Ban Truyền Giáo
Giáo phận Mỹ Tho
Nhân kỷ niệm 100 năm tông thư "Maximum Illud" của Đức Bendicto XV và Giáo hội hướng tới tháng truyền giáo ngoại thường- tháng 10 năm 2019 với chủ đề "Được rửa tội và sai đi". Ban Truyền giáo của Giáo phận được sự khích lệ của Đức Cha Phêrô và sự nhiệt thành của các Cha Hạt Trưởng đã lần lượt tổ chức các ngày họp mặt truyền giáo tại các giáo hạt.
Vào sáng ngày 27 tháng 09 năm 2019, Ban Truyền Giáo tổ chức buổi họp mặt tại Giáo xứ Tân An- thuộc hạt Tân An với sự hiện diện của Cha Giuse Nguyễn Văn Nhạn - Hạt trưởng hạt Tân An; Cha Phêrô Nguyễn Ngọc Long - Trưởng Ban Truyền giáo của Giáo phận; Cha Gabriel Nguyễn Tấn Di - Cha sở Giáo xứ Lương Hòa Thượng - Phó Ban truyền giáo Giáo phận, quý cha trong hạt Tân An, quý nữ tu thuộc Hội dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, dòng Mến Thánh Giá Mỹ Tho, dòng thánh Phaolô tỉnh dòng Mỹ Tho cùng hơn 80 tham dự viên đại diện cho các giáo xứ trong Giáo hạt Tân An.
Trong lời khai mạc, Cha Hạt trưởng đã trình bày sơ lược về hạt Tân An, số giáo xứ, giáo họ và nhất là số giáo dân trong tỉnh là 20.992 người, chiếm tỉ lệ 4% so với dân số trong tỉnh Long An. Ngài đã hâm nóng lại tinh thần truyền giáo nơi mỗi Kitô hữu, nói lên tầm quan trọng của Tông Thư Maximum Illud và ý nghĩa của ngày họp mặt hôm nay.
Sau lời khai mạc, Cha Gabriel Nguyễn Tấn Di đã đưa tham dự viên quay về với quá khứ cách đây hơn 100 năm để thấy bối cảnh lịch sự thế giới, nhất là của giáo hội và hoàn cảnh ra đời của tông thư của Đức Giáo Hoàng Benedicto XV. Nhất là sau 100 năm đọc lại Tông Thư vẫn như mới, mang tính cấp thiết và mời gọi mọi người hãy trở về với nhiệm vụ chính yếu của Giáo hội là truyền giáo.
Tất cả những gì Cha Gabriel chia sẻ được xem như lý thuyết được dựa trên nền tảng là Kinh Thánh và giáo huấn của giáo hội, thì phần trình bày của Cha Phêrô Nguyễn Ngọc Long được xem như bài tập thực hành cho việc truyền giáo, cụ thể trên Giáo phận Mỹ Tho của chúng ta. Ngài đã chia sẻ những thành công và cả những thất bại trong việc truyền giáo. Việc truyền giáo nhiều hay ít, thành công hay thất bại, sự đồng bộ hay riêng lẻ... tùy thuộc phần lớn vào sự hướng dẫn và đồng hành của chính các cha sở. Ngài mở ra một chương trình cụ thể, rất thiết thực và mời gọi các cha trong Hạt tùy hoàn cảnh áp dụng cho giáo xứ của mình.
Sau phần thảo luận, mọi người cùng tham dự thánh lễ cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo. Cha Hạt Trưởng chủ tế và chia sẻ Lời Chúa trong thánh lễ. Trong chuyến hành hương Âu châu vừa qua, cha có dịp đến thăm nhà MEP, nơi đó còn lưu dấu những hình ảnh và di tích của các Cha Thừa Sai đã từng đến truyền giáo tại Việt Nam vào thời kỳ đầu, để thấy được sự hy sinh, anh dũng dám sống và chết cho niềm tin, nhất là cho sứ vụ truyền giáo. Qua đó, Ngài gợi lên cho cộng đoàn tâm tình biết ơn các vị Thừa Sai qua việc tiếp nối sứ vụ truyền giáo tại chính quê hương mình. Ngài cũng đề ra những phương pháp truyền giáo không bao giờ lỗi thời đó chính là đời sống đạo tốt lành của mỗi người "hữu xạ tự nhiên hương". Ngài cũng giới thiệu quyển sách rất hay: "Đạo Yêu Thương" của Đức Giám mục Giáo phận biên soạn để mỗi người cùng chia sẻ cho anh chị em lương dân. Cuối cùng Ngài cho thấy đời sống đạo gương mẫu nơi các gia đình là cách thức truyền giáo rất hữu hiệu.
Sau lời nguyện Hiệp lễ, Cha Trưởng Ban truyền giáo có đôi lời cám ơn Cha Hạt Trưởng, quý cha trong Hạt và toàn thể tham dự viên. Cha mời gọi quý Cha trong giáo Hạt hãy là những đầu tàu đề ra chương trình, đào tạo, đồng hành và sai những người "được rửa tội lên đường truyền giáo".
Tin rằng công cuộc truyền giáo sẽ đạt được những hiệu quả nhất định khi những con người truyền giáo biết liên kết với nhau, dám dấn thân và hy sinh, dám quên mình vì Tin Mừng của Chúa. Ước mong lệnh truyền của Chúa Giêsu “Anh em hãy đi khắp nơi loan báo Tin Mừng" (Mc 6,15) ngày xưa và sứ điệp truyền giáo" Được Rửa Tội và Sai Đi" trong năm nay của Đức Giáo Hoàng Phanxicô được thể hiện rõ nét nơi đời sống mỗi người Kitô hữu chúng ta.