10/12/2023
776
Suy niệm hằng ngày_Tuần II Mùa Vọng







 

 

 


 


 

Chúa Nhật II Mùa Vọng - B
Is 40,1-5.9-11; 2Pr 3,8-14; Mc 1,1-8

 


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Is 40,1-5.9-11: Hãy dọn đường Chúa.

Tv 85,8: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con.

2 Pr 3,8-14: Chúng ta mong đợi trời mới đất mới.

Mc 1,1-8: Hãy dọn đường Chúa cho ngay thẳng.

Giáo hội cử hành Chúa nhật thứ hai Mùa Vọng với tâm tình yêu thương. Lời Chúa mời gọi mọi người sắp xếp, dọn dẹp những ngả đường hỗn loạn của tâm can để đón Chúa. Tiên tri Isaia: Hãy an tâm.” Thánh Vịnh: “Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau ...” Máccô nói về việc Gioan Tẩy Giả rao giảng: “Đấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi.”

Những bài đọc này giúp ta chuẩn bị tâm hồn để chào đón Chúa Giêsu vào thế giới. Nếu những sự kiện trong thế giới đang khiến ta đau buồn và lo lắng, hãy đọc đi đọc lại bài trích sách Isaia về sự an ủi này. Khi những nguy cơ ngày càng trầm trọng; lo lắng, bất an về nhiều vấn đề an sinh và an ninh…tâm hồn ta cần được đổ đầy năng lượng của tình thương từ Chúa để được bình an.

Trong Phúc âm, Máccô mô tả cách mọi người từ “toàn bộ vùng nông thôn Giuđê và…Giêrusalem “đã đi đến để nhờ Gioan làm phép rửa cho họ,” khi họ thừa nhận tội lỗi của mình. Ta có những lỗi tội nào cần hòa giải trong Mùa Vọng này? Ta cần dỡ bỏ những rào cản nào để có thể chuẩn bị lòng mình cho Chúa Giêsu? Điều gì đang ngăn cản ta sống trong một thế giới yêu thương như mong muốn của Chúa? “Xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con”.



Thứ Hai - Tuần II Mùa Vọng

(Is 35,1-10; Lc 5,17-26)



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Is 35,1-10: Chính Thiên Chúa sẽ đến và cứu thoát các ngươi.

Tv 85: Này đây Chúa chúng ta sẽ đến và cứu độ chúng ta (Is 35,4).

Lc 5,17-26: Hôm nay chúng tôi đã thấy những việc lạ lùng.

Vào thời điểm bị lưu đày, trong cái được gọi là “Ngày tận thế nhỏ bé” (Is 34-35), môn đệ của Isaia mô tả việc người Do Thái trở lại Giêrusalem, và Đất Hứa như là vườn Địa đàng: không tội lỗi, không đau khổ, không mệt mỏi, với tất cả bệnh tật được chữa khỏi và tạo vật chia sẻ trong việc giải phóng con người. Vì Thiên Chúa ngự giữa dân Người.

Điều khó tin nhất có thể là lời hứa của Isaia với những người có tâm hồn sợ hãi: “Hãy mạnh mẽ lên, đừng sợ! Này đây Thiên Chúa các ngươi đến để phục thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các ngươi” Đó không chỉ là một lời hứa cho tương lai, mà còn bây giờ, hôm nay, khi ta nhận ra rằng Chúa đang ở với ta trong cuộc sống. Điều này được lặp lại trong thánh vịnh 85. Tác giả Thánh Vịnh nói rõ rằng Thiên Chúa “công bố hoà bình cho dân Người”. Thông điệp hòa bình được công bố cho ta, ngay bây giờ.

Những ước mong lung linh này bắt đầu được chứng kiến nhiều hơn khi Chúa Giêsu đến và tha thứ cho người tội lỗi và bệnh tật vốn được xem như là những hậu quả và biểu hiện của tội lỗi. Khi Chúa Giêsu xuất hiện, Ngài đến để mang lại sự sống cho người nghèo. Đúng vậy, những người què nhảy mừng vì Thiên Chúa đã thương xót họ qua Chúa Giêsu.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Trang Tin mừng hôm nay trình bày việc Chúa Giêsu chữa lành cho người bất toại được bốn người khiêng tới. Nhiều khi nghe câu chuyện này, chúng ta tưởng chừng chỉ nhờ đức tin của những người khiêng hay nhờ đức tin của người bất toại chịu nằm yên để cho người ta khiêng đến với Chúa Giêsu để được Chúa chữa lành, thường chúng ta bị lầm tưởng như thế.

Nếu chúng ta hiểu như thế, thì chúng ta chỉ hiểu có một phần, và là cách hiểu trung bình, và với cách hiểu này, chúng ta rất dễ rơi vào trường hợp đánh đồng Chúa là đấng chuyên cung cấp cho con người những nhu cầu mà con người cần, nếu con người có đức tin, nói cách khác là có qua có lại. Vậy ta phải hiểu thế nào cho đủ, hiểu thế nào cho cách hiểu của chúng ta được cao cấp hơn. Đọc tiếp Tin mừng, chúng ta thấy khi họ có đức tin như vậy, đáng lý Chúa phải chữa lành liền, nhưng không Chúa không chữa lành liền, mà Chúa nói với người bất toại: “Hỡi người kia tội anh đã được tha”, nghĩa là Chúa ban cho anh bất toại này điều mà anh không xin nữa, rồi sau đó Chúa mới chữa lành cho anh: “Ta bảo anh hãy vác chõng mà về.”

Trong sách các Vua quyển thứ nhất cũng kể cho chúng ta câu chuyện gần như tương tự như vậy, đó là câu chuyện của Vua Salomon: “Trong những ngày ấy, tại Gabaon, ban đêm, Chúa hiện ra cùng Salomon trong giấc mộng và phán rằng: “Ngươi muốn gì thì hãy xin, Ta sẽ ban cho ngươi.” Salomon thưa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa khiến tôi tớ Chúa cai trị kế vị Ðavít thân phụ con. Nhưng con chỉ là một trẻ nhỏ, không biết đường đi nước bước. Tôi tớ Chúa đang sống giữa dân Chúa chọn, một dân đông đảo không thể đếm và ước lượng được. Vậy xin Chúa ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn khôn ngoan để đoán xét dân Chúa, và phân biệt lành dữ, vì ai có thể xét xử dân này, một dân của Chúa đông đảo thế này?”

Ðiều Salomon kêu xin như trên đã đẹp lòng Chúa, nên Chúa phán cùng Salomon rằng: “Vì ngươi đã xin điều đó, mà không xin sống lâu, được giàu có, của cải, mạng sống quân thù, lại xin cho được khôn ngoan để biết xét đoán, thì đây Ta ban cho ngươi điều ngươi xin, và ban cho ngươi tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi không có ai giống ngươi, và sau ngươi không có ai bằng ngươi” (1 V 3, 5. 7-12).

Nên chúng ta thấy Thiên Chúa luôn luôn là Đấng yêu thương con người trước, chứ không phải là con người yêu thương Chúa trước, nên chúng ta được mời gọi phải hiểu điều đó, để làm chứng cho Chúa, để giúp người khác nhận ra điều đó để họ thay đổi chính mình.

Một người Kitô hữu được cử làm người gác trại của những kẻ tử tù. Anh ta kinh hoàng khi biết tội ác của những người tù này và rất ghê tởm khi đến gần họ. Anh ta có thái độ như thể xem ra cũng không quá đáng.

Nhưng một hôm có tên tử tù bắt chuyện với anh ta và khôi hài kể lại rằng đứa bé gái 8 tuổi mà hắn giết chết đã nhìn thẳng vào mặt hắn ngay trước khi bị bóp cổ và nói rằng: “Chúa Giêsu thương yêu anh.” Dần dần người lính gác hiểu được ý nghĩa câu nói đó. Khi ở trần gian, Chúa Giêsu đã tiếp xúc với những kẻ bị xã hội ruồng bỏ. Chúa thương yêu cả những kẻ giết Ngài.

Người lính gác cũng nhận định rằng mình không có gì đáng kiêu hãnh hơn kẻ tử tù kia. Vì vào những hoàn cảnh như hắn có khi anh ta cũng trở thành kẻ tử tù. Anh ta chỉ chưa gặp đúng dịp đó thôi. Thái độ hơn người của anh ta dần dần biến mất. Anh ta vẫn ghét tội ác nhưng bắt đầu yêu thương những người tử tội, mong họ tin Chúa để được cứu. Anh ta cũng cầu nguyện cho họ nữa.

Và anh ta thưa Chúa: “Lạy Chúa, xin giải cứu con khỏi thái độ tự coi mình là thánh thiện rồi khinh bỉ người khác. Xin cho con xác nhận như Thánh Phaolô ngày xưa rằng: “Con là kẻ nặng tội nhấ.t. Xin cho con thương yêu được những con người đáng ghét hơn cả.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để giúp đỡ những anh em xung quanh chúng ta. Amen.


 


Thứ Ba - Tuần II Mùa Vọng

(Is 40,1-11; Mt 18,12-14)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Is 40,1-11: Thiên Chúa an ủi dân Người.

Tv 96: Thiên Chúa chúng ta sẽ đến trong uy quyền (x.Is 40,9-10).

Mt 18,12-14: Chúa không muốn những kẻ bé nhỏ phải hư đi.

Isaia được chọn làm tiên tri của Chúa để nói về sự an ủi, sự chuẩn bị và hy vọng: “Hãy an tâm, hãy an tâm”, vì Thiên Chúa chúng ta sẽ đến trong uy quyền. Tác giả của Isaia thứ hai có một thông điệp tuyệt đẹp về niềm vui và hy vọng vì Thiên Chúa an ủi dân của Người. Thiên Chúa sẽ chấm dứt sự lưu đày của dân Người và đưa họ trở lại với Người. Tội lỗi của họ được tha thứ. Người sẽ sống giữa họ với tư cách là người mục tử. “Người ẵm những chiên con trên cánh tay, ôm ấp chúng vào lòng, và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ.”

Phúc âm hôm nay củng cố lòng thương xót dịu dàng của Chúa và sự chăm sóc của Ngài trong dụ ngôn con chiên lạc. Thiên Chúa trở nên hữu hình với tư cách là người Mục tử trong Chúa Giêsu. Đối với Ngài, mỗi người đều đáng quý. Giáo hội cũng như những người lãnh đạo của mình, và tất cả những người thuộc về Giáo hội, phải thương xót, tha thứ, và có trách nhiệm với nhau. Nghĩ rộng hơn, ta là những tội nhân có trách nhiệm với những người tội lỗi khác. Trong Mùa Vọng này, ta hãy đến gần Mục tử của mình. Hãy cùng tìm kiếm những con chiên đang đau khổ khác. Và ta hãy chào đón những con chiên lạc trở về nhà bình an, bởi “Chúa không muốn những kẻ bé nhỏ phải hư đi.”




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Hôm qua chúng ta chia sẻ với nhau về chủ đề Chúa yêu thương con người trước, và con người được mời gọi đáp lại tình thương của Chúa. Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu kể cho chúng ta nghe dụ ngôn con chiên lạc, Chúa sẵn sàng bỏ 99 con chiên ở lại để đi tìm cho bằng được con chiên lạc, để nói cho chúng ta biết Chúa cũng là Đấng chủ động đi tìm con người trước, luôn luôn yêu thương con người trước, và Tin mừng nói thêm là vì Chúa không muốn để một trong những kẻ bé mọn phải hư nát.

Nhìn lại thực tế, chúng ta thấy con người có dễ đón nhận tình yêu của Chúa dành cho con người, hay có dễ đón nhận tình yêu của người khác dành cho mình không? Thưa không dễ chút nào, nếu điều đó làm ảnh hưởng đến lợi ích của chúng ta. Đọc lại Kinh thánh, chúng ta thấy khi Chúa Giêsu cho Ladaro sống lại thì có nhiều kẻ đã tin vào Người. Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pha-ri-sêu và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm. Chính vì lẽ đó mà các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.” Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giê-su” (x. Ga 11, 45-53).

Đối với chúng ta cũng vậy thôi, nhất là trong đời sống cộng đoàn, đôi lúc có những việc người ta làm cho chúng ta hết tất cả, thế nhưng chúng ta cũng không thích, chúng ta nói là lập công, lấy điểm, rồi chúng ta sợ khi người ta làm như vậy mà mình không làm thì coi không được, để rồi quy cho một người nào đó, để chúng ta được thảnh thơi, thoải mái, nếu như vậy thì cộng đoàn không thể phát triển được, bởi chúng ta biết để một cộng đoàn phát triển thì tất cả mọi người đều cộng tác đều làm, chứ không phải dù tôi biết làm tôi cũng không làm.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết thay đổi tư tưởng cục bộ của chúng ta để đón nhận tình yêu của Chúa, để đón nhận những tấm lòng tốt của người khác dành cho chúng ta, và chúng ta đáp lại tấm lòng tốt đó, đáp lại chứ không phải lợi dụng bắt người khác phục vụ cho mình. Amen.




Thứ Tư - Tuần II Mùa Vọng

Thánh Lucia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

(Is 40,25-31; Mt 11,28-30)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Is 40,25-31: Thiên Chúa toàn năng ban sức mạnh cho người mệt mỏi.

Tv 103,1: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa!

Mt 11,28-30: Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả cực nhọc.

Thiên Chúa quyền năng ở gần kẻ yếu. Isaia nói rằng: “Thiên Chúa toàn năng ban sức mạnh cho người mệt mỏi.” Đây là thông điệp của ngày hôm nay. Đối với những người lưu vong, những người cảm thấy bị Chúa bỏ rơi và những người đã nhìn thấy quyền lực của Babylon và sức mạnh được cho là của các vị thần của mình, Thiên Chúa nói qua tiên tri: Ta là Đức Chúa quyền năng.

Dựa vào Ta và Ta sẽ làm cho ngươi mạnh mẽ. Chúa Giêsu tự nhận những quyền năng này cho chính mình, và Ngài nói: Hỡi những kẻ khó nhọc, bé nhỏ, hèn mọn, hãy đến với Ta. Những người nhân danh tôn giáo, những người đã trở nên nhỏ bé và khiêm tốn, hãy đến với Ta. Ta sẽ thêm sức cho ngươi và dạy dỗ ngươi biết yêu và quý thế nào; và rồi gánh nặng của ngươi sẽ nhẹ nhàng. “Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.

Chúa Giêsu dẫn ta đến nơi bình an trong Chúa. Ngài chắc chắn là một người Cha đòi hỏi, vì Ngài yêu thương và mời gọi ta dâng cho Ngài mọi niềm vui nỗi buồn. Khi Ngài yêu cầu một điều gì, đó là để giúp ta lớn lên trong tình yêu của Ngài. Điều răn duy nhất của Ngài là yêu thương. Ngài yêu bằng cách gánh hết lỗi lầm, khó nhọc của kiếp nhân sinh, và đổi lại cho ta tình yêu tinh tuyền.


 


Lm. Tôma Lê Duy Khang

Hôm nay Chúa Giêsu dạy: “Hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” Thế nhưng chúng ta thấy lời của Chúa có ứng nghiệm trên cuộc đời của mỗi người chúng ta hãy không? Hình như là không thấy, nhất là khi chúng ta đau khổ bệnh tật cầu xin hoài, đến với Chúa hoài mà không thấy chi hết, tại sao vậy? Thưa chúng ta để ý lời của Chúa, Chúa nói: “Hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”, vậy ai sẽ cho chúng ta nghỉ ngơi bồi dưỡng? Thưa chính là Chúa. Và chúng ta thấy Chúa nói là đến với Chúa, Chúa sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng, nhưng không biết khi nào Chúa sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng, và bồi dưỡng bằng cách nào.

Một điều nữa, chúng ta được mời gọi suy tư thêm đó là chúng ta muốn Chúa cho chúng ta nghỉ ngơi bồi dưỡng về phần thân xác của chúng ta mà thôi, nghĩa là bắt Chúa phải làm theo ý mình, mà mình không cộng tác với Chúa.

Chúng ta hãy nhớ khi các môn đệ đi rao giảng Tin mừng về thì Chúa nói với các ông: “Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,30-31). Chúng ta chỉ nghĩ như vậy thôi, nếu chúng ta nghĩ như vậy, mà chúng ta không chịu nghỉ tay để tìm nơi thanh vắng như lời Chúa yêu cầu, thì cũng không có sự nghỉ ngơi thật sự.

Có một chàng trai trẻ ngày nào cũng đến nhà thờ cầu nguyện rằng: “Chúa ơi, xin người thương tình cho con siêng năng, chăm chỉ, ngày nào cũng đến đây gặp Người. Xin người hãy cho con được trúng vé số có được không?” Nhưng dù anh ta có cố gắng khẩn cầu thế nào đi nữa, vẫn chẳng bao giờ trúng vé số.

Đến một hôm nọ, Chúa không chịu nổi nữa nên mới bảo anh ta: “Ta đã nghe lời cầu nguyện của ngươi rồi. Nhưng ít nhất ngươi cũng phải mua vé số trước đã chứ.” Nên chúng ta đến với Chúa để xin Chúa cho mình nghỉ ngơi mà mình lại không chịu nghỉ ngơi thì làm sao được. Hiểu sâu thêm một chút nữa, đó là đôi khi chúng ta chỉ nghĩ đến đời sống thể xác thôi chứ không nghỉ đến đời sống thiêng liêng của mình.

Chúng ta thấy khi có người thân đã qua đời, chúng ta hay cầu nguyện với Chúa: “Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, cho linh hồn… được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.” Hay chúng ta cầu xin Chúa: “Lạy Chúa cho linh hồn… được nghỉ yên muôn đời, và xin cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên linh hồn…”. Khi người chết chúng ta mới nghĩ đến điều đó, còn khi còn sống chúng ta không nghĩ đến điều đó, nên chúng ta không nhận ra Chúa muốn ban cho chúng ta sự nghỉ ngơi khi nào. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cứ đến với Chúa, và chúng ta phải xác tín khi chúng ta đến với Chúa, thì chắc chắn Chúa sẽ cho chúng ta được nghỉ ngơi, nhưng sự nghỉ ngơi đó là do ý Chúa muốn. Amen.


 


Thứ Năm - Tuần II Mùa Vọng
Thánh Gioan Thánh Giá, linh mục, lễ nhớ.

(Is 41,13-20; Mt 11,11-15)



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Is 41,13-20: Ta là Đấng Thánh của Israel, Ta là Đấng Cứu Chuộc ngươi.

Tv 145,8: Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng.

Mt 11,11-15: Chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả.

Những ngày này, thật vui khi nghe một thông điệp động viên lặp đi lặp lại. “Ta là Đấng Thánh của Israel, Ta là Đấng Cứu Chuộc ngươi.” Đây là điều ta tin tưởng nếu ta tin cậy vào sự gần gũi của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa hứa ban một trời mới đất mới. Ngay cả người nhỏ nhất trong nước Người cũng vĩ đại hơn người vĩ đại nhất và cuối cùng trong số các nhà tiên tri, Gioan Tẩy Giả.

Tin Mừng nói về Gioan Tẩy Giả, vị Tiền hô của Đấng Mêsia, Người đã đến để dọn đường cho Chúa. Ngài sẽ ở lại với ta cho đến ngày thứ mười sáu, khi phần đầu tiên của Mùa Vọng kết thúc.

Gioan là một người kiên định, rất ý thức về giá trị của mọi thứ, là người ý thức được rằng đấu tranh là cần thiết để cải thiện và nên thánh. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói: “Từ thời Gioan Tẩy Giả cho đến giờ, nước trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy.” Những người “mạnh mẽ can đảm” là những người không chịu khuất phục trước chính mình. Cái tôi là kẻ thù lớn nhất. Chúng ta có đấu tranh để tin rằng Chúa cũng yêu ta không? Ta có hy sinh bản thân để làm cho mình trở nên nhỏ bé không? Ta có cố gắng để ý thức rằng ta là con của Cha và sống cho phù hợp không?




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu khen ngợi Gioan Tẩy Giả: “Trong con cái người nữ sinh ra, chưa có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”, Gioan tẩy Giả cao trọng vì ông là người dọn đường cho Chúa Cứu Thế. Bên cạnh sự cao trọng của Gioan tẩy Giả mà chúng ta cần hiểu là vì ông không nghe theo lời thị phi của người khác, để chạy theo dư luận mà bỏ quên công việc bổn phận của mình.

Chẳng hạn như khi ông đi rao giảng kêu gọi người ta ăn năn sám hối, thì có người hỏi ông: “Ông là ai?” Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.” Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không?” Ông nói: “Không phải.” - “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” Ông đáp: “Không.” Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?” Ông nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.” Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ?” Ông Gio-an trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa” (Ga 1,20-28).

Nhưng vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta là làm thế nào để noi gương Gioan Tẩy Giả, không nghe những lời lẽ thị phi mà trung thành với Chúa, sẵn sàng lên tiếng cho sự thật?

Có một vị tổng giám đốc gọi nhân viên lên và hỏi chuyện: “Tôi thấy cậu cũng đứng đắn, chững chạc và rạch ròi. Vậy sao trong công ty vẫn có lời ra tiếng vào, dị nghị đàm tiếu?”

Anh ta trả lời: “Thưa ông: trời nắng hạn cả tuần nay, đang trưa nắng gắt bỗng đổ trận mưa rào, người nông dân thì mừng rỡ ra mặt vì ruộng đất thoát khỏi hạn hán, kẻ làm nghề rửa xe hớn hở cười nói vì khách rửa xe đông nhưng những người đang trên đường thì lại ghét cay ghét đắng vì đường bẩn và bị mưa ướt người. Trăng mùa thu sáng vằng vặc như gương treo trên bầu trời đêm, hàng thi nhân gặp dịp thưởng du ngâm vịnh nhưng bọn đạo chích lại ghét vì ánh trăng quá sáng tỏ. Trời đất vốn vô tư không thiên vị mà cơn nắng mưa thời tiết vẫn bị thế gian trách hận ghét thương. Còn bản thân em cũng đâu phải một người vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai chỉ trích. Cho nên em nghĩ rằng: Đối với tiếng thị phi trong thế gian nên bình tâm suy xét, đừng nên vội tin. Cấp trên nghe lời thị phi thì nhân viên bị hại. Cha mẹ tin nghe lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi thì gia đình ly tán.”

Nên để có thể sống được như Gioan tẩy Giả, cần phải xác tín rằng thị phi là điều khó tránh, và phải biết suy xét cho thật kỹ, để tránh sự loi kéo của người khác.

Xin Chúa cho chúng ta hiểu được điều đó, và xin Chúa chúc lành cho chúng ta. Amen.




Thứ Sáu - Tuần II Mùa Vọng

(Is 48,17-19; Mt 11,16-19)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Is 48,17-19: Chớ gì ngươi lưu ý đến giới răn của Ta.

Tv 1: Lạy Chúa, ai theo Chúa sẽ được ánh sáng ban sự sống (x. Ga 8,12).

Mt 11,16-19: Họ không nghe lời Gioan và với Con Người.

Các bài đọc hôm nay cho biết Chúa muốn dạy chúng ta vì lợi ích của mọi người. Ngài muốn dẫn dắt chúng ta đi đúng đường. Thiên Chúa nói qua tiên tri Isaia: “Ta… dạy ngươi những điều hữu ích, dẫn dắt ngươi trong con đường phải đi. Nếu ngươi lưu ý đến các giới răn của Ta, thì hạnh phúc của ngươi sẽ như dòng sông.” Người muốn ta phát triển thịnh vượng, muốn ta học hỏi. Nếu ta đi theo con đường đúng đắn, thành công của ta sẽ được đảm bảo. Nếu ta theo Chúa, ta sẽ giống như một cây cao khỏe mạnh, nhưng nếu ta không theo Chúa, ta sẽ giống như một cây khô.

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nhắc lại rằng ơn Ngài được ban cho ta, nhưng ta phải cộng tác. Ta được nghe nhạc vui tươi, thì ta phải biểu lộ cảm xúc. Chúa Giêsu phàn nàn rằng có những người cư xử theo cách trẻ con khi Gioan Tẩy Giả rao giảng sự ăn năn để chuẩn bị cho sự xuất hiện của Đấng Mêsia: họ giống như những cô gái không chịu nhảy khi người ta thổi những giai điệu vui tươi hay những cậu bé từ chối than khóc khi mọi người khóc lóc. Chúa ở giữa chúng ta và yêu cầu cam kết để chúng ta có thể dẫn dắt thế giới đến sự sống, công bằng và hạnh phúc. Niềm tin của ta có giá trị gì, nếu ta không thực hành?




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dùng lối so sánh, Chúa so sánh thế hệ này giống như bọn trẻ ngồi thổi sáo nơi phố chợ. Tại sao Chúa Giêsu lại so sánh như thế? Vì những người thời của Chúa hay thay đổi mà thay đổi theo nghĩa tiêu cực, mà chúng ta biết trẻ con cũng hay thay đổi vì tâm lý chưa vững chắc nên Chúa Giêsu đã so sánh những người thời đại của Chúa giống như trẻ con.

Thời đại của chúng ta cũng thế, cũng có những người hay thay đổi, hay nói đi nói lại, chẳng hạn khi tập thể ra một quyết định gì đó, mà chúng ta cứ nói đi nói lại, có thể người ta sẽ phản ứng lại, và họ sẽ nói: “Tôi đâu phải là trẻ con đâu mà muốn nói đi nói lại như thế” hay chúng ta đâu phải là trẻ con đâu mà muốn nói đi nói lại, không giữ vững lập trường. Hoặc cũng có trường hợp vô tình chính chúng ta hứa với nhau về điều gì đó, mà mình thực hiện điều đã hứa, có thể người khác sẽ nói tôi tưởng nói chơi mà anh lại làm thiệt sao, có thể lúc đó chúng ta sẽ trả lời lại: “Tôi đâu có phải là trẻ con đâu, nói một là một, hai là hai”, nên ngày nay cũng thế thôi.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy có những người khi đưa ra một vấn đề gì đó hỏi xem có ý kiến gì không, thì không từ chối, cũng không phản kháng, nhưng lại không thực hiện, như vậy theo chúng ta có phải là trẻ con hay không?

Trở lại vấn đề của chúng ta, khi Chúa Giêsu nói trẻ con hay thay đổi, nhưng trẻ con thay đổi thì nó không có tội, vì nó không biết. Còn những người lớn mà sống tâm tình như trẻ con hay thay đổi, thay đổi điều này thay đổi điều kia, hôm nay theo Chúa, ngày mai theo Phật, hôm nay đi lễ, ngày mai không đi lễ, hôm nay chung thủy với gia đình, ngày mai không chung thủy với gia đình… thì có tội, bởi vì có ý thức, biết được việc mình làm, và thực hiện điều mình suy tính, thì có tội.

Nên chúng ta là những người lớn, được xem là đã trưởng thành, đừng sống như trẻ con, đừng ăn nói như trẻ con, đừng hành động theo trẻ con, nói như thánh Phaolo: “Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con” (1Cr 13,11).

Cha Antony De Mello có lần nói về các cuộc tĩnh tâm như sau: Đa số các kỳ tĩnh tâm người ta bắt đầu “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, rồi kết thúc “như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và đời đời chẳng cùng” nghĩa là tĩnh tâm là giúp cho con người được biến đổi, mà con người không biến đổi, cứ trước sau như một, dậm chân tại chỗ, vậy là công cốc, và sẽ đáng tiếc biết bao…

Nên chúng ta được mời gọi khi chúng ta đã trưởng thành về đời sống thể lý thì hãy trưởng thành về đời sống thiêng liêng, đừng kết thúc bằng “như đã có trước vô cùng”, nhưng thật sự bắt đầu kinh nghiệm một cuộc biến đổi…  để đời sống của chúng ta ngày một trưởng thành hơn.

Xin Chúa cho chúng ta hiểu được như vậy, và xin Chúa chúc lành cho chúng ta. Amen.




Thứ Bảy - Tuần II Mùa Vọng

(Hc 48,1-4.9-11; Mt 17,10-13)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Hc 48,1-4.9-11: Êlia đã được cất lên giữa đám lửa xoáy như cơn lốc.

Tv 80,4: Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con, xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời để chúng con được ơn cứu độ.

Mt 17,9a.10-13: Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra.

Chúa Giêsu nói chuyện với các môn đệ khi họ từ trên núi xuống, nơi họ vừa chứng kiến cuộc Biến hình. Chúa Giêsu đã không chấp nhận đề nghị ở lại trên núi của Phêrô, và đang trả lời các câu hỏi của các môn đệ khi họ đi xuống. Những người vừa mới được dự phần vinh quang của Thiên Chúa trong giây lát, ngạc nhiên và không hiểu làm sao Đấng Mêsia có thể đến mà không có tiên tri Êlia đến trước để chuẩn bị mọi thứ.

Hóa ra là đã chuẩn bị xong rồi. “Êlia đã đến rồi” (Mt 17,12). Êlia là “tiên tri của lửa”, một người có tính cách nóng nảy, nhiệt thành, người làm cho lửa giáng xuống những kẻ thù của Thiên Chúa. Ông muốn chuẩn bị tâm hồn dân chúng để tin nhận Chúa. “Tiên tri của lửa”, Êlia mới, là Gioan Tẩy Giả. Với lòng sốt sắng, ông muốn chuẩn bị tâm hồn dân chúng để đón nhận Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai cứu độ. Gioan đã dọn sẵn đường. Nhưng nhân loại không công nhận những người của Thiên Chúa.

Hôm nay lửa mến của Chúa Thánh Thần, Đấng muốn ta làm với lòng nhiệt thành cao độ và yêu thích công việc của Đức Kitô để mang lại tình yêu, hòa bình và công lý của Thiên Chúa trong thế giới. Chúng ta có để Thánh Thần khơi dậy ngọn lửa trong ta không?




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy các môn đệ, sau khi chứng kiến Chúa Giêsu biến hình trên núi, thì các ông hỏi Chúa Giêsu tại sao các luật sĩ nói là Êlia phải đến trước đã rồi Đấng Mêsia mới đến. Còn đằng này chưa thấy Êlia đến mà Đấng Mêsia đã đến rồi. Câu hỏi này cho thấy các môn đệ của Chúa chỉ hiểu Kinh thánh theo nghĩa đen chứ không theo nghĩa sau bản văn.

Giống như ông Nicodemo hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy.” Chúa Giêsu trả lời: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.” Ông Nicôđêmô thưa: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao?” (Ga 3, 2-4).

Các môn đệ cũng giống như ông Nicodemo chỉ hiểu theo nghĩa đen, thế nhưng khi Chúa Giêsu giải thích cho các ông biết rằng Êlia đã đến rồi, và người ta đã không nhận biết ông, và đã xử ông như ý họ muốn, lúc đó các môn đệ mới hiểu Chúa Giêsu đang nói về Gioan tẩy giả là Êlia mới.

Nhìn lại cuộc đời của mỗi người chúng ta đôi khi chúng ta cũng giống như các môn đệ của Chúa, tầm mắt của chúng ta chỉ thấy được những điều mắt thấy, mà không thấy được đằng sau điều mình thấy là cái gì, nên đôi lúc chúng ta dễ rơi vào cạm bẫy của kẻ thù, bởi lời khen, cũng như tiếng chê của người khác.

Một con gà trống cứ sớm dậy là gáy o o trong sân. Bà chủ không thích nó:

 - Con gà chết tiệt này - bà mắng - vừa sớm dậy đã gáy ầm lên, mày tưởng mày gáy hay lắm phỏng? Mày làm con bé nhà tao thức giấc, tao quật chết mày bây giờ!

Nói xong liền ném cán chổi, suýt nữa đánh vào lưng gà trống. Gà trống vội chạy trốn, tức quá nó cũng chửi lại :

 - Ối! Ối! Cái bà chết tiệt. Ối! ối! cái bà chết tiệt.

Một con cáo nhìn qua khe tường sân thấy rõ ràng mọi chuyện. Khi gà đến gần mép tường, cáo liền an ủi và ca ngợi gà :

 - Chú em của tôi ơi, chú bị oan uổng quá, chú hát đi, tôi rất thích nghe tiếng hát của chú. Chú là ca sĩ của bình minh, chú là tiếng chuông buổi sáng của thiên nhiên, chú đánh thức mảnh đất đang ngủ say, chú đón lấy ánh sáng ban ngày. Ôi, dáng chú mới oai phong làm sao, tiếng hát của chú mới âm vang làm sao. Hát đi, hỡi ca sĩ của tôi !

Gà trống nghe những lời khen ấy khoan khoái vô cùng. Nó bước ngật ngưỡng, hiên ngang hùng dũng đi ra khỏi sân; sau đó ngẩng đầu, vươn cổ, đầy cao hứng gáy một hồi dài. Tiếng gáy chưa dứt, cáo đã vồ đến, cắp gà chạy đi.

Xin Chúa soi sáng cho chúng ta để chúng ta không chỉ thấy điều mình thấy bằng mắt, mà còn thấy được những điều mà mình không thấy, nghĩa là biết suy luận đúng sai, để có đời sống đức tin trưởng thành hơn, để không rơi vào những cơn cám dỗ của sữ dữ. Amen.