Nói chung, vấn đề sử dụng vaccine thường là tâm điểm các cuộc tranh cãi trên các diễn đàn cộng luận. Trong những tháng vừa qua, Bộ Giáo lý Đức tin chúng tôi có nhận một số yêu cầu xin hướng dẫn về việc sử dụng vắc-xin chống vi-rút SARS-CoV-2 gây ra Covid-19, mà trong quá trình nghiên cứu và sản xuất, đã sử dụng các dòng tế bào lấy từ các mô thu được từ hai cuộc phá thai diễn ra trong thế kỷ trước. Cùng lúc đó, trên truyền thông có những phát ngôn khác nhau và đôi khi trái ngược của các Giám mục, các hiệp hội Công giáo và các chuyên gia, đã gây ra những ngờ vực liên quan đến tính luân lý của việc sử dụng các loại vaccine này.
Về vấn đề này đã có một tuyên bố quan trọng của Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống, có tựa đề “Những suy tư về tính luân lý liên quan đến các vaccine được bào chế từ các tế bào lấy từ các bào thai người bị phá bỏ” (5.6.2005). Hơn nữa, chính bộ Giáo lý Đức tin đã phát biểu quan điểm về vấn đề này với Huấn thị Dignitas Personae (Phẩm giá con người) (8.12.2008) (x. ss. 34 và 35). Vào năm 2017, Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống đã quay lại chủ đề này với một Thông tư. Những tài liệu này đã cống hiến một số những tiêu chuẩn hướng dẫn chung.
Vì các vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên đã có sẵn để phân phối và cấp phát tại nhiều quốc gia, Bộ Giáo lý Đức tin muốn đưa ra một số chỉ dẫn để làm sáng tỏ vấn đề này. Chúng tôi không có ý đánh giá tính an toàn và hiệu quả của các vaccine này, mặc dầu về mặt đạo đức là thích đáng và cần thiết, vì việc đánh giá này là trách nhiệm của các nhà nghiên cứu y sinh học và của các hãng dược phẩm. Ở đây, chúng tôi chỉ có mục đích là xem xét các phương diện luân lý của việc sử dụng vaccine Covid-19 đã được phát triển từ các dòng tế bào phát xuất từ các mô của hai bào thai bị loại bỏ cách không tự nhiên.
1. Như Huấn thị Dignitas Personae đã nêu, trong các trường hợp nghiên cứu khoa học, việc sử dụng những dòng tế bào, được tạo ra từ các tế bào của những bào thai bị phá, “có những mức độ trách nhiệm khác nhau”[1] trong việc cộng tác vào điều xấu. Chẳng hạn, “nơi các tổ chức ở đó các dòng tế bào có nguồn gốc bất hợp luật được sử dụng, trách nhiệm của những người đưa ra quyết định sử dụng chúng không giống với trách nhiệm của những người không có tiếng nói trong quyết định đó”.[2]
2. Theo nghĩa này, khi các vaccine Covid-19 không bị chê trách về mặt đạo đức, không có sẵn (thí dụ tại các quốc gia ở đó các vaccine không có vấn đề về đạo đức, thì không có sẵn với cho bác sĩ và bệnh nhân, hoặc nơi đó việc phân phối vaccine khó hơn vì điều kiện lưu trữ và vận chuyên phải có tính chuyên biệt, hoặc khi các loại vaccine khác nhau được phân phối trong cùng một quốc gia nhưng các cơ quan y tế không cho phép người dân chọn lựa vaccine để chích ngừa) thì về mặt luân lý là có thể chấp nhận việc sự dụng các vaccine Covid-19 đã dùng các dòng tế bào từ bào thai bị phá trong quá trình nghiên cứu và sản xuất chúng.
3. Lý do căn bản để xem việc sử dụng những vaccine này là phù hợp với luân lý vì kiểu cộng tác vào sự dữ (hợp tác chất thể cách thụ động) trong việc thực hiện phá thai (rồi từ đó có được những dòng tế bào nguyên thủy này) đối với những người sử dụng những vaccine được tạo thành từ các tế bào đó được kể là từ xa. Bổn phận luân lý phải tránh sự hợp tác chất thể cách thụ động như thế không phải là bắt buộc nếu có nguy hiểm trầm trọng, chẳng hạn như sự lan truyền của một tác nhân gây bệnh nghiêm trọng, mà nếu không làm thế thì không thể khống chế được dịch bệnh:[3] trong trường hợp này, là sự lan truyền đại dịch của virus SARS-CoV-2, là nguyên nhân gây ra Covid-19. Do đó phải thấy rằng trong trường hợp như thế người ta có thể sử dụng mọi loại vaccine được thừa nhận là an toàn và hiệu quả về mặt lâm sàng, với ý thức rõ ràng rằng việc sử dụng vaccine đó không ám chỉ một sự hợp tác chính thức vào việc phá thai mà những tế bào được dùng để tạo ra các vaccine này được phát sinh từ bào thai bị phá đó. Tuy nhiên phải nhấn mạnh rằng về việc sử dụng hợp luân lý của những loại vaccine này, trong những điều kiện đặc thù khiến nó là như thế, thì tự nó không thể cấu thành việc hợp pháp hóa, ngay cả là gián tiếp, việc thực hành phá thai, và giả định sự trái ngược với sự thực hành này từ phía những người cậy nhờ đến những vaccine này.
4. Thực vậy, việc sử dụng hợp lệ những vaccine này không và không nên hàm nghĩa. theo bất kỳ cách nào, rằng có một sự tán thành về mặt luân lý việc sử dụng những dòng tế bào có nguồn gốc từ các bào thai bị phá.[4] Do đó cả các công ty dược phẩm lẫn các cơ quan y tế nhà nước đều được khuyến khích sản xuất, chuẩn y, phân phối và cung cấp các loại vaccine có thể chấp nhận về mặt đạo đức, không tạo ra những vấn đề về lương tâm, cho những nhà cung cấp dịch vụ y tế lẫn những người được tiêm chủng.
5. Đồng thời, lý do thực tế cho thấy rõ ràng rằng việc tiêm chủng, theo lẽ thường, không phải là một nghĩa vụ luân lý và do đó, phải có tính tự nguyện. Dù sao, theo quan điểm đạo đức, tính hợp luân lý của việc tiêm chủng không chỉ phụ thuộc vào nghĩa vụ bảo vệ sức khỏe của bản thân, mà còn là nghĩa vụ theo đuổi thiện ích chung. Trong trường hợp không có các biện pháp khác để ngăn chặn hoặc thậm chí ngăn ngừa dịch bệnh, vì thiện ích chung, người ta có thể được khuyến nghị nên tiêm chủng, đặc biệt là để bảo vệ những người yếu nhất và dễ bị phơi nhiễm nhất. Tuy nhiên, vì lý do lương tâm, những người từ chối loại vaccine được sản xuất bằng dòng tế bào từ bào thai bị phá, phải cố gắng hết sức để tránh - bằng các phương tiện dự phòng khác và hành vi thích hợp - trở thành phương tiện lây truyền tác nhân truyền nhiễm. Đặc biệt, họ phải tránh mọi rủi ro cho sức khỏe của những người không thể tiêm chủng vì lý do y tế hoặc các lý do khác, và sức khỏe của những người dễ bị tổn thương nhất.
6. Cuối cùng, ngành công nghiệp dược phẩm, các chính phủ và các tổ chức quốc tế cũng có mệnh lệnh luân lý phải bảo đảm rằng các loại vaccine, không chỉ hữu hiệu và an toàn theo quan điểm y tế mà còn được chấp nhận về mặt đạo đức, cũng có sẵn cho cả các nước nghèo nhất một cách không tốn kém cho họ. Nếu không, việc không có sẵn vaccine sẽ trở nên một dấu hiệu khác của kỳ thị và bất công, buộc các nước nghèo phải tiếp tục sống trong tình trạng nghèo khó về sức khỏe, kinh tế và xã hội.[5]
Tại buổi Tiếp kiến ngày 17 tháng 12 năm 2020 dành cho Bộ trưởng Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, người đệ trình bản Chỉ dẫn này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cứu xét và chuẩn nhận việc công bố.
Làm tại Rôma, Văn phòng của Bộ Giáo lý Đức tin, ngày 21 tháng 12 năm 2020, lễ kính Thánh Peter Canisius.
Đức Hồng Y Luis Francisco Ladaria, S.I.
Bộ Trưởng
+ Tổng Giám Mục Giacomo Morandi
Hiệu Tòa Cerveteri
Tổng thư ký
[1] Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Dignitas Personae (8.12.2008), s. 35; AAS (100), 884.
[2] Ibid. 885
[3] X. Hàn lâm viện Giáo hoàng về Sự sống, những suy nghĩ về mặt luân lý liên quan đến những loại vaccine được chuẩn bị từ những tế bào xuất phát từ những bào thai người bị phá, 5.6.2005.
[4]Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Dignitas Personae, s. 35: “Khi hành động bất hợp luật lại được luật pháp điều hành hệ thống y tế và nghiên cứu khoa học tán thành, ta cần phải tách mình ra khỏi những phương diện xấu của hệ thống này để không tạo cảm tưởng rằng cách nào đó ta đã dung túng hay ngầm chấp nhận những hành động bất công nghiêm trọng. Thực tế, bất cứ biểu hiện chấp nhận nào cũng đều góp phần làm gia tăng sự dửng dưng, nếu không nói là tán thành, đối với những hành động/việc làm xấu như thế trong một số giới y khoa và chính trị”.
[5] X. Đức Phanxicô, Diễn từ với cac thành viên của Quỹ "Ngân hàng Dược khoa", 19 Tháng 9, 2020.