
Chúa Nhật XI Thường Niên - A
Xh 19,2-6a; Rm 5,6-11; Mt 9,36-10,8
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Xh 19,2-6a: Ðối với Ta, các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế, một dân tộc hiến thánh.
Tv 100,3c: Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi.
Rm 5,6-11: Nếu chúng ta được giao hoà cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của Ngài.
Mt 9,36-10,8: Sau khi triệu tập mười hai môn đệ, Người sai các ông đi.
Tin Mừng cho chúng ta biết Chúa Giêsu chạnh lòng thương vì thấy họ lầm than và bị bỏ rơi, như bầy chiên không người chăn dắt (x. Mt 9,36). Vì vậy, Ngài chọn mười hai Tông đồ và sai họ đi loan báo sứ điệp của Ngài, Nước Thiên Chúa. Ngài sai mười hai người này đi loan báo: “Nước Trời đã đến gần”. Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không” (Mt 10,7-8).
Điều mà các Tông đồ đã làm và điều chúng ta phải làm là tôn thờ Chúa Giêsu Kitô và rao truyền sứ điệp bình an và tình yêu của Ngài, và làm điều đó như một ơn ban của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi. Mọi Kitô hữu đều có cùng một sứ mệnh trong thế giới này: chữa lành vết thương và bệnh tật của nhân loại và hướng dẫn họ thực hiện nhiệm vụ của mình. Không chỉ các giám mục và linh mục mà cả giáo dân đều phải đáp lại lời mời gọi này. Vậy ta hãy ra khỏi chính mình và thực hiện những gì tốt nhất cho người khác ngay nơi ta hiện diện.
Thứ Hai Tuần XI Thường Niên
(2Cr 6,1-10; Mt 5,38-42)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
2 Cr 6,1-10: Chúng tôi chứng tỏ mình là những người phục vụ Thiên Chúa.
Tv 98,2: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người.
Mt 5,38-42: Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác.
“Đừng nhận lấy ơn của Thiên Chúa một cách vô ích.” Hãy luôn cởi mở với ơn Chúa. Vì “hôm nay là cơ hội thuận tiện”, hôm nay là ngày của ân sủng. Đừng để nó trôi qua! Chúng ta có sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của Phaolô không?
Chúa Giêsu dạy rằng sự tha thứ có thể chiến thắng sự thù ghét. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc cần thiết của tình yêu để chiến thắng sự trả thù. Ngài bảo đừng đáp trả bằng cách trả thù. “Mắt đền mắt và răng đền răng” không phải là Kitô hữu. Ngài đã dạy và đã thực hành. Khi trên Thập giá, Ngài cầu nguyện cho những kẻ hành hình Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34).
Noi gương Chúa Giêsu, nếu ta bị bất công, hãy tha thứ. Nhưng các phần khác của Kinh Thánh nói rằng hãy bênh vực người khác nếu họ bị đối xử bất công, như người nghèo, và chống lại sự bất công bằng lòng tốt và sự tha thứ. Đó là cách ta phải phá bỏ vòng xoáy của cái ác. Vì vậy, ta không trả đũa, nhưng phải giữ vững lập trường; cởi mở để tha thứ nhưng hãy nói rõ ràng mọi việc. Đó chắc chắn không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nhưng là cách duy nhất để ngăn chặn bạo lực và cho thế giới thấy họ còn thiếu Ơn Chúa rất nhiều.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Hôm nay, chúng ta chia sẻ một điểm đó là lời dạy của Chúa Giêsu: “Ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên kia cho nó nữa.”
Nếu đọc Tin mừng trong tính tổng thể, chúng ta thấy trong cuộc khổ nạn, khi vị thượng tế tra hỏi Chúa Giêsu về các môn đệ và giáo huấn của Người. Chúa Giêsu trả lời: “Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ; tôi hằng giảng dạy trong hội đường và tại Đền Thờ, nơi mọi người Do thái tụ họp. Tôi không hề nói điều gì lén lút. Sao ông lại hỏi tôi? Điều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe tôi. Chính họ biết tôi đã nói gì.” Chúa Giêsu vừa dứt lời, thì một tên trong nhóm thuộc hạ đứng đó vả vào mặt Người mà nói: “Anh trả lời vị thượng tế như thế ư?”
Sau đó, chúng ta thấy Chúa Giêsu có đưa má bên kia cho tên lính vả nữa hay không? Thưa không. Tại sao Lời Chúa dạy ở trên là như vậy, mà khi thực hành Chúa lại không thực hành? Nếu chúng ta để ý, thì sau khi bị tát Chúa Giêsu đã nói: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (x. Ga 18, 19-23). Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy, Chúa Giêsu chỉ phản ứng chứ không phản kháng để chống lại, bằng chứng là Chúa cho biết rằng nếu Chúa nói sai, thì phải cho Ngài biết Ngài sai ở chỗ nào, nếu chỉ được chỗ sai của Chúa ở chỗ nào thì cứ việc đánh, còn Ngài nói đúng thì không được phép đánh Ngài.
Và chúng ta thấy hành động của Chúa Giêsu là hành động giúp cho người khác nhận ra cái sai của mình để mà sửa đổi, đó mới là yêu thương thật sự, chứ không thể nói yêu thương kẻ thù mà ngồi yên đó để cho người xúc phạm đến mình muốn làm gì thì làm mặc kệ, thì điều này có thể tương đương với câu “nhịn không phải là nhục, nhưng nhịn là để tìm cách hạ gục đối phương.” Và cách hạ gục này thật là nguy hiểm và sâu độc, vì nó không giúp cho người ta nhận ra cái sai để mà sửa chữa, nhưng lại càng dấn bước sâu hơn vào cái sai nữa, như vậy là hại người khác rồi không phải yêu thương, điều này không những không đem giá trị Tin mừng vào cuộc sống mà dường như chúng ta đang lợi dụng Tin mừng để đáp ứng nhu cầu riêng của mình.
Như vậy, Lời Chúa hôm nay không phải dạy chúng ta sống bạc nhược mù quáng, ai muốn làm gì thì làm, để rồi cho cái ác lên ngôi. Nhưng Chúa dạy chúng ta phải sống sự thật, phải dùng sự thật, phải dùng tình thương thật sự để cảm hóa người khác, để họ sống tốt hơn.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta có được cái nhìn như thế, để sống tốt lời Chúa dạy trong cuộc đời của mình, để qua đó, nhiều người nhận ra được lầm lỗi thiếu sót của mình để sửa đổi. Amen.
Thứ Ba Tuần XI Thường Niên
(2Cr 8,1-9; Mt 5,43-48)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
2 Cr 8,1-9: Vì anh em, Đức Kitô đã nên thân phận nghèo khó.
Tv 146,1: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa.
Mt 5,43-48: Các ngươi hãy yêu thương thù địch.
Phaolô nói với ta rằng các giáo hội khá hơn phải giúp đỡ những giáo hội nghèo hơn. Ở đây, ngài yêu cầu Hội thánh Côrintô giúp đỡ giáo hội nghèo khó hơn của Giêrusalem. Phaolô đã thành lập nhiều giáo hội ở Macedonia, vì vậy ngài bắt đầu ở đó. Họ nghèo. Tuy nhiên, có một điều gì đó khiến họ thậm chí phải nỗ lực vượt quá khả năng của mình để trợ giúp anh chị em ở xứ Giuđêa. Phaolô khám phá ra rằng, mặc dù dân chúng sống cuộc sống nghèo khó, nhưng họ là một trong những người hào phóng nhất. Người nghèo giúp đỡ người nghèo hơn. Họ không chỉ chia sẻ vật chất mà còn trao gởi cả tình thương trong việc giúp đỡ anh chị em mình.
Câu xướng trước Tin Mừng trích lời Chúa Giêsu: “Ta ban cho anh em một điều răn mới: hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Thánh vịnh cho ta biết Chúa yêu thương ta biết bao. Chúa Giêsu bảo ta phải như vậy. Chúa Giêsu bảo đảm với ta rằng tình yêu của Chúa không chỉ dành cho những người yêu thương ta mà còn cho cả những kẻ thù của ta. Ngài kết thúc phần Bài giảng trên Núi của mình với những lời: “các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo.” Một mục tiêu không dễ đạt được. Tình yêu của ta phải tiếp cận mọi người. Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay cho thấy, khi chúng ta biết yêu thương địch thù và làm ơn, cũng như cầu nguyện cho người bắt bớ mình, thì mình sẽ là con cái của Thiên Chúa Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết cũng như kẻ bất chính, nghĩa là Chúa yêu thương tất cả mọi người, không loại trừ ai, nên nếu ta là con cái của Chúa thì phải yêu như Chúa yêu.
Có một vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta, đó là khi chúng ta chịu phép rửa tội, chúng ta đã được tái sinh trở thành con cái Thiên Chúa rồi, vậy cần gì phải sống yêu thương để được gọi là con cái Thiên Chúa, bởi vì đã là con cái Thiên Chúa rồi, cần gì phải được công nhận là con cái Thiên Chúa nữa. Đó là vấn đề mà chúng ta cần tìm hiểu để trả lời cho những chất vấn của người khác về đức tin của chúng ta.
Chúng ta để ý câu Chúa Giêsu bảo: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” nghĩa là chúng ta phải hiểu trở nên con cái Thiên Chúa không phải là danh nghĩa, nhưng phải thực sự giống như Thiên Chúa, trở nên con cái Thiên Chúa thật sự.
Nói một cách khác, nếu chúng ta chỉ chịu phép rửa tội thôi, mà không sống điều mình lãnh nhận, thì chúng ta chưa nên hoàn thiện. Nên để trở nên hoàn thiện thì phải thi hành thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời mình, nói như Chúa Giêsu đã nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).
Mở rộng vấn đề, chúng ta thử trả lời xem những người lương khi họ sống tốt lành, yêu thương nhau, họ có được gọi là con cái Thiên Chúa không, hay chỉ có chúng ta khi được rửa tội, khi sống tốt lành yêu thương nhau mới được gọi là con cái Thiên Chúa?
Nếu chúng ta xét theo Lời Chúa dạy: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời” và nếu chúng ta nhìn dưới cái nhìn về Thiên Chúa sáng tạo thì những người lương khi họ sống tốt lành, yêu thương nhau họ vẫn là con cái Thiên Chúa, nhưng con cái theo nghĩa tự nhiên, chứ không phải theo nghĩa bí tích, nói theo ngôn ngữ bí tích là thành sự nhưng chưa hợp pháp.
Chúng ta thấy, Công Đồng Vaticano II đã từng nói: “Những người không Kitô giáo cũng có thể được cứu độ, đó là những người không do lỗi của họ chưa khám phá ra được Thiên Chúa cách minh nhiên. Những người tuy không có ân sủng, vẫn sống một cuộc đời tốt lành theo lương tâm ngay thẳng.”
Hiểu được như vậy, chúng ta thấy ai trong chúng ta cũng là con cái Thiên Chúa, vì Thiên Chúa tạo dựng tất cả chúng ta, lương cũng như giáo, nên chúng ta được mời gọi sống tốt lành thánh thiện, biết yêu thương nhau, để mình trở thành con cái Thiên Chúa thật sự chứ không phải trên danh nghĩa, và qua đó cũng có thể giúp cho người khác nhận biết Chúa, để họ được trở thành con Thiên Chúa theo nghĩa bí tích, nghĩa là thành sự và hợp pháp. Amen.
Thứ Tư Tuần XI Thường Niên
(2Cr 9,6-11; Mt 6,1-6.16-18)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
2 Cr 9,6-11: Thiên Chúa yêu thương kẻ cho cách vui lòng.
Tv 112,1: Phúc đức thay người tôn sợ Chúa.
Mt 6,1-6.16-18: Cha người Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi.
Các bài đọc hôm nay nói về sự chia sẻ chân thành và quảng đại. Đối với Phaolô, những người cho đi rộng rãi, tự nguyện là những người thực thi lòng tốt của Thiên Chúa. Bằng cách tạ ơn Thiên Chúa vì những gì họ đã nhận được, họ đang làm giàu thêm cho bản thân bằng cách sẻ chia. Việc dâng hiến, cầu nguyện và đền tội phải được thực hiện vì lợi ích của Thiên Chúa. Chúa Giêsu mời gọi ta hãy luôn hành động vì vinh quang của Thiên Chúa, để làm vui lòng Chúa Cha, đây là lý do tại sao ta được tạo dựng.
Vì vậy, “hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không, các con mất công phúc nơi Cha các con là Đấng ở trên trời” (Mt 6,1). Làm sao ta có thể làm vui lòng Thiên Chúa? Hãy trực tiếp thể hiện những việc làm tốt của ta đối với Người. Vì vậy, ta phải cẩn thận xem xét ý định thực sự của mình trong bất cứ điều gì ta đang làm. Ta cần tiếp tục sẻ chia, nguyện cầu cho những người thân yêu, hàng xóm, người nghèo và Giáo hội, vì đó là điều đúng đắn phải làm; và không phải vì hy vọng trở thành một người tử tế, hào phóng hay tốt bụng và chu đáo. Ta cần làm những việc tốt và công bình này như một cách để tôn vinh Thiên Chúa.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay thường hay đọc trong thứ Tư lễ tro, nói về việc ăn chay, cầu nguyện, và bố thí. Và để ý, khi thực hành ba việc đạo đức này thì Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta phải thực hành một cách kín đáo. Kín đáo nghĩa là phải xuất phát từ trong tâm hồn của mình, làm vì lòng yêu mến Chúa, chứ không phải vì lý do bên ngoài, làm để phô trương, làm để hướng về mình, chắc chắn khi chúng ta làm với ý hướng tốt lành, việc đạo đức của chúng ta sẽ đạt được hiệu quả, chắc chắn Chúa sẽ ban ơn cho chúng ta. Nhưng vấn đề đặt ra là khi chúng ta không làm vì lòng yêu mến, mà làm vì lòng kính sợ Chúa, Chúa có ban ơn cho chúng ta hay không?
Chúng ta hãy nhớ đến câu chuyện con cháu của ông Giacop, khi nạn đói xảy ra, ông và con cháu đã sang Ai cập để nương tựa vào ông Giuse là con ông Giacop và ở lại đây, người Do thái ngày càng phát triển thêm đông số. Lúc bấy giờ, vị vua mới lên không biết ông Giuse, vì ông Giuse đã qua đời, vị vua mới này lo sợ dân Do thái ngày càng thêm đông số, nếu có chiến tranh sẽ đứng lên chống lại ông ta. Chính vì thế, ông ta ra lệnh cho các bà đỡ người Do thái một bà tên là Síp-ra, một bà tên là Pu-a: “Khi đỡ cho sản phụ Híp-ri, các người hãy xem đứa trẻ là trai hay gái. Nếu là trai thì giết đi, nếu là gái thì để cho sống.” Nhưng các bà đỡ có lòng kính sợ Thiên Chúa, nên không làm như vua Ai-cập đã truyền, và cứ để cho con trai sống. Vua Ai-cập bèn gọi các bà đỡ đến và hỏi: “Tại sao các ngươi làm thế và cứ để cho con trai sống?” Các bà đỡ thưa với Pha-ra-ô: “Đàn bà Híp-ri không như đàn bà Ai-cập, họ khoẻ lắm: bà đỡ chưa kịp đến thì họ đã sinh rồi.” Thiên Chúa ban ơn lành cho các bà đỡ; còn dân thì trở nên đông đúc và rất hùng mạnh. Vậy, vì các bà đỡ có lòng kính sợ Thiên Chúa, nên Người đã cho họ có con để nối dòng (x. Xh 1,1-20).
Với lòng kính sợ Chúa các bà đỡ đã không làm điều xấu theo ý vua Pharaô, để việc tốt lành được triển nở, chính vì thế mà Chúa đã ban ơn và chúc lành cho các bà. Nên chúng ta thấy, nếu mỗi người chúng ta có lòng kính sợ Chúa, không chỉ giúp cho chúng ta không làm điều gì xấu trước mặt Chúa, mà còn giúp chúng ta làm điều tốt lành trước mặt Ngài, thì chắc chắn Chúa cũng sẽ ban ơn và chúc lành cho chúng ta.
Và chúng ta phải biết rằng ơn kính sợ Chúa cũng là 1 trong 7 ơn của Chúa Thánh Thần khi chúng ta chịu phép Thêm Sức. Chúng ta hãy nhớ lại khi chịu phép Thêm Sức, trước khi xức dầu thánh hiến, thì giám mục đặt tay trên các người sắp lãnh nhận, hoặc là linh mục nếu linh mục ban các bí tích khai tâm cho người tân tòng, thì các ngài sẽ đọc: “Lạy Thiên Chúa toàn năng, là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Chúa đã tái sinh các tôi tớ Chúa đây bởi nước và Thánh Thần khi giải thoát họ khỏi tội lỗi, thì lạy Chúa, xin ban Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi đến trong những người này, xin ban cho những người này thần trí khôn ngoan và thông hiểu, thần trí lo liệu và sức mạnh, thần trí suy biết và đạo đức, xin ban cho những người này ơn kính sợ Chúa, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.”
Hiểu được như vậy, chúng ta xin Chúa ban ơn cho chúng ta, ơn yêu mến Chúa, ơn kính sợ Chúa, để khi chúng ta làm việc gì, làm vì lòng yêu mến Chúa, hay làm vì lòng kính sợ Chúa, chắc chắn Chúa sẽ ban ơn và chúc lành cho công việc của chúng ta. Amen.
Thứ Năm Tuần XI Thường Niên
(2Cr 11,1-11; Mt 6,7-15)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
2 Cr 11,1-11: Tôi rao giảng không công cho anh em Tin Mừng của Thiên Chúa.
Tv 111,7: Lạy Chúa, công cuộc tay Chúa làm ra đều chân thật và công chính.
Mt 6,7-15: Vậy các ngươi hãy cầu nguyện như thế này.
Phaolô cầu xin người Côrintô hãy trung thành với Đức Kitô, Đấng đã chọn ông làm tông đồ và đã sai ông đến Côrintô. Phaolô cầu xin cộng đồng phân biệt sự hào nhoáng với thực tế. Không ai phải sống một mình. Phaolô đã đưa Chúa Giêsu vào trong cuộc sống của họ, và Chúa Giêsu cho biết nguồn gốc sự hiện hữu của họ trong Thiên Chúa. Theo lời của Chúa Giêsu, hôm nay Matthêu cho ta một bài giáo lý về sự cầu nguyện. Lý do và cơ sở của lời cầu nguyện không nên chỉ là xin ơn và dùng nhiều từ ngữ. Ta cầu nguyện bởi vì Chúa Giêsu yêu cầu và tin cậy nơi Chúa Cha, Đấng biết ta cần gì ngay cả trước khi ta cầu xin Người. Trong lời cầu nguyện của mình, ta cũng nên có những thứ tự ưu tiên. Với Kinh Lạy Cha, trước hết ta ngợi ca Thiên Chúa và vương quốc của Người, tiếp đến là những khẩn xin cho ta lương thực, sự tha thứ và bảo vệ.
Chúa Giêsu mở ra cho ta một chân trời cầu nguyện mới: lời cầu nguyện của những ai nói với Thiên Chúa với tâm tình của những người con. Với Kinh ‘Lạy Cha’, Chúa Giêsu dạy ta sống như con của Chúa. Khi gọi Thiên Chúa là ‘Cha’, chúng ta nên cư xử như những đứa con của Người để Người vui lòng và Chúa cũng vui vì ta vâng lời Người.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói với các môn đệ khi cầu nguyện đừng lải nhải như dân ngoại, và Chúa đưa ra lý do là vì họ nghĩ nói nhiều mới được nhận lời. Và Chúa nói thêm đừng làm như họ, vì cha anh em biết rõ điều anh em cầu xin.
Có một vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta, đó là Chúa nói: “Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 6,8), sao Ngài không cho ngay đi, lại còn dạy chúng ta một câu trong kinh lạy Cha là “Xin cho chúng con lương thực hằng ngày,” tại sao vậy?
Câu hỏi này cũng tương tự như câu hỏi về mạc khải tư của thánh nữ Faustina về lòng thương xót của Chúa, người ta đặt câu hỏi tại sao mạc khải của Chúa Giêsu là mạc khải cuối cùng mà lại còn áp dụng một mạc khải tư cho cả Giáo hội, chẳng lẽ trước giờ chưa có lòng thương xót Chúa mà phải đợi đến năm 2000 chúng ta mới kính nhớ lòng Chúa thương xót?
Bởi trong thư Do thái có viết “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách Thiên Chúa đã nói với các tiên tri, và trong thời sau hết người nói qua người con” nên với Đức Giêsu là mạc khải trọn vẹn, nhưng chúng ta biết, có những điều được Chúa Giêsu mạc khải mà các môn đệ không thể hiểu ngay được, nên có lần Chúa đã nói với các môn đệ: còn nhiều điều các con chưa hiểu được nên khi Chúa Thánh Thần đến, Chúa Thánh Thần sẽ giúp cho hiểu nhiều hơn.
Rồi trong dòng lịch sử Giáo hội, lịch sử tác động của Chúa Thánh Thần, thì mỗi ngày chúng ta được hiểu nhiều hơn, hơn nữa có nhiều điều Chúa Giêsu đã mạc khải, kinh thánh đã nói đầy đủ, nhưng do con người hay quên, không nhớ, nên cách này hay cách khác Chúa dùng những mạc khải tư để nhắc cho chúng ta nhớ. Nhưng chúng ta nhớ, mạc khải tư này phải phù hợp, phải có trong thánh kinh thánh truyền và giáo huấn của Giáo hội.
Hiểu được như thế, chúng ta cũng thấy được rằng sở dĩ Chúa dạy con người cầu xin là vì con người hay quên, nên Chúa dạy con người phải cầu xin, là muốn cho con người nhớ, muốn cho con người ý thức mọi sự mình có đều là của Chúa, để biết ơn, tạ ơn và đền ơn Chúa, nếu con người không xin mà Chúa cứ ban, thì sẽ làm cho con người trở thành những người vô ơn, tưởng những gì mình có là của mình chứ không phải là của Chúa.
Xin cho mỗi người chúng ta ý thức được điều đó, để kiên trì cố gắng cầu nguyện, khi đạt được điều mình cầu xin thì hãy biết tạ ơn Chúa, vì tất cả đều là do ơn Chúa ban cho mình. Amen.
Thứ Sáu Tuần XI Thường Niên
(2Cr 11,18.21b-30; Mt 6,19-23)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
2 Cr 11,18.21-30: Không kể những việc bên ngoài, lại còn những việc thúc bách hằng ngày và mối lo lắng đến các Giáo hội.
Tv 34,18: Thiên Chúa cứu người hiền đức khỏi mọi nỗi lo âu.
Mt 6,19-23: Kho tàng con ở đâu, thì lòng con cũng ở đó.
Phaolô nhắc Hội thánh ở Côrintô rằng họ được kêu gọi tập trung vào một thực tại quan trọng nhất: mối quan hệ với Thiên Chúa. Ngài cảnh báo người Côrintô không nên bị thuyết phục bởi các siêu tông đồ, những người đã khiến họ chống lại những lời dạy phúc âm của Phaolô, người sáng lập ra họ. Khi nói về sứ vụ, Phaolô tự hào về tất cả những gì ngài đã làm và phải chịu đựng trong việc rao giảng Phúc âm cho các cộng đồng Kitô hữu trẻ. Những đau khổ này ảnh hưởng và làm tổn thương, vì làm cho thân xác ngài trở nên yếu đuối. Nhưng ngài kiên tâm vì Thiên Chúa là sức mạnh, kho tàng, ánh sáng soi chiếu tâm can ngài.
Những lời của Thánh Phaolô được vang vọng trong bài Phúc âm. Phaolô khuyến khích Hội thánh bám chặt vào những điều cần thiết. Phúc âm yêu cầu ta xác định đâu là “kho tàng” của mình. Khám phá kho tàng là tìm xem lòng trí của ta ở đâu: với Chúa hay chỉ riêng mình. Nhiều Kitô hữu có chí hướng cao và tận tụy, vẫn tìm kiếm và khao khát của cải vật chất và tiện nghi. Những điều đó lôi kéo ta khỏi tình yêu của Thiên Chúa và cuộc sống vui vẻ và bình an của Chúa Giêsu. Vì “kho tàng con ở đâu, thì lòng con cũng ở đó.”
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì của cải anh ở đâu thì lòng trí anh ở đó.”
Chúng ta chú ý đến câu của Chúa Giêsu “của cải của anh em ở đâu thì lòng trí anh em ở đó,” nghĩa là Chúa muốn các môn đệ của Ngài ngày xưa cũng như mỗi người chúng ta ngày nay phải tập luyện nhân đức, phải lo cho đời sống thiêng liêng của mình ngay từ bây giờ, chứ đừng chờ đợi.
Chúng ta hãy nhớ khi học giáo lý chúng ta được dạy nhân đức là gì? Nhân đức là thói quen tốt lành được lập đi lặp lại, cũng vậy, nếu chúng ta không lo tập luyện những thói quen tốt lành được lặp đi lặp lại thì một điều chắc chắn là lòng trí của chúng ta sẽ hướng về những điều không tốt lành, mà khi muốn hướng về điều tốt lành cũng rất khó, nói như thánh Phaolo đó là: “Sự thiện tôi muốn mà tôi không làm, nhưng sự dữ tôi không muốn mà tôi lại làm.”
Chắc chúng ta có nghe biết về hai bức tranh chết lành chết dữ, những nhà hồi xưa còn thấy, nhưng ngày nay thì không ai còn treo, chắc là treo sợ đem lại sự chết chóc, nhưng chúng ta biết hai bức tranh này rất ý nghĩa, để cho chúng ta nhìn lên đó là lo cho sự sống đời sau của mình. Bức tranh chết lành mô tả một bệnh nhân sốt sắng, vẻ mặt rạng ngời hạnh phúc với các thiên thần vây quanh. Vị linh mục cầm thánh giá và Thánh Thể trao cho bệnh nhân, bầy quỷ dữ lấm lét sợ hãi bị đè bẹp trong góc nhà.
Còn bức tranh sự chết dữ mô tả cảnh ngược lại: người sắp chết vẫn níu lại những vui thú trần gian, anh ngoảnh mặt làm ngơ với sự hiện diện của các thiên thần và vị linh mục, thiên thần bản mệnh khóc lóc che mắt bay về trời trong cái hả hê của bầy quỷ dữ.
Tại sao có sự khác biệt như vậy? Tại vì nói như Chúa Giêsu thì của cải ở đâu thì lòng trí ở đó, khó mà thay đổi được.
Hiểu được như vậy, mỗi người chúng ta được mời gọi ngay từ bây giờ hãy lo tích trữ kho tàng ở trên trời, để gió chiều nào chúng ta không ngã theo chiều đó mà cứ một lòng hướng về Chúa. Amen.
Thứ Bảy Tuần XI Thường Niên
Sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả
(Gr 1,4-10; 1Pr 1,8-12; Lc 1,57-66.80)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 49,1-6: Đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc.
Tv 139,14: Con ca ngợi Chúa, vì con được tạo thành cách lạ lùng.
Cv 13,22-26: Gioan rao giảng việc Chúa Kitô sắp đến.
Lc 1,57-66.80: Nó sẽ gọi tên là Gioan.
Chúng ta long trọng mừng lễ sinh nhật của Thánh Gioan Tẩy Giả. Như tôi tớ của Chúa trong bài hát này từ Isaia, Gioan được Chúa yêu thương và kêu gọi, ngay cả trước khi ông được sinh ra. Việc sinh ra từ cha mẹ già và những điều kỳ diệu trước và sau khi sinh ra đều nói về Gioan như một người được Chúa chọn cho một sứ mệnh vô cùng đặc biệt. Nhiệm vụ của ngài với tư cách là một người tôi tớ sẽ dẫn mọi người đến với Chúa. Ngài chuẩn bị tâm hồn của mọi người cho Đấng Cứu Thế sắp đến và sau đó rời đi một cách khiêm tốn.
Gioan là một người đặc biệt có cách sống và sứ mệnh đặc biệt. Im lặng và khiêm tốn, ngài là một người tuyệt vời! Có lẽ, bí mật về sự vĩ đại của ngài là biết mình đã được Chúa chọn; Thánh sử giải thích như thế này: “Con trẻ lớn lên, mạnh mẽ trong lòng: nó ở trong hoang địa cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Israel”. Thời thơ ấu và tuổi trẻ của ngài được đánh dấu bằng sự hiểu biết về sứ mệnh của mình. Biết về Gioan, ta có thể trả lời câu hỏi người đương thời của ngài băn khoăn: “con trẻ này rồi sẽ nên thế nào?” Ta cùng ca ngợi, phụng sự, làm chứng cho Chúa Giêsu như cách Gioan Tẩy Giả đã từng.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng thuật lại, khi hay tin bà Êlisabet sinh Gioan Tẩy Giả, thì mọi người láng giềng thân thích chia vui với gia đình. Ngoài việc chia vui, vì gia đình này được Chúa thương chúc phúc, thì có một chi tiết nữa mà những người thân láng giềng này bàn với nhau nữa đó là họ nói: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.” Tại sao họ lại nói như thế?
Có hai lý do, thứ nhất, hai ông bà hiếm muộn và đã cao niên nay lại sinh được một mụn con, không phải là con bình thường mà là con trai, nên ai biết đến đều vui mừng phấn khởi. Đối với dân Do thái không có con là nỗi nhục, là bị chúc dữ, là bị Chúa phạt…
Lý do thứ hai là vì khi con trẻ được tám ngày, người ta đến làm phép cắt bì và lấy tên Dacaria mà đặt cho em, nhưng bà Êlisabet không đồng ý, muốn đặt cho con mình tên là Gioan, người ta thấy lạ và nói trong dòng họ chưa có ai tên đó cả, nên người ta ra hiệu hỏi người cha, người cha xin một tấm bảng nhỏ và viết tên cháu là Gioan, vì tên này đã được sứ thần báo trước cho ông, sau đó thì ông hết câm, nói được mà ca tụng Thiên Chúa. Nhờ qua hai chuyện lạ này mà mọi người chung quanh bà con làng xóm láng giềng và thân bằng quyến thuộc đều để “tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.”
Nhưng chúng ta thấy lý do nào mà có những điều lạ lùng xảy ra nơi cuộc đời của Gioan Tẩy Giả, cũng như nơi ông Dacaria và bà Êlisabet, để người ta ngạc nhiên? Thưa vì có bàn tay Thiên Chúa ở cùng.
Nhìn lại những mẫu gương trong kinh thánh chúng ta thấy:
Môsê chỉ là một người nói ngọng nhưng Chúa ở cùng ông, ông đã trở nên lợi khẩu, trở thành người dẫn đầu để đưa dân ra khỏi Ai cập, đó là điều lạ lùng.
Mẫu gương của Đức Mẹ: khi Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ, Thiên Thần nói “mừng vui lên hỡi đấng đầy ơn sủng, Đức Chúa ở cùng bà,” Đức Mẹ đầy ơn sủng không phải tự Mẹ, mà vì Mẹ được Chúa ở cùng, cuộc đời Mẹ được biến đổi.
Hay cuộc đời của Dakêu: Khi Chúa Giêsu đi tới chỗ của ông, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,5-10).
Tất cả những hình ảnh đó cho chúng ta thấy, khi có Chúa ở cùng cuộc đời của chúng ta sẽ biến đổi, Chúa sẽ biến đổi cuộc đời của mỗi người chúng ta, để mỗi người chúng ta ngày càng hoàn thiện như thánh ý Chúa.
Và để được Chúa ở cùng, chúng ta cần mở lòng ra đón nhận Chúa, nói theo sách Khải huyền thì: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20).
Xin Chúa cho chúng ta biết mở lòng ra đón nhận Chúa, để Chúa đến biến đổi cuộc đời chúng ta, để mỗi người chúng ta ngày càng hoàn thiện hơn trong đời sống thường ngày cũng như trong đời sống đức tin. Amen.