03/11/2024
697
Suy niệm hằng ngày_ Tuần XXXI Thường Niên







 

 

 



Chúa Nhật XXXI Thường Niên

Đnl 6,2-6; Dt 7,23-28; Mc 12,28b-34


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Đnl 6,2-6: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Ngươi hãy yêu mến Chúa hết lòng ngươi.

Tv 18,2: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa.

Dt 7,23-28: Vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu.

Mc 12,28b-34: Đó là giới răn thứ nhất, còn giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất.

Các bài đọc hôm nay đều nói về Thiên Chúa yêu thương. Và tình yêu là nền tảng của mọi sự. Bài đọc Cựu ước thúc giục ta yêu mến Chúa hết lòng và tuân giữ các điều răn của Người. Thánh vịnh cho biết rằng ta có thể phụ thuộc vào Chúa. Người là đá tảng và là ơn cứu độ của ta. Nếu ta yêu Chúa, mọi thứ sẽ có chỗ của nó. Nếu ta tin Chúa và làm theo lời Người, ta sẽ có một cuộc sống tốt đẹp đời này và đời sau.

Và rồi Chúa Giêsu đáp ứng điều đó. Thư Do thái cho biết rằng các tư tế trước đây cũng sẽ chết, và do đó không thể tiếp tục chức vụ tư tế và giúp đỡ dân chúng. Nhưng Chúa Giêsu là một tư tế mãi mãi và đã thánh hiến toàn diện. Vì vậy, Ngài không phải hy sinh ngày hôm nay mà có thể là tư tế và hướng dẫn ta mãi mãi. Sau đó, trong Tin Mừng, Chúa Giêsu được hỏi điều răn nào là quan trọng nhất. Ngài nói điều đầu tiên là yêu Chúa hết lòng. Điều này là hợp lý và công bằng vì Chúa đã yêu chúng ta trước. Chưa dừng lại ở đó, Ngài còn dạy ta phải yêu thương người khác như chính mình.



 

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay có một người kinh sư hỏi Chúa Giêsu đó là trong các giới răn, giới răn nào quan trọng nhất, Chúa Giêsu trả lời đó là mến Chúa và yêu người.

Chúng ta biết mến Chúa và yêu người, yêu người là hành động cụ thể hóa để nói lên lòng yêu mến Chúa, vì thánh Gioan đã nói: “Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1Ga 4,20).

Hay trong dụ ngôn phán xét chung, chính Chúa Giêsu đã nói điều này, đó là: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy." (Mt 25,40); hay “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy." (Mt 25,45).

Nhưng yêu người như thế nào? Thường chúng ta nghĩ yêu người là giúp đỡ họ về vật chất đó là hành động cụ thể của yêu người, rồi giúp đỡ họ về đời sống thiêng liêng là yêu người.

Hôm nay dựa vào lời Chúa chúng ta sẽ chia sẻ với nhau về yêu người như thế nào?

Chúng ta thấy người kinh sư hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?"

Và Chúa Giêsu trả lời cho ông ta là: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó."

Lúc này ông kinh sư trả lời Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ."

Như vậy qua câu hỏi và câu trả lời cho chúng ta thấy được điều gì? Thưa cho chúng ta thấy được đó là không biết thì hỏi, và người trả lời cũng phải là người có kiến thức có hiểu biết nên mới trả lời được.

Vậy yêu người ở chỗ nào? Thưa yêu người ở chỗ biết và không biết, đó là nếu biết thì giúp cho người khác biết, còn nếu không biết thì nói không biết để tránh cho người khác hiểu lầm, vì nếu không biết mà làm như mình biết thì sẽ dẫn người khác đi sai lầm thì lúc đó không còn yêu người nữa mà là hại người.

Nếu mở rộng ra đó là yêu người cần phải có sự hiểu biết, vì nếu không có sự hiểu biết thì sẽ là hại người.

Có một câu chuyện mang tên Cái khố của thầy tu được chia sẻ như sau:

Một đệ tử quyết tâm cầu đạo, xin học với một đạo sư. Sau thời gian học hành chăm chỉ, một hôm sư phụ có việc phải đi xa nên dặn học trò ở lại chăm lo tu hành. Học trò nghe theo lời thầy, thiền định sớm hôm không hề bê trễ.

Vì nếp sống tu hành thanh bần, tu sĩ chỉ có độc hai miếng khố che thân. Nhưng chiếc khố cứ bị chuột cắn rách hoài, nên tu sĩ cứ lâu lâu lại phải đi xin một mảnh vải che thân khác.

Dân làng thấy vậy, bèn biếu tu sĩ một con mèo để trừ lũ chuột. Tu sĩ đem con mèo về nuôi, từ đó chuột không dám lộng hành nữa, nhưng tu sĩ lại phải lo thêm một phần ăn. Ngoài thực phẩm chay tịnh, tu sĩ phải xin sữa để nuôi con mèo.

Một tín đồ thấy vậy bèn tặng tu sĩ một con bò cái để có sữa nuôi mèo. Tu sĩ vui vẻ nhận con bò, nhưng nuôi được mèo lại không có rơm cho bò ăn. Do đó, ngoài tu sĩ lại phải thêm việc đi xin rơm về nuôi bò.

Dân làng thấy vậy bèn biếu tu sĩ một mảnh đất và dụng cụ canh nông để tu sĩ trồng trọt, nuôi bò. Tu sĩ ra công cày cấy nên rau trổ thật nhiều, bò ăn không hết, phải mang bán ngoài chợ. Miếng đất thật mầu mỡ sinh hoa lợi quá nhiều, tu sĩ làm không xuể, phải gọi người đến làng giúp. Lạ thay, miếng đất cứ thế sinh sôi nẩy nở, trồng gì cũng tươi tốt và chả mấy chốc trở nên một đồn điền trù phú.

Tu sĩ có nhiều hoa lợi, bèn xây một đền thờ to lớn, đẹp đẽ, thuê thợ khắc tượng, đúc chuông thật vĩ đại… nhưng thời gian tu hành không còn là bao vì tu sĩ phải lo trông nom đồn điền, lo sổ sách giao dịch buôn bán, kiểm soát nhân công trồng tỉa, rồi có tiền bạc phải lo đầu tư, bỏ vốn mua thêm đất đai, khai khẩn thêm nữa.

Một hôm, sư phụ trở về, không thấy túp lều đơn sơ nữa, mà thay vào đó một ngôi đền tráng lệ, nô nức khách hành hương, trong đền ồn ào những tín đồ vừa cúng bái vừa buôn bán.

Trông thấy sư phụ, tu sĩ mừng rỡ chạy ra chào. Sư phụ ôn tồn hỏi tại sao lại có sự thay đổi như thế. Tu sĩ trả lời: “Thưa thầy, thật tâm con muốn tu hành, nhưng tại lũ chuột cứ cắn rách khố hoài. Để bảo vệ cái khố, con nuôi mèo. Để có sữa cho mèo ăn, con phải nuôi bò, và để có rau nuôi bò, con phải canh tác. Rồi thì trúng mùa liên tiếp, sức con làm không xuể nên phải gọi thêm người làm giúp, rồi thì buôn bán thành công, tiền bạc nhiều thêm, con phải đích thân trông nom mọi việc. Sau đó con cho xây cất đền thờ to tát, đúc tượng thật vĩ đại, con còn mướn người lo việc cúng tế, nhang đèn cẩn thận”.

Sư phụ thở dài: “Xây cất đền thờ thật to chỉ là trói buộc, nào phải giải thoát. Tụ tập tín đồ cho đông, ồn ào phức tạp, chỉ gây trở ngại cho việc thanh tu. Chỉ vì một cái khố rách mà con đã đi thật xa, xa hẳn con đường mà ta đã chỉ dạy nhằm việc giải thoát. Con chỉ lầm lẫn một chút mà đã đi lệch lúc nào không hay, trói buộc vào các thứ đó rồi làm sao có thể thoát được?”.

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy để yêu người bằng sự hiểu biết, đừng yêu người vì sự mù quáng, vì mù quáng không phải là yêu nữa mà là hại. Amen.




Thứ Hai - Tuần XXXI Thường Niên
Thánh Carôlô Borrômêô. Lễ nhớ

(Pl 2,1-4; Lc 14,12-14)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Pl 2,1-4: Anh em hãy làm cho tôi được trọn niềm hân hoan, để anh em hưởng cùng một niềm vui.

Tv 131: Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.

Lc 14,12-14: Ông chớ mời các bạn hữu, nhưng hãy mời những người nghèo khó và tàn tật.

Thánh Phaolô có một ước ao vượt lên trên những mong muốn thông thường. Ngài mời gọi mọi người cùng tìm sự an ủi trong Đức Kitô, sự khích lệ trong đức mến, sự hiệp nhất trong Thánh Thần, và lòng thương xót. Nếu tìm được những điều trên thì trao ban cho nhau để mọi người có trọn niềm hân hoan, được cùng chung một lòng mến, được đồng tâm nhất trí với nhau. Phaolô mong muốn “nghệ thuật đồng hành”. Đây là những điều cần phải có trong cuộc sống của người Kitô hữu để rồi sống đời chứng nhân trong việc loan báo Tin Mừng.

Rao giảng Tin Mừng cần có niềm vui từ bên trong của tâm hồn. Niềm vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận ơn cứu độ của Ngài đều được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống vắng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn mới mẻ. Nét mới mẻ được thể hiện ngay chính lời dạy của Ngài trong việc cư xử trong đời sống. Chúng ta có thể vui với những người đồng vai đồng vế, là bạn hữu, nhưng nếu ta tìm được niềm vui thật sự trong việc giúp đỡ người nghèo khó, thì đó là niềm vui thật sự. Niềm vui Phúc âm vượt trên mọi ước mong bình thường.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu mời gọi ông thủ lãnh các biệt phái sống hơn mức bình thường.

Sống ở mức bình thường là mời những người có tương quan với mình theo kiểu có qua có lại.

Nhưng sống trên mức bình thường là mời những người không có tương quan với mình.

Và hệ quả của việc sống trên mức bình thường là với hệ quả của việc sống mức bình thường.

Nếu chỉ sống ở mức bình thường, thì coi như đã được công phúc ở đời này rồi, nhưng khi sống trên mức bình thường thì hệ quả là sẽ được công phúc ở đời sau.

Chúng ta nhớ lại câu chuyện của ông nhà giàu và anh Ladaro là một minh họa.

Chúng ta thấy  ông nhà giàu sống ở mức bình thường là ngày ngày lụa là gấm vóc yến tiệc linh đình.

Còn anh Ladaro thì ghẻ chóc đầy mình, đói rách nằm ở trước cửa ông nhà giàu, them được ăn những mảnh vụn trên bàn ăn rơi xuống như chẳng ai cho.

Nhưng ở đời sau, ông nhà giàu bị đưa xuống hỏa ngục, còn anh ladaro thì được đưa vào lòng tổ phụ Apraham. "Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: "Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm! Ông Áp-ra-ham đáp: "Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. (Lc 16, 19-25).

Chúng ta để ý câu nói của tổ phụ Apraham: "Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.”, cho thấy khi con người sống ở mức trung bình, thì nhận được hậu ở của mức trung bình, còn khi con người sống trên mức trung bình thì sẽ nhận được kết quả tốt lành.

Hay câu chuyện của người con thứ, anh sống rất tệ sống dưới mức trung bình, sống bất hiếu với người cha, sống trong tội lỗi, nên số phận của anh là phải ra đồng chăn heo, muốn ăn đậu muồng cho heo ăn mà chẳng ai cho, nhưng khi anh sống trên mức trung bình là hạ mình xuống chạy về với người cha của mình, thì anh có đủ tất cả mọi thứ, có được nhẫn, có áo mới, có được giày mới, còn được người cha giết con bê béo làm thịt để ăn mình với chúng bạn.

Trong khi đó người anh cả thì không ý thức mình đang sống trong hoàn cảnh trên mức trung bình, mà nghĩ rằng mình đang sống dưới mức trung bình, nên cái anh nhận được chỉ là so đo, chỉ là tính toán, chỉ là đau khổ.

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy, để biết sống trên mức trung bình. Biết sống tốt lành mỗi ngày, sống hơn những gì mình có, để chúng ta có được hạnh phúc ở đời này và đời sau. Amen.




Thứ Ba Tuần XXXI Thường Niên

(Pl 2,5-11; Lc 14,15-24)



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Pl 2,5-11: Người đã tự hạ mình, vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người.

Tv 22,26: Lạy Chúa, bởi Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong Đại hội.

Lc 14,15-24: Anh hãy ra ngoài đường ngoài ngõ, và cố ép người ta vào cho đầy nhà tôi.

Trong bài đọc đầu tiên, hai khổ thơ từ một bài thánh ca tuyệt vời về Chúa Kitô. Nó có thể có nguồn gốc từ Syria và có lẽ đã được sử dụng trong phụng vụ. Bài này tóm tắt Chúa Kitô và công việc của Ngài bằng một vài từ ngữ ngắn gọn: là Thiên Chúa, nhưng trong thân phận hèn mọn của một tôi tớ, một con người; bị đóng đinh nhưng đã sống lại và được tôn vinh trên hết. Ngài đã tự hạ chính mình, tức là đã từ bỏ vinh quang thuộc về mình. Và Đức Kitô là khuôn mẫu cho con người, là hình ảnh mà một người phải trở thành.

Chúa cung cấp cho ta hình ảnh của sự vĩnh cửu được thể hiện bằng một bữa tiệc. Tiệc là nơi gia đình và bạn bè quây quần bên nhau để ăn mừng, vui vẻ cùng bầu bạn, trò chuyện và tình thân, ngồi chung một bàn. Hình ảnh này nói lên sự thân thiết của ta với Thiên Chúa Ba Ngôi và niềm vui mà ta sẽ tìm thấy trong Đất Hứa. Ngài đã làm mọi sự và Ngài gọi ta vào “vì mọi sự đã sẵn sàng”. Chúa muốn ta ở với Ngài, mỗi người. Noi gương Chúa, ta phải mở rộng nhà cửa và tấm lòng cho người nghèo, người bị bỏ rơi, người không có tên tuổi hay danh phận.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy một người thưa với Chúa Giêsu: “Phúc thay kẻ sẽ được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa”, và sau đó Chúa kể dụ ngôn những khách dự tiệc xin kiếu.

Chúa kể dụ ngôn này để cho thấy con người không chỉ được phúc dự tiệc cưới, nghĩa là tự mình làm cho mình xứng đáng được dự tiệc cưới, nhưng phước là do Thiên Chúa chủ động mời gọi con người, Thiên Chúa là đấng chủ động đến với con người, đó là phước của con người, chứ không phải chỉ dự tiệc.

Chuyện kể rằng, có hai người bạn chia tay nhau đi tìm điều qúy giá nhất trên đời. Họ hẹn sẽ gặp lại sau khi đã tìm thấy.

Người thứ nhất đi tìm viên ngọc quý. Bất cứ nơi nào bán đá quý, anh đều tìm đến. Cuối cùng, anh cũng mãn nguyện vì đã tìm được viên ngọc quý, anh trở lại quê hương chờ bạn.

Người thứ hai đi tìm Chúa. Anh đi khắp nơi thọ giáo các bậc thánh hiền, cặm cụi đọc sách, nghiền ngẫm, nhưng vẫn không tìm được Chúa.

Nhiều năm trôi qua, đang lúc tuyệt vọng, anh nhìn dòng sông lững lờ: một đàn vịt con đang bơi lội tung tăng. Trong khi vịt mẹ tìm con, thì bày con lại cứ muốn rời mẹ đi tìm ăn riêng. Vịt mẹ chẳng hề tỏ vẻ giận dữ, cứ lẽo đẽo theo bầy con và gom chúng lại. Thấy cảnh vịt mẹ mải mê tìm con như thế, anh mỉm cười trở về quê hương.

Khi người bạn hỏi điều quý mà anh đã tìm được là gì mà khiến gương mặt anh rạng rỡ như thế. Lúc đó, con người trở về với hai bàn tay trắng, nhưng tâm hồn tràn ngập niềm vui mới thốt lên:

– Điều quý giá mà tôi đã tìm thấy, đó là trong khi tôi đi tìm Chúa, thì chính Người đã đi tìm tôi trước.

Nhưng để nhận ra được điều đó chúng ta được mời gọi phải có đức tin, phải có lòng yêu mến Chúa, phải có lòng khao khát, bởi nếu không có đức tin, không có lòng yêu mến Chúa, không có lòng khao khát sẽ không nhận ra được.

Thử hình dung một bà mẹ đem đứa con nhỏ đau ốm đến gặp bác sĩ. Bác sĩ lấy ống nghe rà trên người cháu bé để chẩn bệnh và cho thuốc. Xong rồi thôi, ông cũng chẳng nhớ cháu bé tên là gì, ở đâu, hoàn cảnh thế nào. Còn bà mẹ, bà không nghe bằng ống nghe nhưng bà nghe bằng trái tim nên bà thổn thức, đau nỗi đau của con, vui niềm vui của con.

Xin cho mỗi người chúng ta có cái nhìn đức tin, có lòng yêu mến, có lòng khao khát để nhận ra được những ơn lành mà Chúa ban cho chúng ta để đáp trả lại những ơn lành đó bằng đời sống tốt lành của chúng ta. Amen.




Thứ Tư - Tuần XXXI Thường Niên

(Pl 2,12-18; Lc 14,25-33)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Pl 2,12-18: Anh em hãy lo cho mình được ơn cứu độ; Thiên Chúa tạo nên trong anh em cả ý muốn lẫn việc làm.

Tv 27,1: Chúa là sự sáng và là Đấng cứu độ tôi.

Lc 14,25-33: Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta những bài đọc tuyệt vời cho thời đại và qua đó ta thấy chính mình. Phaolô nói rằng, “Anh em hãy lo cho mình được ơn cứu độ; Thiên Chúa tạo nên trong anh em cả ý muốn lẫn việc làm.” Trong khi ta đang tìm kiếm sự cứu rỗi của mình, thì chính Chúa làm việc trong ta để mong muốn và hoàn thành những gì ta làm. Thánh Phaolô nói rằng người môn đệ được Thiên Chúa tạo nên cả trong ý muốn và việc làm. Hãy để Chúa làm công việc của Ngài trong ta và làm chứng cho thế giới. Nếu ai có thể làm được điều đó, công việc của Phaolô sẽ không vô ích. Đó là sự cân bằng phù hợp của ân sủng hoạt động trong ta. Ta sẽ thất bại, nếu ta cố gắng tự làm tất cả. Hơn nữa, sẽ thất bại nếu ta không làm phần việc của mình.

Người viết Thánh vịnh công nhận rằng Chúa là ánh sáng và là Đấng cứu độ, thì sợ hãi là vô ích. Trên thực tế, sợ hãi là lý do ta cố gắng để Chúa soi sáng cho con đường dẫn đến sự cứu rỗi được ban cho. Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng các Kitô hữu phải theo Ngài một cách triệt để và nhất quán. Họ phải biết những gì họ đang làm. Họ có thể không dừng lại giữa chừng, nhưng phải nhìn về phía trước. Ta phải theo Chúa đến cùng.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.”

Như vậy từ bỏ để làm môn đệ của Chúa, làm môn đệ Chúa là phải làm những việc Chúa làm, là phải đi con đường Chúa đi.

Vậy Chúa đi đâu? chúng ta biết trong tin mừng Gioan khi Chúa Giêsu nói: “Thầy đi đâu, thì các con đã biết đường rồi” Ông Tôma không hiểu, nên đã hỏi Chúa Giêsu: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, thì làm sao chúng con biết đường đi?” (Ga 14,1-5).

Vậy Chúa đi đâu? Thưa Chúa đi chịu chết.

Và Chúa Giêsu nói với các môn đệ là: “Thầy đi đâu các con đã biết đường rồi”, nghĩa là trước đó Chúa Giêsu đã loan báo cho các ông biết là Ngài sẽ đi đâu: “Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.” (Mt 16,21), và chúng ta biết không phải Chúa Giêsu đã loan báo một lần, mà Chúa Giêsu loan báo đến ba lần.

Vậy nếu chúng ta không từ bỏ tất cả chúng ta có dám đi theo Chúa để chịu chết hay không? Thưa không vì chúng ta còn vướng bận, vì chúng ta còn nguyện vọng hai nếu đi theo Chúa không được thì trở về hồi tục cùng với gia đình, nên phái dứt khoát từ bỏ mới theo Chúa được.

Trong truyện tàu có kể câu chuyện Hán Sở tranh hùng, kể về việc Lưu Bang khi bị Hạng Vũ ép phải lưu đày trong đất Ba Thục, mà muốn vào Ba Thục thì phải đi qua con đường Sạn đạo. Sạn đạo là con đường xây bằng cầu treo hoặc ván gỗ xếp hai bên sườn núi đá, dùng để đi qua các khu vực núi non hiểm trở.

Khi Lưu bang cùng quân lính vào đất thục thì Trương Lương cho đốt đường Sạn đạo đường duy nhất tiến vào Ba thục,  Lưu Bang thất kinh, oán trách Trương Lương đã bỏ về lại còn tìm cách giam lỏng như vậy, khiến mình bỏ xương nơi rừng sâu núi thẳm, tướng sĩ cũng oán hận, nhao nhao không ngừng chửi rủa Trương Lương.

Nhưng sau mới hiểu là mưu kế của Trương Lương là để Hạng Võ không đề phòng, và cũng để tạo sĩ khí cho quân địch sao này đó là muốn thoát được cuộc sống cơ cực ở đây phải tiêu diệt Hạng Võ, vì ở đây là đường cùng rồi, chính vì thế mà sau này Lưu Bang chiến thắng.

Hoặc trong đời sống hôn nhân của chúng ta, nếu cho chúng ta có một nguyện vọng hai đó là khi sống không được thì ly dị lấy chồng lấy vợ mới, hoặc cho thời gian sống chung với nhau chừng 20 năm thôi thì ly dị, thì đời sống hôn nhân đó có hạnh phúc không? Thưa không hạnh phúc, vì ai cũng lo thủ cho mình, nhưng nếu chỉ có một con đường, một lối đi để đi, thì người ta sẽ lo cho con đường đó, lo cho lối đi đó mà thôi để người ta đi đến cuối con đường.

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy, để sống điều Chúa dạy, để trở thành môn đệ đích thực của Chúa, để đi trên con đường Chúa đã đi. Amen.




Thứ Năm đầu tháng

(Pl 3,3-8a; Lc 15,1-10)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Pl 3,3-8: Những điều xưa kia được kể là lợi ích cho tôi, thì nay tôi coi là bất lợi vì Đức Kitô.

Tv 105,3: Tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui.

Lc 15,1-10: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải.

Tháng 11 dành thời gian để cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục. Chúa muốn cứu vớt tất cả những ai tin vào Người. Người không muốn mất bất cứ ai. Cho dù linh hồn đó khi còn sống có thể còn nhiều thiếu sót nhưng chưa đến mức bị tiêu diệt đời đời thì vẫn còn có thể được Chúa xót thương. Nghĩ đến cùng tận là như vậy, nhưng ngay khi còn sống thì người ta có thể bỏ đàng tội lỗi mà ăn năn sám hối thì tốt biết bao.

Kinh nghiệm cho thấy rằng, ai sống trong tội thì tâm hồn không thể vui tươi được. Chỉ đến khi nào gột rửa được lỗi lầm thì mới tìm lại được bình an và niềm vui nội tâm. Người có tội có khi còn bị người khác xa lánh, kỳ thị, thậm chí là coi như đã chết. Tuy nhiên, có một sự thật là chúng ta không thể tránh xa người tội lỗi được. Vì người tội lỗi hiện diện ở khắp nơi. Chính bản thân ta cũng là một người tội lỗi cơ mà. Thay vì xa lánh tội nhân, ta hãy bắt chước Chúa yêu thương họ như Chúa yêu thương chúng ta để có thể cảm hóa họ và đem họ về trong niềm vui như là đem con chiên lạc trở về hay là tìm lại được đồng bạc bị thất lạc. “Tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui.”




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm kêu trách Chúa Giêsu: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng."

Sau đó Chúa Giêsu kể cho họ nghe các dụ ngôn, cụ thể là 3 dụ ngôn, nhưng trang tin mừng hôm nay chỉ nói đến hai dụ ngôn, dụ ngôn con chiên lạc và dụ ngôn đồng bạc bị mất.

Sau khi kể hai dụ ngôn thì kết luận là cả người chủ tìm được con chiên lạc và người phụ nữa tìm được đồng bạc bị mất điều vui mừng.

Và Chúa Giêsu còn nói thêm một ý nghĩa cao hơn đó là: “Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.” Dành cho dụ ngôn con chiên lạc và “Tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối."

Chúng ta thấy dưới đất ai cũng vui, mà trên trời ai cũng vui, chỉ có những người biệt phái và luật sĩ là không vui, mà càm ràm kêu trách.

Họ vui mừng vì tìm được thứ mình đã mất, nhưng nếu đào sâu hơn là họ vui mừng vì cố gắng của họ đã có kết quả.

Chúng ta biết điều làm nên giá trị của con người đó là sự cố gắng chứ không phải điều làm nên giá trị con người là những cái mà con người sẵn có, nếu điều làm nên giá trị con người, điều làm nên niềm vui cho con người từ những điều sẵn có thì tại sao người có 100 con chiên bị lạc mất một con lại không vui mà phải đi tìm cho bằng được con chiên lạc, hay đối với người phụ nữ bị mất một đồng bạc cũng vậy.

Nên điều quan trọng đó là sự cố gắng, để chính mình có niềm vui, và cũng đem lại niềm vui cho người khác.

Chúng ta biết, Chúa Giêsu có kể dụ ngôn ông chủ trao cho người này 5 nén, người kia hai nén và người này một nén, rồi trẩy đi phương xa, khi ông chủ về thì người 5 nén làm lợi được năm nén khác, người 2 nén làm lợi được 2 nén khác, nghĩa là làm sao? Nghĩa là tùy theo khả năng mà chủ giao cho các đầy tớ, và các đầy tớ đã sinh lợi tùy theo khả năng Chúa ban, nhưng có bao giờ chúng ta biết được rằng chúng ta đã sinh lợi đủ 5 nén, đủ 2 nén như Chúa đã ban hay không, Chúa mới là Đấng biết rõ khả năng, biết rõ những nén bạc mà Ngài ban cho ta mà thôi, nên chúng ta biết có nhiều người lợi dụng câu nói này của Chúa Giêsu đã thoái thác trách nhiệm, để lười biếng không chịu phấn đấu để vươn lên.

Chúng ta thì không được như vậy, nhưng hãy cố gắng mỗi ngày để nên hoàn thiện, để sinh lợi cho Chúa, để chính mình có niềm vui trong sự cố gắng nổ lực của mình. Amen.




Thứ Sáu đầu tháng

(Pl 3,17-4,1; Lc 16,1-8)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Pl 3,17-4,1: Chúng ta mong đợi Đấng Cứu Chuộc là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người.

Tv 122,1: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa.

Lc 16,1-8: Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng.

Phaolô khuyến khích người Philípphê hãy theo gương mẫu Chúa Giêsu Kitô. Phaolô đã nghe đồn rằng một số người trong số họ có thể đã lầm lạc. Ngài nhắc nhở họ rằng việc coi họ là kẻ thù của thập tự giá của Đức Kitô có hậu quả nghiêm trọng. Phaolô nhắc các Kitô hữu rằng quyền công dân của họ là ở trên trời. Thánh vịnh kêu gọi chúng ta vui mừng khi ta nhân danh Chúa để tạ ơn vì tất cả muôn ơn lành mà Người ban cho. Sự vui mừng đó nên được tiếp tục trong nhà của Chúa.

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mô tả một người đàn ông giàu có, người quản lý đã phung phí tài sản của mình. Chúa Giêsu kết thúc câu chuyện này bằng cách lưu ý rằng “Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”. Qua các bài đọc, ta nhận ra rằng Chúa là chủ. Chúng ta là những người quản lý của Ngài. Vì vậy, ta nên sống như con cái của ánh sáng bởi vì không có gì bị che giấu khỏi Chúa. Với thái độ đó, ta sẽ không lo lắng về cuộc sống trần gian. Một điều cần thiết đó là ơn cứu độ của Chúa.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy sự khôn khéo của ông quản gia bất lương, ông biết tìm đường sống trong cái chết khi ông chủ phát hiện ra sự gian dối của mình.

Trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, cũng ta cũng được mời gọi tìm đường sống trong cái chết, tìm đường sống trong cái chết không phải tìm mọi cách thế gian dối để có được sự sống, mà tìm đường sống trong cái quan bằng sự thành tâm thiện chí, bằng đời sống tốt lành.

Chúng ta thấy người con thứ tìm đường sông trong cái chết đâu phải bởi vì ý hướng tốt lành, nhưng vì bởi cái bụng, vì anh ta đói nên mới trở về với người cha của mình.

Và Chúa Giêsu cũng đã từng nói đến điều này, khi mà dân chúng đi theo Chúa Giêsu sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng đi tìm đường sống trong cái chết bằng ý hướng không tốt lành, nên Chúa Giêsu đã nói: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận." (Ga 6,26-27).

Nói một cách thực tế đó là việc cầu nguyện, chúng ta biết vì có tín điều các thánh thông công, chúng ta cầu nguyện cùng các thánh, các thánh cầu bàu cho chúng ta, các đẳng cầu bàu cho chúng ta, chúng ta cầu bàu cho các đẳng vì các đẳng không thể tự mình làm được gì cho mình, và lời cầu nguyện của chúng ta có hiểu quả nhờ lòng thương xót của Chúa.

Bên cạnh đó, vì người sống có thể cầu nguyện cho các đẳng linh hồn nơi luyện ngục, nhưng chúng ta là những người còn sống đừng bao giờ lợi dụng điều đó, để sống không tốt lành, để không lo gì cho đời sống của mình, vì cho rằng sau khi chết có người cầu nguyện cho mình, như vậy là không được, vì khi còn sống chúng ta không muốn được hưởng ơn lành của Chúa, thì làm sao Chúa có thể ban ơn cho chúng ta, làm sao mà lời cầu nguyện lại hữu ích cho chúng ta, vì khi còn sống chính chúng ta không muốn điều đó.

Hiểu được như vậy, chúng ta hãy tìm đường sống trong cái chết với một ý hướng tốt lành, với một đời sống tốt lành, thì chắc chắn Chúa sẽ đáp lại ý hướng tốt lành của chúng ta mà thôi. Amen.


 


Thứ Bảy đầu tháng
Cung hiến thánh đường Latêranô (LK)

(Ed 47,1-2.8-9.12; Ga 2,13-22)



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Ed 47,1-2.8-9.12: Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra, và nước ấy chảy đến ai, thì tất cả đều được cứu rỗi.

Tv 46,5: Nước dòng sông làm cho thành Chúa vui mừng, làm hân hoan cung thánh Đấng Tối Cao.

1 Cr 3,9b-11.16-17: Anh em là đền thờ của Thiên Chúa.

Ga 2,13-22: Người có ý nói đền thờ là thân thể Người.

Hôm nay toàn thể Giáo hội tưởng niệm lễ Cung hiến Thánh đường Lateranô. Đây là Vương Cung Thánh Đường nơi có ngai tòa của Đức Giáo hoàng được Đức Thánh Cha Sylvester thánh hiến năm 324. Ngôi thánh đường vật chất được xây dựng như là biểu tượng của Giáo hội để giúp các tín hữu liên kết trong mầu nhiệm của Giáo hội có Chúa Giêsu như là viên đá góc tường. Mỗi người như những viên đá sống động để làm nên những ngôi đền thờ sống động. Thánh Phaolô nhắc nhở mỗi người là đền thờ của Thiên Chúa.

Đền thờ là chính thân thể của Chúa Kitô. Thân thể của Chúa Giêsu là Đền thờ của Thiên Chúa, và mặc dù các nhà cầm quyền đã phá hủy, nhưng Ngài đã làm cho Đền thờ này sống lại vào ngày thứ ba. Ngôi đền đó sẽ không bao giờ thất bại, vấp ngã, và không bao giờ chết nữa. Chúa Giêsu đã sống lại. Ngài là nguồn tái sinh. Đó là nước làm hoan hỉ Thành đô của Thiên Chúa, Đền thờ Thiên Chúa, Giáo hội. Và chúng ta có lời hứa của Chúa như đã biết trong phần tung hô Tin Mừng: “Ta đã chọn lựa và thánh hoá nơi này, để danh Ta được hiện diện khắp nơi cho đến muôn đời”.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ Giêrusalem, nhưng tại sao Chúa Giêsu lại phải thanh tẩy đền thờ?

Thưa vì người do thái đã biến đền thờ thành nơi mua bán, không đúng với mục đích là để thờ phượng Chúa.

Nếu đào sâu hơn nữa thì nguyên do là do Chúa Giêsu hướng về Chúa Cha, vì hướng về Chúa Cha như thế, nên các môn đệ đã nhớ lại lời kinh thánh nói: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, nên tôi đây sẽ phải thiệt thân”.

Như vậy, việc Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ không phải chỉ vì đó là đền thờ, mà vì hướng về Chúa Cha, vì đền thờ là nơi Chúa Cha ngự trị, nhờ việc hướng về Chúa Cha như thế nên Chúa Giêsu mới dám làm những việc người người thường không dám làm đó là phải mất đi chính mạng sống của mình.

Hôm nay lễ kỷ niệm cung hiến đền thờ Laterano, chúng ta cũng được mời gọi hướng tới ý tưởng đó là đền thờ là để thờ phương Chúa, và qua đền thờ để chúng ta hướng đến Chúa, chứ không phải chỉ dừng lại suy tư của mình ở nhà thờ, có như thế chúng ta mới là người thờ phượng Chúa đích thực.

Và nếu chúng ta biết hướng về Chúa, chúng ta sẽ làm được những điều lớn lao như Chúa Giêsu đã làm.

Tại sao chúng ta dám khẳng định như vậy? thưa vì chính Chúa Giêsu đã nói với Philipphe: “Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (Ga 14,12).

Và thật sự chúng ta thấy đó là mẫu gương của các thánh tông đồ, cụ thể là Phêrô, ông là một con người phổi bò, chối Chúa, nhưng sau đó khi tin vào Chúa, khi người ta cấm ông không được rao giảng về danh của Chúa thì ông đã nói một câu bất hủ: “Thà vâng lời Thiên Chúa, hơn là vâng lời người phàm”, đó là điều lớn lao mà một người bình thường không thể nói được.

Hay Stephano khi bị người ta ném đá, sách công vụ tông đồ thuật lại Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giê-su đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông nói: "Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa." Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Sao-lô. Họ ném đá ông Tê-pha-nô, đang lúc ông cầu xin rằng: "Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con." 60 Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: "Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này." Nói thế rồi, ông an nghỉ.” (Cv 7,55-60).

Có điều gì lớn lao hơn là điều dám hy sinh mạng sống của mình để làm chứng cho Chúa.

Xin cho mỗi người chúng ta biết tin vào Chúa để làm được những việc lớn lao trong cuộc đời của chúng ta để làm chứng cho Chúa. Amen.