20/10/2024
1020
Suy niệm hằng ngày_ Tuần XXIX Thường Niên







 

 

 




Chúa Nhật XXIX Thường Niên

Is 53,10-11; Dt 4,14-16; Mc 10,35-45


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Is 53,10-11: Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn.

Tv 33,22: Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.

Dt 4,14-16: Chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước tòa ân sủng.

Mc 10,35-45: Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá chuộc cho nhiều người.

Thư Do Thái dạy rằng “Chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước tòa ân sủng.” Trong thời kỳ khủng hoảng, nhiều người đã đánh mất hy vọng và niềm tin. Người dân bị đau khổ vì đại dịch, thiên tai,…thì người lãnh đạo có trách nhiệm chăm lo cho công dân của mình, nhưng có một số người lại chất thêm gánh nặng cho dân. May mắn thay, Chúa Giêsu dạy bằng những lời lẽ khôn ngoan: “Con Người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình” (Mc 10,45). Chúa Giêsu Kitô dạy bằng gương của Ngài: Ngài không chỉ làm theo ý muốn của Chúa Cha, mà trên hết, Ngài còn chịu một giá đắt khủng khiếp! Nhờ Máu của Ngài mà tội lỗi của ta được tha.

Chúa Giêsu lật ngược nhiều phạm trù của thế giới này đến mức Ngài đưa ra một cách tiếp cận hoàn toàn mới đối với các hoạt động của con người. Điều cần làm đồng hóa mình với Đức Kitô qua những việc nho nhỏ mà ta có thể thực hiện, yêu mến Chúa và anh chị em mình. Kẻ có quyền thì phục vụ như người đầy tớ của dân, từ đó sẽ có được bình an và hạnh phúc trong đời.



Lm. Tôma Lê Duy Khang

Bài 1

Bối cảnh của tin mừng hôm nay đó là sau khi Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn lần thứ ba, như vậy nghĩa là Chúa Giêsu đã loan báo cuộc khổ nạn của Chúa hai lần trước rồi.

Và tin mừng hôm nay là việc các môn đệ tranh giành quyền lực với nhau, hình ảnh đó cho chúng ta thấy được điều gì? Thưa cho chúng ta thấy được các môn đệ của Chúa không hiểu, cũng không nhớ được như gì Chúa đã nói.

Chúng ta hãy nhớ lại khi Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều không chỉ một lần mà đến hai lần, thế nhưng khi các môn đệ quên đem bánh theo; trên thuyền, các ông chỉ có một chiếc bánh. Người răn bảo các ông: "Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê! " Và các ông bàn tán với nhau về chuyện các ông không có bánh. Biết thế, Người nói với các ông: "Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao: khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh? " Các ông đáp: "Thưa được mười hai." "Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh? " Các ông nói: "Thưa được bảy." Người bảo các ông: "Anh em chưa hiểu ư? " (Mc 814-21).

Hoặc khi Chúa Giêsu sống lại hiện ra với các môn đệ hết lần này đến lần khác nhưng các ông không nhận ra, nhưng Chúa vẫn cứ hiện ra, để cho các ông biết là Chúa đã sống lại.

Chính vì con người hay quên như thế nên Chúa hết lần này đến lần khác hiện ra với các ông giải thích kinh thánh, cho xem tay và cạnh sườn, rồi lại giải thích kinh thánh nữa.

Lễ lòng Chúa thương xót cũng là một minh họa cho chúng ta, là Chúa muốn nhắc để chúng ta nhớ về lòng thương xót của Chúa.

Và việc nhắc đi nhắc lại chúng ta thấy nó giống như phương pháp trồng hoa lấn cỏ, để giúp đẩy lui những cỏ rác nơi con người.

Có một vì thiền sư tuổi cao sắp qua đời vào giờ phút lâm chung các đệ tử của ông ngồi xưng quanh và chờ đợi sư phụ truyền đạt lại cho họ những kiến thức uyên thâm về cuộc đời và vũ trụ. Vị thiền sư chỉ yên lặng và nhắm mắt, bỗng ông cất tiếng hỏi các đệ tử của mình: các con có biết cách nào diệt trừ được cỏ dại không?

Ai nấy đều ngỡ ngàng, không ngờ sư phụ của mình lại chỉ hỏi một câu đơn giản như vậy.

Một đệ tử nói có thể dùng xẻng xúc hết cỏ dại ạ, vị thiền sư khẽ gật đầu cười nhẹ sau khi nghe câu trả lời.

Một đệ tử khác lại nói: có thể dùng lửa đốt cỏ ạ. Thiền sư vẫn mỉm cười.

Vị đệ tử thứ 3 quả quyết thưa thầy có thể rắc vôi lên cỏ có thể diệt sạch cỏ dại.

Vị đệ tử thứ 4 tiếp lời phương pháp của họ chưa đúng theo con phải cắt bỏ gốc rễ đào sạch rễ thì cỏ mới biến mất hoàn toàn được.

Sau khi các đệ tử nói xong vị thiền sư nói: các con nói đều hay, từ ngày mai các con sẽ chia nhau những mảnh vườn cỏ dại riêng và loại trừ cỏ dại theo cách riêng của mỗi người, chúng ta sẽ kiểm tra lại khu vườn vào giờ này năm sau.

Đúng một năm sau khi ra sức diệt cỏ, các đệ tử đã cùng nhau ngồi nhìn lại mảnh vườn, rõ ràng họ đã ra sức tìm mọi cách để diệt cỏ dại, nhưng không hiểu sao cỏ dại vẫn đều mọc lại như cũ, họ tò mò không biết sư phụ của mình đã thực hiện cách nào để tiêu diệt cỏ dại, bèn đến thăm khu vườn của vị thiền sư quá cố, kỳ lạ thay khu vườn um tùm dày đặc cỏ dại ban đầu không còn nữa, thay vào đó toàn là những hoa màu rực rỡ. các đệ tử chợt ngộ ra hóa ra trông hoa màu là cách tốt nhất để loại bỏ cỏ dại, họ ngồi xuống trên mặt đất rợp bóng cây mùa màng đã chín rộ, nhưng vị thiền sư năm ấy nay đã qua đời, đây là bài học cuối cùng mà sư phụ đã truyền lại cho họ, những người đệ tử xúc động rơi nước mắt vì biết ơn.

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để đón nhận, đón nhận những lời nhắc nhở, những lời dạy dỗ chân tình, có thể điều đó chúng ta nghe nhiều lần làm mình buồn chán, nhưng đó là tình thương, mời gọi chúng ta hãy đón nhận. Amen.


 

Bài 2: Truyền giáo


Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy lệnh truyền truyền giáo của Chúa Giêsu: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ."

Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

Và trong lệnh truyền truyền giáo này chúng ta thấy Chúa Giêsu để cho con người tự do lựa chọn đó là ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ, còn ai không ai, thì sẽ bị kết án.

Nếu nói cho tự do thì làm sao lại phải bị kết án, tội nghiệp vậy?

Thưa chúng ta phải hiểu là không tin có nghĩa là không tin mà vẫn chịu phép rửa thì sẽ bị kết án, chịu phép rửa mà không giữ đạo mà không sống đạo sẽ bị kết án.

Mở rộng ra nữa đó là không tin sẽ bị kết án này chúng ta được mời gọi hiểu theo nghĩa là không công bằng, mình sống không công bằng sẽ bị kết án.

Chúng ta hãy nhớ câu chuyện của Chúa Giêsu bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối: "Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xi-đôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơ-đôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi." (Mt 11, 21-21).

Hay câu chuyện của mấy kinh sư và mấy người Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ." Người đáp: "Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giô-na. Quả thật, ông Giô-na đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy. Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa. Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa. (Mt 12, 38-42).

Như vậy, lệnh truyền truyền giáo này như là một lời thức tỉnh dành cho mỗi người chúng ta, chúng ta là những người tin Chúa phải sống đạo tốt lành, để được ơn cứu độ, nếu chúng ta không sống đạo tốt lành chúng ta sẽ bị luận phạt vì đã tin mà không sống, vì mất lẽ công bằng với người khác, nghĩa là đối với chúng ta chúng ta đã chọn lựa rồi, thì không thể thay đổi được.

Và lệnh truyền truyền giáo này dành cho những người chưa được biết Chúa, họ có tự do tin hay không tin là chuyện của họ, nhưng chúng ta có bổn phận sống tốt lành, nếu có cơ hội nói về Chúa cho họ biết, chứ không ép buộc người khác vì bất cứ lý do gì, cứ để cho họ có tự do để chọn lựa, bởi nếu chúng ta ép buộc mà họ không có tự do, thì trách nhiệm đó thuộc về mỗi người chúng ta, chúng ta sẽ bị luận phạt.

Xin cho chúng ta hiểu được như vậy, để ý thức hơn, để cẩn trọng hơn trong việc truyền giáo, để cẩn trọng hơn trong việc đề nghị ban bí tích, hay trao ban các bí tích cho người khác, và qua đó giúp chúng ta tôn trọng hơn trong việc cử hành các bí tích. Amen.



Thứ Hai - Tuần XXIX Thường Niên

(Ep 2,1-10; Lc 12,13-21)
 

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Ep 2,1-10: Người làm cho chúng ta sống lại trong Đức Kitô, và đồng ngự trị trên nước trời.

Tv 100,3b: Chính Chúa đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người.

Lc 12,13-21: Những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?

Thư Êphêsô nói về ơn cứu độ nhưng không bằng cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Sự sống đến từ Chúa. Ta không làm bất cứ điều gì để xứng đáng và ta không thể làm bất cứ điều gì để có mặt trên đời. Tất cả là bởi ơn ban của Thiên Chúa. Ta là thụ tạo phụ thuộc, một món quà từ Chúa, và sống nhờ Người. Tuy nhiên, điều này không làm hạ giá bản thân, vì đó là bản chất con người. Điều khích lệ là ta được Chúa yêu - và đây là điều thay đổi mọi sự.

Lắm khi vì yêu mà có lời hơi khó nghe. Khi lên tiếng chống lại người giàu, Chúa Giêsu không có ý định kết án họ nhưng để giải thoát họ. Điều Ngài nói không phải là việc họ có của cải, mà là sự dính bén với chúng, và việc tích trữ, hưởng thụ ích kỷ.

Có chuyện rằng, ông chủ rất giàu có vì giỏi kinh doanh. Ông làm quần quật ngày đêm, và đột ngột qua đời vì tai biến. Sau đó, bà vợ cưới người tài xế của ông. Tài xế nói, trước đây người ta nghĩ tôi làm thuê cho ông chủ, nhưng thực ra ông ấy làm cho tôi. Tiền ông để lại hết cho tôi... Hãy cảm nghiệm sự tốt lành của Chúa và trở nên giàu có, khôn ngoan trước mặt Người.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu kể câu chuyện người phú hộ ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: "Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu! Rồi ông ta tự bảo: "Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã! Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó."

Nếu đào sâu thêm chúng ta thấy không chỉ khi chúng ta tích trữ của cải vật chất mà không lo cho đời sống thiêng liêng mình, thì mình mới là đồ ngốc, nhưng khi chúng ta đánh giá người khác dựa trên của cải vật chất cũng là đồ ngốc, vì khi đó người khác cũng sẽ chạy theo của cải vật chất mà bỏ bê đời sống thiêng liêng của mình, nói cách khác đó là sự chụp mũ người khác.

Có một câu chuyện kể về một học sinh trong lúc đùa giỡn đã dán tờ giấy có viết mấy chữ: “Tôi ngu xuẩn“ lên lưng bạn học ngồi phía trước, rồi nói với những bạn khác đừng cho nó biết.

Và chúng bắt đầu cười cợt.

Đến chiều khi giờ toán bắt đầu, cô giáo cho một bài toán khó trên bảng.

Không một ai có thể giải, ngoại trừ cậu bé bị dán tờ giấy sau lưng.

Cậu bé bước lên bảng trong tiếng cười nhạo, và cậu đã giải được bài toán.

Cô giáo biểu cả lớp hãy vỗ tay khen ngợi, và lột bỏ tờ giấy sau lưng cậu.

Cô giáo nói với cậu: “Hình như em không biết có tờ giấy mà bạn đã dán sau lưng mình?”

Sau đó cô giáo nhìn cả lớp rồi nói:

- Trước khi cô phạt các em cô muốn nói hai điều này:

Thứ nhất: Suốt cuộc đời của các em, người ta sẽ chụp mũ các em với những lời lẽ xấu xa tệ hại để ngăn cản sự thành công của các em.

Nếu người bị chọc là ngu xuẩn đó, biết bạn dán tờ giấy sau lưng mình, thì cậu ấy không đủ can đảm để bước lên bảng giải bài toán.

Vì vậy để làm tất cả những gì các em muốn làm trong đời, thì hãy bỏ qua hết những lời dị nghị dèm pha của người khác, và nắm bắt mọi cơ hội để học hỏi, để trưởng thành và hoàn thiện bản thân.

Thứ hai: Một điều rất rõ ràng là cậu ấy không có một người bạn thật sự nào, trong tất cả bạn bè trong lớp, để nói cho cậu ấy biết là sau lưng cậu có tờ giấy.

Dù cho các em có bao nhiêu bạn cũng không quan trọng, điều quan trọng là bạn bè phải trung thành với nhau.

Nếu các em không có những người bạn tốt, những người bạn thật sự trông nom để ý đến các em, thì tốt hơn các em đừng nên có bạn!

Nên chúng ta đừng chụp mũ người khác với những điều không tốt lành vì khi đó chúng ta là đồ ngốc, và khi đó chứng tỏ chúng ta là những người bạn không tốt, bạn bè tốt phải giúp người anh em của mình nhận ra điều sai lỗi, chứ không phải vuốt đuôi lươn, để tìm kiếm lợi ích bản thân. Amen.




Thứ Ba Tuần XXIX Thường Niên

(Ep 2,12-22; Lc 12,35-38)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Ep 2,12-22: Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một.

Tv 85,9: Chúa phán bảo về sự bình an cho dân tộc Người.

Lc 12,35-38: Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức.

Phaolô nói trực tiếp về bức tường ngăn cách giữa người Do thái và dân ngoại mà Đức Kitô đã phá hủy. Vào thời Phaolô, người Do thái có tâm lý chống dân ngoại. Vì một số người coi dân ngoại là thấp kém và ô uế. Phaolô nhấn mạnh rằng Phúc Âm mở rộng niềm hy vọng cho tất cả. Mối liên hệ với Thiên Chúa qua Chúa Giêsu đón nhận mọi người. “Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một.” Phaolô nhắc nhở những người trong thời đại của ông (và chúng ta ngày nay) rằng ơn cứu độ có được trên nền tảng của ân sủng nhờ đức tin.

Chúa Giêsu khuyên các tông đồ cảnh giác trong Phúc Âm theo thánh Luca. Họ giống như những người đầy tớ luôn sẵn sàng lắng nghe tiếng gọi của chủ mình. “Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức.” Với ta, cuộc sống hiện tại có rất nhiều thử thách và thường ta không bao giờ có thể chuẩn bị đầy đủ cho mọi sự kiện trong đời. Phải tin tưởng để luôn sẵn sàng và tỉnh táo cho những điều bất ngờ. Nhưng ta có thể an ủi rằng, với đức tin vững vàng, ta có một người chủ yêu thương luôn sẵn sàng giúp đỡ, cùng một người Mẹ luôn đồng hành “khi này và trong giờ lâm tử.” Amen.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ phải tỉnh thức như đầy tớ tỉnh thức chờ đợi chủ, nghĩa là tỉnh thức để làm gì, phải có mục đích của nó.

Chúng ta hãy nhớ lại trong vườn cây dầu Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn." (Mt 26,41), hay “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người." (Lc 21,34-36).

Nghĩa là tỉnh thức phải có mục đích.

Nhưng vấn đề đặt ra của mỗi người chúng ta đó là có phải làm mọi cách để đạt được mục đích hay không? Thưa không, nhưng quan trọng là thái độ của chúng ta như thế nào.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện của 5 cô trinh nữ khôn ngoan và 5 cô trinh nữ khờ dại. 5 cô trinh nữ khôn ngoan đem đèn và đem theo dầu, còn 5 cô khờ dại thì mang đèn mà không mang dầu, nhưng khi chàng rể đến các cô khôn ngoan được ra đón chàng rể, còn 5 cô khờ dại thì không, vì đèn đã hết dầu, thế là các cô ra hàng quán mua, mua cũng bình đầy dầu, đèn vẫn sáng, nghĩa là vẫn tỉnh thức đó, nhưng cuối cùng không đạt được mục đích là đón chàng rể vì mất cơ hội.

Nên điều quan trọng chúng ta thấy đó là để có thể đạt được mục đích là cần thái độ sống khôn ngoan mới có thể đạt được mục đích, chứ không phải là làm thế nào để đạt được mục đích, hay làm mọi cách để đạt được mục đích thì không thể nào đạt được.

Lấy một thí dụ trong đời sống cụ thể đó là cùng một vấn đề góp ý, nhưng người khôn ngoan người ta dùng lời lẽ khôn ngoan, thái độ khôn ngoan để nói, thì người được góp ý dễ nghe dễ đón nhận hơn. Nhưng người thiếu khôn ngoan thì sẽ không biết dùng lời lẽ khôn ngoan, nói phang ngang, nói kiểu dạy đời người khác, nói để tỏ vẻ, thì biết rằng mục đích là góp ý là tốt đó, nhưng cách nói, nhưng thái độ đó sẽ khó để người khác chấp nhận được.

Nếu mở rộng ra là thái độ của người khôn ngoan đó là thái độ làm hơn cái mức bình thường, làm cho Chúa hơn mức bình thường, làm cho anh em mình hơn mức bình thường, đó mới là khôn ngoan, đó mới là tỉnh thức để đạt mục đích.

Xin cho chúng ta hiểu rằng chúng ta cần thái độ sống khôn ngoan để đạt được mục đích, chứ không phải làm mọi cách để đạt được mục đích, vì như thế chưa chắc đã đạt được mục đích như mình mong muốn. Amen.




Thứ Tư - Tuần XXIX Thường Niên

(Ep 3,2-12; Lc 12,39-48)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Ep 3,2-12: Hiện nay mầu nhiệm của Đức Kitô đã được mạc khải, các Dân ngoại được đồng thừa tự lời hứa.

Đc: Các ngươi sẽ hân hoan múc nước nơi suối Đấng Cứu Độ (Is 12,3).

Lc 12,39-48: Người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều.

Người Công giáo sống và thực hành việc san sẻ yêu thương. Yêu thương phát xuất từ Thiên Chúa. Chúa của ta là Đấng vô lượng vô biên, Người vượt trên khả năng hiểu biết của con người. Người dự liệu cho ta mọi sự và với lòng tin yêu thì ta có thể đến với Người để học biết và sống những gì Người truyền dạy. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể nắm bắt được sự khôn ngoan mà Thiên Chúa dành cho. Vì vậy, Chúa cũng mời gọi ta chia sẻ cho nhau, động viên nhau trong tâm tình hiệp thông.

Trong tinh thần ngợi khen tôn vinh Chúa, ta cũng được nhắc nhớ rằng “Hãy ca tụng, vì Chúa làm nên những việc kỳ diệu, hãy cao rao việc đó trên khắp hoàn cầu.” Việc Chúa làm cho nhân loại càng phải được loan báo mạnh mẽ hơn nữa để cho muôn dân khỏi phải kiêu ngạo, lầm tưởng rằng là do tự khả năng của họ mà làm nên mọi sự. Mọi thứ ta có là quà tặng của Thiên Chúa, và tất cả là hồng ân của Chúa trao phó cho ta. Mỗi người chỉ là người quản lý của Chúa ở đời tạm này. Cho nên hãy sống trung tín, nhân ái và san sẻ cho nhau khi còn có thể. Chia sẻ không chỉ vật chất, nhưng còn trao cho nhau tình yêu của Chúa.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến."

Nghĩa là Chúa muốn con người phải thay đổi thái độ sống của mình, chính mình phải là người chủ động đón nhận, chứ không thể nào là người bị động đón nhận.

Chúng ta thấy nếu chúng ta là người bị động đón nhận, thì sẽ như thế nào? Nếu đón nhận điều tốt thì chắc chắn sẽ vui, một tin vui bất ngờ thì chắc chắn sẽ vui.

Còn ngược lại nếu một tin nào đó đến bất ngờ mà đó là một tin dữ, mà chúng ta chưa chuẩn bị gì cả, thì điều đó có làm cho chúng ta chấp nhận được hay không? Thưa không thể nào chấp nhận được.

Nên Chúa muốn chúng ta phải thay đổi thái độ sống của mình để chính mình phải là người chủ động đón nhận, đón nhận niềm vui, lẫn đón nhận nỗi buồn có như thế chúng ta mới có thể là người trưởng thành được, có như thế chúng ta mới nhận ra được những điều mà chúng ta đón nhận điều là thánh ý của Chúa cả.

Nếu đào sâu thì chúng ta tỉnh thức không phải để đón nhận, mà cũng phải cho đi, thay đổi thái độ sống cũng là cách biết cho đi.

Có một bài viết mang tên: “Em sợ Chúa cắt viện trợ lắm” được chia sẻ như sau:

Dự lễ Cung hiến Thánh đường tại một tân giáo xứ ở vùng núi xa xôi, tình cờ tôi gặp được một đôi vợ chồng trẻ, dáng vẻ gầy còm khắc khổ nhưng nụ cười rất hồn nhiên và phấn khởi.

Tôi bắt đầu gợi chuyện:

- “Anh ở giáo xứ này chứ?”

- “Dạ, em ở đây từ nhỏ đến giờ.”

- “Ở đây anh làm nghề gì để sống?”

- “Dạ, em làm thợ hồ nuôi một vợ ba con.”

- “Hôm nay, giáo xứ mình có nhà thờ mới vui quá nhỉ.”

- “Dạ, vui lắm chứ anh. Ước ao bao năm rồi.”

- “Thời gian xây nhà thờ có lâu không vậy anh?”

- “Dạ hơn một năm đó anh à.”

- “Bà con mình có đóng góp công, của nhiều không?”

- “Dạ chút chút thôi anh, bởi ai cũng nghèo khổ quá.”

- “Thế hả? Anh làm thợ hồ thì chắc góp công thợ hồ chứ gì?”

- “Thưa không. Em cũng muốn góp công, nhưng ê-kíp thợ là của nhà thầu, đã đủ. Bà con giáo dân chỉ phụ việc thôi. Bởi vậy em đành phải đóng góp cách khác.”

- “Cách khác là thế nào?”

- “Vợ chồng em quyết định trích 1 phần 10 ngày công, và đóng từng ngày cho giáo xứ. Làm vậy, là vì em không thể có đồng tiền lớn và đóng một lúc. Mà không đóng từng ngày thì sợ mình tiêu hết, nhà có lắm chuyện phải tiêu. Chúng em đã cố gắng đóng trọn một năm.”

- “Ồ, thế thì có thiệt thòi cho kinh tế gia đình anh lắm không?”

- “Dạ cũng có, nhưng không sao. Em tin là em sẽ được lại gấp trăm, và nhất là vì “em sợ Chúa cắt viện trợ lắm” anh à!”

Tôi thật bất ngờ trước một niềm tin và trước một nghĩa cử bởi niềm tin.

Nếu tôi không lầm, thì công thợ hồ ở đây vào khoảng 300.000 đồng một ngày.

Một tuần có khả năng được 6 ngày công và một tháng 25 ngày công.

Nhẩm tính, khoảng hơn 8 triệu là số tiền anh chị hy sinh đóng góp cho công trình nhà thờ, mà đóng từng ngày như đóng hụi!

Xin cho mỗi người chúng ta biết thay đổi thái độ sống để biết chủ động đón nhận tất cả, cũng như biết cách cho đi, khi chúng ta làm được như vậy, là chúng ta đang tỉnh thức đón chờ Chúa đến. Amen.



 

Thứ Năm Tuần XXIX Thường Niên

(Ep 3,14-21; Lc 12,49-53)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Ep 3,14-21: Anh em đâm rễ sâu và lập nền kiên cố trong đức mến, để anh em được sung mãn trong mọi sự viên mãn của Thiên Chúa.

Tv 33,5b: Địa cầu đầy ân sủng Chúa.

Lc 12,49-53: Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ.

Bài đọc đầu tiên của Thánh Phaolô là về tình yêu thương của Chúa. Thánh Phaolô viết thư cho người Êphêsô: “Anh em đâm rễ sâu và lập nền kiên cố trong đức mến, để anh em được sung mãn trong mọi sự viên mãn của Thiên Chúa.” Và rồi, đáp ca hôm nay đầy khích lệ và hy vọng về sự tốt lành: “Địa cầu đầy ân sủng Chúa”. Luca trích lời Chúa Giêsu: “Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ.” Những bài đọc này dường như có sự thay đổi hướng đột ngột và cực kỳ tương phản.

Tại sao Phaolô nhắc chúng ta phải ‘lấy tình yêu làm gốc rễ’. Vì yêu thương phủ lấp muôn vàn tội lỗi. Đức mến chấp nhận tất cả và cao trọng hơn cả, và tình yêu đáp lại tình yêu thì mới có sự sung mãn và phong phú. Vì yêu mà Chúa Kitô đã chấp nhận “chia rẽ”. Ngài từ bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ và sống kiếp phàm nhân. Thiên Chúa tạo dựng như cha hiền, chăm sóc nhân loại như là người bạn tâm phúc và thánh hóa mọi sự trong tình yêu và công lý. Qua những gì Thiên Chúa đã, đang và sẽ thực hiện theo như lời đã hứa, thì ta thấy được tình thương và sự tốt lành của Người. Bởi trời đất đầy sự hiện diện yêu thương của Chúa.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!”

Chúng ta để ý đến câu nói của Chúa Giêsu đó là: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” khắc khoải của Chúa Giêsu là muốn hoàn thành kế hoạch, hoàn thành lời hứa cứu độ của Chúa Cha.

Thánh Augustino trong tự thuật, ngài cũng có nói một câu như thế này: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con còn mãi băn khoăn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.”, đó là sự khao khát được gặp Chúa, chứ không phải khắc khoải vì sợ phải gặp Chúa.

Trở lại vấn đề của chúng ta đó là Chúa Giêsu khắc khoải để hoàn thành lời hứa cứu độ của Chúa Cha, Chúa Giêsu khắc khoải vì tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, chứ không phải khắc khoải vì để làm cho xong.

Tất cả những điều đó cho chúng ta hiểu thêm lời của Chúa Giêsu đã nói đó là: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”, lửa mà Chúa Giêsu nói ở đây đó là lửa tình yêu, lửa khắc khoải, lửa ao ước được hoàn thành bổn phận của mình trong tình yêu, và Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Chúa phải có lửa này cũng như phải làm lan truyền lửa này cho tất cả mọi người.

Nhưng để có lửa tình yêu, lửa khắc khoải hay nói cách khác đó là để duy trì nó có đòi hỏi phải chiến đấu không? Thưa phải chiến đấu, vì mang thân phận con người ai cũng phải chiến đấu cả, chính Chúa Giêsu cũng đã chiến đấu về điều này: “Lạy Cha nếu có thể được xin cất chén này khỏi con, nhưng đừng theo ý con mà theo ý Cha”, tình yêu đã chiến thắng.

Có một câu chuyện vui mang tên Đồng Tiền Của Chúa được chia sẻ như thế này.

Có một cậu bé đi xem lễ sáng sớm Chúa nhật.

Mẹ cậu cho cậu hai đồng tiền bằng bạc và nói: “Một đồng cho con, còn đồng kia con dâng cho Chúa”

Nghĩa là bỏ một đồng tiền thau trong nhà thờ.

Cậu bé cầm chặt hai đồng tiền trong nắm tay, và bắt đầu đi đến nhà thờ.

Trong khi băng qua đường, cậu bé đó vấp ngã trượt chân và té.

Tự nhiên theo bản năng, cậu bé mở tay ra để chống đỡ cho khỏi bị ngã và hai đồng tiền vuột khỏi tay cậu.

Một đồng lăn tới nằm ở lề đường, còn đồng kia lăn xuống đường mương.

Cậu nhặt đồng tiền ở lề đường lên và nhìn xuống đường mương.

Đột nhiên một cuộc chiến đấu dữ dội nổi lên bên trong con người của cậu.

Sau một lúc do dự, cậu đút nhanh đồng tiền nhặt được vào túi, nhìn lên trời và nói: “Chúa ôi, con rất lấy làm buồn, đồng tiền của Chúa nằm dưới đường mương rồi!”

Nên chúng ta thấy con người của chúng ta cần phải chiến đấu, và để chiến thắng phải hướng về Chúa Cha như Chúa Giêsu có như thế mới có thể giữ được tình yêu, giữ được lòng khắc khoải ngay từ ban đầu, mới có thể làm lan tỏa tình yêu đó cho mọi người. Amen.

 



Thứ Sáu Tuần XXIX Thường Niên

(Ep 4,1-6; Lc 12,54-59)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Ep 4,1-6: Chỉ có một thân thể, một Chúa, một đức tin và một phép rửa.

Tv 24,6: Lạy Chúa, đó là dòng dõi người tìm kiếm long nhan Chúa.

Lc 12,54-59: Các ngươi biết tìm hiểu diện mạo trời đất? Còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu?

Phaolô căn dặn dân Êphêsô về cách đối nhân xử thế. Trong đời sống xã hội và thiêng liêng thì thái độ đầu tiên cần có là khiêm nhường. Kèm theo đó là những đức tính như là hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái. Sống với tinh thần khiêm nhường bởi vì chúng ta đã được chọn, chẳng vì sự tốt lành nơi bản thân ta, hay là ta xứng đáng, nhưng trên tất cả là lòng quảng đại của Thiên Chúa. Cần hiền hòa vì Chúa là Đấng nhân lành, ngay cả khi Người sửa lỗi cho ta. Cần nhẫn nại bởi vì chính Thiên Chúa đã kiên nhẫn với ta, tha thứ tội lỗi cho ta luôn luôn. Chịu đựng nhau trong đức ái, vì thương nhau thì chín bỏ làm mười cơ mà.

Tiếp đến, “hãy lo bảo vệ sự hợp nhất tinh thần, lấy bình an hoà thuận làm dây ràng buộc,” bởi chúng ta có cùng “một Chúa, một đức tin, một phép rửa.” Chúng ta được gia nhập vào Hội Thánh của Chúa qua phép rửa và lớn lên trong tình hiệp thông. Mọi người được nhắc nhở để hiệp hành cùng nhau. Ước gì khởi đi từ dấu chỉ hợp nhất yêu thương đó, ta sống đời chứng nhân. Và cũng từ đó, người đời có thể cảm mến và thốt lên: “Lạy Chúa, đó là dòng dõi người tìm kiếm long nhan Chúa.”




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu nói với dân chúng đó là tại sao biết nhận xét thời tiết, mà không biết nhận ra những dấu chỉ của thời đại.

Vậy theo chúng ta tại sao vậy? thưa vì con người không có đức tin nên không nhận ra những dấu chỉ thời đại. Còn việc nhận xét thời tiết là do kinh nghiệm chứ nó không phải là do đức tin.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện dân do thái đòi Chúa Giêsu dấu lạ, thì Chúa Giêsu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na. Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa. Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.” (Lc 11,29-32).

Hay câu chuyện trong tin mừng Gioan sau khi Chúa Giêsu làm dấu lạ hóa bánh ra nhiều, thì dân chúng tiếp tục đòi Chúa Giêsu làm dấu lạ để tin vào Chúa, nhưng dấu lạ trước đó Chúa Giêsu làm lại không nhận ra được.

Vì họ không có đức tin, nếu có đức tin thì họ sẽ nhận ra được dấu lạ mà Thiên Chúa gởi đến hay chính Chúa Giêsu đã làm, hoặc nếu chúng ta tin Chúa, chính chúng ta cũng có thể làm dấu lạ.

Chúng ta hãy nhớ lại trong lệnh truyền truyền giáo được thuật lại trong tin mừng Macco, Chúa nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ." (Mc 16, 16-18).

Trong lệnh truyền truyền giáo này chúng ta chú ý đến việc Chúa Giêsu nói với các môn đệ về những dấu lạ kèm theo: Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ."

Nghĩa là có tin vào Chúa thì mới có thể làm dấu lạ được, mới có thể nhận ra những dấu lạ xung quanh mà Chúa gởi đến cho mình.

Bởi nếu không tin, chúng ta sẽ cho rằng những điều xảy ra trong cuộc sống đó là sự trùng hợp, đó là hên xui, đó là do sự cố gắng của mình… mà không cho rằng đó là dấu lạ mà Chúa nhắc nhở mình.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết tin vào Chúa, để nhìn thấy nhiều dấu lạ Chúa làm trong cuộc đời để chúng ta ngày càng vững tin vào Chúa hơn. Amen.



 

Thứ Bảy Tuần XXIX Thường Niên

(Ep 4,7-16; Lc 13,1-9)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Ep 4,7-16: Đức Kitô là đầu, nhờ Người mà toàn thân thể được lớn lên.

Tv 122,1: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”.

Lc 13,1-9: Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy.

Lời Chúa kêu gọi chúng ta sám hối. Ăn năn là lời thường xuyên được nói trong miệng của nhà tiên tri chân chính. Gioan Tẩy Giả rao giảng: “Hãy sám hối, vì nước trời đã đến gần” (Mt 3,2). Chính Chúa Giêsu rao giảng và nói: “Hãy sám hối, vì nước trời đã đến gần” (Mt 4,17). Trong Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu cảnh báo “Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy.” Tất cả những lời kêu gọi sám hối đều mang tính cá nhân.

Lời kêu gọi cá nhân trở về với Chúa là dành cho tất cả mọi người. Chúng ta được mời quay trở lại cõi lòng mà từ đó sự tức giận thường khiến ta bỏ đi. Ăn năn là cách để chúng ta thoát khỏi tội lỗi của mình và nhận được sự tha thứ. Như nhà tiên tri nói: Hỡi tội nhân, hãy trở về với tâm hồn của bạn. Chúng ta khám phá ra những gì Chúa đang yêu cầu ở ta; Ngài hướng dẫn ta trong chính trái tim của chúng ta, vì Ngài đã đặt những gì Ngài yêu cầu bên trong ta. Chúa Giêsu thách thức những lối suy nghĩ này khi Ngài kêu gọi đám đông ăn năn vì ta có tội không kém những cá nhân bị Philatô giết hay tháp ở Silôê đè chết.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy hai câu chuyện, câu chuyện những người Galile bị tổng trấn philato giết và câu chuyện mười tám người bị tháp Siloac đè chết, và qua hai sự kiện này hai dấu chỉ này Chúa Giêsu mời gọi dân chúng: “Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy."

Có thể qua câu chuyện tin mừng này Chúa muốn mỗi người chúng ta ăn năn sám hối, và đó cũng là lời rao giảng đầu tiên của Chúa: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần." (Mt 4, 17), hay “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng." (Mc 1,15). Và ta cũng có thể nói đó là ý muốn của Thiên Chúa, Chúa muốn chúng ta làm gì.

Nhưng nếu đào sâu thêm một chút nữa chúng ta sẽ thấy có những điều Chúa nói cho chúng ta biết chúng ta sẽ làm gì, chẳng hạn như câu chuyện Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ, truyền tin cho thánh Giuse để các ngài biết mình phải làm gì để thi hành thánh ý của Chúa.

Bên cạnh đó, Chúa chỉ gởi đến những dấu chỉ, và khi chúng ta sống trong hoàn cảnh nào đó chúng ta sẽ nhận ra được là Chúa muốn chúng ta làm gì trong hoàn cảnh đó, hoặc sau hoàn cảnh đó.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmaus. Hai ông bỏ Giêrusalem mà về Emmaus, tâm hồn trĩu nặng buồn phiền và thất vọng. Chỉ đến khi có người khách lạ xuất hiện và cùng đi với hai ông, giải thích Kinh Thánh cho hai ông nghe, thì lòng họ mới bừng cháy, và khi người khách lạ đồng bàn với họ, Ngài “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho hai ông” thì họ mới nhận ra đó là Thầy Giêsu đã chết và nay sống lại, nhưng Ngài đã biến mất (Lc 24,31). Sau đó, thay vì đi tiếp về Emmaus, hai ông quay trở lại Giêrusalem gặp Nhóm Mười Một các Tông đồ, và kể cho họ nghe hai ông đã gặp gỡ Đức Kitô phục sinh thế nào.

Chúng ta thấy, Chúa Giêsu phục sinh đâu có kêu gọi hai môn đệ trở về Giêrusalem, nhưng hai ông biết là mình phải làm gì sau khi chứng kiến sự việc đó.

Hay câu chuyện của thánh Phêrô, chúng ta biết theo truyền thuyết, thời hoàng đế Nêrô bách hại, thánh Phêrô tìm cách bỏ thành phố Roma. Trên đường Appian, thánh nhân gặp Đức Giêsu và hỏi “Quo Vadis, Domine”. Chúa đã trả lời : “Thầy đi vào thành để chịu đóng đinh một lần nữa”. Hiểu ý Thày, thánh Phêrô quay trở lại thành phố Roma để đón nhận cái chết trên thập giá. Thánh nhân đã tử đạo trên đồi Vatican, tại chính nơi xây dựng đền Thánh Phêrô hiện nay…

Xin cho mỗi người chúng ta ý thức được rằng trong mỗi hoàn cảnh sống của chúng ta, Chúa đều muốn chúng ta làm gì trong chính hoàn cảnh sống đó, nên mỗi người chúng ta hãy tin vào Chúa để nhận ra thánh ý của Chúa trong mỗi hoàn cảnh sống của mình mà thi hành thánh ý Chúa trong cuộc đời của mình. Amen.