25/08/2024
642
Suy niệm hằng ngày_ Tuần XXI Thường Niên







 

 

 


 


 

Chúa Nhật XXI Thường Niên

Gs 24,1-2a.15-17.18b; Ep 5,21-32; Ga 6,60-69


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Gs 24,1-2a.15-17.18b: Chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa, vì chính Người là Thiên Chúa chúng tôi.

Tv 34,9: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao.

Ep 5,21-32: Mầu nhiệm này thật lớn lao: trong Đức Kitô và trong Hội Thánh.

Ga 6,60-69: Chúng con sẽ đi đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống.

Các bài đọc hôm nay khuyến khích ta suy nghĩ tích cực. Trong sách Giôsuê, dân chúng đã trả lời Giôsuê: “Chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa, vì chính Người là Thiên Chúa chúng tôi.” Trong Phúc âm có câu trả lời cũng là câu hỏi của Phêrô đối với Chúa Giêsu: “Chúng con sẽ đi đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống.”

Thánh Phêrô đặt ra câu hỏi mà hẳn sẽ ám ảnh mọi tín hữu đang thất vọng về Giáo hội. Câu trả lời của Phêrô với Chúa Giêsu nói lên Giáo hội đang gặp khó khăn và tổn thương. Ta sẽ đi đâu để thỏa mãn những nhu cầu tâm linh, đặc biệt là trong những lúc gặp khó khăn? Những vụ bê bối thời nay đã buộc ta phải đối mặt với những sự thật khó chịu. Trong thời đại hôm nay, một số người đã tuyệt vọng, nhưng nhiều người vẫn trung thành với Chúa. Kitô hữu đang sống trong một thời kỳ khó khăn nhưng họ cố gắng hết sức để vượt qua những trở ngại. Họ giữ lời cầu nguyện như một phần của cuộc sống bởi vì họ biết rằng Chúa là gia nghiệp của mình. Giống như Phêrô, Kitô hữu có thể nói: “chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa.”




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Trong bài đọc 1 ông Giôsuê đã bảo dân Do Thái phải chọn lựa: thờ Thiên Chúa hay thờ các thần tượng khác và họ đã chọn thờ phượng Thiên Chúa, vì họ đã thấy được những kỳ công Chúa đã làm trước mắt họ. Xin nói thêm chút nữa, sau thế hệ này, con cháu của họ lại không chọn Chúa mà chọn theo các thần ngoại bang và đã bị những bộ tộc khác đàn áp.

Trong bài tin mừng hôm nay cũng là sự chọn lựa, chúng ta biết diễn từ về bánh hằng sống bị một số môn đệ phản ứng: “Lời này chói tai quá! Ai nghe được!” Và cũng vì không thể chấp nhận được, nên đã có nhiều người bỏ Chúa Giêsu mà đi.

Đứng trước sự kiện đó, Chúa Giêsu đã đặt vấn đề với các tông đồ: “Cả chúng con, chúng con có muốn bỏ đi không?” Khi đặt câu hỏi này, Chúa Giêsu muốn các tông đồ có một chọn lựa dứt khoát trước khi theo Ngài tiếp tục sứ mạng. Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”

Áp dụng vào đời sống, nếu chúng ta chọn lựa theo ý mình thì sẽ không tốt, nhưng nếu chúng ta chọn lựa theo ý Chúa đó là điều tốt, vì điều mình muốn thì khi trúng khi trật, khi hay khi dở, nên không thể lấy làm chuẩn mực hành động được.

Chúng ta hãy nhớ đến câu chuyện của Phêrô sau khi được Chúa Giêsu tiên báo mình phải chết cách nào: “Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn,” Phêro mới chỉ Gioan và hỏi người này thì sao, Chúa nói: “Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” Nghĩa là đừng so sánh mình với người khác, mà hãy sống theo thánh ý Chúa.

Bên cạnh câu chuyện đó, còn có câu chuyện của Saun và Đavit là một minh họa cho chúng ta. Chúng ta biết Saun ban đầu được đẹp lòng Chúa, nhưng sau đó ông đã không vâng lời Thiên Chúa, ông đã làm theo ý riêng của mình cụ thể là Chúa sai ông đi tru hiến quân Amalech và không được lấy bất cứ thứ gì, nhưng ông đã giữ lại những thứ quý giá, lấy những thứ đó dâng cho Chúa, chính vì thế mà Samuel đã nói với Saun: “Vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ” (1Sm 15,22).

Còn ngược lại Đavit là một người vâng lời Thiên Chúa, tin vào Thiên Chúa, khi ông ra nghênh chiến với Gôliat là người khổng lồ của quân Philitinh, ông được Saun cho lấy y phục của mình mặc cho Đa-vít, đội mũ chiến bằng đồng lên đầu và mặc áo giáp cho cậu. Đa-vít đeo gươm của vua ngoài y phục rồi thử bước đi, vì cậu không quen. Đa-vít nói với vua Sa-un: “Con không thể bước đi với những thứ này được, vì con không quen.” Rồi Đa-vít bỏ những thứ đó ra.”

Ông nói với người Philitinh là Gôliat: “Mày mang gươm, mang giáo, cầm lao mà đến với tao. Còn tao, tao đến với mày nhân danh ĐỨC CHÚA các đạo binh là Thiên Chúa các hàng ngũ Ít-ra-en mà mày thách thức. Ngay hôm nay ĐỨC CHÚA sẽ nộp mày vào tay tao, tao sẽ hạ mày và làm cho đầu mày lìa khỏi thân. Ngay hôm nay tao sẽ đem xác chết của quân đội Phi-li-tinh làm mồi cho chim trời và dã thú. Toàn cõi đất sẽ biết rằng có một Thiên Chúa che chở Ít-ra-en, và toàn thể đại hội này sẽ biết rằng không phải nhờ gươm, nhờ giáo mà ĐỨC CHÚA ban chiến thắng, vì chiến đấu là việc của ĐỨC CHÚA và Người sẽ trao chúng mày vào tay chúng tao!” và ông đã chiến thắng.

Sau này khi Saun ghen tỵ với Đavit, Saun muốn tìm cách giết ông, nhưng khi có cơ hội giết Saun, Đavit đã không làm điều đó, vì ông có lòng kính sợ Chúa, ông nói: “Đừng giết vua! Có ai tra tay hại đấng ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong mà vô sự đâu?” Ông Đa-vít nói: “Có ĐỨC CHÚA hằng sống! Chính ĐỨC CHÚA sẽ đánh phạt vua, hoặc khi ngày của vua đến mà vua phải chết, hoặc khi vua xuống giao chiến mà vua thiệt mạng. Nhưng xin ĐỨC CHÚA đừng bao giờ để tôi tra tay hại đấng ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong!”

Nên chúng ta thấy Đavit là người luôn sống theo thánh ý Thiên Chúa, có lòng kính sợ Chúa, mặc dầu sau này ông có sa ngã phạm tội nhưng ông đã sám hối sửa mình để sống đẹp lòng Chúa.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết sống đẹp lòng Chúa luôn luôn, luôn tìm kiếm thánh ý Chúa trong cuộc đời của mình, chúng ta biết Chúa không chọn điều tốt, nhưng điều Chúa chọn, điều Chúa muốn là điều tốt, nên chúng ta hãy chọn điều Chúa đã chọn để áp dụng, để sống trong cuộc đời của mình. Amen.

 


Thứ Hai - Tuần XXI Thường Niên
(2Tx 1,1-5.11b-12; Mt 23,13-22)
 


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

2 Tx 1,1-5.11b-12: Danh của Chúa chúng ta là Đức Giêsu, sẽ được tôn vinh nơi anh em, và anh em được tôn vinh nơi Người.

Tv 96,3: Hãy kể cho muôn dân được biết những kỳ công Chúa làm.

Mt 23,13-22: Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ dẫn đường đui mù.

Phaolô chỉ dạy tín hữu Thexalonica: “Danh của Chúa chúng ta là Đức Giêsu, sẽ được tôn vinh nơi anh em, và anh em được tôn vinh nơi Người.” Tin Mừng cho thấy lòng tốt của Chúa, Đấng chăm sóc hạnh phúc của ta, được tuôn đổ như thế nào. Phúc âm cho ta biết rõ ràng nguồn gốc cần có là: sự thật, lòng tốt, lẽ phải, công lý, tình yêu... và tất cả những nhân đức. Lời Chúa cũng cảnh báo ta để không rơi vào bẫy của sự thái quá, dục vọng và lừa dối. Những điều tồi tệ này sẽ ngăn cản ta đạt được hạnh phúc.

Khi ta giữ chặt văn bản của luật pháp mà không quan tâm đến tinh thần của nó, ta dễ dàng trở thành những kẻ đạo đức giả, mà có lẽ ta không nhận thức hết. Ngoài ra, khi nhân danh truyền thống, ta hủy hoại giá trị cuộc sống, hoặc tệ hơn, khi ta nói những lời đẹp đẽ nhưng hành động khác. Những mâu thuẫn như vậy không chỉ có rất nhiều người Pharisêu và các kinh sư: nó thường hiện diện nơi ta trong mỗi ngày sống. Ước gì niềm tin, hy vọng và tình yêu nơi mỗi người và cộng đồng Kitô hữu của chúng ta được lớn lên mỗi ngày để ta có thể áp dụng lời dạy Chúa Giêsu vào cuộc sống hiện tại.



 

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay gồm hai phần, phần thứ nhất đó là sự giả hình của những luật sĩ và biệt phái đối với tha nhân. Phần thứ hai đó là sự giả hình của những luật sĩ và biệt phái đối với Thiên Chúa.

Nhưng vấn đề đâu là nguyên nhân chính dẫn đến sự giả hình của họ? Hay nói cách khác đó là họ giả hình đối với Thiên Chúa rồi mới dẫn đến hậu quả là giả hình đối với tha nhân, hay giả hình với tha nhân rồi mới dẫn đến hậu quả là giả hình với Thiên Chúa?

Chúng ta hãy nhớ có lần Chúa Giêsu đã nói: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14,15) hay “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14,21). Hay “Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” (Ga 14,24). Mà giữ các điều răn của Chúa là các điều răn nào? Thưa đó là 10 điều răn, mà 10 điều răn được gồm tóm làm hai điều đó là mến Chúa và yêu người.

Như vậy, chúng ta thấy sở dĩ những biệt phái và luật sĩ giả hình với tha nhân vì họ đã giả hình với Chúa trước, nghĩa là họ đã không sống giới răn của Chúa dạy trong cuộc đời, đối với Chúa là Đấng có thể giết chết thể xác và linh hồn mà họ còn giả hình, họ còn không sợ, thì làm gì mà họ còn sợ con người không dám làm gì được họ.

Đó là cái nhìn kinh thánh, cái nhìn theo lý luận của đức tin, nhưng nếu chúng ta nhìn dưới cái nhìn ngoài đời của con người thời đại ngày nay, thì dường như người ta không sợ Chúa, mà người ta sợ những người có thể có quyền trên mình để làm sai, làm ngược lại với những điều Chúa dạy, vì nếu không làm thì hậu quả nhãn tiền sau đó sẽ xảy ra. Chính vì thế mà có người nói tại sao con cái có thể cọc cằn, có thể thô lỗ, có thể trả lời với cha mẹ, với người thân của mình, thế nhưng khi đi học, khi đi làm việc, khi bị la rầy, khi phải làm những việc trái ý, thì vẫn dạ dạ thưa thưa, không dám cọc cằn, không dám thô lỗ, không dám trả lời lại, là vì nếu dám trả lời lại thì hậu quả sau đó sẻ xảy ra tức khắc, còn đối với gia đình thì không có chuyện đó, sẽ không có hậu quả gì xảy ra sau đó. Nhưng nói gì thì nói, điều cuối cùng mà chúng ta có thể kết luận đó là có thể trong những giây phút cuối cùng, con người cũng sẽ phải có lòng kính sợ Chúa, sẽ quay về với Chúa.

Xin cho mỗi người chúng ta ý thức được như vậy để sống như ngày mai là ngày cuối cùng của cuộc đời, để có lòng kính sợ Chúa, để không giả hình với Chúa và với anh chị em của mình. Amen.


 


Thứ Ba Tuần XXI Thường Niên
Thánh nữ Mônica. Lễ nhớ.

(2Tx 2,1-3a.14-17; Mt 23,23-26)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

2 Tx 2,1-3a,14-17: Anh em hãy nắm giữ truyền thống anh em đã học biết.

Tv 96,13: Chúa ngự tới cai quản địa cầu.

Mt 23,23-26: Phải làm những điều này, và không bỏ các điều kia.

Thánh Phaolô kêu gọi dân thành Thêxalônica “hãy nắm giữ truyền thống anh em đã học biết.” Trong kinh Tin Kính, ta tuyên xưng có một Hội Thánh duy thánh, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Yếu tố truyền thống đóng một vai trò quan trọng trong việc gìn giữ nếp sống của cộng đoàn.

Giáo hội tưởng nhớ Thánh Monica một ngày trước ngày lễ của thánh Augustinô. Ngài sống một cuộc đời đau khổ nhưng luôn hy vọng và tin tưởng vào Chúa. Do đó, ngài đã có một kết thúc có hậu. Thánh Monica cầu nguyện với Chúa về những gì bà lo cho người khác, đặc biệt là Augustinô. Ngài biết bản thân yếu đuối và tự thân không thể làm cho những thành viên trong gia đình hoán cải. Chính vì thế, ngài đã tận trung trong những việc tốt lành kèm với nước mắt và lời nài van Thiên Chúa.

Tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo hội một mẫu gương thật đẹp để phát huy truyền thống của tiền nhân. Để gìn giữ và phát triển truyền thống thì ta cũng noi gương thánh nữ mà chu toàn các cam kết, quy ước. “Phải làm những điều này, và không bỏ các điều kia” như Tin mừng Matthêu căn dặn đòi hỏi ta phải vững vàng tin tưởng cùng với một lòng mến thiết tha. Nguyện cho các bà mẹ tìm được sự an ủi và niềm vui trong gia đình và trong Chúa và xin cho những người con biết làm cho mẹ mình vui bởi những quan tâm, cầu nguyện mỗi ngày.



 

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu chạnh lòng thương bà góa thành Nain nên đã ra tay cứu sống đứa con của bà.

Sau khi Chúa Giêsu cứu sống đứa con trai của bà góa thành Nain thì dân chúng kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa, họ nói: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.”

Nhưng nếu tìm hiểu sâu hơn nữa, chúng ta thấy nếu dân chúng ngày xưa chỉ tôn vinh Thiên Chúa về việc cho người chết sống lại thì chưa đủ, giống như việc Chúa Giêsu đã nói với những người do thái thời xưa, sau phép lạ hóa bánh ra nhiều: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6,26). Mà chúng ta cần phải hiểu là việc tôn vinh Chúa ở chỗ là Chúa đã ban cho con người nhất là ban cho người mẹ có được một tình mẫu tử thiêng liêng không có gì có thể thay thế được. Chúng ta thấy Chúa chạnh lòng thương vì tình thương của người mẹ dành cho người con, Chúa thấy người mẹ khóc đứa con của mình.

Chúng ta cũng hãy nhớ lại câu chuyện người phụ nữ canaan có đứa con bị quỷ ám, đến kêu xin Chúa và Chúa nói với bà: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Bấy giờ Đức Giê-su đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” Từ giờ đó, con gái bà được khỏi” (Mt 15,22-28). Đó là tình mẫu tử thiêng liêng mà Chúa ban cho những người làm mẹ, sẵn sàng hy sinh cho con cái của mình.

Có một đứa bé sắp chào đời. Nó bèn hỏi Thượng Đế: Họ nói ngày mai Người sẽ đưa con xuống trần gian, nhưng làm sao con sống nổi ở đó khi mà con quá nhỏ bé và bất lực như thế này?

Thượng Đế đáp: Trong số những thiên thần, ta đã chọn cho con một người. Thiên thần của con sẽ đợi con và chăm sóc con chu đáo.

Đứa bé lại nài nỉ: Nhưng giờ này con sẽ không phải làm việc, ngoài khóc lóc và vui cười hạnh phúc chứ?

Thượng Đế đáp: Thiên thần của con sẽ hát cho con nghe và cũng sẽ tươi cười với con mỗi ngày. Con sẽ cảm nhận được tình thương của người dành cho con và con sẽ thấy rất hạnh phúc.

Đứa bé lại hỏi: Và làm sao con có thể hiểu được khi họ nói chuyện với con bằng một ngôn ngữ mà con chưa hề biết đến?

Thượng Đế trả lời: Thiên thần của con sẽ nói với con bằng những ngôn từ nhẹ nhàng và đẹp đẽ nhất mà con chưa từng được nghe, đồng thời với sự nhẫn nại và cẩn trọng, thiên thần của con sẽ dạy con biết nói.

- Con nghe nói chốn trần gian lắm kẻ xấu xa. Ai sẽ bảo vệ con?

- Thiên thần của con sẽ hộ trì con ngay cả khi điều đó đe dọa đến tính mạng của người.

- Nhưng con sẽ rất buồn vì không còn được nhìn thấy Ngài nữa.

- Thiên thần của con sẽ luôn nói với con về Ta, và dạy con cách thức quay về với Ta…

Vào giây phút đó, ở nơi thiên đường ngập tràn an lạc, nhưng người ta vẫn có thể nghe thấy những tiếng gọi vang vọng từ cõi thế, và đứa bé vội vàng hỏi Thượng Đế: Thưa Ngài, nếu con phải đi ngay bây giờ, xin hãy cho con biết tên thiên thần hộ mạng của con.

- Tên của người không quan trọng, con chỉ đơn giản gọi người là “MẸ”.

Hôm nay lễ thánh nữ Mônica, chúng ta thấy thánh nữ chính là thiên thần mà Chúa ban cho thánh Augustino, chính nhờ mẫu gương tốt lành, chính nhờ những giọt nước mắt, mà Chúa đã ban ơn, giúp cho Augustino ăn năn trở về với Chúa.

Xin cho mỗi người chúng ta là những người mẹ, là những người cha, ý thức mình là thiên thần mà Chúa ban cho con cái của chúng ta, để yêu thương, nâng đỡ, gieo vào tâm trí của con em mình những tư tưởng tốt lành, để giúp con em của mình sau này cũng là những thiên thân tốt lành như mỗi người chúng ta. Amen.




Thứ Tư - Tuần XXI Thường Niên
Thánh Augustinô, giám mục, TsHT. Lễ nhớ.

(2Tx 3,6-10.16-18; Mt 23,27-32)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

2 Tx 3,6-10.16-18: Nếu ai không muốn làm việc thì đừng có ăn.

Tv 128,1a: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa.

Mt 23, 27-32: Các ngươi là con cháu những kẻ đã giết các tiên tri.

Lời của thánh Phaolô: “Nguyện chúc ân sủng của Chúa chúng ta, là Đức Giêsu Kitô, ở cùng tất cả anh em” như là một khích lệ lớn lao. Thánh Phaolô cũng khuyên mọi người hãy ‘siêng năng’ làm việc theo đường lối của Chúa.

Trong mắt người đời, Augustinô có đầy đủ các điều kiện để thành công, cho dù ông có đời sống phóng túng. Nhưng trong mắt người mẹ của ngài, thì những ‘khôn ngoan trần thế’ lại đối nghịch với sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Bước theo Chúa Giêsu có gì đó như ngược dòng, nhưng chính vì sự khác biệt đó ta có thể nhận ra ánh sáng nơi tối tăm, tìm thấy nguồn nước nơi sa mạc cằn khô cát đá, tìm thấy những ngọt ngào sau những khó khăn…Đó là hạnh phúc thật sự.

Thánh Augustinô, từ một người có tuổi trẻ dữ dội, sau khi chịu phép rửa đã chọn sống đời khổ hạnh. Khi trở thành Giám mục, ngài đã dành 34 năm để chăm sóc đoàn chiên và huấn luyện họ. Đồng thời để lại cho đời những suy tư sâu sắc. Dù Augustinô trở lại có chút muộn màng nhưng đó là sự khôn ngoan Chúa dành cho. Augustinô cảm nghiệm: “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con…,” và ta cũng xin như vậy. Tạ ơn Chúa.

 

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

Như vậy vấn đề đặt ra đó là làm nhỏ có phục vụ hay không, hay chúng ta ngang hàng với nhau, có phục vụ nhau hay không?

Chúng ta biết, đoạn tin mừng chúng ta vừa nghe lấy bối cảnh trong lời giảng dạy của Chúa Giêsu về việc giả hình của những người biệt phái và Pharisieu: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi”” (Mt 23, 2-7). Nghĩa là họ làm lớn mà họ không chịu phục vụ, bắt người khác phục vụ mình, nên Chúa dạy người làm càng lớn thì phải càng phục vụ.

Như vậy, chúng ta phải hiểu không phải chỉ có người làm lớn mới phục vụ, mà chúng ta làm nhỏ, chúng ta ngang hàng với nhau, chúng ta cũng phải phục vụ lẫn nhau, hay nói cách khác đó là chúng ta cùng cộng tác với nhau để hoàn thành một công việc nào đó, vì đó là bổn phận chung của tất cả mọi người, chứ không phải của riêng ai.

Một cậu bé hớn hở chạy vào khoe với người cha đang cặm cụi rửa bát ở trong bếp: Ba ơi, con vừa mới giúp mẹ lau xong nhà rồi nè.

Người cha dừng lại và nghiêm nghị nói: Con à, sau này đừng bao giờ giúp mẹ làm việc nhà nữa nhé.

Đứa bé khó hiểu thắc mắc: Tại sao lại không được giúp ạ?

Lúc này người cha mới ôn tồn giải thích: Con thấy đấy, mỗi lần ba rửa bát có nói là giúp mẹ rửa không, mỗi lần ba dọn nhà có nói là giúp mẹ dọn không, tại sao vậy?

Tại vì chúng ta đều đang sống dưới cùng một mái nhà, chúng ta đều phải ăn cơm, đều cần dùng chén bát, mọi thứ trong ngôi nhà này chúng ta cũng đều đang dùng chung như nhau, vậy nên từ sau con đừng bao giờ nói là giúp mẹ làm việc nhà nữa nhé, chúng ta chỉ đang làm việc mà chúng ta nên làm, cần làm. Đó cũng là trách nhiệm của mỗi người sống trong căn nhà này.

Những lời này của người cha có thể sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời của đứa bé, khiến trẻ cảm nhận được bản thân phải có trách nhiệm, nuôi dưỡng đức tính tự lập và biết yêu thương người phụ nữ của mình.

Trẻ con vẫn hay lầm tưởng rằng tất cả việc nhà đều là trách nhiệm của mẹ, và chúng chỉ đang gánh vác phần việc mà đáng ra chúng không phải làm. Cha mẹ có thể giải thích cho con hiểu rằng, ở nhà không có gì gọi là GIÚP, nếu có thì chỉ có trách nhiệm và đảm đương.

Xin cho chúng ta ý thức được trách nhiệm của mỗi người chúng ta, đương nhiên là làm lớn là phải phục vụ, nhưng chúng ta cũng ý thức trách nhiệm của mình nữa, để mỗi người cùng phục vụ nhau, cùng chia sẻ công việc với nhau, có như thế công việc của chúng ta không chỉ được thực hiện, nhưng được thực hiện với niềm vui không so đo tính toán. Amen.




Thứ Năm - Tuần XXI Thường Niên
Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết. Lễ nhớ.

(Gr 1,17-19; Mc 6,17- 29)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Gr 1,17-19: Hãy chỗi dậy và hãy nói với tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi.

Tv 71,15ab: Con sẽ tường thuật ơn cứu độ Ngài ban.

Mc 6,17-29: Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu của Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa.

Cuộc Khổ nạn của Thánh Gioan Tẩy Giả giúp chúng ta nhận ra tất cả những chuyển động trong cuộc đời của ngài xung quanh Chúa Giêsu. Trong sứ mệnh của mình, Gioan luôn hăng hái dọn đường cho Chúa Giêsu. Ngài dọn đường và san bằng các lối đi cho Chúa. Ngài loan báo sự hiện diện của Chúa Giêsu và chỉ ra Ngài là Đấng Mêsia: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,36).

Cuối đời, Gioan bị cầm tù khi rao giảng sự tự do của Đấng Cứu Thế cho những người bị nô lệ bởi tệ nạn của họ. Gioan đã nói với Hêrôđê: “Nhà vua không được phép chiếm lấy vợ anh mình”. Hêrôđê đã tống giam Gioan vì lẽ đó. Ở đây, ta thấy Gioan đã thực hành lời trong sách tiên tri Giêrêmia: “hãy nói với tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi.” Vì sự trung thành làm chứng của Gioan và sự kiêu hãnh của Hêrôđê, nên Gioan đã rơi đầu như vũ nữ yêu cầu. Ta cũng hy vọng chứng nhân của Gioan có thể khích lệ ta can đảm làm chứng cho đức tin. Giống Gioan, đời sống Kitô hữu của ta cũng phải tập trung vào Con Người của Chúa Giêsu để tìm ra lẽ sống. Gioan đổ máu vì lỗi của người khác. Chúa cạn nước và máu vì lỗi của nhân loại. Ta có thể hy sinh chứ không thể làm ngơ với sai lỗi.



 

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy lý do Gioan Tẩy Giả bị tống ngục cũng như bị giết chết, vì ông đã lên tiếng cho sự thật.

Và chúng ta biết cái chết của Gioan tẩy giả cũng báo trước cái chết của Chúa Giêsu, vì Gioan tẩy giả là người dọn đường cho Chúa Giêsu, ông không chỉ dọn đường bằng lời nói, mà còn bằng chính cái chết của mình.

Trở lại vấn đề của chúng ta, chúng ta thấy Gioan Tẩy Giả lên tiếng cho sự thật nên ông đã chịu chết, nhưng sau cái chết đó ông đã hoàn thành sứ mạng dọn đường của mình. Như vậy, lên tiếng cho sự thật mặc dầu ở đời này có thể bị bách hại, nhưng sẽ được hưởng hạnh phúc ở đời sau, mà đối với người Kito hữu thì đời sau mới là hạnh phúc thật sự mà mỗi người cần hướng đến.

Chúng ta hãy nhớ câu chuyện ông phú hộ có nhiều của cải là một minh họa cho chúng ta: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu! Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã! Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12,16-21).

Nhưng bên cạnh đó, khi chúng ta lên tiếng cho sự thật, khi chúng ta sống thật chúng ta cũng có thể hưởng được hạnh phúc ở đời này, và cả hạnh phúc đời sau nữa, chứ không phải ai sống theo sự thật sẽ đều gặp những khó khăn, đều gặp những thập giá.

Chúng ta thấy được mẫu gương của ông Giop trong kinh thánh là một minh họa cho chúng ta, dù ông bị thử thách nhưng ông vẫn một lòng phó thác vào Chúa, chính vì thế mà sau này Chúa đã ban cho ông được gấp đôi những gì mà ông đã mất.

Hay anh trộm lành trong giờ phút cuối cùng đã tin Chúa, đã sống sự thật, nên đã được Chúa hứa ban thưởng nước trời, và chúng ta thấy mặc dầu giây phút hạnh phúc đó ngắn ngủi thôi, nhưng chắc chắn anh rất hạnh phúc.

Hiểu được như vậy, nếu cho chúng ta chọn lựa giữa việc sống chân thật với sống giả dối chúng ta sẽ chọn lựa cái nào, điều nào sẽ có lợi cho đời sống của chúng ta? Thưa đó chính là sống chân thật, sống theo sự thật sẽ có lợi cho đời sống của chúng ta.

Xin cho chúng ta thấy được cái lợi của việc sống sự thật, để chọn lựa sống sự thật trong đời sống của chúng ta để làm vinh danh Chúa, và mưu ích cho chính đời sống của mình và cho người khác. Amen.




Thứ Sáu Tuần XXI Thường Niên

(1Cr 1,17-25; Mt 25,1-13)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Cr 1,17-25: Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm đối với người đời, nhưng là sự khôn ngoan đối với những người Thiên Chúa kêu gọi.

Tv 33,5b: Địa cầu đầy ân sủng của Chúa.

Mt 25,1-13: Kìa chàng rể đến, hãy ra đón người.

Các bài đọc hôm nay đề cập đến cách chuẩn bị khôn ngoan cho ngày cuối cùng của cuộc đời. Dụ ngôn năm cô khôn ngoan và năm cô khờ dại chờ đón chàng rể là một bài học dễ nhớ để nhắc đến phần kết của cuộc đời. Cái chết là một phần của cuộc sống. Không ai có thể tránh khỏi cái chết. Chỉ có ai sẵn sàng thì mới có thể đón Chúa.

Thời gian gần đây, những cái chết đến bất ngờ với nhiều người. Người chết vì tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, ung thư, tai nạn, thiên tai, đại dịch,… Chuẩn bị tinh thần cho cái chết là rất cần thiết. Tất cả mọi người đều biết cái chết của mình sẽ xảy ra vào một ngày nào đó. Tuy nhiên, thái độ của ta dường như không thể hiện gì cho ngày đó. Ta chuẩn bị gì cho linh hồn để sẵn sàng cho cái chết? Các Kitô hữu được dạy rằng ta phải sạch tội trọng và phải thường xuyên lãnh nhận Bí tích hòa giải và Bí tích Thánh Thể.

Tin mừng như một lời nhắc nhở, nhưng đây cũng là một cơ hội để ta tỉnh thức. Vì vậy, ta cần ơn Chúa để ý thức từng giây phút như thể ta đang thở hơi cuối cùng trong thân xác này. Hãy sẵn sàng để gặp Chúa.



 

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu kể dụ ngôn 5 cô khôn ngoan và 5 cô khờ dại để dạy mỗi người chúng ta bày học phải thường xuyên kiểm điểm lại đời sống của mình để xem mình còn thiếu điều gì thì tu bổ thêm, còn dư điều gì thì cắt bỏ đi, để đời sống thiêng liêng của chúng ta sinh nhiều hoa trái.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện Chúa Giêsu đã nói: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15,1-2). Chúng ta để ý đến câu nói: cành nào không sinh hoa trái thì bị chặt đi, còn cành nào sinh hoa trái thì cũng bị cắt tỉa để sinh nhiều hoa trái, nghĩa là dù có sinh trái hay không sinh trái cũng bị chặt đi, cũng bị cắt tỉa, vì chưa đủ hoàn thiện.

Nên trong đời sống, chúng ta đừng nên tự hào về điều gì cả, tự hào rằng mình đầy đủ, tự hào là mình tài giỏi, tự hào là mình hoàn hảo, bởi vì không ai là hoàn hảo cả, nếu chúng ta tự cho mình hoàn hảo thì coi chừng chúng ta không còn sống nữa, chúng ta hãy nhớ lại, Chúa Giêsu đã từng nói: “Anh em hãy nên hoàn thiện như cha anh em trên trời là đấng hoàn thiện”, nên chỉ có lên trời mới nên hoàn thiện được mà thôi.

Có một triết gia Descartes đã nói như thế này: “Tôi suy tư tôi hiện hữu” cogito ego sum, câu nói này là câu nói triết học, biết mình suy tư là biết mình còn hiện hữu, nhưng nếu nhìn với cái nhìn khác thì suy tư không phải chỉ để biết mình hiện hữu mà còn để hoàn thiện bản thân.

Chúa Giêsu thì nói: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17), Chúa Cha làm việc, Chúa Giêsu làm việc không phải vì công trình tạo dựng không hoàn hảo, không tốt đẹp, vì khi tạo dựng thì kinh thánh nói: Thiên Chúa thấy mọi sự đều tốt đẹp, nhưng Thiên Chúa Cha làm việc, và Chúa Giêsu làm việc để tiếp nối công trình tạo dựng của Thiên Chúa Cha, cho đến ngày tận thế.

Hiểu được như vậy, chúng ta được mời gọi hoàn thiện bản thân mỗi ngày, cắt tỉa bản thân mỗi ngày, nhìn lại đời sống của mình mỗi ngày, để chính mình nên hoàn thiện, và cũng giúp cho người khác được nên hoàn thiện giống như mình. Amen.




Thứ Bảy Tuần XXI Thường Niên

(1Cr 1,26-31; Mt 25,14-30)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Cr 1,26-31: Thiên Chúa đã chọn những điều hèn hạ đối với thế gian.

Tv 33,12: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình.

Mt 25,14-30: Vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi.

Thư của Phaolô nhắc rằng, “Thiên Chúa đã chọn những điều hèn hạ đối với thế gian.” Mỗi người Kitô hữu đã đón nhận nén bạc Chúa trao và ước mong sao từng người cũng làm hết khả năng của mình để sinh lợi cho Thiên Chúa. Với lòng thành tâm, tin rằng chúng ta sẽ vượt thắng những gian lao, cho dù những gì ta thực hiện có thể là nhỏ bé, hèn kém, không ai muốn để mắt tới hay chạm tay vào.

Làm cho người ta thấy mình trung tín không bằng chính mình tín trung từ trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Người ta thường nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức.” Có người đối diện với tiền tài, danh vọng đã đánh mất chính mình. Rất nhiều người từng là quản lý, đốc công, giám sát…làm việc rất tốt thời gian đầu, nhưng rồi “nén bạc đâm toạc tờ giấy” cho nên liêm sỉ, uy tín đã phải nhường chỗ cho tham vọng và bất trung. Ngày nay liêm khiết một mình thì khó tìm được đất sống. Ai trung thực mà lẻ loi thì dễ bị đánh hội đồng cho ‘thất điên bát đảo’. Sự trung tín Chúa dạy là một bài học quý báu cho chúng ta sống chứng nhân giữa dòng đời. Học từ Thiên Chúa, ta thấy sự tốt lành và trung tín là điều có lợi cho ta trước mặt Chúa. Chúng ta cần trung tín để làm sáng danh Chúa theo tinh thần của Tin mừng. “Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình.”



 

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy dụ ngôn ông chủ trước khi đi xa giao cho các đầy tớ người này 5 nén, người khác 2 nén, người khác nữa một nén, và tin mừng nói rõ là tùy theo khả năng của mỗi người. Và chúng ta thấy người được giao 5 nén làm lợi 5 nén khác, người được giao 2 nén làm lợi được 2 nén khác, trong khi đó người được giao 1 nén thì không làm lợi được nén nào cả, điều này cho chúng ta thấy được ý nghĩa gì? Thưa đó là người làm lợi thêm được 5 nén, và người làm lợi thêm được 2 nén đó là những con người có trách nhiệm, còn người không làm lợi được nén nào đó là con người vô trách nhiệm.

Vì sao vô trách nhiệm? Theo tin mừng nói là vì anh ta biếng nhác anh ta hư thân, nhưng nếu tìm hiểu sâu thì nguyên nhân sâu xa của sự biếng nhác của sự hư thân đó là không nhận ra được giá trị của mình đã lãnh nhận, để rồi phải biết mình cũng phải có bổn phận để lại giá trị cho cuộc đời này, dù là ngắn ngủi hay lâu dài, vì mình nhận được quá nhiều, chính vì thế mà ông chủ đã nói với người không sinh lời: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!”

Có một câu chuyện kể về một cụ già đang lom khom miệt mài làm việc trong vườn cây ăn trái, tình cờ ông chủ tịch xã đi ngang qua.

“Chào cụ. Chắc hẳn cụ đã nhiều tuổi lắm?” – ông chủ tịch lên tiếng.

“À, tôi năm nay gần trăm tuổi rồi đấy” – cụ già trả lời.

“Ồ! Thế mà cụ vẫn đang trồng cây ăn trái?”

“Đúng vậy” – cụ già gật đầu.

“Này cụ” – ông chủ tịch lắp bắp, rất đỗi ngạc nhiên – “Chắc là cụ không nghĩ mình sẽ được hái quả của những cây mà cụ đang trồng đấy chứ? Tôi không hiểu cớ gì cụ phải tự hành khổ mình như vậy?!”

“Dĩ nhiên, đây là công việc nhọc nhằn. Nhưng ông thử nghĩ xem, khi tôi đến với cuộc đời này, thì lúc ấy đã có sẵn bao nhiêu thứ tốt lành chờ đón tôi. Tôi muốn khi mình từ giã cuộc đời này, cũng có sẵn nhiều thứ tốt lành đón chờ bao người khác.”

Xin cho chúng ta cũng có được tư tưởng tốt lành như thế, ý thức được mình đã lãnh nhận quá nhiều, thì chúng ta cũng hãy để lại những gì là tốt lành, cái mà chúng ta đã lãnh nhận từ Chúa, đã lãnh nhận lại từ người khác là những dụng cụ của Chúa, để lại cho người khác, khi đó chúng ta đang làm sinh lợi những nén bạc Chúa đã ban cho chúng ta. Amen.