23/04/2023
728
Suy niệm hằng ngày_Tuần III Phục Sinh










 


 


 

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

(Cv 2,14.22b-33; 1Pr 1,17-21; Lc 24,13-35)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 2, 14.22-28: Không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong cõi chết.

Tv 16,11a: Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh.

1 Pr 1,17-21: Anh em được cứu độ bằng Máu châu báu của Đức Kitô, Con Chiên tinh tuyền.

Lc 24,13-35: Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh.

Con người tìm Chúa hay Chúa tìm con người. Theo thánh Luca là Chúa tìm đến, cùng lắng nghe, san sẻ những ưu tư sầu muộn, lay động lòng tin, thức tỉnh con người. Chúa vẫn hiện diện với ta mà con người nào có hay có biết. Vì mắt ta tưởng là tỏ tường nhưng hóa ra chỉ nhìn thấy sự vật xung quanh, còn con mắt để nhận ra Chúa thì lại bị che mờ.

Hai môn đệ quay về Emmaus cũng đã từng nghe, biết nhiều về Chúa lắm. Tuy nhiên, họ muốn trở lại với đường xưa lối cũ. Theo Chúa không được gì, giờ chỉ còn tấm thân mỏi mệt, tinh thần rệu rã và tương lai bất định. Chính lúc bơ vơ nhất, nản lòng nhất thì Chúa cùng đồng hành với họ. Bằng những gợi ý khéo léo và việc làm quen thuộc Chúa đã làm cho các ông bừng tỉnh. Họ đã nhận ra Chúa khi Ngài bẻ bánh. Họ đã tham dự trọn vẹn một ‘Thánh Lễ’ do chính Đấng phục sinh cử hành. Sau đó họ đã hăng hái lên đường rao giảng Tin Mừng bằng chính những gì mắt thấy, tai nghe về Chúa Giêsu Phục Sinh. Nay, mỗi người đều có cơ hội để lắng nghe Lời Chúa và tham dự bàn tiệc Thánh Thể thì cũng được nhắc nhớ rằng, hãy rao truyền Chúa đã Phục sinh.




Thứ Hai Tuần III Phục Sinh
(Cv 6,8-15; Ga 6,22-29)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 6,8-15: Họ không thể đương đầu với sự khôn ngoan và Thánh Thần vẫn giúp cho ông nói.

Tv 119,1: Phúc cho ai theo đường lối tinh toàn.

Ga 6,22-29: Hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời.

Đám đông đi tìm Chúa Giêsu. Trọng tâm của họ là những thứ thuộc về trần thế và vật chất. Ngài biết rằng họ đã không hiểu được phép lạ hóa bánh ra nhiều. Ngài đã cho biết rằng thứ nuôi dưỡng con người là lương thực tinh thần đem lại sự sống đời đời cho chúng ta. Chúa Giêsu muốn họ tìm kiếm lương thực mà chỉ Ngài có thể cho, một thứ sẽ tồn tại mãi mãi.

Thiên Chúa là Đấng ban cho ta lương thực này, và Người ban qua Con của Người. Chúa Giêsu hiểu lòng dạ con người. Tiếp nối Ngài, Giáo hội đáp ứng những khao khát sâu xa nhất của tâm hồn nhân loại, vốn không bao giờ được thỏa mãn hoàn toàn bởi những gì thế giới này mang lại. Hãy nhớ rằng, ta phải “ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời.” Và công việc của Thiên Chúa là ta tin vào Đấng mà Người sai đến.

Trong mùa Phục sinh này, chắc chắn có một sự lôi cuốn để tìm kiếm Chúa Giêsu, Đấng làm phép lạ. Mỗi ngày, ta được mời gọi để đón nhận Chúa Giêsu, bánh hằng sống thật sự, và dấn thân làm môn đệ với viễn tượng mà Ngài đề xuất. “Phúc cho ai theo đường lối tinh toàn!”

 



Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay kể cho chúng ta câu chuyện dân chúng đi tìm Chúa Giêsu sau khi Ngài hóa bánh ra nhiều. Và Chúa Giêsu nói với họ: “Ta bảo thật các ngươi, các ngươi đi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê,” nghĩa là lối sống của dân chúng là lối sống thực dụng, mà không hiểu được đằng sau phép lạ Chúa Giêsu làm là gì?

Nếu đọc Tin mừng trong tính tổng thể, chúng ta cũng thấy được không ít lần Chúa Giêsu cũng nhắc nhở dân chúng phải biết nhìn ra dấu chỉ thời đại. Tin mừng Luca có kể câu chuyện như sau: “Có mấy người đến kể lại cho Chúa Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Chúa Giêsu đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Galilê đó tội lỗi hơn mọi người Galilê khác, bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao? Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết như vậy” (Lc 13,1-5).

Trong Tin mừng hôm nay, dấu chỉ mà Chúa Giêsu muốn nhắc nhở dân chúng đó là không phải chỉ biết lo tìm kiếm của cải nuôi thân xác này, mà còn phải tìm kiếm lương thực đem lại phúc trường sinh.

Hiểu được như vậy, khi chúng ta đến với Chúa không phải đến để được quyền lợi này quyền lợi kia (việc lấy nước thánh cũng vậy) theo nghĩa vật chất, hay xem việc đến với Chúa là một sự nặng nề cực nhọc để chu toàn lề luật, nếu không đi thì có tội, nhưng đến với Chúa là để tìm được sự nghỉ ngơi bên Chúa, đến với Chúa là để kín múc nguồn sức sống từ Chúa để lo cho đời sống thể xác và tâm hồn của mình.

Chúng ta hãy nhớ lại công thức xức dầu bệnh nhân: “Nhờ vào việc xức dầu thánh này, và nhờ vào lòng từ bi nhân hậu của Chúa, xin Chúa dùng ơn Chúa Thánh Thần, để Người giải thoát anh (chị) khỏi tội lỗi, cứu chữa cho anh (chị), và làm cho anh (chị) được thuyên giảm” nghĩa là lo cho phần xác cũng như phần linh hồn của chúng ta, nhiều khi chúng ta hiểu không đúng là xức dầu để chết, xức dầu để được chữa lành phần xác, mà quên đi việc xức dầu cũng là chữa lành về đời sống thiêng liêng, mà đời sống thiêng liêng mới là quan trọng, vì Chúa Giêsu đã từng nói: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục” (Mt 10,28). Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy để thay đổi tư tưởng của chúng ta về việc giữ đạo và sống đạo để khao khát tìm kiếm những của ăn không hư nát. Amen.




Thứ Ba Tuần III Phục Sinh
Thánh Maccô, Tác giả sách Tin Mừng

(1Pr 5,5b-14; Mc 16,15-20)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Pr 5,5b-14: Marcô gửi lời chào anh em.

Tv 89,2: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời.

Mc 16,15-20: Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng.

Phúc âm theo thánh sử Marcô chắc chắn có rất nhiều điều hay để suy ngẫm khi Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ đi rao giảng Tin mừng. Nhưng thư thứ nhất của thánh Phêrô dường như nói rất nhiều về những gì thế giới đang trải qua ở những thế kỷ đầu cũng như ở hiện tại. Phêrô nói, “hãy trút bỏ cho Người mọi điều lo lắng của anh em, bởi vì chính Người chăm sóc anh em.” Phêrô tiếp tục dạy ta về sự giống nhau của kiếp người: “hết mọi người anh em khác trong thế gian đều phải chịu cùng một đau khổ đó.”

Phêrô nhắc nhở rằng mọi người ở mọi nơi mọi thời đều trải qua những khó khăn và thử thách. Thời nào cũng có khổ đau và ân sủng. Mỗi người đều có lo lắng vì không biết tương lai trước mắt và lâu dài sẽ ra sao, và có cả những khát khao cho những ngày tốt đẹp của cuộc sống. Nhưng biết rằng chúng ta không đau khổ một mình. Ta chỉ là một phần của toàn thể và Chúa đang chia sẻ nỗi khổ đau của nhân loại. Tin vui là Chúa luôn đồng hành và san sẻ yêu thương cho chúng ta. Ta nguyện rằng: “Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời.” Thêm nữa, ta cũng hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau và hãy kiên vững trong đức tin mà rao truyền tình yêu cứu độ.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trích Tin mừng theo thánh Maccô, nói về lệnh truyền truyền giáo của Chúa Giêsu: “Ai tin và chịu Phép Rửa, sẽ được cứu độ. Ai không tin, sẽ bị luận phạt.”

Như vậy, theo như lời của Chúa Giêsu thì sự khác biệt giữa việc được cứu độ hay không được cứu là là do tin và chịu phép rửa hay là không tin và không chịu phép rửa.

Nhưng chúng ta cần phải hiểu như thế nào cho đúng, bởi nếu không hiểu rõ thì bí tích rửa tội sẽ giống như một giấy thông hành cho ngày sau hết được lên Thiên Đàng. Để rồi xem việc rửa tội chỉ là hình thức bề ngoài thôi, thì điều này thật nguy hiểm, nói như Chúa đã nói: “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12,47-48).

Như vậy, chúng ta phải hiểu như thế nào về việc tin và chịu phép rửa?

Chúng ta hãy đọc kỹ lại lời Chúa, để thấy được vấn đề đó là Chúa nói ai tin và chịu phép rửa, chứ không phải chỉ có chịu phép rửa là được ơn cứu độ, mà phải tin vào Chúa nữa, nếu chỉ có chịu phép rửa thôi, thì chưa chắc được ơn cứu độ.

Chúng ta biết, Công đồng Vatican II khẳng định ơn cứu độ có được do bởi Đức Kitô, bởi niềm tin và bởi Bí tích Rửa tội. Tuy nhiên Công đồng cũng coi việc thuộc về Giáo hội là cần thiết để được cứu độ, nhưng những người không Kitô giáo cũng có thể được cứu độ, do họ có liên hệ với Giáo hội cách này hay cách khác.

Theo Công đồng vaticano II, những người không Kitô giáo cũng có thể được ơn cứu độ đó là: Do thái giáo, Hồi giáo, những người thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, những người không do lỗi của họ chưa khám phá ra được Thiên Chúa cách minh nhiên, những người tuy không có ân sủng, vẫn sống một cuộc đời tốt lành theo lương tâm ngay thẳng.

Hay câu chuyện Chúa Giêsu chọn 12 môn đệ, đâu phải khi được mang danh là môn đệ là tự khắc trung thành với Chúa, tự khắc được ơn cứu độ, mà cũng có người vẫn phản bội Chúa, đi thắt cổ đổ ruột mà chết.

Bên cạnh đó chúng ta cần phải hiểu là tin vào Chúa là phải sống lời Chúa dạy trong cuộc đời của mình, nói như thánh Giacôbê tông đồ thì đức tin không có hành động là đức tin chết (Gc 2,7), hay nói như thánh Phaolo tông đồ thì: “có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ” (Rm 10,10).

Và câu chuyện của người được mời vào dự tiệc cưới mà không có y phục lễ cưới là một minh họa cho chúng ta.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để chúng ta giải thích cho người khác hiểu cũng như biết sống đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận qua bí tích rửa tội, để trong ngày sau hết chúng ta được hưởng ơn cứu độ. Amen.




Thứ Tư Tuần III Phục Sinh
(Cv 8,1b-8; Ga 6,35-40)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 8,1-8: Đến đâu, họ cũng rao giảng lời Thiên Chúa.

Tv 66,1: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa.

Ga 6,35-40: Ý muốn của Cha Ta là: hễ ai thấy Con thì có sự sống đời đời.

Giáo hội trẻ dùng chính dịp bắt bớ để rao giảng về Chúa Kitô Phục sinh. Sách Công vụ nói rằng “Đến đâu, họ cũng rao giảng lời Thiên Chúa.” Thậm chí còn rất vui mừng trước những dấu hiệu về sự hiện diện của Chúa. Trong Tin mừng, Chúa Giêsu nói rằng Ngài là bánh hằng sống, là lương thực, sự phong nhiêu, là ý nghĩa của cuộc đời ta. Ngài nói, “hễ ai thấy Con thì có sự sống đời đời.” Những lời này của Chúa Kitô đã thúc đẩy ta đến với Ngài hàng ngày trong Thánh Lễ. Đó là một lời nhắc nhở về sức mạnh của việc tham dự vào bữa tiệc mà Thiên Chúa đã dọn ra cho ta. Chúa Giêsu là thức ăn thần linh, và tất cả đều được chào đón.

Trong khi cử hành Thánh lễ, ta có cơ hội hiệp thông với Chúa. Khi đó, ta được củng cố bởi bản chất thiêng liêng nơi tình yêu của Thiên Chúa. Và càng tham dự nhiều vào nguồn ân sủng và tình thương của Thiên Chúa, ta càng viên mãn hơn. Ta hãy tiếp tục tích lũy nguồn lương thực thần linh có được từ mối liên hệ với Thiên Chúa bằng cách tham dự Thánh lễ, cầu nguyện và rước Mình Máu Ngài. Một khi ta làm được điều này, ta không chỉ sở hữu cuộc sống mới này, mà còn lan tỏa nó cho những người khác. Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa.”




Lm. Tôma Lê Duy Khang

“Tất cả những người Chúa Cha ban cho Tôi đều sẽ đến với Tôi, và ai đến với Tôi, Tôi sẽ không loại ra ngoài, vì Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý Tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Tôi. Mà ý của Đấng đã sai Tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho Tôi, Tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha Tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

Khi đọc Tin mừng hôm nay, tôi thấy nó tương tự như câu chuyện Chúa Giêsu kể về dụ ngôn con chiên lạc, Chúa Giêsu nói: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18, 12-14).

Nên chúng ta hiểu Chúa không muốn ai phải hư mất, và “những ai” đây chính là những người bé mọn, mà kẻ bé mọn là kẻ tin. Vậy ai được gọi là người bé mọn?

Chúng ta ta hãy nhớ lại câu chuyện Tin mừng theo thánh Matthêu: Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy. Nhưng ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn” (Mt 18, 1-6).

Hiểu được như vậy, chúng ta thấy những kẻ bé mọn là người tin vào Chúa, có tâm hồn đơn sơ như trẻ em. Nên để có thể được cứu độ, để có thể vào Nước Trời, để có thể không bị hư mất, chúng ta cần trở nên bé mọn, nhớ là bé mọn chứ không phải nhỏ mọn. Xin Chúa cho mỗi người có tâm tình đơn sơ bé nhỏ, để chạy đến với Chúa, chắc chắn Chúa sẽ không loại bỏ chúng ta. Amen.




Thứ Năm Tuần III Phục Sinh

(Cv 8,26-40; Ga 6,44-51)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 8,26-40: Này nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không?

Tv 66,1: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa.

Ga 6,44-51: Ta là bánh từ trời xuống.

Sách Công vụ cho biết Philip giải thích Kinh Thánh cho hoạn quan Êtiôpia. Đoạn văn nói về con chiên và Tin mừng về sự phục sinh. Sau đó, thái giám xin Phillip làm lễ rửa tội trên đường đến Gaza; nhờ đó, ông có thể gặp Chúa Phục sinh. Trong Phúc âm, Chúa Phục sinh tự giới thiệu với Giáo hội của Ngài: “Ta là bánh ban sự sống”. Bánh hằng sống là Chúa Giêsu. Ngài hứa ban bánh bởi thịt của mình cho thế gian được sống và sống đời đời. Trong Bí tích Thánh Thể, lương thực không phải là dưỡng chất đồng hóa, nhưng là dưỡng chất kết hợp chúng ta, ta được thông phần vào Mình Máu Chúa Kitô.

Chính điều đó làm cho ta cảm thấy khao khát Thiên Chúa, khát khao lắng nghe Lời Người. Sự hiệp thông của ta với thân thể nhiệm mầu của Đức Kitô Phục sinh phải thỏa mãn điều kiện: ta được tạo dựng cho Thiên Chúa, và chỉ Ngài mới có thể thỏa mãn cơn đói, cơn khát của ta một cách trọn vẹn. Nhưng một ngày nào đó, bánh hằng sống này sẽ không chỉ làm cho ta sống vượt qua cái chết thể xác, nhưng “bánh ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống.” Mỗi lần ăn bánh bởi trời, ta hãy đi sâu hơn vào mầu nhiệm tình yêu! Vì tình yêu đó, Chúa Giêsu nói: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời”.



Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói với người Do thái: “Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời.” Vậy “Ta” mà Chúa Giêsu nói là ai? Thưa chính là Chúa Giêsu ngay khi Ngài nói với người Do thái nghĩa là Đức Giêsu lịch sử.

Bên cạnh đó “Tin vào Ta” chúng ta có thể hiểu đó chính là Mình Máu Thánh Chúa: “Ta là Bánh ban sự sống.”

Và cuối cùng “Tin vào Ta”, thì chúng ta có thể hiểu đó là chiều kích Giáo Hội.

Chúng ta thấy lời mạc khải của Chúa Giêsu khác với lời mạc khải của Thiên Chúa Cha khi mạc khải cho Môsê. Khi Thiên Chúa hiện ra với Môsê ở bụi gai, Thiên Chúa kêu gọi Môsê giải thoát dân ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, thì Môsê nói với Thiên Chúa: “Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?” Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: “Ta là Đấng Hiện Hữu.” Người phán: “Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này: “Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em.” Thiên Chúa lại phán với ông Mô-sê: “Ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en thế này: ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia” (Xh 3, 13-15).

Và người ta chỉ biết Thiên Chúa như vậy thôi, Thiên Chúa không có hình ảnh gì cả, chính vì thế mà sau này khi Môsê lên núi 40 ngày 40 đêm dân chúng không chịu nổi, không biết chuyện gì đã xảy ra với ông Môsê, nên đã nổi loạn đòi ông Aharon đúc cho họ một con bê để họ thờ.

Nhưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa xuống thế làm người, giống con người về mọi đàng, ngoại từ tội lỗi, và Chúa Giêsu chính là mạc khải cụ thể để cho con người biết Chúa Cha: “Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha?” (Ga 14,8-9).

Và Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu mạc khải cách cụ thể đó là Ngài, Đấng nói với dân chúng: “Ta là Bánh Hằng Sống.”

Nghĩa là Chúa Giêsu mạc khải một cách cụ thể để cho con người được biết, vì mạc khải của Chúa Giêsu là mạc khải cuối cùng: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2).

Hiểu được như vậy, chúng ta thấy đức tin của chúng ta không phải là một đức tin mông lung, vô định, nhưng là một đức tin cụ thể, rõ ràng, nên mỗi người chúng ta được mời gọi xác tín điều đó, để biết mình tin vào ai để mình được ơn cứu độ. Amen.




Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh
(Cv 9,1-20; Ga 6,52-59)



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 9,1-20: Người này là lợi khí Ta chọn, để mang danh Ta đến trước mặt các dân tộc.

Tv 167: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16,15).

Ga 6,53-60: Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống.

Trong sách Công vụ, tác giả ghi lại lời Chúa: “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?” Đây là câu hỏi của Chúa Giêsu khi Ngài để cho Saolô kẻ bắt bớ gặp Ngài trên đường đến Đamas. Chúa Giêsu đồng hóa mình với các môn đồ bị bắt bớ. Kể từ giờ phút đó, Saolô sẽ hầu việc Chúa, Đấng mà ông sẽ sống. Đó là một cuộc gặp gỡ đã thay đổi hoàn toàn Saolô thành Phaolô. Chúa Phục sinh sử dụng Saolô như Ngài muốn. “Người này là lợi khí Ta chọn, để mang danh Ta đến trước mặt các dân tộc.”

Trong Tin Mừng, Chúa nói với chúng ta hôm nay: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy”. Ăn để sống: ăn thịt Con Người là sống như Con Người. Thức ăn này được gọi là hiệp thông. Chúa Giêsu tuyên bố: “Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống.” Đó là thức ăn, và chúng ta nói là thần lương. Vì vậy, không có nghi ngờ gì về sự đồng hóa của nó, đến sự đồng nhất của nó với Chúa Giêsu. Đây sẽ là cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Kitô. Cầu mong cuộc gặp gỡ này sâu sắc đến mức thay đổi chúng ta. Không có điều gì trong Phúc Âm rõ ràng, mạnh mẽ và chính xác như những lời tuyên bố này của Chúa Giêsu.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay tiếp theo hôm qua, Chúa Giêsu nói với người Do thái Ngài là Bánh Hằng Sống, ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời.

Hôm nay người Do thái thắc mắc: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình mà cho chúng ta ăn được?” Họ không hiểu được tại sao lại như vậy? Chúng ta có thể hiểu được tại sao không?

Tôi có đọc một câu chuyện mang tên Voi và sói được chia sẻ như thế này:

Ngày xửa ngày xưa có một anh Sói lười. Nhà cửa của anh, anh chẳng bao giờ quét dọn, sửa sang. Nó bẩn thỉu, rách nát, chỉ chực sụp xuống. Một hôm, bác Voi đi qua, chẳng may đụng nhẹ vào làm đổ mái nhà anh Sói. - Xin lỗi anh bạn! - Bác Voi nói với Sói - Tôi sẽ sửa ngay cho anh. Bác Voi vốn là người giỏi giang, cái gì cũng biết và không sợ công việc. Bác liền lấy búa, đinh, sửa ngay mái nhà cho Sói. Mái nhà trở nên chắc chắn hơn trước...

“Ô hô! - Anh Sói bụng bảo dạ - Rõ ràng là lão ta sợ mình! Thoạt đầu đã phải xin lỗi, sau đó còn sửa lại cả mái nhà. Mình phải bắt lão ta làm cho mình một cái nhà mới mới được! Lão sợ, ắt phải nghe theo!” - Này, đứng lại! - Sói quát bảo Voi - Mày làm cái thói gì thế? Mày tưởng có thể bỏ đi một cách dễ dàng thế chắc? Làm đổ nhà người ta, đóng qua loa được mấy cái đinh rồi định chuồn à? Biết điều thì đi mà làm cho ta một cái nhà mới! Đồ súc sinh! Bằng không ta sẽ cho một bài học, đừng hòng mong thấy lại bà con thân thích! Nhanh lên! Nghe Sói nói những lời ấy, bác Voi không nói gì cả. Bác lẳng lặng quắp ngang bụng Sói ném xuống hố nước bẩn. Rồi đè bẹp dí nhà Sói. - Này, nhà mới này! - Bác Voi nói rồi đi thẳng. Tỉnh dậy, Sói ngạc nhiên tự hỏi: “Mình thật không hiểu gì cả! Lúc đầu lão có vẻ sợ mình đã xin lỗi tử tế, thế mà sau đó lại hành động thế này... Thật không sao hiểu nổi!”

Chú mày ngu lắm! - Nhìn thấy hết mọi chuyện, bác Quạ già nói - Chú mày đã không hiểu sự khác nhau giữa người hèn nhát và người được giáo dục tốt!

Như vậy, vì yêu thương con người, vì thi hành thánh ý Chúa Cha, nên Chúa Giêsu đã ban Mình và Máu mình để cho con người được sống, chứ không phải là Chúa Giêsu hèn nhát, không phải Chúa Giêsu khờ khạo, giống như câu chuyện là sói nghĩ voi sợ mình nên mới sửa nhà cho mình, không phải vậy.

Nên con người phải nhận ra điều đó, mà đáp lại tình thương của Chúa, siêng năng đón nhận Mình Thánh Chúa, để Mình Thánh Chúa nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của mỗi người chúng ta, để chúng ta có được sự sống đời đời. Amen.




Thứ Bảy Tuần III Phục Sinh
(Cv 9,31-42; Ga 6,51.60-69)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 9,31-42: Hội thánh được tổ chức và đầy ơn an ủi của Thánh Thần.

Tv 166,12: Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi?

Ga 6,61-70: Chúng con sẽ đi đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống.

Khi có bình an, Hội thánh của Chúa Phục sinh tiếp tục phát triển trên khắp Thánh Địa. “Hội thánh được tổ chức và đầy ơn an ủi của Thánh Thần.” Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, thánh Phêrô tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu. Trong Phúc âm, nhiều môn đệ thất vọng về Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chất vấn các tông đồ, “Các con có muốn bỏ đi không?” Phêrô vừa hỏi cũng là vừa trả lời. Trước hết, ông nói, “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai?” Đó là một câu hỏi tuyệt vời và sâu sắc. Có ai khác cho chúng con nhiều hơn Thầy? Phêrô còn đi xa hơn: “Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời.”

Phêrô chốt hạ chắc nịch: “chúng con tin và biết rằng Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa.” Không phải là nhóm mười hai thông minh hơn hay giỏi hơn, hiểu Kinh Thánh hơn, nhưng họ quả thực khiêm tốn hơn, tin tưởng hơn, ngoan ngoãn hơn, cởi mở hơn với Chúa Thánh Thần. Thỉnh thoảng, ta có thể phát hiện ra họ trong các sách Tin Mừng khi mắc lỗi, không thể hiểu được Chúa Giêsu, tranh cãi xem ai là người quan trọng hơn, và thậm chí bất đồng ý kiến khi Ngài loan báo cuộc Khổ nạn; nhưng họ luôn trung thành, ở bên cạnh Ngài. Bí mật của họ: họ thực sự yêu mến Ngài.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy khi Chúa Giêsu cho biết Ngài là bánh Hằng Sống, và bánh này chính là Thịt và Máu của Ngài, thì có nhiều môn đệ đã phản ứng: “Lời này chói tai quá, ai mà nghe được.”

Hình ảnh này cũng tương tự như hình ảnh khi thánh Phaolo giảng dạy nói về việc sống lại ở Athena thì có nhiều người phản ứng: “Để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông nói về vấn đề ấy” (Cv 17,32), thế nhưng sau đó cũng có những người theo ông và tin Chúa.

Điều này cho chúng ta thấy tin theo Chúa không phải là điều bắt buộc, nhưng đó là một sự chọn lựa, khi đã chọn lựa thì phải trung thành cho đến cùng.

Nhưng làm thế nào để có thể trung thành với Chúa cho đến cùng? Chúng ta phải có lòng xác tín như thánh Phêrô: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”

Và để có thể có được xác tín như thánh Phêrô, để có thể trung thành với Chúa, thì việc xác tín đó không phải là một ngày một bữa mà chúng ta có được, mà cần phải được trải nghiệm, nếu không có sự trải nghiệm thì không thể nào có vững vàng để mà bước theo Chúa.

Phêrô đã có kinh nghiệm khi chối Thầy, nên sau đó ông không dám trả lời với Chúa Giêsu là yêu mến Chúa đến độ hy sinh mạng sống vì Chúa, mà chỉ dám trả lời Chúa là con chỉ yêu mến Chúa tại đây và ngày lúc này mà thôi.

Thánh Gioan tông đồ cũng có kinh nghiệm về Chúa, khi các người phụ nữ về báo về sự kiện ngôi mộ trống, Gioan không tin liền, nhưng khi ông và Phêrô chạy ra mộ, ông thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Chúa Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi, lúc đó ông mới tin (x. Ga 20, 1-10).

Rồi khi Chúa Giêsu hiện ở ở biển hồ Tibêria, các ông cũng không nhận ra, khi Chúa kêu gọi các ông thả lưới bên hữu mạn thuyền các ông cũng không nhận ra, đến khi các ông nghe lời Chúa Giêsu thả lưới bên hữu mạn thuyền và được một mẻ cá lạ lùng, lúc đó thánh Gioan mới nhận ra Chúa và thông báo với Phêrô là “Chúa đó” (Ga 21,4-7).

Nhờ những lần kinh nghiệm về Chúa như thế, nên sau này thánh Gioan đã viết lại sách Tin mừng với một mục đích duy nhất, mà ở đoạn cuối chương 20 thánh nhân đã viết: “Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20, 30-31).

Nghĩa là thánh nhân đã có kinh nghiệm về Chúa phục sinh như thế nào, thì thánh nhân cũng muốn những người khác tin vào Chúa như vậy, để có được sự sống đời đời.

Hiểu được như vậy, mỗi người chúng ta được mời gọi hãy nhớ lại những điều kỳ diệu mà Chúa đã làm cho chúng ta qua những biến cố này, hay những biến cố khác để chúng ta tin vào Chúa, để chúng ta có thể trung thành với Chúa, cũng như giúp cho người khác được nhận biết Chúa. Amen.