13/10/2024
706
Suy niệm hằng ngày_ Tuần XXVIII Thường Niên







 

 

 



Chúa Nhật XXVIII Thường Niên

Kn 7,7-11; Dt 4,12-13; Mc 10,17-30


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Kn 7,7-11: Đem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không.

Tv 90,14: Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan.

Dt 4,12-13: Lời của Chúa phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn.

Mc 10,17-30: Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến theo Ta.

Trong sách Khôn ngoan, Salômôn ca ngợi sự khôn ngoan có giá trị hơn quyền lực hay sự giàu sang. Thánh vịnh 90 coi thời gian trên đất này là quý giá và kêu gọi Chúa giúp sức. Thư Do thái cho thấy giá trị của Lời Chúa. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu gợi ý cho biết là con người thì trọng hơn của cải; Chúa Giêsu yêu cầu ta hỗ trợ lẫn nhau. Tin Mừng bắt đầu bằng câu chuyện về một người gắn bó với sự giàu có của mình và tiếp tục với lời cảnh báo của Chúa Giêsu về cảm giác an toàn sai lầm mà sự thịnh vượng có thể tạo ra.

Chúa Giêsu mang đến một thông điệp trái ngược với một số tư tưởng truyền thống: coi sự giàu có là phúc phần của người tốt. Chúa Giêsu đang thách thức những ý tưởng này khi Ngài nói về những khó khăn thiêng liêng đối với người giàu. Sự giàu có có thể khiến họ tin rằng họ đã có mọi thứ; họ tin là có tiền thì an toàn, muốn gì được nấy. Tuy nhiên, tiền chỉ có giá trị trong thế giới của nó. Sự sống bất diệt được đan dệt bởi tình yêu thì ước chi ta xin Chúa ơn khôn ngoan để biết việc phải làm.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc có một thanh niên giàu có đến với Chúa Giêsu để hỏi Chúa Giêsu: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?”.

Chúa Giêsu nói, anh phải tuân giữ các giới răn. Anh cho biết, anh đã giữ từ khi còn trẻ.

Sau đó, Chúa Giêsu nói một điều gì đó mà chàng không mong đợi, “Anh chỉ thiếu một điều, là hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và anh sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Tôi”. Nghe vậy, anh buồn rầu bỏ đi, vì anh có nhiều của cải.

Chúng ta thấy ngay từ đầu người thanh niên này chỉ vì mình, đến để hỏi xem Chúa Giêsu làm gì để có được sự sống đời đời là vì mình, rồi giữ những điều luật từ thuở bé cũng là vì mình, vì giữ luật trọn thì đâu có đụng chạm đến người nào, chính vì thế khi Chúa Giêsu đề nghị anh bán tất cả tài sản cho người nghèo thì anh lại từ chối, nghĩa là cũng vì mình.

Hình ảnh của anh thanh niên này sống một cuộc đời chỉ biết vì mình, chúng ta cũng thấy nơi Phêrô cũng như các môn đệ khác, đó là sau câu chuyện đó, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!" thì Phêrô lên tiếng thưa với Chúa Giêsu: "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!", nghĩa là các môn đệ theo Chúa cũng là vì mình để được điều gì đó mà thôi.

Nhưng nói một cách công bằng thì chúng ta thấy khi con người sống vì mình thì cũng không có gì là sai cả, nếu chúng ta đi khảo sát, đi hỏi ý kiến thì ai cũng như vậy thôi, vì nếu không yêu mình, không vì mình thì làm sao có thể yêu người khác được, chính Chúa đã nói: “Hãy yêu người thân cận như chính mình”, nghĩa là yêu mình làm sao thì yêu người thân cận y như vậy. Chính vì thế, mà Chúa đã nói: “Không có tình yêu nào cao trọng bằng tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”, yêu người thân thân như chính mình là được rồi, là tốt rồi, nhưng hy sinh mạng sống cho người mình yêu đó là một tình yêu cao cấp hơn nữa.

Nhưng đằng này người thanh niên chỉ có yêu mình mà thôi, chứ không yêu người thân cận.

Chúng ta thấy nếu như con người của chúng ta chỉ vì mình mà không vì người khác thì điều gì sẽ xảy ra?

Như trang tin mừng hôm nay nói là anh thanh niên bỏ đi, nghĩa là anh từ bỏ ước muốn có được sự sống đời đời, từ bỏ ước muốn có được hạnh phúc thiên đàng.

Còn ngược lại nếu vì người khác sẽ hưởng được hạnh phúc thiên đàng, sẽ được ơn cứu độ. Trong tin mừng Luca có câu chuyện của ông Dakeu ông không chỉ ao ước gặp Chúa, mà khi gặp được rồi, ông còn làm điều hơn điều mà Chúa đòi hỏi ông nữa, cụ thể là khi Chúa ngỏ ý muốn đến ở nhà ông thì ông nói: Tôi xin bán tất cả tài sản mình có mà cho người nghèo, còn tôi làm thiệt hại ai điều gì, thì tội xin đền gấp bốn, và Chúa đã nói với Dakeu: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất." (Lc 19,9-10).

Vậy làm sao để có thể sống vì mình, và sống vì người khác? Chúng ta thấy sở dĩ anh thanh niên giàu có chỉ biết nghĩ đến mình, vì anh ta không nghĩ rằng tất cả những gì anh ta có, anh ta giữ đều là của Chúa ban cho anh ta, 10 điều răn cũng là điều luật Thiên Chúa ban, của cải anh đang có cũng là Thiên Chúa ban, anh không nghĩ ra được điều đó nên chỉ muốn nắm giữ, không muốn để lại cho người khác.

Có một câu chuyện kể về một cụ già đang lom khom miệt mài làm việc trong vườn cây ăn trái, tình cờ ông chủ tịch xã đi ngang qua.

“Chào cụ. Chắc hẳn cụ đã nhiều tuổi lắm?” – ông chủ tịch lên tiếng.

“À, tôi năm nay gần trăm tuổi rồi đấy” – cụ già trả lời.

“Ồ! Thế mà cụ vẫn đang trồng cây ăn trái?”

“Đúng vậy” – cụ già gật đầu.

“Này cụ” – ông chủ tịch lắp bắp, rất đỗi ngạc nhiên – “Chắc là cụ không nghĩ mình sẽ được hái quả của những cây mà cụ đang trồng đấy chứ? Tôi không hiểu cớ gì cụ phải tự hành khổ mình như vậy?!”.

“Dĩ nhiên, đây là công việc nhọc nhằn. Nhưng ông thử nghĩ xem, khi tôi đến với cuộc đời này, thì lúc ấy đã có sẵn bao nhiêu thứ tốt lành chờ đón tôi. Tôi muốn khi mình từ giã cuộc đời này, cũng có sẵn nhiều thứ tốt lành đón chờ bao người khác.”

Nên chúng ta thấy, chỉ khi nào con người của mình nghĩ được rằng mình đã lãnh nhận quá nhiều, nghĩa là tất cả những gì mình lãnh nhận đều là do Chúa ban cho mình, thì lúc đó chúng ta mới sẵn sàng cho đi, mới sẵn sàng để lại những thứ tốt đẹp cho cuộc đời như bà cụ trong câu chuyện.

Chúng ta thấy, có những người trúng số cứ sài xả láng vậy, vì không phải tiền mình làm ra không biết cực, nên không biết trân trọng, còn chúng ta thì khác, chúng ta biết trân trọng, biết cho đi, biết để lại những điều tốt đẹp cho cuộc đời chứ không phải ăn chơi xả láng.

Xin cho chúng ta hiểu được như vậy để sẵn sàng cho đi, chẳng sàng giúp đỡ, biết để lại những giá trị tốt đẹp cho cuộc đời này, để cùng giúp nhau trong đời sống hằng ngày, và trong đời sống đức tin. Amen.




Thứ Hai - Tuần XXVIII Thường Niên

(Gl 4,22-2.26-27.31-5,1; Lc 11,29-32)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Gl 4,22-24.26-27.31-5,1: Chúng ta không phải là con của nữ tỳ, nhưng là con của người vợ tự do.

Tv 113,2: Nguyện danh Chúa được chúc tụng đến muôn đời!

Lc 11,29-32: Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona.

Con người bị mất tự do khi phạm tội hay làm nô lệ cho tội lỗi. Người Kitô hữu có tự do thật sự khi thông phần vào đời sống của Đức Kitô qua Bí tích Thanh Tẩy. Sau khi rửa tội, con người được tự do nhưng khuynh hướng nghiêng chiều về tội lỗi vẫn còn đó. Vì vậy, niềm tin vào Chúa Kitô phải được nuôi dưỡng và lớn lên theo dòng thời gian chứ không phải chỉ căn cứ vào những dấu lạ để tin. Những dấu lạ điềm thiêng thì Chúa cũng cho xảy ra để củng cố đức tin và giúp con người vững mạnh hơn trong đời sống đức tin.

Chính Chúa Giêsu đã quở trách những người đòi hỏi những dấu lạ. Ngài gọi họ là “dòng giống gian ác”. Họ đã nghe biết về dấu lạ của Giona, sự khôn ngoan và thông thái của vua Salomon và họ đã tin. Còn Giona mới, Salomon mới quyền năng tột bậc và khôn ngoan vô cùng đang hiện diện với họ thì họ lại chẳng chịu tin, họ còn đòi hỏi thêm nữa. Chúa chẳng làm vừa lòng những kẻ ăn không ngồi rồi để chờ dấu lạ. Do đó, hãy dành thời gian để gẫm suy về cuộc đời của Chúa Kitô và ơn cứu độ Ngài ban để sống vững tin. Đồng thời biết bỏ đàng tội lỗi, lắng nghe lời khôn ngoan để có tự do thật sự.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc dân do thái đòi dấu lạ nhưng Chúa Giêsu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na. Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.”

Nghĩa là dân chúng có dấu lạ của ngôn sứ Giôna rồi, nhưng lại đòi dấu lạ nữa thì điều này là điều đáng trách.

Chúng ta hãy nhớ đến câu chuyện của anh thanh niên có nhiều của cải đến hỏi Chúa Giêsu làm gì để có được sự sống đời đời, Chúa kêu anh ta phải giữ luật, thì anh ta nói những điều đó anh ta đã giữ từ thuở bé, nhưng khi Chúa Giêsu kêu anh ta bán tất cả những gì mình có mà cho người nghèo thì anh lại không dám, vì đó là một sự mạo hiểm, vì anh chưa thấy được điều đó bao giờ. Chính vì thế, mà anh đã đánh mất cơ hội có được sự sống đời đời.

Câu chuyện này cho chúng ta thấy được điều này đó là Chúa không làm dấu chỉ, mà chính lời dạy của Chúa đó chính là dấu chỉ tốt nhất, mà đòi buộc con người phải thực hành theo, có như thế con người mới có thể đạt được điều mà mình mong muốn.

Hiểu được như vậy, chúng ta thấy trong cuộc đời của chúng ta nếu có dấu chỉ thì tốt, bởi vì nhờ dấu lạ mà chúng ta xác tín hơn về điều mà chúng ta tin, để chúng ta khẳng định về một điều gì đó, chẳng hạn như việc tôn phong các thánh, tại sao giáo hội lại tuyên phong một người nào đó làm thánh, vì giáo hội cầu xin Chúa tác động xin Chúa làm phép lạ để thấy được người đó đã được ở với Chúa trên thiên đàng, nên giáo hội mới dám tuyên phong, mới dám xác tín.

Bên cạnh đó, nếu không có dấu chỉ thì cũng không sao, chúng ta vẫn sống được, vẫn sống bình thường, chúng ta cứ sống theo lời Chúa dạy, để chính chúng ta là dấu chỉ tốt lành cho người khác noi gương bắt chước.Vì chúng ta biết, khi có dấu chỉ mà chúng ta không tin theo, giống như dấu lạ ngôn sứ Giôna thì sẽ bị luận phạt.

Có một người nói vui như thế này, người ta nói nói ai đó kêu vẽ rồng thì dễ, vẽ ma quỷ thì dễ, nhưng vẽ người thì khó, tại sao vậy?

Thưa vì rồng, vì ma quỷ chúng ta không thấy, chúng ta chỉ tưởng tượng ra thôi, muốn vẽ sao vẽ không ai nói được gì cả, còn vẽ người thì khó, vì người thì ai cũng biết nếu vẽ sai, vẽ xấu thì người ta sẽ biết nên khó vẽ.

Nghĩa là có dấu chỉ cũng tốt, mà không có dấu chỉ cũng không sao, vì như vậy chúng ta không bị ràng buộc theo kiểu đòi hỏi giống như những người do thái ngày xưa, có dấu chỉ mới tin không có dấu chỉ thì không tin, nhưng chúng ta cứ sống theo Lời Chúa dạy đó chính là dấu chỉ tốt nhất mà Chúa để lại cho chúng ta, vì lời Chúa là ngọn đèn soi cho chúng ta bước, là ánh sáng chỉ đường cho chúng ta đi. Amen.




Thứ Ba Tuần XXVIII Thường Niên
Thánh Nữ Têrêsa Avila, trinh nữ, Ts.HT. Lễ nhớ.

(Gl 5,1-6; Lc 11,37-41)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Gl 5,1-6: Cắt bì là vô giá trị, nhưng chỉ có đức tin hoạt động bởi đức mến.

Tv 119,41a: Lạy Chúa, xin rủ lòng thương xót đến con.

Lc 11,37-41: Hãy bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông.

Phaolô nói với người Galata: “Anh em thân mến, chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta. Anh em hãy đứng vững, đừng để bị đặt dưới ách nô lệ một lần nữa.” Ngài không đưa ra một tuyên bố chính trị. Phaolô nói rằng chúng ta sa ngã khỏi ân sủng khi tìm kiếm sự công bình theo luật pháp. Khi ta ràng buộc vào luật pháp, ta tách khỏi Đức Kitô. Điều này sẽ trở thành một ách nô lệ. Các sách Phúc âm cho thấy rằng Chúa Giêsu không quan tâm đến những gì người ta có thể nói hoặc những gì có thể được coi là hành vi đúng đắn về mặt chính trị.

Luật pháp và các nhiệm vụ xã hội được tạo ra để phục vụ chúng ta, không phải để chúng ta phục vụ chúng. Ta được tự do cho một mục đích lớn hơn là chỉ tuân theo các quy tắc và chuẩn mực của xã hội. Ý nghĩa hơn, ta được mời gọi nên thánh. Trong tâm tình tri ân, Giáo hội tưởng niệm người bạn của Chúa Giêsu, thánh Têrêsa Avila. Thánh nhân đã sống một cuộc đời thiêng liêng nhiều thăng trầm, nhưng sau khi đã quyết tâm sống nhiệm nhặt và dấn thân cải tổ đời tu trì thì ngài đã kiên quyết thực hiện việc theo Chúa Giêsu và phục vụ Ngài cho đến trọn đời. Thánh nữ đã chọn con đường hoàn hảo để nên thánh qua việc chiêm niệm về con người của Chúa Giêsu. Hãy thay đổi cách thức cũ của luật thành con đường nên thánh, và mọi việc sẽ tốt đẹp.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho.”

Và Chúa nói thêm: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.”

Chúng ta để ý câu nói cuối cùng của trang tin mừng đó là: Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.

Chúng ta hãy nhớ có lần Chúa Giêsu cũng đã mời gọi các môn đệ: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.

"Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5,13-16)

Như vậy, chúng ta thấy cuộc đời của chúng ta sinh nhiều hoa trái, hay khi chúng ta là muối cho đời là ánh sáng cho trần gian, không phải chỉ đem lại lợi ích cho bản thân ta, mà còn để làm vinh danh Chúa nữa.

Đó là cái nhìn hướng lên, còn nếu nhìn dưới cái nhìn hướng xuống khi cuộc đời chúng ta sinh nhiều hoa trái, hay khi chúng ta là muối cho đời là ánh sáng cho trần gian, thì chúng ta sẽ làm gương sáng cho người khác, để họ noi gương bắt chước chúng ta.

Trong nghi thức làm phép ảnh tượng có công thức như thế này: Lạy Chúa, Chúa không chê bác việc tạc vẽ ảnh tượng các thánh, để mỗi lần con mắt thể xác chúng con chiêm ngắm ảnh tượng đó, thì chúng con biết dùng con mắt ký ức để tưởng nhớ đến các hành vi của các ngài mà bắt chước.

Hiểu được như vậy, xin cho mỗi người chúng ta biết nhìn cuộc đời của các thánh mà bắt chước, vì các ngài là những mẫu gương tốt lành làm vinh danh Chúa, và làm gương sáng cho chúng ta, thì tiếp tục chúng ta cũng hãy làm gương sáng cho người khác, cũng như làm vinh danh Chúa qua hoa trái tốt lành trong cuộc đời của chúng ta. Amen.




Thứ Tư - Tuần XXVIII Thường Niên

(Gl 5,18-25; Lc 11,42-46)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Gl 5,18-25: Những ai thuộc về Đức Kitô, thì đóng đinh xác thịt cùng với các dục vọng vào thập giá.

Tv 1: Lạy Chúa, ai theo Chúa sẽ được ánh sáng ban sự sống (x. Ga 8,12).

Lc 11,42-46: Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái, và khốn cho các ngươi, hỡi những tiến sĩ luật.

Những ai sống yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lành, khoan dung, dịu hiền, trung trực, đức hạnh, tiết độ, trinh khiết thì hợp với luật Chúa, vì đó là những hoa quả của Thánh Thần. Luật Chúa làm nên để cho con người biết sống hòa hợp Chúa và với nhau. Luật yêu thương chứ không phải luật để cạnh tranh, bóc lột, chèn ép, tư lợi. Những ai càng thông luật mà không giúp ích gì được cho dân, ngược lại còn làm cho người ta uất ức, căm phẫn, bất phục thì còn bị người đời nguyền rủa và chính Chúa Giêsu cũng lên án họ.

Thánh vịnh 1 giúp ta tìm được niềm an ủi. “Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày.” Vậy, với Lời Chúa thì chúng ta cũng biết những gì nên làm và những điều nên tránh. Hãy sống trong Chúa Thánh Thần để lớn lên trong vui tươi, an bình nhằm tiến bước trên con đường nên thánh mỗi ngày. Đồng thời, làm theo Lời Chúa thì sẽ được ánh sáng ban sự sống. Sự sống đời đời ở bên Chúa sẽ dành cho những ai sống theo đường lối tinh toàn.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa nói với những người biệt phái: “Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào.”

Nhưng nếu đào sâu thêm một chút nữa chúng ta thấy nếu họ bắt người khác vác nặng nhưng thật ra là chính họ đang chất gánh nặng cho mình, tại sao vậy.

Chúng ta hãy nhớ câu chuyện ông phú hộ giàu có có nhiều của cải mới nghĩ bụng rằng: "Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu! Rồi ông ta tự bảo: "Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã! Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó." (Lc 12, 17-21).

Hay câu chuyện ông nhà giàu và anh Ladaro nghèo khổ, không để ý đến cảnh nghèo hèn của Ladaro, nên khi chết người ta đem ông đi chôn, ông xuống hỏa ngục chịu cực hình muôn kiếp, còn anh Ladaro nghèo khổ thì được đưa vào lòng tổ phụ Apraham.

Nghĩa là con người chúng ta không chỉ có sự sống ở đời này mà còn có sự sống ở đời sau, nếu chúng ta bắt người khác vác gánh nặng, thì điều này đồng nghĩa với việc chính chính ta đang đeo gông cho chúng ta.

Còn nếu nhìn cái nhìn đời này cũng vậy nếu chúng ta chỉ biết chất những gánh nặng cho người khác, thì chúng ta sẽ không trưởng thành nổi, lúc nào cũng phải biết sống dựa vào người khác. Thực tế đời sống ngày nay cho chúng ta thấy giới trẻ ngày nay đã và đang sống như vậy, không biết làm gì cả, rồi nhiều khi cả người lớn nữa, khỏi cần phải đi chợ, cứ ngồi ở nhà alo là có người ship đồ ăn, ship hàng tới nhà.

Nên chúng ta thấy khi người khác có chất gánh nặng cho chúng ta có thể chúng ta buồn, nhưng chúng ta hãy suy nghĩ lại, hãy suy nghĩ sâu hơn, đó là hãy xem đó như là cơ hội để học hỏi, để lớn lên từng ngày, nên đừng buồn.

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy, để đừng chất gánh nặng lên vai người khác, mà mỗi người cùng sang sẻ với nhau, để cùng nhau, chúng ta có cơ hội được lớn lên, được hoàn thiện mỗi ngày, được gần nhau. Amen.




Thứ Năm Tuần XXVIII Thường Niên
Thánh Ignatiô Antiôchia, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ.

(Ep 1,1-10; Lc 11,47-54)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Ep 1,1-10: Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian.

Tv 98,2a: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người.

Lc 11,47-54: Sẽ bị đòi nợ máu của các tiên tri đã đổ ra, kể từ máu của Abel cho đến máu của Dacaria.

Những lời của Thánh Phaolô nhắc nhở về các phúc lành của chúng ta trong hầu hết các khía cạnh của cuộc sống. “Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã chúc lành cho chúng ta bằng mọi phúc lành thiêng liêng trên trời, trong Đức Kitô. Như Ngài đã chọn chúng ta.… Trong Người, chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ máu Người, được ơn tha tội theo sự phong phú của ân sủng Ngài.” Sống trong ân sủng của Chúa nhưng thời gian trên đất này chỉ là tạm thời. Mọi người sẽ sống với những cảm giác khổ đau, vui vẻ và thích thú lẫn lộn.

Trong Đức Kitô, chúng ta có ơn cứu chuộc. Chúa Giêsu đã ban sự sống của Ngài cho chúng ta; do đó, ta có thể có hy vọng và nhìn xa hơn những bi kịch đang ám ảnh cuộc sống của chúng ta. Người Êphêsô và các cộng đồng Kitô hữu khác đã được ban phúc khi nghe lời chứng của Thánh Phaolô về Đức Kitô Phục sinh và tin tức về sự cứu rỗi và ơn cứu chuộc. Thật diễm phúc biết bao khi chúng ta đọc được những thông điệp này và mở rộng tâm hồn để có thể để Chúa Giêsu ở với chúng ta và trong chúng ta! Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người. Do đó, chúng ta theo Ngài trong phúc lành của Chúa.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

TẠI SAO XE CẦN CÓ PHANH ?

Trong 1 giờ học vật lý, thầy giáo bỗng hỏi cả lớp:

 "Tại sao trong ô tô lại cần có phanh xe?".

Câu hỏi dường như quá đơn giản, 1 học sinh đã xung phong trả lời:

"Thưa thầy, là để dừng xe".

"Theo em là để giảm và kiểm soát tốc độ của xe" - 1 học sinh khác có ý kiến.

 "Để tránh va chạm ạ" - 1 học sinh nữa đứng lên trả lời.

Sau đó, đa số các học sinh cũng đều có những câu trả lời tương tự. Thấy vậy, thầy giáo mỉm cười và nói ra đáp án của mình:

"Tôi đánh giá cao tất cả các câu trả lời của các em, tuy nhiên, tôi lại có góc nhìn của riêng mình. Theo tôi, phanh xe trong ô tô là để giúp nó chạy nhanh hơn".

Nghe thấy vậy, các học sinh đều ngơ ngác nhìn nhau không hiểu thầy giáo đang nói gì. Lúc này, thầy giáo mới từ tốn giải thích:

"Thế này nhé, giả sử chiếc ô tô chúng ta đang đi không có phanh, thì các em sẽ dám lái nó với tốc độ tối đa là bao nhiêu? Chắc chắn là vì không có phanh nên các em sẽ không dám đi nhanh đúng không? Chính vì thế, chiếc phanh đã cho chúng ta dũng khí để lái nhanh hơn".

Tất cả các học sinh đều im lặng. Đây là điều các em chưa từng nghĩ tới. Thầy giáo tiếp tục:

"Tương tự như vậy, trong cuộc sống này cũng có rất nhiều chiếc phanh cho chúng ta. Chúng chính là những khó khăn, thử thách kìm hãm chúng ta vào 1 lúc nào đó.

Thế nhưng, sao ta không nhìn khác đi? Sao không cho rằng chúng cũng chính là động lực để ta tiến nhanh về phía trước? Để giúp chúng ta an toàn và tránh được những nguy hiểm, rủi ro? Giống như chiếc phanh vậy. Đôi khi, để đi được nhanh hơn, chúng ta cần phải dừng lại hoặc lùi về phía sau. Chúng ta nên biết ơn những chiếc phanh như vậy".

Đến đây, nhiều học sinh từng so sánh cha mẹ họ giống như những cái phanh luôn níu kéo kìm hãm họ, luôn đạp thắng trong khi họ đang muốn đạp ga xả láng, chợt bừng tỉnh hiểu ra:

Vì cha mẹ họ muốn họ đi nhanh hơn, an toàn hơn trong cuộc đời.

Tương tự nhue vậy, Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh hạt lúa mì gieo vào lòng đất nếu nó không chết đi sẽ không sinh nhiều bông hạt, để cho các ông thấy giống như chiếc phanh xe, để các ông không sợ mà dấn thân tiến bước, dấn thân hy sinh, phục vụ Chúa và phục vụ anh em mình.

Và nếu mở rộng ra thêm là cuộc đời của chúng ta cần có Chúa, có Chúa để chúng ta được bảo đảm về đời sống đức tin cũng như về đời sống thường ngày của chúng ta, để Chúa soi sáng hướng dẫn chúng ta, để chúng ta biết việc phải làm, còn nếu chúng ta không biết cậy dựa vào Chúa, mà chỉ dựa vào sức mình, chúng ta rất dễ đi lạc đường, rất dễ rơi vào các cơn cám dỗ.

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy, để đừng sợ hãi hay ngại hy sinh phục vụ, nhưng cứ dấn thân phục vụ, vì có Chúa bảo đảm cho chúng ta tất cả mọi sự. Amen.




Thứ Sáu Tuần XXVIII Thường Niên
Thánh Luca, tác giả sách Tin Mừng (LK)

(2Tm 4,10-17b; Lc 10,1-9)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

2 Tm 4,9-17a: Chỉ còn một mình Luca ở với cha.

Tv 145,12: Lạy Chúa, con cái Chúa làm cho loài người nhận biết vinh quang cao cả nước Chúa.

Lc 10,1-9: Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít.

Bài Tin mừng hôm nay là một gợi ý rất hữu ích trong rao giảng Đức Kitô và mục vụ thăm viếng. Theo phép xã giao, khi vào nhà ai thì ta chào hỏi gia chủ. Với môn đệ của Chúa, Ngài dạy rằng khi vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’. Bình an mà ta trao cho nhau là bình an của Thiên Chúa. Nếu người ta vui vẻ đón nhận thì tốt, còn chủ nhà không nhận bình an, thì bình an sẽ ở lại nơi người mang nó.

Bình an là một điều gì đó vô hình nhưng có thể cảm nhận được. Kinh nghiệm thăm viếng cho thấy người rao giảng với nụ cười niềm nở, vẻ mặt hiền lành, lời nói dễ nghe với lòng thành thật và khiêm nhường thì người đón nhận sẽ có bình an. Người môn đệ của Chúa được sai đi để đem bình an và rao giảng về Chúa. Do đó, ta học hỏi nơi Chúa để có thể chữa trị những bệnh tật về phần xác và hồn để góp phần đem bình an cho người nhận. Thánh Luca mà Giáo hội tôn kính hôm nay là một gương sáng trong việc thực hành những điều Chúa dạy. Hơn thế nữa, ngài đã ghi lại những gì được Chúa soi sáng, linh hứng để lưu truyền cho hậu thế. Nhờ ngài, ta có những bài học sống động, tuyệt vời cả trong lý thuyết lẫn thực hành.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt, vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.

Điều này cho chúng ta thấy được điều gì? Thưa cho chúng ta thấy được Chúa Giêsu muốn các môn đệ hãy biết tận dụng ơn Chúa ban cho mình, và sử dụng ơn đó trong cuộc đời của mình.

Nhưng hãy nhớ là tận dụng ơn Chúa ban để sử dụng ơn để làm vinh danh Chúa, và mưu ích các linh hồn, chứ không phải tận dụng để làm những điều sai trái, hay thậm chí là chỉ làm lợi cho mình.

Có một ông nhà giàu nọ, một hôm đi tản bộ chung quanh ngôi biệt thự rất sang trọng của mình, bất chợt ông thấy có rất nhiều người ăn xin, ngồi lê lếch trước của nhà của ông, rất đáng thương. Thế là ông nhà giàu tỏ vẻ buồn bực, ông ngước mắt lên trời và nói với Chúa rằng: Lạy Chúa, Chúa nói Chúa thương con người, nhưng sao Chúa lại để nhiều người phải chịu cảnh nghèo đói khốn cực thế này, Chúa nói xạo quá. Nói xong như vậy, ông nhà giàu mất cả hứng thú đi dạo, ông bỏ vào nhà và đánh một giấc. Đêm hôm ấy, Chúa Giêsu hiện ra với ông trong giấc mơ và bảo, này con Ta đã giúp họ rồi, nói xong Chúa liền biến mất. sáng hôm sau khi vừa thức dậy ông nhà giàu chạy vội ra ngoài, kiểm chúng xem hôm qua chúa nói có thiệt không, thế nhưng khi nhìn ra bên ngoài thì những con người nghèo vẫn còn y nguyên. Ông ta lại một lần nữa bực mình và nói: Chúa nói, Chúa Giúp mà con chẳng thấy Chúa giúp gì cả, người nghèo vẫn còn y nguyên, Chúa xạo quá, lần này có một tiếng nói xoáy vào lòng ông: Ta đã giúp họ rồi, khi Ta đã sinh ra con, Ta đã cho con có tiền của dư vật, để con có thể chia sẻ với những người túng thiếu.

Hôm nay chúng ta mừng lễ thánh Luca, thánh nhân đã tận dụng ơn Chúa ban để viết sách tin mừng, để cho người ta thấy được tình thương của Chúa, viết sách công vụ tông đồ, để kể về hoạt động của các tông đồ để mưu ích cho người khác.




Thứ Bảy Tuần XXVIII Thường Niên

(Ep 1,15-23; Lc 12,8-12)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Ep 1,15-23: Thiên Chúa tôn Đức Kitô làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài.

Tv 8,7: Chúa đã đặt con Chúa cai trị các công trình tay Chúa tác thành.

Lc 12,8-12: Trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào.

Lời Chúa kêu gọi ta suy ngẫm về mối liên hệ của ta với Chúa Kitô, và quyền năng của Ngài đối với những ai tin. Tin Mừng này vẫn nguyên giá trị gần 2000 năm. Trong đó, Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, nơi bị đóng đinh vì tội lỗi của chúng ta và cuối cùng chiến thắng cái chết. Giống như các tông đồ, ta có một sự lựa chọn để thực hiện. Thời đó các môn đệ không biết điều gì đang chờ đợi họ ở Giêrusalem. Điều tương tự cũng đang xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của ta.

Họ được đảm bảo rằng nhờ đức tin nơi Ngài, Chúa Thánh Thần sẽ ban cho sự khôn ngoan và hiểu biết. Vì vậy, tôi cố gắng tiếp tục sống đức tin của mình mà không ngại ngùng với tư cách là môn đệ của Đức Kitô. Hy vọng rằng tôi là một nhân chứng tốt cho sự thật của Ngài. Tôi được đảm bảo rằng “Chúa Thánh Thần” sẽ dạy nếu tôi cởi mở và sáng suốt. Thánh Tôma Aquinô kinh nghiệm rằng, “Đối với người có đức tin, không cần giải thích. Đối với người không có đức tin, không thể giải thích.”




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa dạy các môn đệ hãy tin vào Chúa Thánh Thần: “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói."

Nói như vậy, thì cuộc đời của các môn đệ phải có thánh thần, nếu không có thánh thần thì làm sao mà thánh thần dạy phải biết nói gì.

Trong cựu ước chúng ta nhớ đến câu chuyện dân do thái đi trong sa mạc, Thiên Chúa ban cho họ manna nhưng ăn manna mãi cũng ngán, nên họ kêu trách đòi ăn thịt, Thiên Chúa nói giận, và Môse nói với Chúa: “Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài? Tại sao con lại không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên con?

Có phải con đã cưu mang tất cả dân này không? Có phải con đã sinh ra nó không mà Ngài lại bảo con: "Hãy bồng nó vào lòng, như vú nuôi bồng trẻ thơ, mà đem vào miền đất Ta đã thề hứa với cha ông chúng? Con lấy đâu ra thịt cho cả dân này ăn, khi chúng khóc lóc đòi con: "Cho chúng tôi thịt để chúng tôi ăn? Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con. Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn -ấy là nếu con đẹp lòng Ngài! Đừng để con thấy mình phải khổ nữa! "

Bấy giờ Chúa mới kêu Môse chọn 70 người trong số kỳ mục, để Chúa ban Thần khí cho họ, để họ cùng gánh vác với ông, khi Chúa ban thần khí, thì họ bắt đầu phát ngôn, nhưng việc đó không tái diễn nữa.” (x. Ds 11, 1-25).

Rồi trong sách công vụ tông đồ, có kể câu chuyện trong ngày lễ ngũ tuần mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.

Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình.” (Cv 2, 1-6).

Rồi sau đó Phêrô rao giảng về Chúa Kito chịu đóng đinh, thì có khoảng 3000 người tin theo đạo.

Đó là những bằng chứng đức tin khi lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần, xin cho mỗi người chúng ta biết tin vào lời dạy của Chúa, tin vào quyền năng của Chúa Thánh Thần, để mở lòng ra xin Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn cuộc đời của mỗi người chúng ta để chúng ta sống tốt lành thánh thiện, để chúng ta có thể lợi khẩu trả lời cho những chất vấn của người khác về niềm hy vọng của chúng ta. Amen.