Chúa Nhật XXXIII Thường Niên
Đn 12,1-3; Dt 10,11-14.18; Mc 13,24-32
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Đn 12,1-3: Khi ấy dân ngươi sẽ được cứu thoát.
Tv 16,1: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa.
Dt 10,11-14.18: Người đã làm cho những kẻ được thánh hóa nên hoàn hảo đến muôn đời.
Mc 13,24-32: Người sẽ quy tụ những người được tuyển chọn từ khắp bốn phương trời.
Đanien nghe từ Thiên Chúa về thời kỳ sắp tới khi nhiều người ngủ trong bụi đất sẽ thức giấc. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói về đại nạn khi các ngôi sao từ trên trời rơi xuống, và các quyền lực trên trời sẽ bị lung lay. Thánh vịnh hôm nay dường như dự đoán sự kiện này của lòng thương xót nơi Chúa Giêsu trên thập tự giá với cuộc thảo luận về quyền thừa kế. Mặc dù quyền thừa kế có thể mang lại bất kỳ ý nghĩa nào, nhưng ý nghĩa ở đây là niềm vui: Chúa là cơ nghiệp của tôi, lạy Chúa! Sự hy sinh toàn diện của Chúa Giêsu đã thay đổi mọi thứ. Món quà hoàn toàn về bản thân và món quà liên tục của Ngài qua việc tiếp tục cử hành Thánh lễ.
Giáo hội loan báo rằng chúng ta có Chúa Kitô. Ngài là Chúa và Đấng Cứu độ của chúng ta. “Người sẽ quy tụ những người được tuyển chọn từ khắp bốn phương trời.” Cơ nghiệp của Thiên Chúa làm cho mọi người vui mừng. Chúng ta hãy nhận biết niềm vui này qua cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu trong tình yêu vô bờ bến của Người. Hãy vững tin vì “chỉ bằng một của lễ, Ngài đã biến những người được thánh hiến trở nên trọn vẹn mãi mãi.” Vì vậy, chúng ta nên gắn bó chặt chẽ hơn trong hành vi của mình với những gì chúng ta tin tưởng!
Tôma Lê Duy Khang
Hôm nay lễ các thánh tử đạo chúng ta thấy cái chết của các ngài là cái chết anh dũng.
Và thường có thể chúng ta nói thời thế tạo anh hùng, hay nói cách khác nhiều khi phải cám ơn những người đã bách hại, vì nhờ đó là có các thánh tử đạo, nhờ đó mà máu các thảnh tử đạo đã đổ ra để sinh thêm nhiều bông hạt.
Giống như câu chuyện của Stephano, như là một cái roi Chúa đánh vào các tông đồ, vì sau cái chết của Stephano. Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội. Ngoài các Tông Đồ ra, mọi người đều phải tản mác về các vùng quê miền Giu-đê và Sa-ma-ri. Nhờ đó mà tin mừng được loan đi, nếu không các tông đồ, các môn đệ chỉ quanh quẩn ở Giêrusalem.
Như vậy phải chăng chúng ta phải cám ơn những người đã bách hại? thưa không, mà chúng ta cám ơn Chúa, vì Chúa dùng cách này hay cách khác để hoàn thành kế hoạch của Chúa, mà con người không thể hiểu được nói như Chúa Giêsu đã từng nói với Phêrô khi ông ngăn cản Chúa lên Giêrusalem: “Xatan lui ra đằng sau Thầy, vì tư tưởng của anh là tư tưởng của loài người không phải là tư tưởng của Thiên Chúa”.
Hay nói cách khác có bách hại để cho thấy quyền năng của Chúa, trong tin mừng có nói về những trường hợp bệnh tật Chúa chữa lành, chẳng hạn như anh mù từ thuở mới sinh, Chúa nói: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.” (Ga 9,3), khi các môn đệ hỏi Chúa: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” (Ga 9, 2).
Nếu chúng ta đào sâu, đó là nếu không có chuyện bách hại thì chẳng lẽ không có các thánh? Thưa vẫn có bằng chứng là nhiều vị thánh đâu có tử đạo, mà họ vẫn là thánh, nên thánh trong đời tu, nên thánh trong chính đời sống hằng ngày của họ.
Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện của Chúa Giêsu và Phêrô ở biển hồ Tiberia, đó là sau khi Chúa Giêsu trắc nghiệm tình yêu của Phêrô, rồi sau đó Chúa Giêsu tiên báo Phêrô phải chết cách nào: “Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn." Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: "Hãy theo Thầy." (Ga 21,18-19).
Sau các sự kiện đó, Phêrô thấy Gioan nên đã hỏi Chúa Giêsu về số phận của Gioan: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao? " Chúa Giêsu đáp: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy." Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Đức Giê-su đã không nói với ông Phê-rô là: "Anh ấy sẽ không chết", mà chỉ nói: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? " (Ga 21, 21-23).
Hiểu được như vậy, để có thể nên thánh thì không phải chỉ có một con đường là phải chịu tử đạo, mà còn nhiều con đường khác mà các thánh khác đã đi qua, để chúng ta noi gương bắt chước, hay nói cách khác chúng ta có thể nên thánh trong chính đời sống thường ngày của chúng ta, hay giúp người khác nên thánh trong chính đời sống thường ngày của họ, bằng những việc hết sức đơn sơ, mà mỗi người chúng ta cần có sáng kiến cho riêng mình.
Vào năm 1980, có một tuần báo nọ tại Hoa Kỳ đã đăng tải một sự cố sau đây:
Một người vừa mua hàng trong siêu thị xong, trở lại xe mình thì ngạc nhiên nhìn thấy một tờ giấy để lại nằm ngay trên chỗ ngồi của người lái, trên đó có những dòng chữ viết vội như sau:
Thưa ông bà, tôi có ý định đánh cắp chiếc xe này, nhưng khi nhìn thấy lời chào chúc của ông bà gắn nơi tay lái:
“Bình an của Chúa ở cùng bạn”, thì tôi bỗng dừng lại và suy nghĩ.
Ý nghĩ xuất hiện trong đầu óc tôi là nếu tôi đánh cắp chiếc xe này thì chắc chắn ông bà mất xe và không có sự bình an, tôi đây cũng sẽ không có sự bình an.
Đây là lần đầu tiên tôi bước vào nghề ăn cắp xe.
Xin chúc ông bà và cho cả tôi nữa sự bình an của Chúa.
Chúc ông bà lái xe an toàn và lần sau xin nhớ khóa cửa xe.
Ký tên: Người sắp trở thành kẻ trộm xe.
Xin cho mỗi người chúng ta có ao ước nên thánh, để mỗi người có những sáng kiến tốt lành, để áp dụng lời Chúa dạy trong cuộc đời, để chúng ta được nên thánh như các thánh. Amen.
Thứ Hai - Tuần XXXIII Thường Niên
(Kh 1,1-4; 2,1-5a; Lc 18,35-43)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Kh 1,1-4;2,1-5a: Hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ mức nào và hãy hối cải.
Tv 1: Ta sẽ cho kẻ thắng trận ăn trái cây sự sống (Kh 2,7b).
Lc 18,35-43: Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi? Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy.
Chúa Giêsu hỏi người mù: “Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi?” Lẽ dĩ nhiên là khi người ta thiếu cái gì thì sẽ muốn cái đó. Cho nên câu trả lời ta có thể đoán được. “Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy.” Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản như vậy. Ta đọc lại toàn bộ đoạn Tin mừng này thì sẽ thấy Chúa Giêsu đang thực hiện sứ vụ của mình. Ta chú ý các động từ được Chúa Giêsu thực hiện: đang đi, dừng lại, hỏi, bảo.
Ngài đang đi gần thành Giêricô, lúc đó có đám đông cũng đang đi. Giữa những tiếng bước chân trên đường thì có tiếng kêu danh thánh Chúa. Tiếng kêu đó phải đánh động được Chúa, nên Ngài dừng lại. Ngài ngưng bước để hỏi han người kêu Ngài cần gì. Khi biết được niềm ước ao của anh mù, Ngài bảo anh làm một việc mà không ai có thể làm được. Hãy nhìn thấy. Một người mù bấy nhiêu năm, nay làm theo lời Chúa thì nhìn thấy được. Đức tin của anh đã hướng dẫn anh thỉnh cầu Chúa. Để rồi như chính Chúa nói, đức tin của anh đã cứu chữa anh. Dẫu cho người ta có ép anh nín nhịn hay lặng im thì đức tin của anh vẫn mãnh liệt hơn. Ước gì ta cũng gây được sự chú ý cho Chúa, để Ngài dừng lại, hỏi han, bảo ban ta.
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay tình bày cho chúng ta thấy một hiệu ứng, đó là hiệu ứng vết dầu loang, vết dầu loang ở chỗ nào?
Thưa đó là khi anh mù kêu xin Chúa cứu giúp thì những người khác trách mắng anh, nhưng anh cứ kêu lớn tiếng, và khi chúa Giêsu cho truyền dẫn anh đến thì anh được dẫn đến và được chữa lành sau đó, khi được chữa lành anh đã đi theo Chúa Giêsu và ca tụng Thiên Chúa.
Tin mừng ghi lại: “Thấy vậy toàn dân liền ca ngợi Thiên Chúa”.
Đó là hiệu ứng vết dầu loang.
Và qua trang tin mừng hôm nay, chúng ta thấy được một điều như thế này đó là dầu cho vết dầu loang có thể nó rất nhỏ như lời kêu xin của anh mù nhỏ nhoi thôi, bị người khác chống đối, người khác ngăn cản, anh vẫn cố gắng làm lan tỏa vết dầu của anh, hay là vết dầu có lớn khi được chữa lành anh ngợi khen Chúa, và người khác ngợi khen Chúa đi chăng nữa, thì đã là dầu thì đương nhiên nó sẽ loan ra.
Hay nói cách khác khi chúng ta làm việc của Chúa, dù rất nhỏ thì chắc chắn sẽ thành công, thành công trước mặt Chúa hay thành công trước mặt người đời, nghĩa là việc làm của chúng ta sẽ lan tỏa.
Đối với việc xấu cũng vậy, nó cũng sẽ lan tỏa, dù nhỏ hay lớn, nhưng việc xấu, việc người đời thì sẽ không sớm thì muộn sẽ sụp đổ.
Chúng ta hãy nhớ lại trong sách công vụ tông đồ có kể câu chuyện của các thánh tông đồ khi bị cấm rao giảng về danh Chúa Giêsu, thì có một người Pha-ri-sêu tên là Ga-ma-li-ên đứng lên giữa Thượng Hội Đồng; ông là một kinh sư được toàn dân kính trọng. Ông truyền đưa các đương sự ra ngoài một lát. Rồi ông nói với Thượng Hội Đồng: "Thưa quý vị là người Ít-ra-en, xin quý vị coi chừng điều quý vị sắp làm cho những người này. Thời gian trước đây, có Thêu-đa nổi lên, xưng mình là một nhân vật và kết nạp được khoảng bốn trăm người; ông ta đã bị giết, và mọi kẻ theo ông cũng tan rã, không còn gì hết. Sau ông, có Giu-đa người Ga-li-lê nổi lên vào thời kiểm tra dân số, và lôi cuốn dân đi với mình; cả ông này cũng bị diệt, và tất cả những người theo ông ta đều bị tan tác. Vậy giờ đây, tôi xin nói với quý vị: hãy để mặc những người này. Cứ cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá huỷ; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá huỷ được; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa." Họ tán thành ý kiến của ông.” (Cv 5, 34-39).
Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy để làm việc của Chúa, để làm việc tốt lành, dù lớn hay là nhỏ thì chắc chắn sẽ lan tỏa, sẽ thành công. Amen.
Thứ Ba - Tuần XXXIII Thường Niên
(Kh 3,1-6.14-22; Lc 19,1-10)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Kh 3,1-6.14-22: Ai mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào dùng bữa tối ở nhà người ấy.
Tv 15: Ai chiến thắng, Ta sẽ cho ngồi với Ta trên ngai của Ta (Kh 3,21).
Lc 19,1-10: Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất.
Tin Mừng hôm nay tiếp nối hành trình của Chúa Giêsu ở Giêricô. Vốn dĩ Ngài dự định đi qua thành nhưng Ngài có cuộc gặp cực kỳ ý nghĩa với Giakêu. Sứ mạng của Ngài là tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã mất. Điều mất cần phải tìm chính là người tội lỗi. Giakêu là người trưởng thu thuế, giàu có, và ông bị xem như là kẻ phản bội với dân tộc mình, vì ông hợp tác với đế chế đàn áp dân chúng. Giakêu là người mà không ai muốn đi cùng huống chi là ở lại cùng và ăn uống chung. Bởi liên hệ với ông là tự hủy đi thanh danh của mình.
Tuy nhiên có một điểm tốt nơi tâm hồn ông. Ông muốn thấy Chúa Giêsu. Vì ông thấp nên ông phải leo lên cây sung để dễ nhìn Chúa, nhưng cũng có thể là ông leo lên cây để không ai nhìn thấy mình. Ngạc nhiên chưa, ông có thể thấy nhưng không thể bị nhìn thấy. Nhưng cũng ngạc nhiên chưa, Chúa Giêsu đã thấy ông, gọi ông xuống và để ông đối mặt với đám đông, xua tan nỗi nhục nhã vì lỗi tội nơi ông, và cùng ông về nhà. Chúa Giêsu sẽ vào nhà Giakêu, ngự trị trong tâm hồn ông, chữa lành những vết thương tâm hồn cho ông, và cao điểm là xóa bỏ nỗi tự ti mặc cảm cho ông, bởi đó chính là sứ mạng của Ngài.
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy một trải nghiệm tình yêu của Dakeu nhờ trải nghiệm tình yêu này mà ông đã biến đổi.
Chúng ta biết đầu tiên ông chỉ tò mò muốn được nhìn thấy Chúa Giêsu, nhưng chính Chúa Giêsu đã dùng tình yêu để mà biến đổi ông, mà cụ thể là Chúa ngước mắt lên nhìn thấy ông, trong khi đó người khác lại không thấy ông, Chúa nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông! " Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người.” Khi Chúa Giêsu nói như vậy thì mọi người xầm xì với nhau: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ! " nghĩa là mặc dầu Dakeu giàu có thật đấy, nhưng chẳng ai muốn tiếp xúc với ông, vì họ cho rằng ông là người tội lỗi, nên khi Chúa Giêsu muốn đến nhà của ông là Chúa đã thể hiện tình yêu dành cho ông, nên ông đã được biến đổi ngay sau đó, ông nói với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn." Đức Giêsu mới nói về ông ta rằng: "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất."
Hiểu được như vậy, chúng ta thấy chỉ có tình yêu mới biến đổi được con người, nên trong cuộc đời rất cần những trải nghiệm tình yêu, tình yêu của người khác dành cho chúng ta, tình yêu của chúng ta dành cho người khác, chính tình yêu mới làm biến đổi, chứ không phải là sự đau buồn làm cho con người biến đổi, sự đau buồn chỉ làm cho con người ta suy sụp mà thôi.
Một bà mẹ lo lắng nhiều cho đứa con trai không đi nhà thờ, mà lại đi theo những bạn bè xấu và còn tỏ ra bất mãn mọi chuyện.
Bà mẹ đau khổ này đã tìm mọi cách để đưa con về con đường tốt, nhưng tất cả đều vô ích.
Vào một ngày Chúa nhật, bà nảy ra một ý tưởng.
Gọi đứa con trai lại, bà nói: “Con làm ơn giúp mẹ một chuyện. Hãy đem gói đồ này đến cho gia đình ở căn nhà trong khu phố đối diện với chúng ta. Nếu con làm cho mẹ việc này, mẹ hứa sẽ không bao giờ quấy rầy con nữa”.
Có lẽ để khỏi nghe tiếng mẹ giảng dạy, la rầy, chàng thanh niên đã nhận làm điều mẹ anh yêu cầu.
Anh đi đến địa chỉ như mẹ dặn, bước vào một căn nhà nghèo nàn và bỡ ngỡ đến tột điểm, anh đã khám phá thấy một người đàn bà đau ốm chỉ còn da bọc xương với ba đứa con nhỏ, rách rưới, lem luốc, đang than khóc, kêu la vì đói.
Chàng thanh niên trao vội gói đồ và muốn nhanh bước rút lui.
Nhưng người đàn bà đã gọi giật anh trở lại, và qua giọng yếu ớt bà thều thào: “Cậu ơi! Cậu không thể đi ngay được khi tôi chưa kịp cám ơn cậu. Cậu là ơn quan phòng Chúa gửi đến cho chúng tôi. Xin Ngài trả ơn cho cậu”.
Chàng ra về với tấm lòng bị cảm xúc mạnh.
Ngày hôm sau, anh trở lại nhà bà mẹ đang bị đau ốm với đàn con nheo nhóc hôm qua với một gói quà khác, mà anh đã mua với chính tiền của anh.
Và sau khi trao quà, anh còn ở lại chơi với mấy đứa nhỏ.
Kể từ đó, chàng thanh niên đã thay đổi cuộc đời, vì lòng nhân hậu đã làm anh mỗi ngày hiểu được ý nghĩa của cuộc sống và nhờ đó anh cảm thấy hạnh phúc hơn.
Xin cho mỗi người chúng ta biết biết cảm nhận những trải nghiệm tình yêu trong cuộc đời của mình, để chính mình được biến đổi, cũng như qua đó giúp biến đổi người khác. Amen.
Thứ Tư - Tuần XXXIII Thường Niên
(Kh 4,1-11; Lc 19,11-28)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Kh 4,1-11: Thánh, Chúa là Thiên Chúa toàn năng, Đấng đã có, hiện có và sẽ đến.
Tv 150: Thánh, thánh, thánh! Chúa là Thiên Chúa toàn năng (Kh 4,8).
Lc 19:11-28: Sao ngươi không gửi bạc Ta ở ngân hàng.
Dụ ngôn trong Tin Mừng Luca gợi cho ta một tâm tình tích cực. Đó là trong mọi việc, hãy hướng đến điều tốt đẹp nhất, lợi ích nhất. Nếu ta có ý tích cực thì năng lượng tích cực sẽ phát tiết và hỗ trợ ta hoàn thành công việc cách tốt đẹp, và ngược lại. Dụ ngôn cho biết người chủ trao mười nén bạc cho đầy tớ rồi trảy đi phương xa. Có nghĩa là có một khoảng thời gian chủ vắng bóng, người đầy tớ phải tự quyết định bản thân mình nên làm gì, làm như thế nào để đem lại hiệu quả cao nhất.
Với mỗi người, Chúa cho ta một khoảng thời gian để sống và làm việc. Và Chúa cũng cho ta những điều quý giá là ơn Chúa Thánh Thần: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, quảng đại, hiền hòa, trung tín, khiêm tốn, tiết độ và khiết tịnh. Nếu ta cứ sợ mất hay thui chột tài năng mà không dám sử dụng để giúp mình và giúp đời thì cũng khác gì là vô dụng. Như ca dao có câu: “Ngọc kia chẳng giũa chẳng mài, cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi.” Lời Chúa và ca dao trên là một bài học sâu sắc nhắc nhở chúng ta cần phải biết phát huy những ơn Chúa để nó được đẹp hơn, tốt hơn nữa thông qua cách chúng ta sống và tương tác với những người khác.
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay kể cho chúng ta nghe câu chuyện ông chủ trao cho các đầy tớ mỗi người một nén bạc, người thì làm lợi được 10 nén, người thì làm lợi được 5 nén, người thì không chịu làm lợi gì cả.
Và những người được làm lợi thì được thưởng, còn người không làm lợi thì bị luận phạt.
Câu chuyện này cho chúng ta thấy, khi chúng ta lãnh nhận ơn của Chúa chúng ta phải tức khắc làm cho ơn ấy sinh hoa kết quả trong cuộc đời của mình, vì Chúa đến bất ngờ.
Hay nói một cách khác khi chúng ta lãnh nhận một ơn lành từ Chúa, hay một ơn lành từ ai đó chúng ta phải biết cám ơn.
Chúng ta hãy nhớ câu chuyện của những người 10 người mắc bệnh phong cùi đến xin Chúa Giêsu chữa lành cho họ, khi họ xin thì Chúa Giêsu bảo họ hãy đi trình diện tư tế, trên đường đi thì họ được sạch.
Bấy giờ có một người trong số 10 người đó quay lại tạ ơn Thiên Chúa, Chúa Giêsu mới nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này? " Rồi Người nói với anh ta: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh." (x.Lc 17,11-19).
Chính lòng biết ơn là điều đầu tiên, là bước đầu tiên để làm nền tảng giúp cho chúng sinh hoa lợi cho những gì chúng ta đã lãnh nhận, còn ngược lại nếu không có lòng biết ơn thì sẽ không bao giờ làm cho những ơn đó sinh hoa lợi được, nếu không có biết ơn thì điều mà mình lãnh nhận từ Chúa, hay điều mà mình lãnh nhận từ người khác, mình sẽ xem đó như là bổn phận mà người khác phải làm cho mình, mình không có bổn phận đáp lại, thậm chí nếu không đúng với ý của mình thì mình còn chê trách nữa.
Mẹ tôi luôn nấu đồ ăn ngon. Nhưng hôm nay mẹ đặt một cái bánh cháy trước mặt bố. Không chỉ hơi cháy thôi mà đen như than đá.
Chờ xem bố tôi sẽ nói gì.
Nhưng bố tôi vừa ăn bánh và hỏi "ngày hôm nay của em thế nào."
Vậy là tôi nghe mẹ tôi xin lỗi bố vì chiếc bánh đó .
Tôi sẽ không bao giờ quên câu trả lời của bố rằng:
- Không sao cả, anh thích bánh của em.
Sau đó tôi đã hỏi liệu bố tôi có nói sự thật hay không.
Bố đặt tay lên vai tôi và nói:
- Mẹ con hôm nay đã có một ngày khó khăn ở chỗ làm, bà ấy đã rất mệt mỏi. Chiếc bánh cháy không làm tổn thương bố được, nhưng một lời nói của bố có thể sẽ làm tổn thương mẹ con
Tất cả chúng ta đều mắc sai lầm. Chúng ta không nên tập trung vào sai lầm, mà hãy nhẹ nhàng với những người chúng ta yêu thương.
Đây là bí quyết của những mối quan hệ lâu dài và hạnh phúc.
Xin cho mỗi người chúng ta khi đón nhận phải có lòng biết ơn, vì chính lòng biết ơn sẽ giúp chúng ta trân trọng những gì mà mình đón nhận, và cũng nhờ đó mà chúng ta làm cho điều mình đón nhận được trổ sinh hoa trái, hay nói cách khác khi chúng ta biết cám ơn điều mà mình lãnh nhận, thì cũng làm cho điều đó sinh hoa trái qua lòng biết ơn của chúng ta, mặc dầu nó là âm thầm thôi. Amen.
Thứ Năm - Tuần XXXIII Thường Niên
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ
(Dcr 2,14-17; Mt 12,46-50)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Dcr 2,14-17: Hỡi con gái Xi-on, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi.
Đc: Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! (Lc 1,49).
Mt 12,46-50: Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.”
Lễ Đức Mẹ dâng mình trong Đền thờ tưởng nhớ việc cha mẹ ngài dâng Đức Trinh Nữ khi còn là một đứa trẻ trong Đền Thờ ở Giêrusalem. Trước khi Maria chào đời, cha mẹ ngài đã nhận được một thông điệp thiêng liêng rằng họ sẽ sinh một đứa con. Để tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Mẹ Maria sinh ra đời, Gioakim và Anna đã dâng Mẹ vào Đền Thờ để thánh hiến người con gái duy nhất của họ cho Chúa.
Qua ngày lễ này, chúng ta biết rằng Thiên Chúa muốn Đức Maria không bị vấy bẩn bởi bất cứ tội lỗi nào để Chúa Giêsu có được một người mẹ hoàn hảo – và để chúng ta có được Mẹ như người mẹ yêu thương hoàn hảo của chính chúng ta. Đức Maria càng đơn sơ và dễ tiếp nhận ân sủng của Thiên Chúa càng tốt, và chính vì nhận được mọi sự từ Thiên Chúa mà Mẹ có thể tạ ơn Thiên Chúa và tuyên xưng lòng nhân lành của Người về những gì Người đã quyết định thực hiện qua Mẹ. Maria sử dụng những món quà của Chúa một cách đặc biệt và biết ơn và cho thấy rằng mọi thứ trong cuộc sống của Mẹ đều xuất phát từ tình yêu của Chúa. Với sự thấp hèn và khiêm nhường của Mẹ, Thiên Chúa dùng Mẹ để tạo nên một vương quốc gồm những người khao khát được thấy long nhan Thiên Chúa.
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu đang giảng dạy thì có người đến nói với Chúa Giêsu là có mẹ và anh em Chúa đến tìm Chúa, nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? " Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”
Chi tiết đó cho chúng ta thấy người nổi bật nhất trong số các môn đệ đã lắng nghe và thực hành lời của Chúa đó chính là mẹ Maria.
Nhưng chúng ta biết để có thể lắng nghe và thực hành lời Chúa có phải là một ngày một bữa hay không? Thưa không, nhưng là một hành trình rèn luyện, mà kết quả mẹ rèn luyện được là do mẹ đã biết dâng mình cho Chúa, hay nói cách khác mà việc mẹ dâng mình cho Chúa có kết quả.
Chúng ta biết có rất nhiều người cũng dâng mình như mẹ Maria nhưng có ai được như mẹ, chúng ta thấy như Dacaria làm tư tế đền thờ, nhưng khi được Thiên Thần truyền tin, ông chưa tin hẳn, mà còn nghi ngờ, nên nơi mẹ maria chúng ta thấy được kết quả trọn vẹn của việc dâng mình cho Chúa, và kết quả trọn vẹn này là do mẹ đã ý thức, đã để cho Chúa biến đổi Mẹ.
Có một người đàn ông nghèo khóc lóc thảm thiết trước mặt Chúa vì cơm không đủ ăn, áo ấm, ông kể lại cuộc đời của mình cơ cực như thế nào.
Khóc một hồi, ông ta bỗng bắt đầu than thở: "Xã hội này bất công quá. Tại sao người giàu thì ngày nào cũng nhàn nhã thoải mái, còn người nghèo thì ngày ngày chịu khổ cực?"
"Người nghĩ như thế nào sẽ là công bằng?"
Người đàn ông nghèo vội nói: "Hãy để người giàu nghèo như tôi, và làm công việc tương tự như tôi phải làm. Nếu họ vẫn giàu, tôi sẽ ngừng phàn nàn".
Chúa gật đầu và nói: "Được!". Nói xong, Chúa biến một người giàu có thành một người nghèo như một người nghèo. Hàng ngày họ phải đến một ngọn núi đào than. Than đào ra mỗi ngày có thể bán để mua thức ăn trong ngày. Núi than sẽ được đào lên trong thời hạn một tháng.
Người nghèo và người giàu cùng nhau đào. Người nghèo thường quen với công việc nặng nhọc, đào than đối với anh ta dễ như ăn một miếng bánh, chẳng mấy chốc anh ta đã đào được một đống than, mang ra chợ bán lấy tiền. Anh dùng số tiền đó để mua thức ăn, tất cả các món ngon mang về cho vợ con ăn đến no nê.
Người giàu chưa bao giờ làm việc nặng, chỉ đào một lúc rồi dừng một lúc, mà vẫn đổ mồ hôi đầm đìa vì kiệt sức. Đến tối, anh bất đắc dĩ đem than đi bán. Số tiền kiếm được anh ta mua mấy cái bánh bao cứng, còn lại giữ lại. Ngày hôm sau, người nghèo dậy sớm và bắt đầu đào than, nhưng người giàu thì ra chợ. Một lúc sau, người giàu dẫn thêm 2 người khỏe mạnh khác về và yêu cầu họ đào than, còn bản thân thì giám sát.
Chỉ trong một buổi sáng, phú ông sai hai người nghèo đào mấy xe than, bán ngoài chợ kiếm được bộn tiền. Một tháng trôi qua nhanh chóng, người nghèo chỉ đào được một góc núi than, dùng tiền kiếm được hàng ngày mua đồ ăn thức uống ngon, căn bản không còn lại chút gì. Nhưng phú ông đã chỉ huy công nhân đào hết núi than, kiếm được rất nhiều tiền, ông ta dùng tiền để đầu tư và lập nghiệp, chẳng bao lâu lại trở thành phú ông.
Cuộc đời của chúng ta cũng vậy, cũng đến nhà thờ, cũng đi lễ, nhưng chẳng chú ý, chẳng chịu mở lòng ra thì cũng giống như một người nghèo, không bao giờ khá hơn được, còn nếu chúng ta chịu mở lòng ra đón nhận, thì chúng ta sẽ là người giàu, như Mẹ Maria biết đến với Chúa, biết mở lòng ra đón nhận thánh ý của Chúa và thi hành thánh ý đó trong cuộc đời, nên mẹ là người có phúc. Amen.
Thứ Sáu - Tuần XXXIII Thường Niên
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ
(Kh 10,8-11; Lc 19,45-48)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Kh 10,8-11: Tôi cầm lấy cuốn sách mà nuốt.
Tv 119,103a: Những lời sấm của Chúa ngon ngọt thay cho cổ họng con.
Lc 19,45-48: Các ngươi đã biến đền thờ Thiên Chúa thành sào huyệt trộm cướp.
Chăm chú nghe Lời Chúa là một cách bảo vệ Chúa khỏi những nguy nan, đồng thời chính ta cũng được dưỡng nuôi tâm hồn. Tin Mừng Luca cho biết Chúa giảng dạy trong Đền thờ, và “các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người.” Theo Chúa, lắng nghe và rao giảng lời Người là một hành trình đầy cam go và thử thách. Chính Chúa Giêsu còn bị người đời tìm cách hãm hại thì những người theo Chúa cũng không thể tránh khỏi những khó khăn.
Sách Khải huyền cho biết sẽ có những đắng cay và ngọt bùi khi đón nhận và rao giảng Lời Chúa. Mới đón nhận cuốn sách của Chúa thì có thể cảm nếm hương vị ngọt ngào như mật ong trong miệng, nhưng Lời Chúa sẽ thiêu đốt ruột gan và tâm can. Vì đó là lời của Sự Thật, Công Lý và Tình Thương. Nếu nói sự thật thì sẽ gây mất lòng. Rao truyền công lý thì lời này có khi bị dội lại vì ít ai chịu đón nhận. Còn gieo rắc tình thương với những người vô cảm, câu nệ lề luật thì cũng chẳng có hy vọng hạt mầm tin yêu sẽ được lớn lên. Tuy nhiên, ta được an ủi và khích lệ với lời của Thánh vịnh. “Lời Ngài nghiêm huấn là sản nghiệp của con muôn đời”.
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu thẳng tay xua đuổi những người buôn bán trong đền thờ, vì việc làm của Chúa Giêsu là việc làm đúng đắn.
Trong khi đó những thượng tế, kỳ mục, luật sĩ khi thấy Chúa Giêsu làm như vậy thì muốn tìm cách giết Chúa Giêsu, nhưng không có cách nào, vì họ sợ dân chúng.
Chúng ta thấy cũng nhiều lần những người thượng tế và kỳ mục tìm cách giết hại Chúa Giêsu nhưng lại sợ dân chúng.
Nhưng cuối cùng mục đích họ muốn hại Chúa Giêsu được hay không? Thưa được, vì đã ôm mầm móng đó trong lòng thì không sớm thì muộn thì mầm móng đó cũng sẽ phát triển khi có cơ hội.
Chúng ta nhớ trong tin mừng Luca khi ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu nhưng không làm gì được, thì tin mừng ghi lại ma quỷ bỏ đi chờ cơ hội, và cuối cùng cơ hội của ma quỷ đã đến, đó là ma quỷ đã nhập vào Giuda để rồi Giuda đi nói chuyện với các thượng tế và lãnh binh Đền Thờ về cách thức nộp Người cho họ. Họ rất mừng và đồng ý sẽ cho hắn tiền. Hắn ưng thuận và tìm dịp tiện để nộp Đức Giê-su cho họ, lúc không có đám đông. (Lc 22, 3-6).
Hay chúng ta nhớ lại câu chuyện của Gioan Tẩy Giả cũng tương tự như vậy, Gioan tẩy giả đã lên án cuộc hôn nhân giữa Hêrode và bà Hêrodia chị dâu của vua, tin mừng thuật lại: “Vua muốn giết ông Gio-an, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ. Vậy, nhân ngày sinh nhật của vua Hê-rô-đê, con gái bà Hê-rô-đi-a đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: "Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả đặt trên mâm." Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gio-an. 11 Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ.” (Mt 14, 5-11).
Còn ngược lại nếu con người mong ước những sự tốt lành, dù là rất nhỏ, thì những điều tốt lành đó một ngày nào đó khi gặp điều kiện thuận lợi cũng sẽ phát triển, nếu đọc tin mừng Gioan, thì tin mừng Gioan ghi lại sự kiện Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ đó là vì: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.” (Ga 2,17).
Xin cho mỗi người chúng ta biết ao ước, biết ấp ủ, biết ôm ấp những ước mơ tốt lành dù là nhỏ nhất, để khi có điều kiện thuận lợi sẽ thực hiện được những ước mơ tốt lành đó, và xin cho chúng ta biết dẹp bỏ đi những mầm mống xấu trong cuộc đời của mình, để tránh cho những mầm mống đó sinh sôi nảy nở làm ảnh hưởng đến đời sống của mỗi người chúng ta. Amen.
Thứ Bảy - Tuần XXXIII Thường Niên
Thánh Anrê, tông đồ (LK)
(Kh 11,4-12; Lc 20,27-40)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Kh 11,4-12: Hai vị tiên tri ấy đã làm cho dân trên hoàn cầu chịu nhiều khổ cực.
Tv 144,1: Ôi Đá Tảng của con, chúc tụng Chúa!
Lc 20,27-40: Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống.
Tin Mừng hôm nay nhắc ta một chân lý để sống trong tâm tình hy vọng và tín thác. Đó là “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống.” Sống thật sự ở đời này và cả đời sau chứ không phải sống vật vờ, sống nửa vời theo kiểu đem chuyện đời này để thử thách Chúa về cuộc sống đời sau. Chúng ta vẫn còn đang sống trong những ngày của tháng Mười Một là tháng Giáo hội dành riêng để cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục. Cầu nguyện cho các linh hồn này để họ sớm được sống lại thực sự trong tình thương của Chúa trong Vương quốc của Người.
Sự sống đời sau không ai tỏ tường bằng Chúa, và cũng chỉ có Chúa mới cho ta biết rõ đời sống đó như thế nào. Do đó tâm tình cần có của những người theo Chúa là tận tâm, tận trung, tận lực để sống tốt ngay ở đời này. Chúa cho ta khoảng thời gian trên trần gian để hưởng nếm trước hạnh phúc của đời sống. Vì vậy, ta tập trung vào những gì thiết yếu nhất như Chúa và Giáo hội mong muốn. Ta có thể sống tốt, sống vui, sống có ích bằng những tâm tình chúc tụng ngợi khen Chúa, yêu mến Người, yêu thương đồng loại và những tạo vật Chúa ban thì đó là cách sống với tin yêu và hy vọng.
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta câu chuyện về sự sống đời sau, Chúa Giêsu nói trong ngày sau thì con người sẽ sống như các thiên thần, sẽ không còn lấy vợ lấy chồng nữa.
Như vậy vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta đó là sau khi sống lại con người của chúng ta có còn là người không?
Chúng ta biết con người của chúng ta khác với các thiên thần là con người của chúng ta có thân xác, vậy khi sống lại thì sẽ như thế nào, có là người hay không? Thưa vẫn là người vì trong kinh tin kính đã dạy chúng ta: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy. Amen.”, nghĩa là con người vẫn là người.
Từ điểm này chúng ta cũng có thể trả lời thêm cho câu hỏi đó là tại sao sao khi sống lại Chúa Giêsu không hiện ra với một thân thể toàn bích, mà ngài lại hiện ra với thân thể có dấu đinh ở tay và chân, có vết thương ở cạnh sườn, thường thì chúng ta cho rằng đó là dấu chứng tình yêu mà Chúa muốn các môn đệ của Chúa thấy, vì các môn đệ của Chúa hay quên, nên Chúa muốn các ông nhìn vào đó để tin vào Chúa, để nhận ra tình thương của Chúa, lý luận này đúng thôi.
Nhưng trong bối cảnh của lý luận xác loài người ngày sau sống lại, thì chúng ta thấy Chúa Giêsu hiện ra ở thân thể không toàn bích như vậy, là vì Chúa vẫn là người vẫn mang bản tính của con người như chúng ta, giống con người về mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi, Chúa sống lại vẫn có một thân xác. (còn việc Chúa ăn bánh, ăn cá nướng chỉ một lần duy nhất, vì làm điều đó để các môn đệ tin).
Trở lại vấn đề của chúng ta khi chúng ta sống lại vẫn có thân xác, chúng ta vẫn là người nhưng chúng ta sẽ sống các đặc tính như các thiên thần, nghĩa là không sinh hoạt theo kiểu trần gian, mà như các thiên thần.
Thánh Gioan tông đồ đã nói: “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.” (1Ga 3,2). Hay chính thánh Phaolo đã nói: “Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người.” (Pl3, 20-21).
Giống Chúa ở chỗ nào? Thưa không bị lệ thuộc vào không gian thời gian, thân xác được biến đổi nên mới như thân xác của Chúa Kito, không bao giờ chết nữa.
Một điểm nữa là sau khi sống lại chúng ta bị què, bị cụt, bị mù thì làm sao? Thưa Chúa sẽ cho thân xác chúng ta sống lại như ý Chúa muốn, chứ không phải như con người muốn, nghĩa là vạn vật Chúa tạo dựng đều phong phú, chứ không phải theo cách con người đánh giá, nên Chúa muốn thế nào thì cứ như vậy.
Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy, để đừng đem tiêu chuẩn của chúng ta áp dụng cho Thiên Chúa, vì Chúa biết đâu là điều tốt đẹp cho con người, con người chỉ có bổn phận tin tưởng và phó thác vào Chúa. Amen.