06/10/2024
1052
Suy niệm hằng ngày_ Tuần XXVII Thường Niên







 

 

 





Chúa Nhật XXVII Thường Niên

St 2,18-24; Dt 2,9-11; Mc 10,2-16



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

St 2,18-24: Cả hai nên một thân thể.

Tv 128,5: Nguyện Chúa chúc phúc cho chúng con hết mọi ngày trong đời sống chúng con.

Dt 2,9-11: Đấng thánh hóa và những người được thánh hóa, tất cả đều do một nguồn gốc.

Mc 10,2-16: Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ.

Các bài đọc hôm nay cho ta thấy ước mong của Chúa dành cho con người. Con người hiện diện trên trần gian cần có sự hòa hợp trong những mối tương quan: với Đất Trời, vạn vật, người khác và với chính bản thân mình. Trong tương quan vợ chồng thì chồng cần hòa hợp với vợ vì như lời Chúa dạy trong sách Sáng thế: “Cả hai nên một thân thể.” Trong tương quan gia đình thì cha mẹ hợp nhất với con cái, anh chị em yêu thương, tôn trọng, đùm bọc lẫn nhau. Với những mối liên hệ xã hội thì những người thân cận thì quan tâm, chăm sóc cho nhau. Điều đó cho thấy quy luật hợp nhất đã có từ xưa. Thư Do thái xác định rõ là “Đấng thánh hóa và những người được thánh hóa, tất cả đều do một nguồn gốc.”

Đoàn kết là sức mạnh và yêu thương trong sự hợp nhất sẽ giúp cho con người hướng đến những điều tốt đẹp. Ý định của Thiên Chúa là mong muốn con người được hạnh phúc và bình an ngay ở đời này. Còn phần thưởng Nước Trời luôn có sẵn cho những ai biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Do đó, hãy chấp nhận Nước Trời trong tất cả vinh quang, tràn đầy tình yêu thương hợp nhất với sự đơn sơ của một đứa trẻ. “Nguyện Chúa chúc phúc cho chúng con hết mọi ngày trong đời sống chúng con.”




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay có hai phân đoạn, phân đoạn thứ nhất là câu hỏi về có được phép ly dị hay không của người do thái và câu trả lời của Chúa Giêsu.

Phân đoạn hai là nói về việc đón tiếp trẻ nhỏ.

Nếu đọc sơ qua chúng ta thấy hai phân đoạn này dường như rời rạc nhau.

Nhưng nếu tìm hiểu sâu thì hai phân đoạn này có mối liên hệ với nhau, vậy nó liên hệ ở chỗ nào?

Phân đoạn 1 nói về việc ly dị mà luật Môse cho phép, sách đệ nhị luật cho biết: “Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà. Ra khỏi nhà người ấy, nếu nàng đi lấy chồng khác, mà người chồng sau lại ghét bỏ nàng, viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà, hoặc nếu người chồng sau đã lấy nàng làm vợ mà chết, thì người chồng đầu tiên đã đuổi nàng đi không thể lấy nàng làm vợ một lần nữa, sau khi nàng đã ra ô uế. Đó là điều ghê tởm trước nhan ĐỨC CHÚA; anh (em) không được làm cho miền đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em) làm gia nghiệp, phải mang tội.”  (Đnl 24,1-4).

Như vậy nguyên nhân của ly dị là do người do thái lòng chai dạ đá, hay nói cách khác ly dị mà một cách thức không chấp nhận người khác, muốn đẩy người khác ra khỏi cuộc đời của mình, để mình được tự do.

Còn phân đoạn thứ hai thì Chúa Giêsu dạy phải đón tiếp trẻ nhỏ, đón tiếp trẻ nhỏ không chỉ là đón tiếp các em ở sự dễ thương mà đón tiếp sự trái tính trái nết của các em, để biến đổi cái trái tình trái nết đó thành thuận tính thuận nết.

Bên cạnh đó, ở phân đoạn 2, Chúa Giêsu cũng mời gọi phải có tâm tình của trẻ thơ, chúng ta biết trẻ thơ thì nó cần điều gì? Thưa nó cần người khác đón nhận mình, nên có tâm tình của trẻ thơ là nghĩ chính mình cần được người khác đón nhận, chứ đừng nghĩ rằng người khác cần mình đón nhận.

Tâm tình của trẻ thơ là tâm tình của sự dễ thương mà làm cho người ta không thể từ chối được, hay người lớn phải hồi tâm chuyển ý về tâm tình vô tư của trẻ con.

Có một câu chuyện kể về một người phụ nữ đi chợ ngang qua hàng ăn thấy một bé trai khoảng bốn tuổi cứ nắm áo mẹ thút thít khóc tôi ngạc nhiên đứng lại nhìn.

- Có ăn không thì bảo ? Người mẹ quát to

Đứa bé lắc đầu - Con không ăn, con ghét mẹ.

- À không ăn thì mẹ mua cho bố đừng có mà đòi phần nhé !

Hai chân dậm liên tục, cháu nức nở khóc - Mẹ mua phần cho bà Nội rồi con mới chịu.

Chị ta lắc đầu - Nhưng hết tiền rồi, không đủ mua cho bà Nội.

Cháu chỉ vào chiếc bóp - Còn nhiều trong này, con thấy rồi mẹ đừng nói dối, bà Nội dặn con không được nói dối . .. Con biết bà nội rất thích ăn phở.

Tự nhiên tôi thấy mặt người phụ nữ giãn ra, không còn giận dữ như lúc đầu, đưa tay xoa đầu con chị nói với người bán phở - Gói thêm cho tôi một phần nữa nhé !

Đứa bé vừa khóc vừa hỏi - Mẹ mua cho ai ?

Người mẹ cười -Mẹ mua cho bà Nội.

Cháu ôm chầm hai chân của Mẹ reo lên- Con thương Mẹ nhất...

Tôi quay đi mà nước mắt bỗng rơi. Ôi tấm lòng đứa trẻ đã lay động người con dâu vô tình với mẹ chồng làm cho mọi người đang ngồi ăn quanh đó chắc cũng có người bừng tỉnh... Thế đấy ! Đừng tưởng con nít không biết gì nhé.

(Hay chuyện xin cha để cái sọt lại)

Nên chúng ta thấy tâm tình của trẻ thơ là như vậy vô tình, vô tư, nhưng đôi lúc cũng hữu ý, cũng đánh động tâm hồn của người khác.

Trở lại vấn đề của chúng ta, như thế hai phân đoạn kết nối với nhau đó là phân đoạn thứ hai như là cách thức, là phương pháp mà Chúa Giêsu giúp cho con người sống tương quan gia đình của mình, nếu như ở trên ly dị là đẩy người khác ra khỏi cuộc đời của mình, thì bên dưới là đón nhận người khác, phải làm cho mình thấy mình thật sự cần người khác, và để như vậy cần có tâm tình của trẻ thơ, cần đón nhận trẻ thơ, như đón nhận Chúa.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta có được tâm tình đó, để sống điều Chúa dạy không chỉ trong đời sống hôn nhân gia đình, mà còn trong mọi hoàn cảnh sống của cuộc đời của mỗi người chúng ta, để đời sống của chúng ta sinh được nhiều hoa trái tốt đẹp. Amen.




Thứ Hai - Tuần XXVII Thường Niên

Lễ Đức Mẹ Mân Côi

(Cv 1,12-14; Lc 1,26-38)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 1:12-14: Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu.

Đc: Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn (Lc 1,49).

Lc 1,26-38: Này Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một Con trai.

Kinh Mân Côi có chất liệu từ Kinh Thánh. Kinh Thánh là nguồn của Tin, Yêu, và Hy Vọng. Người đọc kinh Mân Côi thì như là đang đọc những lời của Tin mừng trong tâm tình tin tưởng, mến yêu và phó thác cùng với Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Hội Thánh. Chính Chúa Giêsu đã liên kết mật thiết với Chúa Cha qua những lời thân thưa như là ngợi khen Thiên Chúa, cầu xin… như Ngài đã dạy các môn đệ cầu nguyện trong kinh Lạy Cha. Với Đức Mẹ, Mẹ khiêm tốn đón nhận những gì Chúa gửi đến và hân hoan thốt lên những lời ca khen Chúa: Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn (Lc 1,49). Cụ thể, kinh Kính Mừng là những lời rút gọn của mầu nhiệm cứu độ. Giáo hội đã thừa hưởng những nét đẹp huyền diệu từ Chúa và Mẹ, để rồi cùng chung tiếng ngợi khen Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong kinh Sáng Danh.

Mẹ Maria đã cầu nguyện, Chúa Giêsu cũng cầu nguyện. Chính Chúa và Mẹ đã dạy các con cái của mình cầu nguyện và phải biết khẩn cầu như thế nào cho đẹp lòng Chúa. Chẳng những lời kinh làm hài lòng Chúa mà còn giúp ích cho chính người cầu nguyện. Kinh Mân Côi thật tuyệt vời.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc thiên thần truyền tin cho Đức Maria, khi gặp Đức Maria, thiên thần đã nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.”

Trong kinh kính mừng chúng ta thường đọc có câu: “Kính mừng Maria đầy ơn phước, đức chúa trời ở cùng bà, bà có phước lạ hơn mọi người nữ”.

Như vậy, chúng ta thấy Đức mẹ là người đẹp lòng Thiên Chúa nên Chúa đã chọn Đức Mẹ để cộng tác với Thiên Chúa vào công trình cứu độ, nghĩa là Đức mẹ không chỉ đẹp lòng Thiên Chúa trong giây phút hiện tại của cuộc đời mẹ, mà Thiên Chúa còn nhìn thấy trước được Mẹ đẹp lòng Thiên Chúa sau này nữa.

Trong sách công vụ tông đồ có một cuộc tranh chấp giữa những người kito hữu gốc do thái và những người kito hữu gốc dân ngoại, chúng ta biết những người do thái là những người được cắt bì, chính vì thế mà những người kito hữu gốc do thái đòi hỏi những người ngoại muốn là kito hữu phải chịu phép cắt bì y như họ, rồi sau đó mới chịu phép rửa tội.

Sau đó có diễn từ của Phêro cho rằng: “Thưa anh em, anh em biết: ngay từ những ngày đầu, Thiên Chúa đã chọn tôi giữa anh em, để các dân ngoại được nghe lời Tin Mừng từ miệng tôi và tin theo. 8 Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm can đã chứng tỏ Người chấp nhận họ, khi ban Thánh Thần cho họ cũng như đã ban cho chúng ta. 9 Người không phân biệt chút nào giữa chúng ta với họ, vì đã dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ. 10 Vậy bây giờ, sao anh em lại thử thách Thiên Chúa, mà quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta đã không có sức mang nổi? 11 Vả lại, chính nhờ ân sủng Chúa Giê-su mà chúng ta tin mình được cứu độ, cùng một cách như họ." (Cv 15, 7-11). Giacobe cũng đã đồng ý với Phêrô.

Chúng ta để ý chi tiết ngay từ đầu Thiên Chúa đã chọn dân do thái giữa dân ngoại làm dân của Chúa, nghĩa là ngay từ đầu Thiên Chúa đã chọn tổ phụ của họ là Apraham, để từ Apraham mà Thiên Chúa đã tạo lập một dân tộc, một dân tộc thuộc về Chúa, điều này cho cũng cho thấy Apraham là người đẹp lòng Chúa, vì khi được Chúa kêu gọi ông đã vâng nghe theo Lời Thiên Chúa.

Nói như vậy để chúng ta thấy những người được Chúa chọn là những người được đẹp lòng Chúa, chúng ta hãy nhớ là đẹp lòng Chúa chứ không phải đẹp lòng chúng ta, nghĩa là Chúa chọn những người Chúa muốn, Chúa chọn theo tiêu chuẩn của Chúa.

Rồi chúng ta hãy nhớ câu chuyện ông Apraham đã trả giá với Chúa, hay nói cách khác là ông đã cầu xin với Chúa cho dân thành Xơdơm để Chúa đừng trừng phạt dân thành Xơdom, ông nói với Thiên Chúa: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao? Ngài làm như vậy, chắc không được đâu! Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao? " ĐỨC CHÚA đáp: "Nếu Ta tìm được trong thành Xơ-đôm năm mươi người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó."

Ông Áp-ra-ham lại nói: "Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa: Giả như trong số năm mươi người lành lại thiếu mất năm, vì năm người đó, Ngài sẽ phá huỷ cả thành sao? " Chúa đáp: "Không! Ta sẽ không phá huỷ, nếu Ta tìm được bốn mươi lăm người." Ông lại thưa một lần nữa: "Giả như trong thành tìm được bốn mươi người thì sao? " Chúa đáp: "Vì bốn mươi người đó, Ta sẽ không làm."

Ông nói: "Xin Chúa đừng giận, cho con nói tiếp: Giả như ở đó có ba mươi người thì sao? " Chúa đáp: "Nếu Ta tìm được ba mươi người, Ta sẽ không làm." Ông nói: Con xin mạn phép thưa với Chúa: "Giả như tìm được hai mươi người thì sao? " Chúa đáp: "Vì hai mươi người đó, Ta sẽ không phá huỷ." Ông nói: "Xin Chúa đừng giận, cho con nói một lần này nữa thôi: Giả như tìm được mười người thì sao? " Chúa đáp: "Vì mười người đó, Ta sẽ không phá huỷ Xơ-đôm." (St 18, 23-32).

Chúng ta thấy Apraham cầu bàu cùng Thiên Chúa được Thiên Chúa nhậm lời, thì Đức Mẹ cũng là người đẹp lòng Thiên Chúa, chắc chắn lời cầu nguyện của mẹ cũng được Chúa nhậm lời như vậy, nên hôm nay lễ Mân côi mẹ đã để lại cho chúng ta một phương thế để nối kết ta với mẹ, nên ta hãy siêng năng lần hạt mân côi, để nhờ mẹ chuyển cầu cho chúng ta, chắc chắn Chúa sẽ nhậm lời mỗi người chúng ta. Amen.




Thứ Ba Tuần XXVII Thường Niên

(Gl 1,13-24; Lc 10,38-42)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Gl 1,13-24: Người đã mạc khải cho tôi biết Con của Người, để tôi rao giảng Người cho dân ngoại.

Tv 139,24b: Lạy Chúa, xin hướng dẫn con trong đường lối đời đời.

Lc 10,38-42: Martha rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất.

Trên con đường nên thánh không có hai linh hồn nào giống nhau hoàn toàn. Tất cả đều cố gắng yêu mến Thiên Chúa, nhưng theo phong cách và cá tính của riêng mình. Hình mẫu của ta là Chúa Kitô và Mẹ Maria.

“Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với” (Lc 10,40). Được phục vụ người khác, vì tình yêu thương của Chúa, là một vinh dự, không phải là gánh nặng. Ta có vui mừng phục vụ như Mẹ Maria đã làm với người chị họ Elisabeth,  hay với quan khách trong tiệc cưới tại Cana; hay như Chúa Giêsu đã làm khi rửa chân cho Tông đồ trong Bữa Tiệc Ly không?

“Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi” (Lc 10,41-42). Sự hiện diện của Chúa là quan trọng nhất. Thánh Inhaxiô, Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Josemaria…khám phá ra những điều thánh thiện, tươi đẹp ẩn chứa trong những tình huống bình thường nhất trong cuộc sống hằng ngày. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đang hiện diện cùng gia đình, Martha không cần phải rối lên. Ở bên Chúa và với Chúa là việc cần nhất. “Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất” (Lc 10,42). Mọi ngả đường nên thánh đều hướng về Chúa và vì Chúa, như Martha và Maria.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc cô Matta đang chọt với Chúa Giêsu về cô em của mình là Maria, Matta nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay! "

Chúng ta thử suy nghĩ xem là chọt để làm gì? Trong bài tin mừng này thì Matta chọt để Chúa nói Maria giúp đỡ mình, nhưng nếu tìm hiểu sâu hơn, chúng ta sẽ thấy đôi lúc chọt để người ta chú ý đến mình, rồi cũng có thể chọt là thấy người khác sai còn mình đúng, nói theo ngôn ngữ vui vui đó là “Soi thành tội”, soi để thấy tội của người khác.

Trong đời sống của chúng ta đôi lúc chúng ta cũng chọt, cũng soi người khác, để đổ lỗi cho người khác, nhưng nhiều khi chính cái soi, chính cái chọt đó lại làm hại đến chính mình, vì khi chọt người khác thì phải để cho người khác thấy được chính mình, để so sánh mình với người khác, và vô tình người ta sẽ biết được con người của mình như thế nào. Matta đã nói với Chúa Giêsu: Em con để con phục vụ Thầy không thấy sao, nghĩa là chị cho biết chị đang phục vụ, cho người ta biết về mình.

Có một câu chuyện vui mang tên Chó kiện diêm vương được kể như thế này:

Ở dương gian lũ chó bị bắt làm thịt, chúng nó uất ức mới đội đơn vô Diêm Vương kiện.

Một con chó đại diện tâu: Thư Diêm Vương, ở dương gian người ta nuôi chúng tôi, chúng tôi hết dạ trung thành, nào giữ cửa giữ nhà, ngăn ngừa trộm đạo, bắt chuột, săn nai, săn thỏ... Chúng tôi rất trung thành với chủ thế mà một bữa nọ không biết nhằm ngày gì họ bắt chúng tôi làm thịt.

Diêm vương hỏi: Họ dữ đến thế à, rồi sao nữa?

Dạ họ buộc bốn chân chúng tôi lại rồi họ cắt cổ làm chúng tôi đau đớn vô cùng, có đứa bị bỏ vô bao bố buộc lại rồi liệng xuống nước, bị uống nước ngộp thở chết nữa. Khi chết rồi, họ đổ nước sôi cạo lông chúng tôi trắng bóc. Họ mổ bụng lấy hết gan ruột ra, rồi họ lấy một cái cây dài họ buộc từ đầu tới đuôi và họ gác chúng tôi lên bốn cái cây tréo, ở dưới họ đốt rơm. Họ cầm cái cây dài quay trọn như quay lô tô, lần lần da chúng tôi vàng ườm thơm phức. Lúc đó họ mới chặt chúng tôi ra từng miếng nhỏ, ôi dao bén phân thây. Phần thì họ rô ti với nước dừa xiêm, phần thì nấu với cari nước cốt dừa, ôi mùi thơm phưn phức, phần thì họ làm rựa mận, còn sườn thì họ muối sơ, bữa sau họ nướng trên lửa, mỡ rơi trên than hồng xèo xèo, bốc khói thơm phức, họ ăn với cơm. Họ kéo tới năm bảy người, họ chấm chúng tôi với nước mắm và họ ăn uống ồn ào với bia lađe, rượu đế. Vừa ăn họ vừa khen không ngừng miệng thơm quá, ngon quá và họ còn nói: "Sống trên đời không ăn thịt chó, Chết đi rồi thịt chó đâu mà ăn?" Ôi! đau đớn cho chúng tôi lắm Diêm Vương ơi!

Diêm Vương chép miệng và nói: Thật vậy à? Loài người dữ thiệt, dám nấu ra và ăn những món ngon lành như vậy à? Quỷ sứ đâu, bắt một con chó đem làm thịt để ta ăn thử coi có đúng như vậy không, kẻo nói oan cho người. Ba bốn tên quỷ sứ chạy ào ào ra bắt, bầy chó hốt hoảng cong đuôi bỏ chạy, không con nào dám quay lại sủa.

Nên chúng ta thấy lấy bùn ném người khác chưa chắc người ta đã dín bùn, nhưng chắc chắn một điều là tay của mình đã dính bùn trước.

Hiểu được như vậy, chúng ta đừng soi đừng chọt người khác, cũng như đừng để bị những người soi người chọt lợi dụng, nhưng hãy noi gương Chúa Giêsu chỉ cho người ta thấy cái sai của mình để họ sửa đổi. Amen.




Thứ Tư - Tuần XXVII Thường Niên

(Gl 2,1-2.7-14; Lc 11,1-4)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Gl 2,1-2.7-14: Các đấng đã nhận biết ơn đã ban cho tôi.

Tv 117: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16,15).

Lc 11,1-4: Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện.

Trong thư gửi tín hữu Galata Phaolô cho biết, mặc dù đã nhận sứ mệnh của mình từ Chúa Giêsu và chủ yếu làm việc giữa những người ngoại giáo, nhưng Phaolô vẫn hợp tác với những người làm việc giữa những người Do Thái. Họ tán thành công việc của ông, nhưng yêu cầu ông giúp đỡ những Kitô hữu nghèo gốc Do Thái. Phaolô cũng kể cho người Galata biết ông đã đứng lên chống lại Phêrô như thế nào khi Phêrô sống giả hình. Bởi vì Tin Mừng không chỉ được rao giảng, mà còn phải sống nữa.

Theo Phúc Âm, các môn đồ hẳn đã ngưỡng mộ Chúa Giêsu khi ngài cầu nguyện. Vì khi ngài cầu nguyện xong, họ xin ngài dạy họ cầu nguyện. Bài học cho các tông đồ và cũng là cho ta. Khi người con nói với cha, thông thường là muốn diễn tả bằng mọi ngôn từ, biểu cảm, những gì chứa đựng ở trong lòng của mình. Mà người nào có liên hệ mật thiết với cha mẹ thì càng biểu lộ nét đẹp của cuộc đối thoại thân tình. Tin tưởng, yêu thương và cầu xin thì sẽ được như ý Cha. Để lời cầu nguyện của ta có thể rộng và sâu như lời Ngài, và cũng giống Chúa Giêsu, trong lời cầu nguyện của mình, ta cố gắng không làm cho ý muốn của Chúa phù hợp với ta, mà là ta theo ý muốn của Thiên Chúa. Nhờ đó ta tôn vinh Chúa Cha và dâng lên cho Người những ước muốn và mối quan tâm chân thành.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy có một môn đệ xin Chúa Giêsu dạy cho các ông cầu nguyện, và Chúa Giêsu đã dạy cho các ông cầu nguyện bằng kinh lạy cha.

Việc môn đệ xin Chúa Giêsu dạy các ông cầu nguyện và Chúa Giêsu đã dạy cho các ông cầu nguyện bằng kinh lạy cha cho chúng ta thấy được điều gì?

Thưa cho chúng ta được tự sức các ông thì các ông không biết cầu nguyện một cách xứng đáng, hay nói cách khác chỉ cầu nguyện theo cách thức của con người, vì chính môn đệ đã nói với Chúa: “Xin Thầy dạy chúng con cầu nguyện như ông Gioan đã dạy các môn đệ của ông cầu nguyện.” Nghĩa là các ông chỉ muốn được cầu nguyện như môn đệ ông Gioan thôi.

Nếu đọc tin mừng theo thánh Mattheu thì Chúa nói với các môn đệ: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. "Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này” Và Chúa dạy các ông cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha. (Mt 6, 7-9).

Nói như vậy để chúng ta thấy, nếu Chúa không dạy cầu nguyện thì các môn đệ chỉ cầu nguyện theo cách thức của con người, chỉ lải nhải như dân ngoại mà thôi, nói nhiều để được nhận lời.

Nên lời Chúa hôm nay chúng ta cám ơn người môn đệ đã xin Chúa Giêsu dạy cầu nguyện, và chúng ta cám ơn Chúa đã dạy các môn đệ cầu nguyện để ngày nay chúng ta có một lời cầu nguyện tuyệt vời, để biết hướng về Chúa, và biết hướng về anh em của chúng ta: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”.

Có một bà Cố của một em thiếu nhi gởi cho tôi 300 ngàn, và bà ghi tờ giấy: đây là tiền của cháu cố con Nguyễn Duy Khang bán ve chai gởi cho cha, xin cha đừng có rao. Con xin cha cầu nguyện cho cháu siêng năng đọc kinh, siêng năng cầu nguyện, để mỗi ngày có được lòng yêu mến Chúa nhiều hơn, chúng ta thấy nếu không có lời dạy cầu nguyện của Chúa thì làm sao có được lời cầu nguyện tốt lành như thế.

Bên cạnh đó, lời Chúa hôm nay cũng là một bài học cho chúng ta, đó là để có thể trưởng thành, để có thể lớn lên hằng ngày, để có thể mỗi ngày mỗi nên hoàn thiện, đòi hỏi chúng ta phải biết học hỏi thêm nhiều điều, nghĩa là không chỉ có biết học, mà còn phải biết hỏi, biết trao dồi sự hiểu biết của mình trong đời sống thường ngày cũng như trong đời sống đức tin.

Chúng ta thấy người giàu có tại sao họ lại giàu thêm, đầu từ hết chuyện này đến chuyện khác, còn người nghèo cũng vậy, cũng ao ước được đổi đời, nhiều người bên lương mặc dầu họ không ao ước ở cuộc đời này, nhưng họ ao ước ở cuộc đời sau của họ, có người họ nói: Mong cho ngủ một đêm chết cho rồi đầu thai kiếp khác, kiếp này khổ quả. Nghĩa là ai cũng muốn mình có chọn lựa khôn ngoan cả.

Xin cho mỗi người chúng ta trong đời sống thường ngày của mình cũng có được chọn lựa khôn ngoan, để đời sống đức tin ngày càng tăng triển. Amen.




Thứ Năm Tuần XXVII Thường Niên

(Gl 3,1-5; Lc 11,5-13)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Gl 3,1-5: Anh em đã lãnh nhận Thánh Thần bởi giữ luật hay bởi vâng phục đức tin?

Đc: Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa của Israel, vì Chúa đã viếng thăm và cứu chuộc dân Ngài (Lc 1,68).

Lc 11,5-13: Các con hãy xin thì sẽ được.

Có một sự thật kém vui là con người thường quên những ơn lành của Chúa. Người ta có những kinh nghiệm về hoạt động của Chúa Thánh Thần nhưng những vốn sống ấy không tạo nên những nguyên lý sống bền vững. Do đó con người đánh mất đường lối của mình. Chúa ban cho con người những quà tặng thần linh nhưng người ta lại kiêu ngạo để rồi đóng kín đầu óc, tâm hồn với sự thật vốn là những điều mà chúng ta cần để hướng dẫn ta trên hành trình theo Chúa.

Để sống với lời dạy của Chúa, con người cần kiên trì. Kiên trì đòi hỏi sự khiêm nhường. Ta dâng lên Chúa tất cả những ý nguyện và tin tưởng là Chúa sẽ nhận lời và ban cho những gì ta hằng mong ước. Tuy nhiên, như lời cảnh báo của Phaolô, con người thường lãng quên ơn Chúa. Nếu mọi sự đều dễ dàng, biết đâu người ta lại sinh ra tự mãn. Ta cảm ơn lời Chúa đã nhắc nhở kịp thời. Từ nay ta nguyện là đến với Chúa với tâm tình biết ơn luôn mãi. Đồng thời, kiên trì khẩn cầu, dâng lên Chúa tất cả những mong ước của bản thân và của những người nhờ ta cầu thay nguyện giúp. Ta tin chắc rằng Chúa sẽ yêu thương đón nhận, để rồi ban cho có khi còn vượt quá lòng ta mong ước. Hãy nhớ!




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người”.

Nghĩa là khi con người kiên trì cầu xin Chúa, Chúa sẽ ban cho con người những của tốt lành.

Chúng ta cần phải hiểu điều này ban cho con người những của tốt lành không có nghĩa là những điều mà chúng ta sờ chạm được theo ý muốn của chúng ta mới tốt lành, mà là cái tốt lành theo ý muốn của Chúa, và có thể cái tốt lành đó chúng ta không sờ chạm được, hoặc xem ra trong mắt của chúng ta đó chẳng là cái tốt lành, nhưng đối với Chúa thì nó tốt lành với ta.

"Một chàng trai cầm bọc tiền vừa rút từ ngân hàng chuẩn bị lên tàu về quê, trong lúc làm công tác soát vé anh ta hí hoáy để quên bọc tiền chỗ nào đó, khi lên tàu thì mới phát hiện bọc tiền đã không còn bên cạnh nữa. Anh ta hốt hoảng đi tìm nhưng hoài không thấy, và rồi anh ta trễ mất chuyến tàu cuối cùng trong ngày để về quê.

Chàng trai ngồi thẫn thờ trước góc một hiên nhà và bắt đầu than thở:

- Lạy Chúa, sao Chúa lại lấy đi của con tất cả những gì con gom góp trong 2 năm qua thế. Chúa có biết nếu không có số tiền đó thì ngôi nhà tồi tàn của con không thể sửa lại được không? - Anh chàng khóc than một mình

Bất chợt có tiếng nói trong tâm trí anh ta:

- Con trai à, ta muốn cho con xem một sự việc.

Trước mặt anh ta là đoàn tàu hồi tối, rồi một va chạm rất mạnh xảy ra, tất cả hành khách trên đoàn tàu đều không thể sống sót. Rồi một hình ảnh khác xuất hiện, một bà cụ rách rưới nhặt được túi tiền ở chân một ghế đá-cái ghế mà lúc anh ngồi chờ tàu, bà cụ mừng rỡ liền đem túi tiền về đưa người con trai độc nhất đang trong cơn thập tử nhất sinh đi bệnh viện, nếu không có số tiền này ắt hẳn người con trai ấy sẽ không qua khỏi.

Xem xong hình ảnh ấy, chàng trai ngước mắt lên trời và nói:

- Lạy Chúa, Chúa quan phòng mọi sự, con cảm tạ Chúa."

Nên chúng ta thấy Chúa ban cho ta điều tốt lành mà ta không thấy được.

Chúng ta hãy nhớ câu chuyện khi Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ, Thiên Thần nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.” Đẹp lòng Thiên Chúa ở đây không chỉ hiểu là chính mẹ sống đẹp lòng Thiên Chúa, mà chúng ta cần hiểu việc mẹ được chọn để cộng tác vào công trình cứu độ, đó là điều đẹp lòng Chúa, vì chúng ta biết có những người bề ngoài họ sống không tốt đẹp nhưng Chúa cũng chọn họ công tác vì đó là điều đẹp lòng Chúa, để từ đó Chúa biến đổi họ để cuộc đời của họ được đẹp lòng Chúa.

Xin cho chúng ta hiểu được như vậy để kiên trì cầu nguyện không như ý của mình, mà cầu nguyện theo như ý muốn của Chúa. Amen.




Thứ Sáu Tuần XXVII Thường Niên

(Gl 3,7-14; Lc 11,15-26)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Gl 3,7-14: Những ai cậy dựa vào đức tin, sẽ được chúc phúc với Abraham, con người tin tưởng.

Tv 111,5: Cho tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước.

Lc 11,15-26: Nếu ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi.

Abraham, người cha của chúng ta trong đức tin, là người sống theo phúc âm trước khi Chúa Giêsu công bố Tin Mừng của Ngài. Ông tin cậy Chúa. Ông đã làm theo lời kêu gọi của Chúa mà không chất vấn Chúa và đòi hỏi bằng chứng. Tất cả những gì ông nhận được là một lời hứa để tin tưởng, và lời hứa đó chính ông - như Chúa đã nói với ông - sẽ thấy Lời Chúa được thực hiện.

Ngược lại với Abraham cách hoàn toàn, dân được Chúa chọn vào thời Chúa Giêsu đã thách thức và chất vấn Ngài, đặc biệt là các nhà lãnh đạo tôn giáo. Ngay cả những dấu hiệu giải thoát khỏi sự dữ mà Chúa Giêsu làm cho họ cũng không gây ấn tượng như những dấu hiệu để họ tin tưởng. Thái độ của ta đối với những dấu hiệu được Thiên Chúa gửi đến trong đời sống thế nào?

Giống như Abraham, người cha của đức tin, Kitô hữu có thể tin cậy đặt mình vào tay Thiên Chúa. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, ta có thể trở thành người tốt, và trở nên một phước lành cho người khác. Nguyện rằng lòng ta có thể bị phân vân, xao động, nhưng cố gắng sống chân thành theo đường lối của Phúc Âm, vì Chúa vẫn nhớ lời giao ước đến muôn đời.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói với những người cho rằng Chúa Giêsu mượn thế quỷ vương để trừ quỷ: “Nếu tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông. Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.

Vậy ngón tay Thiên Chúa này chúng ta có thể hiểu là gì?

Chúng ta có thể hiểu là quyền năng của Thiên Chúa.

Nhưng bên cạnh đó, ngón tay của Thiên Chúa chúng ta cũng có thể hiểu là tình yêu của Chúa, chính tình yêu này đã xua trừ ma quỷ.

Có một câu chuyện mang tên Ngày Phục Sinh, vợ chồng quỷ chạnh lòng được chia sẻ như thế này:

Quỷ chồng đang ngồi uống rượu, quỷ vợ mới hỏi hôm nay Phục sinh, bộ ông vui lắm sao mà nguồi uống rượu? quỷ chồng nói, hôm nay phục sinh toàn bộ truyền thông và định vị cá nhân của Nước Quỷ tắt hết. Bà nghĩ còn ai biết tôi đang làm gì hả?

Và quỷ chồng nhắc nhở vợ mình là đừng bao giờ nhắc tới 2 chữ phục sinh trước mặt quỷ vương coi chừng mang họa. và 2 con quỷ than thở với nhau về quỷ vương. Họ nói, chúng mình theo quỷ vương bao lâu rồi, lập biết bao nhiêu chiến công hạn mã trong việc cám dỗ con người, thế mà ngoài việc sai chúng ta, ngoài việc thưởng, phạt, tôi chưa bao giờ thấy ông ấy yêu thương chúng ta, như Thiên Chúa yêu thương con người. Quỷ chồng mới ghẹo, vậy bà đi theo Thiên Chúa đi, quỷ vợ tưởng chồng nói thiệt nên mới thổ lộ tâm tình, nhiều lúc tội phá phách, tôi vui sướng với thành quả của mình, nhưng trong tôi cũng có mâu thuẫn, đó là tôi ao ước có một đấng nào đó yêu thương tôi, hy sinh cho tôi, thậm chí chết vì tội. quỷ chồng vội ngăn, những lời này bà không nên nói ra, cả nhà chúng ta sẽ toi mạng, chúng ta sẽ không làm được gì vì từ bé, chúng ta đã được dạy chống lại những gì liên quan đến yêu thương, hạnh phúc, chung thủy, hy sinh. Mà mà còn suy nghĩ mềm yếu như thế, coi chừng loài người sẽ kéo bà về với Thiên Chúa, lúc đó tôi phải làm sao đây? Quỷ vợ nói thì ông theo tôi về cùng Chúa. nói vậy nhưng tối đó quỷ chồng cũng suy nghĩ nếu một ngày nào đó, vợ mình theo làm con thiên Chúa, mình sẽ làm gì đây?

Câu chuyện này cho chúng ta thấy, khi con người biết yêu thương nhau thì chính tình yêu đó sẽ đánh tan đi những hận thù chia rẽ, chính tình yêu đó sẽ chiến thắng ma quỷ.

Xin cho mỗi người chúng ta biết dùng tình yêu để đẩy lùi những chia rẽ, những bất công trong cuộc sống của chúng ta. Amen.




Thứ Bảy Tuần XXVII Thường Niên

(Gl 3,22-29; Lc 11,27-28)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Gl 3,22-29: Tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa.

Tv 105,8a: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước.

Lc 11,27-28: Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy.

Kitô hữu có gia đình và liên hệ theo nghĩa ruột thịt và theo nghĩa thiêng liêng. Gia đình theo nghĩa huyết thống là có ông có bà, có cha có mẹ, và phong nhiêu hơn khi có anh chị em. Gia đình thiêng liêng cũng có một mối liên hệ thẳm sâu, vì lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành đều là thân bằng quyến thuộc của Chúa. Thật là hồng phúc vì chúng ta là con cái của Chúa, anh chị em của Ngài, và là những người thân thuộc trong gia đình của Chúa. Chúa Giêsu đã cho ta một hướng dẫn để có thể nhận ra nhau là người trong gia đình, đó là tin và sống những điều Chúa dạy.

Thông điệp cốt lõi của Chúa Giê su là chúng ta đã là thành viên trong gia đình của Thiên Chúa. Chúng ta là con cái của Chúa, được Chúa quan tâm chăm sóc và yêu thương. Và chúng ta được mời gọi yêu thương nhau với một tình thương vô điều kiện. Lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành thì đã khó, còn yêu thương nhau như Chúa yêu thì quả thật là càng khó hơn. Tuy nhiên, Chúa đã làm gương cho ta, thì ta cũng có thể thực hiện như Ngài đã dạy. Nguyện cho ân sủng của Thiên Chúa thánh hóa tâm hồn để ta có thể lắng nghe lời Chúa, và quan sát lời của Người được thể hiện qua những tư tưởng, lời nói và việc làm của chúng ta.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Khi đọc tin mừng hôm nay thường chúng ta chia sẻ với nhau về ý tưởng là Mẹ Maria không chỉ có phúc vì đã được cho Chúa Giêsu bú mớm, mà Mẹ còn có phúc vì đã lắng nghe và thực hành lời của Chúa, điều này thì đúng thôi, để đề cao mẹ là người có phúc nhất trong giới phụ nữ.

Nhưng hôm nay chúng ta tìm hiểu để chia sẻ một ý tưởng khác đó là chúng ta thử đặt một câu hỏi: Nếu Mẹ không lắng nghe và thi hành ý muốn của Chúa, thì mẹ có thể cho Chúa Giêsu bú mớm được hay không? Thưa không.

Nên chúng ta thấy điều quan trọng đầu tiên là phải biết lắng nghe và thực hành lời của Chúa, hay nói cách khác là việc lắng nghe và thực hành lời Chúa mới là quan trọng, chính vì thế mà Chúa Giêsu đã trả lời người phụ nữ: “Những ai nghe và giữ lời của Chúa thì có phúc hơn”.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện của Tôma khi Chúa hiện ra với ông, Chúa đã nói với ông: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." Ông Tô-ma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! " Đức Giêsu bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin! " (Ga 20,27-29).

Nói một cách thực tế đó là ngày nay con người của chúng ta không còn thấy Chúa cách hữu hình nữa, thì làm sao có thể sờ chạm được Chúa, thì làm sao có thể giúp đỡ cho Chúa một cách cụ thể như những gì Mẹ Maria đã làm khi xưa.

Nhưng vì vâng lời của Chúa, nên mặc dầu không thấy Chúa nhưng chúng ta vẫn tin, mặc dầu không thấy Chúa cách hữu hình, nhưng chúng ta vẫn có thể giúp đỡ cho Chúa qua anh chị em của chúng ta vì đó là hình ảnh của Chúa: “Mỗi khi người làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”, hay “Mỗi khi các người không làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy”.

Chính vì vậy, chỉ có nghe và giữ lời Chúa thì mới thực hành được lời của Chúa mà thôi.

Xin cho mỗi người chúng ta biết lắng nghe và thực hành lời của, để dù chúng ta là những thế hệ đi sau, thì vẫn là người có phúc, vẫn chạy đến đích để đạt được vòng hoa chiến thắng. Amen.