Thông điệp ”Bác ái trong chân lý”, một năm sau ngày công bố
Một
số nhận định của ông Ettore Gotti Tedeschi, chuyên viên kinh tế, Giám
đốc nhà băng Vaticăng, về Thông điệp ”Bác ái trong chân lý” một năm sau ngày
công bố
Cách
đây một năm ngày mùng 7 tháng 7 năm 2009, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã công bố
Thông điệp thứ III của ngài tựa đề ”Bác ái trong chân lý”. Thông điệp
chứng minh cho thấy giáo huấn xã hội của Hội Thánh có thể là chìa khóa giúp đọc
hiểu một cách vô cùng sáng suốt các thời gian khủng hoảng của thế giới chúng ta
đang sống ngày nay như thế nào.
Thật
ra, Thông điệp đã được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ký ngày 29 tháng 6 năm 2009.
Và vẫn thường xảy ra là ngày ký và ngày công bố hầu như không bao giờ trùng
nhau. Mọi người đã chờ đợi Đức Thánh Cha công bố Thông điệp dịp kỷ niệm 40 năm
công bố Thông điệp ”Tiến bộ các dân tộc” của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (1967),
nhưng cuộc khủng hoàng kinh tế tài chánh bùng nổ đã khiến cho Đức Thánh Cha
duyệt xét lại văn bản Thông điệp dưới ánh sáng những gì đang xảy ra trên thế
giới. Và kết qủa mọi người đều trông thấy là 142 trang của Thông điệp là một
phân tích rất sáng suốt các lý do sâu xa của cuộc khủng hoảng hiện nay, và cống
hiến cho người đọc nhiều điểm suy tư giúp tìm ra các giải pháp thích hợp. Trong
năm đầu tiên này Thông điệp ”Bác ái trong chân lý” đã chứng minh cho thấy tất
cả các tiềm lực của nó, bằng cách khơi dậy các cuộc thảo luận và đối chiếu
trong lãnh vực kinh tế chính trị, xã hội và vén mở cho thấy nó là một trong các
tài liệu sắc bén nhất của Huấn Quyền trong mấy thập niên qua, nằm trên cùng một
chiều hướng với Thông điệp ”Năm thứ một trăm” mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
đã công bố cách đây 18 năm. Thông điệp ”Bác ái trong chân lý” mở rộng viễn
tượng của Thông điệp ”Tiến bộ các dân tộc”, xuyên qua ý niệm ”tiến bộ các dân
tộc” và ”tiến bộ nhân bản toàn vẹn”. Nhưng nhất là qua đề tựa của nó Thông điệp
trình bầy hai đề tài nền tảng trong giáo huấn của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI là
Bác Ái và Chân Lý.
Trước
hết Thông điệp đương đầu với các lý do của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh
trên thế giới. Con người là tư bản đầu tiên cần phải cứu vãn và đánh gía cao.
Xác tín kinh tế có thể độc lập với các ảnh hưởng luân lý đã thúc đẩy con người
lạm dụng kinh tế đến độ khiến cho nó trở thành một dụng cụ tàn phá. Sự phát
triển, nếu muốn nhân bản đích thực, phải nhường chỗ cho nguyên tắc của sự nhưng
không. Điều này đặc biệt có giá trị đối với thị trường. Không có các hình thức
nội tại của tình liên đới và sự tin tưởng lẫn nhau, thị trường không thể chu
toàn nhiệm vụ kinh tế của nó.
Thị
trường không thể chỉ dựa trên chính nó, mà phải kín múc các năng lực luân lý từ
các chủ thể khác, và không được coi người nghèo là một gánh nặng, nhưng là một
tài nguyên, chứ không phải là nơi để cho kẻ mạnh hơn ức hiếp người yếu đuối.
Ngoài ra, Thông điệp cũng nhắc cho biết rằng cái luận lý thương mại phải nhắm
mục đích phục vụ công ích, mà cộng đồng chính trị có nhiệm vụ theo đuổi.
Điểm
thứ hai là vấn đề sinh học
. Lần đầu tiên
hai quyền căn bản của con người là quyền sống và quyền tự do tôn giáo được đặt
song song trong một thông điệp xã hội. Trong Thông điệp ”Bác ái trong chân lý”
vấn đề nhân chủng trở thành vấn đề xã hội. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nhấn mạnh
rằng không thể nào tách rời việc tôn trọng sự sống con người khỏi sự phát triển
của các dân tộc. Trong các nước kỹ nghệ phát triển người ta phổ biến tâm thức
bài sinh sản, và thường tìm cách phổ biến tâm thức ấy trong các nước khác, làm
như thể nó là một sự tiến bộ văn hóa. Ngoài ra chính các trợ giúp phát triển
cũng được gắn liền với các đường lối chính trị y tế áp đặt chính sách kiểm soát
sinh sản. Bên cạnh đó còn có các luật lệ làm cho chết êm dịu hay trợ tử. Khi
một xã hội tiến tới chỗ khước từ và hủy bỏ sự sống, thì sẽ không còn tìm ra các
lý do và năng lực để phục vụ thiện ích thực sự của con người nữa. Quyền tự do
tôn giáo cũng quan trọng đối với sự phát triển của một xã hội và một quốc gia
như vậy. Lý do đơn sơ là vì các tín hữu cũng là các công dân và phần đóng góp
của họ cho thiện ích của đất nước luôn luôn rất lớn và tích cực. Khi các Giáo
Hội không được tự do sống đạo và có các cơ cấu giáo dục, bác ái từ thiện và an
sinh phát triển, đất nước và đặc biệt dân nghèo bị thiệt thòi rất nhiều.
Thứ
ba là lãnh vực phụ đới
. Sự phát triển
đúng đắn cũng cần áp dụng nguyên tắc phụ đới, là phương cách hữu hiệu nhất
chống lại mọi hình thức duy trợ giúp kiểu bố thí và bao cấp. Nó cũng là hình
thức thích hợp giúp nhân bản hóa hiện tượng toàn cầu. Các trợ giúp quốc tế
nhiều khi có thể giam cầm một dân tộc trong vòng lệ thuộc, vì thế cần phải làm
sao để lôi cuốn xã hội dân sự và các chính quyền địa phương vào trong tiến
trình trợ giúp. Rất thường khi các trợ giúp chỉ tạo ra các thị trường bên lề
đối với sản phẩm của các quốc gia đang trên đường phát triển. Thông điệp khích
lệ các quốc gia giầu dành nhiều ngân khoản hơn cho việc trợ giúp phát triển,
làm sao để cho người dân các nước nghèo có được nền giáo dục toàn vẹn hơn, mà
không nhượng bộ thuyết tương đối khiến cho dân chúng càng nghèo hơn. Đức Thánh
Cha Biển Đức XVI cũng đề cập tới hiện tượng du lịch tình dục, được các chính
quyền địa phương dung thứ, với sự thinh lặng của chính quyền các nước giầu và
sự đồng lõa của biết bao nhiêu nhân viên làm việc trong lãnh vực du lịch.
Thứ
bốn là vấn đề môi sinh
. Đối với tín
hữu thiên nhiên là một món qùa Thiên Chúa ban, cần được sử dụng với tinh thần
trách nhiệm. Sự kiện các quốc gia giầu và các công ty siêu quốc vơ vét tài
nguyên là một cản ngăn nghiêm trọng đối với sự phát triển của các nước nghèo.
Vì thế cộng đồng quốc tế phải tìm ra các cơ cấu hữu hiệu giúp điều hòa việc
khai thác các tài nguyên thiên nhiên không thể canh tân được. Các xã hội kỹ nghệ
tân tiến phải giảm bớt nhu cầu năng lượng của mình và kiếm tìm các nguồn năng
lượng khác. Đặc biệt cần phải thay đổi tâm thức và kiểu sống duy tiêu thụ và
hưởng lạc. Vấn đề nòng cốt liên quan tới nền luân lý xã hội. Nếu con người
không tôn trọng quyền sống và cái chết tự nhiên, thì lương tâm con người sẽ
đánh mất đi ý niệm về môi sinh nhân bản và ý niệm về sinh thái.
Sau
đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông Ettore
Gotti Tedeschi, chuyên viên kinh tế, Giám đốc nhà băng Vaticăng, về Thông điệp
”Bác ái trong chân lý” một năm sau ngày công bố. Giáo sư Tedeschi đã diễn
thuyết nhiều về đề tài kinh tế của Thông điệp.
Hỏi:
Thưa giáo sư Tedeschi, Thông điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đánh đúng
trọng tâm của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay. Thế giáo sư có nghĩ
rằng các vị lãnh đạo thế giới đã đọc Thông điệp này của Đức Giáo Hoàng hay
không?
Đáp:
Hãy chấp nhận là họ có đọc đi, thì chắc chắn các người có
quyền bính trên thế giới này phải hiểu ba điều được trình bầy trong Thông điệp:
thứ nhất, không thể có phát triển kinh tế nơi đâu người ta không sinh con; thứ
hai, không thể xây dựng nền kinh tế trên việc tiêu thụ; và thứ ba, hãy tránh
các các bọt xà phòng nguy hiểm mới, nhất là trong các lãnh vực kỹ thuật sinh
học. Đây là các tài nguyên quan trọng nhưng rất nguy hiểm, nếu dùng chúng một
cách sai lầm. Trên bình diện kỹ thuật con người đã tiến bộ rất nhiều, nhưng nó
vẫn chưa trưởng thành trên bình diện tâm linh: nó chưa bảo đảm cho thấy nó biết
sử dụng các dụng cụ có thể vượt thoát khỏi tầm tay của nó, như Đức Giáo Hoàng
Gioan Phaolô II đã viết trong Thông điệp ”Lo lắng cho các vấn đề xã hội”. Và
như thế sẽ là một đại họa!
Hỏi:
Như thế có nghĩa là Thông điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI có chứa đựng cả
một chương trình trong đó?
Đáp:
Vâng, như chính Đức Hồng Y Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh
đã nói: Thông điệp vượt thời gian và chứa đựng các lời yêu cầu ”ngàn đời”; nó
kêu gọi mọi người thiện chí chú ý tới các giáo huấn xã hội của Hội Thánh. Tuy
nhiên, Thông điệp cũng ”ở trong thời gian”, và đây là chiều kích mới mẻ của nó,
trong nghĩa nó là Thông điệp đầu tiên đề cập tới vấn đề toàn cầu hóa. Như tất
cả mọi người đều đã có thể nhận ra, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã công bố Thông
điệp trễ 2 năm so với dự định ban đầu. Lý do là vì Đức Thánh Cha đã nhận ra
cuộc khủng hoảng kinh tế đang thay đổi cục diện thế giới. Và đây cũng là điều
Đức Hồng Y Bertone, là người rất gần gũi với Đức Thánh Cha trong việc soạn thảo
Thông điệp, nhận thấy.
Hỏi:
Như vậy, có thể nói rằng chính cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh trên thế giới
đã khiến cho Đức Thánh Cha ”viết lại” Thông điệp, có đúng thế không thưa giáo
sư?
Đáp:
Có thể nói rằng trong hai năm, vài
nội dung đã được bổ túc: chẳng hạn như trong chương thứ nhất, Đức Thánh Cha đã
nhấn mạnh giáo huấn của Thông điệp ”Humanae Vitae” của Đức Giáo Hoàng Phaolô
VI, để minh giải lý do của cuộc khủng hoảng là sự kiện số sinh giảm sút trầm
trọng. Việc khước từ sự sống do các phong trào tân Malthus đưa vào trong thế
giới tây âu giữa các năm 1975-1985, đã là nguyên do của cuộc suy thoái kinh tế
và các sửa chữa bù trừ trong 20, 30 năm qua.
Hỏi:
Mọi người đều bình luận về Thông điệp này: theo giáo sư đâu đã là các sai lầm
thường xảy ra nhất?
Đáp:
Sai lầm thứ nhất đó là nhiều người đọc ngay chương 5 nói về
việc tái phân chia tài nguyên, mà không đọc 4 chương đầu và phần dẫn nhập. Nó
cũng giống như đọc các điều răn, mà không đọc điều răn thứ nhất. Nhiều nhà bình
luận khác nữa thì cho rằng Đức Thánh Cha muốn đưa ra một đường hướng mới cho
chủ thuyết tư bản. Nhưng mà Đức Giáo Hoàng đâu có đưa ra các bài học kinh tế
đâu, sự nhắc nhở và lời kêu mời của người không liên quan tới các dụng cụ, mà
liên quan tới các mục đích. Thị trường và chủ thuyết tư bản là các dụng cụ, và
Đức Thánh Cha biết rằng dụng cụ tự nó không tốt mà cũng không xấu.
Hỏi:
Một năm sau khi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI công bố Thông điệp, giáo sư nghĩ gì?
Đáp:
Tôi xác tín rằng không có gì có lý hơn là luân lý công giáo
và Thông điệp ”Bác ái trong chân lý” là một trong các Thông điệp có lý nhất.
Hơn cả Thông điệp ”Tân sự – Rerum novarum” nữa. Toàn Thông điệp ”Bái ái trong
chân lý” thấm nhuần một chỉ dẫn rõ ràng: đó là các dụng cụ không thể có sự độc
lập luân lý; chúng phải có một mục đích và mục đích này được giải thích bởi
Chân Lý, mà con người phải lấy đó như điểm tham chiếu. Trong nghĩa ấy, phần dẫn
nhập Thông điệp giống như một Thông điệp nhỏ chống lại thuyết hư vô đang thống
trị thế giới ngày nay.
Hỏi:
Nhưng mà thưa giáo sư, các người lãnh đạo chính trị và nhà băng có hiểu điều
này hay không?
Đáp:
Tôi hy vọng là các nhà lãnh đạo chính trị và tài chánh đã
đọc trọn vẹn Thông điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI như Bộ trưởng Kinh Tế
Tremonti. Ông Tremonti đã đọc từ đầu tới cuối Thông điệp và đã công khai thảo
luận với tôi. Nếu giới lãnh đạo chính trị và tài chánh đã đọc Thông điệp, thì
họ phải hiểu rằng nếu thế giới tây âu chúng ta tiếp tục chủ trương không sinh
con, thì chúng ta phải thắt lưng buộc bụng, và không còn có thể chế ra các giải
pháp bù trừ được nữa, đặc biệt liên quan tới tình trạng nợ nần của các chính
quyền.
Giáo
huấn thứ hai của Thông điệp đó là sự phát triển kinh tế không thể chỉ là phát
triển duy vật mà thôi. Trong khảo luận ”Sợ hãi và hy vọng” bộ trưởng Tremonti
đã lãnh hội được điều này và khẳng định rằng cai quản con người bằng cách chỉ
cung cấp cho nó của cải vật chất thôi là không đủ và không thỏa mãn được các
nhu cầu của con người. Sau cùng chính trị cũng như kinh tế chỉ là một dụng cụ,
và nếu các dụng cụ chiếm hữu được sự độc lập luân lý, thì chúng trở thành mục
đích và khi đó con người trở thành một phương tiện: sản xuất, tiêu thụ, tạo ra
sự tiết kiệm, thử nghiệm kỹ thuật vv…
(Avvenire 7-7-2010)
Linh Tiến Khải
Nguồn: Vietvatican