18/09/2009
899

LỜI NGỎ

Kính thưa quý Cha và anh chị em giáo lý viên !

Ngày 24 tháng 11 năm 1960, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã ký Sắc chỉ Venerabilium Nostrorum thiết lập Phẩm trật Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam, với 3 Tổng Giáo phận là: Hà nội, Huế và Sài gòn, gồm 20 Giáo phận trong đó có ba Giáo phận mới là Mỹ Tho, Đàlạt và Long Xuyên.

Tiếp đến, từng bước Giáo Hội Việt Nam có thêm các Giáo phận mới được thiết lập: Đà Nẵng (18/01/1963), Phú Cường và Xuân Lộc (14/10/1965), Ban Mê Thuột (22/6/1967), Phan Thiết (30/01/1975) và Bà Rịa (20/11/2005).

Để chuẩn bị mừng Năm Thánh kỷ niệm 50 năm thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam và Giáo phận Mỹ tho (1960-2010), anh em chúng con cố gắng soạn “những câu hỏi thưa dành cho các em thiếu nhi”. Mục đích giúp cho các em học hỏi và hiểu biết thêm phần nào lịch sử Giáo hội Việt Nam và Giáo phận Mỹ tho. Những câu hỏi này có thể dạy kèm theo chương trình giáo lý.

Mặc dù đã cố gắng, nhưng chắc chắn còn nhiều thiếu sót. Vì thế, rất mong sự cộng tác và góp ý của quý Cha để công việc loan báo Tin Mừng đạt được kết quả tốt đẹp như Hội Thánh mong muốn.

                  Lm. Tôma Thiện Trần Quốc Hưng và Phêrô Nguyễn Ngọc Long

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

LƯỢC SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM

KỶ NIỆM

50 NĂM THIẾT LẬP HÀNG GIÁO PHẨM VIỆT NAM

50 NĂM THÀNH LẬP GIÁO PHẬN MỸ THO

50 NĂM NHÀ THỜ CHÁNH TÒA MỸ THO

 

I. GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM – HÀNG GIÁO PHẨM VIỆT NAM

 

A. THỜI KỲ KHAI SINH (1533 – 1659)

1. H. Tin Mừng đã đến Việt Nam khi nào ?

T. Vào thế kỷ  XVI (1533) có một thừa sai tên là Inikhu đã đến Việt Nam, giảng đạo tại làng Ninh Cường và làng Trà Lũ thuộc tỉnh Nam Định ngày nay.

2. H. Người tín hữu Việt Nam đầu tiên là ai ?

T. Là cụ Đỗ Hưng Viễn, người làng Bồng Trung tỉnh Thanh Hóa, cụ được rửa tội tại Ma-cao thời vua Lê Anh Tôn.

3. H. Người Việt Nam đầu tiên được rửa tội tại Việt Nam là ai?

T. Là Công Chúa Mai Hoa, chị của vua Lê Thế Tông được rửa tội năm 1591.

4. H. Cha Đắc Lộ (Dòng Tên) đến Việt Nam vào năm nào?

T. Cha Đắc Lộ đến Hội An năm 1624.

5. H. Nhóm tín hữu đầu tiên đã giúp gì trong việc rao giảng Tin Mừng ?

T. Nhóm tín hữu đầu tiên đã giúp các thừa sai học ngôn ngữ, phong tục Việt Nam và giảng đạo bằng tiếng Việt Nam.

6. H. Ai là những Thầy giảng đầu tiên người Việt Nam?

T. Đó là: Phanxicô Đức, Inhaxiô Nhuận và Anrê Tri.

7. H. Các Thầy giảng đã đóng vai trò gì trong việc truyền giáo ?

T. Các Thầy giảng đã hỗ trợ các thừa sai rất đắc lực trong việc giảng dạy giáo lý, điều hành và duy trì các cộng đoàn dân Chúa.

8. H. Những chứng nhân đức tin đầu tiên người Việt Nam là ai ?

T. Tại miền Bắc (Đàng Ngoài) có anh Phanxicô, chết năm 1630 vì làm công việc bác ái nên bị tra tấn và bị giết. Tại miền Nam (Đàng Trong) có Thầy Anrê  Phú Yên bị bắt tại nhà Linh mục Đắc Lộ và bị chém đầu năm 1644.

9. H. Các tín hữu Việt Nam đầu tiên có tâm tình nào đối với đức tin và Đức Giáo Hoàng?

T. Năm 1630, có 5000 tín hữu Đàng Ngoài viết tâm thư bày tỏ lòng trung thành với đức tin và với Đức Giáo Hoàng Urbanô VIII bằng chữ Hán.

10. H. Các nhà truyền giáo tại Việt Nam đã sống như thế nào ?

T. Các ngài vì lòng mến Chúa và lòng mến Tin mừng đã chấp nhận hy sinh, sống cực khổ, thiếu thốn, chịu bắt bớ, ngược đãi và hiểu lầm.

11. H. Nhà vua đã làm gì đối với các nhà truyền giáo?

T. Năm 1643, tất cả các nhà truyền giáo bị trục xuất. Chỉ mình Cha Đắc Lộ lén ở lại miền Trung.

12. H. Cha Đắc Lộ bị trục xuất khỏi Việt Nam khi nào?

T. Cha bị chúa Nguyễn trục xuất vĩnh viễn khỏi Việt Nam năm 1645.

13. H. Khi rời Việt Nam, Cha Đắc Lộ đã làm gì cho Giáo hội Việt Nam?

T. Năm 1650, Cha Đắc Lộ gặp Đức Giáo Hoàng Innôcente X để trình bày công cuộc truyền giáo tại Việt Nam và xin Toà thánh gởi các Giám mục sang Việt Nam.

14. H. Cha Đắc Lộ đã để lại những tác phẩm quí giá nào?

T. Năm 1651, cha Đắc Lộ đã xuất bản 3 tác phẩm quốc ngữ đầu tiên tại Rôma. Đó là: Từ điển Việt-La-Bồ; Sách văn phạm Việt Nam và sách giáo lý song ngữ (La-Việt) - Phép giảng tám ngày.

15. H. Cha Đắc lộ mất năm nào?

T. Cha Đắc Lộ mất ngày 05/11/1660, tại Iran, thọ 69 tuổi.

16. H. Các nhà truyền giáo Dòng Tên đã làm gì cho dân tộc Việt Nam?

T. Các ngài đã đóng góp rất lớn trong việc hình thành và phổ biến chữ Quốc ngữ.

 

B. THỜI KỲ HÌNH THÀNH (1659-1802)

17. H. Đức Giáo Hoàng nào đã thiết lập hai giáo phận đầu tiên tại Việt Nam?

T. Đức Giáo Hoàng Alexanđê XII, năm 1659.

18. H. Đó là những giáo phận nào?

T. Là giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong.

19. H. Ai là giám mục đầu tiên của hai giáo phận đó?

T. Giáo phận Đàng Ngoài là Đức Cha Phanxicô Pallu và Đàng Trong là Đức Cha Lambert de la Motte.

20. H. Đức Cha Pallu mất năm nào và tại đâu?

T. Đức Cha mất năm 1684, tại Phúc Kiến (Trung Quốc).

21. H. Các linh mục Việt Nam đầu tiên là ai?

T. Là các cha: Giuse Trang và Luca Bền thuộc giáo phận Đàng Trong ; Bênêđictô Hiền (Bentô Thiện) và Gioan Huệ thuộc giáo phận Đàng Ngoài.

22. H. Các ngài được thụ phong linh mục năm nào và ở đâu?

T. Các ngài được Đức Cha Lambert de la  Motte phong chức tại Thái lan, năm 1668.

23. H. Đức Cha Lambert de la Motte mất năm nào?

T. Đức Cha  mất tại Thái lan năm 1679, thọ 55 tuổi.

24. H. Đức Cha Lambert de la Motte đã sáng lập hội Dòng nào ở Việt Nam ?

T. Đức Cha là Đấng sáng lập hội Dòng Mến Thánh Giá.

25. H. Công đồng Đàng Ngoài được tổ chức khi nào, ở đâu?

T. Công đồng Đàng Ngoài được tổ chức tại Phố Hiến (Hưng Yên), tháng 2 năm 1670.

26. H. Công đồng Đàng Trong được tổ chức khi nào, ở đâu?

T. Công đồng Đàng Trong được tổ chức tại Hải Phố (Hội An), tháng 1 năm 1672.

27. H. Giáo phận Đàng Ngoài được phân chia khi nào?

T. Giáo phận Đàng Ngoài được Toà thánh chia làm hai giáo phận mới là Giáo phận Đông Đàng Ngoài và Tây Đàng Ngoài năm 1679.

28. H. Ai làm giám mục của giáo phận Đông Đàng Ngoài?

T. Đó là Đức Cha Phanxicô Deydier Phan.

29. H. Ai làm giám mục giáo phận Tây Đàng Ngoài?

T. Đó là Đức Cha Jacques de Bourges Gia.

30. H. Các nhà truyền giáo ngoại quốc đầu tiên bị giết tại Việt Nam là ai?

T. Đó là cha Messari và Buccharelli, năm 1723.

31. H. Đức Cha Bá Đa Lộc làm giám mục giáo phận Đàng Trong khi nào?

T. Đức Cha Bá Đa Lộc làm giám mục giáo phận Đàng Trong năm 1774.

32. H. Đức Cha Bá Đa Lộc mất năm nào và tại đâu?

T. Ngài mất năm 1799, tại Qui Nhơn.

33. H. Tình hình Giáo hội Việt Nam đến năm 1802 thế nào?

T. Giáo hội Việt Nam lúc này có 3 giáo phận với 121 linh mục Việt Nam và 320.000 tín hữu.

34. H. Tính đến năm 1802, đã có bao nhiêu chứng nhân tử đạo ?

T. Có khoảng 30.000 chứng nhân đã anh dũng lấy máu đào tuyên xưng đức tin.

C. THỜI KỲ THỬ THÁCH (1802-1885)

35. H. Vua Minh Mạng cấm đạo vào những năm nào ?

T. Vào những năm 1825 ; 1833 ; 1836 và 1838.

36. H. Công đồng Gò thị (Qui Nhơn) họp năm nào ?

T. Đức Cha Cuénot Thể đã họp công đồng các linh mục tại Gò thị năm 1841.

37. H. Công đồng Gò thị hướng tới việc gì ?

T. Công đồng chú tâm đến việc truyền giáo, đào tạo và nâng cao trình độ hàng giáo sĩ.

38. H. Giáo phận Tây Đàng Trong (Sài Gòn) và Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) được thành lập khi nào ?

T. Năm 1844 do Đức Giáo Hoàng Grêgoriô XVI.

39. H. Đức Giám mục nào cai quản giáo phận Tây Đàng Trong ?

T. Đó là Đức Cha Lefèbvre.

40. H. Đức Giám mục nào coi sóc giáo phận Đông Đàng Trong ?

T. Đó là  Đức Cha Cuénot Thể.

41. H. Hai giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội) Nam Đàng Ngoài (Vinh, Nghệ An) được thành lập khi nào ?

T. Vào ngày 27/03/1846.

42. H. Ai là Giám mục Giáo phận Tây Đàng Ngoài ?

T. Đó là Đức Cha Retord Liêu.

43. H. Ai là giám mục Giáo phận Nam Đàng Ngoài ?

T. Đó là Đức Cha Gauthier Hậu.

44. H. Giáo phận Đông Đàng Ngoài được chia đôi năm nào ?

T. Vào năm 1848.

45. H. Hai giáo phận mới có tên gì ?

T. Đó là Giáo phận Đông Đàng Ngoài và Trung Đàng Ngoài (Bùi Chu).

46. H. Giáo phận Trung Đàng Ngoài do Đức Giám mục nào coi sóc ?

T. Đó là Đức Cha Domingo Marti Gia.

47. H. Giáo phận Đông Đàng Trong được chia làm hai năm nào ?

T. Vào năm 1850.

48. H. Đó là hai giáo phận mới nào ?

T. Đó là giáo phận Bắc Đàng Trong và Đông Đàng Trong.

49. H. Giáo phận Tây Đàng Trong được chia đôi năm nào ?

T. Vào năm 1850.

50. H. Vua Tự Đức ra lệnh cấm đạo mấy lần ?

T. 4 lần  vào những năm 1848 ; 1854 ; 1855 và 1857.

51. H. Vua Tự Đức ra chỉ dụ khắc hai chữ « tả đạo» vào má người tín hữu Công giáo năm nào ?

T. Vào năm 1848.

52. H. Dưới 3 triều vua : Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức có bao nhiêu anh hùng tử đạo ?

T. Có khoảng 40.000 người.

53. H. Cho đến nay Hội Thánh Việt Nam đã có bao nhiêu vị thánh tử đạo?

T. Trong số hàng trăm ngàn người đổ máu đào minh chứng cho đức tin, đã có 118 vị (gồm có 8 Giám Mục, 50 Linh Mục, 16 Thầy giảng, 1chủng sinh, 43 giáo dân, trong đó có một phụ nữ là Thánh Anê Lê Thị Thành).

54. H.Trong số các thánh tử đạo, ngoài các giám mục, linh mục, thầy giảng; số giáo dâ6n tử đạo gồm những thành phần nào?

T. Gồm nhiều thành phần như: nông dân, tá điền, ngư phủ, nhà buôn, thầy đồ, quân nhân, lý trưởng, cai tổng, quan văn - võ.

55. H. Ai là vị thánh tử đạo Việt Nam tiên khởi?

T. Thầy giảng Anrê Phú Yên, tử đạo năm 1644, tại Phú Yên.

56. H. Thánh nữ duy nhất trong các thánh tử đạo Việt Nam là ai?

T. Thánh Anê Lê Thị Thành, là mẹ gia đình.

67. H. 117 các anh hùng tử đạo được tôn phong hiển thánh khi nào?

T. Ngày 19/6/1988, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong lên hàng hiển thánh.

58. H. Lễ các thánh tử đạo Việt Nam được toàn thể Giáo hội kính nhớ vào ngày nào?

T. Vào ngày 24/ 11 hàng năm.

 

D. THỜI KỲ PHÁT TRIỂN (1885-1960)

59. H. Giáo hội Việt Nam có thời gian nào được bình an không ?

T. Đó là những năm từ 1884 – 1954.

60. H. Công đồng Đông Dương họp tại Hà Nội, năm 1934 có đường hướng gì ?

T. Công đồng bàn về nhiều điểm quan trọng nhằm tiến tới việc thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, đào tạo và thăng tiến hàng giáo sĩ Việt Nam, cổ vũ tinh thần sống đạo và truyền đạo của giáo dân Việt Nam qua các phong trào Công giáo Tiến hành.

61. H. Sau công đồng Đông dương, có chuyển biến gì mới cho Giáo hội tại Việt nam không ?

T. Sau Công đồng Đông Dương, Giáo hội Việt Nam phát triển rất nhanh vì được định hướng rõ rệt dẫn đến việc thành lập nhiều giáo phận mới và nhiều giám mục Việt Nam được tấn phong.

62. H. Đến năm 1939, tình hình Giáo hội Việt Nam như thế nào ?

T. Giáo hội Việt Nam đã có: 16 giáo phận, 17 giám mục, 1.544.765 giáo dân trên tổng dân số 23.193.769 người.

63. H. Các tập thể Thừa sai nào đã đóng góp công sức nhiều nhất cho Giáo hội Việt  Nam ?

 T. Các tập thể đóng góp công sức nhiều nhất cho Việt Nam phải kể đến: Dòng Tên, Hội Thừa Sai Paris, Dòng Đaminh, Dòng Phanxicô.

 

E. THỜI KỲ TRƯỞNG THÀNH (1960 đến nay)

 

64. H. Hàng Giáo phẩm Việt Nam được thiết lập năm nào ?

T. Ngày 24-11-1960, Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã thiết lập Hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam với 3 giáo tỉnh Hà Nội, Huế và Sài Gòn, đánh dấu sự trưởng thành của Giáo hội Việt Nam.

65. H. Ngoài vai trò của các Thừa Sai, việc phát triển của Hội Thánh Việt Nam còn nhờ vào ai nữa ?

T. Còn nhờ vào chính những người Việt Nam thiện chí đã dâng hiến trọn cuộc sống cho Nước Trời, đem Tin Mừng đến khắp nơi và nuôi dưỡng đời sống đức tin cho các anh em mình, đó là những Linh mục, tu sĩ nam nữ, thầy giảng và giáo dân Việt Nam.

66. H. Đức tin Kitô giáo có dễ được đón nhận và phát triển tốt đẹp tại Việt Nam không ?

T. Đức tin Kitô giáo được các tín hữu Việt Nam mau mắn đón nhận; nhưng để sống và giữ gìn đức tin ấy, họ đã phải trải qua rất nhiều thử thách và gian nan vì những sắc chỉ cấm đạo của các triều vua.

67. H. Các Kitô hữu Việt Nam đã sống đức tin như thế nào ?

T. Các Kitô hữu Việt Nam đã rất mực kiên cường giữ vững đức tin. Vì thế, nhiều người đã phải hy sinh mạng sống vì đức tin.

68. H. Người tín hữu ngày nay sống đức tin giữa lòng dân tộc như thế nào ?

T. Người tín hữu Việt Nam phải hết lòng cảm tạ Thiên Chúa, cố gắng sống tinh thần phúc âm, yêu thương mọi người, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn và làm chứng cho Chúa ngay trên chính quê hương mình.

69. H. Giáo phận là gì?

T. Là một phần Dân Chúa được giao cho một Giám mục chăn dắt với sự cộng tác của linh mục đoàn.

70. H. Giám mục giáo phận là ai?

T. Là người được trao cho nhiệm vụ coi sóc một Giáo phận để làm thầy dạy học thuyết, tư tế phụng tự thánh và thừa tác viên lãnh đạo.

71. H. Đức Giám Mục tiên khởi người Việt Nam là ai ?

T. Vào năm 1933, Hội Thánh Việt Nam có Giám Mục tiên khởi là Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng.

72. H. Hiện nay Hội Thánh Việt Nam có bao nhiêu giáo phận ?

T. Hiện nay Hội Thánh Việt Nam có 26 giáo phận, được chia ra ba giáo tỉnh là: Hà Nội, Huế và Sài Gòn.

73. H. Hãy kể tên 5 giáo phận mà em biết?

T. Các Giáo phận mà em biết là: Giáo phận Mỹ tho, Vĩnh long, Long xuyên, Cần thơ và Thành phố Hồ Chí Minh.

74. H. Tại sao Đức Kitô lại thiết lập phẩm trật trong Hội Thánh?

T. Đức Kitô thiết lập phẩm trật trong Hôi Thánh để chăn dắt dân Thiên Chúa nhân danh Người.Vì thế Người đã trao ban quyền hành cho họ.

75. H. Phẩm trật trong Hội Thánh gồm những ai?

T. Phẩm trật trong Hội Thánh bao gồm các Thừa tác viên có chức thánh: Giám mục, Linh mục và Phó tế.

76. H. Trong năm 1960, ngoài sự kiện Hàng Giáo Phẩm Việt Nam được thiết lập còn có sự kiện gì đáng ghi nhớ ?

T. Trong năm 1960, Toà Thánh còn thiết lập thêm 3 giáo phận mới là: Đà Lạt, Mỹ Tho, Long Xuyên. Tấn phong 4 Linh mục lên Hàng Giám Mục: Giuse Trần Văn Thiện (Mỹ Tho); Antôn Nguyễn Văn Thiện (Vĩnh Long); Micae Nguyễn Khắc Ngữ (Long Xuyên); Philipphê Nguyễn Kim Điền (Cần Thơ).

77. H. Năm 1980 Hội Thánh Việt Nam có sự kiện nào đáng ghi nhớ ?

T. Trong bối cảnh đất nước thống nhất, Hội Thánh Bắc –Nam được sum họp một nhà, đại hội các Giám Mục toàn quốc lần đầu tiên đã nhóm họp và khẳng định một đường hướng chung là “ Sống phúc Âm trong lòng dân tộc” để phục vụ hạnh phúc của đồng bào.

78. H. Giáo Hội Việt Nam đã có bao nhiêu Hồng Y ?

T. Có 5 Hồng Y:

            Giuse Maria Trịnh Như Khuê (1899- 1978)

            Giuse Maria Trịnh Văn Căn (1921- 1990)

            Phalô Giuse Phạm Đình Tụng (1919- 2009 )

            Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận (1928- 2002 )

            Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn (1934 - )

79. H. Đức Hồng Y tiên khởi người Việt Nam là ai ?

T. Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Như Khuê được Đức Phaolô VI bổ nhiệm Hồng Y tiên khởi người Việt Nam ngày 25/04/1976.

80. H.  Em hãy kể tên các đại chủng viện tại Việt Nam?

T. Hiện nay, tại Việt Nam có tất cả 6 đại chủng viện:

             Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội

             Đại chủng viện Vinh Thanh

             Đại chủng viện Huế

            Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang

            Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn với ÐCV Thánh Giuse Xuân lộc (cơ sở II)

            Đại chủng viện Thánh Phêrô Đoàn Công Quý (Cần Thơ).

81. H. Em hãy kể tên các tôn giáo bạn cùng chung sống với Giáo Hội Công Giáo trong cộng đồng dân tộc Việt Nam ?

T. Các tôn giáo đó là :  Phật Giáo, Phật Giáo Hoà hảo, Cao Đài giáo và Hồi Giáo.

II. GIÁO PHẬN MỸ THO

82. H. Giáo phận Mỹ Tho được chính thức thành lập khi nào?

T. Giáo phận Mỹ Tho được thành lâp vào ngày 27/11/1960 do sắc chỉ “Quod Verabilis Fratres” của Đức Thánh Cha Gioan 23 ban hành ngày 26/11/1960.

83. H. Khi Giáo phận Mỹ Tho được chính thức thành lập (1960), có bao nhiêu giáo xứ, nhà thờ, giáo dân?

T. Khi Giáo phận Mỹ Tho được chính thức thành lập có: 39 giáo xứ, 32 nhà thờ, 50.429 giáo dân.

84. H. Giáo phận Mỹ Tho hiện nay gồm mấy tỉnh ?

T. Giáo phận Mỹ Tho gồm 3 tỉnh: Tiền Giang, Long An, 2/3 Đồng Tháp.

85. H. Em hãy cho biết đôi nét về vị trí địa lý của giáo phận Mỹ Tho ?

T. Giáo phận Mỹ Tho là một vùng đất rộng lớn thuộc ĐBSCL, nằm phía tả ngạn sông Tiền, phía Đông-Bắc giáp giáo phận TP.HCM và Phú Cường, phía Tây-Nam giáp giáo phận Vĩnh Long và Long Xuyên. Thành phố Mỹ Tho được chọn làm trung tâm của giáo phận.

86. H. Hiện nay, Giáo phận Mỹ Tho có bao nhiêu giáo hạt, giáo xứ, nhà thờ, giáo dân?

T. Hiện nay, Giáo phận Mỹ Tho có: 6 giáo hạt, 65 giáo xứ, 100 nhà thờ, 119.555 giáo dân.

87. H. Em hãy cho biết tên 6 Giáo hạt của Giáo phận Mỹ Tho?

T. 6 Giáo hạt của Giáo phận Mỹ Tho là:

          Giáo hạt Mỹ Tho

          Giáo hạt Cái Bè

          Giáo hạt Tân An

          Giáo hạt Cao Lãnh

         Giáo hạt Đức Hòa

         Giáo hạt Cù Lao Tây.

88. H. Từ khi được thành lập, Giáo phận Mỹ Tho được coi sóc bởi những Giám Mục nào?

T. Từ khi được thành lập, Giáo phận Mỹ Tho được coi sóc bởi các vị Giám Mục:

           Đức Giám Mục Giuse Trần Văn Thiện (1960-1989)        

           Đức Giám Mục Anrê Nguyễn Văn Nam (1976-1999)

           Đức Giám Mục phó Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn (1993-1998)

          Đức Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc (1999- )        

89. H. Em hãy cho biết giáo xứ nào là giáo xứ mẹ của các giáo xứ trong giáo phận Mỹ Tho ?

T. Giáo xứ Chánh Toà là giáo xứ mẹ của các giáo xứ trong giáo phận.

90. H. Em hãy kể tên 5 giáo xứ trong Giáo phận Mỹ Tho mà em biết?

T. 5 Giáo xứ trong Giáo phận Mỹ Tho mà em biết là: Giáo xứ Ba Giồng, giáo xứ Antôn, giáo xứ Chánh Tòa, giáo xứ Chợ Bưng, giáo xứ Ngũ Hiệp…..

91. H. Tại Giáo phận Mỹ Tho, thấm máu nhiều vị anh hùng tử đạo. Em hãy kể ra các vị mà em biết ?

T. Đó là: thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu (Linh mục); thánh Anrê Nguyễn Kim Thông (giáo dân), 27 vị tử đạo tại Ba Giồng.

92. H. Em hãy cho biết vài nét về Thánh tử đạo Phêrô Lựu ?

T. Thánh Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu sinh năm 1812. Tử đạo ngày 07/04/1861. Là Cha Sở họ đạo Ba Giồng. Trụ tưởng niệm Cha hiện nay đặt tại tiền đình giáo xứ Chánh Toà Mỹ Tho.

93. H. Em hãy cho biết các dòng tu đang phục vụ trong Giáo phận Mỹ Tho?

T. Các Dòng tu đang phục vụ trong Giáo phận là:

         Dòng Mến Thánh Giá Tân An

         Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán

         Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm

         Dòng Chúa quan phòng

         Dòng Chúa cứu thế

         Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn

         Dòng Thánh Phaolô.

         Dòng Don Bosco

III. GIÁO XỨ CHÁNH TÒA MỸ THO

94. H. Nhà thờ Chánh Tòa Mỹ Tho được khởi công xây dựng và hoàn thành vào ngày, tháng, năm nào ?

T. Nhà thờ Chánh Tòa Mỹ Tho được khởi công xây dựng ngày 11/08/1906 và hoàn thành năm 21/01/1910.

95. H. Cha sở tiên khởi của giáo xứ Mỹ Tho là ai?

T. Cha sở  tiên khởi là cha Guillou.

96. H. Ba ngôi nhà thờ đầu tiên lần lượt được hình thành và xây dựng. trong cộng đoàn Mỹ Tho tiên khởi, đó là ba ngôi nhà thờ nào?

T. Ba ngôi nhà thờ đó là:

        Nhà thờ thánh Phanxicô Xavier

        Nhà thờ Vĩnh Tường

        Nhà thờ Mỹ Tho.

97. H. Cha sở đương nhiệm của giáo xứ Chánh Toà là ai ?

T. Cha Giacôbê Hà Văn Xung

98. H. Trong dịp lễ khánh thành nhà thờ Chánh Toà của Giáo phận và khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 100 năm xây dựng ngôi nhà thờ này, Đức Cha Phaolô của giáo phận đã nhắn nhủ chúng ta điều gì ?

T. Đức Cha nhắc nhở: “Mọi người dù là Linh mục, tu sĩ hay giáo dân, theo tinh thần của công đồng Vaticanô II, phải có lòng yêu mến và kính trọng đối với nhà thờ Chánh Toà.”

99. H. Lễ Bổn mạng của giáo xứ Chánh Toà Mỹ Tho được cử hành vào ngày nào ?

T. Bổn mạng thứ nhất vào ngày 15/08 – Lễ Đức Mẹ Hồn xác lên Trời.

Bổn mạng thứ hai vào ngày 8/12 – Lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.

100. H. Lễ cung hiến Nhà Thờ Chánh Toà vào ngày nào ?

T. Lễ cung hiến Nhà Thờ Chánh Toà vào ngày 21/01/1999 và được cử hành lại hằng năm.

101. H. Nơi nào được chọn làm trung tâm hành hương các thành tử đạo của giáo phận?

T. Giáo xứ Ba Giồng, nơi thấm máu 27 vị anh hùng giáo dân (1861)

102. H. Giáo xứ Ba Giồng ở đâu?

T. Thuộc xã Tân Lý, huyện Châu Thành, Tỉnh Tiền Giang.

 

Nihil Obstat

Ngày 20/04/2009

Lm. Tôma Thiện Trần Quốc Hưng