10/11/2024
546
Suy niệm hằng ngày_ Tuần XXXII Thường Niên







 

 

 




Chúa Nhật XXXII Thường Niên

1V 17,10-16; Dt 9,24-28; Mc 12,38-34



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 V 17,10-16: Bà góa lấy bột làm một cái bánh nhỏ, rồi mang đến cho ông Êlia.

Tv 146,1: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa!

Dt 9,24-28: Đức Kitô chỉ tế lễ chính mình một lần để hủy diệt nhiều tội lỗi.

Mc 12,38-44: Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết.

Gương của hai bà góa cho ta cơ hội suy ngẫm về đời sống đức tin và lòng bác ái. Một bà mẹ đói khát đã cho Êlia ăn, mặc dù bà chỉ còn đủ bột để làm bữa ăn cuối cùng cho con trai và bản thân. Một người phụ nữ dâng hai đồng tiền vào hòm, và Chúa Giêsu khen ngợi bà ấy vì đã cho tất cả những gì bà có. Hai bà góa này là những hình mẫu của lòng dũng cảm và đức tin, đã cống hiến những gì cuối cùng họ có bởi vì đó là những gì Chúa kêu gọi họ phải làm.

Hoàn cảnh của họ là vô cùng khó khăn. Hoàn cảnh người đàn bà góa mà Êlia tiếp cận còn tồi tệ hơn. Người mẹ này chỉ còn bữa ăn cuối cùng, nhưng bà đã trung thành đáp lại lời yêu cầu của Êlia.

Người ta nói rằng đồng tiền nối liền khúc ruột. Tuy nhiên, nhiều người dành tiền để tài trợ cho Giáo hội và tổ chức từ thiện. Họ như những người có liên hệ mật thiết với người phụ nữ đã bỏ những đồng tiền cuối cùng và đáp lại bằng một đức tin tương tự. Chúa dùng những phần bé nhỏ để làm phép lạ, giống như người góa phụ đã cho Êlia ăn. Chúa sẽ không bao giờ quên lòng quảng đại của ta.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy hai hành động làm phước bố thí, nhưng một hành động được khen ngợi, còn một hành động thì không được khen ngợi, đó là hình ảnh của bà góa nghèo, và hình ảnh của những người lắm tiền nhiều của.

Tin mừng thuật lại Chúa Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma. Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: "Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình."

Hình ảnh đó cho chúng ta thấy đôi lúc trong cuộc đời chúng ta làm phước mà không có phước vì không có đức, nên để làm phước mà có phước thì phải có đức.

Chúng ta thấy trước đó Chúa đã nói về các kinh sư như thế này: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ.”, nghĩa là họ là những người giàu có, và họ làm phước vì để được ca ngợi, để được nổi danh, nên việc làm phước của họ không có phước, vì không có đức.

Còn bà góa nghèo thì làm phước có phước, vì bà có đức, bà có tâm.

Đào sâu thêm một chút nữa chúng ta thấy nếu trong quá trình làm phước mà không có tu đức thì vô cùng nguy hiểm, hoặc không có tu đức trước hoặc tu đức song hành là mắc kẹt vào trong cái tu phước của nhiều phiền não, càng làm phước thì càng phiền não.

Tại sao vậy? tại vì khi mình làm phước mình mang cái bản ngã, cái tôi to đùng của mình theo, mang cái con người khó chịu của mình theo, mang cái tham sân si của mình theo thì chẳng lợi ích gì cả.

Nên ở xã hội tây phương người ta trước khi giúp ai người ta phải giúp bản thân người ta trước, nói cách cụ thể là trước khi làm từ thiện là họ có một cơ nghiệp vững vàng rồi ổn định viên mãn trong đời sống rồi, thì thường thường từ 50 tuổi trở lên họ mới bắt đầu làm từ thiện, làm thiện nguyện và khi họ làm rồi thì họ chỉ có cho đi thôi, họ không có đòi lại điều gì cả.

Còn chúng ta là nước còn nhiều khó khăn về kinh tế còn nhiều lạc hậu trong nền văn minh, cho nên cực quá đi làm từ thiện, khổ quá đi làm từ thiện, thiếu quá đi làm từ thiện, buồn quá cô đơn quá đi làm từ thiện, nghề nghiệp bấp bênh quá không biết làm gì nên đi làm từ thiện thì cũng được, nhưng nên là một giai đoạn ngắn thôi, nếu mà dài quá sâu quá thì rất là nguy hiểm, vì chưa giải quyết được vấn đề của bản thân mình thì nó có thể ảnh hưởng tới việc làm chung tới lợi ích chung, nói một cách khác là dễ sanh tâm tham lam vào đó, chúng ta thấy là như vậy.

Nên một là chúng ta cần phải tu đức trước cho hoàn thiện rồi mới làm việc thiện, mới phước, mà không biết khi nào mới hoàn thiện, nên điều này khó hay không thưa rất khó.

Cho nên chúng ta hãy áp dụng phương pháp từng bước một, hay phương pháp sống giây phút hiện tại hic et nunc, nghĩa là tu đức trước một thời gian rồi bắt đầu chuyển qua làm phước, làm việc thiện, rồi lại tiếp tục tu đức trong khi làm phước, nhưng nếu bỏ tu đức tu thân là nguy hiểm.

Áp dụng vào đời sống chúng ta đó là hằng ngày, hằng tuần, mỗi ngày sáng tối chúng ta đi lễ, chúng ta đọc kinh cầu nguyện, hằng tháng chúng ta đi xưng tội là chúng ta đang tu đức, để chúng ta đem những gì chúng ta có được áp dụng vào cuộc sống để từ từ chúng ta hoàn thiện.

Có người nói thấy đi nhà thờ hoài mà chẳng thấy tốt gì cả, đi nhà thờ chứ đâu phải đi vào cái khuôn máy ép nước mía, ép là phải ra nước mía, hay là cái khuôn đóng nút, đóng một phát là ra cái nút, mà từ từ sẽ trở nên hoàn thiện.

Nên xin cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó để biết lo cho đời sống nội tâm của chúng ta trước khi làm việc gì, rồi khi làm việc gì hãy trở về với đời sống nội tâm của chúng ta, có như thế việc làm đời sống của chúng ta mới có phước thật sự. Amen.




Thứ Hai - Tuần XXXII Thường Niên
Thánh Martinô, giám mục. Lễ nhớ.

(Tt 1,1-9; Lc 17,1-6)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Tt 1,1-9: Thiết lập các Trưởng lão trong mỗi thành như cha đã căn dặn con.

Tv 24,6: Lạy Chúa, đó là dòng dõi tìm kiếm long nhan Chúa.

Lc 17,1-6: Dù một ngày bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: Tôi hối hận, thì con hãy tha cho nó.

Tin Mừng hôm nay gợi lên ba vấn đề để ta suy gẫm. Thứ nhất là gương mù gương xấu, kế đến là sự tha thứ, và cuối cùng là nói đến đức tin và sức mạnh tiềm ẩn của hạt giống đức tin.

Làm gương cho người khác, cách riêng là cho trẻ nhỏ, là một lời dạy quan trọng. Bởi Chúa Giêsu đã từng dạy rằng Nước Trời dành cho những ai có tinh thần đơn sơ, trong sáng, tràn đầy tình thương mến như trẻ nhỏ. Chúa cũng cảnh báo những ai làm gương xấu cho trẻ em thì đáng phải nhận hình phạt thích đáng. Ngày nay, còn có những điều đáng sợ hơn nữa là người ta không phải chỉ là gương xấu, mà còn phạm tội với cả trẻ em. Tội phạm đến trẻ nhỏ thường bị xử phạt rất nặng nề và bị cả xã hội lên án.

Sự tha thứ bắt nguồn từ chính Chúa. Ngài cũng muốn mọi người hãy thứ tha trong tình yêu thương. Bởi sự tha thứ có thể cứu rỗi linh hồn, giúp người lỗi biến đổi tận căn. Tha thứ cũng có liên quan đến đức tin. Niềm tin vào sự xót thương của Thiên Chúa sẽ giúp ta can đảm diệt trừ tận gốc lỗi lầm. Với lòng tin mạnh mẽ, tâm hồn trong sáng, và lòng vị tha, ta sẽ sống tốt và sống đẹp cuộc đời chứng nhân.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy các môn đệ: “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã! Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã.” Như vậy là tránh làm điều xấu, để làm gương xấu theo nghĩa là làm điều xấu, làm điều không tốt.

Nhưng nếu đọc tiếp tin mừng thì chúng ta thấy làm điều xấu làm gương xấu không phải chỉ đơn thuần là làm điều xấu theo nghĩa việc mình làm là điều xấu, mà còn theo nghĩa là chúng ta không làm điều tốt, để sự xấu xảy ra, Chúa nói: “Các con hãy cẩn thận, nếu có anh em con lỗi phạm con hãy răn bảo nó, và nếu nó hối cải thì hãy tha cho nó”.

Như vậy, chúng ta thấy làm gương xấu không chỉ chỉ thuần túy là làm điều xấu vì nó là điều xấu, mà làm gương xấu còn là việc chúng ta không biết làm việc tốt lành nữa.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện ông nhà giàu và anh ladaro nghèo khó, ông nhà giàu thì ngày ngày lụa là góc vóc, yến tiệc linh đình chẳng để ý gì đến người nghèo khổ bên cạnh của anh mà cụ thể là anh ladaro là người ở trước cửa nhà ông nghèo khổ đói rách, mình mẩy thì đầy ghẻ chóc, muốn ăn những thức ăn từ bàn ăn rơi xuống cũng chẳng ai cho, chỉ có mấy con chó lại đến liếm ghẻ chóc của anh ta.

Và hành động không làm việc tốt này của ông nhà giàu đã ảnh hưởng đến các anh em của ông, mà cụ thể khi ông xuống hỏa ngục ông xin tổ phụ Apraham sai anh anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm! Ông Áp-ra-ham đáp: "Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.

"Ông nhà giàu nói: "Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!”.

Nên chúng ta thấy khi không làm việc làm phước đức, khi không làm việc tốt cũng là một gương xấu, chứ không phải là chỉ khi làm điều xấu mới gây gương xấu, là hành động không làm điều tốt làm cho người ta sống vô cảm, từ đó mới sinh ra chuyện xấu, và một khi đã sinh ra chuyện xấu thì khó bề cứu vãn được, vì nó đã bén rễ sâu rồi. Còn làm việc xấu khi chúng ta biết nó là việc xấu thì còn cứu giãn được vì ta biết.

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy, để tránh làm việc xấu, và tránh không để mình không làm tốt, để tránh không làm gương mù gương xấu cho người khác. Amen.




Thứ Ba Tuần XXXII Thường Niên
Thánh Jôsaphat, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ

(Tt 2,1-8.11-14; Lc 17,7-10)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Tt 2,1-8.11-14: Chúng ta hãy sống đạo đức, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện của Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là Đấng cứu độ chúng ta.

Tv 37,39: Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ.

Lc 17,7-10: Chúng tôi là đầy tớ vô dụng: vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm.

Các bài đọc hôm nay nhắc nhở về phẩm giá mà chúng ta được gọi, đặc biệt là phẩm giá của người tôi tớ. Chức vụ tôi tớ không thể thiếu đối với đức tin Công giáo của chúng ta. Chúa đã chỉ cho ta con đường của người phục vụ trong suốt hành trình dương thế của mình. Chúng ta học cách nhận ra những ân ban của những người phục vụ mà ta dễ bỏ qua.

Trong Phúc âm hôm nay, Chúa của chúng ta minh họa rằng việc phục vụ phụ thuộc vào sự cam kết chứ không phải sự khen ngợi hay thậm chí là lòng biết ơn. Làm việc cho Vương quốc Thiên Chúa đã là một phần thưởng lớn; do đó, thành ngữ “Chúng tôi là đầy tớ vô dụng: vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm,” (Lc 17,10) không nên được giải thích với vẻ u sầu hay buồn bã nhưng với niềm vui của Đấng biết rằng đã được kêu gọi để loan truyền sự hiểu biết Tin Mừng. Thư gửi Titô xác nhận rằng Chúa Giêsu “đã hiến thân cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều gian ác, luyện sạch chúng ta thành một dân tộc xứng đáng của Người, một dân tộc nhiệt tâm làm việc thiện.” Noi gương Chúa, ta hãy phục vụ trong yêu thương.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy khi làm việc gì thì hãy  nói: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng ta chỉ làm những việc bổn phận đấy thôi”.

Nghĩa là gì, nghĩa là Chúa muốn chúng ta hãy sống khiêm nhường, và câu nói đó để chúng ta ý thức được rằng nếu không có mình thì cũng có người khác làm.

Nếu đào sâu thêm thì khi ý thức sự khiêm nhường của mình để làm gì nữa? thưa để nâng người khác lên.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện của Gioan Tẩy Giả, khi ông xuất hiện ăn châu chấu và uống mật ông rừng, ông kêu gọi người ta ăn năn sám hối, sau đó người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: "Ông là ai? " Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: "Tôi không phải là Đấng Ki-tô." Họ lại hỏi ông: "Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không? " Ông nói: "Không phải." - "Ông có phải là vị ngôn sứ chăng? " Ông đáp: "Không." Họ liền nói với ông: "Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông? " Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói. Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. Họ hỏi ông: "Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ? " Ông Gio-an trả lời: "Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người." Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa. (Ga 1, 19-28).

Chúng ta thấy Gioan Tẩy giả khiêm nhường hạ mình xuống để nâng Chúa Giêsu lên, còn Chúa Giêsu khiêm nhường hạ mình xuống, sống mầu nhiệm tự hủy là để cứu độ con người, để đưa con người từ tình trạng tội lỗi, trở về tình trạng sống công chính, thánh thiện.

Nếu áp dụng vào đời sống của chúng ta, chúng ta khiêm nhường hạ mình xuống thì đó còn là việc chúng ta cần tìm, hay cần phải đào tạo những lớp kế thừa mình, mình phải ý thức được như vậy, ý thức được sự hữu hạn của mình thì mình mới có thể có hành động đó, nếu con người của chúng ta không ý thức được sự hữu hạn của mình, mà ý thức mình là người toàn năng, thì sẽ không có lớp kế thừa, và như thế, chúng ta thấy người đó có thể bên ngoài rất thành công, nhưng thật ra đó là một sự thất bại, vì không ai có thể kế thừa y bát của mình cả.

Chúa Giêsu là Đấng vô hạn, nhưng vì mang thân phận con người, người cũng ý thức sự hữu hạn của con người của mình, nên đã chọn 12 thánh tông đồ và nhiều môn đệ để kế thừa sứ vụ của Chúa ở trần gian, rồi trước khi về trời, Chúa con truyền lại một lệnh truyền truyền giáo cho đến ngày tận thế nữa.

Xin cho mỗi người chúng ta ý thức được sự hữu hạn của mình, để sống khiêm nhường, để tìm những thế hệ kế thừa mình, trong đời sống thường ngày cũng như trong đời sống đức tin. Amen.




Thứ Tư - Tuần XXXII Thường Niên

(Tt 3,1-7; Lc 17,11-19)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Tt 3,1-7: Xưa chúng ta cũng lầm lạc, nhưng chiếu theo lòng từ bi Chúa, chúng ta đã được cứu

thoát.

Tv 23,1: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.

Lc 17,11-19: Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này.

Chúa Giêsu đã biểu lộ tình thương cách phi thường. Ngài không loại trừ ai nhưng Ngài cũng thắc mắc về thái độ biết ơn của người đời. Thánh Luca cho biết mười người phong cùi đã bị xã hội loại ra. Chúa Giêsu đi ngang qua gần chỗ họ. Họ đã gặp Đức Giêsu xa xa “khi Người vào một làng”. Những người bệnh này cần được giúp đỡ và chữa lành. Nhưng trước hết là họ phải được lành sạch rồi sau đó mới được tái hoà nhập với cộng đồng. Họ đã lên tiếng cầu xin, và Chúa Giêsu đã nhận lời, để rồi với quyền năng của Thiên Chúa, Ngài đã chữa lành hướng dẫn họ trình diện với các tư tế. Tuy nhiên, trong mười người thì chỉ có một người Samaritan quay lại cảm ơn.

Con người thường quên ơn, nhất là những người ở gần với Chúa. Một sự thật không hề dễ chịu nhưng Chúa vẫn mãi thương. Rút kinh nghiệm, ta tạ ơn Chúa luôn luôn về món quà tuyệt vời của cuộc đời, vì ơn đức tin, Bí tích Thánh Thể, ơn tha tội... Với Bí tích Thánh Thể, ta không phải đứng xa kêu xin, mà chính Chúa ở với ta trong Mình và Máu Thánh Người. Ngài làm sạch cả con người ta. Vậy ta cùng tạ ơn Chúa vì nhờ lòng từ bi của Chúa, chúng ta sẽ được cứu thoát.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy có 10 người phong cùi đến xin Chúa Giêsu chữa lành cho họ, Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế." Đang khi đi thì họ được sạch.”

Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. Đức Giê-su mới nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này? ". Rồi Người nói với anh ta: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh."

Câu chuyện tin mừng này cho chúng ta thấy được điều gì? Thưa cho chúng ta thấy được ngay từ ban đầu Chúa kệu gọi 10 người phong cùi đi trình diện tư tế để được sạch và họ cứ theo chỉ dẫn mà đi thôi.

Còn việc anh phong cùi người Samari quay lại tạ ơn Thiên Chúa, điều này không ai kêu gọi anh cả, và khi anh quay lại tạ ơn Thiên Chúa, thì Chúa Giêsu nói với anh ta: “Đứng dậy về đi, lòng tin của anh đã cứu chữa anh”.

Chúng ta thấy một đàng làm theo chỉ dẫn, còn một đàng không làm theo chỉ dẫn mà làm theo tiếng gọi của lương tâm nên đã được ơn ích chữa lành không chỉ phần xác mà còn phần linh hồn.

Chúng ta thử đặt một câu hỏi, nếu 9 người phong cùi còn lại biết khi quay lại tạ ơn Chúa mà có thêm được lợi ích hơn nữa thì họ có trở lại không? Thưa chắc chắn sẽ trở lại.

Nhưng chúng ta biết, nếu biết được lợi mà chúng ta đến thì dường như việc chúng ta đến nó sẽ mang một ý nghĩa khác, nó có thể làm cho chúng ta không có được sự tự nhiên, một sự không thoải mái gì đó, nếu mình không mặt dày.

Thánh Phaolo trong thư gởi tín hữu Rôma có nói: “Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong. Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là trông mong nữa: vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi? Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ.” (Rm 8,24-25).

Còn người phong cùi trở lại với Chúa hết sức tự nhiên không biết gì cả, không đòi hỏi gì cả, không thấy trước được điều mà mình trông mong, chính vì thế mà điều đó làm nên ý nghĩa cho việc anh quay lại tạ ơn Chúa, chính vì thế mà Chúa đã ban cho anh điều mà anh chưa hề trông đợi, chính vì thế mà anh quyết lòng trở lại tạ ơn Thiên Chúa, vì lòng biết ơn thôi thúc anh, chứ không phải lợi lộc thôi thúc anh.

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy, để biết tạ ơn Chúa luôn luôn, biết đặt tin tưởng và hy vọng vào Chúa, biết đến với Chúa vì đó là Chúa, chứ không phải đến với Chúa vì được điều này vì được điều kia, mặc dầu mình biết đến là là được, nhưng cái được đó hãy để cho Chúa quyết định, lúc đó mới là điều bất ngờ và là niềm vui cho chúng ta. Amen.



 

Thứ Năm Tuần XXXII Thường Niên

(Plm 7- 20; Lc 17,20-25)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Plm 7-20: Xin anh tiếp nhận nó không phải như một người nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến.

Tv 146,5: Phúc thay con người được Thiên Chúa nhà Giacóp phù trợ.

Lc 17,20-25: Nước Thiên Chúa ở giữa các ông.

Đôi mắt đang làm việc và giúp chúng ta nhìn rõ mọi thứ, con người, v.v. nhưng chúng ta không thể nhìn thấy đôi mắt của mình. Trong bài đọc hôm nay, chúng ta được nhắc nhở rằng không thể quan sát Nước Chúa bởi vì nó đã ở giữa chúng ta, đang hoạt động như một hạt cải nảy mầm thành một cái cây rộng lớn hoặc men làm cho bột nổi lên. Chúng ta cần một lời nhắc nhở như vậy, đặc biệt là ngày nay, khi có nhiều điều dường như khiến con người tuyệt vọng.

Nước Trời không thể đoán trước ở “bên ngoài. ” Vương quốc đó có thể bắt đầu ngay bây giờ “bên trong” chúng ta. Ngày cuối cùng bắt đầu cấu tạo của nó ngay bây giờ, bên trong lòng của mỗi người. Nếu ta muốn được phép vào Nước Trời vào ngày cuối cùng đó, ta phải để những đặc tính, những phẩm chất của Nước Trời lớn lên bên trong ta. Nếu ta muốn Chúa Giêsu trở thành vị thẩm phán nhân từ của ta vào giờ sau hết, thì tốt hơn ta nên để Ngài trở thành người bạn tốt nhất và là vị khách thân tình của ta ngay ở hiện tại. Nước Trời có sự sống sinh động và tình yêu viên mãn. Qua những hành động nhỏ bé hàng ngày của ta về tình yêu thương, sự tha thứ, lòng trắc ẩn và lòng thương xót, mỗi người chúng ta làm cho vương quốc của Chúa hiện diện. Phúc thay người được Thiên Chúa phù trợ.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy sau việc những người biệt phái hỏi Chúa Giêsu khi nào Nước Thiên Chúa đến, và Chúa Giêsu đã trả lời: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: "Ở đây này! hay "Ở kia kìa! , vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông."

Sau sự việc đó thì Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy.”

Chúng ta biết Nước Thiên Chúa ở giữa các ông mà Chúa Giêsu nói đó chính là Chúa Giêsu.

Chúng ta hãy nhớ câu chuyện tranh luận về việc ăn chay, người ta nói với Chúa Giêsu: “Môn đệ ông Gio-an năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pha-ri-sêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống! " Chúa Giêsu trả lời: "Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay." (Lc 5,33-35).

Chàng rể đó chính là Chúa Giêsu, còn hôm nay Chúa Giêsu nói Nước Thiên Chúa cũng ám chỉ chính Ngài, và việc Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy.” là Chúa ám chỉ sau này Chúa không còn hiện hữu với các ông nữa.

Nên lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải biết tận dụng cơ hội khi ở trần gian này để mình tìm kiếm Chúa, để mình sống tốt lành, đừng để mình phải nuối tiếc điều gì cả, hay giúp cho người khác đừng nuối tiếc. Hay nói cách khác mục đích cuối cùng của con người không chỉ là để được lên Thiên đàng, mà mục đích của con người là còn để sống tốt sống hạnh phúc ở trần gian này, nên hãy biết trân trọng những gì mình đang có.

Nhiều khi chúng ta chỉ nghĩ đến đời sau, nên không trân trọng cuộc đời này, có người nói tôi không ham danh lợi, nhưng coi trọng danh lợi hay danh dự.

Có một nhóm nghiên cứu xã hội đã làm một thử nghiệm như sau: Họ đặt một tấm bảng lớn ở công viên với dòng chữ đề rằng “Hãy viết ra điều nuối tiếc lớn nhất của bạn”.

Khi xem các dòng chữ được viết trên tấm bảng, người ta nhận ra rằng có rất nhiều điều nuối tiếc được bắt đầu bằng chữ “không”: “không trân trọng những cái mình đang có”, “không chớp lấy cơ hội”, “không nói ra điều muốn nói”, “không mạnh dạn theo đuổi ước mơ”…

Bên cạnh nuối tiếc về những cơ hội đã bỏ lỡ, những ước mơ đã không dám theo đuổi, thì nuối tiếc thường thấy nhất xoay quanh những mối quan hệ tình cảm. Có người ước mình đã chọn bạn tốt hơn, đã trân trọng và giữ gìn cho mình những tình cảm đẹp hơn với người bên cạnh . . .

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy để trân trọng những gì mình có, những gì mà Chúa ban cho chúng ta, để chúng ta có được hạnh phúc tràn đầy. Amen.




Thứ Sáu Tuần XXXII Thường Niên

(2Ga 4-9; Lc 17,26-37)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

2 Ga 4-9: Kẻ nào giữ vững đạo lý này, sẽ được Chúa Cha và Chúa Con.

Tv 119,1b: Phúc đức những ai tiến thân trong luật pháp của Chúa.

Lc 17,26-37: Cũng xảy ra như thế trong ngày Con Người xuất hiện.

Thư thứ hai của Thánh Gioan có lời cảnh báo chống lại việc bị lừa dối bởi những người nói rằng  họ đại diện cho sự dạy dỗ chân chính nhưng thực tế thì không. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu dẫn dắt các môn đệ, và chúng ta, suy tư về những thời điểm đáng sợ đã xảy ra trong quá khứ; cụ thể là trận Đại hồng thủy, trong đó chỉ có Nôê và gia đình ông được cứu sống, và trận mưa lửa và diêm sinh trên thị trấn Sôđôma, cũng như những hình ảnh đáng sợ của con người khi Chúa đến lần thứ hai. Nhiều điều đang diễn ra: thông tin nhiễu loạn, đại dịch, ganh đua, ngờ vực, và sự không chắc chắn về tương lai làm cho ta mất định hướng. Nhưng dưới ánh sáng Lời Chúa, những tín hữu được thúc giục, tập trung vào việc yêu thương nhau và không bị lung lay bởi những tư tưởng sai lạc. Và điều đó củng cố niềm tin ta. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cảnh báo ta đừng bận tâm đến những gì hiển nhiên xảy ra. Những điều này không sai - ăn uống, mua bán, trồng tỉa, xây cất – đó là những hoạt động của cuộc sống. Nhưng còn nhiều hơn thế nữa, lẽ thật mà Chúa Giêsu đã đến bằng xương bằng thịt để dẫn tất cả các linh hồn lên thiên đàng. Ta nên suy ngẫm và tập trung mỗi ngày.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói: “Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống.”, lời này của Chúa Giêsu nói trong bối cảnh của ngày tận cùng, nên lời này là lời mời gọi con người phải phó thác cuộc đời của mình trong tay Chúa.

Và thiết nghĩ lời này không phải chỉ dành cho ngày tận thế, mà lời này của Chúa Giêsu phải áp dụng trong mọi ngày sống của con người, nghĩa là con người ý thức để sống lời Chúa dạy trong cuộc đời của mình, rằng mình không còn gì để mất, nếu con người ý thức được như vậy con người sẽ sống thật, sẽ dám hy sinh mạng sống mình, vì không còn gì để mất.

Một con tàu du lịch gặp nạn trên biển, trên thuyền có một đôi vợ chồng đang rất vất vả dìu nhau đến chỗ có thuyền cứu hộ. Bấy giờ trên thuyền cứu hộ chỉ còn lại duy nhất một chỗ. Người chồng đã vội leo xuống thuyền cứu hộ, bỏ lại vợ trên boong tàu. Bấy giờ người vợ đứng trên con tàu sắp chìm, hét to lên với chồng một câu…

Kể đến đây, thầy giáo hỏi: "Các em đoán xem, bà vợ đã hét lên câu gì?".

Tất cả học sinh đều rất phẫn nộ với hành động ích kỷ của người chồng đã không nhường chỗ duy nhất trên thuyền cứu hộ cho vợ. Mọi người đều đồng ý với câu: "Anh là kẻ khốn nạn! Em hận anh. Em đã nhìn nhầm người rồi!".

Lúc này thầy giáo chú ý đến một học sinh vẫn giữ im lặng, liền hỏi ý kiến của em. Bấy giờ em học sinh nói: "Thầy ơi, em nghĩ người vợ đã nói: Hãy chăm sóc tốt cho con của chúng ta anh nhé!".

Thầy giáo ngạc nhiên hỏi: "Em đã nghe qua câu chuyện này rồi ư?".

Học sinh lắc đầu: "Chưa ạ, nhưng mà mẹ em trước khi mất cũng nói với bố em như vậy". Thầy giáo xúc động: "Em đã trả lời rất đúng !"

Người đàn ông sạu khi được cứu sống đã trở về nhà, một mình nuôi dạy con gái khôn lớn. Nhiều năm sau, ông ta đã mắc bệnh và qua đời. Người con gái khi sắp xếp kỷ vật của cha đã phát hiện ra quyển nhật ký của ông. Hóa ra, do mẹ mắc bệnh ung thư thời kỳ cuối và đã bị bệnh viện từ chối. Bác sĩ cho biết chị chỉ còn sống được ba tháng.

Người chồng đã nhờ người thân trông coi con nhỏ ở nhà để đưa vợ đi du lịch lần cuối trước khi chết. Do đó khi con tàu gặp nạn, trong giây phút quyết định, người chồng đã giành cơ hội sống duy nhất. Trong nhật ký bố viết : "Khi ấy anh ước gì anh và em đều cùng nhau chìm xuống đáy biển. Nhưng anh không thể làm như vậy vì con gái chúng ta. Anh đành phải để mình em chết thôi. Cho anh xin lỗi em nhé !".

Trong thực tế, tôi cũng thấy được một điều như thế này, có người sau nhiều chục năm trở lại đạo, tôi hỏi họ tại sao bây giờ mới trở lại đạo, mà lúc trước không sống đạo, họ mới nói bây giờ già rồi, trong người đầy bệnh tật, không biết cậy dựa vào ai, chỉ biết cậy dựa vào Chúa, lý do hết sức tự nhiên, nhưng thiết nghĩ chúng ta hãy có suy nghĩ như vậy khi chúng ta còn mạnh khỏe để phó thác cuộc đời của mình cho Chúa, để Chúa biến đổi chúng ta, để chúng ta có được bình an khi khỏe mạnh, cũng như khi đau yếu. Amen.




Thứ Bảy Tuần XXXII Thường Niên

(3Ga 5-8; Lc 18,1-8)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

3 Ga 5-8: Vậy chúng ta phải tiếp đãi những người như thế, để chúng ta cũng được cộng tác với những người hoạt động cho chân lý.

Tv 112,1: Phúc đức thay người tôn sợ Chúa.

Lc 18,1-8: Thiên Chúa sẽ minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người.

Lời Chúa hôm nay cho ta biết giá trị của việc cầu nguyện. Câu chuyện Tin Mừng kể về một bà góa cầu xin quan tòa cách kiên trì, đến độ ông phải giải quyết việc kiện tụng cho bà. Sự thường xuyên và kiên trì, kèm thêm lòng tin vững vàng vào ‘sự thật’ đã giúp bà kết nối được với vị thẩm phán cũng là bài học cho mỗi Kitô hữu. Khi ta trò chuyện với Chúa cách thành tâm và thường xuyên sẽ kết nối ta với Chúa. Chính việc tâm sự với Chúa thì ta cũng đón nhận được những chỉ dẫn, trợ giúp từ Người. Tertullianô nói “Cầu nguyện là điều có thể chinh phục được Chúa.”

Kiên trì cầu nguyện, tin tưởng vào Chúa là những tâm tình cần có để sống trong tương quan với Chúa. Bởi có nhiều người mong muốn, khẩn cầu Chúa làm theo ý của mình mà không được nên chán nản và sinh ra nghi ngờ, thậm chí là bỏ cả việc cầu nguyện. Ta cần biết rằng, Thiên Chúa vẫn luôn lắng nghe ta. Vì Người là “Đấng từng gắn đôi tai há lại không nghe được? Đấng nặn thành cặp mắt chẳng lẽ không thấy gì?” (Tv 94,9). Vậy nếu như có những khó khăn trong đời, thì ta cũng coi như là “lửa thử vàng” vậy (x. 1 Pr 1,7). “Phúc đức thay người tôn sợ Chúa.”




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ phải kiên trì trong cầu nguyện qua câu chuyện bà góa quấy rầy và ông quan tòa bất lương.

Và chúng ta biết cầu nguyện là điều tốt hay điều xấu? thưa là điều tốt, trong giáo lý công giáo của chúng ta được tóm gọn trong 4 chữ: Giữ, xin, tin, chịu, giữ là giữ 10 điều răn, xin là cầu nguyện, tin là tin những điều được dạy trong kinh tin kính, chịu là việc lãnh nhận các bí tích.

Như vậy cầu nguyện là điều tốt, hay nói cách khác là Chúa muốn dạy mỗi người chúng ta phải kiên trì trong việc lành phước đức, chứ không phải trong việc cầu nguyện.

Và chúng ta thấy khi con người kiên trì trong việc lành phước đức thì chắc chắn việc kiên trì đó sẽ có hiệu quả, sẽ giúp biến đổi được người khác.

Có một bài viết với nội dung Bén duyên diễn xuất từ năm 51 tuổi, sau 20 năm, nghệ sĩ Thanh Hiền có vai chính điện ảnh đầu tay, trở thành nữ chính lớn tuổi nhất màn ảnh Việt.

Nghệ sĩ Thanh Hiền sinh năm 1954 tại Hải Dương, quê gốc ở Nam Định. Năm 1990, bà chuyển vào Sài Gòn mưu sinh. Bà đi phụ việc nhà, chăm các cháu.

Thời gian này, nghệ sĩ Thanh Hiền có cơ duyên tham gia đội kịch của quận Bình Thạnh. Bà đảm nhận phần viết kịch bản, dựng tiểu phẩm cho đội kịch dưới sự hướng dẫn của đạo diễn Trần Minh Ngọc.

Tình cờ, một thành viên trong đội kịch làm trợ lý ở đoàn phim Mùi Ngò Gai. Người này chọn bà vào một vai nhỏ trong dự án truyền hình đình đám năm ấy.

Từ bộ phim đầu tay ở tuổi 51, nghệ sĩ Thanh Hiền bắt đầu được mời tham gia hàng loạt các dự án sau đó. Sau gần 20 năm làm nghề, nghệ sĩ Thanh Hiền "bỏ túi" gần 800 vai diễn lớn nhỏ, từ truyền hình, điện ảnh, sitcom đến quảng cáo, đa số là vai người bà, người mẹ, giúp việc hiền lành, chất phác và khắc khổ.

Ở tuổi 70, nghệ sĩ Thanh Hiền có vai chính điện ảnh đầu tiên trong Lật Mặt 7: Một Điều Ước của đạo diễn Lý Hải. Với vai diễn bà Hai, Thanh Hiền ghi dấu nữ chính lớn tuổi nhất trên màn ảnh Việt.

Đó là một trong những thí dụ trong muôn vàn thí dụ mà chúng ta bắt gặp trong cuộc đời, nên chúng ta cứ kiên trì trong việc tốt lành, thì chắc chắn sẽ được đền đáp xứng đáng có thể ở đời này, và cũng có thể ở đời sau, chúng ta phải xác tín như thế. Amen.