Chúa Nhật XXVI Thường Niên
Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-48
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Ds 11,25-29: Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Ước gì toàn dân được nói tiên tri.
Tv 19,9: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can.
Gc 5,1-6: Của cải các ngươi bị mục nát.
Mc 9,38-43.45.47-48: Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Nếu tay các con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi.
Các bài đọc hôm nay về nhóm 72 bô lão của Môsê và nhóm 12 môn đệ của Chúa Giêsu thách thức ta mỗi ngày. Họ là những người kề cận Chúa nhưng vẫn mang trong mình nỗi ghen tị, không muốn ai hơn mình. Không có ranh giới về Tình yêu thiêng liêng. Hơn nữa, tình thương Chúa không thể kiếm được hoặc thao túng. Chúa ban tình yêu của mình một cách tự do và vô hạn.
Chúa Giêsu cũng dành cho các môn đệ tình thương đồng đẳng này, nhưng họ nói xấu sau lưng, công kích nhau. Người ta giàu có, học vấn cao hoặc lắm tài năng thì cũng là ơn riêng của họ. Mỗi người có một nhiệm vụ trong cuộc đời này. Điều cần làm là sống trung thực, quan tâm đến nhu cầu của anh chị em, cầu chúc cho người khác có được những điều tốt đẹp. Vì ai không chống lại mình là ủng hộ mình.
Ta có mặt ở đời này là để sống, cảm ơn Đấng đã tạo thành ta và vinh danh Người. Người là Đấng tốt lành. Người ra tay làm việc không phải vì những tràng pháo tay và sự ngưỡng mộ. Thì ta cũng vậy, noi gương Người, ta sống với bác ái trong chân lý để bình an và hạnh phúc mỗi ngày.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Bài đọc 1 trích sách dân số, kể câu chuyện Môse tập họp 70 người, trong số các kỳ mục của dâ và đặt họ đứng chung quanh lều. Đức Chúa nói chuyện với Môse và lấy một phần thần khí đang đậu trên ông, đặt trên 70 kỳ mục.
Lúc đó, ông En đát và Mê đát cũng được ghi danh trong danh sách kỳ mục, nhưng không đến lều. tuy nhiên thần khí cũng đậu xuống trên các ông. Thấy vậy, ông Giôsue thhuwa với ông Mose: “Xin ngăn cản họ”. Ông Môse trả lời: “Anh ghen giùm tôi à, chớ gì Đức Chúa ban thần khí trên toàn thể dân Ngài, để họ đều làm ngôn sứ”.
Tin mừng hôm nay cũng là một diễn từ tương tự như vậy đó là việc ông Gioan ngăn cản một người không thuộc nhóm, đã nhân danh Chúa trừ quỷ và Chúa bảo Gioan: “đừng ngăn cấm y”.
Sau đó Chúa Giêsu nói: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”
Những lời Chúa Giêsu nói cho chúng ta thấy được điều gì? Thưa cho chúng ta thấy được nếu chỉ làm điều tốt, thì chưa chắc đã thuộc về Chúa, vì người đời có những người họ cũng làm điều tốt, nhưng họ là cho họ, họ làm vì tôn giáo của họ, chứ họ đâu có làm vì Chúa hay làm cho Chúa, nên họ không thuộc về Chúa, chính vì thế mà Chúa nói như vậy, để ai làm điều tốt lành vì danh của Chúa, thì người đó chứng tỏ thuộc về Chúa.
Chúng ta hãy nhớ trong tin mừng Luca cũng có trường hợp tương tự như vậy, thánh Luca kể về câu chuyện Chúa Giêsu ban cho 12 tông đồ sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và được chữa lành các bệnh tật, đó cũng là dấu chỉ để cho thấy các tông đồ thuộc về Chúa.
Nhưng sau đó Chúa Giêsu lại bảo các tông đồ thêm rằng: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ." (x. Lc 9,1-6).
Tại sao Chúa Giêsu lại nói thêm với các tông đồ như thế, phải chăng khi ban sức mạnh và năng quyền trên các thần ô uế không đủ để chứng minh các ông thuộc về Chúa?
Thưa đúng như vậy, nếu chỉ có sức mạnh và khả năng trừ quỷ, khả năng chữa lành bệnh tật thì chưa đủ để chứng mình là thuộc về Chúa.
Chúng ta hãy nhớ đến câu chuyện của Môse trong Cựu Ước Môse và Aharon ném cây gậy của mình xuống đất trước mặt vua Pharaon và bề tôi của vua, thì cây gậy hóa thành rắn, nhưng các thầy phù thủy của vua Pharaon cũng làm được điều đó. Hay khi Môse và Aharon làm cho nước hóa thành máu, thì các thầy phù thủy của vua Pharaon cũng làm được như vậy, nên Pharaon trở nên cứng lòng, vì ai làm cũng được.
Hiểu được như vậy, khi chúng ta làm việc tốt, thì hãy làm nhân danh Chúa, làm vì Chúa, điều đó mới chứng tỏ chúng ta thuộc về Chúa.
Nếu đào sâu thêm nữa thì khi chúng ta làm vì Chúa, nghĩa là làm vì yêu thì chắc chắn chúng ta mới có thể trung thành với công việc mình làm, chúng ta hãy nhớ lại Chúa Giêsu khi Chúa Giêsu xuống thế làm người là vì vâng lời Chúa Cha, thì hành ý muốn của Chúa Cha, để rồi những lúc Chúa Giêsu xao xuyến, Chúa Giêsu nhớ lại việc mình làm là vì ai, nên Chúa Giêsu đã trung thành đến cùng: “Lạy Cha, nếu có thể được xin cất chén này khỏi con, nhưng đừng theo ý con, mà theo ý Cha.”, nếu chúng ta có được ý hướng như thế thì chúng ta sẽ làm được.
Một tín đồ người Ấn Độ đi bộ đến chùa ở Hymalaya. Đường đi thì xa xôi, đường núi vô cùng khó đi, không khí thì loãng. Ông ta tuy mang theo đồ đạt rất ít, nhưng vẫn cất bước không nổi, vừa đi vừa thở hổn hển.
Ông ta đi rồi nghỉ, nghỉ rồi lại đi… không ngừng nhìn về phía trước, hy vọng mục tiêu đi đến sẽ sớm xuất hiện. Thình lình ông thấy phía trước có một bé gái chưa đầy 10 tuổi, trên lưng cõng một em bé đang từ bước từ bước… từng bước về phía trước. Cô bé thở hổn hển, mồ hôi đầm đìa nhưng hai tay vẫn ôm cứng đứa trẻ trên lưng.
Tìn đồ người Ấn Độ đi đến bên cô bé, rất đồng cảm nói: Cháu của ta, cháu cũng giống như ta, cháu nhất định mệt rồi, cháu cõng nặng quá !
Cô bé nghe xong, không vui, trả lời: Cái ông cõng là sức nặng, nhưng cái cháu cõng không phải là sức nặng, nó là em trai của cháu. Người cảm thấy nặng vì không có tình yêu.
Xin cho mỗi người chúng ta khi làm điều gì thì hãy làm nhân danh Chúa, nghĩa làm làm vì lòng yêu mến Chúa, thì chắc chắn điều đó chứng tỏ chúng ta thuộc về Chúa, và điều chúng ta làm mới có thể đạt được mục đích cuối cùng.Amen.
Thứ Hai - Tuần XXVI Thường Niên
Thánh Giêrônimô, linh mục. TsHT. Lễ nhớ.
(G 1,6-22; Lc 9,46-50)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
G 1,6-22: Chúa ban cho, rồi Chúa lấy lại: nguyện danh Chúa được chúc tụng.
Tv 17,6: Xin Chúa ghé tai về bên con, và xin nghe rõ tiếng con.
Lc 9,46-50: Kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất.
Chúa Giêsu quan tâm sâu sắc đến từng người bạn của Ngài. Để điều chỉnh lại cuộc thảo luận “ai là người lớn nhất” của họ, Ngài gọi một đứa trẻ đến và ra hiệu cho các môn đệ của mình. Ngài nói, hãy nhìn đứa trẻ này! Họ dừng lại và nhìn vào cậu bé. Mặc dù họ đã chú ý, nhưng Chúa Giêsu nhắc rằng cậu bé không có tiền bạc, ảnh hưởng hay bất kỳ quyền lực nào. Ngài nhẹ nhàng nói: đây là điều tôi muốn bạn trở thành. Ai chấp nhận, yêu thương và chăm sóc đứa trẻ không có khả năng tự vệ này là yêu thương, chấp nhận và chăm sóc cho Chúa. Ngài hỏi ai trong số họ là người lớn nhất? “Kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất.”
Phúc âm này nhắc nhở rằng tất cả chúng ta là con người như thế nào. Chúa Giêsu nói rằng đừng có nghe thế giới này, vì nó khuyến khích cạnh tranh thay vì hợp tác. Theo Chúa, hãy ngừng tranh giành của cải, quyền lực và đặc quyền cho bản thân hay phe nhóm. Điều quan trọng là quan tâm đến nhau và đặt nhu cầu của người khác lên trước nhu cầu của mình là cốt lõi của một mối quan hệ lành mạnh. Đó là cách mà niềm tin và sự quan tâm yêu thương được xây dựng cho nhau.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu kể dụ ngôn chiếc lưới quăng xuống biển để nói về hình ảnh của Nước Trời.
Điều này cho chúng ta thấy được điều gì? Thưa điều này cho chúng ta thấy được tự sức con người, thì con người không thể nào hiểu được mầu nhiệm nước trời.
Nếu đọc đoạn tin mừng theo thánh Luca, đoạn này chúng ta cũng có thể đọc trong ngày lễ hôm nay chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu nói: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm." Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh” (Lc 24, 44-45).
Nghĩa là trước đó tự sức các môn đệ cũng không hiểu được những lời Chúa nói, hay nói cách khác là các môn đệ đã biết kinh thánh đã có luật Môse, đã có sách ngôn sứ, đã có các thánh vịnh, nhưng các ông không hiểu gì cả, vì chưa có đức tin, sau này sau khi Chúa Phục sinh, Chúa mở trí cho các ông, các ông tin vào Chúa, nên mới hiểu được những gì Chúa nói.
Ngày nay chúng ta thấy có những người ngoài công giáo, người ta cũng tìm hiểu kinh thánh người ta cũng hiểu kinh thánh, nhưng người ta không tin, hoặc có những điều thuộc về đức tin mà nếu không có đức tin thì người ta không thể nào hiểu được.
Nên ở đây chúng ta cần phân biệt một điều đó là hiểu về Chúa và tin vào Chúa là hai chuyện khác nhau.
Thánh Giêronimo mà chúng ta mừng lễ hôm nay, ngài có nói một câu như thế này đó là: Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kito, chúng ta cần phải hiểu là biết Chúa Kito để tin vào Chúa Kito chứ không phải chỉ dừng lại ở cái biết bình thường, đó là ý của thánh nhân.
Hiểu được như thế chúng ta mới hiểu được lệnh truyền truyền giáo của Chúa Giêsu: “anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19), nghĩa là trước tin phải làm cho người ta trở thành môn đệ, trở thành người tin Chúa trước đã rồi mới rửa tội, nếu không thì không thể rửa tội, vì đức tin là cần thiết.
Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, ngài có giải đáp một thắc mắc đó là người chưa được rửa tội có được đọc sách thánh trong phụng vụ hay không?
Ngài kể câu chuyện có một cô học nhạc viện nhưng là người bên lương, cô này được bạn bè rủ vào ca đoàn của nhà thờ chánh tòa, rất nhiệt tình, chị này hát giỏi, được bầu làm ca đoàn trưởng, sau đó cha xứ biết được, cha xứ hỏi ý kiến đức cha, đức cha nói không được, chị này không làm ca đoàn trưởng được, vì chị chưa được rửa tội, chưa có đức tin, nếu chị đi hát thôi thì được.
Và ngài nói trong nghi thức phụng vụ thánh lễ thì người chưa được rửa tội thì không được đọc sách thánh trong phụng vụ.
Khi cha xứ nói với chị thì chị phản ứng, chị nói ở trong miền nam có nhiều cha mới con hát mà con không hát.
Nên chúng ta thấy phải có đức tin mới có thể hiểu được những điều mà chúng ta không thể dùng lý trí hiểu được, và có đức tin mới giúp chúng ta có tâm tình yêu mến Chúa.
Đó là sự khác biệt của chúng ta là những người có đức tin công giáo và những người chưa có đức tin.
Nên xin cho chúng ta là những người có đức tin biết tìm hiểu về Chúa, để mỗi ngày mỗi biết Chúa nhiều hơn, để mỗi ngày mỗi yêu mến Chúa nhiều hơn, để cuộc đời của chúng ta được biến đổi theo như những gì mà Chúa dạy mỗi người chúng ta. Amen.
Thứ Ba - Tuần XXVI Thường Niên
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, trinh nữ. Ts.HT. Bổn mạng các xứ truyền giáo. (LK)
(Is 66,10-14c; Mt 18,1-5)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 66,10-14c: Đây Ta khiến sông bình an chảy vào nó.
Tv 131: Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.
Mt 18,1-4: Nếu không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời.
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Trinh Nữ và Tiến Sĩ Hội Thánh, với lời mời gọi trở nên giống trẻ nhỏ khi vào Nước Thiên Chúa. Con đường nhỏ của thánh Têrêsa là một cách cụ thể để đáp lại lời mời gọi đó. Trở nên như một đứa trẻ để thấy được sự vĩ đại của Chúa là một cách thể hiện tấm lòng biết ơn. Đó là một con đường yêu thương. Con đường này cần tìm được sự bình an trong tình yêu của Chúa. Chúa là nguồn bình an và sẽ lan tỏa bình an phong phú như dòng sông.
Các bài đọc dành riêng của ngày hôm nay bày tỏ một cách cụ thể để sống nên thánh và bình an. Thánh Têrêsa giữ cuộc sống của mình trong sự bình an của Chúa Kitô. Thánh nhân yêu hoa hồng và muốn cuộc sống của mình giống như một bông hồng nhỏ dâng vẻ đẹp của nó cho Chúa. Vì vậy, ngài dâng hiến cuộc đời mình trong bàn tay Chúa, tâm hồn ngài thinh lặng và thanh thản như đứa trẻ trong lòng mẫu thân. Như trẻ thơ trong lòng thân mẫu, nên lòng ngài không tự đắc, mắt cũng chẳng kiêu kỳ; cũng không lo nghĩ những việc lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn. Chúng ta học hỏi lời Chúa và cách sống của Têrêsa để sống một cuộc sống tốt đẹp hơn bây giờ và mãi mãi.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu nói với các môn đệ sau khi các ông hỏi Chúa Giêsu ai là người lớn nhất trong nước Trời, Chúa Giêsu nói: "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. "Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. "Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.”
Chúng ta để ý đến chi tiết đón tiếp một em nhỏ đó là hành động tự hạ, vì sao vậy? thưa vì trẻ em và phụ nữ được coi là thấp bé trong xã hội do thái lúc bấy giờ, chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện khi người ta đưa các trẻ em đến với Chúa Giêsu để Chúa Giêsu đặt tay và cầu nguyện cho chúng, thì các môn đệ đã ngăn cản, nhưng Chúa nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng."
Mở rộng vấn đề ra đó là con người của chúng ta thường thích làm lớn thường thích đón nhận những điều lớn lao, thích làm những công việc lớn lao, còn cho việc bé là không đón nhận nói rằng xem thường trình độ của mình, có thể như vậy nên các tông đồ khi Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn, khi Chúa Giêsu báo là có người phản bội và có những dấu chỉ chắc chắn chỉ Giuda nên các ông không thèm để ý vì Giuda chỉ giữ tiền, nên để ý làm gì, chính vì thế mà không thấy ai xin Chúa làm thủ quỹ giữ tiền, mà chỉ xin được ngồi bên hữu và bên tả Chúa.
Như vậy Chúa muốn con người phải đón nhận những việc nhỏ, đón nhận việc nhỏ nhưng làm việc nhỏ với tình yêu lớn, với lòng yêu thương chân thành thật sự.
Thánh nữ Têresa hài đồng Giêsu mà chúng ta mừng lễ hôm nay, ngài đã sống được điều Chúa dạy trong cuộc đời của ngài đó là làm việc nhỏ với tình yêu lớn lao.
Thầy Maurice Bellière, một đại chủng sinh 21 tuổi, đã viết thư cho dòng Cát Minh tại Lisieux để xin một nữ tu hiến mình đặc biệt cho phần rỗi linh hồn thầy, giúp đỡ linh hồn thầy bằng lời cầu nguyện và việc hy sinh hãm mình để khi thầy trở thành nhà truyền giáo, thầy có thể cứu được nhiều linh hồn.
Mẹ Bề trên Agnès đề nghị em mình là thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu nhận nhiệm vụ này.
Têrêsa sẽ ăn chay đánh tội, thức khuya dậy sớm để cầu nguyện cho vị linh mục tương lai này ư?
Không phải thế, thầy Bellière không ngờ rằng chị Têrêsa đang đặt để một nghị lực thật sự anh hùng vào tất cả mọi thứ việc làm dù rất nhỏ nhặt, mà người ta chỉ biết đến sau khi chị qua đời.
Những việc làm nhỏ bé ấy chẳng hạn như: khi ngồi, Têrêsa không dựa lưng vào ghế, không bắt chéo chân. Vào những ngày nóng nực, chị không rửa mặt công khai để tránh gây sự chú ý.
Những ngày trời lạnh, chị không xoa đôi tay phủ đầy những chỗ sưng đau, chị không bao giờ cúi về phía trước khi bước đi. Chị luôn sẵn sàng khi chị em dòng cần chị giúp đỡ, và tự xóa mình càng nhiều càng tốt lúc ở trong phòng khách.
Nếu có ai mượn quyển sách chị đang đọc, chị không từ chối và đòi lại. Chị sống khó nghèo đến mức chị chẳng giữ cả những bản chép bài thơ của chị sáng tác. Chị tránh xa mọi tọc mạch, chẳng bao giờ nhìn đồng hồ ở ca triều trong giờ cầu nguyện, và tránh mọi câu hỏi vô ích lúc giải trí…
Những cái chẳng là gì này chị đã sống suốt ngày, suốt tháng, suốt năm; ở mỗi giây phút chị muốn quên mình vì Chúa Giêsu.
“Để làm vui lòng Chúa,
con ước ao sống nhỏ bé,
Bằng cách quên mình,
Con sẽ chiếm được trái tim của Chúa.”
Xin cho mỗi người chúng ta biết noi gương chị thánh Têresa chấp nhận mọi công việc từ việc lớn cho đến việc nhỏ, và dù việc lớn hay việc nhỏ chúng ta hãy làm với tình yêu lớn, tình yêu dành cho Chúa, tình yêu dành cho người anh em của chúng ta, có như thế chắc chắn công việc của chúng ta sẽ đẹp lòng Chúa, và chúng ta sẽ nên thánh với tình yêu đó. Amen.
Thứ Tư - Tuần XXVI Thường Niên
Các thiên thần hộ thủ. Lễ nhớ.
(Xh 23,20-23; Mt 18,1-5.10)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Xh 23,20-23: Thiên thần của Ta đi trước mặt ngươi.
Tv 91,11: Chúa đã ra lệnh cho các thiên thần săn sóc bạn, để chư vị đó gìn giữ bạn trên khắp nẻo đường.
Mt 18,1-5.10: Các thiên thần của họ trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan cha Thầy, Đấng ngự trên trời.
Cùng với Giáo hội cảm tạ các thiên thần hộ thủ. Mỗi người đều có thiên thần bảo vệ nếu như không nghịch lại với ý Chúa. Những ai nghe lời Chúa, tuân giữ tất cả những gì Chúa truyền dạy, thì Chúa sẽ là địch thù của những kẻ thù nghịch của người đó. Do vậy, kẻ thù của người đẹp lòng Chúa thì cũng chính là kẻ thù của Chúa, Chúa sẽ không tha thứ cho kẻ uy hiếp. Đó là khẳng định chắc chắn được ghi lại trong sách Xuất Hành. Thế nhưng, mấy người ý thức rằng: “trên đầu ba tấc có thần linh”, hay “Thiên thần của Ta đi trước mặt ngươi”.
GLHTCG số 336 giải thích lời trong Kinh Thánh, mỗi người có một thiên thần hộ thủ đồng hành để bảo vệ, cầu nguyện cho và cầu nguyện với ta: thưa với Chúa điều ta ước nguyện và truyền ý Chúa cho ta. Sự hiện diện đầy trấn an của thiên thần có thể mang lại sự an ủi và hy vọng lớn lao. Hãy tưởng tượng, ta không một mình ở trên đời, thiên thần hộ mệnh của chúng ta cũng ở đó để bảo vệ và yêu thương từ khi chúng ta được tạo ra. Trong lễ tưởng niệm các Thiên thần Hộ mệnh rất đặc biệt này, thống truyền đức tin nhắc nhở rằng chúng ta không bao giờ đơn độc.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Chúa đừng coi thường những người bé mọn vì đó là hình ảnh của Chúa: “Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.”
Bên cạnh đó còn một lý do nữa đó là: "Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” nghĩa là họ cũng được các thiên thần bảo vệ, chứ không phải chỉ người lớn mới được thiên thần bảo vệ.
Hay nói cách khác những người bé mọn họ chỉ bé mọn theo cách nghĩ của con người nhưng họ vẫn có phẩm giá của họ, mà cái phẩm giá mới làm nên giá trị của họ.
Con người của chúng ta nghĩ rằng mình giàu có, mình quyền thế mới có giá trị, chưa chắc, vì đó là cách đánh giá, cách xác định của con người, nhưng trước mặt Chúa chưa chắc, hoặc là những người mà người ta có cách nghĩ khác thì chưa chắc.
Một tỷ phú quyết định gửi cậu con trai duy nhất về vùng quê hẻo lánh, nghèo nàn để cậu biết mình đang được sống trong giàu có như thế nào. Tuy nhiên, những điều cậu bé nhận ra lại khiến chính ông bố phải giật mình suy ngẫm.
Ông bố tin rằng cậu bé sẽ có một bài học khó quên. Sau 3 ngày sống tại một gia đình nghèo ở quê, người cha trở lại đón cậu bé. Trên đường về nhà, người tỷ phú hỏi cậu con trai:
“Con cảm thấy sống ở đó thế nào?”,
“Con cảm thấy rất tuyệt”, cậu bé trả lời.
Người cha bất ngờ hỏi lại: “Cuộc sống gia đình họ có gì khác so với ở nhà chúng ta không?”
Cậu bé nói: “Có ạ, khác rất nhiều”.
Sau đó, cậu kể với cha:
– Chúng ta có một con chó, còn họ có những bốn con.
– Chúng ta bơi trong bể bơi, còn họ có cả một cái hồ lớn nước trong veo, trong đó còn có nhiều loại cá bơi tung tăng.
– Chúng ta sử dụng bóng đèn điện để chiếu sáng trong vườn, còn sân nhà của họ thì tràn ngập ánh sáng của trăng và các ngôi sao.
– Vườn nhà chúng ta chỉ rộng đến các bức tường, còn vườn của họ mở rộng đến tận chân trời.
– Chúng ta phải mua các bữa ăn, còn họ có thể tự làm ra đồ ăn cho mình.
– Chúng ta nghe nhạc qua đĩa CD, còn họ được thưởng trực tiếp âm thanh hòa tấu từ các loài chim, ếch và các loài vật khác.
– Đồ ăn của chúng ta nấu bằng lò vi sóng, còn đồ ăn của họ nấu bằng bếp củi nên mùi vị thơm ngon hơn rất nhiều.
– Nhà mình xây tường bao quanh, trong khi cửa trước nhà họ luôn luôn mở nên bạn bè lúc nào cũng có thể sang chơi.
– Cuộc sống chúng ta không thể tách khỏi điện thoại, máy tính và tivi, còn cuộc sống của họ kết nối với bầu trời xanh, sông nước trong lành, đồng cỏ xanh mướt và những hàng cây bóng mát.
Kết thúc câu chuyện, cậu bé nói: “Thưa cha, con cảm ơn cha vì đã dạy cho con biết nhà chúng ta nghèo đến thế nào”.
Vị tỷ phú vô cùng ngạc nhiên trước câu trả lời của cậu con trai. Nhưng rồi sau đó, ông chợt nhớ đến câu nói nổi tiếng của Rodolfo Costa mà ông đã quên bấy lâu nay: “Có quá nhiều người nghèo đến nỗi thứ duy nhất họ có là tiền bạc”.
Hiểu được như vậy chúng ta thấy giá trị của con người là hình ảnh của Chúa, được các thiên thần của Chúa hộ thủ bảo vệ, điều đó mới làm cho chúng ta giàu có thật sự.
Xin cho chúng ta thấy được điều đó để ý thức cuộc đời mình có Chúa, cuộc đời mình có các thiên thần của Chúa để cậy dựa vào các ngài, nhờ các ngài cầu bàu cùng Chúa cho chúng ta. Amen.
Thứ Năm đầu tháng
(G 19,21-27; Lc 10,1- 12)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
G 19,21-27: Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống.
Tv 27,13: Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc Chúa ban trong cõi đất dành cho kẻ sống.
Lc 10,1-12: Sự bằng an của các con sẽ đến trên người ấy.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đang sai bảy mươi hai môn đệ đi trước Ngài để chuẩn bị cho dân chúng, về bản chất là chuẩn bị cho Lời Chúa. Ngài cử họ đi khám phá những thành phố, làng mạc, xem ai sẽ tiếp thu Lời Chúa, và ai sẽ từ chối Lời của Người. Lời cầu chúc bình an của Chúa ban cho, con người luôn có nhiều thái độ tiếp nhận. Người thì hớn hở, kẻ thờ ơ. Chúa tôn trọng tất cả những ý kiến đó, nhưng ân huệ của Người chỉ dành cho những ai thành tâm đón nhận.
Chúa Giêsu đã sai họ đi giống như Người đã sai chúng ta đi. Người đã sai họ đi để dạy dỗ, chữa lành và rao truyền Đấng Kitô hằng sống giữa họ tại mọi thị trấn và nơi mà Chúa Giêsu dự định đến thăm. Giống như những môn đệ này, chúng ta cũng phải rao truyền Tin mừng và làm công việc của Đấng Kitô ở bất cứ nơi nào chúng ta đến. Và giống như họ, chúng ta phải chuẩn bị để đón nhận vì không có một công việc nào dễ dàng. Chúng ta sẽ không phải lúc nào cũng được đón nhận nồng nhiệt. Tuy nhiên, mặc dù sẽ khó khăn, nhưng chúng ta không phải đi một mình. Chúa Giêsu nói rằng chúng ta sẽ có những người bạn đồng hành trên đường đi, những người sẽ cung cấp những gì chúng ta cần. Nguyện xin Chúa cho mỗi người luôn “vững vàng tin tưởng” để “được thấy ân lộc Chúa ban trong cõi đất dành cho kẻ sống.”
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu chọn thêm 72 môn đệ, và việc Chúa Giêsu chọn thêm 72 môn đệ là để sai các ông đi rao giảng tin mừng.
Chúng ta hãy nhớ câu chuyện Chúa Giêsu sau khi phục sinh đã hiện ra với các tông đồ, Chúa nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." (Ga 20, 21-23).
Điều này cho chúng ta thấy khi lãnh nhận một chức vụ nào đó phải kèm theo sứ vụ chứ không phải dừng lại chỉ có chức vụ.
Nếu mở rộng ra đó là việc lãnh nhận một chức vụ như là việc lãnh nhận một lời hứa, một làm cam kết, nghĩa là khi con người chấp nhận một chức vụ được trao ban, thì con người phải trung thành với điều đó, chẳng hạn khi chịu chức phó tế thì Đức Cha nói với các tiến chức: “Hãy tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy”.
Khi lãnh nhận bí tích hôn phối thì hứa phải giữ lòng chung thủy với nhau, hứa đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban và giáo dục chúng theo luật chúa kito và hội thánh.
Nên trong đời sống của chúng ta, chúng ta được mời gọi phải cẩn trọng khi lãnh nhận một sứ vụ, hay nói cách khác là cẩn trọng lời hứa của mình, vì lãnh nhận sứ vụ như là lãnh nhận một lời hứa phải chu toàn, nếu không chu toàn thì không phải chỉ lỗi lời hứa, mà đôi khi còn nguy hại đến người khác.
Một đêm lạnh giá, một tỷ phú gặp một ông già nghèo khó bên ngoài. Vị tỷ phú ta hỏi ông ta: "ông không cảm thấy lạnh khi ra ngoài và không mặc áo khoác sao?"
Ông già trả lời: "Tôi không có áo khoác nhưng tôi đã quen với điều đó”. Vị tỷ phú đáp: “Hãy đợi tôi. Tôi sẽ vào nhà ngay bây giờ và mang cho bạn một cái áo khoác”!
Người đàn ông tội nghiệp vô cùng hạnh phúc và nói rằng ông ta sẽ đợi ông ta. Vị tỷ phú bước vào nhà nhưng đột nhiên lại có công việc và bận rộn ở đó rồi quên mất người đàn ông tội nghiệp.
Sáng ra vị tỷ phú nhớ đến ông già đáng thương đó và ra ngoài tìm kiếm thì thấy ông đã chết vì lạnh, trước khi chết ông già đã viết lại một câu cuối trên tờ giấy trước khi chết:
“Khi tôi không có quần áo ấm, tôi có đủ sức mạnh để chống lại cái lạnh vì tôi đã quen với điều đó. Nhưng khi ngài hứa giúp tôi, tôi đã tin vào lời hứa của ngài và điều đó đã lấy đi sức mạnh phản kháng lại cái lạnh của tôi”!
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết cần trọng trong sứ vụ, cẩn trọng trong lời hứa của mình, để khi hứa thì phải cố gắng chu toàn lời hứa, chu toàn sứ vụ được trao phó. Amen.
Thứ Sáu đầu tháng
Thánh Phanxicô Assisi. Lễ nhớ
(G 38,1.12-21; 40,3-5; Lc 10,13-16)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
G 38,1.12-21;40,3-5: Ngươi có xuống tận đáy biển và đi bách bộ dưới vực thẳm không?
Tv 139,24: Lạy Chúa, xin hướng dẫn con trong đường lối đời đời.
Lc 10,13-16: Ai khinh dể Thầy là khinh dể Đấng đã sai Thầy.
Gióp đã dành rất nhiều thời giờ để chất vấn Thiên Chúa. Cuối cùng, Thiên Chúa đã trả lời cho ông. Những lời Thiên Chúa nói với Gióp thật thách thức, đầy những gợi ý và đẹp đẽ. Gióp chỉ có thể trả lời bằng một câu tương đương nhẹ nhàng là “tôi có thể nói gì đây? Tôi không thể tranh luận với Ngài, lạy Chúa.”
Thánh vịnh đáp ca cho ta ý tưởng để trả lời các câu hỏi của Thiên Chúa. “Lạy Chúa, xin hướng dẫn con trong đường lối đời đời.” Kể từ khi Thiên Chúa “dệt chúng ta” trong lòng mẹ, ta thấy rằng chúng ta được tạo nên cách lạ lùng. Chúng ta có thể ngạc nhiên, “vì công cuộc của Ngài thật diệu huyền.” Chúng ta không thể thấu hiểu hết được mầu nhiệm của Thiên Chúa, nhưng ta có thể thông qua môi trường sống xung quanh mà cảm nghiệm những điều lạ lùng của Chúa.
Luca cho ta biết sứ điệp của Chúa Giêsu cho các môn đệ là một lời tiên báo họ sẽ đối mặt với những khó khăn khi rao giảng về Ngài. Chính Chúa Giêsu còn bị người ta khinh dể và chối từ, thì những ai theo Ngài cũng khó tránh khỏi. Tuy nhiên, người thông minh, khiêm nhường và tin Chúa như Gióp mà còn không thể hiểu được những gì Chúa làm, thì làm sao mà người khác có thể hiểu và chấp nhận được Chúa?
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu dùng hình ảnh so sánh, Chúa Giêsu so sánh những người ở thành Côradin và Bêssaida với thành Tyro và Sidon, Chúa nói: “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi.”
Tại sao những người ở thành Khoradin và Betsaida không chịu sám hối vì thấy các phép lạ Chúa làm?
Thưa vì họ tưởng mình là Chúa, họ tưởng mình có thể cứu độ được mình không cần đến Chúa, nên họ đã loại bỏ Chúa ra bên ngoài.
Văn sĩ Fabran Lagerkvist của Thụy Điển đã đoạt giải Nobel văn chương năm 1966 nhờ quyển tiểu thuyết nổi tiếng có tựa đề là “Baraba”.
Baraba là một tên cướp được nhắc đến trong vụ án của Chúa Giêsu.
Theo các sách Tin Mừng kể lại:
Baraba là một tên cướp khét tiếng đã phạm nhiều tội ác và sa lưới pháp luật.
Hằng năm vào những ngày lễ lớn, quan Tổng trấn đại diện cho Đế quốc Rôma tại Palestina có thói quen ân xá cho một tội nhân.
Năm đó, Tổng trấn Philatô đã đưa Chúa Giêsu và Baraba ra trước mặt dân chúng và hỏi họ nên tha cho ai.
Toàn dân đã la lớn: tha cho Baraba và đóng đinh Chúa Giêsu.
Dựa vào sự kiện lịch sử này, văn sĩ Lagerkvist đã tưởng tượng ra quãng đời còn lại của Baraba.
Baraba đã trở nên một con người quyền thế được mọi người biết đến.
Baraba có được tất cả, bởi vì chính Chúa Giêsu đã chết thay cho ông.
Thế nhưng ông không hề muốn nhắc đến Chúa Giêsu và cũng không muốn biết Ngài là ai.
Lý do khiến văn sĩ Lagerkvist được trao giải Nobel văn chương là vì qua nhân vật Baraba, ông đã họa được chân dung đích thực của con người.
Vì Baraba chính là con người được cứu độ nhờ Chúa Giêsu, nhưng vẫn không hiểu lý do tại sao. Ông không cần biết Chúa là ai, ông tưởng đây mình được cứu, được tha là nhờ chính mình, nhưng là nhờ Chúa Giêsu, chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện trong tin mừng Gioan, là một minh họa cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu chịu chết là để chết thay cho dân.
Tin mừng thuật lại: Sau khi Chúa Giêsu cứu sống Ladaro thì các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: "Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta." Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: "Các ông không hiểu gì cả, 50 các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt." (Ga 11, 47-50)
Chúng ta thấy, con người ngày nay không tin vào Chúa Kitô và nhất là muốn loại bỏ Ngài ra khỏi con người thời đại.
Với những tiến bộ vượt bực trong khoa học kỹ thuật, con người chẳng khác nào một thứ Baraba trong tác phẩm của Lagerkvist: Con người tưởng mình là Đấng cứu độ của chính mình, con người tưởng mình có thể loại bỏ mọi chiều kích siêu việt của cuộc sống, con người tưởng mình có thể sống mà không cần một Đấng cứu độ nào.
Xin cho chúng ta đừng có suy nghĩ như vậy, nhưng chúng ta hãy có suy nghĩ rằng nếu không có Chúa con người của chúng ta không thể cứu độ được mình, nếu không có Chúa con người chỉ là cát bụi hư vô mà thôi. Amen.
Thứ Bảy đầu tháng
(G 42,1-3.5-6.12; Lc 10,17-24)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
G 42,1-3.5-6.12-16: Giờ đây mắt con nhìn thấy Chúa. Bởi đó chính con trách thân con.
Tv 119,135: Lạy Chúa, xin tỏ cho tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu.
Lc 10,17-24: Các con hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời.
Hôm nay ta nghe những lời kết của sách Gióp với giọng điệu mừng vui. “Giờ đây mắt con nhìn thấy Chúa. Bởi đó chính con trách thân con.” Qua bao nhiêu đắng cay tủi hờn, Gióp nhận ra Thiên Chúa với ‘đôi mắt’ của mình, dù trước đây ông nghe tiếng Chúa. Tai nghe, mắt thấy những việc Chúa làm và nhận ra bản thân bất xứng, ăn năn sám hối trong tro bụi…là những gì Gióp có thể làm. Chúa biết tất cả mọi điều đó và ban phúc cho ông còn hơn những gì ông mong đợi.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu ở với các môn đệ. Bảy mươi hai môn đệ vui mừng vì dân đã được giải thoát khỏi quyền lực của ác thần khi nhân danh Chúa Giêsu. “Nghe danh Chúa Giêsu, cả trên trời dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và mở miệng tuyên xưng, Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Plp 2,10-11). Chúa Giêsu cho các môn đệ biết lí do để vui mừng: không phải vì các thần vâng phục họ khi nhân danh Giêsu, nhưng vì tên của họ được ghi trên trời.
Nghe và thấy những việc Chúa làm, cộng tác với Ngài là niềm vui viên mãn. Có bao người ước mong được như vậy mà không được. Vậy, những tôi tớ của Chúa hãy trung thành, sáng suốt và làm việc vì danh Người bởi Chúa là nguồn vui chúng ta.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy 72 môn đệ về khoe chiến công mà mình đã làm được, nhưng Chúa Giêsu nói với các ông: “anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời."
Nghĩa là Chúa Giêsu hướng các môn đệ về mục đích cuối cùng là hạnh phúc nước trời, chứ đừng chỉ dừng lại ở những niềm vui, ở những hạnh phúc chóng qua.
Có câu chuyện vui Đức Cha Cầu kể đó là có một bà già hằng ngày đi lễ giờ kinh nào cũng đi, giờ lễ nào cũng đi, hôm đó gặp một anh cán bộ, anh cán bộ hỏi, bà đi nhà thờ đi lễ vậy bà có được đồng tiền bát gạo nào hay không?
Nêu hỏi chúng ta thì chúng ta trả lời như thế nào?
Bà già trả lời: thưa anh nếu tôi đi lễ mà có đồng tiền bát gạo thì không tới lượt bà già như tôi mà là các anh thanh niên như các anh đã đi trước bà già này rồi, làm gì còn có cơ hội cho bà già này, nhưng tôi đi lễ là vì Chúa, vì Chúa đã yêu thương tôi, rồi tôi đi lễ để cầu nguyện với Chúa, tôi cầu nguyện cho những người như anh một ngày nào đó được ơn trở lại với Chúa.
Chúng ta thấy một câu trả lời quá xuất sắc, nếu chúng ta chúng ta có trả lời được không? Chắc chắn không trả lời được, bởi chỉ có những người đức tin mạnh mẽ mới trả lời được như vậy.
Và câu chuyện này cho chúng ta thấy, khi chúng ta theo Chúa không phải để được điều này điều kia ở trần gian này, giống như Phêro làm cuộc đổi chát với Chúa: “Thưa Thầy, chúng con bỏ mọi sự mà theo thầy thì được cái gì?”
Hay anh thanh niên giàu có đến hỏi Chúa Giêsu làm gì để có được sự sống đời đời làm cơ nghiệp, thì ngoài việc Chúa dạy anh phải giữ các điều răn, thì Chúa còn dạy anh phải bán tất cả những gì mình có mà cho người nghèo rồi hãy đến theo Chúa, thì sẽ có được sự sống đời đời, nhưng anh ta khi nghe như vậy thì sa sầm nét mặt mà bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải, nghĩa là anh nghĩ đi theo Chúa phải đổi chát, và sự đổi chát này dường như anh ta bị thua thiệt, và không chắc có được hay không nên anh ta đã từ chối.
Đi theo Chúa không thể theo kiểu đổi chát, mà là sự hy sinh, mà vì lòng yêu mến Chúa. Chúng ta hãy nhớ câu chuyện ông dakeu thì khi được Chúa gọi ông đã nói: tôi xin bán tài sản của tôi để chia cho người nghèo, và tôi làm thiệt hại ai điều gì thì xin đền gấp bốn”, Dakeu thì không đổi chát, mà đó là sự hy sinh, sự từ bỏ, chính vì thế mà theo Chúa Giêsu thì ông và gia đình được ơn cứu độ.
Chúa Giêsu muốn dạy 72 môn đệ ngày xưa cũng như mỗi người chúng ta ngày nay cũng hãy biết hy sinh, hãy biết từ bỏ vì Chúa, chứ không phải là sự đổi chát có qua có lại, nếu hiểu theo sự đổi chát có qua có lại thì điều mà chúng ta đổi chát với Chúa có bằng với những gì Chúa ban cho ta hay không? Thưa không bằng được.
Có một người nói như thế này một người một bên cõng cha, một bên cõng mẹ, mà cho dù cha mẹ có đi tiểu tiện trên đầu của mình đi chăng nữa cũng không xứng đáng, cũng không trả nổi công ơn cha mẹ.
Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để biết tìm kiếm hạnh phúc nước trời bằng sự hy sinh, bằng sự từ bỏ, bằng tình yêu đích thực, chứ không phải bằng sự đổi chát. Amen.