28/09/2012
2053

TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

 

Dẫn nhập

Loạt bài giáo lý này được gửi đến đọc giả như một sự trợ giúp cho việc học hỏi sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG) dành cho cá nhân hoặc nhóm. Điều lưu ý là chúng ta phải có cái nhìn tổng thể của mỗi phần trong 4 phần chính của sách giáo lý:

    Tuyên xưng Đức Tin

– Cử hành các mầu nhiệm Kitô giáo

– Đời sống mới trong Đức Kitô

– Kinh nguyện Kitô giáo .

Loạt bài tìm hiểu này cố gắng đưa ra những yếu tố quan trọng của phần I: Tuyên xưng Đức Tin. Đây chỉ là những gợi ý, nên đòi hỏi cá nhân hoặc nhóm phải tham chiếu trực tiếp sách giáo lý để làm sáng tỏ những nội dung được tìm hiểu.

Đức tin là toàn thể bởi vì chỉ có một trái tim và một trung tâm: đó là Đức Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa, do đó Đức Kitô phải là trung tâm của giáo lý. Mục đích của giáo lý là đưa người ta đi vào trong sự hiệp thông với Đức Kitô. Ngài là Đấng duy nhất có thể dẫn chúng ta đến với tình yêu của Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, làm cho chúng ta được chia sẻ đời sống của Ba Ngôi Chí Thánh (GLHTCG 426), bởi vì “trong Người cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết” (Cl 2,3). Trong một nghĩa nhất định, những yếu tố quan trọng của Đức Tin được khơi nguồn từ kho tàng trái tim Chúa Giêsu. Vì thế, trái tim cực thánh của Chúa Giêsu, bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta và để cứu độ chúng ta, được coi là dấu chỉ và biểu tượng đặc biệt của tình yêu, qua đó Đấng Cứu Chuộc thần linh hằng liên lỉ yêu mến Chúa Cha vĩnh cửu và yêu mến tất cả mọi người. (GLHTCG 478).

Những trình bày tóm tắt và những suy nghĩ trong phần nội dung Đức Tin sẽ đạt được mục tiêu nếu nó dẫn người tín hữu đến chỗ muốn biết rõ hơn về Đấng mình đã tin và hiểu rõ hơn về điều Ngài đã mạc khải; về phần mỗi người, sự hiểu biết sâu xa hơn sẽ dẫn đến một đức tin lớn lao hơn, luôn thấm đậm tình yêu của trái tim Chúa Giêsu (GLHTCG 158, 2669).

Bài 1. NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA – SỰ SỐNG CỦA CON NGƯỜI

“Lạy Cha … sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô” (Ga 17,3). Những lời này được trích dẫn ngay trong phần mở đầu sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Biết Thiên Chúa chính là để được sống đời đời. Cái biết này là mục tiêu đời sống của chúng ta. Trong Thánh Kinh, mục tiêu đó còn được diễn tả như được “nhìn thấy Thiên Chúa” (số 1028).

Thánh Têrêsa Avila khi còn nhỏ đã nói rằng: “Tôi muốn được thấy Thiên Chúa” và thánh nhân giả định thêm là để thấy Chúa, tôi phải chết đi – “Con nóng lòng được nhìn thấy Chúa, nên con muốn chết” (số 1011). Trong Cựu Ước, Thiên Chúa nói với Mô-sê: “ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống” (Xh 33,20). Để thấy Thiên Chúa, để biết Thiên Chúa – có nghĩa là để được sống, nhưng sự sống đó không chỉ dừng lại ở trần gian này. Chính vì thế, cuộc sống của chúng ta hiện nay vẫn đang trên con đường hành hương và Thánh Gioan tông đồ đã nhận xét chính xác: “Không ai đã từng thấy Thiên Chúa” (Ga 1,18). Do vậy, cuộc sống trần thế này vẫn chưa phải là cuộc sống tràn đầy, viên mãn. Nó như bông hoa huệ ngoài đồng, như mây bay, chỉ một cơn gió thổi đủ làm nó biến đi, ngay cả khi sự sống đó kéo dài nhiều chục năm.

 

Tuy nhiên, chúng ta được tạo dựng để được sống đời đời, vận mạng của chúng ta là hướng đến một sự sống khác, một cuộc sống viên mãn. Một hạnh phúc tràn ngập không thể tưởng tượng được. Trong quyển Tự Thú (Confessio), thánh Augustino đã diễn tả về sự sống khác này như sau: “Khi con gắn bó hết mình với Chúa, con sẽ không bao giờ còn phải đau đớn và vất vả nữa, được tràn đầy Chúa, đời con sẽ trở nên sống động” (Confessio 10, 28, 39; GLHTCG 45). Chính vì hạnh phúc này mà chúng ta được tạo dựng, chính vì hạnh phúc này mà tâm hồn chúng ta luôn khắc khoải hướng về cho dến khi được ở bên Thiên Chúa.

Trong sách giáo lý trước đây, câu hỏi đầu tiên là:

Hỏi: “Vì mục đích gì Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta?”

Thưa: “Thiên Chúa tạo dựng nên chúng ta để biết Ngài, yêu mến Ngài và phục vụ Ngài, như vậy chúng ta đạt tới thiên đàng” (GLHTCG 1721).

Một câu hỏi đáp đơn giản này giống như sợi dây an toàn đối với người leo núi để từng bước từng bước chinh phục đỉnh núi cao. Cần có điều gì đó người ta có thể thủ đắc khi hằng ngày con người thường xuyên đối diện với những điều không chắc chắn. Chẳng hạn, có những người không thực hành đời sống tôn giáo trong nhiều năm, ngay cả nhiều chục năm, thế rồi giữa những khủng hoảng sâu xa trong cuộc sống của họ, đột nhiên ký ức xuất hiện với những câu giáo lý được học khi còn bé thơ, những lời được học không phải bằng những suy tư sâu sắc nhưng bằng những câu hỏi thưa thuộc lòng dễ hiểu, dễ nhớ dẫn đưa người đó khám phá lại đâu là điều quan trọng trong cuộc sống con người.

Nói cho cùng, giáo lý là “Con Đường”, con đường giúp nhân loại hướng về một cuộc sống hạnh phúc. Một sự trợ giúp cho cuộc sống, một dấu chỉ đường, một bản đồ hướng dẫn để chúng ta lên đường với một hướng đi chính xác. Đối với các Kitô hữu thời giáo hội sơ khai, đời sống Kitô hữu đơn giản là Con Đường (CVTĐ 9,2-3; 19,9; 24,14). Không phải là con đường giữa nhiều con đường nhưng là “Con Đường” viết hoa, mà chính Thiên Chúa chỉ cho chúng ta. Đức Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa - đã đi Con Đường vượt qua thế gian để về với Chúa Cha, để hướng dẫn chúng ta cách chính xác đi qua cuộc sống đời này, và cho phép chúng ta đạt được mục tiêu một cách chắc chắn. Trong những bài tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về Con Đường này với tất cả niềm vui và vẻ rực sáng của nó, nhưng cũng có cả những khó khăn và đòi hỏi. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo sẽ phục vụ như một loại bản đồ.

(Nguồn: WHĐ)