VIỆC THIÊN CHÚA QUAN PHÒNG VÀ SỰ HIỆN HỮU CỦA
CÁI ÁC
Đức tin vào Thiên Chúa quan phòng là một đức
tin chắc chắn, vì được bắt nguồn từ chính mạc khải của Thiên Chúa, được truyền
thống của Hội Thánh không ngừng giảng dạy. Tuy vậy, đứng trước vấn đề sự ác,
lắm khi ở vào mức độ khốc liệt, trong kiếp sống làm người, đã không ít lần,
niềm tin này bị nhiều người đặt thành vấn đề. Nếu mọi sự là do Chúa và bởi
Chúa, nếu Chúa là Cha hằng yêu thương quan phòng cho vạn vật, thì sự ác phải
được giải thích như thế nào? Dựa vào mặc khải của Thiên Chúa cũng như suy tư
của các Giáo Phụ, các nhà thần học, chúng ta cùng tìm hiểu về vấn đề này.
I.
ĐỨC TIN CÔNG GIÁO VỀ SỰ QUAN PHÒNG
1.
Giáo lý Hội Thánh
Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 301 viết: "Sau khi sáng tạo, Thiên Chúa
không bỏ mặc các thụ tạo của Người. Người không chỉ ban cho chúng hữu thể và
hiện hữu, Người còn luôn gìn giữ chúng hiện hữu, cho chúng khả năng hành động
và đưa chúng đến cùng đích." Sự gìn giữ, sắp xếp và tác động thúc đẩy các
tạo vật để chúng đi đến cùng đích ấy được gọi là việc Thiên Chúa quan phòng.
Bởi lẽ "công trình sáng tạo có sự hoàn hảo riêng, nhưng chưa hoàn tất khi
được dựng nên. Vạn vật đang ở trong một tiến trình hướng đến sự trọn hảo tối
hậu do Thiên Chúa định sẵn." (GLCG 302).
Như vậy, giáo lý của Hội Thánh dạy một cách rất rõ ràng rằng, Thiên Chúa không
chỉ sáng tạo nên vạn vật rồi bỏ mặc chúng, mà Người còn quan tâm chăm sóc và
điều hành chúng bằng ý định đầy quyền năng của Người.
Lý do mà thụ tạo cần đến sự quan phòng của Thiên Chúa nằm ngay trong bản chất
của tạo vật. Mọi thụ tạo vốn là những hữu thể bất tất, không thể tự mình tồn
tại và đứng vững, mà luôn phải lệ thuộc vào Thiên Chúa là nguyên nhân làm nên
chúng. "Tính bất tất của thụ tạo có ngay từ đầu và ám ảnh thụ tạo mãi, nên
muốn bổ túc cho nó có, cứ phải cần đến nguyên nhân đã làm cho nó ngay từ đầu.
Chỉ Thượng Đế mới tự mình có điều kiện để tự hữu và để luôn luôn có."[1]
Do đó việc Thiên Chúa quan phòng trước hết là việc Thiên Chúa bảo tồn tạo vật
do Người đã sáng tạo. "Thật ra thì tác động bảo tồn và tác động sáng tạo
chỉ khác nhau theo quan điểm trí khôn thôi... Tác động bảo tồn không phải là
tác động mới, nhưng chỉ là tiếp tục tác động sáng tạo mà thôi."[2]
Do vậy mà việc quan phòng còn biểu dương quyền năng của Thiên Chúa nữa.
Còn về cách thức quan phòng, giáo lý Hội Thánh Công Giáo, các số từ 303 đến 308
nói rằng: Thiên Chúa hoàn toàn làm chủ ý định của Người. Người quan phòng chăm
sóc mọi sự cách cụ thể và trực tiếp, từ những cái nhỏ nhất đến những biến cố vĩ
đại của thế giới và lịch sử. Nhưng để thực hiện, Người dùng đến sự cộng tác của
các nguyên nhân đệ nhị là các thụ tạo. Điều này không có nghĩa là Thiên Chúa
yếu kém, nhưng là dấu chỉ của sự cao cả và lòng tốt của Thiên Chúa toàn năng.
2.
Mạc khải
Đức tin của Hội Thánh vào việc Thiên Chúa quan phòng được đặt trên nền tảng của
mặc khải trong Kinh Thánh.
Quả vậy, trong Kinh Thánh, cả trong Cựu Ước và Tân Ước, chúng ta đều tìm thấy
rất nhiều câu mặc khải về việc Thiên Chúa bảo tồn vạn vật và con người. Chúng
ta chỉ tạm trích dẫn ra đây một ít câu tiêu biểu. Chẳng hạn trong Thánh Vịnh
103,29-30 nói rằng: "Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; Ngài lấy
sinh khí lại là chúng tắt thở ngay, mà trở về với cát bụi. Sinh khí của Ngài,
Ngài gởi tới là chúng được dựng nên." Hay trong sách Khôn Ngoan 2,26:
"Nếu Chúa không muốn, vật nào tồn tại được. Làm thế nào để chúng được bảo
tồn nếu Chúa không để ý đến nó." Chuyển sang Tân Ước, đức tin vào việc
quan phòng của Thiên Chúa trong ý nghĩa bảo tồn vạn vật, được nhấn mạnh một
cách đặc biệt trong tư tưởng của thánh Phaolô. Cụ thể, trong diễn từ của thánh
Phaolô trước Hội đồng A-rê-ô-pa-gô được ghi lại trong sách Công Vụ Tông Đồ,
chúng ta tìm thấy mấy câu như sau: "Người ban cho mọi loài sự sống, hơi
thở và mọi sự" (Cv 17,25). "Chính nơi Người mà chúng ta sống, cử động
và hiện hữu" (Cv 17,28). Ý nghĩa này còn được chính thánh Phaolô đề cập
một cách rõ nhất trong thơ Rôma 11,36: "Vì muôn vật đều do Người mà có,
nhờ Người mà tồn tại và qui hướng về Người.
Ngoài ra trong Kinh Thánh, sự quan phòng của Thiên Chúa còn được trình bày như
sự quan tâm săn sóc ân cần của Thiên Chúa đầy lòng yêu thương đối với các tạo
vật của Người. Chẳng hạn Thánh Vịnh 145,15-16: "Lạy Chúa, muôn loài ngước
mắt trông lên Chúa, và chính Ngài đúng bữa cho ăn. Khi Ngài rộng mở tay ban, là
bao sinh vật muôn vàn thoả thuê." Hay trong Thánh Vịnh 146,8-9: "Ngài
lấy mây che phủ bầu trời và cho mưa xuống đất. Ngài cho núi mọc cỏ xanh để cho
thú vật có của ăn." Riêng đối với con người, Isaia 26,12 nói: "Lạy
Chúa, Ngài cho chúng con được an cư lạc nghiệp, vì hết mọi việc chúng con làm
đều do Ngài thực hiện cho chúng con." Trong Tin Mừng thánh Mathêu, chính
Đức Giêsu cũng đã kêu gọi mọi người tin tưởng vào việc Chúa quan phòng (x. Mt
6,25-34).
Như vậy, trong Kinh Thánh, khuôn mặt Thiên Chúa được mô tả như một người cha
đầy yêu thương, luôn quan tâm săn sóc cho vạn vật, đặc biệt là con người.
3.
Các giáo phụ
Dựa vào mặc khải, tuy chỉ nói rất tổng quát, một số giáo phụ cũng đã suy tư và
trình bày cho chúng ta về việc Chúa quan phòng.[3]
Thánh Justinô viết: "Vật tham phần thời khác và chính vật được vật đó tham
phần vào thời khác. Linh hồn tham phần sự sống vì Thượng Đế muốn nó sống. Một khi
Ngài không muốn nó sống nữa, là nó thôi không được tham phần nữa. Vì khác với
Thượng Đế, linh hồn không có sự sống bởi riêng mình."
Tương tự như thế, thánh Irênê nói: "Mọi vật đã bắt đầu có và chúng tồn tại
bao lâu Thượng Đế muốn cho chúng có và tồn tại."
Trong khi đó thánh Gioan Kim Khẩu viết: "Chúa lưu ý đến từng điều cho con
người. Phần ta, ta không thêm được gì cho thân ta, nhưng Chúa quan phòng làm
hoàn toàn đầy đủ mọi việc cho ta. Nếu không có Chúa quan phòng, thì mọi sự lo
lắng vất vả của chúng ta đều vô ích."
Thánh Basiliô dùng kiểu nói tỉ dụ, ví von để nói về vấn đề này như sau:
"Chúa cho bò ngựa có cỏ, thì lại cho con người có của cải sinh sống. Chúa
tạo nên mọi thứ là dự bị cho con người có đủ thức ăn... Không có gì là không có
lý do hay tình cờ, nhưng là kết quả của tài khôn ngoan vô cùng."
Thánh Augustinô thì đưa ra một nhận xét chí lý: "Thượng Đế không phải như
một kỹ sư xây nhà xong có thể bỏ đấy đi, vì nếu Ngài ngơi tay ra thì tất cả vũ
trụ sụp đổ." Thánh nhân viết tiếp: "Sao tôi lại xin để Chúa ở trong
tôi, trong khi tôi không thể tồn tại nếu Chúa không ở trong tôi?" Theo
ngài, đúng hơn phải nói: "Tôi không thể tồn tại nếu tôi không ở trong
Chúa, mà do đó, nhờ đó và trong đó tất cả mọi vật tồn tại."
II.
VIỆC CHÚA QUAN PHÒNG VÀ VẤN NẠN VỀ SỰ ÁC
1.
Kinh nghiệm về sự ác
Sự ác hay sự dữ luôn là một nỗi kinh hoàng, ám ảnh và đeo bám con người, đến
nỗi, giáo lý nhà phật nói rằng: đời là bể khổ. Quả thế, đã là con người, không
ai là không có kinh nghiệm về sự ác. Bất kể là người già hay trẻ em, đàn ông
hay đàn bà, người giàu có cũng như người nghèo khổ, tất cả đều phải kinh qua
những khổ đau của kiếp người: đau khổ, bệnh tật, chiến tranh, khủng bố, thiên
tai, nghèo đói...
Chắc chúng ta còn nhớ những nỗi kinh hoàng của người dân các tỉnh phía nam Việt
Nam: Bình Thuận, Vũng Tàu, Long An, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ và Kiên Giang,
khi cơn bão số 6 bất ngờ đổ ập đến vào tháng 10 năm 2006. Cơn bão kéo dài không
lâu, nhưng cũng kịp giết chết hàng trăm người và làm cho hàng triệu người phải
chịu cảnh màn trời chiếu đất.
Xa hơn một chút, ngày 11 tháng 9 năm 2001, cuộc tấn công bằng máy bay dân sự
làm sụp đổ hoàn toàn toà tháp đôi, trung tâm thương mại thế giới, giết chết hơn
hai ngàn người đang làm việc tại đây. Biến cố này không chỉ làm chấn động nước
Mỹ, mà còn làm rung động cả thế giới, và phải còn rất lâu người ta mới có thể
nguôi ngoai đi được.
Có thể nói sự ác được đẩy đến cùng cực trong cuộc thế chiến lần thứ II, với
những lò thiêu sống khổng trong các trại trại tập trung của Đức quốc xã. Đó sẽ
là nỗi kinh hoàng mà người Do thái nói riêng và mọi người trên thế giới nói
chung không bao giờ có thể quên được.
Đứng trước những đau thương triền miên của cuộc đời, rất nhiều câu hỏi xung
quanh vấn đề về sự hiện hữu và sự quan phòng của Thiên Chúa đã được đặt ra.
Thiên Chúa có hay không? Nếu Ngài có thì Ngài ở đâu khi sự ác xảy ra? Thiên
Chúa là nguyên nhân của mọi sự, vậy Ngài có là nguyên nhân gây ra sự ác hay
không? Chẳng lẽ Thiên Chúa lại bất lực trước sự ác? Nếu thế thì quyền năng của
Ngài ở đâu? Hoặc nếu Ngài đầy tình yêu thương thì tại sao Ngài lại không ngăn
cản sự ác?... Những vấn nạn vẫn liên tục được đặt ra và đã có rất nhiều người
không thể tìm được câu trả lời thoả đáng cho vấn đề này. Chính vì thế mà họ đã
mất niềm tin vào Thiên Chúa.
2.
Giải quyết vấn nạn sự ác
Nếu Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, Đấng Sáng Tạo nên thế giới có trật tự và tốt
lành, chăm sóc hết mọi loài thụ tạo, tại sao lại có sự ác? Chúng ta có thể tìm
được câu trả lời cơ bản nhất nhằm hoá giải vấn nạn về sự ác từ những suy tư của
các giáo phụ và các nhà thần học, cũng như từ giáo huấn của Hội Thánh.
Theo quan điểm của thánh Irênê và thánh Augustinô, mọi sự do Thiên Chúa sáng
tạo muôn vật, tự bản chất chúng là tốt đẹp (St 1,31), vì chính Thiên Chúa là
Đấng toàn năng, toàn thiện. Tuy nhiên thiện tính nơi thụ tạo không có nghĩa là
chúng đã hoàn hảo, mà Thiên Chúa đã sáng tạo chúng và đặt chúng vào tiến trình
đi đến sự hoàn hảo. Như vậy do tính chất bất toàn và giới hạn của thụ tạo mà có
sự ác trong tự nhiên và trong thế giới con người.[4]
Dựa trên quan điểm hữu thể học, thánh Tôma Aquinô, trong bộ tổng luận thần học
của mình đã định nghĩa về sự ác là do một hữu thể nào đó thiếu hay khiếm khuyết
một sự thiện hảo nào đó đáng lẽ phải có. Thiếu hay khiếm khuyết sự thiện hảo
đối với các thụ tạo về mặt chất thể được gọi là sự dữ thể lý, còn sự thiếu hay
khiếm khuyết đó về mặt mô thể được gọi là sự ác luân lý. [5]
Quan điểm này của thánh Tôma nhằm biện minh rằng Thiên Chúa không phải là tác
giả của sự ác.
Như vậy, thánh Augustinô và thánh Tôma đã cho chúng ta câu trả lời về nguồn gốc
của sự ác. Theo các ngài, Thiên Chúa là Đấng toàn năng, toàn thiện nên Ngài
không thể là nguyên nhân tạo ra sự ác. Tuy nhiên câu trả lời này lại tạo ra một
vấn nạn khác: tại sao Thiên Chúa không sáng tạo những thụ tạo hoàn hảo một lần
cho xong, mà Ngài lại đặt chúng trong một tiến trình tiến triển để tạo kẽ hở
cho sự ác xuất hiện?
Nhằm trả lời cho vấn nạn này, giáo lý Hội Thánh Công Giáo đã dựa trên quan điểm
của thánh Tôma Aquinô để trình bày cho chúng ta rằng: "Xét theo quyền năng
vô biên, Thiên Chúa vẫn có thể tạo dựng được điều tốt hơn. Nhưng trong sự khôn
ngoan và nhân hậu vô biên của Người, Thiên Chúa đã tự ý sáng tạo một thế giới
trong tiến trình tiến về sự trọn hảo tối hậu. Theo ý định của Thiên Chúa, sự
tiến hoá này gồm có việc vật này xuất hiện và vật khác biến đi, có cái hoàn hảo
hơn và có cái kém hơn, có xây đắp và cũng có tàn phá trong thiên nhiên. Vì vậy
bao lâu mà cuộc sáng tạo chưa đạt được sự trọn hảo của nó, thì cùng với điều
tốt thể lý, cũng có sự ác về thể lý."[6]
Còn về sự ác luân lý, giáo lý Hội Thánh nói như sau: "Thiên Thần và con
người là những thụ tạo thông minh và tự do, nên phải tiến về cùng đích bằng một
sự lựa chọn tự do... Do đó họ có thể lầm lạc. Trong thực tế, họ đã phạm tội.
Như vậy, sự ác luân lý đã xâm nhập vào thế giới."[7]
Tới đây, sẽ có người hỏi rằng, Thiên Chúa là Đấng đầy lòng yêu thương và quyền
năng. Ngài đã muốn cho con người được sống hạnh phúc khi tạo dựng nên họ. Ngài
cũng luôn quan phòng, chăm sóc cho mọi tạo vật của Ngài. Vậy tại sao Ngài không
ngăn chặn sự ác mà lại im lặng, hay ít ra có vẻ im lặng để mặc cho nó xảy ra
như thế?
Khi bàn về vấn đề này, tác giả Domonique Morin đã nói như sau: "Thiên Chúa
đã tạo dựng con người không những như một hữu thể có tự do và trách nhiệm hoàn
toàn đối với cuộc sống của mình, mà còn là một hữu thể có khả năng sáng tạo
nữa."[8]
Một khi Thiên Chúa đã ban cho con người có tự do, thì đồng thời Ngài cũng phải
tôn trọng sự tự do của con người. Như thế cũng có nghĩa là Ngài phải chấp nhận
những "rủi ro" và những "lạm dụng" khi con người sử dụng tự
do của mình.[9]
Như vậy một cách rõ ràng, sự ác không do Thiên Chúa tạo ra, vì Ngài là Đấng
toàn năng và toàn thiện. Tuy vậy, có thể nói Ngài cho phép nó xảy ra, vì Ngài
hoàn toàn tôn trọng các tạo vật do chính Ngài sáng tạo. Thế nhưng chúng ta cũng
nên nhớ rằng Thiên Chúa là Đấng toàn năng tuyệt đối, Ngài có thể rút ra điều thiện
từ chính trong những điều ác.[10]
Chính vì thế, giáo lý Hội Thánh Công Giáo lưu ý rằng: "Trước câu hỏi không
thể tránh và khẩn thiết, vừa đau thương vừa bí nhiệm này không thể có một câu
trả lời ngắn ngọn mà đầy đủ được. Toàn bộ đức tin Kitô giáo là câu trả lời cho
câu hỏi này."[11]
3.
Nỗ lực hoá giải cái ác
Nếu
Thiên Chúa là Đấng nhân lành vô cùng, thì chắc chắn Ngài không muốn cho con
người phải chịu đau khổ do cái ác gây ra. Chính vì thế, chúng ta không thể chấp
nhận tư tưởng tìm kiếm khổ đau để mà chịu đựng, xong gọi đó là "thánh
giá" Chúa gởi. Nếu cái ác không phải là điều Chúa muốn, cũng không phải là
điều chúng ta muốn, thì chúng ta phải luôn nỗ lực để hoá giải nó. Đây là một
đòi hỏi vô cùng khó khăn. Hoá giải hoàn toàn cái ác là điều không thể, vì con
người không phải là đấng toàn năng. Thế nhưng hạn chế nó một phần, cũng như hạn
chế ảnh hưởng của nó là điều chúng ta có thể làm được. Vậy, chúng ta phải làm
như thế nào? Và phải bắt đầu từ đâu? Đó mới là vấn đề. Nếu cái ác không do bởi
Chúa, mà xuất hiện bởi sự bất tất của tạo vật và sự lạm dụng tự do của các tạo
vật có lý trí, thì để hoá giải cái ác, chúng ta có lẽ cũng phải bắt đầu từ đó.
Đối
với cái ác thể lý, chúng ta có thể hoá giải một phần bằng cách nỗ lực khám phá
những qui luật của thiên nhiên, và sống nương theo những qui luật đó. Vì như
thánh Tôma Aquinô, mọi tạo vật được Thiên Chúa dựng nên vẫn được hưởng một qui
chế đặc biệt: tính cách tự trị. Trong vũ trụ hữu hình, có cả một trật tự thực
sự riêng biệt, có môi trường hoạt động với bản tính riêng của mỗi sự vật. Theo
Ngài, dường như Thiên Chúa cũng phải tự buộc mình phải tôn trọng mọi vật do
chính Người đã tác tạo.[12]
Chẳng hạn nếu chúng ta biết rằng rừng xanh có tác dụng ngăn nước khi trời mưa
lớn, thì để hạn chế bớt lũ lụt, chúng ta phải tránh phá rừng bừa bãi. Hay để
hạn chế hiệu ứng nhà kính khiến cho nhiệt độ trái đất nóng dần lên, gây xáo
trộn khí hậu, để hạn chế sự tan chảy của những tảng băng khổng lồ vùng bắc cực
gây lụt lội và có thể nhận chìm một số thành phố duyên hải, con người buộc phải
hạn chế khí thải... Một vài ví dụ cụ thể đó cho thấy rằng chúng ta có thể hoá
giải một phần sự ác thể lý nếu chúng ta biết nỗ lực khám phá những qui luật
thiên nhiên do Thiên Chúa quan phòng đã thiết định và sống nương theo những qui
luật ấy.
Cái
ác luân lý là những thứ xuất phát từ sự lạm dụng tự do của con người, có lẽ còn
gây ra hậu quả tàn khốc hơn rất nhiều so với cái ác thể lý. Bởi lẽ Thiên Chúa
đã tạo dựng nên con người có tự do, và Ngài hoàn toàn tôn trọng sự tự do ấy,
đến nỗi con người có thể dùng chính sự tự do ấy để chống lại chính Ngài. Do đó,
sử dụng tự do như thế nào là trách nhiệm của con người. Tuy nhiên chúng ta cũng
cần phải hiểu rằng "càng làm điều thiện, con người càng trở nên tự do. Chỉ
có tự do đích thực khi con người phục vụ cho điều thiện và công bằng. Khi bất
tuân ý Chúa và chọn điều ác, con người lạm dụng tự do và trở nên nô lệ cho tội
lỗi."[13]
Đây chính là cách hoá giải sự ác luân lý: sự dụng tự do Chúa ban để hành thiện.
Vì chính khi con người lạm dụng tự do là lúc những tai hoạ, khổ đau xuất hiện.
Tuy
nhiên, thực tế cho thấy con người không thể tránh khỏi khổ đau một cách hoàn
toàn. Vậy thái độ của chúng ta đối với khổ đau là như thế nào? Câu trả lời là
chấp nhận nó với tình yêu của Thiên Chúa. Đây chính là con đường mà Đức Giêsu
đã đi, con đường thập giá. Chính trên thập giá, Đức Giêsu đã mặc cho đau khổ
một ý nghĩa mới: "Chúa Giêsu không huỷ bỏ nước mắt, Người chỉ lau nước mắt
vài lần trên đường của Người (Lc 7,13; 8,52) để làm dấu chỉ cho niềm vui sẽ kết
hợp Thiên Chúa và con cái Ngài trong ngày ‘Người sẽ lau sạch nước mắt trên mọi
gương mặt (Is 25,8). Đau khổ có thể trở thành toàn phúc, dọn lòng tiếp đón
vương quốc và tạo điều kiện mặc khải những công trình của Thiên Chúa, vinh
quang Thiên Chúa và vinh quang của Con Thiên Chúa."[14]
Người
Galiêa
Nguồn: Kitô Vua
[1]
Nguyễn Văn Hạnh, Thiên Chúa sáng tạo, HVĐM 2005, trang 80.
[2]
Nguyễn Văn Hạnh, Thiên Chúa sáng tạo, HVĐM 2005, trang 80.
[3]
Phần này được tích lại trong Nguyễn Văn Hạnh, Thiên Chúa
sáng tạo, HVĐM 2005, trang 79.
[4]
Xc Nguyễn Đăng Trực, Lý học về Thượng Đế, HVĐM, trang 54.
[5]
Xc Tôma Aquinô, Tổng luận thần học, câu hỏi 49.
[6]
GLCG, số 310.
[7]
GLCG, số 311.
[8]
Dominique Morin, Gọi tên Thượng Đế, Tủ sách chuyên đề,
trang 74.
[9]
Xc Đinh Thanh Bình, Lạy Chúa tại sao Ngài im lặng, Tủ sách
dân Chúa 1995, trang 87.
[10]
Xc GLCG, số 312.
[11]
GLCG, số 309.
[12]
Xc Nguyễn Trọng Viễn, Lịch sử triết học tây phương, Học
Viện Đa Minh 1998, tập 2, trang 205-206.
[13]
GLCG, số 1733.
[14]
Điển ngữ thần học Thánh Kinh, "Đau Khổ".