06/04/2010
2920

ĐÔI ĐIỀU VỀ TÊN TRỘM ĐƯỢC ƠN CỨU ĐỘ

 

 

Ngay trong ngày Chúa Giêsu chịu đóng đinh, tưởng như chỉ bao trùm một không khí rùng rợn chết người : Tiếng quát tháo la ó, tiếng đòn roi vun vút, tiếng xé áo rợn người, tiếng búa đóng đinh khô khốc đập vào thành gỗ đan xen những tiếng khóc nghẹn ngào lẩn khuất đâu đó trong đám đông. Và khi cơn say máu của đám đông gần như no thỏa, trên đỉnh đồi Canvê, có ba con người được treo lên trên ba cây thập tự : Chúa Giêsu và hai tên trộm cướp. Chỉ còn đợi lưỡi hái của Thần Chết lướt qua. Thế nhưng, đã có một cuộc đối thoại vô tiền khoáng hậu giữa những con người sắp chết này. Kinh Thánh đã tường thuật như sau :

 

Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người : “Ông không phải là Đấng Kitô sao ? Hãy tự cứu mình đi và cứu cả chúng tôi với”. Nhưng tên kia mắng nó : “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái”. Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu : “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”. Và Người nói với anh ta : “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”. (Lc 23, 39-43)

 

Ba con người với bốn lượt lời đối thoại. Xem ra đó là một cuộc đối thoại cực ngắn, nhưng đem lại một hiệu quả phi thường : Một tên gian phi ngay lập tức được ơn cứu độ.

 

Nhiều người khi trích dẫn đoạn Kinh Thánh này đã ca ngợi lòng thương xót vô biên của Chúa, vì tên trộm lành ( xin tạm dùng lại cụm từ quen thuộc này ) chỉ nói có hai câu, trong đó có một câu trực tiếp xin Chúa, vậy mà Chúa đã cứu độ ngay, bất kể trong cuộc đời hắn đã phạm những tội tày đình nào. Ca ngợi lòng thương xót vô biên của Chúa, tất nhiên là chính đáng. Còn với tên trộm này, liệu có xứng được ơn cứu độ ? Hay là sự ranh mãnh đã theo anh ta đến tới tận đỉnh đồi Canvê, bản tính tranh thủ chụp giựt ấy đã biết tận dụng vài giây phút ngắc ngoải cuối cùng của đời sống mà ăn trộm cả Nước Trời ?

 

Chúa dạy ta không có quyền phán xét, vì quyền ấy thuộc về Thiên Chúa. Vả lại, Thiên Chúa thì không thể sai lầm. Một khi, Ngài đã cứu độ tên trộm lành, thì chắc chắn Ngài biết anh ta có quyền được hưởng lòng thương xót của Chúa. Còn bảo là sự ranh mãnh thì ngay cả của ma quỷ, cũng chẳng thể nào qua mặt được Thiên Chúa.

 

Người viết bài này, ngay từ thuở còn quàng khăn Thiếu nhi Thánh Thể, đã luôn bị ám ảnh bởi câu chuyện đầy kịch tính này. Nơi tên trộm lành luôn có một hấp lực kỳ lạ : có một cái gì đó vừa ngạc nhiên thích thú, vừa ngưỡng mộ bái phục. Và hôm nay, bài viết này không phải để tranh luận cùng ai, mà chỉ như một sự tỏ lòng, một món nợ phải trả giữa một người hôm nay không tên tuổi với tên trộm lành, một vị Thánh đã và đang hạnh phúc trên Thiên Đàng ; bằng sự chiêm nghiệm từ chính những lời của tên trộm lành đã nói trong cuộc đối thoại vô tiền khoáng hậu kia.

 

1. Chúng ta chịu như thế này là đích đáng

 

Sống trong một đất nước Do Thái đang bị La Mã đô hộ, ngay cả những người không hề vi phạm pháp luật, cũng phải bị kìm hãm, bị cấm cản nhiều quyền lợi chính đáng. Xã hội loạn lạc : Có phản nghịch nổi lên, có trộm cướp lộng hành, có tệ nạn xã hội tràn lan. Tên trộm lành cũng như bao tên trộm khác chính là những ung nhọt tất yếu nảy sinh trong một xã hội mất ổn định. Tất nhiên, ta không bào chữa cho nguyên nhân hoặc động cơ trộm cắp của tên trộm lành. “Đói cho sạch, rách cho thơm”, luật Thiên Chúa cũng như luật pháp xã hội đều không cho phép con người trộm cắp. Ăn trộm mà bị kết án bằng bản án đóng đinh trên thập giá - một bản án nặng nề nhất - thì chẳng phải loại trộm vừa. Bàn tay trót đã nhúng chàm của anh đã bao lần không hề run sợ, không một mảy may áy náy lương tâm khi khoắng tài sản của đồng bào vốn dĩ cũng chẳng khấm khá gì. Tội lỗi đã che mờ tiếng nói lương tâm anh trong suốt thời gian hành nghề đạo chích. Để rồi khi bị bắt, bị kết án và treo trên thập giá, đôi tay tuy được nghỉ ngơi nhưng lại đầy đau đớn vì bị đinh nhọn đâm thâu găm vào thành gỗ. Điều kỳ lạ là khi ấy anh đã không nguyền rủa số phận, không nhạo báng luật pháp và cũng không cầu xin sự tha thứ của người đời, ít ra là những người mà anh đã lấy trộm. Với anh, cái bản án đóng đinh mà luật pháp dành cho chính là sự trả nợ sòng phẳng với cuộc đời. Nhưng rõ ràng anh nhận ra việc làm của mình là sai lầm. “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng”, đó còn hơn là một lời nhận tội, vì nó còn bao hàm thái độ chấp nhận sự trừng phạt mà không hề oán trách. Nên nhớ không phải anh nói câu này ở phiên tòa, để ta có thể ngờ rằng, anh ranh mãnh cầu vào sự trắc ẩn của lòng người cũng như sự giảm nhẹ của khung hình phạt. Anh nói trong tình thế cái chết đang cận kề, và không gì còn thay đổi được nữa. Đó chính là tiếng nói lương tâm đầy chính trực mà Thiên Chúa đã đặt sẵn trong đáy sâu tâm hồn mỗi người. Cái lương tâm ấy, trong anh, đã bao năm qua ngủ yên, nhưng nó không chết. Nó đã thức tỉnh kịp lúc, dẫu cho chỉ một lần cuối cùng trước khi giã biệt đời sống.

 

Hoàn toàn không giống tên trộm phía bên kia. Lương tâm hắn hoàn toàn không thức tỉnh, dẫu cho tội lỗi của hắn cũng chẳng kém cạnh gì. Trong câu nhạo báng mà hắn hướng về Chúa Giêsu còn bao hàm một thái độ không hề có ăn năn mà thèm khát được sống, dẫu là một cuộc sống gây nguy hại cho mọi người.

 

Rõ ràng đã có một sự khác biệt rất lớn trong đáy sâu tâm hồn của hai tên trộm cùng bị đóng đanh với Chúa Giêsu.

 

2. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái

 

Khi tên trộm xấu xa buông lời nhục mạ Chúa : “Ông không phải là Đấng Kitô sao ? Hãy tự cứu mình đi và cứu cả chúng tôi với”, người trộm lành khi ấy bỗng hóa thành một luật sư tự nguyện bào chữa cho Chúa : “Chứ ông này đâu có làm điều gì trái”. Ít nhất anh đã nói ra một lời công bằng cho Chúa Giêsu. Cùng chịu một bản án như nhau, nhưng anh, người trộm lành, đã nhận thấy Chúa hoàn toàn không giống như anh và người còn lại. Nếu bản án dành cho anh và tên trộm kia là đúng, thì cũng bản án ấy, hoàn toàn là bất công đối với Chúa Giêsu. Và anh đã nói ra điều đó, dù chỉ là để khẳng định phẩm cách của Chúa trước một tên trộm khác, cũng sắp chết như anh, một việc làm tưởng chừng như chẳng còn cần thiết nữa.

 

Khi một bên sắp chết rồi còn mỉa mai cay độc với người cùng cảnh ngộ, thì anh lại nhìn ngắm người khác cách chân tình hơn. Có thể, anh vẫn chưa xác tín rằng Chúa chính là Đấng Kitô, nhưng anh khẳng định người này không làm điều gì sai trái. Cho dù cả cái đám đông khát máu dưới kia đang reo hò sung sướng kết tội Chúa Giêsu, thì anh vẫn giữ lập trường của riêng mình. Anh không quen biết Chúa Giêsu, Chúa cũng chưa từng làm ơn gì cho anh , nhưng anh vẫn không hùa theo đám đông, không vì xuống bùn thì cũng phải kéo người khác xuống theo. Chắc hẳn anh không đã có mặt nơi tiệc cưới Cana để thưởng thức món rượu ngon của Chúa, không có mặt bên nấm mồ Lazarô khi người này bước ra từ cõi chết, không có trong số năm ngàn người ăn bánh và cá của đứa bé mang theo, không có mặt trong đám đông tay cầm đá đòi phải ném cho chết người đàn bà ngoại tình,… Cũng như, chắc anh không có mặt trong bao lần Chúa rao giảng Tin Mừng cho dân chúng. Anh không có được ân phúc ấy, bởi vì những khi Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng và tỏ lộ thiên tính của mình, anh vẫn còn đang mê mải trên nẻo đường bất chính. Anh chỉ biết Chúa qua lời buộc tội, thóa mạ của dân chúng và bản cáo trạng mà dinh Philatô dành cho Chúa. Nhưng, bằng suy nghĩ riêng của mình, anh đã không tin vào những điều đó, anh không tìm thấy một bằng chứng hữu hiệu nào để bảo rằng Chúa đã sai : “ Ông này đâu có làm điều gì trái”. Anh không chỉ đã hơn rất nhiều người thời ấy và còn hơn chán vạn người thời nay, khi đã không biết mở miệng ra nói một lời công bằng cho Chúa những khi Ngài bị xúc phạm.

 

3. Khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi

 

Đây mới thực sự là một câu nói nặng ký nhất của tên trộm lành. Nó bộc lộ niềm tin và sự ký thác tuyệt đối vào Chúa Giêsu. Cuộc đời đầy khổ ải này anh đã chấp nhận ra đi và không còn gì luyến tiếc. Nhưng, chắc chắn, với sự thúc đẩy của Thánh Thần, anh đã nhìn ra quyền năng nơi Chúa Giêsu.

 

Khi ông vào Nước của ông”. Tuyên xưng điều này, anh đã tỏ rõ niềm tin vào một vương quốc khác, nằm ở đâu thì anh không biết, nhưng anh tin nó có thật, và ở nơi ấy, con người sắp chết mang tên gọi Giêsu kia, có một quyền bính rất cao. Như vậy, rõ ràng anh đã nhìn ra Chúa Giêsu không phải là người của trần gian này. Khi kẻ trộm kia nói “Ông không phải là Đấng Kitô sao ?” thì không phải hắn tin vào điều ấy mà là sự nhạo báng trong hàm chứa rằng Chúa Giêsu đã khoác lác khoa trương. Còn đàng này, anh tin vào một thế giới khác, thế giới ấy chỉ toàn những con người đâu có làm điều gì sai như anh đã nhìn thấy nơi Đức Giêsu. Chắc hẳn, nơi ấy sẽ không có những hoàn cảnh nhiễu nhương, đẩy đưa anh vào con đường trộm cắp như cái thế giới mà anh chuẩn bị từ bỏ ra đi.

 

Nghĩ mà xem, khi Chúa Giêsu bị treo thảm thương trên cây thập tự, những ai đã từng tuyên xưng Ngài là Thiên Chúa đâu cả rồi. Những người mù được thấy, người điếc được nghe, người què được chạy nhảy như nai đã ở đâu nơi đồi Canvê chết chóc này ? Lazarô đâu ? Tông đồ trưởng Phêrô từng được Chúa khen là Đá khi tuyên tuyên xưng Ngài là Chúa, bây giờ nơi đâu ? Đứng trước sự thật trần trụi của một con người sắp chết, biết bao người được diễm phúc cận kề bên Chúa nhất đã lặng lẽ tìm nơi trú ẩn, thậm chí tìm cách rũ bỏ mọi liên hệ với con người bị kết án kia. Và biết bao người từng cảm nếm được phép lạ mà Chúa đã ban cho, giờ cũng đã lặng câm để giữ cho riêng mình sự yên ổn tạm thời. Thiên Chúa đã bị con người phản bội một cách rất đau lòng, chứ đâu phải chỉ có những nỗi đau da thịt mà Chúa phải chịu khi bị treo trên cây thập giá năm xưa. Chỉ còn anh khi ấy là tin rằng, người như anh chết đi thì tiêu tan trở về bụi đất ; còn Chúa Giêsu, sẽ trở về Nước của Ngài. Vậy thì, khi khẳng định Chúa Giêsu là người rất có quyền uy đã đến thế gian này từ một thế giới khác, phải chăng anh đã tuyên xưng ngôi vị trổi vượt của Chúa Giêsu trước mắt mọi người.


Xin nhớ đến tôi”. Một lời kêu xin thật dễ thương và cảm động. Không phải là xin một địa vị, dẫu chỉ nhỏ nhoi như là một tên lính được theo hầu, mà thật khiêm tốn, anh xin lòng trắc ẩn của Chúa, hãy nhớ đến anh, một con người đầy đau khổ ở trần gian này và sắp chết. Định đoạt thế nào trên số phận của anh, tùy vào lòng thương xót của Chúa mà thôi.

 

Trong thời gian rao giảng, khi chữa bệnh cho một ai, Chúa nói : “Đức tin của con đã chữa con”; khi khen ngợi một ai, Chúa nói : “Không phải máu huyết mạc khải cho con, mà là Cha Ta, Đấng ngự trên Trời đã mạc khải cho con”. Nhưng lúc này, thời gian cuối cùng sắp hết, Chúa Giêsu đã nói một lời ngắn gọn nhất mà vẫn đủ thông tin, làm một quà vô giá cho anh : “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”.

 

Lạy Chúa ! Chúa đã đúng. Anh xứng đáng được hưởng hạnh phúc ấy. Còn nếu như nói cách ví von rằng anh ấy là kẻ ăn trộm cả Nước Trời, thì lạy Chúa Giêsu ! Xin cho con trong cuộc đời đầy chao đảo và tội lỗi này, trong giờ lâm tử, được ơn một lần biết cách ăn trộm như anh.

 

Raphael N.

(Giáo phận Xuân Lộc)