15/10/2019
1475
Chương trình đọc kinh tối cầu nguyện cho việc Truyền Giáo trong gia đình_Tuần IV

LỜI GIỚI THIỆU

 

Theo định hướng chung của Hội Thánh toàn cầu về tháng 10 – tháng đặc biệt truyền giáo, Ban Truyền giáo của Giáo phận Mỹ Tho biên soạn tài liệu này để đồng hành và thúc đẩy việc truyền giáo trong địa bàn Giáo Phận.

Xin các cha, các tu sĩ, chủng sinh và tất cả anh chị em giáo dân tích cực đón nhận và thực hiện những đề nghị được gợi ý trong tài liệu này, để chúng ta sống đúng với tư cách Kitô hữu là “người được rửa tội và sai đi”, đồng thời góp phần vào sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh.

 

Ngày 4 tháng 9 năm 2019

                   (Đã ký)

+ Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Giám mục Giáo phận Mỹ Tho

 

 

 

LỜI MỞ ĐẦU

Chúa Giêsu trước khi về trời đã giao phó nhiệm vụ truyền giáo cho Hội Thánh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 15,15-16). Song song với lệnh truyền đó, Chúa Giêsu còn dạy chúng ta: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2). Từ đó đến nay Hội Thánh luôn ý thức và thực thi sứ mạng đó. Trong dòng lịch sử của Hội Thánh, các Đức Thánh Cha đã ra nhiều thông điệp, tông thư, sắc lệnh để chỉ dạy cũng như hướng dẫn thực thi lệnh truyền của Thầy Giêsu Chí Thánh.

Một cách đặc biệt vào Tháng Mười năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề nghị là Tháng Đặc Biệt Truyền Giáo nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Thánh Cha Bênêđictô XV ban hành Tông thư Maximum Illud (Sứ vụ cao cả) nói về việc truyền bá đức tin trên khắp thế giới. (1919-2019). Ngài đã gởi một sứ điệp nhân ngày thế giới truyền giáo lần thứ 93 cho Dân Chúa với chủ đề: được rửa tội và được sai đi: Hội Thánh Chúa Kitô thi hành sứ mạng trong thế giới”.

Để chuẩn bị và sống tháng đặc biệt truyền giáo, tháng 10 năm 2019. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra 4 chiều kích để thực hiện, trong đó Đức Thánh Cha mời gọi các thành phần Dân Chúa hãy kết hợp với Chúa Kitô qua đời sống cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn.

Nhằm giúp các gia đình có thể cầu nguyện, ý thức và đào sâu sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh theo lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng tôi mạo muội biên soạn lại tập tài liệu mà chúng tôi đã biên soạn vào năm 2014 dịp Hội đồng Giám Mục Việt Nam kêu gọi thực thi việc Tân Phúc Âm hóa gồm các bài suy niệm được trích dẫn từ các giáo huấn của Hội Thánh về truyền giáo và những lời cầu nguyện để dùng vào giờ kinh tối trong gia đình.

 

Nhóm Biên Tập

 

 

 

 

CHƯƠNG TRÌNH ĐỌC KINH TỐI

CẦU NGUYỆN CHO VIỆC TRUYỀN GIÁO

TRONG GIA ĐÌNH

 

Xin đề nghị giờ kinh tối trong gia đình như sau:

 

1. Các kinh khai mạc:

- Dấu Thánh Giá.

- Hát: Kinh Chúa Thánh Thần

- Ba kinh: Tin- Cậy- Mến

- Kinh Tin Kính

2. Lần chuỗi Mân Côi hoặc chuỗi Lòng Thương Xót

(Có thể thay đổi chuỗi Mân Côi hoặc chuỗi Lòng Thương Xót và có thể đọc hết chuỗi hoặc10 kinh, 20 kinh… tùy thời gian)

3. Lắng nghe Lời Chúa

- Suy niệm và cầu nguyện

- Đọc kinh cầu cho việc truyền giáo

4. Kết thúc

- Kinh Ăn năn tội.

- Kinh phó dâng

- Kinh cám ơn - Trông cậy

- Hát: Bài hát về Đức Mẹ

 

 

CẦU NGUYỆN

CHO VIỆC TRUYỀN GIÁO

 

TUẦN 4

CHÚA NHẬT

LÀM TÔNG ĐỒ TRONG MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI

 

Lắng nghe Lời Chúa: Mt 5,13-16

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu

Khi ấy Chúa Giêsu phán: "Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi”. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.

Suy niệm: Làm tông đồ trong môi trường xã hội

Chúa Giêsu đã gieo vào trong trần gian ánh sáng của tình yêu và chân lý. Ngài mong cho ánh sáng ấy được lan tỏa và chiếu rọi vào mọi ngỏ ngách của xã hội con người. Cùng với thao thức của Chúa, Hội Thánh nhận ra vai trò quan trọng của giáo dân trong việc mang ánh sáng đó vào trong các môi trường xã hội. Các nghị phụ của Công đồng Vaticanô II đã lặp lại điều đó nơi sắc lệnh Tông đồ Giáo dân:

Làm tông đồ trong môi trường xã hội là cố gắng đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần não trạng, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đoàn nơi họ sống: đó là bổn phận và trách nhiệm của người giáo dân mà không ai có thể làm thay họ cách đầy đủ. Trong lãnh vực này, người giáo dân có thể làm tông đồ cho người đồng cảnh ngộ với mình. Ở đó, họ lấy lời nói bổ túc cho bằng chứng của đời sống mình. Cũng ở đó, họ dễ dàng giúp đỡ anh em trong môi trường làm việc hay nghề nghiệp, môi trường học vấn, cư ngụ, giải trí cũng như trong sinh hoạt địa phương.

Người giáo dân chu toàn sứ mệnh này của Hội Thánh nơi trần gian: trước tiên bằng đời sống hòa hợp với đức tin, để nhờ đó họ trở thành ánh sáng thế gian; bằng đời sống lương thiện trong bất cứ công ăn việc làm nào để làm cho mọi người yêu mến sự thật, sự thiện và cuối cùng đưa họ tới Chúa Kitô và Hội Thánh; bằng đời sống bác ái huynh đệ qua việc họ thực sự chia sẻ với anh em trong hoàn cảnh sống, trong đau khổ cũng như trong mọi ước vọng, và như thế họ âm thầm chuẩn bị cho ơn cứu rỗi hoạt động trong tâm hồn mọi người; bằng cuộc sống ý thức đầy đủ về vai trò của mình trong việc xây dựng xã hội, họ cố gắng chu toàn hoạt động nơi gia đình, ngoài xã hội, trong nghề nghiệp với lòng quảng đại của Kitô giáo; như thế phương thức hành động của họ dần dần thấm nhập vào môi trường sống và cả môi trường làm việc (x. Cđ. Vaticanô II, Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân, số 13).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đi khắp các nẻo đường để rao giảng Tin Mừng cứu độ cho mọi người. Chúa ước mong cho Tin Mừng ấy được lan tỏa khắp trần gian và thấm nhập vào mọi lãnh vực của xã hội để nhờ đó mọi người được an vui ở đời này và đạt được hạnh phúc vĩnh cửu cho cuộc sống mai sau.

Trong vai trò giáo dân, chúng con sống giữa xã hội, có điều kiện để tiếp cận với nhiều lãnh vực khác nhau; chúng con nguyện sẽ cố gắng sống những điều Chúa dạy trong Tin Mừng và làm cho những điều đó thấm nhập vào các lãnh vực xã hội chúng con đang sống và làm việc. Xin Chúa ban ơn Thánh Thần trợ giúp chúng con. Amen.

 

 

 

 

 

TUẦN 4

THỨ HAI

TRUYỀN GIÁO CHO DÂN NGOẠI

 

Lắng nghe Lời Chúa: Cv 18,1-11

Lời Chúa trong sách Công vụ Tông đồ

Ông Phaolô rời Athêna đi Côrintô. Tại đây, ông gặp một người Do Thái tên là Aquila, quê ở Pontô, vừa mới từ Italia đến, cùng với vợ là Pơrítkila, vì hoàng đế Cơlauđiô đã ra lệnh cho mọi người Do Thái phải rời Rôma. Ông Phaolô đến thăm hai ông bà, và vì cùng nghề, nên ông ở lại nhà họ và cùng làm việc: họ làm nghề dệt lều. Mỗi ngày sa bát, ông thảo luận tại hội đường, cố thuyết phục cả người Do Thái lẫn người Hy Lạp. Khi ông Xila và ông Timôthê từ Makêđônia xuống, thì ông Phaolô chỉ lo giảng, long trọng làm chứng cho người Do Thái biết rằng Đức Giêsu chính là Đấng Kitô. Bởi họ chống đối và nói lộng ngôn, nên ông giũ áo mà bảo ho: “Máu các người cứ đổ xuống trên đầu các người! Phần tôi, tôi vô can; từ nay trở đi, tôi sẽ đến với người ngoại.” Ông rời bỏ chỗ ấy, đến nhà một người tên là Tixiô Giúttô. Ông này là một người ngoại tôn thờ Thiên Chúa, nhà ở sát bên hội đường. Ông Cơrítpô, trưởng hội đường, tin Chúa, cùng với cả nhà. Nhiều người Côrintô đã nghe ông Phaolô giảng cũng tin theo và chịu phép rửa. Một đêm, Chúa bảo ông Phaolô trong một thị kiến: “Đừng sợ! Cứ nói đi, đừng làm thinh, vì Thầy ở với anh; không ai tra tay hại anh được, vì Thầy có một dân đông đảo trong thành này.” Ông Phaolô ở lại đó một năm rưỡi, dạy cho họ lời Thiên Chúa.

Suy niệm: Truyền giáo cho dân ngoại

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2009, đã nhắc lại bổn phận truyền giáo cho dân ngoại là một sứ mạng chính yếu của Hội Thánh và là một nghĩa vụ cấp bách trong hoàn cảnh xã hội ngày nay. Chúng ta hãy lắng nghe những lời dạy của ngài để chúng ta ngày càng ý thức hơn sứ vụ truyền giáo mà Chúa Giêsu đã ủy thác cho chúng ta:

“Chúng ta đang nói đến phần rỗi đời đời của con người, đến cùng đích và sự viên mãn của lịch sử nhân loại và vũ trụ. Được vị tông đồ dân ngoại là Phaolô linh hoạt và soi sáng, chúng ta phải nhận ra rằng Thiên Chúa có một dân tộc đông đảo trong tất cả các thành thị đang được các tông đồ của thời nay thăm viếng (x. Cv 18,10). Thực vậy, “đó là lời hứa dành cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi” (Cv 2,39).

Toàn thể Hội Thánh phải dấn thân trong sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại, cho đến khi chủ quyền cứu độ của Chúa Kitô được thể hiện hoàn toàn: “Hiện nay chúng ta chưa thấy mọi sự tùng phục Người.” (Dt 2,8).

Việc tham gia vào sứ mạng của Chúa Kitô cũng được coi là của những người rao giảng Tin Mừng, họ cũng chịu cùng một số phận như Thầy mình. “Các con hãy nhớ lời Thầy đã nói với các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ đã bách hại Thầy, thì họ cũng sẽ bách hại các con” (Ga 15,20). Hội Thánh theo cùng một con đường và chịu cùng một số phận như Chúa Kitô, vì Hội Thánh không hành động theo nguyên tắc của con người hay dựa vào sức riêng mình, nhưng theo con đường Thánh Giá để trở thành chứng nhân và người đồng hành với nhân loại, trong niềm vâng phục con thảo đối với Chúa Cha” ( x. Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2009).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Thánh Thần, xin gia tăng sức mạnh và khơi dậy niềm hăng say rao giảng Tin Mừng nơi các tín hữu. Xin tình yêu Chúa nâng đỡ các nhà thừa sai và các cộng đồng Kitô hữu đang dấn thân truyền giáo ở khắp nơi. Xin cho tất cả các Kitô hữu luôn tỏ ra là những sứ giả can trường như Thánh Phaolô, vị tông đồ dân ngoại hăng say loan báo Chúa Kitô cho mọi người.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Ngôi Sao của công cuộc truyền giáo mới, xin Mẹ hướng dẫn chúng con biết đem Chúa Kitô vào trong môi trường sống để làm ánh sáng cho muôn dân và mang ơn cứu độ cho đến tận cùng thế giới như Mẹ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

 

 

 

 

 

TUẦN 4

THỨ BA

TRUYỀN GIÁO LÀ ĐI BƯỚC TRƯỚC,

THAM GIA, ĐỒNG HÀNH, SINH HOA TRÁI VÀ ĂN MỪNG

 

Lắng nghe Lời Chúa: Lc 15,1-10

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca

Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Những người Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng." Đức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này: Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó. Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn. Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất. Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.

Suy niệm: Truyền giáo là đi bước trước, tham gia, đồng hành, sinh hoa trái và ăn mừng

Rao giảng Tin Mừng là nhiệm vụ ưu tiên quan trọng nhất mà Đức Thánh Cha Phanxicô luôn nhắc nhở Hội Thánh phải ý thức và thi hành. Ngài đưa ra những đòi hỏi cấp bách cần thiết cho Hội Thánh hôm nay là phải đi ra, tham gia và đồng hành vào mọi sinh hoạt của trần thế. Những điều đó đã được ngài viết trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng:

Hội Thánh "đi ra" là cộng đồng các môn đệ rao giảng Tin Mừng. Cộng đồng rao giảng Tin Mừng cảm nghiệm được rằng Chúa đã đi bước trước, Người đã đi trước vì yêu và vì thế, cộng đồng biết đi về phía trước, biết làm thế nào để đi bước trước mà không sợ hãi, đi ra gặp gỡ, tìm kiếm những người xa cách mình, và đến ngã ba đường để mời những người bị ruồng bỏ.

Cộng đồng sống một ước muốn vô tận để ban tặng sự thương xót, là kết quả của kinh nghiệm lòng thương xót của Chúa Cha và sức mạnh của sự lan tỏa của lòng thương xót này. Chúng ta hãy cố gắng chủ động nhiều hơn một chút!

Hội Thánh biết "tham gia". Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ. Chúa đã tham gia và tự ý tham gia, khi Người quỳ trước mặt những người khác để rửa chân cho họ. Nhưng ngay sau đó, Người bảo các môn đệ: "Nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em" (Ga 13,17). Cộng đồng rao giảng Tin Mừng, qua việc tham gia vào cuộc sống hằng ngày của những người khác bằng việc làm và cử chỉ của mình, nó rút ngắn những khoảng cách, tự hạ mình xuống đến nỗi chịu sỉ nhục nếu cần, và chấp nhận đời sống con người, chạm đến thân xác đau khổ của Ðức Kitô trong những người khác.

Cộng đồng truyền giáo phải "đồng hành". Cộng đồng đồng hành với nhân loại trong tất cả mọi tiến trình của nó, bất kể khó khăn và kéo dài đến đâu đi nữa. Cộng đồng biết chờ đợi lâu dài và kiên trì tông đồ. Truyền giáo cần rất nhiều kiên nhẫn, cùng coi thường những giới hạn thời gian.

Cộng đồng rao giảng Tin Mừng luôn luôn chú ý tới những hoa quả, bởi vì Chúa muốn có hoa quả. Nó chăm sóc cho các hạt giống và không bị mất bình an vì cỏ lùng. Người gieo giống khi thấy cỏ lùng mọc lên giữa những cây lúa thì không oán trách hay có phản ứng mạnh. Người ấy tìm thấy một cách để đảm bảo rằng Lời Chúa được nhập thể trong một hoàn cảnh cụ thể và sinh hoa quả của đời sống mới, cho dù nó dường như chưa hoàn hảo và đầy đủ. Người môn đệ có thể hiến trọn cuộc đời mình, thậm chí chấp nhận tử vì đạo, như một nhân chứng của Đức Giêsu Kitô, nhưng ước mơ của họ không phải là có nhiều kẻ thù, mà đúng hơn là thấy Lời Chúa được đón nhận và quyền năng giải phóng và canh tân của nó được tỏ lộ.

Cuối cùng, cộng đồng rao giảng Tin Mừng đầy niềm vui, luôn luôn biết "ăn mừng". Cộng đồng ăn mừng vì mỗi chiến thắng nhỏ, vì mỗi bước tiến trong việc truyền giáo. Việc truyền giáo vui tươi thành vẻ đẹp trong phụng vụ, trong đòi hỏi hàng ngày của việc tiến bộ tốt. Hội Thánh Phúc Âm hóa và chính Hội Thánh được Phúc Âm hóa bằng vẻ đẹp của phụng vụ, và phụng vụ cũng là cử hành những hoạt động truyền giáo và nguồn mạch canh tân việc tự hiến của mình (x. Phanxicô, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 24).

Cầu nguyện

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin và niềm vui Tin Mừng của Chúa, để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày nơi những khuôn mặt khốn khổ của tất cả những người đang bị thử thách. Xin cho chúng con biết ra đi để cảm thông với những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn nhưng vì thiếu Lời Chúa, những kẻ khác không chỉ vì thiếu nước nhưng vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương, những kẻ vô gia cư không chỉ vì thiếu một mái nhà, nhưng vì thiếu một con tim biết yêu thương, những kẻ bệnh hoạn hấp hối không chỉ trong thân xác nhưng còn trong tinh thần nữa. Xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con vững bước mang niềm vui Tin Mừng đến với anh chị em chúng con giữa lòng cuộc sống hôm nay. Amen.

 

 

 

 

 

TUẦN 4

THỨ TƯ

HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ CÁ NHÂN

 

Lắng nghe Lời Chúa: 2Tm 2,1-13

Lời Chúa trong thư thứ hai của Thánh Phaolô tông đồ gởi ông Timôthê

Vậy hỡi anh, người con của tôi, anh hãy nên mạnh mẽ trong ân sủng của Đức Kitô Giêsu. Những gì anh đã nghe tôi nói trước mặt nhiều nhân chứng, thì hãy trao lại cho những người tin cẩn, những người sẽ có khả năng dạy cho người khác. Anh hãy đồng lao cộng khổ như một người lính giỏi của Đức Kitô Giêsu. Trong nghề binh, không ai vướng mắc vào những việc thuộc đời sống dân sự; có thế mới đẹp lòng người đã tuyển mộ. Người tham dự điền kinh cũng vậy, không đoạt giải nếu không thi đấu theo luật lệ. Còn người nông dân làm việc vất vả, thì phải là người đầu tiên được hưởng phần hoa lợi. Anh hãy hiểu điều tôi nói, vì Chúa sẽ ban cho anh ơn thông hiểu mọi sự.

Anh hãy nhớ đến Đức Giêsu Kitô, Đấng đã sống lại từ cõi chết, Đấng xuất thân từ dòng dõi Đa-vít, như tôi vẫn nói trong Tin Mừng tôi loan báo. Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích! Bởi vậy, tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Kitô Giêsu, và được hưởng vinh quang muôn đời.

Đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta.  Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình.

Suy niệm: Hoạt động tông đồ cá nhân.

Người giáo dân có thể thực hiện việc tông đồ hoặc từng người hoặc liên kết thành cộng đoàn hay hội đoàn. Tuy nhiên việc tông đồ cá nhân là việc rất thích hợp để xây dựng Hội Thánh , thánh hóa và làm sống động thế gian trong Chúa Kitô. Hình thức đặc biệt của hoạt động tông đồ cá nhân là làm chứng bằng cả đời sống phát xuất từ đức tin, đức cậy, đức ái. Chúng ta hãy nghe các nghị phụ Công đồng Vaticanô II dạy chúng ta về đời sống truyền giáo của các cá nhân như sau:

Việc tông đồ cá nhân này rất hiệu quả ở bất cứ nơi nào và thời nào. Hơn nữa, trong một số hoàn cảnh chỉ có hoạt động tông đồ này mới thích hợp và mới có thể thực hiện được. Mọi người giáo dân, dù thuộc thành phần nào đi nữa, dù không có cơ hội hay khả năng để cộng tác trong các hội đoàn đều được kêu gọi và hơn nữa phải làm việc tông đồ cá nhân.

Có nhiều hình thức tông đồ mà người giáo dân dùng để xây dựng Hội Thánh, thánh hóa và làm sống động thế gian trong Chúa Kitô.

Hình thức đặc biệt của hoạt động tông đồ cá nhân là giúp giáo dân làm chứng bằng cả đời sống phát xuất từ đức tin, đức cậy, đức ái. Ðó là dấu chỉ rất thích hợp trong thời đại chúng ta để biểu lộ Chúa Kitô sống động trong các tín hữu của Người. Kế đến, việc tông đồ bằng lời nói mà trong một số hoàn cảnh lại rất cần thiết. Người giáo dân rao giảng Chúa Kitô, cắt nghĩa và phổ biến giáo lý của Người tùy theo hoàn cảnh và tài năng của mỗi người, đồng thời họ cũng trung thành tuyên xưng giáo lý của Người nữa.

Hơn nữa, là những người công dân trong thế giới ngày nay, người công giáo khi cộng tác vào những việc liên quan tới việc xây dựng và quản trị trật tự trần thế, họ phải thấu triệt dưới ánh sáng đức tin những lý do cao cả để hành động trong đời sống gia đình, nghề nghiệp, văn hóa và xã hội và tùy dịp bày tỏ cho người khác nữa. Người giáo dân cũng phải ý thức rằng họ trở nên những người cộng tác với Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa và như vậy làm vinh danh Thiên Chúa.

Sau cùng giáo dân làm cho đời mình sống động bằng đức ái và tùy sức biểu lộ đời sống đó bằng chính hoạt động của mình.

Mọi người phải nhớ rằng nhờ việc phụng tự trong công đồng và cầu nguyện, nhờ sám hối và tự ý chấp nhận công việc cũng như những khổ cực của cuộc đời làm cho họ nên giống Chúa Kitô đau khổ (x. 2Cr 4,10; Col 1,24), họ mới có thể ảnh hưởng tới mọi người và đem ơn cứu độ cho toàn thế giới (x. Cđ. Vaticanô II, Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân, số 16).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu thương chúng con và đã sống trọn thân phận làm người. Chúa đã chấp nhận những nỗi khổ đau để đem lại hạnh phúc cho phận người chúng con. Xin dạy chúng con biết thi hành lệnh Chúa truyền để mau mắn lên đường đem tình yêu thương đến cho anh chị em. Xin dạy chúng con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng với những ơn lành chúng con đã lãnh nhận, biết cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu mà không sợ thương tích, biết làm việc không tìm nghỉ ngơi, biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào ngoài việc biết mình đã chu toàn Thánh Ý Chúa. Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con, mọi người nhìn thấy Nước Chúa đang tỏ hiện. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

 

 

 

 

 

TUẦN 4

THỨ NĂM

GIỚI TRẺ HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ

 

Lắng nghe Lời Chúa: Cl 3,12-17

Lời Chúa trong thư của thánh Phaolô Tông Đồ gởi tín hữu Côlôxê

Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân. Ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.

Suy niệm: Giới trẻ hoạt động tông đồ

Giới trẻ luôn được Hội Thánh quan tâm đặc biệt vì người trẻ có nhiều năng lực để đóng góp cho xã hội và Hội Thánh. Người trẻ phải trở nên những tông đồ đầu tiên và trực tiếp của giới trẻ. Hội Thánh mong ước lòng nhiệt thành của người trẻ được thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô và họ trở nên chứng nhân sống động của Chúa cho các bạn hữu. Chúng ta cùng lắng nghe lời giáo huấn của Hội Thánh trong sắc lệnh Tông đồ Giáo dân:

Trong xã hội ngày nay, giới trẻ làm thành một sức mạnh rất quan trọng. Những hoàn cảnh sống của họ, những nếp sống tinh thần và cả những tương quan của họ với gia đình đã thay đổi rất nhiều. Thường thường họ chuyển quá nhanh sang một hoàn cảnh xã hội và kinh tế mới. Hơn nữa, vai trò xã hội cũng như chính trị của họ mỗi ngày một thêm quan trọng, nhưng họ không được chuẩn bị đầy đủ để đảm nhận những trọng trách mới này cách xứng hợp.

Trọng trách của họ trong xã hội gia tăng, đòi hỏi họ gia tăng hoạt động tông đồ. Vả lại, chính bản tính tự nhiên của họ vốn hướng về hoạt động đó. Nhờ trưởng thành trong ý thức về nhân vị và được thúc đẩy do sức sống hăng say và tính ham mê hoạt động, họ nhận lãnh trách nhiệm của mình và ước muốn góp phần vào đời sống xã hội và văn hóa. Nếu lòng nhiệt thành này được thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô và được thúc đẩy do sự tuân phục và yêu mến các vị chủ chăn của Hội Thánh thì có thể hy vọng nơi họ những thành quả phong phú. Người trẻ phải trở nên những tông đồ đầu tiên và trực tiếp của giới trẻ trong khi chính họ hoạt động tông đồ giữa người trẻ và nhờ người trẻ tùy theo môi trường xã hội họ đang sống.

Trẻ em cũng có hoạt động tông đồ riêng của chúng. Tùy khả năng, chúng có thể thực sự là những chứng nhân sống động của Chúa Kitô giữa các bạn hữu (x. Cđ. Vaticanô II, Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân, số 2).

Cầu nguyện

Lạy Chúa, trong lòng Hội Thánh hôm nay có rất nhiều người trẻ đang dấn thân vào các hoạt động xã hội với lòng yêu mến Chúa và trung thành với những giá trị Tin Mừng. Nhưng cũng có không ích bạn trẻ đang bị lôi cuốn vào những ham muốn tiền tài vật chất và những đam mê thấp hèn. Xin Chúa ban ơn Thánh Thần soi sáng những bạn trẻ ấy để họ nhận ra giá trị cao quý của Tin Mừng và giúp họ can đảm sống những giá trị ấy giữa môi trường xã hội hôm nay, hầu góp phần vào công cuộc truyền giáo của Hội Thánh và làm cho Tin Mừng lan rộng khắp nơi. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

 

 

 

 

 

TUẦN 4

THỨ SÁU

TRUYỀN GIÁO LÀ TIẾP XÚC NGƯỜI VỚI NGƯỜI

 

Lắng nghe Lời Chúa: 2Tm 4,1-5

Lời Chúa trong thư thứ hai của thánh Phaolô Tông đồ gởi cho ông Timôthê

Trước mặt Thiên Chúa và Đức Kitô Giêsu, Đấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Đấng sẽ xuất hiện và nắm vương quyền, tôi tha thiết khuyên anh: hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường. Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh.

Suy niệm: Truyền giáo là tiếp xúc người với người

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần kêu gọi các tín hữu hãy ra đi đến vùng ngoại biên của cuộc sống để gặp gỡ và loan truyền niềm vui Tin Mừng cho mọi người. Ngài kêu gọi chng ta cần phải làm quen với thực tại thông qua kinh nghiệm, cần dành thời gian đến vùng ngoại biên để thực sự trở nên quen thuộc với thực tại và những trải nghiệm cuộc sống của con người. Thật vậy, tình yêu đích thật không giới hạn, nhưng biết tự giới hạn, để ra đi gặp gỡ người khác, để tôn trọng sự tự do của người khác. Đức Thánh Cha đã nói một cách cụ thể truyền giáo là stiếp xúc người với người trong tông huấn Niềm vui Tin Mừng như sau:

Ngày nay, khi Hội Thánh tìm kiếm các trải nghiệm về một cuộc canh tân truyền giáo sâu xa, có một loại rao giảng mà mỗi người chúng ta phải coi như một bồn phận hằng ngày. Nó liên quan tới việc đem Tin Mừng tới những người chúng ta gặp gỡ, dù họ là những người lân cận hay hoàn toàn xa lạ với chúng ta. Đây là việc rao giảng không chính thức diễn ra trong một cuộc trò chuyện, giống như kiểu các thừa sai thường làm khi thăm viếng các gia đình. Là môn đệ có nghĩa là luôn luôn sẵn sàng đem tình thương của Đức Giêsu đến với người khác, và điều này có thể xảy ra một cách bất ngờ và ở bất cứ đâu: trên đường phố, trong một công viên thành phố, khi làm việc, lúc đi đường.

Trong kiểu rao giảng này, vốn luôn luôn phải kính trọng và dịu dàng, bước đầu tiên là một cuộc đối thoại cá nhân, khi người kia nói và chia sẻ các niềm vui, hi vọng và quan tâm của họ đối với những người thân, hay vô số các nhu cầu thiết thân nhất. Chỉ sau đó chúng ta mới có thể đưa lời Chúa vào, có thể bằng cách đọc một câu Kinh Thánh hay kể một câu truyện, nhưng luôn luôn để tâm tới sứ điệp cơ bản: tình thương của Thiên Chúa làm người, Đấng hiến mình cho chúng ta, Đấng đang sống và ban cho ta ơn cứu độ và tình bằng hữu của Ngài. Sứ điệp này phải được chia sẻ với thái độ khiêm tốn để cho thấy chúng ta làm chứng trong tư cách của một người luôn luôn muốn học hỏi, vì biết rằng sứ điệp quá phong phú và quá sâu khiến nó luôn luôn vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta. Sứ điệp có thể được trình bày khi thì trực tiếp, khi thì bằng một chứng từ hay điệu bộ cá nhân, hay bằng bất cứ cách nào mà Chúa Thánh Thần có thể soi sáng chúng ta trong tình huống cụ thể ấy. Tuỳ sự thận trọng và hoàn cảnh cho phép, việc gặp gỡ huynh đệ và truyền giáo này có thể kết thúc bằng một kinh nguyện vắn liên quan tới các mối quan tâm mà người đối thoại có thể đã bày tỏ. Bằng cách này họ sẽ cảm nghiệm rằng họ đã được lắng nghe và cảm thông; họ sẽ biết rằng tình huống cụ thể của họ đã được đặt ra trước mặt Thiên Chúa, và tin rằng lời của Thiên Chúa thực sự nói với cuộc đời họ (x. Phanxicô, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 127-128).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin cho tâm hồn chúng con được tràn ngập niềm vui Tin Mừng, để chúng con làm tỏa lan hương thơm của Chúa đến mọi nơi. Xin cho tâm hồn chúng con tràn ngập Thần Khí và sức sống của Chúa, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con. Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa trong mọi hoàn cảnh với lòng nhẫn nại, cảm thông và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa. Amen.

 

 

 

 

 

TUẦN 4

THỨ BẢY

LOAN BÁO ĐỨC KITÔ CÙNG VỚI MẸ MARIA

 

Lắng nghe Lời Chúa: Ga 2,1-5

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan

Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Ðức Giêsu. Ðức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Ðức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” Ðức Giêsu đáp: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến". Thân mẫu Người nói với gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo".

Suy niệm: Loan báo Đức Kitô cùng với Mẹ Maria

Trong sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2003 của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngài đã mời gọi các tín hữu hãy chạy đến với Mẹ Maria bằng cách siêng năng lần chuỗi Mân Côi, để có thể dấn bước theo Chúa Kitô và để được đào tạo làm việc trong cánh đồng truyền giáo bao la. Như vậy, sứ mạng truyền giáo cần phải được nâng đỡ bằng đời sống cầu nguyện. Chuỗi Mân Côi là một phương thế để cầu nguyện, là khí cụ thông thường nhưng rất hiệu quả. Đây là những lời dạy của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II:

Hội Thánh ngày càng ý thức mình là “Mẹ” như Đức Maria. Như tôi đã lưu ý trong tông sắc Mầu nhiệm Nhập thể nhân dịp Năm Đại Toàn Xá 2000, Hội Thánh là “cái nôi trong đó Đức Maria đặt Đức Giêsu và trao Người cho muôn dân thờ phượng và chiêm ngắm”. Hội Thánh có ý tiếp tục tiến bước trên con đường tâm linh và truyền giáo này, luôn luôn với sự đồng hành của Đức Trinh Nữ rất thánh, là Ngôi Sao Sáng của việc truyền giáo, là bình minh rực sáng và người dẫn đường chắc chắn cho cuộc hành trình của chúng ta”.

Sự tin tưởng chạy đến cùng Đức Maria, qua việc đọc kinh Mân Côi hằng ngày và việc suy niệm các mầu nhiệm đời sống Chúa Kitô, sẽ nhấn mạnh rằng sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh trước hết phải được nâng đỡ bằng việc cầu nguyện.

Sự thánh thiện và sứ mạng truyền giáo là hai khía cạnh không thể tách rời trong ơn gọi của mọi người đã được Rửa Tội. Cam kết trở nên thánh thiện hơn liên kết chặt chẽ với cam kết truyền bá sứ điệp cứu độ. Trong thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế, tôi đã nhắc lại rằng “mọi tín hữu đều được kêu gọi sống thánh thiện và thi hành sứ vụ truyền giáo”. Khi chiêm ngắm các mầu nhiệm Kinh Mân Côi, người tín hữu được khuyến khích bước theo Đức Kitô và chia sẻ cuộc sống của Người đến độ có thể cùng nói với thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Điều cấp bách là chuẩn bị những sứ giả Tin Mừng có khả năng và thánh thiện. Điều cần thiết là không được để cho nhiệt tình nơi các tông đồ suy giảm đi, đặc biệt trong sứ vụ truyền giáo “đến với muôn dân”. Kinh Mân Côi, nếu được tái khám phá trọn vẹn và đánh giá đúng mức, sẽ là một khí cụ, tuy thông thường nhưng hiệu quả, có tính sư phạm và thiêng liêng, để đào tạo Dân Thiên Chúa làm việc trong cánh đồng bao la của hoạt động tông đồ.

Nhiệm vụ linh hoạt công việc truyền giáo phải tiếp tục là một cam kết nghiêm túc và nhất quán của mỗi người được Rửa Tội và của mỗi cộng đoàn trong Hội Thánh. Tôi muốn gợi ý với tất cả anh chị em hãy tăng cường việc đọc kinh Mân Côi cách riêng tư cũng như cộng đoàn, để được Chúa ban những ơn mà Hội Thánh và nhân loại đang đặc biệt cần đến.Tôi mời gọi hết mọi người: trẻ em, người lớn, người trẻ, người già, các gia đình, các giáo xứ và các cộng đoàn dòng tu hãy làm điều đó (x. Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2003).

Cầu nguyện

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Mẹ của Hội Thánh và là Mẹ của chúng con. Xưa trên cây Thánh Giá, Con Yêu Dấu của Mẹ là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con đã trối lại cho thánh Gioan: “Đây là Mẹ con”. Xin Mẹ hãy ở lại với chúng con để ủi an, ban ơn nâng đỡ, hướng dẫn và giúp chúng con thi hành lệnh truyền của Chúa là làm cho muôn dân nhận biết Người. Xin Mẹ cùng đồng hành với chúng con trên bước đường truyền giáo, để chúng con luôn vững tin và làm chứng cho Chúa trong cuộc sống này. Chúng con cần xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

 

 

 

 

Nhóm biên tập:

- Lm. Giacôbê HÀ VĂN XUNG

- Lm. Phêrô PHẠM BÁ ĐƯƠNG

- Lm. Phêrô TRẦN TRỌNG KHƯƠNG

- Lm. Phêrô NGUYỄN THÀNH DANH

 

PHỤ LỤC

 

1. KINH LOAN BÁO TIN MỪNG

Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng, Cha yêu thương sáng tạo và cứu độ muôn loài, Cha đã sai Con Một làm ngừi ở giữa chúng con. Người đã hy sinh chịu chết và phục sinh để quy tụ tất cả nhân loại vào Nước Cha. Cha đã gởi Thánh Thần đến để xây dựng một cộng đồng nhân loại mới biết yêu thương và hiệp nhất theo hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Giờ đây, chúng con tạ ơn Cha vì hồng ân cứu độ Cha đã thương ban cho chúng con. Xin Cha thắp lên ngọn lửa tin yêu trong tâm hồn chúng con và dạy chúng con biết chiêm ngắm và bước theo Đức Kitô trên con đường loan báo Tin mừng cho muôn dân nước.

Xin dạy chúng con luôn biết yêu thương và phục vụ, biết chia sẻ của cải tinh thần và vật chất cho người nghèo khổ và bất hạnh và biết góp phần vào việc mở mang Nước Cha.

Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria La Vang, xin Cha làm cho chúng con trở nên những chứng nhân Tin Mừng, hôm nay và mãi mãi. Amen

(ĐHY. Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn - Tổng Giám Mục TP.HCM).

 

2. LỜI CẦU NGUYỆN VỚI MẸ MARIA

Lạy Maria, Trinh Nữ, Mẹ dấu yêu, bởi tác động của Chúa Thánh Thần, Mẹ đã đón nhận Lời Sự Sống tự thẳm sâu đức tin khiêm cung của Mẹ:  Như Mẹ đã tự hiến hoàn toàn cho Đấng Hằng Hữu, xin giúp chúng con cũng biết thưa “vâng” trước tiếng gọi ngày càng cấp bách, đi rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu.

Đầy tràn sự hiện diện của Đức Kitô trong lòng, Mẹ đem niềm vui đến cho Gioan Tẩy Giả,  khiến thánh nhân trong lòng mẹ mình nhảy mừng.  Rộn ràng niềm vui sướng hân hoan, Mẹ ca hát những kỳ công của Chúa. Đứng dưới chân thập giá với lòng tin kiên vững, Mẹ vui sướng nhận niềm an ủi phục sinh, và cùng các môn đệ ngóng đợi Thánh Thần đến, để Hội Thánh truyền giáo được khai sinh.

Nay xin Mẹ chuyển cầu cho chúng con được một nhiệt huyết mới bắt nguồn từ phục sinh,  để chúng con đem cho mọi người Tin Mừng của sự sống chiến thắng tử thần. Xin cho chúng con niềm can đảm thánh thiện biết tìm ra những lối đi mới để quà tặng của cái đẹp không phai có thể đến được với mọi người.

Ôi Trinh Nữ hằng lắng nghe và chiêm ngắm, Mẹ tình yêu, Cô Dâu của tiệc cưới vĩnh cửu, xin cầu cho Hội Thánh mà Mẹ là biểu tượng tinh tuyền, để Hội Thánh không bao giờ đóng kín hay đánh mất niềm say mê thiết lập Nước Chúa.

Ôi Ngôi Sao của cuộc Tân Phúc Âm hoá, xin giúp chúng con trở thành những chứng nhân rạng rỡ cho tình hiệp thông và phục vụ, cho đức tin nồng cháy và quảng đại, cho công lý và tình thương đối với người nghèo, để niềm vui của Tin Mừng chạm đến tận cùng trái đất, soi sáng cả những bờ rìa thế giới.

Lạy Mẹ của Tin Mừng sống động, suối hạnh phúc cho những người hèn mọn của Thiên Chúa, xin cầu cho chúng con. Amen. Allêluia!

(Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng)

 

BÀI HÁT

 

LỜI NGUYỆN TRUYỀN GIÁO 

Lạy Chúa xưa Chúa đã phán: Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt. Chúa hãy ban nhiều thợ biết nhiệt thành. Để nước Chúa rộng lan khắp nơi. Xin Chúa ban cho đoàn chúng con nên: tông đồ thiện toàn, mở Nước Chúa Trời. (2 lần)

 

DÂNG MẸ

 

ĐK: Lạy Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa Mẹ đồng trinh. Đoàn con chung tiếng hát chung tâm lòng dâng đời sống. Lạy Mẹ Maria Mẹ nhân ái Mẹ hiển vinh Mẹ chính là Nữ Vương là trạng sư là Mẹ con.

1. Con dâng Mẹ đây tâm hồn đây trí khôn. Cả dĩ vaơng cả hiện tại với tương lai. Đức thiện toàn con cương quyết gắng đi tới. Trông lên Mẹ là gương mẫu của đời con.

2. Yêu thanh bần yêu vâng lời yêu khiết trinh. Và yêu sống trên con đường Chúa đi xưa. Xứng con Mẹ con vui bước tới Thiên Chúa. Hy sinh nhiều bác ái quên lợi danh.

 

XIN VÂNG

 

1. Mẹ ơi đời con dõi bước theo Mẹ, lòng con quyết noi gương Mẹ xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng, Mẹ ơi đường đi trăm ngàn gian khó hiểm nguy dâng tràn đây đó xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng.

ĐK: Xin vâng, Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng hôm qua hôm nay và ngày mai xin vâng, Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng, hôm nay tương lai và suốt đời.

2. Mẹ ơi đời con dõi bước theo Mẹ, lòng con quyết noi gương Mẹ xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng, Mẹ ơi đường đi phủ đầy bóng tối, bẫy chông giăng tràn muôn lối xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng.