17/12/2023
605
Suy niệm hằng ngày_Tuần III Mùa Vọng







 

 

 


 


 

Chúa Nhật III Mùa Vọng - B
Is 61,1-2a.10-11; 1Ts 5,16-24; Ga 1,6-8.19-28

 

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Is 61,1-2a.10-11: Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa.

Lc 1,46-50.53-54: Linh hồn tôi nhảy mừng trong Chúa (Is 61,10b).

1 Tx 5,16-24: Thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ cho tới ngày Chúa đến.

Ga 1,6-8.19-28: Giữa các ngươi có một Đấng mà các ngươi không biết.

Hãy vui lên! Các bài đọc và thánh vịnh nhắc nhở - hãy vui mừng. Hãy tràn ngập niềm vui trong Thiên Chúa của chúng ta. Tin mừng cũng chỉ ra niềm vui, mặc dù theo những cách ít rõ ràng hơn. Đầu tiên, những câu hỏi đầy hy vọng từ các thầy tế lễ, các tư tế thuộc dòng dõi Lêvi và người Pharisêu chứng tỏ niềm tin của họ rằng Đấng Mêsia đã hứa sẽ đến. Ta có thể vui mừng vì Đấng Mêsia đã đến. Chúa đã giữ - và tiếp tục giữ những lời hứa. Hãy mừng vui!

Tuy nhiên, nhiều người nói về Chúa đã không nhận ra Đức Kitô khi Ngài ở ngay trước mặt họ. Chúa Giêsu không phù hợp với định kiến của họ về việc Đấng Mêsia sẽ là ai. Chúa vĩ đại hơn ta có thể hình dung. Thánh Gioan nhận xét rằng: “Giữa các ngươi có một Đấng mà các ngươi không biết.” Thế giới đã và đang trải qua những sự chia rẽ chính trị, tôn giáo và chủng tộc sâu sắc, vì nhân loại không tìm được ý kiến chung. Người ta thường hô hào và kêu gọi vì tôi, vì chúng ta trong khoảng không gian có giới hạn. Còn Thiên Chúa của vũ trụ thì bị phân mảnh trong tư tưởng, việc làm của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, ta hãy vui lên, vì Chúa vẫn ở với ta.




Thứ Hai - Tuần III Mùa Vọng

(Gr 23,5-8; Mt 1,18-24)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Gr 23,5-8: Ta sẽ gây cho Đavít một mầm giống công chính.

Tv 72,7: Sự công chính và nền hòa bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người tới muôn đời.

Mt 1,18-24: Chúa Giêsu sẽ sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, vị hôn thê của Thánh Giuse, thuộc dòng dõi Đavít.

Thiên thần Gabriel tiết lộ cho Giuse biết mầu nhiệm ẩn sau sự thụ thai của Maria, điều mà trước đó đã khiến ông bị khủng hoảng trầm trọng. Ta ngưỡng mộ Giuse vì sự hiền lành và vâng lời trước tiếng nói của Chúa. Sau khi nhận được lời sứ thần truyền tin, thánh Giuse làm mọi điều Chúa muốn: ngài đem Đức Maria và Hài Nhi về nhà chăm sóc.

Trong Tin Mừng hôm nay, Giuse biết Maria đang mang thai. Tôi tưởng tượng cảnh Giuse thất thần khi biết tin này. Có thể Giuse nghĩ Maria đã ở với một người đàn ông khác. Khi bị mất tinh thần, ta rất dễ mất quan điểm. Ta nhìn mọi thứ từ một quan điểm hạn hẹp và không có khả năng hoặc lựa chọn thay thế.

Hạnh phúc thay, Giuse tỉnh táo, cởi mở và nghe theo những điều mới mẻ. Trong những thời điểm khó khăn, Giuse mở rộng tầm nhìn của mình để hy vọng và tin tưởng rằng Chúa ở cùng ngài và Mẹ Maria. Maria sẽ sinh một con trai nhờ Chúa Thánh Thần, và họ sẽ đặt tên là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Chân thành cảm ơn thánh Giuse vì đã giúp nhân loại mở rộng tầm nhìn và biết mở lòng đón nhận ân sủng của Chúa giữa bối rối, tổn thương, lao đao, thất vọng.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Thiên thần truyền tin cho thánh Giuse, vì Giuse là người công chính không muốn tố cáo Mẹ Maria, nên định bỏ đi cách kín đáo, nghĩa là chấp nhận phần lỗi chấp nhận phần đau khổ về mình. Chúng ta thử suy nghĩ nếu như thánh Giuse bỏ đi như vậy ông có đau khổ hay không? Thưa đau khổ.

Rồi mẹ Maria, khi thánh Giuse bỏ đi như vậy, mặc dù Giuse nhận phần lỗi về mình, nhưng Mẹ có đau khổ hay không? Thưa chắc chắn sẽ phải đau khổ, vì một thân một mình phải nuôi dạy con cái, một mình mẹ làm sao có thể đương đầu được, nếu chúng ta nhìn những trình thuật theo sau đó, kiểm tra dân số, đi sang Ai cập, nuôi dạy Chúa Giêsu… nếu chúng ta nhìn những trình thuật theo sau đó mà không có hình bóng của thánh Giuse chắc chắn Đức mẹ khó mà vượt qua được.

Chính vì thế, Chúa đã ra tay, Chúa đã hành động để Giuse không đau khổ khi phải bỏ đi, để Mẹ Maria không đau khổ khi phải một mình đương đầu với những khó khăn trong thời gian sắp tới.

Hiểu được như vậy, chúng ta phải xác tín vào tình thương của Chúa, Chúa không bao giờ bỏ rơi con người, nhưng quan trọng là con người lạc quan, có đủ tin tưởng để nhận ra điều đó hay không mà thôi.

Tôi có đọc được một lời cầu nguyện rất hay như thế này, để chúng ta xác tín vào tình thương của Chúa dành cho chúng ta:

Tôi tạ ơn Chúa vì chồng tôi cứ phàn nàn khi bữa cơm chưa dọn kịp, bởi lẽ chàng đang ở ngay bên cạnh tôi, chứ không phải bên ai khác.

Tôi tạ ơn Chúa vì con tôi cứ càu nhàu khi phải phụ rửa chén đĩa cho tôi, bởi lẽ thằng bé đang ở nhà chứ không phải lêu lổng ngoài đường.

Tôi tạ ơn Chúa vì số thuế thu nhập mà tôi phải trả quá cao, bởi lẽ như thế nghĩa là tôi đang có một công việc tốt để làm.

Tôi tạ ơn Chúa vì có nhiều thứ phải dọp dẹp sau bữa tiệc nhỏ, bởi lẽ như thế nghĩa là tôi luôn được bạn bè quý mến đến chơi.

Tôi tạ ơn Chúa vì quần áo bỗng trở nên hơi chật, bởi như thế nghĩa là tôi đang có đủ ăn.

Tôi tạ ơn Chúa vì cái bóng của tôi cứ nhìn tôi làm việc, bởi lẽ như thế nghĩa là tôi đang sống tự do ngoài nắng.

Tôi tạ ơn Chúa vì sàn phòng cần quét, cửa sổ cần lau, màng xối cần sửa, bởi lẽ như thế nghĩa là tôi đang có 1 mái nhà để cư ngụ.

Tôi tạ ơn Chúa vì tất cả những lời than phiền về chính phủ, bởi lẽ như thế nghĩa là chúng ta đang được tự do ngôn luận.

Tôi tạ ơn Chúa vì hóa đơn đóng tiền cho hệ thống sưởi thật cao,bởi lẽ như thế nghĩa là tôi đang được ấm áp.

Tôi tạ ơn Chúa vì người phụ nữ ngồi phía sau tôi trong nhà thờ hát sai, bởi lẽ như thế nghĩa tai tôi còn nghe được rất tinh tế.

Tôi tạ ơn Chúa vì đống đồ phải giặt ủi, bởi lẽ như thế nghĩa là tôi có đầy đủ quần áo để ăn mặc tử tế.

Tôi tạ ơn Chúa vì các cơ bắp của mình thấy mõi mệt vào cuối ngày, bởi lẽ như thế nghĩa là tôi có sức để làm việc nhiều.

Tôi tạ ơn Chúa vì tiếng đồng hồ reo to thật sớm ban mai, bởi lẽ như thế nghĩa là tôi còn đi lại, hít thở và cười nói, bởi lẽ như thế nghĩa là tôi đang còn sống.

Và cuối cùng, tôi tạ ơn Chúa vì nhận quá nhiều thư từ gửi về, bởi lẽ như thế nghĩa là tôi vẫn còn có nhiều bạn bè đang nhớ đến tôi.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta có đủ lạc quan, có đủ tin tưởng để nhận ra tình thương của Chúa trong cuộc đời của mình. Amen.


 


Thứ Ba - Tuần III Mùa Vọng

(Tl 13,2-7, 24-25a; Lc 1,5-25)



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Tl 13,2-7,24-25a: Thiên Thần báo trước việc Samson sinh ra.

Tv 71,8: Xin cho miệng tôi chứa chan lời khen ngợi, để tôi ca tụng vinh quang của Chúa.

Lc 1,5-25: Thiên Thần Gabriel báo trước việc Gioan Tẩy Giả sinh ra.

Trong các bài đọc hôm nay từ sách Thủ Lãnh và Tin mừng Luca, có những ví dụ về các thiên thần đến nói tiên tri rằng những điều tốt lành sẽ thực sự đến. Tuy nhiên, Manuel và vợ ông, Giacaria và Elisabeth khó mà hiểu được điều kỳ diệu như sự ra đời của một người con có thể xảy ra vì họ được coi là hiếm muộn và cao niên. Giacaria còn cần thêm bằng chứng để tin vào lời tiên tri của thiên sứ Gabriel nên ông đã không nói nên lời.

Khi chuẩn bị kỷ niệm mầu nhiệm Giáng sinh của Đấng Cứu Thế trong Mùa Vọng này, chúng ta được mời gọi tin tưởng vào những điều đã được tiên tri. Chúng ta biết rằng lời thiên sứ báo trước về sự ra đời của Samson, Gioan và sự ra đời của Chúa Giêsu đã thành sự thật. Nhưng còn hiện tại thì sao? Chúa vẫn đến với chúng ta mỗi khi họp nhau cầu nguyện, cao điểm là khi ta tham dự và cử hành Bí tích Thánh Thể. Chờ đợi và tin tưởng kế hoạch của Chúa là một niềm hy vọng không phải dễ dàng. Vì chúng ta đang sống trong một thế giới đổ vỡ và tội lỗi. Cuộc sống thực tại thường thách thức đức tin và lòng trông cậy của chúng ta. Trong Mùa Vọng này, xin cho miệng chúng ta chứa chan lời khen ngợi, để ta ca tụng vinh quang của Chúa.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Thiên Thần truyền tin cho ông Dacaria, việc Thiên Thần truyền tin cho ông Dacaria cho chúng ta thấy được điều gì? Thưa, theo như lời của bà Êliasabet thì: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời” vì chúng ta biết việc không có con là dấu chỉ của việc Thiên Chúa không chúc phúc, bị người đời chê cười, nên việc thiên thần truyền tin cho ông Dacaria, và vợ ông có thai đó là một phúc lành, đó là việc Chúa giải thoát họ khỏi đau khổ.

Nhưng như hôm qua chúng ta cũng đã suy luận việc Chúa làm không chỉ mang lại hiệu quả cho một vài người, mà còn mang lại hiệu quả cho nhiều người, hay nói đúng hơn là toàn thể nhân loại.

Cụ thể, khi truyền tin cho ông Dacaria thì thiên thần đã nói với ông: “Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an. Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời. Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần. Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa.”

Nên chúng ta thấy những việc Chúa làm ngay từ ban đầu rất đơn sơ thôi chỉ ảnh hưởng đến một vài người thôi, nhưng sau đó dần dần nó sẽ thành việc lớn, sẽ liên quan đến nhiều người. Mở rộng ra, chúng ta cũng sẽ thấy việc Chúa làm không có gì phải hấp tấp, không có gì phải vội vã cả, cứ theo đúng thứ tự của nó, mặc dầu Chúa là Thiên Chúa, ngài là Đấng toàn năng, ngài có thể làm việc gì đó như khi Ngài sáng tạo, chỉ phán một lời là có, nhưng Chúa muốn con người cộng tác với Chúa.

Hiểu được như thế, khi cộng tác với Chúa, chúng ta không có gì phải hấp tấp, bởi chúng ta là con người, và người khác khi cộng tác với chúng ta họ cũng là con người, mà con người thì có giới hạn, nên cứ từ từ mà làm có như thế mới có hiệu quả được.

Thế nhưng, chúng ta thấy ngày nay con người lại không thích từ từ, mà thích đạt được hiệu quả ngay, nên đã có yêu vội, cưới vội, chạy lũ vội, học giáo lý vội, hôn phối vội, vô đạo vội…. cái gì cũng vội, nên giữ đạo cũng vội.

Vội đến, vội đi, vội nhạt nhòa

Vội vàng sum họp vội chia xa.

Vội ăn, vội nói rồi vội thở

Vội hưởng thụ mau để vội già.

Vội sinh, vội tử, vội một đời

Vội cười, vội khóc vội buông lơi.

Vội thương, vội ghét, nhìn nhau lạ!

Vội vã tìm nhau, vội rã rời…

Xin cho mỗi người chúng ta ý thức được điều đó để đừng sống vội, nhưng sống chậm lại, để đời sống của chúng ta đạt được nhiều kết quả như ý Chúa muốn. Amen.

 


Thứ Tư - Tuần III Mùa Vọng

(Is 7,10-14; Lc 1,26-38)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Is 7,10-14: Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai.

Tv 24,7c&10b: Chúa ngự qua, chính Ngài là Hoàng Ðế hiển vinh.

Lc 1,26-38: Này trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai.

Tin mừng hôm nay dạy ta lớn lên trong đức tin và tín thác vào Chúa qua gương mẫu của Mẹ Maria. Thiên sứ Gabriel đến thăm Maria và thông báo rằng bà ‘sẽ thụ thai và sinh một con trai, đặt tên là Giêsu’. Đức tin phi thường của Maria nơi Chúa được thể hiện rõ khi bà trả lời: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền.” Maria tin vào kế hoạch của Chúa, và niềm tin và sự tin tưởng của Mẹ thực sự đáng chú ý.

Mẹ Maria có thể thưa lời xin vâng với Chúa vì Mẹ có rất nhiều nhân đức: đầy ân sủng, Chúa ở cùng Mẹ, khiêm nhường, đơn sơ và sẵn sàng cho thánh ý Chúa. Đó không chỉ là lời xin vâng với thông điệp của thiên thần; đó là đặt mình trong tay Chúa và để Chúa hành động qua mình trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời mình. Mặt khác, Chúa luôn thành tín với lời hứa của Ngài. Ngài cho Maria biết rằng Mẹ được chọn để cưu mang Đấng Cứu Độ của thế giới.

Chúng ta đang chuẩn bị đón lễ Giáng sinh. Cách cử hành tốt nhất là ở bên Mẹ Maria, chiêm ngắm cuộc đời Mẹ và cố gắng bắt chước các nhân đức của Mẹ để đón nhận Chúa như Mẹ. Hãy ghi nhớ với lòng biết ơn đức tin mà Mẹ Maria đã có nơi Thiên Chúa. Hãy tin tưởng và tín thác vào Chúa như Mẹ Maria.





Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày việc thiên thần truyền tin cho Mẹ Maria, thiên thần truyền tin cho Mẹ Maria cho chúng ta thấy được điều gì? Có phải giống như trường hợp của bà Êlisabet là: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời?” Thưa không phải.

Nhưng theo lời Thiên Thần nói thì: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

Như vậy, theo lời của Thiên Thần nói, việc Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ là vì Mẹ được đẹp lòng Chúa. Và lý do thứ hai nữa là Thiên Chúa muốn thực hiện lời hứa cứu độ của Chúa.

Nên chúng ta thấy, mấy hôm nay chúng ta chia sẻ việc Chúa đến với con người, Chúa lèo lái cuộc đời của con người, không phải khi con người đau khổ, mà khi con người sống tốt lành, khi con người sống đẹp lòng Chúa.

Và khi con người sống đẹp lòng Chúa như vậy, Chúa sẽ đến với con người, để dùng con người vào việc của Chúa, để chính những con người đó cộng tác với Chúa một cách hữu hình hơn để đem lại hạnh phúc cho những người anh chị em của mình.

Nếu mở rộng ra chúng ta thấy, không phải chúng ta sống tốt lành để cho Chúa dùng chúng ta, không phải như vậy.

Chúng ta thấy, giống như những người con người trong xã hội, cố vươn lên, cố học giỏi, cố chứng tỏ mình, cố lấy điểm để được dùng, để được trọng dụng, nghĩa là vì lợi ích cá nhân, lợi ích phe nhóm, lợi ích gia đình của mình.

Trong Tin mừng chúng ta cũng thấy được điều đó: “Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18,11-12), sống tốt để được khen, sống tốt để lấy điểm, sống tốt để được trọng dụng, thì vô nghĩa trước mặt Chúa, Chúa nói: “Người này trở về không trở nên công chính.”

Nhưng chúng ta phải ý thức khi chúng ta sống tốt lành thánh thiện là chúng ta đang cộng tác với Chúa, là chúng ta đang tự trở thành dụng cụ hữu dụng của Chúa, chứ không phải khi được Chúa dùng mới sống tốt, còn như không ai dùng, không ai trọng dụng thì sống không tốt lành, không phải như vậy.

Có người hỏi Mẹ Têrêsa Calcutta rằng: “Bà làm việc bác ái là để lôi kéo những người đau khổ đó theo Đạo Công giáo phải không? Mẹ Têrêsa đã trả lời rằng: “Tôi coi những NGƯỜI ĐAU KHỔ đó là CHÚA GIÊSU, nên tôi phục vụ họ!”

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để cố gắng sống tốt lành thánh thiện, vì đó là điều mà chúng ta nên làm, chứ không phải vì lợi ích, không phải vì điều này điều kia, có như thế việc sống tốt lành thánh thiện của chúng ta mới đẹp lòng Chúa, mới mang lại nhiều hoa trái tốt đẹp cho cuộc đời này. Amen.


 


Thứ Năm - Tuần III Mùa Vọng

(Dc 2,8-14; Lc 1,39-45)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Dc 2,8-14: Ðây người tôi yêu đến, nhảy qua núi.

Tv 33,1a&3a: Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa, hãy ca mừng Người bài ca mới!

Lc 1,39-45: Bởi đâu mà tôi được ơn này, là Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm tôi.

Các bài đọc hôm nay mời gọi ta cầu nguyện với tình yêu và niềm vui. Hình ảnh tuyệt đẹp từ sách Diễm Ca nhắc nhở ta hãy mở lòng đón nhận món quà tình yêu của Chúa: “hãy cho ta thấy mặt mình, tiếng mình hãy thánh thót ở tai ta, vì tiếng mình êm ái, nét mặt mình xinh tươi.” Người phụ nữ mô tả một điểm hẹn và hình dung người yêu của cô đang vội vã đến nhà của cô cho đến khi tiếng nói của anh ấy gọi cô đến với anh. Nó thể hiện tình yêu trong trái tim cô. Trong Phúc âm, tình thương mà Maria và Elisabeth dành cho nhau và cho những đứa con trai chưa sinh của họ rất sâu đậm. Tình yêu thể hiện trong niềm vui là một món quà thực sự. Vào thời điểm khó khăn, Maria đã cố gắng đi thăm người chị họ của mình.

Tình yêu và niềm vui xuất hiện trong tâm hồn, khuôn mặt và cung lòng của Elisabeth. Ngay cả em bé cũng nhảy cẫng lên vì sung sướng trong bụng mẹ. Những lời của Elisabeth sẽ vượt thời gian: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc”. Những lời đẹp đẽ của Elisabeth trở thành lời kinh quen thuộc trong Kinh Mân Côi như nguồn vui. Lời Chúa khuyến khích ta yêu thương nhau và mang lại niềm vui cho những người cần đến.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho biết sau khi được thiên thần truyền tin, Mẹ Maria đã vội vã đến thăm người chị họ của mình là bà Êliasabet, vậy Mẹ Maria đến với người chị họ của mình để làm gì? Có nhà chú giải cho rằng việc mẹ Maria vội vã lên đường là muốn kiểm chứng xem điều Thiên Thần nói về bà chị họ đang mang thai như vậy có đúng hay không? Cũng có nhà chú giải cho rằng việc Mẹ Maria đến thăm bà Eeliasabet, là vì khi hay tin như vậy, thì Mẹ đến để phụ chăm sóc cho người chị họ lớn tuổi tuổi của mình. Nhưng cũng có nhà chú giải cho rằng Mẹ đến là để mang niềm vui đến cho người chị họ.

Trong bối cảnh của lễ Giáng sinh gần kề, cũng như dựa vào chính trang Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Mẹ Maria đến để đem niềm vui cho người chị họ của mình: “Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” Noi gương Mẹ Maria, chúng ta cũng được mời gọi đem niềm vui đến cho người khác, có thể là một tin vui thật sự, nhưng cũng có thể là một lời nói an ủi, có thể đó một lời nói tha thứ, cũng đem lại niềm vui cho người khác.

Chúng ta hãy nhớ lại khi Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ, Ngài trao ban bình an cho các ông, rồi Ngài thổi hơi trao ban Thánh Thần cho các ông, và nói: “Anh em hãy lãnh nhận Thánh Thần, anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha, anh em cầm buộc ai thì người ấy bị cầm buộc” (Ga 20, 21-23).

Nếu để ý khi đi xưng tội xong, tâm hồn chúng ta nhẹ nhàng, và cảm thấy lòng mình vui vẻ hẳn lên, và được tha tội cũng là một niềm vui.

Chúng ta hãy nhớ đến kinh nghiệm của Dakeu, khi được Chúa Giêsu ngỏ lời đến nhà của ông thì làm gì? Ông nói với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”

Đó là niềm vui của người được tha thứ, vậy khi người được tha thứ trở về, thì người tha thứ có vui hay không? Thưa rất vui, và vui nhất đó là Chúa, vì Chúa nói: “Trên trời ai nấy sẽ vui mừng, vì một người tội lỗi ăn ăn sám hối, hơn là chín mươi chính người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,7).

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết đem niềm vui đến cho người khác qua việc chúng ta biết tha thứ cho nhau, qua việc chúng ta biết ăn năn sám hối những tội lỗi của mình, và khi chúng ta biết tha thứ cho nhau, biết ăn năn sám hối là chúng ta cũng đang mang niềm vui đến cho Chúa. Amen.




Thứ Sáu - Tuần III Mùa Vọng

(1Sm 1,24-28; Lc 1,46-56)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Sm 1,24-28: Bà Anna tạ ơn Chúa vì được sinh Samuel.

Đc: Lòng tôi nhảy mừng trong Chúa cứu độ tôi (1 Sm 2,1).

Lc 1,46-56: Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi những sự trọng đại.

Các bài đọc hôm nay cho chúng ta một bài học tuyệt vời về sự khiêm nhường và vâng phục qua bà Anna và bà Maria. Mong muốn có con của Anna thật mãnh liệt. Tuy nhiên, Anna nói với Chúa: Nếu con có thể sinh được con, con sẽ dâng đứa trẻ này cho Chúa. Và Anna thực hiện lời hứa của mình. Khi cậu bé lên ba, bà mang Samuel và những món quà khác đến đền thờ cho Heli.

Tin Mừng trình bày Đức Trinh Nữ Maria đầy hân hoan chào đón bà Elisabeth. Những lời của Maria có một ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều. Maria vui mừng, ngợi khen và cảm tạ Chúa vì tất cả lòng nhân từ của Chúa. Mẹ đón nhận thánh ý Thiên Chúa với tất cả sự kiềm chế và khiêm nhường khi nhận ra sự cao cả bao la của Thiên Chúa, Đấng đã làm cho Mẹ những điều vĩ đại (x. Lc 1,49). Với bài ca hay và ý nghĩa này, Giáo Hội ngợi khen Chúa hằng ngày bằng bài Magnificat của Mẹ Maria trong Kinh Chiều của Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

Chúng ta đang gần kết thúc Mùa Vọng và chuẩn bị chào đón Đấng Cứu Thế giáng sinh. Hy vọng rằng chúng ta sẽ học được bài học hôm nay: khiêm nhường và vâng phục để tìm được niềm vui đích thực trong Chúa. Để rồi tất cả chúng ta có thể thấy ‘những điều vĩ đại’ mà Chúa đã làm cho chúng ta.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy Mẹ Maria hát lên bài Magnificat để tạ ơn Thiên Chúa, vì Chúa đã thực hiện những kỳ công nơi Mẹ cũng như cho cả nhân loại. Nhưng tại sao trước đó Mẹ không dâng lời tạ ơn Chúa?

Chúng ta hãy nhớ lại trước đó Mẹ Maria đã đi thăm bà Elisabet, và bà Êlisabet đã khen ngợi Mẹ cũng như nhắc nhở cho mẹ thấy những gì mà Chúa đã làm cho Mẹ: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” Chính vì được nhắc nhở như vậy, nên Mẹ đã mở miệng ngợi khen Thiên Chúa.

Nhìn lại cuộc đời của Mẹ Maria, nhờ biến cố đó mà Mẹ tạ ơn Chúa, nên cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng thế, cuộc đời của chúng ta cũng cần những biến cố, cần những người khác nhắc nhở chúng ta để chúng ta biết tạ ơn Chúa trong cuộc đời của mình.

Một cụ già 93 tuổi bị nhiễm virus Covid 19 được đưa vào bệnh viện để điều trị. Tại đây cụ phải dùng máy thở trong nhiều ngày để duy trì sự sống. Khi được xuất viện, cầm bill của bệnh viện trên tay, cụ bật khóc. Nhân viên y tế ngạc nhiên hỏi: “Cụ sao thế? Cụ lo lắng về số tiền phải trả trên bill à? Không sao, nếu cụ khó khăn thì chúng tôi sẽ hỗ trợ viện phí cho cụ.”

Lúc bấy giờ cụ già đáp: “Không, tôi thanh toán được số tiền bill này dù nó khá nhiều. Nhưng khi phải trả một món tiền lớn để được thở trong vài ngày, tôi chợt hiểu rằng từ hơn 90 năm nay Chúa cho tôi thở miễn phí mà tôi không hề biết ơn Ngài. Tôi khóc vì hối hận cho sự vô ơn của mình.”

Nếu đọc đoạn cuối Tin mừng chúng ta sẽ thấy sau khi Mẹ hát bài Magnificat để tạ ơn Chúa, thì Mẹ còn ở lại với bà Êliasabet độ ba tháng rồi mới trở về nhà mình, chi tiết này cho chúng ta thấy Mẹ  không chỉ tạ ơn Chúa bằng môi miệng mà còn tạ ơn Chúa bằng chính hành động của mình qua đời sống tốt lành của mình, cụ thể là chăm sóc người chị họ của mình, để đáp lại tình thương của Chúa.

Cố Tổng thống Mỹ Kennedy có nói: “Khi diễn tả lòng biết ơn của mình, chúng ta đừng quên rằng ý nghĩa cao nhất của lòng biết ơn không nằm ở những lời cám ơn ta thốt ra, nhưng nằm ở hành động ta sống với lòng biết ơn đó.”

Chúng ta cũng vậy, không phải chỉ nhận ra những ơn lành mà Chúa ban, không chỉ cám ơn Chúa trên môi miệng, mà hãy thực hiện nó bằng những hành động cụ thể, đó là yêu thương anh chị em của mình, vì Chúa nói: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Xin Chúa cho chúng ta hiểu được điều đó, và xin Chúa chúc lành cho chúng ta. Amen.




Thứ Bảy - Tuần III Mùa Vọng

(Ml 3,1-4.23-24; Lc 1,57-66)



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Ml 3,1-4,23-24: Ta sẽ sai tiên tri Êlia đến cùng các ngươi trước ngày Chúa đến.

Tv 25: Hãy nhìn xem và hãy ngẩng đầu lên, vì ơn cứu chuộc các ngươi đã gần đến (Lc 21,28).

Lc 1,57-66: Sinh nhật của Gioan Tẩy Giả.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết cách Chúa thực hiện công việc của Người. Chúa luôn luôn cho biết trước những gì Người sẽ thực hiện. Chúa có thể nói trực tiếp hay qua các tiên tri, nhưng thường là Người sai các ngôn sứ đi loan tin để người ta có thể chuẩn bị tâm hồn đón Chúa. Sách tiên tri Malakhi dẫn lời Thiên Chúa: “Ta sẽ sai tiên tri Êlia đến cùng các ngươi trước ngày Chúa đến.” Có một điều thú vị ở đây là lúc khởi đầu Chúa chỉ nói là “Ta sai sứ thần Ta đi dọn một con đường trước mặt Ta,” nhưng sau thì nói rõ là Êlia. Tin mừng Luca có chi tiết gần giống như vậy. Chúa đã chuẩn bị cho Người một vị tiên tri để loan báo việc Chúa xuất hiện, và người đó được đặt tên là Gioan Tẩy Giả.

Cả Êlia và Gioan là những tiên tri đích thực trong thời của mình. Những gì họ tiên báo là để chuẩn bị cho những ngày trọng đại của Thiên Chúa. Sứ điệp nổi bật là kêu gọi người ta hoán cải, thay đổi đời sống tội lỗi giữa người với người, giữa người với Thiên Chúa để tránh sự trừng phạt của Chúa và xứng đáng chào đón Người. Ước gì mỗi người chuẩn bị tâm hồn cho xứng hợp để hân hoan chào đón và mời Đấng Cứu Độ đến và ngự trị trong đời.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy những gì mà thiên thần truyền tin cho ông Dacaria đều ứng nghiệm. Chúng ta hãy nhớ lại, khi truyền tin thì thiên thần nói: “Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an. Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời. Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần. Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa.” Ông Da-ca-ri-a thưa với sứ thần: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi.” Sứ thần đáp: “Tôi là Gáp-ri-en, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông. Và này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi”  (Lc 1,13-20).

Và hôm nay đã hoàn toàn ứng nghiệm, như vậy lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta vui mừng với nhà Dacaria, như những người Do thái thời xưa, nhưng chúng ta cũng được mời gọi phải cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ mà Chúa thực hiện.

Chúng ta biết không phải là Chúa làm một mình không được, nhưng Chúa muốn con người cộng tác để con người có tự do đón nhận ơn của Chúa.

Và để có thể cộng tác với Chúa, chúng ta cần phải thay đổi chính mình, để mình trở thành dụng cụ hữu dụng của Chúa mới có thể cộng tác với Chúa được, chúng ta thử suy nghĩ, có ai muốn cộng tác làm việc tốt lành với người không tốt lành hay không? Thưa không, nên nếu để ý khi chọn người cộng tác, Chúa cũng chọn người tốt lành, hay là những con người biết hoán cải ăn năn thì mới có thể cộng tác với Chúa.

Có một chủ siêu thị làm ăn rất tốt, cho nên, ông ấy muốn mở thêm chi nhánh mới. Sau khi nghe tin, rất  nhiều nhà cung cấp đã liên hệ để tìm cơ hội hợp tác với ông. Sau khi lựa chọn, có hai bên cung cấp khiến ông cảm thấy băn khoăn, bởi vì giá cả đôi bên đều tương đương hết.

Vì vậy, ông đã đề nghị cả hai cùng cung cấp hàng vài lần xem thế nào. Vài ngày sau, một trong hai nhà cung cấp sợ đối phương đi trước một bước, nên đã mang quà biếu đến để thể hiện tấm lòng, nhưng ông chủ đã từ chối món quà này và cho biết ông cần cân nhắc thêm một chút. Sau này, ông chủ siêu thị đã quyết định hợp tác với nhà cung cấp còn lại và lý do ông đưa ra cho nhà cung cấp đã tặng quà là: “Thành thật mà nói thì giá bên cậu tốt hơn rất nhiều, nhưng qua mấy lần thử hợp tác, tôi luôn thấy có vấn đề, nếu không phải là số lượng không đúng, thì cũng là chất lượng không tốt, do vậy, tôi không cảm nhận được sự chân thành của cậu.”

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết hoán cải đời sống của chúng ta, để trở thành những con người tốt lành, để trở thành dụng cụ hữu dụng của Chúa, để trở thành những người cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ. Amen.