23/05/2010
1809

ĐỀ CƯƠNG HỌC HỎI VỀ GIÁO HỘI

NĂM THÁNH 2010

NGÀNH NGHĨA

PHẦN MỞ: LÝ DO MỞ NĂM THÁNH VÀ Ý NGHĨA NĂM THÁNH 2010

Năm 2010 Giáo hội Việt Nam tổ chức năm thánh mừng 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam và 350 năm thành lập hai giáo phận đầu tiên Đàng Ngoài và Đàng Trong. Sự kiện này mời gọi mọi người sống đúng bản chất đích thực của người môn đệ Chúa Ki-tô, khơi dậy nhiệt tình truyền giáo cũng như đổi mới phương thức truyền giáo.

Chúng ta sẽ khởi đi từ việc tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và bối cảnh của xã hội Việt Nam hiện nay để từ đó thấy được hướng đi cần thiết cho việc loan báo Tin Mừng.

Tin mừng đến Việt Nam vào năm 1533 nhờ một thừa sai tên là I-nê-khu đến làng Ninh Cường và Trà Lũ thuộc tỉnh Nam Định. Để Tin Mừng được loan báo cho dân Việt, các nhà truyền giáo (các thừa sai) đã nhờ các tín hữu giúp học ngôn ngữ và phong tục tập quán. Cha ông chúng ta có được đức tin lớn mạnh, chúng ta phải nhớ đến sự đóng góp quan trong của các hội dòng: Dòng Tên, dòng Phanxicô, dòng Đaminh, và Hội Thừa Sai Paris.

Tuy nhiên, xã hội ngày nay đang có những thách đố đó là: (1) nhiều người trẻ chủ trương sống hưởng thụ bất chấp đạo nghĩa; (2) người ta dung túng cho chính mình bằng quan điểm tương đối về luân lý và đạo đức; nạn phá thai và ly dị ngày càng tăng; (4) Nét son gia đình đang bị biến thành một thứ ích kỷ tập thể chỉ biết nghĩ tới gia đình riêng của mình “đèn nhà ai nấy sáng”. Những điều trên cho thấy một xã hội xuống dốc về luân lý vì những nét đẹp văn hóa của gia đình đang bị biến thái.

Đứng trước những thách đố trong bối cảnh xã hội hiện nay, Giáo hội cần phải dấn thân lên đường với một lòng nhiệt tình mới, rao giảng với một phương pháp mới, và nhất là có được những chứng nhân đích thực cho Đức Ki-tô.

Để có một trái tim mới của Thiên Chúa, một lối suy nghĩ như Thiên Chúa, chúng ta cùng tìm hiểu Mầu Nhiệm Giáo Hội; Giáo Hội Hiệp Thông và Tham Gia; Giáo Hội Canh Tân Sứ Vụ của mình.

PHẦN MỘT: MẦU NHIỆM GIÁO HỘI

Giáo hội tìm về cội nguồn để khám phá lại bản chất của mình và hướng đến cùng đích để khám phá lại sứ mạng của mình.

Giáo hội bắt nguồn từ ý định muôn đời của Chúa Cha muốn con người được chia sẽ sự sống thần linh và hạnh phúc vô tận trong Thiên Chúa. Ngài đã không bỏ rơi con người sa ngã nhưng đã muốn quy tụ con người lại một mối nhờ Đức Kitô.

Chúa Kitô khai sinh Giáo hội bằng việc rao giảng Tin Mừng và bằng cái chết cứu chuộc và sự phục sinh của Ngài. Giáo hội còn được Chúa Thánh Thần xây dựng và thánh hóa. Chúa Kitô đã thành lập giáo hội theo tổ chức hữu hình và theo một cơ cấu phẩm trật đặt nền tảng trên các Tông Đồ. Giáo hội còn mang chiều kích thần linh là một cộng đoàn thiêng liêng và là nhiệm thể Chúa Kitô, là đền thờ của Chúa Thánh Thần.

Giáo hội còn được gọi là Dân Thiên Chúa vì mang những đặc tính: (1) Cùng chịu một phép rửa bởi nước và Thánh Thần; (2) Có một thủ lãnh là Đức Giêsu Kitô; (3) Có phẩm giá và tự do của những người con Thiên Chúa; (4) Có một điều răn là yêu thương như Đức Ki-tô; (5) Có một sứ mạng là mầm mống cho sự hiệp nhất và niềm hy vọng của ơn cứu độ cho nhân loại; (6) Có một định mệnh gắn liền với Nước Trời được khởi lập trên trần gian và trải rộng khắp nơi cho đến khi hoàn thành vào ngày tận thế.

PHẦN HAI: GIÁO HỘI HIỆP THÔNG VÀ THAM GIA

Giáo hội tìm một cách thế hiện diện mới: Giáo hội như là sự “Hiệp Thông”; Giáo hội như một “Gia Đình”; Giáo hội “Tham Gia”

Như thế, nền tảng đời sống của Giáo hội phát xuất từ sự hiệp thông của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi Thiên Chúa đã thông hiệp chia sẽ với nhau các phần vụ trong công trình hoàn thành Nước Trời khởi đi từ Giáo hội cho con người.

Giáo hội có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ sự hiệp thông đó trong việc gắn bó và vâng phục Đức Giáo hoàng. Giáo hội chú ý đặc biệt xây dựng sự hiệp thông liên kết giữa các thành phần Dân Chúa.

Và vì Giáo hội là của mọi tín hữu, nên tất cả phải cùng chia sẽ thách nhiệm. Đây cũng là thách đố cho Giáo hội tại Việt Nam. Giáo hội chưa quan tâm đủ đến vai trò của người giáo dân. Nhiều giáo dân vẫn chỉ coi mình như một dụng cụ hổ trợ hàng giáo sĩ hơn là những người chia sẽ trách nhiệm trong cùng một sứ mệnh Chúa trao.

Để thực hiện việc chia sẽ trách nhiệm ấy mọi người đều phải sống ơn gọi riêng của mình và hoàn thành vai trò riêng của mình; các đặc sủng độc đáo của mỗi phần tử cần được nhìn nhận, phát triển và sử sụng có hiệu quả. Trong các cộng đoàn, giáo dân, tu sĩ cũng như giáo sĩ phải nhìn nhận nhau như anh chị em trong cùng một gia đình của Thiên Chúa.

PHẦN BA: GIÁO HỘI CANH TÂN SỨ VỤ

Giáo hội canh tân ý thức và nhiệt tình tuyền giáo

Tất cả các thành phần Dân Chúa hiệp thông và tham gia trách nhiệm Chúa trao là loan báo Tin Mừng, nghĩa là làm cho mọi người nhận biết và tin vào Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất được Chúa Cha sai đến, để họ tin vào Người mà được cứu độ.

Để việc loan báo Tin Mừng được hữu hiệu, Giáo hội tại địa phương phải lưu tâm đến yếu tố lịch sử và văn hóa ở mỗi nơi, để đón nhận, canh tân và hoàn thiện những ý nghĩa, giá trị luân lý và những truyền thống dưới ánh sáng Tin Mừng. Giáo hội còn thúc đẩy hoạt động thăng tiến con người vì chính hoạt động này giúp con người sống xứng đáng phẩm giá là con người và là con Thiên Chúa.

Giáo hội ý thức sứ mạng Chúa trao vì khi đến trần gian mạc khải Chân lý về Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã thực hiện sứ vụ tiên tri của Ngài cách hoàn hảo. Giáo hội phải rao truyền cho mọi người biết và tin vào Chúa Giêsu là tặng phẩm duy nhất đem lại hạnh phúc đời này và đời sau mà Thiên Chúa đã có ý định trao ban cho nhân loại.

Giáo hội ý thức tham gia vào sứ vụ đặc biệt mà Chúa Giêsu là tư tế thượng phẩm đã dâng mình làm của lễ trên thập giá. Các tín hữu cần kết hợp kinh nguyện cũng như cuộc sống thường ngày với hy tế thập giá của Đức Kitô mà dâng lên Chúa Cha như của lễ thiêng liêng.

Giáo hội ý thức tiếp tục sứ vụ mục tử (vương đế) của Chúa Giêsu như một mục tử luôn biết yêu thương, săn sóc và bảo vệ đoàn chiên, Ngài đến để phục vụ chứ không phải để người khác phục vụ. Chúng ta được mời gọi sống sứ vụ mục tử như những người tôi tớ của Thiên Chúa và nhân loại; Cùng đồng hành với dân tộc để phục vụ anh chị em trong hành trình tìm kiếm chân lý; Và quy tụ mọi người lại trong gia đình của Thiên Chúa.

Giáo hội đi tìm một phương thức mới để loan báo Tin Mừng

Ngày nay việc loan báo Tin Mừng cần áp dụng phương thức đối thoại, nghĩa là bước đi với mọi người trong tình huynh đệ nhân loại, chịu đựng và đấu tranh cho đời sống nhân bản tốt đẹp hơn. Gặp gỡ và đối thoại đưa con người vào hành trình đi tìm chân lý giải thoát.

Việc loan báo Tin Mừng tại Việt nam ngày nay nên hữu hiệu nhất, thuyết phục nhất là nhờ những Kitô hữu thánh thiện vì dân chúng sẽ được thuyết phục do đời sống thánh thiện hơn là do những luận chứng của trí tuệ. 

Những vấn đề cần quan tâm

Giáo hội Việt Nam cần quan tâm đến các vấn đề giáo dục, gia đình, và giới trẻ; đến việc thực thi bác ái; đến truyền thông và đặc biệt đến hiện trạng di dân.

Lý do khiến Giáo hội quan tâm đến giáo dục là vì giáo dục có ảnh hưởng đến tương lai của Giáo hội và xã hội. Giáo dục giúp cho Tin Mừng được lan rộng và thấm sâu hơn. Giáo dục còn là căn tính của Giáo hội, giúp con người tìm về Chân-Thiện-Mỹ.

Giáo hội mời gọi giới trẻ nhìn ra thế nào là một gia đình lành mạnh? Đó phải là một gia đình biết chia sẻ, yêu thương, tha thứ và cầu nguyện chung với nhau. Đó là điều mà Hội thánh nhắc nhở và dạy bảo chúng ta để canh tân các gia đình.

Giáo hội coi trọng việc bác ái là trách nhiệm thiết yếu vì Giáo hội đang đồng hành với một thế giới còn đầy dẫy đau thương và Giáo hội ưu tiên chăm sóc quả phụ, trẻ mồ côi, tù nhân, bệnh nhân và người túng thiếu.

Giáo hội còn quan tâm hơn nữa đến vấn đề di dân. Nó tạo nên những biến đổi mất cân bằng về dân số, từ đó tạo nên tình trạng phức tạp về xã hội ngày càng nhiều.

PHẦN KẾT: GIÁO HỘI TIN TƯỞNG VÀ HY VỌNG

Hướng đến quê hương trên trời, Giáo hội tại Việt Nam hướng lòng yêu mến và tôn kính Mẹ Maria cách đặc biệt cùng tin tưởng cầu xin trợ giúp khi gặp khốn khó. Trong năm thánh này, cùng với các thánh tử đạo Việt Nam, Giáo hội muốn bày tỏ lòng tin tưởng và phó dâng vào tấm lòng từ mẫu chở che của Mẹ La Vang những dự định tương lai của Giáo hội.

PHẦN GIÁO PHẬN MỸ THO

Trước năm 1960 Mỹ Tho thuộc giáo phận Sài Gòn ( TP. H.C.M) nhưng vì giáo phận Sài Gòn quá rộng và có nhiều cuộc di cư làm cho số giáo dân của giáo phận Sài Gòn trở nên quá đông, nên ngày 27/11/1960 Đức Thánh Cha Gioan XXIII qua sắc chỉ “Quod Varabilis Fratres” thành lập giáo phận Mỹ Tho. Khi giáo phận được thành lập năm 1960, giáo phận Mỹ Tho có 39 giáo xứ, 32 nhà thờ và 50.429 giáo dân. Giáo phận lúc ấy tỉ lệ người Công  giáo chiếm 3% dân số, đến năm 1974, tỉ lệ đó đạt 3,8% dân số.

Giáo phận Mỹ Tho gồm 3 tỉnh là Tiền Giang, Long An và 2/3 tỉnh Đồng Tháp. Hiện nay giáo phận chia làm 6 giáo hạt, 65 giáo xứ, 100 nhà thờ, 119.555 giáo dân. Sáu giáo hạt ở 3 tỉnh như sau: hai giáo hạt tại Tiền Giang là Mỹ Tho và Cai Bè, 2 giáo hạt tại Long An là Tân An và Đức Hòa, 2 giáo hạt trong 2/3 tỉnh Đồng Tháp là Cao Lãnh và Cù Lao Tây.

Từ khi thành lập đến nay giáo phận được các Đức Giám mục Giuse Trần Văn Thiện (1960-1989), Anrê Nguyễn Văn Nam (1976-1999), Đức Cha Phó Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn (1993-1998), Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc (1999-).

Trước năm 1975, trong lãnh vực xã hội giáo phận đã tham gia tích cực vào giáo dục, đào tạo tu sĩ chủng sinh, Hội đồng mục vụ…. Sau năm 1975 đến 1993 giáo phận gặp nhiều khó khăn, các cơ sở vật chất trường học bị trưng thu thuộc về nhà nước, công tác tổ chức hoạt động bác ái xã hội cũng bị ngưng hoạt động, vì thế sinh hoạt chính là cử hành phụng vụ và học hỏi giáo lý. Trong giai đoạn 1975-1993 các khóa đào tạo Ban Mục Vụ, Giáo Lý Viên cũng không được tổ chức vì chính quyền chưa cho mở các khóa huấn luyện đó.

Hiện nay theo tình hình xã hội, khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng và phát triển giáo phận không còn do phía nhà nước cấm đoán và không cho phép nữa, nhưng là do ảnh hưởng của lối sống thực dụng lôi kéo các tín hữu xa dần những giá trị đạo đức và tôn giáo.

Do tình hình đó, giáo phận có những hoạch định đào tạo giáo dân để cộng tác với các Linh mục và tu sĩ; Giáo phận thành lập Hội Đồng Mục Vụ Giáo Phận để kêu gọi mọi thành phần dân Chúa tham gia xây dựng, Giáo phận cổ võ và thúc đẩy thành lập và phát triển các hội đoàn trong các giáo xứ.

                                                           Linh mục. Đaminh Phạm Minh Tiến