NGƯỜI DO THÁI VỚI ĐỨC GIÊSU
Jean
Philippe De Tonnac
Sau hai ngàn năm, dân được chọn nói về vị
“vua dân Do thái”.
Thông tin đáng ngạc nhiên trên là của
Salomon Malka, giám đốc đài phát thanh cộng đoàn Do thái, nhân một cuộc nghiên
cứu thú vị tại Giêrusalem.
Cái
chết của đức Giêsu đã từng làm cho họ xa nhau từ nhiều thế kỷ nay. Chỉ có hai
nhóm này, người Biệt phái và người Kitô hữu, thoát nạn sau biến cố triệt phá
dền thờ Giêrusalem năm 70, thế mà họ đã xung khắc nhau kịch liệt. Người Biệt
phái lo chiến đấu bảo vệ gia sản luật Torah, người Kitô hữu cố gắng củng cố
niềm hy vọng vừa nảy sinh từ Tin Mừng. Nhưng tại sao bầu khí thinh lặng như thế
đã kéo dài suốt hai ngàn năm qua trong khi họ là anh em sinh đôi? Lý do nào
khiến họ phải chấp nhận một vết thương không bao giờ lành?
Hai
ngàn năm thoáng “như một ngày”, theo kiểu nói của thánh Phêrô (2Pr 3,8). Số
người Do thái trở về đất thánh năm 1948 đã nghiệm rõ điều đó. Hơn nữa, có hai
biến cố làm sống lại kỷ niệm của những năm trước vụ tàn phá thành Giêrusalem.
Biến
cố thứ nhất nổi tiếng hơn: ba em bé người Bédouins trong khi đi tìm một con
chiên lạc, men theo bờ dốc thẳm phía Tây-Bắc Biển Chết, tình cờ tìm thấy lối
vào một hang động lớn, trong đó có chứa những chiếc vại, trong những chiếc vại
này là một thư viện gồm những cuộn sách chắc chắn là có từ trước năm 70. Dưới
tay các nhà chuyên viên, những cuộn sách này chiếu ra một nguồn sáng mới trên
lịch sử Giuđa giáo trước thời các rabbi (ND: từ rabbi chỉ được dùng phổ biến cho giới tăng lữ vào
cuối thế kỷ thứ I), và về nguồn gốc Kitô giáo. Theo tài liệu này
thì không thể kết luận vào thời đức Kitô, đã có nhiều phe nhóm trong Giuđa
giáo. Sau cuộc thảm sát, chỉ còn lại người Biệt phái và người Kitô hữu, đúng
như vậy. Nhưng những người Kitô hữu lẽ ra không bao giờ có thể phục hồi sau
biến cố tàn phá của người Roma. Nếu như thế, có thể phải nhận định rằng người
Kitô hữu không phải là một trong những phong trào thuộc Giuđa giáo của thời đệ
nhị đền thờ, như trường hợp những nhóm Xađuxêu, Nhiệt thành, Eùtxênê là những
nhóm đã biến mất sau vụ binh biến. Thế mà Kitô giáo vẫn tồn tại. Và, cho dù một
số người Kitô hữu dễ dãi nói thế nào đi nữa, Giuđa giáo thời Chúa Giêsu cũng
vẫn tồn tại.
Phải
công nhận thật là thú vị khi nhắc lại đôi nét về lịch sử. Ngày 29.11.1947,
trong lúc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu chấp thuận chia cắt phần đất
Palestin, mở ra con đường cho việc thành lập Nhà Nước Ítraen, giáo sư Eleazar
Sukénik, trường đại học Do thái ở Giêrusalem, người đã biết tới những cuộn sách
ở Biển chết, đã đến Bêlem tìm đến tận nơi người Bédouins cất giữ những cuộn
sách trên. Huyền thoại về Qumran bắt đầu và kèm theo là những bóng ma về một
quá khứ mà người ta tưởng đã quên.
Bên
cạnh những cuộn sách đó, còn một sự kiện khác. Bốn tháng sau khi thành lập Nhà
Nước Do thái, Toà án tối cao Ítraen được triệu tập, chủ tịch là tiến sĩ Moshé
Zamora. Cuộc họp diễn ra trong vòng bí mật, mục đích để giải quyết lá thư của
một giáo sư người Hà lan, ông Henri Douba Groskempf, ông này yêu cầu phải xem
lại vụ án đức Giêsu. Theo ông, Toà án tối cao Ítraen có thể được coi là toà
thượng thẩm đối với những quyết định của các vị tiền nhiệm của họ, thượng hội
đồng ngày xưa. Những chứng cứ vị giáo sư đưa ra thật đáng ngạc nhiên. Ông lập
luận rằng những người Do thái ngày xưa đã từ chối nhìn nhận đức Kitô là đấng
Metxia vì theo quan niệm của họ, đấng Metxia gắn liền với việc giải phóng. Vậy
nay đã có giải phóng rồi, Nhà nước Ítraen đã hồi sinh từ đống tro tàn, vụ án đức
Giêsu phải được xét lại.
Toà
quyết nghị: yêu cầu trên không thuộc thẩm quyền của toà, và cũng quyết định
việc điều tra vẫn được thực hiện một cách âm thầm. Nhưng công việc đã bị rò rỉ,
báo chí săn tin tới tấp. Thư từ đầy ắp trên chiếc bàn tại văn phòng ông chánh
án. Tất cả những thư từ đó đều yêu cầu phải xét lại vụ án. Ai cũng bảo vệ lập
trường của mình. Có thư nêu lên những sai sót trong tiến trình vụ án, đặt vấn
đề về thẩm quyền của thượng hội đồng, và thẩm quyền của Philato. Có thư bổ sung
những tình tiết củng cố lý do tố cáo: việc chữa bệnh trái phép, quấy rối trật
tự xã hội… Trước những dư luận đó, toà án có thể giữ im lặng đến bao giờ? Moshé
Zamora nhờ đến anh con rể của mình là Haim Cohen, cố vấn pháp luật của David
Ben Gourion và là chuyên viên lịch sử pháp luật. Họ tìm hiểu xem những khẩn cầu
gởi đến toà án có mục đích gì? Giá trị của những lập luận đòi xét lại vụ án của
đức Giêsu? Ai đã kết án đức Giêsu? Vì mục đích gì? Và rất nhiều câu hỏi mà Haim
Cohen phải trả lời bằng thư riêng. Công việc này đã chiếm thời gian của ông rất
nhiều. Mãi 20 năm sau mới có một bản điều tra cẩn thận có tính cách pháp lý về
vụ án của đức Giêsu. Năm 1968, một cuốn sách được xuất bản tựa đề “Vụ án và cái
chết của đức Giêsu”. Cuốn sách đã gây được tiếng vang lớn tại Ítraen.
Trở
lại với những sự kiện như đã được tác giả các sách Tin Mừng kể lại. Buổi tối
trước ngày lễ Vượt qua, hay theo Gioan, buổi chiều ngày lễ Vượt qua, người Do
thái đã bắt đức Giêsu và giải đến nhà vị thượng tế. Theo phần đông các sử gia,
vị thượng tế đã triệu tập thượng hội đồng tại nhà ông để giải quyết một vụ án
hình sự theo luật Do thái. Còn tội danh? Đức Giêsu bị tố cáo là đã xúc phạm
danh Thiên Chúa nên bị kết án tử hình. Theo Haim Cohen, diễn tiến đó không tuân
thủ luật pháp. Về những tội hình sự, thượng hội đồng chỉ được triệu tập trong
“căn phòng có tường đá chẻ” được trù liệu cho công việc như thế, không thể diễn
ra tại nhà vị thượng tế. Thượng hội đồng cũng không thể tập họp giữa đêm khuya
và càng không thể vào những ngày lễ hay ngày áp lễ. Tội nhân cũng không thể bị
kết án theo lời khai của chính mình. Thế mà vị trước câu hỏi của vị thượng tế
có phải ngài là con Thiên Chúa? Chính đức Giêsu đã trả lời: “đúng như ông nói”
(Mt 26,64). Cuộc họp tại nhà vị thượng tế không thích hợp cho một phiên toà,
theo Haim Cohen, có thể đó chỉ là một cuộc điều tra. Thượng hội đồng được triệu
tập để canh chừng đức Giêsu. Chẳng có cách nào khác để tránh những đe doạ từ
phía người Roma nguy hại cho đức Giêsu hay sao? Tại sao khi muốn giải cứu đức
Giêsu, thượng hội đồng đã không tìm cách theo ý kiến dân chúng? Sáng hôm sau,
đức Giêsu được dẫn tới vị tổng trấn, “ông có phải là vua dân Do thái không?”
Philatô hỏi. “Đúng như ông nói” đức Giêsu trả lời. Đến đây vụ án đã được quyết
định.
Đề
tài trên có nhiều giải đáp. Haim Cohen rất nghiêm túc và tôn trọng tính tế nhị
của vấn đề. David Ben Gourion cũng không thể ngồi yên. Chỉ cần đến thăm nơi ở
của vị sáng lập nhà nước Ítraen, số 3, đường Sderot-Ben-Gourion, thành phố
Tel-Aviv đủ thấy điều đó. Tủ sách của ông có khoảng 4.000 cuốn sách, suốt một
vách tường toàn những sách về Kitô giáo và những mối liên hệ giữa Do thái giáo
và Kitô giáo. Những tư liệu này đã không ngừng giúp ông đào sâu về căn tính của
người Do thái. Câu trả lời trong một cuộc phỏng vấn năm 1961 là bằng chứng (xin
xem dưới đây).
Công
việc của Haim Cohen, các mục giới thiệu trên phương tiện truyền thông, kèm thêm
việc khám phá những thủ bản ở Biển Chết, việc Giáo hội Công giáo thay đổi thái
độ với những người Do thái – một cuộc cách mạng mà lập trường can đảm của Giáo hội Pháp đã nhanh
chóng tham gia –, việc toà thánh nhìn nhận nhà nước Ítraen, tất cả
những yếu tố đó thúc đẩy có cái nhìn mới về vị trí của Kitô giáo thời đầu trong
việc khai sinh Do thái giáo thời rabbi. Rất nhiều nhà nghiên cứu người Ítraen,
phần đông là những người Do thái thực hành, đã dấn thân vào con đường mà Joseph
Klausner, người tiên phong, đã mở ra năm 1922 với tác phẩm “Giêsu Nagiaret,
thời đại, cuộc đời và giáo lý”. Trong tác phẩm này, ông tuyên bố: “thật thích
thú, khi lần đầu tiên thế giới không Do
thái có thể nghe một người Do thái trung thành với tôn giáo và dân tộc mình nói
về biến cố hoàn toàn thuộc về người Do thái mà người ta gọi là “Giêsu
Nagiaret”. Những nhà nghiên cứu đó hiện nay vẫn còn: Salomom Malka đã có
những cuộc găp gỡ với họ.
Trong
chuyện hoàng tử nhỏ, khi cậu bé muốn người ta vẽ ra cho cậu hình ảnh con cừu,
anh phi công đã vẽ một chiếc hộp và nói rằng con cừu ở trong chiếc hộp. Triết
gia Emmanuel Levinas cũng tưởng tượng rằng trong chiếc hộp này cũng chứa đựng
mầu nhiệm về các mối liên hệ giữa Do thái giáo và Kitô giáo: “Tôi không thể vẽ ra giải pháp cho
những vấn đề không thể giải quyết. Nó còn nằm ngủ dưới đáy chiếc hộp được gìn
giữ bởi những con người đang xích lại gần nhau (…) Tôi có cảm tưởng về một điều
có thể nơi cái không thể”.
TSTH
Số 18
Nguồn : Đaminh Việt Nam