16/05/2011
2079
VIỆC TÌM HÀI CỐT CỦA MỘT SỐ NHÀ NGOẠI CẢM LIÊN QUAN ĐẾN CHUYỆN CẦU CƠ, BÓI TOÁN, MA THUẬT...

VIỆC TÌM HÀI CỐT CỦA MỘT SỐ NHÀ NGOẠI CẢM

LIÊN QUAN ĐẾN CHUYỆN CẦU CƠ, BÓI TOÁN,

MA THUẬT VÀ HIỆN TƯỢNG GỌI  HỒN

  16f1649b-a02b-433a-acf2-91e0277ae849.png

Vì nhu cầu mục vụ trong Giáo phận của mình, Đức Giám mục Hải Phòng trong thư gửi cho UBGLĐT, trực thuộc HĐGMVN, đã nêu lên một số ưu tư hiện nay của ngài, liên quan đến đức tin của người tín hữu.

Xin được ghi lại ở đây một số ưu tư mục vụ của Đức Cha Hải phòng và cố gắng giải đáp bước đầu của UBGLĐT.

 

I. MỘT SỐ ƯU TƯ MỤC VỤ

1. Việc tìm hài cốt

Từ một vài năm nay, xuất hiện rất nhiều người cho rằng họ có thể liên hệ với người chết. Những người này tự xưng là những nhà “ngoại cảm”. Họ có thể tìm được mộ của những người đã chết từ lâu. Khá nhiều người đã nhờ họ tìm mộ. Thông thường, việc tìm mộ đi liền với các nghi thức cúng bái, hương nhang, gọi hồn người chết về nói chuyện với những thân nhân còn sống.

Theo tâm lý và tình cảm thông thường, những thân nhân gia đình mong muốn tìm được mộ người thân, vì họ chỉ an tâm khi biết thân nhân của họ đã “mồ yên mả đẹp”. Vì thế, nhiều người đổ xô nhau đi tìm mộ người thân đã chết trong chiến tranh (đi bộ đội). Một số người công giáo cũng nhờ các nhà ngoại cảm tìm mộ, cũng hương nhang cúng bái để cuối cùng chỉ tìm được một chút đất màu đen, chẳng biết có phải là mộ của người thân hay không. Một số linh mục bối rối vì những người công giáo, sau khi tìm được “mộ” người thân thì xin đưa vào nhà thờ tổ chức lễ an táng như đối với một người mới qua đời.

Có nhiều dư luận trái chiều nhau về vấn đề này. Có người cho rằng đây chỉ là một trò lừa đảo. Người khác lại tin điều đó là có thật.

2. Hiện tượng gọi hồn

Gần đây có nhiều trường hợp được coi là nhập hồn. Có những người lớn bị hồn trẻ em đã bị phá thai nhập vào để than vãn và kể lại tình cảnh mình bị giết như thế nào. Có trường hợp người chết nhập hồn vào con cháu, đòi phải cúng bái, giải hạn… một số người công giáo lén lút hương khói theo chỉ dẫn của những người này để mong gia đình được yên ổn.

Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công giáo từ số 2115 đến 2117 đã nêu rõ những hành vi cậy nhờ đến ma quỷ như chiêu hồn, bói toán… đều nghịch với đức tin. Vậy phải giải quyết vấn đề như thế nào cho phù hợp với những gì đang xảy ra hịên nay. Những câu hỏi được đặt ra là:

1) Có nên cấm giáo dân nhờ các nhà ngoại cảm can thiệp không?

2) Phải giải thích thế nào trong một số trường hợp xem ra là “rất chính xác” về những chỉ dẫn của các nhà ngoại cảm?

3) Đối với những trường hợp tìm mộ có “màu sắc” mê tín dị đoan, có được cử hành các lễ nghi công giáo (an táng…) không?

 

II. GIẢI ĐÁP BƯỚC ĐẦU CỦA UBGLĐT

Trong khi chờ đợi một sự nghiên cứu kỹ lưỡng và đầy đủ hơn về những vấn đề do Đức Cha Hải Phòng nêu lên, UBGLĐT xin được đưa ra lời giải đáp bước đầu tạm thời như sau :

 

Liên quan đến những câu hỏi đã nêu trên, thiết tưởng nên bắt đầu bằng vài nguyên tắc chung, trước khi đi đến giải quyết vấn đề cách cụ thể.

       A. NGUYÊN TẮC

Khi bàn về Giáo lý của Hội Thánh liên quan đến chuyện cầu cơ, ma thuật, chúng ta phải phân biệt ba khía cạnh khác nhau : đạo lý (tín lý), khoa học và tâm lý (mục vụ).

1.  Đạo lý

Phạm vi chuyên môn của Giáo Hội là phán đoán hành vi tốt hoặc xấu xét theo luân lý, dựa trên Thánh Kinh và Thánh Truyền. Về phương diện này, những hành vi nào trái ngược lại với việc tôn kính Thiên Chúa đều bị ngăn cấm :

- Không ai được phép thờ lạy ma quỷ, hoặc kêu cầu chúng đến trợ lực.

- Không ai được phép đòi buộc Thiên Chúa phải tỏ cho biết tương lai của mình.

- Không ai được phép kêu hồn người chết. (Linh hồn những người chết ở trong tay Chúa, chứ không đi lang thang đến không trung).

2.  Khoa học

Giáo Hội không can thiệp vào công việc nghiên cứu của các nhà khoa học. Nói đến chuyện khoa học có nghĩa là tìm hiểu sự thực như thế nào, hay chỉ là chuyện ảo giác, và tệ hơn nữa, chuyện lừa đảo, bịp bợm. Phải chăng khi cầu cơ thì ma hiện về thật, hay chỉ là do “ảo tưởng tập thể”?

Xin đưa ra một thí dụ lành thánh để giải thích thêm : Nếu ai nói rằng họ thấy Đức Mẹ hiện ra thì chúng ta có nên tin không ? Chắc chắn là không. Trước hết cần phải điều tra hư thực như thế nào : Đương sự có phải là người tâm thần quân bình không ?  Đương sự có chủ tâm lường gạt ai không, có muốn khai thác lòng nhẹ dạ để kiếm tiền không ?

3. Tâm lý

Có khi một chuyện không xấu xét về mặt luân lý nhưng có hại cho sức khoẻ (dù thể lý hay tâm lý) thì người có trách nhiệm giáo dục phải khuyên can. Thí dụ: Ai thức đêm coi TV rồi mất ngủ thì sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm. Rồi nếu xem những phim giật gân thì có thể gây hại cho cảm xúc, lo lắng. Về phương diện này, chúng ta dễ hiểu vì sao Giáo Hội cấm việc bói toán : Một đàng nó mất tiền, đàng khác nó làm cho mình mất tinh thần trách nhiệm bởi vì cứ phó mặc cho vận mạng, không dám lãnh trách nhiệm. Sự ngăn cấm này nằm trong mối quan tâm mục vụ.

Những điều viết trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo thuộc về phạm vi thứ nhất và thứ ba, chứ không thuộc về phạm vi thứ hai.

Số 2115 : thuộc về phạm vi tâm lý (tò mò không lành mạnh) tuy cũng gián tiếp đề cập đến phạm vi đạo lý (phó thác tin tưởng cho Chúa).

Số 2116 : thuộc về phạm vi đạo lý

Số 2117 :

Rõ ràng phân biệt ba phạm vi :

a) Đạo lý (lỗi nhân đức thờ phượng) ;

b) Tâm lý (mang bùa là điều đáng trách : nhảm nhí) ;

c) Khoa học : Được phép dùng những phương thuốc gọi là gia truyền, miễn là không kêu cầu quyền lực sự dữ hay nhằm lợi dụng người khác.

      B. ĐI VÀO CỤ THỂ

1. Trước hết, cần phải xác định tính cách khoa học của các nhà ngoại cảm. Có đáng tin không ?  Hay cũng giống như mấy ông thầy bói?

2.  Phải giải thích thế nào về những trường hợp xem ra rất chính xác?

Đây thuộc về lĩnh vực khoa học. Tại sao có những người tìm được mạch nước để đào giếng ? Thưa là bởi vì họ có những “giác quan đặc biệt”. Một cách tương tự như vậy, tâm lý nói đến hiện tượng “thần giao cách cảm” (tiếng Anh: telepathy; tiếng Pháp: télépathie), với nhiều lối giải thích khác nhau (xin coi trên Wikipedia). Thiết tưởng hiện tượng chuyện “nhập hồn” cũng có thể xếp vào hạng này.

3. Việc “gọi hồn người chết” có thể được xem xét dưới nhiều khía cạnh:

a) Khoa học : Có đúng như vậy không, hay chỉ là bị ám ảnh?

b) Đạo lý : Chắc chắn là không được, như đã nói trên.

c) Tâm lý : Gây ra những sợ hãi lo âu, và chắc hẳn là không lành mạnh.

4.  Lễ nghi an táng :

Cũng cần được xem xét dưới nhiều khía cạnh :

a. Khoa học : Cần kiểm tra có chắc thực là hài cốt của người quá cố, hay chỉ là “chút đất màu đen” ?

b. Phụng vụ : Lễ nghi an táng chỉ được thực hiện đối với xác chết (presente cadavere), chứ không đối với nắm tro. Ngay cả hài cốt hỏa thiêu, Giáo Hội cũng không cử hành Thánh lễ an táng, bởi vì thiếu trung thực với cử chỉ. Trong nghi thức an táng với sự hiện diện của thân xác, Giáo Hội bày tỏ lòng tôn kính đối với thân xác đã được thánh hóa nhờ Bí tích Rửa tội và trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần. Đám tro tàn không còn bộc lộ được dấu hiệu đó nữa, vì thế không thể dành cho đám tro tàn những nghi thức dành cho thân xác (tựa như xông hương). Dĩ nhiên, việc cầu nguyện và dâng Thánh Lễ cầu cho những người qua đời là chuyện khác, cho dù có thi hài hay không. Đây là ý kiến của bài viết đăng trên báo Notitiae của bộ Phụng tự năm 1977 trang 45.

 

(Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP, nguyên Khoa trưởng Phân khoa Thần học Đại học Angelicum, Roma - Trưởng Nhóm Thần học Tín lý của UBGLĐT, trực thuộc  HĐGMVN)