Chúa Nhật XXX Thường Niên
Gr 31,7-9; Dt 5,1-6; Mc 10,35-45
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Gr 31,7-9: Ta sẽ lấy lòng từ bi dẫn dắt kẻ đui mù và què quặt.
Tv 126,3: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.
Dt 5,1-6: Con là tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê.
Mc 10,46-52: Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy.
Tin mừng hôm nay củng cố đức tin của chúng ta qua mẫu gương của một người mù. Một người tìm thấy hạnh phúc thực sự của mình và cảm tạ Chúa Giêsu Kitô giữa những thống khổ và đớn đau. Anh ta không thể nhìn thấy và làm việc để kiếm sống nên sống kiếp ăn xin. Anh ấy cần giúp đỡ, và anh đang ngồi bên vệ đường bên ngoài thành Giêricô, nơi có nhiều người qua lại. Anh may mắn có mặt ở đó khi Chúa Giêsu đang rời thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông.
Bartimê đã nghe nói về Chúa Giêsu, nên khi nghe Chúa Giêsu đi ngang qua, anh bắt đầu kêu lên: “Hỡi ông Giêsu, con vua Đavít, xin thương xót tôi!” (Mc 10,47). Chúa Giêsu hỏi anh: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” Người mù nói, “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy!” (Mc 10,51). Và Chúa Giêsu ban cho anh ta món quà là cả hai tầm nhìn được khai sáng: cái nhìn của thể xác và cái nhìn đức tin. Đức tin là cái nhìn bên trong của Thiên Chúa. Vì đức tin vững chắc của Bartimê, Chúa Giêsu đã đáp lời cầu nguyện của anh: “Được, đức tin của anh đã chữa anh.” Và trong khoảnh khắc đó, đôi mắt của Bartimê, và tất cả những cảnh đẹp của thế giới xung quanh anh đã trở nên rỡ ràng.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy sự kiên định của anh mù Bartime.
Chúng ta thấy, giống như hai ly nước một ly nước có cặn cáu và một ly nước trong veo, ly nước cặn cáu chúng ta để đó một chút xíu nữa thì cặn nó lắng xuống nó cũng trong như ly nước trong kia.
Nhưng khi chúng ta cầm lên chúng ta lay động thì ly nước cặn cáu sẽ sẽ nổi cặn lên, còn lý nước trong thì cứ làm như thế nào đi chăng nữa thì nó cũng y như vậy.
Anh mù này cũng vậy, dù dân chúng có ngăn cản cách nào đi chăng nữa nhưng anh vẫn một lòng một dạ hướng về Chúa, chỉ mong Chúa chữa lành cho anh.
Còn đám đông dân chúng đi theo Chúa thì tâm hồn giống như ly nước đầy cặn cáu, ngăn cản rào đón người khác, khi được Chúa bảo đem anh ta đến thì thay đổi thái độ.
Nhưng sự kiên định của anh mù chỉ là sự kiên định vì để được Chúa chữa lành, nghĩa là để được điều gì đó, nên sự kiên định này chỉ ở mức trung bình.
Chúng ta thấy con người của chúng ta thường chỉ dừng lại ở sự kiên định như vậy mà thôi, mà nếu chỉ có kiên định như vậy thì chưa phải là kiên định thật sự, mà nó còn sự vướng mắc, vì nếu như Chúa không chữa lành thì sao? Thưa thì không còn kiên định nữa.
Giống như một trong những nguyên nhân mà Giuda bán Chúa đó là có người cho rằng ông là một người thuộc trường phái Zêlốt, đó là những người nhiệt thành về đạo. Nhóm này rất khao khát sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế. Như vậy, có lẽ ngay từ đầu, động cơ đi theo Chúa của Giuđa là vì ông nghĩ Ngài sẽ là Đấng đến để lập lại trật tự xã hội; để giải phóng con người theo nghĩa chính trị, bởi vì, lúc này đất nước Do Thái đang bị đế quốc Rôma thống trị. Và đây có thể là động cơ phía sau mà Giuđa bán Thầy, vì ông muốn dồn Thầy vào chân tường, để buộc Thầy phải đứng lên khởi nghĩa.
Vậy làm sao để có thể kiên định đây?
Thưa lòng phải hướng về Thiên Chúa, chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện Chúa Giêsu chịu cám dỗ (Lc 4, 1-12). Chúa Giêsu đã chiến thắng các cơn cám dỗ nhờ hướng về Thiên Chúa Cha.
Hay nói một cách khác đó là con người cần phải biết mình, thánh Phaolo nói: Ai tưởng mình đứng vững coi chừng kẻo ngã, hay đừng giơ chân đạp mũi nhọn, giơ chân đạp mũi nhọn thì khốn cho các ngươi.
Chắc chúng ta đã nghe câu nói của người xưa: “Tọa hoài bất loạn”, ý chỉ người đàn ông chính trực, dù trong hoàn cảnh bị thử thách, ở trước cám dỗ của người phụ nữ mà tâm không nảy sinh ý đồ xấu. Câu thành ngữ này có liên quan đến một nhân vật tên là Liễu hạ Huệ như thế này:
Liễu Hạ Huệ là một người sống ở nước Lỗ vào thời Xuân Thu. Một hôm vào đêm đông giá rét, có một người phụ nữ vô gia cư đến nhà ông tìm nơi trú ẩn nhờ. Liễu Hạ Huệ lo ngại rằng cô gái này có thể sẽ chết vì lạnh, nên ông đã để cô vào trong nhà mình.
Hơn nữa, do tình trạng sức khỏe của cô gái ấy, ông đã để cô ngồi trên đùi, quấn áo mình quanh người của cô và áp cơ thể của cô vào mình để cô gái đỡ lạnh. Họ đã ngồi như vậy suốt đêm và ông đã không làm bất kỳ điều gì không đứng đắn. (Người quân tử gặp “sắc dục” mà tâm không bị nhiễu loạn. Trích nguồn trithucvn.co.)
Cũng từ câu chuyện này mà người ta lại kể một câu chuyện khác, đó là cũng có một người đàn bà trong một đêm mưa sấm sét, nhà bà ta bị sập không có nơi trú ngụ, người đàn bà này mới chạy đến nhà của một người đàn ông trong vung để xin tá túc nhưng người đàn ông này nhất quyết không cho vào, người đàn ông nói nam nữ thọ thọ bất tương thân, không thể cho vào được sợ tổn hại danh tiếng của cô, cô gái này nói chỉ xin vào trú mưa thôi mà, đâu có gì đâu mà phải sợ, người đàn ông nhất quyết không chịu. cuối cùng cô gái này mới lấy tích của Liễu Hạ Huệ ra để mà nói, ngày xưa Liễu Hạ Huệ không chỉ cho người ta vào nhà mà còn dùng thân thể để mà sưởi ấm nữa, mà ông ta đâu có động tâm đâu, anh hãy làm như Liễu Hạ Huệ đi.
Người đàn ông mới nói: Liễu Hạ Huệ khác, còn tôi khác, Liễu Hạ Huệ là bậc thánh nhân nên không động tà tâm, còn tôi, tôi chỉ là con người phàm nhân thôi, bây giờ tôi không có tà tâm, nhưng cho cô vào tôi động tà tâm thì biết làm sao đây, nên tốt nhất cô hãy đi nơi khác.
Câu chuyện này cho thấy người đàn ông biết mình là ai, và người ta đánh giá người đàn ông này ngang với Liễu Hạ Huệ, Liễu Hạ Huệ biết mình là ai nên đã làm như vậy, người đàn ông này biết mình là ai, nên đã không làm giống như Liễu Hạ Huệ.
Như vậy, để có thể kiên định chúng ta cần biết mình là ai, chúng ta cần biết mình cần gì, nếu không chúng ta sẽ không bao giờ kiên định được, nếu không cuộc đời của chúng ta chỉ giống như ly nước trong bên trên, nhưng bên dưới thì đầy những cặn cáu mà thôi. Amen.
Thứ Hai - Tuần XXX Thường Niên
Thánh Simon và thánh Giuđa, tông đồ (LK)
(Ep 2,19-22; Lc 6,12-19)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Ep 2,19-22: Được xây trên nền móng các Tông đồ.
Tv 19,5: Tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu.
Lc 6,12-16: Người chọn lấy mười hai ông, và gọi là Tông đồ.
Giáo hội kính hai thánh Giuđa và Simon tông đồ. Người ta biết rất ít về những tông đồ này. Biệt danh “nhiệt thành” có lẽ cho thấy Simon từng là một trong những nhà hoạt động chống La Mã trước khi trở thành tông đồ. Giuđa, anh trai của Giacôbê và được gọi là Tađêô, đã hỏi Chúa Giêsu sau Bữa Tiệc Ly rằng làm thế nào để Chúa Giêsu có thể tự cho thế giới thấy mình là Đấng Mêsia mà không cần dùng vũ lực. Chúa Giêsu trả lời rằng các tín hữu sẽ chấp nhận Ngài vì tình yêu của Ngài.
Với tư cách là tông đồ, họ được “sai đi” để hợp nhất dân Thiên Chúa bằng cách nghe Tin mừng về việc họ thực chất là ai. Theo ngôn ngữ và phong tục, những người này khác nhau, nhưng họ được biết đến, không phải bởi những sự khác biệt ngẫu nhiên này, mà bởi bản chất do Chúa ban cho của họ. Điều mà Chúa Giêsu sai các Tông đồ này là loan báo một điều gì đó rất mới cho những người mà họ được sai đến. Giáo hội ngày nay cũng phải loan báo Tin mừng. Đối với chúng ta, những gì “mới” không phải lúc nào cũng được coi là “tốt”. Bản sắc tự nhiên và sâu sắc được tiếp nhận, tin tưởng và sống, nhưng không phải như một cuộc thi hay chiến tranh. Nó liên quan đến việc ta cộng tác cùng Chúa Giêsu trong việc loan báo Tin mừng.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu chọn 12 môn đệ làm tông đồ.
Nhưng vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta là có phải việc chọn 12 tông đồ chỉ dừng lại ở việc cho các ông mang một chức danh tông đồ không? Thưa không, nhưng nó kèm theo một sứ vụ, hay nói cách khác là khi có danh thì phải có phận, phải biết mình phải làm gì.
Đọc tiếp tin mừng chúng ta thấy rất rõ về điều đó, đó là sau khi chọn 12 tồng đồ thì Chúa Giêsu đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.
Trong sách công vụ tông đồ, khi đưa ra tiêu chuẩn để chọn người thay thế Giuda, thì Phêrô đã nói như thế này: “Vậy phải làm thế này: có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giê-su suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gio-an làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh." (Cv 1,21-22).
Đó là sứ vụ của người tông đồ là phải đi rao giảng tin mừng và chữa lành bệnh tật, chứ không phải chỉ có cái danh mà không có phận sự gì cả.
Mở rộng ra, là chúng ta thấy sở dĩ có danh, có phận, là vì người khác, người khác cần mình phục vụ họ.
Chúng ta hãy nhớ đến câu chuyện khi Chúa Giêsu biến hình trên núi thì Phêro thưa cùng Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a." (Lc 9,33), nhưng Chúa Giêsu có ở trên núi, có muốn mình ở trong vinh quang đó hay không? Thưa không, bằng chứng là sau đó Chúa Giêsu dẫn các môn đệ xuống núi, và khi xuống núi như vậy thì dân chúng đã đón đợi sẵn ở dưới núi. (Lc 9, 37).
Như vậy, chúng ta thấy sứ vụ của người tông đồ, sứ vụ người môn đệ không phải chỉ để phục vụ người khác theo nghĩa là mình phải phục vụ, đến ép người khác đón nhận, nhưng còn là vì người khác họ cần đến mình, nói như thánh Augustino thì: “cùng với anh em tôi là kito hữu, nhưng cho em tôi làm giám mục”, nghĩa là người khác họ cần những người giúp đỡ cho họ.
Nói như vậy không phải để chúng ta kiêu ngạo là người khác cần mình, nhưng nói như vậy để chúng ta thấy là sở dĩ có người lãnh đạo là vì dân chúng mới có mình, nếu không có dân chúng thì không có mình, nên chúng ta hãy hiểu như vậy để trân trọng những người anh em của mình, để hết mình phục vụ họ. Amen.
Thứ Ba - Tuần XXX Thường Niên
(Ep 5,21-33; Lc 13,18-21)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Ep 5,21-33: Mầu nhiệm này thật lớn lao; trong Đức Kitô và trong Hội Thánh.
Tv 128,1: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa.
Lc 13,18-21: Hạt cải mọc lên và trở thành một cây to.
Lời Chúa hôm nay đề cập đến mầu nhiệm Nước Trời. Hình ảnh của hạt cải lớn nhanh, lớn mạnh khi có điều kiện thuận lợi diễn tả mầu nhiệm nước Thiên Chúa. Khởi sự từ một hạt giống bé nhỏ nhưng khi thành tựu thì sẽ vô cùng có ích. Cây lớn lên âm thầm cho dù mưa hay nắng. Cây phục tùng vào sự quan phòng của trời đất. Có một chất liệu âm thầm khác mà Chúa nói đến là men. Men lặng lẽ làm phận sự của mình để cho cả khối bột được nở nang, mềm dẻo và sinh nhiều ích lợi hơn.
Chúa Giêsu dùng hạt cải và nắm men là hình ảnh gần gũi với đời sống để khuyến khích chúng ta trong sự kiên nhẫn, bền chí và hy vọng. Những nhân đức này đặc biệt cần thiết cho những ai cống hiến hết mình để loan truyền Nước Chúa. Mỗi người đóng góp theo khả năng của mình, cho dù là bé nhỏ, âm thầm.
Chúng ta đang sống trong mầu nhiệm lớn lao. Mầu nhiệm Nước Trời được dệt nên bởi ơn Chúa và sự đóng góp của mỗi người. Bằng tình yêu và vâng phục, mỗi cá nhân giữ vai trò của mình nhưng cũng liên kết với nhau để xây dựng Giáo hội Chúa Kitô. Hãy để Thánh Thần thánh hóa thân thể sống động toàn vẹn của Chúa Kitô. Mỗi người đều mang đến những món quà riêng để xây dựng vương quốc của Thiên Chúa.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta thấy hai hình ảnh tượng trưng cho sức mạnh của Nước Trời đó là hình ảnh của hạt cải và nắm men.
Nhưng để hạt cải có thể lớn lên, để nắm men có thể là dậy men khối bột thì cần có điều gì?
Thưa cần có người gieo hạt cải xuống, cần có người đem nắm men bỏ vào khối bột.
Cũng vậy, để nước trời có thể lớn lên con người của chúng ta cần phải cộng tác để nước Chúa được trị đến, bởi sức mạnh tiềm tàng của nước trời có đó, nhưng nếu con người không cộng tác, thì sức mạnh đó cũng vô ích mà thôi.
Chúng ta hãy nhớ đến câu chuyện của ông Samson, ông là người có sức mạnh phi thường, tại sao lại có sức mạnh thưa vì do ơn Chúa ban, nhưng có một điều nữa mà Chúa mời gọi ông phải cộng tác, mà cụ thể là bà mẹ của ông khi được báo tin là sẽ sinh hạ ông: “Này, bà là người son sẻ và không sinh con, nhưng bà sẽ có thai và sinh một con trai. Vậy bây giờ phải kiêng cữ: đừng uống rượu và thức có men, cũng đừng ăn mọi thứ không thanh sạch. Vì này bà sẽ có thai và sinh một con trai. Dao cạo sẽ không được lướt trên đầu nó, vì con trẻ sẽ là một na-dia của Thiên Chúa từ lòng mẹ. Chính nó sẽ bắt đầu cứu Ít-ra-en khỏi tay người Phi-li-tinh." (Tl 13,3-5).
Đó là bí mật của Samson, là dao cạo không được lướt trên đầu của ông, ông chỉ cộng tác như vậy thôi, khi ông không cạo râu tóc, thì Thiên Chúa ở cùng ông.
Nhưng sau đó, ông bị cô Đalila dụ dỗ, nên đã tiết lộ bí mật này, cô gái này đã chuốc rượu ông cho ông say, để rồi cạo râu tóc của ông, khi ông bị cạo râu tóc như vậy thì Thiên Chúa không còn ở cùng ông nữa, sức mạnh của ông cũng biến mất, nên người Philitinh trói ông lại, móc mắt và giải ông xuống Ga-da. Chúng chập xích đồng lại, cột ông và bắt ông kéo cối xay trong nhà tù.
Sau thời gian từ cái đầu bị cạo trọc, tóc ông lại mọc ra. Các vương hầu Phi-li-tinh họp lại để long trọng tế thần Đa-gôn của chúng và ăn mừng.
Trong khi lòng hả hê, chúng nói: "Hãy gọi Sam-sôn ra làm trò tiêu khiển cho chúng ta! " Vậy chúng kêu ông Sam-sôn từ nhà tù đến; và ông làm trò tiêu khiển trước mặt chúng. Rồi chúng đặt ông đứng giữa các cột. Bấy giờ ông Sam-sôn nói với cậu thiếu niên đang dắt tay ông: "Cậu dẫn tôi đi và cho tôi sờ vào các cột cái chống đỡ toà nhà, để tôi dựa lưng." Toà nhà lúc đó đầy chật đàn ông đàn bà. Tất cả các vương hầu Phi-li-tinh đều ở đó, và trên sân thượng có khoảng ba ngàn đàn ông đàn bà đang coi ông Sam-sôn làm trò tiêu khiển. Ông Sam-sôn kêu cầu ĐỨC CHÚA và thưa: "Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng của con, xin nhớ đến con và ban sức cho con lần này nữa thôi, ôi lạy Thiên Chúa, để chỉ đánh một trận là con trả thù được quân Phi-li-tinh đã móc mắt con." Bấy giờ ông Sam-sôn rờ vào hai chiếc cột ở giữa, là những cột cái chống đỡ toà nhà, và ông tì vào các cột ấy, tay mặt bên này, tay trái bên kia. Rồi ông Sam-sôn nói: "Đành chết với bọn Phi-li-tinh vậy! " Đoạn ông dùng sức đẩy mạnh, và toà nhà sụp đổ đè các vương hầu và tất cả dân chúng có mặt ở đó. Thành ra số người ông giết được khi ông chết lại đông hơn số người ông đã giết được khi còn sống.” (x. Tl 16,22-30).
Nên chúng ta cần cộng tác với Chúa để đem nước trời đến cho người khác, để nước trời được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Amen.
Thứ Tư - Tuần XXX Thường Niên
(Ep 6,1-9; Lc 13,22-30)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Ep 6,1-9: Không phải phụng sự loài người, nhưng là tôi tớ của Đức Kitô.
Tv 144,13: Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán.
Lc 13,22-30: Người ta sẽ từ đông sang tây đến dự tiệc trong nước Chúa.
Người ta sống ở trên đời cần có bình an, hạnh phúc. Người Kitô hữu còn cần có thêm điều quan trọng nữa đó là được Thiên Chúa yêu thương và ban ơn cứu độ. Chúa hướng dẫn nhân loại phải sống như thế nào để có được niềm vui ở đời này và cả đời sau. Với Chúa thì yêu mến Người trên hết mọi sự. Với những người gần gũi và có công ơn lớn lao như cha mẹ thì phải yêu thương, tôn kính chỉ sau Thiên Chúa mà thôi. Thánh Phaolô căn dặn từng người, tùy theo vai trò của họ mà sống cho xứng đáng. Sống không chỉ vì bản thân mình mà còn vì người khác nữa. Bởi mọi người đều có một cha chung ở trên trời.
Kinh Thánh dạy rằng: những người làm con thì hãy thảo kính cha mẹ. Những ai làm cha làm mẹ thì hãy giáo dục con cái theo tinh thần của Chúa. Người làm công hãy vâng phục người chủ như là vâng phục Thiên Chúa. Còn người làm chủ thì cũng hãy đối xử với người làm cho mình với tất cả sự tôn trọng. Đối xử với nhau như những người con của Chúa, với tất cả tâm tình hiền hòa, lương thiện, và trên tất cả là tình yêu thương. Đó là những con đường hẹp mà mỗi người cần phải đi qua trên hành trình dương thế để hướng đến một đời sống hạnh phúc vĩnh cữu trong Nước Trời.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy: "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.”
Cửa hẹp này là gì?
Thưa cửa hẹp này chúng ta có thể hiểu theo nghĩa là tự mình phải biết giữ mình dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta giữ mình vì chính mình cần phải giữ mình, để mình nên tốt hơn, để mình nên hoàn thiện hơn, chứ không phải giữ mình vì người khác, nếu chỉ giữ mình vì người khác, thì khi không có người khác chúng ta sẽ không thể nào giữ mình được, khi đó thì làm sao chúng ta có thể nên hoàn thiện được.
Một hôm, có người khách tới chùa chơi và hỏi lão hòa thượng: "Hòa thượng, tôi muốn hỏi ngài một câu hỏi hơi “bất kính” một chút có được không ạ?".
Lão hòa thượng ôn tồn, nhìn khách đáp: "Xin ông cứ nói!".
Người khách lúc này mới chậm rãi: "Lúc ở nơi dân chúng đông đúc thì ngài ăn chay, vậy khi ở một mình trong phòng, ngài có ăn thịt không?".
Lão hòa thượng ngừng lại một giây rồi hỏi lại người khách: "Ông là lái xe tới đây phải không?".
Người khách gật đầu bảo “Vâng!”, trong lòng vẫn chưa hết thắc mắc tại sao vị hòa thượng không trực tiếp trả lời câu hỏi của mình mà lại hỏi lại một câu có vẻ như chẳng liên quan đến cuộc trò chuyện như vậy.
Lúc này, lão hòa thượng mới từ tốn tiếp lời: "Khi lái xe phải thắt dây an toàn, xin hỏi ông là ông thắt vì sự an toàn của bản thân hay vì cảnh sát? Nếu như là vì bản thân mình thì có hay không có cảnh sát ông sẽ vẫn thắt thôi".
Người khách: "Tôi hiểu rồi!".
Nếu mở rộng ra đó là khi chúng ta chiến đấu để qua cửa hẹp để vì mình muốn tốt cho mình, thì cái nghĩa vì mình muốn tốt cho mình này không chỉ mang ý nghĩa là vì mình muốn tốt cho mình nữa, mà nó sẽ mang một ý nghĩa cao hơn đó là vì người khác, bởi khi chúng ta sống tốt lành, thì đó là một bài học tốt lành cho người khác, để họ cũng bắt chước chúng ta mà sống tốt lành để chính họ cũng có được sự tốt lành.
Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy để cố gắng sống tốt lành trước tiên là vì chính mình, còn sau nữa là vì người khác. Amen.
Thứ Năm - Tuần XXX Thường Niên
(Ep 6,10-20; Lc 13,31-35)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Ep 6,10-20: Anh em hãy mặc lấy mã giáp của Thiên Chúa để có thể đứng vững.
Tv 144,1: Ôi Đá Tảng của con, chúc tụng Chúa!
Lc 13,31-35: Không lẽ một tiên tri phải giết chết ngoài thành Giêrusalem?
Phaolô tiên đoán những việc có thể xảy ra trong thế giới loài người. Con người tranh giành nhau từng chút quyền lợi về danh, về lợi, và quyền hành thể hiện sự ảnh hưởng lên người khác. Sự dữ lan tràn trong các mối tương quan vô hình lẫn hữu hình. Phaolô diễn giải rằng: “chúng ta không những chiến đấu với huyết nhục, mà còn chiến đấu với kẻ chấp chính và quyền thế, với kẻ cai quản thế giới u minh này, và những ác thần trên không gian.”
Sự thật đau buồn đang bao phủ cả thế gian. Những xung đột về tôn giáo, chính trị không chỉ diễn ra trong một quốc gia nhưng là liên minh nhiều nước, nhiều lục địa. Người ta lấy cớ là thúc đẩy chiến tranh để tìm kiếm hòa bình và thịnh vượng, thế nhưng khủng hoảng ngay trước mắt là những người dân thường phải gánh chịu. Với Lời Chúa, ta cũng được chỉ dẫn phải làm thế nào để có thể vượt qua những khó khăn thử thách bên trong và bên ngoài đang vây bủa xung quanh. Đó là hãy đứng vững, thắt đai lưng chân lý, mặc áo giáp công chính, và chân mang giày để sẵn sàng truyền bá Tin Mừng hoà bình, hãy luôn luôn mang khiên thuẫn đức tin, hãy nhận lấy mũ chiến cứu độ và dùng lời của Thiên Chúa làm vũ khí. Vì kiên trì trong yêu thương và sự thật mới giải thoát chúng ta.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc có mấy biệt phái đến nhắc nhở Chúa Giêsu: “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông! " Người bảo họ: "Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: "Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được.
Chúng ta thấy câu trả lời của Chúa Giêsu cho biết Chúa Giêsu biết mình đang làm gì chứ không phải là không biết, chính vì thế mà mọi việc Chúa làm điều tốt đẹp theo ý muốn của Thiên Chúa Cha.
Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: "Bà muốn gì?" Bà thưa: "Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy." Đức Giê-su bảo: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không? " Họ đáp: "Thưa uống nổi." Đức Giê-su bảo: "Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được." (Mt 20,20-23).
Hay câu chuyện khi Chúa Giêsu biến hình trên núi, sau khi Chúa Giêsu biến hình trên núi, thì Phêrô nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.", tin mừng nói thêm: “Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.” (Mc 9, 2-8), vì không biết mình xin gì, nên lời cầu xin không có hiệu quả.
Áp dụng vào đời sống của chúng ta khi làm điều gì, chúng ta cần phải biết mình đang làm gì, nghĩa là đòi hỏi mình phải biết, có như thế việc làm của chúng ta mới có hiệu quả, nếu không sẽ đem lại hậu quả cho chúng ta.
Có con chuột nhắt đi tìm kiếm thức ăn. Nó thấy một cái chai thuốc chuột, nhưng nó không đọc được chữ nên thắc mắc không biết đây là chai gì, nó ngửi ngửi qua và đoán đó là chai dầu ăn. Bất ngờ, nó gặp chuột chũi và nói: – Anh là người có học thức, anh đọc giúp tôi xem trên cái chai này viết chữ gì. Chuột chũi kiêu ngạo tự nhủ ‘Mặc dù không biết chữ, nhưng mình không thể để cậu ta biết là mình không biết chữ, như thế đám chuột cả vùng này sẽ coi thường mình. Cái chai này có mùi dầu ăn quen quen, hay là mình cứ nói đại như thế đi, chuột nhắt cũng không biết chữ đâu mà biết đúng hay sai’.
Nghĩ vậy, chuột chũi liền tự tin nói với chuột nhắt: – Đây đích thị là chai dầu ăn rồi, nếu cậu không tin thì để tôi uống thử xem. Nói xong, chuột chũi cầm chai lên và nốc một hơi. Ngay lập tức nó ôm bụng kêu đau và lăn ra chết.
Xin cho chúng ta biết tìm hiểu, để đào sâu cái biết của mình trong đời sống đức tin cũng như trong đời sống hằng ngày, để cái biết đó đem lại lợi ích cho chúng ta và cho anh em chúng ta. Amen.
Thứ Sáu đầu tháng
Các thánh nam nữ. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân (lễ họ)
(Kh 7,2-4.9-14; 1Ga 3,1-3; Mt 5,1-12a)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Kh 7,2-4.9-14: Tôi đã nhìn thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng.
Tv 24,6: Lạy Chúa, này là dòng dõi của những kẻ tìm Chúa.
1 Ga 3,1-3: Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.
Mt 5,1-12a: Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó.
Chào các thánh nam nữ của Thiên Chúa.
ĐGH Phanxicô nói rằng mỗi người đều được mời gọi đến với sự thánh thiện giống như những gì mà các thánh đã thể hiện và được công nhận. Nói cách khác, mỗi người đều được kêu gọi nên thánh. Chìa khóa của tất cả sự thánh thiện là tình yêu: chắc chắn rằng Thiên Chúa thương ta. Chúa yêu trước và ta là con của Người. Sự đảm bảo này làm cho ta có khả năng hy vọng và yêu thương. Thánh Gioan cho ta một cái nhìn hy vọng trong tương lai cuối cùng: những ai sống theo Phúc âm sẽ được chiến thắng cùng với Ngài. Số lượng của các thánh sẽ vô cùng lớn.
Giáo hội suy niệm các mối phúc trong Phúc âm của Matthêu như một con đường dẫn đến sự thánh thiện mà ta được kêu gọi làm môn đệ của Chúa Giêsu. ĐGH Phanxicô cho biết các mối phúc chính là căn tính và kêu gọi ta đối đầu với những lo lắng và thử thách của thời đại bằng tinh thần và tình yêu của Chúa Giêsu. Giá trị của Phúc âm khác hẳn với giá trị của thế gian, nhưng chúng phải được sống trong thế gian để biến nó thành thế giới của Chúa. Các mối phúc là nguồn cảm hứng cho cuộc sống Kitô hữu.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Con người ai cũng có cái “Tôi”. Cái tôi để khẳng định sự hiện diện của ta trong thế giới này. Cái tôi có tương quan tốt hay xấu với tha nhân còn tuỳ vào cách sống của từng người chúng ta.
Có người đã đưa ra triết lý vui rằng:
– Cái Tôi Bỏ dấu ^ thì là Toi,
– Cái Tôi thêm dấu sắc là Tối,
– Cái Tôi thêm dấu huyền là Tồi,
– Cái Tôi thêm dấu nặng là Tội.
Bởi thế nên:
– Nếu ta không biết mình là ai thì Toi,
– Nếu ta không chịu hạ mình học hỏi thì Tối,
– Nếu ta không giúp người lúc khó khăn thì Tồi,
– Nếu ta không sống theo luật Chúa thì Tội lỗi.
Hay ngày nay chúng ta đang sống trong một xã hội kim tiền, người ta nói nhiều câu mà đôi khi chúng ta khó mà chấp nhận được chẳng hạn như khách hàng là thượng đế, có tiền mua tiên của được, có tiền là thành tiên thành phật.
Mà thật sự cũng có, ví dụ như chúng ta muốn thành tiên, muốn thành Chúa dễ lắm, biết nhà nào nghèo nghèo tối mua bao gạo để trước cửa nhà người ta, thì sáng mai người ta mở cửa ra thấy bao gạo, người ta mừng quá người ta nói Chúa cho à, tiên cho, phật cho à, có tiền thành tiên thành phật được, nhưng theo nghĩa vật chất như vậy.
Nói vui như vậy, hay người ta dùng từ hợp tác hai bên đều có lợi, hay có qua có lại mới toại lòng nhau, hiểu theo nghĩa công bằng người ta mới hợp tác người ta mới chơi với mình, người ta mới giúp đỡ mình, chứ nếu không làm sao có chuyện nước này giúp nước kia mà không có chuyện có lợi, nên ông bà ta có câu nói: “Mấy ai mà được hảo tâm, nắng tơi lấy nón, mưa dầm lấy ô”, phải có qua có lại mới được.
Nên nếu lấy vật chất làm tiêu chuẩn tình yêu, thì khi không còn vật chất thì không còn tình yêu nữa.
Chúng ta vừa nghe bài tin mừng nói về tám mối phúc thật, hay hiến chương nước trời, để chúng ta thấy được tình yêu của Chúa dành cho con người, chúng ta không có làm gì có lợi cho Chúa cả, chúng ta chẳng là gì cả, chúng ta chỉ là cát bụi mà thôi, mà Chúa yêu thương con người của chúng ta bằng một tình yêu không vụ lợi, một tình yêu mà Chúa bỏ cái tôi của mình để sống vì con người, đến với con người để đưa con người về với Chúa, để giúp con người nên thánh, mời gọi con người hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.
Và để có thể nên thánh, chúng ta được mời gọi phải yêu thương nhau, yêu thương nhứ Chúa đã yêu thương nhau, nhưng để có thể yêu thương nhau đó là một điều không dễ dàng gì, nhưng Chúa chờ đợi chúng ta một sự cố gắng, giá trị của một con người là vươn lên, là cố gắng, giá trị của một con người không phải là sự hoàn hảo, vì ai trong chúng ta cũng đều là người bất toàn cả, nên chính sự cố gắng làm nên giá trị con người.
Ngày mai là lễ các đẳng, các linh hồn phải trải qua thời gian thanh luyện để trở về với Chúa là nguồn tình yêu, vì Chúa là nguồn tình yêu, nếu chúng ta không có tình yêu thì không thể nào trở về với Chúa được, vì Chúa là tình yêu.
Xin cho mỗi người chúng ta biết dẹp đi cái tôi của mình, biết điều khiển cái tôi của mình, để đừng sống tồi, đừng sống tội, đừng sống tối, để đừng toi, mà để chúng ta sống trong tình yêu của Chúa, để trong ngày sau hết chúng ta được ở trong tình yêu vĩnh cữu của Chúa trên thiên đàng. Amen.
Thứ Bảy đầu tháng
Cầu cho các tín hữu đã qua đời (Lễ các đẳng)
(Ep 4,7-16; Lc 13,1-9)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Kn 3,1-9: Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.
Tv 23,1: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.
Rm 5,5-11: Chúng ta đã nên công chính trong Máu của Người, và nhờ Người chúng ta được cứu khỏi cơn thịnh nộ.
Ga 6,37-40: Tất cả những ai tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.
Hôm nay ta tưởng niệm các tín hữu đã qua đời, đặc biệt cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục, để họ có thể sớm chung hưởng niềm vui trọn vẹn trên thiên đàng. Ít nhất mỗi năm một lần, các tín hữu tự hỏi đâu là cảm giác sống, chết và sự phục sinh của chúng ta. Những đau khổ của nhân loại cũng giống như của Giáo hội, bằng cách nào đó đồng nghĩa với việc mất đi sự sống. Vì vậy, mọi người luôn mong muốn tưởng thưởng những người đã khuất.
Một tác giả trước Chúa Giêsu bày tỏ niềm tin của mình vào sự sống đời đời: Thiên Chúa đã ban cho ta sự sống. Đối với người đức hạnh, Chúa ban cho sự bình an, tức là bản thân họ và tất cả những gì tốt đẹp. Tuy nhiên, nếu điều này có thể khiến ta bị đau khổ theo quan điểm của con người nghiêm ngặt, thì với tư cách là Kitô hữu, nhờ sự phục sinh, ta có thể có bình an. Phần phúc của việc ta tin vào sự sống lại là nó cho phép ta tin tưởng, bất chấp sự lãng quên của ta, chúng ta sẽ gặp lại nhau trong đời sống mới. Vì Chúa nói, ai tin vào Ngài thì được sống.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Hôm nay lễ các đẳng linh hồn, nghĩa là các đẳng đang còn ở trong thời gian thanh luyện, vậy các ngài đang chịu thanh luyện về điều gì?
Có một câu chuyện mang tên Biết lưu tâm đến người khác được chia sẻ như thế này:
Vào tháng hai của một khóa học tại trường đào tạo nghiệp vụ y tá, giảng viên chúng tôi làm một bài kiểm tra về kiến thức phổ thông.
Tôi vốn là một sinh viên chăm chỉ nên dễ dàng trả lời mọi câu hỏi trong bài kiểm tra, trừ câu hỏi cuối: “Chị tạp vụ ở trường tên là gì”?
Tôi nghĩ đó chỉ là câu hỏi cho vui.
Tôi đã trông thấy chị vài lần.
Chị có dáng người cao, mái tóc nâu sậm và khoảng 50 tuổi, nhưng làm thế nào mà tôi có thể biết tên chị được kia chứ?
Tôi nộp bài và bỏ trống không trả lời câu hỏi đó.
Trước khi tan học, một sinh viên đứng lên hỏi giảng viên về cách tính điểm câu hỏi cuối trong bài kiểm tra vừa làm.
Giáo sư bộ môn trả lời:
- Tất nhiên là có tính điểm.
Trong mọi ngành nghề, các anh chị luôn phải gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người.
Tất cả những con người đó đều có ý nghĩa.
Họ đáng được các anh chị quan tâm chú ý đến, cho dù tất cả những gì ta có thể làm cho họ chỉ là một lời chào hỏi và một nụ cười.
Tôi đã không quên bài học đó trong suốt cuộc đời mình.
Tôi cũng đã biết được tên của chị tạp vụ trong trường.
Chị tên là Mai Hương.
Vâng, chúng ta hãy học tập cho mình một thói quen biết cảm thông và chia sẻ.
Một trái tim biết cảm thông và chia sẻ là trái tim của con người.
Nếu mở rộng ra khi làm bất cứ nghề nghiệp nào ngành nghề nào cũng đòi hỏi chúng ta sự trách nhiệm, sự yêu nghề, lòng yêu người cả, đó là tiêu chuẩn đầu tiên cần phải có.
Trong đời sống đức tin cũng vậy, Chúa cũng đòi hỏi chúng ta phải có tình yêu, câu chuyện ngày phán xét, Chúa đòi hỏi con người một điều đó là có yêu người thân cận của mình hay không.
Nên các đẳng linh hồn họ thanh luyện về mức độ tình yêu, mức độ tình yêu của họ dành cho Chúa, mức độ tình yêu dành cho anh em, vì Chúa là tình yêu, khi đến với Chúa phải có tình yêu.
Nói theo ngôn ngữ của con người, thì chúng ta thấy tình yêu mà các đẳng thanh luyện để chính mình được trở nên xứng đáng hơn khhi đến gần Chúa, giống như khi chúng ta yêu ai, chúng ta có muốn người mình yêu thấy được tình trạng tồi tệ của mình hay không? Thưa không, mà luôn muốn người khác thấy được điều tốt của mình.
Áp dụng vào đời sống của chúng ta, chúng ta đang sống ở thời gian lữ hành, cũng có thể nói thời gian này cũng là thời gian thanh luyện mà Chúa ban cho mỗi người chúng ta, vì chúng ta còn rất nhiều cơ hội để thay đổi chính mình, để sống tốt hơn, chính vì thế mà chúng ta hãy biết tận dụng cơ hội để yêu thương nhau, yêu thương các đẳng linh hồn để cầu nguyện cho các ngài, yêu mến Chúa, yêu mến anh chị em của chúng ta, vì chính khi chúng ta sống yêu thương nhau, sống tình yêu trong veo thì chúng ta mới có thể được coi là xứng đáng hưởng hạnh phúc mà Chúa ban cho chúng ta.
Nhưng để có thể yêu thương nhau, để có thể thay đổi có khó không thưa rất khó nhưng chúng ta phải cố gắng.
Hai người lính là bạn cùng đơn vị. Trong một cuộc giao tranh khốc liệt, đơn vị của họ phải lui về chiến hào khi trời tối, nhưng một trong hai người không thấy trở về. Anh bạn còn lại lo lắng vì có thể bạn của anh đã thiệt mạng.
Màn đêm bao phủ chiến trường, tiếng súng quân thù còn đang gầm thét. Nhưng anh vẫn muốn đi tìm người bạn. Sĩ quan chỉ huy nói với anh “Đừng có làm điều ngu ngốc, bởi nếu anh bạn có bị thương thì cũng đã chết rồi”. Nhưng anh ta vẫn ra đi.
Anh bạn lần mò trong bóng tối, giữa hàng trăm xác chết của cả đôi bên. Đến quá nửa đêm anh ta quay lại với xác bạn mình trên lưng. Bản thân anh bây giờ cũng bị trọng thương, không thể sống sót.
Ngay khi về tới chiến hào, anh ta ngã xuống cùng với xác của người bạn đã chết.
Sĩ quan chỉ huy tới đỡ anh ta và nói: “Tôi đã bảo anh đừng ngu ngốc! Hy sinh cho một việc không đáng. Bây giờ thì anh biết đấy: Người bạn đã chết và anh cũng đang chết!'
Người sắp chết mở mắt ra và nói, 'Nhưng điều đó đáng giá, bởi vì khi tôi đến đó, anh ấy nhìn tôi và nói: “Jim, tao biết mày sẽ tới!''
Vì tình yêu, có thể hy sinh mạng sống, điều đó thật đáng giá.
Con người là như vậy, nhưng chúng ta phải cố gắng, chính sự cố gắng sẽ làm nên giá trị của chúng ta, chính sự cố gắng mà có thể Chúa ban thưởng cho chúng ta, giống như Tổ phụ Apraham đã nói với ông nhà giàu: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.” (Lc 16, 25). Nên chúng ta hãy cố gắng từng ngày, hãy chịu đựng từng ngày, thì chắc chắn sự cố gắng, sự chịu đựng của chúng ta không vô ích. Amen.