08/10/2019
2846
Chương trình đọc kinh tối cầu nguyện cho việc Truyền Giáo trong gia đình_Tuần III

LỜI GIỚI THIỆU

 

Theo định hướng chung của Hội Thánh toàn cầu về tháng 10 – tháng đặc biệt truyền giáo, Ban Truyền giáo của Giáo phận Mỹ Tho biên soạn tài liệu này để đồng hành và thúc đẩy việc truyền giáo trong địa bàn Giáo Phận.

Xin các cha, các tu sĩ, chủng sinh và tất cả anh chị em giáo dân tích cực đón nhận và thực hiện những đề nghị được gợi ý trong tài liệu này, để chúng ta sống đúng với tư cách Kitô hữu là “người được rửa tội và sai đi”, đồng thời góp phần vào sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh.

 

Ngày 4 tháng 9 năm 2019

                   (Đã ký)

+ Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Giám mục Giáo phận Mỹ Tho

 

 

 

LỜI MỞ ĐẦU

Chúa Giêsu trước khi về trời đã giao phó nhiệm vụ truyền giáo cho Hội Thánh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 15,15-16). Song song với lệnh truyền đó, Chúa Giêsu còn dạy chúng ta: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2). Từ đó đến nay Hội Thánh luôn ý thức và thực thi sứ mạng đó. Trong dòng lịch sử của Hội Thánh, các Đức Thánh Cha đã ra nhiều thông điệp, tông thư, sắc lệnh để chỉ dạy cũng như hướng dẫn thực thi lệnh truyền của Thầy Giêsu Chí Thánh.

Một cách đặc biệt vào Tháng Mười năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề nghị là Tháng Đặc Biệt Truyền Giáo nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Thánh Cha Bênêđictô XV ban hành Tông thư Maximum Illud (Sứ vụ cao cả) nói về việc truyền bá đức tin trên khắp thế giới. (1919-2019). Ngài đã gởi một sứ điệp nhân ngày thế giới truyền giáo lần thứ 93 cho Dân Chúa với chủ đề: được rửa tội và được sai đi: Hội Thánh Chúa Kitô thi hành sứ mạng trong thế giới”.

Để chuẩn bị và sống tháng đặc biệt truyền giáo, tháng 10 năm 2019. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra 4 chiều kích để thực hiện, trong đó Đức Thánh Cha mời gọi các thành phần Dân Chúa hãy kết hợp với Chúa Kitô qua đời sống cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn.

Nhằm giúp các gia đình có thể cầu nguyện, ý thức và đào sâu sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh theo lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng tôi mạo muội biên soạn lại tập tài liệu mà chúng tôi đã biên soạn vào năm 2014 dịp Hội đồng Giám Mục Việt Nam kêu gọi thực thi việc Tân Phúc Âm hóa gồm các bài suy niệm được trích dẫn từ các giáo huấn của Hội Thánh về truyền giáo và những lời cầu nguyện để dùng vào giờ kinh tối trong gia đình.

 

Nhóm Biên Tập

 

 

 

 

CHƯƠNG TRÌNH ĐỌC KINH TỐI

CẦU NGUYỆN CHO VIỆC TRUYỀN GIÁO

TRONG GIA ĐÌNH

 

Xin đề nghị giờ kinh tối trong gia đình như sau:

 

1. Các kinh khai mạc:

- Dấu Thánh Giá.

- Hát: Kinh Chúa Thánh Thần

- Ba kinh: Tin- Cậy- Mến

- Kinh Tin Kính

2. Lần chuỗi Mân Côi hoặc chuỗi Lòng Thương Xót

(Có thể thay đổi chuỗi Mân Côi hoặc chuỗi Lòng Thương Xót và có thể đọc hết chuỗi hoặc10 kinh, 20 kinh… tùy thời gian)

3. Lắng nghe Lời Chúa

- Suy niệm và cầu nguyện

- Đọc kinh cầu cho việc truyền giáo

4. Kết thúc

- Kinh Ăn năn tội.

- Kinh phó dâng

- Kinh cám ơn - Trông cậy

- Hát: Bài hát về Đức Mẹ

 

 

CẦU NGUYỆN

CHO VIỆC TRUYỀN GIÁO

 

TUẦN 3

CHÚA NHẬT

ĐƯỢC CHỊU PHÉP RỬA VÀ ĐƯỢC SAI ĐI:

HỘI THÁNH CHÚA KITÔ THI HÀNH SỨ MẠNG TRONG THẾ GIỚI

 

Lắng nghe Lời Chúa: 2Cr 5,14-21

Lời Chúa trong thư thứ hai của thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Côrintô

Anh em thân mến, lòng mến Ðức Kitô thôi thúc chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết cho mọi người, tức là mọi người đã chết; và Ðức Kitô đã chết cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho mình.

Bởi thế, từ nay chúng tôi không còn biết ai theo huyết nhục nữa, cho dầu có một thời chúng tôi đã biết Ðức Kitô theo phương diện huyết nhục, thì bây giờ chúng tôi không biết Người như vậy nữa. Ai ở trong Ðức Kitô là một thọ sinh mới: những gì cũ đã biến đi: này mọi sự đã được đổi mới. Và mọi sự đều do Thiên Chúa là Ðấng giải hòa chúng ta với Người nhờ Ðức Kitô, và đã trao chức vụ giải hòa cho chúng tôi. Chính Thiên Chúa ở trong Ðức Kitô đã giải hòa thế gian với Người, không còn qui trách tội lỗi cho họ nữa và đã đặt lời giải hòa trên môi miệng chúng tôi. Vậy chúng tôi là sứ giả thay mặt Ðức Kitô, như là Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên bảo vậy. Nhân danh Ðức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa. Ðấng không hề biết tội lỗi, Thiên Chúa đã làm thành tội vì chúng ta, để trong Ðức Kitô, chúng ta được trở thành sự công chính của Thiên Chúa.

Suy niệm: “Được chịu phép rửa và được sai đi: Hội Thánh Chúa Kitô thi hành sứ mạng trong thế giới”

Ngày 9 tháng 6 năm 2019, vào dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2019 được cử hành vào Chúa nhật truyền giáo.  Chủ đề của sứ điệp được lấy từ chủ đề của Tháng đặc biệt Truyền giáo: “Được chịu phép rửa và được sai đi: Hội Thánh Chúa Kitô thi hành sứ mạng trong thế giới”. Đức Thánh Cha nhắc đến sứ mạng làm chứng và rao giảng Chúa Kitô mà mỗi Kitô hữu nhận lãnh khi chịu phép rửa tội và nhắc đến Lời Chúa dạy các môn đệ hãy mang Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Chúng ta hãy lắng nghe những lời giáo huấn của Đức Thánh Cha trong sứ điệp này:

Anh chị em thân mến,

Cử hành tháng truyền giáo này giúp chúng ta trước hết tái khám phá chiều kích truyền giáo của lòng tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô, một lòng tin đã được Thiên Chúa thương ban qua bí tích Rửa tội. Mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa không phải chỉ đơn thuần là một cái gì riêng tư, nhưng luôn luôn liên quan đến Hội Thánh. Nhờ mối hiệp thông chúng ta với Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần, chúng ta cùng với rất nhiều anh chị em chúng ta được sinh ra để sống đời sống mới. Sự sống thần linh nầy không phải để bán – chúng ta không làm chuyện chiêu dụ người ta vào đạo – nhưng là một kho báu để trao tặng, truyền đạt và công bố: đó là ý nghĩa của truyền giáo. Chúng ta đã được tặng không món quà này và chúng ta cũng đem nó tặng không cho người khác (x. Mt 10,8), không loại trừ một ai. Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi bằng cách nhận biết chân lý và trải nghiệm lòng thương xót của Ngài nhờ sứ vụ của Hội Thánh (x. 1Tm 2,4; Lumen Gentium, 48).

Hội Thánh đang thi hành sứ mạng trên thế giới. Lòng tin vào Đức Giêsu giúp chúng ta nhìn mọi sự trong viễn cảnh đúng của chúng. Khi chúng ta nhìn thế giới bằng chính con mắt và trái tim của Thiên Chúa. Đức cậy mở lòng chúng ta ra những chân trời vĩnh cửu của sự sống thần linh mà chúng ta được thông phần vào. Đức ái mà chúng ta được nếm cảm trước trong các bí tích và tình yêu thương huynh đệ, thúc đẩy chúng ta đi đến mọi chân trời góc biển (x. Mc 5,4; Lc 28,19; Cv 1,8; Rm 10,18). Một Hội Thánh quyết tiến tới vùng biên cương xa xôi nhất thì cần có một sự hoán cải truyền giáo kiên trì và liên tục.

Sứ mạng thông truyền đức tin, trọng tâm sứ mạng của Hội Thánh, diễn ra qua sự hay lây” của tình thương, trong đó niềm vui và sự phấn khởi biểu lộ ý nghĩa được tìm lại và sự sung mãn của cuộc sống. Sự loan truyền đức tin bằng sự thu hút đòi chúng ta phải có con tim cởi mở, được tình yêu làm nở rộng.

Những môi trường con người, văn hóa và tôn giáo vẫn còn xa lạ với Tin Mừng của Chúa Giêsu và sự hiện diện bí tích của Hội Thánh chính là những khu ngoại ô tột cùng, ”những bờ cõi của trái đất: mà các môn đệ thừa sai được gởi đến từ khi Chúa Giêsu Phục Sinh, với niềm xác tín có Chúa luôn ở với chúng ta (Mt 28,20; Cv 1,8). Ơn gọi truyền giáo cho dân ngoại hệ tại điều đó (x. Phanxicô, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2019).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, chúng con ý thức rằng tự sức mình, chúng con rất yếu nhược, không thể chu toàn bổn phận trong cuộc sống như Chúa và Hội Thánh khuyên dạy. Chúng con cảm tạ Chúa đã thương lập các bí tích như phương thế ban ân sủng và đưa chúng con vào trong sự kết hợp với Chúa, nhờ đó chúng con có được sức mạnh thiêng liêng nâng đỡ.

Xin Chúa cho chúng con biết siêng năng tham dự Thánh lễ và lãnh nhận ơn tha thứ qua bí tích Giải tội để tâm hồn chúng con luôn được kết hợp mật thiết với Chúa trong sự thánh thiện, được Chúa thông ban sức mạnh thần linh, hầu trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng con vẫn có thể chu toàn ơn gọi của bí tich Rửa tội đối với bản thân, gia đình, Giáo Hội và trong thế giới hôm nay với một lòng yêu mến Chúa thiết tha. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

 

 

 

 

 

TUẦN 3

THỨ HAI

CỔ VÕ CÁC ƠN GỌI TRUYỀN GIÁO

LÀ TÂM ĐIỂM CỦA VIỆC CỘNG TÁC TRUYỀN GIÁO

 

Lắng nghe Lời Chúa: Mt 5,18-22

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu

Khi ấy, Chúa Giêsu đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.

Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.

Suy niệm: Cổ võ các ơn gọi truyền giáo là tâm điểm của việc cộng tác truyền giáo

Ơn gọi linh mục, tu sĩ trong Hội Thánh là một biến cố liên hệ đến cá nhân và độc đáo, nhưng cũng là một sự kiện liên quan đến cộng đoàn và Hội Thánh , vì không có ai được gọi để bước đi một mình. Mỗi ơn gọi được Chúa khơi dậy như một hồng ân, để bản thân người được gọi biết hành động, biết đáp lại tiếng Chúa một cách mau mắn để phục vụ. Trong nền văn hóa hiện nay và trong một thế giới ngày càng bị tục hóa, ơn gọi càng ngày càng bị phai nhạt dần. Chính vì thế, Hội Thánh luôn tha thiết cầu nguyện cho có nhiều người trẻ biết sẵn sàng tận hiến đời mình cho Nước Trời, sống cho một lý tưởng cao đẹp hơn để phục vụ cho Tin Mừng. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói đến việc cỗ võ ơn gọi truyền giáo trong thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế bằng những lời rất đáng ghi nhớ cho chúng ta ngày hôm nay:

Việc cộng tác truyền giáo được nói lên, trước hết, bằng việc cổ võ các ơn gọi truyền giáo. Dù có công nhận tính cách hiệu năng của các đường lối khác nhau để tham gia vào hoạt động truyền giáo, cũng cần phải tái xác nhận rằng, việc hoàn toàn dấn thân trọn đời cho công cuộc truyền giáo là việc đứng hàng đầu, nhất là dấn thân trong các tu hội và hội dòng truyền giáo. Việc cổ võ các ơn gọi như vậy là tâm điểm của việc cộng tác truyền giáo. Việc rao giảng Phúc Âm đòi phải có các nhà rao giảng; mùa màng cần thợ gặt. Việc truyền giáo được thực hiện, trước hết, bởi những con người nam nữ tận hiến đời mình cho công cuộc của Phúc Âm, và là những con người sẵn sàng mang ơn cứu độ ra đi đến khắp nơi trên thế giới.

Tôi muốn nhắc lại để kêu gọi việc quan tâm đến các ơn gọi truyền giáo. Khi nghĩ đến vần đề hệ trọng này, Tôi hết lòng tin tưởng và tha thiết kêu gọi các gia đình và giới trẻ. Các gia đình, nhất là các cha mẹ, cần ý thức rằng, họ phải “hiến dâng phần đóng góp đặc biệt cho lợi ích truyền giáo của Hội Thánh, bằng việc nuôi dưỡng các ơn kêu gọi truyền giáo nơi con cái nam nữ của họ. Khi cha mẹ sẵn sàng để cho một trong những đứa con của mình ra đi truyền giáo, khi họ xin ơn này nơi Chúa, Ngài sẽ ban cho họ vui mừng vào ngày có đứa con trai hay con gái của họ nghe thấy Chúa gọi theo Ngài.

Tôi xin chính giới trẻ hãy lắng nghe lời Chúa Kitô khi Người nói với họ những gì Người đã từng nói với Simon Phêrô và Anrê ở bờ hồ: “Hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh thành những tay đánh cá người” (Mt 4,19). Chớ gì họ can đảm đáp lại như tiên tri Isaia đã làm: “Này con đây, lạy Chúa! Con sẵn sàng rồi! Xin hãy sai con đi!” (x. Is 6,8). Họ sẽ có một cuộc sống tuyệt vời trước mắt, và họ sẽ nếm được niềm vui đích thực trong việc loan truyền “Tin Mừng” cho anh chị em là những người họ sẽ dẫn đi trên con đường cứu độ (x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế, số 79 và 80).

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã phán rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Xin Chúa đoái thương nhậm lời chúng con cầu nguyện mà ban ơn soi sáng cho những người trẻ hôm nay, để họ luôn biết nhìn lên Chúa là vị Vị Mục Tử mẫu mực và lý tưởng của đời họ, và sẵn sàng dâng hiến đời sống mình vì Tin Mừng để làm cho Nước Chúa được lan rộng khắp nơi.

Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng soi lòng mở trí cho các tín hữu, xin Chúa hướng lòng trí các bạn trẻ nam nữ biết mau mắn đáp lại tiếng gọi truyền giáo, để họ dấn thân lên đường đem Tin Mừng cho mọi người. Xin cho các bạn luôn tràn đầy niềm vui thanh khiết và giữ được tâm hồn bình an trong mọi cảnh ngộ. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy sống trong tâm hồn chúng con, và đốt cháy lửa yêu mến Chúa trong lòng chúng con. Amen.

 

 

 

 

 

TUẦN 3

THỨ BA

CỘNG TÁC TRUYỀN GIÁO

LÀ VIỆC CỦA MỌI KITÔ HỮU

 

Lắng nghe Lời Chúa: Pl 4,10-17

Lời Chúa trong thư gởi tín hữu Philipphê

Nhờ Chúa, tôi rất vui mừng vì cuối cùng thấy tình cảm của anh em đối với tôi lại thắm thiết. Tình cảm đó vẫn sống động, nhưng anh em chỉ thiếu dịp tỏ ra. Không phải vì thiếu thốn mà tôi nói thế, bởi lẽ tôi đã học sống tự lập trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết. Tuy nhiên, anh em đã chia sẻ với tôi, khi tôi gặp cơn quẫn bách, như thế là phải. Chính anh em, những người thành Philípphê, anh em biết là trong giai đoạn tôi bắt đầu rao giảng Tin Mừng, lúc rời khỏi Makêđônia, không một Hội Thánh nào đã đóng góp vào các khoản chi thu của tôi, chỉ có anh em thôi; bởi vì ngay khi tôi còn ở Thêxalônica, đôi lần anh em đã gửi cho tôi những gì tôi cần dùng. Điều tôi tìm kiếm không phải là quà tặng, mà là những gì sinh hoa kết quả dồi dào cho anh em.

Suy niệm: Cộng tác truyền giáo là việc của mọi Kitô hữu.

Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc đã ban hành huấn thị về việc Cộng tác Truyền giáo (Cooperatio Missionalis) vào ngày 01 tháng 10 năm 1998 nhân ngày lễ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, bổn mạng các xứ truyền giáo. Trong huấn thị này, Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc một lần nữa khẳng định sự đánh giá cao và tín nhiệm hoàn toàn của mình đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi và được Hội Thánh uỷ nhiệm đã quảng đại xả thân cho công việc truyền giáo cho dân ngoại, một công việc chẳng những hiện nay vẫn còn giá trị mà còn khẩn cấp hơn bao giờ hết. Thánh bộ cổ võ tất cả những ai đang tham gia vào chương trình cộng tác truyền giáo dưới nhiều hình thức, một khi đã ý thức rằng làm công việc ấy sẽ phải có tinh thần đức tin, lòng quảng đại và sự hy sinh. Huấn thị đã lưu ý đến việc cộng tác truyền giáo như sau:

"Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em". Lời tuyên bố này của Đức Kitô vừa gắn liền, đồng thời vừa diễn tả cách hết sức tuyệt vời tính cách duy nhất và liên tục trong sứ mạng truyền giáo. Thật vậy, việc sai phái Hội Thánh" bắt nguồn từ sự "sai phái của Thiên Chúa".

Toàn thể Hội Thánh đều được kêu gọi dấn bước vào công cuộc truyền giáo bằng cách tích cực cộng tác. Vì đã được rửa tội và thêm sức, Kitô hữu nào cũng đều như đã bước vào dòng hoạt động siêu nhiên, theo kế hoạch muôn đời là cứu độ muôn loài muôn vật. Đây chính là kế hoạch của chính Thiên Chúa, đang được hoàn thành dần dần cho các thế hệ sau, là những thế hệ sẽ làm thành đại gia đình nhân loại trong tương lai.

Có thể gọi sự tham gia của các cộng đoàn Hội Thánh và từng cá nhân tín hữu vào việc hoàn thành kế hoạch thần linh ấy là "cộng tác truyền giáo". Việc cộng tác này có thể được diễn ra dưới nhiều hình thức: cầu nguyện, làm chứng, hy sinh, cống hiến sức lực và trợ cấp. Sự cộng tác ấy chính là hoa trái đầu tiên của việc làm sống lại tâm hồn truyền giáo, tức là làm sống lại một tinh thần và một sức sống thúc đẩy các cá nhân cũng như các tổ chức và cộng đoàn của Hội Thánh mở lòng tiếp nhận trách nhiệm chung, có ý thức truyền giáo và hướng lòng đến các dân tộc. Thế nên, sáng kiến nào của việc làm sống lại tâm hồn truyền giáo cũng đều nhắm mục đích là đào tạo Dân Chúa biết thi hành sứ mạng chung "hết sức đặc biệt", là nuôi dưỡng các ơn gọi truyền giáo thật sự và khuyến khích mọi hình thức cộng tác vào công cuộc rao giảng Tin Mừng.

Cộng tác, một điều kiện cần thiết để Phúc Âm hóa thế giới, là một nhiệm vụ và là một quyền hạn của mọi Kitô hữu đã chịu phép rửa. Nó xuất phát từ bản sắc của họ – là những chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô – và được cụ thể hóa dưới nhiều hình thức khác nhau, được thực hiện tuỳ theo mức độ về tinh thần trách nhiệm và sự cống hiến khác nhau. "Nhất là sự cộng tác truyền giáo bắt nguồn và được thi hành trước tiên trong việc từng cá nhân kết hợp với Đức Kitô... Nhờ đời sống thánh thiện, mỗi Kitô hữu đều có thể tham gia một cách kết quả vào sứ mạng của Hội Thánh".

Việc cộng tác truyền giáo cần phải được phối hợp cách thích đáng trong tinh thần hiệp thông Hội Thánh và có trật tự lớp lang thì mới đạt được mục đích. Cũng như sự hiệp thông của Thiên Chúa, một Chúa mà Ba Ngôi thì giữa các Hội Thánh địa phương với nhau, giữa Hội Thánh địa phương và Hội Thánh toàn cầu, giữa các thành phần Dân Chúa cũng cần có sự phối hợp nhịp nhàng để có sự thống nhất bên trong và sự trao đổi hỗ tương. Sự hiệp thông giữa các bên ấy sẽ là sự hiệp thông hỗ tương, hay nói cụ thể hơn, là sự hiệp thông để thực hiện hoạt động truyền giáo đặc biệt. Không được ngăn cản ai thực hiện mối tương quan giữa đức ái trong Hội Thánh và nỗ lực truyền giáo. Thật ra, nét đặc trưng nhất của sự hiệp thông trong Hội Thánh là tính cụ thể của sự hiệp thông ấy, để rồi ai cũng có phần trong sự hiệp thông vì sự hiệp thông luôn đụng chạm tới từng cá nhân cụ thể trong hoàn cảnh sống thật của họ. Nhắc tới các cộng đoàn Kitô hữu dấn thân vào công cuộc truyền giáo chung, chúng ta cũng có thể nói họ đã hoạt động "với một lòng một dạ" (Cv 4,32) (x. Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc, Huấn thị về việc Cộng tác Truyền giáo, số 3).

Cầu nguyện

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con cộng tác vào công trình cứu chuộc của Con Yêu Dấu Chúa. Xin cho chúng con biết dành thời gian để cầu nguyện cho việc truyền giáo. Xin cho chúng con biết sử dụng khả năng và chuyên môn của mình để góp phần vào công cuộc truyền giáo của Hội Thánh. Xin cho chúng con biết quảng đại đóng góp vật chất vào việc rao giảng Tin Mừng, và đặc biệt xin cho chúng con biết sống tốt lành thánh thiện để tha nhân nhận biết được Thiên Chúa qua chính cuộc sống của chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

 

 

 

 

 

TUẦN 3

THỨ TƯ

CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ CHUNG TAY TRUYỀN GIÁO

 

Lắng nghe Lời Chúa: Cv 1,6-9

Lời Chúa trong sách Công vụ Tông đồ

Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?" Người đáp "Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem , trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất." Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa.

Suy niệm: Cộng đoàn Giáo xứ chung tay truyền giáo

Trong sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: Sứ điệp truyền giáo của đức tin là một quà tặng, không chỉ dành riêng cho một số người, nhưng được ban tặng rộng rãi. Tất cả mọi người đều có thể cảm nghiệm niềm vui được Thiên Chúa yêu thương, niềm vui của ơn cứu độ, và đức tin là một món quà mà người ta không thể giữ cho riêng mình, nhưng phải được chia sẻ.

Công đồng Vaticanô II đặc biệt nhấn mạnh đến bổn phận truyền giáo, bổn phận mở rộng ranh giới của đức tin, là của mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn Kitô hữu như thế nào: “Vì Dân Thiên Chúa sống trong những cộng đoàn, đặc biệt là các giáo phận và giáo xứ, và chính trong những cộng đoàn này mà một cách nào đó Dân Thiên Chúa trở nên hữu hình trong những cộng đoàn ấy, cho nên những cộng đoàn ấy cũng phải làm chứng cho Đức Kitô trước mặt muôn dân” (Sắc lệnh Ad Gentes, 37). Như thế mỗi cộng đoàn bị thách đố và được mời gọi nhận làm của riêng mình mệnh lệnh mà Chúa Giêsu đã trao phó cho các Tông đồ là “làm chứng nhân” cho Người “ở Giêrusalem, trong khắp vùng Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Và điều này không phải là một bình diện thứ yếu của đời sống Kitô hữu, nhưng là một bình diện thiết yếu: tất cả chúng ta đều được sai đi trên các nẻo đường thế gian để đồng hành với anh em của mình, trong khi tuyên xưng và làm chứng cho đức tin vào Đức Kitô và làm sứ giả của Tin Mừng.

Đôi khi lòng nhiệt thành, niềm vui, lòng can đảm, và hy vọng của chúng ta trở nên yếu ớt khi chúng ta rao giảng sứ điệp của Đức Kitô cho mọi người và giúp con người thời đại gặp gỡ Đức Kitô. Đôi khi, một số người vẫn còn nghĩ rằng việc rao truyền Chân Lý Tin Mừng là một việc vi phạm đến tự do… Chúng ta phải luôn luôn có can đảm và niềm vui để đề nghị, một cách tôn trọng, cuộc gặp gỡ Đức Kitô, để biến mình thành người mang Tin Mừng của Người. Chúa Giêsu đến giữa chúng ta để chỉ cho chúng ta con đường cứu độ, và trao phó cho chúng ta sứ vụ làm cho mọi người biết con đường ấy, cho đến tận cùng trái đất (x. Phanxicô, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2013).

Cầu nguyện

Lạy Chúa, chúng con được lãnh nhận đức tin từ tình yêu nhưng không của Chúa và từ đó mối liên hệ của chúng con với Đức Kitô mỗi ngày một vững bền hơn. Cũng nhờ đức tin mà chúng con đã cảm nếm được tình yêu thương và sự chăm sóc của Chúa. Giờ đây, xin cho chúng con cũng biết chia sẻ món quà đức tin ấy cho những anh chị em chúng con là những người chưa biết Chúa. Xin cho chúng con hăng say ra đi trên các nẻo đường thế gian để đồng hành với anh em chúng con, để tuyên xưng và làm chứng cho đức tin và làm sứ giả cho Tin Mừng của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

 

 

 

 

 

TUẦN 3

THỨ NĂM

HIỆP NHẤT CÙNG NHAU ĐỂ LÀM TÔNG ĐỒ

 

Lắng nghe Lời Chúa: 1Cr 12,12-20

Lời Chúa trong thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô

Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi. Giả như chân có nói: "Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể", thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như tai có nói: "Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể", thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi? Nhưng Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được? Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một.

Suy niệm: Hiệp nhất cùng nhau để làm tông đồ

Tất cả chúng ta đều chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí và được hiệp nhất với nhau trong cùng một thân thể là Đức Kitô. Nhờ Thánh Thần mà mỗi người Kitô hữu trong những vai trò, chức vụ và bổn phận khác nhau trở nên hiệp nhất với nhau. Sự hiệp nhất này là sức mạnh cho công tác hoạt động tông đồ. Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân đã nói về sự hiệp nhất này và mời gọi mỗi người chúng ta hiệp nhất cùng nhau để làm tông đồ:

Với tư cách cá nhân, người Kitô hữu được mời gọi hoạt động tông đồ trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống. Tuy nhiên họ nên nhớ rằng con người, tự bản chất đã có xã hội tính, và Thiên Chúa đã vui lòng tập hợp, những người tin vào Chúa Kitô thành dân Thiên Chúa và kết hợp họ thành một thân thể. Vậy hoạt động tông đồ tập thể rất phù hợp với đòi hỏi của các tín hữu dưới khía cạnh con người cũng như dưới khía cạnh Kitô hữu. Ðồng thời nó cũng biểu lộ được dấu chỉ hiệp thông và hiệp nhất của Hội Thánh trong Chúa Kitô, Đấng đã phán: "Vì đâu có hai, ba người nhân danh Thầy hội họp lại, Thầy sẽ ở giữa họ" (Mt 18,20).

Vì thế người Kitô hữu phải hiệp nhất cùng nhau để làm tông đồ. Họ phải làm tông đồ trong cộng đoàn gia đình cũng như trong giáo xứ và giáo phận là những cộng đoàn nói lên tính cách cộng đồng của hoạt động tông đồ. Hơn nữa họ phải làm tông đồ trong những đoàn thể tự do mà họ đã tự ý gia nhập.

Hoạt động tông đồ tập thể rất quan trọng vì trong các cộng đoàn Hội Thánh , cũng như trong các môi trường khác nhau, hoạt động tông đồ thường đòi hỏi phải được chu toàn do một hoạt động chung. Bởi vì các hội đoàn được thành lập nhằm hoạt động tông đồ tập thể, nâng đỡ và huấn luyện các hội viên làm tông đồ, phối hợp và hướng dẫn hoạt động tông đồ của họ để có thể hy vọng nơi họ những kết quả phong phú hơn là nếu từng người hoạt động riêng rẽ.

Vậy trong những hoàn cảnh hiện tại, nơi nào có giáo dân hoạt động thì hoạt động tông đồ nhất thiết phải được củng cố dưới hình thức tập thể và có tổ chức. Vì chỉ có việc liên kết chặt chẽ các nỗ lực mới mong đạt được đầy đủ mọi mục tiêu của hoạt động tông đồ ngày nay và bảo vệ hữu hiệu những kết quả của việc tông đồ đó. 

Do đó điều quan trọng đặc biệt là làm sao cho hoạt động tông đồ tác động vào não trạng quần chúng và những hoàn cảnh xã hội của những người mà hoạt động tông đồ nhằm tới. Nếu không, họ thường sẽ không đủ sức chống lại áp lực của dư luận quần chúng hay của các định chế (x. Cđ. Vaticanô II,  Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân, số 18).

Cầu nguyện

Lạy Chúa, mỗi người chúng con là một chi thể trong thân thể sống động của Đức Giêsu Kitô, được hiệp nhất nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần để cùng nhau loan báo Tin Mừng. Nhưng đã nhiều lần chúng con thờ ơ nguội lạnh đối với việc truyền giáo, mà đáng lý ra chúng con phải chu toàn. Xin Chúa biến chúng con thành con người mới biết nhiệt thành, hăng say đem Lời Chúa trao tặng cho anh em lương dân. Xin cho tất cả chúng con hiệp nhất với nhau, để từ đó hương thơm tốt lành của Tin Mừng, được lan tỏa ra nơi môi trường chúng con đang sống. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

 

 

 

 

 

TUẦN 3

THỨ SÁU

CÙNG VỚI HỘI THÁNH LOAN BÁO TIN MỪNG

 

Lắng nghe Lời Chúa: Lc 10,1-9

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca

Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông: Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.”

Suy niệm: Cùng với Hội Thánh loan báo Tin Mừng      

Toàn thể Hội Thánh có nhiệm vụ truyền giáo. Điều này có nghĩa là Hội Thánh có trách nhiệm truyền bá Tin Mừng cho toàn thể thế giới và cho mỗi phần đất trong đó Hội Thánh hiện diện. Vì vậy khi chúng ta làm bất cứ công việc gì nhằm vào công cuộc truyền giáo là chúng ta cùng với Hội Thánh loan báo Tin Mừng. Điều này đã được Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI nhắc đến trong tông huấn Loan báo Tin Mừng của ngài như sau:

Nhận thấy rằng Hội Thánh đã được sai đi và được lệnh phúc âm hoá thế giới phải làm cho chúng ta ý thức lại hai xác tín:

Xác tín thứ nhất: Rao giảng Tin Mừng không phải là một việc làm cá nhân, lẻ loi, thuộc riêng một ai nhưng là một công việc của toàn thể Hội Thánh. Khi một nhà rao giảng, một người dạy giáo lý, hay một chủ chăn tầm thường nhất sống trong một miền xa xăm nhất, lên tiếng giảng Tin Mừng, quy tụ cộng đoàn nhỏ bé hay cử hành bí tích, dầu chỉ một mình, người đó cũng đã thực hiện một tác động của Hội Thánh và việc làm của người ấy chắc chắn liên kết với hoạt động rao giảng Tin Mừng của toàn thể Hội Thánh, không những bằng những tương quan thuộc định chế, nhưng còn bằng những sợi dây vô hình và những liên hệ thâm sâu của trật tự ân sủng nữa. Dĩ nhiên người đó làm thế không phải vì một sứ mệnh mình tự gán cho mình hay do một thúc đẩy cá nhân, nhưng vì hiệp thông với sứ mệnh của Hội Thánh và nhân danh Hội Thánh.

Xác tín thứ hai: Nếu mỗi người rao giảng Tin Mừng nhân danh Hội Thánh và chính Hội Thánh lại rao giảng theo lệnh truyền của Chúa thì không một nhà rao giảng nào có toàn quyền trên công cuộc rao giảng của mình để tuỳ ý thực hiện theo những tiêu chuẩn và những viễn tượng cá nhân mình, nhưng người đó phải hiệp thông với Hội Thánh và với các chủ chăn của mình.

Như ta đã nói, toàn thể Hội Thánh có nhiệm vụ truyền giáo. Điều này có nghĩa là Hội Thánh có trách nhiệm truyền bá Tin Mừng cho toàn thể thế giới và cho mỗi phần đất trong đó Hội Thánh hiện diện (x. Phaolô VI, Tông huấn Loan báo Tin Mừng, số 60).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con gia nhập vào Hội Thánh Chúa và được cộng tác vào việc loan báo Tin Mừng của Chúa. Xin ban cho chúng con lửa nhiệt thành lòng hăng say cộng tác với các vị chủ chăn, để rao truyền Lời Chúa cho mọi người. Xin ban cho chúng con lòng vâng phục, để đón nhận sự hướng dẫn, góp ý xây dựng, mỗi khi tham gia vào những hoạt động chung của hội đoàn và giáo xứ, của giáo phận và của Hội thánh. Xin cho chúng con luôn hiệp thông với Hội Thánh và các các chủ chăn của mình để mang niềm vui Tin Mừng đến cho mọi người. Amen.

 

 

 

 

 

TUẦN 3

THỨ BẢY

TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC TÔNG ĐỒ TRONG GIA ĐÌNH

 

Lắng nghe Lời Chúa: Ep 5,21-6,1-4

Lời Chúa trong thư của Thánh Phaolô gởi tín hữu Êphêsô

Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy.

Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng.

Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.

Suy niệm: Tầm quan trọng của việc tông đồ trong gia đình

Các văn kiện của các Đức Thánh Cha gần đây đã xác quyết vai trò của gia đình là “không gian cho Tin Mừng được truyền đạt và từ đó Tin Mừng được tỏa ra… mọi thành viên đều được Tin Mừng hoá và đều Tin Mừng hoá… gia đình này sẽ Tin mừng hoá được nhiều gia đình khác và môi trường xung quanh”. Gia đình là một trong những tác nhân hiệu quả nhất trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Để được thế, cần tích cực tham gia vào đời sống giáo xứ, lãnh nhận các bí tích, cầu nguyện, học hỏi Kinh Thánh, yêu thương phục vụ (x. Tông huấn Hội Thánh tại Á Châu, số 46). Các gia đình phải nỗ lực trở nên gia đình truyền giáo.

Để giúp chúng ta ý thức hơn nữa việc truyền giáo trong gia đình, chúng ta cùng nghe lại lời các nghị phụ của Công đồng Vaticanô II đã chỉ dạy trong sắc lệnh Tông đồ Giáo dân:

Tất cả những việc ngày xưa vốn là bổn phận vợ chồng, ngày nay còn phải được coi là phần quan trọng nhất của việc tông đồ. Ðó là phải biểu lộ và chứng minh bằng đời sống tính cách bất khả phân ly và sự thánh thiện của dây hôn phối. Phải mạnh mẽ nói lên rằng quyền lợi và nhiệm vụ đã được trao ban cho bậc cha mẹ và những người bảo trợ là giáo dục con cái theo Kitô giáo. Phải bảo vệ phẩm giá và quyền tự trị hợp pháp của gia đình. Chính gia đình đã lãnh nhận từ Thiên Chúa sứ mệnh trở nên tế bào đầu tiên và sống động của xã hội. Gia đình sẽ chu toàn được sứ mệnh đó nếu gia đình tỏ ra như một đền thờ của Hội Thánh trong nhà mình nhờ yêu thương nhau và cùng nhau dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa, nếu toàn thể gia đình cùng tham dự vào việc phụng vụ của Hội Thánh, sau cùng nếu gia đình tỏ ra hiếu khách và cổ võ đức công bằng cũng như những việc thiện khác giúp các anh em đang túng thiếu.

Trong các việc tông đồ của gia đình cần phải kể đến những việc như: nhận làm con những đứa trẻ bị bỏ rơi, ân cần tiếp đón những khách lạ, cộng tác với học đường, khuyên bảo và giúp đỡ thanh thiếu niên, giúp những người đã đính hôn chuẩn bị cho việc hôn nhân của họ được tốt đẹp, giúp dạy giáo lý, nâng đỡ những đôi vợ chồng cũng như những gia đình khi họ gặp khó khăn về vật chất hay tinh thần, lo cho người già cả không những có những điều cần thiết, mà còn cung cấp cho họ những tiện nghi chính đáng của tiến bộ kinh tế.

Ở mọi nơi và mọi lúc, nhất là trong những miền mà hạt giống Phúc Âm vừa được gieo vãi, hoặc trong những nơi Hội Thánh mới được thành lập hay trong những nơi Hội Thánh đang gặp những trở ngại lớn lao, những gia đình Kitô giáo vẫn là chứng nhân quí giá nhất của Chúa Kitô đối với thế gian bằng tất cả đời sống gắn liền với Phúc Âm và tỏ ra là gia đình Kitô giáo gương mẫu (x. Cđ. Vaticanô II, Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân, số 11).

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa là Đấng ban đầy ân sủng, xin Thánh Thần Chúa tuôn đổ nơi gia đình chúng con niềm vui và ước muốn tôn vinh Chúa để chúng con biết cùng nhau chia sẻ cho mọi người niềm vui Tin Mừng mà chúng con đã lãnh nhận. Xin dạy chúng con biết sống can đảm và trung tín. Xin hãy nâng đỡ những cố gắng của chúng con để nhân danh Đức Kitô, chúng con cùng bước đi trong tình yêu thương, và thúc đẩy nhau trở thành khí cụ của tình yêu Chúa bằng cách chia sẻ những gì Chúa ban. Xin cho mọi gia đình biết sống yêu thương đậm đà để nêu gương sáng, để nên chứng nhân như gia đình Thánh gia. Chúa là Thiên Chúa hằng sống, xin dẫn bước gia đình chúng con lên đường loan truyền tình yêu Chúa cho mọi người. Amen.