08/09/2024
678
Suy niệm hằng ngày_ Tuần XXIII Thường Niên







 

 

 




Chúa Nhật XXIII Thường Niên

Is 35,4-7a; Gc 2,1-5; Mc 7,31-37


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Is 35,4-7: Tai người điếc sẽ mở ra và người câm sẽ nói được.

Tv 146,1: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa.

Gc 2,1-5: Không phải Thiên Chúa đã chọn người nghèo để hưởng nước Người đó sao?

Mc 7,31-37: Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được.

Theo Tin Mừng, một số người đã đưa một người điếc đến với Chúa Giêsu. Anh không đến gặp Chúa Giêsu và xin được chữa lành, mà là những người thấu hiểu nỗi khổ của anh và giúp đỡ. Khi anh ta đến, Chúa Giêsu đưa anh ta ra khỏi đám đông để Ngài ở với anh ta một mình. Cử chỉ này cho thấy Chúa Giêsu muốn biết từng người và quan tâm đến nhu cầu cá nhân của ta. Cuối cùng, Ngài ra lệnh cho đám đông không được nói cho ai biết những gì họ đã thấy ở đó. Vì Ngài biết rằng nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của anh ta và những người xung quanh.

Đây là một lời nhắc nhở tuyệt vời rằng những điều tốt đẹp đôi khi xảy ra với ta là do thiện chí và lời cầu nguyện của những người khác. Thật là hay làm sao khi người đàn ông này được những người yêu mến đến mức họ sẵn sàng làm đến cùng vì anh ta! Việc chữa lành bệnh tật của Chúa Giêsu thực sự có ý nghĩa hơn nhiều so với việc chỉ đơn thuần là giảm đau hoặc phục hồi sức khỏe. Những người mà Ngài yêu thương sẽ vượt qua được chứng mù lòa, điếc, hoặc sự ù lỳ trong tinh thần. Và, cuối cùng là sự hiệp thông thực sự của đức tin và tình yêu.

 



Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu chữa lành cho người bị câm điếc.

Chúng ta biết việc Chúa Giêsu chữa lành cho người câm điếc cho thấy Chúa đang thi hành sứ vụ của mình, sứ vụ của Đấng Mêsia.

Trong bài đọc 1 trích sách ngôn sứ Isaia cho chúng ta thấy Thiên Chúa loan báo cho dân Ngài biết Đấng Mêsia sẽ đến và cứu thoát mọi người: “Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra, người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được”. và niềm vui này còn lan tỏa ra cả thiên nhiên: “Nước sẽ chảy lên nơi hoang địa và suối sẽ chảy nơi đồng vắng. Đất khô cạn sẽ trở thành ao hổ và hoang địa sẽ trở nên suối nước?”, đó là sứ vụ của Đấng Mêsia và hôm nay Chúa Giêsu chính là Đấng Mêsia, Ngài đang thi hành sứ vụ của mình.

Nhưng vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta đó là Chúa Giêsu không phải chỉ thi hành sứ vụ vì đó là sứ vụ của một sự ép buộc, mà Chúa Giêsu thực hiện sứ vụ này trong tình yêu thương của Chúa dành cho nhân loại. Chính Chúa đã xác nhận điều này: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được." (Ga 10,18).

Rồi chính trong đoạn tin mừng hôm nay chúng ta thấy được điều đó, đó là khi người ta đưa người bị câm điếc đến với Chúa Giêsu Chúa Giêsu không coi anh như một con số, một dấu chấm mờ nhạt giữ đám đông, mà như một nhân vị thật sự. thay vì dùng lời nói quyền năng, Ngài chạm vào anh ta, chạm ngón tay vào lỗ tạy, lấy nước miếng thấm vào tay rồi bôi vào lưỡi. hành động này biểu lộ sự thân tình, sự đụng chạm không phải chỉ bằng cảm giác với cảm giác, mà còn bằng cả trái tim.

Và chúng ta thấy không chỉ trong tin mừng hôm nay mới thấy được tình thương của Chúa khi thi hành sứ vụ, mà còn thấy nhiều trong những trình thuật khác nữa, chẳng hạn như trình thuật người chữa lành người phụ nữ bị băng huyết, khi bà chạm vào gấu áo Chúa, thì Chúa đã biết có người chạm vào mình, luôn để ý đến mọi người xung quanh.

Ngược lại với hình ảnh của Chúa Giêsu chúng ta thấy có hình ảnh của ông Giôna trong cựu ước, ông được Thiên Chúa kêu gọi đi đến Ninive để báo cho dân thành Ninive biết phải ăn năn sám hối, nếu không trong vòng 40 ngày thành Ninive sẽ bị tiêu diệt, nhưng ông không chịu đi vì sao vậy? vì ông sợ khi ông đi như vậy thì thành Ninive ăn năn sám hối Chúa sẽ tha, nhưng với sức ép của Chúa cuối cùng ông cũng đi, cuối cùng dân thành Ninive ăn năn sám hối và được Chúa tha, ông đâm ra bực tức với Chúa: “Ôi, lạy ĐỨC CHÚA, đó chẳng phải là điều con đã nói khi còn ở quê nhà sao? Chính vì thế mà con đã vội vàng trốn đi Tác-sít. Thật vậy, con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng hoạ. Giờ đây, lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài lấy mạng sống con đi, vì thà con chết còn hơn là sống! " ĐỨC CHÚA hỏi ông: "Ngươi nổi giận như thế có lý không? " Ông Giô-na ra ngoài thành và ngồi ở phía đông thành. Ở đó, ông làm một cái lều, rồi ngồi bên dưới, trong bóng mát, để xem cái gì sẽ xảy ra trong thành. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa khiến một cây thầu dầu mọc lên ở phía trên ông Giô-na để có bóng mát che đầu ông, hầu làm ông hết buồn bực. Ông Giô-na vui, vui lắm vì cây thầu dầu. Nhưng hôm sau, khi hừng đông ló rạng, Thiên Chúa khiến một con sâu cắn cây thầu dầu và cây bị héo. Khi mặt trời mọc, Thiên Chúa cho có một cơn gió đông nóng bỏng, và mặt trời giội nắng xuống đầu ông Giô-na; ông ngất xỉu và xin cho mình được chết, ông nói: "Thà tôi chết còn hơn là sống." Thiên Chúa hỏi ông Giô-na: "Ngươi nổi giận vì cây thầu dầu, như thế có lý không? " Ông trả lời: "Con có lý để nổi giận đến chết được! " ĐỨC CHÚA phán: "Ngươi, ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên; trong một đêm nó đã sinh ra, rồi trong một đêm lại chết đi. Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ni-ni-vê, thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao? " (Gn 4, 2-11).

Chúng ta biết thánh Phaolo ngài nói như thế này: “Đã hẳn, có những kẻ rao giảng về Đức Ki-tô vì lòng ganh tị và tranh chấp, song những người khác lại làm công việc đó vì ý ngay lành. Những người này làm vì bác ái, bởi họ biết rằng tôi được chỉ định để lo bênh vực Tin Mừng. Còn những người kia thì loan báo Đức Ki-tô vì tính ưa tranh giành, họ không có lòng ngay, tưởng làm như thế là gây thêm khổ cho tôi, trong lúc tôi bị xiềng xích. Nhưng không sao đâu! Dù thế nào đi nữa với ý lành hay ý xấu, cuối cùng Đức Ki-tô được rao giảng là tôi mừng. Và tôi sẽ còn mừng nữa, bởi vì tôi biết rằng điều ấy sẽ giúp cho tôi đạt được ơn cứu độ, nhờ lời cầu nguyện của anh em, và nhờ Thần Khí của Đức Giê-su Ki-tô phù trợ.” (Pl 1, 15-19).

Nhưng chúng ta thấy, nếu đặt vào trường hợp của chúng ta khi thi hành sứ vụ vì bị ép buộc, khi thì hành sứ vụ không có ý ngay lành, mà đạt kết quả, thì lúc đó chúng ta sẽ thấy như thế nào, thưa sẽ thấy mắc cỡ, sẽ thấy day dứt.

Chính vì thế, khi thi hành nhiệm vụ gì đó, chúng ta hãy thi hành với niềm vui, với tình yêu để kết quả đạt được đem lại niềm vui cho người khác và cho chính chúng ta nữa. Amen.

 


Thứ Hai - Tuần XXIII Thường Niên
(1Cr 5,1-8; Lc 6,6-11)




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Cr 5,1-8: Anh em hãy tẩy trừ men cũ, vì Chiên Vượt Qua của chúng ta là Đức Kitô đã hiến tế.

Tv 5,9: Lạy Chúa, xin dẫn con trong đức công minh.

Lc 6,6-11: Các ông quan sát xem Người có chữa lành bệnh trong ngày Sabbat không.

Tin mừng cho ta thấy thái độ không tốt của những người luật sĩ và biệt phái. Họ dò xét Đức Giêsu từng cử chỉ một để tìm cớ bách hại Ngài. Việc tốt Chúa làm đâu kể ngày giờ. Còn với những người nệ luật thì phải là giờ nào ngày nào thì làm việc nào. Họ lập chương trình cho con người như cái máy. Thêm vào đó, họ lên chương trình cho cả Chúa nữa. “Các ông quan sát xem Người có chữa lành bệnh trong ngày Sabbat không.” Họ đâu hiểu rằng, với Thiên Chúa thì tình yêu của Ngài là nhất. Vì yêu, Chúa không câu nệ bất cứ điều gì để có thể đem lại bình an, hạnh phúc cho con người. Từng lời nói và việc làm của Chúa thật đẹp và thật đáng yêu làm sao.

Tố Hữu viết: “Có gì đẹp trên đời hơn thế. Người với người sống để yêu nhau.” Có thể một lời thơ không nói lên hết vẻ đẹp và tình yêu của con người dành cho nhau. Một cách mạnh mẽ hơn nữa khi có thể nhấn mạnh rằng “Tình yêu Chúa cao vời biết bao, làm sao biết đáp đền thế nào để cho cân xứng.” Thay vì bắt bẻ từng lời nói, cử chỉ thì hãy yêu nhau đi, thương nhau đi, chăm sóc nhau đi cho đời thêm đẹp, thêm tươi, thêm vui, và vơi đi buồn đau khổ sầu.


Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu chữa lành cho một người bị bại tay phải, việc Chúa Giêsu chữa lành cho người bại tay phải cho chúng ta thấy ý nghĩa gì?

Chúng ta biết bên phải trong kinh thánh là bên thánh thiêng tốt lành.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện khi thiên thần truyền tin cho ông Dacaria thì thiên thần xuất hiện như thế nào? Tin mừng thuật lại: “Sứ thần của Chúa hiện ra với Dacaria, đứng bên phải hương án.” (Lc 1,11).

Hay câu chuyện ngày phán xét chung: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.” (Mt 25, 31-33).

Hay trong kinh năm dấu:

THỨ NHẤT THÌ GẪM: Khi quân dữ bắt chân tả ĐCG vào Thánh Giá, mà đóng đinh sắt nên đau lắm, máu chảy xuống ròng ròng. Khi gẫm sự ấy thì nguyện năm kinh Lạy Cha; lạy ơn ĐCG chịu đóng đinh chân tả vì chúng con đi đàng trái. Cùng nguyện một kinh Kính Mừng; thương Đức Mẹ đau đớn trong lòng, như phải đóng đinh vậy. Lại xin cho chúng con chừa đi đàng trái, là chớ làm sự tội lỗi. Amen.

THỨ HAI THÌ GẪM: Khi quân dữ bắt chân hữu ĐCG vào Thánh Giá mà đóng đinh nơi có gân cùng mạch máu nhiều, cho nên cả và mình ĐCG phải khốn.

Khi gẫm sự ấy thì nguyện năm kinh Lạy Cha; lạy ơn ĐCG xưa ở thế gian ba mươi ba năm, mỏi chân những đi dạy dỗ chúng con, mà chúng con lại lấy đinh sắt đóng chân cho làm vậy. Cùng nguyện một kinh Kính Mừng; thương Đức Mẹ phải khốn cùng Con; xin cho chúng con hằng đi đàng ngay thật, là đẹp lòng Đức Chúa Trời luôn. Amen.

THỨ BA THÌ GẪM: Khi quân dữ bắt tay tả ĐCG vào Thánh Giá mà lấy búa sắt đóng đinh đau lắm, bởi cả và mình ĐCG nặng thì lỗ tay xé ra càng đau hơn nữa.

Khi gẫm sự ấy thì nguyện năm kinh Lạy Cha; lạy ơn Cha Cả chẳng tiếc mình vì con dữ là chúng con. Cùng nguyện một kinh Kính Mừng; thương Đức Mẹ phải đau đớn cùng Con, xin cho chúng con chừa sự chẳng nên, cho ngày sau khỏi bên tay tả ĐCG là bên kẻ dữ phải xa hoả ngục. Amen.

THỨ BỐN THÌ GẪM: Khi quân dữ bắt tay hữu ĐCG vào Thánh Giá, mà bởi chẳng đến lỗ sẵn, thì nó buộc cánh tay ĐCG mà kéo ra cho vừa lỗ, liền giãn những xương ngực ĐCG ra, cho nên đau lắm thì mới đóng đinh được.

Khi gẫm sự ấy thì nguyện năm kinh Lạy Cha; thương ĐCG lấy tay làm những sự lành cho thiên hạ, mà người ta lại trả công cho làm vậy. Cùng nguyện một kinh Kính Mừng; thương Đức Mẹ bởi yêu Con hơn mình thì thương xót Con lắm. Xin cho chúng con làm việc phúc đức, cho ngày sau được ở bên tay hữu ĐCG, là bên kẻ lành được lên thiên đàng. Amen.

Nên chúng ta thấy bên hữu là bên tốt lành, chữa lành tay hữu là muốn con người phải làm việc tốt lành, sau khi đã được chữa lành.

Như vậy, không phải tay chân lành lặn bình thường là không cần được chữa lành, nếu như đôi tay lành lặn đó mà làm những việc không tốt lành, thì đó chính là đôi tay bệnh tật, chính vì thế, chúng ta hãy xin Chúa chữa lành những đôi bàn tay của chúng ta, để chúng ta biết dùng đôi bàn tay của mình để làm những việc tốt lành, và khi chúng ta biết làm những việc tốt lành, điều đó chứng minh là đôi bàn tay của chúng ta đã được chữa lành. Amen.



Thứ Ba Tuần XXIII Thường Niên

(1Cr 6,1-11; Lc 6,12-19)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Cr 6,1-11: Anh em có việc kiện tụng nhau, và đem đến trước mặt người ngoại.

Tv 149,4: Chúa yêu thương dân Người.

Lc 6,12-19: Suốt đêm, Người cầu nguyện, Người chọn mười hai vị mà Người gọi là Tông đồ.

Kinh nghiệm của người đời trong việc hóa giải những bất hòa trong gia đình hay cộng đoàn là “về nhà đóng cửa bảo nhau.” Chuyện không tốt thì càng ít người biết càng tốt. Sửa sai thì âm thầm nhưng khen thưởng thì công khai mới là cách giúp cho người ta tiến bộ. Bài học ở đời cũng có nét giống với những lời dạy của Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô hôm nay. Nếu phải góp ý hay sửa lỗi cho nhau thì lựa lời mà nói chứ không phải cứ kiện tụng nhau, đưa nhau ra tòa đời để giải quyết. Công kích nhau chỉ làm tăng nỗi đau.

Ngày nay lại có một xu hướng khác gây bất hòa, đó là công kích ở không gian mạng. Các cư dân mạng tố cáo nhau hay tự bản thân người nào đó đăng tải những ý tưởng cạnh khóe người khác, và kết án như thẩm phán vô danh, kể cả nêu đích danh cũng có luôn. Những hoạt động như vậy không đem lại bình an và hạnh phúc thật sự. Noi gương Chúa Giêsu, ta dành thời giờ để trò chuyện với Chúa trước khi đưa ra những lời nói hay việc làm quan trọng. Vì khi ta nghĩ đến lợi ích và thanh danh của người khác thì ta mới có thể hy sinh cái tôi của mình. Theo Chúa, ta học tập và thực hành những điều tốt cho người khác ngay từ trong tư tưởng.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu chọn 12 môn đệ và gọi 12 người này là tông đồ.

Nhưng trước khi chọn thì tin mừng nói Chúa Giêsu thức suốt đêm để cầu nguyện với Chúa Cha, vậy tại sao Chúa Giêsu lại không chọn những con người hoàn hảo mà chọn những con người bất toàn?

Thưa đó là cách suy nghĩ của chúng ta mà thôi khi chọn lựa phải chọn những gì là hoàn hảo là tốt đẹp, nhưng sự thật có ai hoàn hảo có ai tốt đẹp một cách hoàn toàn không? Thưa không.

Chúng ta hãy nhớ câu chuyện của anh thanh niên đến gặp Chúa Giêsu để hỏi Chúa Giêsu là làm thế nào để có sự sống đời đời, thì anh nói với Chúa: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? " Đức Giê-su đáp: "Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa.” (Mc 10,17-18).

Nói như vậy thì trường hợp của Giuse, Nathanaen, hay hai vợ chồng ông Dacaria và Bà Êlisabet thì sao? Thưa họ công chính trước mặt người đời, và chỉ một phần nào đó thôi, cuộc đời của họ cũng có khuyết điểm, chứ không hoàn hảo, không nhân lành một cách hoàn toàn, mà chỉ có Thiên Chúa mà thôi.

Rồi chính Chúa Giêsu cũng xác nhận điều này: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: "Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi." (Mt 9,12-13).

Rồi một điểm nữa đó là tin mừng nói Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha chứ đâu có nói cầu nguyện với Chúa Cha để chọn những tông đồ tốt lành, nhưng Chúa cầu nguyện với Chúa Cha để đưa ra quyết định chọn lựa các tông đồ, để từ từ Chúa huấn luyện các ông trở thành những tông đồ tốt lành, những tông đồ ngày càng hoàn thiện.

Áp dụng vào đời sống thực tế của chúng ta, nếu chúng ta chỉ đi tìm những thứ độc lạ, những thứ tốt, những con người tài giỏi xuất chúng thì lấy đâu ra những thứ độc lạ, những thứ tốt, những con người xuất chúng, những con người độc lạ cho chúng ta chọn, nếu chúng ta chỉ chờ để chọn như ý chúng ta thì không bao giờ có, nhưng chúng ta phải hạ tiêu chuẩn của mình xuống để chọn những gì là tương đối, để sau đó đào tạo, để giúp nâng cao giá trị của những điều mình chọn lên.

Ngay cả chính bản thân của chúng ta cũng chưa hoàn hảo, cũng chưa xuất chúng, chúng ta phải tự mình hoàn thiện dần dần, thì đối với những thứ khác, đối với những người khác cũng vậy, cũng cần có thời gian, nên cũng phải biết thông cảm cho nhau, để giúp nhau hoàn thiện mỗi ngày.

Xin cho chúng ta hiểu được như vậy, để biết tìm kiếm những điều hoàn hảo từ những điều chưa hoàn hào, vì không ai là hoàn hảo nếu không được biến đổi, không đi lên từ những điều chưa hoàn hảo. Amen.



 

Thứ Tư - Tuần XXIII Thường Niên

(1Cr 7,25-31; Lc 6,20-26)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Cr 7,25-31: Ngươi bị ràng buộc với vợ ư? Ngươi đừng tìm cách tháo gỡ. Ngươi không còn ràng buộc với vợ ư? Ngươi đừng tìm cưới vợ nữa.

Tv 44,11: Xin hãy nghe, thưa nương tử, hãy coi và hãy lắng tai.

Lc 6,20-26: Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có.

Thánh Phaolô trình bày những đánh đổi liên quan đến việc dấn thân vào đời sống hôn nhân và gia đình và các ơn gọi phục vụ khác. Chúng ta được sinh ra để phục vụ, và ơn gọi của ta sẽ có những trở ngại, thử thách và khó khăn. Phúc âm trình bày sự tương phản giữa các mối phúc và khốn khó. Bài giảng của Chúa Giêsu khuyến khích những người đau khổ và cảnh báo cho những người đang vui hưởng sự giàu có, đầy đủ, vui cười, và vinh phúc.

Người nghèo khó về vật chất thì rất đông, và người khổ về tinh thần cũng không ít. Người ta cũng đói khát về tình thương và công lý. Bên cạnh những người khốn khó thì có rất nhiều người sống trong tiện nghi đủ đầy và vinh quang. Nghèo hay giàu thì không phải là tội. Nhưng Chúa Giêsu muốn nhắm đến tinh thần tương trợ, san sẻ và thái độ phục vụ lẫn nhau. Nghèo thì đáng thương nhưng cũng cần biết tựa nương vào Chúa. Giàu vật chất thì cũng cần giàu nhân nghĩa trong việc sẻ chia. Vậy, nếu mọi người phục vụ nhau trong tinh thần yêu thương thì đời đẹp biết bao. Phúc cho ai nghèo mà có Chúa đồng hành và cũng phúc cho những ai giàu mà có tấm lòng quảng đại của Chúa.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu nói về 4 mối phúc và bốn mối họa, nhưng vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta đó là 4 mối phúc và 4 mối họa này ở đâu mà ra? Thưa nó ở trong chính con người của mỗi người chúng ta mà ra, chứ không ở đâu ra cả, nghĩa là con người mình có muốn hay không mà thôi.

Có một câu chuyện vui như thế này, như là một minh họa cho chúng ta để chúng ta biết hạnh phúc ở đâu mà đầu tư vào đó, để cuộc đời của chúng ta có hạnh phúc.

Ngày xửa ngày xưa, có một lần tập đoàn yêu tinh họp nhau lại để lên kế hoạch làm hại con người.

Một con yêu tinh nói: Chúng ta nên giấu một thứ gì đó thật quý giá của con người.

- Nhưng giấu cái gì bây giờ?

Sau khi suy nghĩ, một yêu tinh đáp: Biết rồi, hãy lấy đi hạnh phúc của họ, họ sẽ ngày đêm phải khổ sở u uất. Nhưng vấn đề là giấu nó ở đâu bây giờ? Phải giấu ở nơi nào mà họ không tìm được ấy!

Một yêu tinh khác cho ý kiến: Thử quẳng nó lên đỉnh một ngọn núi cao nhất thế giới xem.

Nhưng ý kiến đó bị phản đối ngay: Không được, con người họ rất khoẻ mạnh, chuyện leo núi có nhằm nhò gì đâu.

Một yêu tinh khác lại có ý kiến: Vậy ta giấu nó xuống vực biển sâu nhất nhé?

Nhưng các yêu tinh lại đồng loạt phản đối: Không, con người rất tò mò, họ sẽ tạo ra những tàu ngầm hiện đại để đi xuống biển. Rồi họ sẽ tìm ra thôi.

Một yêu tinh nhỏ tuổi đứng lên: Hay để nó ở một hành tinh khác đi.

Tuy nhiên, một yêu tinh lớn tuổi đáp: Không được, con người rất thông minh. Càng ngày, họ càng thám hiểm nhiều hành tinh khác đấy thôi.

Bầy yêu tinh lại im lặng suy nghĩ.

Chợt một yêu tinh già lụ khụ đứng lên đưa ra ý kiến: Tôi biết chúng ta nên giấu nó ở đâu rồi! Hãy giấu nó ở chính bên trong con người họ. Đa số họ luôn cố gắng lùng sục hạnh phúc ở khắp nơi xung quanh và bao giờ cũng thấy người khác hạnh phúc hơn mình. Bản thân họ thì chẳng bao giờ họ quan tâm. Giấu nó ở đó thì người chẳng bao giờ tìm thấy đâu!

Tất cả yêu tinh đều nhất trí với giải pháp này và kể từ đó, rất nhiều người mãi mê đi tìm kiếm hạnh phúc ở khắp nơi mà không biết nó ở trong ngay tâm hồn mình!

Nên chúng ta thấy con người của chúng ta chỉ tìm kiếm hạnh phúc bên ngoài để rồi không nhận ra giá trị của mình, không nhận ra hạnh phúc ngay trong chính bản thân mình, ngay chính nơi những người thân yêu của mình, từ đó đi tìm hạnh phúc ở nơi đâu tưởng rằng đó mới là hạnh phúc, nhưng đó chỉ là hạnh phúc giả tạo mà thôi.

Xin cho chúng ta biết được hạnh phúc ở nơi chính bản thân mình, ở những nơi của những người thân yêu mình, mà đặc biệt là nơi chính Chúa, để chúng ta biết đến với Chúa để chúng ta có bình an hạnh phúc thật sự. Amen.




Thứ Năm - Tuần XXIII Thường Niên

(1Cr 8,1-7.11-13; Lc 6,27- 38)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Cr 8,1b-7,11-13: Anh em làm tổn thương lương tâm yếu đuối của họ, là anh em phạm đến Ðức Kitô.

Tv 139,24: Lạy Chúa, xin hướng dẫn con trong đường lối đời đời.

Lc 6,27-38: Các con hãy tỏ long thương xót như Cha các con hay thương xót.

Phaolô cảm nghiệm: “sự thông thái làm cho người ta ra kiêu căng, còn lòng yêu thương thì xây dựng.” Chúa Giêsu đưa ra một danh sách phong phú các chỉ dẫn: “hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình… đừng xét đoán”. Đây là một danh sách “việc cần làm” đối với một Kitô hữu. Và với tư cách là một người bình thường, việc tiếp nhận những hướng dẫn này là một điều hơi quá sức, chứ đừng nói đến việc cố gắng đưa nó vào cuộc sống hàng ngày.

Yêu thương và tha thứ quả thật không đơn giản. Vì bản tính con người hay quy về cái ‘tôi’ của mình. Học cách thương xót hoặc ngừng lên án cần một thời gian dài với những trải nghiệm đủ sâu để lắng đọng, tĩnh tại. Biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác thì ta mới có thể cảm thông. Xét cho cùng, yêu kẻ thù dường như là điều khôn ngoan nhất vì kẻ thù sẽ cảm thấy không cần khí giới nữa, và yêu kẻ thù có thể là điều kiện xác định để kẻ thù không thể trở thành kẻ thù nữa. Tự xét mình, tôi biết mình sẽ không thể làm theo những chỉ dẫn mà Chúa Giêsu đã dạy trong Tin Mừng hôm nay. Vì vậy, tôi cần khiêm nhường hơn, để Chúa sáng soi trong mọi lời nói việc làm. Đặc biệt là cầu xin sự giúp đỡ như trong Thánh vịnh: “Lạy Chúa, xin hướng dẫn con trong đường lối đời đời”.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy các môn đệ: “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ”. Và cách cụ thể đó là yêu thương tất cả mọi người không phân biệt bất kỳ ai cả.

Chúng ta để ý lời của Chúa dạy đó là có lòng nhân từ, chứ không phải có hành động nhân từ, bởi nếu chỉ có hành động nhân từ, mà không có lòng nhân từ, thì hành động nhân từ đó chưa chắc đã là hành động nhân từ mà chỉ là hành động giả nhân từ mà thôi.

Nếu đào sâu thêm đó là nếu chúng ta làm việc tốt, có lòng nhân từ mà sao đó chúng ta đòi hỏi người khác, thì lòng nhân từ đó, thì việc tốt đó mất đi ý nghĩa, chính vì thế nếu đọc tin mừng chúng ta sẽ thấy Chúa dạy: “Khi làm điều gì thì hãy nói chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng ta chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”.

Có một câu chuyện kể về "Một du khách nhìn thấy một cụ bà đang đứng bên bờ một dòng suối lênh láng nước sau một trận mưa lớn. Trông bà có vẻ rất lo lắng và bất đắc dĩ phải băng qua nó.

Người khách du lịch tiến lại gần và hỏi bà lão: “Bà ơi, bà có muốn con cõng bà vượt suối không?”

Bà lão rất ngạc nhiên và lẳng lặng gật đầu đồng ý. Anh cõng bà băng qua suối và anh dần đuối sức. Sau khi sang bờ bên kia, bà lão vội vội vàng vàng rời đi mà không nói lời cảm ơn nào. Vị du khách đang rã rời vì đuối sức kia có chút hối tiếc vì giúp đỡ bà lão ấy. Anh không mong cầu bà báo đáp, nhưng nghĩ rằng chí ít thì bà cũng nên nói với anh đôi lời bày tỏ sự cảm kích.

Vài giờ sau, du khách này đi tới vùng núi. Đó là một hành trình đầy gian nan với anh, chân của anh bị côn trùng cắn sưng tấy. Lát sau, trên đường đi, có một thanh niên bắt kịp theo anh và nói: “Cảm ơn anh đã giúp bà tôi. Bà bảo anh sẽ cần những thứ này và muốn tôi mang chúng đến cho anh.”

Nói đoạn, cậu ấy lấy ra một ít thức ăn và thuốc men trong túi ra. Hơn nữa anh còn dắt thêm một con lừa và giao nó cho du khách tốt bụng. Vị du khách không ngừng nói cảm ơn anh thanh niên. Sau đó người thanh niên này nói tiếp: “Bà của tôi không nói được, cho nên bà muốn tôi thay mặt bà cảm ơn anh!”

Nên khi làm điều tốt lành, khi có lòng nhân từ thật sự thì chúng ta đừng nên đòi hỏi, nếu chỉ biết đòi hỏi thì sẽ mất đi ý nghĩa của việc tốt lành đó. Amen.



Thứ Sáu - Tuần XXIII Thường Niên
Thánh Gioan Kim Khẩu, giám mục, Ts.HT. Lễ nhớ.

(1Cr 9,16-19.22b-27; Lc 6,39-42)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Cr 9,16-19.22b-27: Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi.

Tv 84,2: Ôi Chúa thiên binh, khả ái thay cung điện của Ngài.

Lc 6,39-42: Người mù có thể dẫn người mù được chăng?

Phaolô cho thấy nhiệm vụ loan báo Tin mừng là một việc vĩ đại trong tinh thần mến yêu và khiêm nhường. Mỗi Kitô hữu đều có trách nhiệm rao truyền Tin mừng. Nói như Phaolô, rao giảng về Chúa thì không phải để hưởng vinh quang, mà vì đó là một nhu cầu. Phaolô tự nhận là vô phúc nếu ngài không rao giảng Tin Mừng. Phaolô nhận ra động lực thúc đẩy để làm việc cho Chúa, đó là nhằm thu hút được nhiều người đến với Chúa hơn, cho dù ngài phải làm nô lệ cho mọi người. Phaolô đã cho không, biếu không tất cả trí tuệ, tài năng, lòng nhiệt thành và yêu mến Chúa để lôi cuốn mọi người, hầu cho tất cả được ơn cứu rỗi.

Lời nói đánh động, gương lành lôi cuốn. Phaolô có cả hai yếu tố đó để làm việc cho Chúa. Nơi ngài có lòng khiêm nhường và nhiệt thành chứ không có ghen tị hoặc so đo hay là giả hình giả bộ. Học nơi Phaolô và lời dạy của thầy Giêsu, ta khiêm tốn và quyết tâm dấn thân phục vụ. Phục vụ bằng chính những khả năng Chúa ban cho. Phục vụ không vì lợi ích bản thân, mà là vì lợi ích của mọi người, hầu cho mỗi người đều nhận ra được tình yêu và phúc lành của Chúa mà sống trung thành, bình an, hạnh phúc ở đời này và cả đời sau.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy các môn đệ: “Mù lại dắt người mù được sao, cả hai lại không sa xuống hố”, nghĩa là Chúa muốn các môn đệ phải làm gương sáng, chỉ có làm gương sáng mới có thể dẫn đường con người khác, mới giúp người khác đi đúng đường, còn ngược lại làm gương xấu thì giống như người mù dắt người mù mà thôi.

Trong câu chuyện đầu tuần thứ 2 mùa chay năm B, được đăng trên trang giáo phận mỹ tho, ngày 25.02.2024, câu chuyện mang tên Ngôn Sứ Cần Sám Hối? Đức Cha Phêrô chia sẻ như thế này:

“Một trong những trang Kinh Thánh thường được đọc trong Mùa Chay là trình thuật về dân thành Ninivê nghe lời rao giảng của ngôn sứ Giôna, họ thay đổi đời sống và được Thiên Chúa tha thứ (Gn 3,1-10). Thế nhưng trọng tâm của sách Giôna không phải là sự sám hối của dân Ninivê mà là sự hoán cải của chính Giôna, người rao giảng ơn sám hối.

Ngôn sứ Giôna là một khuôn mặt độc đáo trong Kinh Thánh. Ông biết rõ Thiên Chúa là “Đấng làm ra biển khơi và đất liền” (1,9) và trên chuyến tàu đi Tarsi, khi gặp cơn bão lớn, chính ông đề nghị người ta “ném tôi xuống biển thì biển sẽ lặng đi, không còn đe dọa các ông nữa, vì tôi biết là tại tôi mà các ông gặp cơn bão lớn này” (1,12). Biết thế mà vẫn dám chống lại tiếng gọi của Chúa, Chúa bảo ông đi Ninivê nhưng ông lại trốn đi Tarsi (x. 1,3)!

Chưa hết, Giôna đi rao giảng sám hối và cả thành Ninivê, từ vua đến dân, đều “khoác áo vải thô, ăn năn trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực, hết sức kêu cầu Thiên Chúa” (3,8). Rao giảng mà được người ta đón nhận thịnh tình như thế thì còn hạnh phúc nào lớn hơn? Nhưng với Giôna thì không, không những ông không vui mà còn bực tức và nổi giận, lại còn muốn chết cho xong: “Lạy Chúa, xin Ngài lấy mạng sống con đi, vì thà con chết còn hơn là sống” (4,3). Thế là Chúa lại phải ra sức dỗ dành, giải thích cho Giôna hiểu tại sao Ngài tha thứ cho dân Ninivê.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Giôna lại có phản ứng lạ lùng và kỳ cục như thế? Tất cả chỉ vì ông ghét dân Ninivê. Ninivê là thủ phủ của đế quốc Assyria, đế quốc đã từng đánh bại dân Israel và bắt họ đem đi lưu đày. Thế nên Ninivê là kẻ thù của Giôna, ông chỉ mong Chúa vặn cổ chúng nó cho chết hết, đằng này Chúa lại bảo ông đi giảng ơn sám hối cho nó, làm sao chịu được: “Lạy Chúa, đó chẳng phải là điều con đã nói khi còn ở quê nhà sao? Chính vì thế mà con đã vội vã trốn đi Tarsi. Thật vậy con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng họa” (4,2).

Biết Chúa nhân hậu và giàu tình thương đấy, biết rất rõ là đàng khác, nhưng “ghét” dân Ninivê thì vẫn ghét và chỉ muốn mượn tay Chúa để tiêu diệt chúng nó cho đã cơn giận ghét của mình!

Đến đây thì đã rõ, không chỉ dân Ninivê cần ăn năn sám hối nhưng chính Giôna cần sám hối hơn ai hết, và sự sám hối này là cả một hành trình hết sức khó khăn, vì không chỉ là sự thay đổi trong kiến thức và hiểu biết nhưng là thay đổi “trái tim bằng đá” bằng “trái tim bằng thịt, trái tim biết yêu thương”!...”

Nên chúng ta thấy để có thể dẫn đường cho người khác, chúng ta phải làm gương sáng, chính chúng ta phải biết đường, hay để có thể kêu gọi người ta sám hối thì chính mình phải sám hối.

Hay nói cách khác đó là khi chúng ta giúp người khác đi đúng đường, giúp người khác sám hối, thì một cách nào đó chúng ta đang tự giúp chính mình, để chính mình bước vào nẻo chính đường ngay, giống như Giôna, từ từ được biến đổi. Amen.



Thứ Bảy - Tuần XXIII Thường Niên

Suy tôn Thánh Giá

(Ds 21,4b-9; Ga 3,13-17)



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Ds 21,4-9: Kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống.

Tv 78,7: Chúng ta đừng quên lãng những kỳ công của Chúa.

Pl 2,6-11: Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người.

Ga 3,13-17: Con Người phải bị treo lên.

Bài đọc từ Sách Dân Số cho thấy cộng đồng người Do Thái đã được cứu khỏi ách nô lệ ở Ai Cập và họ cũng muốn được cứu khỏi cái chết vì đói và khát trong sa mạc. Tuy nhiên họ đã càm ràm, càu nhàu, phàn nàn và đòi hỏi Thiên Chúa. Chính vì tính tình bất ưng của họ mà Chúa đã sai rắn lửa ra để dạy họ bài học nhớ đời. Và cũng ngay sau đó, Chúa đã thương xót và cứu chữa họ. Thiên Chúa thay đổi con rắn của thảm họa thành một cử chỉ chữa lành và cứu rỗi. Hình ảnh con rắn giương cao có ý chữa lành. Hình ảnh Thiên Chúa giận dữ, giờ đây thay đổi thành một người chăm sóc nhân từ.

Thư Philipphê cho ta biết Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã sai Con Một của Ngài đến cứu nhân loại khỏi cái chết do tội lỗi. Thiên Chúa không bỏ thế gian này cũng như không lên án, nhưng để thế gian nhờ Ngài mà được cứu độ. Tin mừng hôm nay là lời tiên báo cho sứ vụ của Đấng Cứu Thế. Hành trình cứu độ của Ngài biểu lộ cao điểm nơi thập giá. Chúa phán: “Khi tôi được cất lên khỏi đất, tôi sẽ kéo mọi người đến với tôi” (Ga 12,32). Ước gì chúng ta đừng quên lãng những kỳ công của Chúa.

 



Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.”

Chúng ta biết hình ảnh con rắn đó là hình ảnh của tội lỗi, khi con người bị rắn cắn nhìn lên con rắn thì được chữa lành nghĩa là nhìn vào tội lỗi của mình, để ăn năn sám hối thì được Chúa cứu chữa.

Còn Chúa Giêsu được giương lên như Môse đã giương con rắn đồng không phải vì Chúa Giêsu tội lỗi, mà nhìn lên Đấng đã gánh lấy tội lỗi của con người, để nhờ đó mà con người được ơn cứu độ.

Như vậy hôm nay lễ suy tôn thánh giá, không phải chúng ta suy tôn một cây gỗ, mà chúng ta suy tôn chính Đấng đã chịu đóng đinh trên cây gỗ đó, suy tôn chính tình yêu của Chúa dành cho con người.

Hiểu được như thế, chúng ta được mời gọi xác tín vào tình thương của Chúa dành cho mỗi người chúng ta, mà tin tưởng phó thác cuộc đời của mình cho Chúa, rằng Chúa yêu thương ta, ta phải biết đáp lại tình thương của Chúa trong cuộc đời của mình.

Bên cạnh đó, Chúa đã yêu thương con người chúng ta, đã hy sinh mạng sống vì con người, nên con người chúng ta cũng phải biết yêu thương cho nhau, hy sinh cho nhau, độ lượng với nhau, nói cách khác là chịu phần thiệt về mình, như Chúa Cha đã chịu phần thiệt về mình, như Chúa Giêsu đã chịu phần thiệt về mình, để mỗi người chúng ta cũng là con yêu dấu của Chúa.

Một cao tăng được mời đi dự tiệc. Trên bàn bày đầy những món chay trang trí vô cùng đẹp mắt. Bỗng nhiên ông phát hiện trong đĩa lại có một miếng thịt lợn. Một đệ tử của ông cố ý lấy đũa bới miếng thịt lên, có ý để cho gia chủ trông thấy. Thấy vậy vị cao tăng mau chóng dùng đũa của mình đẩy miếng thịt khuất đi.

Lát sau, người đệ tử kia lại bới miếng thịt lợn lên. Nhưng rồi cao tăng lại thêm một lần nữa che miếng thịt lại. Bấy giờ ông mới gọi người đệ tử tới bên và nói khẽ vào tai: “Con mà còn lật nó lên một lần nữa ta sẽ ăn ngay”. Người đệ tử nghe thầy nói vậy thì không dám bới miếng thịt lên nữa.

Tiệc xong, thầy trò cao tăng từ biệt gia chủ ra về. Trên đường về, người đệ tử trong lòng vẫn không khỏi băn khoăn, nghi hoặc nói: “Thưa thầy, vừa rồi rõ ràng là đầu bếp không biết ý, để lẫn thịt vào trong đồ chay của chúng ta? Đệ tử chẳng qua muốn gia chủ biết mà trừng phạt ông đầu bếp”.

Cao tăng từ tốn nói: “Người đầu bếp nào có tội gì, bất quá chỉ là vô ý trong lúc bận bịu cuống cuồng. Nếu chủ nhà thấy miếng thịt trong món chay ắt là sẽ nổi giận mà trừng phạt ông ấy. Người đầu bếp có thể còn bị đuổi việc. Ông ta có thể còn phải nuôi mẹ già, vợ dại con thơ, ở nhà, nay bỗng dưng mất miếng cơm hỏi sẽ ra sao? Đây có phải là điều mà con muốn thấy không?".

Người đệ tử ngơ ngác, ấp úng: “Không thưa thầy. Con không hề muốn như thế".

Vị cao tăng lại tiếp lời: “Đời người ai mà chẳng mắc sai lầm. Đừng nên chỉ biết lý mà bỏ qua tình. Bỏ qua được một điều thì nhẹ lòng hơn được một chút".

Người đệ tử chắp hai tay trước ngực cung kính như tạ lỗi với thầy: “Con hiểu rồi thưa thầy. Đoạt lý quan trọng nhưng không thể quên người".

Khi đọc câu chuyện này tôi nhớ đến một câu nói cũng rất hay như thế này, đó là: “Tất cả những gì bạn nói đến đều nên đúng, nghĩa là ta phải nói điều đúng, nhưng không phải tất cả những gì bạn đúng đều nên nói”. Nghĩa là đôi lúc chúng ta phải biết hy sinh cho nhau, để giúp đem lại lợi ích cho nhau, nhất là trong đời sống đức tin.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó để thay đổi cái nhìn của mình, để biết hoán cải, để biết sống theo Lời Chúa dạy trong cuộc đời của mình. Amen.