15/09/2024
749
Suy niệm hằng ngày_ Tuần XXIV Thường Niên







 

 

 



Chúa Nhật XXIV Thường Niên

Is 50,5-9a; Gc 2,14-18; Mc 8,27-35




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Is 50,5-9a: Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi.

Tv 116,9: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh.

Gc 2,14-18: Đức tin không có việc làm là đức tin chết.

Mc 8,27-35: Thầy là Đấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều.

Isaia đưa ra một suy tư về sự đau khổ nhân đức. Thánh vịnh là một lời cầu nguyện tạ ơn Chúa đã giải cứu khỏi những tình huống tuyệt vọng. Thư Giacôbê như một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc thiện ngoài đức tin. Trong Tin Mừng hôm nay, điều đầu tiên là sự công nhận của Phêrô rằng Chúa Giêsu còn hơn cả một nhà tiên tri. Thứ hai là dự đoán về những thử thách mà Chúa Giêsu và những môn đệ chân chính của Ngài sẽ phải đối mặt.

Chúa Giêsu Kitô “bắt đầu dạy họ rằng Con Người phải đau khổ tột cùng”, và Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nhắc nhở ta rằng “Hội Thánh vẫn tiến bước trên đường lữ thứ giữa những cuộc bách hại của thế gian và những ơn an ủi của Thiên Chúa” (số 769). Vì thế, đây là con đường theo Chúa Kitô và làm cho muôn dân biết Ngài: “Nếu anh em muốn theo Thầy (…), hãy vác thập giá mình mà theo”. Ta thấy mình phải đối mặt với những tình huống tương tự như những tình huống được mô tả trong đoạn Tin Mừng này. Hơn hai mươi thế kỷ với sự hiện diện của Giáo Hội đã trôi qua, ta vẫn tiếp tục lời kêu gọi rao giảng Tin Mừng. Vì, “Đức tin không có việc làm là đức tin chết.”




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: Người ta bảo Thầy là ai? Các ông đáp: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó." Người lại hỏi các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? " Ông Phê-rô trả lời: "Thầy là Đấng Ki-tô." Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.

Như vậy, nghĩa là Chúa Giêsu biết mình là ai, rồi sau đó Chúa loan báo cuộc khổ nạn: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.” nghĩa là Chúa biết được sứ vụ của Chúa, sứ vụ mà Isaia đã từng loan báo mà trong bài đọc 1 chúng ta vừa nghe: “ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Có ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng. Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên. Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu toà! Ai muốn kiện cáo tôi?”

Thế nhưng các môn đệ không biết Chúa Giêsu là ai, cũng không biết được sứ vụ của Ngài, ngay cả thánh Phêro người được mạc khải để trả lời câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra, nhưng ông không hiểu được điều mà mình tuyên xưng, chính vì thế khi Chúa Giêsu tiên báo cuộc khổ nạn ông đã kéo Chúa Giêsu ra một bên và bắt đầu trách Chúa.

Chúng ta thấy, chính vì không biết Chúa là ai, nên ông đã không biết mình là ai, cụ thể ông đã mạnh dạng tuyên xưng: dù ai có bỏ thầy nhưng con thì không, nhưng sau đó thì sao? thưa sau đó ông đã chối Chúa.

Mãi đến sau này khi đã biết Chúa là ai, nên khi Chúa Giêsu hiện ra ở biển hồ Tiberia đã hỏi Phêro anh có yêu mến Thầy không? Thì ông đã trả lời thật với lòng mình, không gian dối.

Trong kinh Lạy Cha chúa Giêsu dạy chúng ta: Lạy Cha chúng con ở trên trời, để cho chúng ta biết Chúa là Cha chúng ta, còn chúng ta với nhau là anh em.

Trong đời sống thường ngày của mỗi người chúng ta cũng thế, nhất là trong tương quan họ hàng với nhau, nếu họ hàng không thường xuyên tới lui với nhau, không biết người lớn là người nào, thì chúng ta có biết mình là ai không? Thưa không biết.

Chẳng hạn như hai anh em bà con chú bác ruột nhiều năm không gặp, không biết người lớn là ai, thì ra đường cũng coi nhau như người dưng thôi, nhưng khi biết được cha mình với cha người đó là anh em ruột thì biết mình là anh, còn người kia là em, bà con chú bác ruột.

Nghĩa là biết mình trong tương quan với Chúa, trong tương quan với anh em mới là cái biết mình rõ ràng nhất.

Còn nếu chỉ biết mình do tự mình mà biết, thì cái biết mình đó có thể là cái biết mình sai lầm, nghĩa là không hiểu mình là ai, điều này rất nguy hiểm.

Một ngôi chùa trên núi có nuôi một con lừa, mỗi ngày nó đều ở trong phòng xay thóc lúa vất vả cực nhọc kéo cối xay, thời gian lâu dần, lừa ta bắt đầu chán ghét cuộc sống vô vị này. Mỗi ngày nó đều trầm tư, “nếu như có thể ra ngoài ngắm xem thế giới bên ngoài, không cần kéo cối xay nữa, như thế thật là tốt biết mấy!”

Không lâu sau, cơ hội cuối cùng đã đến, vị tăng nhân trong chùa muốn dẫn lừa ta xuống núi để thồ hàng, lòng nó hứng khởi mãi không thôi. Đến dưới chân núi, vị tăng nhân đem món hàng đặt lên lưng nó, sau đó trở về ngôi chùa. Thật không ngờ, khi những người đi đường trông thấy lừa ta, ai nấy cũng đều quỳ mọp ở hai bên đường cung kính bái lạy.

Lúc bắt đầu, lừa ta không hiểu gì cả, không biết tại sao mọi người lại muốn dập đầu bái lạy nó, liền hoảng sợ tránh né. Tuy nhiên, suốt dọc đường đều như vậy cả, lừa ta bất giác hiu hiu tự đắc hẳn lên, lòng thầm nghĩ thì ra mọi người sùng bái ta đến thế!

Mỗi khi nhìn thấy có người qua đường thì con lừa lập tức nghênh ngang kiêu ngạo đứng ngay giữa đường phố, yên dạ yên lòng nhận sự bái lạy của mọi người. Về đến chùa, lừa ta cho rằng bản thân mình thân phận cao quý, dứt khoát không chịu kéo cối xay nữa. Vị tăng nhân hết cách, đành phải thả nó xuống núi.

Lừa ta vừa mới xuống núi, xa xa đã nhìn thấy một nhóm người đánh trống khua chiêng đang đi về phía mình, lòng nghĩ, nhất định mọi người đến để nghênh đón mình đây mà! Thế là nghênh ngang đứng ngay giữa đường lộ. Thực ra, đó là đoàn người rước dâu, đang đi lại bị một con lừa chắn ngang đường, người nào người nấy đều rất tức giận, gậy gộc tới tấp…

Lừa ta vội vàng hoảng hốt chạy về chùa, khi về đến nơi thì cũng chỉ còn lại chút hơi tàn. Trước khi chết, nó căm phẫn nói với vị tăng nhân rằng: “Thì ra lòng người hiểm ác đến thế, lần đầu khi xuống núi, mọi người đều cúi đầu bái lạy ta, nhưng hôm nay họ lại ra tay tàn độc với ta đến thế”

Nói xong liền tắt thở!

Vị tăng nhân thở dài một tiếng:

“Thật đúng là một con lừa ngu ngốc! Hôm đó, thứ mà mọi người bái lạy chính là bức tượng Phật được ngươi cõng trên lưng mà thôi.”

Điều bất hạnh lớn nhất trong đời người, chính là cả một đời mà không nhận thức được bản thân mình.

Xin cho mỗi người chúng ta biết Chúa là ai, biết ông bà cha mẹ của chúng ta là ai, biết anh em của chúng ta là ai, có như thế chúng ta mới biết chính mình là ai một cách toàn diện. Amen.




Thứ Hai - Tuần XXIV Thường Niên

Thánh Cornêliô, giáo hoàng và thánh Cyprianô, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ.

(1Cr 11,17-26.33; Lc 7,1-10)
 


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Cr 11,17-26: Anh em họp nhau lại thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa.

Tv 40: Anh em hãy loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa lại đến (1 Cr 11,26b).

Lc 7,1-10: Cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy.

Các bài đọc ngày nay có ý nghĩa và quen thuộc với các Kitô hữu trên toàn thế giới. Mỗi khi cử hành Thánh Thể, các linh mục và mọi người lặp lại hoặc nghe những lời đó. Đó là cách mà Giáo hội đang sống với Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Mỗi ngày, những lời, “này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta…Chén này là Tân Ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta,” sẽ được lặp đi lặp lại hàng triệu lần trong các Thánh lễ. Có thể Phaolô không biết rằng có hàng ngàn hàng vạn người sẽ sử dụng lời của mình.

Trong Phúc Âm, Thánh Luca đã trích dẫn lời của viên sĩ quan, “…tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh.” Những lời này cũng là một phần của Thánh Lễ. Hai ví dụ về lời nói này có tác động lâu dài đến đời sống của Kitô hữu. Xin cho ta ghi nhớ những lời đó và thực hành hàng ngày với một đức tin mạnh mẽ. Nếu làm như vậy, ta tiếp tục loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa lại đến.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu chữa lành cho người đầy tớ của viên sĩ quan bị bệnh gần chết.

Và chúng ta được mời gọi để ý lời của các kỳ lão do thái nói với Chúa Giêsu để mời Chúa Giêsu đi cứu chữa cho người đầy tớ của viên sĩ quan: “Ông ta đáng được Thầy ban cho ơn đó, vì ông ta thật lòng yêu mến dân ta, và chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta”, và Chúa Giêsu đã đi với họ để cứu chữa cho bệnh nhân.

Hình ảnh này rất giống hình ảnh của các thầy khi được chịu chức phó tế hay linh mục, trước khi chịu chức Đức Cha hỏi cha đặc trách chủng sinh: Cha có thấy các thầy này xứng đáng không? Thưa cha đặc trách trả lời: thưa sau khi đã tham khảo ý kiến giáo dân, và những người có trách nhiệm biểu quyết, con xác nhận các thầy này được coi là xứng đáng.

Nếu đọc tiếp tin mừng, chúng ta thấy Chúa không chỉ nghe người ta nói, mà sau đó Chúa còn chứng kiến tận mắt đức tin, tận mắt chứng kiến lòng tốt của viên sĩ quan này nữa, đó là khi Chúa Giêsu gần đến nhà ông, thì ông sai mấy người đồng bạn đến nói với Chúa: “"Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. 7 Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. 8 Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: "Đi! là nó đi; bảo người kia: "Đến! là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: "Làm cái này! là nó làm."

Nghe vậy, Chúa Giêsu thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: "Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế."

Như vậy, ông sĩ quan này tốt lành không ai chê trách được điều gì theo cái nhìn của người đời có thể được coi là xứng đáng để lãnh nhận ơn lành của Chúa, còn đối với Chúa thì ông sĩ quan này không những tốt, mà có đức tin mạnh mẽ nữa, chúng ta biết người công giáo của chúng ta khác với người bên lương đó là chúng ta có đức tin, còn người bên lương họ không có đức tin, đức tin là ơn Chúa ban mà chúng ta lãnh nhận qua bí tích rửa tội, được củng cố qua bí tích thêm sức, nên có thể nói là ông xứng đáng với ơn lành mà Chúa ban cho ông.

Trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, chúng ta được mời gọi không chỉ sống tốt lành thánh thiện, mà con có đức tin mạnh mẽ vào Chúa, có như thế chúng ta mới xứng đáng lãnh nhận những ơn lành mà Chúa ban cho chúng ta, còn nếu không Chúa cũng ban ơn cho chúng ta, nhưng ngay bản thân chúng ta có thể không thấy vui, không thấy hạnh phúc, vì mình cảm thấy bất xứng trước mặt Chúa, nên hãy làm thế nào để mình cảm thấy được coi là xứng đáng để lãnh lấy ơn của Chúa, cố gắng hết sức mình. Amen.




Thứ Ba Tuần XXIV Thường Niên

Ngày Trung Thu - Cầu cho thiếu nhi

(Hc 42,15-16;43,1-2.6-10; Mc 10,13-16)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Cr 12,12-14.27-31a: Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của chi thể.

Tv 100,3: Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi.

Lc 7,11-17: Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy.

Chúa Giêsu và các môn đệ gặp một đám tang tại thành phố Nain. Chúa Giêsu “động lòng thương” khi nhìn thấy người đầu bạc tiễn người đầu xanh. Bà đã khóc và đau buồn. Nhưng người mẹ không đến gần Ngài, cũng như không một ai khác. Họ có lẽ thậm chí không biết Ngài là ai. Họ tập trung vào sự mất mát của mình và không tìm kiếm giải pháp hay phép màu. Chúa Giêsu đi bước trước vì Ngài muốn giúp họ bởi tình yêu cao cả của mình.

Chúa Giêsu dang tay ra, và người thanh niên đang trên đường đi chôn cất sống lại! Thật là một món quà cho người mẹ, cho tất cả bạn bè và gia đình của anh ấy! Một lần nữa, Chúa Giêsu “chạnh lòng thương”. Đó là bản chất tự nhiên của Chúa Giêsu. Ngài cảm động với lòng thương xót khi nhìn thấy những đau khổ của con người. Vâng, Ngài nghe thấy kêu cầu của ta, nhưng Ngài cũng thường xuyên đi bước trước. Điều này sẽ khiến ta yên tâm khi ta cảm thấy Chúa đang phớt lờ hoặc không quan tâm đến vấn đề của ta. Thực sự là Ngài nghe, nhìn thấy, và quan tâm đến chúng ta. Chúng ta không ngần ngại thú nhận rằng chúng ta là dân của Người: là đoàn chiên Người nuôi nấng. Mặc dù chúng ta tuy nhiều, nhưng chúng ta là một phần của Thân thể Đức Kitô.





Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu chạnh lòng thương bà góa thành Nain có đứa con trai vừa mới chết, nên Chúa đã ra tay cứu sống cho em.

Trong cuộc sống của chúng ta ai cũng có lòng thương xót cả, nhưng nhiều khi lòng thương xót đó bị ngủ quên, nên chúng ta được mời gọi giúp nhau đánh động lòng thương xót của người khác, để chúng ta cùng nâng đỡ nhau, cùng giúp đỡ nhau.

Có một cậu bé ăn xin bị mù cả 2 mắt đang ngồi ở bậc thềm của 1 toàn nhà, phía trước cậu là 1 cái mũ, trong đó có vài đồng tiền lẻ. Một tấm biển được viết bằng những dòng chữ nguệch ngoạc ngay bên cạnh chiếc mũ: “Tôi mù, làm ơn giúp.”

Một doanh nhân đi qua. Anh ta lấy trong ví của mình mấy đồng rồi để vào trong mũ cậu bé. Sau đó, anh lấy tấm biển, quay ngược nó lại, viết lên đó mấy chữ và để nó vào vị trí cũ.

Chẳng mấy chốc mà chiếc mũ của cậu bé đã đầy tiền. Ngày càng nhiều người để ý đến cậu và cho cậu nhiều tiền hơn. Buổi chiều hôm đó doanh nhân nọ quay lại chỗ cậu bé mù xem mọi việc tiến triển ra sao. Cậu bé nghe bước chân và nhận ra đó là người đã thay đổi tấm biển của cậu, cậu liền hỏi: “Có phải ông là người đã viết gì đó lên tấm biển của tôi không? Ông đã viết gì thế?”

Người đàn ông chậm rãi: “Tôi chỉ viết sự thật thôi. Tôi viết lại ý mà cậu đã viết nhưng cách diễn đạt khác hơn thôi.”

Người doanh nhân viết: “Hôm nay là một ngày đẹp trời và tôi không thể nhìn thấy nó.”

Chúng ta thấy, tấm biển thứ nhất và thứ hai giống nhau về mặt nghĩa không? thưa cả hai tấm biển đều nói lên rằng cậu bé bị mù. Tấm biển thứ nhất đơn giản chỉ là cậu bé mù và cần được giúp đỡ. Nhưng tấm biển thứ hai lại hàm ý rằng những người qua đường quả thật đã may mắn hơn cậu bé, bởi họ còn đôi mắt để nhìn thấy cuộc sống. Chính vì thế mà tấm biển thứ hai làm động lòng người hơn.

Bên cạnh đó, chúng ta được mời gọi đánh động lòng thương xót của người khác vào những việc tốt lành, với ý hướng tốt lành, nếu đánh động lòng thương xót của người khác để trục lợi, để làm những điều sai trái, hay nói cách khác là lợi dụng lòng thương xót của người khác, thì coi chừng chính chúng ta đang bóp chết lòng thương xót của người khác, thì điều đó thật nguy hiểm biết bao.

Xin cho mỗi người chúng ta biết đánh động lòng thương xót của người khác vào những việc tốt lành, chứ đừng lợi dụng lòng thương xót của người khác, bởi như thế là nguy cơ chúng ta đang bóp chết lòng thương xót của người khác, để rồi con người đề phòng nhau, xem ai cũng là người gian cả. Amen.


 


Thứ Tư - Tuần XXIV Thường Niên

(1Cr 12,31-13,13; Lc 7,31-35)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Cr 12,31-13,13: Đức tin, đức cậy, đức mến vẫn tồn tại, nhưng đức mến là trọng hơn cả.

Tv 33,12: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình.

Lc 7,31-35: Chúng tôi đã thổi sáo mà các anh không nhảy múa, chúng tôi đã hát những điệu bi ai mà các anh không khóc.

Bài ca đức ái cho biết rằng không có gì chúng ta có, không có gì chúng ta làm, lớn hơn tình yêu. Đó là cảm hứng, khát vọng tuyệt vời. Con người luôn khao khát yêu thương nhưng thường bị giới hạn. Vì người ta rất nhanh chóng tìm ra lỗi của nhau, buộc tội và chỉ tay vào ‘người kia’, từ chối lắng nghe với một tâm hồn cảm thông để thấu hiểu.

Chúa Giêsu xác nhận lòng cứng cỏi của dân thời Ngài. Những người Pharisêu không đổi ý ngay cả trước Gioan Tẩy Giả (Lc 7,33); họ cũng không thay đổi trước Con Người (Lc 7,34). Sự kiêu căng và ngạo mạn khiến họ không chấp nhận Thiên Chúa. Ta cũng có nguy cơ này. Ta thường lòng chai dạ đá với Giáo hội, anh chị em; lắm khi chỉ trích cả Thiên Chúa. Vì không tin, không trông cậy cũng không yêu mến cho đủ, đúng nhưng lại tự thỏa hiệp với sự ương bướng của bản thân mà gây ra bao điều phiền nhiễu cho mình và cho người.

Ước gì Lời Chúa chạm đến tâm hồn và hoán cải, biến đổi ta trở nên đáng yêu hơn trong mắt Chúa và người đời. Sự khiêm tốn và yêu thương có thể giúp ta lớn lên. Vì “yêu nhau chín bỏ làm mười” cơ mà.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu cho thấy hình ảnh của con người thời đại của Chúa, và Chúa Giêsu không thể định nghĩa họ một cách chính xác được.

Chúa nói: “Ta phải nói những người của thế hệ này giống ai đây? Họ giống ai? Hai câu hỏi mà Chúa Giêsu đặt ra để thấy được rất khó định nghĩa là con người thời đại, vì họ là những con người bất thường, chứ không phải là những con người bình thường, lúc này lúc khác, nói như người việt nam của chúng ta đó là: dò sông dò biển dễ dò, đố ai lấy thước mà đo lòng người.

Cách đây không lâu một tờ báo của Anh đã treo thưởng cho lời định nghĩa hoàn hảo nhất về quý cô.

Và đây là câu trả lời đã chiến thắng giải thưởng đó: Trở thành một quý cô nghĩa là trở thành một người phụ nữ hoà nhã, mọi hành động và lời nói của nàng toát lên sự ngọt ngào, phẩm chất dịu dàng cùng một phong thái duyên dáng. Trái tim của nàng thì thuần khiết và chân thật, dẫu có gian khổ nàng vẫn nhẹ nhàng đối mặt. Nàng đồng cảm với những ai khó khăn, sẵn lòng giúp đỡ họ dẫu có vất vả hay phải bỏ đi cái tôi thì nàng cũng chấp nhận. Một quý cô nghĩ rằng không có công việc nào là hèn kém và không có người nào quá thấp kém để được đối xử một cách nhã nhặn và lịch sự. Nàng ấy trong sáng và tốt lành trong mọi khía cạnh của cuộc sống, nàng là một người bạn đích thực, "một người luôn hết lòng tận tụy vì những người đau yếu và bệnh tật." đó là định nghĩa về người được gọi là quý cô.

Cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng được mời gọi như vậy, chúng ta hãy sống làm sao, để người ta có thể biết có thể định nghĩa đúng về con người của chúng ta, nhưng hãy nhớ là làm sao để người ta định nghĩa đúng người ta biết đúng về con người của chúng ta theo nghĩa tốt lành, chứ không phải định nghĩa chúng ta theo nghĩa tiêu cực, chúng ta thấy có ai muốn mình bị định nghĩa một cách tiêu cực hay không thưa không ai muốn cả.

Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã dạy mỗi người chúng ta đó là anh em hãy là muối cho đời hãy là ánh sáng cho trần gian, nghĩa là hãy sống tốt lành, đẻ người ta nhìn thấy những việc tốt lành của chúng ta làm mà tôn vinh Cha của anh em, hay Chúa mời gọi mỗi người chúng ta: anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.

Xin cho chúng ta hiểu được như vậy, để cố gắng sống tốt lành thánh thiện, để qua đó người ta biết chúng ta là ai, biết Chúa của chúng ta là ai. Amen.




Thứ Năm - Tuần XXIV Thường Niên

(1Cr 15,1-11; Lc 7,36- 50)



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Cr 15,1-11: Chúa hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ.

Tv 118,1: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm.

Lc 7,36-50: Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều.

Simon người Pharisêu mời Chúa Giêsu dùng bữa với mục đích thu hút sự chú ý của mọi người. Mặt khác, khi gặp Chúa Giêsu, người Pharisêu không tiếp đón Ngài như một vị khách: không chào hỏi, không đưa nước để rửa tay…Còn người phụ nữ được cho là tội lỗi nhiều lại đối đãi với Chúa như là vị thượng khách, dù không phải là nhà của bà. Chúa đến nhà, chủ nhà hờ hững, thì Chúa chấp nhận sự phục vụ của tội nhân. Để Ngài chạm đến hay chạm đến Ngài đều sinh ơn ích. Điều cần là thái độ: có yêu mến, tin tưởng, và hy vọng nơi Ngài hay không.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh rất nhiều về việc “chạm vào da thịt của Đức Kitô”. Ở Việt Nam có người thấu đáo tình người và từng chia sẻ: “Ngay như Mẹ Têrêsa là một nữ tu và nhà truyền giáo Công giáo Rôma người Ấn Độ gốc Albania còn trực tiếp chăm sóc, lau chùi các vết thương của bệnh nhân cơ mà... Đã làm từ thiện thì lớn hay nhỏ đều cần”. Đây được gọi là “chạm vào xác thịt của Đức Kitô.” Người nghèo, bị bỏ rơi, bệnh tật, tội lỗi, bị gạt ra ngoài lề xã hội… là thân xác của Chúa Kitô. Lòng hảo tâm xuất phát từ tình thương. Tình thương sẽ giúp ta kết nối với cội nguồn của tình thương, Thiên Chúa. Hãy cảm tạ Người.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Có một cậu thư sinh đến hỏi thầy giáo của anh rằng: “Làm thế nào để đánh bại đối thủ của mình?”. Vị thầy giáo mỉm cười, sau đó liền dùng một nhành cây, vạch xuống đất một đường thẳng.

Thầy nói: “Con hãy làm cách nào khiến cho đường thẳng này ngắn lại mà không xóa nó, trả lời được thì hãy đến tìm ta”.

Thư sinh về nhà với bài toán của thầy giáo trong đầu. Cậu nghĩ mãi, nhưng cũng không biết làm cách nào khiến đường thẳng kia ngắn lại mà không xóa bớt nó đi. Rõ ràng là một yêu cầu vô lí. Hết 3 ngày mà không tìm ra đáp án, cậu bèn đến gõ cửa nhà thầy giáo một lần nữa.

Thư sinh nói : “Thưa thầy, con thật không biết làm cách nào khiến đường kẻ này ngắn đi cả”.

Vị thầy giáo mỉm cười, sau đó lại dùng một nhánh cây khác, nhẹ nhàng vẽ một đường thẳng song song với đường thẳng kia, nhưng dài hơn đường thẳng cũ một tấc, đoạn mỉm cười: “Con xem, chẳng phải là đường thẳng cũ đã ngắn hơn so với đường thẳng mới rồi sao?”.

Thầy nhẹ nhàng giải thích: “Đối thủ của con chính là đường thẳng ban đầu, con không có cách nào khiến cho họ trở nên tồi tệ hơn. Con chỉ có một cách duy nhất, đó là khiến cho bản thân con trở nên suất sắc hơn.

Đừng quan tâm đối thủ của mình “ngắn hay dài”, hãy cứ trở thành đường thẳng “dài nhất”. Đến lúc ấy, chẳng ai có thể đánh bại được con”.

Hình ảnh đó cũng là hình ảnh mà lời Chúa muốn nói với chúng ta, chúng ta thấy sau khi các sự kiện xảy ra thì Chúa Giêsu kết luận: tội người phụ nữ này rất nhiều, nhưng bà đã được tha, vì bà đã yêu mến nhiều.

Nên chúng ta thấy chính tình yêu, chính lòng yêu mến, đã dài hơn tội lỗi nên đã chiến thắng được tội lỗi, Chúa yêu thương con người nhiều nên Chúa đã sẵn sàng tha thứ cho con người, mặc dầu con người có tội lỗi, nhưng tội lỗi con người nó ngắn hơn lòng thương xót của Chúa.

Xin cho mỗi người chúng ta hãy tín thác vào lòng thương xót của Chúa, rằng dù chúng ta có tội lỗi như thế nào cũng không dài bằng tình yêu của Chúa, và xin cho chúng ta có lòng yêu mến, để lòng yêu mến của chúng ta đủ dài để chiến thắng tội lỗi. Amen.




Thứ Sáu - Tuần XXIV Thường Niên
Thánh Anrê Kim Têgôn, Phaolô Chong Hasang và các bạn, tử đạo. Lễ nhớ

(1Cr 15,12-20; Lc 8,1-3)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Cr 15,12-20: Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em cũng vô giá trị.

Tv 17,15: Lạy Chúa, khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa.

Lc 8,1-3: Có mấy phụ nữ đi với Người và họ đã lấy của cải mình mà giúp Người.

Trong thư Côrintô, ta nghe Phaolô dạy cho tín hữu một niềm tin cơ bản về đức tin. Kitô hữu tin vào Chúa Kitô phục sinh và sự phục sinh của loài người. Phaolô đang đối đầu với những người nghi ngờ sự sống lại của người chết. Phaolô nói: “Bởi chưng nếu những kẻ chết không sống lại, thì Đức Kitô cũng đã không sống lại. Và nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em cũng vô giá trị, vì anh em vẫn còn ở trong tội lỗi.” Lời của Phaolô thật sâu sắc và rõ ràng. Chúng ta có quà tặng đức tin đặt trên nền tảng phục sinh của Đức Kitô.

Phúc âm Luca tường thuật việc Chúa Giêsu rao giảng và công bố Tin mừng về Nước Trời. Cùng đi với Chúa có các môn đệ và các phụ nữ. Mọi người đều có phần đóng góp cho sứ mệnh của Chúa Giêsu. Ta nhận thấy mối liên hệ giữa niềm tin và hành động. Tin và hành động là hai động từ yêu cầu mọi người phải thực hiện. Tạ ơn Chúa vì Hội Thánh có nhiều gương sáng khích lệ về việc chăm sóc mục vụ và liên tục làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô trong đau khổ để minh chứng cho sự dạy dỗ của Kinh Thánh, chẳng hạn như thánh Anrê Kim Tegon và các bạn tử đạo, mà ta tưởng nhớ hôm nay.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy sự đồng hành của các người phụ nữ trong công cuộc truyền giáo của Chúa Giêsu, nếu để ý thì các bà này cũng đi theo Chúa Giêsu trên hành trình thập giá, tin mừng Macco ghi lại: “Nhưng cũng có mấy phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, trong đó có bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Ma-ri-a mẹ các ông Gia-cô-bê Thứ và Giô-xết, cùng bà Sa-lô-mê. Các bà này đã đi theo và giúp đỡ Đức Giê-su khi Người còn ở Ga-li-lê. Lại có nhiều bà khác đã cùng với Người lên Giê-ru-sa-lem, cũng có mặt tại đó.” (Mc 15, 40-41).

Nên chúng ta thấy đó là sự trung thành đối với Chúa Giêsu dù Chúa Giêsu có như thế nào vẫn đi theo Chúa.

Có một Linh mục qua nhiều năm coi xứ đã kể một câu chuyện khá dí dỏm và cũng rất sâu sắc như sau:

Có một đôi vợ chồng trẻ rất xinh đẹp và sống với nhau cũng rất khéo.

Đúng là một cặp "trai tài gái sắc".

Có lẽ chính nét trẻ trung xinh xắn của vợ chồng đã cho họ một mùa xuân cuộc đời thật nồng cháy tình yêu và hạnh phúc.

Một ngày nọ, người vợ ăn một nửa trái táo, rồi tặng chồng phần kia.

Người chồng vui vẻ đón nhận:

- Ôi nửa trái táo ân tình, công chúa của lòng anh!

Hai mươi năm sau.

Cũng đôi vợ chồng ấy, cộng thêm những nét tàn tạ của thời gian.

Cũng một trái táo, vợ ăn một nửa, mời chồng phần còn lại.

Nhưng người chồng nhăn mặt:

- Sao lại cho nửa trái táo ăn thừa?

Tất cả nguyên trạng chỉ khác có nhan sắc.

Cũng nửa trái táo dâng tặng nhưng hai mươi năm trước nhận từ tay "người đẹp" là trái táo ân tình.

Hai mươi năm sau từ tay "nàng già" là trái táo ăn thừa.

Nên chỉ dựa vào nhan sắc người ta sẽ mất hết tất cả với thời gian.

Hiểu được như vậy, chúng ta mới hiểu được như thế nào là hoạn nạn mới thấy chân tình, hay lửa thử vàng, gian nan thử sức.

Trong lời thề hứa hôn nhân cũng vậy: “Anh hứa sẽ nhận em làm vợ và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau ốm, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh”, và người nữ cũng nói tương tự như vậy.

Chúng ta thấy có từ chung thủy là trước sau như một không thay đổi, chứ không phải khi nào em già đi, anh già đi thì sẽ thay đổi, nếu như vậy thì hôn nhân chỉ là bản hợp đồng, chứ không phải là bản cam kết vĩnh viễn chung thủy trước sau như một với nhau.

Cũng vậy, trong đời sống đức tin, chúng ta được mời gọi trung tín với Chúa, trung tín với sứ vụ được trao phó, trước sau như một, có như thế mình mới xứng đáng là con cái của Chúa, là Đấng trung tín. Amen.




Thứ Bảy - Tuần XXIV Thường Niên

Thánh Matthêô, tông đồ. Tác giả sách Tin Mừng. LK

(Ep 4,1-7.11-13; Mt 9,9-13)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Ep 4,1-7.11-13: Người đã ban cho kẻ làm Tông đồ, người làm Tiên tri, còn kẻ khác thì rao giảng Tin Mừng.

Tv 19,5: Tiếng chúng đã vang cùng trái đất.

Mt 9,9-13: Hãy theo Ta. Và ông ấy đứng dậy đi theo Người.

Các bài đọc hôm nay đưa ra những phản ánh tuyệt đẹp về bản chất của sự thánh thiện của Kitô giáo. Lời kêu gọi nên thánh dành cho tất cả mọi người, ngay cả tội nhân vì tội nhân có thể được hoán cải. Matthêu mô tả sự hoán cải của ông trông giống như một sự tình cờ. Ông đang ngồi trong phòng thu thuế, và Chúa Giêsu mời ông đi theo Ngài. Matthêu “đứng dậy đi theo Ngài”. Một người thu thuế trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Một tội nhân đi theo Đấng Toàn Năng.

Chúa Giêsu đến để kêu gọi người tội lỗi. Lời kêu gọi nên thánh đưa những người tội lỗi đến gần sự thánh thiện của Chúa hơn. Theo nghĩa này, sự thánh thiện không phải là đạt được sự hoàn hảo nhưng thay vào đó là đón nhận cuộc gặp gỡ của Chúa Kitô. Nếu ta để ý, Matthêu có nhiều bạn bè và đồng nghiệp bị coi là tội lỗi. Và Chúa Giêsu cũng đã gặp nhiều người trong số họ và nói cho họ biết sứ vụ của Ngài. Xin cho Chúa Kitô gặp gỡ và mời gọi ta đi sâu hơn vào cuộc gặp gỡ với những người khác. Matthêu vốn là một tội nhân trở thành một nhà rao giảng Phúc âm, và hy vọng rằng ta có thể làm theo lời kêu gọi của Chúa Giêsu và biến đổi cuộc đời lỗi tội sang đời sống thánh thiện.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu kêu gọi Mattheu, và khi được kêu gọi Mattheu đã lập tức đứng dậy mà đi theo Chúa Giêsu.

Nhưng vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta là tại sao Mattheu lại có thể đứng dậy mà đi theo Chúa liền không do dự?

Có thể chúng ta nói đó là quyền năng của Chúa, cũng đúng thôi chứ không sai.

Nhưng chúng ta phải hiếu như thế này quả thật thiên Chúa Ngài toàn năng, Ngài có thể làm tất cả mọi sự, nhưng mà có ba điều Chúa không làm được, điều thứ nhất là Thiên Chúa không thể nói dối được với con, Chúa đã nói yêu thương thì Chúa không thể gian dối trong lời nói của Chúa, khi Chúa làm ngược lại.

Điều thứ hai đó là Chúa không thể nào làm sự dữ, làm điều tội lỗi đối với một ai cả, và những sự dữ đang xảy ra mà chúng ta thấy đó thì Thiên Chúa không phải là người đã làm ra.

Và điều thứ ba là khi một người đã khép kín lòng mình với Thiên Chúa thì Thiên Chúa bó tay, nghĩa là Chúa tôn trọng tự do của con người đến mức độ Chúa không muốn cho chúng ta trở thành Rôbot, nếu như con người đã chọn lựa không cần lấy Chúa, bỏ Chúa, Chúa bó tay, trong sách khải huyền có nói: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (Kh 3,20)

Vì ông ý thức mình không là gì trước mặt Chúa cả, nên mới dám từ bỏ tất cả mọi sự để đi theo Chúa.

Trong cựu ước có kể câu chuyện của Vua Đavit, khi rước hòm bia thiên chúa lên Giêrusalem thì sách Samuen quyển thú 2 ghi lại: “Khi những người khiêng Hòm Bia của ĐỨC CHÚA đi được sáu bước, thì vua sát tế một con bò và một con bê béo. Vua Đa-vít quấn ê-phốt vải gai, nhảy múa hết sức mình trước nhan ĐỨC CHÚA. Vua Đa-vít và toàn thể nhà Ít-ra-en rước Hòm Bia ĐỨC CHÚA lên giữa tiếng hò reo với tiếng tù và. Khi Hòm Bia vào Thành vua Đa-vít, bà Mi-khan, con gái vua Sa-un, nghiêng mình qua cửa sổ và thấy vua Đa-vít nhảy múa quay cuồng trước nhan ĐỨC CHÚA, thì khinh dể vua trong lòng. Người ta đưa Hòm Bia ĐỨC CHÚA vào trưng bày ở chỗ đã dọn giữa lều vua Đa-vít đã dựng sẵn. Vua Đa-vít dâng lên trước nhan ĐỨC CHÚA những lễ toàn thiêu và những lễ kỳ an. Dâng các lễ toàn thiêu và lễ kỳ an xong, vua Đa-vít chúc phúc cho dân nhân danh ĐỨC CHÚA các đạo binh. Rồi vua phân phát cho toàn dân, cho tất cả đám đông Ít-ra-en, đàn ông cũng như đàn bà, mỗi người một cái bánh ngọt, một phần thịt và một cái bánh nho. Sau đó, toàn dân ai nấy về nhà mình.

Khi vua Đa-vít trở về để chúc phúc cho nhà mình, bà Mi-khan, con gái vua Sa-un, ra đón vua và nói : “Vua Ít-ra-en hôm nay thật là danh giá, khi để hở hang trước mắt các nữ tỳ của tôi tớ mình, hở hang chẳng khác gì một đứa vô danh tiểu tốt !” Vua Đa-vít nói với bà Mi-khan : “Trước nhan ĐỨC CHÚA, Đấng đã chọn tôi thay vì cha bà và cả nhà cha bà, để đặt tôi làm người lãnh đạo dân của ĐỨC CHÚA là Ít-ra-en, trước nhan ĐỨC CHÚA tôi sẽ vui đùa. Tôi sẽ còn hạ mình hơn thế nữa, tôi sẽ coi mình là thấp hèn ; nhưng đối với các nữ tỳ mà bà nói, đối với chúng, tôi sẽ được danh giá.” Và bà Mi-khan, con gái vua Sa-un, không có con cho đến ngày chết.” (2Sm 6, 13-23).

Xin cho mỗi người chúng ta ý thức mình chẳng là gì trước mặt Chúa, để biết hạ mình xuống trước mặt Chúa, có như thế mới có thể là môn đệ đích thực của Chúa. Amen.