22/09/2024
804
Suy niệm hằng ngày_ Tuần XXV Thường Niên







 

 

 




Chúa Nhật XXV Thường Niên

Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,30-37

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Kn 2,12.17-20: Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã.

Tv 54,6b: Chúa đang nâng đỡ tâm hồn con.

Gc 3,16-4,3: Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình.

Mc 9,30-37: Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết.

Thư Giacôbê cho ta thấy cách suy nghĩ và hành động của con người. Tham vọng ích kỷ, sinh ra rối loạn và mọi hành vi xấu xa. Không ai có thể đến với Chúa, trong khi vẫn tập trung vào cái tôi của mình. Truyền thống Kitô giáo phương đông gọi việc tự yêu bản thân là “nữ hoàng của mọi tệ nạn”. Lời dạy này vẫn có giá trị cho tất cả mọi người. Trong Phúc âm, Chúa Giêsu công bố những giá trị mới. Để giành chiến thắng không phải là điều quan trọng, mà là để phục vụ. Sự vĩ đại của con người không nằm ở sự khôn ngoan hiền triết mà nằm ở tình yêu thương của Chúa. Có ích gì khi mình thông biết mọi sự mà lại thiếu tình thương và ơn ban của Chúa?

ĐTC Phanxicô cảnh báo về những thái độ và hành vi tìm kiếm “không phải vinh quang của Chúa mà là vinh quang và phúc lợi cá nhân”. Làm thế nào ta có thể tránh điều này? ĐTC cho biết: “bằng cách làm cho Giáo hội không ngừng đi ra khỏi chính mình, giữ cho sứ mạng của mình tập trung vào Chúa Giêsu, và cam kết của mình đối với người nghèo.” Phúc âm yêu cầu ta chú ý đến tình yêu của Chúa Giêsu và những người mà Ngài yêu thương.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn lần thứ 2 cho các môn đệ, và tin mừng nói rõ là Chúa Giêsu chỉ nói riêng với các môn đệ mà thôi, Ngài không muốn cho ai biết chuyện này.

Điều này cho chúng ta thấy, chỉ có những người thân tín người ta mới dám tiết lộ những bí mật mà đối với người khác thì người ta lại không tiết lộ.

Thế nhưng các môn đệ lại không hiểu được tâm tình của Chúa Giêsu bởi vì các ông đang tranh giành với nhau xem ai là người lớn nhất, chính vì thế Chúa Giêsu mới dạy cho các ông bài học: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người phục vụ mọi người”.

Nếu đào sâu thêm chúng ta thấy lời dạy của Chúa Giêsu, không chỉ đơn thuần là dạy các môn đệ khi các ông tranh giành xem ai là người lớn nhất, mà lời dạy đó cũng muốn nói cho các môn đệ biết một điều như thế này, đó là để có thể hiểu được người khác, để có thể cảm nhận được tâm tư tình cảm của người khác dành cho mình, mà cụ thể là tâm tư tình cảm của Chúa Giêsu khi loan báo cuộc khổ nạn, thì phải là người có thái độ đơn sơ khiêm nhường, còn ngược nếu mang tâm tình háo thắng, kiêu ngạo, thì sẽ bị sự háo thắng kiêu ngạo đó che mất lý trí của mình thì sẽ không bao giờ hiểu được người khác.

Chúng ta thấy Đức mẹ là một mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta.

Chúng ta hãy nhớ lại 2 câu chuyện trong tin mừng nói về việc Mẹ Maria sống và thực hành lời Chúa.

Câu chuyện thứ nhất, khi Chúa Giêsu đang giảng dạy thì: “Có kẻ nói với Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy! " Nhưng Người đáp lại: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? " Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi." (Mc 3, 32-35)

Câu chuyện thứ hai: “Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! " Nhưng Người đáp lại: "Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11,27-28).

Hai câu chuyện đó đều quy hướng về Đức Mẹ là người đã biết lắng nghe và thực hành lời Chúa.

Nhưng tại sao Mẹ Maria lại có thể lắng nghe và thực hành lời Chúa? Thưa vì mẹ có sự hiền lành và khiêm nhường, không nóng nảy.

Nếu đọc lại tin mừng chúng ta sẽ thấy được đức tính đó của mẹ, chẳng hạn như khi Chúa Giêsu được sinh ra ở Bêlem có những người chăn chiên đến họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. (Lc 2, 18-19)

Hay khi lạc mất Chúa Giêsu trong đền thờ, thánh Giuse và Mẹ đi tìm Chúa Giêsu, khi tìm gặp rồi thì mẹ nói: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! " Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? " Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.” (Lc 2, 48-51).

Chúng ta thấy Đức Mẹ không có gì là vội vã, chỉ biết suy đi nghĩ lại trong lòng, chính vì thế mà đã nghe được tiếng Chúa, và thực thi thánh ý Chúa trong cuộc đời của mẹ.

Chúng ta cũng được mời gọi như thế, để có thể lắng nghe và thực hành thánh ý Chúa trong cuộc đời của mình. Amen.

 



Thứ Hai - Tuần XXV Thường Niên

Thánh Piô Pietrelcina, linh mục. Lễ nhớ.

(Cn 3,27-34; Lc 8,16-18)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cn 3,27-34: Chúa ghê tởm những kẻ lừa dối.

Tv 15,1: Lạy Chúa, người công chính sẽ cư ngụ trên núi thánh Chúa.

Lc 8,16-18: Đặt đèn trên giá đèn, để những ai đi vào đều thấy sự sáng.

Hôm nay chúng ta có cơ hội tạ ơn Thiên Chúa nhân lành bởi những lời dạy hữu ích và có giá trị vượt thời gian để ta sống đúng và sống tốt. Sách Châm ngôn dạy rằng: “Con chớ mưu toan gây ác cho bạn hữu của con. Con chớ cạnh tranh với người ta cách vô cớ.” Quy tắc vàng theo Tin mừng là “những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).

Chúa dạy rất cụ thể: khi tránh làm hại người khác, ta cũng tránh làm hại chính mình. Ngược lại, khi làm điều tốt cho người khác, ta làm điều tốt cho chính mình. Khi ta dối trá, chua cay gắt gỏng, lợi dụng, vi phạm lời thề, v.v. ta làm tổn thương người khác. Tuy nhiên, ta có nguy cơ sống với những hậu quả tồi tệ hơn nhiều so với bất cứ điều gì mà nạn nhân của ta có thể gây ra cho ta.

Nếu như ta có thể làm như Chúa dạy thì chắc chắn là cả đời ta sẽ không phải sống trong ray rứt, dày vò, phiền muộn. Hơn thế nữa, khi tự mình thương mình bằng những ý nghĩ, lời nói và hành động tốt thì thành quả của nó không chỉ dừng lại ở bản thân mình, mà còn lan tỏa mạnh mẽ như ánh sáng của đèn được đặt trên giá. “Vì ai có thì còn được Chúa cho thêm.”




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói: “Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng.”, nghĩa là Chúa đòi hỏi các môn đệ của Chúa phải chọn lựa giữa điều tốt và điều xấu, vì tất cả mọi sự đến cuối cùng dù là điều tốt, dù là điều xấu, đều sẽ được hiển hiện, điều sẽ bị phơi bày ra trước mặt, đó là sự thật.

Chúng ta thấy câu chuyện ông Adam và bà Eva khi sa ngã phạm tội thì hai ông bà trốn tránh Chúa, nhưng cuối cùng có trốn tránh được không? Thưa không được, Chúa vẫn tìn gặp và hỏi nguyên do.

Hay câu chuyện của ông Cain giết em của mình là Aben, ông giết em mình xong thì ông chạy trốn, nhưng Chúa lại kêu ông: A-ben em ngươi đâu rồi? " Ca-in thưa: "Con không biết. Con là người giữ em con hay sao? " ĐỨC CHÚA phán: "Ngươi đã làm gì vậy? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta!

Hay câu chuyện của ông nhà giàu có nhiều của cải, mặc toàn là lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình, lại có anh Ladaro nghèo khổ ghẻ chóc, mụn nhọt đầy mình, thèm được ăn những mảnh vụn từ bàn ăn rơi xuống mà chẳng ai cho, chỉ có mấy con chó lại lếm ghẻ của anh ta. Rồi ông nhà giàu chết người ta đem chôn, anh Ladaro chết thì được đưa vào lòng tổ phụ Apraham.

Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: "Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm! Ông Áp-ra-ham đáp: "Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.

Hay câu chuyện trong ngày phán xét chung cũng vậy, cũng là một minh họa cho chúng ta để cho chúng ta thấy điều thiện điều dữ, sẽ được phơi bày, nếu không phơi bày ngay khi còn ở đời này, thì ở đời sau cũng sẽ phơi bày sáng tỏa trước mặt Chúa.

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy, để cố gắng sống tốt lành thánh thiện ở đời này, để đời sau chúng ta đáng được hưởng hạnh phúc mà Chúa đã hứa ban. Amen.




Thứ Ba Tuần XXV Thường Niên

(Cn 21,1-6.10-13; Lc 8,19-21)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cn 21,1-6.10-13: Những câu Cách Ngôn khác nhau.

Tv 119,35: Lạy Chúa, xin hướng dẫn con vào đường lối chỉ thị Ngài.

Lc 8,19-21: Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.

Lời Chúa hôm nay cho biết Ý Chúa và ý người cần có sự hòa hợp thì mới dẫn đến bình an. Sách Châm ngôn cho biết là tâm ý con người ở trong tay Chúa, dầu là vua cũng phải đặt đường lối của mình trong sự chỉ bảo của Chúa. Vì người ta thì chú ý vào những thực hành bề ngoài, còn Chúa thì sửa trị cả tâm can. Thánh vịnh là lời soi tỏ cho sự tin tưởng và phó thác khi nài xin Thiên Chúa hướng dẫn theo đường lối chỉ thị của Ngài. Theo Tin mừng, những ai khiêm tốn để cho Lời Chúa sáng soi và đem ra thực hành thì được Chúa Giêsu gọi là những người ruột thịt của mình.

Bởi vì Lời Chúa là ngọn đèn soi cho ta bước, là ánh sáng dẫn đường ta đi nên chúng ta trung thành lắng nghe và đem ra thực hành những điều Chúa dạy. Ta tin chắc rằng, Thiên Chúa vẫn mãi hoạt động và hướng dẫn ta theo đường lối của Ngài. Chỉ cần ta không tự kiêu tự đại, cứng đầu cứng cổ, ích kỷ nhỏ nhen, và giả dối lọc lừa thì Chúa sẽ dẫn ta theo đường công chính, công lý, khiêm nhu, trung thành và bác ái. Đó chính là những lối dẫn ta đến sự hòa hợp với Chúa trong đời sống mỗi ngày. Vậy ta hãy trở nên người trong gia đình của Chúa bằng chính Lời của Ngài.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói với dân chúng khi có mẹ và anh em Chúa đến tìm Chúa đó là: “Me và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.

Nghĩa là việc lắng nghe và thực hành lời của Thiên Chúa như là một dấu chỉ để cho biết chúng ta là những người thuộc về Chúa, không lẫn đi đâu được.

Chúng ta hãy nhớ trong sách khải huyền thánh Gioan nhắc đến việc thích dấu ấn để làm dấu. Đó là: “Con thú bắt mọi người không phân biệt lớn nhỏ, giàu nghèo, tự do hay nô lệ, phải thích dấu trên tay hữu hoặc trên trán. Không ai có thể mua bán, nếu không mang dấu thích đó, tức là tên Con Thú hoặc con số tương đương với tên nó.” (Kh 13, 16-17).

Rồi trong đạo do thái có dấu chỉ để thuộc về dân riêng của Chúa đó là dấu chỉ cắt bì.

Còn mỗi người chúng ta ngày nay thì dấu chỉ để thuộc về Chúa đó là chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội, nhưng một cách cụ thể hơn nữa đó là phải lắng nghe và thực hành lời của Chúa nữa, vì có lần Chúa đã nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau." (Ga 13,35), yêu thương nhau cũng là lắng nghe và thi hành lời Chúa.

Nên chúng ta thấy sẽ có dấu chứng để biết chúng ta thuộc về ai thuộc về Chúa, hay thuộc về ma quỷ, nếu chúng ta nói mình thuộc về Chúa mà không lắng nghe, không thực hành lời Chúa thì không thuộc về Chúa cách trọn vẹn, chỉ mang danh là thuộc về mà thôi.

Có một bà vợ thường xuyên càu nhàu về tình trạng khô khan nguội lạnh của ông chồng. Hơn thế nữa, bà còn tỏ ra khinh ghét tất cả những hình ảnh ông đã xăm trên mình.

Ngày kia, trong một cố gắng nhằm cải thiện đời sống cũng như mối liên hệ với vợ, ông đã quyết định xăm hình Chúa Giêsu thật to trên tấm lưng của mình. Trở về nhà, ông hớn hở giơ tấm lưng trần cho vợ xem và hỏi:

 – Bà có biết ai đây hay không?

Chẳng đợi cho vợ trả lời, ông liền nói:

 – Chúa đấy.

Thế nhưng, bà vợ bỗng nổi giận đùng đùng và quát lớn:

 – Thật là báng bổ. Chúa nào lại ở trên cái lưng bẩn thỉu và nhớp nhúa của ông.

Nói rồi, bà vơ lấy cái chổi và cứ thế quất vào tấm lưng của ông cho đến khi bật cả máu.

Sau trận đòn ấy, ông ra ngồi dưới một gốc cây và bật khóc. Ông khóc không phải vì trận đòn của bà vợ thuộc vào hạng sư tử Hà Đông, nhưng khóc vì nhận ra rằng mình không còn cách nào để làm đẹp lòng bà vợ luôn tự hào về tình trạng đạo đức của mình.

Như vậy người đàn bà đạo đức này thật ra không phải là đạo đức, mà là đạo đức giả, điều này chứng tỏ bà không thuộc về Chúa.

Xin cho chúng ta biết lắng nghe và thực hành lời Chúa để cuộc đời của chúng ta được thích dấu của Chúa, để chứng tỏ mình thuộc về Chúa. Amen.


 

Thứ Tư - Tuần XXV Thường Niên

(Cn 30,5-9; Lc 9,1-6)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Cn 30,5-9: Xin chớ để con ăn mày và cũng đừng để con giàu có: xin chỉ ban cho con ăn dùng vừa đủ.

Tv 119,105: Lời Chúa là đèn soi tỏ dưới bước chân con.

Lc 9,1-6: Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân.

Bài trích sách Châm ngôn hôm nay nhắc nhớ đến lời kinh Lạy Cha. Chúa Giêsu dạy: “xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày…”; Sách Châm ngôn nói rõ lý do: “Xin chớ để con ăn mày và cũng đừng để con giàu có: xin chỉ ban cho con ăn dùng vừa đủ.” Kẻo khi no đầy, dư dật thì lại mê đắm xa hoa phù phiếm mà quên cả Chúa. Hoặc túng thiếu thì dễ làm liều, đi ăn trộm, ăn cắp mà làm ố danh Thiên Chúa. Những bài học mầu nhiệm nhưng rất thiết thực cho cả xưa và nay.

Sự cân bằng trong lối sống vật chất và tinh thần sẽ giúp ta khỏe mạnh, bình an, đề phòng bệnh tật. Vì Chúa hiểu rõ tâm tư cuồng nộ của thế gian, nên Ngài “gọi mười hai Tông đồ lại và ban cho các ông sức mạnh và quyền năng” (Lc 9,1) để trừ quỷ và chữa lành mọi loại bệnh. Đức Kitô mang lại trạng thái cân bằng và bình an, giúp xoa dịu tâm hồn và cho phép ta khám phá lại bản thân và hướng đến tương lai tươi sáng. Hãy để Chúa Giêsu Kitô và Lời của Ngài soi sáng từng bước ta đi trong đức tin và niềm vui vĩnh cửu. Ngài sẽ làm tràn ngập hy vọng và yêu thương để ta vinh danh Thiên Chúa trong mỗi phút giây.




Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm qua chúng ta chia sẻ với nhau về chủ đề lắng nghe và thi hành ý muốn của Thiên Chúa để biết chúng ta thuộc về gia đình của Chúa.

Tin mừng hôm nay cũng cùng một ý tưởng đó, đó là Chúa ban cho 12 tông đồ sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và được chữa lành các bệnh tật, đó cũng là dấu chỉ để cho thấy các tông đồ thuộc về Chúa.

Nhưng sau đó Chúa Giêsu lại bảo các tông đồ thêm rằng: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ."

Tại sao Chúa Giêsu lại nói thêm với các tông đồ như thế, phải chăng khi ban sức mạnh và năng quyền trên các thần ô uế không đủ để chứng minh các ông thuộc về Chúa?

Thưa đúng như vậy, nếu chỉ có sức mạnh và khả năng trừ quỷ, khả năng chữa lành bệnh tật thì chưa đủ để chứng mình là thuộc về Chúa.

Chúng ta hãy nhớ đến câu chuyện của Môse trong cựu ước Môse và Aharon ném cây gậy của mình xuống đất trước mặt vua Pharaon và bề tôi của vua, thì cây gậy hóa thành rắn, nhưng các thầy phù thủy của vua Pharaon cũng làm được điều đó. Hay khi Môse và Aharon làm cho nước hóa thành máu, thì các thầy phù thủy của vua Pharaon cũng làm được như vậy, nên Pharaon trở nên cứng lòng, vì ai làm cũng được.

Hay câu chuyện được kể lại trong tin mừng Luca, đó là câu chuyện ông Gioan nói với Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy." Đức Giê-su bảo ông: "Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta! " (Lc 9, 49-50). Chúng ta thấy những người không theo Chúa Giêsu cũng có thể trừ quỷ.

Chính vì thế, mà Chúa Giêsu dạy các môn đệ khi đi rao giảng tin mừng phải từ bỏ mọi sự, đó là dấu chứng để chứng tỏ một người theo Chúa thật sự, vì Chúa nói: “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi”.

Xin cho mỗi người chúng ta là những người được mang danh là môn đệ Chúa Kito biết sống điều Chúa dạy để chúng ta không chỉ là những người được mang danh, mà là những môn đệ đích thực của Chúa. Amen.


 

Thứ Năm - Tuần XXV Thường Niên

(Gv 1,2-11; Lc 9,7- 9)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Gv 1,2-11: Chẳng có chi mới lạ dưới mặt trời.

Tv 90,1: Thân lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia.

Lc 9,7-9: Ông Gioan đã bị trẫm chém đầu rồi, ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế.

Sách Giảng viên nói rằng: “Chẳng có chi mới lạ dưới mặt trời.” Không có cái mới nhưng có cách mới hay giải pháp mới. Trong đời sống đức tin, cần lắm những tâm hồn mới mẻ để khám phá những điều kỳ diệu Chúa đã làm, đang làm và sẽ làm. Tin mừng Luca cho biết Chúa Giêsu đã làm những việc lạ lùng, và chính nhà vua phải nêu lên những người danh tiếng lẫy lừng để so sánh. Thế nhưng, những người được nêu tên không thể nào so được với Chúa Giêsu. Quả thật, không có gì mới dưới ánh mặt trời, nhưng Chúa Giêsu đã kéo người ta ra khỏi lối mòn của suy nghĩ.

Sự hiện diện của Chúa là một hồng phúc cho con người. Khi xưa Chúa Giêsu làm những việc trọng đại thì người ta nhớ đến Êlia, Gioan Tẩy Giả, v.v. Ngày nay, có những người và những việc cử hành thì giúp người ta nhớ ngay đến Chúa Giêsu, bởi chính Chúa đã dạy: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta.” Có nhiều cách để cho ta có thể nhớ ngay đến Chúa, gặp Chúa, trò chuyện với Chúa. Cụ thể là tham dự thánh lễ, chầu Thánh Thể, cầu nguyện, và gặp Chúa Giêsu nơi những anh chị em bị đẩy ra bên lề của xã hội…Những điều này không mới nhưng cần lắm những tâm hồn khám phá và thực hành.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy vua Hêrode không biết Chúa Giêsu là ai và dân chúng cũng không biết Chúa Giêsu là ai, và tin mừng nói thêm là ông muốn tìm cách gặp Chúa Giêsu.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện của ông Nathanaen khi được Philipphe giới thiệu cho biết Chúa Giêsu là Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét."

Ông Na-tha-na-en liền bảo: "Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được? " Ông Phi-líp-phê trả lời: "Cứ đến mà xem! "

Sau đó Nathanaen đã đến tìm gặp Chúa Giêsu, để rồi ông nhận ra Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Vua Israen.

Trong khi đó đối với Vua Hêrode thì lại khác ông chỉ muốn gặp Chúa để được xem phép lạ Chúa làm mà thôi, nghĩa là vì hiếu kỳ, gặp cũng được không gặp cũng chẳng sao, chẳng quan trọng, chính vì thế đến khi Chúa Giêsu bị bắt bị điệu râ dinh tổng trấn philato, nhân dịp này vua Hêrode mới gặp được Chúa Giêsu.

Nên chúng ta thấy, lòng hiếu kỳ và lòng ao ước thật sự hoàn toàn khác nhau, lòng hiếu kỳ không làm người ta biến đổi sâu, nếu có biến đổi thì chỉ biến đổi chút ít giống như hình ảnh của hạt giống được gieo bên vệ đường, sỏi đá bụi gai, không bén rễ sâu, còn lòng ao ước thật sự giúp người ta biến đổi sâu, giống như hạt giống được gieo vào đất tốt.

Áp dụng vào đời sống của chúng ta, chúng ta được mời gọi đến với Chúa không phải vì lòng hiếu kỳ, không phải vì phép lạ, nếu chỉ đến với Chúa chỉ vì lý do như thế thì chẳng biết Chúa là ai cả. Mà hãy đến với Chúa vì lòng ao ước thật sự, vì lòng yêu mến Chúa, có như thế, chúng ta mới có thể được biến đổi thật sự, có như thế chúng ta mới biết rõ, mới hiểu rõ Chúa là ai.

Nhưng cũng có khi có người đến với Chúa bằng lòng hiếu kỳ, nhưng sau đó Chúa sẽ biến đổi lòng hiếu kỳ đó thành lòng ao ước thật sự, bén rễ sâu thật sự.

Chúng ta thấy có hình ảnh của ông Dakeu là một minh họa, đến với Chúa bằng lòng hiếu kỳ, nhưng khi được Chúa Giêsu mời gọi là Chúa đến nhà ông, thì ông đã biến đổi, ông nói tôi xin bán tài sản của tôi cho người nghèo, và tôi có làm thiệt hại ai điều gì, thì xin đền gấp bốn, và Chúa nói: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất." (x. Lc 19,1-10).

Nói như vậy, để chúng ta xác tín vào ơn Chúa, mặc dầu ao ước gặp Chúa thật sự là điều tốt, nhưng đến với Chúa vì hiếu kỳ cũng tốt, nên phải xác tín rằng Chúa sẽ biến đổi, chúng ta tin tưởng như thế sẽ tránh được tình trạng chúng ta xét đoán anh em mình, để rồi dựa vào đó mà khép góc anh em mình trong quá khứ của họ. Amen.




Thứ Sáu - Tuần XXV Thường Niên
Thánh Vinhsơn Phaolô, linh mục. Lễ nhớ

(Gv 3,1-11; Lc 9,18-22)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Gv 3,1-11: Vạn vật dưới bầu trời đều trải qua thời gian của chúng.

Tv 144,1: Ôi Đá Tảng của con, chúc tụng Chúa!

Lc 9,18-22: Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu nhiều đau khổ.

Thiên Chúa là chủ của thời gian. “Chúa tác tạo vạn vật trong thời gian Chúa muốn, và trao phó thế gian cho loài người tranh giành, nhưng con người không hiểu được việc Thiên Chúa đã làm từ đầu đến cuối.” Mỗi thứ đều có thời gian của nó. Vấn đề là con người không sử dụng thời gian đúng cách ngay cả khi họ đang làm việc gì đó hiệu quả bởi vì họ không làm những gì Chúa đã kêu gọi họ phải làm. Thông thường, mọi người nghĩ rằng họ làm điều đúng đắn, nhưng điều đúng cũng nên đi cùng với thời điểm thích hợp.

Bài đọc Tin Mừng cũng đề cập đến vấn đề thời gian. Đến lúc Phêrô tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”, ngay sau đó là thời gian giữ im lặng vì Chúa Giêsu “ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai”. Rồi sẽ đến lúc Con Thiên Chúa chết trong giờ của Ngài, sau ba ngày sẽ sống lại…khi đó người ta sẽ thấy lời ứng nghiệm. Vì vậy, chúng ta sẽ tìm hiểu các dấu hiệu của thời đại để sống tích cực và ý nghĩa. Nếu không, chúng ta sẽ không có thời gian để nói lời xin lỗi hay nuối tiếc về những gì đã qua. Thời giờ là của Chúa. Do đó ta hãy sống trọn vẹn giây phút hiện tại với Chúa, vì ta không biết giờ nào, ngày nào Chúa cất ta đi.

 



Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: Người ta bảo Thầy là ai? Các ông thưa: “Người thì bảo là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ khác lại bảo là ông Êlia, còn người khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa sống lại.”

Người lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? " Ông Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa." Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.

Chi tiết này cho chúng ta thấy được điều gì? Thưa chi tiết đó cho chúng ta thấy được đối với Chúa Giêsu thì Chúa không để cho tiếng thị phi tác động đến mình, người ta có cho Chúa Giêsu là ai đi chăng nữa, thì cũng không ảnh hưởng đến Chúa, vì Chúa biết mình là ai.

Bên cạnh đó Chúa cũng muốn các môn đệ của Chúa thì phải hiểu rõ về Chúa là ai, đừng để cho tiếng thị phi tác động để rồi không hiểu về Chúa, hay hiểu sai về Chúa.

Áp dụng vào đời sống của chúng ta, chúng ta cần phải biết Chúa là ai để tin vào Chúa đừng nghe tiếng thị phi, và chúng ta phải biết mình là ai, để đừng bị tiếng thị phi mê hoặc, nếu không chúng ta sẽ đánh mất chính mình.

Trong một buổi nhàn hạ, vua Đường Thái Tông hỏi chuyện vị quan cận thần là Hứa Kính Tôn rằng:

– Trẫm thấy khanh phẩm cách cũng không phải là phường sơ bạc. Sao lại có nhiều tiếng thị phi chê ghét như thế?

Hứa Kính Tôn trả lời:

– Tâu bệ hạ, mưa mùa xuân tầm tã như dầu, người nông phu mừng cho ruộng đất được thấm nhuần, kẻ bộ hành lại ghét vì đường đi trơn trượt. Trăng mùa thu sáng vằng vặc như gương treo trên bầu trời đêm, hàng thi nhân vui mừng gặp dịp thưởng du ngâm vịnh, nhưng bọn đạo chích lại ghét vì ánh trăng quá sáng tỏ… Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị, mà cơn nắng mưa thời tiết vẫn bị thế gian trách hận ghét thương.

Còn hạ thần đâu phải một người vẹn toàn, thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai chỉ trích. Cho nên ngu thần trộm nghĩ, đối với tiếng thị phi trong thế gian nên bình tâm suy xét, đừng nên vội tin nghe.

Vua tin nghe lời thị phi thì quan thần bị hại. Cha mẹ tin nghe lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi thì gia đình ly tán. Tiếng thị phi của thế gian nọc độc còn hơn rắn rết, bén hơn gươm đao, giết người không thấy máu.

Xin cho chúng ta biết làm chủ chính mình, đừng chạy theo tiếng thị phi để đánh mất chính mình, nguy hại đến người khác. Amen.


 


Thứ Bảy - Tuần XXV Thường Niên

(Gv 11,9-12,8; Lc 9,43b-45)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Gv 11,9-12,8: Trong những ngày thanh xuân, ngươi hãy nhớ đến Đấng Tạo thành ngươi; trước khi tro bụi sẽ trở về đất và hồn sẽ trở về cùng Chúa.

Tv 90,1: Thân lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia.

Lc 9,43b-45: Con Người sẽ phải bị nộp. Các ông không đám hỏi Người về lời ấy.

Sách Giảng viên đã nói hộ cho con người đường đi của kiếp nhân sinh. Mọi sự đều có khởi đầu và kết thúc trong thời gian của nó. Con người biết cuộc đời mình sẽ tận, nhưng không biết là khi nào, ở đâu, cách thức ra làm sao. Không biết vì không biết hỏi ai. Không ai ở trần gian này làm chủ cuộc đời ta, ngoại trừ Thiên Chúa. Trong Tin mừng, chính Chúa Giêsu cũng loan báo là Ngài sẽ phải bị người ta trao nộp cho quan tòa, bị kết án…các môn đệ nghe Thầy Giêsu nói thế nhưng cũng không dám hỏi.

Có sinh thì có tử. Chính Chúa Giêsu đã đồng hành với kiếp người và cũng đã nếm trải trọn quy trình sinh tử đó. Chỉ có điều là Ngài đã vượt qua sự chết và về với Chúa Cha. Đó là niềm hy vọng của ta. Ta là những người con của Ngài, bước đi theo Ngài, thì Ngài ở đâu ta cũng sẽ được ở đó. Muốn được như thế thì ngay từ “những ngày thanh xuân, hãy nhớ đến Đấng Tạo Thành”. Đừng sống như những kẻ không tin vào nguồn cội cao nhất vì họ không tin là có Chúa trên đời. Chỉ có Chúa mới là chỗ chúng ta nương thân, từ đời nọ trải qua đời kia.




Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy các môn đệ chỉ có cái nhìn một phía đó là chỉ thán phục về những việc Chúa làm, còn việc Chúa Giêsu sắp phải chịu thì các ông không  để ý tới.

Hình ảnh đó cũng là hình ảnh của mỗi người chúng ta, đó là chúng ta quá nghiêng chiều về điều gì đó, thì sẽ đánh mất đi chiều ngược lại, nghĩa là mất đi sự thăng bằng trong đời sống, quá lo lắng về mặt thể xác thì sẽ lơ là về mặt linh hồn, hay quá lo lắng về mặt linh hồn thì sẽ lơ là về mặt thân xác, thì đó cũng là một tai hại, quá muốn người ta phải tốt với mình, để rồi mình quên rằng chính mình phải nhận ra lòng tốt đó, để cảm ơn, nghĩa là xem lòng tốt của người ta dành cho mình là một bổn phận, chứ không phải lòng tốt của người ta là vì người ta muốn tốt với mình.

Nhà văn lỗ tấn có nói một câu như thế này: “Tôi cho rằng, người khác tôn trọng tôi, là bởi vì tôi rất tốt đẹp. Nhưng, sau này tôi mới hiểu, người khác tôn trọng tôi, là bởi vì chính bản thân họ vốn rất tốt đẹp. Những người tốt đẹp, đối với ai cũng đều sẽ tôn trọng. Tôn trọng lãnh đạo là thiên chức. Tôn trọng đồng nghiệp là nên làm. Tôn trọng người dưới là tốt tính. Tôn trọng khách hàng là lẽ thường. Tôn trọng đối thủ là rộng lượng. Và hơn hết, tôn trọng hết thảy mọi người chính là có giáo dưỡng."

Có câu chuyện kể lại rằng, ngày xưa, hai gia đình là hàng xóm của nhau cùng chung sống vô cùng vui vẻ, không có thù oán gì, dù một bên thì vô cùng giàu có, một bên lại khá là nghèo nàn.

Bỗng một năm, khi ông trời giáng xuống thiên tai, hủy hoại hết ruộng đồng và nương lúa, mùa màng thất bát khiến gia đình nghèo không có gì để thu hoạch. Vào lúc này, nể tình hàng xóm qua lại bấy lâu, hộ nhà giàu đã lấy ra một thúng gạo trong số lương thực tích trữ của mình để cứu họ khỏi cơn nguy nan.

Sau khi trải qua thời gian khó khăn nhất, gia đình nghèo sang bày tỏ lòng cảm ơn với vị hàng xóm hào phóng của mình. Họ nhắc đến việc mùa màng năm sau không có hạt giống mà sầu lo, vì thế, những người giàu tiếp tục giúp đỡ bằng cách tặng họ một đấu thóc để gieo trồng.

Thế nhưng lần này, thứ mà những người nhà nghèo trả cho họ không phải là lời cảm ơn mà là sự trách móc. Hộ gia đình nghèo nói rằng: "Một đấu thóc này thì làm được gì chứ, gieo không được chục mét nữa là. Mấy người này giàu có mà sao lại keo kiệt và tệ bạc thế nhỉ?".

Gia đình nhà giàu nghe vậy thì tức giận. Họ vốn có lòng tốt giúp đỡ hết lần này đến lần khác nhưng chỉ đổi lại được những lời oán than và đố kỵ. Từ đó, quan hệ giữa hai bên không khác gì kẻ thù, chỉ vì “một bát cơm có thể nuôi ân nhưng một thúng thóc có thể tạo oán thù”.

Xin cho mỗi người chúng ta có cái nhìn toàn diện để thấy được những điều mình cần phải thấy trong cuộc sống, có như thế cuộc sống của chúng ta mới có ý nghĩa không chỉ cho chính chúng ta, mà còn cho những người xung quanh của chúng ta. Amen.