đức Kitô, hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn thế”.[20]

 

 

[1] Đức Giáo hoàng Phanxico, Sứ điệp truyền thông 2020

[2] Đức Giáo hoàng Phanxico, Sứ điệp truyền thông 2021

[3] Huấn thị Giáo hội và Internet, số 1

[4] Giáo hội và Internet, số 10

[5] Huấn thị Giáo hội và Internet, số 9

[6] Huấn thị Thời đại mới – Aetatis Novae, số 9

[7] Tông huấn Loan báo Tin mừng (Evanggelii Nuntiandi), 1975, số 45

[8] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp Truyền thông 2001, số 3

[9] Huấn thị Thời đại mới – Aetatis Novae, số 7, 13

[10] Đức Giáo hoàng Phaolo VI, Sứ điệp Truyền thông 1967

[11] Huấn thị Thời đại mới – Aetatis Novae, số 10

[12] Huấn thị Thời đại mới – Aetatis Novae, số 8

[13] Huấn thị Thời đại mới – Aetatis Novae, số 6

[14] Giáo hội và Internet, số 7

[15] Huấn thị Thời đại mới, số 18

[16] IM 15

[17] Giáo hội và Internet, số 11

[18] Giáo hội và Internet, số 11

[19] Giáo hội và Internet, số 12

[20] Giáo hội và Internet, số 12

Lm. Vincente Phạm Văn Thắng

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org