14/09/2009
397

         TRÁI TIM CHÚA GIÊSU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA

Anh chị em rất quý mến,

Người công giáo Việt Nam có thói quen tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu, như là biểu tượng cao quý nhất cho Tình Yêu của Thiên Chúa. Điều đó rất đúng, vì quả thật, Trái Tim của Chúa Giêsu là nơi biểu lộ trọn vẹn nhất Tình Yêu của Thiên Chúa.

Tình Yêu của Thiên Chúa bao la vô bờ bến, đã được diễn tả trong sách tiên tri Hôsê cách cụ thể và sống động : “Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn” ( Hs 11, 4 ).

“Thiên Chúa yêu thương thế gian, đến nỗi ban Con Một Ngài cho thế gian, để những ai tin vào Người sẽ được sự sống đời đời” ( Ga 3, 16 ).

Chỉ khi nào chúng ta hiểu thấu Tình yêu của Chúa Cha đối với Chúa Con, thì chúng ta mới hiểu được Tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thiên Chúa hy sinh ngay cả Con Một của Ngài cho ta. Đáng lẽ ra nhân loại phải dâng hiến con cái mình lên cho Thiên Chúa là Đấng sáng tạo ra họ. Đàng này Thiên Chúa lại hiến chính con Một của Ngài cho nhân loại. Thật không thể nào tưởng tượng nỗi.

Thánh Phaolô viết : “Đến như chính con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” ( Rm 8,  32 ). Tình Yêu bao la của Thiên Chúa, và cả Thiên Chúa mà bản chất là “Tình Yêu” được mạc khải trọn vẹn nơi Chúa Giêsu : “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”( Ga 14, 9 ) Chúa Giêsu là hiện thân của Tình yêu Thiên Chúa, hiện thân của lòng “thương xót” của Chúa Cha. Lòng thương xót cũng chính là tình yêu, chứ không là gì khác, không chỉ là sự thương hại, coi thường những người mình thương hại.

Lòng thương xót là tình yêu dành cho những đối tượng không đáng yêu, như chúng ta. Thực ra chúng ta có gì “đáng cho Thiên  Chúa yêu"? Chúng ta có giá trị gì? Có gì để hấp dẫn Thiên Chúa? Ấy thế mà Thiên Chúa vẫn yêu thương ta, và không bỏ được ta, dù ta có bất tín bất trung. Ta càng bất xứng, Thiên Chúa càng yêu thương, đó chính là điều nghịch lý của lòng thương xót.

Tình yêu của Thiên Chúa khoả lấp muôn vàn tội lỗi. Tình yêu ấy lấp đầy mọi hố sâu và vực thẳm của tội. Nhưng Tình yêu đó làm cho Thiên Chúa đau khổ. Ngài đau khổ vì  yêu thương chúng ta đang ở trong tình trạng tội lỗi. Ngài đau khổ vì chúng ta còn đang ở trong tội. Sự đau khổ của Ngài được biểu lộ nơi cuộc khổ nạn và cái chết bi thảm của Chúa Giêsu, nơi “cạnh sườn bị đâm thâu, có nước và máu chảy ra” ( Ga 19, 34 ).

Chúng ta có thái độ nào trước Tình yêu bao la của Lòng Thương Xót Chúa?

Điều quan trọng đầu tiên là hãy đón nhận Lòng Thương Xót  của Chúa. Hãy để cho Chúa yêu ta, đừng từ chối Tình yêu của Ngài. Sự từ chối của chúng ta sẽ làm cho Ngài đau khổ. Hãy ý thức thân phận tội lỗi của mình và tin vào Lòng Thương Xót của Chúa. Chúng ta hãy đón nhận Lòng Thương xót của Chúa Cha biểu lộ nơi hy tế thập giá của Chúa Giêsu, mà Giáo hội cử hành mỗi ngày trong Thánh lễ. Mỗi ngày chúng ta hãy đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể là Quà tặng quý báu nhất của Thiên Chúa và hãy tạ ơn Ngài.

Điều quan trọng nữa là hãy tuyên xưng lòng Thương xót Chúa bằng lời ca tiếng hát và làm chứng cho Lòng Thương xót của Chúa bằng hành động. Hãy để cho lòng mình bị đánh động bởi những khổ đau thực tế, cụ thể, dưới muôn hình vạn trạng, của biết bao người chung quanh chúng ta. Hãy cứu giúp để làm vơi đi những nỗi đau và sự thiếu thốn của người khác. Hãy cộng tác vào sự phát triển cộng đồng để nhiều người được hưởng nhờ. Hãy đưa Lòng Thương Xót của Chúa vào cuộc sống, để cho cuộc đời ta thấm đẫm lòng thương xót, thấm đẫm tình yêu của Thiên Chúa.

Quan trọng hơn cả là hãy “cầu xin Lòng Thương Xót Chúa” cho tha nhân và cho chính mình.

Xin Chúa cho chúng ta đôi mắt của Lòng Thương Xót, đôi mắt biết xót thương, để chúng ta không xét đoán, không nghi ngờ, không kết án tha nhân. Cho chúng ta biết nhìn thấy, biết nhận ra những cái đẹp nơi người khác.

Xin cho chúng ta “đôi tai của Lòng Thương Xót”, nghe được những tiếng rên la quằn quại của người khác. Xin cho  ta biết lắng nghe và đồng cảm với mọi người.

Xin Chúa cho chúng ta “miệng lưỡi biết xót thương”, để ta không nói xấu, không vu oan cho người khác, không nói những lời khinh miệt hất hủi người khác, nhưng biết nói những lời an ủi, những lời khích lệ, xây dựng cho người khác.

Xin Chúa cho chúng ta “đôi tay biết xót thương”, để chúng ta sẵn sàng làm những điều lành cho người khác, phục vụ và nâng đỡ những người cần đến chúng ta. Cho chúng ta biết chia sẻ của cải vật chất và tinh thần cho những người có nhu cầu.

Xin Chúa cho chúng ta “đôi chân biết xót thương”, nhanh nhẹn dấn thân phục vụ những người hoạn nạn khổ đau, không ngại ngùng, không sợ mệt nhọc khi đến với người khác.

Quan trọng nhất là xin Chúa cho ta có “con tim biết xót thương”, để chúng ta trở nên mỗi ngày một giống Chúa nhiều hơn. Sẵn sàng để cho trái tim bị đâm thâu giống như trái tim bị đâm thâu của Chúa, từ đó có nước và máu chảy ra.

Lòng Thương xót của Thiên Chúa là một chân lý đức tin mà ta được mời gọi để sống và tuyên xưng, chứ không chỉ là đối tượng cho tình cảm ướt át !

                                                         + Phaolô BÙI VĂN ĐỌC

                                                                Giám mục Giáo phận Mỹ Tho